Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Chủ quyền không thể tranh cãi

Nguyễn Văn Tuấn - Chủ quyền không thể tranh cãi



Cứ mỗi lần họp báo hay phát biểu liên quan đến Biển Đông, viên phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN đều nói câu “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Rồi hết. Mới nghe lần đầu thì cũng tàm tạm. Nghe đến lần thứ hai, thứ ba, và sau đó, tôi không thèm để ý đến câu đó nữa, vì nghĩ nó đã trở thành loại “thần chú” của giới ngoại giao VN. Tôi tự hỏi chẳng lẽ VN không có cách nào nói khác đi, không sáng tạo được thêm câu chữ nào cho cái ý đó, mà phải lặp đi lặp lại cứ như là thần chú?

Thật ra, tôi cũng không chắc câu đó là một sáng kiến của VN hay là copy từ Tàu cộng. Tôi nói vậy là vì Tàu cộng mỗi lần họp báo họ cũng nói như thế. Chẳng hạn như viên phát ngôn Bộ Ngoại giao Tàu cộng nói “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Nam Sa”. Chú ý “Nam Sa” ở đây có nghĩa là “Trường Sa”. Hai câu nói gần như y chang nhau. Cũng “chủ quyền”, cũng “không thể tranh cãi”. Nhưng câu của Tàu cộng mạnh mẽ hơn. Tôi không rõ là VN bắt chước câu này của Tàu cộng, hay Tàu cộng ăn cắp từ VN. Vì trong chính trị, VN chỉ là một phiên bản của Tàu và hay học theo ý tưởng của Tàu, nên tôi nghiêng về giả thuyết VN bắt chước câu nói của Tàu.

Nếu giả thuyết đó đúng thì người Việt nên cảm thấy nhục nhã. Nhục là vì bắt chước kẻ thù. Đến nỗi một câu tuyên bố về chủ quyền mà còn bắt chước kẻ thù thì còn gì để nói. Nếu giả thuyết đó đúng thì phía VN chỉ như con két lặp lại những gì con két lớn kia nó đã nói.

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Nếu đúng như câu tuyên bố đó thì tại sao cho đến bây giờ VN vẫn chưa có hành động gì thiết thực để đòi lại Hoàng Sa, tại sao không kiện Tàu cộng ra toà án quốc tế? Tại sao không cung cấp tài liệu cho các học giả VN viết bài công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế. Nói tóm lại, chỉ tuyên bố một câu chung chung như thế mà không có hành động gì thiết thực thì chỉ là một kiểu nói cho có, nói cho xong, rồi thôi. Đó là một kiểu làm thiếu trách nhiệm.

Thời gian gần đây, chúng ta thấy có khá nhiều quan chức từ nhiều viện và trung tâm nghiên cứu về hải đảo và biên giới phát biểu. Hồi nào đến giờ tôi đâu biết VN có Uỷ ban biên giới, Ban biên giới quốc gia, Tổng cục biển và hải đảo, Quĩ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Viện Biển Đông, v.v. nói chung là khá nhiều. Một số những người này xuất hiện dưới danh hiệu tiến sĩ, giáo sư, v.v. Nhưng xem qua những phát biểu của họ tôi chẳng thấy có ý gì mới, vì trước đó có khá nhiều nhà nghiên cứu ngoài luồng Nhà nước (chủ yếu là nước ngoài) đã nói đến khá đầy đủ. Một điểm khác tôi để ý là các chuyên gia quốc doanh này thường phát biểu rất chung chung, hời hợt, cứ như là người ngoại đạo như tôi đang đọc tin tức! Điều làm tôi hơi phiền là thỉnh thoảng họ lại “tụng niệm” câu tuyên bố của Bộ Ngoại giao!

Nếu cứ mỗi lần họp báo mà quan chức ngoại giao phải lải nhải câu đó thì người nghe cảm thấy đó là sự tra tấn. Chẳng lẽ quan chức ngoại giao VN sáng dạ và thông minh mà không còn gì để nói? Nếu muốn nói câu đó thì nên suy nghĩ một câu nào mạnh mẽ hơn và mới hơn, chẳng hạn như “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, và điều đó là một sự thật,” hay “Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sự thật lịch sử. Việt Nam không bao giờ chấp nhận tuyên bố chủ quyền của China trên hai quần đảo đó.”
( Theo FB Nguyen Tuan )

Đỗ Trọng Khơi - Ý tưởng vui trong một ngày buồn


Hôm nay, 27/7 - ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi được mẹ già ở quê gửi cho sáu trăm ngàn, nói là quà nhà nước, phần dành cho con liệt sỹ đang hưởng chế độ lương nuôi dưỡng vì mất sức lao động. Lòng tôi thêm bội phần nhớ thương người cha liệt sỹ của mình, cũng như không tránh được sự suy nghĩ về chiến tranh, ý nghĩa của cuộc chiến Nam - Bắc kéo dài gần phần tư thế kỷ 20.

 Với riêng tôi, một người con, cho dù ý nghĩa xã hội của cuộc chiến và chiến thắng có lớn lao đến đâu, cần hay không cần, thì người cha của tôi cũng đã mất. Ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ, 36 tuổi. Ông mất đi trong lúc chị em tôi còn thơ dại, đang rất cần được sự chăm sóc, che chở của ông!

         Cuộc chiến tranh mà cả hai phía chiến tuyến đều nêu ý nghĩa và nghĩa vụ của mình là giải phóng, đánh bại phía bên kia. Giải phóng nửa phần đất nước đang nằm trong tay chế độ "Nguỵ quyền bán nước", giải phóng nửa phần dân tộc đang "chìm trong chủ nghĩa Tư bản". Đấy là tư tưởng chiến đấu của người chiến sỹ phía miền Bắc, còn người chiến binh phía miền Nam nghĩ gì về ý nghĩa giải phóng miền Bắc của họ? Chắc ý nghĩ cũng từa tựa vậy. Rằng giải phóng nửa phần đất nước trong tay Việt cộng, tay sai của Tàu cộng, Xô cộng và giải phóng nửa phần dân tộc đang chìm trong chủ nghĩa Cộng sản…vv. Dù với lý do nào thì cuộc chiến dài dằng dặc và đẫm máu trong cảnh huynh đệ tương tàn là một sai lầm không thể bao biện, của giới lãnh đạo cả hai bên chiến tuyến.

         Phải cho tới những ngày này, khi chiếc giàn khoan HD 981 của người bạn Cộng sản khổng lồ Trung Quốc đến đặt và khoan sâu vào thềm lục địa Việt Nam thì "giấc mộng" hoà bình, hợp tác, hữu nghị và XHCN tan tành mây khói, người Việt Nam mới hoàn toàn tỉnh giấc. Hoá ra bấy nay Việt Nam đã tin vào những thứ siêu hình hoang tưởng, viển vông, lệ thuộc, mất chủ quyền độc lập, thậm chí còn tiềm ẩn hiểm hoạ dẫn đến mất nước. Thì "Sơn thuỷ tương liên / Văn hoá tương đồng / Tư tưởng tương thông / Vận mệnh tương quan", cứ sát sạt 16 chữ vàng này mà thực thi chả dẫn nước đến ngày mất nước còn là gì nữa. Mới vỡ lẽ ra Cộng sản - Đại đồng - đồng nghĩa cái gi gỉ gì cũng sẽ thuộc về Trung Quốc hết. Đâu đó từng dẫn lời, cho rằng của ông Mao Trạch Đông, là "Trung Quốc muốn nhìn Việt Nam đánh Mỹ tới người cuối cùng…" Đúng sai câu nói này dù chưa dễ xác định, song ngày nay Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách khống chế, buộc giàng Việt Nam lệ thuộc vào mình, từng bước với chiến thuật tằm ăn dâu, ăn dần từng tấc đất biên địa và hải đảo của Việt Nam, nhằm cơ hội chiếm Việt Nam làm khu tự trị kiểu Tân Cương, Tây Tạng. Còn lý lẽ nào biện minh khác?

         Đồng thì sẽ Hoá!

         Và, cũng phải cho tới ngày này, khi thành luỹ cuối cùng của CNXH Trung Quốc chính thức nã "quả tên lửa đạn đạo chí tử" vào niềm tin Việt Nam thì hai chữ Giải phóng - giải phóng miền Nam khỏi CNTB - Đế quốc khiến người Việt Nam tự vấn và âm thầm hiểu rằng mình đã đi sai hướng. Chúng ta đã "giải phóng" được những gì ? Giải phóng nửa phần đất nước ư? Quần đảo Hoàng Sa, rồi sau đó Gạc Ma, và đỉnh Lão Sơn cùng bao nhiêu km2 đất biên giới, vịnh Bắc Bộ đã mất vào tay Trung Quốc thì sao? Giải phóng tư tưởng, đưa miền Nam thoát khỏi chế độ TBCN có đúng đắn không, và có thực sự làm được điều này không? Câu trả lời "rõ dành dành như canh nấu mẻ" là không. Hoàn toàn không!

         Lẽ ra giờ này chả ai còn phải đặt câu hỏi, phải bàn cãi rằng sao đã đánh đuổi CNTB đi, nay lại phải coppi y xi bản chính cái mô hình kinh tế thị trường của TBCN mới mong thoát đói và hy vọng phát triển. Và sao không tìm đồng minh, đồng chí hướng xã hội là các anh Cu Ba, Bắc Triều Tiên, mà lại cần đến bọn Mỹ, Nhật, Úc, Asean… cùng các nước Tư bản khác để hiện đại hoá khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, dân chủ xã hội và gìn giữ lấy chủ quyền đất nước. Điều nghịch lý bỗng thành thuận lý, thành xu hướng tất yếu. Chỉ cần xét vậy đã thấy sự đúng sai, thật giả rồi.

         Vậy khi bản chất sự việc, xã hội "hai 5 đã rõ làm 10" như thế, chúng ta có nên tháo gỡ đi cái khẩu ngữ "Giải phóng miền Nam", hay "Giải phóng dân tộc" vẫn dùng day dứt mỗi dịp lễ tiết không? Không dùng chữ đó nữa thì nên dùng chữ nào thích hợp nhất để nói về ngày 30/4/1975?

         Theo tôi chỉ nên dùng một câu gọn gàng, chính xác nhất : THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC.

         Nói như cố PTT chế độ VNCH Nguyễn Cao Kỳ : "Chúng tôi cũng muốn thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em miền Bắc họ đã làm được điều này. Vậy tôi xin ngả mũ kính chào họ…" Qủa là sòng phẳng và chính xác.

         Để giải thích cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhằm thống nhất đất nước (dù cho hai miền Nam - Bắc, bên nào giành được chiến thắng cuối cùng, bên đó đều được xem là đã Thống nhất đất nước; hãy nhìn nhận thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hay thời loạn 12 xứ quân… ở nước ta; và hầu hết lịch sử các nước, ít hay nhiều họ cũng đều có những phen ly loạn như vậy), tất yếu khó tránh được câu hỏi, lý do vì sao đất nước đã bị chia đôi? Qủa thực cuộc chiến đau thương kéo dài gần phần tư thế kỷ, ngoài mục tiêu riêng mà chung giữa hai miền là Thống nhất đất nước, còn có mục tiêu hoàn toàn riêng biệt, là Ý thức hệ.

         Vậy có thể nói cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975, là cuộc chiến với mục đích "hai trong một" - Chiến tranh nhằm thống nhất đất nước và vì ý thức hệ. Chiến tranh để thống nhất đất nước là cuộc nội chiến, còn chiến tranh vì ý thước hệ, ở Việt Nam thế kỷ 20, phải nói thẳng là từ bên ngoài áp đặt vào, là ngoại xâm. Chiến tranh vì ý thức hệ, dù xẩy ra ở đâu, với bất kỳ quốc gia nào thì tính dân tộc, lợi ích của nhân dân đều bị xem nhẹ, bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Lợi ích của "nhóm lợi ích nội địa" và của "nhóm lợi ích xuyên quốc gia" mới là chính yếu. Đây là sự thật.

         Vậy đã rõ, vấn đề ý thức hệ, khi khối Đông Âu và Liên bang Xô Viết đã hoàn toàn khuất bóng, khi Trung Quốc cũng đã thành anh nhà hàng "treo đầu dê bán thịt chó" đến nỗi tình hữu nghị đồng chí đã bị anh ta phơi bày ra vẻ xấu xí, bỉ ổi và cũng nhờ vậy cái nền tảng ý thức hệ ở Việt Nam trong những ngày tháng này mới thêm rõ tính phù hư, gian dối, thiếu dưỡng khí hơn bao giờ hết.

         Tới đây xin thưa, về cá nhân, dù rất ít lòng tin song tôi không nói là CNXH không thể xây dựng thành công ở Việt Nam. Biết đâu mai kia Đảng CSVN sẽ xuất hiện một bậc toàn năng toàn trí. Lại đành phải chờ đợi. Và trước mắt đành tạm chia sẻ với ý kiến của ông TBT Nguyễn Phú Trọng: "… Không biết hết thế kỷ 21 này chúng ta đã xây dựng được thành công CNXH chưa…" Nhưng, lại "nhưng" không thể không tự vấn, đã rằng như thế thì chúng ta có nên mạo hiểm đưa dân tộc đi trên con đường chính ta đã tiên lượng trước 100 năm nữa cũng khó tới đích? Xin nhớ cho là phải cộng thêm vào số 100 này với 84 năm, tính từ năm thành lập Đảng CSVN 1930 tới 2014 - năm TBT Nguyễn Phú Trọng nói câu trên, và chúng ta đã nhiều phen đem cơ thể, khí huyết dân tộc ra thử nghiệm với đủ các loại vắc xin Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương, cùng đủ các loại cương lĩnh, nghị quyết,  nghị định, thông tư vv… mà đất nước vẫn trong tình trạng tiểu nông nghèo hèn, manh mún, thành tích giả tạo, lạc hậu. Đóng góp giá trị Việt cho nhân loại được thế giới họ xếp vào loại đội xổ, đứng trên có một nước duy nhất, là Libi.

         Ôi, 184 năm - nghĩa là bằng tám, chín thế hệ người Việt Nam đã và sẽ còn được đưa ra để trải đường, lót ổ. Qủa là chuyện ghê gớm lắm, không thể nói như đùa thế được!

         Cuộc chiến tranh ý thức hệ lẽ ra nó đã phải chấm dứt trong một nước Việt Nam thống nhất, độc lập tự lâu rồi. Thật vô cùng xót xa là nó đã không hề chấm dứt trong tư tưởng con người, ở cả hai chiến tuyến. Người chiến thắng chưa hoàn toàn bao dung, người chiến bại dường vẫn còn kia sự hận thù. Đây cũng là một thực tế. Lý lẽ bao biện cho mối lòng vị kỷ này, thật hợp với lời ta thán: "Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?" Bởi cái ý chí vị kỷ, vị thân đó chăng mà đất nước còn chìm đắm trong vòng vây tư tưởng thể chế, cơ chế, mà lợi ích dân tộc, nhân dân bị xao nhãng, thậm chí rất có thể nó được dâng như một cống vật cho ngoại bang, hoặc cho chính trái tim sân hận của mỗi người.

         Những ngày tháng này, đất nước đang lâm nguy trước hoạ xâm lăng, đang bồn chồn, dè dặt dấn bước cho khúc ngoặt xã hội mới, hơn bao giờ hết, nguyện xin ngọn lửa Ý THỨC HỆ được dập tắt trong lòng mỗi người, dù người thường dân hay đang lãnh đạo đất nước, hay người đã thất thế phải ra đi, dù cho nó còn hằn như một vết thương, hay đang đem lại lợi ích to lớn cho cá nhân mình đến đâu.

         Đạt tới hoàn cảnh xã hội đó, ngày 27/7 hằng năm hoàn toàn có thể trở thành "Ngày Kỷ Niệm Buồn" mang sức mạnh tri ân và nhắc nhở, lay động tâm thức, tình cảm cộng đồng xã hội cũng như riêng cho những gia đình Thương binh - Liệt sỹ - Tử sỹ toàn quốc, không phân chia Cộng sản, Cộng hoà. Vì lý do giản dị, Cộng Sản, hay Cộng hoà, nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, hay nhà Trịnh, nhà Nguyễn…thảy đều là con dân đất Việt, thuộc về tộc Việt.

         Mỗi vết thương của tình thương đau, chia sẻ đều cho hy vọng thành một giá trị!

         Tôi hằng mong núi rừng Trường Sơn sẽ được xây dựng thêm một nghĩa trang nữa cho những người lính chiến phía Việt Nam Cộng Hoà (cũ), lấy tên là NGHĨA TRANG TỬ SỸ TRƯỜNG SƠN, bên cạnh NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN dành cho những người lính hy sinh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Khi ấy, tình hoà hợp, đoàn kết dân tộc không chỉ đến với người đang sống, mà những làn hương khói thơm thảo từ những mộ phần liệt sỹ - tử sỹ toả sang vấn vít nhau, hẳn sẽ cho những linh hồn người lính trận niềm an ủi. Khi ấy nhân loại sẽ phải nghiêng mình trước giá trị nhân văn, văn hoá tinh thần, tình cảm con người Việt Nam.

         Một ý tưởng vui vui trong ngày kỷ niệm đầy đau thương, 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sỹ, nguyện mong sao ý tưởng này không chỉ là ý tưởng của riêng tôi.

  Đêm 27/7/2014

ĐTK
Tác giả gửi Quê Choa
( Theo Quê Choa )

Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí kiện Tổng thống Barack Obama

Ngày 30/7, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm giữ đã dọn đường để tiến hành một vụ kiện pháp lý đối với Tổng thống Barack Obama do vượt quyền hạn khi tiến hành luật cải cách y tế. 
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí kiện Tổng thống Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama
 Với tỷ lệ bỏ phiếu 225-201, Hạ viện Mỹ đã cho phép các luật sư của Cơ quan này soạn thảo các tài liệu pháp lý trong thời gian nghỉ hè của cơ quan này kéo dài 5 tuần bắt đầu từ ngày 1/8.

Động thái là một sự kiện quan trọng trong những tháng tới trong bối cảnh sẽ diễn ra chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ và Cộng hòa trước thềm các cuộc bầu cử vào cuối tháng 11 tới. Cuộc bầu cử sẽ xác định phe kiểm soát quốc hội vào năm tới.

Vụ kiện sẽ được tuyên bố theo hướng ông Obama đã vượt quá quyền hạn khi đơn phương đưa ra những thay đổi đối với đạo luật y tế, còn gọi là Obamacare.
( Vietnam+ )

Triều Tiên đang dần ‘thoát’ Trung Quốc?

Đăng bởi Kent Pham vào Thứ Năm, ngày 31 tháng 7 năm 2014

Dường như mối quan hệ giữa Triều Tiên – Trung Quốc đang có những trục trặc nghiêm trọng. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm tới hơn 50% trong nửa đầu năm nay.
Khu công nghiệp Keasong - biểu tượng của sự hợp tác 2 miền Triều Tiên. Mới đây, có thông tin cho rằng Triều Tiên đã quyết định mở thêm 14 khu công nghiệp để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế.
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), trong nửa đầu năm 2014, Triều Tiên mới chỉ nhập khẩu 58.387 tấn ngũ cốc các loại từ Trung Quốc, giảm 53% so với mức 124.228 tấn của năm trước đó.

Theo đó, đứng đầu danh sách nhập khẩu là bột mỳ với 40.142 tấn, tương đương 68,8%, tiếp theo là gạo và ngô với 13.831 tấn và 3.420 tấn.

Rõ ràng, dù chỉ là những con số khô khan nhưng nó cho thấy một “sự rạn nứt” hay trục trặc nào đó trong mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh thân thiết này bởi Triều Tiên vẫn là một quốc gia luôn trong tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng và nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc của Bình Nhưỡng không hề giảm.

Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm quá lớn này có thể là hệ quả do mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên trong những tháng gần đây. "Gần đây, đã xuất hiện khá nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang dịch chuyển nền kinh tế của mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đồng thời đa dạng hóa các đối tác kinh tế nước ngoài", Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nói.

Không chỉ giảm kim ngạch nhập khẩu trong mặt hàng ngũ cốc, lượng phân bón của Trung Quốc sang Triều Tiên cũng đã giảm 21,3% và dừng ở mức 109.531 tấn trong 6 tháng đầu năm 2014.

Trên thực tế, Triều Tiên vẫn là một quốc gia khá khép kín và “bí ẩn” về mọi mặt, kể cả trong vấn đề quan điểm hay lập trường ngoại giao. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước đến nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có khá nhiều dấu hiệu cho thấy ông không hề muốn duy trì sự lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc như trước kia. Thậm chí, ông Kim Jong-un còn nhiều lần thẳng thừng phớt lờ Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế - điều chưa từng xảy ra dưới thời các nhà lãnh đạo trước của đất nước này.

Đơn cử, khi Triều Tiên quyết định tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ 3 hồi giữa năm 2013, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi, thuyết phục, thậm chí là đã bỏ phiếu tán thành các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Bình Nhưỡng nhưng cuối cùng ông Kim Jong-un vẫn “chẳng thèm quan tâm”.
Binh sỹ Triều Tiên được huy động đi lao động ở ngay sát biên giới giáp Trung Quốc
Sự thất bại trong việc “điều khiển” Triều Tiên khiến Trung Quốc mất mặt khá nhiều trên trường quốc tế. Trung Quốc đã rất bực bội khi không thể “khống chế” được Triều Tiên như trước và đến nỗi ông Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải tuyên bố “không quốc gia nào được phép đẩy một khu vực và thậm chí là cả thế giới vào tình trạng rối loạn chỉ vì lợi ích cá nhân”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho rằng những bình luận trên của ông Tập là chưa có tiền lệ.

Sự khó chịu của Trung Quốc được cho là vì Triều Tiên đã “tạo điều kiện” cho Mỹ tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở Đông Bắc Á, ở Thái Bình Dương, “vẽ đường” cho tàu chiến Mỹ áp sát biển Hoàng Hải, cho máy bay B-52, máy bay ném bom tàng hình B-2 hay tiêm kích F-22 có cớ ra vào khu vực cửa ngõ của Trung Quốc. Sự “bất trị” này còn cho thấy Triều Tiên đã không còn là “tấm lá chắn” hữu hiệu cho Bắc Kinh nữa.

Theo ông Tiết Lý Thái, một nhà nghiên cứu của Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế thuộc ĐH Stanford (Mỹ), trong cuộc gặp mặt giữa cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il hồi tháng 8/2009 tại Bình Nhưỡng, ông Kim đã không ngần ngại tuyên bố với Bill Clinton rằng tình cảnh cùng quẫn của Triều Tiên hiện nay là do chính sách “hại người, ích ta” mà Trung Quốc đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua với Triều Tiên. Thậm chí khi đó ông Kim Jong-il còn tuyên bố nước này có thể tiến hành các hoạt động “đe dọa hạt nhân” với Trung Quốc nếu Mỹ “chiều theo yêu cầu” của Triều Tiên.

Chưa hết, kể từ khi lên nắm quyền ở Triều Tiên đến nay, ông Kim Jong-un đã tiến hành “thanh lọc bộ máy quan chức cấp cao” mà theo phân tích của các nhà quan sát quốc tế thì thực chất đó là việc loại bỏ những “quan đại thần đã bị Trung Quốc điều khiển”. Ông chú họ Jang Song-theak và hầu hết các vụ thanh trừng mà ông Kim đã từng thực hiện đều nhằm vào những nhân vật có tư tưởng muốn lệ thuộc vào Bắc Kinh và đang nắm giữ một phần các hoạt động kinh tế của đất nước Triều Tiên gắn với đối tác ở Trung Quốc.

Chuyên gia Da Zhigang, giám đốc Viện Đông Bắc Á thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) có lần đã bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng: “Bình Nhưỡng đang tỏ ra rất cáu kỉnh và sốt ruột muốn rũ bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào Trung Quốc và tháo gỡ những vật cản quan trọng nhằm khai thông con đường đối thoại và bình thường hóa quan hệ với Mỹ”.
Cây cầu bắc qua sông Đan Đông - Cửa ngõ giao thương lớn nhất của Triều Tiên và Trung Quốc.
Trở lại với câu chuyện kim ngạch nhập khẩu Trung Quốc – Triều Tiên giảm mạnh trong nửa đầu năm nay. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của việc Triều Tiên tiến tới việc đa dạng đối tác kinh tế và dần mở cửa để xóa bỏ sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Hồi đầu năm 2013, nhật báo Frankfurter Allgemeine (Đức) đã từng loan tin, chính quyền Bình Nhưỡng đang xúc tiến việc tham vấn các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật pháp hàng đầu của Đức để xây dựng một nền tảng nhằm tiến tới mở cửa nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Lương Minh
( Infonet )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét