Nối lại ODA cho Việt Nam: Tại sao là Nhật?
(VNTB) Chỉ khoảng một tháng sau quyết định tạm ngừng viện trợ không hoàn
lại ODA cho các dự án quá nhiều tai tiếng ở Việt Nam, Tokyo lại tiếp
tục chương trình này.
Một động thái “lạ” từ phía nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Trong khi đó, vụ việc hối lộ tại Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản
(JTC) vẫn chưa có hồi kết. Những quan chức Việt Nam bị nghi nhận hối lộ
vẫn chưa được điều tra tới nơi tới chốn.
“Bò sữa”
Đã từ quá lâu, ODA là một loại sân chơi bòn rút dành riêng cho giới quan
chức tại một số cấp chính quyền trung ương và địa phương phụ trách lĩnh
vực này. PMU18 là một minh họa điển hình, khi vào năm 2006 vụ việc gây
chấn động này đã trở nên một hình ảnh tương phản kỳ quặc giữa người dân
thế giới chắt chiu đóng thuế và một kẻ như Bùi Tiến Dũng đục khoét tiền
viện trợ để tắm bia và mua dâm; giữa sự phát giác chỉ đến từ báo chí và
dư luận quốc tế và thói quen im lặng trong suốt một thời gian dài của
các cơ quan hữu trách Việt Nam.
Cho đến khi nổ ra vụ án PCI – Đại lộ Đông Tây ở TP.HCM năm 2008, dư luận
thế giới mới hiểu rõ chân tướng thực của những kẻ như Huỳnh Ngọc Sĩ và
tật đục khoét ký sinh đã trở nên trắng trợn hơn bao giờ hết. Một lần
nữa, người dân đóng thuế ở các nước phát triển lại có đầy đủ lý do để
quan ngại sâu sắc về môi trường vừa thiếu minh bạch vừa tràn lan tham
nhũng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, mà ODA chắc chắn là một hiện hình
trong số đó.
Nhưng từ năm 2006 đến nay, những kỳ quặc tiếp theo cũng lại đã xảy ra,
hầu như công khai, vì từ sau vụ PMU18, đã chẳng có bất kỳ trường hợp sâu
mọt nào trong lĩnh vực nhận viện trợ ODA được chính quyền Việt Nam chủ
động công bố. Những phát hiện từ cơ quan chức năng về hành vi vi phạm
ODA, dù chỉ rất ít về số lượng, nhưng cũng không vì thế mà được công
khai khi luôn tồn tại vô số rào cản vô hình ở phía trước.
Chỉ đến đầu tháng 6/2012, sự việc Đại sứ quán Đan Mạch phải đi đến quyết
định dừng 3 dự án viện trợ ODA cho Việt Nam, cùng lúc website của cơ
quan này đã đăng tải toàn bộ kết quả kiểm toán tài chính các dự án, mới
trở thành tiền lệ đầu tiên về phản ứng quyết liệt không tránh khỏi của
khối quốc gia phát triển đối với một đất nước đã có quá nhiều tiền lệ về
nạn tham nhũng, trong đó ODA luôn là một lĩnh vực được ví như “bò sữa”.
Ăn cắp vặt
Với nghi án nhận hối lộ từ JTC của Nhật Bản, một lần nữa, lời hứa “sẽ
kiên quyết chống tham nhũng” của một số quan chức quản lý nào đó của
Việt Nam lại có nguy cơ bị biến thành một thứ bong bóng ứ đầy bụng song
lại quá dễ để xì hơi.
Tật xấu của người Việt – một trạng thái nhận thức và lối hành xử ti tiện
trong nạn ăn cắp vặt, khiến cho chính chúng ta, những người dân Việt,
đã thường phải thốt lên lời ta thán về thể diện quốc gia đã rước vào
thân nỗi nhục quốc thể.
Vẫn còn đến 30 tỷ USD viện trợ ODA được các nhà tài trợ nước ngoài cam
kết giải ngân. Vẫn còn nhiều công trình giao thông sử dụng đậm vốn ODA
và nhiều dự án được xem là quốc kế dân sinh, xóa đói giảm nghèo ở nhiều
địa phương khác…
Nhưng nhìn vào một thời gian đắm chìm quá lâu của công tác quản lý vốn
ODA ở Việt Nam kể từ sau vụ PMU18, liệu các nhà tài trợ có nhất thiết
phải đổ tiền vào một môi trường vẫn thiếu minh bạch về tài chính cùng
nạn tham nhũng chỉ có tiến mà không chịu lùi?
Câu trả lời gần như là không còn cần thiết nữa, lồng trong cận cảnh gánh
nợ ODA sẽ tiếp tục chồng chất lên đầu người dân nghèo Việt như một cái
giá quá đắt phải trả thay cho giới ăn cắp vặt.
Tại sao là Nhật?
Việc Nhật Bản vẫn tiếp tục cung cấp nguồn tài chính ODA trong bối cảnh
nạn tham nhũng ODA đang tràn ngập ở Việt Nam cho thấy lợi ích kinh tế
của nước tài trợ là không phải nhỏ. Khác hẳn với trường hợp một số quốc
gia như Đan Mạch và Thụy Điển đã cắt giảm khá nhiều viện trợ ODA đối với
Việt Nam, nước Nhật dường như phụ thuộc nhiều hơn vào nghị trình đàm
phán TPP và chủ ý chính trị của người Mỹ.
Có lẽ đó cũng là nguồn cơn sâu xa và phần nào bí ẩn khi tại cuộc xem xét
báo cáo đầu ra của Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền đối
với Việt Nam vào tháng 6/2014, có đến 100% thành viên của Hội đồng nhân
quyền Liên hiệp quốc tán thành với báo cáo “đã thực hiện hơn 80% khuyến
nghị” của phái đoàn Việt Nam.
Trong trường hợp này, kinh tế khá thường song hành với chính trị.
Trường Sơn(Việt nam Thời báo)
Sự thật của chiến tranh Việt Nam
Trở lại cách đây vài thập niên, Nam
Việt Nam và Hoa Kỳ lúc đó đang chiến thắng cuộc chiến tại Việt Nam một
cách dứt khoát theo bất cứ thước đo nào
Đó không phải chỉ theo quan điểm của tôi. Đó cũng là quan điểm của kẻ thù của chúng ta: cán bộ nhà nước cộng sản VN.
(Người Việt)
Chiến thắng đã là điều hiễn nhiên khi
Tổng Thống Nixon ra lệnh không lực Mỹ dội bom các cơ sở kỹ nghệ và quân
sự tại thủ đô Hà Nội và tại thành phố cảng Hải Phòng.
Và sẽ ngưng dội bom nếu cộng sản Bắc
Việt đồng ý trở lại bàn hội nghị hòa bình tại Paris mà họ đã rời khỏi
trước đó. Cộng sản miền Bắc quả thực đã phải trở lại bàn hội nghị và
chúng ta ngưng dội bom như đã hứa.
Ngày 23/01/1973, Tổng Thống Johnson đọc
bài diễn văn trước toàn dân vào giờ cao điểm công bố rằng Hiệp ước hòa
bình đã được ký tắt bởi Hoa kỳ, Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam, VC(MTGP) và
sẽ được chính thức ký vào ngày 27/01/1973.
Những gì mà Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam đạt được từ hiệp ước là chiến thắng.
Tại Tòa Bạch Ốc, ngày này được gọi là “Ngày chiến thắng tại Việt Nam”
Hoa Kỳ đã bảo vệ cho chiến thắng này với một điều cam kết đơn giản ghi trong Hiệp ước.
Đó là: nếu Nam Việt Nam cần bất cứ
thiết bị quân sự để tự vệ mình chống lại hành động xâm lược của Bắc
Việt, Mỹ sẽ cung cấp viện trợ thay thế cho Miền Nam từng món một, 1 viên
đạn cho 1 viên đạn, 1 trực thăng cho 1 trực thăng. Thay thế cho tất cả
trang cụ bị mất mác. Việc xâm nhập của lực lượng quân sự từ cộng sản
miền Bắc đã bị ngừng lại vì những thỏa thuận đó.
Nhưng những cam kết của Mỹ đã bị đổ vở.
Nó đã xảy ra theo cách thức như vầy: một năm sau, vào tháng 08/1974
Tổng Thống Nixon từ chức vì vụ “xì căn đan” Watergate. Ba tháng sau ngày
Nixon từ chức, cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11/1974 với kết quả là
đảng Dân Chủ thắng lớn tại Hạ Viện. Đảng Dân Chủ tại Hạ Viện đã dùng số
đa số mới đạt, đã hủy diệt những điều cam kết của Mỹ về viện trợ quân sự
cho miền Nam Việt Nam nhằm thay thế quân cụ theo cách một cho một, hủy
hoại hoàn toàn những cam kết của chính quyền Mỹ với miền Nam Việt Nam
tại Paris là cung cấp toàn bộ thiết bị quân sự mà chính quyền Việt Nam
Cộng Hòa cần đến trong trường hợp miền
Bắc xâm lược. Nóí một cách đơn giản và chính xác là đại đa số dân biểu
đảng Dân Chủ của QH Mỹ lần thứ 94 đã không giữ lời cam kết của nước Mỹ.
Ngày 10/04/1975, Tổng Thống Gerald Ford
đã trực tiếp thỉnh cầu các dân dân biểu của Quốc hội Mỹtrong một phiên
họp vào buổi tối của lưỡng viện được trực tiếp truyền hình trên cả nước.
Trong bài diễn văn Tổng Thống Ford đã
cầu khẩn lưỡng viện hãy giữ lời cam kết của Mỹ. Trong khi Tổng Thống
Ford đọc bài diễn văn, nhiều dân biểu của đảng Dân chủ đã bỏ phòng họp
đi ra ngoài.
Nhiều vị này đã góp phần tạo nên sự đổ
vỡ và thất bại tại Việt Nam. Chính họ đã từng tham gia vào các cuộc biểu
tình chống lại việc giúp Miền Nam VN chiến đấu chống cộng sản miền Bắc
trong nhiều năm. Và đương nhiên họ từ chối cung cấp viện trợ cho miền
Nam Việt Nam.
Ngày 30/04/75 Miền Nam đầu hàng và hàng
loạt trại tù gọi là cải tạo được CS VN dựng lên khắp cả nước và hiện
tượng thuyền nhân đã bắt đầu.
Nếu người dân miền Nam Việt Nam nhận được viện trợ từ Mỹ như đã được cam kết, có thể nào kết quả sẽ khác đi?
Thật ra kết quả trước đó đã khác rồi.
Lãnh đạo cs miền Bắc đã thừa nhận họ chỉ thử Tổng Thống mới đắc cử G.
Ford xem ông phản ứng ra sao với hành động vi phạm hiệp ước của họ bằng
cách tấn công lấn chiếm hết làng này đến làng khác rối tiếp theo là
thành phố, rồi các tỉnh lỵ. Và Hoa Kỳ chỉ đáp lại bằng hành động phản
bội lại những điều chính Hoa Kỳ đã từng cam kết. Mỹ đã từ chối tái cung
cấp khí cụ cho dân chúng miền Nam Việt Nam theo như Mỹ đã từng hứa cam
kết. Từ lúc đó bộ đội Miền Bắc biết rằng họ đang trên đường tiến tới
chiếm đóng thủ đô Sài gòn của MN VN. Thành phố này sau đó nhanh chóng
được đổi tên thành phố Hồ chí minh.
Cựu Thượng nghị sĩ William Fulbright
của tiểu bang Arkansas, nguyên là chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại, đã tuyên bố
công khai về vấn đề miền Nam Việt Nam đầu hàng. Ông nói như vầy: “Tôi
không buồn rầu hơn so với tôi buồn rầu về việc Arkasas thua Texas một
trận banh bầu dục”.
Mỹ đã biết rỏ miền Bắc có khả năng sẽ
vị phạm trắng trợn Hiệp ước Paris, do đó Mỹ đã có kế hoạch đối phó. Điều
mà chúng ta không biết là chính quốc hội Mỹ của chúng ta lại vi phạm
trắng trợn hiệp ước đó. Và Hoa Kỳ đã vi phạm mọi điều khoản ghi trong
Hiệp ước, thay mặt cho cộng sản miền Bắc.
Đó là những gì đã xảy.
Tôi là Bruce Hutchinson
Sau khi Sải gòn bị thất thủ, hơn một
triệu người dân miền Nam bị đưa vào các trại giam cải tạo trong vùng
quê, rừng thiên nước độc.
250.000 người đã bị chết tại đó, những nạn nhân của các vụ hành quyết tập thể, tra tấn dã man, bệnh tật, và thiếu dinh dưởng.
Từ năm 1975 đến 1995, hai triệu người
miền Nam Việt Nam đã đào thoát trốn khỏi đất nước của họ, vượt Biển Đông
trên các chiếc thuyền mong manh không đủ trang bị để mưu tìm tư do.
Được thế giới biết đến là Thuyền Nhân,
ước tính là có khoảng 200 ngàn người trong số họ đã bị chết trong nỗ lực
đó-tìm tự do-nạn nhân của chết đuối và của bị giết hại bởi bọn hải tặc.
Hiện giờ Việt Nam vẫn còn bị cai trị bởi một nhà nước cộng sản chuyên chế.
Nhưng họ lại từ bỏ tất cả lý thuyết
kinh tế của chủ nghĩa cộng sản mà họ đã căn cứ vào đó đưa vô số người
dân cùng chung huyết thống của họ ra làm vật tế thần.
Trình bày: Bruce Hutchinson
Chuyển ngữ và phụ đề tiếng Việt
Ngày 22 tháng 07 năm 2014
Ngô Nhân Dụng - Putin tự hại
Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin |
Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin đang lâm vào thế bí sau khi chiếc máy
bay MH-17 của Hàng Không Mã Lai bị bắn hạ, làm chết 298 người.
Cả thế giới công nhận một hỏa tiễn SA-11 của Nga đã bắn rớt chiếc phi cơ
này, từ vùng đất do quân phiến loạn kiểm soát, do ông Putin tiếp tế vũ
khí và đưa biệt kích Nga sang chỉ huy. Nhưng ông Putin vẫn chối; trâng
tráo nhất là các đài ti vi Nga đổ tội cho chính phủ Ukraine, với cơ quan
tình báo Mỹ CIA đứng sau lưng. Nhưng quân đội Ukraine chưa bao giờ dùng
đến loại hỏa tiễn từ dưới đất bắn lên (địa không) trong các cuộc tiễu
trừ phiến loạn, giản dị vì quân nổi loạn chưa bao giờ có máy bay. Quân
đội Nga hay Ukraine đều có khả năng xác định một chiếc máy bay trên cao
10,000 mét là phi cơ quân sự hoặc dân sự, quân phiến loạn thì không có
dụng cụ kỹ thuật và được huấn luyện, cho nên mới họ lầm chiếc Boeing 777
là phi cơ chiến đấu. Nhưng họ cũng không có chuyên viên để điều khiển
việc phóng chiếc hỏa tiễn “tầm nhiệt” SA-11 này. Phải có các chuyên viên
trong quân đội Nga tham dự trong tội ác.
Vladimir Putin vẫn tìm cách chối tội. Hai tướng lãnh người Nga vẫn còn
lên tiếng đổ tội cho quân đội Ukraine, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải trưng
ra bằng cớ là quân phiến loạn đã phóng chiếc hỏa tiễn. Ông Putin còn một
cách chối tội khác, là mô tả chiếc hỏa tiễn đó là do quân phiến loạn
cướp được từ kho vũ khí của quân đội Ukraine, mà việc đó có thể xẩy ra.
Nhưng các hỏa tiễn chứa trong kho thường không đầy đủ, đặc biệt là còn
thiếu các đầu đạn chứa chất nổ và bộ phận kích hỏa. Vì vậy, câu chuyện
dính tới cả chính quyền cộng sản Việt Nam. Cảnh sát quốc tế mới ngăn
chặn được một kiện hàng chứa các bộ phận của hỏa tiễn SA-11, xuất phát
từ Việt Nam trên đường chuyển tới Ukraine. Có thể chính quyền Nga đã yêu
cầu cộng sản Việt Nam trả lại một số bộ phận viện trợ trong thời chiến
tranh, và ra lệnh gửi thẳng sang miền Ðông Ukraine, nơi phiến quân kiểm
soát để tránh tiếng cho Nga.
Vladimir Putin đang tự đưa đầu vào chiếc thòng lọng mà ông ta tính dùng
để treo cổ nền độc lập và chế độ tự do dân chủ tại Ukraine. Putin đã mù
quáng vì tham vọng tái lập một đế quốc Nga, giống như từ thời các Nga
hoàng và thời chế độ cộng sản. Năm 1994, Putin đã nói về nỗi ẩn ức của
mình tại một hội nghị quốc tế ở St. Petersburg; khi đó ông ta mới chỉ là
phụ tá cho vị thị trưởng thành phố này. Putin nói rằng lãnh thổ Nga đã
bị xé mất quá nhiều đất đai sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Ông ta kể
đến vùng Crimea, đến miền Bắc Kazakhstan, và những vùng khác như chung
quanh Kaliningrad ở bờ biển Baltic. Ông nói rằng chính phủ Nga không thể
“bỏ rơi” 25 triệu người nói tiếng Nga sống ở nước ngoài; và kêu gọi thế
giới phải tôn trọng quyền của nước Nga phải bảo vệ “đại dân tộc Nga”
(russkiy mir). Với luận điệu như thế, chính quyền cộng sản Bắc Kinh có
thể cũng đòi “bảo vệ” các người gốc Trung Hoa ở khắp vùng Ðông Nam Á, kể
cả Singapore!
Năm 1999, Putin lên làm thủ tướng, rồi trở thành tổng thống Nga trong
hai nhiệm kỳ. Sau mấy năm đóng vai thủ tướng, ông ta trở lại làm tổng
thống, với triển vọng thêm hai nhiệm kỳ bẩy năm nữa. Trong hai nhiệm kỳ
đầu, Putin đã đóng vai trò một chính khách sẵn sàng cộng tác với thế
giới bên ngoài. Năm 2001, Tổng Thống Mỹ George W. Bush sau khi gặp Putin
đã tuyên bố, “có thể nhìn thẳng vào mặt nhau được,” ý nói có thể tin
tưởng Putin không có tham vọng đế quốc. Trước khi đắc cử làm tổng thống
lần thứ hai, Putin đã bắt đầu thực hiện tham vọng đó, với cuộc xâm lăng
Georgia. Nhưng đến năm 2013, kế hoạch bành trướng của Putin mới lộ rõ,
sau khi không thể ngăn cản nước Ukraine tiến đến gần với Liên Hiệp Châu
Âu (EU) qua một hiệp ước hợp tác thương mại. Putin đã gây rối loạn rồi
sát nhập vùng Crimea; và nay đang gây loạn ở hai tỉnh miền Ðông, sát
biên giới Nga.
Phản ứng của các nước dân chủ Tây Phương rất dè dặt trước các hành động
của Putin. Dân Mỹ không ai chấp nhận đưa quân đến cứu nước Ukraine, cũng
như trước đây không cứu Georgia. Vũ khí duy nhất để ngăn cản Putin là
phong tỏa kinh tế, nhưng kinh tế các nước Âu Châu đều bị ràng buộc quá
chặt chẽ với Nga. Một phần ba số khí đốt và dầu lửa dùng ở Châu Âu được
nhập cảng từ Nga; trong quá khứ Putin đã dọa cắt nguồn tiếp tế này.
Chính phủ Mỹ không thể đơn phương phong tỏa kinh tế Nga, vì sẽ thất bại
nếu các nước Châu Âu không hợp tác.
Vladimir Putin đã thực hiện một kế hoạch “tầm ăn dâu” đối với Ukraine.
Sau khi nuốt được Crimea, Nga đã xúi giục những người gốc Nga ở miền
Ðông Ukraine nổi lên đòi quyền tự trị, tuyên bố thành lập cả một “nước
Cộng Hòa Nhân Dân” mới. Trong khi đó, Putin dùng thủ đoạn vuốt ve bên
ngoài, và tuyên bố cộng tác với các nước khác để giữ “hòa bình, ổn định”
trong xứ Ukraine. Chỉ có chính phủ Mỹ tiếp tục dùng các biện pháp cứng
rắn, khi đơn phương ra lệnh phong tỏa hai công ty năng lượng lớn nhất
của Nga và mấy ngân hàng quan trọng. Hành động “trừng phạt” này diễn ra
một ngày trước khi xẩy ra vụ bắn hạ chiếc máy bay MH-17; với viễn tượng
các nước Châu Âu vẫn chưa chịu hợp tác.
Nhưng vụ MH-17 đã thay đổi tình thế. Phản ứng của cả thế giới là phẫn
nộ, không những vì cảnh gần 300 thường dân vô tội bị thảm sát, mà còn vì
thái độ trâng tráo của chính quyền Vladimir Putin.
Bà Thủ Tướng Ðức Angela Merkel, Thủ Tướng Anh David Cameron và Tổng
Thống Pháp Francois Hollande đã nói chuyện với nhau vào cuối tuần qua,
đồng ý rằng chính sách trong vụ Ukraine phải thay đổi; trong cuộc họp
của ngoại trưởng các nước bắt đầu ngày hôm qua, Thứ Ba, 21 Tháng Bảy.
Hòa Lan là một nước Âu Châu vẫn chủ trương dè dặt đối với Nga trong vụ
này; nhưng chính phủ Hòa Lan đang bị áp lực từ dân chúng phải thay đổi,
sau khi gần 200 công dân nước họ chết oan. Âu Châu sẽ phải chấp nhận
thiếu thốn khí đốt trong mùa Ðông năm tới, để cho ông Putin một bài học.
Một cuộc nghiên cứu của hãng dầu Total, Pháp, cho thấy Âu Châu có thể
chịu đựng được một mùa Ðông nữa, dù Nga cắt đứt hơi đốt. nhưng các nước
Bulgaria, Romania, Hungary and Slovakia sẽ gặp khó khăn nhất. Nước Ý
cũng phụ thuộc vào nguồn hơi đốt của Nga nhưng có thể được bù đắp bằng
nguồn khác, đến từ Bắc Phi và Trung Ðông.
Nếu cả Mỹ và Âu Châu cùng phong tỏa mạnh hơn, nền kinh tế Nga sẽ khốn
đốn. Ngay từ tuần trước, hai thị trường chứng khoán đã mất 5% và 7% và
đồng rúp của Nga đã xuống giá, sau khi chiếc máy bay MH-17 bị bắn hạ.
Nhiều đại gia, tỷ phú đô la ở Nga đã than phiền rằng chính sách của ông
Putin sẽ làm kinh tế Nga khánh kiệt. Chính ông Putin sẽ không thể quyết
định cắt tất cả nguồn tiếp tế dầu, khí cho Âu Châu, kể cả đường dẫn qua
Ukraine, vì nước Nga cũng đang cần ngoại tệ, như dân Châu Âu cần năng
lượng. Một phần ba ngân sách chính phủ Nga tùy thuộc vào việc xuất cảng
dầu khí. Vũ khí năng lượng của Nga chỉ có giá trị trong ngắn hạn, trong
vài ba năm, vì nước Mỹ đang bắt đầu thặng dư dầu khí, sẽ trở thành một
xứ xuất cảng nhiều hơn nhập cảng.
Ông Putin có thể đang chiếm lợi thế về quân sự tại miền Ðông Ukraine,
nhưng trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế, ông ta đang bị đẩy vào chân
tường. Về lâu dài thì tham vọng bành trướng để tái lập một đế quốc Ðại
Nga sẽ hoàn toàn thất bại. Khi kinh tế suy sụp thì những vận động phản
kháng của người dân Nga sẽ bùng lên, chính ngai vàng của ông Putin cũng
khó vững.
Ngô Nhân Dụng(Người Việt)
Nguyễn Huy Canh - Vài ý kiến về hiểm họa đen của ông Nguyễn Trung
Gần đây trên nhiều trang mạng có bài về “Hiểm họa đen” của ông Nguyễn
Trung (HDTG, Tễu-blog…). Ông đã phác họa, tuy ngắn gọn, nhưng chính xác
và sinh động về tình hình thế giới từ nhãn quan quan hệ quốc tế. Đó là
tính đa cực của thế giới ngày nay, tạm tính từ năm 2010 đến giờ.Đặc biệt
những phân tích sâu sắc của ông về siêu cường TQ, về âm mưu chiến lược
độc chiếm Biển Đông, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, uy hiếp VN của
siêu cường này.
Từ những phân tích của ông, có thể cho phép ta rút ra một kết luận: sự
phát triển của thế giới, lịch sử không đơn chiều, tuyến tính theo công
thức đầy tính huyền thoại: chính đề-phản đề ->hợp đề. Chủ nghĩa cộng
sản, mà giai đoạn đầu của nó là cnxh, không hề tiêu hóa vào trong cái
hợp đề đó. Đó chỉ có thể là một ảo giác.
Điều đó cũng có nghĩa là, thế giới đang triển khai mạnh mẽ tình thế đa
nguyên của nó. Nhưng tình hình ấy còn đến chậm chạp với xã hội, và nền
văn hóa đậm nét kí ức truyền thống đang trỗi dậy của chúng ta. Tính nhất
nguyên của đời sống, vì thế còn tương đối mạnh mẽ (điều này dễ nhìn
thấy trong đời sống cộng đồng làng-xã, ở nông thôn, và trong cấu trúc
của nền kinh tế theo định hướng…).
Do vậy, đại tự sự của học thuyết Marx-Lenin vẫn còn có vẻ nhiều giá trị
với các nhà lãnh đạo, và thực tiễn VN, và đặc biệt hơn, các lợi ích nhóm
hình thành từ các trung tâm quyền lực ở các cấp, ngành đã nhìn thấy nó
như một vật che chắn đã tích cực lợi dụng nó, nhân danh cái phổ biến
trên tư thế làm vua của mình-vua có ngai, và những ông vua không ngai,
để đem về đất đai, tiền bạc nhiều cho bản thân, vợ con; cho anh em, dòng
họ từ công cuộc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu thầu các dự án
(đặc biệt các dự án có nguồn vốn ODA)…Đó là mặt tha hóa của đảng, của
một bộ phận không nhỏ trong đảng.
Trong nhiều sự kiện khác của đời sống xã hội, đã bộc lộ một cái nhìn
quan liêu, giáo điều về quần chúng nhân dân: đảng đã xem họ là đối tượng
cần được thống nhất, tổ chức và hướng dẫn nhằm vươn tới những bản chất
cao hơn. Kết quả, đảng đã “vô tình” tạo cho những lợi ích nhóm, những vị
trí lãnh đạo cái cơ hội đứng trên nhân dân, áp bức, và bóc lột nhân
dân. Ông Nguyễn Trung đã nhìn thấy, tuy rằng chưa được chính xác trong
tính phổ biến của nó,một mối quan hệ mới được xác lập giữa đảng,nhà nước
với nhân dân trong thể chế chính trị toàn trị: quan hệ thống trị và bị
trị.
Tất cả những điều đó được ông cảnh báo trong một viễn cảnh đầy lo âu: hiểm họa đen.
Nhìn thấy hoàn cảnh có v/đ, con người phải tìm cách hành động, biến đổi
nó. Cái khó lại nằm ở con đường và các biện pháp khắc phục.
Với tác giả, có thể nói từ nhiều năm nay, đã ấp ủ một lựa chọn: đảng
phải tự vượt lên trên bản thân mình trở thành đảng dân tộc, trong thể
chế chính trị pháp quyền, dân chủ
Làm sao tự vượt lên theo cách đó được? Lời kêu gọi của ông,sự lựa chọn
của ông, có thể xuất phát từ chỗ lối mòn của tư duy luôn xem nó là mặt
chủ quan của chủ thể, mà không ý thức một cách bản thể học,rằng bản tính
của nó còn nằm ở mặt khách quan-vật chất, cũng tức là bị tồn tại qui
định, và điều này càng rõ nét trong nền văn hóa còn nhiều tính sử thi,
và huyền thoại của chúng ta. Vì vậy, tôi cho rằng, lựa chọn ấy, yêu cầu
ấy của ông cũng đầy chủ quan tính về lịch sử, và đời sống; mặt khác, ông
đã quay mặt đi, không nhìn thấy lợi ích như cái gì đang quá bướng bỉnh,
và đầy quyến rũ đối với đời sống quyền lực trong nền kinh tế có nhiều/
chứ không phải đa- đây là chỗ nhầm lẫn của nhiều học giả/ thành phần sở
hữu, nền kinh tế thị trường.
Muốn đổi mới đảng, để đảng đồng hành cùng dân tộc trong viễn cảnh của ý
niệm: nhân dân là chủ, tôi cho rằng, trước những đòi hỏi của nền kinh tế
cần phải được tự chủ, và phát triển; trước đòi hỏi dân chủ hóa đất
nước, trước mắt,chúng ta cần phải đặt vào 3 trọng tâm sau:
- Đổi mới mạnh cấu trúc kinh tế theo hướng cổ phần hóa, tư nhân hóa các
doanh nghiệp, tổng công ti, tập đoàn kinh tế nhà nước trong, như Chính
phủ đã đề ra, nhằm giảm tới mức tối đa tính chủ đạo của nó, và từ đó đem
lại khả năng, tính độc lập, và bình đẳng cần thiết cho các doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.Đặc biệt cần có chính sách chú ý
đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
-Thừa nhận, và tạo dần điều kiện pháp lí cho sự tồn tại, và hoạt động
lành mạnh của các hội đoàn của xhds, trong ý thức xây dựng, rằng đảng,
nhà nước là có giới hạn trong việc dẫn dắt đời sống đầy kinh nghiệm của
họ, là có thực.
- Xem xét, cảnh giác mối quan hệ với TQ trong nội hàm hữu nghị ở mặt
thực tiễn của nó; đẩy mạnh trục quan hệ sang Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh
vực trong thế chủ động của mình, cũng như với các nước trong khu vực có
chung hoàn cảnh, về thực chất. Thế giới ngày nay đang vận động trong xu
thế đa cực, phải được chúng ta đem vào nhận thức dựa trên qui chiếu lợi
ích quốc gia là tối thượng, có tính đến lợi ích của các bên…
Đây là 3 trụ cột của lộ trình đổi mới (ban đầu) hầu giúp ích cho công
cuộc đa nguyên hóa đời sống như một giá trị phổ biến dựa trên đòi hỏi
của lợi ích và tiến bộ xã hội.
Thực hiện được 3 trụ cột này, chính là đổi mới đảng từ trong tính hiện
thực của nó. Và rồi sau này sẽ kéo theo sự biến chuyển về mặt chủ quan
của đảng (như Điều lệ, phương thức tổ chức quyền lực, cùng các thiết chế
xã hội khác), và cùng với nó, tính chủ quan của nền văn hóa cũng thay
đổi theo.
Nguyễn Huy Canh
(Quê choa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét