Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Châu Âu sẽ cấm vận ODA đối với Việt Nam?

Châu Âu sẽ cấm vận ODA đối với Việt Nam?

Thậm chí đến mức là một sự đình chỉ vô thời hạn, ứng với hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.
Tuy một số quan chức trong chính phủ Việt Nam vẫn không muốn thừa nhận sự thật phũ phàng trên, song tất cả đã phơi bày ra ánh sáng.

Tục ngữ Việt “Đi đêm có ngày gặp ma” đã ứng nghiệm dù quá muộn màng. Nếu vào năm 2013 phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt, đến năm nay ngay cả Bộ Ngoại giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
40%
Câu chuyện lãng phí và thất thoát vốn ODA đã được nêu ra từ rất lâu và có nhiều ví dụ để dẫn chứng. Tiêu biểu nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải – một kẻ đã tắm bia khi quan hệ với gái.
Sau đó, báo chí Nhật Bản – chứ không phải báo chí Việt Nam – đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Bùi Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la.
Năm 2011, đến lượt cơ quan chủ quản của các PMU là Bộ Giao thông đã đưa ra phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam có tốc độ 300-400 km/giờ với kinh phí lên đến 55 tỉ đô la, chiếm một nửa GDP của toàn quốc vào thời điểm đó.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đóng vai trò quán quân trong việc đưa ra những dự án rất lớn, ngốn rất nhiều tiền – tiền từ ngân sách, tiền đi vay mượn của nước ngoài – trong những năm mà nền kinh tế gần như suy thoái toàn diện. Vào tháng 4/2012 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bước vào năm suy thoái thứ tư, Bộ Giao thông Vận tải còn đưa ra dự án dùng 10.000 tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng trụ sở mới. Ngay lập tức dư luận đã phản ứng rất dữ dội, cho là một đề xuất kỳ quái, hoàn toàn vô trách nhiệm đối với nhân dân.
Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Chẳng hạn trong một lần hiếm hoi báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng… thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Phụ nữ này đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.
Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80.000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Và do bị ăn chặn, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều phải giảm quy mô và chất lượng.
Cấm vận ODA?
Tham nhũng, thất thoát ODA trong suốt những năm vừa qua cho thấy ở Việt Nam đã hình thành những nhóm lợi ích ODA. Nhóm lợi ích này dựa vào hoạt động độc quyền và đặc thù của chính sách, câu kết với những nhóm thân hữu kể cả với các chính khách để móc ráp để có được những hợp đồng đặc quyền về ODA và phân bổ cho các địa phương, nhận hoa hồng.
Thế nhưng nghịch lý quá lớn là trong khi các giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí tuy vẫn được nhà nước nhắc đến là phải thực hiện một cách quyết liệt, tuyệt đại đa số các vụ phát hiện về ODA đều do người dân và báo chí, hoàn toàn không phải do nhà nước phát hiện.
Cũng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời.
Điều gì phải đến đã đến. Năm 2012, ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, chính Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỉ đồng trên tổng số tiền 69 tỉ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.
Dù Australia, Nhật Bản và các nước trong Liên minh châu Âu đều là những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tuy nhiên danh nghĩa đối tác không phải là tất cả. Lòng tin chở được núi lớn, nhưng khi lòng tin bị lợi dụng một cách thậm tệ thì nền kinh tế kiệt quệ sau gần bảy năm suy thoái của Việt Nam sẽ khó mà chinh phục được ngay cả một vạt đồi.
Hiện tượng cắt giảm ODA đối với Việt Nam cũng vì thế đang có hơi hướng như một phong trào dân sự, và có thể lan ra hàng loạt các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan. Đó và đây, những lời cảnh báo từ các đại sứ quán châu Âu đã liê tiếp được tung ra. Nếu không có những biện pháp cứng rắn hơn nhiều để khắc phục tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ODA, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sẽ chẳng còn mấy cơ hội để được nhận nguồn tài trợ béo bở này.
Thường Sơn
(Defend the Defenders)
 

Có cần phải thông cảm cho ông Phạm Văn Đồng?

Trong yêu cầu bức thiết chống lại mọi âm mưu sâu hiểm của Trung Nam Hải đang từng bước thò hẳn nanh vuốt chiếm biển đảo nước ta, hợp pháp hóa tham vọng “đường lưỡi bò” gớm ghê của chúng, việc xem xét hậu quả của Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 về mặt pháp lý quốc tế đã trở thành một tâm điểm để giới học giả trong ngoài nước sôi nổi tham gia bàn luận. Đến nay, hầu như rất ít người còn khăng khăng bênh vực tính vô hại của Công hàm ấy vì xét bề nào thì đó cũng là một trong những cái bẫy do mình tự bày ra làm vướng chính chân mình (nặng lời như ông Nguyễn Khắc Mai là một công hàm phản quốc, phản động), cần phải chóng vánh gạt sang một bên để Nhà nước Việt Nam dám đường hoàng nối gót Philippines kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc.
Nhiều ý kiến phong phú góp bàn về cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng đáng cho ta suy xét, như việc đề xuất với Quốc hội chính thức ra biểu quyết phủ nhận nó (Nguyễn Khắc Mai), hoặc kêu gọi chính quyền mạnh dạn thành lập chế độ mới để tránh khỏi ràng buộc pháp lý với chế độ miền Bắc trước kia (Hà Sĩ Phu). Gần đây nhất là ý kiến của GS Tạ Văn Tài và TS Vũ Quang Việt đưa ra Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 của LHQ mà các ông mới tìm thấy, cho phép một quốc gia kế tục (CHXHCNVN) có thể bác bỏ các hiệp ước về lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà quốc gia tiền nhiệm (VNDCCH) đã phải thừa nhận với láng giềng của mình (xem đây). Nhưng cũng có ý kiến quyết liệt hơn, chưa hẳn tin vào tính khả thi của Công ước nói trên trong trường hợp CHXHCNVN và VNDCCH thực tế chỉ là một, không khác nhau về bản chất, đòi hỏi phải thay đổi thể chế CHXHCNVN vốn đã lộ rõ quá nhiều khuyết tật: tham nhũng, độc tài, dày đạp lên dân chúng, cướp bóc cho phe nhóm, bần cùng hóa xã hội, đưa kinh tế xuống vực thẳm, nô lệ vào ngoại bang… chuyển sang một thể chế thực sự dân chủ – giải Cộng –, theo đó sẽ “giải Trung Quốc hóa” hữu hiệu mà Công hàm PVĐ là một khâu có mối liên hệ hữu cơ.
Song song với việc tìm biện pháp hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng, lại cũng có những người tìm hiểu động cơ của tác giả hoặc tập thể tác giả bức Công hàm này. GS Cao Huy Thuần ở Pháp thuộc trường phái tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh tạm gọi là “éo le” của người viết thuở bấy giờ: bị kẹp cứng giữa hai đàn anh trong cùng phe XHCN, giữa thời buổi chiến tranh lạnh, khi ông anh Liên Xô công bố văn bản gì thì ông em Việt Nam cũng phải nặn ra một “bản sao” tương tự. Kể cũng đáng thông cảm thật. Nhưng như thế thì lập trường dân tộc ở thời điểm những năm đó có còn được người cầm quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa coi là chính yếu nữa không? Hay trước yêu cầu của sự thống nhất một phe – phe XHCN nhằm đối trọng với “phe đế quốc” – và trước mục tiêu phấn đấu cho “đại đồng thế giới” mà ai cũng mơ ước, quyền lợi quốc gia đã bị nhìn nhận “nhẹ tựa lông hồng”? – “Bên ni biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương” (Tố Hữu)!!!
Trên tinh thần phản biện để tìm ra chân lý nhằm dứt bỏ mọi sự lướng vướng trong nhận thức tư tưởng, cũng là một cách thiết thực góp phần cứu nguy đất nước hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến trao đổi với GS Cao Huy Thuần của TS Phạm Quang Tuấn.
Nguyễn Huệ Chi


Là một người quan tâm tới vấn đề Biển Đông và đã từng lên tiếng trên báo chí ngoại quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tôi kinh ngạc khi đọc bài biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) của GS Cao Huy Thuần (xem đây).

Kinh ngạc không phải vì những lời biện hộ trong bài. Những lý lẽ tương tự đã từng được đưa ra rất nhiều bởi báo chí trong nước và những dư luận viên trên mạng. Nhưng kinh ngạc vì chúng xuất phát từ một vị giáo sư của một đại học Pháp.

Xin miễn bàn về khía cạnh pháp lý của Công hàm Phạm Văn Đồng hay làm cách nào để hóa giải nó, vì đây là những vấn đề vô cùng rắc rối và nhức nhối, cần thảo luận chi tiết ở nơi khác. Tôi chỉ xin bàn về những lý lẽ GS Cao Huy Thuần dùng để giải thích và biện hộ cho động cơ hay ý định đằng sau Công hàm này, nói rõ ra là để kêu gọi sự thông cảm cho Phạm Văn Đồng.

Về những lý lẽ bào chữa cho Công hàm Phạm Văn Đồng

Ông Cao Huy Thuần viết: "Phải phân biệt cho rõ hai vấn đề mà Trung Quốc muốn cột vào với nhau nhưng bối cảnh của năm 1958 về luật biển buộc phải tách riêng ra: vấn đề hải phận và vấn đề chủ quyền. Vấn đề hải phận là pháp lý. Vấn đề chủ quyền là chính trị. Tranh chấp không giải quyết được tại Hội nghị Genève 1958 là tranh chấp trên vấn đề hải phận. Bác bỏ hay tán thành tuyên bố của Trung Quốc là bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý ấy, một chuyện pháp lý nóng bỏng vào thời buổi ấy. Không phải vì bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý là bắt buộc phải bao hàm việc bác bỏ hay tán thành cái chuyện chủ quyền – chuyện này ở bên lề, hạ hồi phân giải". Thật là một cách "diễn nghĩa" khó hiểu! Nếu Trung Quốc muốn cột hai vấn đề 12 hải lý và TS-HS vào với nhau thì trách nhiệm của chính phủ Việt Nam là phải tách hai cái ra chứ tại sao lại lờ đi? Công hàm PVĐ viết "tán thành tuyên bố [của Trung Quốc]" chứ đâu có viết là "tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về 12 hải lý, nhưng không tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa"? Thậm chí Công hàm cũng chẳng nói gì về hội nghị Genève 1958. Làm sao mà một tòa án quốc tế có thể đem câu "nhưng không tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa" vào Công hàm này? Một nguyên thủ hay thủ tướng phải biết câu "bút sa gà chết" và cũng phải có một chút cẩn thận tối thiểu chứ? Diễn giải một câu viết tùy theo bối cảnh thời sự, lịch sử, văn hóa xã hội, v.v. là cách diễn giải thích hợp cho một tác phẩm văn chương cổ như Truyện Kiều, nhưng hoàn toàn không thích hợp cho một công hàm của một vị thủ tướng ở thế kỷ 20.

Ông Cao Huy Thuần biện hộ rằng vì Liên Xô đã tán đồng tuyên bố của Trung Quốc, nên việc Phạm Văn Đồng cũng tán đồng điều đó có thể hiểu được trong tình hình thế giới năm 1958. Ông Cao Huy Thuần đưa ra bằng cớ rằng câu chữ, cách viết của công hàm Phạm Văn Đồng hầu như y hệt với công hàm của Liên Xô: "Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với “công hàm Phạm Văn Đồng”: chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao. Đây là một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội".

Lối bênh vực đó thật phi lý. Khi một người hay một đảng chính trị đã ở vị trí lãnh đạo một nước, và nhất là khi người hay đảng đó đã tự chiếm cho mình độc quyền lãnh đạo nước đó, không cho ai khác được tranh giành, thì không thể biện hộ rằng chỉ vì máy móc theo gương mẫu, tập quán XHCN, gương mẫu, tập quán quốc tế hay bất cứ gương mẫu gì khác "như một bản sao", mà vô ý nhượng bộ lãnh thổ cho ngoại bang. Thủ tướng một nước đâu có phải là một cậu học trò lười biếng sao chép bài của thầy, bạn?

Phạm Văn Đồng, và tập thể lãnh đạo VNDCCH thời 1958, có phải là những Bambi (nai tơ) ngây thơ vô tội, nhìn đời qua cặp mắt kiếng mầu hồng, nên bị lừa dối bởi những ảo tưởng không thực tế? Hay ông và những người đồng đảng, kể cả lãnh đạo Hồ Chí Minh, là những nhà chính trị lão luyện, đã từng trải qua nhiều chục năm tranh đấu gay go, vào sinh ra tử, đã từng không ngần ngại bắt bớ, thủ tiêu những chính trị gia đồng bào không đồng ý kiến?

Khi Phạm Văn Đồng rập khuôn công hàm của Liên Xô, ông có nghĩ tới sự khác biệt quan trọng: Liên Xô không có tranh chấp với Trung Quốc về những đảo trong tuyên bố của Trung Quốc, còn Việt Nam thì có? Khi Phạm Văn Đồng "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố" của Trung Cộng, thì ông có thêm dòng chữ "trừ điều khoản về Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)"? Không, ông chỉ "ghi nhận và tán thành" "như một bản sao"! Khó có thể tưởng tượng người nào dù là một người bình thường hay một thẩm phán Tòa án Quốc tế chấp nhận việc một thủ tướng lại nhắm mắt sao chép như vậy về một vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nước mình!

Ông Cao Huy Thuần viết: "Cho đến bây giờ, độc giả Việt Nam chỉ thấy thư của Phạm Văn Đồng đáp lại tuyên bố của Chu Ân Lai mà chẳng thấy tuyên bố của Trung Quốc là thế nào, tuy rằng đó là cái chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên". Có vẻ như ông ám chỉ rằng công chúng Việt nam chỉ trích Công hàm PVĐ chỉ vì họ chưa đọc bản tuyên bố của Tàu. Không hiểu ông Cao Huy Thuần căn cứ vào đâu mà viết vậy. Thực ra, những người quan tâm về hậu quả Công hàm PCĐ nhiều nhất chính là những người đã đọc tuyên bố của Tàu. Khi tôi trao đổi trên facebook, có nhiều người còn bào chữa cho Công hàm, nhưng đến khi tôi cho họ coi nguyên văn bản tuyên bố của Tàu thì tất cả đều lặng người vì đau đớn.

Càng đọc tuyên bố của Trung Quốc càng thấy rõ sự nguy hại của Công hàm PVĐ, vì tuyên bố đó nói rõ ràng là hải phận 12 hải lý "áp dụng cho Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa)". Mà nào có ai ép PVĐ phải "ghi nhận và tán thành" cái tuyên bố đó đâu? Ông chỉ cần viết rằng Việt Nam sẽ tôn trọng hải phận 12 hải lý quanh các bờ biển thuộc về Trung Quốc là đủ chứng tỏ sự đoàn kết và ủng hộ nước Tàu rồi, tại sao phải viết thêm câu "ghi nhận và tán thành" đó?

Ông Cao Huy Thuần viết: "Một chính quyền [của thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu] chưa hoàn toàn độc lập đối với Pháp mà còn cương quyết [bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa] như thế, lẽ nào, thực lòng, một chính quyền đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền như chính quyền Phạm Văn Đồng, lại có thể từ khước chủ quyền một cách dễ dàng như vậy trong một bức thư?". Lý luận như vậy theo tôi là lý luận ngược, đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta không thể đặt mệnh đề "chính quyền Phạm Văn Đồng đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền" làm tiền đề, vì đó chỉ là niềm tin của tác giả chứ không phải là một sự thật khách quan.

Sự thật khách quan là ông Phạm Văn Đồng đã "ghi nhận và tán thành" một bản tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa. Sự thật khách quan là chính quyền Phạm Văn Đồng đã hy sinh rất nhiều xương máu của dân Việt Nam, nhưng chưa chắc hành động hy sinh xương máu đồng bào đó đã là với mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền. Và dù chính quyền Phạm Văn Đồng thực sự có mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền, thì cũng chưa chắc là họ đã không có một mục đích khác họ coi là cao cả hơn, chẳng hạn như mục đích thế giới đại đồng dưới chủ nghĩa cộng sản và sự lãnh đạo của Liên Xô và Trung Quốc, mà họ đã nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần. Và cũng đừng quên là Công hàm không phải là hành động duy nhất, mà còn đi đôi với nhiều hành động khác, đã bị Tàu đem ra làm bằng chứng cho sự từ khước chủ quyền.

Lại càng thông thể chấp nhận tiền đề, dù chỉ hiểu ngầm, rằng thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu không yêu nước, không quan tâm chủ quyền các đảo bằng thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng, để từ đó suy ra rằng Trần Văn Hữu bảo vệ chủ quyền nên Phạm Văn Đồng, người không thể thua kém Trần Văn Hữu, không thể từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là suy diễn, từ thành kiến chính trị mà suy ra sự việc: đáng lẽ dùng hành động của hai người (Trần Văn Hữu và Phạm Văn Đồng) để đánh giá và so sánh họ, thì lại khởi sự từ sự đánh giá có sẵn trong đầu để giải thích hành động. Kiểu "lý luận" đó cũng như của một kẻ đang yêu mù quáng và tôn thờ người yêu nên thấy nàng làm gì cũng bào chữa, khen ngợi, dù là chuyện xấu xa. Đáng lẽ ông Cao Huy Thuần phải hỏi: một người (Trần Văn Hữu) tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trước quốc tế, một người (Phạm Văn Đồng) không những phớt lờ khi kẻ tranh giành chủ quyền công khai tuyên bố rõ ràng chữ Hoàng Sa -Trường Sa, mà còn "ghi nhận và tán thành", thì ai quan tâm tới chủ quyền hơn ai?

Vấn đề cơ bản của Công hàm Phạm Văn Đồng

Ông Cao Huy Thuần, cũng như nhiều người khác, cho rằng Công hàm PVĐ không có tính cách pháp lý, không phải là một hiệp định phân định biên giới hay nhường đảo, và do đó không đáng sợ. Nhưng cái tai hại của nó không ở chỗ đó. Nó nguy hiểm ở chỗ là nó có thể được coi là chứng cớ rằng từ trước đó, chính quyền VNDCCH vẫn công nhận Hoàng Sa-Trường Sa đương nhiên là thuộc về Trung Quốc. Tức là, nó không chứng tỏ rằng Việt Nam đã "nhường chủ quyền" cho Trung Quốc, nhưng nó chứng tỏ rằng VNDCCH công nhận rằng chủ quyền từ xưa vẫn thuộc về Trung Quốc một cách đương nhiên, "không thể chối cãi", và Việt Nam chẳng có gì để mà nhường. Nó không phải là tờ giấy cho con mình làm con nuôi người khác, mà là giấy chứng nhận rằng đứa trẻ không hề là con mình. Cách hiểu này càng khó bác bỏ khi đi đôi với những hành động khác (bản đồ, sách giáo khoa, sự im lặng về trận hải chiến Hoàng Sa và về vấn đề chủ quyền các đảo nói chung).

Giữa hai cách hiểu Công hàm PVĐ: "vô ý rập khuôn Liên Xô nên đánh rớt chủ quyền" và "đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ trước", chỉ có thể chọn cách thứ nhất nếu người viết và ký là một em bé thơ ngây chứ không phải là một nhà chính trị lão luyện, đứng đầu một chính phủ. Nhưng cũng có thể là khi giao dịch với đàn anh phương Bắc thì các lãnh đạo VNDCCH trở thành ngây thơ như em bé? Khả năng đó không thể hoàn toàn loại bỏ, vì đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ VNDCCH chịu ơn người anh Trung Quốc quá, quá nặng.

Tóm lại, những lý lẽ ông Cao Huy Thuần đưa ra để bào chữa cho Phạm Văn Đồng không đóng góp được gì cho cuộc tranh đấu vô cùng gay go để tháo gỡ hậu quả tai hại của Công hàm này. Công hàm Phạm Văn Đồng không phải là bản án tử hình, nhưng ít ra nó cũng là một lưỡi gươm Damocles đủ sắc để chặt cụt cánh tay pháp lý của Việt Nam, khiến nước này sẽ không dám ra tòa để đòi phân xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa dù là chính quyền muốn làm vậy (mà việc này thì chưa chắc, vì còn 16 chữ vàng gì đó). Công hàm PVĐ đã khiến khả năng thua kiện trở thành đáng để ý (non-negligible), mà nếu thua là mất tất cả, kể cả những đảo Trường Sa còn đang chiếm hữu, còn nếu thắng thì Tàu hầu như chắc chắn cũng không giao trả đảo nào. Người khôn ngoan không bao giờ đi vào một vụ kiện như vậy (hy vọng là chính phủ hiện thời khôn ngoan hơn chính phủ Phạm Văn Đồng).

Cuộc tranh đấu chủ quyền do đó sẽ chỉ diễn ra trên các mặt trận học thuật, công luận, ngoại giao, chính trị quốc tế. Tiếc thay, trên những mặt trận đó thì Công hàm Phạm Văn Đồng lại càng nguy hại hơn là trong địa hạt pháp lý! Rốt cuộc, những lý lẽ của GS Cao Huy Thuần có lẽ chỉ để "lưu hành nội bộ", may ra an ủi được những người "phò đảng tới cùng" (hay theo tiếng Anh là chúng chỉ dùng vào mục tiêu "preaching to the converted").
Phạm Quang Tuấn
Tác giả gửi BVN

Đặng Kiên Trung: “Thoát Trung”? – Hãy nhìn Myanmar!

Lời bàn: Trước khi kêu gọi đảng và nhà nước cùng người dân Việt Nam “thoát Trung“, “thoát Cộng“, có lẽ những người kêu gọi, hiện là đảng viên Đảng CSVN nên “thoát Đảng” trước! Thật là khôi hài, khi chính bản thân các vị đảng viên này đã không dám hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích quốc gia, nhưng họ lại kêu gọi các đảng viên cao cấp trong bộ máy lãnh đạo đảng hãy nghĩ tới lợi ích quốc gia mà thay đổi?!

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức vừa tổ chức buổi toạ đàm “Thoát Trung” ở Hà Nội, có mặt tham dự một số học giả, trí thức tên tuổi và các bạn trẻ. Trong buổi toạ đàm nhiều ý kiến tâm huyết phân tích sâu sắc tình hình và đề ra phương sách “thoát Trung” – hay “thoát vòng kiềm toả của Trung Quốc”… Có ý kiến tôi cho rằng rất xác đáng: “Muốn thoát Trung thì phải thoát cộng, mà thoát cộng thì cực kỳ khó khăn, phải từ từ…”. Vì sao?

Vì vật cản lớn nhất là những “ông vua tập thể” đương quyền, cùng những “vị thái thượng hoàng” uy quyền ở Hà Nội, hình thành một thế lực độc tôn nắm trong tay vận nước và sự mất còn của chế độ, vẫn tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê nin là tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng cộng sản Việt Nam và vẫn tiếp tục khẳng định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Như vậy, các vị vẫn phải dựa vào Trung Quốc để tồn tại! Ngày nào các vị còn sống, còn nắm quyền thì Việt Nam khó mà “thoát cộng” và như vậy khó mà “thoát Trung”!

Trong thế lực nắm quyền sanh sát nầy có thể chia hai loại: Một loại bị Trung Quốc mua chuộc, khống chế trở thành Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan thời nay không thể thoát khỏi bàn tay lông lá của Trung Quốc – Loại thứ hai, vẫn biết Trung Quốc gian trá, nhưng vì quyền lợi cá nhân vị kỷ, phe nhóm bán rẻ lợi ích quốc gia dân tộc, ngậm bồ hòn làm ngọt ôm chân Trung Quốc tới cùng.

Ngoài ra, có thể có nhóm thiểu số – cá biệt thứ ba khôn khéo giấu mặt, không vướng vòng kiềm toả của Trung Quốc, có xu hướng thân Mỹ và phương Tây. Người ta hy vọng nhóm nầy có thể làm gì đó thúc đẩy quá trình “thoát Trung”, cải cách chính trị… nhưng với cán cân quyền lực hiện tại, hy vọng ở nhóm này xem ra rất xa vời!

Nói “thoát Trung” tôi không thể không nhìn Myanmar đã “thoát Trung” một cách ngoạn mục, làm cho tôi vô cùng ngưỡng mộ đất nước nầy sản sinh những người Anh Hùng như Tổng thống Thein Sein và nhất là bà Aung San Suu Kyi. Ai cũng biết, trước đây không lâu một thời gian dài Myanmar do các tướng lĩnh cai trị theo thể chế quân sự độc tài, nhưng họ có tinh thần dân tộc, yêu nước, không bị “Bóng đè” (tên truyện ngắn Đổ Hoàng Diệu) ý thức hệ cộng sản như Việt Nam, khi đã nhìn thấy thể chế độc tài quân sự của họ đưa đất nước chìm sâu khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài, nhân dân nghèo đói, bần cùng; thế giới cô lập và hiểm hoạ bành trướng, lệ thuộc người khổng lồ Trung Quốc gây nguy hại khôn lường cho dân tộc. Họ từ bỏ thể chế quân sự độc tài không chút luyến tiếc, kiên quyết cải cách chính trị trong nước, thực hành dân chủ, chấp nhận đảng đối lập, trả tự do những người bất đồng chính kiến… Đồng thời,  họ tích cực cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây; khôn khéo giảm dần các mối quan hệ với Trung Quốc, tạm dừng, hoặc huỷ bỏ các dự án đầu tư của Trung Quốc; trong đó có những dự án lớn hàng tỷ USD khiến Bắc Kinh vô cùng lo sợ!

Người Việt Nam mong muốn cháy bỏng “thoát Trung”, nhìn Myanmar mà thèm thuồng, ganh tỵ! Biết bao giờ Việt Nam có Thein Sein, Aung San Suu Kyi… ?!

Tôi lại lan man nhớ đến Campuchia. Ôi, cái anh chàng độc nhãn Hun Sen sao khôn ngoan thế, đánh Pôn pốt xong quay lưng với chủ nghĩa cộng sản tức thì, xây dựng đất nước theo thể chế quân chủ lập hiến, được lòng dân, thoát vòng kiềm toả của Việt Nam. Từ đống tro tàn đổ nát của Pôn pốt, xây dựng đất nước hồi sinh và đang phát triển nhanh chóng… Thế nhưng, khi củng cố thế đứng vững vàng, đảng Nhân Dân cầm quyền và anh ta dần dần bộc lộ “gót chân Achilles” đam mê quyền lực, gia đình trị, tham nhũng… uy tín trong dân giảm sút sau mỗi kỳ bầu cử đa đảng!

Nhân đây, tôi không thể không nhắc anh bạn Lào láng giềng với mối tình “hữu nghị đặc biệt Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Trên thế giới quan hệ ngoại giao giửa hai nước, có hai nước nào “hữu nghị đặc biệt đời đời bền vững” như Việt Nam – Lào? Nghe sao giống na ná “16 chử vàng” và “4 tốt” của “ông anh” khổng lồ phương Bắc quàng vào cổ “đứa em” bé nhỏ phương Nam quá! Cụm từ nầy lâu nay tôi nghe rất chói tai! Cho dù trong quá khứ hai nước từng kề vai sát cánh chung chiến hào chống Pháp, Mỹ vì lợi ích nhân dân mỗi nước, có gì gọi là “hữu nghị đặc biệt” và cái gì bảo đãm cho sự “đời đời bền vững”? Hiện nay, với cặp mắt cú vọ và bàn tay lông lá của Trung Quốc, cũng như đối với các nước láng giềng Việt Nam, Campuchia, Myanmar… liệu Lào có thoát khỏi Trung Quốc và có chắc gì lúc nào đó không “quay lưng với Việt Nam?   
Mùa Hè 2014 – Biển Đông dậy sóng
 Đặng Kiên Trung
(viet-studies

Một cách trả thù hèn hạ: Ls Lê Quốc Quân bị đưa vào trại Quảng Nam

Theo thông tin nhận được, ngày hôm qua, Ls Lê Quốc Quân, một Ls nhân quyền đã gán ghép buộc tội trốn thuế và kết án 30 tháng tù giam đã bị nhà cầm quyền CSVN bí mật đưa đi trại giam thuộc tỉnh Quảng Nam.

Sáng qua, (13/06/2014) Ls Lê Quốc Quân đã bị đưa đi trong một chiếc xe khách kiểu 24 chỗ ngồi, biển số xanh 33A-9999 chở toàn công an và một số xe con đi cùng. Việc đưa Ls Lê Quốc Quân đi trại xa từ Hà Nội vào Quảng Nam đã được đưa đi bí mật. Đến đoạn giáp ranh giữ Quảng Trị vào Huế, đoàn xe này vào nghỉ chân. Khi Ls Lê Quốc Quân hô lên rằng: “Tôi là Ls Lê Quốc Quân bị nhà cầm quyền đưa đi trại giam Quảng Nam” thì lập tức công an đến bịt miệng và đưa vào Toilet cho đến khi các xe nghỉ chân đi hết họ mới đưa Ls Lê Quốc Quân ra. Trước khi các xe rời khỏi nơi nghỉ chân, một người mặc sắc phục công an leo lên các xe khách và nói to: “Đây là tên phản động, ai đã chụp hình thì phải xóa đi” và chiếc xe chở Ls Lê Quốc Quân đã vượt lên đi vào Trại An Điềm, thuộc huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam vào chiều qua.

Hành động này của nhà cầm quyền tỏ ra lén lút và bất minh, đã bị người dân cảnh giác phát hiện. Chiều nay, gia đình vào Trại giam số 1 Hà Nội, nơi vẫn giam giữ Ls Lê Quốc Quân thì mới nghe nói có danh sách di chuyển vào Quảng Nam, dù cách đây 2 hôm, gia đình mới đến thăm nuôi và gặp Ls Lê Quốc Quân nhưng không hề được biết việc di chuyển này.

Gia đình LS Lê Quốc Quân
Gia đình LS Lê Quốc Quân
Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 tại Hà Nội bằng một cuộc bắt bớ khẩn cấp và rất nhiều tình tiết vi phạm luật tố tụng. Mặc dù đã làm nhiều cách, nhưng cuộc bắt bớ và cả vụ án nói chung được tiến hành bởi nhà cầm quyền CSVN tại Hà Nội đã không thể che giấu được sự thật hèn hạ là sự trả thù chính trị một người dám lên tiếng nói cho đất nước, xã hội và dân tộc. Cái cớ “trốn thuế” chỉ là sự bất đắc dĩ mà nhà cầm quyền buộc phải dùng đến khi muốn trả thù một tiếng nói bất đồng chính kiến mà thôi.

Hơn một năm qua, Ls Lê Quốc Quân bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội. Hai cái gọi là phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã được nhà cầm quyền biểu diễn hết sức hài hước và lố bịch trước con mắt người dân Hà Nội và cộng đồng quốc tế. Bởi họ đã xét xử kín phiên tòa kinh tế “công khai” – một sự sỉ nhục vào ngôn ngữ Việt Nam dù họ luôn kêu gào học sinh “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.

Hàng ngàn người đã đi bộ nhiều km để đến dự cái gọi là “phiên tòa” nhưng đã bị chặn lại bằng nhiều lực lượng công an, công quyền và nhiều trò bẩn thỉu được phô diễn trước cộng đồng dân chúng Hà Nội. Cả hai phiên tòa “Công khai” đã được xử vụng trộm và kết tội nạn nhân bất chấp công lý và sự thật. Bất chấp luật pháp và chứng cứ, nhà cầm quyền CSVN vẫn cố tình vi phạm các nguyên tắc luật pháp để kết tội ông 30 tháng tù.

Cho đến nay, ông đã bị bắt giam 18 tháng. Thời gian qua, ông đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối chế độ nhà tù và các cách đối xử với tù nhân ở đây.

Vụ án mà nhà cầm quyền tổ chức cho Ls Lê Quốc Quân, thậm chí đã hết sức công phu để tiến hành cho đến nay vẫn tiếp tục vi phạm nặng nề các điều khoản luật pháp. Ngay cả quyết định của Tòa án cũng không được hệ thống công an, luật pháp chấp hành.

Cụ thể, ngay từ đầu, công an đã thu con dấu của Công ty và giữ cho đến nay cùng với nhiều tài sản cá nhân của ông Quân cũng như của Công ty mà hoàn toàn không liên quan đến vụ án. Thậm chí, Tòa đã tuyên phải trả lại tất cả những gì không liên quan đến vụ án nhưng Công an vẫn tự coi mình có quyền to hơn cả Tòa án và đến nay vẫn giữ trái phép con dấu và các tài sản trên. Mặc dù cơ quan, gia đình đã nhiều lần đưa đơn yêu cầu trả lại, nhưng mọi chuyện vẫn cứ tùy ý thích của công an, bất chấp tất cả.

Việc thu con dấu của một công ty đang hoạt động hoàn toàn trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và đời sống những người khác trong công ty.

Nhưng luật pháp chỉ được coi như chuyện đùa ở đây.

Xã hội hóa nhà tù?

Theo nguyên tắc, khi bắt người đi tù, dù họ có mất quyền công dân, thì họ vẫn là con người và quyền con người vẫn phải đảm bảo cho họ. Quyền đó bao gồm quyền được tôn trọng nhân phẩm, quyền sống. Thế nhưng, mọi người đều biết, các tù nhân trong các trại giam Việt Nam hiện nay, gia đình đều phải thăm nuôi hàng tuần, hàng tháng mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu của họ. Mặc dù ở trong tù, họ buộc phải lao động bằng sức của mình mà không được hưởng các thành quả lao động đó.

Trong hoàn cảnh giam cầm đói, rách và thiếu thốn đủ mọi cách, các tù nhân phải trông chờ vào sự giúp đỡ, thăm nuôi của gia đình để tồn tại tối thiểu. Người nhà, thân nhân muốn đến Trại tiếp tế cho các tù nhân phải có sổ đăng ký tên tuổi với các mối quan hệ ruột thịt. Đặc biệt một điều hết sức trớ trêu, là các trại giam làm dịch vụ bán hàng cho tù nhân với giá cắt cổ. Nhiều thân nhân tù nhân cho biết, các trại không cho mang bất cứ đồ ăn uống, đồ dùng gửi vào cho tù nhân, ngược lại gia đình hoặc phải gửi tiền, hoặc mua trực tiếp đồ của Trại làm dịch vụ mới được gửi cho tù nhân. Mà giá cả ở đây có thể đắt gấp đôi, gấp ba ở ngoài thị trường mà thân nhân và tù nhân không dám mở miệng kêu ca, bởi nếu không sẽ không được đến thăm nuôi thân nhân mình.

Điều này vẫn là sự tàn bạo tồn tại khá lâu nhưng ít người dám nói tới vì sợ bị trả thù các thân nhân trong trại. Đó cũng là cách mà các trại cải tạo dùng để ép các tù nhân nhận tội và thuần phục mình theo ý của nhà cầm quyền. Truờng hợp tù nhân Đặng Xuân Diệu bị giam cầm mấy năm nay không hề được gặp gia đình, luật sư vì không chịu nhận tội là một điển hình.

Phải chăng vì thế mà các tù nhân cứ tăng liên tiếp về số lượng, phải chăng đây cũng là một kênh để cho Bộ Công an có thêm thu nhập từ nhân dân?

Phải chăng đây cũng là một cách “xã hội hóa” nhà tù?

Vì sao phải đưa đi trại xa?

Gần đây, những người bất đồng chính kiến, các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị luôn bị nhà cầm quyền CSVN dùng một trò rất bẩn thỉu để hành hạ bản thân họ và gia đình. Đó là di chuyển chéo các tù nhân ở mọi miền đất nước với nhau. Chẳng hạn Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có gia đình ở Sài Gòn, thì bị chuyển ra Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An. Chị Tạ Phong Tần, cư trú ở Sài Gòn, bị đưa ra tận Trại giam số 5 Thanh Hóa. Các tù nhân lương tâm phía Nam mà thuộc loại cứng cổ, không khuất phục đều được chuyển chéo ra phía Bắc và ngược lại, các tù nhân phía Bắc bị chuyển vào miền Trung hoặc miền Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và bây giờ là Ls Lê Quốc Quân đều bị chuyển vào Trại An Điềm, thuộc huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam. Còn các sinh viên và thanh niên Công giáo quê Nghệ An, đều bị chuyển đi các trại như ở Thái Nguyên, gần nhất cũng là Thanh Hóa, Hà Nam.

Mục đích của việc thuyên chuyển bố trí này là gi?

Chắc chắn không thể giải thích rằng đây là sự thuận tiện hoặc buộc phải bố trí như vậy của Bộ Công an mới hợp lý. Bởi chẳng ai lạ gì chế độ giam giữ hiện nay ở các nhà tù Việt Nam. Mới đây, Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân lương tâm mới ra tù được một thời gian đã viết bài lên mạng Internet tố cáo chế độ lao tù hiện nay. Đặc biệt việc dùng nhà tù để áp bức các nạn nhân, buộc họ phải nhận tội theo bản án áp đặt của tòa án, những bản án bất chấp tất cả, từ sự thật, công lý, luật pháp và đến cả lương tâm.

Ngoài việc buộc các phạm nhân phải hết sức vất vả để tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt của trại giam, thì việc xa xôi với gia đình, việc tiếp tế không được đều đặn sẽ bào mòn thể xác và tinh thần các nạn nhân. Ngoài ra, đó còn là áp lực tinh thần cho các nạn nhân khi mình là gánh nặng cho gia đình, người thân khi bị nhà cầm quyền bắt bỏ tù. Qua đó, sẽ là những xung đột tâm lý nội tâm nạn nhân dẫn đến dễ đầu hàng.

Một mặt nữa cần lưu ý, là gần đây, người ta phát hiện ra việc các nạn nhân trong các trại cải tạo bị đánh đập, thậm chí là bị tử vong. Nếu là các tội phạm hình sự hoặc các loại tội phạm khác, họ sẽ phải chấp nhận mà im vì chẳng biết kêu, biết kiện vào đâu. Mới năm ngoái đây, một nạn nhân bị chết với nhiều vết bầm trong trại ở Thanh Hóa, gia đình đã tố cáo trước đó công an trại giam đã nhiều lần yêu cầu gia đình nộp tiền vào tài khoản cho anh ta, và lần đó không nộp tiền đã sinh chuyện. Tất nhiên là khi họ tố cáo, có nhân chứng vật chứng thì cuối cùng vấn đề cũng chỉ là khiển trách nội bộ ngành công an. Vì vậy nên họ không biết kêu ai và không dám kêu, nếu có bị chết bị đánh đập trong trại.

Nhưng với các tù nhân lương tâm, chính trị thì khác, họ được sự quan tâm không chỉ của gia đình mà là của toàn xã hội. Do vậy nếu để họ ở gần, nhỡ có cán bộ nào hành hung, hoặc xảy ra vấn đề gì với họ, dư luận sẽ không chìm xuồng.

Phải chăng chỉ cần với các lý do trên, việc di chuyển chéo các nạn nhân từ các vùng miền đổi nhau, là một biện pháp hữu hiệu nhằm đọa đày không chỉ các nạn nhân mà cả các gia đinh, thân nhân của họ?

Thực ra, chưa hẳn đã là hữu hiệu, đã là hay. Các trại cải tạo, các nhà tù, đâu dễ cải hóa con người bằng hình thức giam cầm đánh đập hay áp bức. Mà người ta chỉ cái biến khi được đối xử như với con người, ngoài ra không có gì có thể làm biến đổi họ.

Vì thế, việc dùng các biện pháp trấn áp tinh thần, vật chất đối với những người bị trói tay, bị còng chân là biện pháp không hề có tác dụng tích cực. Nó chỉ có tác dụng cho họ thấy bản chất độc ác, bẩn thỉu và hèn hạ của một chế độ đã dùng nhà tù như một biện pháp trả thù họ mà thôi.

Với những người công chính, người có niềm tin vào sự thật công lý, thì lời Chúa còn đó: ”Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”

Và sự đời thì với những người dù không tin vào tâm linh, thần thánh vẫn phải hiểu rằng, ngay cả Mác – Lênin vẫn phải công nhận cặp phạm trù Nguyên nhân – kết quả.

Và rồi đến ngày họ sẽ được gặt một mùa quả bội thu mà hôm qua, hôm nay họ đang gieo.

Hà Nội, Ngày 14/6/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh 
(RFA) 

VN - Đài Loan đàm phán bồi thường

Một số cơ sở của Đài Loan bị phóng hỏa tại Bình Dương

Đài Loan và Việt Nam thống nhất tổ chức gặp mặt hai lần mỗi tháng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan sau vụ bạo động đầu tháng Năm, Hãng tin Trung Ương Đài Loan (Bấm CNA) đưa tin.

Các cuộc họp sẽ được chủ trì bởi thứ trưởng Kinh tế Đài Loan Thẩm Vĩnh Tân và thứ trưởng Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông.
Hai bên được cho là sẽ lập những nhóm hành động để giải quyết các vấn đề liên quan lao động vào tiền lương; thuế và hải quan; nợ và tài chính; bảo hiểm; và an ninh.

Cuộc gặp đầu tiên đã diễn ra vào thứ Tư vừa qua.

“Một số yêu cầu của chúng tôi đã được đáp ứng,” bà Liên Ngọc Bình, trưởng phòng Đầu tư thuộc bộ Kinh tế Đài Loan được trích lời trên CNA cho biết.

‘Cam kết bồi thường’

Trước đó vào cuối tháng Năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cam kết Hà Nội sẽ có biện pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài.

Những hỗ trợ đó bao gồm miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, và trợ giúp về vấn đề lao động.

CNA cho biết vụ bạo loạn ảnh hưởng đến 425 doanh nghiệp Đài Loan, trong đó 25 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Tổng giá trị thiệt hại ước tính giao động trong khoảng 150-500 triệu đô la, và các thiệt hại kinh tế có liên quan là 1 tỷ đô la.

Đến thời điểm này, Formosa Plastics Group, nhà đầu tư Đài Loan lớn nhất tại Việt Nam, đang đòi chính phủ Việt Nam bồi thường 3 triệu USD sau vụ bạo loạn chống Trung Quốc.

DDK Group, một công ty Đài Loan khác chuyên sản xuất yên xe đạp gần Tp HCM cũng cho biết sẽ đòi nhà chức trách Việt Nam trả 2 triệu USD trên tổng số 4 triệu USD tiền thiệt hại. Nhiều công ty có thể sẽ có động thái tương tự sau khi con số thiệt hại cụ thể được đưa ra.

‘Bình thường trở lại’



Một số người bị truy tố và xét xử sau các cuộc bạo động.

Trong một diễn biến khác, ông Hsu Yu-lin, chủ tịch ủy ban tái xây dựng của Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương nói trên CNA rằng 90% các doanh nghiệp Đài Loan đã hoạt động bình thường trở lại.

“Các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tái khởi động kinh doanh và chưa có ai định rút đầu tư ra khỏi Việt Nam,” ông Hsu nói.

Tuy vậy một số doanh nghiệp dự định mở rộng đầu tư ở Việt Nam đã hoãn kế hoạch, bà Serena Liu, chủ tịch Hội đồng Thương mại Đài Loan ở Việt Nam, cho biết.

“Dù sao doanh nghiệp Đài Loan vẫn rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của chính phủ Việt Nam sau vụ bạo động,” bà Liu được trích lời trên CNA nói.

Hãng tin Đài Loan cũng trích lời một số doanh nhân Đài Loan nói vụ bạo động do điều họ gọi là “thành phần chống chính phủ” gây ra nhằm làm tổn hại kinh tế Việt Nam, chứ không trực tiếp nhắm đến thiểu số người Hoa.  (BBC)

Dương Khiết Trì đến Hà Nội vào tuần tới

Ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc, sẽ đến Hà Nội vào tuần tới để tham dự cuộc đối thoại thường niên về hợp tác song phương với Việt Nam. Theo tin của tờ South China Morning Post (SCMP).

Sự có mặt của ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội trong thời điểm này sẽ được giới quan sát để ý trong bối cảnh căng thẳng Biển Ðông giữa Hà Nội và Bắc Kinh.



Tại cuộc gặp gỡ của Ủy Ban Thúc Ðẩy Quan Hệ Hợp Tác Việt-Trung hồi năm ngoái tại Trung Quốc: Ông Nguyễn Thiện Nhân (trái) và Dương Khiết Trì. (Hình:
http://baodientu.chinhphu.vn/)

Chuyến thăm của họ Dương sẽ là cuộc gặp gỡ cao cấp nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc kể từ khi có căng thẳng liên quan đến giàn khoan HD 981 mà Trung Quốc mang vào bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chuyến đi của ông Dương Khiết Trì lần này có vẻ mang sắc thái rất khác so với trước đây. Thông thường, báo chí của cả hai bên sẽ đưa tin rộng rãi, nhưng lần này, cho đến thời điểm này, chưa có bên nào đưa ra thông báo.

SCMP nói rằng, nguồn tin của họ nhận định, việc giữ yên lặng cho thấy sự tế nhị của thời điểm ông Dương đến Việt Nam. Cả hai bên đều phải đề cập đến sự căng thẳng hiện tại nhưng đồng thời không muốn tạo ra sự lùm xùm của dư luận.

Theo nguồn tin của SCMP, họ Dương sẽ có mặt tại Hà Nội để tham dự vòng gặp gỡ sau cùng của Ủy Ban Thúc Ðẩy Quan Hệ Hợp Tác Việt-Trung; và sau đó sẽ gặp gỡ ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam.

Một học giả tại Việt Nam nói với SCMP: “Ðây là cuộc gặp gỡ thông thường, bàn về hợp tác, nhưng chủ đề chính yếu lần này sẽ liên quan đến Biển Ðông.”

Hồi ngày 6 Tháng Năm, ông Phạm Bình Minh và Dương Khiết Trì đã có cuộc nói chuyện gay gắt qua điện thoại liên quan đến vụ giàn khoan HD 981. Ông Minh lên án phía Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong khi ông Dương nói Việt Nam “làm phiền các hoạt động bình thường của các công ty Trung Quốc.”

Kể từ sau cuộc đấu khẩu ấy, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội xấu hẳn đi. Ngoài biển, tàu, thuyền của hai phía liên tục va chạm nhau. Trong khi bên trong Việt Nam, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ diễn ra.

Ủy Ban Thúc Ðẩy Quan Hệ Hợp Tác Việt-Trung được thành lập từ năm 2006, giới hữu trách hai nước gặp gỡ hàng năm, bàn về các vấn đề hợp tác song phương. Năm ngoái, cuộc gặp gỡ diễn ra tại Bắc Kinh. Ông Dương Khiết Trì làm trưởng đoàn phía Trung Quốc; còn phía Việt Nam là ông Nguyễn Thiện Nhân.
(Người Việt) 

Phong tỏa Trung Quốc

Để giữ cho Trung Quốc hành xử đúng đắn trên biển, Nhật Bản và Mỹ phải tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và Liên hiệp châu Âu (EU)
Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc cải tạo bãi san hô Ken Nan (tên tiếng Anh McKennan) thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Đây là lần thứ tư trong vòng 3 tháng qua, Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc có hành động thay đổi hiện trạng ở biển Đông.

Bắc Kinh ngạo ngược

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 14-6 thông báo: “Họ (Trung Quốc) đang tiến hành công việc cải tạo... Chúng tôi đã gửi công hàm phản đối vào tuần trước”. Ông Jose không cho biết phía Trung Quốc có phản hồi hay không.

Trước đây, hồi tháng 4, Manila từng đưa công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện hoạt động lấn biển quy mô lớn và di dời đất tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Trung Quốc bác bỏ công hàm của Philippines, ngang nhiên cho rằng Gạc Ma thuộc lãnh thổ nước này. Bắc Kinh cũng có thách thức tương tự ở bãi đá Ga Ven và Châu Viên cũng thuộc Trường Sa.

Tàu KD Pahang 172 của Hải quân Malaysia tập trận với Hải quân Mỹ ở biển Đông năm 2013Ảnh: US NAVY
Tàu KD Pahang 172 của Hải quân Malaysia tập trận với Hải quân Mỹ ở biển Đông năm 2013
Ảnh: US NAVY


Liên quan đến hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), Trung Quốc tiếp tục vu cáo các tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 1.547 lần kể từ đầu tháng 5! Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13-6, Phó Vụ trưởng các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương bịa đặt: “Tôi có thể nói rõ rằng từ ngày 2-5 đến nay, kể cả khi hoạt động khoan hoàn tất, chúng tôi chưa, không và sẽ không bao giờ điều động lực lượng quân sự. Bởi vì hoạt động của Trung Quốc chỉ mang tính chất dân sự và thương mại” (!).

Chiến thuật của Mỹ

Tuyên bố lật lọng của ông Dịch bị một quan chức cấp cao ở Washington phản bác. Theo ông này, Bắc Kinh “rõ ràng vô lý” vì từng sử dụng cả không quân và hải quân cũng như lực lượng hải cảnh để “đe dọa các nước khác”. Quan chức Mỹ gọi tuyên bố của ông Dịch là “một nỗ lực yếu ớt nhằm che đậy những gì mà Trung Quốc thực sự đang làm”.

Căng thẳng leo thang ở biển Đông khiến các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Quốc phòng Mỹ cho rằng Washington nên bảo vệ không gian biển, không phận của tất cả quốc gia nằm trong chuỗi đảo đầu tiên trong trường hợp xảy ra đụng độ với Trung Quốc. Trong số các chiến thuật được nghiên cứu nổi lên chiến thuật “kiểm soát ngoài khơi” hay “phong tỏa từ xa”.

“Chiến thuật này không tấn công trực tiếp vào Trung Quốc mà tận dụng lợi thế địa lý của Mỹ và đồng minh trong khu vực để phong tỏa các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc, qua đó làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế của nước này” - các tác giả bài viết trên trang National Interest nêu rõ.

Để đối phó với chiến thuật được đánh giá là hiệu quả, tiết kiệm chi phí so với khái niệm Không - hải chiến (ASB) này, Trung Quốc chỉ có cách duy nhất để phá vỡ sự phong tỏa: Xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng kiểm soát toàn cầu hoặc phát triển các tuyến đường bộ thay thế!

Doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam hoạt động bình thường
Các cuộc tuần hành chống Trung Quốc tự phát tại Việt Nam hồi tháng 5 không ảnh hưởng đến tiến độ đàm phán về việc đổi mới Hiệp định bảo hộ đầu tư hiện có giữa Đài Loan và Việt Nam, theo phát biểu ngày 13-6 của Trưởng Phòng Đầu tư thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan Liên Ngọc Bình.
Hãng tin CNA đưa tin Đài Loan và Việt Nam thống nhất gặp mặt 2 lần/tháng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan. Ngoài ra, hai bên thống nhất sẽ lập các nhóm hành động để giải quyết tiền lương, thuế và hải quan, nợ và tài chính, bảo hiểm và an ninh.
HUỆ BÌNH
(Người Lao động)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét