Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Bộ Chính trị định đoạt về Biển Đông? - Vụ giàn khoan: TQ tố cáo VN ra LHQ

Bộ Chính trị định đoạt về Biển Đông?

Tường thuật của ngư dân và clip về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bao vây, đuổi và đâm chìm làm tôi nhớ lại một chuyên thời sinh viên.

Hôm đó, tôi thấy trong một thư viện của đại học một quyển sách với một chuỗi hình chụp từ máy bay. Những hình này chụp lại cảnh một chiếc thuyền cuả người Việt tỵ nạn trong thập niên 1980 bị nhiều thuyền hải tặc bao vây. Thuyền hải tặc dùng bạt che số hiệu và đâm húc cho đến khi chiếc thuyền xấu số chìm. Không biết bao nhiêu sinh mạng đã bị dập tắt trong lòng biển. Lần này may mắn là các nạn nhân được cứu.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã đâm húc tàu thuyền ngư dân Việt Nam, bắn họ, đánh đập họ, bắt họ, đòi tiên chuộc, cướp phá hoại tài sản của họ biết bao nhiêu lần. Hoàng Sa thì từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, họ khăng khăng là không có tranh chấp, không có gì để đàm phán. Trong cuộc đối đầu về giàn khoan HD-981, họ đã đâm hư hại 24 tàu của cơ quan nhà nước Việt Nam, coi nhà nước Việt Nam không ra gì.
Trung Quốc không nhượng bộ

Với thực tế đó, còn có gì để nấn ná với khái niệm “kiên trì đàm phán” nữa? Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không nhượng bộ gì về chủ quyền đối với các đảo. Về vùng đặc quyền kinh tế có thể có chung quanh các đảo nói chung và vấn đề giàn khoan HD-981 nói riêng, nếu Trung Quốc có nhượng bộ, chắc chắn là họ sẽ ra giá. Giá đó có thể là công nhận “chủ quyền Trung Quốc” trên quần đảo và trong vùng nội thủy và lãnh hải mà họ tuyên bố, hay là để cho họ cùng khai thác trong vùng Tư Chính - Nam Côn Sơn. Thậm chí, cũng có thể một trong những mục đích chính của Trung Quốc trong việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 là để gây áp lực buộc Việt Nam cho họ cùng khai thác trong vùng Tư Chính - Nam Côn Sơn.

Như vậy, thực chất của biện pháp “kiên trì đàm phán” chính là vì “đại cục” mà hy sinh Hoàng Sa, và vùng biển Hoàng Sa có thể có. Biện pháp thứ nhì, đối đầu trên thực địa, là không thể thiếu được, nhưng là một cuộc chiến không cân sức cho Việt Nam. Việt Nam phải bổ xung bên cạnh lòng dũng cảm, sự chịu đựng và hy sinh của cảnh sát biển Việt Nam, kiểm ngư và ngư dân với biện pháp thứ ba: biện pháp pháp lý.

Ngày 23/5, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời phóng viên Reuters, “Cá nhân tôi là một luật gia, tôi luôn luôn hỏi mình khi nào là thời điểm để sử dụng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.” Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Chính trị sẽ quyết định “thời điểm nào hợp lý” cho việc kiện. Tuy không phải là luật gia, tôi cũng tự hỏi, “Bao giờ Bộ Chính trị Việt Nam mới quyết định xử dụng biện pháp pháp lý, một biện pháp hòa bình, văn minh, và là biện pháp duy nhất trong đó Việt Nam có thể chiến đấu một cách bình đẳng với Trung Quốc?”

Dường như có điều gì đó làm họ chần chừ. Có phải là họ ngại trả đũa kinh tế từ Trung Quốc chăng?
Hệ quả?

Ngày xưa, khi trả lời câu hỏi “Hòa hay chiến?”, có lẽ lãnh đạo và người dân Đại Việt cũng đã nghĩ tới những hệ quả xấu cho nông nghiệp từ vó ngựa Mông Cổ. Có lẽ họ cũng đã nghĩ đến chiến lược đồng không nhà trống có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế nào. Và họ còn phải nghĩ sẽ sinh bao nhiêu xương máu trước quân đội thiện chiến nhất thế giới lúc đó. Nhưng trả lời của họ vẫn là trả lời mãi có tiếng thơm trong lịch sử.

Ngày nay, câu hỏi không khắc nghiệt bằng “Hòa hay chiến?”, nó là “Kiện hay không kiện?” (Kiện ở đây là kiện Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, không phải là kiện để đòi lại Hoàng Sa, vì không có tòa nào có thẩm quyền để thụ lý vụ kiện kiện để đòi lại Hoàng Sa).
 
Việt Nam tổ chức họp báo lên án Trung Quốc

Ngày nay, việc ra tòa để giải quyết tranh chấp là một phương tiện văn minh. Hàng chục nước trên thế giới đã ra tòa để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, trong đó có cả Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore và Indonesia. Philippines cũng đã phải hỏi câu hỏi “Kiện hay không kiện?”, và họ đã có một trả lời không bị cột vào nỗi sợ Trung Quốc sẽ trả đũa kinh tế, hay nỗi sợ nào đó khác.

Trả lời của Bộ chính trị cho câu hỏi “Kiện hay không?” sẽ trả lời những câu hỏi, “Lãnh đạo Việt Nam có dùng tất cả các biện pháp hòa bình không? Có dùng tất cả những biện pháp cần thiết không? Có dùng tất cả những biện pháp trong đó Việt Nam có thể đấu tranh một cách bình đẳng không?”.

Trả lời cho những câu hỏi đó sẽ là những chỉ số quan trọng về lãnh đạo Việt Nam đối phó với Trung Quốc thế nào trong cuộc tranh chấp có tính sống còn cho Việt Nam, có thể giúp chúng ta dự đoán về tương lai, và có thể giúp Trung Quốc đánh giá về ý chí trên thực tế của lãnh đạo Việt Nam.

Trung Quốc đã cố ý triển khai giàn khoan ở một địa điểm mà Việt Nam có thể đơn phương kiện. Có thể đó là phép thử của họ, xem lãnh đạo Việt Nam có dám kiện hay không. Nếu Trung Quốc cho rằng lãnh đạo Việt Nam sợ trả đũa kinh tế, hay sợ điều gì khác, cho nên không dám kiện, họ sẽ lấn tới và làm cho tình hình của Việt Nam nguy khốn hơn.

Hiện nay, cảnh sát biển và kiểm ngư đang dũng cảm thi hành nhiệm vụ của họ, ngư dân Việt Nam đang kiên trì bám biển dưới mũi tàu sắt Trung Quốc, lòng dân đang bức xúc, nhưng chưa biết Bộ chính trị sẽ thi hành nhiệm vụ của họ thế nào.
TS. Dương Danh Huy  
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
(BBC)

NV. Nguyên Ngọc - Muốn không viễn vông và lệ thuộc thì phải từ bỏ ý thức hệ hão huyền

Đôi lời: Đây là bản gốc bài phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên báo Kiến Thức hôm qua: “Sợ nhất giàn khoan 981 lẳng lặng rút đi… rồi mọi chuyện chìm“. Tác giả cho biết, bài đăng trên báo Kiến Thức đã bị sửa và cắt xén rất nhiều. Mời bà con đọc và so sánh.
 NV. Nguyên Ngọc
Tâm tư của người VN đã ít nhiều xáo trộn kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Xin ông chia sẻ những tâm tư của mình với tư cách một tri thức, một công dân của VN?
Nói rằng tâm tư người Việt “ít nhiều xáo trộn” vì vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là nói quá nhẹ. Người Việt Nam nói “đất nước” để chỉ cái mà các dân tộc khác gọi là quốc gia. Một tấc dất, một tắc biển bị xâm phạm có thể khiến cả dân tộc này bừng bừng đứng dậy. Trải nghiệm bi tráng hàng nghìn đời cũng đã để lại trong óc và trong máu người Việt ý thức và tình cảm sâu sắc rằng nguy cơ lớn nhất, dai dẳng nhất, thậm chí mãi mãi không bao giờ dứt đối với chủ quyền của đất nước là đến từ phương bắc, từ bành trướng tham lam không đáy và không bao giờ dừng lại của tất cả các triều đại Trung Hoa, từ Trung Hoa phong kiến cho đến Trung Hoa cộng sản, không chút khác biệt, tuyệt đối không thể mơ hồ.
Chuyện Trung Quốc âm mưu xâm chiếm nước ta là chuyện không mới, tuy nhiên lần này có hai điểm nổi bật:
Một: Trong âm mưu bành trướng lâu dài đó, đây là một bước chuyển có tính đột phá: giặc đã vào tận trong nhà. Đây là lúc, đúng như thời Trần cách nay tám thế kỷ đối mặt với quân Nguyên từng dày đạp cả nửa thế giới văn minh, đã đến lúc cất lên lời khẩn báo “sơn hà nguy biến!”.
Hai: Nguy biến, hầu như bao giờ cũng vậy, như một quy luật kỳ lạ và tuyệt diệu của cuộc sống, lại mở ra thời cơ. Và theo tôi có thể lần này là thời cơ lớn mà bao người Việt Nam từng trằn trọc chờ đợi nhiều năm nay.
Hiểm nguy sống còn đồng thời lại là cơ hội lớn từng trằn trọc chờ đợi, ông có thể nói rõ hơn?
Hiểm nguy chết người thì rõ rồi. Còn thời cơ ư?
Số phận đã đặt đất nước ta đứng sát cạnh một đế quốc khổng lồ, và là một đế quốc cực kỳ tham lam. Suốt lịch sử lâu dài từng là vậy, ngày nay càng là vậy: ráo riết hơn, hung hăng tàn bạo hơn, hấp tấp nôn nóng hơn, vô liêm sĩ hơn. Cách đây hơn thế kỷ trên thế giới người ta đã từng nói đến cái gọi là “họa da vàng” (péril jaune). Không phải chuyện phân biệt chủng tộc đâu. “Da vàng” đây cụ thể là đế quốc Trung Hoa. Nhân loại văn minh đã từng lo lắng về hiểm họa ấy. Hãy tưởng tượng đến một ngày cái đế quốc đó – mà là người Việt, dân tộc dày dạn kinh nghiệm nhất với đối tượng quái đản này, chúng ta càng hiểu thấm thía hơn ai hết – đến một ngày cái đế quốc ấy sẽ làm chủ toàn thế giới! Vậy mà đó chính là ý đồ ngày càng không cần quá che dấu nửa của nó, và không phải hoàn toàn không là khả năng hiện thực! Còn sống ngày nào, nhất thiết không được quên điều đó, viễn cảnh kinh hoàng đó.
Người Việt Nam càng không, bởi vì ta, Việt Nam, ta là nút chặn đầu tiên phải vượt qua trên con đường bành trướng vô độ của nó, từ mấy nghìn năm trước, ngày nay càng trắng trợn hơn, quyết liệt hơn. Cho nên nếu Việt Nam còn tồn tại được cho đến ngày nay, thì chính là vì lịch sử suốt mấy nghìn năm của Việt Nam thực chất, căn bản là lịch sử THOÁT TRUNG. Một nghìn năm Bắc thuộc đằng đẳng mà không bị đồng hóa là gì, nếu không là một cuộc thoát Trung kỳ, một cuộc đấu tranh văn hóa kỳ diệu đến kinh ngạc, hầu như không có trường hợp tương tự trong lịch sử thế giới. Rồi một nghìn năm nữa chống xâm lược vũ trang của Trung Quốc, từ Ngô Quyền cho đến Quang Trung …, đương nhiên cũng là đấu tranh vũ trang trên nền tảng văn hóa. Thoát Trung hay là chết, là bị hủy diệt, là không còn Việt Nam. Hàng nghìn năm trước cha ông ta đã giữ trọn non sông đất nước cho ta bằng tư tưởng và hành động sống kiên định, thông minh và anh hùng ấy.
Tuy nhiên, đến thời hiện đại thực tế đã không còn được như vậy. Tôi nghĩ đã đến lúc cần bình tĩnh và sáng suốt nhìn lại: con đường chúng ta đã bắt buộc (?) phải chọn trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, éo le một cách tất yếu, đã khiến ta xao lãng, đến ảo tưởng, về kẻ thù bành trướng truyền kiếp, nguy cơ lâu dài không bao giờ hết đối với tồn vong của dân tộc. Cho đến nổi sự kiện Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới 1979, vụ Trường Sa 1984 … vẫn còn chưa đủ để đánh thức chúng ta. Rồi còn phải ngẫm nghĩ thật kỹ hơn về sự bi tráng lịch sử và sự mê muội tội lỗi kéo dài này.
Nay thì, theo tôi, chính đối thủ đã “giúp” ta, và là một cú giúp rất căn bản. Sự nôn nống do tham vọng ngông cuồng vốn năm trong bản chất của kẻ bành trướng đã khiến tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh đi một nước cờ sai. Với vụ giàn khoan hỗn xược, nó đã dại dột đánh thức lòng tự tôn dân tộc thiêng liêng bị dồn nén của người Việt, sức mạnh đã từng quét sạch mọi cuộc xâm lăng của đế quốc Trung Hoa trong suốt lịch sử. Nó phơi trần mọi sự lừa bịp được công phu bày vẽ lâu nay của kẻ gian manh đi lừa và ở kẻ dại dột bị lừa. Ông Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên đã phải nói đến việc vứt đi cái thứ “hữu nghị viễn vông” mấy mươi năm nay được dùng để lừa nhau và lừa dân…
Tất cả những điều đó, diễn ra từ khi có chuyện giàn khoan, do chuyện dàn khoan, theo tôi là khá ngoạn mục. Tất nhiên có thể thấy vẫn còn mấy kẻ cố sức vá víu, vớ vẩn lo “làm đổ bát nước đầy” …Ai cũng thấy chỉ là trò hề diễn muộn.
Tuy nhiên, đằng sau những biểu hiện đó, còn có một điều gì đó to lớn hơn nhiều, quan trọng sống còn hơn nhiều vẫn kìm hãm dân tộc này, xã hội này, con người Việt Nam này, khiến không khí ở đây oi bức, cùng quẩn hầu đến nghẹt thở: một cái nút bít bùng đã bung ra, có thể bung ra, và một con đường mới đã có thể mở ra, đang mở ra cho tiền đồ dân tộc: THOÁT TRUNG. Thoát Trung để sống còn và phát triển!
Tôi nói thời cơ lớn vì rõ ràng con đường đã rộng mở. Vấn đề bây giờ là có đủ can đảm dấn bước lên con đường mới đã mở ra kia hay không?
Ông có dự kiến cụ thể gì về chuyện giàn khoan sắp tới?
Nói thì có thể lạ: tôi sợ nhất là nó … lẵng lặng rút đi, và ở ta mọi sự lại rơi trở lại trạng thái cũ. Điều quan trọng nhất lúc này là nhận thức rõ đã diễn ra một bước ngoặt, sư thật đã được bày ra, và quyết không quay lại tình trạng bí bức trước nay.
Làm sao để không quay lại?
Cho tôi nói điều này: Thủ tướng đã nói một câu rất quan trọng: “Không đánh đổi chủ quyền vì một thứ hữu nghị viễn vông và lệ thuộc”. Cho tôi được phép nói thêm: muốn không viễn vông và lệ thuộc nữa (cả hai từ này đều quan trọng) thì nhất thiết phải từ bỏ ý thức hệ hão huyền. Chính cái món ý thức hệ hão huyền đó đã khiến người ta tin vào một thứ hữu nghị viễn vông, lừa bịp, còn bành trướng Bắc Kinh thì thực chất đã vứt bỏ nó từ lâu rồi trong khi lại dùng làm mồi nhử kẻ ngây ngô lệ thuộc. Hữu nghị viễn vông và ý thức hệ hão huyền là hai thứ không thể tách nhau.
Tôi đã có lần đề nghị: (lẽ ra) sau năm 1975, cần một cuộc phục hung dân tộc căn bản, để đưa đất nước thực sự chuyển sang một thời đại mới, phát triển cùng nhân loại văn minh. Xin nói rõ hơn: Muốn vậy, nhất thiết phải THOÁT TRUNG. Vứt bỏ hữu nghị viễn vông. Và cởi bỏ ý thức hệ hão huyền.
Nguyên Ngọc

Tuần báo Bắc Kinh: Phải buộc Việt Nam lệ thuộc về kinh tế, văn hóa?!

(GDVN) - Đúng! Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, quan trọng hơn rất nhiều một thứ "quan hệ hữu nghị viển vông" giả cầy nào đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: tienphong.com.vn
Tuần báo Bắc Kinh ngày 9/6 tiếp tục có bài xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam bằng việc bóp méo nội dung công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.

Tờ báo Trung Quốc vu cáo rằng căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ...những vấn đề trong nước của Việt Nam?! Thật nực cười, "do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với áp lực giảm phát, tỉ lệ thất nghiệp cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng", đây là lý do, đúng hơn là cái cớ để Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam?

Ngoài việc đổ tội cho "khủng hoảng kinh tế", Tuần báo Bắc Kinh còn vu cáo "các nhóm nhân quyền ủng hộ dân chủ trong và ngoài Việt Nam thông đồng, kích động bạo loạn chống Trung Quốc bằng cách lợi dụng lòng yêu nước của Việt Nam"?! 

Người Việt đủ tỉnh táo để biết ai là bạn ai là thù, một kẻ láng giềng to xác kéo giàn khoan án ngữ ngay trước cửa nhà mình lẽ nào có thể ngồi yên? Hơn ai hết, Trung Quốc thừa hiểu lòng yêu nước của người Việt như thế nào qua các bài học lịch sử.

Hoạt động gây rối của một số đối tượng lợi dụng các cuộc tuần hành yêu nước, phản đối Trung Quốc bành trướng Biển Đông, xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam để gây tổn hại cho một số doanh nghiệp nước ngoài đã bị nhà nước Việt Nam nghiêm trị, đồng thời động viên và giúp đỡ kịp thời các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đây đâu phải chỗ để tờ báo Trung Quốc nói lời ly gián, chia rẽ người Việt.
Kéo giàn khoan, tàu chiến sang vùng biển nước khác ngang nhiên, trắng trợn là hành động của kẻ cướp.

Không những tìm cách ly gián người Việt với nhau, người dân với chính phủ Việt Nam mà Tuần báo Bắc Kinh còn tiếp tục chiêu bài kích động, tạo hiểu nhầm trong dư luận về cái gọi là "sự chia rẽ trong ban lãnh đạo Việt Nam" trong quan hệ với Trung Quốc, bất chấp thực tế các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã lên tiếng phản đối các hành vi gây hấn của  Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông.

"Những gì làm phức tạp vấn đề là quan điểm về quan hệ Việt - Trung khác nhau rất nhiều giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam", Tuần báo Bắc Kinh kích động. Với luận điệu xuyên tạc, đâm bị thóc chọc bị gạo hòng chia rẽ người Việt, tờ báo Trung Quốc vu cáo trắng trợn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Trong khi những người ủng hộ Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị Việt - Trung thì một số lãnh đạo cấp cao mà đại diện là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bám vào giáo điều, đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi thứ khác, một quan điểm kích thích chủ nghĩa dân tộc và những người trẻ tuổi"?!

Đúng! Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, quan trọng hơn rất nhiều một thứ "quan hệ hữu nghị viển vông" giả cầy nào đó. Đây là bài học người Việt đã rút ra sau rất nhiều biến cố, mà trong số đó có phần "đóng góp không nhỏ" của gã láng giềng lớn xác nhưng chơi bẩn, thường tìm cách đâm sau lưng đồng chí, bạn bè. 

Và không chỉ Việt Nam, trong quan hệ quốc tế ngày nay, quốc gia nào cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên. Điều khác nhau ở chỗ, những nước văn minh thì bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp, trong khi những kẻ ngụy quân tử thì chỉ thích vơ vào, biến của người khác thành của mình và bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả đâm bạn sau lưng.

Bất chấp thực tế những nỗ lực không ngừng của chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ổn định tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục chỉ đạo mặt trận đối phó với dã tâm, thủ đoạn bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, Tuần báo Bắc Kinh tiếp tục vu cáo Thủ tướng Việt Nam "chỉ đạo, xử lý không hiệu quả" cái gọi là "bạo loạn chống Trung Quốc"?!

Vu cáo Việt Nam xong, tờ báo quay ra buộc tội Hoa Kỳ. Nó cho rằng sự "trỗi dậy" của Trung Quốc đã khơi dậy nỗi sợ hãi đối với rất nhiều người Mỹ, những người cảm nhận thấy sức mạnh đang lên của Bắc Kinh như một mối đe dọa. Washington đã tuyên bố sẵn sàng giải quyết sự khiêu khích của Trung Quốc với chiến lược trục châu Á của mình. Hoa Kỳ đã san bằng những chỉ trích của Trung Quốc về tranh chấp của họ với các nước láng giềng ở Biển Đông, Hoa Đông.
 
Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuần báo Bắc Kinh lý luận rằng, mặc dù Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng sự hỗ trợ của Washington cho Nhật Bản và Philippines đã khuyến khích người Việt, áp dụng lập trường "ngày càng khó khăn và khiêu khích với Trung Quốc"?! 

Theo ý kiến của Mỹ, Trung Quốc nên tập trung lo đổi mới đất nước và không dùng vũ lực để chống lại Việt Nam ở Biển Đông, do đó Việt Nam cảm thấy bị thôi thúc tận dụng tối đa khoảng thời gian này để củng cố lợi ích của mình trong khu vực, tờ báo Trung Quốc nói.
 
Tờ báo này lật lọng rằng, việc chính phủ Việt Nam nhanh chóng xử lý một số đối tượng gây rối, ổn định tình hình là do "áp lực từ Trung Quốc", trắng trợn hơn, nó vu cáo Việt Nam tiếp tục "quấy rối giàn khoan Trung Quốc".

Trong khi các tàu Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với "hạm đội" tàu bảo vệ giàn khoan Trung Quốc hoạt động trái phép ngoài Biển Đông, Tuần báo Bắc Kinh cho rằng "ít có khả năng leo thang xung đột vì Việt Nam sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến bất đối xứng, cũng không đủ khả năng để kéo dài nó".
Tuần báo Bắc Kinh đúng ở chỗ, về sức mạnh cơ bắp trên biển đúng là bất đối xứng khi Trung Quốc liên tục huy động hơn 100 tàu lớn, gồm nhiều chiến hạm hiện đại nhất của hải quân và máy bay quân sự, nhưng nó quên mất rằng Việt Nam mới là bên có chính nghĩa còn những kẻ kéo tàu chiến giàn khoan sang vùng biển nước khác lộng hành là những kẻ cướp. Thế giới văn minh sẽ không để cho bọn kẻ cướp thích làm gì thì làm.

Tuần báo Bắc Kinh còn lo sợ Việt Nam sẽ làm gương cho Philippines chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông và việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó bao gồm biện pháp pháp lý đã khiến tờ báo này lo sợ sẽ "ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt - Trung", thật nực cười!

Nguy hiểm hơn, tờ báo này cho rằng về lâu dài Trung Quốc cần tăng cường "sự lệ thuộc của Việt Nam về kinh tế và văn hóa" mới là giải pháp khả thi nhất?!

Tuần báo Bắc Kinh cho rằng, thực tế mặc dù giao lưu thanh niên 2 nước diễn ra thường xuyên, hợp tác gần gũi về văn hóa "nhưng Việt Nam không chỉ cho phép hùng biện chống (sự bành trướng, xâm lược của) Trung Quốc chiếm ưu thế, mà còn cố tình miêu tả Trung Quốc như kẻ mạnh ức hiếp người yếu dẫn đến kết quả hầu hết người trể tuổi ở Việt Nam không muốn chơi với Trung Quốc"?! 

Một thái độ trịch thượng, kẻ cả muốn đồng hóa cả các nước láng giềng thành "chư hầu" của Trung Quốc đã trở thành não trạng bệnh hoạn của một bộ phận học giả, truyền thông và quan chức Trung Quốc, điều này sẽ không bao giờ xảy ra.
Hồng Thủy

Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoạt động của giàn khoan HYSY 981: Khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc

giàn khoan HYSY 981
I. Hoạt động của giàn khoan HYSY 981

Vào ngày 2 tháng Năm 2014, giàn khoan HYSY 981 của một công ty Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan bên trong khu vực tiếp giáp Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (xem Phụ lục 1/5 về những địa điểm hoạt động) với mục đích tìm kiếm dầu và khí đốt. Khi công đoạn đầu của hoạt động đã hoàn tất, công đoạn thứ hai bắt đầu vào ngày 27 tháng Năm. Hai vị trí hoạt động cách Đảo Trung Kiến thuộc Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc 17 hải lý và nằm trong đường cơ sở hải phận Quần đảo Tây Sa, cách xa khu bờ biển thuộc đất liền của Việt Nam từ 133 đến 156 hải lý.

Công ty Trung Quốc đã tiến hành thăm dò trong khu vực biển này từ 10 năm qua, bao gồm các hoạt động địa chấn và thăm dò giếng dầu. Hoạt động khoan dò do HYSY 981 thực hiện lần này là sự tiếp tục của một quá trình thăm dò thường xuyên và nằm đúng trong chủ quyền và thẩm quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

II. Hành động khiêu khích của Việt Nam

Ngay sau khi hoạt động thăm dò của Trung Quốc vừa khởi sự, Việt Nam đã đưa một lượng lớn các tàu thuyền, bao gồm tàu vũ trang đến khu vực và phá rối mạnh mẽ và phi pháp hoạt động của Trung Quốc, họ đã đâm vào các tàu của nhà nước Trung Quốc làm nhiệm vụ dẫn dắt và bảo vệ trong khu vực ấy. Cùng lúc, Việt Nam cũng đã đưa người nhái và những thiết bị dưới nước vào khu vực để thả một lượng lớn các chướng ngại vật, bao gồm lưới đánh cá và các vật nổi trong khu vực biển. Vào lúc 5 giờ chiều ngày 7 Tháng Sáu, đã có đến 63 tàu thuyền Việt Nam trong khu vực vào thời điểm cao độ nhất để tìm cách chọc thủng tuyến bảo vệ của Trung Quốc và đâm vào các tàu của chính quyền Trung Quốc với tổng cộng 1.416 lần.

Những hành động nói trên của phía Việt Nam là những vi phạm nghiêm trọng đối với lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, đe doạ trầm trọng đến sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và giàn khoan HYSY 981, và là những vi phạm trắng trợn đến luật lệ quốc tế quan yếu, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Công ước về ngăn ngừa các hành động bất hợp pháp vi phạm an toàn lưu thông hàng hảiNghị định thư về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp vi phạm sự an toàn của nền tảng cố định nằm trên thềm lục địa. Những hành động này cũng gây ảnh hưởng xấu đến quyền tự do và an ninh lưu thông trong khu vực biển, làm tổn hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi dùng bạo lực một cách phi pháp để gây rối hoạt động bình thường trên biển của công ty Trung Quốc, Việt Nam lại còn dung dưỡng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong nước. Vào giữa tháng Năm, hàng nghìn phần tử vô pháp luật tại Việt Nam đã tiến hành việc đánh đập, đập phá, hôi của và đốt cháy các công ty của Trung Quốc và của một số quốc gia khác. Họ đã giết hại một cách dã man bốn người có quốc tịch Trung Quốc và gây tổn thương hơn 300 người khác, và đã gây ra những thiệt hại tài sản to lớn.

III. Phản ứng của Trung Quốc

Các vùng biển giữa Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc và vùng biển thuộc đất liền của Việt Nam vẫn chưa được phân định. Hai bên vẫn chưa tiến hành xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong vùng biển này. Cả hai bên đều có quyền tuyên bố đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, các vùng nước này sẽ không bao giờ trở thành đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dù áp dụng bất kỳ nguyên tắc nào vào việc phân định.

Để đối phó với hành động khiêu khích trên biển của Việt Nam, Trung Quốc đã kiềm chế rất nhiều và và đã tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết. Các tàu của chính phủ Trung Quốc đã được điều đến hiện trường với mục đích bảo đảm an toàn hoạt động, qua đó đã giữ gìn trật tự qui trình sản xuất và hoạt động trên biển và an toàn hàng hải một cách hiệu quả. Trong khi đó, kể từ ngày 2 Tháng Năm, Trung Quốc đã có hơn 30 lần liên lạc với Việt Nam ở các cấp độ khác nhau, yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt hành động phá rối phi pháp của mình. Tuy thế, thật đáng tiếc là việc gây rối phi pháp của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.

IV. Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc

1. Quần đảo Tây Sa là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc, không gì bác bỏ được.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã khám phá, phát triển, khai thác và thực hiện thẩm quyền đối với quần đảo Tây Sa. Trong triều đại Bắc Tống (960-1126 Sau Công nguyên), chính phủ Trung Quốc đã thiết lập thẩm quyền đối với quần đảo Tây Sa và đưa hải quân đến tuần tra các vùng biển ấy. Năm 1909, Tư lệnh Lý Chuẩn của hải quân Quảng Đông của nhà Thanh đã dẫn đầu chuyến thanh sát quân sự trên quần đảo Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc bằng cách kéo cờ và bắn một loạt đạn trên đảo Hưng Vĩnh. Năm 1911, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã công bố quyết định đưa quần đảo Tây Sa và vùng biển lân cận vào dưới thẩm quyền của Huyện Ya thuộc đảo Hải Nam.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã xâm lược và chiếm đóng quần đảo Tây Sa. Sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, chiếu theo một loạt các văn bản quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã cử quan chức cấp cao đi tàu quân sự đến quần đảo Tây Sa vào tháng 11 năm 1946 để tiến hành lễ tiếp nhận các hòn đảo, một tấm bia đá đã được dựng lên để kỷ niệm việc bàn giao và sau đó quân đội đã trấn thủ ở đấy. Vì thế, Quần đảo Tây Sa, vốn từng bị một quốc gia khác chiếm đóng bất hợp pháp đã được trả về thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.

Năm 1959, chính phủ Trung Quốc thiết lập Văn phòng Quản lý các Quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Vào tháng Giêng năm 1974, quân đội và nhân dân Trung Quốc đã đánh đuổi đội quân xâm lược của chính quyền Sài Gòn thuộc miền Nam Việt Nam ra khỏi đảo San Hô và đảo Cam Tuyền thuộc quần đảo Tây Sa để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp vào năm 1992 và công bố các điểm cơ sở và đường cơ sở thuộc lãnh hải của quần đảo Tây Sa vào năm 1996, trong đó đều khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và giới hạn các vùng lãnh hải của các đảo. Năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã thành lập những cơ quan hành chính cho thành phố Tam Sa trên đảo Hưng Vĩnh thuộc Quần đảo Tây Sa.

2. Trước năm 1974, không một chính phủ kế thừa nào của Việt Nam đã thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa. Từ cổ xưa, Việt Nam đã chính thức công nhận quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Quan điểm này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ cũng như trên báo chí, bản đồ và sách giáo khoa của họ.

Trong một cuộc họp với đại diện lâm thời Li Zhimin thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam Ung Văn Khiêm đã long trọng tuyên bố rằng "theo dữ liệu của Việt Nam, các Quần đảo Tây Sa và Nam Sa trong lịch sử là một phần của lãnh thổ Trung Quốc." Lê Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người cũng có mặt tại cuộc họp, đã trích dẫn cụ thể dữ liệu của Việt Nam và chỉ ra rằng, "xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã là một phần của Trung Quốc vào thời nhà Tống."

Ngày 4 tháng Chín năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một bản tuyên bố (xem Phụ lục 2/5), trong đó nói rằng bề rộng phạm vi lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và nói rõ rằng "quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Quần đảo Tây Sa ... ". Ngày 06 tháng Chín, báo Nhân Dân, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã công bố trên trang nhất toàn bộ văn bản tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc. Ngày 14 tháng Chín, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của chính phủ Việt Nam đã gửi một công hàm ngoại giao (xem Phụ lục 3/5) đến Thủ tướng Chu Ân Lai của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, long trọng tuyên bố rằng "chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công nhận và hỗ trợ tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc đưa ra ngày 04 tháng Chín năm 1958 " và "chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định này".

Ngày 09 tháng Năm năm 1965, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành một tuyên bố liên quan đến các “khu vực chiến sự” của quân đội Mỹ tại Việt Nam do chính quyền Hoa Kỳ chỉ định. Tuyên bố nói rằng "Việc Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson chỉ định toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và các vùng biển lân cận với giới hạn khoảng 100 dặm từ bờ biển của Việt Nam và một phần của lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc thuộc quần đảo Tây Sa là ‘khu vực chiến sự’ của quân đội Hoa Kỳ ... là sự đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các nước láng giềng ... "

Trong tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam đã ghi quần đảo Tây Sa theo tên Trung Quốc (xem Phụ lục 4/5). Sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1974 có một bài dạy mang tên "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" (xem Phụ lục 5/5). Trong đó viết, "Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Bành Bồ, Châu Sơn... làm thành một bức Trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc...."

Nhưng giờ đây chính phủ Việt Nam lại đảo ngược lời nói của mình bằng cách tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Đó là một vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không được đảo ngược thừa nhận pháp lý và các tiêu chí căn bản trong quan hệ quốc tế.

V. Giải quyết tình hình một các đúng đắn

Trung Quốc là một lực lượng trung thành trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Hải và thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các nước trong khu vực. Trung Quốc kiên quyết duy trì mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, các tiêu chí căn bản của quan hệ quốc tế và các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế. Trung Quốc không bao giờ muốn có bất kỳ một mối bất ổn trong khu vực láng giềng của mình.

Trung Quốc muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhưng có những nguyên tắc mà Trung Quốc không thể từ bỏ. Các kênh liên lạc giữa Trung Quốc và Việt Nam đang mở ra. Trung Quốc kêu gọi Việt Nam cần ghi nhớ các lợi ích chung của các mối quan hệ song phương và hòa bình và ổn định ở Biển Nam Hải, tôn trọng chủ quyền, quyền về chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, ngay lập tức chấm dứt tất cả các hình thức phá rối các hoạt động của Trung Quốc và triệu hồi tất cả các tàu thuyền và nhân sự ra khỏi khu vực để giảm bớt căng thẳng và khôi phục lại sự bình yên trên biển càng sớm càng tốt. Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực của mình để giao tiếp với Việt Nam nhằm giải quyết tình hình hiện nay một cách đúng đắn.

VI. Phụ lục

Phụ lục 1/5: Bản đồ các vị trí hoạt động của công ty Trung Quốc
Phụ lục 2/5: Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải của Trung Quốc được công bố vào ngày 4 tháng Chín năm 1958
Phụ lục 3/5: Những ghi chú gửi ngày 14 tháng Chín năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đến Thủ tướng Chu Ân Lai thuộc Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Phụ lục 4/5: Bìa của Bản đồ Thế giới của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam in vào tháng 5 năm 1972, và các trang về Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore
Phụ lục 5/5: Bài học mang tên "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" trong sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành vào năm 1974

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc
Diên Vỹ chuyển ngữ
Dân Luận

Nguồn: The Operation of the HYSY 981 Drilling Rig: Vietnam's Provocation and China's Position - Bộ Ngoại Giao Trung Quốc

Vụ giàn khoan: TQ tố cáo VN ra LHQ

Tàu hai nước tiếp tục va chạm hàng ngày tại vùng biển đặt giàn khoan

Trung Quốc đã đưa tranh cãi với Việt Nam xung quanh việc họ đặt giàn khoan trên Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai ngày 9/6, hãng tin Mỹ AP tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Theo đó, Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội ‘xâm phạm chủ quyền’ của họ và ‘cản trở một cách phi pháp’ hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Trung Quốc.

Trung Quốc nói văn kiện lập trường kèm theo bản đồ vị trí tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc "cũng như tài liệu liên quan mà Việt Nam lâu nay công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa".

Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi ‘thư bày tỏ lập trường’ của họ về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 9/6 và yêu cầu người đứng đầu tổ chức này cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng.

Trong văn bản này, Trung Quốc nói đã có bốn công dân Trung Quốc ‘bị giết hại dã man’ và hơn 300 người bị thương trong các cuộc bạo loạn ở Việt Nam.

Lá thư cho biết Công ty dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc đã có các hoạt động thăm dò địa chất ở khu vực này trong vòng 10 năm qua và việc đưa giàn khoan ra đây chỉ là ‘sự tiếp tục công việc thăm dò thường xuyên’ và giàn khoan này ‘nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’.

Bắc Kinh nói Hà Nội đã cản trở hoạt động của giàn khoan ‘một cách phi pháp và cưỡng ép’ với việc điều tàu có vũ trang ra khu vực và đâm tàu Trung Quốc.

“Việt Nam cũng triển khai người nhái và các thiết bị hoạt động dưới nước ra vùng biển này và thả xuống biển rất nhiều chướng ngại vật bao gồm lưới cá và các vật trôi nổi,” lá thư viết.

Văn bản lên án các hành động của Việt Nam ‘đã xâm phạm chủ quyền Trung Quốc’, ‘đe dọa nghiêm trọng đến các công dân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan và vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển’.

Trung Quốc cũng đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa ‘là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc mà không có bất kỳ tranh chấp nào’.

AP đã tìm cách gọi cho phái bộ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và phát ngôn nhân của nước này để hỏi về phản ứng nhưng không có ai trả lời.

Trước đó, phái bộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cùng công hàm lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon để phản đối giàn khoan và các tàu hộ tống của Trung Quốc ‘trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam’.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét