Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Tiếp tục làn sóng bỏ Đảng - THÔNG BÁO CÔNG KHAI TỪ BỎ ĐẢNG & 'Đảng tổn thất lớn về mặt chính danh'

THÔNG BÁO CÔNG KHAI TỪ BỎ ĐẢNG

Ghi chú: Chúng tôi nhận được một Email với nội dung Thông báo dưới đây, trong đó tác giả công khai cả số thẻ đảng, số điện thoại và ảnh của mình. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của vụ việc, trong khi chưa có điều kiện xác thực, nên chúng tôi tạm chưa công bố các chi tiết đó cho đến khi có thêm thông tin cần thiết. 
.
BT
.
Bổ sung, 7h50′, 7/12/2013:  Chúng tôi đã xác thực được những thông tin cần thiết về tác giả, nên xin công bố đầy đủ.
.
Theo bổ sung mới của tác giả, đoạn cuối “Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, tôi lại phấn đấu xin vào Đảng”, nay được sửa lại là “Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc, vứt bỏ ngọn cờ CNXH, tôi lại phấn đấu xin vào đảng”.
—-
.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 12 năm 2013

Hưởng ứng lời tuyên bố từ bỏ Đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng và Nhà báo – TS Phạm Chí Dũngtôi, Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ Nha khoa, đảng viên, số hiệu thẻ đảng 3444669, THÔNG BÁO CÔNG KHAI từ bỏ Đảng Cộng sản Việt nam.
 
???????????????????????????????
.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống chống các kiểu thực dân và áp bức, sau 1954 tuy sống ở đô thị miền Nam nhưng gia đình tôi là cơ sở CM nội thành, đã được tặng thưởng Huân Chương Kháng Chiến Hạng Nhất theo QĐ số 801/HĐNN, có Giấy Chứng Nhận Người Có Công Với Cách Mạng. Thế nên đã một thời, tôi cũng từng tràn đầy nhiệt huyết với khát vọng đồng hành cùng Đảng xây dựng một đất nước công bằng dân chủ và văn minh.
.
IMG_2935
 
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản đã thể hiện từ ngày Bắc Nam thống nhất khiến tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.     
.
Tôi không tin Đảng sẽ dẫn dắt dân tộc cập được bến bờ vinh quang bằng các cương lĩnh kiểu như cương lĩnh 1991, hiến pháp 2013. Bởi đó là những cương lĩnh u ám, những hiến pháp tiểu xảo.      Với thỏa ước Thành Đô 9/1990, Đảng đã đánh mất cơ hôi ngàn vàng trong sự nghiệp bảo toàn chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ khi sống cạnh một nước lớn có tiền sử hàng ngàn năm áp chế dân tộc Việt.     
.
Thay vì theo đường quang mà cộng đồng thế giới văn minh đã khai phóng để đi, Đảng lại liên tục quàng vào bụi rậm. Câu châm biếm “Đảng tiên phong đi trước, nhân dân tiếp bước theo sau, dân hỏi Đảng đi đâu, Đảng lầu bầu: đang định hướng” là hình ảnh vừa bi vừa hài, nhưng mà thực và sống.     
.
Khi vào Đảng tôi đã từng thề, rằng tuyệt đối trung thành với Đảng. Nay, tôi thà phản bội lời thề trung thành với Đảng còn hơn phải theo Đảng mà phản bội lại quyền lợi dân tộc, dân sinh, dân chủ, dân quyền mà lẽ ra dân tộc tôi phải được hưởng từ 38 năm về trước.  Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc, vứt bỏ ngọn cờ CNXH, tôi lại phấn đấu xin vào đảng.
.
Bs. Nguyễn Đắc Diên
ĐT: 0914002424

Vì sao nhiều người nổi tiếng, nhiều năm trung thành, nay tự nguyện ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam?

Nguyễn Mộng Hoài 
Trước hết, và quyết định nhất hiện nay Đảng Cộng sản Việt nam không còn là một tổ chức chính trị xã hội như ban đầu mới thành lập hoặc như thời kỳ giải phóng dân tộc nữa, mà đã biến thành một đảng khác rồi. Chính bản thân đảng khoảng vài ba chục năm trở lại đây đã tự phản bội đảng, phản bội chủ nghĩa Mac-Leenin, phản bội chủ tịch Hồ Chí Minh và đi ngược lại tôn chỉ mục đích, chính cương, điều lệ của chính mình.

 Hiện nay, trước con mắt của đông đảo quần chúng, những người đã không nề hi sinh xương máu đi theo và bảo vệ đảng trong 83 năm qua, Đảng không còn được như họ nghĩ và tôn vinh như trước nữa. Vì sao, thì tất cả các đồng chí trong Đảng, kể cả các đồng chí lãnh đạo cao của Đảng đã thừa nhận và phơi bày ra rồi. Nói lại thì vẫn chỉ là nói lại mà thôi. Cuộc sống thực tế bao giờ cũng là tấm gương phản chiếu soi rọi từng người, từng tổ chức chính trị đã và đang "lãnh đạo", tổ chức họ trước đây là chiến đấu hi sinh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, nay là xây dựng đất nước giầu mạnh văn minh.
 Lịch sử Việt Nam mà bây giờ còn rất ít người phát ngôn đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc, đã và đang chứng kiến sự vận động xuống dốc của một tổ chức chính trị trước đây có rất nhiều công lao đối với cách mạng, đối với nhân dân, thì nay trở thành một tổ chức ô hợp, năm bè bảy mối, đấu đá nhau như "quần cẩu tranh thực" (chữ của Trí Thức). Gần như mọi chủ trương, đường lối của Đảng đã bị bóp méo và đi ngược lại chính mình, ngược lại cái gọi là Chính cương, tôn chỉ mục đích của một tổ chức chính trị cao cả như tháng 4 năm 1975 về trước.
 Vì sao, khi mới thành lập, do Bác Hồ tập hợp đại diện của ba tổ chức cộng sản tại Việt nam (và nếu kể cả Đông Dương thì là 5 tổ chức cộng sản) thống nhất thành một Đảng Cộng sản Đông Dương, sau vì thể theo yêu cầu và tình hình đặc điểm riêng của Lào và Căm-pu-chia, đảng cộng sản Đông Dương đồng ý cho hai tổ chức đảng của hai nước này được thành lập đảng riêng phù hợp với cuộc đấu tranh của họ. Đảng Cộng sản Đông Dương đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đầu gồm ba tổ chức cộng sản. Công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh là đã thống nhất được ba tổ chức cộng sản ở Việt nam trở thành một đảng cộng sản duy nhất.
 Năm 1951, do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đòi hỏi của tình hình trong nước và ngoài nước, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, có thay đổi chút ít về chính cương, điều lệ nhằm củng cố tốt hơn đội ngũ, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lập lại hòa bình năm 1954, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc ở miền Nam nhằm tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Ngay sau tháng 7 năm 1954, thực dân Pháp và tay sai phản bội Hiệp định Giơ-ne, ngăn cản công cuộc thống nhất nước Việt Nam theo quy định của Hiệp định, tại miền Nam Việt Nam, đã ra đời Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam, thực chất là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của đồng bào Miến Nam.
 Đó là chiến lược và sách lược đúng đắn đã góp phần quyết định, cho dù lâu dài, đưa cách mạng Việt nam đến thắng lợi hoàn tản. Tháng 4-1975, hoàn toàn giải phóng miền Nam, ngay sau đó thống nhất tổ quốc về mặt Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội dần dần được thống nhất trong cả nước.Rõ ràng, với quan điểm lịch sử, chúng ta không thể nào phủ nhận công lao, kinh nghiệm và chiến tích của Đảng Cộng sản Việt nam (bao gồm của cả Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, đảng Xã hội Việt nam và Đảng Dân chủ Việt Nam thời kỳ còn hoạt động trong Mặt trận dân tộc thống nhất).

Lịch sử cũng đã ghi nhận trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945, đảng cộng sản Việt Nam chỉ có khoảng 5000 đảng viên trong cả nước, nhiều vùng miền "trắng" không có đảng viên, nhưng Mặt trận Việt Minh và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phất lên ngọn cờ tập hợp 25 triệu đồng bào Việt Nam lúc đó dưới cờ cách mạng của Đảng, làm nên cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi vang dội, cho ra đời nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, cho đến khi thực hiện được thống nhất nước nhà, không có nghị quyết trung ương, chỉ có chỉ đạo của Bí thư thứ nhất trung ương Đảng Lê Duẩn, chúng ta mặc nhiên có danh xưng quốc gia là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay. 
Thực chất hồi năm 1975, chúng ta mới manh nha trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chứ chưa hề có chủ nghĩa xã hội trong thực tế, và nếu có một chút nào hơi hướng chủ nghĩa xã hội thì chỉ ở miền Bắc thôi chứ ở miền Nam mới giải phóng, mọi công cuộc cải tạo "xã hội chủ nghĩa" mới chỉ bắt đầu không giống miền Bắc và nhân dân cũng không chịu nghe theo làm như miền Bắc. Vậy mà chúng ta vẫn chủ quan đặt quốc hiệu là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp hơn, công bằng hơn, phát triển hơn chủ nghĩa tư bản, càng hơn hẳn chủ nghĩa thực dân phong kiến và nô lệ mà nhân dân ta đã phải chịu đựng suốt mấy thế kỷ. 
Tuy nhiên, ngay mô hình của chủ nghĩa xã hội, hay là thời kỳ đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lúc thì bị ảnh hưởng của Liên Xô, nếu những người lãnh đạo thân Liên Xô, lúc thì ngả theo nhiều cách làm của Trung Quốc, nếu những người lãnh đạo thích theo Tàu hơn. Cuối cùng thì tai họa lại đổ lên đầu nhân dân Việt Nam. Điển hình là việc giáo điều thi hành chính sách cải cách ruộng đất ở miền Bắc các năm 1953 - 1956, chúng ta đã "tay phải chém vào tay trái" giết hại ngót một vạn đảng viên hầu hết là những đảng viên ưu tú đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp ở cả hai miền, tiếp đó là nhiều cuộc "cải tạo xã hội chủ nghĩa" đã đi ngược lại quyền dân tộc, mục đích cách mạng của nhân dân từ nam chí bắc, từ thành thị đến nông thôn và kể cả các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Thực chất là cái gì, thì thực chất cuộc sống đã dạy chúng ta rất nhiều bài học xương máu.
 Chúng ta tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mac-Leenin, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước bằng những nguyên tắc nào về cả kinh tế chính trị và xã hội ? Những năm gần đây, do cố tình bảo thủ bám lấy cái chủ nghĩa mà nhân dân thế giới hầu như đã bác bỏ ấy để dân dắt nhân dân ta vào chủ nghĩa xã hội chắc là độc quyền ở Việt Nam, hoặc chắc là để "làm gương" cho nhân dân toàn thế giới? Thực chất của chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay là cái gì, phải chăng là trở lại những nguyên lý hoạt động, chủ yếu là hoạt động kinh tế, xây dựng kinh tế theo màu sắc chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là sự sáng tạo ra một chủ nghĩa mới đâu. Vậy thì Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ chỉ là khẩu hiệu vô cùng mị dân chứ không có thực chất trong đời sống của 90 triệu dân trong nước và gần 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài !

Lý luận và thực tiến của cách mạng Việt nam từ sau 1975 đến nay rõ ràng đi vào ngõ cụt. Cái gọi là kinh tế xã hội chủ nghĩa gồm hai thành phần chủ yếu là quốc doanh và tập thể, thì như mọi người đã biết bị sụp đổ rồi. Công nghiệp xã hội chủ nghĩa, với kinh tế quốc doanh làm chủ đạo thì chưa thấy được chủ đạo ở đâu chỉ thấy thất thoát, tham nhũng, tham ô tàn hại của công, xói mòn tài nguyên đất nước, làm giầu cho một vài nhóm lợi ích có thế lực.
 Chủ nghĩa xã hội là phải có một xã hội công bằng, dân chủ, tự do văn minh, song bốn chục năm qua, người Việt nam được "bố thí" những gì. Bao nhiêu người trở thành "tư bản đỏ" giầu có không thể tưởng tượng được. Giai cấp công nhân mang tiếng là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam nhưng ngày càng lộ rõ là một giai cấp chuyên làm "cu-ly" cho các ông bà chủ lớn nhỏ, lại có phần bị áp bức bóc lột hơn cả dưới chế độ cũ. Nông dân thì mất đất, nguồn tư liệu chính để sản xuất ra lương thực thực phẩm nuôi sống cả dân tộc thì bị coi khinh, coi rẻ, bị dồn đến chân tường, do cái "làm ăn tập thể" hoành hành ba mươi năm. Giá như không có đổi mới, thực hiện khoan hộ trong nông dân, thì chúng ta nằm mơ cũng không thấy được 45 triệu tấn thóc, và có dư thóc gạo xuất khẩu đứng thứ nhất thứ nhì thế giới. Trong khi đó chính những người làm ra thành quả trong nông nghiệp ấy lại bị đối xử một cách bạc đãi tàn tệ, còn những kẻ trung gian thì gian lận mọi thứ, giầu có và ăn chặn rất dã man.

Đảng cộng sản suốt đời chiến đấu hi sinh vì quyền lợi của nhân dân, ngoài ra không có quyền lợi nào khác. Nói dối, nói lừa. Nhìn vào các vị lãnh đạo đảng và chính quyền từ cơ sở trở lên, ngày nay ai cũng giầu có, thậm chí lương tiền tỷ, nhà lầu hoành tráng xe hơi đắt tiền, vườn tược, sân gôn tiền tỷ, hỏi rằng tại sao lại như thế. Một giai cấp mới không bao giờ còn gọi là "vô sản" nữa mới hình thành. Họ lại có quyền có chức, muốn làm gì thì làm. Còn người dân thì thấp cổ bé miệng, kêu trời thì trời cao kếu đất thì đất dày, còn biết kêu ai?

Không, không phải đảng có "một bộ phận không nhỏ" suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, tham ô, đục khoát tài nguyên, của cái Nhà nước làm giầu cho bản thân và gia đình phe nhóm mà hiện nay, dưới con mắt của những đảng viên lão thành, của các nhà cách mạng, các đảng viên chân chính, thì Đảng không mảy may còn được như xưa nữa. càng ở lâu trong Đảng càng thấy xấu hổ mà đôi khi thấy nhục nhã nữa. Vì vậy, nhà hoạt động xã hội Lê Hiếu Đằng, Nhà văn, nhà báo Phạm Đình Trọng, Phạm Chí Dũng...cùng hàng loạt trí thức là đảng viên, văn nghệ sĩ là đảng viên, nhà văn nhà báo là đảng viên, có cả những nhà hoạt động chính trị xã hội lâu năm đã lần lượt từ bỏ cái danh hiệu "đảng viên" đáng xấu hổ này để về với nhân dân. Các cụ ta có câu "Quan nhất thời, dân vạn đại", tôi có thể hiểu thêm "Đảng nhất thời, dân vạn đại" Có phải không ? Rồi sẽ có hàng loạt đảng viên chân chính, tức là những công dân chân chính tự lột áo đảng để về với nhân dân, cùng nhân dân xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh văn minh./.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
 

VÌ SAO PHẢI THOÁT LỪA?

Hai hôm nay đã có 2 người công khai từ bỏ đảng. Người thứ nhất là ông bệnh nhân Lê Hiếu Đằng đã sắp đến lúc lìa trần. Người thứ hai là ông tiến sĩ kinh tế, kiêm nhà báo Phạm Chí Dũng đang tuổi sung sức. Nhưng theo mình thì, quan trọng là ra khỏi đảng rồi có thành lập đảng khác để hoạt động làm đối trọng với đảng cầm quyền hay không? Điều này bị đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam bịt đường trong hiến pháp vừa mới sửa đổi chưa ráo mực.
Nhớ thời 1986 cũng có hàng chục ngàn đảng viên cộng sản âm thầm bỏ đảng, bằng cách không đi sinh hoạt đảng, mà không dám làm đơn xin ra. Nhưng số lượng đảng viên cộng sản ở Việt Nam ngày lại càng đông hơn, và đảng càng mạnh hơn theo cách khác.
Nhưng rồi, năm 1990, sau khi mất viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam xoay sang hữu hảo với Trung Hoa bằng hội nghị Thành Đô 1990. Sau hội nghị này, Việt Nam đã sao y con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình tại Trung Hoa. Cuối cùng đảng lại mạnh hơn nhờ vào cải tổ kinh tế, và sau đó bằng cách chia phần ăn cho đảng viên thông qua qui định 15/QĐ-TW ngày 28/8/2006 - cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, mà đảng viên lại được phép đảng cho nắm quyền lãnh đạo trong hiến pháp và điều lệ đảng - để giữ sự đoàn kết trong đảng cầm quyền.

Song cũng từ vấn đề hiến pháp, điều lệ đảng cộng sản và quy định 15/QĐ-TW này mà chỉ trong vòng 7 năm qua, tình trạng tha hóa, biến chất và các nhóm lợi ích đã mọc lên như nấm sau mưa, nhờ vào đảng đã tạo điều kiện thâu tóm mọi quyền hành về cho đảng viên của mình. Hôm nay những sai lầm trong hiến pháp, điều lệ đảng và quy định 15QĐ-TW này đã và đang tạo ra một cái gọi là giặc nội xâm - tham nhũng và tha hóa cho các nhóm quyền lợi trong đảng ăn chia. Nó đã và đang làm mất toàn bộ uy tín và quyền lực của đảng cầm quyền ngay trong những thành viên của đảng, và cả trong nhân dân.
Nhưng giờ thì phần ăn về của để dành của tổ tiên - tài nguyên - đã cạn. 
Rừng vàng đã cạn kiệt vì các nhóm lợi ích. Global Witness đã và đang kiện Tập đoàn công nghệ cao su Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai đi phá rừng ở Lào và Cambodia.
Biển bạc thì thăm dò dầu khí cũng đang cạn dần. Trong khi đó thì việc ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển cũng bị Trung Hoa vây khốn.
Ngay cả phần còn sót cuối cùng là cái mỏ đất hiếm ở ngoài Bắc cũng đã thế chấp cho Nhật để mời gọi đầu tư. 
Giờ chỉ còn bóc lột sức dân để ăn, thông qua việc tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu mà đảng cầm quyền đang độc quyền kinh doanh như xăng, dầu, gas, điện nước, và các loại phí, thuế vô tội vạ. Trong khi tấm thân gầy còm của người dân đã kiệt quệ rõ từ tháng 6/2013 đến nay, và tương lai của nhiều năm sau do suy thoái kinh tế trong nước đang diễn ra, mà không thấy đáy.
Điểm lại hơn 68 năm đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về mặt kinh tế và chính trị chỉ vỏn vẹn trong 3 chữ: ăn xin, ăn cướp và làm chết dân qua nhiều kiểu khác nhau.
Năm 1945, sau khi cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 19/8, đảng cộng sản đã đi ăn xin các nhà tư sản và địa chủ trong nước để có kinh tài hoạt động.
Sau chiến thắng Điện Biên 1954 chưa yên ấm thì, đảng cộng sản đã làm cuộc cải cách ruộng đất để cướp của cải, đất đai giết người của tư sản, địa chủ, kể cả nông dân bị chết oan do chỉ tiêu đưa ra của đảng cầm quyền lúc ấy, những người mà trước đó đã từng giúp đảng cộng sản tiền của để sống còn từ 1945 đến 1954.
Từ 1954 đến 1975, đảng cộng sản đã đi ăn xin khắp các quốc gia cộng sản trên thế giới mà, đứng đầu là Liên Xô và Trung Hoa, để thực hiện nhiệm vụ quốc tế cộng sản giao cho. Kết quả là 3,5 triệu thanh niên miền Bắc đã ngả xuống đến nay còn hơn 500 ngàn chưa tìm ra xác hoặc chưa được đặt tên.
Từ 1975 đến 1986, với chính sách ăn cướp kiểu 1957 ở miến Bắc, đảng cộng sản đã vào cướp của dân miền Nam bằng chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, và 2 lần đổi tiền năm 1976, 1985. Dân cả nước đã không chịu nổi phải bỏ mình trên biển cả để tìm đường sống ở xứ lạ quê người, hàng triệu người phải làm mồi cho cá biển và cướp biển. 
Lịch sử hơn 2.600 năm nước Việt chưa có triều đại nào người Việt bỏ nước ra đi. Nhưng khi đảng cộng sản lên nắm quyền thì có 2 lần dân tộc Việt phải bỏ quê cha đất tổ ra đi. 1954 còn có miền Nam để dân di cư từ Bắc vào Nam. 1975 chỉ có con đường bỏ tổ quốc ra đi, mà ai cũng biết trước là đánh đổi sinh mạng với biển, cá biển và cướp biển, nhưng họ vẫn ra đi.
Sau hội nghị Thành Đô 1990 đến nay cũng vẫn trò đi xin khắp thế giới, ăn cướp của dân thông qua nghị định đất đai và chính sách tiền tệ làm lạm phát từng đợt phi mã. Bán tài nguyên, khoáng sản ông cha để lại để trong nội bộ đảng ăn chia cho các nhóm quyền lợi.
Không những thế, về văn hóa ngày nay dân Việt đã mất đi cái ôn nhu của đạo Phật - quốc giáo của từ nhiều triều đại trước - thay vào đó văn hóa thù hằn, hiếu chiến diễn ra mỗi ngày. Đây sẽ là cái đáng ngại nhất cho nước Việt trong tương lai gần. Những vụ hôi của mà dân Việt đã thực hiện trong năm 2013, nói lên tất cả văn hóa dân Việt ngày nay không khác việc phá kho thóc năm 1945 trong nạn đói năm Ất Dậu!


Đến hôm nay ông tổng bí thư đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cũng phải công nhận, và trả lời trước đại biểu nhân dân ở quận Ba Đình, Hà Nội lấy điển tích Tây Du Ký để lột trần bộ mặt thật của đảng rằng: "Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ". Vậy thì không còn gì để lưu luyến với quốc gia, dân tộc nữa rồi!
Một cuộc cách mạng hoặc chuyển đổi thể chế chính trị đòi hỏi không chỉ những điều kiện về chính trị và kinh tế, mà cốt yếu để cuộc chuyển đổi hay cách mạng ấy diễn ra êm thắm và được lòng dân thì nền tảng văn hóa dân tộc phải hiền hòa, vị tha và bao dung. Nhưng Phật giáo ngày nay đã mất đi bản chất của trường phái triết học Đông phương ở Việt Nam, thay vào đó, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo phục vụ cho chính trị và kinh doanh.
Khi đã cạn kiệt tài nguyên để bán hoặc thế chấp ngoại bang để ăn chia; Khi sức dân đã cạn kiệt do kinh tế suy thoái; Khi lòng tin của dân và ngay cả các thành viên của đảng cầm quyền cũng đã mất; Khi văn hóa chém đinh chặt sắt đang trổi dậy, Và khi sự đoàn kết giả tạo trong đảng độc quyền cầm quyền ở Việt Nam chỉ sống nhờ vào của ăn cướp và của hồi môn dân tộc ngày cạn kiệt, thì hậu quả dễ nhìn thấy trong tương lai gần của tình hình chính trị xã hội Việt Nam. 
Sẽ không có một sự chuyển đổi nhẹ nhàng như Miến Điện, hay Nam Phi của vĩ nhân Nelson Mendela vừa mới qua đời hôm qua. Càng không thể có cuộc chuyển đổi cách mạng nhung ở Đông Âu, vì đã có Trung Hoa đè đầu cưỡi cổ. Đó là điều mà bất kỳ ai có hiểu biết cũng dễ nhìn thấy được. Và nó cũng là cái mà những ai có lương tâm và hiểu biết cần phải chọn lựa cho mình một tương lai. Vì không ai quyết định được nơi mình sinh ra, nhưng mỗi người đều có thể quyết định được nơi mình sống, bằng chính năng lực vô tận của mỗi cá nhân mà tạo hóa đã ban cho.
Gần đây người Việt lại làm sống lại đợt sóng thứ ba bỏ nước ra đi, để thoát khỏi đất nước đang trong cơn ngột ngạt chính trị, suy sụp về kinh tế, và văn hóa bị hủy diệt do đảng cầm quyền gây ra. Đó là cách tốt nhất và khả dĩ nhất dành cho người dân Việt trong quá khứ và hiện tại, khi đối mặt với đảng cộng sản.

Cái cây ngọn cỏ cũng phải đi tìm đất sống. Con chim cũng biết tìm vùng trời bình yên, nắng ấm để di cư. Tại sao trách con người có tư duy, và tự hào là loài thông minh nhất quả đất đi tìm chốn bình yên, ít bi kịch để sống, mà phải tự trói mình với những quan niệm cổ hũ: quốc gia, dân tộc, hay trách nhiệm, v.v...?
Hay nói cách khác, gia tài của Mẹ Việt Nam có còn gì để dân Việt sống? Nói như nhà văn, nhà thơ Nga được giải Nobel văn chương năm 1958 - Boris Pasternak - Con người ta sinh ra đời để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống - “Man is born to live, not to prepare for life.” Dân tộc Việt chuẩn bị sống đã dài hơn lịch sử hình thành và trở thành siêu cường Hoa Kỳ đến hơn chục lần về thời gian rồi. Nên nhớ rằng, không ai yêu ta bằng chính ta yêu bản thân ta. Hãy tự cứu lấy mình khi chưa muộn.

'Đảng tổn thất lớn về mặt chính danh'

Blogger Nguyễn Lân Thắng nói Luật gia Lê Hiếu Đằng và TS Phạm Chí Dũng bỏ Đảng CSVN là một 'tổn thất rất lớn' về mặt chính danh của Đảng và tiên đoán một phong trào ly khai sắp 'ồ ạt' diễn ra.
Blogger Nguyễn Lân Thắng dự đoán sẽ có một phong trào ly khai Đảng 'ồ ạt' diễn ra ở Việt Nam, tiếp sau sự kiện hai trí thức, nhân sỹ là Luật gia Lê Hiếu Đằng, quan chức mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, và Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, cán bộ Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM, tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 06/12/2013, kỹ sư Lân Thắng nói:
"Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức,
"Đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa."

'Quyền lực của Đảng lung lay'

Ông Lân Thắng đưa ra tiên đoán về một phong trào ly khai Đảng ở Việt Nam trong thời gian tới đây:
"Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội."
Blogger nhấn mạnh 'chưa ai biết điều gì xảy ra ở phía trước' và cho rằng 'với bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, tình hình sẽ còn thay đổi rất mạnh và rất nhiều'. "Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây," ông nói thêm.
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Sáu từ Hà Nội, blogger vận động cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước này cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân đối với bản thân ông về quyết định vì sao ông không vào Đảng ngay từ đầu mặc dù đã từng học lớp 'cảm tình đảng' và xuất thân trong một gia đình có nhiều đóng góp cho nhà nước cộng sản và chế độ ở Việt Nam.
 

'Đảng đông nhưng nhiều người cơ hội'

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bình luận quyết định ly khai Đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng và cho rằng 'đảng đông' nhưng nhiều thành viên là 'cơ hội'.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng việc ông Lê Hiếu Đằng, một quan chức cấp cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vừa ly khai Đảng là 'cần thiết' đồng thời bình luận về hiện trạng và tương lai của Đảng.
Theo cựu phóng viên báo Thanh Niên, Đảng có thể 'đông về số lượng' nhưng nhiều thành viên là cơ hội và do đó đảng chứa đựng những yếu tố bất ổn.
Trao đổi với BBC hôm 05/12/2013 từ Sài Gòn, ông Chênh nói:
"Chuyện ra khỏi Đảng của ông rất cần thiết, nó tạo ra một tiếng vang, nhất là trong thời điểm này, khi mà Đảng vừa ra Hiến pháp bắt toàn dân phải đi theo và đặt toàn dân dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng."
Ông Chênh tin rằng đang có những dấu hiệu làm thay đổi bản chất của Đảng Cộng sản.
"Số lượng có thể tăng lên, nhưng cái chất thay đổi và sự tồn tại của đảng này không phải là sự tồn tại của đảng cộng sản, mà nó là một đảng gì đó mà giới mới vào sẽ dần dần hướng vào hướng đó và sẽ đặt lại tên gì đó, nếu như họ còn tiếp tục tồn tại," ông phân tích.

Nhà báo Phạm Chí Dũng: 'Đảng chỉ còn mang bóng hình của các nhóm lợi ích'

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
DR

Thụy My
Sau luật gia Lê Hiếu Đằng, tối qua 05/12/2013, nhà báo tự do đồng thời là nhà bình luận tên tuổi, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã viết bức tâm thư từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Kèm theo đó là hành động cụ thể với lá đơn xin ra đảng gởi đến nơi đang làm việc là Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Bức thư bày tỏ nỗi thất vọng trước vai trò độc đoán về chính trị của đảng, đã dẫn xã hội Việt Nam đến tình trạng như ngày nay. Quốc nạn tham nhũng, sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu chính trị, hố phân hóa giàu nghèo, xã hội suy đồi toàn diện…chứng tỏ sự lãnh đạo của đảng đã thất bại cay đắng.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Lời thề trung thành với đảng của anh đã bị thực tế phủ nhận, đã đến lúc những người như anh cần phải nhận chân rằng vai trò của đảng không phải là vĩnh viễn.
Anh cho rằng việc từ bỏ đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để đến gần với nhân dân, và một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
RFI Việt ngữ đã có hân hạnh được nhà bình luận Phạm Chí Dũng tiếp chuyện tối qua, ngay sau khi vừa viết xong bức tâm thư.


Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn
 
06/12/2013
by Thụy My
 
 
RFI : Xin chào anh Phạm Chí Dũng. Thưa anh, vì sao anh lại quyết định từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam, và theo như bức tâm thư thì đây là một quyết định khó khăn trong đời phải không ?
Đây là một quyết định khó khăn trong đời tôi, khó thể nói là dễ dàng được. Vì đối với những người hai mươi năm tuổi đảng như tôi, thì tôi nghĩ cũng như nhiều người khác thôi, họ có một cái rào cản vô hình nằm trong não trạng và có lẽ nằm cả trong tim nữa. Có một sự ràng buộc vô hình mà khó dứt áo ra đi. Điều đó ăn sâu vào từ những năm tháng được đào tạo trong môi trường của Nhà nước được gọi là Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Và tôi cũng như nhiều người khác chịu một mối dây liên hệ, một mối dây ràng buộc để khi quyết định rời bỏ môi trường cũ thì đó là một sự khó khăn. Điều đó giải thích vì sao mà nhóm Kiến nghị 72 từ đầu năm 2013 đã đưa ra những kiến nghị có thể nói rất cải cách, mang tính chất động trời như vậy, nhưng vẫn chưa hề diễn ra một hiện tượng thoái đảng theo đúng nghĩa - điều mà nhiều người đang mong chờ và cho là cần thiết.
Còn đối với cá nhân tôi thì thực ra như tôi đã trình bày trong bức tâm thư, lòng tin của tôi đối với đảng Cộng sản đã mất từ những năm 2000. Lúc đó tình hình đã xấu, suy thoái kinh tế và vấn đề đạo đức xã hội đã lan tràn. Tất nhiên chưa tới mức như ngày nay, nhưng mà tình trạng tham nhũng và lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hành trong giới quan chức lúc đó đã khá phổ biến, và tham nhũng lúc đó đã đến mức gần như không thể chống nổi nữa.
Sau thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đến thời những Tổng bí thư khác thì tôi không còn niềm tin nữa, và thấy công cuộc chống tham nhũng gần như là thất bại. Khi đó niềm tin của tôi đối với quyền năng của đảng đã gần như chấm dứt.
Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà không có một chút cải cách nào khác, và tình hình thậm chí còn tệ hơn rất nhiều, như tôi đã trình bày trong bức tâm thư.
Đây là một cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện, và suy đồi toàn xã hội. Không còn niềm tin ở đảng Cộng sản, và đảng Cộng sản cũng không xứng đáng với vị trí lãnh đạo đất nước, khi để đất nước tàn tạ như ngày hôm nay. Thế thì trách nhiệm một đảng viên cần phải làm gì ? Giữ khư khư quan điểm đối với đảng, hay giữ tuyệt đối lòng trung thành đối với đảng chỉ trên danh nghĩa, và chỉ làm lợi cho cá nhân mình ?
Với cá nhân tôi, và tôi nghĩ có lẽ là với nhiều đảng viên khác, họ không chấp nhận điều đó. Chỉ có khác nhau là có người thì lên tiếng, có người im lặng, có người lựa lúc mà nói, và có những người về hưu rồi mới nói. Hiện nay có khoảng từ 35 tới 40% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng. Đó là một hiện tượng mà chính con số của một số cơ quan đảng trung ương đã phải thừa nhận.
Điều đó cho thấy là đảng không hấp dẫn, không thuyết phục người ta bằng lý luận, và bị phản bác bởi thực tế. Thực tiễn quá khác với những gì trong lý luận mà đảng vẫn thường nêu ra. Và thực tiễn ngày nay lại càng trái khoáy với những điều mà giới triết gia của đảng Cộng sản đang nêu ra.
Tôi cho rằng một sự trung thành mù quáng là không thể chấp nhận được, và hơn nữa, khi biết sự thực hoàn toàn không trung thành với nhân dân, là một sự trung thành giả dối. Cho nên tôi vẫn quan niệm là, thôi, thà là một công dân tốt còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với một đảng viên tồi.
Vì vậy thực ra trong tôi đã manh nha ý định xin ra khỏi đảng từ lâu, từ những năm 2005-2006. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một sự ràng buộc, một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nỗi sợ hãi đó từ cấp trên xuống cấp dưới, từ thượng tầng kiến trúc đi tới tận cơ sở, và người ta khó thoát ra được.
Nếu như không có sự việc anh Lê Hiếu Đằng chính thức từ bỏ đảng như hôm 4/12, thì tôi cũng không biết là bản thân mình có thể quyết định được vào lúc nào sẽ chính thức từ bỏ đảng. Nhưng tôi phải cám ơn anh Lê Hiếu Đằng, và chiều nay cùng với một số anh em đi vào thăm anh Đằng, tôi muốn hỏi anh coi như là ý chung quyết, vì anh là lớp người đi trước – là tiền bối, tôi chỉ là hậu bối thôi. Và tôi thầm nghĩ ý kiến của anh sẽ là chung quyết đối với tôi.
Khi thấy anh nói về việc anh từ bỏ đảng, và một giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt của anh, thì tôi quyết định ngay : thôi, tới lúc rồi, và không thể chần chừ được nữa. Ít nhất cá nhân mình cũng phải bày tỏ chính kiến về việc này. Và mình phải thể hiện, nếu không phải là trách nhiệm của một công dân tốt, thì ít nhất cũng phải là một người biết vượt qua được rào cản vô hình nào đó. Hay nói cách khác là vượt qua được nỗi sợ hãi.
Và đó là một cách - như tôi trình bày - con đường ngắn nhất để có thể đưa những đảng viên còn lương tâm đến gần gũi với nhân dân, với những người dân nghèo và có thể chia sẻ với họ nhiều hơn. Như vậy còn hơn là tình trạng vẫn sinh hoạt đảng nhưng sinh hoạt một cách giả tạo, lời nói không đi đôi với việc làm.
RFI : Thưa anh, có lẽ một trong những lý do khiến người ta dù không đồng tình nhưng vẫn không muốn rời đảng là vì gắn liền với chức vụ và quyền lợi, vì lâu nay tiêu chuẩn chính cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp là đảng viên chứ không phải năng lực ?
Điều đó hoàn toàn đúng trong xã hội Việt Nam và trong giới công chức, viên chức Việt Nam. Thường đối với cấp sở, ngành, chuyên viên, cán bộ bình thường có thể không phải đảng viên, nhưng từ cấp phó phòng trở lên chắc chắn phải là đảng viên. Trong giới báo chí cũng vậy, đội ngũ ban biên tập đương nhiên phải là đảng viên.
Và cũng đúng là thực tế có khá nhiều người – tôi cho là từ 70 đến 80% - bị phụ thuộc vào chức vụ và quyền lợi. Cho nên điều rất dễ thấy trong hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay là rất nhiều người than thở, bức xúc về đủ thứ, về chính cấp trên của họ và chính sách của Nhà nước. Thậm chí họ có thể chỉ trích công khai đối với đảng – chỉ trích trong các quán cà phê, cả trong cuộc họp nữa.
Nhưng bảo ra khỏi đảng thì họ không đồng ý. Họ không lên tiếng, không có chính kiến về chuyện đó. Thâm tâm họ không muốn ra khỏi đảng vì họ bị ràng buộc về quyền lợi và chức vụ như vậy.
Chúng ta cũng có thể thấy một hiện tượng rất đặc trưng là trong việc bỏ phiếu cho Hiến pháp năm 2013 mới diễn ra cách đây không lâu, đã gần như tuyệt đối 100% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận. Cho những điều mà trước đó thậm chí có nhiều đại biểu cho là bất công ! Chẳng hạn như vấn đề thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội, hay vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo - là một vấn đề cực kỳ bất hợp lý trong tình hình hiện nay.
Nhưng mà họ vẫn bỏ phiếu thuận, vì sao ? Thứ nhất, vì họ bị thói quen ràng buộc, não trạng trì trệ ràng buộc. Thứ hai, họ bị sự im lặng lâu ngày ràng buộc. Và thứ ba, họ bị quyền lợi của họ ràng buộc. Đó là quyền lợi đại biểu, dù là quyền lợi nhỏ ở cấp địa phương, cơ sở nhưng vẫn là quyền lợi.
Và họ ngại. Họ sợ sự thay đổi, sợ va chạm. Sợ đụng độ với những thế lực mới, và trong những hoàn cảnh mới bắt buộc họ phải thay đổi thói quen của họ, và không còn đem lại, không còn giữ gìn được cho họ quyền lợi như cũ nữa.
RFI : Thưa anh, như luật gia Lê Hiếu Đằng nói, có lẽ đảng Cộng sản đã trở thành một thứ tập đoàn lợi ích ?
Tôi cho là có nhiều nhóm lợi ích đang tồn tại trong đảng Cộng sản. Và vô tình hay hữu ý, những người xưng danh nghĩa là cộng sản đang dung dưỡng, nuôi dưỡng và thậm chí là tổ chức cho những nhóm lợi ích như vậy.
Cho nên trong bức tâm thư tôi mới nói là, nói tới đảng Cộng sản bây giờ chúng ta chỉ thấy hình bóng và hơi thở của những nhóm lợi ích. Đó là những nhóm lợi ích kinh tế, và trên nữa là những nhóm thân hữu về mặt chính trị. Đặc biệt về sau này những nhóm lợi ích kinh tế và thân hữu chính trị có khuynh hướng kết chặt với nhau càng ngày càng bền vững, càng gắn chặt và càng trục lợi.
Hậu quả của sự trục lợi đó thì 90 triệu người dân Việt Nam phải chịu. Và toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an và quân đội, cũng phải gánh chịu những đợt tăng giá vô tội vạ của những tập đoàn độc quyền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
RFI : Theo như những gì mà chính quyền nói và làm, có lẽ cái tên « Cộng sản » không còn đúng nữa ; thực trạng Việt Nam hiện giờ rõ ràng là một nền kinh tế theo kiểu tư bản ?
Cách đây hai mươi năm, từ thời mở cửa đã có một câu dân gian là « Đảng viên nhan nhản, nhưng mà cộng sản không có bao nhiêu ». Còn về sau này thì người ta không nói tới điều đó nữa, mà người ta nói thẳng ra là không còn cộng sản nữa !
Có một số người vẫn phê phán chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, tôi thấy hơi oan uổng. Tại vì thâm tâm tôi đánh giá là thế hệ già đã gần như qua đi rồi. Những người tốt nhất, những người trung thành và chính thống nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến đã gần như đã đi qua. Nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng, những người còn lại thì đã rất lớn tuổi.
Số đó có thể họ có một não trạng khác biệt với một số quan điểm cởi mở. Nhưng phải thừa nhận là trong số họ có nhiều người tốt. Họ tổt về mặt đạo đức, họ giữ được đạo lý, và nếp sống của họ trong sạch hơn hẳn so với nhiều cán bộ đảng viên cao cấp hiện nay.
Còn nhiều đảng viên cao cấp lại là một tầng lớp mới, mà người ta gọi là « tư sản đỏ ». Tư sản đỏ vẫn là một khái niệm được duy trì cho tới nay và không hề mờ nhạt, thậm chí còn được đề cao hơn nữa. Chẳng hạn ở Trung Quốc người ta gọi là tầng lớp « thái tử », tức là còn hơn cả tư sản đỏ. Đó là một tầng lớp vua chúa, một thứ vua chúa của thời hiện đại.
Hiện nay nói về chủ nghĩa cộng sản hoặc chế độ cộng sản ở Việt Nam, thì rất đau buồn là theo cá nhân tôi đánh giá, gần như không còn hình bóng của những gì tốt đẹp nhất - nếu xét theo phương diện tốt nhất của chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ còn các nhóm lợi ích mà thôi, và những quyền lợi riêng tư.
Hoặc những người được coi là tốt nhất hiện nay, nếu không dính dáng về vấn đề vật chất, thì cũng bị che mờ bởi một bức màn giáo điều, kinh viện. Họ gần như không thoát ra được điều đó. Và nếu không thoát ra được, họ sẽ không gần gũi dân chúng. Do đó sự xa cách đối với người dân càng làm cho vị trí của họ trở nên mờ nhạt trong lòng dân chúng, và làm mất niềm tin của dân đối với chế độ.
RFI : Như vậy, như trong thư anh đã nói, đã đến lúc phải nhận chân vai trò của đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn ?
Tôi cho là như vậy ! Không có một đảng nào tồn tại vĩnh viễn, và đã đến lúc người ta cũng cần thấy rằng – nói như một triết gia Hy Lạp cổ đại – không thể đứng giữa hai dòng nước được.
Việt Nam không phải đứng giữa hai dòng nước mà giữa nhiều dòng nước, giữa cả một dòng xoáy của thời đại. Nhà nước Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào trong dòng xoáy thời đại đó, khi trong lòng bản thân Nhà nước cũng là một dòng xoáy khổng lồ ?
Có thể nói đó là cái thế nội công, ngoại kích mà Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt, và đối mặt một cách hết sức nguy hiểm. Trong lòng dân tộc, tình cảm phẫn nộ của dân chúng đang dâng lên như sóng triều, và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Ở bên ngoài, Nhà nước Việt Nam không gặp được nhiều thuận lợi, hoặc nói cách khác là rất ít thuận lợi trong các mối quan hệ quốc tế. Người ta nhìn Việt Nam bằng con mắt xem thường. Xem thường về nhiều thứ, trong đó đặc trưng là xem thường về bản lĩnh chính trị và đạo lý chính trị đối với giới chính khách Việt Nam. Thế thì còn làm ăn gì được nữa.
Đó là một sự thay đổi mà Nhà nước Việt Nam cần phải có, nếu không muốn bị người khác thay đổi. Nói tóm lại, những người đề cập tới việc cần phải thay đổi điều 4 Hiến pháp của đảng Cộng sản Việt Nam, tôi cho là có lý. Vì đã đến lúc cần xem xét, cần phải có một đối trọng chính trị nào đó, để mọi thứ phải được kiểm soát lẫn nhau theo cơ chế tam quyền phân lập.
Ít nhất là như vậy thì mới có thể chống tham nhũng được. Bởi nếu không chống tham nhũng thì chắc chắn là đảng sẽ sụp đổ. Lúc đó sẽ không ai giơ tay ra cứu đảng nữa, đặc biệt là dân chúng thì sẽ quay lưng với đảng.
RFI : Thưa anh, nhưng cũng có quan điểm là phải còn ở trong hàng ngũ mới có thể đấu tranh được ?
Đó là một quan điểm tồn tại cách đây mươi, mười lăm năm. Người ta cố gắng suy nghĩ rằng cần phải ở trong hàng ngũ, để đấu tranh. Và lúc đó tôi cũng suy nghĩ như vậy ! Tôi cũng cho là có thể đấu tranh được, và dù sao tiếng nói vẫn còn được cấp trên nghe tới. Tôi nhớ cách đây mười lăm năm, một số ý kiến của tôi vẫn được cấp trên tiếp nhận và có xem xét.
Nhưng mà cách đây mười năm thì đó là một sự vô vọng ! Đã không có sự tiếp nhận một kiến nghị nào cả. Một số anh em đảng viên tâm huyết mà tôi biết có kiến nghị nhiều, cũng như vậy. Lúc đó họ phải xem lại, một số những người bạn tôi đã thoái đảng. Thực chất họ không xin ra khỏi đảng nhưng không sinh hoạt đảng, coi như là một cách từ bỏ đảng, thế thôi.
Còn đối với tôi thì lúc đó tôi phải suy nghĩ. Mình còn nằm trong nội bộ, còn sinh hoạt đảng, nhưng mình không đóng góp được cái gì cả. Và mình tiếp tục phải chịu trận những cuộc sinh hoạt đảng với không khí im lặng hoàn toàn.
Tức là những buổi sinh hoạt hàng tháng vẫn phải duy trì thường xuyên. Sau khi đọc bản nghị quyết và hỏi có đồng chí nào giơ tay có ý kiến gì không, thì khá nhiều, hoặc hầu hết mọi người đều im lặng. Vì mọi người đều biết rằng nghị quyết đã như thế, mọi thứ sẽ được thông qua, sẽ không có gì thay đổi cả. Góp ý kiến cũng chẳng để làm gì. Và thế là người ta im lặng. Im lặng hết từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, và tôi cũng vậy.
Tôi là người im lặng nhiều nhất. Tại vì tôi biết không để làm gì cả. Đó là sự im lặng mà tôi cho là đã phủ trùm lên cả Quốc hội vào thời nay. Đó là một thói quen im lặng, mà chỉ có những người ở trong nội bộ mới hiểu được nguồn cơn sâu xa của sự im lặng đó đến từ đâu.
RFI : Anh có nghĩ là sẽ có những người hưởng ứng theo không ?
Tôi hy vọng là sẽ có những người đồng cảm với tôi. Tôi không biết là họ có hưởng ứng hay không, tôi làm như thế vì ít nhất đây là vấn đề của cá nhân tôi, tôi phải giải quyết. Phải thể hiện chính kiến, và tôi cho đó là một cách để có thể dứt khoát theo con đường gần gũi với nhân dân, với người dân nghèo nhiều hơn.
Nhưng theo tôi biết thì trong giới hưu trí hiện nay cũng rất bức xúc, nhiều người bất mãn. Họ có nhiều lý do để họ bỏ sinh hoạt đảng, thoái đảng hoặc từ bỏ đảng. Tôi cho nếu không phải là anh Lê Hiếu Đằng thì sau này cũng sẽ có những người khác đi tiên phong trong việc nêu ra thực tế vấn đề, nhận chân ra vấn đề, để thay đổi vấn đề.
Đừng nghĩ rằng ra khỏi đảng là hành vi chống đảng. Đó cũng là một hành động bình thường theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi, hoặc là bất cứ đảng phái chính trị nào trên thế giới. Đã có vào thì có ra, chuyện đó hết sức bình thường. Nhưng mà ở Việt Nam, trong thể chế độc tài chính trị thì đó lại là một điều phạm húy, cho nên người ta e sợ.
Nhưng nếu như có một số người cũng cùng làm điều này, cũng cùng thoái đảng, từ bỏ đảng, cùng phát biểu chính kiến của mình và nêu rõ tại sao mình làm như vậy đủ để thuyết phục những người khác, thì tôi nghĩ sẽ trở thành một hiện tượng bình thường. Không phải là một hiện tượng chính trị, mà đó sẽ là một hiện tượng xã hội, và thậm chí còn là một hiện tượng văn hóa nữa.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận trả lời RFI Việt ngữ.

TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013

Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:

Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.

Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.

Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.

Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.

Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.

Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.

Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?

Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.

Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.

Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com

        ĐƠN XIN RA ĐẢNG

Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.

Trân trọng.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013
Người làm đơn


Phạm Chí Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét