Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Hoa Kỳ nên chia quyền với Trung Quốc?

Barack Obama và Tập Cận Bình
Vai trò của Trung Quốc ngày càng tăng với Hoa Kỳ và thế giới

Thời gian qua một số học giả đã lập luận rằng do Trung Quốc nổi lên trở thành một siêu cường ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã đến lúc nước này cùng Hoa Kỳ, cần được đóng một vai trò lớn hơn trong trật tự khu vực.

Lập luận này, được nêu bởi Giáo sư Hugh White, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc Mỹ có chấp nhận thực tế này hay không sẽ có tác động sâu xa đối với khu vực.

Lý do là ở một mức độ nào đó Mỹ nên chia sẻ vai trò lãnh đạo khu vực của mình với Trung Quốc vì việc Mỹ quyết tâm nắm giữ vị thế bá chủ nhất định sẽ dẫn tới sự bất mãn ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Kết cục,, theo dòng quan điểm này, là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc và hòa bình, ổn định trong khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả về lâu dài.

Lập luận này hoàn toàn xác đáng nếu xét đến sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự đầy mạnh mẽ của Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua, điều mang lại cho nước này sự kính trọng và ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề khu vực.

Tuy nhiên, việc liệu Trung Quốc có xứng đáng được hưởng một vai trò khu vực lớn hơn hay không không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh gia tăng của nước này, mà còn dựa vào thẩm quyền đạo đức của nó cũng như sự chấp nhận của khu vực.

Vì vậy, hòa bình và ổn định của khu vực không được quyết định bởi việc liệu Mỹ có nên từ bỏ vị thế bá chủ của mình hay không, mà chủ yếu bởi việc Trung Quốc sẽ cư xử ra sao để chứng minh là mình xứng đáng với sự nhượng bộ như vậy từ phía Mỹ.

'Thẩm quyền đạo đức'

Trước hết, sự thỏa hiệp của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc không đảm bảo rằng hòa bình và trật tự khu vực sẽ được bảo tồn.

Tương tự như vậy, sự ngăn chặn của Mỹ đối với Trung Quốc cũng không nhất thiết đồng nghĩa với một tương lai ảm đạm cho hòa bình khu vực.

Có nhiều tiền lệ lịch sử chứng minh cho luận điểm này. Ví dụ, chính sách xoa dịu của phương Tây đối với Hitler đã không ngăn cản được Thế chiến thứ 2 nổ ra.

Một khách đi ngang qua ảnh của ông Lưu Hiểu Ba tại Trung tâm Hòa bình Oslo hồi năm 2010
TQ bị nhiều nước lên án vì giam giữ những người như ông Lưu Hiểu Ba

Trong khi đó, chính sách ngăn chặn do Mỹ dẫn đầu đối với Liên Xô đã đóng một vai trò đáng kể trong việc duy trì hòa bình giữa hai siêu cường cũng như trật tự toàn cầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Thứ hai, các ý định thực sự của Trung Quốc là một yếu tố then chốt để xác định xem việc Mỹ từ bỏ vị thế bá chủ của mình là có lợi hay có hại cho hòa bình khu vực.

Tuy nhiên hầu như không thể xác định được ý định thực sự của Trung Quốc do cơ chế đưa ra quyết định không rõ ràng, sự thiếu minh bạch trong chương trình hiện đại hóa quân đội, cũng như bản chất chuyên chế của chế độ chính trị nước này.
"Để một cường quốc đang lên có thể có một vai trò lớn hơn trong chính trị quốc tế, nước đó cần phải tạo ra được một thẩm quyền đạo đức để có thể lôi kéo được các nước bạn bè và đặc biệt là đồng minh."
Mặc dù thường xuyên đề cao luận điệu “trỗi dậy hòa bình”, nhưng sự hiếu chiến ngày càng gia tăng gần đây của Trung Quốc trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với các nước láng giềng đã khiến nhiều người nghi ngờ luận điệu này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã không thể thuyết phục được các nước láng giềng rằng nó xứng đáng chí ít với một vai trò lớn hơn, chưa nói đến một vai trò đồng lãnh đạo trật tự khu vực với nước Mỹ như một số học giả đề xuất.

Để một cường quốc đang lên có thể có một vai trò lớn hơn trong chính trị quốc tế, nước đó cần phải tạo ra được một thẩm quyền đạo đức để có thể lôi kéo được các nước bạn bè và đặc biệt là đồng minh.

Một thẩm quyền đạo đức như vậy trước hết phải bắt nguồn từ vai trò mang tính xây dựng và gương mẫu mà nước đó thể hiện trong khu vực, cũng như sự tự nguyện của nó trong việc tuân thủ các luật lệ và quy chuẩn đã được thiết lập.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chưa tạo ra được một thẩm quyền đạo đức như vậy.
Ví dụ, yêu sách dựa trên đường chữ U của nước này trên Biển Đông đã thách thức mọi quy định về luật biển hiện hành, khiến các quốc gia trong khu vực cảm nhận Trung Quốc như một cường quốc bành trướng hơn là một quốc gia xây dựng, yêu chuộng hòa bình.

Thiếu đồng minh

Do Trung Quốc thiếu một thẩm quyền đạo đức như vậy nên các quốc gia trong khu vực vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo khu vực của nước này.
Sau khi Mỹ tuyên bố chiến lược tái cân bằng sang Đông Á, động thái được coi như một chính sách ngăn chặn đang hình thành của Mỹ đối với Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực có xu hướng hoan nghênh hơn là phản đối động thái này của Mỹ.

Khắp khu vực dường như không thể tìm thấy một đồng minh thực thụ của Trung Quốc có thể đồng cảm với nỗ lực giành vai trò lãnh đạo khu vực của nước này.

Thay vào đó, các nước trong khu vực từ Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, đến Australia, Singapore, Ấn Độ, tất cả đều đã thực hiện những bước đi có thể được coi như những động thái nhằm cân bằng lại sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
"Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để có được thẩm quyền đạo đức cũng như sự kính trọng của quốc tế nhằm đảm bảo rằng vai trò lãnh đạo khu vực của nước này sẽ được Mỹ lẫn các nước khác trong vùng chấp nhận."
Cuối cùng, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển cả về kinh tế lẫn quân sự như trong hơn ba thập niên qua.

Các dấu hiện gần đây về khả năng diễn ra một cuộc suy thoái kinh tế cũng như mô hình tăng trưởng không bền vững của Trung Quốc đã khiến các nhà quan sát thận trọng hơn nhiều so với trước đây về triển vọng kinh tế dài hạn của nước này, đồng nghĩa với khả năng của nó trong việc trỗi dậy trở thành một thách thức thực sự đối với vị thế bá chủ của Mỹ.

Vì vậy, giờ đây vẫn còn quá sớm để cho rằng Mỹ nên từ bỏ vị thế bá chủ của mình để thỏa hiệp với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một quốc gia lãnh đạo khu vực.

Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để có được thẩm quyền đạo đức cũng như sự kính trọng của quốc tế nhằm đảm bảo rằng vai trò lãnh đạo khu vực của nước này sẽ được Mỹ lẫn các nước khác trong vùng chấp nhận.

Ví dụ, Trung Quốc cần minh bạch hóa hơn nữa chương trình hiện đại hóa quân sự của mình, đồng thời đưa các yêu sách biển và lãnh thổ của mình vào khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, việc từ bỏ yêu sách dựa trên đường chín đoạn ở Biển Đông sẽ là một bước đi có ý nghĩa hướng tới mục tiêu này.

Về lâu dài, việc cải thiện hồ sơ nhân quyền cũng như dân chủ hóa đời sống chính trị sẽ khiến các nước láng giềng dễ dàng chấp nhận hơn vai trò lãnh đạo khu vực của nước này.

Mỹ nên áp đảo

Máy bay trên Hàng không mẫu hạm Nimitz của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ vẫn đang có vai trò áp đảo trên thế giới

Còn hiện tại, cũng như sáu thập niên đã qua, vai trò áp đảo của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên tiếp tục là nền tảng vững chắc cho hòa bình và ổn định khu vực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức nền tảng này.

Tuy nhiên, tương lai của hòa bình và ổn định khu vực sẽ không được định đoạt bởi sự chấp nhận hay thái độ của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà bởi chính hành vi của Trung Quốc cũng như các hệ quả của chúng.

Trung Quốc, chứ không phải nước Mỹ, là người nắm giữ chìa khóa tương lai của khu vực cũng như của chính nước này.

Lê Hồng Hiệp là giảng viên tại khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra. Bản tiếng Anh của bài đã được đăng trên trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI).

Lê Hồng Hiệp
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ
(BBC)

Việt Nam: Nhiều nhà máy thủy điện có nguy cơ trở thành những ‘quả bom nước’

HÀ NỘI – Chính phủ Việt Nam đã nêu lên những lo ngại về sự an toàn của hàng trăm đập thủy điện giữa lúc mùa mưa đang bước vào tháng thứ ba, một quan chức chính phủ cảnh báo rằng các đập này có thể biến thành “những quả bom nước”.

 Một người dân sống tại Hà Nội cố đẩy xe máy ngang qua dãy phố bị ngập nước tại Hà Nội hôm ngày 8 tháng Tám, 2013. Photo: WSJ
Một người dân sống tại Hà Nội cố đẩy xe máy ngang qua dãy phố bị ngập nước tại Hà Nội hôm ngày 8 tháng Tám, 2013. Photo: WSJ
“Các nhà chức trách phải thực hiện các bước để nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường sự an toàn đối với các đập thủy điện, trước khi chúng có thể trở thành ‘những quả bom nước’ và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân tại các vùng đất thấp”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại một buổi họp chính phủ ở Hà Nội hồi tuần qua để đánh giá tình hình của các đập và hồ chứa giữa mùa mưa bão.

Ít nhất có 371 đập thủy điện và hồ trong số gần 7.000 đang hoạt động có nguy cơ bị hư hại trong các tháng mưa – thường kéo dài từ tháng Bảy đến tháng Mười một –một tuyên bố của chính phủ cho biết.
Hầu hết các đập mà chính phủ quan tâm đều là cỡ vừa và nhỏ, nghĩa là chúng chứa ít hơn 3 triệu mét khối nước, hoặc được xây với đê cao dưới 15 mét. Hiện có 64 đập chứa hơn 1 triệu mét khối nước mà chính phủ đã đánh dấu là “không an toàn” trong vài tháng tới.
Hơn một chục các nhà máy thủy điện gần đây đã được báo cáo có nhiều dấu hiệu hư hại – bao gồm cả gây chết người, thiệt hại mùa màng và nhà cửa bị sụp đổ tại các khu vực lân cận.
Việt Nam là một nền kinh tế nông nghiệp và các đập cũng như hồ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ nước. Trong mùa mưa nhiệt đới giữa tháng Bảy và tháng Mười một, các cơ sở này thường đầy nước và do đó trở nên dễ bị hư hại hơn cũng như dễ dẫn tới các cú sốc địa lý hoặc động đất.
Hồi tháng Năm, chính phủ Việt Nam đã phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng 338 nhà máy thủy điện với công suất phát điện tổng cộng 1.090 MW vì các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Kể từ đó, 67 dự án thủy điện khác cũng đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ, ông Hải nói thêm.
Đến cuối năm 2012, Việt Nam đã có 260 nhà máy thủy điện với công suất tổng cộng lên đến 13.694 MW được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, 211 nhà máy khác với tổng công suất 6.713 MW hiện đang được xây dựng.
Các dữ liệu của chính phủ cho thấy Việt Nam ước tính đã sản xuất khoảng 107,9 tỷ kilowatt giờ trong tám tháng đầu năm nay, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 40% trong tổng nguồn cung điện này đến từ các nhà máy thủy điện, 33% đến từ các nhà máy khí đốt, 22% đến từ các nhà máy than và phần còn lại đến từ các nhà máy đốt dầu và nhập khẩu.

Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Nguyen Pham Muoi
, WSJ

© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
 

Lương không đủ café, lậu đủ sắm... nhà lầu

Tiền lậu không phải bằng phong bì mà cả vali
"Nếu không có lương, lậu khủng khiếp thì ai dại gì đem tiền đi chạy chức, chạy quyền. Thực tế chứng minh có chức, có quyền tất có bổng lộc, lương lậu".
Tuần qua, câu chuyện về lương khủng của các lãnh đạo một số công ty công ích tại TP.HCM đã khiến dư luận "nổi sóng". Cũng từ đó, có người đặt ra, lương trong các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước hay các công ty công ích như vậy vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: "lậu" còn khủng hơn lương nhiều.
Tuần Việt Nam đã nhận được hàng trăm ý kiến độc giả gửi đến thảo luận xung quanh những vấn đề trên. Không ít ý kiến bức xúc, trăn trở, và cũng nhiều ý kiến "truy" trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan, cũng như "hiến kế".
Lên quan đương nhiên hưởng "lộc"
"Tôi công tác trong ngành công an được 35 năm, cấp bậc trung tá. Lương của tôi cộng dồn 35 năm không bằng lương 1 năm của mấy ông sếp Cty công ích. Họ có công cán gì mà lương cao vậy? Thật bất công!" - độc giả tại Email Nhannghia...@gmail.com cảm thán.
"Lương khủng cho thấy sự móc ngoặc giữa cơ quan phê duyệt cấp Ngân sách với các DN này, vì hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra cơ mà", độc giả Nguyễn Đức Thịnh đặt vấn đề.
Bạn đọc Kim Liên chỉ ra sự bất cập trong hệ thống lương: "Nhà nước để cho doanh nghiệp tự xây dựng bảng lương chi trả cho người lao động nhưng không có quy định rõ độ chênh lệch giữa người cao nhất và người thấp nhất là bao nhiêu lần. Trong bảng lương hành chính sự nghiệp nhà nước quy định độ chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất là 13 lần".
Hệ quả, theo độc giả này là: "Từ quy định không rõ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở của pháp luật, tự đặt ra cho mình mức lương khủng với độ chênh lệch gấp mấy chục lần so với mức lương của người lao động".
Không chỉ vấn đề lương, câu chuyện lậu còn "khủng" hơn lương cũng gây bức xúc không kém. Nhiều độc giả chỉ ra, chuyện này hầu hết mọi người đều biết, đều ngầm hiểu nhưng chẳng thay đổi được gì.
Độc giả tại Email Truongquoctoan@... cho rằng: "Ở VN có hẳn lực lượng cảnh sát chống rửa tiền, nhưng chẳng ai chịu thừa nhận tất cả những biệt thự, xe sang, các chuyến du lịch, du học của các quan chức và người nhà quan chức hầu hết đều có nguồn gốc từ tiền không rõ nguồn gốc. Điều nguy hiểm nhất và sẽ còn lây nhiễm qua nhiều thế hệ là người ta mặc nhiên gọi những khoản tiền đó là "Lộc". Đã lên quan thì đương nhiên có Lộc".
"Ở chỗ tôi, một ông trưởng phòng mà có xe ô tô con Camry 3.5, nhà to. Vợ con chẳng làm gì mà lương chỉ được 10tr/ tháng thì tiền đâu ra. Còn mấy ông sếp khác cũng toàn ô tô con, nhà lầu. Ai cũng biết nhưng chẳng làm gì được" - độc giả Đỗ Đức Huy kể ra một câu chuyện "mắt thấy tai nghe".
"Cái lương gọi là "khủng" mà đã như vậy thì "lậu" phải gấp hàng chục đến hàng trăm lần do quà, phong bì. Chính cái cơ chế "kín như bưng", " hũ nút " đã tạo điều kiện quá thuận lợi cho tham nhũng hoành hành" - độc giả Vũ Xuân Quang suy đoán.
"Lương có khủng cũng không bằng lậu, tiền lậu như ông Nguyễn Bá Thanh nói không phải bằng phong bì mà cả vali!" - độc giả Quốc Bảo hình dung mức độ hoành hành của nạn "lậu" khủng.
Chung quan điểm trên, bạn đọc Quốc Hiếu cảm thán: "Lương của sếp thì không đủ để uống cafe nhưng lậu để mua xe và xây nhà".
"Hoà Thân ở nước Tàu mặc dù doanh thu từ việc kinh doanh đã rất lớn, nhưng người ta đồ rằng tiền nhận được do hối lộ còn lớn hơn nhiều! Tôi cho rằng những vị quan chức có mức lương "khủng" thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi. Tiền lương ấy ăn thua gì so với lậu" - bạn đọc Phạm Khoát.
Độc giả tại Email Ha...@yahoo.com chỉ ra logic: "Nếu không có lương, lậu khủng khiếp thì ai dại gì đem tiền đi chạy chức, chạy quyền. Chẳng ai dại gì đi ôm cái khó vào thân, chẳng có nhiều bổng lộc thì không ai tìm cách nhảy vào. Thực tế chứng minh có chức, có quyền tất có bổng lộc, lương lậu".
Chung quan điểm trên, bạn đọc Đỗ Văn Mác nhìn nhận: "Nếu không có các khoản lậu khổng lồ thì chẳng ai thèm chạy chọt tốn kém để được vào các cơ quan nhà nước làm gì. Nhưng cũng chẳng làm gì được họ cả đâu, mà có bắt họ thì xử cho có thôi".
"Nếu cứ kiểm soát thu nhập thì ai còn dám làm sếp nữa. Có lẽ 99% lãnh đạo tự ý xin từ chức thôi" - bạn đọc tại Email Huysy78@... "hài hước".
"Khi "lậu" lớn hơn lương thì thật sự chỉ làm rối trật tự xã hội, gia tăng bất công vì "lậu" suy cho cùng chỉ là ăn vào tài nguyên, tiền thuế, và sức lao động của người dân" - độc giả Bình Minh khái quát hậu quả của "lậu" khủng.
Sao chưa ai xin từ chức?
Trước thực trạng lương, lậu khủng một cách bất thường và thiếu minh bạch, nhiều độc giả đưa ra đề xuất xử lý. Câu chuyện lớn nhất là vấn đề sự nghiêm minh của pháp luật, các chế tài, của những người đứng đầu...
"Hãy kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ngay và tất cả các công ty, doanh nghiệp Nhà nước để khắc phục tình trạng lương khủng tùy tiện. Phải xử lý thật nghiêm, truy thu lại số tiền hưởng bất hợp pháp, kể cả biện pháp bằng hình sự, mới mong đem lại quyền lợi thực sự cho người lao động" - độc giả Phạm Thanh Tùng quyết liệt nêu vấn đề.
Tôi thiết nghĩ nhà nước nên cấp tốc tổng kiểm tra cả nước tất cả các doanh nghiệp nhà nước về tình trạng trả lương khủng cho các cán bộ và xử lý thích đáng theo pháp luật, đúng người đúng tội  - độc giả tại Email Truonghanthienthu2@g... cảnh báo.
Theo độc giả tại Email Vinhnd...@gmail.com, "Việc có thể làm ngay là chi cục thuế có thể kiểm tra tổng tài sản của các cán bộ có chức có quyền nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân (như thế sẽ lộ ra tham nhũng kể cả người đã hạ cánh an toàn).
"Chẳng cần hỏi ai, cứ lập trang WEB về vấn đề lương lậu này và để những người phải cống nạp nói thì sẽ biết ngay thôi", bạn đọc tại Emai Kcxdv...@gmail.com đưa ra một giải pháp minh bạch thông qua công nghệ.
Còn độc giả Phạm Văn Biển lại góp ý cần sửa đổi từ hệ thống lương: "Nhà nước nên có hệ thống lương thống nhất, tránh tùy tiện mạnh cơ quan nào cơ quan đó làm. Mình tự ký vào quyết định lương mình cao, sao không thích cho được, tôi nâng lương trong nhóm tôi cao sao không thích được!
Không ít độc giả "truy" vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi để xảy ra tình trạng lương, lậu khủng như vậy.
"Cần xem xét cả trách nhiệm cơ quan nhà nước tại sao lại để vi phạm và bất công diễn ra lâu như vậy. Cần sự kiên quyết và nghiêm minh từ phía các cơ quan nhà nước trong việc xử lý những vi phạm này để người dân thấy được niềm tin" - bạn đọc tại Email Doanquynhan...@yahoo.com thẳng thắn.
Bạn độc Bùi Đán chất vấn: "Ngày càng nhiều những vụ động trời của doanh nghiệp nhà nước bị phanh phui khiến dư đặt câu hỏi vai trò quản lý nhà nước, vai trò công đoàn thanh tra đang ở đâu? Không lẽ tồn tại để lĩnh lương hay đã bị vô hiệu hóa đến khi sự việc phanh phui đều "đồng ca" thiếu kiểm tra giám sát".
Vai trò cá nhân của lãnh đạo thành phố HCM, vai trò giám sát của Quốc hội cũng được các độc giả đặt ra "mổ xẻ".
"Chuyện lương khủng, lãnh đạo thành phố HCM mà trước tiên là chủ tịch thành phố là người phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Các vị chính là người đặt bút ký quyết định thành lập và hoạt động, bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, giám đốc... của các công ty nhà nước đó" - bạn đọc Sơn Lam chỉ rõ.
Bạn đọc tại Email Hatrunguk@... đặt vấn đề: "Những việc như thế này, nhiều năm qua cứ nói đi nói lại. Cần xem lại việc chống tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao nhất ý chí thế nào? Quốc Hội chưa thể hiện rõ vai trò giám sát. Cơ quan chống tham nhũng thì tìm ra được vài vụ như muối bỏ biển".
"Đề nghị Ban Nội chính TW vào việc ngay. Đây là liều thuốc thử tài ông Bá Thanh. Nhân dân đang chờ ông" - độc giả tại Email Hthu...@gmail.com đề nghị đích danh.
"Ai để xảy ra chuyện lương khủng? Không nói ra thì ai cũng biết, chỉ thắc mắc là tại sao không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức?" - độc giả tại Email Hakhanh04@... bức xúc đặt thẳng vấn đề.

Hòa Trần ( tổng hợp)
(VNN) 

Đào Tuấn - 1 USD và 2,6 tỷ vnd

Một biện pháp để “trị tới nơi tới chốn”, áp dụng cá biệt với cá nhân một vị giám đốc nào đó dầu sao, cũng chỉ là chữa cháy

Tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tự xin cắt giảm 14 ngày lương để chia sẻ với các nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc. Tại sao lại là 14 ngày? Bởi theo kế hoạch chi tiêu mới, việc Bộ Quốc phòng phải cắt giảm 40 tỷ USD khiến cho 800.000 nhân viên dân sự sẽ phải đi làm 14 ngày không lương, trong khi ông Chuck Hagel không nằm trong diện cắt giảm.

Trong lĩnh vực “phi chính quyền”, năm ngoái, CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Mark Zukerberg tuyên bố sẽ chỉ nhận lương 1 USD.


Có người sẽ nói, với 28,2% cổ phần trong trị giá ngót 100 tỷ USD, Mark cần gì lương. Có người đặt câu hỏi về mục đích của mức lương tượng trưng này khi, trùng thời điểm, là đợt phát hành cổ phiếu lịch sử ra công chúng của facebook. Và thậm chí, người ta nhắc lại cái giá của “sự hy sinh cao cả” là khoản 1,5 tỷ USD, thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, mà Lee Iacocca, CEO của Chrysler, “người khai sáng” “trường phái lương 1 USD” đã nhận từ Chính phủ.

Nhưng nói gì thì nói, mức lương danh nghĩa 1 USD cho thấy cam kết trách nhiệm của DN với những người nắm cổ phiếu. Còn trường hợp “14 ngày lương” của Chuck Hagel, thật khó có thể dùng một từ nào khác hơn, khi đó chính xác là sự “sẻ chia”.

Hôm qua, vụ lương khủng của các CEO doanh nghiệp công ích TP HCM đã phải giải trình trước Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, để rồi, những “sự biến” khiến Thành phố quyết định lập đoàn kiểm tra tất cả các DN nhà nước trên địa bàn về chính sách người lao động là chế độ lương. Dù đây là một phiên họp mà báo chí không được dự, nhưng điều chắc chắn có thể khẳng định là chẳng có gì gọi là “sẻ chia” từ các CEO DN công ích.

Thay vì sự sẻ chia của người đứng đầu với nhân viên của mình. Người ta tìm mọi cách bòn rút, cắt xén mang miếng cơm manh áo của nhân viên để vinh phân phì da khi những đồng lương tiền tỷ đó có được trên miếng cơm manh áo người lao động.

Một sự tình cờ cay đắng, chỉ ngay trước phiên giải trình, “ông giời” đã trút một trận mưa để người dân thành phố và dư luận cả nước có dịp kiểm chứng tương quan giữa hiệu quả công việc của ông giám đốc công ty thoát nước đã làm, và mức lương khủng 2,6 tỷ mà ông vẫn nhận.
Hiệu quả đó thể hiện sinh động trong một bức ảnh những người đóng thuế được gọi là dân phải dắt xe máy giữa biển nước cao ngang bụng.

Không thể đòi hỏi “sự hy sinh cao cả”, để các CEO DN công ích Thành phố nhận mức lương tượng trưng 1 đồng. Cũng như khó đòi hỏi họ phải giảm lương để “chia sẻ” khó khăn, bởi sự sẻ chia trước hết phải bắt đầu từ sự tự nguyện với một cái tâm sáng và sự cảm thông. Lại càng khó để có thể nói chuyện đạo đức ở đây.

Có một điều có thể làm được, nói như Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khi ông “choáng váng” trước những con số lương khủng khiếp “Mấy ông giỏi vậy thì cần gì nhờ đến ngân sách. Rõ ràng là bớt lương của công nhân để làm giàu cho lãnh đạo. Cái tội này là phải trị tới nơi tới chốn”.

Nhưng một biện pháp nào đó để “trị tới nơi tới chốn”, áp dụng cá biệt với cá nhân một vị giám đốc nào đó dầu sao, cũng chỉ là chữa cháy, với những hành vi không thiếu phổ biến mà ĐBQH Lê Như Tiến thẳng thắn gọi là “không bình thường”, là “móc túi người lao động”.

Một chính sách kiểm soát lương thưởng của những người quản lý ra đời sau cơn giận giữ của cả người và trời, có lẽ đó mới là căn cơ, để không bao giờ còn tồn tại cơ chế lương thưởng bí mật, bịt bùng, để không bao giờ người lao động phải đau lòng khi nghe giải thích rằng mình đang bị móc túi mà hoàn toàn không hay biết.
Đào Tuấn

Đình chỉ chức vụ lãnh đạo 'lương khủng'

Công nhân Công ty Công viên Cây xanh

Ban thường vụ Thành ủy TP HCM vừa có quyết định đình chỉ chức vụ Đảng và chính quyền của lãnh đạo bốn doanh nghiệp công ích nhận lương tiền tỷ.

Tin trước đó cho hay một số lãnh đạo Công ty Thoát nước Đô thị, Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty Chiếu sáng Công cộng và Công ty Công viên Cây xanh có mức lương cao bất thường.

Kết luận của UBND TP HCM về sai phạm đối với chế độ tiền lương ở các công ty công ích được các báo trong nước trích dẫn ngày 27/8 cho thấy cao nhất là của giám đốc của Công ty Thoát nước đô thị, với mức lương đến 2,6 tỷ đồng/năm (122.000 đôla Mỹ).

Vào thứ Tư 4/9, Thường vụ Thành ủy TP HCM đã ra kết luận nói rằng sai phạm của các vị lãnh đạo bốn công ty nêu trên đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, cần đình chỉ các chức vụ về Đảng đối với người đang giữ chức danh Bí thư Đảng ủy cơ sở; tạm đình chỉ các chức vụ đối với người đang giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc bốn công ty để tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm".

Tổng cộng tám quan chức bị kỷ luật theo kết luận này.

Đó là các ông Nguyễn Trọng Luyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị; Trần Trọng Huệ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và Trần Minh Hùng, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng; Nguyễn Nhật Tấn, Chủ tịch HĐTV và Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Công trình giao thông Sài Gòn; Phạm Văn Hiếu, Chủ tịch HĐTV và Trần Thiện Hà, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh.

Thanh tra toàn diện

Như vậy mỗi công ty có hai quan chức hàng đầu bị đình chỉ chức vụ.

Lương cao bất thường

  • Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP HCM: 2,6 tỷ đồng/năm
  • Chủ tịch HĐTV Công ty Chiếu sáng Công cộng: 2,4 tỷ đồng/năm.
  • Giám đốc Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn: 856 triệu đồng/năm
  • Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh: 853 triệu đồng/năm.
  • Trước đó, đã có quan chức lên tiếng thanh minh rằng không làm gì sai phạm. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về mức lương cho viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước thì Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn nhà nước chỉ có thể có mức lương cao nhất là 36 triệu đồng/tháng. Nếu cuối năm, kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận cao thì lãnh đạo và nhân viên có thể được thưởng thêm nhưng không quá 1,5 lần mức lương. UBND TP HCM tuần trước đề xuất các công ty này phải hoàn lại khoản tiền tổng trị giá hơn 6,3 tỷ đồng đã sử dụng để trả lương, tiền thưởng sai quy định cho các viên chức quản lý, đồng thời phải có hình thức “khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động”. Ban thường vụ Thành ủy cũng giao cho Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Thanh tra Thành phố "tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật của Nhà nước trong tổ chức và hoạt động, đặc biệt là quản lý, sử dụng lao động, tài chính, tài sản… thực hiện nghiêm nhiệm vụ chính trị của bốn công ty nêu trên", theo báo trong nước. Được tin TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo rà soát lại lương bổng tại các doanh nghiệp nhà nước. (BBC)
 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc

Sáng nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí cử Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm chủ tịch thay cho ông Huỳnh Đảm.

Việc biểu quyết được tiến hành sáng 5/9 tại hội nghị lần thứ 6 (khóa VII) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tham dự hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, vào đầu tháng 8, Bộ Chính trị đã thảo luận và nhất trí để ông Huỳnh Đảm thôi tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc để nghỉ hưu theo chế độ đồng thời giới thiệu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc hiệp thương cử làm Chủ tịch.
 
mttq-JPG-1378354691.jpg
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Nguyễn Hưng
“Giới thiệu đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Bộ Chính trị đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, ông Huỳnh Đảm phát biểu. Cũng theo ông, việc có một Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch Mặt trận sẽ làm tăng thêm vị thế của tổ chức này.

Như vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Bộ Chính trị thứ hai (sau ông Phạm Thế Duyệt) đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bày tỏ niềm vinh dự trước sự tin tưởng của các ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng như trân trọng những công lao, đóng góp của ông Huỳnh Đảm, tân Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ông sẽ cùng các cụ, các vị lão thành  trong mặt trận chung tay góp sức làm cho Mặt trận ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp cho việc làm cho người dân Việt Nam ngày càng đoàn kết, hạnh phúc hơn.“Tôi thiết tha kêu gọi người dân trong và ngoài nước tiếp tục tham gia góp sức vào các phong trào của Mặt trận Tổ quốc”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Vào tháng 5 năm nay, Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là hai thành viên được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, nâng tổng số ủy viên Bộ Chính trị lên con số 16.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, quê Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sỹ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng; cao cấp lý luận chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, đại biểu Quốc hội khóa 10, 12, 13.

Ông là Phó chủ tịch UBND TP HCM trước khi trở thành Bộ trưởng GD&ĐT năm 2006. Tháng 8/2007, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng (kiêm Bộ trưởng Giáo dục cho tới năm 2010) và tiếp tục được phê chuẩn giữ chức vụ này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011.
Nguyễn Hưng

GS Huệ Chi thôi quản trị trang Bauxite

Giáo sư Huệ Chi (đầu tiên, trái sang)
GS Huệ Chi (đầu tiên, trái sang) quản trị trang Bauxite hơn 4 năm

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi tuyên bố rút khỏi vị trí quản trị trực tiếp trang Bauxite Vietnam do ông đồng sáng lập và chủ biên trong hơn 4 năm qua và nhường vị trí này cho một trí thức người Việt Nam ở Pháp, theo thông báo của trang mạng phản biện này từ Việt Nam.

Hôm 05/9/2013, Bauxite Việt Nam cho hay Giáo sư Huệ Chi tự nguyện nghỉ điều hành trực tiếp trang mạng để tập trung vào công việc chuyên môn.

Thông báo viết: "Sau hơn 4 năm góp phần mình dẻo dai không mệt mỏi, GS Nguyễn Huệ Chi nay cần dành thì giờ hoàn thiện một số công trình chuyên môn về văn học Lý – Trần còn dang dở.

"Vì thế, nhóm sáng lập đã mời GS Phạm Xuân Yêm, một trí thức có uy tín hiện sống tại Pháp, lâu nay vẫn yểm trợ trang Bauxite Việt Nam, đứng ra đảm nhiệm việc quản trị trang Bauxite Việt Nam thay cho GS Nguyễn Huệ Chi một thời gian.

"Tất nhiên, GS Nguyễn Huệ Chi vẫn là người giúp đỡ đắc lực cho ông trong các vấn đề chuyên môn và việc thực hiện sát đúng cương lĩnh của trang."

Trả lời BBC về lý do ông từ nhiệm khỏi vị trí chủ biên trong một thời gian, hôm thứ Năm từ Hà Nội, Giáo sư Huệ Chi nói:

"Việc tôi tạm nghỉ trong một thời gian, nhưng vẫn giúp đỡ Giáo sư Phạm Xuân Yêm nằm trong tiến trình của trang Bauxite.

"Trang Bauxite phải có một tiến trình mới và bước mới ấy phải có sự hợp tác giữa một Giáo sư có uy tín ở nước ngoài với những người trí thức có nhiệt tâm ở trong nước.

"Sự kết hợp ấy chắc chắn đưa tới một kết quả tốt đẹp hơn," ông nói.

'Đóng góp chủ yếu'

Tự đánh giá về đóng góp của trang mạng được biết đến nhiều ở trong nước như một tiếng nói phản biện của giới trí thức Việt Nam, Giáo sư Huệ Chi nói:

"Làm cho việc lên tiếng về những bất hợp lý trong xã hội, việc đòi quyền (làm) chủ cho nhân dân, và đòi quyền con người cho 90 triệu dân Việt Nam, những vấn đề như thế được đặt ra. Và người ta không còn sợ hãi khi lên tiếng về những vấn đề như thế nữa.

"Cho nên chúng tôi nghĩ cái đó mới là giá trị quan trọng, tức là nó xới lên cả một phong trào lên tiếng về quyền công dân, lên tiếng về quyền con người, lên tiếng về những vấn đề xã hội bức bối.

"Và từ đó hình thành nên một phong trào dân sự. Tức là đã bắt đầu có tiếng nói dân chủ ở trong xã hội Việt Nam."

Thông báo hôm thứ Năm của Bauxite Việt Nam cũng điểm lại một số sự kiện mà trang này phải đương đầu cho tới thời gian gần đây.

"Hơn 4 năm qua Bauxite Việt Nam đã trung thành với những nguyên tắc bất di bất dịch ấy, nhờ đó đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cũng như ngoài nước, mặc dù đã từng gặp không ít khó khăn," thông báo viết.

"Trang mạng liên tục bị đánh phá, đánh cắp tài khoản, và đã phải thay đổi hình thức mấy lần; người điều hành cũng bị thẩm vấn và mời làm việc nhiều lần từ năm 2009 cho đến ngay gần đây, nhưng kết quả ông vẫn được thừa nhận là một trí thức yêu nước, có thiện chí đóng góp vào việc xây dựng đất nước."

'Trung thành nguyên tắc'

Giáo sư Huệ Chi (thứ hai, trái sang)
GS Huệ Chi (thứ hai, trái sang) dự lễ quốc khánh năm nay do Đại sứ Mỹ ở VN, David Shear mời

Bauxite Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu và nguyên tắc tự đặt ra của mình. Thông báo viết:

"Chúng tôi nguyện sẽ theo đuổi mục tiêu đã nêu cũng như tiếp tục giữ vững các nguyên tắc làm việc của mình, đồng thời cố gắng hơn nữa trong việc kiểm chứng các thông tin sẽ lần lượt được đưa lên mạng."

Đồng thời, trang này bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng, như thông báo viết tiếp:

"Bauxite Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự cộng tác ngày càng tăng của các cộng tác viên cũ và mới, sự ủng hộ và chia sẻ ngày càng rộng rãi của bạn đọc trong ngoài nước."

Bauxite Việt Nam được thành lập từ tháng 4-2009, do ba người khởi xướng là GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo dục Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng.

Giáo sư Huệ Chi đóng vai trò một nhà chủ biên khi trực tiếp điều hành.

Trong thông báo của mình, Bauxite cho hay nhóm sáng lập đã mời GS Phạm Xuân Yêm, một trí thức sống tại Pháp "lâu nay vẫn yểm trợ trang Bauxite Việt Nam" đảm nhiệm quản trị thay cho Giáo sư Huệ Chi trong một thời gian.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét