Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Phong trào dân sự tại Việt Nam đã chín muồi

Tại Việt Nam vào tháng 8/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã đề xuất việc thành lập đảng Dân chủ Xã hội, chấm dứt sự độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ và thảo luận sôi nổi. Đến cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị do một nhóm trí thức vốn là những người khởi xướng Kiến nghị 72 phổ biến trên mạng.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do, tiến sĩ Phạm Chí Dũng tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.
RFI : Kính chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ. Thưa anh, ở Việt Nam đang diễn ra những cuộc tranh luận về việc nên lập đảng chính trị mới hay theo phương thức xã hội dân sự nhằm cải thiện không khí dân chủ. Quan điểm của anh như thế nào ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngôi nhà nào cũng cần phải có móng. Xã hội dân sự với các phong trào của nó sẽ mang tính thiết thực hơn là mô hình đảng phái độc lập còn khá mơ hồ ở Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam đã trải nghiệm không biết bao nhiêu lần về chuyện thừa thãi lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu tính hành động. Một đảng Dân chủ Xã hội hay nhiều đảng phái khác có thể được khởi xướng, thậm chí có thể hình thành ít nhất trên danh nghĩa mà không bị nhà cầm quyền cô lập, trong bối cảnh tác động về dân chủ và nhân quyền của cộng đồng quốc tế đã trở nên mạnh mẽ hơn hẳn nội lực phản ứng của chính quyền. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng muốn hoạt động được, và hơn thế là triển khai thành công tính tư tưởng cùng phương châm hành động của nó, tổ chức đảng lại cần phải có lực lượng.
Cho đến nay, lực lượng cho một đảng phái vẫn là một câu hỏi để ngỏ trong lòng những người nhiệt thành muốn thay đổi nhưng chưa biết làm thế nào. Thậm chí để tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, người ta cần phải đổi mới chính mình trước khi bàn đến việc thay đổi người khác.
Khác hẳn với định chế đảng phái chính trị, xã hội dân sự với các phong trào dân sự không nhắm đến một cuộc tranh đua, giành đoạt về quyền lực đối với chính thể đương nhiệm. Đặc biệt trong bối cảnh thể chế chính trị một đảng được coi là “duy nhất” ở Việt Nam, mối lo về cạnh tranh chính trị càng trở nên nhạy cảm và quá khó xử.
Với sứ mệnh được mặc định của mình, xã hội dân sự chỉ nhằm làm cho chính quyền nhận ra được những sai lầm trong chính sách và quá trình thực hiện chính sách, từ đó tiến hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, nhân sự thực hiện, làm gần gũi và đồng cảm hơn giá trị “của dân, do dân và vì dân”.
Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự. Chính phương châm này đã loại trừ tâm trạng lo lắng đầu tiên của những người muốn tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi những hoạt động thuần túy xã hội của mình.
Cũng cần nhắc lại ngay sau đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng vào tháng 8/2013, nhiều trí thức đã nổi lên tranh luận về câu hỏi “Thời cơ đã chín muồi chưa?”. Nhưng ngay lập tức, những người khác hỏi lại “Thế nào là chín muồi?”.
“Chín muồi” cũng vì thế đã trở thành lời thách đố lớn nhất nếu thiếu người khởi xướng có uy tín và năng lực hành động. Và cho dù có được người khởi xướng thì lại thiếu lực lượng điều hành và cốt yếu hơn thế nữa là không có nổi lực lượng thừa hành.
Nhưng dễ dàng hơn nhiều so với mô hình đảng phái chính trị, hoạt động của phong trào dân sự với mục tiêu xã hội có thể được chấp nhận ở mức khiêm tốn, tự lượng sức mình và thỏa mãn nhiều hơn hẳn những điều kiện về “chín muồi”.
RFI : Như vậy theo anh đang có những điều kiện nào cho sự chín muồi của một phong trào dân sự ở Việt Nam?
Với tôi thì rõ ràng đó là nhu cầu xã hội, yêu cầu của nhân dân.
Câu trả lời rõ rệt nhất cho độ chín muồi đến thời điểm hiện tại vẫn là “lòng dân”. Nước lên thuyền lên, nhưng nước xuống thì thuyền cũng phải xuống theo – Nguyễn Trãi đã dạy như thế và cũng có không biết bao nhiêu bài học lịch sử nhưng lại không được thấm nhuần vào những cái đầu đặc sệt lúc nào cũng chỉ nghĩ đến quyền và tiền.

Kinh tế lụn bại, tham nhũng ghê rợn chưa từng thấy, xã hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị bất nhất đạo đức, tình cảm của người dân chuyển từ bức xúc đến phẫn nộ rồi tràn sang phẫn uất. Trong bối cảnh đó u uất đó, những người muốn có một sự thay đổi lớn lao về thể chế chính trị không phải là ít.
Xã hội dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy.
Hãy làm sao để người dân nhận ra rằng được sinh ra từ lòng xã hội dân sự, các phong trào dân sự không phải là một khái niệm cao siêu mà giai cấp nông dân và công nhân không thể với tới được.
Ngược lại, hoạt động dân sự trong xã hội dân sự là những gì thiết thân và gần gũi nhất với đời sống dân sinh, nhằm hỗ trợ giải quyết một cách thấu tình đạt lý những bức xúc của dân chúng liên quan đến nhiều chủ đề thiết thực trong hiện tồn Việt Nam như Hiến pháp, tham nhũng, đất đai, môi trường, biển đảo, quyền lợi người lao động, thị trường, các chính sách công bất hợp lý…
Có quá nhiều những vấn đề cần phải giải quyết trong bối cảnh chính quyền không có đủ năng lực và ngày càng mất đi sự công tâm cần có, để bảo đảm việc chấp nhiệm một cách công bằng. Đó cũng chính là nhu cầu xã hội đang nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, đòi hỏi phải có những tác động phi chính phủ, tức hoạt động nằm ngoài khuôn khổ của đảng và chính quyền, giúp cho người dân nhận thức được bản chất của những mâu thuẫn, khó khăn, xung đột và tìm cách giải quyết phần nào những mối nguy đó.
Có một ví dụ điển hình là vào giữa năm 2013, một tác động ngoại biên đã gây dấu ấn đáng kể đối với giới doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là vụ cáo buộc của Tổ chức phi chính phủ lớn thứ hai trên thế giới – Global Witness - đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về những khuất tất của tập đoàn này liên quan đến đất đai, môi trường và điều kiện sống của nông dân ở Campuchia. Cho tới nay, vụ việc này dù chưa có đáp số cuối cùng, nhưng rõ ràng hình ảnh của Hoàng Anh Gia Lai đã bị giảm sút khá lớn không chỉ trong thương trường nội địa, mà cả trên thương trường quốc tế. Với lý do đó, chắc chắn những dự án mà Hoàng Anh Gia Lai đang tiến hành ở Campuchia và Lào sẽ phải được chính tập đoàn này điều chỉnh sao cho bớt bị dư luận phản ứng.
Cũng có hàng ngàn ví dụ tương tự trong hai mươi năm qua ở Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động sản và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân. Tất cả những mâu thuẫn đó đã tích tụ đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất, biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan chức chính quyền tại nhiều địa phương. Vụ việc thu hồi đất hết sức bất công tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012 mà hậu quả còn kéo dài đến nay là một bằng chứng điển hình. Chính những xung đột đó đang rất cần đến sự giúp đỡ của các tổ chức dân sự có kiến thức về pháp luật và lòng trắc ẩn với đồng loại.
Hoặc với vụ chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất của một doanh nghiệp ở Thanh Hóa có tên là Nicotex Thanh Thái bị phát hiện vào tháng 9/2013, người dân đã có đủ bằng chứng, báo chí và dư luận phẫn nộ, song các cơ quan chức năng vẫn trù trừ một cách rất đáng nghi ngờ. Vì sao vậy? Phải chăng đã có những mối quan hệ khuất lấp nào đó giữa thủ phạm gây án ung thư cho người dân địa phương với một vài cơ quan hay những quan chức nào đó? Điều rõ ràng là nếu vụ việc này xảy ra ở những nước phát triển và có xã hội dân sự trưởng thành như Mỹ hay Anh, Pháp, chắc chắn các tổ chức phi chính phủ đã không để yên, cho dù nhà chức trách địa phương có tìm cách bao che.
RFI : Theo nhận xét của anh, thì thái độ và cách hành xử thường bị chỉ trích là vô cảm của chính quyền đã tác động đến tâm lý người dân như thế nào?
Tác động một cách tiêu cực ! Ở Việt Nam, trong khi vai trò độc đảng đã đi vào lối mòn và gây ra nhiều hậu quả về đặc quyền và đặc lợi, tình trạng hoàn toàn thiếu đối trọng chính trị và vai trò của xã hội dân sự đã kéo theo tình trạng thiếu minh bạch trở thành một cố tật, và cố tật này xem ra rất khó được chữa lành. Luôn đứng gần chót bảng tổng sắp các nước có độ minh bạch thấp nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, giới quan chức Việt Nam từ nhiều năm nay đã ép tính minh bạch ngược chiều với đà tăng vọt lợi nhuận của các nhóm lợi ích độc quyền về xăng dầu, điện lực, các nhóm lợi ích thị trường như bất động sản, chứng khoán, và các nhóm lợi ích chính sách như Vinashin và Vinalines.
Dù chẳng hề có một con số khảo sát hay điều tra nào từ phía các cơ quan nhà nước, nhưng bằng vào quá nhiều phản ứng xã hội đã dồn dập xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là vụ một người dân là Đặng Ngọc Viết xả súng trả thù cán bộ quản lý đất đai ở tỉnh Thái Bình vào tháng 9/2013, rõ ràng tâm lý phản kháng của một bộ phận dân chúng đang có chiều hướng vượt qua lằn ranh sợ hãi và có thể biến thái thành hành vi mất kiểm soát.
Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kềm chế. Trong một số vụ viêc mấy năm gần đầy, đã xuất hiện dấu hiệu vượt khỏi tâm lý kềm tỏa sợ hãi để bước đến tâm trạng phản kháng, thậm chí sẵn sàng đối đầu, cho dù đó chỉ là hành động đối kháng tự phát chứ không được tổ chức. Có thể nêu ra hàng loạt vụ việc người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành dinh của Chính phủ và Bộ Chính trị của Đảng. Vụ Đặng Ngọc Viết chính là một điển hình cho lòng phẫn uất đã biến thành tự phát vô cảm đến mức bất chấp của dân oan, đối diện với thói vô lương tâm của giới quan chức địa phương.
Hoặc vụ Mỹ Yên và cách hành xử “côn đồ hóa” của những người bị người dân cho là thẻ ngành không mang sắc phục, đã làm dấy lên làn sóng phản ứng có khuynh hướng “tử vì đạo” của vài trăm linh mục và nửa triệu giáo dân vùng Nghệ An, cùng lòng hiệp thông chưa từng thấy giữa các giáo phận trong cả nước. Sau vụ tranh chấp đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội vào năm 2011, có thể nói vụ Mỹ Yên chỉ thiếu chút nữa đã thổi bùng ngọn lửa đối đầu công khai và sẵn sàng chết vì đạo của giáo dân đối với chính quyền địa phương, mà rất có thể dẫn tới hậu quả không thể nào lường hết nếu xung đột tiếp tục leo thang.
Mà các tôn giáo và giới tín đồ lại là một thành tố không thể thiếu của xã hội dân sự. Trong lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo… đã đóng góp cho xã hội nhiều giá trị tinh thần lẫn vật chất cho người dân, đúng với tiêu chí cho người nghèo và vì người nghèo. Vậy nếu những hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo bị ngăn cản và bị cấm đoán thì sao? Lẽ tự nhiên, đó chính là lúc bản thân các tôn giáo và cả những giới không tôn giáo thấy cần phải hòa quyện với nhau để đấu tranh đòi lại sự công bằng, ít nhất là công bằng cho đúng với những mỹ từ “tốt đạo đẹp đời” hay “kính Chúa yêu nước” mà Nhà nước ưa phô diễn.
Nhức nhối xã hội và những tiền đề hỗn loạn xã hội - điều kiện cần cho xã hội dân sự hình thành – đã hội tụ đủ, thậm chí tràn ứ. Vấn đề còn lại chỉ là các phong trào dân sự ở Việt Nam sẽ khởi sự như thế nào mà thôi.
RFI : Theo anh thì xã hội Việt Nam đã có những tiền đề nào cho phong trào dân sự?
Có thể xem phong trào phản biện Bauxite từ năm 2007 là tiêu điểm đầu tiên mang dấu ấn của nhóm trí thức xuất thân từ lòng đảng, nhưng đậm nét cách tân và có quan điểm cách mạng hơn nhiều so với những lề thói cũ. Công cuộc phản đối dự án khai thác bauxite của Trung Quốc cũng có thể có ý nghĩa không kém thua so với 11 cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào Biển Đông vào năm 2011. Một trong những biểu hiện hiệu quả và bền vững nhất mà nhóm trí thức phản biện Bauxite đã làm được là duy trì được trang mạng Bauxite Vietnam tồn tại trong suốt 5 năm qua, cho dù phải chịu không ít áp lực từ phía chính quyền và ngành công an.
Đến đầu năm 2013, nhóm Kiến nghị 72 sinh ra và phát triển tại Việt Nam lại là một hiện tượng có vẻ như đột biến, nhưng thực chất là tuân theo đúng quy luật biện chứng “lượng đổi dẫn đến chất đổi”. Sau nhiều năm không nhận ra một sự thay đổi và cải thiện đáng kể nào từ phía đảng và chính quyền, giới trí thức bất đồng tiên phong đã phải chỉ thẳng một điều cốt tử: một khi nền chính trị Việt Nam không có đối trọng - được thể hiện bởi những lực lượng vật chất - những chính sách bất hợp lý về tư tưởng và bất công về quyền lợi của nó chỉ có thể dẫn dân tộc đến hố sâu phân hóa và tự triệt tiêu động lực tiến bộ. Có thể coi sự hình thành của “Kiến nghị 72” liên quan đến điều 4 Hiến pháp là dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc khởi xướng tiền đề của hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trong tương lai.
Sau “Kiến nghị 72”, một số blogger trẻ cũng đã khởi phát phong trào 258 – một hoạt động mà về hình thức chỉ là tiếp xúc và trao bản tuyên bố phản đối điều 258 Bộ luật hình sự cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và một số tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng thực chất là bày tỏ thái độ phản đối công khai đối với chính quyền theo tinh thần minh bạch hóa và tác động thay đổi chính sách của xã hội dân sự.
Cũng chủ yếu từ năm 2011 đến nay, hoạt động truyền thông xã hội tại Việt Nam đã hình thành một cách dày dạn và tỏ ra can đảm hơn hẳn hoạt động thông tin lề trái ở Trung Quốc. Số người viết ngày càng nhiều, nhưng quan trọng hơn, số bài viết có chất lượng và có sức lan tỏa, tính kết nối với hệ thống truyền thông quốc tế ngày càng tăng. Truyền thông quốc tế lại tác động đến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các quốc gia hàng đầu về dân chủ và nhân quyền, tạo nên hiệu ứng tác động ngược lại đối với nhà cầm quyền ở Việt Nam.
Chính hiệu ứng “trong ra ngoài vào” như vậy đã thực sự làm nên một đối trọng về áp lực dư luận đối với hệ thống báo đảng, khiến cho các cơ quan tuyên giáo từ trung ương đến địa phương không thể xem thường truyền thông xã hội. Trong một số trường hợp liên quan đến “Kiến nghị 72”, hai vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vụ bắt rồi thả Phương Uyên, đề xuất thành lập đảng mới của ông Lê Hiếu Đằng…giới báo chí lề đảng đã phải chọn cách đứng trước vành “đối chất” thay vì phẩy tay bỏ qua vào những năm trước.
Truyền thông xã hội lại là một thành phần đương nhiên của xã hội dân sự. Đó cũng là lý do để có thể tạm thời kết luận rằng một phần quan trọng và có thể có tính quyết định của xã hội dân sự đã manh nha và đang dần khởi sắc ở Việt Nam, cho dù chân đứng của nó có lẽ còn khá lâu nữa mới vững chắc và đồng vị tại một điểm thống nhất nào đó.
RFI : Thưa anh, đối với sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam. yếu tố nào mang tính quyết định : yếu tố đối nội hay đối ngoại?
Nội lực tất yếu là yếu tố quyết định trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, điều kiện sơ sinh cho xã hội dân sự lại đến từ cộng đồng quốc tế và trào lưu dân chủ hóa trên thế giới.
Nhìn sâu vào bản chất, tình hình chính trị ở Việt Nam vào năm 2013 đã thay đổi khá nhiều so với những năm trước, tuy chỉ là một sự thay đổi rất kín đáo mà không dễ nhận ra và càng khó để lượng định. Tuy nhiên, nếu hệ thống lại những hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, và với cả công đồng Công giáo Vatican, có thể thấy là một độ mở chính trị dường như đã được nhà nước Việt Nam cam kết với quốc tế, dẫn đến kết quả tuy chưa khả quan, nhưng đã có nét đột biến từ việc bất ngờ thả nữ sinh Phương Uyên ngay tại tòa án Long An – sự kiện diễn ra chưa đầy một tháng sau chuyến đi Washington của ông Trương Tấn Sang.
Xu hướng đối ngoại và góc mở đối nội cũng cho thấy nếu vào tháng 8/2013, ông Lê Hiếu Đằng và nhóm cộng sự bền tâm và có đủ lực lượng để lập nên chính đảng Xã hội Dân chủ, sự việc chưa từng thấy này cũng khó tạo ra một cái cớ đủ tính pháp lý để chính quyền phản ứng mạnh mẽ, tức có thể bắt giam hoặc đàn áp những người khởi xướng lập đảng.
Hướng mở về đối ngoại kéo theo độ mở về chính trị và cho thấy chưa bao giờ từ năm 1975 đến nay, Nhà nước Việt Nam lại “cần” đến cộng đồng quốc tế như bây giờ. Nhu cầu thiết thân về quyền lợi và quyền lực như thế đang liên quan trực tiếp đến các chủ đề hấp dẫn như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP, và cả lời hứa hẹn về “đối tác chiến lược toàn diện” từ phía người Mỹ, trong đó trước mắt là một vài động thái liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động rất tiêu cực từ người bạn láng giềng tham lam có truyền thống ở phương Bắc.
Một động thái khác đáng chú ý sau cuộc gặp Obama – Sang, vào ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa về nhân quyền của chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó có cam kết đầu tiên và quan trọng nhất: “Thông qua các chính sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận”.
RFI : “Thông lệ quốc tế đã công nhận” có thể hiểu là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, công ước quốc tế về chống tra tấn…
Vào cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị đã được nhóm trí thức độc lập, cũng là những người khởi xướng “Kiến nghị 72”, phổ biến trên mạng.
Hiển nhiên là những tiền đề đầu tiên của xã hội dân sự đang hình thành ở Việt Nam, trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang dần phải chấp nhận những giá trị phổ quát về nhân sinh, nhân quyền và dân chủ của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là lý do để có thể cho rằng đã có những tín hiệu cho thấy một số lãnh đạo của đảng và chính quyền, tuy chưa công khai biểu hiện quan điểm vì lý do chưa muốn hoặc vẫn bị áp lực bởi “chủ nghĩa kinh viện tập thể”, vẫn đang có xu hướng “xoay trục” sang phương Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô hình xã hội dân sự nào đó trong tương lai cho Việt Nam, với vai trò nhà nước pháp quyền đang được đặt ra và có giá trị tối thiểu như một cụm từ mang tính thời thượng.
Sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào tháng 7/2013 và tiếp theo đó là chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris và New York vào tháng 9/2013, tín hiệu về xu hướng “xoay trục” như thế ngày càng lộ diện.
Đó cũng là lý do để có thể cho rằng tỉ lệ thuận với khuynh hướng “xoay trục” sang phương Tây, một nhận thức mới mẻ đang dần hình thành trong não trạng của một số lãnh đạo cao cấp: trong tương lai gần, một lực lượng trí thức có tính độc lập tương đối với hệ tư tưởng của đảng, có thể là cần thiết được duy trì mà không bị sách nhiễu hoặc bắt bớ, với mục đích tạo nên một ráng hồng dân chủ nào đó cho khuôn mặt của chế độ, cũng là nhân tố có thể mang lại thiện cảm với các tổ chức và quốc gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng trí thức độc lập này cũng có thể là cầu nối trong – ngoài để một số quan chức cao cấp Việt Nam “dễ ăn dễ nói” hơn với các tổ chức quốc tế.
Tác động quốc tế và điều được xem là “biến đổi khí hậu nội địa” chính là điều kiện cần và cực kỳ quan yếu để các phong trào dân sự có thể thành hình thành khối ở Việt Nam, trong bối cảnh được coi là “nhạy cảm” hiện thời mà không quá lo lắng về chuyện thành viên của họ bị bắt bớ hay bị truy tố vì tội danh “lật đổ có tổ chức”.
RFI : Làm thế nào để các phong trào dân sự có thể được xây dựng nhanh chóng và lan tỏa được ở Việt Nam?
Khác rất nhiều với tính chuyên biệt về tư tưởng và thành phần của đảng phái chính trị, phong trào dân sự luôn là một định chế mở có tính hợp lý để có thể thu hút, quy tụ rộng rãi sự đóng góp của các thành phần, không chỉ người dân mà còn cả trí thức và các quan chức trong đảng – những người vốn đã ở thế “trung dung”, bức xúc với hiện tình dân tộc và muốn tìm một con đường nào đó để đời sống của họ đỡ vô nghĩa hơn.
Một khi được hình thành, các phong trào dân sự có thể là ngôi nhà của người nông dân, công nhân, tiểu thương, và cả giới sinh viên đang muốn tìm một lối thoát để phụng sự dân tộc. Ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm, xã hội đang chứng kiến hiện tượng “tụ tập đông người”, từ các bà tiểu thương đến những nhóm sinh viên và trí thức, từ các nhóm dân oan hàng ngày túc trực ở trụ sở công quyền đến những người công nhân nhóm họp đòi quyền lợi về thu nhập… Tuy nhiên tất cả những hiện tượng tổ nhóm như thế vẫn còn rất phân tán và mang tính tự phát, hoàn toàn có thể tan vỡ như bong bóng xà phòng nếu không được định hướng và duy trì sự tồn tại.
Định hướng và những mục tiêu thiết thân của xã hội dân sự cùng các phong trào của nó về dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí chắc chắn là sự gắn bó không thể tách rời đối với quyền lợi của đại đa số người dân trong số 86 triệu dân số Việt Nam giờ đây. Số còn lại, dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể chỉ chiếm 10-15%, là những người có bổng lộc thông qua phương tiện chức vụ, cùng những người giàu có mà không muốn lâm vào tình thế rủi ro để đổi lấy sự minh bạch.
Nếu đại đa số nhân dân được kết nối với nhau và được định hướng trong cuộc đấu tranh phản biện xã hội, tính lan tỏa và sức ép mà các phong trào dân sự tạo ra sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Ứng với những điều kiện ở Việt Nam và so sánh với kinh nghiệm đã tích lũy ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu vào thập niên 90, nhóm trí thức phản biện độc lập có vai trò khởi phát, dẫn dắt, nhưng lực lượng trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước mới là nhân tố quyết định để tác động đối với đảng và chính quyền, tạo ra một thay đổi đủ lớn về chính sách, con người và cả thể chế.
Ứng với tình hình Việt Nam, một số đánh giá mang tính ước đoán cho biết hiện thời có ba nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 30% trí thức trong đảng và nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm “trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ thống. Ngược lại, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến, muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức trong đảng và nhà nước- những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức vụ, mang quan điểm trung dung. Nếu thực tế gần đúng với những tỉ lệ đó thì một xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước.
Muốn xã hội dân sự được rút ngắn cung đường khởi động, yếu tố đoàn kết phải là con ngươi của phong trào phản biện, phong trào dân sự và do đó của xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam. Tình trạng xa cách giữa nhóm trí thức phản biện độc lập với các trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước như hiện thời là yếu huyệt nguy hiểm nhất trên con đường cải hóa các mục tiêu xã hội và chính trị, gây loãng tác động điều chỉnh chính sách và càng làm cho đời sống dân tình trở nên khốn khó, bức bách hơn.
Bức bách thách đố đối với những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam lại là phải tạo ra được bầu không khí tranh luận thật sự dân chủ trong đa nguyên tư tưởng, gạt sang một bên những đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét hoặc nói xấu lẫn nhau – những biểu hiện vẫn luôn bị coi là một thói xấu trong lịch sử văn hóa của người Việt.
Chỉ có đoàn kết mới làm tăng được sức mạnh của những người muốn thay đổi và mới tạo ra được sự đổi thay. Đoàn kết càng nhanh thì lộ trình ban đầu cho dân chủ Việt Nam sẽ càng được rút ngắn, cho dù con đường dẫn đến sự thay đổi toàn diện vẫn còn rất lâu dài.
RFI : Trong hoàn cảnh Việt Nam, các phong trào dân sự có thể làm được những gì thiết thực?
Có rất nhiều việc phải làm. Hành động chính trị - xã hội là việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…
Còn hành động kinh tế - xã hội là bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏi qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…
Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại.
RFI : Tuy nhiên nhiều vấn đề mà giới trí thức phản biện nêu ra cho tới nay vẫn có vẻ nặng về tính lý thuyết. Làm thế nào để có được một phong trào dân sự có hiệu quả trong đời sống?
Dĩ nhiên phong trào phản biện của giới nhân sĩ, trí thức và các phong trào dân sự phải cần thỏa mãn điều kiện đủ là làm sao hình thành càng sớm càng tốt, chọn lựa những người đứng đầu có uy tín và có năng lực hành động, đồng thời tạo dựng được nhân lực điều hành và thừa hành để có thể tương tác với vận động xã hội và thích ứng với những ưu thế mới trong tình hình mới.
Muốn đạt được các mục tiêu chiến lược đó, trước mắt hoạt động của phong trào dân sự cần nhích thêm một bước: không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn hòa, bất bạo động.
Ngay từ bây giờ, đang rất cần đến một sự kết nối có tính thành tâm, hữu dụng và bài bản giữa các nhóm trí thức phản biện độc lập, trí thức trong đảng với các nhóm dân sự tiêu biểu của nông dân, công nhân, tiểu thương, sinh viên, tín đồ tôn giáo trong nước, cùng khối trí thức và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Cuộc hành trình của phản biện xã hội và xã hội dân sự ở Việt Nam trong ít nhất 20 năm tới không chỉ là một sự thay đổi về tương quan kinh tế - chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng về văn hóa và dân trí cho các tầng lớp nhân dân.
Hãy đừng nghĩ xã hội dân sự phải là một cái gì đó to tát với những cuộc bàn luận bất tận về học thuật và vĩ mô. Sau khi Diễn đàn xã hội dân sự của nhóm 72 ra đời, một blogger trẻ là Phạm Lê Vương Các đã bày tỏ chút nuối tiếc: hàng trăm trí thức có tên tuổi đồng ký tên ủng hộ diễn đàn này thực ra có thể làm được một điều gì đó xứng đáng hơn là chỉ bàn luận. Trên mạng đã có quá nhiều diễn đàn, và giờ đây điều cần thiết là hành động chứ không chỉ là nói. Một hành động rất nhỏ bé như hình thành một phong trào nhặt rác ngoài đường phố có thể còn có ý nghĩa hơn cả việc ngồi bàn luận chính trị theo cung cách salon…
Nhặt rác chính là một hành động không thể thiết thực hơn trong nỗi bức bối hiện thời. Dù mới chỉ một ít người nhặt rác, song hiệu ứng lan tỏa của đám đông sẽ khiến thay đổi về nhận thức và tình cảm, để đến một lúc nào đó người dân và đảng viên sẽ ý thức về việc cần phải quét rác như thế nào.
Với tôi, chúng ta, tất cả các bạn hãy hành động, hành động và hành động! Vì dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí! Thay đổi của xã hội cũng là hệ quả cho phản biện và cơ hội cho dân chủ. Phải thay đổi về não trạng để có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa. Phong trào dân sự và những điều kiện cho một xã hội dân sự ở Việt Nam đang nằm trong xu thế và lộ trình khởi động trong 3-4 năm tới. Và nếu được tổ chức tốt, phong trào này có thể góp sức cho xã hội về những triển vọng lạc quan trong tương lai dài hạn của dân tộc.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.
27/09/2013
Thụy My
(RFI)

Xã hội dân sự tại Việt Nam

Kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện đại đã có những bước biến chuyển mới khá đáng quan tâm trong việc phát triển xã hội dân sự.

Đây là một giai đoạn biến chuyển chính trị được đánh giá có tiềm năng điều hướng các hạn chế và sự độc quyền của một nhà nước đảng trị.

Sau gia đoạn Đổi mới trong những năm 1990, rất nhiều nhà phân tích chính trị Việt Nam đã đưa ra những viễn cảnh triển vọng phát triển tươi sáng của xã hội dân sự mới ra đời. Họ đã rất ngạc nhiên khi thấy các tổ chức, hiệp hội phi chính phủ, tự do báo chí và truyền thông ngày càng gia tăng và phát triển. Lí do cho việc này chính là sự yếu kém đến từ hệ tư tưởng cũ kĩ của nhà nước, và hơn nữa, do việc nới lỏng kiếm soát chính trị của nhà nước đối với xã hội. Kèm theo đó, sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế với các chương trình nghị sự kinh tế tự do đã củng cố, hỗ trợ, khuyến khích  nền “xã hội dân sự” còn non trẻ để tạo ra một viễn cảnh tươi sáng đầy hi vọng trong việc dân chủ hóa đất nước. Bên cạnh đó, những bất đồng chính trị xuất phát từ các tổ chức hoạt động dân chủ đối lập trong nước và cộng động người Việt tại nước ngoài cũng đã góp phần làm đa dạng hơn quy mô của một nền xã hội dân sự mới.
Tuy nhiên, sự hi vọng trong việc phát triển xã hội dân sự và dân chủ hóa đầy ý nghĩa đó lại bị hiểu lầm thành chủ nghĩa lý tưởng tự do. Ý nghĩa và quan hệ cấu trúc giữa các hiệp hội xã hội dân sự/tổ chức phi chính phủ và nhà nước kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam có mối liên kết cực kì chặt chẽ. Không những thế, mối quan hệ đó đã giúp mang đến cho nhà nước đảng trị quyền hành mang tính pháp lí có ảnh hưởng rất lớn đối với nền chính trị nước nhà. Thêm vào đó, các nhà hoạt động dân chủ tự do đã đánh giá thấp khả năng phản ứng của nhà nước đảng trị trên cả phương diện bạo lực và phi bạo lực khi đối diện với một tổ chức chính trị đối lập. Các nhóm, tổ chức đối lập đã bị thẳng tay trừng trị và một vài cá nhân trong số đó đã bị tuyên án khá nặng.
Việc thay đổi các động lực, chính sách trong việc phát triển kinh tế và chính trị trong những năm vừa qua nhằm tạo đà phát triển cho nền xã hội dân sự là vấn đề cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiện tại, Việt Nam đã được xem như một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Việc này mang đến một vài hệ quả như các nhà tài trợ quốc tế rút viện trợ trong một vài lĩnh vực phát triển và giảm hẳn các khoản hỗ trợ phát triển chính thức. Thêm vào đó, cả nước đang ở trong thời kì kinh tế suy sụp lâu nhất kể từ thời Đổi mới. Quản lý kinh tế yếu kém, tham nhũng tràn lan, sự nổi lên của một nhà nước độc quyền, các phúc lợi xã hội yếu kém cung cấp bởi nhà nước đã làm tăng lên sự bất mãn trong nhiều tầng lớp xã hội, tập trung phần lớn vào chất lượng quản lý do nhà nước thực hiện.
 “Kiến Nghị 72” công bố vào tháng Hai vừa qua bởi một nhóm “đối lập yêu nước” đã được nhiều người ủng hộ, và họ đáp lại lời kêu gọi yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 cũ kĩ theo mô hình Liên Xô mà Việt Nam đang áp dụng. “Kiến nghị 72” đại diện cho một nhu cầu tự do dân chủ lớn hơn. “Kiến nghị 72” và các chỉ trích bất bình từ nhiều nhóm trong dự thảo sửa đổi hiến pháp trên cơ sở hạn chế về quyền dân sự và chính trị hiện thời đang gây sức ép khá lớn lên chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị và đệ trình “báo cáo bóng” vào tháng Sáu năm 2013 của hơn 60 tổ chức phi chính phủ địa phương dưới sự dám sát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được xem như một cơ chế để đánh giá việc thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, tòa án Việt Nam đã có những hành động chính trị thu hút sự ngạc nhiên khá lớn từ các giới quan sát viên. Vào ngày 16 tháng Tám năm 2013, phiên tòa phúc thẩm hai hai sinh viên với cáo buộc tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” ở tỉnh Long An đã được giảm xuống một nửa. Kết quả là Nguyễn Phương Uyên được giảm từ 6 năm tù giam xuống còn án treo và Đinh Nguyên Kha từ 8 năm tù giam xuống còn 4 năm. Đây là hai trường hợp chính trị đầu tiên mà tòa đã giảm án nhiều nhất và các nhà quan sát đã rất ngạc nhiên bởi quyết định trên. Tương tự, hồi đầu năm 2013, những nông dân nuôi cá ở Hải Phòng có những hành vi chống người thi hành công vụ trong vụ cưỡng chế đất cũng đã nhận được sự khoan hồng từ phiên tòa phúc thẩm.
Nhìn từ quan điểm dân chủ, những tiền đề căn bản từ lâu được đặt ra cho một giai đoạn phát triển mới của xã hội dân sự đã có thể đi vào chi tiết mang tính quyết định hơn. Việc số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên sau một vài thập kỉ phát triển tư bản chủ nghĩa và tầm ảnh hưởng ngày càng cao của các phương tiện truyền thồng xã hội đã đem lại sự tự tin mới đầy triển vọng trong một xã hội dân sự mới. Hơn nữa, chính sách ngoại giao với Trung Quốc của Việt Nam cũng đang trở thành một vấn đề quan trọng đối với nền chính trị trong nước. Một loạt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra vào suốt mùa hè năm 2011 và 2012 là một tín hiệu cho kỉ nguyên biểu tình chính trị trong một đất nước mà các qui tắc và tiêu chuẩn đang được tranh cãi khá nhiều. Cuối cùng, các vấn đề về quyền con người và phương pháp tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các chương trình nghị sự của đất nước, và các hành động của những tổ chức phi chính phủ đã đạt được nhiều điều vượt ra ngoài dự kiến của họ.
Có rất ít bằng chứng đủ thuyết phục để khẳng định bất kỳ điều gì là lý tưởng đối với nền xã hội dân sự của Việt Nam. Nhưng đã có rất nhiều hiện tượng thay đổi giúp đẩy việc phát triển xã hội dân sự từ phía sau lên đi lên hàng đầu trong bối cảnh chính trị ngày nay, và những điều này mang lại khá nhiều thay đổi lạc quan. Trong việc đối phó với thực tế mới chỉ ra bởi các hoạt động và thái độ của cả nhà nước đảng trị và xã hội dân sự thì việc nắm bắt những thay đổi cụ thể mang tính quyết định có thể nói khá là rất khó khăn.
Thiem Bui, University of Queensland
Thùy Dương chuyển ngữ.
* Thiem Bui là học giả tiến sĩ tại Đại học Queensland, Úc châu.
(Diễn đàn XHDS)

Hãy học Myanma, Campuchia – đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự

Bang Tran 

               

Hãy lấy thực tiễn đời sống thực tế của dân (so với các nước cùng Đông Nam Á, và châu Á có quy mô dân số, địa lý, phong tục gần ta) làm thước đo tiến bộ…

Chỉ có thể chế nhà nước đa đảng, tam quyền phân lập và xã hội dân sự mới làm được các việc quan trong như sau:

1. Đoàn kết, và tập hợp được người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới vốn bị chia rẽ ý thức hệ từ 1945 đến nay.

2. Chống được tham nhũng, chống tha hóa quyền lực, chống được lạm quyền,chống độc quyền, chống chuyển quyền trong nội bộ một nhóm người, một nhóm gia tộc hoặc thân hữu…vì muốn nắm quyền phải cạnh tranh bình đẳng, tranh cử, giành quyền lực qua bầu cử minh bách…và chỉ được làm những gì người dân ủy quyền bằng các bộ luật…và một lực lượng đối lập tương đương luôn giám sát, (có thể gọi là luôn luôn xoi mói đối thủ) nhằm giành lại quyền nếu phát hiện ra đối thủ hoặc người do họ chon vào ê kíp mắc sai lầm.


3.”Quan bớt tham, thì dân bớt gian”.

Khi người nắm quyền luốn có đối lập tương ứng giám sát thì khó mà tham được, vì tham là mất chức và còn bị tù tội.

Chỉ có đảng đối lập mới đủ sức mạnh tương ứng để giám sát quan chức của đảng nắm quyền. Hạn chế, khống chế quan tham.

Tất nhiên đối lập sẽ cùng kết hợp với tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhân dân và tư pháp độc lập để giám sát, kiểm soát, hạ bệ và thậm chí là xét xử (nếu có đủ chứng cứ buộc tội).

Quan giành quyền bằng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh,… thì dân cũng cạnh tranh trong kinh doanh, lao động sáng tạo…minh bạch, bình đẳng, lành mạnh.

Khi đó người dân được tự do làm những điều có ích cho mình và xã hội (thông qua đóng thuế, tình nguyện và từ thiện…), sẽ ít tiêu cực , như tâm lý : “làm giầu cho quan chức”, câu kết với quan chức làm giầu, gian dối làm giàu….mua quan bán chức, gian dối, thủ đoạn, giành giật lợi ích cho cá nhân bằng mọi giá, trốn thuế, buốn lậu, hàng gian, hàng giả, dùng hóa chất độc hai bất chấp tính mạng con người và môi trường sống…

4. Khi có ba tiền đề trên sẽ thúc đẩy được cải cách giáo dục toàn diện….vì giáo dục không thể độc lập hoàn toàn với môi trường sống…Xã hội lừa đảo, mua quan, bán chức, tham nhũng , gian dối…như cơm bữa từ cấp cao thì không thể có nền giáo dục tốt được.

5. Khi có đa nguyên, đa đảng mới có tự do tôn giáo thực sự được…vì Học thuyết cộng sản là vô thần là xóa bỏ tôn giáo từ trong triết lý duy vật biện chứng, ai cũng biết…không thể ngụy biện được.

Chỉ có những tôn giáo chính thống đã được tồn tại và kiểm định theo thời gian mới bắt con người đi theo đạo đức,nhân, nghĩa và chân, thiện, mỹ một cách trung thực, thuần khiết từ nơi sâu thẳm linh hồn con người, mà không một luật pháp và một lý thuyết giáo dục hiện đại nào có thể thay thế được….

Blogger Điếu Cày được trao giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2013

dc-305.jpg
Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, ảnh chụp trước khi bị bắt.
Citizen photo
Blogger Điếu Cày người thành lập Câu lạc Bộ nhà báo tự do vừa được tổ chức Ủy Ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York trao giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2013 vì đã có thành tích đóng góp cho nền tự do báo chí thế giới, bất chấp mọi đàn áp, kiểm duyệt và khống chế tự do ngôn luận của nhà nước để mang tới cho người đóc thông tin cần thiết.

Blogger Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải đã bị bắt và vẫn còn đang bị giam giữ vì tội tuyên truyền chống nhà nước vừa được trao giải cùng với ba nhà báo khác của Ecuador, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bản thông báo của tổ chức CPJ có đoạn viết, bốn người được đề cử và trúng giải năm nay là nữ ký giả Janet Hinostroza người Ecuador làm việc cho đài Teleamazonas.  Ông Bassem Youssef,  thuộc Capital Broadcast Center của Ai Cập, Ông Nedim Sener, người Thổ Nhĩ Kỳ ký giả của báo Posta, và ông Nguyễn Văn Hải, được biết dưới tên Điếu Cày của Việt Nam. Tất cả bốn ký giả này đã và đang phải chịu đựng những sự trả thù, tra tấn, sách nhiễu và kể cả tù tội do công việc của họ.

Bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày cho chúng tôi biết cảm tưởng của bà sau khi nhận được tin này:
Mọi người đã biết việc làm của ông ấy và đã tưởng thưởng xứng đáng cho việc đó. Một niềm vui nữa tôi nghĩ rằng đây là sự chú ý chung của cộng đồng quốc tế cho phong trào.  -Bà Dương Thị Tân
“Tôi cũng mới nghe cách đây vài tiếng đồng hồ, cảm giác chung thì rất mừng vì các việc làm của ông Hải cũng như rất nhiều người đang đấu tranh ôn hòa khác đã được vinh danh một cách xứng đáng. Mọi người sẽ không bao giờ quên những việc làm dấn thân, tố cáo những sai trái cũng như đưa được những sự thật ra trước ánh sáng công luận tuy ôn hòa nhưng phải trả giá rất nặng nề cũng như những sự trả giá khác.

Mọi người đã biết việc làm của ông ấy và đã tưởng thưởng xứng đáng cho việc đó. Một niềm vui nữa tôi nghĩ rằng đây là sự chú ý chung của cộng đồng quốc tế cho phong trào chung của người Việt Nam, những người dấu tranh ôn hòa để đạt được quyền của mình.”

Khi được hỏi nếu được mời nhận giải thay cho chồng vào ngày 26 tháng 11 tại New York sắp tới thì sẽ quyết định thế nào, bà Dương Thị Tân cho biết:

“Nếu được mời đương nhiên là một niềm vinh hạnh, còn việc được đi hay không không phụ thuộc vào chúng tôi. Hẳn nhiên rằng họ không bao giờ muốn có những sự việc như thế được công bố rộng rãi, tôi tin chắc chắn nó sẽ xảy ra như thế vì từ trước tới nay có mấy ai đi ra ngoài để làm được việc ấy đâu. Tuy nhiên mẹ con tôi rất vui nếu được mời vì như vậy chứng tỏ chúng tôi không bị lãng quên.”

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ là tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ tự do báo chí trên khắp thế giới. Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế được thành lập từ năm 1991, mỗi năm giải được trao cho 4 ký giả mà hoạt động của họ được công nhận là bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận bất kể những đe dọa, áp lực hay khủng bố từ các thế lực cầm quyền.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-09-27

Thủ tướng VN 'nên nắm đảng cầm quyền'

Hệ thống chính trị Việt Nam hiện chia quyền cho ba nhân vật cao nhất
Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định quyền lãnh đạo đất nước nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng này đã cai trị đất nước từ năm 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập và một thời gian đã có chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh thành lập với nhiều đảng tham gia nội các.

Nhưng cách tổ chức nhà nước hiện nay thì ba lãnh đạo to nhất nước, Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng, cũng như các bộ trưởng đều là các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản.
Một, hai hay ba?

Ở miền Bắc, trước đây có Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không nghe đến Tổng Bí thư. Chỉ có Lê Duẩn là Bí thư thứ Nhất cùng với người nắm chức Thủ tướng là Phạm Văn Đồng.

Sau khi ông Hồ qua đời năm 1969, Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, một chức vụ quyền hành nhất, giống như cách tổ chức nhà nước ở Liên bang Xô Viết, mà thời Chiến tranh Lạnh thế giới nghe nhiều đến các Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev.

Việt Nam trong giai đoạn từ 1969 đến 1986 vai trò của Chủ tịch Tôn Đức Thắng hay Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng lu mờ trước Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khi Lê Duẩn qua đời, Đại hội VI của Đảng vào năm 1986 công bố chính sách đổi mới với bộ ba lãnh đạo với quyền ngang nhau.

Có giai đoạn việc phân chia quyền hành còn căn cứ vào yếu tố Bắc Trung Nam để ba miền đều có đại diện trong thành phần lãnh đạo cao nhất nước.
"Vì có đến ba người đồng quyền hành chính trị, lãnh đạo các nước sẽ không biết phải mời ai hay tiếp xúc với ai nếu có những quan hệ cần bàn giữa hai quốc gia"
Vai trò của Chủ tịch Quốc hội cũng đang được nâng tầm. Trước đây quốc hội chỉ như con mộc cao su đóng vào những nghị quyết hay dự luật do Đảng đưa xuống.

Nay Quốc hội đã có những đòi hỏi thanh tra công việc của cơ quan nhà nước và gần đây đã thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số bộ trưởng do những sai phạm trong công việc, nổi cộm nhất là vụ tổng công ty Vinashin.

Trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà thực tế không có lựa chọn “bất tín nhiệm”, đã có kêu gọi đòi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì cách điều hành yếu kém đưa đến thất thoát hàng trăm triệu đô-la trong Vinashin.

Nhưng ông Dũng không từ chức mà qua vụ bỏ phiếu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố lại vị trí của mình.

Có nhận định rằng văn hoá từ chức không có trong giới lãnh đạo Việt Nam.

Điều này đúng với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Dũng không từ chức vì Đảng không muốn.

Cũng như trước đây Thủ tướng Phan Văn Khải đã muốn từ chức vì những chính sách cải cách của ông đề ra không được đẩy mạnh thực hiện. Nhưng Đảng cũng không cho ông từ chức.

Như thế hiện nay ai thực sự có quyền tại Việt Nam: ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Nguyễn Phú Trọng?

Câu hỏi này có lẽ lãnh đạo của nhiều quốc gia cũng đặt ra. Vì có đến ba người đồng quyền hành chính trị, lãnh đạo các nước sẽ không biết phải mời ai hay tiếp xúc với ai nếu có những quan hệ cần bàn giữa hai quốc gia.
Ai đang lãnh đạo?
Tại những nước không cộng sản mà theo chế độ tổng thống hay chế độ đại nghị thì vai trò của người lãnh đạo rất rõ.

Ở Mỹ, Pháp, Nam Hàn, Philippines, Mexico, Indonesia thì tổng thống có quyền hành cao nhất.

Trong khi đó ở hệ thống đại nghị như Đức, Nhật, Anh, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ thì quyền hành trong tay thủ tướng.
Ở Thái Lan, thủ tướng nắm quyền hành cao nhất trong hệ thống
Với tổ chức lãnh đạo của Việt Nam cũng như ở các nước cộng sản còn lại, lãnh đạo các quốc gia không cộng sản khó có thể mời Tổng Bí thư vì không phải người tương nhiệm.

Tổng thống Mỹ đã mời Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nhưng chưa bao giờ mời Tổng Bí thư vì Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng vì chỉ là người đứng đầu đảng, không phải đại diện cho một quốc gia.

Năm 2000 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang Pháp và được Tổng thống Jacques Chirac chính thức đón tiếp long trọng khiến có dư luận phản đối vì không đúng với nghi thức ngoại giao.

Dù không là người đại diện quốc gia nhưng vai trò của các Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đã có tính lấn át quyền hành của Chủ tịch hay Thủ tướng, điển hình như khi Thủ tướng Phan Văn Khải muốn ký kết giao thương với Hoa Kỳ đã bị Tổng Bí thư Đỗ Mười cản.
"Nếu có lãnh đạoViệt Nam nào đưa ra những quyết sách thay đổi thì lại gặp lực cản ngay trong Bộ Chính trị vì ý thức hệ, vì tranh giành lợi ích cá nhân"
Đến nay Đảng Cộng sản đã cầm quyền 58 năm, dài gần bằng cả một đời người.

Trong hơn nửa thế kỷ đó lãnh đạo cộng sản đã làm được những gì? Kể ra thì nhiều thành tích chiến thắng quân sự: đánh đuổi người Pháp năm 1954, đánh bại người Mỹ năm 1975 và chống lại Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Đạt thành công chiến trường, nhưng xây dựng đất nước thì chưa được bao nhiêu. Gần bốn mươi năm từ ngày thống nhất, nước Việt Nam vẫn ì ạch sau nhiều nước lân bang về nhiều mặt từ kinh tế, giáo dục, công nghệ cho đến văn hoá, xã hội, chính trị.

Chậm phát triển có lẽ vì Việt Nam thiếu một người lãnh đạo giỏi và có quyền trong thời bình. Trong thời chiến chỉ một người quyết định chính sách là Lê Duẩn với quyết tâm giải phóng miền Nam bằng quân sự đã thành công.

Sau hai thập niên bị cô lập vì Hoa Kỳ cấm vận, Việt Nam đang trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu và nay đang có những đòi hỏi cải cách chính trị hầu nâng cao vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Tuy nhiên Hà Nội thường biện luận rằng duy trì độc đảng sẽ có ổn định để đất nước phát triển hơn là đa đảng gây xáo trộn và có nhắc đến thời độc tài ở Nam Hàn với Park Chung Hee, Singapore với Lý Quang Diệu hay Đài Loan với họ Tưởng.

Nhưng Park Chung Hee với Đảng Tân Dân chủ, Lý Quang Diệu với Đảng Nhân dân Hành động hay Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc với Quốc Dân đảng là những lãnh đạo có nhiều quyền nên những quyết sách của họ đã đưa đất nước tiến lên và chuyển hoá sang tự do dân chủ.
Indonesia và Singapore đều có vai trò lãnh đạo rõ rệt
Còn Việt Nam trong những thập niên qua nếu có lãnh đạo nào đưa ra những quyết sách thay đổi thì lại gặp lực cản ngay trong Bộ Chính trị vì ý thức hệ, vì tranh giành lợi ích cá nhân nên đẻ ra tham nhũng như Lý Quang Diệu đã có nhận xét về Việt Nam trong cuốn sách của ông mới xuất bản năm nay.

Thời đại toàn trị tại Việt Nam kéo dài đã hơn nửa thế kỷ. Đã đến lúc nên có cải tổ cơ chế cho Việt Nam.

Một thể chế mới với quyền hành dành cho Thủ tướng là đại diện đảng chiếm đa số trong một một Quốc hội do toàn dân bầu chọn, trong đó có đại biểu của ít nhất hai đảng đối lập nhau, giống như ở các nước theo dân chủ đại nghị.

Thủ tướng cũng kiêm luôn vai trò chủ tịch của đảng cầm quyền.

Còn Chủ tịch Nước là vị Nguyên thủ, đại diện cho quốc gia trong các nghi lễ, ký kết các qui ước ngoại giao với bên ngoài.

Một nước Việt Nam tự do dân chủ sẽ hoà nhập với xu thế thời đại và được thế giới nể trọng.

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Bài viết thể hiện cách nhìn của riêng ông.
(BBC)

Thông điệp của Thủ tướng Dũng tại LHQ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng theo lịch trình sẽ tham dự phiên thảo luận và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 68.

Ông Dũng đã tới New York City, New York, vào tối thứ Năm 26/9 giờ địa phương, tức sáng thứ Sáu giờ Việt Nam.

Trước đó ông đã có chuyến thăm chính thức tới Pháp, trong đó lãnh đạo Việt Nam và Pháp thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược.

Chuyến công du lần này của ông thủ tướng bắt đầu từ ngày 23/9.

Đại hội đồng LHQ khóa 68 năm nay họp với chủ đề “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển sau năm 2015”, nội dung chính là kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015.

Theo thông tin chính thức từ LHQ, phiên thảo luận trong khóa họp sẽ tập trung bàn các biện pháp thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và bất ổn trong đó có tình hình Syria; thảo luận các biện pháp thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững; việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015, cũng như quá trình cải tổ tổ chức này.

Văn phòng Chính phủ cho hay trong bài phát biểu của mình, theo kế hoạch thực hiện vào lúc 17:00 chiều thứ Sáu 27/9 giờ địa phương, tức 05:00 giờ sáng thứ Bảy giờ Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng "sẽ nêu bật quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các giải pháp liên quan đến hòa bình, an ninh và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015".

Được biết ông thủ tướng sẽ nói về thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, và nhấn mạnh nhu cầu đặt người nghèo vào làm mục tiêu trong Chương trình nghị sự phát triển LHQ sau 2015.

Bài phát biểu của ông Dũng sẽ đề cập tới các yếu tố mà ông cho là quan trọng hàng đầu trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhấn mạnh yếu tố ổn định môi trường kinh tế-chính trị trong nước; duy trì hòa bình trên toàn cầu.
Quan ngại về Biển Đông

BBC được biết trong bài phát biểu chiều 27/9 của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày trước LHQ điều mà ông gọi là quan ngại của Việt Nam trước tình hình tranh chấp ở Biển Đông.

Trong thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã nhiều lần tận dụng các diễn đàn quốc tế để bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột, đồng thời kêu gọi tạo dựng hành lang pháp lý để giải quyết xung đột thông qua xây dựng một bộ Quy tắc về ứng xử ở khu vực này.

Bên cạnh đó, trong bài phát biểu thủ tướng Việt Nam cũng sẽ đưa ra lập trường của Việt Nam trong các vấn đề liên quan Trung Đông - Bắc Phi, lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và kêu gọi thêm nỗ lực tìm giải pháp hòa bình và thỏa đáng cho xung đột Syria.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tận dụng thời gian ít ỏi của mình ở New York để gặp mặt Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, một số lãnh đạo của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Đặc biệt, ông cũng có một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ.

Tại cuộc tiếp xúc, ông thủ tướng sẽ tìm cách làm yên lòng các công ty Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam bằng việc giải thích về các biện pháp ổn định kinh tế của Việt Nam cũng như hứa hẹn các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài.

Đầu tháng tới, Hội nghị Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN sẽ nhóm họp. Đây được cho như hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng, nơi các đại biểu sẽ nghe báo cáo thực hiện kế hoạch 5 năm và cho ý kiến về một số vấn đề nhân sự cũng như đánh giá quá trình chống tham nhũng.

Hiện đang có những ý kiến phê phán cách điều hành kinh tế của chính phủ Việt Nam, với lời chỉ trích đến cả từ một cựu phó Thủ tướng, ông Bấm Vũ Khoan.
Hồng Nga  từ New York, Hoa Kỳ
(BBC)

Bùi Tín - Sở hữu toàn dân là tội ác gốc



Báo Pháp luật trong nước ngày 12/9/2013 đưa tin anh Đặng Ngọc Viết ở thị xã Thái Bình đã nổ 7 phát súng Colt vào đoàn cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh Thái Bình, giết chết ông Vũ Ngọc Dũng, phó giám đốc của trung tâm này, và làm bị thuơng 2 cán bộ khác. Sau đó anh Viết phóng xe gắn máy về chùa Đông ở huyện Kiến Xương quê anh, cầu nguyện trước tượng Phật Bà Quan Âm rồi chĩa súng vào ngực tự sát sau khi nói với nhà Chùa:«Tôi đòi công lý cho bà con ta».
Anh Viết mới 32 tuổi, là một lao động từ nước Nga trở về, có 2 con nhỏ. Anh có mảnh đất 220 m2 bị thu hồi 180 m2, được đền bù theo giá cưỡng bách. Anh đã gửi 5 đơn khiếu nại, nhưng không được trả lời. Khi bị đoàn cán bộ tỉnh về thúc ép việc giải tỏa vùng đất này, anh Viết coi đó là biểu tượng của sự tàn ác của chính quyền không phải đối với riêng anh, mà còn đối với tất cả mọi nông dân và mọi công dân lương thiện của đất nước này.
Đã có bao nhiêu nạn nhân mất đất một cách oan ức, bao nhiêu gia đình sạt nghiệp vì bị đất ruộng trưng mua, trưng thu, thu hồi một cách vô lý, bất công như anh Đặng Ngọc Viết.
Đã có cả một đội quân dân oan, hàng ngàn, hàng vạn người đi kêu oan, kiện cáo khắp nơi. Theo các báo trong nước như Tuổi trẻ và Pháp luật, đã có không ít người tự thiêu vì bị mất đất như anh Phạm Anh Nam ở Lâm Đồng, tự treo cổ như anh Nguyễn Viết Thành ở Đà Nẵng ngày 12/9 vừa qua.
Có tiếng nói nào có trọng lượng về ruộng đất hơn chính kiến của chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân và nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ. Cả hai ông đều cho rằng sở hữu toàn dân là điều cực kỳ phi lý và tệ hại, cần dứt khoát quay trở lại với chế độ đa sở hữu về ruộng đất từ ngàn xưa. Hai ông đã nhiều lần phát biểu trên blog của mình và trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp (tháng 8 và tháng 9) lập trường nên trả lại sở hữu đất cho người nông dân như trước đây.
Chế độ ấy minh định ở mỗi làng xã có địa bạ công khai, có bản đồ cụ thể từng thửa ruộng, từ ruộng công do chính quyền xã quản lý thu hoạch dùng cho lễ hội, cúng bái Thành hoàng, dự trữ lương thực phòng đói kém, khuyến học trong xã, rồi ruộng sở hữu tư nhân của từng hộ (chiếm phần lớn nhất diện tích đồng ruộng, ao, hố), rồi ruộng của các hội tập thể, từ ruộng đất chung của các dòng họ, của nhà chùa, nhà thờ, hội từ thiện, hội khuyến học (còn gọi là tự điền, học điền…).
Một sự trùng hợp đáng chú ý là việc giết người rồi tự sát của anh Đặng Ngọc Viết đã xảy ra khi Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được Ban Chấp hành Trung ương đảng CS và Quốc hội thảo luận để thông qua vào tháng 10 này.
Điều hay nhất là trong các phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương đảng và Quốc hội nên có những việc làm như sau:
Mặc niệm những nạn nhân gần đây nhất của chế độ «sở hữu toàn dân về đất đai», công dân Đặng Ngọc Viết và cán bộ Vũ Ngọc Dũng, cũng như tất cả những oan hồn đã chết do bất công xã hội về ruộng đất, bị tước quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất tồn tại tự ngàn xưa.
Long trọng tuyên bố long trọng hủy bỏ chế độ «sở hữu toàn dân», thiết lập lại chế độ sở hữu đa hình thức: sở hữu công, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể. Hiến pháp và luật pháp sẽ được sửa đổi theo tinh thần đó. Vì chính cái sở hữu toàn dân do đảng CS tạo ra là kẻ giết người hàng loạt cần bị vạch mặt, kết tội và xóa bỏ không thương tiếc.
Những bổ sung sửa chữa vụn vặt sẽ không có tác dụng gì, chỉ là xoa bóp căn bệnh ung thư đã di căn.
Nếu lãnh đạo đảng CS một mực duy trì chế độ phi lý «sở hữu toàn dân» họ sẽ tự cô lập hơn nữa với nông dân còn chiếm 70% số dân nước ta, với một khối trí thức đông đảo đang thức tỉnh và nổi giận, với tuổi trẻ am hiểu thời cuộc và thời đại.
Họ sẽ có nguy cơ bị hóc trong vụ Luật đất đai sắp tới. Ít nhất cũng sẽ là nuốt khó vào, nhả khó ra, vì lòng tham họ không muốn nhả ra cho phải lẽ. Rồi nếu việc gia nhập khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP cũng hỏng và hóc nốt thì sẽ là tận cùng tai họa cho nhóm bảo thủ giáo điều.
Thế lực giáo điều bảo thủ sẽ chuốc lấy búa rìu của dư luận còn lớn hơn, quyết liệt hơn.
Bùi Tín
27.09.2013

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Tổng Bí thư: “Ra khỏi nhà, không có tiền là việc không… trôi”

“Tham nhũng lớn có, tham nhũng vặt cũng nhiều. Chỉ ra khỏi nhà đã thấy cái gì cũng cần tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát về quốc nạn trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 27/9.Bắt đầu hoạt động tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu thuộc tổ bầu cử số 1 TP Hà Nội gặp gỡ bà con quận Ba Đình.

Đảng rút kinh nghiệm việc lấy phiếu tín nhiệm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình tại cuộc họp chiều 27/9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình tại cuộc họp chiều 27/9.

Đánh giá kết quả kỳ họp trước của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Diệp (cử tri phường Đội Cấn) quan tâm nhiều vấn đề lấy phiếu tín nhiệm. Theo bà Diệp, đây là một bước tiến, một thành tựu trong quá trình thực hiện dân chủ hóa đất nước. Kết quả thể hiện qua lần lấy phiếu đầu tiên tại Quốc hội và HĐND các cấp, bà Diệp đánh giá “đã đạt hiệu quả bước đầu”. Đại biểu ghi nhận việc những người cầm lá phiếu đánh giá đã chứng tỏ việc theo dõi sát sao hoạt động của các vị lãnh đạo, làm những người chỉ đạt tín nhiệm thấp vừa qua phải xem lại mình, nỗ lực phấn đấu hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng (cử tri phường Kim Mã) đề nghị thay đổi quy trình, đưa nội dung lấy phiếu tín nhiệm ra sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ông Dũng phân tích, khi trả lời chất vấn, có Bộ trưởng rất cầu thị, thẳng thắn, đi vào đúng trọng tâm vấn đề đang được truy vấn nhưng cũng nhiều vị thể hiện thái độ không tích cực, lảng tránh, nói trên trời dưới biển.

Theo ông Dũng, những diễn biến tại phiên chất vấn cũng là một kênh giúp đại biểu nào còn lưỡng lự giữa việc đánh giá tín nhiệm hay không tín nhiệm có “nút chốt” cuối cùng để chấm điểm.

Ngoài ra, thêm tiêu chí đánh giá từ chất vấn, sợ ảnh hưởng đến phiếu tín nhiệm, các Bộ trưởng cũng sẽ trách nhiệm, cẩn trọng hơn trong trả lời.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (cử tri phường Quan Thánh) đưa ra những kiến giải khác. Ghi nhận việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu với 3 mức đánh giá tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp đã giúp động viên kịp thời người làm tốt, nhắc nhở nghiêm khắc những chức danh đang để mất uy tín nhưng ông Sơn không thỏa mãn với kết quả mức tín nhiệm cao phần lớn nằm ở các chức danh đứng đầu Quốc hội, HĐND; còn tín nhiệm thấp lại rơi vào những người trực tiếp điều hành, lăn lộn với những vấn đề đau đầu, va chạm nhất.

Cử tri cho rằng, việc đánh giá như vậy chưa phản ánh đầy đủ về năng lực quản lý điều hành lĩnh vực cũng như đạo đức, trách nhiệm của người được lấy phiếu.

Về mức đánh giá tín nhiệm, đại biểu nêu quan điểm chỉ nên áp dụng 2 cấp độ tín nhiệm và không tín nhiệm khi bỏ phiếu. Trường hợp người có số phiếu không tín nhiệm trên 50% thì xử lý ngay.

Với những bất cập cần tìm hướng khắc phục đó, ông Sơn đề nghị chưa nên mở rộng hay thu hẹp diện đối tượng lấy phiếu tín nhiệm mà làm thêm một kỳ nữa để xem xét mức độ thực chất của hoạt động này. Định kỳ lấy phiếu cũng nên “nới” ở khoảng cách 2 năm một lần.

Đáp lại những chia sẻ, đề xuất này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh lại đánh giá chung về lần đầu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trên phạm vi cả nước mà Quốc hội, dư luận cử tri đã đưa ra là “bước đầu có tác dụng tốt”. Tổng Bí thư lưu ý mục đích lấy phiếu là để nhắc nhở, răn đe cán bộ, “chứ không phải để thanh trừng, thay người này, bỏ người kia”.

Với những ý kiến khác nhau, Tổng Bí thư cho là việc bình thường đối với một vấn đề mới, khó mà thực tế chưa thực hiện bao giờ, thậm chí trên thế giới cũng chưa có nơi nào làm như Việt Nam. Các kiến nghị thay đổi, Tổng Bí thư khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh cho hoạt động lấy phiếu mang lại hiệu quả cao hơn.

“Không chỉ ở Quốc hội, HĐND, cả bên Đảng cũng sẽ rút kinh nghiệm về việc này vì nếu không cẩn thận, đúng như cử tri Sơn nói, để người “xung trận” nhận phiếu thấp thì cũng như khuyến khích người không làm, người chỉ nhăm nhe “ém quân”, giữ thế” - Tổng Bí thư phát biểu.

Ai cũng chỉ mặt được tham nhũng, nhưng…

Chuyển sang câu chuyện cuộc chiến phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh (Giảng Võ) khái quát, gần đây dư luận bức xúc nhiều vì liên tiếp các vụ việc từ ăn bớt vaccine, “nhân bản” xét nghiệm, “nhân bản” nhà tình nghĩa, bòn rút lương, chế độ của người lao động… Những biểu hiện này làm lãnh đạo nhà nước cũng phải nóng ruột. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan than “càng đi càng thấy buồn vì người ta ăn của dân không từ một cái gì”, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên “người ta chơi chỗ này, ăn nhà hàng kia, chạy chức này chức kia, tiền đó không phải tham nhũng thì ở đâu ra”.

Không đồng tính với nhận định về kết quả “đẩy lùi một bước tham nhũng”, ông Thịnh khẳng định, cử tri cảm nhận tham nhũng chưa giảm mà còn phức tạp hơn, từ chỗ là những con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội giờ đã trở thành những con sâu đầy quyền lực trong liên kết vì lợi ích nhóm, trở thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan nhà nước, khiến người dân không dám đương đầu, đấu tranh nữa.
Đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh: Không loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh: "Không loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng".

Không phủ nhận nỗ lực thực hiện mỗi năm hàng chục nghìn cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng kết quả, theo cử tri, chủ yếu chỉ dừng ở mức khiển trách, nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình, cùng lắm là nhắc nhở, cảnh cáo. Thanh tra phát hiện, yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng sai phạm nhưng không mấy vụ xử lý hình sự, có xử thì cũng toàn án treo.

“Tôi thấy không có loại tội phạm nào mà án treo nhiều như tội tham nhũng, rõ là giơ thì cao nhưng đánh lại khẽ. Vì thế mà đến Chủ tịch Quốc hội cũng phải đặt câu hỏi hay tham nhũng đã len lỏi vào ruột cơ quan chống tham nhũng” - đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh bức xúc.

Sức ì lớn nên dù nhiều đại biểu Quốc hội đã sát sao, có thể kể ngay trụ sở tỉnh ủy nào lộng lẫy như lâu đài, cục trưởng nào đi xe sang trọng vượt mặt bộ trưởng, tòa biệt thự triệu đô nổi tiếng dư luận là của quan chức nào… vẫn không “ăn thua”. Nói về chủ trương đầu tư sai gây lãng phí, Bộ trưởng KH-ĐT không cần sổ sách, giấy tờ vẫn kể được chi ly là những dự án, công trình nào sai, ai quyết định. Các cấp, ngành cũng có nhiều biện pháp, sáng kiến chống tham nhũng. Mới đây Thủ tướng đã quyết định đưa chương trình phòng chống tham nhũng vào dạy trong trường học, hi vọng có thêm lực lượng rất trẻ khỏe tham gia cuộc chiến.

Ông Thịnh trào phúng: “Cử tri nghe những việc đó mát lòng mát dạ lắm. Nhưng đi tập thể dục sáng, các cụ nói chuyện với nhau mới thấy hình như năm ngoái người ta cũng nói vậy. Quả thật chuyển biến mang lại ít lắm trong khi con bạch tuộc tham nhũng ngày càng khỏe, càng mạnh, đe dọa cả đại biểu Quốc hội”.

Vị cử tri này kiến nghị, trong cả rừng biện pháp đưa ra, cần ưu tiên tập trung vào nhóm biện pháp làm trong sạch cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu cũng như chính bộ máy chống tham nhũng vì theo đại biểu, ông cha đã đúc kết “nước sạch từ nguồn”.

Đại biểu Nghiêm Chính Hợp (Ngọc Khánh) đi vào nghi vấn cụ thể là dự án cầu Nhật Tân. Công trình đáng ra phải xong từ năm ngoái nhưng đến giờ vẫn chậm, tắc vì vướng giải phóng mặt bằng, vì kìm mức bồi thường cho người dân quá thấp, mỗi lần “xỉn” ra một chút, lúc 3 triệu đồng, lúc 4 triệu đồng/m2. Mới đây, khi thành phố Hà Nội vào cuộc, quyết mức đền bù cho dân cao nhất 23 triệu đồng/m2, thấp nhất cũng được 17 triệu, việc đã thông. Điều đó, ông Hợp cho rằng nguyên nhân không phải vì thiếu tiền mà vì những chi phối của lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận, hiện nay, ai cũng có thể nói về tham nhũng lãng phí với sự sốt ruột, bức xúc. Quốc nạn có từ lâu, do quản lý không chặt khiến cán bộ dễ sinh ra hư hỏng.

Mô tả về thực trạng tham nhũng, Tổng Bí thư diễn tả, chỉ từ nhà đi ra đã thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt với cuộc sống. “Tham nhũng lớn có mà tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân phải va chạm khó chịu như ngứa ghẻ” – Tổng Bí thư chia sẻ.

Về “nghi án” cơ quan chống tham nhũng cũng tham nhũng, Tổng Bí thư diễn giải là có băn khoăn về việc xử lý tội phạm tham nhũng, trong quá trình điều tra, giám định, truy tố. Một vụ việc bị phát hiện, theo người đứng đầu Đảng, không cẩn thận thì quá trình xử lý “dễ bị làm méo mó, có thể có làm giá, bôi trơn để được đổi tội, gỡ tội”. Để chặn tình trạng này, Tổng Bí thư cho biết, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đã nêu định hướng phải giám sát, báo cáo thường xuyên về án tham nhũng lớn.

“Đúng như đại biểu nói, việc cần hiện giờ là làm sao cho cán bộ công chức, người đứng đầu trong sạch. Đây là cuộc đấu tranh cam go, xin bà con kiên trì và có niềm tin chứ sốt ruột quá cũng không tốt” – Tổng Bí thư kết lại nội dung phát biểu.
P.Thảo
(Dân trí)

Ai dạy trẻ nói dối?

TT - Công bố mới đây của một trung tâm xã hội học cho kết quả sững sờ: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”.

Nếu đúng như thế thì chỉ còn biết kêu trời. Bởi ở tuổi ngọc, mới rời nôi “nhân chi sơ” chưa được mấy năm mà các em đánh mất “tính bản thiện”, nghĩa là đã biết nói dối! Và tỉ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo nói dối.
Thật ra, thống kê xã hội học trên đây chỉ là dịp để chúng ta có một khái niệm cụ thể hơn về một thực trạng có thật về đạo đức, chất lượng sống của cây cối trong vườn ươm chủ nhân ông đất nước tương lai.
Lớp người kế cận luôn là sản phẩm trực tiếp của gia đình, trường học, và tất nhiên là của môi trường xã hội mà con em được sinh ra, nuôi dạy và trưởng thành. Dù câu trả lời đã có sẵn nhưng trong nỗi ngạc nhiên đến xót xa mỗi người vẫn muốn tự vấn: cái thói trẻ con nói dối này từ đâu ra vậy?
Các bậc cha mẹ, từ người ít học đến học vấn cao siêu, từ dân thường đến người có chức phận xã hội, dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, không ai dạy trẻ con hoặc người lớn nói dối. Nhà trường lại càng không. Các đoàn thể thì luôn “nâng cao phẩm chất thành viên”, tổ chức học tập, trau dồi đợt này qua đợt khác, năm này qua năm khác.
Nói dối luôn bị lên án trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ, giáo lý và đương nhiên cả trong sách giáo khoa các cấp. Dối trá chạm vạch nguy hiểm còn bị pháp luật trừng phạt.
Chúng ta không dạy con nói dối, dạy con sống lương thiện bằng sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ. Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học.
Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mươi triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên sân “để trêu đùa”.
Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài. Đài báo luôn đề cao lòng trung thực, nhưng chỉ các bà nội trợ mới biết đích xác cái thứ giá cả đang được coi là hạ giá đang lên phi mã như thế nào ngoài chợ.
Chúng ta vẫn có thói quen rón rén đi trên tấm thảm được trải sẵn dưới chân, tai luôn được nghe lời ca bất tận về một ảo tưởng sẽ không bao giờ thành sự thật, nhưng vẫn không ai muốn hoặc dám chỉ ra những vết bẩn của tấm thảm và bài ca dối trá.
Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu mà lần.
Trẻ con được lớn lên trong cái ma hồn trận hư hư thực thực, đến lượt chúng nó học được cách nói dối cha mẹ để yên thân hoặc tự do quậy phá từ hành vi của chính chúng ta!
Điều tệ hại nhất của thói dối trá xảy ra khi nó bị đẩy đi xa tới mức phá vỡ niềm tin, gây ra nỗi hoài nghi thường trực. Muốn sống phải biết nghi ngờ, triết lý có tính hủy diệt ấy là con đẻ của thói dối trá. Rõ ràng là không thể chấp nhận nói dối đã và đang trở thành một kỹ năng sống trong học sinh sinh viên cũng như trong xã hội.
Thay đổi tình trạng đáng lo ngại này không thể trong một đêm. Không ai có thể giết chết sự thật. Nhưng để có sự thật không phải dễ.
Văn hào Shakespeare có đặt vào mồm một nhân vật tiêu cực của ông câu nói đầy ảo tưởng mật thám hạ đẳng: “Hãy dùng cái mồi giả dối để câu lấy con cá chân lý”.
Người nói câu đó là một gian thần của thời Hamlet khi sự thật bị âm mưu và mông muội bủa vây. Ngày nay, với công nghệ thông tin, công cụ tuyệt vời của sự minh bạch và nền dân chủ, cái mồi giả dối chỉ có thể câu được những con cá giả và những ai tưởng có thể sống và hưởng lợi từ thói giả dối sẽ có ngày nếm luật nhân quả mà không phải đợi kiếp sau.
Trước đây khá lâu, cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì “trên nguyên tắc” xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất.
Đó là một tiến bộ về mặt đạo đức và đáng mừng bởi vì, dù chưa triệt tiêu được thói nói dối nhưng thấy được nguy cơ nó đang tiếp tục làm băng hoại mọi thứ cũng là điều tích cực.
NGUYỄN QUANG THÂN

Nỗi ám ảnh mang tên họp phụ huynh

Tiếp theo những câu chuyện thường kỳ phản ánh về mối quan hệ phụ huynh - nhà trường, VietNamNet  nhận được bài viết của một cô giáo ở một tỉnh miền Trung. Cô chia sẻ: "7 năm làm giáo viên chủ nhiệm, vậy mà sau mỗi cuộc họp phụ huynh, nỗi ngậm ngùi, chán nản còn ám ảnh tôi cả thời gian dài". Dưới đây là bài viết của cô.
Trước buổi họp, tôi chuẩn bị khá kĩ lưỡng từ nội dung cho tới công tác hậu cần. Thậm chí, tôi còn thức mấy đêm, soạn đủ 45 slide trình chiếu phần đánh giá, nhận xét, kết quả của từng em học sinh cho các bậc phụ huynh nắm rõ. Lớp có 45 em, thuộc nhiều thành phần gia đình khác nhau nên sự khác biệt về trình độ, suy nghĩ, thói quen của các bậc phụ huynh là đương nhiên. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mình và tự nhủ sẽ cố gắng để có một buổi họp hiệu quả mà không căng thẳng.

phụ huynh, họp, lạm thu
Ảnh minh họa
"Cô dạy lớp con tôi phải không?"

7h30 mới bắt đầu cuộc họp, nhưng tôi đến trường từ 7h để nhắc nhở các em học sinh hướng dẫn phụ huynh gửi xe đúng vị trí, mời phụ huynh vào phòng, mời nước các bác phụ huynh chu đáo.

Tôi cũng tranh thủ thời gian chờ đợi để nói chuyện với phụ huynh của mình. Với tôi, đây là kênh thông tin quý báu để mình hiểu học sinh hơn, cũng là cơ hội nhìn nhận lại hiệu quả trong phương pháp chủ nhiệm của mình.

7h30, lác đác khoảng ¼ số phụ huynh trong lớp có mặt. Đến gần 8h, cũng chỉ hơn một nửa.

Đã quá muộn và nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc, tôi đành phải bắt đầu cuộc họp.

Cũng vì thế, cuộc họp liên tiếp bị gián đoạn bởi thỉnh thoảng lại có một bác phụ huynh ló đầu vào hỏi: “Cô dạy lớp con tôi phải không?” “Bác ơi, thế em tên gì và học lớp nào ạ?”… Có bậc phụ huynh bước vào phòng khi cuộc họp chuẩn bị kết thúc với nụ cười hối lỗi: “cô giáo thông cảm, em phải tranh thủ buổi chợ rồi mới chạy lên đây được, nhà chẳng còn ai”.

"Họp phụ huynh hay họp chợ"

Không kể đến những bậc phụ huynh đến đúng giờ, ngồi nghiêm túc, vẫn có những bác phụ huynh ngật ngưỡng vào phòng với khuôn mặt đỏ gay, mùi rượu nồng nặc, thậm chí lè nhè phát biểu hết nội dung này đến nội dung khác chẳng cần biết có ai nghe hay không.

Có bác phụ huynh ngồi trong phòng mà vẫn đội mũ, gác cả chân lên ghế, miệng vẫn phì phèo thuốc lá, giọng ồm ồm chen ngang, thi thoảng lại vỗ đùi đánh đét khi gặp được ý kiến tâm đắc.

Có cả cụ đã già, tuổi đã cao, nghễnh ngãng vẫn đi họp cho cháu. Dù tôi đã mời cụ lên bàn trên cùng, ngay ở chỗ gần tôi nhất, nhưng mỗi lần thông báo nội dung gì mới, cụ đều hỏi: “Cô giáo nói lại cho tôi nghe được không?”

Phụ huynh là các mẹ đi họp thì thường ngồi túm tụm lại nói chuyện rôm rả với nhau, át cả tiếng cô giáo. Nhưng khi tôi mời phát biểu trước cuộc họp thì các mẹ cứ đùn đẩy nhau, chẳng mẹ nào đứng lên cả.

Những em học sinh cá biệt hoặc học yếu, tôi mời phụ huynh ở lại gặp riêng mới té ngửa, hóa ra đó là cô, là chú họ hàng chẳng biết mấy đời đi thế chỗ cho bố mẹ. Sau đó, khi tìm hiểu kĩ, tôi mới biết thực chất học sinh đã thuê người đi họp hộ cho bố mẹ mình.

"Cho tôi nộp tiền để tôi về"

Điều đáng buồn nhất là không ít phụ huynh xem buổi họp phụ huynh chỉ đơn giản là việc đến để nộp tiền. Bởi thế có trường hợp, tôi đang thông báo tình hình học tập thì một phụ huynh chạy lên nhẹ nhàng ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Cô giáo thông cảm, cho tôi nộp tiền để tôi về, nhà hôm nay có việc gia đình”.

Cũng vì chuyện thu tiền mà cái dư âm của cuộc họp thường kết thúc bằng màn chen lấn, tranh nhau nộp tiền trước để về của các bậc phụ huynh.

Có bác phụ huynh nộp tiền xong cho con, ra hành lang nói oang oang: “Cô giáo sướng thế, ôm một đống tiền, hôm nay không cần ăn cơm cũng no nhá!”

Thu tiền của các bác phụ huynh xong, cái “cô giáo sướng thế” là tôi ấy nơm nớp lo thu phải tiền giả, lo nộp lại cho nhà trường cho kịp thời hạn, lo giữ tiền kẻo chẳng may để mất thì nhịn ăn hàng tháng để bù vào…

Có nhiều đồng nghiệp của tôi thu phải tiền giả mà trong lúc lộn xộn, chen chúc, không biết là của phụ huynh nào. Cũng không ít lần, tôi đã phải dùng lương của mình để đóng hộ cho học sinh bởi đã hết hạn nộp tiền mà “mẹ em bảo chưa có tiền để đóng”. Nhà trường thì giục giáo viên nộp tiền, còn chúng tôi thì biết giục ai nếu không phải là phụ huynh?

Đôi khi tôi ước, giá mình chỉ đi dạy, không phải thu bất cứ khoản tiền nào từ phụ huynh, các bác cứ mang thẳng lên nhà trường mà nộp, kể cả những khoản như quỹ lớp các bác cứ tự đứng ra tự thu tự chi cho con em mình. Không dính dáng gì đến tiền nong, tôi sẽ thanh thản mà dạy các em, sẽ thanh thản mà cười khi gặp các bác ngoài đường, chứ không phải giật mình khi nghe “cô giáo sướng thế”
Khôi Nguyên
(VNN)

"Cần minh bạch hàng nghìn tỷ đồng thu được từ đấu thầu vàng"

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Thống đốc NHNN đã nói lợi ích từ việc đấu thầu vàng thuộc về nhân dân và nhà nước, vậy thì cần phải công khai xem hàng nghìn tỷ thu được đã nộp vào ngân sách bao nhiêu, người dân được hưởng gì, và bao nhiêu vào những bộ phận trực tiếp xuất nhập khẩu...

Lý giải về những chính sách nhằm điều tiết thị trường vàng trong thời gian qua như độc quyền nhập khẩu vàng, tổ chức đấu thầu, định giá vàng… Ngân hàng nhà nước (NHNN) lý giải rằng, đây là việc làm cần thiết để ổn định thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhiều người dân cho rằng sự độc quyền đó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy lâu dài về nguồn dự trữ ngoại tệ, đồng thời cũng không đảm bảo sự minh bạch cho thị trường.

Trong khi đó, phân tích về chính sách bình ổn thị trường vàng của NHNN, Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chỉ khi nào giá vàng trong nước và thế giới sát nhau về giá thì mới giảm hẳn được động lực kinh doanh, buôn bán vàng.

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, câu chuyện NHNN nhập vàng và cho đấu thầu mặt hàng này vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra đó là, trong những phiên đấu thầu trị giá hàng trăm tỷ đồng ấy liệu có lợi ích nhóm hay không?

TS Nguyễn Minh Phong: Theo lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì không có lợi ích nhóm, chỉ có Nhà nước được lợi, nhân dân được lợi. Tuy nhiên, câu hỏi này lại xuất hiện trong tình huống NHNN đề nghị cho tạm nhập tái xuất một lượng vàng khổng lồ, thứ hai là đề nghị không kiểm tra hàng, cho nó một cơ chế đặc biệt và coi đó là “bí mật quốc gia”, lộ trình giải phóng nhanh và không có kiểm tra khai báo hải quan như nhiều loại hàng hóa khác. Thế thì điều này không cẩn thận sẽ dễ tạo ra “những kênh xanh” cho hoạt động buôn lậu.

Bên cạnh đó, thông tin về số lượng vàng nhập thực với khối lượng của cổ đông vàng cũng khiến cho nhiều người hoài nghi và nhiều câu hỏi đã đặt ra xoay quanh 60 phiên đấu thầu vàng của NHNN, hàng chục tấn vàng đã đi đâu, và tại sao cung lớn như vậy nhưng giá vẫn không hạ nhiệt?

Tất cả những thông tin ấy rõ ràng khiến cho nhiều người cảm thấy không thoải mái, nhất là khi tất cả các thông tin lại xuất hiện gần nhau như vậy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Về lâu dài, thị trường vàng Việt Nam cần được liên thông với thế giới.

- Vậy việc NHNN chi hàng triệu USD để nhập vàng, về lâu dài chính sách này có những tác động gì đến thị trường vàng, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Trong câu chuyện này thì sẽ nảy sinh hai hệ lụy: Thứ nhất là đi ngược lại với
quy trình quản lý nhà nước, tức là tách kinh doanh nhà nước ra khỏi quy trình quản lý nhà nước. NHNN tương đương với một Bộ, trước đây chỉ tập trung vào điều hành chính sách thì nay họ làm cả công tác kinh doanh: Trực tiếp xuất nhập khẩu vàng, dập vàng miếng, định giá sàn…

Như vậy, một cơ quan nhà nước đang làm cả hai việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nghĩa là đi ngược lại với quy trình thị trường hóa và hội nhập.

Thứ hai là xuất ngoại tệ nhập vàng nhưng lại thu nội tệ, thế thì về lâu dài sẽ dẫn tới sự khan hiếm ngoại tệ, mà trong tình hình hiện nay chúng ta thấy rằng sự lệch giá vẫn còn rất cao, vậy thì ai dám đảm bảo rằng không có nhóm lợi ích trong đấy?

Tôi lấy ví dụ, nếu họ nhập vào và lặng lẽ bán ra chứ không công khai đấu thầu thì ai biết được? Ở đây phải có một sự công khai, kiểm tra, kiểm soát, xác nhận rằng giai đoạn này không có chuyện đó, nhưng cơ quan quản lý chưa làm.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, NHNN sẽ phải bao cấp toàn bộ ngoại tệ để phục vụ nhu cầu vàng trong nước, thay vì trước đây DN nào nhập thì phải tự thu xếp ngoại tệ. Gần đây, chính sách có nới lỏng hơn, đó là cho một số DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế biến vàng trang sức để giảm bớt áp lực về ngoại tệ.

- Thưa ông, NHNN cũng lý giải rằng, việc độc quyền nhập khẩu vàng là để nhằm điều tiết thị trường và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. NHNN chỉ giải tỏa khi nào các kênh đầu tư khác tốt lên và nhà đầu tư bớt nắm vàng. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Về mặt xu hướng, việc làm giảm sở hữu vàng là khó xảy ra, bởi vì trong lúc nền kinh tế có nhiều biến động khó lường thì số nhà đầu tư nắm giữ vàng (thậm chí với số lượng lớn) sẽ còn lâu dài.

Thứ hai là các kênh khác có nổi lên vàng mới giảm đi thì rất khó nói, khi mà giá vàng lệch cao như vậy thì chẳng có lý do gì người ta không đầu tư vào đó, và tất nhiên những kênh đầu tư khác cũng sẽ kém đi.

Chỉ có điều Thống đốc NHNN đã nói lợi ích từ việc đấu thầu vàng thuộc về nhân dân và nhà nước, vậy thì cần phải công khai xem hàng nghìn tỷ thu được đã nộp vào ngân sách bao nhiêu, người dân được hưởng gì, và bao nhiêu vào những bộ phận trực tiếp xuất nhập khẩu...
- Trên thực tế thì vẫn đang xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau: Về phía NHNN cho rằng độc quyền nhập khẩu vàng lúc này là cần thiết, nhưng các doanh nghiệp thì cho rằng độc quyền dẫn tới sự không minh bạch. Vậy theo ông, chúng ta nên làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa cho cả hai phía?
TS Nguyễn Minh Phong: Những nước phát triển nhất như Anh, Đức, Pháp, Mỹ thì đều tự do hóa từ lâu rồi. Những nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng từ kiểm soát chặt chẽ, độc quyền như Việt Nam hiện nay thì đã chuyển sang tự do hóa.

Các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được quyền huy động vàng trong dân trên những cái sàn giao dịch công khai, có sự quản lý với một cơ chế minh bạch.

Việt Nam cũng sẽ phải như vậy thôi, tức là cho phép liên thông với thế giới, kèm theo là các quy chế kiểm tra, kiểm soát: Một là để tránh luôn lậu, hai là để đảm bảo chất lượng, ba là các dịch vụ cung ứng khác phải đảm bảo dễ dàng hơn, thí dụ bây giờ muốn kiểm tra chất lượng vàng thì phải có một dịch vụ minh bạch với mức giá rẻ. Thêm nữa, khi tự do liên thông thì sẽ làm giảm bớt động lực kinh doanh mua bán vàng.

Thời gian vừa qua, NHNN có một sự “cưỡng bức” trong vấn đề nhận thức, khi họ cho rằng chính việc đặt giá vàng ở mức sàn cao làm cho thị trường ổn định hơn. Tôi cho rằng điều này là không đúng, chỉ khi nào giá vàng trong nước và thế giới sát nhau về giá thì mới giảm hẳn được động lực kinh doanh, buôn bán vàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Chỉ có điều Thống đốc NHNN đã nói lợi ích từ việc đấu thầu vàng thuộc về nhân dân và nhà nước, vậy thì cần phải công khai xem hàng nghìn tỷ thu được đã nộp vào ngân sách bao nhiêu, người dân được hưởng gì, và bao nhiêu vào những bộ phận trực tiếp xuất nhập khẩu thì không có con số cụ thể, không công bố.

Ngọc Quang (Thực hiện) 
  (GDVN)

Ðộc quyền bán vàng, Ngân Hàng Nhà Nước lời $350 triệu

Thông báo chính thức của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN cho hay, đã thu lợi gần 7,000 tỉ đồng, tương đương 350 triệu đôla, sau 61 phiên đấu thầu, tung ra thị trường gần 60 tấn vàng.

Theo báo Tiền Phong, thông báo trên được công bố chiều ngày 27 tháng 9 tại một cuộc họp của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN). Người đại diện của NHNN đã đồng thời bác bỏ dư luận nghi ngờ về việc thu-chi tài chính qua 61 phiên đấu thầu vàng lá SJC.


Không được bán hàng, các doanh nghiệp tư nhân quay sang bày bán vàng nữ trang, “phi vàng lá.” (Hình: VNExpress)

Báo Tiền Phong cũng cho hay, mặc dù Bộ Tài Chính Cộng sản Việt Nam “theo dõi sát sao hoạt động mua, bán vàng,” nhưng chỉ có “một phần” từ nguồn thu này được nộp vào ngân quỹ nhà nước.

Trước đó, một phúc trình của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam cho rằng, việc điều tiết thị trường vàng dưới bàn tay của NHNN hiện nay ẩn chứa nhiều nguy cơ cho nền kinh tế. Phúc trình này nói rằng, việc tung ra thị trường gần 60 tấn vàng vẫn chưa giúp đạt đến mục tiêu chính là “giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.”

Hơn thế nữa, cũng theo phúc trình của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội CSVN, việc NHNN Việt Nam độc quyền nhập cảng vàng và cung cấp vàng lá SJC cho thị trường có thể làm sụt giảm dự trữ ngoại tệ.

Báo mạng VNEconomy dẫn phúc trình của ủy ban trên cho rằng NHNN vừa điều hành, giám sát, vừa trực tiếp kinh doanh vàng... sẽ dẫn đến tình trạng nhập nhằng, thiếu “tách bạch,” đe dọa tính chất công bằng của nền kinh tế.

Mặt khác, sáng ngày 26 tháng 9, phó chủ tịch Quốc Hội CSVN, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã “đăng đàn” chống chế khi phủ định ý kiến cho rằng “cả nền kinh tế Việt Nam đang bị tê liệt.” Dù vậy, bà Kim Ngân cũng thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn “khó khăn và trì trệ.”
  (Người Việt)

Đào Tuấn - Bộ trưởng Y tế nên có thông điệp gì?


Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, chỉ có điều đừng kèm theo một chữ “Nếu”.

Hình như hoàn toàn không vô tình, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trước nghị trường, đã yêu cầu một cách chân thành về một “sự xuất hiện”, một “thông điệp” mà Bộ trưởng Y tế cần phải có, trước nhân dân.

“Tôi đã thấy có sự mất tin cậy…Chị Tiến phải xuất hiện. Sự xuất hiện của Bộ trưởng sẽ tạo sự tin cậy. Tôi biết khó, chị Tiến đã trao đổi với tôi những cái khó, nhưng Bộ trưởng rõ ràng phải có thông điệp”- bà nói.

Câu hỏi đặt ra là: Nhân dân đang cần sự xuất hiện như thế nào và Bộ trưởng nên có thông điệp gì?

Nhớ hồi đầu năm, khi “vi hành” tới Viện Ung bướu ở TP HCM, Bộ trưởng Tiến tận mắt chứng kiến cảnh ngộ “chui gầm giường” vì quá tải của các bệnh nhi. Một cái tít cực kỳ ấn tượng xuất hiện ngay sau đó: “Bệnh nhân bò từ gậm giường ra chào Bộ trưởng”.

Những người dân thừa kiên nhẫn và vẫn lịch sự trong cảnh khốn nạn của mình. Và hẳn nhiên, họ tin bà Bộ trưởng cảm thấy đau lòng. Bởi không chỉ gầm giường, hành lang, ghế đá, gốc cây…từ lâu đã trở thành giường bệnh.

“Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam”- Thật ngạc nhiên, câu này cũng của Bộ trưởng Tiến, người được coi là thật thà, là “Chà, bả nghĩ cái rồi bả nói thế”.

Và cũng không đâu có những Bộ trưởng Y tế… hồn nhiên như ở Việt Nam.
Còn nhớ vào chiều 22.11.2010, bị truy trách nhiệm trước lời hứa giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phát ngôn: “Qua truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ”.

Đó cũng có thể là lý do, trong lễ bàn giao sau đó gần 1 năm, ông Triệu cho biết ông cảm thấy “nhẹ nhõm”, “vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng”.

Thật khó có thể nhẹ nhõm, khi nghe Bộ trưởng nói ra hai từ “nhẹ nhõm”. Những “anh bệnh nhân nằm trong bệnh viện” cũng khó có thể thanh thản trước cảnh cá hộp như thể đi đày.

Cũng trong lễ bàn giao vào ngày đẹp 8.8 hôm đó, Tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Đối với ngành y tế, có những nhiệm vụ có thể giải quyết dứt điểm ngay trong một nhiệm kỳ nhưng có rất nhiều nhiệm vụ phải mất đến mấy thập kỷ có lẽ mới giải quyết được”. Một trong 5 “thách thức” mà bà nêu có thách thức là “Tình trạng quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải”.

Nói ra thật lẩn thẩn, nhưng niềm mong ước của người bệnh có khi chỉ là được nằm trên giường để trị bệnh.

Muốn giảm tải thì phải làm gì?

Bất cứ bệnh nhi nằm gầm giường nào, thậm chí chưa được học đến hai chữ “biện pháp”, cũng có thể trả lời rành rọt: Phải xây thêm bệnh viện. Phải “phân luồng từ xa”. Và giải pháp cho mọi giải pháp là phải có tiền.

Nhưng nếu chỉ kêu khó vì không có tiền, hoặc nêu giải pháp bằng một chữ “nếu” thì một đứa trẻ lên ba cũng có thể làm bộ trưởng.

Cái người dân cần sự xuất hiện, vì thế, không phải chỉ để chính Bộ trưởng cũng than như bệnh nhân, rằng “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam… Bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường”.

Tin thời sự là một quan chức Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ vừa ca ngợi Dự án đường cao tốc Hà Nội- Bái Đính trị giá 3.500 tỷ là để phục vụ cho 6,5 triệu dân Hà Nội cuối tuần về Bái Đính, đi chùa, đi du lịch….tức là “chủ yếu để phục vụ nhu cầu du lịch và tâm linh” khi “Hiện nay tại Ba Sao cũng đang xây dựng chùa Ba Sao cũng tương tự như chùa Bái Đính, cùng với cảnh quan thiên nhiên tại Vân Long sẽ là những khu du lịch rất tuyệt vời”.

Du lịch cũng cần. Tâm linh cũng cần. Để người ta có thể thanh thản “như anh nông dân cày xong thửa ruộng” khi thoát khỏi những bức bối khi phải làm “anh bệnh nhân chui gầm giường bệnh viện” chẳng hạn.

Ai cũng muốn đi du lịch, muốn tâm linh… trong bệnh viện. Ai cũng hiểu không phải cái gì cũng đổ dồn lên đầu Bộ trưởng, nhất là khi “cái khó bó cái khôn”.

Giá như số tiền 3.500 tỷ cho nhu cầu tâm linh, du lịch kia được dành cho những bệnh viện cá hộp, giá như bệnh viện cũng nguy nga hoành tránh như những tòa trụ sở.

Bộ trưởng Tiến nên có một thông điệp. Gì cũng được, nhưng có lẽ nếu có một thông điệp nào đó, người dân chỉ mong bà Bộ trưởng nói thẳng, như bản tính thật thà vừa được ca ngợi của bà, mà không kèm theo một chữ “Nếu”.
Đào Tuấn

Bị tố gian lận, Giám đốc BV Mắt Hà Nội nói gì?

“Bệnh viện Mắt Hà Nội không tráo thủy tinh thể. Sự việc bác sĩ Thủy tố cáo, bệnh viện sẵn sàng kiện”.

Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội chiều nay (27/9) sau khi có thông tin bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ, Khoa khám bệnh tố bệnh viện tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân.

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, sự việc tố cáo này của bác sĩ Thủy  xảy ra cách đây 2 năm và thanh tra Sở Y tế kết luận không có sự việc như vậy.  “Tôi không muốn nói gì thêm, báo chí nên hỏi thanh tra để tìm hiểu sự việc được khách quan hơn”, bà Thanh nói.

Bà Thanh cho biết, cả một năm liền thanh tra vào cuộc làm việc rất rõ bệnh viện đấu thầu bao nhiêu, mua bao nhiêu ống dịch nhầy, mổ trên bao nhiêu bệnh nhân, sử dụng hết bao nhiêu ống thuốc... “Bác sĩ Thủy không hiểu bản chất vấn đề. Sự việc bác sĩ Thủy tố cáo, lãnh đạo bệnh viện sẵn sàng kiện nếu đây là sự vu khống”.

“Bản thân tôi lúc đầu khi đưa sự việc này ra cũng thấy choáng, tại sao bác sĩ Thủy lại tố cáo như thế. Sự việc không đúng sự thật. Những nội dung liên quan chúng tôi mong báo chí phải phản ánh khách quan. Tôi tin việc làm đúng đắn sẽ được xác minh”, bà Thanh giãi bày.

 - 1
 Bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc BV trả lời PV chiều nay (27/9)

Bà Thanh cho biết, bảng công khai bệnh viện đã có công bố chi tiết từng loại sản phẩm. Mỗi bệnh nhân được sử dụng một ống dịch nhầy, không phải là loại 230.000, hay 490.000 đồng mà lên gần 600.000 đồng. Giá này bệnh nhân phải chi trả. Bà Thanh cũng khẳng định khi bác sỹ dùng loại thủy tinh thể nào trong thực tế thì trong bệnh án của bệnh nhân đó đều được dán tem, nhãn cụ thể của loại tinh thể đó.

Trả lời việc có hay không thông tin bác sĩ Thủy bị trù dập sau khi làm đơn tố cáo, BS Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định, không có chuyện đó. Hơn nữa, bệnh viện còn cử bác sĩ Thủy đi học lớp siêu âm, phẫu thuật.

Bà Ngọc còn cho biết, bác sĩ Thủy dù có vi phạm như: Lăng mạ, mạt xát cán bộ nhưng Bệnh viện vẫn cho nâng lương trước thời hạn. Bác sĩ Thủy còn đạt danh hiệu thi đua cấp phòng. “Người tố cáo đang làm ở Phòng kế hoạch tổng hợp còn đòi xuống Khoa khám bệnh và vẫn được đáp ứng”, bà Ngọc nói.

Trước đó, ngày 24/9 tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, BS Nguyễn Thị Thủy, BV Mắt Hà Nội đã tố cáo những việc làm sai trái trong việc thay thuỷ tinh thể tại bệnh viện này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ, Khoa khám bệnh tố bệnh viện tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân từ sản phẩm Mỹ thành Ấn Độ, Singapore. Sự việc này đã được nhiều bác sĩ, y tá băn khoăn, góp ý với Giám đốc.

Theo BS Thủy, Giám đốc Vũ Thị Thanh đã lừa 3.000 bệnh nhân với số tiền lên tới hàng tỷ đồng từ việc thay thủy tinh thể.

BS Thủy tố cáo Bệnh viện Mắt Hà Nội nói thay thủy tinh thể của Mỹ cho bệnh nhân với giá khoảng 6,5 triệu đồng, nhưng thực tế thủy tinh thể bệnh nhân được thay không phải của Mỹ, mà của nước khác và có giá chỉ bằng 1/10 so với giá của Mỹ. Như vậy, số tiền bệnh nhân bị móc túi lên đến hàng tỷ đồng. Theo BS Thủy, sự việc có sự bao che của Giám đốc bệnh viện.

Bác sĩ Thuỷ cho biết, việc đưa một số loại nhân thủy tinh thể của Hoya, Focus vào sử dụng cho bệnh nhân mổ mắt là theo quyết định của Giám đốc bệnh viện. “Việc này diễn ra quá thường xuyên và chắc chắn sẽ có bệnh nhân bị ảnh hưởng nên nhiều bác sĩ, y tá thấy băn khoăn và có góp ý với Giám đốc”, bác sĩ Thủy nói.

D.Thu 
  (Khám phá)

Kinh tế tư nhân cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ

dien-dan-305.jpg
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu ở Huế trong hai ngày 26 và 27/9.
Courtesy ld.com.vn
Thực tế tồi tệ và dự báo đầy bi quan của nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu khai mạc ngày 26/9 tại Huế.
Cảnh báo tiền đề của sự sụp đổ

Nếu đọc các bài báo về các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn trình bày thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, thì hẳn những nhà quan sát, những người ở vị thế trung lập đều đặt ra một câu hỏi, đây có phải là những cảnh báo, tiền đề của sự sụp đổ nền kinh tế nếu không có đối sách thích hợp và kịp thời.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội đưa ra nhận định rất đặc biệt. Ông nói rằng ông không tin về một sự sụp đổ nào cả vì trên thực tế kinh tế tư nhân đóng góp tới 70% GDP Tổng sản phẩm nội địa và chính phủ thì đã tới ngưỡng không thể nào làm hại khu vực tư nhân hơn nữa.

“Tôi không bi quan như các học giả nhà nước bởi vì họ chỉ chăm chăm tới chuyện của khu vực nhà nước của họ. Phải nói thật khu vực tư nhân bị ảnh hưởng của chính sách của chính phủ rất nhiều, nếu chính sách của chính phủ mà phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, để làm sao cho nguồn lực của xã hội được phân bổ cho khu vực tư nhân, là khu vực hoạt động hiệu quả nhiều mà không bị làm méo mó vì chính sách sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam về mặt kinh tế, ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo… rồi đất đai giữ sở hữu toàn dân, thì nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nhiều. Còn nếu người ta vẫn giữ nguyên như vậy thì rất đáng tiếc, nó sẽ không thể phát triển nhanh. Nhưng mà dẫn đến sự sụp đổ thì tôi không tin.”

TS Nguyễn Quang A hàm ý những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nền kinh tế tụt hậu. Khu vực quốc doanh được phân bổ phần tài nguyên, nguồn lực rất lớn mà thành quả thì rất kém, trong khi khu vực tư nhân chịu sự đối xử bất bình đẳng nhưng lại đóng góp phần nhiều nhất và tiếp tục tồn tại. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:

“Từ trước đến nay mọi cuộc khủng hoảng đều do chính sách của đảng Cộng sản gây ra và chính người dân là người cứu toàn bộ nền kinh tế này khỏi khủng hoảng và cũng thực sự một phần nào đó cứu sự tồn tại của đảng Cộng sản này. Thử nhìn lại thời bao cấp, thời người ta cấm nhân dân làm tư nhân bắt phải làm tập thể hết. Do chính sách ấy mà nền nông nghiệp bị lụn bại, chỉ mỗi chuyện nông dân phá rào làm khoán, làm tư nhân thì cải thiện được tình hình. Luôn luôn là nhân dân chứ không phải giới lãnh đạo.”
dien-dan-kinh-te-anh-2-250.jpg
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn Đàn Kinh tế Mùa Thu 2013. Photo courtesy of pnonline.

Ngày 26/9 tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Huế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một tổ chức nghiên cứu của Nhà nước, nhận định rằng, kinh tế Việt Nam tắc nghẽn và vẫn đang trong lộ trình xuống đáy. Học giả này cho rằng Việt Nam nằm ngoài quĩ đạo phục hồi của kinh tế thế giới và tình hình của Việt Nam có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy về điều gọi là “tồn kho thể chế”. Đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên đồng ý với những ý kiến cho là kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Chính phủ hầu như đã vỡ.

Đáp câu hỏi của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội đưa ra nhận định:

“Kế hoạch 5 năm vừa qua và nói chung tất cả các kế hoạch 5 năm đều không có nhiều ý nghĩa lắm. Đúng là nền kinh tế Việt Nam từ 2006 đến bây giờ đã vấp phải những vấn đề nội tại rất khó xử và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho những khó khăn trầm trọng thêm.”
Cần chấm dứt sự bất bình đẳng

Tại Diễn Đàn Kinh tế Mùa Thu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đề xuất giải pháp chiến lược là nhân cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992 cần chấm dứt sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Ngoài ra về đất đai thay vì sở hữu toàn dân nên chuyển sang đa sở hữu.

Đối với giải pháp chiến lược vừa nêu, trả lời chúng tôi TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Nếu ở Hội nghị Huế lần này đại bộ phận các học giả có ý kiến như thế thì rất đáng mừng vì họ đều là những người ở trong bộ máy nhà nước, họ lại cũng thống nhất về cơ bản với chúng tôi là những người ở ngoài mà nói rằng, tất cả những khó khăn này của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, cái lỗi chính là ở đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam mà bây giờ họ nhìn ra là khu vực kinh tế nhà nước không còn giữ vai trò chủ đạo nữa. Nếu chưa nói được kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo mà chỉ bỏ được cái gọi là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và để cho bình đẳng, cũng như giải quyết được vấn đề đất đai. Đấy chưa phải là tất cả, nhưng được như thế thì là một bước chuyển biến không nhỏ của tư duy phát triển kinh tế. Nếu đúng là như thế thì là điều đáng mừng, tôi chỉ e ngại những người tham dự hội thảo cũng lại chỉ là nói với nhau cho vui chứ không có quyền quyết định gì cả.”

Cùng về vấn đề này, chúng tôi nêu câu hỏi với ông Bùi Kiến Thành một chuyên gia tài chánh từ nước ngoài về Việt Nam làm việc và ông nhận định là, nếu một nền kinh tế thực sự phát triển tốt thì tất cả các thành phần kinh tế phải có cơ hội để hoạt động tốt, chứ không riêng gì những thành phần kinh tế quốc doanh với vai trò chủ đạo. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, kinh tế quốc doanh đang ở trong mức gọi là rất bi đát về vấn đề khả năng hoạt động cho có hiệu quả. Vì vậy việc việc kinh tế quốc doanh chủ đạo hẳn nhiên là tầm nhìn đã xưa rồi từ khi có những chế độ kinh tế kế hoạch tập trung mà nay đã loại bỏ. Phải đi đến chỗ giải quyết vấn đề tư duy đó cho rõ ràng. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:\
000_Del439708-305.jpg
Ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần 11 hôm 12/1/2011. AFP Photo.


“Nói vấn đề tu chính Hiến pháp thì hiện nay những ý kiến đưa ra có nhiều ý kiến hay và tốt đấy, nhưng liệu là các nhà cầm quyền có nghe hay không. Nếu nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sẽ không có và không khi nào có vấn đề tam quyền phân lập ở đất nước này, thì như thế làm gì có tự do làm gì có vấn đề nhân quyền, làm gì có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được.

Hiện có rất nhiều bất cập về thể chế mà có lẽ đến một lúc nào đấy vì quyền lợi của đất nước của nhân dân người ta sẽ thực sự giải quyết thôi. Vấn đề hiện nay chưa thấy có ánh sáng dưới đường hầm về vấn đề thể chế nó sẽ thay đổi như thế nào cho phù hợp để hội nhập với cộng đồng quốc tế về kinh tế thị trường cũng như về thể chế dân chủ.”

Tham luận của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Huế được báo chí trích thuật nói rằng, Nhà nước nói chuyện tái cơ cấu nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động chiến lược. Cụ thể nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy mà thôi.

Về vấn đề liên quan, nói chuyện với chúng tôi chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định, kinh tế là hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp không có điều kiện để phát triển thì lấy gì mà cơ cấu. Về vấn đề tiền tệ thì nợ xấu nợ khó đòi lên tới mức vượt báo động và chưa được nhà nước quyết tâm giải quyết thì làm sao nói chuyện tái cơ cấu. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:

“Từ mười mấy năm đã nói phải cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, bao nhiêu lần báo cáo ra Quốc hội  hàng năm, bảy trăm trang mà có làm gì được đâu. Bây giờ là lúc phải thật sự quyết liệt làm việc này. Nhưng liệu có làm được hay không? tại vì Việt Nam không phải như các nước khác. Ở Việt Nam các lãnh đạo Tập đoàn lớn là đảng viên, đối với đảng viên không phải là giải quyết vấn đề hành chính trong công ty. Ông Thủ tướng có quyền bãi nhiệm một Tổng giám đốc trong các Tổng Công ty Nhà nước hay không, hay việc đó là đảng phải giải quyết trước khi hành chính có tiếng nói. Từ tiền tệ tài chính cơ chế chính sách tới cơ cấu qui hoạch cán bộ, nếu không giải quyết những vấn đề ấy thì tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam khó đạt được.”

Theo báo chí ghi nhận, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia nhận định rằng, nhà nước đã phạm một loạt sai lầm, các giải pháp chưa hiệu quả đã vội thắt chặt tiền tệ, không có thu lấy đâu ra chi để tiến hành các giải pháp cải cách, mà giải pháp nào cũng cần tiền. TS Trần Du lịch Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã phản đối ý kiến của ông Lê Quốc Lý với lập luận, ý kiến vừa nêu của ông Lý là “cực kỳ nguy hiểm” vì nó phê phán và chống lại Nghị quyết 11. Theo TS Trần Du Lịch thắt chặt chi tiêu hiện nay là cái giá phải trả, để cố gắng ổn định vĩ mô, nếu không tiếp tục hy sinh, giá phải trả sẽ đắt hơn.

Mỗi năm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hai Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân và mùa Thu. Hàng ngàn ý kiến được các chuyên gia, học giả đóng góp nhằm tiềm kiếm giải pháp cho con bệnh thập tử nhất sinh là nền kinh tế Việt Nam. Cho tới nay hàng ngàn ý kiến được nêu ra nhưng có vẻ vẫn chưa được tiếp thu, vì ở Việt Nam như các chuyên gia nói, khi nào đảng Cộng sản chưa muốn cải tổ thì chẳng thể làm gì.
 Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-09-27

Lo ngại kinh tế “nằm bẹp dưới đáy”

Nhận định trên đây của PGS.TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - đã được nhiều chuyên gia đồng tình tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN và Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức tại TP Huế.
Diễn đàn do chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì đã quy tụ rất nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành trên cả nước diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9.
Vẫn chưa nhúc nhích tái cơ cấu
"Nếu không lấy lại được đà tăng trưởng 7-8% trong vòng vài thập niên thì không thể kỳ vọng vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" - TS Trần Du Lịch(phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)


Mở đầu tham luận, TS Thiên nhận định: “Năm năm kể từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, song nhìn chung kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng VN không nằm trong quỹ đạo đó: hiện nay nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại” - TS Thiên nhận định.

Ông Thiên cũng dẫn ra hàng loạt con số để khẳng định năm 2013 “các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn các năm trước”: tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng chỉ 6,5%; thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy; đầu tư xã hội thấp (30% GDP); gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa (tương đương mức của năm trước, nhưng lại là những doanh nghiệp có thực lực bị chết); cầu rất yếu (tổng vốn đầu tư xã hội sáu tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% cùng kỳ 2012)...

Trong khi đó, những “điểm đen” của nền kinh tế như tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo ngân hàng “vẫn còn nguyên”, các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn nằm trên giấy và “y nguyên yếu kém”... “Vẫn chưa nhúc nhích tái cơ cấu thì triển vọng cho những năm sau cũng chưa thấy gì. Nền kinh tế xuống đáy và nằm bẹp ở đấy” - ông Thiên nói.

Cần đánh giá đúng thực chất

Theo TS Trần Du Lịch, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn TP.HCM ước thu ngân sách hụt gần 20.000 tỉ đồng so với kế hoạch). “Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng nhưng chi không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong hai năm 2014 và 2015” - ông Lịch phân tích.

TS Thiên cho rằng làm chính sách ở VN hiện nay là công việc cực kỳ khó khăn và các chính sách chứa đựng tính rủi ro rất cao bởi hệ thống số liệu tù mù, không đáng tin cậy.

“Số liệu GDP các tỉnh gấp đôi tăng trưởng cả nước và cả hai đều là số liệu chính thức, vậy sự thật ở đâu? Nợ xấu là bao nhiêu? Thất nghiệp bao nhiêu? Sai số hàng trăm ngàn đơn vị (hộ nghèo, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, số người có việc làm mới...), hay hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng (nợ xấu, thu chi ngân sách...) trong các báo cáo là bình thường. Số doanh nghiệp đóng cửa từ năm 2011 đến tháng 6-2013 khoảng 135.000, cộng với khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động bị giảm 30% công suất đã khiến 5,5 triệu người mất việc làm, thế mà báo cáo vẫn nói mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1,4 triệu người. Các số liệu kinh tế chứa đầy mâu thuẫn, báo cáo láo nhiều rồi cũng thành quen” - ông Thiên bình luận.

Ông Lịch nói thêm: “Các chỉ tiêu tạo việc làm và tỉ lệ thất nghiệp rất khó đánh giá vì tính khả tín của số liệu công bố. Nhưng có điều chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5% thì không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%. Tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp ở nước ta cần được đánh giá đúng thực chất hơn. Vì vấn đề việc làm và thất nghiệp là một trong bốn chỉ tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên (bìa trái), viện trưởng Viện Kinh tế VN, trao đổi với các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 - Ảnh: Lê Kiên

Chính sách đúng, nhưng thực hiện méo mó

Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định là VN chỉ có một con đường để từ đáy đi lên là tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nói rằng: “Nếu không tái cơ cấu thì sẽ không giải quyết được vấn đề, nếu không hành động sớm một cách quyết liệt thì sẽ quá muộn”.

Tuy nhiên, cũng như ông Thiên, ông Ngoạn cho rằng thực hiện tái cơ cấu thời gian qua chưa chạm đến những vấn đề mấu chốt.

Ông Trần Xuân Hòa - chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than và khoáng sản VN - bày tỏ rằng rất quyết tâm tái cơ cấu nhưng đụng phải nhiều chướng ngại.

“Để tái cơ cấu thì cần phải có chi phí. Bây giờ chúng tôi có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu dư ra 40.000-50.000 lao động. Vậy cần phải có tiền để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, tức cần đến chính sách tổng thể của nhà nước. Một vấn đề nữa là chúng ta đề cập việc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra là đúng, nhưng khi triển khai thực hiện thì méo mó rất nhiều. Có những bộ, ngành hướng dẫn thực hiện mà hoàn toàn sai trái so với chủ trương, chính sách. Hiện nay chúng ta đang có 64 chính phủ là một chính phủ trung ương và 63 chính phủ địa phương” - ông Hòa nói.

Đề cập giải pháp, ông Thiên đề nghị cần tập trung ưu tiên cải cách (đổi mới lần hai), tập trung đột phá tái cơ cấu để tạo lòng tin thật sự cho thị trường. Trước mắt ưu tiên trực tiếp cho xử lý nợ xấu, Nhà nước phải lo sớm trả nợ cho doanh nghiệp (chỉ riêng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương đã gần 100.000 tỉ đồng).

Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung tái cơ cấu 2-3 tập đoàn kinh tế trong vòng sáu tháng, sau đó mở rộng dần ra, bởi không đủ sức để cùng lúc tái cơ cấu tất cả doanh nghiệp. Tái cơ cấu ngân hàng phải tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong hai năm. Cùng đó là ưu tiên tạo một số tọa độ đột phá chiến lược (tọa độ mở cho các vùng kinh tế trọng điểm) - các đặc khu kinh tế quốc gia (thay vì cấp tỉnh)...

Ông Lịch cũng cho rằng “cần phải quên các mục tiêu kế hoạch năm năm để cải thiện chính sách và củng cố niềm tin thị trường. Hiện nay thị trường thiếu niềm tin vào chính sách, mà thiếu niềm tin thì không làm được gì”.

LÊ KIÊN
* GS VÕ ĐẠI LƯỢC (chuyên gia kinh tế):
Bán doanh nghiệp nhà nước lấy tiền làm việc khác
Những khó khăn vừa qua cho thấy mô hình kinh tế của chúng ta (dựa vào doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công...) đã bất cập rồi, không còn thích hợp nữa. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất chính là nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay người ta cứ nói doanh nghiệp nào lỗ thì đem ra bán, cổ phần hóa. Tôi thấy làm như vậy là sai, bây giờ phải đem ra bán những doanh nghiệp đang có lãi, hoạt động hiệu quả. Bia rượu, nước giải khát, sữa... tại sao Nhà nước cần phải giữ? Ở Hà Nội, người ta nói Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) như ông địa chủ, nắm giữ rất nhiều đất đai giá trị rất lớn rồi đem cho thuê.
Tại sao những doanh nghiệp như vậy chúng ta không bán đi để có bao nhiêu tiền làm việc khác. Trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào mà khu vực doanh nghiệp nhà nước lại chiếm tỉ trọng 32% như VN.

* TS CAO SỸ KIÊM (đại biểu Quốc hội):
Càng nghe càng thấy phân tâm
Nền kinh tế của chúng ta đang có hai vấn đề lớn: một là thiếu động lực, hai là thiếu niềm tin. Người dân, doanh nghiệp là những người thực hiện chính sách mà người ta thiếu niềm tin thì ai thực hiện nữa. Cử tri, doanh nghiệp người ta nói với tôi rằng bây giờ càng nghe các nhà khoa học, càng hội nghị hội thảo thì càng thấy phân tâm.
Theo tôi, có mấy câu hỏi cần phải trả lời rõ để làm dân tin: Một là, giải đáp cho rõ tại sao mấy năm nay kinh tế cứ xuống dần, khoảng cách với các nước cứ doãng ra, nguyên nhân do bên trong hay bên ngoài là chính? Hai là, qua quá trình dày sức xây dựng đội ngũ doanh nghiệp đến bây giờ bị co lại rất nhanh, phá sản rất nhiều, chỗ đáng lẽ phải tin tưởng nhất là doanh nghiệp nhà nước thì lại không tin tưởng được, tại sao?

Sửa Hiến pháp đừng bít lối vào TPP: "Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy"

Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai, bởi "ăn cây nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.
BTA có rồi, nhưng Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP)[1] không thành hiện thực có căn nguyên từ Hiến pháp.
1. Một lý do được chỉ ra là quyền tự do gia nhập hội đã có, nhưng quyền tự do lập hội cho người lao động lại chưa có.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), đoàn đàm phán đã nỗ lực yêu cầu Hoa Kỳ dành cho phía VN Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP). Quy chế này nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển bằng cách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 5.000 mặt hàng[2] (trong đó chủ yếu là các hàng thủ công nghiệp, mây tre, cói ngô...).
Ban đầu, phía Hoa Kỳ không chấp nhận, vì quy chế GSP đòi hỏi quốc gia hưởng quy chế GSP phải bảo đảm cho người lao động, tầng lớp công nhân quyền tự do lập hội, bao gồm quyền tự do lập công đoàn.

Công đoàn, quyền tự do lập hội, công nhân, đình công, quyền lợi người lao động
Theo báo Lao động, từ năm 1995 đến 7/2013, có hơn 5.000 cuộc đình công, có cuộc huy động đến 10.000 NLĐ, không có cuộc nào do Công Đoàn lãnh đạo. Ảnh minh họa
Quyền tự do lập công đoàn, giúp "công nhân, người lao động tụ tập với nhau, tự lập hội để nói chuyện với giới chủ", để giúp họ tự bảo vệ mình, mà không phải trông chờ từ nhà nước. Theo ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, quyền tự do thành lập công đoàn là một trong những chuẩn mực quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà Việt Nam là một thành viên[3] .
Trước nỗ lực của phía Việt Nam, cuối cùng phía Hoa Kỳ ghi nhận vào BTA: "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam". Thế nhưng, "thắng lợi" của nỗ lực này không có cơ hội thành hiện thực. Vì phía Hoa Kỳ chưa xem xét GSP chừng nào quyền tự do lập công đoàn của người lao động Việt Nam chưa được bảo đảm, chừng nào Điều 10 Hiến pháp còn duy trì vai trò độc tôn của Công đoàn Lao động Việt Nam (viết hoa, số ít).
Sự độc tôn của công đoàn như vậy là đã điều chỉnh quyền lập hội, lập công đoàn của người lao động theo "cơ chế mậu dịch" của thời kỳ bao cấp. Nghĩa là chỉ có quyền "gia nhập, hoặc không gia nhập, đóng phí hay không đóng phí" mà thôi, chứ không còn quyền chọn lựa ai đó đại diện cho mình.
Ngắn gọn, người lao động không có quyền lập công đoàn, mà chỉ có quyền gia nhập một tổ chức mà Điều 10 Hiến pháp đã thiết kế sẵn.
Người lao động tưởng như đã thoát được "gạo mậu dịch" song còn những thứ "mậu dịch, bao cấp" khác thì có lẽ vẫn chưa thể.
2. Duy trì tính chất "á nhà nước" của Công đoàn nhằm giải quyết những vấn đề gì gì?
Hiện nay, Công đoàn Lao động Việt Nam hưởng quy chế rất đặc biệt, quy chế á nhà nước.
Theo quy chế này, Công đoàn Lao động đứng về phía nhà nước, giúp nhà nước quản lý người lao động, thực hiện một số hành động nhân danh quyền lực nhà nước (ban hành thông tư liên tịch), đặc biệt hưởng ngân sách, giống như một cơ quan nhà nước.
Dùng ngân sách như cơ quan nhà nước, nhưng lại không phải là cơ quan nhà nước. Bởi ở mặt khác, tổ chức này lại khoác chiếc áo của một tổ chức xã hội, nên không cần được sự ủy thác của toàn dân thông qua bầu cử phổ thông, không có nghĩa vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội, không phải chịu trách nhiệm trước những người đóng thuế.
3. Chức năng, vai trò thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử
Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công đoàn đã có công lao lớn giúp Đảng giành được chính quyền, giúp công nhân đấu tránh chống lại sự bóc lột của giới chủ, đặc biệt là chống lại giới chủ người Pháp. Điều đó cần được tri ân.
Bước sang thời kỳ bao cấp, khái niệm "giới chủ" không còn, mà người sử dụng lao động chính là chính quyền dưới hình thức hợp tác xã, xí nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước. Nên Công đoàn thời kỳ này thay đổi chức năng, không còn nhiệm vụ đấu tranh chống lại người sử dụng lao động, mà phải cổ vũ, ủng hộ người sử dụng lao động, trở thành cánh tay nối dài giúp nhà nước quản lý người lao động.
Bước sang thời kỳ đổi mới, "giới chủ" tái xuất hiện, nhưng chức năng, vị thế của Công đoàn vẫn được tiếp tục duy trì như thời kỳ bao cấp. Công đoàn mới không được quyền thiết lập, công đoàn truyền thống không ra tay giúp công nhân. Những xung đột với giới chủ không còn phương thức hòa bình để giải quyết, công nhân đi đến đình công tự phát ở Bình Dương, Hải Phòng trong những năm 2008-2009, có nơi leo thang đến đập phá nhà máy giống như thời Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tính chất á nhà nước, làm cho chức năng quản lý nhà nước của Công đoàn thiếu chính danh, thiếu trách niệm giải trình trước Quốc hội và toàn dân. Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai, bởi "ăn cây nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.
Duy trì vai trò độc tôn, hạn chế quyền tự do lập công đoàn của người lao động không chỉ làm ảnh hưởng quyền lợi của tầng lớp thợ thuyền, mà về mặt đối ngoại lại cản trở hội nhập quốc tế.
Trước thềm đàm phán TPP, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, chúng ta nên xem xét cải tổ cơ chế "bao cấp bảo vệ người lao động", cải tổ hệ thống "cửa hàng mậu dịch bốn cấp" (Công đoàn ở TW, tỉnh, huyện, cơ sở). Sao cho những người lao động thực sự được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)
(VNN)

Nỗi đau tụt hậu: Bao giờ mới dứt?

“Buồn vì thấy nền kinh tế nước ta đang dần tụt hậu xa so với các nước trong cùng khu vực, nhưng dù sao cũng thấy vui khi các nhà lãnh đạo đã nhìn ra và dám nói ra sự thật. Phải thừa nhận là mình đang bị bệnh mới có thuốc đặc trị”, đây là một trong rất nhiều ý kiến độc giả gửi tới chia sẻ về nỗi đau kinh tế tụt hậu.    
Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" dường như đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho nỗi lo lớn hơn về một nền kinh tế đang tụt hậu - như thừa nhận của người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương tại một hội thảo mới đây. Sau hai bài viết liên quan về chủ đề này đăng trên VietNamNet, hàng trăm độc giả đã cảm nhận thấy "nỗi đau" mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt và cùng chia sẻ nỗi lo lắng này.
Căn bệnh "mãn tính" thành tích

Một trong số những căn bệnh đang trở thành "mãn tính" ở Việt Nam đầu tiên phải kể đến bệnh thành tích.

Độc giả Lê Khang (soulofstone...@gmail.com), kể rằng: "Tôi có cơ hội đi kiểm tra các địa phương theo chuyên đề, trước khi đi yêu cầu gửi báo cáo, đề nghị địa phương nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Đọc báo cáo gửi trước thì cái nào cũng tốt, đạt. Đến khi đi thực tế thì ôi thôi, nhiều chỗ khiếm khuyết, nhiều chỗ làm không đúng quy định. Nhưng điều tôi bận tâm nhất là khi cấp trên có công văn để chấn chỉnh nhưng cấp dưới bất tuân thượng lệnh. Việc này phải xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay để khi trên bảo dưới phải nghe".

Còn độc giả có email 468dung@gmail.com viết: "Thật là lạ, không ở đâu như Việt Nam. Tôi có quen một chú làm ở cục thống kê tỉnh A., tôi hỏi tại sao tỉnh nào cũng báo cáo chỉ số tăng trưởng từ hai con số trở lên, nhưng chỉ số của cả nước chỉ là một con be bé! Chú ấy bảo cách tính khác nhau, cấp tỉnh khác cấp quốc gia. Như vậy thì thống kê báo cáo để làm gì? Nay nhà báo và các nhà kinh tế nói toẹt ra đọc xong tôi muốn té ghé vì báo cáo gởi cho có lệ thôi!".


{keywords}
Giải quyết nợ xấu ngân hàng là bài toán khó hiện nay (ảnh minh họa)


Rõ ràng, bệnh thành tích ở Việt Nam không chừa bộ lĩnh vực nào. "Tôi làm ở một DNNN, có ông Chủ tịch HĐQT một công ty còn tư duy kiểu mua máy móc hàng bãi về, không sử dụng vài năm nhưng vẫn có lãi do trượt giá, thế là tất cả cùng hoan hô. Cấp trên còn đánh giá ông ta học ở Nga về nên khen. Kiểu như vậy sao kinh tế không thụt lùi?" - một độc giả tiết lộ.

Chính vì vậy, độc giả ở địa chỉ huy.dancing...@yahoo.com đánh giá, nếu mạnh dạn thẳng thắn từ nhiều năm trước rằng chúng ta cần người tài, có trình độ, có tâm... để lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các sở ban ngành chuyên môn... thì chắc chắn các doanh nghiệp nhà nước đã ăn nên làm ra chứ không phải như bây giờ, khi họ có đủ mọi điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, ưu đãi... mà vẫn "dậm chân tại chỗ". "Đó chính là do những hệ lụy bệnh thành tích của các vị lãnh đạo này rập khuôn từ trước tới nay, không chịu cải cách, dám nhận trách nhiệm, dám từ chức... ", độc giả này đúc kết.

Nỗi đau tụt hậu

Hệ quả là, bệnh thành tích và tham nhũng đã làm Việt Nam kém hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế, trong khi các nước cùng khu vực như Indonesia, Thái Lan... hay nền kinh tế mới mở cửa như Myamar lại hấp dẫn hơn. Chính vì vậy mà dầu tư quốc tế vào Việt Nam càng giảm. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc khá lớn vào đầu tư nước ngoài nên kéo theo cả nền kinh tế phát triển chậm lại. Lý do là vì những nguyên nhân quá cũ, năm nào cũng nói nhưng chẳng cải thiện được là bao như bệnh thành tích, tham nhũng, thủ tục hành chính lòng vòng... - độc giả Đinh Lê Vũ (vudinh... @gmail.com) cho hay.

Độc giả Nguyễn Thành Trí (trithanh0309@yahoo.com.vn) thì kể một câu chuyện chua xót. Anh viết: "12 năm trước tôi làm việc cho một công ty Đài Loan, ông sếp của tôi nói một câu 'kinh tế Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, sau Đài Loan 20 năm, sau Nhật 50 năm và sau Mỹ một thế kỷ'. Lúc đó tôi rất ghét ông, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy ông nói rất đúng. Tham nhũng và bệnh thành tích kéo kinh tế Việt Nam tụt hậu ngày càng xa. Ví dụ một cán bộ nhà nước lương chưa đến 10 triệu một tháng nhưng xây nhà hàng tỷ đồng, tiền tỷ đó ở đâu mà có? Đó là một sự thật mà ở bất cứ đâu bạn cũng thấy! Thật xót xa nhưng biết làm sao?".

Cũng chính vì bệnh thành tích, ưa hào nhoáng bề ngoài mà "ra đường thấy xe ô tô nhiều; nhà cao tầng, khu đô thị mọc lên khắp nơi; báo cáo thì toàn con số đẹp cứ tưởng đất nước ngày càng phát triển. Nhưng than ôi, đất nước đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ, nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng ở mức kỷ lục" - độc giả có email vietdangthanh@gmail.com bày tỏ lo lắng.

Ngọc Hà (tổng hợp)

Nhân dân cả tin nhưng không dễ bị lừa!


Nhân dân vốn cả tin nhưng không dễ bị lừa, nhất là trong thời buổi thông tin phẳng này, mọi sự dối trá sớm muộn đều bị phơi bày, phải không các bạn?

“Không biết GDP chạy đi đâu?”. Đó là câu tự hỏi đầy “thảng thốt” của ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương tại phiên thảo luận “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” vừa qua.

Lý do ông Huệ đặt câu hỏi thảng thốt này là bởi theo số liệu báo cáo từ các tỉnh thành, GDP các địa phương đều cao. Có nhiều địa phương lên đến 2 con số. Thế nhưng trong khi đó, GDP cả nước lại chỉ tăng có 5,5%.

Vậy thì “nó”, cái GDP ấy, chạy đi đâu nhỉ?

Vô lý! Thậm vôi lý vì “nó” là thứ không thể… tham nhũng được!

Thôi thì nói toạc ra, nó không hề có một chút đáng tin nào như lời than vãn của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại phiên thảo luận trên: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin”.

 Còn TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn đề nghị: “Bàn câu chuyện khác chứ không bàn con số!”.

Thế thì cũng nói trắng ra, số liệu GDP từ báo cáo của các địa phương là số liệu “ma”.

Đây thực chất là sự dối trá mà chúng ta hay gọi cho nó “mềm” đi là bệnh thành tích.

Thật ra thì sự dối trá thời nào cũng có. Vấn đề là dung lượng và tần suất thôi.

Trả lời phỏng vấn trên Dân trí cách đây ít lâu, GS. Hoàng Tụy, một trí thức lớn cả tài năng và nhân cách đã từng thốt lên: “Sự dối trá đã trở thành mối nhục lớn!!!”.

Một xã hội lành mạnh thì sự dối trá ở mức thấp nhất và ngược lại, khi một xã hội tha hóa thì nói dối trở thành điều bình thường. Thậm chí, trong không ít trường hợp, lời nói thật được coi như điều… không bình thường.

Cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương đã từng “tơi bời” vì một câu nói thật: Ở nước ta, án dân sự xử thế nào cũng được!

Hiện nay, dối trá không phải là điều gì xa lạ. Nó có mặt mọi lúc, mọi nơi. Câu nói trong cuộc họp khác xa, thậm chí ngược hẳn với câu nói ở cầu thang.

Tỉ lệ 98-99% học sinh tốt nghiệp khác xa với lực học thật.

Những con số trong thực tế khác xa với con số trong bản báo cáo mà cái tỉ lệ 1% công chức yếu kém mới đây là một ví dụ khá điển hình.

Vì thế, trong dân gian có câu: “Làm thì láo, báo cáo thì hay”. Từ cái sự “làm láo, báo cáo hay” này dẫn đến “lừa trên, dối dưới”, phẫn nộ dư luận.

Ví như cái báo cáo “Đồ Sơn không có mại dâm – Quất Lâm không có ca ve” là những báo cáo láo một cách trắng trợn. Dư luận không bức xúc khi nơi đây tràn lan nạn mại dâm bằng bức xúc khi trong báo cáo lại nói rằng không có. Nó không chỉ là sự dối trá mà còn xúc phạm nhân dân, coi người dân có mắt như mù, có tai như điếc.

Tương tự, báo cáo GDP từ địa phương gửi lên Chính phủ cũng vậy.

Rất may là Chính phủ không dễ tin vào điều này và nhân dân thì luôn đề cao cảnh giác!
Bùi Hoàng Tám

Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, và Việt Nam: Hối lộ và tham nhũng nhất thế giới

(China, Malaysia, Indonesia, and Vietnam: World’s Worst for Bribery and Corruption)

International Business Times – 26-09-2013 - Một phúc trình mới của Ernst & Young nói rằng Trung Quốc và Mã Lai có mức hối lộ và tham nhũng cao nhất, hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Theo một loạt phúc trình của Ernst & Young về cuộc điều nghiên về sự gian lận tại vùng Á châu và Thái Bình Dương trong năm 2013, một nửa trong số 681 nhà lãnh đạo công ty, quản trị viên cao cấp và những nhân viên cấp làm việc tại tám quốc gia được hỏi về quan điểm của họ về gian lận, đã nói rằng Trung Quốc, Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam là những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất về nạn hối lộ và tham nhũng.

temp-danlambao007.jpg
Thêm chú thích


Công ty chế tạo dược phẩm Anh GloxoSmithKline tại Trung Quốc bị tố cáo hối lộ.

Tại Trung Quốc, 34% vẫn còn tin rằng ban quản trị công ty rất có thể chọn con đường tắt khi điều kiện kinh tế khó khăn. Tại Nam Dương, 36% những người được hỏi, nói rằng hối lộ để đoạt được hợp đồng là một vấn đề thông thường tại quốc gia của họ. Tại Mã Lai, 39% nói rằng hối lộ và những thủ đoạn tham nhũng lan tràn khắp nơi.

Ông Chris Fordham, một viên chức của Ernst & Young, phụ trách phần dịch vụ điều tra gian lận và tranh chấp trong vùng Á châu – Thái Bình Dương của bản phúc trình nói rằng “những thủ đoạn gian lận ngày càng gia tăng và giữa chính sách về mặt lý thuyết và việc thực hành không liên hệ gì đến nhau.”

“Nói một tổng quát, một trong năm người được hỏi, nhận xét rằng nạn hối lộ và tham nhũng lan tràn khắp nơi trong nước của họ. Trái lại, nếu chúng ta tách riêng những thị trường phát triển nhanh, những nơi mức phát triển tương đối cao, nhưng điển hình các hệ thống và thủ tục lại kém mở mang.”

Tất cả những người tham gia cuộc điều nghiên này làm việc tại những công ty có tổng số thương vụ hơn $500 triệu và trong nước ngành từ công nghiệp đến dịch vụ tài chánh, từ bán lẻ đến tài nguyên thiên nhiên.

Thực hành những điều thuyết giảng
Bản phúc trình của Ernst & Young tiết lộ rằng những người tham gia cuộc điều nghiên nghĩ rằng một vài nước ở Á châu có những chính sách chống hối lộ và tham nhũng rất mạnh nhưng trên thực tế những chính sách này không có hiệu quả.

Tại Singapore, 59% những người trả lời cuộc điều nghiên nói rằng chính sách chống hối lộ và tham nhũng tại nước họ tốt trên nguyên tắc, nhưng không không có hiệu quả nhiều trên thực tế.

Tại Nam Hàn, 86% những người trả lời cuộc điều nghiên nói rằng những chính sách tốt trên nguyên tắc, nhưng không có hiệu quả trên thực tế.

Khoảng 40% người trả lời cuộc điều nghiên nói rằng những công ty của họ có chính sách chống hối lộ và tham nhũng và 35% xác nhận rằng ban quản trị cao cấp biểu lộ cam kết đối với những nguyên tắc này.

Ernst & Young nói “Chúng tôi nhận thấy có nhiều rủi ro về gian lận, hối lộ và tham nhũng hơn trong những thị trường phát triển mạnh. Điều này có thể do môi trường kiểm soát yếu kém và hậu quả là những chính sách và thủ tục được thi hành khác với khuôn khổ tôn trọng luật lệ toàn cầu. Những công ty hoạt động trong những thị trường địa phương cũng có thể cảm thấy buộc phải tuân theo văn hóa địa phương, do đó tạo ra mâu thuẫn với chế độ tôn trọng luật lệ toàn cầu.”

Những chuyện hối lộ xấu xa

Những điều khám phá sẽ không gây ngạc nhiên đối với một số người kinh doanh sau khi chính quyền Trung Quốc trừng trị khu vực dược phẩm vì các viên chức phát giác rằng bốn viên chức lãnh đạo cao cấp của công ty sản xuất dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) có cơ sở tại Trung Quốc đã chuyển hàng triệu bảng Anh tiền hối lộ qua những công ty du lịch và tư vấn.

Bộ Công An nói rằng những viên chức lãnh đạo GSK không nêu tên đã chuyển 3 tỉ nhân dân tệ (tức khoảng £324 triệu, €375 triệu, $489 triệu) tiền hối lộ cho các bác sĩ qua công ty du lịch và tư vấn để bán được dược phẩm nhiều hơn và tăng giá thuốc một cách bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Trong khi GSK nói rằng đây chỉ là những lời tố cáo cá biệt không bằng chứng, một số công ty khác cũng đang bị Trung Quốc để ý. AstraZeneca, trong số những công ty sản xuất dược phẩm ngoại quốc, đang bị điều tra bởi cảnh sát.

Reuben Guttman là một trong những luật sự tiết lộ sự sai trái và một giám đốc tại công ty Grant & Eisenhofer. Ông nói với International Business Times – United Kingdom rằng GSK chỉ là cái ‘đỉnh của một tảng băng’.

Nguồn: International Business Times – 26-09-2013 
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải 
  (Danlambao)

Thư ngỏ gửi Ban biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Mai Thái Lĩnh


gd


                                                                                                            Đà Lạt ngày 27-9-2013
  • Kính thưa quý báo,
Ngày 23-9-2013 vừa qua, tôi có gửi cho ông Phan Doãn Phúc – Trưởng ban Quốc tế của quý báo một lá thư điện tử (xem nội dung đính kèm), nhưng không rõ ông Phúc có nhận được hay không, vì cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời.

Như quý báo đã biết, giữa tôi và quý báo đã có sự thỏa thuận sẽ mở ra một cuộc trao đổi ý kiến để làm rõ sự thật về chủ đề Thác Bản Giốc. Sở dĩ tôi chấp nhận đối thoại với ông Trần Công Trục thông qua quý báo là vì nghĩ rằng quý báo là cơ quan ngôn luận của một hiệp hội “phi-chính phủ” (ít ra là về mặt hình thức), hơn nữa lại thuộc về ngành giáo dục là môi trường tôi đã gắn bó từ trước năm 1975 cho đến cuối thập niên 1990. Mặc dù biết rõ ông Trần Công Trục là cán bộ ngành ngoại giao đã từng tham gia bộ đội hải quân, đã từng đảm nhiệm một chức vụ quan trọng trong công tác biên giới, nhưng vì ông ấy đang có nguyện vọng muốn trở thành một “nhà nghiên cứu độc lập”, cho nên theo lời khuyên của một số bạn bè và nhất là hai trang mạng Bauxite Việt NamBa Sàm, tôi đã nhận lời tranh luận với hy vọng mở ra một khả năng đối thoại giữa những người đứng ngoài hệ thống chính trị hiện hành với những người vẫn còn nằm trong hệ thống ấy (theo tôi biết, ông Trần Công Trục tuy đã nghỉ hưu gần 10 năm nay nhưng với tư cách là một đảng viên ông ấy vẫn đang làm nhiệm vụ Đảng giao, bởi vì nói theo ngôn ngữ của các đảng viên cộng sản: là cán bộ, nhân viên của chính quyền thì có lúc nghỉ hưu, nhưng đảng viên thì không có tuổi hưu).

Đáng tiếc là cho đến nay, sự việc đã không diễn ra theo như ý muốn. Trên các trang mạng “hợp pháp”, chỉ có các bài viết của ông Trần Công Trục chứ không hề có các bài viết của tôi. Ngay cả mỗi khi ông Trần Công Trục chỉ trích tôi hay trả lời tôi thì vẫn không có đường dẫn để độc giả có thể tìm đọc các bài viết của tôi. Thậm chí ngay trên trang Giáo dục Việt Nam, nơi ông Trục được dành hẳn một “góc nhìn”, cũng chỉ có bài của ông ta chỉ trích tôi (một bài chủ yếu nhắm đến tôi nhưng chỉ có ảnh của ông Tiến sĩ Trần Công Trục và ông lãnh tụ đối lập Sam Rainsy bên Kampuchea). Thậm chí ngay cả bài ông Trần Công Trục trả lời tôi cũng không được đăng trên “góc nhìn” đó. Tóm lại, trên tất cả các báo “hợp pháp” (kể cả báo Giáo dục Việt Nam), tôi vẫn tiếp tục bị coi là nhân vật cấm kỵ, chỉ được nhắc đến để chỉ trích chứ không phải để đối thoại. Vừa qua, sau khi ông Trần Công Trục trả lời tôi bằng một bài viết dựa trên công thức tuyên truyền sẵn có, vào ngày 16-9-2013 tôi đã phản biện bằng bài “Thác Bản Giốc – những căn cứ pháp lý”, nhưng đã 10 ngày trôi qua, vẫn chưa có ý kiến phản hồi nào từ phía ông Trục.

Vì vậy, tôi gửi thư này đến quý báo để nhắc lại một lần nữa đề nghị: quý báo cho biết ông Trần Công Trục có ý định tiếp tục đối thoại để tìm ra chân lý hay không? Nếu từ nay cho đến hết ngày thứ hai 30-9-2013, tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời của quý báo thì tôi và hai trang mạng Bauxite Việt NamBa Sàm mặc nhiên hiểu rằng: báo điện tử Giáo dục Việt Nam và ông Tiến sĩ Trần Công Trục đã “đơn phương” chấm dứt cuộc đối thoại.

Trân trọng kính chào và chúc sức khỏe toàn thể Ban biên tập của quý báo.

M.T.L.

T.B.: Kính đề nghị hai trang mạng Bauxite Việt NamBa Sàm đăng công khai lá thư này trong hôm nay hay ngày mai để độc giả hiểu rõ diễn tiến của cuộc tranh luận. Xin chân thành cảm ơn Ban biên tập của hai trang mạng đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua để thông tin đến độc giả nội dung của cuộc tranh luận xung quanh chủ để Thác Bản Giốc.

Bổ sung lúc 14g30 ngày 27-9-2013:

Sau khi gửi “Thư ngỏ” cho báo điện tử Giáo dục Việt Nam (lúc 10h07 AM), đến chiều nay (lúc 14h30 ngày 27-9-2013) tôi truy cập trang mạng nói trên thì nhận thấy: báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã xóa mục “Góc nhìn của TS Trần Công Trục” ở cột mục “Xã hội”.

Nay xin thông tin lại để độc giả được biết.

M.T.L.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Đà Lạt ngày 23-9-2013

Kính gửi : Ông Phan Doãn Phúc

Trưởng ban Quốc tế

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Thưa ông,

Ngày 10-9-2013, quý báo đã chính thức đăng tải nội dung ông Trần Công Trục trả lời các chất vấn của tôi xung quanh chủ đề Thác Bản Giốc (bài viết có tiêu đề “TS Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc” đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày thứ ba 10-9-2013).

Do những ý kiến của ông Trần Công Trục không giải đáp thỏa đáng các ý kiến chất vấn của tôi, vào ngày 16-9-2013, tôi đã gửi bài phản biện có tiêu đề “Thác Bản Giốc – những căn cứ pháp lý” đến quý báo. Đáng tiếc là cũng như các bài viết của tôi trước đó, quý báo đã không đăng lại và cũng không giới thiệu để độc giả của quý báo có thể tìm đọc. Chỉ có các trang Bauxite Việt Nam, Ba Sàm và một số trang mạng “không được cấp giấy phép” khác đã đăng tải bài viết đó cũng như tất cả các bài viết có liên quan (kể cả các bài viết và trả lời phỏng vấn của ông Trần Công Trục).

Nay tôi gửi thư này đến quý báo, đề nghị quý báo cho biết: ông Trần Công Trục có tiếp tục cuộc trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề Thác Bản Giốc hay không? Vì cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến nào khác của ông Trục liên quan đến bài phản biện của tôi, và điều này cũng khiến cho nhiều độc giả cũng như các thân hữu của tôi phải thắc mắc: không biết ông Trần Công Trục còn có ý định trở thành một nhà nghiên cứu độc lập như ông đã phát biểu trên đài BBC hay không?

Trân trọng kính chào ông Trưởng ban. Kính chúc ông và toàn thể Ban biên tập dồi dào sức khỏe để tiếp tục nhiệm vụ làm chiếc cầu nối giữa người dân với những người ít nhiều có trách nhiệm trong hệ thống chính trị hiện nay.

Kính thư,
MAI THÁI LĨNH
Tác giả gửi trực tiếp đến BVN

Khi "bạn dân" kết hợp côn đồ xử dân

000_Hkg6742732-305.jpg
Một tên côn đồ (ở trần) đến hăm dọa những người theo Pháp Luân Công đang ngồi thiền trước ĐSQ TQ tại Hà Nội hôm 24/11/2011, ảnh minh họa. AFP photo

Vào ngày 25 tháng 9 vừa qua, gia đình blogger Nguyễn Tường Thụy tại Hà Nội cùng một số khách mời gồm 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Phương Uyên; bà Dương Thị Tân là vợ cũ của blogger Điếu Cày; cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải cùng doanh gia Lê Quốc Quyết là em của LS Lê Quốc Quân, tất cả lâm nạn về tay công an mà – nói theo lời blogger Nguyễn Tường Thụy – họ hành động “chắc chắn sai, trẻ con cũng biết là sai”.

Trong khi công an hành hung bà Dương Thị Tân, anh Lê Quốc Quyết thì bị  công an “nắm cổ dúi từ trên xe xuống,vừa đi vừa đá, đạp vào mặt rất nhiều lần…” mà blogger Nguyễn Tường Thụy chứng kiến họ đánh người “ rất có nghề”, thì Tim Phạm báo động qua Facebook rằng:

Đồng bào cả nước hãy nhìn xem, Phương Uyên bị lôi vào phòng và bị đánh hộc máu mũi, máu mồm !!! Một đám an ninh CS nhào vô hành hung một cô gái một cách hèn hạ tại phi trường nội bài, Hà Nội !!! Sau khi bị lôi đi, Phương Uyên đã bị chúng đánh hộc máu…


Đồng bào cả nước hãy nhìn xem, Phương Uyên bị lôi vào phòng và bị đánh hộc máu mũi, máu mồm !!! Một đám an ninh CS nhào vô hành hung một cô gái một cách hèn hạ tại phi trường nội bài, Hà Nội !!!
- facebooker Tim Phạm

Lên tiếng với Đài ACTD, mẹ Nguyễn Phương Uyên là bà Nguyễn Thị Nhung cho biết:

Họ xông lên túm tóc tôi, nắm trong tay rất chặt, tống vào trong tường. Cả hai mẹ con tôi tóc dài đều bị làm như thế hết,nói chung rất thô bạo…Trời mưa rất to, hai mẹ con tôi bị họ vật xuống đường lôi đi, ướt sũng hết, chân không có dép. Họ bắt như bắt cóc…Họ lôi tôi sềnh sệch dưới nền, người túm tóc, người túm chân, túm tay lôi đi như một con vật. Còn con tôi họ lôi đi tốc áo, tốc quần, tốc áo ngực, rồi họ sàm sỡ, phải nói thấy rất thương tâm, đau lòng. Toàn bộ an ninh của Bộ và công an sở tại chừng 30 người họ hành hạ mẹ con chúng tôi suốt đêm không cho ăn uống gì hết. Khi tôi tỉnh lại và nói được, tôi nói rất nhiều là chúng tôi không có tội, không vi phạm luật pháp, các anh không thể xuống tay với đồng loại như vậy được.

Cũng hôm 25 tháng 9 vừa rồi, công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, tùy tiện từ bên ngòai khóa chặt cửa nhà của bà Trần Thị Hồng là vợ MS Nguyễn Công Chính đang thọ án tù 11 năm. Bà lên tiếng với Đài ACTD vào thời điểm vừa nói như sau:

Tôi cũng không biết nguyên nhân tại sao nữa mà từ hôm qua đến giờ công an cứ đóng chốt trước nhà và tôi đi đâu thì họ cũng đi theo, kể cả khi tôi chở con đi học thì họ cũng chạy theo đuôi. Tối hôm nay vào lúc 8 giờ tôi muốn chở con bé đi khám bệnh vì nó bị ho, sốt khi tôi ra mở cổng thì bên ngoài họ lấy giây kẽm sắt họ đã cột cứng cái cổng rồi cho nên mẹ con ra không được. Hiện thời bây giờ trong nhà tôi là phụ nữ và 5 đứa nhỏ không biết sắp tới họ sẽ đối xử như thế nào…Nhà của mình giống như một nhà tù. Tôi thấy vấn đề này nó quá vô lý. Trong khi nhà mình đang ở một cái không gian như vậy mà mình bị nhốt toàn đàn bà với con nít thì tôi thấy họ vi phạm về nhân quyền và tự do của con người quá mức. Họ đối xử với gia đình tôi một cách tàn nhẫn suốt bao nhiêu năm nay rồi mà bây giờ vẫn tiếp tục như vậy thì tôi không biết hành vi sắp tới họ sẽ đối xử với gia đình tôi ra sao nữa.
Công an vô cảm với chính đồng bào
000_Hkg5049234-250.jpg
Công an đàn áp người dân biểu tình chống TQ tại Hà Nội hôm 26/6/2011. AFP photo
Trước hành động ngày càng tùy tiện, phi pháp, vô cảm và lạ thường ngay trong thế kỷ 21 của giới tự hào “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong một thể chế mệnh danh “của dân, do dân, vì dân” và “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, thì MS Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hóa phản ứng:

Chúng tôi mong rằng lực lượng công an, an ninh là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cho cuộc sống của người dân được bình yên. Nhưng trái lại, tôi thấy công an VN hiện kết hợp với côn đồ để hành xử với người dân theo tính chất của kẻ cướp. Thực sự, ở VN bây giờ, công an chỉ khác côn đồ ở bộ quần áo thôi. Khi họ cởi quần áo công an ra thì họ là cướp mà khi mặc quần áo vào thì họ là công an. Nhưng ngay khi mặc quần áo công an thì họ vẫn là kẻ cướp – cướp dựa trên quyền lực. Khi không dựa trên quyền lực được để cướp thì họ lại cởi áo ra để làm xã hội đen. Tóm lại, hành động của công an thì chẳng khác gì côn đồ.

Nhắc tới hành động công an, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công Lý-Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục VN kiêm Giám Mục Chính Tòa của Địa Phận Vinh không khỏi thắc mắc:

Không hiểu câu nói “Công an là bạn dân” trong hoàn cảnh này thì công an có là bạn dân không. Trong thời gian ít lâu nay chúng ta thấy hành động của công an là quá bạo tàn đối với người dân không chỉ ở đây mà nhiều chuyện đã xảy ra. Con đường mà mọi người mong đợi là đi đến một nhà nước pháp trị, một nhà nước dân chủ, một nhà nước đối thoại, một nhà nước văn minh nhân ái, có lẽ đang bị giật lùi chăng. Tôi thấy hình ảnh của nhà nước bị mất, bị thiệt hại chứ không phải nỗi đau về thể xác của một số nạn nhân đó.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội cũng báo động về tình trạng mà ông gọi là “công an hóa bộ máy nhà nước”, qua đó, “ Rất nhiều quan chức cấp cao ngành công an đã trở thành các bí thư, chủ tịch tỉnh, các cán bộ cao cấp của các bộ ngành khác. Cấp huyện cũng thế. Bên trong bộ máy nhà nước, bộ máy đảng của nhiều địa phương, tỷ lệ các quan chức nguyên là công an cũng đáng kể.Và văn hóa làm việc của nhiều cơ quan nhà nước trung ương, địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa công an”.

Theo nhà báo có tên Viết Từ Sài Gòn thì trong một đất nước mà ngành an ninh chỉ lo theo dõi, điều tra lai lịch và làm khó, trấn áp, đánh đập, bắt bớ, bỏ tù những người yêu nước chân chính bằng cách gán cho họ cái tội “phản động”, trong khi đầy dẫy tội phạm “tung hoành ngang dọc” ngoài xã hội, tội ác ngày càng tăng, “sự man rợ làm cho con người trở nên co cụm”… mà lực lượng công an, an ninh chỉ “làm qua loa chiếu lệ”, thì thử hỏi, liệu người dân có còn tin vào an ninh nữa hay không?

Nói đến tác phong và hành động của công an VN hiện giờ, nhà thơ Lê Hòai Nguyên, từng là đại tá công an, có sáng tác bài tựa đề “Cái giây phút ấy” để mô tả điều ông gọi là “ như một bầy chó dữ”, “sẵn sàng nhảy vào cấu xé nhân dân” với những vần thơ kết rằng:

Không phải của thời trung cổ
Mà là Việt Nam thế kỷ XXI
Đã được ghi lại
Như một vết nhơ…
Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-09-27

Những đường nét mờ ảo (phần 1)

Người bác sĩ trưởng đầu tiên của chiếc tàu bệnh viện Đức “Helgoland” thuật lại những trải nghiệm của mình ở Việt Nam trong những năm 1966/1967. Ông tường thuật về công việc làm trong ngôi nhà bệnh viện nổi trên nước, về những bệnh nhân của ông, nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn bạo mà họ thường không hiểu được, một cuộc chiến mà người Việt và người Mỹ sa vào, về những phóng viên báo chí vô lương tâm và đầy trách nhiệm, về cuộc sống hàng ngày trong một đất nước mà thường khó nhận ra được đâu là mặt trận ở trong đó. Được sự đồng ý của ông, Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Heimfried-Christoph Nonnemann, Phan Ba đã dịch quyển hồi ký của ông về thời gian hoạt động nhân đạo ở miền Nam Việt Nam (1966/1967) với rất nhiều chi tiết thú vị cũng như đau lòng về con người và đất nước Việt Nam trong khoảng thời gian đó. Sách đã được phát hảnh trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA
Chiếc tàu bệnh viện Đức nằm ở bến tàu Sài Gòn đã được vài tháng. Cuối tháng Tư 1967, Theo Sommer của tờ “Zeit”, thông tín viên của Đài Bắc Đức Winfried Scharlau và tôi ngồi trong quán Ramuntcho ở Sài Gòn. Quán này, thường không được kể ra chung với những quán tốt nhất trong thành phố, được con số ít ỏi của các nhà báo người Đức đang có mặt ở Việt Nam trong thời gian này ưa thích, điều mà tôi chưa từng bao giờ thấu hiểu hết được. Trang bị nội thất bằng gỗ sẫm màu, những tấm trải bàn kẻ ô vuông to và những chiếc ghế có điêu khắc khiến cho người ta nhớ đến một quán cà phê Hà Lan như thế nào đó. Nhưng ngay cả gian phòng hơi sang trọng hơn một chút trên tầng một này, gian phòng mà chúng tôi đang ngồi ở trong đó, vẫn mang lại một bầu không khí của một quán ăn tự phục vụ nhưng thích khoe khoang nhiều hơn là bầu không khí của một nhà hàng tốt mà nó rất muốn được như thế. Góp phần khiến cho nó được giới nhà báo ưa thích trước hết có lẽ là vì nó nằm ngay trên đường Lê Lợi cách không xa khách sạn “Continental”, cách gian phòng có máy điều hòa nhiệt độ của khách sạn chỉ một vài bước chân.
Lúc đó đã muộn, chỉ có vài bàn là còn khách. Những người bồi bàn bắt đầu một công việc kín đáo dễ thấy, cái có nhiệm vụ kín đáo biểu lộ cho những người khách thấy rằng thời điểm đóng cửa đã sắp đến, xếp ghế lại cho có trật tự, những chiếc ghế trước đó đã đứng ở đúng chỗ của chúng, đẩy gạt tàn thuốc trên những cái bàn đã sạch và lách cách đĩa ở bên trong. Trong Sài Gòn của 1967, chỉ có một ít nhà hàng là sẵn sàng bán cho khách khi đã về khuya. Giới nghiêm vào lúc nửa đêm, một giờ trước đó cho quân đội Mỹ, khiến cho ban đêm ngắn đi.
Tiếng ồn của những chiếc xe gắn máy và xe Jeep trên đường Lê Lợi ở dưới cái cửa sổ lớn của nhà hàng bắt đầu giảm xuống. Mấy người bán hàng rong không còn rao bán những chiếc bật lửa, nón, bút bi, ví tiền nữa và xếp quầy của họ lại.
Trong tháng tư, lúc bắt đầu mùa mưa, người ta hầu như không nhận ra được rằng cột thủy ngân của chiếc nhiệt kế, sau khi trời sập tối, đã tụt xuống một vài vạch. Việc làm quen với một khí hậu khác, với những biện pháp sinh lý học mà ở phần lớn con người sau vài tháng đã thể hiện một cách cụ thể qua những việc như chức năng tuần hoàn đã biến đổi và đổ mồ hôi, bộc lộ một cách hết sức đơn giản: làn không khí nóng ẩm chụp xuống như một tấm vải đang bốc hơi khi người ta vừa rời khỏi nơi có máy điều hòa nhiệt độ. Nhưng những người bán quán Ramuntcho biết rất rõ nhu cầu của khách chỉ toàn người Âu Mỹ của họ. Quạt của cái máy điều hòa nhiệt độ đang kêu rì rì ở vận tốc cao, và gian phòng bây giờ, với số ít người ở trong đó, đã hơi lạnh rồi.
Winfried Scharlau đã ở Việt Nam từ nhiều tuần nay và đã bị thương nhẹ ở gần vĩ tuyến mười bảy. Theo Sommer chỉ vừa mới đến vài ngày trước đây. Lúc nào cũng vậy, trong những dịp như thế này đề tài bao giờ cũng xoay quanh Việt Nam nói chung, về tin này hay tin kia và về sự kiện này hay sự kiện kia nói riêng. Các sự việc được lật qua lật lại trong câu chuyện; sự lo lắng và cam chịu thường hay thống trị, khi bản thân người ta ở trong sự kiện đó. Lúc uống cà phê, chúng tôi lại trở về đề tài Việt Nam nói chung.
“Anh nghĩ như thế nào về tình hình ở Việt Nam, mọi việc rồi sẽ tiến triển đến đâu? Bây giờ thì anh đã ở đây được một thời gian khá lâu rồi? Theo Sommer  hỏi tôi và nhìn tôi đầy chờ đợi qua tách cà phê của anh. Tôi bắt đầu nói điều gì đó, tôi không còn biết là điều gì, vì mãi đến khoảng khắc đó tôi mới biết rõ là mình không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào cho thích đáng. Tôi cảm thấy xấu hổ; ít ra thì tôi đã ở trong đất nước này được chín tháng rồi, tức là lâu hơn phần lớn các nhà báo ở lại đây, và trong thời gian đó đã cố gắng trải nghiệm và tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Sau chín tháng tôi vẫn còn cảm thấy khó khăn khi phải trả lời cho câu hỏi cốt yếu, nói chung là phát biểu một ý kiến.
Vào buổi tối hôm đó tôi mới biết rằng tôi không thể trình bày một câu trả lời rõ ràng được, vì hiện bây giờ tôi đã có quá nhiều thông tin và đã biết quá nhiều chi tiết và những mối quan hệ đan kết chằng chịt với nhau của chúng.
“Việt Nam giống như một tấm tranh khảm Byzantine!”, Theo Sommer viết sau khi trở về, “nếu như người ta nhìn ngắm nó từ xa, đá ghép riêng lẻ hòa vào với nhau thành những hình ảnh rõ ràng; đường nét thật sắc sảo. Nhưng khi nhìn gần thì sự rõ ràng đó tan biến đi. Những đường nứt nẻ lộ ra, chỗ gồ ghề và đường ghép nối thay cho kết cấu có ý nghĩa; đường nét trở nên mờ ảo.”
Đối với tôi, năm câu này là những gì đúng đắn nhất mà tôi đã đọc được về tình hình Việt Nam. Đúng, bởi vì nó là một tóm tắt của những quan sát từ bên ngoài và trải nghiệm từ bên trong, những cái hầu như không thể mang cho chúng trùng khớp lại với nhau được. Chỉ một người Việt, tôi tin thế, là có thể thật sự hiểu được tình hình ở Việt Nam, vì anh ta biết được những nội tình với các liên kết phức tạp của chúng, với những điều cấm kỵ không được nói đến và với những mối quan hệ họ hàng. Nhưng ở người Việt thì người ta có thể nói về sự hiểu biết theo ý nghĩa của chúng ta hay không? Theo những quan sát của tôi, họ thiếu tính phân tích. Họ suy nghĩ như một nhà thơ suy nghĩ. Nhà thơ là những người hùng thật sự trong đất nước này, và làm thơ, mặc cho tất cả những cuộc biểu tình của sinh viên về các câu hỏi hàng ngày trong văn xuôi, vẫn được xếp lên trên chính trị và khoa học. Tính cách đó cũng tìm thấy được sự biểu hiện của nó qua lần ép buộc quốc gia hóa các đại học, một việc làm rất đáng để nghi ngại khi thiếu giảng viên nói tiếng Việt mà không sao giải quyết được và đứng trước sự thật, rằng tiếng Việt cho tới nay vẫn hầu như không có các khái niệm trong những môn kỹ thuật.
“Người Mỹ và người Âu cố hiểu chính trị Việt Nam với những thước đo của họ”, ông Nghiêm nói với tôi, một nhà làm báo đối lập và là ứng cử viên cho Thượng Viện ngay trước cuộc bầu cử trong mùa Hè 1967, “họ cố gắng áp dụng phương án chính trị của họ vào đất nước chúng tôi, và họ đã thất bại, vì chúng tôi suy nghĩ khác với họ.”
Việt Nam, tốt hơn: cuộc chiến ở Việt Nam, hay: cuộc chiến Mỹ ở Việt Nam, đã trở thành môn thể thao tập xà của giới trí thức châu Âu và châu Mỹ. Người ta tự đưa ra những bài tập, để trừng phạt “những kẻ đang có quyền lực”. Không một bài luận văn của một nhà trí thức hoạt động tích cực nào mà không có từ Việt Nam. Những người trí thức mà chưa từng bao giờ đến gần Việt Nam hơn là, chúng ta cứ nói như thế đi, mười ngàn kilômét đường chim bay, viết tài liệu về tình hình ở Việt Nam. Với các con số thống kê về những người lính đào ngũ của quân đội Nam Việt Nam, chuỗi các bằng chứng được khép lại bởi những người chưa từng bao giờ nhìn thấy, nói chuyện, trải qua một người lính Nam Việt Nam duy nhất.
Người nông dân Việt Nam cần sự giúp đỡ, đúng. Nhưng họ chẳng được gì từ một sự giúp đỡ được in ra trên giấy, được chắp vá lại với nhau một cách hết sức nghiêm chỉnh ở trên những cái bàn giấy bằng gỗ tếch trong châu Âu. Dưới ánh nắng mặt trời nóng cháy da, trong ngôi nhà kính của mùa mưa, trong bụi bặm và bùn lầy và ở bên cạnh những con muỗi truyền bệnh sốt rét – ở đó thì sự giúp đỡ mới hợp lý, còn hơn thế nữa: ở đó người ta rất cần tới nó. Ở đó, người ta cũng cảm kích tiếp nhận sự giúp đỡ đó, người ta thực hiện nó với cùng sự khôn ngoan đã được dùng để tạo ra tất cả những lý thuyết trang trọng trong những tập giấy in đó. Ở Việt Nam đang diễn ra một xung đột về quyền lực chính trị giữa Chủ nghĩa Cộng sản và cái được gọi là Thế giới Tự do. Cuộc chiến tranh này được cả hai bên – chắc chắn là được cả hai bên – tiến hành với những phương tiện giúp chiến thắng được phía bên kia. Tàn bạo, đó là tính chất của mỗi một cuộc chiến. Napalm và hơi độc là các khẩu hiệu của những người phản đối ở bàn giấy. Ở Việt Nam, trong số nhiều ngàn bệnh nhân, tôi không nhìn thấy được một người duy nhất bị hơi độc có nguồn gốc từ tác động của chiến tranh. Chỉ mười phần trăm bệnh nhân của chúng tôi bị bỏng napalm, trong số khoảng ba mươi bệnh viện khác mà tôi đã đến thăm ở Nam Việt Nam, tôi không nhìn thấy được trong bệnh viện nào có một bệnh nhân bị bỏng napalm.
‘Vietnam, Genesis eines Konfliktes’ [Việt Nam, căn nguyên của một xung đột], quyển sách không có bất cứ thông tin nào của người trong cuộc, mô tả Hồ Chí Minh như một con người chân thật, người mà lúc nào cũng bị đối xử bất công: hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một người rất khôn khéo: Việt Cộng và quân lính Bắc Việt mang ảnh của ông ở trong ví, nếu như người ta được phép tin vào nữ nhà báo người Pháp Michèle Ray, người đã khéo léo để cho Việt Cộng bắt giữ mình và qua đó đã kiếm được nhiều tiền từ các tạp chí Âu Mỹ. Phiến quân khắp nơi trên thế giới học cách đánh du kích ở Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Giáp của Hồ Chí Minh, người bây giờ được nhắc đến cùng với Mao vĩ đại trong cùng một hơi nói. Và nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do của họ, người ta nói, và có ý muốn nói đến 200.000 người Việt Cộng và các trung đoàn của Hồ Chí Minh.
Việt Cộng treo cổ những người già nhất trong làng lên, những người mà lần bầu cử họ đã được các nhà quan sát quốc tế tuyên bố là hoàn toàn không thể chê trách gì được. Việt Cộng dùng súng liên thanh bắn vào đám đông đàn bà và con nít, cho nổ mìn trong chính những đám đông người đó, bắn súng cối vào nơi họp chợ, nơi nhiều nhất là có một người lính về phép giúp vợ mình đi chợ. Khủng bố trực tiếp.
Ở độ cao 10.000 mét, máy bay ném bom của Mỹ bay trong những phi đoàn trật tự, như chúng ta đã quen thuộc từ thời Đệ nhị Thế chiến, và ném những ‘tấm thảm bom’ qua lớp mây dầy của mùa mưa bằng những dụng cụ ngắm phức tạp. Những người ném bom hoàn toàn không nhìn thấy gì từ mục tiêu của họ và tác động của lần gạt cần bom của họ. Đóng quân ở Guam hay Thái Lan, có lẽ họ chưa từng bao giờ nhìn thấy tận mặt một dân cư của đất nước này. Khủng bố gián tiếp, vô danh?
Nếu người ta hỏi một người lính Mỹ đang uống cho hết những đồng tiền lương của mình ở trên bãi biển Vũng Tàu hay ở trong các quán rượu của Sài Gòn, người mà đêm hôm qua còn đứng ngập nước cho tới bụng trong một của không biết là bao nhiêu con kênh đào và bắt đầu biết căm thù muỗi từ tận trong đáy lòng, rằng anh làm những việc đó để làm gì, thì rồi anh ấy sẽ trả lời mà không ngần ngừ đến một giây: “Cho tự do của người Việt.”
Prof. Dr. med. Heimfried–Christoph Nonnemann
Phan Ba dịch

Những đường nét mờ ảo (hết)

Thật là khó khăn khi muốn biết rõ về danh tính của Việt Cộng, và có lẽ đối với một người mà sự trung lập của anh ta không được biết rõ thì điều đó là hầu như không thể, bởi vì người Việt khép kín lại ngay tức khắc, khi người ta đặt ra cho họ những câu hỏi như thế, trả lời với những từ ngữ sáo rỗng như chúng có trên báo chí Việt Nam. Nhưng chỉ có người Việt là có thể phán xét ai là Việt Cộng, ai là Cộng sản và Việt Cộng là gì. Đến người nước ngoài đã ở Việt Nam cả đời mình cũng không thể hiểu người Việt cho tới mức có thể dễ dàng phân biệt được. Với lần ở Việt Nam một năm, thêm vào đó là trong một vị trí rõ ràng là trung lập, người ta có thể tiếp xúc thân mật với một vài người Việt cho tới mức họ phát biểu thận trọng, nhưng cởi mở tới một mức độ nào đó.
Một nhà văn nữ nổi tiếng ở Việt Nam và biết nhiều thông tin, người đã chiến đấu chống người Pháp trong một đơn vị Việt Minh, trả lời cho câu hỏi Việt Cộng là người Quốc gia hay người Cộng sản:
“Nhiều người quen của tôi từ thời Việt Minh vào lúc ban đầu đã cùng chiến đấu với Việt Cộng, và nhiều người trong số họ là người Quốc gia. Nhưng ngày nay, trong số người mà tôi biết là người Quốc gia thì không còn có ai ở bên phía Việt Cộng nữa. Chúng tôi thường nghe được tên họ của những người lãnh đạo Việt Cộng trong radio. Tất cả những người bây giờ có chức vụ cao ở bên Việt Cộng đều là người Cộng sản cả. Người dân ở đây còn hoàn toàn không hiểu Chủ nghĩa Cộng sản có nghĩa là gì”, bà tiếp tục trong trạng thái bị kích động có thể thấy rõ được, “nếu hiểu thì họ sẽ tích cực đấu tranh chống nó nhiều hơn nữa chứ không trở nên thụ động như thế này. Thỉnh thoảng, tôi mong ước họ có thể trải nghiệm được một vài năm Chủ nghĩa Cộng sản, rồi họ sẽ biết bây giờ họ đang được tốt đẹp như thế nào. Nhưng rất đáng tiếc là điều đó không thể thực hiện được. Có trời đất chứng giám, tôi không hề thân Mỹ. Trong các tác phẩm của tôi, tôi cố gắng mô tả truyền thống dân tộc Việt Nam và nói với người dân, rằng họ hãy nên hãnh diện là người Việt Nam, và hãy có một phong cách đối xử như thế. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy dân tộc tôi và đất nước tôi suy tàn trong sự thờ ơ và tham nhũng. Xin anh hãy kiên nhẫn và đừng phán xét quá nặng nề, đừng đánh mất hy vọng quá nhanh chóng như phần lớn người Âu ở đây đã làm.”
Một nhân viên nhà nước ở độ tuổi trung niên, đã từng là sĩ quan chiến đấu cho Việt Minh, nói giống như vậy đối với tôi. “Anh đừng tin rằng Việt Cộng là một phong trào Quốc gia. Tôi biết hết sức chính xác những gì ở phía sau đó, vì tôi đã cùng với những người đó chiến đấu chống lại người Pháp nhiều năm trời.”
Tôi muốn biết những người này tưởng tượng gì dưới một chế độ Cộng sản, và tôi thường hỏi họ về điều đó. “Người Trung Quốc sẽ đến cùng với những người Cộng sản”, một người nào đó nói, “và chúng tôi biết rất rõ những người này, vì họ đã có lần đô hộ chúng tôi cả ngàn năm. Họ tàn bạo vô cùng. Chúng tôi rất sợ họ!”
Và: “Ở miền Bắc Việt Nam, chùa bị đóng cửa và người dân không còn được phép tụng niệm ở đó nữa. Những người Phật giáo làm chính trị ở đây trong miền Nam rất ngu ngốc, vì họ muốn giật lấy quyền lực về cho mình. Họ không thể đương đầu được với người Cộng sản. Cả ở miền Bắc, họ cũng đã làm việc cho Việt Minh, bây giờ thì họ bị đàn áp. Tôi có nghe được về một người họ hàng vẫn còn sống ở miền Bắc Việt Nam, và bị chính con trai của mình tố cáo tại những người Cộng sản.”
Tôi không phải là người quyết định về sự đúng đắn của những lời nói đó, nhưng chúng có thật. Có nhiều khả năng họ có được thông tin của họ từ họ hàng xa ở miền Bắc hơn là từ báo chí, và rõ ràng là họ tin rằng một chế độ Cộng sản là một mối đe dọa cho sự tự do tín ngưỡng và tự do cá nhân của họ và cũng có nghĩa là đạo đức gia đình sẽ sụp đổ. Tường thuật từ Trung Quốc, như từ quyển sách ‘Der begeisterte Selbstmord’ [Hân hoan tự sát] của nhà truyền giáo từ vùng Flanders Dries van Coillie, để cho người ta tin rằng những nỗi lo ngại đó là có lý do.
Sinh viên quyên tiền cho Việt Cộng trước nhà ăn của các trường đại học Tây Đức. Cả việc đó có thể là một hành động tượng trưng, biểu hiện thái độ chống đối của họ đối với những người cầm quyền. Tôi không biết là họ muốn đưa những đồng tiền của họ cho Việt Cộng sâu trong rừng rậm và ở đồng ruộng Nam Việt Nam như thế nào. Mặc dù vậy, đối với tôi, điều đó là một phương án hết sức mơ mộng của một biểu tượng.
Người Mỹ công khai thừa nhận, rằng mười lăm phần trăm vật liệu mà họ chở đến Việt Nam đã biến mất trước khi nó đến nơi nhận. Không chính thức, người ta nói đó là hai mươi lăm phần trăm. Đó là nguồn vốn được đưa cho người dân Việt Nam; những người chủ thuyền, công nhân vận tải, lái buôn và đại gia đình của họ sống nhờ vào đó, và tất cả họ, người ta nói thế, đều trả thuế cho Việt Cộng. Tức là Việt Cộng hầu như không phải lo lắng gì về tài chính cả. Vì đối với sự tưởng tượng ở châu Âu thì chi phí vật chất của người Mỹ ở Việt Nam là không thể hiểu được; nó phá vỡ tất cả các khuôn khổ mà người châu Âu chúng ta quen suy nghĩ ở trong đó. Và hai mươi lăm phần trăm từ những cái đó có thể nuôi sống được rất nhiều người, những người đã quen với các yêu cầu vật chất khiêm nhường của họ.
Tất nhiên đó là một lời quả quyết, rằng thuế cũng được trả cho Việt Cộng ngay cả trong những vùng do chính phủ kiểm soát; vì không ai có thể chứng minh được điều đó. Mặc dầu vậy, nó được tất cả mọi người chấp nhận như là một sự việc có thật. Ai đi ngang qua một nhà hàng hay một quán cà phê có người Mỹ tới lui trong đó và cửa sổ của chúng không được bảo vệ chống ám sát bằng lưới sắt, người đó chỉ nhận xét một cách khô khan: “Chủ tiệm này cũng trả tiền cho Việt Cộng, để họ để không động đến quán của ông ấy.”
Khi một thành viên của Quốc Hội, một người đàn ông cương trực không đảng phái, bị bắn chết trên đường phố vào một buổi sáng, một thành viên rất cao cấp của chính phủ nhún vai trả lời cho câu hỏi của tôi, liệu đó có phải là một vụ ám sát của Việt Cộng hay không:
“Ai mà biết được? Vụ đó cũng có thể là do một nhóm khác xếp đặt. Ở Việt Nam thì không thể dễ dàng giải thích được tất cả mọi việc đâu.”
Cabot–Lodge, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam mà tôi đã có nhiều dịp để thán phục khả năng tự kiềm chế một cách khôn khéo và tính kỷ luật lạnh lùng của ông, được cho rằng đã nói với một nhà báo:
“Nếu như anh tin là anh đã hiểu được điều gì đó về Việt Nam thì tôi có thể bảo đảm với anh rằng anh ở chưa đủ lâu trong đất nước này đâu.”
Ghi chép lại những gì mà tôi nhìn, nghe và trải qua trong gần một năm ở Việt Nam không thể là một quyển sách về Việt Nam. Nó không gì khác hơn là một tường thuật về những trải nghiệm và phản ánh của tôi, vì tôi ở Việt Nam để làm việc cho những người đang phải chịu cơ cực: giúp chữa lành bệnh cho các bệnh nhân, vì bác sĩ đang được cần đến trong đất nước này.
Đối với hàng ngàn người tỵ nạn và người nghèo, đối với những người nông dân, quân nhân, ngư dân, tiểu thương, những cô gái đứng đường, những người vợ góa và hàng ngàn đứa trẻ mồ côi cha mẹ, nạn nhân của cuộc chiến tranh này, thì việc ai tiến hành chiến tranh với ai trong đất nước của họ là việc họ hoàn toàn không quan tâm đến. Rằng đang có chiến tranh và họ không có khả năng để trốn thoát được nó, đó là một thực tế và là điều không thể tránh né được. Từ hàng ngàn năm nay, họ dạy cho con cái của họ phải kiên nhẫn, không được bộc lộ sự bực dọc. Họ dường như cũng chấp nhận sự khốn cùng, sự suy tàn của đất nước họ, những căn bệnh và những vết thương. Họ âm thầm chịu đựng, và họ lặng lẽ qua đời. Đối với những người này thì cái chết còn chưa trở thành đối thủ của cuộc sống; sinh, sống và chết là một đơn thể, thuộc vào nhau.
Tất cả họ đều gọi chiếc tàu bệnh viện là biểu dương chính trị, cử chỉ đoàn kết, sự tham gia chiến tranh của nước Đức, những người cho rằng phải bút chiến về việc đó. Đối diện với những gì mà chúng tôi, những người làm việc trên con tàu bệnh viện, nhìn thấy ở Việt Nam, thì những câu từ khẩu hiệu đó đối với chúng tôi nghe thật trống rỗng. Trước không biết bao nhiêu là người bệnh, người bị thương, người khốn cùng trong đất nước này thì thích hợp hơn là nên im lặng và làm việc. Điều đó có thể được tiến hành một cách càng chuyên nghiệp thì càng tốt. Ngoài việc giúp đỡ họ ra thì, theo các thước đo và tiêu chuẩn được trích dẫn tại mỗi một cơ hội của chúng ta, còn gì là đúng hơn và dễ hiểu hơn cho một hoạt động vì người nghèo, người khốn cùng, người bệnh và vì những người đã mất đất nước của họ và đã mất gốc rễ; và là với tất cả những phương tiện kỹ thuật đã nhận được nhiều khen ngợi của chúng ta?

Nguyễn T Bình - Lầm đường lạc lối


Trong Đoàn kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc hồi trước có ông Minh Trị, sau 1975 về Nam trở thành đạo diễn, phó Phòng sân khấu, Sở VHTT.TpHCM. Năm 1978, nhiều lần được mời nói chuyện về sân khấu tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ VHTT, lần nào cũng như lần nào, ông Minh Trị đều mở đầu bằng câu chuyện ngắn mà theo ông là “có thật” và “đầy kịch tính”.

Lời ông Minh Trị kể chuyện ngắn ấy tóm tắt như vầy. Hồi chiến tranh giữa “mình” và “ngụy”, anh em “đằng mình”mỗi lần hành quân vượt lộ 4 rất gian nan, nguy hiểm. Lộ 4 là con lộ lớn huyết mạch nối từ Sài Gòn đi các tỉnh Tây Nam Bộ. Dọc con lộ này, lính “ngụy” đóng đồn chi chít. Ban đêm chiến xa tụi nó chạy qua chạy lại liên miên. Anh em “đằng mình” muốn vượt lộ phải tính toán kỹ từng chút một, sơ sẩy cái coi như tiêu dên cả đám.

Tối đó, anh em “đằng mình” nghĩ ra cách ém quân dọc lộ, sát cái chòi canh bằng sắt cao đâu gần chục thước để bớt bị địch chú ý. Trên chòi canh có thằng “ngụy” thủ cây đại liên 60 đứng gác, cộng thêm cái đèn pha sáng quắc chỉ mở khi cần tìm kiếm mục tiêu. Cái chòi canh ở cùng một bên đường anh em “đằng mình” đang ém quân dưới ruộng, hướng Nam. Trước khi tập thể vượt lộ, một đồng chí "đằng mình" được phân công mang theo cái loa pin, bí mật bò vòng lên hướng Bắc, phía trên cái chòi canh, phát loa “chiêu hồi” để đánh lạc hướng địch.

Nào ngờ đồng chí mình vừa phát loa câu “chiêu hồi” ai cũng học thuộc lòng “Hởi anh em binh lính ngụy quyền Sài Gòn, anh em đã lầm đường lạc lối, hãy buông súng trở về với nhân dân”, lập tức giọng tên lính “ngụy” trên chòi canh đáp trả lanh lảnh trong đêm “Đ. mẹ tụi bây nói tụi tao lầm đường lạc lối mà tụi tao ở trên khô, còn tụi bây nói tụi bây đi đúng đường đúng lối mà tụi bây lội dưới xình”. Dứt câu, nó bật đèn pha quét tứ phía, đồng thời bóp cò cây đại liên khạc đạn cũng tứ phía. Trong đồn còi báo động hú lên nghe thấy sợ. Anh em “đằng mình” đành bung chạy tứ tán. Nghe nói chết bộn !

Kể tới đó ông Minh Trị dứt chuyện với câu kết gọn hơ “đó là một diễn biến có thật đầy kịch tính sân khấu”. Cả lớp ồ lên, vỗ tay. Đứng trên bục xi măng ông Minh Trị cười khoái chí, hai bàn tay xoa xoa vào nhau. Rồi ông hắng giọng “thôi các bạn giữ yên lặng, tôi bắt đầu vào phần chính buổi nói chuyện về sân khấu”.

Mấy chục năm đã trôi qua, tôi không biết vì sao ông Minh Trị kể chuyện như vậy trong không khí chiến thắng đang hừng hực, cũng như tôi không còn nhớ gì cái phần chính buổi nói chuyện về sân khấu ngày ấy. Nhưng cái phần phụ mở đầu buổi nói chuyện thì tôi còn nhớ như in. Nhớ theo nhiều hướng khác nhau, trong ý thức cập nhật, so sánh từng ngày, từng tháng, từng năm theo thói quen đời thường.

Coi bộ cái sự “lầm đường lạc lối” diễn ra trên đất nước mình trong hơn nữa thế kỷ qua không phải ai cũng dễ dàng nhận biết, phân biệt và đi đến thống nhất trong sự vạch trần, đối phó một khi kẻ “lầm đường lạc lối” lại chính là kẻ không ngừng ra sức độc thoại suốt từ năm này qua tháng nọ rằng “ta luôn đi đúng đường đúng lối” kèm theo hàng loạt kế sách, thủ đoạn từ cao đạo nhất đến thấp đạo nhất.

Cả một bộ máy tuyên huấn, tuyên giáo, truyền thông đồ sộ được nuôi dưỡng, trả lương chuyên suy nghĩ, nói năng, viết lách dưới danh nghĩa “tiếng nói của nhân dân”, nhưng khi nhân dân nghe được hoặc đọc thấy thì nổi quạu, cho đó là giả danh, nói lấy được. Nhân dân nào lại xuẩn tới mức đồng tình với những chủ trương, đường lối, luật pháp bóp nghẹt sự sống tự do dân chủ của mình, biến đất đai được tạo lập bởi chính công sức bao năm của mình thành “tài sản thuộc sở hữu toàn dân” do một nhóm phe đảng đại diện quản lý và tùy nghi quyết định ?

Cuộc đối đáp “đầy kịch tính” giữa hai người lính khác chiến tuyến năm xưa cho thấy một bên nói như cái máy bất chấp thực tế, một bên đáp trả rất chủ động dựa vào thực tế. Sao hồi đó người ta không dạy phải nói cho đầy đủ, trung thực “Hởi anh em binh lính ngụy quyền Sài Gòn, anh em đã lầm đường lạc lối, hãy buông súng trở về với Đảng và nhân dân” nhỉ ?

Giống như sau này người ta cứ cố gán ghép bằng được “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, trong khi trong thực tế tuy kiến thức cao thấp khác nhau, nhưng số đông người dân hể nghe thấy bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” hoặc “xã hội chủ nghĩa” đều hiểu đó là “đấu tranh giai cấp”, đó là “cải cách ruộng đất”, đó là “cải tạo tư sản”, đó là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” – nhưng thực tế không hề được làm chủ gì cả. Toàn những từ ngữ rùng rợn, nhắc nhớ bao sự việc khó tin nhưng có thật, đã diễn ra. Nói chung bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” có giá trị, hay ho ở đâu không biết, nhưng chắc chắn và dứt khoát nó không phải là mong muốn của người dân Việt Nam – trừ những người bị mắc chứng hoang tưởng, không còn khả năng phân biệt đúng sai, phải trái và nhất là không còn biết mắc cở khi nói láo, nói sạo, nói dối, nói dóc, nói điêu…

Quả đúng là bộ máy tuyên huấn, tuyên truyền, tuyên giáo phía “đằng mình” theo cách nói của ông Minh Trị đáng sợ thật. Nó đã ít nhiều làm cho không ít bậc cao niên khát khao đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất từng đích thực là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, dần dần trở thành những trợ thủ tinh thần đắc lực trực tiếp hoặc gián tiếp cho đường lối, chính sách kềm kẹp, triệt tiêu sự tự chủ tự do của người dân và thậm chí khiến các bậc cao niên ấy vô tình ủng hộ cả những con người cụ thể cha truyền con nối ngự trị trên đầu nhân dân.

Chẳng lẽ những bậc cao niên ấy không biết sau khi Liên Xô – thành trì của XHCN và một loạt quốc gia đàn em ở Đông Âu sụp đổ tanh bành té bẹ khắp thế giới đều đã biết cụ thể, đầy đủ nguyên nhân của sự sụp đổ dây chuyền này chủ yếu do hàng ngủ lãnh đạo các nước XHCN ấy đã “nói một đường làm một nẻo” với nhân dân, sau khi dành được chiến thắng rồi thì lập tức biến nhân dân thành công cụ, phương tiện phục vụ “một bộ phận từ nhỏ tiến dần lên không nhỏ” cầm quyền cai trị dân rất ư là “ba rọi” – trái với lẽ phải, lẽ đời, đạo lý truyền thống, ước muốn chân chính của người dân và xu hướng phát triển chung của nhân loại ?

Năm 1997, trong chuyến đi một mình tới Mỹ lần đầu tiên kiểu “dế mèn phiêu lưu”, tôi tình cờ quen ông già chủ tiệm đồng hồ người Mỹ gốc Pháp đang ở trong ngôi biệt thự dễ thương ven bờ biển ở California. Ông hỏi tôi có phải là Vi Xi không, tôi trả lời ngắn gọn tôi là người Việt Nam. Ông nheo nheo mắt nhìn tôi cười cười, rồi chỉ bộ bàn ghế mây kê trước hiên nhà đầy hoa mời tôi ngồi. Ông vào nhà mang ra một bộ ấm tách trà, bình nấu nước sôi và một bao thư to dày cộp. Ông nói “người Việt Nam rất thích uống trà”. Tôi nói “bây giờ khác rồi, nhiều người Việt Nam khoái uống bia hơn uống trà”.Ông nghe, nhún vai. Bỗng, ông nói “tao cho mày xem 2 tấm hình này”. Ông lựa lựa rút từ trong cái bao thư lớn ra 2 tấm hình đen trắng chụp lại trên báo. Một tấm là hình Hồ Chí Minh mặc đồ bộ đội, đội nón cối, hai ống quần xắn cao, đang cùng nhiều người dân tát nước bằng cái gầu dây. Tấm còn lại là hình Ngô Đình Diệm mặc bộ vest màu trắng, thắt cà vạt, đầu đội mũ phớt, đang ngồi chễm chệ trên cái kiệu do 4 người lính khiêng. Ông già chỉ vào tấm hình Hồ Chí Minh nói “rất lâu rồi tao đã khẳng định (phe) ông này sẽ thắng”, rồi ông chỉ qua tấm hình Ngô Đình Diệm, nói tiếp “còn (phe) ông này sẽ thua”.

Tôi chưa kịp hỏi cho kỹ lý do vì sao có sự khẳng định vậy, ông già lôi tiếp trong cái bao thư lớn ra một tập photocopy các bài báo viết về Việt Nam sau 1975 bằng tiếng Anh. Tôi chưa kịp đọc, chỉ mới nhìn lướt qua tập bài báo này, ông già vội nói một hơi : “Nhưng bây giờ khác rồi, sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, phe thắng đã đi dần đến thất bại, vì đường lối, chính sách cai trị không hợp lòng dân. Nước Việt Nam từng bị nước Tàu đô hộ tổng cộng 1000 năm, bị nô lệ nước Pháp gần 100 năm, bị Mỹ can thiệp quân sự trong cuộc chiến ý thức hệ 20 năm và gần đây nhất đã bị Tàu chiếm mất quầng đảo Hoàng Sa, nhưng tao không hiểu sao ở VN nhiều năm qua người ta chỉ tuyên truyền thù Mỹ, chứ không tuyên truyền thù Tàu. Theo tao nghĩ, xét mọi phương diện, 20 năm đâu bằng 100 năm, càng không là gì so với 1000 năm…”

Dù muốn hay không, đánh giá của ông già chủ tiệm đồng hồ người Mỹ gốc Pháp cũng nằm trong đánh giá chung của số đông người Việt Nam yêu chuộng sự thật, độc lập, tự do, dân chủ. Chẳng ai muốn sống cảnh sống “xác mình hồn người”. Càng không thể chấp nhận trong ngôi nhà Việt Nam thân yêu của mình cứ lù lù mãi cái bàn thờ thờ hai ông tổ ác đã sụm bà chè toàn diện từ lâu, một ông gốc Đức tên Karl Marx, một ông gốc Nga tên Lê nin, thêm thằng láng giềng cùng một giuộc có tên gọi “Red China” quanh năm suốt tháng toàn sống trong toan tính bành trướng, xâm hại nhà cửa, sinh mạng hàng xóm. Cả ba đều là ngoại bang, ngoại lai.

Cụ thể thằng “Red China” đã ngang nhiên chiếm quầng đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các chế độ phong kiến bị cho là theo đuôi thực dân trước 1945 và cả chế độ VNCH bị cho là tay sai đế quốc trước 1975 đã thay nhau trấn giữ, oanh liệt bảo vệ tới cùng chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với hai quầng đảo này, trên pháp lý cũng như trên thực tế - đúng như tường thuật của thượng sĩ nhất QĐVNCH Lữ Công Bảy trên báo Tuổi Trẻ cách đây vài năm. Vậy, chế độ nào đã khiến Hoàng Sa lọt hẳn vào tay “Red China” và Trường Sa đang trong số phận bấp bênh không biết lúc nào sẽ mất hoàn toàn vào tay bọn “Red China” ?

Có phải đó là cái chế độ của nhóm người hiện chiếm 4% dân số Việt Nam lúc nào cũng công kích, lên án và kết án người khác “lầm đường lạc lối”, trong khi rõ ràng mình đã và đang “lầm đường lạc lối” khiến chủ quyền đất nước bị xâm hại, “rừng vàng biển bạc” của đất nước xác xơ chẳng còn gì, nền tảng đạo lý truyền thống bị phá vở, kinh tế trồi sụt bấp bênh, hệ thống giáo dục, y tế bị lỗi toàn diện, cuộc sống người dân từ thành thị đến nông thôn luôn trong trạng thái phập phồng lo sợ bởi nhiều “ông trùm” có ba tăng và không có ba tăng xuất hiện ngang nhiên cả ban đêm lẫn ban ngày – ngay con chó cũng bị uy hiếp nói chi con người?

Thế giới có bao điều đáng học hỏi, làm theo để “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, sao không (chịu) học hỏi, làm theo, mà cứ cho là “không phù hợp với đặc điểm nước mình, dân mình”. Cụ thể không phù hợp chỗ nào, có phải chỗ dân mình chỉ cần nghèo không cần giàu, nước mình muốn yếu chứ không muốn mạnh, xã hội mình chỉ thích độc tài, bất công, lạc hậu chứ không thích dân chủ, công bằng, văn minh ? Nghĩ vậy thảo nào người dân ngày càng phẩn nộ, đất nước ngày càng xa lầy…
Nguyễn T Bình
  (Quê Choa)

Giới lãnh đạo Trung Quốc thích đọc những cuốn sách nào?

(GDVN) - 10 đầu sách được giới lãnh đạo nước này - Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thích đọc nhất cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về xu hướng tìm đọc và triết lý cầm quyền của giới lãnh đạo nước này.

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Bưu điện Hoa Nam ngày 27/9 đưa tin, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa cho biết Ủy ban Công đoàn khối các cơ quan trung ương Trung Quốc vừa bình chọn 10 đầu sách được giới lãnh đạo nước này - Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thích đọc nhất cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về xu hướng tìm đọc và triết lý cầm quyền của giới lãnh đạo nước này.

10 cuốn sách được bình chọn từ 103 đầu sách, chủ yếu là phi tiểu thuyết và được các quan chức cấp cao Trung Quốc tìm đọc trong 5 năm qua, nội dung tập trung về lịch sử Trung Quốc, kinh tế và chính trị.

Cuốn sách duy nhất của một tác giả nước ngoài lọt vào tốp 10 và xếp vị trí thứ 7 là cuốn "Thế giới phẳng" của nhà văn - nhà báo Mỹ Thomas Friedman tóm tắt lịch sử của thế kỷ 21, xuất bản năm 2005.

Trong số 10 cuốn được lãnh đạo Trung Quốc đọc nhiều nhất, cuốn sách xếp vị trí thứ 5 không viết về chủ đề nào liên quan đến Trung Quốc là cuốn "Sự thăng trầm của một siêu cường" của một nhóm tác giả Trung Quốc nghiên cứu về lịch sử Liên Xô và sự sụp đổ của nó.

Ông Tập Cận Bình năm nay khi phát biểu tại Trường Đảng trung ương đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đọc sách đối với cán bộ lãnh đạo và chỉ thị xây dựng mô hình một "chính đảng học tập".

Cũng từ cuối năm ngoái khi bắt đầu lên cầm quyền Tập Cận Bình đưa ra khái niệm "giấc mơ Trung Hoa" và ông thường xuyên nhắc đến nó và xem khái niệm này như một tiêu chí của đảng cầm quyền.

"Khổ nạn huy hoàng" xếp vị trí đầu tiên trong danh sách 10 cuốn được lãnh đạo Trung Quốc đọc nhiều nhất. Cuốn này do Kim Nhất Nam, một viên Thiếu tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược đại học Quốc phòng Trung Quốc biên soạn.

7 cuốn sách còn lại trong danh sách này gồm "30 năm biến động", "Tằng Quốc Phiên", "Cuộc đời đọc sách của Mao Trạch Đông", "Chuyên đề kinh tế Trung Quốc", "Lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc 1949 - 1978" tập 2, "Chấn động Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một quốc gia văn minh", "Quỹ tích của lịch sử: Tại sao đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm".

Hồng Thủy 

Trung Quốc muốn “gần gũi hơn” với Việt Nam

Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc vừa bày tỏ mong muốn “cải thiện toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam”.
Chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá QNg 96382 trên cabin hoang tàn bị tàu tuần Trung quốc bắn cháy ngày 20/3/2013 ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Đất Việt)

Đây là tin mới nhất do Tân Hoa Xã loan báo sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc gặp ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 26 tháng 9, 2013.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng, khi trao đổi với Ngoại trưởng Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố, Việt Nam và Trung Quốc là “láng giềng” và Trung Quốc “rất quan tâm tới mối quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam tạo ra các quan hệ cao cấp song phương gần gũi hơn, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, kiểm soát các vấn đề nhạy cảm, tăng cường hợp tác - phối hợp trong các vấn đề của khu vực và quốc tế, cũng như nâng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên mức cao hơn”.

Cách nay chừng mười ngày, trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc bày tỏ mong muốn “cải thiện toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam” để quan hệ hai bên “gần gũi hơn”, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi ông này đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam đã chính thức "đề nghị Nhật hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển”.

Ở cuộc gặp đó, Thủ tướng Việt Nam còn nhấn mạnh, ”Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản" và hy vọng bộ quốc phòng hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ”. Cả Nhật lẫn Việt Nam đều đang phải đối phó với các tuyên bố cũng như các hành động nhằm mở rộng yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trước sự gia tăng các tranh chấp trên biển, chính phủ Nhật khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có “cùng mối quan tâm”, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.

Gần đây, Nhật vừa tăng cường lực lượng hải quân, vừa đẩy mạnh việc yểm trợ các quốc gia Đông Nam Á đang trong tình trạng phải đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc như mình. Theo nhật báo Asahi Shimbun, Việt Nam là một trong tám quốc gia đề nghị Nhật hỗ trợ tàu tuần tiễu để bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.

Cũng theo tờ Asahi Shimbun, Thủ tướng Nhật “đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ tàu tuần tiễu cho Việt Nam”. Theo một thỏa thuận song phương giữa Việt Nam – Nhật hồi tháng 7 năm nay, Nhật cam kết sẽ viện trợ cho Việt Nam 10 “tàu tuần tiễu mới, loại 40 mét”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang tìm cách mở rộng “hợp tác về quốc phòng”, sau khi liên tục nhượng bộ nhưng vẫn tiếp tục bị Trung Quốc chèn ép và bị dân chúng Việt Nam chỉ trích bởi “nhu nhược, hèn yếu” đối với việc bảo vệ chủ quyền.

Ngoài những thỏa thuận với Nhật, Việt Nam còn cam kết “tăng cường hợp tác quốc phòng”, “cùng nhau phát triển khả năng quốc phòng” với Philippines và gia tăng thăm viếng, hội đàm, tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga.

Tháng trước, hai Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines và Việt Nam đã cùng “thảo luận về các vấn đề an ninh mà gần đây cả hai quốc gia cùng quan tâm, đặc biệt về tình hình biển Đông”.

Theo Phát ngôn nhân của Bộ quốc phòng Philippines, trao đổi về quốc phòng giữa Philippines với Việt Nam đang tiến triển tốt, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy quan hệ quân sự song phương hồi năm 2010.

Đặc biệt là trong tháng trước, lần đầu tiên, Việt Nam chính thức bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông tại Liên Hiệp Quốc.

Cũng trong tháng trước, các quốc gia ASEAN đã thông qua một thỏa thuận, theo đó sẽ cùng thúc đẩy Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC nhưng bất thành. Do các tranh chấp trên biển Đông càng ngày càng gay gắt, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông” (DOC).

Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.

Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.  Cho đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

Tại cuộc gặp ở Hua Hin, Thái Lan hồi tháng trước, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc khối ASEAN đã cùng cho rằng, cần phải đoàn kết để đạt được một COC với Trung Quốc. ASEAN sẽ phải có cùng một giọng. Sự đoàn kết không nhằm chống lại bên nào mà chỉ để dễ đối thoại với bên đó.
(Người Việt)

Các công ty công nghệ cao đua nhau vào Việt Nam

Các tập đoàn danh tiếng hàng đầu trên thế giới đang giúp Việt Nam biến đổi về nhiều mặt

BẮC NINH, Việt Nam – Việt Nam đang trở thành một trong những nước có cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng Galaxy lớn nhất của tập đoàn quốc tế Samsung. Thông tín viên James Hookway của tờ WSJ tìm hiểu làm thế nào mà tập đoàn điện tử khổng lồ Hàn Quốc hiện chiếm hơn 10 % kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đang giúp biến chuyển cuộc sống tại Hà Nội.
Samsung VN

Mở một nhà hàng Hàn Quốc giữa những cánh đồng lúa và vùng đất đầy đá vôi ở phía bắc Hà Nội có thể mang đến nhiều rủi ro nhưng quán của Lê Thị Huyền đang bùng nổ tại khu vực này.

Lý do? Samsung Electronics Co., tập đoàn điện tử Hàn Quốc, hiện đang đầu tư hàng tỷ USD vào các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng Galaxy tại Việt Nam. Các kỹ sư và nhà quản lý Hàn Quốc của Samsung công tác tại những khu vực này thèm những món ẩm thực mang hương vị quê nhà như bulgogi, bibimbap và một số đặc sản Hà Quốc khác.

Mỗi ngày, nhà hàng của cô Huyền luôn đông đảo khách hàng Hàn Quốc nhưng cũng có một số khách Việt Nam tò mò muốn thử các món tại đây.

“Samsung đã thực sự giúp cải thiện thu nhập ở đây”, cô Huyền – hiện 31 tuổi, người đã mở hai nhà hàng Hàn Quốc tại Bắc Ninh, nơi có cơ sở sản xuất Samsung. Hiện cô đang lên kế hoạch mở thêm một quán thứ ba trong vùng lân cận ở Thái Nguyên, nơi mà Samsung đang đầu từ xây dựng nhà máy sản xuất lên đến 2 tỷ USD – lớn nhất so với bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Samsung hiện chiếm hơn 10% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các tập đoàn điện tử khác LG Electronics Inc, Intel và Foxconn cũng đang đẩy mạnh đầu tư và giúp thúc đẩy sự phát triển tại quốc gia này giữa lúc các lô hàng điện thoại thông minh và các bộ phận máy tính bắt đầu vượt qua các mặt hàng xuất khẩu cà phê, may mặc và tôm cá.

Công ty tư vấn quốc tế McKinsey & Co cho biết cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền quản lý nền kinh tế trong khu vực công nghệ có thể mang lại một số lợi ích và con đường công nghiệp hóa có diễn ra nhanh hơn so với quá khứ, đặc biệt là trong các doanh nghiệp công nghệ cao nơi mà xu hướng mới đang nhanh chóng thiết lập nền tảng và bỏ cách đi tắt đón đầu. McKinsey viết trong một báo cáo rằng các công ty Nhật Bản phải mất 40 năm để đạt lên đỉnh của chuỗi giá trị toàn cầu trong khi các công ty Hàn Quốc chỉ mất 30 năm. Công ty Trung Quốc như Huawei đã đạt được điểm đỉnh tương tự trong 20 năm.

Deepak Mishra, kinh tế gia chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, lưu ý rằng một số chuyên gia “cho rằng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có lẽ đang ở trong giai đoạn mà Trung Quốc đã trải qua vào cuối thập niên 1990, khi khu vực công nghệ cao đột ngột phát triển và cất cánh”. Và việc này không chỉ ngừng lại ở các công nghệ phần cứng. Một số các công ty công nghệ vừa được thành lập đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nơi phát triển công nghệ phần mềm ở châu Á, trong khi các máy tính của học sinh trung học tại đây đang làm các kỹ sư của Tập đoàn Google ngây ngất.

Một số chuyên gia kinh tế nói rằng mặc dù các hiệu ứng về số lượng người lao động đang bắt đầu chuyển từ nông nghiệp sang công việc có mức thu nhập cao hơn nhưng tác động kinh tế ở tầm rộng lớn hơn hiện vẫn chưa rõ ràng. Samsung đã từ chối bình luận về bài viết này, và các nhà sản xuất khác cũng chủ yếu lắp ráp các sản phẩm từ các thành phần được thiết kế ở những nơi khác.

“Tôi không chắc chắn hiện nay Việt Nam có thực sự giúp gia tăng giá trị từ những công việc như thế này hay không”, Tim Condon – chuyên gia kinh tế của ING tại Singapore cho biết.

Các quan chức Việt Nam hiện nay thừa nhận những làn sóng đầu tư nước ngoài đã giúp giữ nền kinh tế vững chãi hơn sau khi bong bóng tín dụng bùng nổ hồi năm 2010, gây ra một loạt các hệ quả nghiêm trọng và khiến tiền đồng mất giá hơn 20%. Hiện nay họ [chính phủ] đang trải thảm đỏ để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các quan chức địa phương ở tỉnh Thái Nguyên đã trả giá cao hơn so với những tỉnh thành khác để thuyết phục Samsung xây dựng nhà máy thứ ba ở đó, cho phép tập đoàn này miễn thuế lên đến 16 năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc đến trọng tâm của Việt Nam là mời thêm các nhà đầu tư từ Nhật Bản và các nơi khác để giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ.

“Chúng tôi đang hướng tới những đầu tư mang tính chất lượng cao”, ông nói trong một văn bản trả lời cho các câu hỏi của WSJ.

Các công ty công nghệ mọc lên như nấm tại nước này cho thấy rằng sản xuất điện thoại thông minh có thể chỉ là một dấu hiệu của sự thay đổi rộng lớn hơn đối với lĩnh vực công nghệ đang phát triển tại Việt Nam – nơi mà độ tuổi trung bình trong số 92 triệu dân hiện đang ở tuổi 26.

Trong năm nay ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore đạt được số lượng các doanh nhân thành lập thành công các công ty công nghệ cao và sau đó bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo công ty Topica có trụ sở tại Hà Nội cho biết. Trong lĩnh vực game điện tử, công ty Emobi tại Hà Nội vừa đưa ra một trò chơi điện tử trên toàn thế giới dựa trên trận đánh đánh Điện Biên Phủ nổi tiếng của Hồ Chí Minh hồi năm 1954. Một số công ty còn làm tốt hơn nữa. FPT Software hiện là một trong 100 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ gia công phần mềm với doanh thu hàng năm lên hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số công ty khác không được thành công như thế. Điển hình là trang mạng truyền thông do chính phủ tài trợ nhằm thu hút người sử dụng từ Facebook đã không được nhiều người ủng hộ, và các công ty như Google và Yahoo đang phàn nàn rằng những hạn chế của chính phủ về những gì có thể và không thể nói trên mạng Internet đã góp phần làm suy yếu mức tăng trưởng thương mại điện tử trong nước. Hiện nay tại Việt Nam có đến 35 blogger đang bị tù tội, con số cao nhất trên thế giới chỉ đứng sau Trung Quốc.

Mặt khác, Việt Nam hiện đang tập trung đổi mới và nhiều trường học cũng đã bắt đầu giảng dạy về khoa học công nghệ, cho thấy con đường trước mặt vẫn còn nhiều dấu hiệu tốt.

Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm tại Google, gần đây đã đến thăm Việt Nam vào kỳ nghỉ và ngạc nhiên trước những kỹ năng công nghệ của các sinh viên khoa học công nghệ tại một trường ở Đà Nẵng. Theo Fraser thì học sinh lớp năm đã thực hiện được những điều ngang cấp độ của học sinh lớp 11 ở Hoa Kỳ, trong khi ông ước tính rằng khoảng một nửa số học sinh lớp 11 có thể vượt qua được bài trắc nghiệm của Google.

“Để nói tôi đã rất ấn tượng quả là một đánh giá thấp”, ông Fraser cho biết.

Ông đã dành một vài ngày nghỉ của ông để viết các phần mềm giáo dục mới toanh cho các trường học, và sau đó đến máy ATM rút đủ tiền để trang trải tiền lương hàng năm cho giáo viên khoa học công nghệ. Số tiền nói lên rất nhiều về sức hấp dẫn của Việt Nam: Chỉ có 1.200 USD.


James Hookway, WSJ
Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 
Nguyễn Anh Thư ở Hà Nội đã góp ý thêm về nội dung bài viết này.
 
(TCPT)

Vài nhận định sai lầm của Karl Marx về quan điểm của Adam Smith (II)

Karl Graf Ballestrem
Đ
ỗ Kim Thêm dịch, CTV Phía Trước

Li người dch: Karl Marx là mt nhà nghiên cu về lch s tư tưởng kinh tế. Dù uyên bác và làm vic nghiêm túc nhưng ông không tránh khi sai lm. C th là khi viết Tư Bản Lun, Marx không đ cp đến thành tích đóng góp của phong trào Khai Sáng Tô Cách Lan trong tiến trình thay đổi suy luận kinh tế ca châu Âu. Marx lit kê Adam Smith và David Ricardo vào chung mt hc phái, mà cả hai sng vào hai thời điểm và có ni dung kho hướng khác nhau. Marx còn hiu lm Smith là hc trò ca Ferguson. Nhưng quan trng nht là Marx có hai phê phán sai lạc về quan điểm ca Smith.
Thứ nhất, Marx đã quy kết Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư sản“. Là một giáo sư Đạo Đức học, Smith không hề đảm nhận vai trò này trong thực tế. Lý thuyết của Smith qua tác phm “S Thnh Vượng Cu Đất Nước” đào sâu hiện tượng xã hội trong bối cảnh “lịch sử tự nhiên của xã hội dân sự”. Smith luôn biện hộ cho một chính sách kinh tế có thể tác động đến tăng lương công nhân và hạ giá bán sản phẩm. Smith không hề bảo vệ quyền lợi của người giàu và quyền thế, mà ông còn công khai phê phán thái độ đàn áp công chúng giới lãnh đạo thủ cựu và lừa bịp của giới tư sản. Do đó, quy kết của Marx không dựa theo quan điểm xã hội của Smith.
Thứ hai, Marx xem lý thuyết giá trị và phân phối của Smith sai lầm, vì Smith không hiu chức năng của tiền tệ trong phân công lao động và trao đổi hàng hoá và Smith cũng không nắm bắt được quyền lực lao đng trong tiến trình sản xuất. Do không khám phá nguồn gốc tư bản thống trị xã hội, nên Smith không lý giải được tại sao của cải xã hội gia tăng mà có phân phối bất công.
Thực ra, Smith lập luận chiếm hữu trong xã hội dân sự có chức năng lao động của con người, nhưng cũng là thành quả của sử dụng bạo lực và lưà đảo. Phân phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải luôn luôn là nguồn gốc của giá trị và luật giá trị không tạo nên xã hội tư sản. Smith không giới hạn phân phối của cải xã hội chỉ có trong ba giai cấp điền chủ, s hữu chủ tư bản và lao động. Khi giải thích doanh lợi chỉ là do giá bán cao hơn giá trị hoặc là do lừa đảo quyết định, ý tưởng này là sai lầm, vì Smith cho là còn có nhiều yếu tố khác tác động. Smith giải thích doanh lợi là phần trích xuất từ giá trị sản xuất. Khi mọi người không vi phạm luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo đuổi quyền lợi riêng và có quyền mang tư bản vào đầu tư kinh tế để cạnh tranh với người khác theo cách của mình. Doanh lợi và điạ tô không những chỉ có chức năng tiền lương mà còn có chức năng giá cả. Do đó, Smith biện minh “hệ thống tự do tự nhiên” dựa trên lập luận hữu dụng nhằm phục vụ quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số quần chúng. 
Dù có nhận định sai lầm về Smith nhưng Tư Bản Luận của Marx vẫn còn có những giá trị giới hạn nhất định.
Nguyên tác Anh ngữ của bản dịch là “Karl Marx and Adam Smith: Critical Remarks About The Critique Of Political Economy” đăng trong: Contemporary Marxism, James J. O´Rourke et al.(eds.), 1984, D. Reidel Publishing Company, 21-38. Karl Graf Ballestrem (1937-2007), là Giáo sư Triết học và Chính trị học tại các Đại học Chicago, Notre-Dame (Hoa Kỳ), München và Eichstätt-Ingolstadt (Đức).
Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch và đưa chung các trích dẫn kinh điển và chú giải cuả tác giả vào cuối bản dịch
* * *
Lý Thuyết Giá Trị Và Phân Phối Của Adam Smith
Adam Smith-1Giới nghiên cứu Tư Bản Luận qua chiều hướng của Grundrisse thấy rằng phương pháp của Marx mất vài đặc điểm bí hiểm. Những nhận xét của Marx về phương pháp luận qua những công trình được ấn hành lúc sinh thời cũng không soi sáng nhiều hơn. Đề cương về khái niệm của thuyết duy vật lịch sử, như đã đưọc phác hoạ trong trong tựa đề nổi tiếng trong năm 1859 [i], dường như không có tác dụng trực tiếp trong việc phê phán kinh tế chính trị học. Nhận xét của Marx về thuyết biện chứng của Hegel và „ý định làm đảo ngược thuyết này lần nữa“ được đề cập trong hậu từ dành cho ấn bản Đức ngữ lần thứ hai của Quyển I Tư Bản Luận [ii]. Nhưng với nỗ lực giải thích thuyết duy vật biện chứng bằng cách quy chiếu vào vật lý và sinh vật học [iii], thì Marx lại làm mù mờ hơn về những điểm phương pháp luận trong khoa học xã hội phê phán.
Chúng ta có thể giải thích Tựa Đề của năm 1859 – đựợc xem như một trong những công trình xuất sắc của Marx – là một phác thảo chung về phương pháp khảo sát của Marx (hướng dẫn cho các nghiên cứu của ông). Một điều chắc đó không phải là một khuôn mẫu cho phương pháp trình bày của ông. Tư Bản Luận không xuất phát từ một phân tích về phương thức sản xuất đi trước chủ nghiã tư bản và của những động lực sản xuất nhằm đưa tới những hình thái sở hữu chủ tư bản để vạch ra thể chế và ý thức hệ của xã hội tư sản. Marx không chọn một phương thức trình bày theo cách liên tục như di truyền. Hiện nay các học giả nghiên cứu Marx đồng ý rằng chương đầu của Tư Bản Luận không đề cập tới thí dụ lịch sử của “những xã hội sản xuất hàng hóa đơn giản”. Càng rõ nét hơn khi công trình này không nỗ lực giải thích “thượng tầng kiến trúc” thông qua phân tích „nền tảng thực tế” của xã hội tư sản. Ngược lại, khi “phê phán về kinh tế chính trị học” việc khởi đầu là phân tích về những hình thức tiêu biểu của ý thức tư sản để chứng tỏ những  hạn chế và mâu thuẫn tất yếu.
Khoa học giữ một hình thức phê phán trong mức độ mà khoa học không những có thể giải thích được hiện tượng không trung thực trong ý nghiã thông thường, – một biểu hiện giả tạo của thực tại – những hình thức của ý thức sai lạc, nhưng nhờ vào cấu trúc của thực tại, mà khoa học còn giải thích được hiện tượng thể hiện tất yếu hình thức sai lạc đối với những người không có tinh thần phê phán.
Trong tư duy của giới tư sản, phê phán kinh tế chính trị học khởi đầu bằng cách phân tích các hiện tượng thể hiện như là một hình thức tư tưởng xãy ra thông thường [iv]. Hình thức tư tưởng này được hình thành và hệ thống hóa trong những phạm trù và luật pháp của kinh tế chính trị. “Thoạt tiên, sự thịnh vuợng của xã hội tư sản do tích lũy vô số hàng hoá, hàng hoá đơn sơ như điều kiện sống cơ bản” [v]. Chính thế mà phê phán bắt nguồn từ sự phân tích phạm trù hàng hoá (theo ý nghĩa của giá trị, lao động và tiền lương) và „quy luật giá trị” (hàng hoá được trao đổi tùy theo giá trị – giá trị được xác định bằng thời gian lao động trung bình cần thiết bỏ ra). Phê phán nhằm tiến hành chứng minh là đặc điểm của nền kinh tế tư bản, thí dụ như sản xuất tư bản, không thể lý giải dựa trên mức độ về „luân chuyển đơn giản của hàng hoá“ theo quy luật giá trị. 
Đồng hành với người có tiền và người chiếm hữu quyền lao động, chúng ta rời bỏ một lĩnh vực khá ồn ào trong một khoảng thời gian, nơi mà mọi chuyện xãy ra trên bình diện và được mọi người chú ý, và chúng ta cùng theo họ tới một điạ điểm sản xuất kín đáo…  Ở đây, chúng ta hiểu không những tư bản là gì mà còn hiểu nó được tạo ra như thế nào. Cuối cùng, chúng ta khám phá bí mật của sự sản xuất dư thừa. [vi]
Lý thuyết thặng dư giá trị giải thích bản chất của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghiã. Từ trên cơ sở này, phê phán có thể trở lại bình diện để lý giải về doanh lợi, tiền lương và hưu bổng – trước tiên trong tổng quát, sau đó trong điều kiện cụ thể của thời gian và cạnh tranh. Khởi đầu quyển III của Tư Bản Luận, chúng ta tìm thấy khẳng định sau đây:” Khi chúng tôi khởi thảo vấn đề trong sách này, thì việc tạo lập tư bản tiến hành tuần tự mà hình thức thể hiện trên bình diện xã hội, trong sự tương tác của các tư bản khác nhau khi cạnh tranh và trong tinh thần ý thức chung của các tác nhân sản xuất”.[vii]
„Biểu hiện“ là một phạm trù của ý thức: một cái gì đó chỉ thể hiện trong ý thức của chủ thể. Khi Marx phê phán và lý giải những biểu hiện trên bình diện xã hội tư sản, đôi khi ông đề cập tới “các hình thức trung bình của tư tưởng”, “ý thức chung của các tác nhân sản xuất”, hoặc là “những ý kiến thô bỉ của thương nhân tự do” [viii]. Tuy nhiên, đối tượng đặc biệt của Marx về phê phán không phải là ý thức của giới tư sản trung bình, nhưng là  của “những đại biểu khoa học của gia cấp tư sản”, đặc biệt là của “giới kinh điển của kinh tế chính trị học”. Trong phần bàn về tiền lương (Tư Bản Luận, Quyển I Chương 17) Marx chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa những lý thuyết kinh tế khoa học và ý thức của giới tư sản trung lưu.
Trên bình diện xã hội tư sản tiền lương công nhân là giá của lao động… Kinh tế chính trị cổ điển vay mượn phạm trù giá lao động trong ngôn ngữ của đời sống hàng ngày mà không phê bình sâu xa hơn, và chỉ đơn thuần đặt vấn đề là giá cả được quyết định như thế nào… Kinh tế chính trị cổ điển gần chạm đến mối quan hệ đích thực của vấn đề, tuy nhiên hầu như tránh trình bày vấn đề một cách có ý thức. Điều này làm vấn đề không dính vào da của giới tư sản. [ix]
Đối tượng đặc biệt mà Marx phê phán là những phạm trù và luật lệ của chủ nghĩa tư bản. Khi ta cho rằng vấn đề đã được trình bày trong kinh tế chính trị cổ điển thì dường như ta chỉ gặp trong quyển IV của Tư Bản Luận, mà chủ đề chính gọi là Lý Thuyết Về Thặng Dư Giá Trị mà những lý thuyết của các nhà kinh tế tư sản có đề cập đến khó khăn này trong chi tiết. Những thảo luận ngắn về các đề tài này có thể tìm ra trong phần lý thuyết của Tư Bản Luận (luôn ở trong phần chú thích) có thể được loại bỏ dễ dàng mà không gây ảnh hưởng đến các lập luận. Tuy thế, khi tham khảo lý thuyết về thặng dư giá trị như là một loại tư tưởng lịch sử không liên quan đến lý thuyết, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Điều này được trình bày trong phần đầu của quyển sách. [x] Trong phần thảo luận đào sâu về những lý thuyết kinh tế tư sản (lý thuyết XHCN và cộng sản không đưọc đề cập tới) [xi] thì ở đây chính là nơi mà Marx diễn đạt trọn vẹn lý thuyết thặng dư. Đầu tiên, Marx định đưa vấn đề „duyệt xét lịch sử“ vào trong phần lý thuyết phù hợp. Chỉ khi vấn đề được triển khai trong khuôn khổ này, Marx quyết định chuyển vấn đề thành một chuyên đề riêng biệt là “một sự tái lập trong hình thái lịch sử” của vấn đề mà nó được thảo luận và giải quyết trong các chương trước”. [xii]
Tiểu tựa của Tư Bản Luận không đề cập đến bất cứ phần đặc biệt nào của công trình. Toàn bộ công trình từ đầu đến cuối có nghĩa là “Phê phán về Kinh Tế Chính Trị Học”. Giữa quyển đầu và quyển chót của bộ sách chỉ có một sự khác biệt, phần đầu đúc kết trong trừu tượng – như phê phán của những phạm trù chủ yếu và luật lệ của xã hội tư sản khi nó thể hiện trong ý thức tư sản – phần cuối nỗ lực đúc kết trong cụ thể – như là một lối phê phán về các lý thuyết tư sản đặc biệt. Về cơ bản thì đối tượng phê bình trong từng trường hợp một là giống nhau: Marx giả định những lý thuyết này, dù có sự khác biệt và thay đổi trong viễn cảnh giữa thế kỷ XVII và XIX, được lập lại những đặc điểm chung của ý thức tư sản trong những mức độ sâu xa và phức tạp khác nhau. [xiii]
Trong tác phẩm Grundrise Marx nhấn mạnh nhiều lần là xã hội tư sản – không giống như xã hội chiếm hữu nô lệ của thời Thượng Cổ và xã hội phong kiến thời Trung Cổ – thể hiện như là hình thức hợp tác giữa những người sở hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Không một ai bị bắt buộc phải làm việc cho người khác, không một ai phải cho mà không nhận. Nhờ phân công lao động, mỗi người có thể tự chuyên môn hoá trong sản xuất một loại hàng đặc biệt – thông qua trao đổi tương đương – doanh lợi từ lao động của người khác[xiv]. Khi một người chiếm hữu bất kỳ loại gì, dù sản phẩm là công trình của mình hoặc là của người khác, đều có tự do chia phần sản phẩm và nhận phần tương đương. 
Ngay trong vận hành, tiến trình của trao đổi thể hiện trên bình diện của xã hội tư sản, mỗi người đều cho khi nhận và có nhận khi cho. Làm việc này hay việc khác, người ta phải có một cái gì… Vì thế mà tất cả các nhà kinh tế hiện đại tuyên bố lao động của riêng mình như là loại quyền tư hữu … và quyền sở hữu chủ của thành quả lao động được xem như là một suy đoán cơ bản của xã hội tư sản. [xv]
Nhưng đâu là bất công giữa giàu nghèo? Đâu là khốn cùng của gia cấp lao động trong xã hội tư sản? Những gì làm nhà kinh điển quan tâm phê phán kinh tế chính trị học – không giống như các nhà biện hộ hậu trào – khi họ không hề phủ nhận thực tế của nghèo đói và bất công, nhưng họ cũng không nỗ lực để lý giải vấn đề qua lười biếng và những yếu tố tâm lý và đạo đức tương tự. Họ chấp nhận nghèo đói và bất công là những hậu quả tất yếu của xã hội tư sản. Họ muốn lập luận chiếm hữu qua lao động và trao đổi những tương đương là những nguyên tắc hình thành xã hội. Lập luận này mang đến cho họ mâu thuẫn, Marx nói: “từ tất cả những nhà kinh tế học cổ điển cho đến Ricardo[xvi] đều lập luận là những nguyên tắc mà họ xem là tạo hình cho xã hội tư sản chỉ được thực hiện trong cổ thời trước khi quyền tư hữu thành hình. Khi họ cố lý giải sản xuất và phân phối trong xã hội tư sản, họ bị giao động khi chấp nhận sự thật thuộc về „quy luật giá trị” và quan hệ với các thế lực và gian xảo như là nguồn gốc của doanh thu và nguồn lợi. 
Theo Marx, những sai lầm và mâu thuẫn của hầu hết các nhà kinh tế tư sản là có thể hiểu được. Họ không có một phương cách trực tiếp để khám phá nguồn gốc bất công và thống trị trong xã hội mà những mối quan hệ xã hội một phần do kết quả của các hợp đồng giữa những cá nhân có tự do và bình đẳng, phần khác là do những mối quan hệ khách quan giữa những sản phẩm có giá trị đặc biệt. [xvii] Chỉ khi nào hiểu được chức năng của tiền tệ dựa trên phân công lao động và trao đổi hàng hoá; chỉ khi nào hiểu được sự thay đổi tất yếu của tiền thành tư bản; chỉ khi nào nhận xét được sự sử dụng đặc biệt của quyền lực lao động trong việc làm ra hàng hoá trong tiến trình sản xuất thì mới có thể lý giải được các của cải xã hội gia tăng mà phân phối lại bất công trong một hệ thống dựa trên trao đổi tương đương.
Trao đổi các tương đương này chỉ trên bình diện sản xuất dựa vào chiếm hữu lao động của người khác mà không có trao đổi hoặc trao đổi giả tạo. Hệ thống trao đổi này dựa trên tư bản làm cơ sở. Khi cơ sở này coi tư bản là một thành phần của hệ thống và tự thể hiện trên bình diện như một hệ thống độc lập, đó là biểu hiện đơn thuần nhưng là biểu hiện tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay ta không ngạc nhiên khi thấy hệ thống giá trị trao đổi … chúng tỏ như là những nền tảng tiềm tàng của chiếm hữu lao động người khác mà không có trao đổi, một sự tách biệt toàn diện giữa lao động và tư hữu. [xviii]
Để hiểu những gì Marx nói về lý thuyết giá trị và phân phối của Smith, ta cần nên quan tâm đến những điểm chủ yếu trong phê phán về kinh tế chính trị học. Dưới nhãn quan của Marx, Simth là một biểu tượng đặc biệt về những nhận thức và lầm lạc của kinh tế chính trị học cổ điển. Smith tạo được uy tín là người đầu tiên diễn đạt trong sáng về những điểm cơ bản của hệ thống kinh tế dựa trên phân công lao động và sản xuất hàng hoá. Smith không những chỉ phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi; mà còn nhận ra là không có bất kỳ một hình thức lao động đặc biệt nào khác mà chỉ có lao động tổng quát, một loại hình trừu tượng tạo nên giá trị hàng hoá. [xix] Chỉ dựa trên cơ sở của nhận thức này (“một bước tiến nhảy vọt”)[xx] giúp ta đạt đến quy luật tổng quát về giá trị. Và Marx cũng nỗ lực chứng minh là Smith luôn chấp nhận quy luật này được áp dụng trong những xã hội sản xuất hàng hoá. [xxi] Mặt khác, Smith lại phân tích mơ hồ về giá trị [xxii] và cũng không thể tin được là giữa nhà tư bản và người lao động có trao đổi tương đương xãy ra. Vì thế, Marx phủ nhận quy luật chung về giá trị ngự trị trong những xã hội tư bản (“quy luật tổng quát bị hủy ngay” [xxiii]) và đề xuất lĩnh vực áp dụng của luật này chỉ trong xã hội nguyên thủy hay trước thời của Smith. [xxiv]
Theo Marx, mâu thuẫn cơ bản của Smith trong lý thuyết giá trị và phân phối gồm có việc Smith giả định về luật giá trị là một nguyên tắc hình thành xã hội tư sản. Trong khi xã hội sản xuất hàng hoá không quy định mối quan hệ hợp tác, mà thực ra mối quan hệ này là nguồn gốc chủ yếu cho sự thịnh vượng xã hội.
Một công trình to lớn của Smith là ông… cảm thấy có một sư rạn nứt ở điểm này (trong mối quan hệ giữa tư bản và lao động) và luật giá trị thực sự bị hủy diệt trong kết qủa  … và cùng với tích lũy tư bản luật giá trị bị đảo lộn tạo bao nhiêu khó khăn. Đó chính là thế mạnh lý thuyết khi ông thấy được và nhấn mạnh điểm mâu thuẫn này. Nhưng đồng thời đó cũng là yếu điểm lý thuyết khi ông nghi ngờ quy luật tổng quát, ngay cả cho sự trao đổi đơn giản hàng hoá. Ông không hiểu mâu thuẫn xãy ra qua quyền lực lao động khi tự nó lại trở thành hàng hoá và giá trị sử dụng của loại hàng hoá đặt biệt này, – giá trị này không liên hệ đến giá trị trao đổi của nó – mà tự nó là một nguồn năng lực tạo nên giá trị trao đổi [xxv].
Trong những nhận xét sau đây tôi không có ý định chứng minh là lý thuyết về giá trị và phân phối của Smith là không sai lầm hay không mơ hồ. Ngược lại, tôi nghĩ Marx có lý khi chỉ rõ những điểm mơ hồ trong khái niệm về giá trị của Smith khi cáo buộc Smith là pha trộn hai vấn đề giá trị và phân phối. Tuy nhiên, tôi nghĩ Marx sai lầm khi giải thích những khó khăn của Smith như là kết quả của những mâu thuẫn cơ bản, thí dụ như một mặt thì lập luận là mối quan hệ trong xã hội tư sản tuân theo, mặt khác, lại không tuân theo quy luật giá trị. Nói một cách khác, Smith lập luận chiếm hữu trong xã hội tư sản là một chức năng của lao động của con người và trao đổi các tương đương, nhưng cũng là thành quả của bạo lực và lưà đảo. Smith không bao giờ nghĩ là luật gía trị tạo nên xã hội tư sản, hay nói theo thuật ngữ của Smith, “xã hội dân sự”. Smith cũng không hề đề xuất phân phối của cải trong ba giai cấp xã hội (điền chủ, sở hữu chủ tư bản và lao động) có liên hệ đến sự trao đổi các tương đương. Lý thuyết về phân phối trong xã hội dân sự của Smith có liên hệ đến những phân tích kinh tế về quyền lực và hầu như không liên hệ gì đến hư cấu về các sở hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Chính thế mà Smith không đủ thẩm quyền giải thích đối với người dựa vào quan điểm là xã hội tư sản thể hiện trên bình diện như “trong một vườn điạ đàng của quyền bẩm sinh con người”. [xxvi] Đối với suy nghĩ của Smith, không cần vuợt qua những hiện tượng để hiểu điều hiển nhiên: của cải xã hội bị phân chia bất công theo nguyên tắc ít có liên hệ đến những thoả thuận tự nguyện hoặc là số lượng lao động đóng góp của từng cá nhân. Để chứng minh điều này, tôi muốn tóm tắt vài khía cạnh trong lý thuyết của Smith về giá trị và phân phối.  
Các xã hội có khuynh hướng du nhập phân công lao động và trao đổi hàng hoá đều có lý do căn bản tại sao. Vấn đề cần phải nhận ra qua thực tế là bằng cách này người ta có thể tìm ra ưu thế trong các công trình của người khác và đạt được việc thoả mãn nhu cầu tối đa với ít nỗ lực hơn. Đó là lý do tại sao Smith định nghĩa giá trị trao đổi hàng hoá do số lượng lao động của người khác mà nó cho phép sở hữu chủ mua hay đặt hàng[xxvii]. Dĩ nhiên, ta có thể định nghiã là giá trị trao đổi của hàng hoá khi quy chiếu với số lượng của bất cứ loại hàng khác (thí dụ như vàng). Nhưng vì giá trị hàng hoá  thay đổi – kể cả giá trị của lao động tiền lương (đưọc tính bằng một giá) điểm quy chiếu ổn định duy nhất dường như là nỗ lực được tiết kiệm hoặc sự hữu dụng đạt được khi có thể ta đặt mua nhiều hơn thời gian lao động của người khác. [xxviii]
Tại sao một mặt hàng đặc biệt có một giá trị trao đổi đặc biệt? Tại sao cho phép người sở hữu chủ mua hoặc đặt hàng một số lượng nào đó về thời gian lao động của người khác (hoặc trực tiếp khi thuê dịch vụ hay lao động tiền lương; hoặc gián tiếp, khi đòi hỏi thời giờ cho sản xuất một loại hàng mơ ước)? Một câu trả lời khả dĩ – mà cũng là câu trả lời của Marx – như sau: bởi vì mặt hàng này tự nó biểu hiện (đòi hỏi để được sản xuất) cùng một số lượng thời gian lao động khi được đặt hàng. Nhưng đó không phải là điểm mà Smith nói. Trong suy nghĩ của Smith, lao động thể hiện trong hàng hoá chỉ bằng với lao động đặt mua mặt hàng này khi người sản xuất chính là người làm chủ phương tiện sản xuất, có nghĩa là, sản xuất có trước chiếm hữu đất đai và tích lũy tư bản, nếu nói theo phương diện lịch sử. Chỉ khi nào chúng ta suy đoán “tình trạng nguyên thủy của các sự vật tiếp tục, chúng ta có thể hình dung một xã hội mà „toàn bộ sản xuất lao động thuộc về giới lao động” và “các hàng hoá sản xuất do các số lượng lao động tương đương trao đổi một cách tự nhiên”.[xxix] Nhưng việc này xãy ra trong các xã hội dân sự, đất đai trở thành của sở hữu tư nhân và phương tiện sản xuất nằm trong tay của chủ tư bản, điền chủ và nhà tư bản đòi hỏi chia phần trong sản xuất và giá hàng phải tăng. Nói một cách khác, hàng hoá bán ra không phải chỉ có một mục tiêu duy nhất là đem lại thu nhập cho người lao động mà còn trả cho doanh lợi và điạ tô. Sở hữu chủ hàng hoá phải mua hàng hoặc đặt nhiều lao động hơn các mặt hàng thể hiện.  
Như Marx trình bày, quan điểm này bao hàm sự lầm lẫn giữa giá trị và phân phối, hoặc là hàng hoá khi bán, cần nhiều lao động hơn nó thể hiện, hoặc là người lao động nhận toàn bộ sản xuất hoặc phải chia phần với điền chủ (điạ tô) hoặc chia phần với chủ tư bản (doanh lợi). “Thực ra, phân phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải là nguồn của giá trị… Nếu không có sự chiếm hữu như vậy và công nhân nhận lương cho toàn bộ công trình sản xuất của mình, giá trị của hàng sản xuất không thay đổi, dù giá trị này không được chia cho điền chủ hay nhà tư bản”.[xxx] Hơn nữa, Marx nghĩ rằng giải thích doanh lợi chính là do giá bán cao hơn giá trị hoặc là do lừa đảo, ý tưởng này là ngây thơ. Ý tưởng này nhằm giải thích những doanh lợi đặc biệt, nhưng nếu tất cả mọi sở hữu chủ hàng hoá thưòng lừa đảo lẫn nhau, thì không ai có thể tạo doanh lợi theo kiểu này. Theo Marx, Smith sai lầm khi cố giải thích doanh lợi bằng cách phân thích sư trao đổi hay giao lưu hàng hoá, nhưng ông có lý – và hy vọng lý thuyết thặng dư của ông – khi ông mô tả doanh lợi như là phần trích xuất từ giá trị sản xuất của công nhân.[xxxi]
Dù Smith có lầm, lý do của sai lầm này có thể hiểu được. Smith muốn lập luận là doanh lợi với hai lý do – một mặt, những sở hữu chủ tư bản có thể đòi hỏi chia phần sản xuất, mặt khác họ muốn gây ảnh hưởng thị trường. Nói một các khác, doanh lợi có hai chức năng vửa tiền lương vừa giá cả. Không có lý do gì để tin là Smith sai lầm trong quan điểm này.
„Trong tinh trạng nguyên thủy của sự vật trước khi có chiếm hữu đất đai hay tích lũy tư bản, toàn thể sản xuất lao động thuộc về công nhân. Công nhân không chia phần cho điền chủ và người chủ. [xxxii] Trong những xã hội dân sự, thành quả lao động phải được phân chia bởi vì công nhân không còn làm chủ phương tiện sản xuất. Điền chủ và nhà tư bản chỉ đầu tư vào sản xuất khi nào ho kỳ vọng rằng có được chia phần trong sản xuất. Họ có thể được hưởng bao nhiêu trong toàn bộ sản xuất này không tùy thuộc vào họ có đóng góp vào trong phần lao động có hiệu qủa kinh tế hay không, ngay cả khi ít hơn trong tổng số của lao động. Doanh lợi „không tương ứng đối với số lượng, cực nhọc, hoặc mưu trí của loại lao động được suy đoán là bỏ ra để giám sát và điều khiển“.[xxxiii] Điều này càng hiển nhiên hơn trong trường hợp của địa tô. “Khi đất đai ở bất cứ nước nào trở thành thuộc quyền tư hữu, thì điền chủ, cũng giống như bất cứ người nào khác, họ chỉ muốn thu hoạch nơi mà họ không hề gieo, đòi hỏi địa tô đối với những sản xuất tự nhiên.[xxxiv]
Doanh lợi và tiền lương có khuynh hướng đi theo tỷ lệ nghịch: doanh lợi cao luôn nhờ vì có lương thấp, và ngược lại. “Lương cao cho lao động và doanh lợi cho chủ tư bản là… hai chuyện hiếm khi… đi liền nhau”.[xxxv] Số lượng chính xác của mỗi yếu tố này tùy thuộc vào điều kiện hợp đồng mà mỗi bên có quyền lợi đối nghịch nhau (một bên thắng thì có một bên thua) và quyền lực mổi bên không bình đẳng. Khi số lượng người chủ càng ít, họ càng tự tin và có nhiều ảnh hưởng trong chính trị, thì họ tất phải thắng thế hơn đối với công nhân. Họ thấy điều này khi luật cấm công nhân kết hợp, trong khi tự chính họ lại luôn luôn cấu kết trá hình nhưng bền bỉ và đồng nhất không tăng lương cho công nhân trên mức lương thực sự của họ. [xxxvi]
Tăng lương trên mức tối thiểu đòi hỏi phải tái sản xuất của giới lao động, việc này tùy thuộc các lực lượng của thị trường. Khi chủ tư bản chạy tìm doanh lợi dùng càng nhiều tư bản đầu tư, nhưng cạnh tranh lẫn nhau gây khuynh hướng tăng lương, giảm giá bán và giảm doanh lợi.[xxxvii] Dù chủ đầu tư kỳ vọng doanh thu tương ứng với mức đầu tư của mình, nhưng một hê thống cạnh tranh năng động có khuynh hướng xoá tan những kỳ vọng này. Tuy thế, nền kinh tế thịnh vượng và mở rộng là quyền lợi của đa số (công nhân và người tiêu thụ) nhưng không phải là quyền lợi của thương giới và các nhà chế biến.[xxxviii] Đó là lý do tại sao các phe nhóm này bằng mọi phương tiện cố tránh cạnh tranh và làm đảo ngược sự vận hành tự nhiên của thị trường: “Những người trong cùng một loai doanh nghiêp ít khi gặp nhau, kể cả cho việc ca ngợi nhau và đánh lạc hướng nhau, nhưng khi có luận đàm họ thường kết thúc bằng âm mưu chống lại công chúng, hoặc trù liệu chuyện tăng giá.“ [xxxix]
Dĩ nhiên, những chính sách hạn chế của chủ tư bản không tùy thuộc vào trường hợp nhân qủa. Như đã đề cập ở trên, những quyền lợi của họ được tìm thấy trong luật pháp và chính sách, thí dụ như luật huấn nghệ [xl], luật gia sản [xli], các biện pháp hổ trợ cho thị dân khi thương thảo với thôn dân [xlii], mánh khoé trong ngoại thương, phiêu lưu thuộc địa và gây chiến tranh [xliii] – điều mà Smith coi là cực kỳ tác hại cho nền kinh tế quốc gia, bởi vì họ có khuynh hướng loại bỏ cạnh tranh và tăng giá cũng như tăng doanh lợi trên mức thích hợp. [xliv] 
Tại sao Smith nghĩ rằng doanh lợi không chỉ có chức năng tiền lương mà còn có chức năng giá cả, điều này đã được minh chứng quá nhiều. Tương phản với hệ thống trọng thương, hệ thống tự do tự nhiên của Smith không còn cổ vũ quyền lợi của thương giới và nhà sản xuất: mọi người khi họ không vi phạm về luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo đuổi quyền lợi riêng theo cách của mình, và mang quyền lợi của mình vào kinh tế công nghiêp và tư bản để cạnh tranh với người khác [xlv]. Smith không hề đề xuất rằng hệ thống này cho phép bất cứ người nào chiếm hữu h àng hoá bằng phương tiện lao động của riêng mình hoặc là do trao đổi tương ứng. Các chủ sở hữu đất đai và tư bản sẽ chia phần trong sản xuất, không bởi vì bất cư lao động nào của họ nhưng vì họ có quyền đòi hỏi việc này. Doanh lợi cũng còn có chức năng tiền lương – nhưng không còn chức năng giá cả -. Giá cả có khuynh hướng thấp và lương tương đối cao. Chính thế mà “hệ thông tự do tự nhiên” được biện minh dựa trên lập luận hữu dụng: nó nhằm phục vụ quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số quần chúng. [xlvi]  
Khởi đầu tiểu luận này tôi đặt vấn đề là Marx có giải thích trung thực các kinh điển của khoa kinh tế chính trị học không. Đến đây thì ta đã rõ là quan điểm của Marx về Smith không phải là kết quả của một sự phân tích cẩn trọng về tư tưởng của Smith trong bối cảnh lịch sử và hệ thống. Marx đã xem Smith là  „đại biểu khoa học của giai cấp tư sản”, mà lý thuyết này thực ra không liên hệ gỉ đến lịch sử mà chỉ biện hộ, mặc dù – như đã minh chứng – đặc điểm lịch sử và phê phán của công trình Smith rất hiển nhiên. Dù những gì Marx nói, Smith không bị đánh lừa bởi bất cứ những biểu hiện công lý trong xã hội dân sự. Lý thuyết của Smith, dù mơ hồ và sai lầm trong một vài khía cạnh, nhưng không hàm chứa những mâu thuẫn căn bản như Marx đề ra. 
Trong tầm mức rộng lớn hơn, nhận xét của Marx về Smith là một kết cấu đòi hỏi do phưong pháp và những tiền đề của phê phán về khoa kinh tế chính trị học. “Trong biên niên sử kinh tế chính trị học, thời vàng son thanh bình ngự tri từ thuở xa xưa. Trong bất cứ thời nào thì quyền lợi luật đinh và „lao động“ cũng là phương tiện duy nhất đem lại thịnh vượng…”[xlvii] Khẳng định này thiếu tính thực tại trong kinh tế chính trị học của Smith, nhưng thể hiện được là tiền đề thích hợp cho lý thuyết của chủ nghĩa tư bản và được suy đoán là cùng lúc lại phê phán ý thức tư sản. 


[i] FN 8, 13, pp.7ff.
[ii] FN 8, 23, p. 27.
[iii] FN 8, 23, pp. 12, 26.
[iv] FN 8, 23, p. 564.
[v] FN 8, 13, p.15.
[vi] FN 8, 23, p.189.
[vii] FN 8, 25, p.33.
[viii] FN 8, 23, p.190.
[ix] FN 8, 23, p.257, 259.
[x] FN 8, 34, p.235.
[xi] FN 8, 26. p.230.
[xii] FN 8, 31, p.132.
[xiii] FN 8, 32, p.532.
[xiv] FN 12, p.903.
[xv] FN 12, p.903.
[xvi] FN 12 p.904.
[xvii] FN 8, 85, p. 89.
[xviii] FN 12, p. 409; FN 8, 23, pp. 161-191.
[xix] FN 2, 26. 2. p. 56.
[xx] FN 12 p. 54.
[xxi] FN 12, p. 56, 42.
[xxii] FN 12, p. 504.
[xxiii] FN 8, 26, 1, p. 43.
[xxiv] FN 12, 14, p. 44
[xxv] FN 12 26. 1 p. 59.
[xxvi] FN 12 23 p. 59.
[xxvii] FN 18 I, p. 5, 47.
[xxviii] FN 18 I p. 51.
[xxix] FN 18 I, 8, p. 52.
[xxx] FN 12. 26. 1, p. 65.
[xxxi] FN 12, 26. 1, p.50.
[xxxii] FN 18 I 3,p. 82.
[xxxiii] FN 18 I 3, p. 82.
[xxxiv] FN 18 I 6, p. 67.
[xxxv] FN 18 I 9, p. 109.
[xxxvi] FN 18 I 8 p. 84.
[xxxvii] FN 18 I 9 p.105.
[xxxviii] FN 18 I 11,p. 266. 
[xxxix] FN 18 I, 10, p. 145.
[xl] FN 18 I 10, p. 135.
[xli] FN 18 I 10, p.151.
[xlii] FN 18 I 10, p. 141, 376.
[xliii] FN 18 IV 7 p. 556.
[xliv] FN 18 I, 10, p. 132.
[xlv] FN 18 IV, 9, p. 867.
[xlvi] FN 18 IV, 7, p. 630.
[xlvii] FN 12 2, p. 230.

Đào Tuấn - Cấm “Đại gia” là đúng cmnr*

Chào anh- cô nhân viên (Khách sạn Eden) nói- Ở đây có một nguyên tắc, để bí mật danh tính và thân thể của các vị khách, chúng tôi sẽ cho bịt mắt của cô gái bán trinh. Đèn phòng sẽ giảm ánh sáng đến mức hai người không nhìn rõ mặt nhau và chúng tôi đề nghị trong quá trình quan hệ, hai người hạn chế trò chuyền để đề phòng nhận ra tiếng nói của vị khách…

…Người con gái bán trinh được dẫn vào phòng, cái cảm giác điên cuồng bùng cháy, cái bản năng dã thú trỗi dậy. Trong yên lặng lạ lung, bàn tay ông mân mê khắp người cô gái. Một cảm giác căng mẩy, mon mởn, tươi tắn làm ông nôn nao nhớ về cái cơ thể run bắn lên của vợ ông trong cái đêm tân hôn giờ đã thành xa lắc trong ký ức.

…Sự hưng phấn như những đợt sóng cuộn lên, ông bắt đầu đi vào cô gái. Người con gái oặn mình, rên rỉ và ông càng lúc càng tiến vào cô với tốc độ cao hơn. Khi sự điên cuồng đã lên tột đỉnh, khi khoái cảm đã làm con người bất chấp tất cả, người con gái bắt đầu đưa tay lên giật phắt mảnh băng đen trên mắt…

Cô bé rú lên một tiếng kinh dị. Một luồng điện chạy qua óc, một niềm kinh hãi hoang sơ, một mỗi đau đớn lạ thường khiến cô như trở nên mất trí….

Trần Anh cuối cùng cũng thoát khỏi cái cảm giác mụ mị trong do chìm đắm trong khoái lạc, để nhận ra một điều oan nghiệt khủng khiếp đang đến với mình. Vừa mặc lại quần áo, ông vừa lẩm bẩm “Yến Nhi, sao con lai có mặt ở đây?”

Đây là một đoạn trong phần 1 “Tam giác ngầm” của tiểu thuyết “Đại gia”. Bạn đừng để ý đến ngôn từ của cô nhân viên khách sạn Eden, thứ lời lẽ chính luận khô như ngói người ta chỉ dùng trong.,,nhà trường. Lại càng không nên để ý tới những từ ngữ mà tác giả dùng để mô tả cú phá trinh, nói thế nào nhỉ, Lê Kiều Như nhỡ đọc được chắc cười rớt răng.

Đoạn văn trên không phải dâm thư khiến Đại gia bị cấm, theo kiểu Sợi Xích. Bởi nếu bảo đây là “dâm thư”, thì quả thực đã xúc phạm nặng nề đến… dâm thư, dù hạng có lever tầm thế giới như Rừng Na Uy của Murakami Haruki, hay “đẳng cấp bãi rác” như Sợi Xích của Lê Kiều Như.

Yến Nhi là ai. Là một đứa “mặt mày non choẹt…tầm mười lăm, mười sáu, ngực đụn cao, da non, mắt nhỏ và dài, môi đỏ, ăn mặc sexy, hở rốn và đùi. Từ nhiều tháng nay, nó thi thoảng lại bỏ nhà đi theo bạn vào các động lắc, ăn uống, hút hít, và làm tình với nhau theo nhóm”.

Yến Nhi là cô gái bán trinh, dù là trinh giả.
Và quan trọng nhất, Yến Nhi là con gái Trần Anh.
Thế nào nhỉ. Mô típ kinh điển là cha “chơi” nhầm con gái.

Trần Anh là ai?

Trần Anh không phải là đại gia chân đất, mới bán đất ôm tải tiền đi mua hoa hậu, Nam Mê Kông chẳng hạn. Trần Anh cũng không phải là giám đốc công ty thoát nước lương gấp mười mấy lần thủ tướng.

Trần Anh, trong tiểu thuyết Đại gia, thuộc về giới quan chức, chính trị gia có thể một tay khuynh loát chính sách tài chính quốc gia, quyền nghiêng trời, tiền đông như quân Nguyên.

Nào, bây giờ bạn thử nghĩ xem, con gái một quan chức đông tiền, nhiều quyền như thế mà phải bán trinh, dù giả, để lấy tiền ăn chơi, thì có phải là tác giả của Đại gia đang xúc phạm đến các cô Cave Đồ Sơn lắm không!

Con quan hoặc có thể trở thành giám đốc ngân hàng, thành Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp nhà nước, thành thứ bộ trưởng, thành ủy viên dự khuyết…Cái này, trên thế giới đầy, trong cái gọi là truyền thống gia đình. Cái này ở Việt Nam cũng khối, đã được đúc kết trong thành ngữ dân gian cái gì “Con vua, con sãi”. Và hình như phải thành ông nọ bà kia thì mới là con quan.

Con quan cũng có thể thành chủ khách sạn, thành mafia chính trị, thậm chí thành “Đại ca họ Nghiên” (nặng)…Hậu quả của việc “lăn tăn băn khoăn vì quá nhiều tiền”. Nhưng thành gì thì thành, con quan không bao giờ thành anh lái xe ôm đầu đường, lại càng không thể xin lỗi, em chỉ là…

Trong công văn 2896, Cục Xuất bản có nói đến một sự “cường điệu quá mức”.

Với chi tiết con gái một quan chức tầm cỡ phải bán trinh để có tiền ăn chơi, không phải là cường điệu mà tác giả Thiên Sơn cho thấy anh chả hiểu mẹ gì về thực tế xã hội. Cấm là đúng cmnr.

Còn tam giác ngầm ư?
Rất nhiều Obama, toàn quyển, quyển.
Rất nhiều âm mưu, thanh lọc.

Còn “gái” thì bình quân ba chục trang thì có 3 cú f. Quan chức nhà ta hóa ra cũng khỏe.

Nhưng bảo “Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội”, thực ra cũng là oan cho Thiên Sơn.

Tam giác ngầm, trong “tam giác ngầm”, nếu có, thì đó chỉ là tam giác dưới đũng quần.
Note: Đây chỉ là một trong 7 lý do để thấy rằng nên cấm “Đại gia”. Và đây cũng là một trong 7 lý do để khẳng định chẳng có gì mà phải cấm. Bởi văn mà cũng phải phán ánh đúng hiện thực xã hội không cường điệu thì nên cấm tiệt văn để chỉ cần đọc sử.
Đào Tuấn

-----------------------
* Đúng cmnr: Đúng con mẹ nó rồi.
  (Blog Đào Tuấn)

Đốc-tờ Việt - Người Việt Nam trầm lặng


Tại Đức có một nhà hàng kỳ lạ. Ông chủ nhà hàng ra thông báo rằng:

“Ai có thể chịu đựng được những trò tinh quái mà nhà hàng bày ra thì sẽ được 1 tuần ăn miễn phí”.

Quả thật, quái chiêu câu khách này cực kỳ hiệu quả, và nhà hàng đã thu được những món hời lớn mà chưa phải bỏ ra bất kỳ bữa ăn miễn phí nào.

Ngày nọ, có một ông già người Việt Nam nhỏ bé bước vào nhà hàng. Nhân viên ở đây đón tiếp ông trên cả mức nhiệt tình, mời ông ngồi vào bàn hạng VIP với thái độ cực kỳ lịch thiệp, và rồi để ông chờ liền 4 tiếng đồng hồ.Thường thì các vị khách nước ngoài sẽ cáu giận, thậm chí sẵn sàng bỏ ra một món tiền nào đó để nhanh nhanh biến khỏi nơi này. Nhưng ông già Việt Nam thì khác, ông vẫn tươi tỉnh, gật gù theo tiếng nhạc, lại còn “ư ử” hát theo, khoái chí lắm. Cho đến khi chủ nhà hàng mất hết kiên nhẫn, đành phải cho nhân viên bê thức ăn ra.

Ông già Việt Nam gọi món tôm hùm, nhân viên bưng ra 2 con tép xíu xiu trên một cái đĩa to gần bằng cái mâm. Gọi món salad thì toàn là rau, củ không tươi bỏ lổn nhổn trong một cái tô sành rưới đầy tương ớt gần hết hạn. Ông chủ nhà hàng những tưởng sẽ làm ông già người Việt phát khùng lên. Nhưng không, ông già vẫn bình thản ăn ngon lành. Giật mình về sức chịu đựng kỳ diệu của ông già người Việt, ông chủ nhà hàng quyết định sử dụng tuyệt chiêu thứ ba. Ông già người Việt đang ngồi ăn bình thường, bỗng cái ghế lắc lư rồi sụp xuống, mũi ông đập vào thành bàn đau điếng, còn cái bàn tự nhiên nghiêng qua nghiêng lại đổ hết cả nước vào người ông. Cứ như vậy đến gần 10 phút. Ông chủ nhà hàng xoa tay đắc ý, chắc mẩm rằng ông già người Việt sẽ nhanh chóng nổi điên lên, không thì cũng xám cả mặt mày mà chịu thua. Nhưng khi bàn ghế dừng lại, cả ông chủ lẫn nhân viên nhà hàng tròn xoe mắt, há hốc miệng ngạc nhiên: Trên ghế, ông già bé nhỏ vẫn ngang nhiên hút thuốc, mặt không hề mảy may suy suyển.

Quá choáng trước khả năng chịu đựng phi thường của ông già, ông chủ nhà hàng đích thân mang hóa đơn đến trao tận tay cho người hùng vĩ đại, trong thâm tâm hi vọng với số tiền khổng lồ này, sẽ làm ông già nhảy dựng lên, nhưng không, ông già người Việt mỉm cười ý nhị, rút hầu bao ra trả rồi lịch sự bước ra khỏi nhà hàng. Đến nước này thì ông chủ nhà hàng đành cúi rạp mình chịu thua và tặng 1 tuần ăn miễn phí cho ông già người Việt. Câu chuyện này nổi tiếng đến mức một hãng truyền hình danh tiếng đã làm hẳn cả sê-ri phim về ông già người Việt.

Trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên hỏi lý do vì sao ông có sức chịu đựng diệu kỳ đến như vậy; ông già cười hỉ hả, xoa tay, trả lời:

Chỉ cần các bạn tới Việt Nam thì biết. Hằng năm, vào dịp giáp Tết, ra ga chờ mua vé tàu, chen chúc ngột ngạt hàng mấy ngày trời mới mua được một cái vé, so với trong nhà hàng có máy hát, có ghế ngồi, có điều hòa nhiệt độ, cho tôi ngồi 4 tiếng chứ 40 tiếng tôi cũng ngồi được.Còn mấy cái chuyện gọi tôm mang tép ở Việt Nam là chuyện thường ngày. Rau ở đây không tươi, nhưng còn an toàn hơn chán vạn lần ở quê tôi. Thế nên, tôi ăn ngon lành lắm, ăn không cần suy nghĩ gì cả. Đang ăn mà bàn ghế trồi lên hụp xuống thì có khác gì đi xe trên quốc lộ, thậm chí ở đây êm và thú vị hơn. Còn có một chuyện tôi muốn nhắn nhủ ông chủ nhà hàng là “máy chém” ở chỗ các ông còn non tay lắm. Các ông phải sang Việt Nam, đến thăm chùa Hương ở Hà Tây vào mùa lễ hội ấy, các ông sẽ được tận mắt chứng kiến những cái “máy chém” chính hiệu để mà học tập...

Nghe ông già người Việt nói đến đâu, ông chủ và các nhân viên nhà hàng rùng mình đến đấy. Vừa rồi tôi có dịp sang Đức, định ghé vào nhà hàng kỳ lạ này kiếm ăn chút đỉnh. Nhưng vừa nhìn hộ chiếu, biết tôi là người Việt Nam, đám nhân viên cố sống cố chết ngăn cản không cho tôi vào bằng được.

Hình như, họ nể người Việt Nam mình lắm?
Đốc-tờ Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét