Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý: Đất đai thuộc sở hữu nhà nước là thượng phương bảo kiếm để chính quyền cưỡng chế giải tỏa di dời

Nhân sĩ-trí thức Việt ra Tuyên bố đòi cải cách chính trị



Hàng trăm trí thức Việt trong và ngoài nước ngày 23/9 ra Tuyên bố chung yêu cầu nhà nước cải cách thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, sửa đổi Hiến pháp, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân.
Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị được gửi tới các cơ quan lãnh đạo của đảng cộng sản và nhà nước và được công bố trên mạng xã hội nói thể chế toàn trị tại Việt Nam với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết điểm, quan liêu, và tham nhũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng cho đất nước về nhiều mặt từ năng lực phát triển tới kinh tế, môi trường, văn hóa, lòng tin nhân dân đối với bộ máy cầm quyền, và cả vấn đề chủ quyền đất nước trước họa xâm lăng từ Trung Quốc.
Tuyên bố nhấn mạnh giải pháp cơ bản cho những thử thách hiểm nghèo của đất nước và dân tộc là phải cải cách thể chế, dân chủ hóa đất nước để phát huy đoàn kết và sức mạnh dân tộc.
Các nhân sĩ-trí thức đồng ký tên trong Tuyên bố nói đảng cộng sản Việt Nam tự nhận vì nước, vì dân, phải có trách nhiệm chủ động thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, khởi đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp vốn bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản.
Tuyên bố nói rằng nếu bản Hiến pháp đang được sửa đổi vẫn tiếp tục duy trì thể chế toàn trị thì dân tộc Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả khôn lường, nỗi bất bình và thất vọng trong lòng dân càng gia tăng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế càng giảm sút.
Bản Tuyên bố yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân và đề nghị nhà cầm quyền trao đổi, tranh luận thẳng thắn với các ý kiến phản biện.
Tuyên bố cũng đồng thời lên án các biện pháp chính phủ Hà Nội áp dụng để ngăn cấm, trấn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm là vi hiến, đi ngược lại các Công ước đã ký với quốc tế, và “không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền”.
Tuyên bố hoan nghênh các kiến nghị công dân gần đây như Kiến nghị 72, Tuyên bố của Công dân Tự do, Tuyên bố phản đối điều luật 258 và khẳng định các biện pháp xây dựng ôn hòa, hợp pháp này thể hiện lòng yêu nước và khát vọng dân chủ của các tầng lớp nhân dân.
Trong Tuyên bố của mình, các nhân sĩ-trí thức cũng kêu gọi xây dựng một Diễn đàn Xã hội Dân sự nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị, thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển theo yêu cầu của một quốc gia dân chủ.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một trong những người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố, nói với VOA Việt ngữ:
“Xã hội dân sự là con đường của tương lai Việt Nam, không thể khác được. Một đất nước không có nền tảng dân sự và một nhà nước pháp quyền thì không thể tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh một nhà nước toàn trị như hiện nay. Khi đặt bút ký vào Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều trí thức, nhiều anh em khác luôn mang trên mình một hoài bão, một nguyện vọng là làm sao để đất nước tránh được những sự lộn xộn. Xã hội dân sự là nền tảng để xây dựng nền văn hóa cho dân tộc Việt trong tương lai chứ không phải một nền chính trị vọng ngoại hay một nền chính trị lộn xộn, đấu đá nội bộ lẫn nhau. Con đường của Việt Nam trong có thể là 15 hay 20 năm tới sẽ chỉ là vấn đề ‘xã hội dân sự’ để tạo ra sự đối trọng cần thiết đối với chính quyền, tác động, điều chỉnh chính sách và cả con người trong chính quyền như những gì xã hội các nước Bắc Âu đã làm được trong thế kỷ 20.”
Về hiệu quả mong đợi từ Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, báo Phạm Chí Dũng cho rằng:
“Tôi e rằng tính hiệu quả còn manh nha, chưa cao lắm trong buổi gần như là tiền đề, tiền thân của xã hội dân sự tại Việt Nam. Thật sự hiện nay tại Việt Nam chưa có xã hội dân sự. Muốn có xã hội dân sự, cần có những tổ chức dân sự. Muốn có những tổ chức dân sự cần phải có những nhóm dân sự. Những vấn đề đó ở Việt Nam còn rất manh nha. Cho nên, chủ đích của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Tuyên bố này, theo tôi, chỉ là những điều kiện đầu tiên tiền đề. Chúng ta cần phải có nhiều cố gắng tiếp theo để xây dựng không chỉ một Diễn đàn Xã hội Dân sự trên mạng mà còn là những Diễn đàn công khai truyền bá tư tưởng xã hội dân sự ở Việt Nam, sinh hoạt công khai. Như vậy mới có thể có hiệu quả được.”
Trong ngày công bố, Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị có chữ ký của 130 nhân sĩ, học giả, trí thức trong và ngoài nước. Trong số này có các nhân vật tên tuổi như Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu; ông Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM; ông Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM; ông Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động; Phó Giáo sư Phạm Khiêm Ích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Những người khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự nói họ mong được đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Tuyên bố này để thúc đẩy nền dân chủ và tiến bộ của đất nước.
Trà My
(VOA)

Phạm Chí Dũng - Ý nghĩa của Diễn đàn Xã hội Dân sự


Với Diễn đàn xã hội dân sự, người dân Việt Nam
có thêm một kênh để bàn luận các vấn đề của đất nước
Lần đầu tiên ở Việt Nam hình thành một diễn đàn chính thức, công khai và có tầm cỡ về chủ đề hoạt động dân sự được biết trước mắt với tên gọi “Diễn đàn Xã hội Dân sự”.
Nhóm khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự vẫn là những trí thức phản biện độc lập và quen thuộc như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh ở Hà Nội và Tương Lai ở Sài Gòn.
Diễn đàn ra đời sau khi “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được phổ biến vào đúng ngày “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” vang vọng thúc giục vào tháng 9 năm 1945.
Gần bảy chục năm sau “Ngày hăm ba”, “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được căn cứ vào điều 69 của Hiến pháp Việt Nam về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, và dựa theo Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký tham gia ngày 24/9 năm 1982.
Gần giống như tình hình nguy cấp của Tổ quốc vào năm 1945, thời gian gần đây đã nổi lên một số tính từ rất đáng lưu tâm đối với hiện tình dân tộc: “nguy kịch” được dư luận và công luận đề cập đến thực trạng nền kinh tế, “nguy hại” được dùng để chỉ các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu và “nguy hiểm” đối với những dấu hiệu ban đầu của hỗn loạn xã hội, hay “tồn vong chế độ” do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm thán trong Hội nghị trung ương 6 và được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần từ đó đến nay.
Tuy nhiên, đã phát sinh một khoảng cách đậm nét về quan niệm “nguy biến” giữa nhóm lãnh đạo theo đường lối “kiên định” với những nhà dân chủ. Nếu nguyên nhân chủ yếu khiến nền chính trị có thể “suy vong” - theo Tổng bí thư Trọng - là tệ nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích, thì với các nhà phản biện độc lập, nguồn gốc tiến bộ xã hội bị triệt tiêu chính là điều 4 Hiến pháp về chế độ một đảng.

Xã hội Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm sôi
chỉ đợi bùng phát như vụ Đặng Ngọc Viết?
Có lẽ đó cũng là nguồn cơn để diễn đàn "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa” - như ý tưởng chính của bản “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”.
“Tai họa”

Vào đầu năm 2013, lần đầu tiên trong xã hội toàn trị ở Việt Nam, chủ đề chính trị đã được phản biện một cách can đảm và sâu sắc bởi quyền dân sự của các công dân, thông qua văn bản có tiêu đề “Kiến nghị 72” yêu cầu hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, cũng như đề nghị ban hành và thực thi nhanh chóng các văn bản luật về lập hội, biểu tình, trưng cầu dân ý… Bản kiến nghị này, ngoài việc gửi đến một số cơ quan nhà nước, đã được công bố trên mạng và thu hút hàng chục ngàn chữ ký đồng tình.

Có thể cho rằng, “Kiến nghị 72” là dấu ấn mở đầu cho hoạt động xã hội dân sự lần đầu tiên được công khai hóa ở Việt Nam. Tiếp sau văn bản chưa có từng có này, đã diễn ra hàng loạt sự kiện đối ngoại như lần đầu tiên Tổ chức Ân xá quốc tế đặt chân đến Việt Nam vào tháng 2/2013, tái lập cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào tháng 4/2013, cuộc gặp Trương Tấn Sang – Obama tại Washington vào tháng 7/2013, đối thoại nhân quyền giữa Cộng đồng châu Âu với Hà Nội vào tháng 9/2013, cùng những sự kiện đối nội khá dồn dập như vụ xét xử Đoàn Văn Vươn, thả Nguyễn Phương Uyên, phong trào 258 của các blogger trẻ và “hiện tượng Lê Hiếu đằng” với lời kêu gọi lập Đảng Dân chủ Xã hội.

Xã hội Việt Nam cũng đang chứng kiến hàng loạt điểm bùng phát từ lòng dân như cuộc xung đột giữa giáo dân Mỹ Yên, Nghệ An với lực lượng công an địa phương, và gần đây nhất là đỉnh điểm của phẫn uất liên quan đến thu hồi đất khi Đặng Ngọc Viết bắn cán bộ nhà nước ở tỉnh Thái Bình.

“Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền," 'Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị' viết.


Người dân cần một diễn đàn để tranh luận thẳng thắn với chính quyền về những bất đồng
"Ý kiến khác nhau cần được tranh luận thẳng thắn để tìm chân lý; còn dựa vào quyền lực để cản trở việc công bố, không đối thoại mà chỉ đơn phương phê phán, quy kết, thậm chí dùng nhiều cách ngăn cấm và trấn áp thì không những vi hiến và trái với Công ước quốc tế mà còn không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền.”

Bản tuyên bố trên cũng đề cập đến việc nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn duy trì thể chế toàn trị được thông qua và ban hành chính thức thì các thách thức mà đất nước và dân tộc đang đối mặt càng thêm nghiêm trọng dẫn tới hệ quả khôn lường, dân càng thất vọng và bất bình, uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế càng giảm sút, và đó thật sự là tai họa cho đất nước mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền.
Đồng nguyên

Nếu ít bị quấy nhiễu và diễn ra suôn sẻ, Diễn đàn Xã hội Dân sự sẽ mang ý nghĩa của một phong trào dân sự đầu tiên có tính tập hợp và được định hướng phản biện trên diện rộng, đại diện cho một số khá đông trí thức và sinh viên ở Việt Nam.

Với diễn đàn này, người đọc sẽ có cơ hội thú vị để quan sát và trải nghiệm về cuộc đấu tranh tư tưởng giữa các nhà trí thức độc lập không bổng lộc với giới tuyên giáo cùng các dư luận viên được bao cấp bởi tiền đóng thuế của dân.

Dư luận nhân dân và có lẽ cả báo chí nhà nước cũng có dịp để đánh giá về tuổi thọ của một nền tuyên giáo một chiều, ngày càng bị xem là đi ngược lại xu thế dân chủ trên thế giới và hầu như không hòa hợp với tiếng lòng của dân chúng, đặc biệt không thể hoặc không muốn thích nghi với nỗi bức xúc của người nghèo.

Hiện tình xã hội và nền chính trị Việt Nam lại đang có quá nhiều vấn đề để bàn luận. Ngay sau vụ việc Đặng Ngọc Viết, các đại biểu quốc hội phải một lần nữa xem xét lại hiện thực bất công của chủ trương thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội trong lúc mối quan hệ giữa chính quyền và Công giáo chưa hề được cải thiện nếu không muốn nói đang có chiều hướng xấu hơn.

Xã hội dân sự sinh ra chính để giải tỏa những khúc mắc và xung đột trong lòng xã hội, giữa công dân với chính quyền và có thể cả ngược lại. Sự tác động không mệt mỏi của xã hội dân sự vào các chính phủ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã cho thấy Nhà nước Việt Nam, dù vẫn mang trên mình trách nhiệm độc đảng nhọc nhằn, không thể là một ngoại lệ.

Ngoại lệ ấy càng có ý nghĩa đối với những giá trị thiết thân về quyền lợi và vị thế chính trị của giới quan chức, nếu nhìn vào những dấu hiệu cụ thể đầy bất an trong các vụ xung đột đất đai, đình công, môi trường, bạo hành công an… nhan nhản khắp nơi và đang khiến nảy sinh xu hướng bạo động hóa tự phát trong dân chúng.

Hiển nhiên, nếu biết khơi dậy sự đồng nguyên của nông dân, công nhân và trí thức đối với những vụ việc có tính thiết thân với đời sống dân sinh, đoàn kết được khối trí thức và sinh viên, thu hút được các trí thức đảng viên, gắn kết sâu sắc với các tổ chức dân chủ, nhân quyền và lao động quốc tế, xã hội dân sự Việt Nam với tiền thân là những kiến nghị và diễn đàn của nó sẽ có thể giúp người dân phần nào tránh thoát những chính sách bất hợp lý từ phía chính quyền và hành động tiêu cực của các nhóm lợi ích cùng nhóm thân hữu.

Trong những tháng tới đây, người dân sẽ nhìn vào Diễn đàn Xã hội Dân sự như một phép thử trong mối tương tác với chính quyền, để xem liệu hoạt động dân sự chính đáng này có được nhà nước chấp nhận hay không.

Phạm Chí Dũng, gửi cho BBC từ Sài Gòn
 
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, mộ́t nhà báo tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  (BBC)

Từ WTO đến TPP: Nhận diện sáu năm di căn kinh tế



Gần ba tháng sau cuộc gặp Trương Tấn Sang – Barack Obama vào tháng 7/2013, vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào cho triển vọng Việt Nam được “đặc cách” vào TPP. Trong khi đó, đã thấp thoáng những cái nheo mũi phản biện từ giới chuyên gia trong nước về tương lai “TPP không phải là một đại tiệc dành cho Việt Nam”.
WTO đã là một phép thử đầy rẫy khó khăn, lồng trong bối cảnh các tập đoàn lợi ích lũng đoạn hầu như toàn diện tấm thân trơ gày của dân tộc. Một lần nữa, hãy nên nhận diện lại bức tranh ung thư di căn mà nền kinh tế và xã hội Việt Nam phải thấm trải trong sáu năm qua.
“Nước giàu dân nghèo”
Từ nhiều năm qua, nhức nhối thị trường nội địa đã trở thành cái gai đau nhức trong tròng mắt của doanh nghiệp Việt, khi giới truyền thông không ít lần phải lên án chuyện giới doanh nhân trong nước bị mất thị phần ngay trên sân nhà. Từ mảng vật liệu xây dựng luôn sôi động tính đầu cơ cho đến lĩnh vực dược phẩm được coi là “phục vụ an sinh xã hội”, đâu đâu cũng phổ cập những mất mát đầy tính hiển thị như thế.
Sáu năm tham dự vào WTO có lẽ đã quá đủ để rút ra một bài học thấm thía nào đó cho cuộc cạnh tranh không cân sức. Song một bài học lớn nhất lại vẫn chưa được rút ra: tính minh bạch thị trường bị hủ hóa đến mức tối đa đã khiến cho đến nay không có bất kỳ một số liệu nào từ giới điều hành kinh tế Việt Nam có thể lượng định được bao nhiêu phần trăm thị phần của các doanh nghiệp, cùng bao nhiêu ngành sản xuất và kinh doanh chủ chốt, đã “rơi vào tay nước ngoài”.
Một bài học xương máu khác cũng đang hiện thực hóa một cách khắc khoải và khắc nghiệt trong chính nền kinh tế của đất nước – nơi có tương phản “nước giàu dân nghèo” tương tự với thể chế Trung Quốc. Những con số được công bố mới nhất vẫn cho thấy chẳng khác mấy người bạn láng giềng còn chìm trong bầu không khí tư bản hoang dã với 300 tỷ phú đô la, giới tinh hoa tỷ phú đô la ở Việt Nam vẫn không ngừng tăng tiến lên đến gần 200 người cùng tài sản đến 20 tỷ USD, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng đã và đang diễn ra trong đất nước, ngược chiều với cảnh người dân bị nghèo đi tương đối.
Hố phân cực thu nhập càng ngoác rộng từ truyền thống trục lợi không ngưng nghỉ qua các kênh thương mại đa phương quốc tế.
Một nghịch lý phũ phàng vẫn tiếp tục làm lộn ngược mọi triết lý “do dân và vì dân”, với bối cảnh Việt Nam được xác nhận là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, nhưng trong vài năm qua lại phát triển hiện tượng nông dân trả ruộng hay bỏ ruộng ngay tại quốc gia này. Giá lúa bị thấp một cách vô lý ngay cả vào thời kỳ được mùa và tăng trưởng xuất khẩu, trong khi giới thương lái và các công ty xuất khẩu gạo vẫn ung dung thế trung gian lợi nhuận trên bờ vai rạc gày của những người một nắng hai sương.
Khác hẳn với thói quen tuyên truyền về “hiện tượng cá biệt” từ những người phát ngôn cho Chính phủ, chuyện người dân bỏ ruộng đã diễn ra ngày càng tràn lan từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến đồng bằng sông Hồng và có thể còn xa hơn nữa về biên giới phía Bắc.
Rất thường là chuyện vài tấn thóc mới đủ đóng tiền học cho con cái, và cũng rất thường là vẻ bạc mặt của các gia đình nông dân khi phải cắn răng bán lỗ cho giới đầu cơ và không lối thoái dưới món nợ chống chất của ngân hàng. Đó là cái gì, nếu không phải là một hình ảnh quá ngược ngạo về điều được xem là thành tích trở thành thành viên thứ 150 của WTO với sự lao dốc chưa đến đáy của thành phần chiếm đến 70% dân số lao động?
Đa bào và đơn bào
Kinh tế lụn bại để gánh nặng cuối cùng đổ lên đầu nông dân, công nhân và người nghèo một cách chắc nịch – một hệ lụy kinh khủng của đường hướng “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” trong vài chục năm qua. Hệ lụy này lại quá đồng điệu với cuộc chơi cực kỳ sòng phẳng và tàn nhẫn của giới doanh nghiệp độc quyền nhà nước như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn diện lực Việt nam – những tác nhân chính của chiến lược đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm từ những năm 2006-2007 mà đã dẫn đến số lỗ khủng khiếp ít nhất 40.000 tỷ đồng, để cuối cùng những đợt tăng giá xăng dầu và giá điện bất chấp của các tập đoàn này càng tạo nên nguy cơ thúc đẩy nạn lạm phát động loạn không còn bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào, lại càng khiến cho đời sống người nghèo lâm vào thế khốn cùng.
Nhưng khi cái đáy thực chất vẫn chưa hiện ra, cơn suy thoái kinh tế di căn gần như toàn diện ở Việt Nam còn có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn lao hơn nhiều trong vài ba năm tới, với nhiều sắc thái vượt khỏi kìm nén từ phía người dân và cũng có thể dẫn tới những cuộc bạo đông do cùng quẫn về mưu sinh, tiếp dẫn nhiều mầm mống loạn lạc trong một xã hội đang dò đáy.
Niềm tin của dân chúng vào thể chế cũng vì thế bị “suy thoái tư tưởng” một cách kinh khủng, song ánh trực tiếp với sự ruỗng mục và nguy cơ sụp đổ của chân đứng kinh tế quốc gia. Vài năm gần đây, không quá khó hiểu khi bất chấp “rào cản kỹ thuật” từ phía Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông, báo chí Việt Nam đã phải miêu tả một cách trực diện đến khoảng thời gian “hái quả” sau khi Việt Nam tham gia WTO, trong đó không quá giấu diếm về từ ngữ “thất bại” của nền kinh tế và dĩ nhiên của cả giới điều hành kinh tế trong chính phủ đối với những hệ quả ngập tràn do các nhóm lợi ích đa bào và nhóm thân hữu đơn bào gây ra.
Đa bào lợi nhuận và đơn bào chính trị lại kết tụ thành chuỗi nhiễm sắc thể nguy biến hơn bao giờ hết cho cơ thể dân tộc cùng cơn nguy kịch thoi thóp của người nghèo. Trong vài năm tới, nếu sự tình kinh tế không được cải thiện mà vẫn như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải cảm thán mới đây “ăn không chừa một thứ gì”, nhiễm sắc thể sẽ rất mau chóng chuyển độc tố của nó vào nơi mà sức kháng thể cuối cùng của người dân còn rơi rớt.
Khi đó, đa bào cộng đơn bào cộng với lời sấm “dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp vạn lần tư bản” của bà Nguyễn Thị Doan sẽ rất mau chóng chứng nghiệm hình ảnh một thân thể bị phù trương toàn diện bởi cái không chỉ còn là chất độc.
Mẩu bánh và lối thoát
Trong bối cảnh khác xa với luận lý “kinh tế đang ổn định” của giới chức chính phủ, TPP dĩ nhiên là một lối thoát, thậm chí là một lối mở tươi lành nhất mà một chính thể có thể vận dụng để ít nhất cũng tạm làm yên lòng dân chúng, hạn chế được phần nào những phẫn uất của dân nghèo về các nhóm lợi ích, và cách nào đó tạm thời kìm giữ những ý tưởng hoặc hành động cần phải thay đổi thể chế chính trị.
Lối thoát từ TPP cũng có thể là một cơ hội nhằm tái hiện hình ảnh vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Việt Nam từ 15-20 tỷ USD của những năm 2006-2007 - thời hoàng kim và cũng là đỉnh của nền kinh tế này. Bởi sau cái đỉnh ấy, bi kịch của nền kinh tế và cũng là bế tắc của đất nước mà đã dội ngược cho tới nay, khi lượng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm đến ít nhất 2/3, tương đương với độ giảm của vòng quay vốn xã hội mà đã làm xáo động các khu vực sử dụng lao động. Logic tiếp theo của sự dội ngược này là tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam trong những năm khủng hoảng đã tăng vọt một cách thảm thương, khác hoàn toàn với số liệu công bố chỉ có 1,99% của Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Thậm chí, có đánh giá còn ước tính tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt nam có thể đang là vài chục phần trăm, không thua kém lắm tình cảnh mà những đứa con của thần Zeus phải đối mặt chỉ mới vào quý đầu năm 2013.
Vài tháng qua, một số chuyên gia trong nước đã bắt đầu công khai nói về “thất bại” của WTO, về sự lợi dụng không thương tiếc của các nhóm lợi ích đối với cơ chế thương mại đa phương, còn người dân đã không được hưởng ưu đãi nào về thực chất.
Còn với TPP, thói quen đánh giá cảm tính đã luôn kéo theo hệ lụy sách lược và chiến lược cũng chỉ có giá trị như một cảm giác. Còn hơn thế, rất nhiều khi chỉ giống như một cảm giác bất lực và bế tắc. Có lẽ đó là một trong những nguyên do vì sao đã trải qua 3 năm với 19 vòng đàm phán TPP mà lộ trình Việt Nam hầu như vẫn giậm chân tại chỗ khi cần phải đối chiếu với bộ tiêu chí xuất xưởng từ nội khối TPP.
Dù vẫn ngầm xem TPP là một lối thoát, song những điều kiện đặc biệt và có tính tiên quyết của TPP như cải cách kinh tế và giảm tính độc quyền của khối doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch và tính hữu dụng chứ không phải hình thức hay mị dân cho cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả một số vấn đề liên quan khác như môi trường, quyền lập hội lao động… vẫn chẳng mấy có hy vọng được Hà Nội đáp ứng đủ chi tiết hầu mong bổ túc cho hồ sơ ứng cử viên TPP.
Chưa có Hà Nội
Sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào cuối tháng 7/2013, những tin tức lạc quan nhất từ giới ngoại giao và thương mại Việt Nam đã như cố gắng ồn ào về khả năng đến cuối năm 2013 quốc gia này sẽ được “tháo khoán” vào TPP. Tuy nhiên, số ít quan chức tự trọng lại tỏ ra dè dặt hơn với cụm từ mơ hồ “sớm nhất có thể” mà Obama đã dùng trong bản thông cáo báo chí sau văn bản “đối tác toàn diện” giữa hai nước.
Tất nhiên, có không ít cách nhìn và cách suy diễn có thể hiện hữu đối với cụm từ này, trong đó khả năng xa vời hơn thuộc về một triển vọng không được hữu hạn về thời gian, tức trong kế hoạch công du các nước Đông Nam Á như Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines vào tháng 10/2013 của Tổng thống Obama, đã không có trạm dừng dù là trung chuyển ở sân bay Nội Bài.
Quay lại dĩ vãng tháng 5/2013, trong chuyến làm việc tại Hà Nội với một số giới chức ngoại giao, thương mại và cả ngành công an, một quan chức cao cấp thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu đã nêu ra một dự đoán có tính kinh nghiệm: quy trình để Việt nam tham dự vào TPP sẽ phải mất từ một đến hai năm. Nếu đúng theo ngữ nghĩa này và không tương hợp với kỳ vọng khát khao của chính giới Hà Nội, mọi chuyện sẽ đều phải có lộ trình của nó, lộ trình lại phải có thời gian, được gắn liền với điều kiện về công đoàn độc lập và có lẽ còn lâu mới có chuyện kết thúc sớm sủa.
Cộng hưởng với những tin tức không mấy lạc quan của đoàn đàm phán TPP của Việt Nam vừa trở về từ Brunei, người ta càng nhận ra “sớm nhất có thể” chỉ là một cụm từ ẩn chứa vài tính toán mang tính chiến lược của Tổng thống Omama.
Bởi cho dù Ngoại trưởng John Kerry luôn hứa hẹn “Nơi nào có quyền lợi chung thì nơi đó Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác”, điều được xem là “thành tâm chính trị” của Hà Nội mới là lời hứa có giá trị nhất trong bối cảnh nhập nhoạng hiện thời.
Một mẩu bánh hấp dẫn và một cô gái đẹp vẫn luôn là mơ ước của những kẻ phàm tục. Nhưng làm sao để nuốt được hai miếng thơm ngon đó thì lại là một câu chuyện khác, khác hoàn toàn.
Hoặc cho dù mọi chuyện có thể được nhìn nhận với thái độ bớt căng thẳng hơn, ứng với trường hợp Nhà nước Việt nam được “đặc cách” nhập tiệc TPP cũng như nghiễm nhiên sở hữu một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, cũng sẽ rất khó có một minh chứng đủ thuyết phục nào về nội lực kinh tế và nội tình chính trị để những tỷ đô la đăm đắm từ TPP bớt mù mờ hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Phạm Chí Dũng 
(VOA)

TS Phạm Duy Nghĩa: TPP – những chuẩn mực mới của thế kỷ 21

SGTT.VN - Vượt xa nội dung những hiệp định thương mại thường thấy, hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra viễn cảnh xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn với những chuẩn mực mới của thế kỷ 21.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với TS Phạm Duy Nghĩa – giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trưởng khoa luật đại học Kinh tế TP.HCM, chủ biên cuốn TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam vừa ấn hành về những thách thức đang đặt ra trước cơ hội này.


Ông có hy vọng TPP sẽ là lực đẩy buộc Việt Nam giải quyết những điểm yếu của điều hành kinh tế vĩ mô?

Không thể khẳng định tham gia TPP là chúng ta có ngay liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém trong điều hành vĩ mô. TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài. Sau sáu năm gia nhập WTO, mặc dù đã có những đổi thay về thể chế đáng kể, nhưng chất lượng thể chế vẫn là một rào cản cho phát triển: tính minh bạch kém, ưu ái đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước một cách bất bình đẳng, đầu tư công kém hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền chưa cao. Quyền sở hữu còn dang dở, bởi sự bảo hộ khách quan và hiệu quả của Nhà nước đối với các sở hữu và khế ước dường như thiếu vắng…

Bỏ nhiều công sức nghiên cứu về các nút thắt trong thể chế đã cản trở phát triển kinh tế, ông nhận diện thế nào về những yếu kém trong quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp nhà nước?

Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước ở Việt Nam được cho là thấp, chất lượng chính sách và năng lực điều hành kém cải thiện, mức độ thực thi pháp luật tuân thủ chế độ pháp quyền chưa ổn định, thậm chí được đánh giá thấp trong khu vực, tính công khai minh bạch của chính sách kém được cải thiện…

Ngược lại, nếu so sánh với người láng giềng khổng lồ phương Bắc, hơn một thập kỷ tham gia WTO, nền kinh tế Trung Hoa đổi thay đáng kinh ngạc, mở ra một kỷ nguyên “thuê ngoài thể chế” để hiện đại hoá quốc gia. Đòn bẩy chiến lược WTO đã thúc ép cải cách thể chế hiệu quả. Người Trung Hoa từ năm 2006 đã áp dụng các tiêu chí quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện đại của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từ đó cải cách 170 tập đoàn quốc hữu của họ khá thành công, rất nhiều tập đoàn trở thành những “tay chơi toàn cầu”. Ngược lại, Việt Nam đã không sử dụng được WTO để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước cũng như quản trị quốc gia. Quan sát các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, hầu hết đều gặp trục trặc, không thể linh hoạt, năng động, sáng tạo như doanh nghiệp tư nhân. Dùng tài sản quốc gia để đầu tư kinh doanh mà không kiểm soát được là một rủi ro rất lớn cho nền kinh tế, cho toàn dân, cướp đi cơ hội và để lại gánh nợ cho các thế hệ con cháu. Với Vinashin và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác ở Việt Nam, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ, ưu ái, nguồn vốn được rót vào như một đặc ân, trên thực tế đã giúp các tập đoàn này né tránh sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước cũng chưa minh bạch. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, người ta thường thấy Chính phủ can thiệp bằng biện pháp hành chính để cứu sự đổ vỡ của các tập đoàn này, với chi phí trải rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và cho thế hệ mai sau.

Để có một doanh nghiệp nhà nước mạnh, phải tôn trọng sức ép cạnh tranh, tôn trọng tính hiệu quả, quy trình quản lý minh bạch. Hiện nay, khối tài sản quốc gia vào các doanh nghiệp nhà nước thực tế là rất lớn. Con số 1.300 doanh nghiệp nhà nước được công bố mới chỉ bao gồm những doanh nghiệp 100% vốn của Chính phủ, các bộ. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác có một phần vốn của Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các đoàn thể, tổ chức xã hội có vốn từ ngân sách. Con số này lớn hơn nhiều, có thể vượt qua hàng chục ngàn doanh nghiệp được đầu tư từ ngân sách quốc gia. Phần lớn hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp nhà nước rất thấp, lượng công việc tạo ra cũng rất thấp so với số lượng công việc tạo ra từ khối dân doanh.

Việt Nam đang đứng trước sức ép cần công khai và kiểm soát chặt chẽ hơn khối lượng tài sản rất lớn đầu tư vào khu vực doanh nghiệp có liên quan đến ngân sách quốc gia, một khái niệm rộng hơn doanh nghiệp nhà nước. Do lẫn một số chức năng, phải gánh trách nhiệm thực thi một phần chính sách Nhà nước giao nên đôi khi doanh nghiệp nhà nước kinh doanh với hiệu quả không cao. Vì thế, phải minh bạch giữa kinh doanh và những gì thuộc về chính sách, những nguồn lực, khối tài sản được sử dụng thế nào? Vấn đề thứ hai, phải minh định ai là ông chủ của doanh nghiệp nhà nước: uỷ ban, Chính phủ, hay bộ? Nhưng bộ làm sao quản lý? Thực tế phải uỷ quyền cho một số cán bộ, công chức đại diện… Quyền sở hữu chồng chéo, được thực thi phân tán lại thiếu kiểm soát đã làm cho khối tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước bị hao hụt trầm trọng. TPP không phải bài thuốc, mà chỉ tạo thêm sức ép. Hơn lúc nào hết, cần minh định rõ ai thực hiện các quyền sở hữu cụ thể nào trong doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán, đánh giá đo lường với mục tiêu đề ra, kiểm soát gắt gao doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn, tựa như các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán phải có trách nhiệm minh bạch quản trị với các cổ đông.

TPP được ký kết sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam?

Nội dung TPP chưa được đàm phán xong, các cam kết chưa được công bố, song thông tin về nội dung đàm phán thu lượm từ nhiều nguồn khác nhau tiết lộ những sức ép rất lớn đang đặt ra cho Việt Nam: xoá bỏ hầu hết thuế quan, mở cửa thị trường, thắt chặt những chuẩn mực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, các tiêu chuẩn kỹ thuật, và cam kết xây dựng chính quyền minh bạch… hướng tới xoá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hoá, dịch vụ và tư bản được lưu thông trong nội khối ngày một dễ dàng, nhà đầu tư an tâm hơn trong một môi trường thể chế ổn định… Trong đó, yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ được nâng cao, với những chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do. Rồi còn những thể lệ để kiểm soát đầu tư công, đòi hỏi công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm của chính quyền; quyền tự do lao động, bảo vệ giới thợ… Các thể chế đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mang tính phổ cập toàn cầu chính là lợi điểm tạo sức ép cải cách thể chế từ bên ngoài giúp phá vỡ sức ỳ chống trả dai dẳng từ những thói quen cũ.

Gia nhập cuộc chơi TPP sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh?

Những cam kết từ TPP hy vọng sẽ kích thích sự tìm hiểu của doanh nghiệp và công chức Việt Nam. Khác với đàm phán gia nhập WTO, quá trình đàm phán TPP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có tiếng nói. Nỗ lực để kịp thời ra mắt cuốn sách TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam, chúng tôi mong muốn thông điệp “gia nhập cuộc chơi TPP, hằng hà sa số doanh nghiệp tư nhân năng động mới là chìa khoá cho phát triển” sẽ lan toả tới toàn xã hội. Nếu cứ để doanh nghiệp nhà nước né tránh sức ép cạnh tranh, được ưu ái nhiều độc quyền kinh doanh, cơ hội tiệm cận đất đai và tín dụng từ nguồn lực của Nhà nước, sẽ xuất hiện những nhóm thế lực kiểm soát tài nguyên kinh tế của quốc gia. Quốc gia nào cũng có doanh nghiệp nhà nước, nhưng thường chỉ kinh doanh những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc không có động cơ để đầu tư. Hy vọng với TPP, các thể chế sẽ được cải cách để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài.
TPP buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, hiểu những luật chơi khi thị trường mở rộng đáng kể, nhất là thị trường Hoa Kỳ, khi thuế suất được cam kết giảm, sẽ tạo cơ hội cho những ngành như da giày, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, linh kiện lắp ráp. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa cho các nước nội khối TPP, những ngành từng được bảo hộ cao ở Việt Nam như lắp ráp ôtô chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi, sản phẩm nông nghiệp của họ tiên tiến hơn, chất lượng tốt hơn, khi thuế quan giảm sản phẩm nội địa của nước ta sẽ bị thách thức.

TPP hy vọng cũng sẽ dẫn đến tái phân bổ về đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài. Những sản phẩm dệt may Việt Nam vừa có cơ hội, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức nếu không chứng minh được quy tắc, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hoá. Kéo theo luồng đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, chuyển dịch đầu tư hy vọng Việt Nam có thêm giá trị gia tăng, sử dụng đầu tư nước ngoài như những cú hích. Ngành lắp ráp xe máy hình như đã là một ví dụ thành công khi tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cao. Nếu Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài có trọng điểm trong khi doanh nghiệp tư nhân, các ngành công nghệ phụ trợ phát triển, FDI sẽ có hiệu ứng lan toả. Còn nếu FDI chỉ để sử dụng nguồn lao động rẻ thì… coi như là mở cửa dâng hiến thị trường, chúng ta góp lao động của các thế hệ công nhân trẻ tuổi và tài nguyên cũng như môi trường sống của quốc gia để làm giàu cho tư bản nước ngoài.

TPP có là cơ hội để mỗi người lao động hiểu và giành lấy quyền chính đáng của mình?


Khi đặt bút ký TPP, Việt Nam cần xem xét thực tiễn pháp luật có điểm nào lệch so với những cam kết từ TPP hay không? Nếu không nghiêm túc làm như vậy, tôi e rằng thực tiễn pháp lý nước ta có thể là nguyên cớ dẫn tới những vụ khiếu kiện tiềm ẩn sau này. TPP như chúng tôi tìm hiểu không có nội dung đáng kể nào cam kết về nhân quyền hay tự do dân chủ, song có nhiều cam kết về tiêu chuẩn và việc bảo vệ quyền lợi giới thợ, ví dụ quyền thành lập hội đoàn. Hiến pháp Việt Nam đều ghi quyền tự do lập hội. Tuy nhiên, những cuộc đình công của công nhân Việt Nam vừa qua đều xuất phát từ những vấn đề rất căn bản như bị quỵt tiền lương, lao động phải làm việc quá sức, bị giới chủ hành hung… Quyền của giới thợ bắt đầu từ quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của mình. Nếu bị khinh bỉ, ngược đãi, đánh đập, công nhân phải có quyền chống lại các hành vi đó để bảo vệ nhân phẩm của mình. Nếu bị kiện vì pháp luật quốc nội không bảo vệ quyền của giới thợ, sau khi được tài phán bởi một thiết chế tựa như trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các quốc gia nội khối TPP, các quốc gia khác sẽ giành quyền rút lại những ưu đãi thuế quan trước đó. Đừng vội mơ dễ dãi hưởng thuế suất 0% như một bữa tiệc mà không phải trả tiền, qua một đêm thuế suất có thể vọt trở lại 30% như cũ bởi vô số các biện pháp bảo hộ mậu dịch tiềm ẩn được che đậy khéo léo dưới các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động hay môi trường.

Vấn đề thứ hai là các tổ chức công đoàn của Việt Nam chưa đủ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích công nhân. Miếng cơm manh áo của cán bộ công đoàn có khi còn lệ thuộc vào giới chủ, nên rất khó khăn khi chống lại sức ép của giới chủ.
Kim Yến

TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là một hiệp định – thoả thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thoả thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào tháng 6.2005.

Việt Nam tuyên bố tham gia TPP từ ngày 13.11.2010. Hiện 12 nước thành viên TPP (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam) đang tiếp tục bàn thảo nhằm đạt sự thống nhất rộng rãi vào tháng 10 và sẽ ký hiệp định vào cuối năm nay.
(SGTT)

RSF kêu gọi tự do báo chí cho Việt Nam

000_Hkg8860585-305.jpg
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 05/8/2013, ảnh minh họa.  AFP photo
Nhân chuyến thăm Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng 9, tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Pháp, đã thu thập chữ ký vào một thỉnh nguyện thư đòi tự do thông tin để trực tiếp gửi Thủ tướng.

Việt Hà phỏng vấn ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của RSF về chiến dịch thỉnh nguyện thư này.

Trực tiếp trao thỉnh nguyện thư

Trước hết, ông Benjamin Ismail nói về nội dung thỉnh nguyện thư và dự định trình thỉnh nguyện thư như sau:

Chúng tôi bắt đầu thỉnh nguyện thư này từ đầu tháng 7 năm 2013, lúc đó không có một sáng kiến chung nào toàn cầu yêu cầu việc trả tự do cho toàn bộ các blogger cùng một lúc. Hiện có 35 bloggers Việt nam đang bị cầm tù. Trong hai tháng qua chúng tôi đã thu nhận được hơn 25,000 chữ ký cho thỉnh nguyện thư này.

Bây giờ chúng tôi muốn nhân cơ hội chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng này để đưa thỉnh nguyện thư này trực tiếp tới ông ta. Chúng tôi đã liên hệ với đại sứ quán Việt nam tại Pháp để xin được gặp trực tiếp Thủ tướng, dù chỉ là trong thời gian ngắn.

Chúng tôi gọi họ trong suốt tuần qua và cả ngày hôm nay nhưng không nhận được trả lời từ họ hay từ đoàn Việt Nam tới Pháp. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực của mình để gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để nêu những quan ngại của mình về tình hình Việt Nam và đưa bản thỉnh nguyện thư.

Việc không cho chúng tôi gặp Thủ tướng không chỉ có nghĩa là họ đã từ chối không muốn gặp một tổ chức phi chính phủ quốc tế mà còn có nghĩa là họ đã từ chối không muốn nghe tiếng nói của chính người Việt Nam, những người rất muốn đưa ra bản thỉnh nguyện thư và tham gia lấy chữ ký cho bản thỉnh nguyện thư.

Việt Hà:Nếu trường hơp phía Việt Nam không thu xếp cuộc gặp cho các ông với Thủ tướng, các ông sẽ làm thế nào để có thể gặp trực tiếp Thủ tướng để có thể trao thỉnh nguyện thư và nói lên những quan ngại của mình?
Chúng tôi muốn nhân cơ hội chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng này để đưa thỉnh nguyện thư này trực tiếp tới ông ta.
- Benjamin Ismail
Benjamin Ismail: Chúng tôi sẽ cố gắng gặp ông ấy bằng mọi cách dù tôi không thể nói cho các bạn biết cụ thể chúng tôi sẽ làm ra sao. Thủ tướng ở Paris trong 3 ngày tới. Trong 3 ngày đó, sẽ có thể có cơ hội cho chúng tôi để nói cho ông ấy nghe những quan ngại và những kiến nghị của chúng tôi.

Việt Hà:Nếu các ông được gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trong điều kiện thời gian hạn hẹp thì những điểm chính nào sẽ được các ông trình bày trong cuộc gặp?

Benjamin Ismail: Chúng tôi có những ưu tiên là về vấn đề 35 bloggers bị cầm tù, là những người bị bỏ tù vì lên tiếng phản đối những đàn áp về quyền con người, tự do báo chí, đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam. Chính quyền chỉ chọn những luật mà họ muốn áp dụng như điều 88, 79, hay 258 thuộc luật hình sự. Họ áp dụng các điều luật đảm bảo quyền cho các bloggers và những người bất đồng chính kiến. Tại văn phòng của Phóng viên không biên giới vào hôm nay, chúng tôi có một họp báo để công bố một báo cáo dài 40 trang bằng tiếng Anh, Pháp và sẽ có cả tiếng Việt.

Trong báo cáo này chúng tôi mô tả lại những đàn áp và kiểm duyệt báo chí, mô tả tình hình báo chí chính thống hoàn toàn bị kiểm soát bởi đảng cộng sản. Chúng tôi cũng mô tả tình hình báo chí mạng tự do ở Việt Nam.

Trong báo cáo này, các bạn cũng sẽ thấy những kiến nghị của chúng tôi với không chỉ Việt Nam mà với cả cộng đồng thế giới và kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn với các bloggers tại Việt Nam.

Kêu gọi sự quan tâm từ chính phủ Pháp

000_Hkg8856674-250.jpg
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (thứ 2 từ trái) hội đàm với Bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh (P) tại Hà Nội hôm 04/8/2013. AFP photo
Việt Hà: Nhân việc ông nói đến báo cáo mới của RSF về Việt Nam, xin ông cho biết đánh giá về truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay?

Benjamin Ismail: Truyền thông chính thống đã không nói tiếng nói của đa số người dân, mà truyền thông mạng đã làm được, ví dụ như Facebook đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều các diễn đàn độc lập, bao gồm của các cá nhân như blogger Bùi Thanh Hiếu, hay trang web của Boxit Vietnam, hay con đường Việt Nam. Tất cả các trang mạng này đều cung cấp những cơ hội để tranh luận dân chủ về nhiều chủ đề như quyền con người, hay hiến pháp. Như vậy truyền thông mạng xã hội đã điền vào chỗ trống của báo chí Việt Nam vốn thiếu tự do vì bị kiểm soát bởi đảng cộng sản.

Việt Hà:Ông có dự liệu phản ứng từ phía Thủ tướng Việt Nam là gì khi nhận thỉnh nguyện thư hay những thắc mắc của RSF và liệu chiến dịch này của RSF có thể đóng góp được gì cho những thay đổi tại Việt Nam?

Benjamin Ismail: Chiến dịch diễn ra trong tình huống cụ thể, đó năm quan hệ Pháp Việt bắt đầu từ tháng 4. Có hai năm, năm đầu là năm Pháp tại Việt Nam và đã có ngày lễ được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 4 vừa rồi. Năm này sẽ kéo đến tháng 12. Năm tiếp theo là từ tháng giêng tới với chủ đề Việt Nam tại Pháp. Trong dịp này, giới chức hai nước sẽ gặp nhau nhiều lần để củng cố quan hệ hai nước.

Các chủ đề chính được bàn thảo chủ yếu là kinh tế, nhưng chúng tôi muốn kêu gọi không chỉ chính phủ Việt Nam mà cả chính phủ Pháp không được lờ đi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với lý do củng cố quan hệ kinh tế và mở cửa thị trường. Chúng tôi muốn họ đặt vấn đề nhân quyền và tự do thông tin vào nghị sự. Đó là lý do mà chúng tôi có chiến dịch này.

Việt Hà:Ông đánh giá thế nào về thái độ và hành động của chính phủ Pháp với những vấn đề mà ông đề cập về Việt Nam?

Chúng tôi chỉ trích những hành động yếu ớt từ chính phủ Pháp với tình hình hiện tại của một số các nhà báo tự do như Tạ Phong Tần, Điếu Cày. Chúng tôi muốn thấy chính phủ Pháp phải có những sức ép lớn hơn đối với chính phủ Việt Nam.
- Benjamin Ismail
Benjamin Ismail: Trong báo cáo mới, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này. Phần cuối của báo cáo nói tới vai trò của cộng đồng quốc tế và làm thế nào mà các bloggers cũng như các nhà bất đồng chính kiến đang tìm đến cộng đồng quốc tế ngày một nhiều. Ví dụ như các diễn đàn được thành lập bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.

Các sáng kiến được lập ra như sáng kiến từ các bloggers Việt Nam yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải tạo sức ép lên Việt Nam để bỏ điều 258 nếu muốn được bầu vào hội đồng nhân quyền. Điều này cho thấy họ đang tiếp xúc với cộng đồng quốc tế ngày một nhiều để tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì thế chính phủ Pháp cần phải lắng nghe những tiếng nói này mà chúng tôi đã đề cập trong báo cáo và thỉnh nguyện thư.

Chúng tôi chỉ trích những hành động yếu ớt từ chính phủ Pháp với tình hình hiện tại của một số các nhà báo tự do như Tạ Phong Tần, Điếu Cày. Chúng tôi muốn thấy chính phủ Pháp phải có những sức ép lớn hơn đối với chính phủ Việt Nam.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Việt Hà, phóng viên RFA
2013-09-23

Luật rừng

http://infonet.vn/Uploaded/daoly/2013_08_28/10Trom22d01.jpg

Châm ngôn luật La tinh có câu: "Ignorantia juris non excusat”. Không ai có thể viện cớ không biết luật để biện minh khi phạm luật. Trong thực tế, xã hội càng văn minh, tiến bộ, luật pháp trong quốc gia của xã hội này càng nhiều, càng phức tạp. Không biết luật, do đó, là một tình trạng thực tế. Bước vào lãnh vực luật pháp, nhất là lãnh vực các đạo luật có tính cách chuyên môn, ta có cảm tưởng như đặt chân vào một rừng luật. Ðó là trường hợp nước Mỹ.
Văn minh kỹ thuật càng tiến bộ, luật pháp càng nhiều. Tuy nhiên, đó là giá phải trả của một xã hội văn minh. Nhưng có một khác biệt lớn giữa “rừng luật” của một xã hội tiến bộ và “luật rừng” trong một quốc gia sống dưới một chế độ rừng rú!
Luật của kẻ mạnh trong rừng rú được Rudyard Kipling, một thi sĩ và tác giả Anh Quốc nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 , gọi là “luật rừng” (the law of the jungle). Nhưng đó là luật rừng của loài thú, một thứ luật tranh sống, một thứ luật thiên nhiên. Khi thứ luật của ác thú này được du nhập vào xã hội con người thì xã hội này hiện nguyên hình là một xã hội mọi rợ, bán khai.
Ở trong hoàn cảnh này, thằng dân thật khó biết tai họa sẽ đến lúc nào, không biết đường đâu mà tránh đỡ.
Công an đánh chết người trong khi “thi hành công vụ,” như Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh đánh chết một người dân đi xe không đội nón bảo hiểm, chỉ bị xử 4 năm tù. Nguyễn Trọng Hiếu, công an viên xã Diên Khánh, Khánh Hòa, trong khi tuần tra giao thông, đã đuổi theo một nam thanh niên vì người thanh niên này không đội mũ bảo hiểm, đã dùng gậy giao thông đánh vào gáy thanh niên này làm anh mất thăng bằng ngã xuống quốc lộ, bị thương tích 77%, xếp loại thương tật vĩnh viễn. Tên công an chỉ phải ở tù 9 tháng và bồi thường 113 triệu VN (khoảng $6,000.00 đô la,) số tiền này không thể nào nuôi một người nằm liệt giường suốt đời. Ðó là luật rừng của kẻ cầm quyền.
Có phải công an thương dân, sợ dân vỡ đầu vì không đội nón an toàn mà phải đánh vỡ đầu dân, hay là vì Bộ Công An có ăn chia với nhà sản xuất nón nhựa!
Anh em nhà Ðoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, chống cưỡng chế chiếm đất, bị phá nhà phải chống đỡ, uất ức, phải chống cự, bắn súng hoa cải làm bị thương bốn công an, mỗi người lãnh 5 năm tù. Phá nhà, chiếm đất, hiếp dân là một công trạng, nên trưởng công an Hải Phòng được phong tướng! Trong khi đó, LS Trần Vũ Hải nói với BBC hôm 30 Tháng Ba, 2013, so sánh vụ án ở Cống Rộc, Tiên Lãng này với vụ án Nọc Nạn xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu từ thời Pháp thuộc mà trong đó các bị cáo chính, là nông dân người Việt đã phản kháng đàn áp, cưỡng bức ruộng đất và giết chết năm người của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến ở Nam Kỳ, đã được tha bổng!
Dân chúng cũng có luật rừng vì không tin vào công lý của kẻ cầm quyền, hành động phát xuất từ tính hung bạo, man rợ của con người sống và được đào tạo trong chế độ cộng sản gần 40 năm nay. Ðây là một xã hội mà tội ác khởi sự từ chính quyền và dần dà lan rộng trong quần chúng.
Ngoại tình có một dạo đã lâu lắm được xếp vào loại tội tiểu hình ở California, nhưng đã bị hủy bỏ từ lâu. Trong các quốc gia theo văn hóa Á Châu, và tại Việt Nam, ngoại tình vẫn được xem là một tội phạm. Nhưng dù là một tội lỗi (sin) hay tội phạm (crime), không một xã hội trọng pháp nào lại cho phép có một hình phạt có tính cách gây điếm nhục, tàn bạo, công khai như trong trường hợp xảy ra tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lợi dụng lúc chồng vắng nhà, một thiếu phụ nhắn tin gọi tình nhân đến nhà mình “quan hệ bất chính.” Ông em chồng của người đàn bà theo dõi sự việc, kêu gọi người lối xóm vây bắt, ngoài trận đòn roi tới tấp như mưa, đôi “gian phu dâm phụ” còn chịu hình phạt bị lột sạch áo quần, bị trói đứng trước cửa nhà, trước mắt của mọi người qua lại.
Tự động bắt trói người, đánh đập và làm nhục, điều ấy phải chăng là một lối làm luật rừng tự phát? Một người vợ phạm tội ngoại tình, bà ta chỉ có lỗi trước chồng hay bị búa rìu dư luận, nhưng tòa án không thể bắt hay đưa bà ra tòa mà kết án tù. Trong trường hợp này một ông em chồng, có thể nhân danh ai để thi hành bản án lăng nhục những người khác như vậy?
Mọi người được xem là vô tội cho đến khi có án tòa. Và luật pháp phải được thi hành một cách điềm đạm, không thiên vị, không mang tính cách bêu riếu, trả thù. Bởi lẽ nếu bất cứ ai ai cũng có thể áp dụng, và thi hành luật pháp theo ý riêng thì xã hội sẽ rơi vào tình trạng loạn lạc, tạo nên điều kiện làm sống lại những thú tính nơi con người của xã hội bán khai, man rợ. Và đó là tình trạng dưới chế độ cộng sản trong nước hiện nay.
Trong bộ “luật rừng” này, một người “bị nghi” là trộm chó, dù không có tang chứng, cũng bị lên án tử hình bằng cách bị đưa lên “giàn thiêu,” như thời Trung Cổ, vì tại hiện trường đôi khi không thấy chó bị bắt hay bị thuốc, chỉ thấy xác người và xe đã bị thiêu rụi một cách tàn nhẫn. Nạn nhân đã thực sự bắt quả tang đang ăn trộm chó chưa, công an, chính quyền ở đâu mà để cho dân dùng luật rừng giết người như vậy?
Như vậy, nếu một người lạ mặt chạy xe gắn máy qua làng, chỉ cần một người hô lớn lên: “Trộm chó! Trộm chó!” - như chuyện “Chó dại!” trong Luân Lý Giáo Khoa Thư ngày trước - thì cả làng đổ ra, chưa biết trắng đen thế nào, gậy gộc vây lại đánh người này cho đến chết, hay chưa chết thì cũng thiêu sống họ bằng số lượng xăng trong chiếc xe gắn máy của nạn nhân. Một phó giám đốc ở Vũng Tàu cũng bị đánh trọng thương khi chạy xe vào vùng đang xẩy ra vụ trộm chó, như vậy trong số nạn nhân những người bi nghi là trộm chó cũng có kẻ chết oan.
Trong vụ “luật rừng” này, nạn nhân bị kết án và chịu án tử hình tại chỗ, nhưng chiếc xe gắn máy, tài sản của nạn nhân, kẻ khốn cùng và gia đình của họ, ai có quyền tước đoạt và thiêu hủy như người ta thiêu hủy những món độc dược như cần sa, thuốc phiện?
Quả phụ ông Nguyễn Văn Tuyến, người nghi trộm chó bị đánh chết, trú tại Hải Dương đã nói những lới ai oán: -”Dù chồng tôi có thực là đi ăn trộm thì người ta cũng không thể nhẫn tâm đánh cho bằng chết. Còn nếu anh ấy không trộm chó mà bị đánh chết thì phải điều tra làm rõ nguyên nhân.” Thân phụ của một người bị đánh chết trong vụ trộm chó thì suốt ngày đóng cửa không dám ra đường, nghẹn ngào nói với phóng viên báo chí: -“Quả thật tôi rất nhục nhã với dân làng, tôi không còn mặt mũi để gặp ai nữa. Ðây là một nỗi nhục không biết bao giờ mới rửa sạch được. Tôi chỉ muốn chết hoặc bỏ đi biệt xứ nơi khác để khỏi phải nghe tiếng gièm pha!”
Ở các nước khác, dù là nơi thú vật trong nhà được cưng chiều, ăn trộm một con chó hàng xóm, cùng lắm là ở tù một vài tháng. Ở Việt Nam nếu một người bị kết án đi ăn trộm cho của người khác, không lẽ phải chịu tù chung thân? Hoàn cảnh xã hội nào đã khiến con người độc ác với con người đến như vậy?
Bảy năm sau khi cộng sản đã thôn tính cả nước, ở tù về, tôi đã đau lòng gặp gỡ nhiều thanh niên mạnh khỏe, khôi ngô, đã bưng từng rổ chanh, rổ kim chỉ, ráy tai đi bán trên hè phố, không lẽ sau ba mươi tám năm “kháng chiến đã thành công,” những thanh niên mạnh khỏe không có tiền để đút lót làm lao động xuất khẩu hay đóng tiền vượt biên, lại phải đi trộm chó để mưu sinh?
Cũng không phải kỳ thị, nhưng câu hỏi của tôi, là vì sao những vụ trộm chó lại chỉ xẩy ra quanh quẩn ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ an, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, cùng lắm ở Quảng Trị, thì lại là huyện Gio Linh, những vùng đất nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 17 XHCN, những “thành đồng vách sắt,” được un đúc rèn luyện trong tinh thần cách mạng “thép đã tôi như thế đấy!” Không lẽ ở những nơi này, loài chó đang có giá và người ta coi con chó quý hơn mạng sống của con người.
Ðành phải thốt lên câu: -“Chó ơi là chó!”
Tạp ghi Huy Phương
(Người Việt)

Vũ Đức Khanh - Lời đề nghị đối thoại về ‘nhân quyền’ giữa người Việt

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.

Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, hôm 19/09/2013 tại Thủ đô Copenhague, Đan Mạch đã tuyên bố rằng: “Nhân quyền là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm.”
Trong cuộc họp báo chung với nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt ngay sau khi kết thúc hội đàm, ông Sang đã trả lời câu hỏi của báo chí Đan Mạch liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam như sau: “… Tôi xin cảm ơn câu hỏi của vị phóng viên báo Đan Mạch. Điều mà bạn quan tâm cũng là điều mà cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm. Chính vì quan tâm tới nhân quyền, tới tự do mà chúng tôi phải đổ máu rất nhiều để giành độc lập trong các cuộc kháng chiến... Một đất nước đã quyết tâm giành độc lập tự do bằng một sự hy sinh rất to lớn như vậy thì không có lý do gì khi giành được độc lập rồi lại không lo lắng về cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân mình… Tôi không có ý định ca ngợi thể chế chính trị của chúng tôi cái gì cũng đều tuyệt vời, vẫn còn có nhược điểm. Nhưng mong các bạn cũng quan tâm những chỉ số có thể nói là dấu son lớn trên bản đồ chính trị của thế giới. Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...”
Chủ tịch Trương Tấn Sang quả thật là người rất hùng biện khi ông cho rằng “Việt Nam rất tự do ... tuy nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” Nhưng thật ra cái "tự do ngôn luận" thông qua “số lượng” cơ quan truyền thông mà ông Sang đưa ra nó chẳng chứng minh được điều gì cả! Không hiểu ông Sang đã vô tình hay cố ý quên cho các bạn phóng viên Đan Mạch biết rằng Việt Nam cấm tư nhân ra báo, và tất cả báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh, các cơ sở phát hành báo chí và truyền thông đều do Nhà nước quản lý. Và ông thậm chí cũng quên luôn rằng các luật sư, bloggers và nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam thường xuyên luôn là mục tiêu bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện của chính quyền mà ông đang đại diện.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần phê phán ông Chủ tịch nước mà không tạo điều kiện cho ông ấy một cơ hội chứng minh những gì ông ấy phát biểu là đúng sự thật thì quả là hơi bất công. Vì thế tôi mạo muội đề nghị một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi sẵn sàng làm hết sức mình để ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có một diễn đàn tự do tại hải ngoại. Tôi sẽ đề nghị với 5 cơ quan thông tấn truyền thông quốc tế và của người Việt tại hải ngoại như VOA, BBC, RFA, RFI, và báo Người Việt tại Hoa Kỳ đăng tải toàn bộ nguyên văn bài phát biểu của ông Chủ tịch nước về “hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam” để mọi người dân trong và ngoài nước cùng bè bạn quốc tế có điều kiện hiểu rõ hơn về khái niệm “nhân quyền” của ông và của các đồng chí lãnh đạo Cộng sản của ông.
Thứ hai, nếu quả thật ở Việt Nam có “truyền thông tự do” như lời của ông Chủ tịch nước, tôi khẩn thiết đề nghị ông tạo điều kiện cho cá nhân tôi cũng như một số chí hữu của tôi trong và ngoài nước, những người có quan điểm không tương đồng với ông và đảng Cộng sản Việt Nam có một bài viết cùng chủ đề “nhân quyền” và sẽ được phép đăng trên bất kỳ một trang báo mạng, hay báo giấy nào ở trong lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, “với số lượng trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” đang phục vụ đắc lực cho quyền lợi của đảng Cộng sản, tôi nghĩ nếu ông Chủ tịch nước có chút xíu công bằng và sòng phẳng với những người và/hoặc lực lượng bất đồng chính kiến ở Việt Nam thì ông nên tạo điều kiện cho tôi, các chí hữu của tôi hoặc những nhà đối kháng đó được phép cho ra đời một tờ báo “đối lập” hoặc chí ít là “độc lập” với đảng Cộng sản của ông. Nó sẽ chẳng có nguy hiểm gì cả khi đảng của ông có đến hoặc đang kiểm soát “trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo”. Tôi mạn phép đề nghị việc này vì chính ông Chủ tịch nước và các đồng chí Cộng sản của ông luôn ca ngợi là chính phủ của quý ông luôn tôn trọng “tự do ngôn luận, tự do báo chí, truyền thông”. Tôi xin mạn phép nhắc lại với ông Chủ tịch nước rằng dân chủ là tôn trọng không những ý kiến của đa số mà còn phải tôn trọng cả ý kiến của thiểu số, cho dù thiểu số đó có là 0,1%, 1% hay 20% hoặc 40%. Đảng Cộng sản của quý ông luôn cho rằng quý ông được nhân dân Việt Nam tín nhiệm trao quyền lãnh đạo quốc gia và quý ông luôn nắm đa số, thậm chí có lúc lên 99% qua các kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng ông và các đồng chí của ông cũng phải nhớ rằng quý ông cũng đang có những người bất đồng chính kiến với quý ông và những người đó bắt đầu là cá nhân tôi, các chí hữu của tôi cũng như một số tù nhân chính trị và lương tâm khác như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Lê Quốc Quân và vân vân...
Cuối cùng vì ông Chủ tịch nước đã tuyên bố với thế giới rằng: “Nhân quyền là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm” cho nên tôi ngỏ ý sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với ông Chủ tịch nước, với đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam về những vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ và nhân quyền cũng như những vấn đề quốc sách khác mà nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước chúng ta có cùng quan tâm chung. Nhân tiện được biết ông Chủ tịch nước sắp đi thăm Canada, tôi trân trọng chúc mừng ông có chuyến công tác thành công rực rỡ và hy vọng có dịp tiếp kiến để cùng nhau thảo luận những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.
Vũ Đức Khanh
22.09.2013
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Bình Lê - Việt Nam thiếu triết lý làm luật

Luật hôn nhân gia đình nhận được sự quan tâm rộng rãi, không đơn giản vì nó động chạm đến thể chế hôn nhân vốn đang chịu nhiều sức ép của biến đổi xã hội, mà còn vì nội dung hợp pháp hóa hôn nhân giữa hai người cùng giới tính. Sau nhiều tranh luận, góp ý, sửa đổi rồi lại tranh luận, góp ý và sửa đổi, hiện trong dự thảo chính thức gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội đề ngày 29 tháng 8 năm 2013, ở điều 17d có ghi “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Như vậy, theo những người soạn thảo, đây là một sự “tiến bộ” so với khoản 5 điều 10 của Luật hiện hành đang cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban  Pháp luật của Quốc hội thì không thể có sự mập mờ pháp lý như vậy. Trong một nhà nước pháp quyền, nếu không cấm thì có nghĩa người dân được quyền làm. Chính vì vậy, luật cần phải tiếp tục duy trì việc “cấm” hoặc sửa theo hướng “hợp pháp hóa” hôn nhân đồng tính. Rõ ràng, các nhà soạn thảo Luật hôn nhân và gia đình đang bối rối không biết sửa theo hướng nào vì hiện tại vẫn tồn tại hai luồng dư luận song song. Phe bảo thủ cho rằng cần phải tiếp tục cấm hôn nhân cùng giới vì nó đe dọa thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam. Phe cấp tiến ủng hộ việc thừa nhận để bảo vệ quyền con người của người đồng tính, phản ánh thực tế cuộc sống và xu hướng của thế giới.

Qua câu chuyện của hôn nhân cùng giới chúng ta thấy đây không phải là câu chuyện đơn lẻ. Ngược lại, nó phản ánh tình trạng nửa vời khá phổ biến của nền chính trị lập pháp Việt Nam.

Nguyên tắc một đường, nội dung một nẻo

Trong nhiều văn bản và trình bày khác nhau, Ban soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình luôn nhấn mạnh những nguyên tắc được sử dụng để sửa luật. Có ba nguyên tắc hay được nhắc đến đó là (i) bảo vệ quyền con người, bình đẳng và không phân biệt đối xử; (ii) phản ánh nhu cầu cuộc sống và không can thiệp vào quan hệ riêng tư; (iii) phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Có thể thấy ngay, việc không thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính vi phạm trực tiếp nguyên tắc đầu tiên, đó là tôn trọng quyền con người, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Người dị tính có thể kết hôn hoặc sống chung không kết hôn, còn người đồng tính thì không, cho dù việc sống chung của các cặp đôi là thực tế, và đa số người đồng tính muốn được kết hôn với người yêu cùng giới của mình. Bên cạnh đó, theo công ước CEDAW mà Việt Nam đã ký, việc các cặp đôi kết hôn hay sống chung không kết hôn, đều phải được đối xử như nhau. Trong dự thảo hiện tại, Luật vẫn không thừa nhận hôn nhân thực tế (sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn), và bảo vệ các cá nhân trong các cặp đôi này ít hơn các cặp đôi kết hôn.

Ý kiến cá nhân không phải quan điểm tổ chức

Một điều thú vị là nhiều thành viên ban soạn thảo và nhiều chính khách thể hiện quan điểm cá nhân (nhấn mạnh là quan điểm cá nhân) công khai trong cuộc họp, hoặc hội thảo theo kiểu “cá nhân tôi ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, vì phải bảo vệ quyền con người”. Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường là người đầu tiên phát biểu công khai trong giao lưu trực tuyến ngày 24 tháng 7 năm 2012 “Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau”. Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng cho rằng hôn nhân đồng tính là một thực tế đòi hỏi của xã hội, là vấn đề của toàn cầu không thể né tránh. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý thì cho rằng, nếu bảo vệ quyền con người thì phải hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, chứ không chỉ quy định nửa vời.

Như vậy, các vị chính khách quan trọng nhất của Bộ tư pháp, của Chính phủ và Quốc hội đã bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, đó là phải bảo vệ quyền con người. Ở các quốc gia dân chủ, khi nhà chính trị đưa ra quan điểm cá nhân trong tranh cử, hoặc trong các cuộc họp công khai, đồng nghĩa đó là cam kết chính trị của họ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quan điểm cá nhân không phải là quan điểm của tổ chức. Chính vì vậy, dù các chính khách ủng hộ các giá trị nhân văn, bình đẳng và không phân biệt đối xử, nhưng nội dung luật đệ trình do cơ quan họ đưa ra vẫn có nhiều mâu thuẫn với chính những giá trị tốt đẹp được nói công khai. Có lẽ, quan điểm cá nhân của họ khác với quan điểm của tổ chức họ lãnh đạo!

Dùng giá trị mơ hồ biện minh cho việc xâm phạm công lý

Trên thực tế, có sự đối kháng mạnh mẽ giữa nguyên tắc “bình đẳng, không phân biệt đối xử và bảo vệ quyền con người” với các giá trị “gia đình truyền thống, đạo đức và văn hóa tốt đẹp” của dân tộc. Những người phản đối hôn nhân cùng giới cho rằng, khi cho hai người cùng giới kết hôn có nghĩa giá trị của văn hóa truyền thống bị xói mòn và đảo lộn. Những người có cái nhìn khách quan dễ dàng thấy ngay, nếu hiểu như vậy, thì những giá trị gia đình truyền thống mâu thuẫn với các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử. Hơn nữa, nếu các giá trị văn hóa được coi là tốt đẹp mà bị nguyên tắc bảo vệ quyền con người gây xói mòn như vậy, thì cần xem lại các giá trị này có còn phù hợp, và thực sự có ích cho nhân dân hay không.

Việt Nam cần một triết lý làm luật

Chúng ta đang thiếu một triết lý rõ ràng để xây dựng luật pháp nên mới có những quy định nửa vời như “không cấm cũng không thừa nhận” trong Luật hôn nhân và gia đình, hay “cho quyền sử dụng đất nhưng không cho quyền sở hữu đất” trong Luật đất đai. Tương tự như vậy, Hiến pháp bảo vệ quyền tự do biểu tình, tự do lập hội của nhân dân, nhưng Luật hướng dẫn thi hành chưa bao giờ được thông qua.

Rõ ràng, Việt Nam cần một triết lý để xây dựng chính sách, tránh những quy định rối rắm, tạo ra rừng luật gây khó khăn cho đời sống xã hội. Không cần cao siêu, chúng ta có thể bắt đầu từ triết lý cơ bản: luật pháp là công cụ giúp nhà nước hoàn thành trách nhiệm bảo vệ quyền con người. Quyền con người bắt đầu từ quyền sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và quyền sở hữu tài sản. Mọi quy định pháp luật nếu vi phạm các quyền này cần bị loại bỏ. Như vậy, các văn bản pháp luật sẽ rõ ràng và nhân bản, tránh mơ hồ nửa vời dễ bị những nhóm lợi ích bóp méo, lợi dụng và gây hại cho cộng đồng và xã hội. 
(Diễn Ngôn)

Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan: Số liệu của Việt Nam "cứ thế nào ấy"

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/quynhtien/2013_07_19/Vu-khoan.jpg
Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan
"Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng".
Ngồi nghe những báo cáo thống kê nửa chặng đường phát triển kinh tế trong 5 năm từ 2011 - 2015 của nước, Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cười nói: "Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng".
Tất nhiên làm kinh tế thì không thể thiếu những con số. Nhưng theo Nguyên phó thủ tướng, thay vì mải chạy theo các con số, nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại chủ trương, đường lối. 
Ông Khoan cho biết, Đại hội XI có 2 nhóm chủ trương lớn quan trọng đó là chủ trương về thể chế và chủ trương về đổi mới mô hình tăng trưởng. Điểm lại những nội dung đó, có thể xếp chúng vào bốn nhóm kết quả chính. 
Nhóm thứ nhất là một số không nhiều lắm chủ trương đã được thực hiện và đem lại thành công nhất định. Nhóm thứ hai là những nhóm nội dung chúng ta đã giải quyết được một phần nhưng chưa đánh giá được kết quả. Nhóm thứ ba là nhóm chúng ta chưa thực hiện được gì. Và nhóm cuối cùng, đặc biệt hơn, là nhóm chúng ta ... làm ngược lại so với kế hoạch đề ra. 
Chẳng hạn, trong nội dung của đại hội XI, chúng ta có chủ trương về tài chính, nêu ra yêu cầu phát triên vững chắc tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh giám sát hiệu quả, rồi thì phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, xây dựng một số tập đoàn mạnh,... 
"Những nội dung đó giờ đọc ra quá xa vời với thực tế hoặc chúng ta toàn làm ngược lại", ông Vũ Khoan nhận định.
Nhìn lại toàn bộ bức tranh mà đại hội đề ra thì thấy đó là một bức tranh rất lổn nhổn, chưa đi vào được cuộc sống.  
Theo ông Vũ Khoan, đó là vấn đề của nhà quản lý. Tuy nhiên khi lý giải nguyên nhân tại sao nền kinh tế Việt Nam suy giảm, rất ít người đi vào phân tích những sai lầm chủ quan.
"Chúng ta thường viện vào 2 lý do là do tác động bên ngoài (kinh tế thế giới khó khăn) và những vấn đề nội tại bên trong. Tôi nghĩ đúng nhưng không phải trọng yếu. 
Một là, kinh tế thế giới khó khăn, tuy nhiên các quốc gia trong khu vực cùng chịu ảnh hưởng như chúng ta nhưng lại không bị tác động mạnh.
Về các vấn đề nội tại, nội tại khó khăn thì là chuyện của mấy chục năm nay rồi chứ có phải là vừa mới đâu. Vì vậy nếu chỉ lý giải dựa trên hai lý do này thì chưa đủ", Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định.
Những bất ổn của chúng ta bắt đầu từ năm 2007, khi khẩu hiệu "ổn định kinh tế vĩ mô" được phát đi rộng rãi. Nguyên nhân chính dẫn tới những khó khăn chính là những sai lầm chủ quan của chúng ta đã gây ra bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Chúng ta đã tư duy chủ quan duy ý chí, đi vào những cái không tưởng, đề ra những mục tiêu không phù hợp với thực tế. 
"Điều quan trọng bây giờ là phải thay đổi trong quan điểm, trong chủ trương đường lối. Chứ việc chúng ta điều chỉnh lại các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu lạm phát thì quá dễ, làm được ngay nhưng không mang ý nghĩa gì", ông Khoan nhấn mạnh.
Hoàng Vân
(TTVN)

Rủi ro với ngân hàng VN vì cải cách chậm


Niềm tin của người gửi tiết kiệm là một trong những yếu tố then chốt.

Fitch Ratings ra báo cáo nói cải cách chậm, minh bạch kém và rủi ro về tài sản đang là vấn đề đối với các ngân hàng lớn có nợ xấu.

Trong báo cáo triển vọng cho 2014, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nói “Chính sách bình ổn vĩ mô kể từ 2011 khiến biến động ít hơn về lãi suất, tỉ giá và lạm phát và tạo cơ hội cho phục hồi khu vực ngân hàng.

“Tuy nhiên cải cách diễn ra chậm, một phần do nhà chức trách sợ các vấn đề phát sinh thêm cho nền kinh tế vốn đang mong manh”.

Nỗ lực thức đẩy nhu cầu nội địa không được hiệu quả vì các ngân hàng và bên đi vay lo ngại về môi trường kinh doanh bất ổn. (Tăng trưởng tín dụng trong năm tính tới tháng Tám 2013 ở mức 6%).

Fitch Ratings cũng dự báo tăng trưởng 5.0% trong năm nay và khoảng 5.5% cho giai đoạn 2014-2015.

Tuy nhiên, hãng này nói họ xếp Triển vọng ở thang điểm Ổn định bởi mức tín nhiệm của các ngân hàng tại Việt Nam hiện đang được xếp ở mức ‘B’, tức là đã tính tới các yếu tố mong manh, cũng như việc tín nhiệm nợ của chính phủ Việt Nam đang được xếp ở mức Ổn định.

Hãng này cho biết “Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có thể sẽ không giải quyết được các vấn đề chất lượng tài sản về ngắn hạn bởi một số nét hoạt động của công ty này hiện còn chưa rõ ràng và các qui định nhằm cải thiện độ minh bạch về dư liệu đối với chất lượng tài sản khu vực ngân hàng bị trì hoãn tới tháng Sáu năm 2014.

'Nhiều bất chắc'
"VAMC có thể chuyển nợ xấu khỏi ngân hàng nhưng không làm gì được với những khoản thua lỗ"
Báo cáo của Fitch Ratings
“Củng cố khu vực ngân hàng và cải cách khối doanh nghiệp nhà nước nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm về trung hạn.”

Một trong những điểm đáng quan ngại được nói với là thực trạng mù mờ về nợ xấu và điều kiện kinh tế khắc nghiệt sẽ tạo rủi ro cho những ngân hàng lớn.

VAMC có thể chuyển nợ xấu khỏi ngân hàng nhưng không làm gì được với những khoản thua lỗ.

Trong khi đó các ngân hàng nhỏ và trung bình đặc biệt đối diện với khó khăn tiếp cận vốn mới do chất lượng tài sản và khả năng sinh lời hạn chế.

Luật lệ giới hạn quyền sở hữu đối với bên nước ngoài làm cản trở hoạt động đầu tư của khối nước ngoài trong khi nhà đầu tư trong nước không mấy mặn mà bởi kinh tế nội địa còn nhiều bất trắc.

Fitch Ratings cũng cảnh báo rằng thang điểm rủi ro tiêu cực sẽ có thể được đưa ra nếu môi trường kinh doanh trở nên thách thức hơn và đe dọa khả năng phá sản đối với các ngân hàng cũng như niềm tin của người gửi tiền hoặc/và có việc hạ điểm đối với tín nhiệm nợ của chính phủ.

Mới đây chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói chủ trương không cho ngân hàng nào phá sản của chính phủ Việt Nam là "không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý nào."

"Bảo hiểm tiền gửi hiện nay rất giới hạn, chỉ khoảng 50 triệu đồng. Ai sẽ chịu trách nhiệm hàng tỷ đồng cho những tài khoản gửi vào đó nếu ngân hàng không có khả năng thanh toán?

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 20/9, kinh tế gia có tiếng cũng nói để giải quyết tình trạng sở hữu chéo đang bao trùm lên khu vực ngân hàng, cần phải bắt đầu bằng việc truy cứu trách nhiệm dân sự và cả hình sự đối với những người liên quan.
(BBC)

Các nhà đầu tư chờ VN gượng dậy

Chuyên chở hàng ở ngoại ô Hà Nội
Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi sự phục hồi ở Việt Nam

Báo Mỹ và Anh nói các nhà đầu tư đang chờ sự phục hồi ở Việt Nam để trở lại đầu tư.

Tờ Sunday Times ở London hôm Chủ Nhật và hãng tin AP của Hoa Kỳ hôm thứ Hai đều có bài bàn về khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trở lại.

Tuần này đặc sứ thương mại của thủ tướng Anh, ông David Puttnam, sẽ dẫn đầu phái đoàn các doanh gia tới thăm Việt Nam.

Báo Sunday Times nói nhiều lãnh đạo công ty và tập đoàn ở Anh cho rằng Việt Nam đi sau Thái Lan chừng 20 năm cho dù có dân số 90 triệu trong đó 17 triệu ở độ tuổi từ 10-19.

Một chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered nhận định cứ mỗi năm Việt Nam lại có 1,7 triệu người tiêu dùng mới trong 10 năm tới đây.

Nợ xấu

Trong khi đó hãng tin AP nói các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nằm chờ giữa lúc nợ xấu vẫn còn chồng chất trong hệ thống ngân hàng.

AP dẫn lời ông Neil Hagan, chuyên gia thu hồi nợ của Hoa Kỳ, nói một số công ty mua nợ có tiếng như Lone Star và Fortress đang muốn vào Việt Nam nhưng chính phủ ở Hà Nội cần có những thay đổi luật để tạo điều kiện cho những công ty mua nợ tiềm năng này hoạt động dễ dàng.

Fitch Ratings đánh giá nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể lên tới xấp xỉ 20% so với con số chính thức chừng 5%.

AP nói các công ty mua nợ xấu hy vọng sẽ kiếm lời từ việc bán các tài sản thế chấp hay bỏ tiền đầu tư vào các tài sản này nhằm có doanh thu về sau.

Nhưng AP nhận định việc thu hồi nhà cửa hay tài sản từ hàng ngàn cá nhân và công ty là quyết định khó khăn đối với chính quyền ở Hà Nội.

Họ không cho phép người dân có quyền chính trị trong khi tính chính danh của chế độ phụ thuộc vào khả năng đảm bảo mức sống ngày càng tăng cho người dân.

Lừa đảo và tham nhũng

"Các nhà đầu tư thích sự trở về đúng giá trị thực. Thị trường đã tăng 35% kể từ cuối năm 2011. Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thị trường vẫn còn rẻ."
Bill Stoops từ Dragon Capital
Các nhà đầu tư cũng được AP dẫn lời nói xử lý nợ xấu ở Việt Nam sẽ khó khăn do tình trạng lừa đảo và tham nhũng trong ngành ngân hàng.

Ngoài ra nhà xưởng, máy móc và tàu bè sẽ mất giá trị khi để không lâu ngày.
Chuyên gia thu hồi nợ Hagan cũng dẫn ra một trường hợp trong đó có một lô thép được dùng làm khoản thế chấp cho năm khoản vay và nói:

"Tôi không biết là họ có di chuyển chuyển đống thép đó đi cho mỗi lần thế chấp mới không, nhưng đó đúng là cùng một lô thép.

"Giám đốc chi nhánh ngân hàng đó chắc phải là một gã ngốc. Năm người liền đều cùng cầm cố một đống thép mà có lẽ không có thực."

Cao thủ chờ đợi

Trong khi đó bài viết trên tờ Sunday Times của Anh có vẻ lạc quan hơn.

Họ dẫn lời ông Bill Stoops, trưởng bộ phận đầu tư của Dragon Capital, quỹ đầu tư hàng tỷ đô la do một người Anh lập ra, nói:

"Các nhà đầu tư thích sự trở về đúng giá trị thực. Thị trường đã tăng 35% kể từ cuối năm 2011. Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thị trường vẫn còn rẻ."

Sunday Times cũng nói xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã tăng bốn lần kể từ năm 2007 cho dù nước này vẫn đứng sau Đức, Pháp và Ý.

Trong những tháng gần đây chuỗi cửa hàng thời trang Topshop và một trong những công ty luật hàng đầu ở Anh, Allen&Overy đã tới Việt Nam.

Trong khi đó nhiều công ty của Anh đã bám rễ chắc chắn ở Việt Nam như Prudential, HSBC, Standard Chartered, Unilever và Jardine Lloyd Thompson.

Người sáng lập Dragon Capital được dẫn lời nói: "Điều mà tôi không nghi ngờ gì là hướng mà đất nước này đang đi. Về thời điểm thì còn có rất nhiều điều không chắc chắn. Nhưng người Việt Nam trong quá khứ đã chứng tỏ họ là cao thủ về khoản chờ đợi và không bao giờ chấp nhận thất bai."
(BBC)

Vinashin - những sai lầm tỷ đô

Những sai lầm trong 7 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn là lý do buộc Vinashin phải trải qua tiến trình tái cơ cấu đau đớn suốt 3 năm qua và có thể kết thúc bằng việc trở về tên gọi ban đầu - Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

  Cắt giảm gần 14.000 lao động tại Vinashin
  Vinashin sẽ hoàn tất tái cơ cấu nợ vào 2014

Giữa tháng 11/2010, Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, cho phép tiến hành trong vòng 3 năm 2011 - 2013. Đến nay, khi thời gian cho công cuộc này chỉ còn vài tháng, thông tin từ cơ quan quản lý cho biết Vinashin đang được đề xuất trở về hoạt động theo mô hình Tổng công ty, thay vì Tập đoàn như trong suốt 7 năm qua. Đây được xem như một “nốt giáng” cho ông lớn vốn một thời là “con cưng” của nền kinh tế, nhưng lại được xem là bước chuyển cần thiết để xây dựng lại nền công nghiệp đóng tàu của Việt Nam.

Với đường bờ biển dài 3.000 km và nguồn lao động dồi dào, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện thích hợp để phát triển ngành vận tải biển, đóng tàu. Nhận định thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương, Đại hội Đảng lần thứ X năm 1996 đã ban hành Nghị quyết “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trở thành tiền đề cho sự ra đời của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với sứ mạng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đóng tàu mạnh trong khu vực và thế giới.
vinashin-5857-1379691546.jpg
Vinashin có thể rời bỏ mô hình tập đoàn, trở thành tổng công ty.
Giai đoạn 10 năm đầu thành lập được coi là thời kỳ hoàng kim của Vinashin và ngành đóng tàu Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 23 đơn vị thành viên, đến năm 2006, Vinashin có 170 đơn vị, trên 45.000 lao động. Nhiều con tàu hiện đại ra đời, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của Vinashin đạt con số ấn tượng 40%.

Cùng với sự phát triển như vũ bão cùng tham vọng gia nhập vào trung tâm đóng tàu của thế giới (khi đó gồm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), năm 2005, Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh phát triển Vinashin giai đoạn 2005 - 2010, định hướng 2015 với mục tiêu Việt Nam có thể tự chế tạo các loại tàu trọng tải 50.000 tấn, chiếm khoảng 10% thị phần đóng tàu thế giới. Để đạt được mục tiêu trên, Vinashin cần tới 3 tỷ USD - một lượng vốn khổng lồ lúc bấy giờ để đầu tư cho các nhà máy đóng tàu xuất khẩu, mở rộng các nhà máy hiện có.

Nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình lúc bấy giờ bày tỏ sự lạc quan: "Chúng tôi đã có đơn đặt hàng đến hết 2009 với số hợp đồng ký chính thức khoảng một tỷ USD, hợp đồng thoả thuận ước 0,5 tỷ USD và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho đến 2012". Vinashin nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Chính phủ, thể hiện qua việc chấp thuận phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế vào năm 2005, sau đó ủy thác toàn bộ cho Vinashin để chi dùng cho các hoạt động.

Tiếp đó, Vinashin có thêm sinh lực khi được phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn vào năm 2006. Cùng năm này, Vinashin tự đứng lên vay nước ngoài 600 triệu USD cũng như huy động hàng nghìn tỷ đồng ở trong nước. Nắm lượng vốn lớn trong tay trong khi khả năng quản lý chưa theo kịp quy mô hoạt động, không dự báo được thị trường..., Vinashin liên tiếp mắc sai lầm. Đầu tư ngoài ngành là nguyên nhân chính tạo nên "cái chết chóng vánh" cho người anh cả ngành đóng tàu.

Từ năm 2006 đến 2008, kinh tế trong nước và thế giới tăng trưởng vũ bão, Vinashin "hăng hái" tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực bên cạnh nhiệm vụ chính là đóng mới và sửa chữa tàu. Với việc thành lập gần 200 công ty con, các thương vụ của tập đoàn trải từ sản xuất thép, xi măng, xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, hàng không..., thậm chí đến cả xe máy, trở thành ông lớn đa ngành nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty.

Với tham vọng sản xuất thép phục vụ đóng tàu, năm 2008 Vinashin được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư dự án liên hợp Thép Cà Ná cùng với Tập đoàn Lion (Malaysia) tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD. Ở lĩnh vực tài chính, năm 2007, Vinashin cũng chi tới gần 1.500 tỷ đồng (tương đương 90 triệu USD khi đó) để mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm cuối năm 2008, đầu năm 2009 là đòn trời giáng vào tham vọng bành trướng đầu tư ngoài ngành của Vinashin. Ở dự án Thép Cà Nà, khó khăn tài chính khiến chủ đầu tư nước ngoài rút lui, dự án không thể triển khai đúng tiến độ dẫn tới bị thu hồi giấy phép trong khi Vinashin đã rót hơn 80 tỷ đồng. Năm 2009 Vinashin lên kế hoạch thoái vốn tại Bảo Việt, song do thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, đơn vị này phải chấp nhận lỗ tới gần một nửa số tiền đã đầu tư.

Không chỉ vậy, trước khi suy thoái kinh tế, Vinashin có hàng trăm hợp đồng quy mô nhỏ (giá trị mỗi hợp đồng 5-6 tỷ), nhưng sau đó do ngành vận tải biển sa sút, các đối tác hủy hợp đồng khiến Vinashin cũng bị thiệt hại lớn.

Vố đau nhất trong đầu tư của Vinashin phải kể đến thương vụ mua tàu Hoa Sen. Vốn là tàu chở xe và hành khách do Italy đóng từ năm 2001, Hoa Sen được Vinashin mua lại vào năm 2007 với số tiền lên tới 60 triệu USD (tương đương 1.300 tỷ đồng tính theo tỷ giá bấy giờ), sau đó được cải hóa làm tàu chở hàng hóa, khách du lịch trên tuyến Bắc - Nam. Nhưng tàu càng hoạt động càng lỗ và chỉ chạy gần 40 chuyến thì phải dừng, trong khi mỗi năm vẫn phải trả lãi vay gần 80 tỷ đồng.

Vay nhiều, đầu tư thua lỗ đã nhìn thấy rõ, nhưng phải tới năm 2010 bức tranh tài chính tối tăm tại Vinashin mới thực sự lộ rõ qua đợt thanh tra của Chính phủ. Theo báo cáo, tính tới cuối năm 2009, tổng tài sản của tập đoàn là hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% (86.000 tỷ đồng) là nợ phải trả. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin dựa hoàn toàn vào vốn vay. Bên cạnh đó, đến hết năm 2009, Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.

Khủng hoảng của Vinashin được Thanh tra Chính phủ kết luận làm "ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước, ảnh hưởng đến tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế". Trong năm 2010, hai tổ chức xếp hạng thế giới là Moody's và Standard & Poor's (S&P) đều hạ bậc tín nhiệm Việt Nam, bức tranh nợ công của Việt Nam cũng trở nên tồi tệ do gánh nặng từ việc vay vốn đầu tư cho tập đoàn này. Tiếp đó, các chủ nợ quốc tế cũng tuyên bố sẽ kiện Vinashin vì không thanh toán đúng hạn khoản gốc và lãi 600 triệu USD...

Trong một lần trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch một quỹ đầu tư cho biết, dân trong ngành tài chính đã dự đoán được sự đổ vỡ của Vinashin trước đó khá lâu khi năm 2008, trái phiếu quốc tế của Vinashin được mua bán trên thị trường với lợi tức từ 24-27% một năm, thể hiện mức độ rủi ro rất cao mà các nhà đầu tư nhận định về tập đoàn này.

Ngay như Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, khi còn là Bộ trưởng Tài chính cũng nhận định, trước khi có kết luận thanh tra năm 2010, Bộ cũng đã tiến hành kiểm tra định kỳ, phát hiện thấy Vinashin thành lập quá nhiều công ty con, đầu tư dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu là dựa vào vốn vay. Tuy nhiên, dù đã kiến nghị ban hành các quyết định chấn chỉnh, nhưng trong quá trình thực hiện, vì những lý do khách quan cũng như chủ quan mà các chỉ đạo "không được thực hiện triệt để, dẫn tới những đổ vỡ sau này".

Câu chuyện về Vinashin luôn là đề tài nóng được các đại biểu Quốc hội chất vấn trong các phiên thảo luận những năm qua. Thay mặt Bộ chủ quản, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng phải thừa nhận sự bất thường ở Vinashin là nợ đã vượt quá cao so với tỷ lệ cho phép, lên tới 11 lần. "Trong trường hợp bình thường, thị trường phát triển lành mạnh thì doanh nghiệp có thể xoay sở bằng cách này, cách khác để qua được, nhưng tình hình như thế này thì đứng trên bờ phá sản là chuyện rõ ràng. Cái nguy hiểm, cái không an toàn của nợ của Vinashin là ở chỗ đó", ông Dũng phát biểu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định, suy sụp của Vinashin một phần do những sai phạm nội bộ, song cũng có lỗi lớn của cơ quan quản lý, giám sát đã không phát hiện, xử lý kịp thời những yếu kém tại đây, dẫn tới khi phát hiện đã quá muộn.

Điều này cũng được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ trước Quốc hội. Theo ông, chính những thiếu sót của cơ quan giám sát đã dẫn tới không chấn chỉnh kịp thời những sai phạm tại Vinashin. "Thực tế, nhiều sai phạm của Vinashin chỉ được phát hiện qua thanh - kiểm tra. Mà nhiều khi đến lúc thanh - kiểm tra thì sự việc đã xảy ra rồi", ông nói.

Cũng bởi vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một phiên đăng đàn cũng phải nhận lỗi vì những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát các tập đoàn kinh tế, điển hình là Vinashin.

Vinashin lúc đó như đứng trên bờ vực khi tài chính kiệt quệ, nhiều công ty con phải đóng cửa hoặc chuyển giao sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), lãnh đạo thì bị kỷ luật, cách chức, kết án do những sai phạm trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, với quan điểm không để cho Vinashin phá sản nhằm xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu phục vụ phát triển kinh tế biển, năm 2010, đề án tái cơ cấu Vinashin ra đời với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.

Đã gần 3 năm trôi qua, song nhắc đến cái tên Vinashin nhiều người vẫn còn không tránh được cảm giác đau lòng. Từ một tập đoàn có cơ sở trải rộng khắp đất nước với hàng chục nghìn lao động, theo báo cáo mới đây, Vinashin phải cắt giảm tới 14.000 lao động, chỉ giữ lại khoảng 8.000 người, nhiều nhà máy, khu cảng biển bị đóng cửa, bỏ hoang hoặc phải cho phá sản. Nhưng bên cạnh sự u ám cũng có điểm sáng dành cho ông lớn này khi những khoản nợ bước đầu đã được tái cơ cấu.

Thông tin mới nhất cho thấy, đã có 19 ngân hàng trong nước tuyên bố sẽ giảm 70% nợ cho Vinashin. Đối với nợ nước ngoài, tập đoàn cũng đàm phán giảm được 30% và thoát nguy cơ bị chủ nợ kiện. Một nguồn tin cũng có hay, Chính phủ đang có kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm giúp tập đoàn này trả nợ. Từ đó, có thể hy vọng lịch sử Vinashin sẽ bước sang một trang mới ổn định hơn, ngành đóng tàu Việt Nam cũng có cơ hội phát triển vững chắc hơn.

Huyền Thư
  (VnExpress)
 

Chưa đủ sức sát thương 'giặc nội xâm' tham nhũng

Trò chuyện cùng Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng việc chống tham nhũng (PCTN) vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm vì vậy chưa đủ sức sát thương “giặc nội xâm” - tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

Công khai quá trình xử lý án tham nhũng

Tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, ông có bình luận gì về nhận định này?

Đúng như nhận định của Thường vụ Quốc hội, qua tiếp xúc cử tri, và nhân dân vẫn chưa hài lòng và cho rằng công tác PCTN vẫn còn yếu, nhiều vụ tham nhũng lớn và điển hình vẫn chưa được đưa ra và xét xử, giặc tham nhũng chưa bị ngăn chặn và đẩy lùi. Và những vấn đề được bàn thảo trong phiên họp lần này đã được đại biểu Quốc hội nói tới trong nhiều năm nay, sẽ tiếp tục được thảo luận trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào tháng tới.
“Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó... Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân” - ĐBQH Lê Như Tiến.
Trước đây PCTN còn yếu kém, chúng ta cho rằng do hệ thống chính sách pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng nay luật đã sửa, cơ quan chuyên trách đã có và được tổ chức đồng bộ từ T.Ư tới địa phương. Bên cạnh các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, giám sát, chúng ta có cơ quan chuyên trách là Ban Nội chính T.Ư và Ban Nội chính các tỉnh.
Nói cách khác, tới thời điểm này chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, nhưng giặc tham nhũng vẫn chưa bị tiêu diệt được bao nhiêu. Vì vậy, cũng có cử tri đặt câu hỏi có phải chúng ta đang án binh bất động vì còn “ém quân” chờ thời?

Tôi cho rằng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng cần có cơ chế công khai theo thời hạn hàng tháng, hàng quý để người dân biết, dân kiểm tra. Nếu không người dân sẽ tiếp tục hoài nghi về PCTN.

Có phải tình hình chống tham nhũng đang rơi vào tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, vì vậy giặc tham nhũng vẫn nằm ngoài tầm bắn?

Trong kinh tế, thời gian vừa qua vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải phân tán nguồn lực và kém hiệu quả. Trong PCTN, tôi cũng có cảm giác chúng ta vẫn chưa đánh vào trọng tâm, trọng điểm. Hay, nói như đại biểu Dương Trung Quốc, chúng ta chống “giặc nội xâm” - tham nhũng rất rầm rộ nhưng “chưa có viên đạn nào gây sát thương giặc”.

Hiện nay, việc xét xử những vụ tham nhũng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tha hóa đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước chưa được làm rốt ráo. Như các vụ án Vinashin, Vinalines… đã được báo chí, nhân dân nói đến rất nhiều, nhưng việc xử lý mới dừng lại ở những người đứng đầu các Tổng công ty đó. Theo tôi một mình các Tổng Công ty đó không thể gây ra hậu quả làm thiệt hại, thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng nếu không có sự buông lỏng, tạo kẽ hở, thậm chí tiếp tay của các cơ quan quản lý ở cấp cao hơn.

Vì thế công tác PCTN mới dừng ở thân, ngọn, chứ chưa tới gốc rễ của vấn đề. Muốn dò tới ngọn nguồn của tham nhũng, phải truy trách nhiệm của những người đứng đầu.

Chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối vì vậy để lỗ hổng cho tội phạm tham nhũng “lọt lưới”. Và để việc PCTN hiệu quả, tôi đề nghị cần có cơ quan PCTN độc lập.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm vừa qua phát hiện 73 vụ, nhưng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự. Vậy việc xử lý trách nhiệm những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng dường như còn “giơ cao, đánh khẽ”?

Mặc dù luật nêu nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Phần lớn người đứng đầu có tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy khi cơ quan có tham nhũng, họ liền tìm cách che chắn, đậy điệm cho khéo, nếu không chính họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì thế, xảy ra hiện tượng chính người đứng đầu lại bao che, biến báo, nhào nặn để tội phạm tham nhũng trở thành những người chỉ mắc khuyết điểm, xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở. Điều này dẫn đến hệ quả, năm nào cũng đánh giá tham nhũng ngày càng “tinh vi, phức tạp”, nhưng khi được hỏi lại có câu trả lời “cơ quan của tôi không có tham nhũng”.

Hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng

Mặc dù công tác thanh tra phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng hầu như việc chuyển sang cơ quan điều tra lại rất hạn chế. Vậy có chuyện “nắn dòng, bẻ ghi” làm chuyển hướng trong quá trình thanh tra điều tra không, thưa ông?

Theo thông tin tôi nắm được, trên 64 nghìn vụ thanh tra của các cấp các ngành trên toàn quốc trong những năm vừa qua, mới chuyển cơ quan điều tra 464 vụ (chiếm 0,6% tổng số vụ). Trong những tháng đầu năm của năm 2013, phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, nhưng mới chuyển cơ quan hình sự 11 vụ.

Tôi cho rằng có một xu hướng hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng. Nếu có xử lý lại theo hình thức chuyển công tác hoặc phê bình, nhắc nhở. Nhiều vụ được đưa ra xét xử lại ở dưới khung hình phạt, hoặc cho hưởng án treo. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi “có tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?”.

Tôi cho rằng là có. Vì một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã vào vòng lao lý do tham nhũng, hối lộ, bị xử lý. Tuy nhiên, theo lý giải của Thanh tra Chính phủ đó là do trình độ của cán bộ còn hạn chế. Nhưng theo tôi không phải lý do trình độ yếu kém của thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán mà còn có những điều “khó nói”, khó lý giải.

Mặc dù rất nhiều người có thông tin chạy án, nhưng để “bắt tận tay, day tận trán” thì không dễ, bởi như chúng ta nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, luôn luôn giấu mặt, giấu tay.

Về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012, đã có hơn 113 nghìn người kê khai lần đầu, hơn 519 nghìn người kê khai bổ sung, nhưng chỉ có 3 trường hợp được xác minh là không trung thực. Ông có bình luận gì về con số này?

Hiện nay, kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, vì kê khai mà chưa có công khai. Bản kê khai tài sản được niêm phong và cất vào tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ. Điều này tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng “rửa” tài sản, như khai báo không trung thực để người thân đứng tên. Và vì thế việc kê khai tài sản không còn mấy ý nghĩa.

Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó. Cần công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác, nơi cư trú và tại nơi ứng cử (đối với các đại biểu dân cử). Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân.

Nói đến tai mắt của nhân dân, hiện nay có ý kiến cho rằng người dân đã không còn mặn mà tới việc PCTN?

Có môt nghịch lý bộ máy PCTN tầng tầng lớp lớp nhưng nhiều vụ tham nhũng lại do chính người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.

Nhưng hiện nay, có hiện tượng người dân đã thờ ơ, không còn nhiệt huyết phòng chống tham nhũng. Thứ nhất khi người dân phát hiện ra tham nhũng, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý, không được phản hồi. Thứ hai, người đứng lên đấu tranh PCTN lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Bởi kẻ tham nhũng vốn có sẵn tiền và quyền trong tay, lại không thiếu gì mưu mô, không từ một thủ đoạn nào để dằn mặt, trả thù những người tố cáo.

Trên thực tế nhiều người đứng ra tố cáo, thông tin về tham nhũng, chống tham nhũng trở thành những người “đơn thương độc mã”. Vì vậy tạo ra một thực tế “người ngay sợ kẻ gian” và tạo ra tâm lý “mặc kệ nó”.

Ngay cả đối với những nhà báo vào cuộc chống tham nhũng đôi khi cũng bị cản trở, đe dọa. Vì vậy cần phải coi việc nhà báo tham gia mặt trận PCTN như những người thi hành công vụ; và cản trở nhà báo khi tác nghiệp PCTN là cản trở chính những người thi hành công vụ.

Đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng phải tích cực tham gia giám sát. Bởi hơn ai hết họ là những người thay mặt nhân dân, có vị thế, có vị trí, bộ máy và được trao quyền. Họ chính là người phải tích cực giám sát và tổ chức giám sát tại cơ quan, địa phương mình. Nếu không sẽ không thể đòi hỏi trách nhiệm của nhân dân và bản thân họ cũng không thể đại diện cho nhân dân.

Xin cảm ơn ông.

N.C.KHANH
(Tiền phong)

Đất đai thuộc sở hữu nhà nước là thượng phương bảo kiếm để chính quyền cưỡng chế giải tỏa di dời

Nguồn: Harvard University Press

“Luật Tài sản” năm 2007 của Trung Quốc có thể đã lập lại chút trật tự cho vấn đề tịch thu đất bằng cách đền bù cho người bị giải tỏa di dời và bảo đảm đời sống của họ. Nhưng một trong những mục đích chủ yếu của luật này là bảo tồn nguyên tắc “công” hữu đất đai, và đây là quy định cho phép chính quyền, dùng những quyền hạn và thủ tục của luật này, để thu hồi không chỉ đất và đơn vị công tác xưa nay thuộc sở hữu tập thể mà cả nhà ở của tư nhân và các bất động sản khác, chỉ miễn sao hành động này được xem là vì “lợi ích công cộng”.

Việc bảo hộ bình đẳng tài sản công hữu và tài sản tư hữu trong Luật Tài sản đã được đa số tán thành, nhưng các quy định về quyền sở hữu đất đai đã bị chỉ trích rất nhiều. Do ngày càng có nhiều xung đột căng thẳng giữa quan và dân về các trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời và việc thu hồi đất, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chính quyền cải cách chế độ sở hữu đất đai càng sớm càng tốt. Ví dụ, nhà kinh tế học danh tiếng Mao Vu Thức đã nhận định rằng Luật Tài sản không thể giải quyết được những vấn đề vô tận của các trường hợp giải tỏa di dời bất hợp pháp. Chỉ có tư hữu hóa đất đai mới giải quyết được.

Ngôi nhà đinh nổi tiếng ở Trùng Khánh, nằm chỏng cheo giữa công trình giải phóng mặt bằng để xây thương xá
Ngôi nhà đinh nổi tiếng ở Trùng Khánh, nằm chỏng cheo giữa công trình giải phóng mặt bằng để xây thương xá
Trong vài năm gần đây, những trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời trên danh nghĩa “lợi ích công cộng” đã ngày càng phát sinh xung đột giữa quan và dân, và khiến người dân phải dùng đến những phương thức phản kháng ngày càng khốc liệt hơn. Thương vong sau khi bị cưỡng chế giải tỏa di dời nay không còn là chuyện cá biệt, và những vụ tự sát cũng chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Hồi tháng 9/2003, Chu Chính Lương cùng vợ từ vùng nông thôn tỉnh An Huy lên Bắc Kinh để phản đối việc họ bị cưỡng chế giải tỏa di dời, rồi rốt cuộc tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn (thật may là đã được cứu và chữa trị). Vụ này là một ví dụ cực đoan cho thấy việc cưỡng chế giải tỏa di dời sau khi mọi giải pháp đã thất bại có thể dẫn đến tuyệt vọng ra sao. Vì lý do tương tự, hồi tháng 3/2007, “ngôi nhà đinh” nổi tiếng ngang ngạnh nằm trơ trọi [tại một công trình] ở Trùng Khánh: lúc đó Dương Vũ và vợ là Ngô Bình bỗng chốc nổi tiếng vì không chịu bán ngôi nhà của gia đình họ để dọn chỗ xây một thương xá. Họ không nhượng bộ công ty phát triển địa ốc dù bị đứng chỏng chơ giữa công trường giải phóng mặt bằng – như một cây đinh thọt ra giữa tấm ván mà không thể nhổ đi hay đập dẹp được. [đinh tử hộ (钉子户) là từ trong tiếng Trung chỉ một hộ gia đình hay một người không chịu dời nhà để dọn chỗ cho công trình phát triển địa ốc. Trang mạng Virtual China dịch từ này sang tiếng Anh là nail house (ngôi nhà đinh) vì chúng giống như những cây đinh lồi ra giữa khung cảnh hiện đại. Chú thích của người dịch.]

Bà Ngô Bình trước ngôi nhà đinh của mình.
Bà Ngô Bình trước ngôi nhà đinh của mình.
Ngày nay đã quá phổ biến chuyện chính phủ Trung Cộng và các cơ quan công quyền bí mật phác thảo các đề án phát triển địa ốc rồi tham gia các dàn xếp thương mại mà lẽ ra chẳng phải việc của chính phủ. Cán bộ quan chức đóng vai trò bảo kê và đối tác có hùn vốn với các công ty phát triển địa ốc. Họ làm ngơ khi công ty phát triển địa ốc dùng những thủ đoạn phạm pháp để khủng bố, uy hiếp và cưỡng bức để đuổi người dân ra khỏi nhà và đất của họ. Thôi thì đủ kiểu thủ đoạn, từ cắt nước cúp điện cho đến dùng công an để bắt giữ người dân hay thậm chí thuê bọn du côn đánh chủ nhà, đốt nhà, hay bắt cóc họ giữa đêm khuya. Khi nạn nhân của các vụ lạm quyền như vậy mang đơn từ khiếu kiện đến các cơ quan chính quyền – mà lẽ ra có bổn phận bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm – họ phải lê lết từ Phòng Giải tỏa Di dời đến Phòng Giải quyết Đơn, rồi từ đó đến Sở Công an, đến Ban Kỷ luật và Thanh tra, rồi cuối cùng đến tòa án. Những cơ quan này gần như luôn luôn đứng chung phe với công ty phát triển địa ốc, bất kể có luật hay không có luật. Phòng Giải tỏa Di dời cho phép giải tỏa di dời, Phòng Giải quyết Đơn không chuyển đơn đi tiếp, Sở Công an có mắt như mù, Ban Kỷ luật và Thanh tra biết mà không cần điều tra, còn tòa án không chấp nhận đơn kiện hoặc xử cho nguyên đơn thua kiện. Tóm lại, vì thiếu các nhân quyền cơ bản, và gặp đủ trở ngại trong suốt quá trình khiếu kiện, người dân bị cưỡng chế giải tỏa di dời vốn chịu tổn thất ngày càng nặng nề cũng gặp nhiều rào cản lớn khi thỉnh cầu nhà nước thi hành công lý đối với cơ quan công quyền hay bảo vệ pháp luật. Thế là xuống đường trở thành cách phổ biến để mong được bảo vệ quyền lợi. Tự thiêu, hình thức phản kháng cực đoan nhất, là biện pháp đối đế của người không có quyền lực.

Thời báo Kinh tế Trung Quốc tường thuật một biến cố xảy ra với một gia đình sống trong một căn nhà gần cầu Trường Xuân ở quận Hải Điến của Bắc Kinh, căn nhà này đã bị lên danh sách giải tỏa. Một đêm nọ, cả nhà đang ngủ thì năm, sáu tên du côn cầm đèn pin halogen và gậy gỗ dài thình lình xông vào nhà. Chúng trói cả nhà, bịt mắt họ, nhét giẻ vào miệng họ, rồi quẳng họ ra ngoài như thể họ là rác. Sau đó, trong màn đêm mù mịt, cả gia đình nghe một tiếng đánh ầm rồi tiếng rung chuyển rầm rầm kéo dài chưa đầy bốn chục phút. Căn nhà của họ đã bị máy xúc san bằng. Đến nay bọn tội phạm vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Trịnh Ân Sủng là luật sư ở Thượng Hải đã giúp hơn cả trăm người bị cưỡng chế giải tỏa di dời khiếu kiện kiểu lạm quyền này. Ông trưng ra các bằng chứng phơi bày những trò tiếm quyền và mưu lợi phi pháp của các quan chức chính quyền và một số triệu phú phất nhanh đến chóng mặt, ví như Chu Chính Nghị  [nhà đầu tư bất động sản Thượng Hải từng được xếp là người giàu thứ 11 ở Trung Quốc, nhưng năm 2007 đụng độ với giới chóp bu quyền thế địa phương và bị kết án 16 năm tù vì các tội hối lộ, biển thủ, và gian lận thuế. Chú thích của người dịch tiếng Anh.] Hành vi “vuốt mặt không nể mũi” của luật sư Trịnh đã khiến ông thành cái gai trong mắt những kẻ giàu có quyền quý ở Thượng Hải, nên ông bắt đầu liên tục bị uy hiếp, sách nhiễu và theo dõi. Sau đó, chính quyền tước giấy phép hành nghề luật của ông. Chính Trịnh Ân Sủng tố giác những sai phạm của Chu Chính Nghị, nên khi Chu Chính Nghị bị xét xử, cứ tưởng Trịnh Ân Sủng được hưởng ít nhiều công trạng. Nhưng ông lại phải nhận án 3 năm tù vì tội danh hư cấu là tiết lộ bí mật.

Khi người dân đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình chống lại những liên minh quyền thế giữa chính quyền và doanh nghiệp cấu kết với nhau để thu hồi đất và giải tỏa di dời người dân, họ chịu đau khổ, không nơi nương tựa và tuyệt vọng. Những vụ tự sát phơi bày cho thiên hạ thấy rõ sự nhẫn tâm của các quan chức và lòng tham của bọn tư bản. Cớ sao sự nhẫn tâm và lòng tham này lại được mặc sức lộng hành? Tại sao việc cưỡng chế giải tỏa di dời lại quá dã man, còn tiền đền bù lại quá còm cõi như vậy? Tại sao những khiếu kiện không được đoái hoài và chẳng đi đến đâu? Nhân tố quan trọng nhất là sự bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính quyền và các quyền của người dân. Khi lẽ ra công dân phải có các quyền tư hữu tài sản, giao dịch công bằng, và có quyền truy đòi theo pháp luật – đó là chưa kể đến quyền được xét xử công bằng và quyền được an toàn cho bản thân – thì chỉ có một khoảng trống thăm thẳm. Vô vàn thảm kịch do cưỡng chế giải tỏa di dời gây ra – thậm chí đến mức tự sát – không chỉ phơi bày tác hại của sự độc quyền chính trị mà còn cho thấy người dân sẵn sàng liều mạng phản kháng.

Cải cách của Trung Quốc bắt đầu ở nông thôn trong những năm 1970 khi “chế độ trách nhiệm” giao “quyền sử dụng đất” cho nông dân và cho phép các hộ gia đình giữ lại hoặc bán sản phẩm họ thu hoạch được. Họ đã không được phép làm vậy trong chế độ “công xã nhân dân” trước kia, và sự phân quyền này trở thành một động lực quan trọng trong cải cách kinh tế. Trong giới nông dân bắt đầu có ước muốn sở hữu nhà riêng của mình, và ước muốn này lan đến các thành phố khi ở đó cũng có “quyền sử dụng đất”. Nhà ở lúc đó trở thành hàng hóa, và thị trường mua bán quyền sử dụng đất xuất hiện dưới nhiều diện mạo. Ta thừa hiểu toàn bộ quá trình này là sự thị trường hóa và tư hữu hóa thực sự mặc dù nó xuất phát từ các văn phòng của Đảng Cộng sản. Song, vì nhân tố có tính quyết định là quyền sở hữu đất vẫn do nhà nước độc quyền, ta chỉ có thể gọi nó là “tư hữu hóa nửa vời”: quyền quyết định đất nào sẽ được chiếm giữ, và đất nào sẽ được phân phát vẫn hoàn toàn nằm trong tay quan chức, và giữa hai loại đất này là những món lợi khổng lồ, dễ vơ vét. Các cơ hội này chỉ dành riêng cho giới chóp bu quyền thế, với gần như toàn bộ số tiền thu được nhờ bán quyền sử dụng đất bắt đầu rơi vào túi họ. Ngành kinh doanh nhà ở đã thành nơi tham nhũng hoành hành.

Hiện nay, toàn bộ đất đai ở Trung Quốc, cả nông thôn lẫn thành thị, theo luật định vẫn “thuộc sở hữu nhà nước”. Chính phủ có thể bán quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng cái người dân nhận được đích thị là giấy thuê đất. Trong “chế độ trách nhiệm” ở nông thôn, nông dân có thể giữ sản phẩm thu hoạch được từ công sức lao động trên đất được giao, nhưng chẳng bao giờ kiếm lời được nhờ bán đất. Chính vì thế, do tình trạng giải tỏa di dời tràn lan lâu nay đang diễn ra ở các thành phố, dân thường cảm thấy họ chẳng cách nào kháng cự yêu sách của các liên minh cấu kết quyền thế, và chẳng cách nào được đền bù thỏa đáng cho các tổn thất của họ.

Trước năm 1949, Trung Quốc có một giai cấp – địa chủ – sở hữu đất và hưởng lợi từ đất, và một thành phần dân chúng khác, nhưng chỉ một bộ phận (cố nông), thuê đất. Sau năm 1949, việc thực hiện công hữu triệt để đã tiêu diệt hình thức sở hữu địa chủ và lập nên chế độ “quyền bình đẳng về đất đai” và “quyền sở hữu”. Chủ sở hữu đất là chính quyền Trung Cộng trên danh nghĩa đại diện quốc gia. Giờ đây, chính quyền Trung Cộng đích thực là địa chủ duy nhất ở Trung Quốc. Người dân nông thôn trong thời đại Mao Trạch Đông, khi canh tác trên “đất nhà nước”, chẳng khác gì nông nô. Trong thời hậu Mao Trạch Đông, người dân giỏi lắm cũng chỉ là kẻ thuê đất. Họ có quyền sử dụng đất họ thuê. Nhưng người thuê chỉ có thể ở trên một mảnh đất chừng nào chủ đất còn muốn. Khi hết muốn, chủ đất có thể đuổi người thuê đi, chỉ vậy thôi. Nhìn từ góc độ này, chế độ cưỡng chế thu hồi quyền tài sản tư nhân của chính quyền Trung Cộng dã man hơn bất cứ chuyện gì đã diễn ra ở chế độ của bất cứ chính quyền nào trước năm 1949. Có ba điểm cần bàn kỹ hơn.

1. Cụm từ “đất nhà nước”(quốc thổ) chỉ nhằm tạo “tính hợp pháp” cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời. Thuật ngữ đất nhà nước mang âm hưởng của một cụm từ được dùng ở Trung Quốc vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: “Trên thế gian không có gì không phải là đất nhà nước”. Thời đó, quyền tư hữu đất đai không được luật pháp công nhận, và nhân danh quốc gia các vị vua chúa cai trị tuyên bố sở hữu toàn bộ đất đai. Hiện nay, toàn bộ khuôn khổ quản lý đất đai của Trung Quốc, bắt đầu với “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” do Quốc vụ viện Trung Cộng công bố năm 2001, và bao gồm các quy định tương ứng của chính quyền địa phương các cấp, xem chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước (thổ địa quốc hữu) là cơ sở pháp lý. Chế độ này cho phép các cơ quan chính phủ được toàn quyền sử dụng bất cứ phương tiện nào họ thích khi thu hồi đất. Chế độ này cũng cho phép họ, cùng với các công ty phát triển địa ốc, có quyền đơn phương định giá đất khi họ buộc người dân giải tỏa di dời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước đích thị là thượng phương bảo kiếm để thi hành cưỡng chế giải tỏa di dời.

“Tính hợp pháp” kiểu này là một trường hợp kinh điển của luật pháp bất lương. Khi biến nhà ở thành hàng hóa, chính phủ chọn cách bán quyền sử dụng “đất nhà nước” cho tư nhân. Như vậy là có một hợp đồng cùng thỏa thuận giữa  những người này và chính phủ, và theo định nghĩa thì hợp đồng có giá trị ràng buộc pháp lý cho cả hai bên. Khi một bên – chính phủ – đơn phương xé bỏ hợp đồng, bên đó phạm luật. Có thể diễn đạt luận điểm này theo cách khác: khi một cá nhân tư nhân đã trả tiền cho chính phủ để mua quyền sử dụng đất trong một thời gian đã định, cái chính phủ đã nhận tiền không có căn cứ chính đáng nào để dùng tư cách chủ đất cưỡng ép chủ nhà bán cho công ty phát triển địa ốc.

Một vấn đề còn quan trọng hơn nữa là tự cổ chí kim đất đai được công nhận là hình thức tài sản quan trọng nhất. Ở Trung Quốc ngày nay, quyền sử dụng đất là căn nguyên thịnh vượng cho nông dân, cũng như đối với người thành thị, quyền sở hữu nhà là nền tảng cho tài sản tiết kiệm cả đời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước không nên được phép tạo nên tính hợp pháp cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời; ngược lại, quyền sử dụng đất của người dân nên cho phép họ có quyền hợp pháp để cự tuyệt việc giải tỏa di dời. Chính vì vậy những vụ cướp đất ở nông thôn và cưỡng chế giải tỏa di dời ra khỏi nhà ở thành thị trước hết là vấn đề quyền sở hữu tài sản. Thứ đến mới là vấn đề đền bù. Quyền sở hữu tài sản nên được xem là một nhân quyền cơ bản, và việc cưỡng chế thu hồi là tước đoạt một nhân quyền cơ bản.

Các tầng lớp nhân dân trên toàn xã hội Trung Quốc xưa nay phản đối “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện và các quy định liên quan của chính quyền địa phương các cấp. Không chỉ các chuyên gia học giả tỏ vẻ nghi ngờ, mà cả dân thường cũng đặt nghi vấn. Ngày 31/8/2003, sáu cư dân Bắc Kinh đệ đơn thỉnh nguyện lên Ủy ban Công tác Pháp luật của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc [tức quốc hội], nhận định rằng các điều khoản quy định của “Các biện pháp của thành phố Bắc Kinh về thu hồi và quản lý nhà ở” và “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện vi phạm nghiêm trọng các Điều 3, 4, 5, 6, và 71 của “Các nguyên tắc chung của luật dân sự” [Dân pháp thông tắc] của Trung Quốc cũng như các Điều 13 và 39 của Hiến pháp Trung Quốc. [Điều 13 quy định: “Nhà nước bảo vệ quyền của công dân được sở hữu hợp pháp thu nhập kiếm được, tiền tiết kiệm, nhà ở, và các tài sản hợp pháp khác. Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật quyền của công dân được thừa kế tài sản tư nhân”. Điều 39 quy định: Nhà ở của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Việc khám xét, hay xâm nhập bất hợp pháp nhà của công dân là hành vi bị cấm”. Chú thích của người dịch tiếng Anh.]

2. Nếu không có quyền tài sản hoàn chỉnh và bảo đảm thì không có quyền giao dịch công bằng. Trong một thị trường hoàn thiện, việc bảo vệ hoàn chỉnh và bảo đảm quyền tài sản tư nhân là tiền đề cho giao dịch tự do và công bằng. Đó chính là điều giúp cho quyền của hai bên trong một giao dịch song phương được bình đẳng. Với tình trạng “tư hữu hóa nửa vời” ở đại lục hiện nay, các quyền của hai bên bị mất cân xứng nghiêm trọng, và không thể có giao dịch thị trường công bằng. Thay vì thế, ta chỉ thấy những vụ cưỡng đoạt tài sản không tự do, và thậm chí còn ít công bằng hơn, với một bên được đơn phương định giá.

Khi giao dịch diễn ra ở Trung Quốc hiện nay giữa hai bên tư nhân, mỗi bên có những quyền còn khiếm khuyết như nhau, giao dịch đó vẫn có thể tương đối bình đẳng. Nhưng khi “giao dịch” diễn ra giữa một thường dân và chính phủ – hoặc một liên minh cấu kết giữa tập đoàn giàu có quyền quý được hậu thuẫn bằng các lợi ích của quan chức, phía chính phủ tham gia giao dịch với quyền sở hữu đất tuyệt đối sẵn trong tay, trong khi người dân chỉ có quyền sử dụng đất còn khiếm khuyết. Thường dân chẳng còn cách nào khác hơn là chấp nhận một giao dịch không công bằng. Về lâu về dài, kiểu giao dịch bất bình đẳng này, vốn được dàn xếp bí mật, sẽ khiến cho nạn tham nhũng của quan chức càng trầm trọng, gây tổn hại đến tính uy quyền và tôn nghiêm của chính phủ, làm giảm năng lực của chính phủ trong việc thực hiện các chức năng đúng đắn của mình.

Tại đại lục, một khi một mảnh đất, bất luận thành thị hay nông thôn, đã nằm trong kế hoạch phát triển của chính phủ (bất kể là để quy hoạch đô thị, phát triển thương nghiệp, hay cơ sở hạ tầng như đường sắt, cầu, sân bay hay bể chứa nước), đất “tư” nếu xét trên quyền sử dụng đất biến thành đất “công” do quyền sở hữu. Người dân phải chấp nhận các hợp đồng mua bán, mức giá đền bù, thời hạn giải tỏa di dời, và địa điểm tái định cư do phía mạnh hơn đặt ra. Khi chế độ muốn đưa một nhà kinh doanh tư nhân, kể cả một người có sản nghiệp lớn, vào khuôn phép, chế độ chỉ cần nhắc đến cụm từ “tổn thất tài sản thuộc sở hữu nhà nước” là chỉ trong chớp mắt có thể khiến của cải gia đình tích lũy bao nhiêu năm tan biến như bọt bong bóng. Nếu nạn nhân của trò tống tiền cưỡng đoạt này chịu chấp nhận khuynh gia bại sản, họ được buông tha dễ dàng; thường họ phải trả giá bằng một án tù.

Có vô số ví dụ về chuyện chính phủ dùng thủ đoạn uy hiếp để cưỡng ép giao dịch không công bằng, và thuê bọn du côn để cưỡng chế giải tỏa di dời. Những biện pháp đó vi phạm các điều sau trong “Luật Hợp đồng Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của chính Trung Cộng:

Điều 3. Tư cách bình đẳng của các bên: Các bên tham gia hợp đồng có tư cách pháp lý bình đẳng và không bên nào được áp đặt ý muốn của mình lên bên kia.

Điều 4. Quyền được tự nguyện tham gia hợp đồng: Một bên có quyền tự nguyện tham gia vào một hợp đồng theo luật, và không có tổ chức hay cá nhân nào được gây cản trở trái luật đối với quyền đó.

Điều 4. Tính hợp pháp: Khi ký kết hay thi hành hợp đồng, các bên phải tuân thủ luật lệ và quy định hành chính liên quan, cũng như tôn trọng đạo đức xã hội, và không được gây xáo trộn trật tự xã hội và kinh tế hay gây tổn hại đến các lợi ích công cộng.

Các thủ đoạn thường dùng cũng vi phạm điều sau đây trong “Luật Hình sự Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”:

Điều 226: Bất cứ ai bán hay mua hàng hóa bằng bạo lực hay uy hiếp, hoặc cưỡng ép người khác cung cấp hay nhận một dịch vụ, nếu trường hợp nghiêm trọng, sẽ bị kết án tù với thời gian cố định hoặc bị giam giữ không quá ba năm và sẽ bị phạt, hoặc chỉ bị phạt.

Những điều này quy định rõ ràng giao dịch cưỡng bức là hành vi phạm tội. Đặc biệt, mua bán cưỡng bức dùng đến bạo lực hay uy hiếp sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.

Tuy nhiên, vì chế độ độc tài nắm hai thượng phương bảo kiếm là quyền lực chính trị tuyệt đối và “quyền sở hữu đất đai của nhà nước”, không một người dân nào, bất luận phần mình có lý đến đâu, có thể kháng cự lại sức mạnh của xe ủi.

3. Các quyền được thông báo kịp thời, được thỏa thuận, được khiếu kiện, được phán xét công bằng, được an toàn cho bản thân đều khiếm khuyết. Khi quyết định các kế hoạch phát triển đất đai của mình, chính quyền Trung Cộng các cấp thường phớt lờ các quyền cơ bản của bá tánh, trong đó có quyền được thông báo.  Chính quyền chẳng thèm đoái hoài đến dư luận, không tiến hành điều trần công khai. Có chăng, chính quyền chỉ trưng ra đôi chút “luận chứng của chuyên gia” và tổ chức “đấu thầu công khai”, nhưng phớt lờ ý kiến của người dân có đất bị thu hồi, và dàn xếp mọi việc trong một hộp đen trong đó quyền lực bị lũng đoạn, nạn tham nhũng của quan chức, và nạn đổi tiền lấy quyền là những yếu tố làm nên mọi chuyện.

Trong giai đoạn thực thi các kế hoạch phát triển đất đai, chính quyền cùng với các đồng minh của mình trong giới chóp bu quyền thế về cơ bản tiến hành bằng vũ lực. Họ bất chấp hoàn cảnh cụ thể, ý nguyện, và nhu cầu được bày tỏ của người dân có đất bị thu hồi – và họ luôn thắng. Người dân có khiếu kiện cũng khó mà được xét xử, mà ngay cả khi được xét xử, cũng chẳng được kết quả gì. “Lợi ích xã hội đại cục” giúp chính quyền thoải mái vung thượng phương bảo kiếm “chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước” – dù trên thực tế những cụm từ này chỉ là cái vỏ bọc cho các lợi ích cho chính quyền và giới chóp bu quyền thế.

Khi quyền lực của các cơ quan công quyền ngày càng bành trướng, sự xói mòn tất yếu của các quyền lợi cá nhân càng trầm trọng hơn, và hệ quả là một tình hình bất công cùng cực với một nhóm thiểu số chóp bu quyền thế mặc sức trục lợi thỏa thuê trong khi lợi ích của đại đa số thường dân hao mòn dần. Phải sống với nỗi sợ đất canh tác của mình sẽ biến mất hay nhà của mình sẽ bị san bằng, và không có cơ hội được quyền truy đòi theo pháp luật (hay bất cứ cách nào khác), thường dân đành nghĩ ra cách riêng của mình để đòi quyền tài sản của mình. Người nông thôn lên thành thị để nộp đơn thỉnh nguyện, phản kháng và đôi khi bao vây cơ quan công quyền. Người thành thị đệ đơn kiện, biểu tình, và nếu mọi cách đều thất bại thì uống thuốc độc hay tự thiêu. Nếu người dân muốn mưu cầu các lợi ích của mình, và tìm nơi khuây khỏa nỗi đau bị giới giàu có và quyền quý cướp bóc, họ chỉ còn cách tham gia “phong trào bảo vệ quyền lợi” đang lớn mạnh ở Trung Quốc và tạo áp lực quần chúng dần dần và lâu dài để buộc chính phủ rốt cuộc phải trả lại các quyền lợi cho người dân.

Cái nghèo ở Trung Quốc hiện nay không chỉ là thiếu tài nguyên hay nguồn cung, mà là nghèo về hệ thống chính trị và nghèo về quyền lợi. Một hệ thống dùng “luật bất lương” để tước đoạt những quyền cơ bản của người dân thì không thể xóa bỏ được cái nghèo kiểu này, chính tình trạng bần cùng quyền lợi của quốc dân này tạo nền tảng cho một hệ thống trong đó nạn cướp bóc tham lam và tình trạng bất công tột bực đang hoành hành. Xung đột ngày càng tăng giữa dân chúng và quan chức là viễn cảnh duy nhất cho một hệ thống như vậy. Nếu chính phủ muốn giảm bớt hay giải quyết vấn đề này, không có cách thưởng phạt tạm thời nào – không có lệnh cấm hay ơn huệ đặc biệt nào – có công hiệu. Việc cần làm là khắc phục hiện trạng bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính phủ và quyền lợi của quốc dân. Mục tiêu “trả tài sản lại cho nhân dân” (đã được công bố là một phần trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc) sẽ vẫn chưa đạt được chừng nào chưa thực hiện được việc “trả đất lại cho nhân dân”. Đưa việc bảo hộ tài sản tư nhân vào Hiến pháp và thông qua Luật Tài sản chỉ là những bước khởi đầu của tiến trình pháp luật của Trung Quốc hướng đến tư hữu hóa. Tuy nhiên, bước đột phá quan trọng – vẫn chưa xảy ra  –  sẽ là bãi bỏ chế độ “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”.

Tại nhà ở Bắc Kinh, ngày 7/4/2007

Đăng lần đầu trên “Quan sát” ngày 7/4/2007.
Lưu Hiểu Ba
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch từ bản tiếng Anh “State Ownership of Land is the Authorities’ Magic Wand for Forced Eviction của Timothy Brook, trang 85-93 trong tuyển tập “No Enemies, No Hatred:Selected Essays and Poems” của Liu Xiaobo do Harvard University Press xuất bản vào tháng 1/2012. Có tham khảo bản Trung văn “土地国有是强制拆迁的尚方宝剑” trên trang Bác tấn văn đàn.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 18/9/2013.)
 

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh: 'Đà Nẵng thất thoát 3.400 tỷ đồng nhưng dân được lợi'

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh nói, kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc Đà Nẵng thất thoát 3.400 tỷ đồng trong quản lý đất đai, việc này sẽ được xử lý sau, nhưng trước mắt "là có lợi cho dân thành phố".
Ngày 23/9, trên cương vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu và quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
Nhiều cử tri đã gửi gắm các ý kiến liên quan đến xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nợ xấu, y đức, tham nhũng, báo cáo của chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua có quá nhiều khẩu hiệu "đẩy mạnh, tích cực, tăng cường" mà thiếu biện pháp, phương hướng, thời gian cụ thể để thực hiện.

Trước ý kiến nhiều cử tri thắc mắc về việc Thanh tra đất đai kết luật sai phạm ở Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỷ đồng, khiến người dân thành phố hoang mang, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ rõ, Thanh tra Chính phủ nói có cái thất thu, có cái thất thoát. Thất thoát là mất hẳn, còn thất thu là lẽ ra phải thu bao nhiêu đó tiền mà thành phố không thu. "Cả thất thu và thất thoát là 3.400 tỷ đồng. Thanh tra thành phố đã ra kết luận rồi, còn thành phố cũng giải trình công khai, gửi cho Chính phủ", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, thời điểm đó thành phố giảm 10% cho doanh nghiệp nào nộp tiền đất trong 60 ngày, nhờ đó có ngay được tiền để làm được những việc cần thiết mà giảm được chi phí, ví dụ như xây một chung cư 60 tỷ, 5 năm sau thì lên đến 90 hay 100 tỷ.  Đồng tiền đó nhận vào trước thì phát triển được những việc như vậy. Việc miễn giảm 10% trên cơ sở của Nghị định của Chính phủ cho phép giảm đến 20%, nhưng 5 năm thì dừng lại, còn Đà Nẵng thì kéo dài thêm nên bị "thổi còi".

"Việc kéo dài giảm 10% phí đất không chỉ thành phố được lợi, doanh nghiệp được lợi mà chính người dân được lợi. Còn kiểm điểm thì cũng kiểm điểm gửi lên Chính phủ rồi. Thành phố cũng đã giải trình công khai. Việc còn lại là Chính phủ, Trung ương sẽ quết định", ông Thanh nói và đặt câu hỏi: "Cùng thời điểm với Đà Nẵng có những thành phố cũng thất thoát 9.500 đến 10.000 tỷ. Nói thì phải nói cho hết".
MG-0854-3069-1379919816.jpg
Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh: "Đã chống tham nhũng thì không được nhụt chí". Ảnh: Nguyễn Đông.
Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, UBND thành phố đã giải trình mà dân còn thiếu niềm tin "thì tùy bà con nhưng đừng có quan niệm đó là tham nhũng". "Việc thu 10% tiền đất, thành phố thấy không thu lợi hơn là thu, chứ không phải là tham nhũng. Thành phố cũng kiểm điểm từng đồng chí rồi. Thanh tra, Bộ Công an rồi hiện nay là Ủy ban kiểm tra Trung ương vào làm việc. Sai đến đâu thì xử lý đến đó", ông Thanh khẳng định.

Nhiều cử tri thành phố cũng đề cập đến việc chống tham nhũng, tiêu biểu là những vụ án làm mất mát hàng nghìn tỷ đồng như vụ bầu Kiên, ông Dương Chí Dũng... nhưng đến nay vẫn chưa biết xử lý như thế nào.

Về vấn đề này, ông Thanh cho rằng, bản thân ông cũng muốn làm nhanh những vụ án tham nhũng, nhưng làm chưa xong vụ này đã lại phát hiện ra vụ khác. "Đến cuối năm sẽ đưa vụ bầu Kiên ra xét xử, hết năm sau sẽ xử lý hết các vụ án lớn còn lại. Riêng vụ án liên quan đến ông Dương Chí Dũng thì phải mất mấy năm nữa, vì có nhiều việc phải làm.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết, sắp tới, pháp luật sẽ hoàn thiện để xử lý những người đứng đầu có dính đến tham nhũng. Dù lãnh đạo đó không tham nhũng nhưng không quản lý hết để cấp dưới tham nhũng thì cũng cần được xử lý. Đồng thời, tội phạm tham nhũng làm thất thoát tiền của dân thì không được được hưởng sự khoan hồng của pháp luật trong những dịp đặc xá.

Liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Thanh cho rằng, việc bỏ và lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và các địa phương vừa qua "chỉ riêng Việt Nam làm chứ trên thế giới chưa có tiền lệ". "Tự dưng lấy phiếu tín nhiệm, rồi kiểu chi cũng có tín nhiệm thì chẳng khác nào hòa cả làng. Ở các nước khác khi có chuyện gì sai trái người ta mới bỏ phiếu bất tín nhiệm", ông Thanh nói.

Trước ý kiến của đại biểu Bùi Thị Kim Oanh, công tác tại một chi nhánh ngân hàng ở Đà Nẵng, muốn "hiến kế" về xử lý nợ xấu và ngỏ ý muốn cung cấp tài liệu để chấn chỉnh những cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Bá Thanh nói trước hàng trăm cử tri rằng "sẽ nhận tài liệu theo địa chỉ nhà riêng của mình để tránh bị thất lạc".

"Nợ xấu như hiện nay, nói do đạo đức cán bộ là không sai, từ kê khống tài sản đến nhiều vấn đề khác. Vấn đề này tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Bởi việc kê khống tài sản, thẩm định còn tính đến chuyện bỏ túi để chung chia, dẫn đến hệ lụy là gây thất thoát tiền của Nhà nước vì nợ không đòi được", ông Thanh nhấn mạnh.
MG-0909-7378-1379919816.jpg
Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo chủ tịch quận Hải Châu quy hoạch lại đường kiệt thông ra đường Nguyễn Văn Linh để đảm bảo dân sinh. Ảnh: Nguyễn Đông

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng tiếp thu nhiều ý kiến của cử tri và hứa sẽ phản ánh trước Quốc hội như vấn đề bảo hiểm y tế cần được bệnh viện tiếp nhận 24/24, xem xét tăng lương cho cán bộ hưu trí, xây dựng chính quyền đô thị phải chú trọng đến yếu tố con người, thái độ và đạo đức của cán bộ công chức...

Cũng trong sáng 23/9, sau khi nghe thắc mắc của cư tri quận Hải Châu về việc quy hoạch một kiệt đường từ năm 2008 nhưng lại tạo thành "nút cổ chai" ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị những người liên quan cùng mình xuống thực địa để làm rõ, bởi "nói mà không đi thị sát là không được".

"Ông Lê Anh xem điều chỉnh ngay kiệt này. Không thể để cong như thế được, dễ gây tai nạn giao thông", ông Thanh chỉ đạo chủ tịch quận Hải Châu sau khi đi bộ hết kiệt dài gần 500m.
Nguyễn Đông
(VnExpress)

Trần Mạnh Hảo - Xin ông Đông La bỏ thói vu cáo chính trị hèn hạ

Đông La
Đông La
Trên blog NGƯỜI BUÔN GIÓ thứ bảy ngày 21-9-2013 có in bài: “Nhà văn Đông La kể công xin tiền Tô Huy Rứa, có chụp lại bức thư của ông Đông La từ trang mạng http://nguyentandung.org như sau:

dongla-2
Nhà Văn Đông La kể công xin tiền Tô Huy Rứa



Xin chép lại thư ông Đông La gửi ông Tô Huy Rứa -Ủy viên bộ chính trị đảng CSVN, trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương được chụp lại từ website NGUYENTANDUNG.ORG trên đây cho rõ ràng hơn:

“TPHCM 17-5-2006

Kính gửi ông Tô Huy Rứa trưởng ban TTVHTW

Đồng kính gửi ông Vụ trưởng vụ văn nghệ Ban TTVHTW, ông Vụ trưởng vụ báo chí BanTTVHTW

Tôi là Nguyễn Văn Hùng, bút danh ĐÔNG LA, kỹ sư, viết văn, làm thơ và viết phê bình lý luận.

Tôi thấy hiện nay trên mạng thông tin toàn cầu bọn chống đối chế độ tung hoành như đi vào chỗ không người. Như ông Phan Diễn nói trong đại hội đảng vừa qua là ta đã thua trên mạng. Trong khi đó báo chí trong nước gần như làm ngơ, kiểu như “ không thèm chấp”.Trong khi trên mạng, những bài độc hại nảy nở và lan nhanh như nấm mọc sau mưa. Riêng TMH kẻ chống phá đất nước hung hăng nhất hiện nay, đã viết một loạt bài phủ nhận Các- Mác và đường lối CM của nước ta, còn “ thách đấu trí tuệ” với cả giới trí thức. Tôi không biết có ai đấu lại chưa?

Tôi thấy tư do ngôn luận có vấn đề, có khi sự sai trái lại được tự do đăng tải và ngược lại. TMH là một ví dụ cụ thể nhất. Rất mong được sự quan tâm của Ban TTVHTW.

Xin kính chào
ĐÔNG LA”

Trong lá thư gửi ông Tô Huy Rứa trên, ông Đông La đã trắng trợn vu cáo chính trị chúng tôi ( TMH) một cách rất hèn hạ như sau:

“Riêng TMH kẻ chống phá đất nước hung hăng nhất hiện nay, đã viết một loạt bài phủ nhận Các- Mác và đường lối CM của nước ta, còn “ thách đấu trí tuệ với cả giới trí thức. Tôi không biết có ai đấu lại chưa ?”

Thưa ông Đông La, TMH tôi không bao giờ chống phá đất nước như ông vu cáo trong lá thư tố điêu trên. Chúng tôi có viết hàng chục bài phê bình chủ nghĩa Marx và phê bình những sai trái của đảng cầm quyền hiện nay trên mạng Intrenet, nhưng không hề có một dòng nào chống phá đất nước như ông vu cáo. Khi ông Đông La đồng nghĩa chủ nghĩa Marx là đất nước Việt Nam, đồng nghĩa đảng cộng sản Việt Nam là đất nước như ông vừa tố điêu tôi là một hành vi đánh tráo khái niệm, hành vi gian lận, hành vi phi khoa học hèn hạ nhất, thưa ông!

Chúng tôi mong ông hãy thôi đi trò vu cáo chính trị rẻ tiền gian manh hèn hạ TMH tôi và vu cáo chính trị những nhà đấu tranh dân chủ tự do trong nước và ngoài nước. Một lần nữa, chúng tôi ( TMH) công bố : chúng tôi không làm chính trị, chúng tôi chỉ thực hiện thiên chức của người cầm bút là nói lên sự thật, đúng như lời Kinh Thánh đã phán : “Sự thật sẽ giải thoát anh em”.

Ông Đông La trên blog của mình còn viết nhiều bài phê bình chúng tôi là phản quốc, phản động, là kẻ bất tài về thơ văn, thậm chí ông còn yêu cầu cơ quan công an bắt chúng tôi, hệt như ông là tên mật vụ chỉ điểm vậy.

Năm 1988, ông Đông La từng đến nhà chúng tôi, viết vào sổ tay tôi mấy câu thơ ca ngợi tôi như sau:

LOGIC
Tặng T.M.Hảo nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc

Đến nhà anh chơi về
Trở trăn không ngủ được
Tại trà hay tại thuốc
Biết làm gì thâu đêm

Đành ì ách vác những vần thơ của anh đặt lên bàn cân
Thì ra thơ anh nặng hơn của tất cả lũ chúng nó cộng lại
Một điều thật khó tin

Lại ì ạch vác những nỗi khổ đau của anh đặt lên bàn cân
Cả những nỗi buồn, nỗi đau, nỗi yêu, nỗi hận
Thì ra của anh cũng nặng hơn trăm ngàn lần chúng nó
Logic này đơn giản đến thế ư?
31/1/1988
Ký tên
ĐÔNG LA

Mới ca ngợi TMH hết lời, nay ĐL đã chửi bới TMH hết lời.

Ai dám bảo đảm mai mốt Đông La sẽ không chửi đảng cộng sản VN hết lời, dù hôm nay ông này đang ca ngợi, bốc thơm “ đảng ta” nhất nước?

Xem bản chụp lại bút tích của ông Đông La:

dongla-3
Xin xem ảnh chụp lại bút tích của ông Đông La trên.



Sài Gòn ngày 23-9-2013

© Trần Mạnh Hảo
© Đàn Chim Việt

Phỏng vấn ông Nguyễn Công Bằng về vụ mưu sát

Đàn Chim Việt: Khoảng 1 tháng trước đây ông bị một “tai nạn” ở Campuchia, cụ thể chuyện xảy ra thế nào? Thương tích của ông hiện giờ ra sao?
Ông Nguyễn Công Bằng (Tổng thư ký đảng Vì Dân): Tôi đến Campuchia lần thứ hai trong năm nay một cách công khai, từ ngày 22/5 và định ở đây đến cuối tháng 8/2013 để hoàn thành các công việc cần thiết. Đến ngày 18/08/2013, tôi bị một kẻ lạ mặt tấn công bất ngờ bằng nhiều nhát dao đâm tập trung vào vùng ngực trái, khi tôi đang đi bộ vào khu chợ bình dân Samaki ở gần trung tâm thành phố Siem Reap. Dù đã cố gắng chống đỡ hết sức tôi cũng bị đâm trúng 3 nhát, trong đó 1 nhát ở sát vị trí trái tim. May mắn là nhờ cả 3 nhát dao đều đụng vào xương sườn nên không bị xuyên thủng vào trong và không làm thương tổn đến nội tạng.

Ngày hôm sau tôi rời Cambodia sang Mã Lai để chữa trị các vết thương. Khi tình hình sức khoẻ đã được tạm ổn định, Bác sĩ cho phép tôi lên đường trở lại Hoa Kỳ tiếp tục dưỡng thương.

Đến nay, các vết ngoại thương đã lành hẳn song phần xương cũng còn đau đôi chút. Bác sĩ cho biết là nhờ các vết thương không bị nhiễm độc nên tôi có thể sẽ được bình phục sau vài tuần lễ nữa.

Chúng tôi nhận được tin báo rằng, đó là một vụ mưu sát, vậy căn cứ vào đâu để có thể kết luận như vậy?

Chúng tôi có thể khẳng định đây là một vụ ám hại bằng bạo lực, được chủ mưu bởi một nhóm người Việt quá khích nào đó có liên quan đến nhà nước đương quyền ở Việt Nam.

Lý do là 5 ngày trước khi xảy ra sự việc, có một người Việt đến nơi tôi tạm trú, đưa hình tôi ra để xác minh nhân dạng và hỏi han về sinh hoạt của tôi. Tình cờ, nhân viên khách sạn biết được người này là một cựu bộ đội CSVN, tên Khmer là “Nguôn”, tên Việt là Thi. Nhiều đồng bào sống ở đây biết ông “Nguôn” là một thành viên cao cấp của Hội Việt Kiều tại Siem Reap – một tổ chức do Đại sứ quán CSVN tại Nam Vang và Tổng lãnh sự tại Battambang điều hành. Khoảng ba ngày sau đó nữa thì có một người Việt khác gọi đến anh Nguyễn Duy Đường – người cộng sự viên của tôi và cũng là Hội trưởng hội thiện nguyện Tín Nhân RHIO ở Cambodia – cảnh báo với nội dung là sẽ có người tìm giết tôi. Mặt khác, sau khi tôi vừa bị đâm thì cũng có một người phụ nữ Việt Nam gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, cảnh báo là sẽ có người tạt acid tôi ở khách sạn. Ngay đêm đó và các đêm sau, nhiều cú điện thoại đã gọi trực tiếp cho anh Đường với những lời xuyên tạc, bôi bẩn, nhục mạ, hăm doạ trực tiếp; và đặc biệt là cảnh cáo về sự hợp tác với tôi. Điều đáng chú ý là người ông “Nguôn” đã trốn tránh pháp luật cho đến nay.

Ông Nguyễn Công Bằng
Ông Nguyễn Công Bằng
Qua các sự kiện này, đặc biệt là từ nội dung, ngôn ngữ những lời xuyên tạc, hăm doạ… chúng tôi khẳng định việc tôi bị ám hại được chủ mưu bởi một nhóm người Việt quá khích nào đó có liên quan đến CSVN. Nếu việc tấn công tôi không hẳn là nhằm mục đích sát thương thì đây cũng là một cuộc hành hung bạo lực bằng vũ khí có thể làm chết người. Thông tin về vụ việc này đã được báo Cambodia Express News online và Rasmei Kampuchea Daily Newspaper tường thuật tổng quát song tất cả chi tiết đều được cơ quan an ninh tỉnh Siem Reap ghi nhận nghiêm túc, kể cả các số điện thoại gọi đến cảnh báo và hăm doạ.

Theo ông đánh giá, kẻ tấn công là cá nhân hay tổ chức nào và nó liên quan gì tới hoạt động chính trị của ông không?

Căn cứ vào các dữ kiện có được cho đến nay, chúng tôi tin rằng người đâm tôi có thể chỉ là một tên côn đồ được thuê mướn song việc ám hại tôi vừa rồi rõ ràng có động lực chính trị thúc đẩy. Mấy tuần qua chúng tôi nhận được một số thông tin riêng báo cho biết tên cơ quan chủ động ám hại tôi, song vì công an Campuchia vẫn còn tiếp tục việc điều tra nên chúng tôi không thể nêu danh “nghi can” này.

Điều có thể nói ngay để làm sáng tỏ thêm vấn đề là trong hơn 3 tháng ở Campuchia, tôi tuyệt đối không có mâu thuẫn, thù oán gì với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, dù là người Việt hay Khmer. Công việc duy nhất tôi phải tiếp xúc với người ngoài là chuyện thiện nguyện: hợp tác với vài hội N.G.O. Campuchia, Mỹ; và phát gạo, giúp tiền cho người nghèo; và mở trường dạy Miên ngữ, Anh ngữ, Việt ngữ cho trẻ em các gia đình nghèo khó. Việc nhóm người thân Cộng này cho rằng chúng tôi giúp người nghèo ở Siem Reap với mục đích “mỵ dân” là hoàn toàn xuyên tạc, vì chúng tôi hoàn toàn không xưng danh Đảng Vì Dân Việt Nam trong suốt thời gian làm công việc ở Campuchia. Hơn nữa, tôi đã tham gia làm lãnh vực thiện nguyện từ năm 1992 (Hội SAP-VN) và vẫn tiếp tục góp phần trong lãnh vực này sau khi thành lập Đảng Vì Dân qua một số công việc khác nhau. Tâm nguyện của tôi là chia sẻ với những người kém may mắn trên tinh thần nhân đạo thuần tuý.

Riêng lãnh vực chính trị, tôi công khai theo dõi quá trình vận động và tổ chức bầu cử (ngày 28/07/2013); đồng thời nghiên cứu về quá trình phát triển xã hội dân sự ở Campuchia. Tôi không rõ hai việc này có là nguyên nhân dẫn đến việc tôi bị ám hại như vậy hay không song có thể nói rằng tổ chức duy nhất có thành kiến không đúng với chúng tôi là đảng và nhà nước CSVN.

Ông có hay qua lại Campuchia nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á nói chung không?

Trong hơn 20 năm qua tôi thường xuyên qua lại các nước Đông Nam Á và Đông Dương. Riêng ở Campuchia, tôi đến hai lần một cách công khai trong năm nay, tổng cộng thời gian gần 4 tháng.

Đảng Vì Dân của ông có các hoạt động tại đó?

Chúng tôi đến các nước Malaysia và Nam Dương là tham dự vào việc trùng tu mộ phần các đồng bào thuyền nhân bất hạnh đã bỏ mình khi sắp đến bến bờ tự do, hoặc trong thời gian chờ định cư ở nước thứ ba. Thông tin về những công việc này có thể tìm thấy trên mạng: www.vktnvn.com.

Riêng Thái Lan, Lào và Campuchia thì chúng tôi có nhiều công việc khác nhau; tuy nhiên Đảng Vì Dân không chủ trương lập cơ sở hay hoạt động chính trị ở các nước này. Lý do là điều kiện khách quan không thuận hợp trong thời gian và bối cảnh hiện nay.

Từ trước tới nay đã có 1 số tổ chức ở hải ngoại về Đông Nam Á hoạt động hay những người từ trong nước qua tị nạn hay lánh nạn. Ông đánh giá mức độ an toàn ở đó như thế nào, và nên làm gì để tăng cường an ninh?

Việc người từ hải ngoại về các nước Đông Nam Á và khu vực Đông Dương để công tác bất ngờ và trong thời gian ngắn thì có thể không nguy hiểm lắm — nếu như những người này không phải là những người đã bị lộ diện. Những đồng bào và người đấu tranh bị đàn áp quá độ phải sang Thái Lan tỵ nạn hay lánh nạn thì cũng không bị nguy hiểm nhiều. Tuy nhiên, ở Campuchia và Lào thì mạng lưới tình báo, an ninh của nhà nước CSVN đông đảo và hoạt động mạnh hơn. Nói chung, độ an toàn cho những người đối lập (với đảng và nhà nước CSVN) ở các nước Đông Nam Á và khu vực Đông Dương là không cao; đặc biệt là đối với những người lãnh đạo các tổ chức chính trị đối đầu với CSVN, hay những ai đã bị lộ diện.

Theo thiển ý chúng tôi, biện pháp cảnh giác cần thiết cho những người ở hải ngoại về các nước Đông Dương hoạt động là đi thật bất ngờ, sắp xếp công việc cho thật nhanh gọn và giới hạn tối đa sự xuất hiện công khai hay những tiếp xúc không thật sự cần thiết.

Nhiều ý kiến nói về việc trà trộn của an ninh cộng sản vào các trại tị nạn, ông nghĩ gì về việc đó thế nào?

Việc an ninh CSVN tìm cách trà trộn, xách động, theo dõi, ly gián… những người Việt đang xin tỵ nạn chính trị là chuyện tất nhiên. Mục đích nhà cầm quyền CSVN muốn là làm cho nội bộ tập thể người tỵ nạn nghi ngờ nhau, để những người đồng cảnh ngộ này khó liên kết để chống lại chế độ ở bên nhà.

Ông là người mang quốc tịch Mỹ, vậy Đại sứ quán Mỹ có làm gì nhiều để giúp ông không?

Sau khi biết đã bị theo dõi, hăm doạ và đặc biệt là sau khi đã bị “tai nạn”, tôi đều thông báo cho các bộ phận có trách nhiệm biết. Cơ quan ngoại giao này đã có những đáp ứng theo trách nhiệm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ai muốn đến các nước Đông Dương hoạt động phải tự chủ động việc bảo vệ an ninh và các biện pháp đối phó khi có vấn đề trở ngại lớn, chứ không nên trông đợi vào sự hỗ trợ hoạt động hay bảo vệ của Toà Đại Sứ Mỹ, dù có là công dân Hoa Kỳ.

Mỹ, Lào, Miên, Thái, v.v… đều có quan hệ ngoại giao với CSVN. Quyền lợi quốc gia của họ to lớn hơn chính nghĩa đấu tranh dân chủ của chúng ta rất nhiều lần. Riêng đối với nước Cambodia và Lào thì CSVN còn có quan hệ chiến lược và an ninh quốc phòng rất chặt chẽ. Dù gì đi nữa thì chính phủ các nước này vẫn ưu tiên bảo vệ quyền lợi và quan hệ ngoại giao đang có của họ.

Sau sự cố vừa qua, ông hay đảng của ông có tiếp tục các hoạt động ở khu Campuchia, Thái Lan hay các nước trong khu vực nữa hay không?

Việc tôi bị hành hung, ám hại vừa qua cũng không khác gì lắm với tình trạng của khá nhiều anh chị đấu tranh dân chủ, dân oan ở bên nhà trong thời gian qua, nên sự kiện đáng tiếc vừa qua sẽ không thay đổi kế hoạch hoạt động của Đảng Vì Dân cũng như quyết tâm của riêng tôi.

Tất nhiên anh em chúng tôi phải cẩn trọng hơn nữa song vẫn sẽ tiếp tục tiến hành những kế hoạch vận động, đấu tranh theo định hướng đã có. Nói cho cùng, nguy hiểm ở các nước này vẫn không bằng ở Việt Nam. Nếu ngại khó khăn, sợ bị đe doạ thì chúng tôi không xứng đáng với sự dấn thân của anh em ĐVDVN ở trong nước. Thái độ trước những khó khăn, nguy hiểm cũng là thước đo quyết tâm của mỗi cá nhân, tổ chức trên con đường dân chủ hoá đất nước vậy.

Nếu nhà cầm quyền CSVN thực sự đứng sau vụ tấn công này thì đây là một hành động đáng lên án khi chủ trương của Đảng Vì Dân vẫn luôn là góp phần thúc đẩy việc thành hình một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam, để dẫn đến một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự do (với sự giám sát của quốc tế), trong đó chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự tham dự của đảng CSVN, nếu như họ chứng tỏ được thiện chí hoà bình. Chúng tôi đồng thời cũng luôn thể hiện tinh thần ôn hoà và xây dựng qua việc sẵn sàng đối thoại với đảng cầm quyền hiện nay để tìm kiếm phương thức hoá giải các mâu thuẫn đang có của dân tộc và bế tắc chính trị của đất nước, chứ không khích động hận thù hay đấu tranh bằng bạo lực.

Tôi xin được chia sẻ thêm rằng sau vụ việc này, tôi vẫn không thù hằn CSVN hay người ám hại tôi mà chỉ thấy rất tiếc. Với thời đại ngày nay, bạo lực không phải là con đường tốt nhất để hoá giải những mâu thuẫn của một dân tộc.

Xin cảm ơn chị Mạc Việt Hồng và Ban Biên Tập đã cho chúng tôi một dịp để chia sẻ nhiều hơn với quý bạn đọc Đàn Chim Việt Online. Kính chào đoàn kết và quyết thắng.

Cám ơn chia sẻ của ông Nguyễn Công Bằng.
© Đàn Chim Việt

“Có một phố vừa đi qua phố” – những thanh niên “láo lếu” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Tự họa của Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Đinh Vũ Hoàng Nguyên mất cách đây một năm rưỡi (tháng 3. 2012). Qua ngày giỗ đầu đã lâu, cuối cùng những người ái mộ anh đã có thể lưu một cuốn sách của anh trên giá sách – “Có một phố vừa đi qua phố” – kỷ niệm của cái người hồi đó đã làm họ vui mỗi ngày bằng những entry ngắn, status hóm hỉnh. Nhưng giờ xem bức ảnh chụp ở cuối sách, khi anh cười với con bên giường bệnh, chắc hẳn những ai được anh làm cho cười ngày trước, nay sẽ không cầm được nước mắt.

Đinh Vũ Hoàng nguyên từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh nổi tiếng với viết dù chưa bao giờ có tác phẩm nào xuất bản “chính thống”. Tên của anh trên mạng là Lão Thầy Bói Già (có lẽ vì  do mắt anh chuyển kém, cũng vì thế nên ít vẽ). Facebook của anh có nick Đinh Vũ Hoàng Nguyên – nay vẫn còn, bạn có thể ghé thăm.

Sách “Có một phố vừa đi qua phố” là tập hợp thơ và văn, các đoạn viết ngắn của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Sách khoảng 240 trang, do Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Mời các bạn đọc một số mẩu truyện trong sách này. Ai nghiêm túc chớ có cau mày: đây là chuyện của các thanh niên-họa sĩ. Mà xét cho cùng, tuổi thanh niên sôi nổi nào chẳng có yếu tố “láo lếu” đi cùng, trừ phi lâu quá, bạn đã quên…
.


Nhặt từ mồm Châu Điên

1
Ngày 15.3.2008. Châu Điên nói:
A lô…! A lô… ông có bị cao huyết áp không?… À, thế có bị tim không?… Ông bình tĩnh nhé, phải thật bình tĩnh vì tôi gọi điện thông báo với ông một tin cực kỳ đau thương và buồn thảm, đó là ngày mai vợ nó lấy tôi!… Bĩ lắm, nhưng không trốn được!… Tại bố nó nói, ba năm nay anh bảo là tìm hiểu, thế nhưng anh cứ tìm mãi, liệu bao giờ anh mới chịu hiểu!… Ừ nhé, ông phải lên đấy, lên cho nó vợi màu u ám. Địa điểm là nhà thuyền Hồ Tây, năm giờ chiều… Mà gặp được thằng nào thì cứ thông báo hộ luôn. Tôi lú rồi! Mấy hôm nay bạc mẹ nó hết lông đầu!… Càng đông càng tốt! Trong giờ phút đau thương này sự có mặt của các ông sẽ làm tôi có thêm ý chí để đương đầu với nó!…



Ngày 16.3.2008. Châu Điên nói:
Á à! Bọn chó này, chúng mày vào đây… Giới thiệu với chúng mày, đây là vợ tao hay còn gọi cô dâu… Đau thương lắm, nhưng đừng mếu máo thế, kẻo tao khóc theo!… Sư bố lũ chó! Hóa ra là chúng mày khóc thương vợ ông à!!!… Mà đã thế thì chúng mày khóc to lên cho vui! Mà này, phong bì đâu? Đưa ông soi thử xem có lõi không!… Vợ cứ kệ anh, với bọn này phải thế, vì ngày xưa anh với chúng nó lắm thù!… Thôi, đủ rồi, phờ ri sít nhé, ông đi thu tô tiếp đây!!!



Ngày 17.3.2008. Châu Điên nói:
… Kệ mẹ vợ! Zhô đi!… Bé ơi, cho thêm chín bia nữa!… Mà tại sao chúng mày cứ phải quan trọng chuyện lại mặt bố mẹ vợ nhỉ! Mình lấy về rồi, không lại mặt thì nhà bên đấy dám đòi con gái chắc… Mà đòi thì giả, xem dám nhận không… Này, cuối tuần có chương trình gì thì gọi nhé!… À, đi xa thế à?… Thế thì tao phải cà khịa vợ từ hôm nay… Mà tao dặn, nếu định đi đâu dài ngày thì nhớ thông báo tao sơm sớm, để về nhà tao làm cái mâu thuẫn, mình cứ lầm lì mấy hôm, vợ không chịu được nó chửi. Thế là có cớ biến. Chứ mà báo sát giờ, lại phải vào đá nó mấy cái cũng tội. Với đàn bà thủ đoạn phải cao!… Ấy, im, chúng mày im! Thằng chó này, bảo im cơ mà… A lô, em à… Anh đang về, nhưng đường tắc quá… Đâu! Đâu! Ơ kìa! Hạ hỏa hạ hỏa, anh về đây, về ngay!… Thôi thôi, tao lượn đây. Bỏ mẹ, nó vừa mát mẻ: thôi để em về bố mẹ một mình!

2

Châu Điên kể:
Hồi đấy tao hai mươi ba tuổi, tao đi dự đám cưới thằng bạn. Lúc vào mâm tao ngồi ăn cạnh một em, tao hỏi: “Em bao nhiêu tuổi?”, em trả lời: “Em ba mươi mốt tuổi”, tao nói: “Em hơn anh tám tuổi!” Em ngước sang nhìn thấy tao tóc buộc đuôi ngựa, mặt già và nhàu, em bảo: “Anh mà kém em tám tuổi, cái đồ điêu thế!”

Lúc ăn, cứ tao gắp một miếng cho em thì em lại gắp một miếng cho tao. Em hỏi tao làm gì, tao bảo tao làm nghệ thuật. Rồi tao kể nghệ thuật gian nan lắm, nghệ sĩ là phải hết mình, phải dấn thân, phải đến với cái đẹp bằng tâm hồn trinh trắng… Em nghe, đớp từng lời, em xuýt xoa: “Anh tài thế!” Tao… sướng quá, vỗ bộp vào đùi em, bảo: “Anh nói chuyện nghệ thuật với bao nhiêu đứa, toàn đứa ngu, có mỗi em là hiểu”, rồi bóp đùi em. Em mặt đỏ cực kỳ e lệ, để yên cho tao bóp đùi.

Hôm sau tao rủ em đi chơi, em thỏ thẻ: “Hay hôm nào anh vẽ cho em bức chân dung nhé?”, tao bảo: “Vẽ tranh chân dung khó lắm, vì không phải chỉ vẽ cho giống mà phải truyền được vào tranh cái hồn.”, em hỏi: “Làm sao mới truyền được vào tranh cái hồn?”, tao bảo: “Thì người nghệ sĩ phải nghiên cứu sâu mẫu!”, em hỏi: “Làm thế nào để nghiên cứu sâu mẫu?”, tao bảo: “Phải ngủ với nhau nhiều!”, em lè lưỡi: “Eo, nghệ thuật tởm!”

Thế rồi liền một tuần, ngày nào em cũng qua nhà để tao nghiên cứu nghệ thuật. Chủ nhật em hỏi: “Bây giờ anh vẽ được chân dung em chưa?”, tao tay run, chân run, bảo: “Em ơi, anh sắp kiệt sức vì nghệ thuật!”

Sang tuần, tao với em đi thăm bố em nằm viện. Bố em thỉnh thoảng liếc trộm tao. Tao ra ngoài thì nghe bố em hỏi em: “Sao yêu cái thằng như oắt con?”, em bảo: “Tại anh ý là nghệ sĩ, nên trẻ lâu!”

Lúc ra cổng viện lấy xe máy, tao phát hiện bị mất vé xe, phải trình chứng minh thư để lấy xe. Em ngó chứng minh thư tao, em hỏi:

“Thế anh kém em tám tuổi thật à?” Từ đó trở đi, em im thin thít.

Tao chở em về nhà em, xuống xe, em nhìn tao lâu, như vĩnh biệt, rồi em véo sườn tao, em bảo: “Kém người ta tám tuổi mà đòi… cái đồ điêu thế!”

Chúng mày ạ, suy ra đàn bà chỉ thích tin cái mà đàn bà muốn tin, chứ mình có nói thật mười mươi mà đàn bà đéo muốn tin thì mình vẫn cứ thành điêu tất. Làm người lương thiện với đàn bà khó lắm!
Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Ảnh: Trần Thị Thanh Loan (chụp nhân ngày cưới cho bạn)

Điện thoại toilet

Kều học Mỹ thuật Công nghiệp cùng mình. Hai thằng thân nhau. Kều lúc mua nhà ở riêng đánh hẳn cho mình một cái chìa khóa.

Hôm tân gia, Kều được tặng mấy chiếc điện thoại bàn (thời ấy điện thoại di động gần như chưa ai dùng). Thừa điện thoại, lại rỗi việc, Kều liền tách đường dây mắc song song mỗi góc trong nhà một máy, trong toilet cũng treo một máy, cạnh bệ xổm. Kều bảo: “Thời nay hiện đại, công nghệ viễn thông phát triển vào mọi ngóc ngách đời sống, mình phải cập nhật. Vả lại mình là người quan trọng, mắc điện thoại ở đây để có đang mót cũng vẫn tiếp được dân.”

Rồi Kều hỏi mình: “Thế nhà bạn Nguyên có điện thoại trong toilet không?”

Hồi trước có lần mình đang ngồi đại tiện, Kều mở he hé cửa đưa cho mình cái thìa, rồi đi. Cái thìa vốn là để xúc ăn, mình đang ngồi trong hố xí mà nó nhét cho mình cái thìa là ý bảo mình điều gì, mình biết! Bình thường mình và nó nói chuyện với nhau như chó sủa, giờ nó đột nhiên đổi giọng, gọi mình rất ngọt ngào “bạn Nguyên”, tức là đang mỉa sự lạc hậu nhà quê của mình khi không có công nghệ viễn thông trong nhà xí, mình biết!

Kều giận nhau với người yêu hai tuần. Hôm ấy mình xuống nhà Kều chơi, vì có chìa khóa, nên mình chẳng gọi cửa mà cứ thế ung dung mở khóa vào nhà. Kều đang ở nhà trên say sưa buôn điện thoại. Mình đến Kều cũng không biết. Nghe loáng thoáng dăm câu, biết nó đang nói chuyện với người yêu.

Mình lẻn xuống toilet, nhấc điện thoại ngồi nghe.

Chị và chàng bặt mặt lâu. Hôm nay chàng gọi điện chủ động làm lành. Qua câu chuyện, thấy cục giận của chị nàng đã nguội, giọng chuyển dần từ kim sang thổ, thỉnh thoảng lại điểm đôi câu “ứ”.

Buồn tình, mình thọc ngón tay vào nách, gí sát ống nói, rồi ép “ẹp pẹp…”, hệt tiếng xả xú khí đại tiện.

Kều đang nói, chợt khựng.

Đầu dây bên kia cũng đột ngột lặng ngắt.

Thời gian đông lại, một lát, rồi giọng chị nàng nhẹ và nhạt, nói: “Nếu có lần nào gọi điện cho em, mong anh chọn thời điểm khác!”

Ảnh: Trần Thị Thanh Loan
Có cái đéo gì mà phải xấu hổ!

Hồi mình chuẩn bị thi đại học (trường Mỹ thuật Công nghiệp) thì Kều đang bộ đội, đóng quân Sơn Tây. Kều hơn mình một tuổi, nó xuống Hà Nội luyện thi thì gặp mình, rồi thân. Ông anh họ của Kều có một căn hộ bé xíu khoảng 9m2, không dùng, mới cho Kều về ở. Mình nhà ở Hà Nội, nhưng hay đến chỗ Kều vẽ và ngủ, cho tự do.

Trong số môn thi để vào Mỹ thuật Công nghiệp ngày ấy ngoài hai môn vẽ: hình họa, trang trí, còn phải thi hai môn văn hóa nữa là toán và văn. Thí sinh thi vào trường này có truyền thống học văn hóa dốt, thành ra thằng nào điểm văn hóa cao là cơ hội đỗ tăng vọt.

Kều hỏi mình:

- Trình độ văn hóa mày thế nào?

- Văn thì còn bịa được chút ít, chứ toán thì ngu như lợn! rồi hỏi lại Kều, mày thì sao?

Kều thụt thụt cái mồm kêu “ụt ịt ụt ịt…” thay cho câu trả lời.

Gần ngày thi Kều bàn:

- Tao với mày ngồi khác buồng, nên hôm nào vào phòng thi hai thằng phải căn đồng hồ, làm sao cứ 9h30 thì cùng xin đi đái, gặp nhau ở buồng đái, tao làm được gì tao bày cho mày, mày làm được gì mày bày cho tao.

Mình phân vân:

- Hai thằng ngu ngang ngửa như nhau thì biết gì mà bày?

- Cái thằng này! Tức là tao quay được gì thì tao đưa mày, mày quay được gì thì mày đưa tao.

Mình có nghe kinh nghiệm của mấy khóa trước đi thi về tuyên truyền lại, liền kể:

- Luật bất thành văn ở trường này là vào thi nếu giám thị bắt được thí sinh quay bài sẽ thu tài liệu, nhưng không đánh dấu bài, vẫn cho thi tiếp. Thế là đã có châm chước vì đây là trường năng khiếu, môn văn hóa không đánh giá cao. Trường mình vào kỳ thi toàn mượn giáo viên mấy trường cấp ba về trông, mắt lửa ngươi vàng, kinh nghiệm đầy mình, thằng nào quay cũng bị giám thị dính đít hết. Mà như cái loại tao với mày, tài liệu đã bị thu thì cũng coi như toi, ngồi thi tiếp làm gì!

Vài hôm sau gặp mình, mặt Kều tươi tỉnh, Kều bảo:

- Hôm thi văn hóa tao có cách rồi.

- …?

- Hôm ấy tao sẽ mặc quân phục, thấy mình là bộ đội, tình quân dân cá nước, thể nào giám thị cũng thương…

- Xoay thêm một bộ nữa cho tao. Tao cũng làm bộ đội! Thông minh quá đồ ngu ơi!

Năm ấy trường Mỹ thuật Công nghiệp thuê địa điểm thi ở một trường cấp ba, lúc thi hai môn văn hóa, cũng như mọi năm, giáo viên trường cấp ba này đảm nhận luôn việc trông thi.

Mấy hôm trước Kều về đơn vị mang xuống hai bộ quân phục, một bộ sẵn của nó, một bộ nó mượn cho mình, có gắn cả quân hàm quân hiệu. Mình với Kều xanh rì – đỏ chót xuất hiện ở địa điểm thi, cả trường nhìn.

Vào phòng thi chỗ mình ngồi cuối lớp. Quyển Đáp án bộ đề thi đại học dày cộp mình giắt thắt lưng. Giám thị là hai cô giáo. Thấy mình mặc quân phục, một cô hỏi:

- Cậu là bộ đội à?

- Thưa cô, vâng!

- Phòng bên kia cũng có một cậu bộ đội, thế có biết nhau không?

- Dạ, bạn ấy ở đơn vị cùng em, đơn vị cử hai đứa đi thi, học xong trở về phục vụ quân đội.

Mình cố thêm cái ý “trở về phục vụ quân đội” là để tăng thiện cảm của cô. Chiêu này có vẻ thành công, cô giám thị ân cần:

- Thế đi thi thế này cậu có ôn được nhiều không?

- Thưa cô, thời gian bọn em cũng hạn chế vì vẫn còn nhiệm vụ của quân đội. Bọn em có vất vả hơn ở mấy môn văn hóa. Nhưng… nhưng được đi thi thế này là đơn vị đã tạo điều kiện cho bọn em nhiều lắm đấy ạ!

Cô giám thị nhìn xuống bụng mình. Mình cũng liếc xuống bụng mình, gáy quyển Đáp án bộ đề thi đại học kẹp trong bụng trồi qua khe áo. Cô không nói gì.

Hôm ấy ở phòng mình rất nhiều đứa quay bài. Đống phao của bọn này có cái làm rất kỳ công, thành những băng giấy bé bằng nửa cuộn phim kẹp gọn giữa hai ngón tay, chữ trên đó li ti như đít muỗi. Thế mà hai cô giám thị cực tinh, bắt không sót trường hợp nào.

Riêng mình đặt cả quyển Đáp án bộ đề thi đại học dày cồm cộp trên lòng, xé các trang cần chép, xong ngồi lên, vừa rề rề tay ở khe háng vừa ghi (năm ấy đề thi toán trường mình toàn rút từ cuốn này). Có lần đi ngang mình cô giám thị nói bâng quơ:

- Hình như sắp đến giờ giám thị hành lang đi kiểm tra.

Mình biết lắm cái bâng quơ ấy cô dành cho ai.

Lúc chạy xuống nhà vệ sinh gặp Kều, mình hỏi:

- Thế nào, thoát không?

- Phải hỏi thắng không chứ không phải thoát không!

Năm ấy mình và Kều cùng “thắng”, có học bổng. Điểm văn hóa mình hơn Kều nửa điểm.

Mình bảo:

- Thì ra về học vấn tao vẫn uyên thâm hơn!

Kều bảo:

- Thì ra viết chính tả cũng được coi là học vấn.

Hai mươi năm sau mình lấy vợ. Bộ Đại học cũng đã tỏ ra sáng suốt hơn khi không còn bắt học sinh thi vào Mỹ thuật Công nghiệp phải thi môn toán. Mình và Kều hàng tuần vẫn gặp nhau uống bia, thỉnh thoảng ôn chuyện xưa vẫn nói: “Hồi đó bọn mình vào được đại học là nhờ thông minh hơn người.”

Vợ mình vốn từ bé đã là dân trường chuyên lớp chọn, thị sang Đức học, rồi sang Mỹ làm tiến sĩ về công nghệ môi trường ở trường Michigan – cái trường này vốn có tiếng tăm, nằm trong top 10 đại học của Mỹ.

Một lần mình với vợ xem vô tuyến, thấy phóng sự nói về tình trạng quay cóp của học sinh sinh viên trong các kỳ thi, vợ mình nói:

- Anh có tin không, từ bé đến lớn em chưa bao giờ biết quay cóp.

- Ừ, thì tin!

- Ừ… thì… tin, vợ mình đây, sao miễn cưỡng thế?

Một lát thị lại tiếp:

- Mà sao người ta lại có thể hồn nhiên quay cóp thế được nhỉ? Tại sao người ta không thấy xấu hổ nhỉ?

Mình vốn nổi tiếng sợ vợ, thế mà lúc ấy bỗng nhiên máu trên mặt bốc pừng pừng, mình trợn mắt, băm bổ:

- Có cái đéo gì mà phải xấu hổ! Có cái đéo gì mà phải xấu hổ…! Hử? Hử? Hử?…
  (Soi.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét