Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Báo Đảng công kích ông Lê Hiếu Đằng

Các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đăng nhiều bài chỉ trích quan điểm kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng.
Hồi giữa tháng Tám này, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM, công bố một bài viết mới nhấn mạnh tầm quan trọng của đa nguyên, đa đảng.
Trong bài viết tựa đề "Bấm Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh (bệnh)…", ông Lê Hiếu Đằng, người được biết lâu nay với nhiều ý kiến đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa ở trong nước, kêu gọi các đảng viên CSVN đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng cùng "tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội". 
Ông cũng nói đa nguyên, đa đảng là "quy luật tất yếu".
Ngay lập tức, các báo của Đảng CSVN đã có chiến dịch bút chiến phản bác lại luận điểm của ông, tới nay đã có khoảng mười bài.
Ông Lê Hiếu Đằng

Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đi đầu trong 'chiến dịch' này với tổng cộng 5 bài báo, bài đầu tiên đăng hôm 18/8.
Tiếp đó là các báo Sài Gòn Giải phóng và Nhân dân.
Bài mới nhất trong loạt bài phản hồi tác giả Lê Hiếu Đằng đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) của Thành ủy TP HCM hôm thứ Ba 27/8 với tựa đề 'Bấm Những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm'. 
Tác giả bài báo là ông Trần Hữu Phước, người từng là thư ký của cố chính khách Lê Đức Thọ.
'Thùng nước bẩn về chính trị' 
Bài trên SGGP của ông Trần Hữu Phước nói ông Lê Hiếu Đằng đã "dội lên một thùng nước bẩn về chính trị giữa những ngày mùa thu cách mạng thiêng liêng".
Ông Phước cũng nói bài viết của ông Đằng là "con đường bế tắc của sự nhận thức lệch lạc về chính trị và lý luận".
Ông nhắc lại và so sánh ông Lê Hiếu Đằng với một bậc cựu công thần khác của Đảng CSVN, sau chuyển sang bất đồng chính kiến, là ông Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết học (đã mất).
Bài viết giận dữ của ông Phước không ngần ngại gọi ông Đằng, người có 45 năm làm Đảng viên CSVN, là "quay lưng lại lịch sử, chống báng Đảng và đã bị trượt chân xuống vực trong sự tha hóa về tư tưởng".
"Đừng nên quên rằng, 'người nói láo' đã được xếp vào loại biệt hạng, đó chính là Lê Hiếu Đằng," ông Trần Hữu Phước thẳng thừng chỉ trích.
Bài viết của ông Phước cũng cảnh báo rằng chủ trương của Đằng đã biến ông thành "bạn đường của các thế lực chống đối đang rắp tâm tổ chức thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn… thâm độc trên đất nước ta".
Đây có lẽ là những chỉ trích gay gắt nhất nhằm vào cá nhân ông Lê Hiếu Đằng từ khi bài viết 'Suy nghĩ trên giường bịnh...' của ông được công bố.
Tuy nhiên dường như ông Trần Hữu Phước không đưa ra được nhiều ý tưởng và lý luận phục vụ cho phản bác của mình, ngoài việc ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin một cách chung chung.
"... chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát."
Trước bài của ông Phước trên SGGP một ngày, hôm thứ Hai 26/8 báo Nhân dân cũng đăng bài của Hồng Quang chỉ trích quan điểm của ông Lê Hiếu Đằng, nhưng tránh tên ông mà gọi là 'ông X'.
Bài trên báo Nhân dân còn đề cập tới điều mà tác giả gọi là "sự phụ họa, cổ vũ của BBC, RFA, RFI...".
BBC)

Đảng viên chân chính

Lâu nay ta hay nghe nói “Đảng viên chân chính”.

Tôi cũng nghe nói tới “Đảng viên chân chính” nhiều lần. Nhưng điều khiến tôi hơi băn khoăn là, dường như những người đề cập tới loại đảng viên này với lòng cảm phục và kính trọng. Có lẽ tôi không hiểu sai “Đối tượng” mà những người này đề cập tới. Tuy nhiên tình cảm mà tôi dành cho loại đảng viên này, rất tiếc lại không giống như những người trên kia.

 Hình như trong nội bộ đảng cs VN thường có bình xét xếp loại đảng viên theo quý hay theo năm, tôi không biết. Có danh hiệu đảng viên bốn tốt hay lăm tốt gì đó, tôi cũng không biết nữa; Bởi vì tôi biết nằm lòng rằng, những kiểu bình xét như thế, mang tính hình thức vô cùng, chẳng đánh giá được thực chất, hình thức y chang cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” ấy mà. (Không hình thức sao học mãi mà chỉ tốn thời gian và tiền bạc của dân, chẳng thu được kết quả gì cả). Dù đảng viên nào được bình bầu là bốn tốt hay lăm tốt hôm qua, ngày mai vẫn có thể bị tra tay vào còng số tám như thường…

  Vậy những đảng viên thế nào mới được gọi là “Đảng viên chân chính”? Vai trò của họ trong đảng, trong đời sống Đất Nước và xã hội thế nào, công lao họ ra sao…

 Ta thử chia loại đảng viên xem có “Sát thực tế” hiện nay không.

Với những gì chúng ta đang thấy diễn ra trong nội bộ đảng cs VN hiện nay, có thể chia đảng viên thành 3 loại.

1-Đảng viên chân chính. Nói tới loại đảng viên này, chắc ai cũng đồng ý đó là loại đảng viên TRUNG THÀNH VỚI CHỦ NGHĨA CS, TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CSVN. Và tất nhiên không thể tham nhũng.

2- Đảng viên tham nhũng. Đó là loại đảng viên mà mục đích vào đảng là để tư lợi. Họ mua quyền mua chức, nịnh trên nạt dưới. Họ tận dụng tối đa những cơ hội có thể cho phép họ thực hiện hành vi tham nhũng.

3-Đảng viên quần chúng. Đó là những đảng viên không chức, không quyền. Họ là những đảng viên hồi hưu, lão thành CM, hay những đảng viên còn đang công tác nhưng trình độ học vấn hạn chế, hoặc hiền lành thật thà, không ganh đua, an phận…

Nếu xét số lượng thì số đảng viên xếp loại thứ 3 là đông hơn cả. Tuy nhiên họ không làm hại dân hại nước, vai trò của họ có thể coi là “Vô thưởng vô phạt”.

Loại đảng viên xếp thứ 2, số lượng đông không kém gì loại đảng viên xếp thứ 3. Họ là những cán bộ đương chức đương quyền, trải rộng từ khu vực kinh tế nhà nước, chính quyền tới các cơ quan đảng, đoàn thể. Tóm lại là những đảng viên trong cả “Hệ thống chính trị”. Có thể khẳng định không một ai trong số họ không dính tới tham nhũng (Hay là tay “dính chàm”, như cách nói của người đứng đầu đảng).

Loại đảng viên xếp thứ nhất ít hơn cả. Thậm chí có thể nói vô cùng hiếm. Nhưng vai trò của họ ra sao trong đời sống xã hội và Đất Nước hôm nay?

Nếu nói tới loại đảng viên này, những người phải kể đến đầu tiên phải là Bác Hồ kính yêu, là các học trò xuất sắc của Người như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Lý Tự trọng… Đó là những đảng viên cs trung kiên, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho sự tồn vong của đảng, cho  “ CNM-L vô địch muôn năm”…

Nhưng giả sử những “Đảng viên chân chính” này còn sống đến ngày nay, ai dám chắc họ sẽ không tham nhũng. Ai dám chắc tay họ sẽ không “Dính chàm”?. Sống trong một thể chế độc tài, mà quyền lực do họ nặn ra và cũng chính thao túng, khó có thể nói họ không tham nhũng, thậm chí là những ông trùm của tham nhũng.

 Nhưng cứ cho họ “Trong sạch”, giống như sự “Trong sạch” của người đứng đầu đảng cs VN hiện nay, tay không nhuộm chàm, nhưng họ “Tuyệt đối trung thành với CNCS thì sao?

 Nghĩa là họ vẫn “Kiên trì định hướng XHCN”, vẫn bám chặt lấy điều 4 HP, vẫn kiên quyết lấy quân đội làm cái áo giáp cho riêng mình, kiên quyết không chấp nhận đa đảng, đa nguyên, hay tam quyền phân lập…

 Thà rằng họ, những “Đảng viên chân chính” cứ tham nhũng còn hơn là bóp chết tự do dân chủ.

Họ không tham nhũng kim tiền, nhưng họ tham nhũng quyền lực.

Và lịch sử VN cũng như lịch sử cs TG cho thấy, những kẻ tham nhũng quyền lực là đáng lên án và đáng nguyền rủa nhất. Sự ngu dốt, thủ cựu của họ chính là vật cản ghê gớm cho một dân tộc, là tội ác dưới mọi hình thức.

Đọc “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, ta càng thấy ghê sợ loại “Đảng viên chân chính” này. Khi một số đảng viên trung cao cấp chủ trương và đồng ý “Xé rào”, nhằm tìm ra cách cứu cả Dân Tộc đang có nguy cơ chết đói đến nơi, kết quả khả quan của chủ trương “Xé rào” đã hiện rõ. Vậy mà vẫn có kẻ (Như Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng và nhiều kẻ khác) kiên quyết chống lại. Họ la lớn “Thế này thì còn gì là lập trường!”. Gần đây nhất, chúng ta được nghe phát biểu của một “đảng viên chân chính” hiếm hoi còn sót lại trước đảng bộ một tỉnh. Ở đó “Đảng viên chân chính” này kêu gọi kiên định CNXH, kiên định theo CNCS, và gọi những người chủ trương đòi tự do dân chủ cho VN là “Suy thoái”. Ông ta đòi “Xử lý” những người chủ trương đa nguyên đa đảng, nghĩa là đòi xử lý những nhà đấu tranh dân chủ…

Nhưng, sẽ là khiếm khuyết nếu không đề cập tới một loại đảng viên nữa mà thực tế đang tồn tại trong đảng cs VN, với số lượng có lẽ không ít. Họ thuộc loại đảng viên nào, thứ nhất, thứ hai hay thứ ba? Họ có thể có mặt trong cả ba loại đảng viên kể trên. Nếu họ có “Trót” tham nhũng, thì cũng trong hoàn cảnh nhất đinh nào đó, và không mang tính hệ thống, không thuộc loại “Cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng”… Đặc điểm khác biệt ở họ chính là họ có lương tri, nếu có từng sai phạm thì cũng bị lương tâm cắn rứt. Đặc biệt họ có tư tưởng đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới về chính trị. Họ đang trăn trở với vận nước, đang nung nấu con đường thoát ra khỏi “Vòng kim cô” kìm hãm Dân Tộc suốt ba phần tư thế kỷ qua. Có thể kể ra rất nhiều những cái tên. Họ là những lão thành cách mạng, là những trí thức, là những đảng viên hồi hưu, là những cán bộ đảng viên từ trung đến cao cấp, vì những lý do nào đó mà chưa thể bước ra ngoài ánh sáng để có thể cất tiếng nói dõng dạc như luật sư, đảng viên lão thành Lê Hiếu Đằng, Hồ ngọc Nhuận…

  Nếu có cái tên đặt xếp loại cho họ, có lẽ gọi họ là những đảng viên giác ngộ, hay đảng viên Nhân Dân. Nếu gọi họ là những đảng viên chân chính, e nhầm với những đảng viên không chịu rời bỏ tư tưởng Markxit ở trên.

 Aug/28th/2013
AFR Dân Nguyễn
(Quê Choa)

Hà Văn Thịnh - Đôi lời thưa ông Nguyễn Chơn Trung

Lâu lắm rồi tôi không viết, vì nhiều lẽ, nhưng cái chính là do tiêu cực, tham nhũng, cái ác, cái xấu của quan chức nhiều quá; sự dốt nát, lộng hành, khinh dân – kiêu binh… của các cấp lãnh đạo nhiều quá (chẳng hạn: hơn 50.000 văn bản sai quy phạm pháp lý, đến mức như những trò hề)…, thành thử, nếu viết sẽ lại trùng, lại lặp, bởi động đến cái gì cũng có “tham gia” rồi (tôi đã từng có bài “Viết cái gì và viết thế nào đây”)…

Thế nhưng, hôm nay đọc bài của ông Nguyễn Chơn Trung – Sáu Quang , tự thấy rằng không thể im lặng…

Trong các “nguyên tắc” của phản biện thì tiêu chí đầu tiên không thể thiếu là sự chặt chẽ của lập luận, chứng cứ. Ông Nguyễn Chơn Trung phê phán ông Lê Hiếu Đằng để “thức tỉnh” – phù phép hàng triệu người có thể “lầm lạc” (như ông Lê Hiếu Đằng?) nhưng lại quá kém cỏi khi sự biện hộ biến thành ngụy biện một cách thô thiển. Do khuôn khổ của một bài có hạn, xin nêu ra mấy chỗ khó chấp nhận sau đây.
Thứ nhất, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong lao tù thì mới có nước Việt Nam hòa bình – độc lập  – thống nhất cùng với 27 năm đổi mới đất nước như hôm nay”. Thật là nực cười khi trong những thành tựu mà NCT vơ hết vào mình ấy chẳng thấy bóng dáng nào của NHÂN DÂN – DÂN TỘC? Càng khôi hài hơn nữa khi ai cũng biết rõ rằng “ngày xưa” đảng viên ít lắm, đông như bây giờ thì cũng chỉ chiếm 3% dân số. Vậy, nếu đảng viên chết hàng triệu (“hàng triệu” có nghĩa là phải từ hai triệu trở lên) thì dân chết hàng chục triệu sao? Và không lẽ sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước chỉ do mỗi đảng viên làm?
Thứ hai, ông Nguyễn Chơn Trung cho rằng “vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn xưa nhiều lắm” bởi thành tích xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng. Đọc đến đây thì chắc hẳn ai cũng phải nghẹn họng bởi cách viết nói lấy được không hề biết thế nào sự run rẩy của sự xấu hổ mỏng manh nhất: 30 năm sau chiến tranh, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Hàn Quốc là con rồng mới của châu Á, Cộng hòa LB Đức là nền kinh tế thứ ba…; còn ta, sau 38 năm, vẫn cứ mải mê mài miệt với sự tự sướng xóa đói giảm nghèo? Làm sao có vị thế lớn mạnh nếu chỉ loay hoay với xóa đói, giảm nghèo? Ông Nguyễn Chơn Trung không biết rằng tự hào xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà cứ tự ca xóa đói là tự vả vào mặt mình đấy – nếu không muốn nói là đang tiếp tục tự bóc trần bộ mặt thật để mặc hàng vạn người bị đói trong lúc xuất khẩu để vơ vét, làm giàu cho một thiểu số nhỏ nhoi. Và, đã xóa đói, giảm nghèo được chưa khi thu nhập thực tế của hàng triệu hộ gia đình nông dân hiện nay chỉ có 48.000 đồng/ngày – cho 4-5 miệng ăn?
Thứ ba, sự ngụy biện vô lối còn đáng hãi hơn nữa khi ông Nguyễn Chơn Trung triết lý trong cái gọi là thơ với những câu Đời cho ta trí óc thông minh/ Đời với ta như kiếm như gươm/ Ta đưa Đời đến vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao/ Đời làm ta lao đao lận đận/ Không bao giờ ta hận với Đời… Không biết “Đời” ở đây có thực là đời hay không vì ông Nguyễn Chơn Trung viết hoa hay ám chỉ một Đ nào đó nhưng thấy hao hao giống những câu khẩu hiệu lòe dân mà ai cũng biết. Chẳng hạn, trí thông minh là bẩm sinh của một con người, thừa hưởng từ mẹ, cha, ông bà, tiên tổ, từ Tạo Hóa chứ chẳng có Đ hay Đời nào mang đến được! Chẳng lẽ ông Nguyễn Chơn Trung không biết câu nói nổi tiếng của một danh nhân rằng một triệu kẻ ngu dốt cũng không thể có được một quyết định thiên tài? ông Nguyễn Chơn Trung chỉ đúng có duy nhất một điều (trong cả bài): Ta đưa Đời đến vinh quang/ Đời làm ta quá phũ phàng vậy sao (!)…
Thay lời kết bằng điều đáng bàn thứ tư: ông Nguyễn Chơn Trung đã “ví von một cách hình ảnh” rằng với một căn nhà, khi cột, kèo bị mục nát thì có nên sửa chữa hay không? Thưa ông NCT, dột từ nóc, chỉ có nghèo kiết xác mới lấy mo cau mà trám cho cho đỡ ướt, chứ còn cột và kèo đã mục nát thì chẳng có bất kỳ người nào có vài phần trăm chất xám trong đầu lại đi sửa chữa cả.
Chỉ có vất bỏ đi, thay mới thôi, thưa ông!
Huế, 27.8.2013
Hà Văn Thịnh
(BVN)

Cục Cảnh sát biển đổi thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Thành lập ngày 28/8/1998, biên chế ngày đầu của Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có 5 phòng với 34 người; 2 Vùng CSB (Vùng CSB1 và Vùng CSB4), chỉ có một số tàu cải hoán K20. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

15 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay CSB Việt Nam đã có 4 vùng, 13 cơ quan chức năng, 4 cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý và 2 cụm trinh sát, được trang bị nhiều tàu xuồng cao tốc các loại, máy bay Casa 212 và nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại…

CSB Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng môi trường kinh tế trên biển lành mạnh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, tạo sự an tâm cho bà con ngư dân, cho các đội tàu vận tải, các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí hoạt động ngoài khơi xa.

VOV Online phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.


Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam
“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, với nhiệm vụ trọng tâm của CSB là đảm bảo an ninh, an toàn trên các vùng biển. Để đảm đương nhiệm vụ này trên vùng biển rộng lớn của nước ta, lực lượng CSB được tổ chức như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Cảnh sát biển Việt Nam được xác định xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần đổi mới, Đảng ủy, Thủ trưởng CSB thường xuyên coi trọng việc cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Về phương hướng tổ chức lực lượng, chúng tôi xác định là cần và phải tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế của CSB theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ.

CSB Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc, một cách khoa học, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đối với toàn lực lượng. Các Vùng CSB, các Cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy và các Cụm trinh sát là các đơn vị đầu mối trực thuộc được tổ chức và đóng quân trên một số tỉnh thành ven biển đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo khu vực được phân công; Biên chế tổ chức của các Vùng CSB, các Cụm CSB có các Hải đội, xưởng trạm; các đội đặc nhiệm, tổ đội công tác và các tàu, các phân đội trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, ngoài ra còn có Trung tâm huấn luyện CSB, đảm nhiệm công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho lực lượng.

Với phương thức tổ chức lực lượng như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, CSB Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, phòng chống vi phạm, tội phạm, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển của nước ta.

PV: CSB Việt Nam đã có nhiều thành tích nổi bật trên mặt trận chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển. Xin Thiếu tướng cho biết những kết quả nổi bật, một số vụ việc điển hình được CSB xử lý thời gian qua?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trước thực tiễn về tình hình tội phạm trên biển, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo 127/TW và 138/ Bộ Quốc phòng về tăng cường và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm vi phạm trên các tuyến biển. Đảng ủy, Thủ trư­ởng CSB đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết đấu tranh với các vụ việc vi phạm về buôn lậu gian lận thư­ơng mại, làm tốt việc quản lý về an ninh, duy trì trật tự an toàn trên các vùng biển.
Về buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, trong 6 tháng trở lại đây chúng tôi đã bắt giữ, xử lý đến trên 25 vụ lớn về mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, tập trung ở các mặt hàng: khoáng sản, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, xăng dầu, gỗ quý, thuốc lá, hàng tiêu dùng, pháo nổ các loại ...

Điển hình một số vụ việc đã được CSB Việt Nam xử lý, đó là ngày 19/12/2012, tại khu vực vùng biển Vũng Tàu, CSB đã kiểm tra, bắt giữ tàu Việt Hải của Công ty CP dầu khí Việt Hải đang bơm xăng trái phép cho 02 tàu Việt Hải 01 và Đông Hoà 09 với số lượng lớn là 917,822 m3 xăng đều không có chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, ước tính tổng giá trị của số hàng hóa trên khoảng gần 20 tỷ đồng. Ngày 13/01/2013 tại khu vực biển Đông Bắc An Thới, cách bờ biển Kiên Giang 25 hải lý thuộc Vùng biển Việt Nam, CSB đã kiểm tra, bắt giữ 02 tàu nước ngoài mang số hiệu KK20031, KK20023 chở trên 20 tấn gỗ. Ngày 27 tháng 4 năm 2013, bắt giữ tàu nước ngoài mang số hiệu KP - 20034, trên tàu có 5 thuyền viên mang Quốc tịch Campuchia đang hành trình vào Việt Nam chở khoảng 10 tấn gỗ các loại, không có giấy tờ. Ngày 19/5, tại vùng biển Phú Quốc bắt giữ tàu nước ngoài mang số hiệu KK -20047 chở khoảng 9 tấn gỗ (chủ yếu là gỗ trắc) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Ngày 01/02/2013, tại vùng biển tỉnh Ninh Bình, CSB bắt giữ tàu Lộc Nguyên 68/10 vận chuyển 2.680 tấn quặng sắt không có nguồn gốc hợp pháp. Ngày 28/02/2013 CSB đã bắt giữ tàu Việt Anh buôn lậu xăng dầu trái phép trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số lượng trên 800.000 lít dầu Diezel, ước tính tổng số tiền gần 20 tỷ đồng...v.v.

Một vụ việc điển hình cho hoạt động hợp tác Quốc tế để giữ gìn an ninh, trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển là vụ bắt giữ 11 tên cướp biển có vũ trang trên biển Đông. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng CSB trong đấu tranh chấn áp tội phạm cướp biển được Chính phủ tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 02 cá nhân; Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba cho tàu CSB 4031 và tàu CSB 4034. Chiến công này được nhân dân cả nước tin yêu cổ vũ, bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế khen ngợi.

3 con tàu tuần tra hiện đại được bàn giao cho CSB Việt Nam mới đây

Đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực

PV: Trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, CSB Việt Nam phải vận dụng và xử lý khéo léo ra sao để giữ vững an ninh, hòa bình, hữu nghị, thưa thiếu tướng Nguyễn Văn Tương?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trên cơ sở quan điểm đối ngoại Quốc phòng “chúng ta tăng cường, mở rộng quan hệ với các quốc gia vì lợi ích chung, cùng phát triển, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế với một Việt Nam hòa hiếu, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nhận thức sâu sắc bản chất vấn đề này, lực lượng CSB Việt Nam đã chấp hành nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại; phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực, thời gian qua, lực lượng CSB Việt Nam đã cứu được nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó có nhiều ngư dân nước ngoài. Vụ bắt giữ 11 tên cướp biển có vũ trang trên biển Đông vừa qua khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, CSB Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự vì chúng tôi quan niệm việc hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại.

Với cách xử lý như vậy CSB Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, để các vùng biển của nước ta luôn hòa bình, hữu nghị, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trợ giúp và ứng cứu ngư dân với tinh thần cao nhất

PV: Thưa thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, ngoài thực hiện nhiệm vụ, CSB Việt Nam đã có những trợ giúp gì đối với ngư dân cũng như các hoạt động kinh tế khác như hàng hải, dầu khí để đảm bảo an toàn khi họ hoạt động trên biển? 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Phối hợp với các lực l­ượng khác bảo vệ tài sản của nhà n­ước, tính mạng, tài sản của nhân dân, ph­ương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam. Cùng với các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, phổ biến giáo dục pháp luật, chúng tôi luôn xác định việc trợ giúp, làm chỗ dựa để động viên bà con ngư dân cũng như các hoạt động kinh tế khác như hàng hải, dầu khí… bám biển vừa làm ăn, vừa tham gia giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biển đảo, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của CSB Việt Nam.

Bất cứ khi nào, ở đâu trên biển, không kể không gian, thời gian, nhân dân cần trợ giúp thì chúng tôi đến đáp ứng với tinh thần cao nhất. Mỗi đơn vị, mỗi con tàu, đều xây dựng, tổ chức luyện tập thành thạo nhiều phương án cho việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp y tế, thuốc men, lương thực thực phẩm, lai kéo về vị trí an toàn kể cả từ khu vực biển xa cách đất liền 600 – 700 km trong điều kiện sóng cấp 7, cấp 8. Thực tế trong thời gian qua chúng tôi đã nhiều lần ứng cứu kịp thời nhiều tàu bị nạn, kể cả tàu nước ngoài. CSB Việt Nam sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có lệnh của trên hay có tín hiệu cấp cứu từ ngư­ời và ph­ương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam bị nạn.

PV: Để đảm bảo tốt hơn nữa công tác an toàn an ninh trên biển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, lực lượng CSB Việt Nam cần tập trung vào những nội dung gì và trang bị phương tiện cũng như con người như thế nào để thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trên các vùng biển của VN, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Để đảm bảo tốt hơn nữa công tác an toàn an ninh trên biển, thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trên các vùng biển nước ta, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đang đầu tư để CSB ngày một vững mạnh, hiện đại hơn kể cả về tổ chức biên chế lẫn trang bị phương tiện. Với các chương trình mua sắm và đóng mới trang thiết bị từ nguồn kinh phí Nhà nước, CSB sẽ có thêm nhiều tàu có lượng giãn nước lớn, có thời gian hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn.

Máy bay tuần thám biển khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc nắm tình hình trên biển và cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, bằng sự tiết kiệm, chúng tôi cũng tự trang bị mới một số phương tiện thông thường, các phương tiện cứu sinh, thuốc men, quần áo… Sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng lên thì sự hiện diện của lực lượng CSB trên các vùng biển của ta càng hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, lực lượng CSB sẽ tập trung vào những nội dung:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng CSB ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng được với yêu cầu tình hình mới trên biển.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lực lượng  để CSB Việt Nam đảm bảo có đầy đủ và thực quyền là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật và các điều ước mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Thứ ba, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, địa phương tổ chức diễn tập, huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của CSB Việt Nam để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được độc lập tự chủ, đồng thời giữ được quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Theo Nghị định mới ban hành, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng theo Nghị định, cụm từ "Cục Cảnh sát biển" được thay đổi thành "Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển"; "Cục trưởng Cục Cảnh sát biển" thay đổi thành "Tư lệnh Cảnh sát biển".

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí hoạt động của Bộ Quốc phòng.

Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nghị định 96/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2013.
 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Mỹ gặp mặt

Hội nghị ADMM+ lần thứ hai diễn ra ở Brunei
Các bộ trưởng quốc phòng Asean mở rộng họp mặt ở Brunei
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh có cuộc gặp bên lề Hội nghị ADMM+ tại Brunei vào thứ Tư 28/8.
Chi tiết cuộc hội đàm chưa được thông báo, nhưng có ý kiến nói sẽ đề cập tới hợp tác quốc phòng song phương cũng như tình hình tranh chấp ở Biển Đông.
Báo Singapore The Straits Times cho hay đây là một trong các cuộc gặp được lên kế hoạch cho một ngày bận rộn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng của ông Hagel.
Ngoài Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn gặp bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Nam Hàn và Brunei. Ông cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người tương nhiệm Miến Điện.
Tuy tình hình Syria có khả năng chiếm lĩnh nghị trình của ông Hagel, ông vẫn được trông đợi sẽ kêu gọi các nước kiềm chế tại Biển Đông và cổ suý cho tiến trình chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Hội nghị ADMM+ là sáng kiến do Việt Nam đưa ra năm 2010, có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng các nước Asean và 8 quốc gia khác là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia, và New Zealand. Hội nghị năm nay là lần thứ hai, diễn ra trong hai ngày 28/8-29/8.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vừa có chuyến công du Philippines ba ngày trước khi tới Brunei tham dự ADMM+.
Tại Manila, ông Thanh cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về tình hình Biển Đông.
'Cường quốc tầm trung'
Hôm 27/8, hãng tin Bloomberg có bài đề cập tới vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự tại khu vực.
Hãng này nhận định "cuộc tranh giành nguồn lợi dầu khí, hải sản và ảnh hưởng đang đặt Việt Nam vào tầm chú ý trong vị thế cường quốc tầm trung đang nổi lên ở Đông Nam Á".
Theo Bloomberg, kể từ hội nghị ADMM+ lần thứ nhất ở Hà Nội năm 2010, vai trò của Việt Nam đang đi lên trong bối cảnh Mỹ chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc cũng mở rộng tầm ảnh hưởng.
Ralf Emmers, phó giáo sư tại Học viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế mang tên S. Rajaratnam ở Singapore, được dẫn lời nói: “Việt Nam ngày càng được coi như một quốc gia quan trọng trong khu vực".
Tuy nhiên điều này, theo ông Emmers, khiến Việt Nam phải cân nhắc hành xử để không bị coi là quá thân với Mỹ mà làm phật lòng Trung Quốc.
Việt Nam cần hỗ trợ của Mỹ, nhất là trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng không muốn đi con đường của Philippines, đồng minh lâu năm của Mỹ.
Một số chuyên gia, như Termsak Chalermpalanupap từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng ở Singapore, cho rằng quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cho phép Hà Nội giải quyết bất đồng với Bắc Kinh tại Biển Đông một cách thuận lợi hơn Manila.
(BBC)

Mỹ tin chắc Syria dùng vũ khí hóa học

Chiến đấu cơ của Hoa Kỳ
Chiến đấu cơ của Hoa Kỳ sẵn sàng cho khả năng tấn công Syria
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói "không có nghi ngờ gì" là chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và phải chịu trách nhiệm về việc này.
Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng tấn công Syria nếu như Tổng thống Barack Obama ra lệnh, và các đồng minh của Mỹ nói sẵn sàng hành động.
Trong khi đó chính phủ Syria cực lực bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Các thanh tra viên về vũ khí của Liên Hiệp Quốc có kế hoạch thứ Tư 28/8 này sẽ quay lại thị sát hiện trường vụ nghi là tấn công bằng hóa học xảy ra hồi tuần trước ở Ghouta, gần Damascus.
Kế hoạch của họ đã bị chậm trễ một ngày sau khi đoàn thanh tra bị bắn tỉa.
Washington cho hay sẽ công bố một báo cáo tình báo về vụ Ghouta trong những ngày tới.
Hơn 300 người bị cho đã thiệt mạng trong vụ này.
Nga, Trung Quốc và Iran đã cảnh báo về điều mà Moscow gọi là "hậu quả khủng khiếp" của việc tấn công Syria, nơi hơn 100.000 người đã thiệt mạng trong suốt hai năm chiến sự.
Giá cổ phiếu toàn cầu đang sụt giảm trong khi giá dầu lửa tăng lên vì quan ngại xảy ra tấn công.
Không có kế hoạch lật đổ
Hoa Kỳ hiện chưa đưa ra báo cáo tình báo về vụ cáo buộc tấn công hóa học, nhưng giới chức Mỹ nay nói rằng họ tin là chính phủ Syria đứng sau vụ này.
Phó Tổng thống Biden là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Obama từng lên tiếng chỉ trích chính quyền Syria về tấn công hóa học.
Trong bài diễn văn trước một nhóm cựu chiến binh ở Houston, ông Biden tuyên bố "không có nghi ngờ gì về việc ai phải nhận trách nhiệm trong vụ sử dụng vũ khí hóa học thật ghê rợn ở Syria: đó chính là chính phủ Syria".
Ông nói "những kẻ dùng vũ khí hóa học để chống lại đàn ông, phụ nữ, trẻ em... phải chịu trách nhiệm".
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney trước đó nói không thể có ai khác đứng sau vụ này, vì lý do chính phủ Syria vẫn đang nắm trong tay kho vũ khí hóa học, và sử dụng đúng loại hỏa tiễn ở Ghouta hôm thứ Tư tuần trước.
Tuy nhiên ông Carney khẳng định Mỹ không có kế hoạch "lật đổ chính quyền". Bất kỳ chiến dịch quân sự nào cũng sẽ có giới hạn, được thực hiện bằng tên lửa nhằm vào các vị trí quân sự chứ không điều quân tới hiện trường.
Trong một phỏng vấn với BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói quân đội Mỹ "sẵn sàng" phản ứng ở Syria
Ông nói hôm thứ Ba 27/8 rằng quân đội Mỹ đã "di chuyển các vũ khí, khí tài tới vị trí" để sẵn sàng cho ông tổng thống ra quyết định.
Tổng thống Obama được tin đã có tới 88 cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước trên thế giới kể từ sau vụ Ghouta.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố quốc tế "sẽ không đứng nhìn", trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Pháp "sẵn sàng trừng phạt" những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công.
Bằng chứng
Phóng viên chuyên ngoại giao của BBC James Robbins nói Mỹ, Anh và Pháp hiện đang có nhiệm vụ phải huy động được liên minh càng lớn càng tốt cho khả năng hành động quân sự có kiểm soát của mình.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
Phó Tổng thống Joe Biden là quan chức Mỹ cao cấp nhất lên tiếng về cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học
Lực lượng đối lập ở Syria thì nói đã nhận thông tin là sẽ sớm có can thiệp của phương Tây trong cuộc xung đột, "không phải trong vài tuần tới mà trong vài ngày tới".
Trong khi đó, Liên đoàn Ảrập nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công [bằng hóa học] và kêu gọi Liên Hiệp Quốc có hành động.
Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đều có thể phủ quyết điều này.
Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đòi hỏi quốc tế đưa ra bằng chứng cho thấy chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.
Ông nói với BBC: "Tôi thách những nước nào nói Syria sử dụng vũ khí hóa học đưa ra được bằng chứng cho dư luận thấy".
Ông ngoại trưởng nói tại một cuộc họp báo rằng nếu bị buộc phải lựa chọn hoặc đầu hàng hoặc tự vệ thì Damascus sẽ chiến đấu.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đăng trên mạng Tweeter: "Phương Tây hành xử với các nước đạo Hồi như khỉ chơi lựu đạn".
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc thì nhắc lại rằng các thông tin tình báo Mỹ sử dụng trong cuộc chiến Iraq năm 2003 đã không chính xác.
Iran, láng giềng và cũng là đồng minh của Syria, thì nói tấn công quân sự sẽ gây mất ổn định cho cả khu vực.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét