Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý - Lấy mạng người làm trò diễn

Jonathan London - Toàn diện về cái gì?

Vài ngày sau khi Việt Nam và Mỹ đã kết thúc cuộc gặp lịch sử tại Washington, và sau một vài ngày cho phép sự kiện này ‘bơi’ trong đầu của tôi, xin chia sẻ vài suy nghĩ về sự quan trọng của cuộc gặp gỡ này đối với nền kinh tế chính trị của Việt Nam, với dân Việt Nam, và với tương lai của quan hệ giữa hai nước (không chỉ là hai nhà nước) trong bối cảnh lịch sử thế giới.

Đối với nền chính trị kinh tế của Việt Nam, muốn đánh giá sự quan trọng của cuộc gặp trước hết phải hỏi quan trọng đối với cái gì?

Theo một quan điểm ban đầu, cuộc gặp gỡ này là một thành công đối với nhà nước Việt Nam vì hình như nó sẽ mang lại nhiều tiến bộ nhất định trong quan hệ song phương giữa hai bên, đặc biệt về một số lãnh vực quan trọng như hợp tác kinh tế, giáo dục, quân sự, môi trường, v.v… Tôi chưa biết chi tiết gì về kết quả cụ thể của cuộc gặp gỡ này. Thế nhưng, nếu nó tạo ra nhiều cơ hội tốt cho Việt Nam về thương mại, giáo dục, quân sự, thì tất nhiên là tốt.

Bốn tốt

Riêng đối với giới lãnh đạo Việt Nam và cụ thể là ĐCSVN, tôi cho cuộc gặp này là ‘thành công’  trong một số khía cạnh khác nhau. Có bốn lý do chủ yếu khiến tôi nghĩ như vậy – và nếu thích chơi chữ về lịch sử ta có thể gọi là “bốn tốt”.

Một là về quốc tế: Việt Nam đã gửi thông điệp khá rõ tới Mỹ (và Bắc Kinh) về ý định muốn hợp tác một cách “toàn diện” với Mỹ (tức là chính phủ Obama nói riêng và nhà nước và cả nước Mỹ nói chung). Đây là một bước đi tốt cho một đảng mà nhiều năm qua đã vấp phải chân của chính mình trong quan hệ song phương.

Hai là cuộc gặp này rất có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích thực sự cho nền kinh tế Việt Nam và qua đó sẽ tạo ra những cơ hội quan trọng cho nhà nước Việt Nam nói chung và ĐCSVN nói riêng, để giúp họ đối phó với một số thách thức lớn của đất nước, như thiếu vốn, công nghệ, ngành giáo dục Đại Học quá yếu., v.v.

Ba là cuộc gặp gỡ này rất có thể sẽ giảm vai vế của những thế lực bảo thủ trong đảng vốn không muốn Việt Nam cải cách. Là người Mỹ, tôi cũng đồng ý Việt Nam nên thận trọng trong mối quan hệ với Mỹ. Thế nhưng, có quan hệ tốt với Mỹ là cần thiết cho Việt Nam.

Cái tốt thứ tư của cuộc gặp này là nó là một cơ hội tốt cho lãnh đạo Việt Nam để họ nghe trực tiếp những lý luận của TT Obama về sự quan trọng của nhân quyền trong việc phát triển quan hệ với Mỹ. Dù nhiều người trong đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam có thể phủ nhận điều đó, việc lãnh đạo Việt Nam bắt buộc phải suy nghĩ lại về hành vi trấn áp các nhân vật chống đối là một điều tốt cho toàn dân Việt Nam. (Việc chính phủ Mỹ có vấn đề với nhân quyền không phải là cớ để tiếp tục vi phạm nhân quyên tại Việt Nam. Không như ở Việt Nam, chính quyên và đảng cầm quyền ở Mỹ bắt buộc phải tôn trọng hiến pháp.)

Chẳng giải quyết gì

Thế nhưng, dù có bốn tốt, vấn đề là gặp gỡ này chẳng giải quyết gì đối với những vấn đề cơ bản của ĐCSVN. Cuộc gặp gỡ này không trực tiếp ảnh hưởng đến những căng thẳng, mâu thuẫn, và điểm yếu trong nội bộ của nền chính trị Việt Nam và cụ thể là trong ĐCSVN.
Một vấn đề cơ bản của Đảng xuất phát từ hai cái. Mô hình này không hữu hiệu. Không cho phép có một chế độ minh bạch, tránh né trách nhiệm giải trình cao đối với dân, và không cho phép phát triển của một chế độ thực sự pháp trị. Theo tôi, muốn Việt Nam thể hiện tiềm năng của đất nước, ĐCSVN phải cải cách các thể chế chính trị kinh tế một cách sâu rộng. Và theo tôi, bất kỳ ai yêu nước, dù trong hay ngoài Đảng, nên nỗ lực để nhận định đâu là mục tiêu hệ trọng của Việt Nam.

Và dân thường?

Đối với dân thường Việt Nam, sự quan trọng của cuộc gặp khó được đánh giá hơn vì phần lớn hậu quả của nó là gián tiếp. Vấn đề là những kết quả của cuộc gặp chỉ sẽ hiện rõ sau một thời gian. Nhiều khi những lợi ích mà các giai cấp bên trên được hưởng sẽ không rỉ xuống các giai cấp bên dưới (the ‘trickle down effect’ mà người Mỹ đã quá biết!). Nếu quá trình ‘hợp tác toàn diện’ làm cho Việt Nam an khang thịnh vượng hơn thì tốt.

Thông thường, kết quả của những mối quan hệ giữa Việt Nam và kinh tế thế giới đều bị các cơ chế trong nước chi phối. Như vậy, nói cho cùng, quan hệ Việt-Mỹ có cải thiện được gì hay không phụ thuộc nhiều vào việc Việt Nam có cải cách hay không và như thế nào. Những thành công và thất bại trong xã hội Việt Nam trong thời gian tới – Việt Nam  có tăng trưởng nhanh hay không, xã hội có công bằng ở mức độ nào – sẽ được quyết định bởi những diễn biến chính trị trong và ngoài ĐCSVN.

Về tương lai

Nhà nước nào cũng là sản phẩm của những quá trình cạnh tranh xã hội giữa các thế lực chính trị xã hội trong nước. Cả hai nhà nước Viêt Nam và Mỹ đều là tổ chức quan liêu. Cả hải phản ánh những giá trị của những giai cấp xã hội đã và đang cạnh tranh quyền lực với nhau. Ở Việt Nam, đó là những phe cánh trong ĐCSVN. Ở Mỹ đó là những tập đoàn tư sản lớn. Ở dưới là dân thường của cả hai nước.

Con người là con người chứ, không chỉ đơn thuần là đối tượng của những tổ chức quan liêu. (People are human beings, not merely subjects.) Hai nước Việt Nam – Mỹ đều có nhiều vấn đề phức tạp. Ở cả hai nước, trách nhiệm của mỗi công dân là đòi hỏi các đảng phái cầm quyền và nhà nước phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình về các chính sách của họ, phải tôn trọng nhân quyền.

Nếu “quan hệ toàn diện” với Mỹ giúp người dân Việt Nam về mực sống và cũng có tiến bộ cả về quyền chính trị lẫn nhân quyền thì mới là thành công toàn diện cho Việt Nam.
Jonathan London

Thành quả và bất cập trong chuyến công du lớn


Hai nguyên thủ Mỹ-Việt họp báo tại toà Bạch ốc - 25-7-2013 Screen caption


Chuyến công du của Chủ tịch Nước của Việt Nam sang Hoa Kỳ được những ý kiến trong và ngoài nước nhận xét khá khác biệt, khác biệt ngay cả giữa những ý kiến từ bên ngoài Việt Nam. GS Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cuộc phỏng vấn của Việt-Long, nói lên nhận định của một chuyên gia trong lãnh vực bang giao quốc tế. GS dạy môn bang giao quốc tế tại đại học George Mason ở Virginia, Hoa Kỳ.

Tính chất của hai hiệp ước với Trung Quốc và Hoa Kỳ

Việt-Long: Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thoả thuận thiết lập đối tác toàn diện, giữa những thoả ước khác về TPP, hợp tác an ninh quốc phòng, khoa học, giáo dục... trong đó có thoả thuận tăng cường hợp tác tại các diễn đàn an ninh quốc phòng khu vực. Trước đó Việt Nam đã ký với Trung Quốc một hiệp định chiến lược trong đó quy định hai nước phối hợp và điều phối với nhau trong chính sách ngoại giao. Những hiệp định này với nội dung như vậy có gì tương đồng hay mâu thuẫn về quyền lợi không?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hai hiệp định này khác nhau. Với Trung Quốc, Việt Nam ký hiệp ước hợp tác chiến lược toàn diện, còn với Hoa Kỳ, đó là hiệp ước đối tác toàn diện, không có từ "chiến lược", hai cái khác nhau nhiều,  không có gì mâu thuẫn. Tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và bang giao quốc tế CSIS ở Washington D.C. khi được hỏi liệu thoả ước giữa Mỹ với Việt Nam có anh hưởng đến bang giao với các nước khác không, ông Trương Tấn Sang đã khẳng định Việt Nam là một nước thành viên Liên Hiệp Quốc, có quyền ký kêt hiệp ước với bất kỳ thành viên nào của Liên Hiệp Quốc.

Việt-Long: GS cho biết thành quả nào quan trọng nhất trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Việt vừa qua.

Những bất cập

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Một cách tổng quát, thành quả không đúng như dự đoán, nhưng cũng có một số điều thuận lợi. Trước hết, về những gì không đúng theo tiên đoán, hay ước vọng, thì trong hội nghị Shagri La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đoc một diễn văn rất lớn, nói rằng Việt Nam muốn thiết lập đối tác chiến lược với tất cả các hội viên thường trực của Hội đồng Bảo An; ba năm trước đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nói Hoa Kỳ muốn tạo đối tác chiến lược với Việt Nam. Hai bên đều có ý muốn đó. Sau đó Việt Nam đi nhiều nước để ký các hiệp ước đối tác chiến lược. Riêng đối với Mỹ khi đến đây người ta không thấy chuyện đó. Như vậy rõ ràng đã không như tiên đoán, hay kỳ vọng.

Điểm thứ hai: Khi Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh rồi sau đó là Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ sang Mỹ trước ông Sang có một tháng thôi, có nói Việt Nam muốn thiết lập quan hệ toàn diện với Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng nữa. Như vậy chuyến đi của ông Sang cũng không đưa đến những gì khác biệt với những điều như ông Tỵ đã nói, và kém với những gì mong muốn của ông Dũng.

Điểm kế tiếp, ông Thanh cùng ông Tỵ đều nói nếu bình thường hoá quan hệ quốc phòng thì dĩ nhiên phải bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, nhưng việc đó cũng không xảy ra. Vì vậy một chuyến thăm lớn mà không đạt được những kết quả đó thì không đúng với dự đoán hay ước vọng.

Những thành đạt

Tuy nhiên, ngược lại, có những điểm khác phản ảnh mối quan tâm của Việt Nam. Có một điều ít người để ý là trong bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo, thường thường có những điều khoản tôn trọng lẫn nhau, lưỡng lợi, không can thiệp nội bộ... thì lần này có câu "tôn trọng thể chế chính trị" của nhau. Điều đó phản ảnh sự quan tâm của Việt Nam. Một điểm khác cũng ít được để ý, là hai ông đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tiếng Anh ở Việt Nam để Việt Nam có thể hoạt động hữu hiệu hơn khi TPP được lập ra. Đó là mối quan tâm của hai người, và là điều ông Mỹ muốn. Trong lãnh vực hợp tác thì Việt Nam cũng được một điều là lần đầu tiên thông cáo chung nói đến vấn đề biển Đông, gọi là biển Nam Trung hoa. Trong đó Tổng thống Mỹ có ý muốn quốc tế không sử dụng võ lực; điều này đúng với lập trường của Việt Nam, hay có thể nói Mỹ thiên về lập trường của Việt Nam rõ rệt hơn trong vấn đề biển Đông.

Một điểm quan trọng nữa, là hiệp ước giữa công ty dầu khí Mỹ với Petro Vietnam. Trung Quốc thường doạ là nước ngoài không nên phát triển khai thác gần vùng tranh chấp (ở biển Đông), nay Mỹ xác nhận là những công ty này sẽ hoạt động ở (nơi đó) tại  Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam được an tâm hơn, với sự giúp đỡ của Mỹ.

Đó là những điều tôi thấy có positive.

Vấn đề an ninh quốc phòng

Việt-Long:  Thoả thuận hợp tác an ninh quốc phòng trong hội nghị thượng đỉnh vừa rồi có quy định tiếp tục cộng tác theo tinh thần "bản ghi nhớ năm 2011 về tăng tiến hợp tác quốc phòng song phương"; vậy thoả thuận này có đem lại cho Việt Nam một bảo đảm nào về lãnh hải, lãnh thổ không?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Không có bảo đảm nào, chỉ có tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng thôi. Tăng cường như vậy thì đến đâu mới hay đến đó, Mỹ không bảo đảm gì cả. Chỉ có việc là năm 2008 Tổng thống Bush có cam kết trong thông cáo chung với ông Dũng, có nói là Mỹ "ủng hộ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập chủ quyền của Việt Nam. Ủng hộ không có nghĩa là cam kết bảo vệ, hai cái khác nhau, thì nguyên tắc đó vẫn tiếp tục. Còn có cam kết bảo vệ nhau không thì tuỳ diễn tiến trong khi hai bên có quan hệ quốc phòng.

Lợi ích của TPP

Việt-Long: Hiệp ước  kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP một khi hoàn tất có đem lại lợi ích gì cho Việt Nam khi sức sản xuất của Việt Nam thua kém hầu hết các nước thành viên hiệp ước?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có nhiều cái lợi. Trước hết là mở được thị trường lớn của nước Mỹ. Những rào cản cản trở những gì Việt Nam làm được sẽ mở ra, có lợi cho rât nhiều. Dĩ nhiên có những rắc rối về sự đòi hỏi nguồn nhiên liệu (của hàng dệt may là một ví dụ) nhưng TPP vẫn là điều lợi hiển nhiên nếu được thực hiện. Ngoài ra còn những điều lợi khác, không thuần kinh tế mà có thể cũng gián tiếp liên quan đến kinh tế, chẳng hạn khi tham gia hiệp ước đó thì phải cải tổ rất nhiều, tức là đụng chạm đến vấn đề SOE, các công ty xí nghiệp quốc doanh, mà hiện nay như là vùng cấm kỵ. Nên Việt Nam muốn cạnh tranh, bắt buộc phải cải tổ lãnh vực đó. Và khi vào TPP thì có một initiative, có pressure, có áp lực bắt buộc cải tổ, thì đó là điều tốt cho Việt Nam.

Thêm nữa, khi Việt Nam vào TPP thì đại đa số trong đó là những nền kinh tế thị trường, nên Việt Nam đương nhiên được chấp nhận như một nền kinh tế thị trường với những quyền lợi của kinh tế thị trường mà hiện nay Việt Nam chưa có.

Trong TPP thì Việt Nam là nước Cộng Sản duy nhất, các nước khác đều là không cộng sản, họ đều là dân chủ hay bán dân chủ. Sự trao đổi này cũng có ảnh hưởng khuyến khích Việt Nam cải tổ chính trị, học Việt-Long được kinh nghiệm của các quốc gia để cải tổ cho thể chế của mình phù hợp với thể chế các nước khác, đưa đến những sự cộng tác mật thiết hơn.

Những điều lợi đó  là những điều quan trọng mà không phải là tính bằng tiền.

Vấn đề nhân quyền

Việt-Long: Trong lãnh vực nhân quyền hai bên không nói tới một trường hợp cụ thể nào, trong khi người mà Tổng thống Obama từng nhắc đích danh, là blogger Điếu Cày, thì vẫn đang tuyệt thực. Những người khác từng được hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cũng không được nhắc tới trong thông cáo chung cũng như trong buổi họp báo.  Như vậy Hoa Kỳ đã đạt được lợi ích nào về mặt ủng hộ dân chủ và nhân quyền trên thế giới, là lý tưởng và cũng là nhiệm vụ mà nước Mỹ tự gánh vác?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi đã nói nhiều lần là quyền lợi quốc gia có ba loại: chiến lược, kinh tế và quyền lợi về giá trị của mình, tức là value. Hoa Kỳ nói đến việc đó từ thời Tổng thống Carter, và càng ngày vấn đề nhân quyền càng trở thành quan trọng trong nội bộ nước Mỹ. Từ sau ông Carter nhiều định chế nhân quyền được lập ra. Đã có định chế thì người ta phải hoạt động. Vì thể nhân quyền là vấn đề không bỏ được.

Còn lần này thì thông cáo chung có nói đến vấn đề nhân quyền. Có nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quyền rất quan trọng.

Những thành quả nhỏ, và nhãn quan tích cực

Việt-Long: GS vui lòng cho một nhận định tổng quát và toàn diện về hội nghị thượng đỉnh vừa rồi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Về phương diện quốc gia, người ta thấy có một số điểm tiến tới giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng tương đối nhỏ. Phải chờ xem sau khi lập ra chín cơ chế tăng cường quan hệ, người ta có làm được gì không, tiến bộ tới đâu. Nói cách khác đây là một dự án chưa hoàn thành; tuy nhiên cũng đạt được một số điểm để tiến tới đó, đó là điểm thứ nhất mà tôi thấy.

Điểm thứ hai là, không đúng như người ta tiên đoán, hay kỳ vọng, như ký được TPP, ký được đối tác chiến lược, thì chưa tới được chỗ đó.

Ngược lại có vài điểm tuy nhỏ những cũng có positive đối với (trong nhãn quan của)  người Mỹ. Ví dụ cung cách hành xử của ông Trương Tấn Sang. Ông Sang là một nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến phát biểu trong một thinktank hàng đầu của nước Mỹ, là Trung tâm nghiên cứu chiến lược và bang giao quốc tế CSIS (Center for Strategic and International Studies); dĩ nhiên bài nói chuyện của ông Sang thì đã được soạn sẵn, nhưng phần trả lời thì ông trả lời rất lưu loát, rất thoải mái trước một cử toạ toàn là những chuyên viên.  Và tôi đã thấy người ta vỗ tay ông ấy trong một số những câu trả lời. Điểm thứ hai, mà tôi thấy ông cũng khôn khéo, là sau cuộc gặp gỡ ở CSIS thì ông Sang đi New York, qua ngày hôm sau, sau một số buổi họp, tiếp tân, ông ấy đã đặc biệt gặp riêng ông bà Clinton. Việc này là một hành động khá khéo léo, người ta có thể gọi là "dùng hòn đá ném chết hai con chim". Thứ nhất ông ấy chứng tỏ Việt Nam cảm nhận, cám ơn vị Tổng thống đầu tiên ra quyết định dỡ bỏ hàng rào với Việt Nam, là người đầu tiên sang thăm Việt Nam khi ông (Clinton) còn tại chức. Điều thứ hai là ông tìm cách, có thể là làm thân với bà Clinton, người có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tới. Đó là hành động đầu tư cho tương lai, có ý nghĩa về phương diện bang giao giữa hai nước.

Việt-Long: Xin cám ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.
Việt-Long-GS Nguyễn Mạnh Hùng (RFA)
2013-08-01

Nguyễn Quang Duy - Những bài học cho Tổng thống Barack Obama

Ông bà ta dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, lần này Tổng Thống Hoa Kỳ Obama ở nhà lại học được một sàng khôn.
Bài học đầu tiên là tác phong thực dụng của ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Không như các chính trị gia khác, ông Sang không cần quan tâm đến kiểu đón tiếp ngọai giao, không cần đại bác, không cần cờ xí thảm đỏ, không cần những buổi tiếp tân do Tòa Bạch Ốc chiêu đãi. Cái ông Sang cần là kết quả, là sự hiểu biết khác biệt, là Việt Mỹ tiến đến hợp tác tòan diện, là hòa hợp với người Mỹ gốc Việt, là công khai trao phong bì tận tay Tổng Thống Mỹ.
Kết quả cụ thể đã được nêu rõ trong Bản Thông Báo Chung: nâng cấp quan hệ giữa hai nước Việt Mỹ lên một tầm mức mới. Quan hệ mới này dựa trên các nguyên tắc "tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Cũng chỉ vì thiếu tác phong thực dụng và phân tích thực tiễn, 67 năm qua chưa ai làm được điều này.


Vấn đề nhân quyền là vấn đề được phía Mỹ đưa ra và thường dẫn đến chỗ bế tắc. Lần này đã được ông Sang thẳng thắn trao đổi với ông Obama. Kết qủa là cả hai bên “tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.
Về phía Việt Nam việc quảng bá Hiến Chương và Tuyên Ngôn cần được định hướng, không thể tùy tiện phổ biến trong “các cuộc dã ngọai nhân quyền”, gây rối công cộng, vi phạm luật pháp Việt Nam. In ấn các tài liệu cũng cần có giấy phép. Không để các “thế lực thù địch” lợi dụng quyền công dân ảnh hưởng đến “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam.
Ông Sang còn khẳng định “Vấn đề nhân quyền vẫn còn nhiều khác biệt”. Ở Hoa Kỳ, Tổng Thống lúc nào cũng có quyền ký đơn ân xá. Còn ở Việt Nam, để được khoan hồng tù nhân phải biết hối cãi nhận tội, rồi phải biết xin khoan hồng để được Bộ Chính Trị quan tâm cứu xét.
Blogger Điều Cày Nguyễn văn Hải vẫn ngoan cố, thà tuyệt thực đến chết không ký đơn nhận tội. Theo Hiến Pháp 1992 và theo quyết định của Bộ Chính Trị, Chủ Tịch nước như ông Sang không thể ký quyết định ân xá.
Trong cuộc họp ông Sang mời ông Obama sang thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến, nhà nước Việt Nam là nhà nước của nhân dân. Khách của chủ tịch nhà nước sẽ không bao giờ phải gặp thiểu số chống đối. Ông Sang cho biết hai triệu người Mỹ gốc Việt thành công về cả kinh tế lẫn chính trị “vẫn duy trì quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam”. Có người còn công khai tuyên bố nhờ có “Đảng” mới được thành người Mỹ gốc Việt. Ngòai kia chỉ ít người “còn chút hận thù” hay “muốn kiếm thêm chút tiền tiêu vặt”. Họ là thiểu số việc gì Tổng Thống phải bận tâm.
Làm Tổng Thống phải mạnh mẽ, phải cương quyết và phải nhanh chóng thì mới làm nên đại sự. Việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có gì khó khăn mà Tổng Thống phải lập đi lập lại hai chữ tham vọng, nào là “nỗ lực vô cùng tham vọng” rồi “mục tiêu tham vọng”. Tháng trước ông Sang ký một lượt 10 văn kiện giữa 2 đảng Cộng sản Việt Hoa. Ký không cần đọc, ký trước tính sau, ký sai thì sửa.
Lãnh đạo là người phải uyển chuyển và chủ động. Theo lịch trình tháng 9 mới thăm Hoa Kỳ, nhưng trong tháng 7 nếu thấy cần là thu xếp sang ngay. Nếu ông Obama thấy cần thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương thì cứ mang bản nháp ra ông Sang đã sẵn sàng để ký. Ký rồi thực thi là chuyện của phía thừa hành. Làm lãnh đạo phải mạnh mẽ, cương quyết và nhanh chóng như vậy mới được việc.
Lãnh đạo gặp nhau phải có chút quà cáp qua lại, thể hiện văn hóa phong bì. 67 năm về trước chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi phong bì cho Tổng Thống Harry S. Truman nhưng vì không được trao tận tay, nên đã không được trả lời.
Phong bì là món quà đột xuất tạo sự ngạc nhiên cho Tổng Thống Obama nên không cần đưa vào chương trình nghị sự. Quyết định gởi quà là quyết định của Bộ Chính Trị nhằm giáo dục ông Obama và phân hóa thế lực thù địch. Còn quyết định tạo bất ngờ không đưa vào chương trình nghị sự chính là của ông Sang. Mười phút trao quà là chuyện nhỏ. Lãnh đạo chỉ nên nghĩ về chuyện lớn.
Nhờ món quà, Tổng Thống Obama mới biết “Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson. Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ.” Điều này rõ ràng nhóm cực hữu không biết hay không muốn biết.
Những người cộng sản Việt Nam luôn muốn hợp tác tòan diện với Hoa Kỳ. 67 năm đã trôi qua và nếu cần thêm 67 năm nữa người cộng sản như ông Sang vẫn sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi phía Hoa Kỳ. Phía Việt Nam thời giờ không phải là vấn đề quan trọng và cấp bách. Dân Việt Nam nhẫn nhục quen rồi.
Bài học học khác là 1 giờ Mỹ bằng 2 giờ Việt. Như vậy 45 phút giờ Hoa Kỳ cho buổi gặp gỡ bằng 1 tiếng rưỡi giờ Việt Nam. Cũng như vấn đề nhân quyền giữa 2 nước Việt Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt. Tổng Thống Obama cần tôn trọng giờ Việt Nam. Nếu ông Obama cần gặp giới lãnh đạo Việt Nam ông Sang sẽ gởi tặng một đồng hồ “made in Vietnam”.
Bài học này quan trọng vì lãnh đạo Việt Nam đều từ tốn và vô tư. Có biết thế Tổng Thống Obama mới không xúc phạm đến chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Có biết thế, trước ống kính báo chí ông Obama mới kiên nhẫn không ngồi nghĩ hay làm chuyện khác, mới không đưa đồng hồ nhắc nhở đến giờ phải “go home”. Trước ống kính truyền hình làm vậy đã sức mẻ phần nào tư cách của người lãnh đạo Hoa Kỳ.
Bài học về thông dịch cũng là bài học đáng chú ý. Ông Sang cho biết Tổng Thống Obama đã “nhận lời mời thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ này”. Lạ một điều khi thông dịch viên dịch ra tiếng Mỹ cho ông Tổng Thống Obama nghe, người thông dịch tỏ ra khá lúng túng, dịch sai, chính thức xin lỗi, rồi dịch lại. Lời tiếng Mỹ khi được dịch lại tiếng Việt lại nghĩa là Tổng Thống Obama hứa sẽ “…cố gắng thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ”. Cách trả lời như vậy ngụ ý ông Obama chưa có ý định, chưa có nhu cầu thực tế để thăm và làm việc với phía Việt Nam.
Nhìn chung chỉ chưa đầy 1 tiếng rưỡi gặp gỡ, Tổng Thống Obama đã học được rất nhiều điều để có thể hiểu mà “Đối Tác Tòan Diện” với phía Việt Nam.
Nhưng bài học lớn nhất mà Tổng Thống Obama học được là chớ có dại mà mời lãnh đạo cộng sản Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
1/8/2013

Nhóm lợi ích chi phối ngân hàng

Trong quá trình thanh tra, đã phát hiện có cổ đông sở hữu tới 80% cổ phần tại một ngân hàng; có ngân hàng dành 70%-80% vốn phục vụ cho vay doanh nghiệp sân sau
Đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng (NH) như Việt Nam, hiện tượng đầu tư chéo, sở hữu chéo càng trở nên phức tạp và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế trong những năm vừa qua. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo - Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam” do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tổ chức ngày 31-7 ở Hà Nội.
Đầu tư chéo đang là hiện tượng phổ biến tại nhiều ngân hàng.
Trong ảnh: Giao dịch tín dụng tại một ngân hàng ở TP HCM  Ảnh: HỒNG THÚY
Chủ yếu ở khối doanh nghiệp nhà nước
Nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho thấy cơ cấu sở hữu chéo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN) nhà nước, NH thương mại cổ phần và các công ty đầu tư tài chính. Hầu hết các DN nhà nước đều có sở hữu tại NH cổ phần.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết nhìn vào quản trị của các NH này thì DN nhà nước mặc dù nắm tỉ trọng sở hữu lớn nhưng không có vai trò chi phối trong kiểm soát. Quyền kiểm soát thực sự đối với NH là nhóm các nhà đầu tư, họ có thể vận dụng vốn góp để làm đòn bẩy trong các hoạt động đầu tư tài chính. Ví dụ, tại NH CP Bưu chính Liên Việt, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nắm 12,5% cổ phần, Tập đoàn Him Lam nắm 10,4% cổ phần, Công ty Chứng khoán Liên Việt nắm 9,5% cổ phần, các cổ đông khác nắm 62,6% cổ phần nhưng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không phải cổ đông có vai trò kiểm soát. Tương tự, tại NH An Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm 21,3% nhưng không nắm vai trò kiểm soát thật sự...
Đặc biệt, ở Việt Nam có các công ty đầu tư tài chính thực chất hoạt động như một định chế tài chính nhưng không được điều tiết bởi pháp luật chuyên ngành do được coi là một DN bình thường. Bên cạnh đó, có hiện tượng nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu DN tài chính vừa sở hữu NH thương mại, lách luật bằng cách thuê người lao động trong DN đứng tên sở hữu cổ phần nên không phải công bố thông tin. Do đó, chủ đầu tư vẫn được vay vốn NH sân sau dẫn đến lũng đoạn, yếu kém trong quản trị hệ thống NH. Vì các quan hệ chằng chịt này, các “chốt” an toàn cho hệ thống NH là giới hạn cho vay, giới hạn đầu tư góp vốn, kiểm soát nợ xấu... đều bị vô hiệu hóa.
Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết trong quá trình thanh tra, NH Nhà nước phát hiện có cổ đông sở hữu tới 80% cổ phần tại một NH, có NH dành 70%-80% vốn phục vụ cho vay DN sân sau nhưng với hình thức lách luật rất tinh vi...

Còn loay hoay giải pháp
Cho rằng sở hữu chéo là hiện tượng tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng không thể triệt tiêu sở hữu chéo mà cần có hành lang pháp lý để hạn chế tiêu cực, lũng đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Thành lo ngại trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống NH hiện nay, NH Nhà nước chưa có nhiều nỗ lực giảm đầu tư chéo, thậm chí còn dùng sở hữu chéo để xử lý 9 NH yếu kém là giải pháp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng luật không cho phép nhưng hiện tượng các “đại gia” lũng đoạn NH ai cũng biết song chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Cùng quan điểm này, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH Việt Nam rất phức tạp. Có “đại gia” chi phối mấy NH hoặc nhìn vào một số NH biết ngay ai chi phối nhưng không đủ cơ sở để xử lý vì các ông chủ thực sự nhờ người đứng tên cổ phiếu. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cơ quan quản lý đang rất quan tâm tìm giải pháp khắc phục.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cần có quy định cấm tổ chức, cá nhân vay tiền NH mua cổ phiếu của NH khác (như cách bầu Kiên đã thao túng NH, tạo dòng vốn ảo - PV), đồng thời chấm dứt cấp phép thành lập NH để phục vụ một số DN, một số người có tiền của mà không phục vụ đại chúng như nguyên tắc hoạt động của NH.
Ông Bùi Huy Thọ, Cơ quan Thanh tra Giám sát NH Nhà nước, cho biết một trong các giải pháp đang được NH Nhà nước thực hiện là xác định người thụ hưởng cuối cùng để bảo đảm tiền đầu tư vào NH là tiền sạch và hạn chế tình trạng nhờ người đứng tên sở hữu. Nhưng theo ông Dương Quốc Anh, giải pháp này không dễ thực hiện. Gần đây, NH Nhà nước nhận được nhiều ý kiến đề nghị truy xét dòng vốn 3 đời nhưng khi gọi các nhà đầu tư lên giải trình chỉ có người đang làm việc trong hệ thống NH chấp hành. Các nhà đầu tư làm việc ngoài ngành không hợp tác, NH Nhà nước không thể ép buộc, chỉ có thể khoanh lại các trường hợp nghi vấn đề nghị cơ quan công an theo dõi các chứng cứ cần thiết.


Đủ dạng sở hữu chéo

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, hiện có nhiều dạng sở hữu chéo trong hệ thống NH tại Việt Nam, bao gồm: Sở hữu của các NH thương mại nhà nước và NH thương mại nước ngoài tại các NH liên doanh (có 6 NH liên doanh); cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NH thương mại (hiện có khoảng 10 NH có đối tác chiến lược là tập đoàn tài chính nước ngoài); cổ đông tại các NH thương mại là các công ty quản lý quỹ (hiện khá phổ biến); NH thương mại nhà nước có cổ phần tại các NH thương mại cổ phần (có khoảng 8 NH cổ phần loại này).
Ngoài ra còn có hình thức khá phổ biến là sở hữu lẫn nhau giữa các NH thương mại cổ phần; các tập đoàn có cổ phần tại các NH và NH sở hữu các công ty tài chính, bảo hiểm, bất động sản (các công ty con này có cổ phần hoặc đầu tư vào nhiều doanh nghiệp phi tài chính).
(Người Lao động)

Nguyễn Ngọc Già - Điếu Cày và quyết định đặc xá 2013?

Nhà văn Nguyên Ngọc với tác phẩm “Đất nước đứng lên”, giờ đã phải cay đắng thốt lên [1]:
“Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa”.
“Thời kỳ đồ đá” là giai đoạn lịch sử có thật của con người mông muội chưa tiến hóa, do đó, sự ta thán của người tạo ra tên tuổi “anh hùng Núp” chưa phản ánh đúng hiện trạng bấn loạn ngày hôm nay trong xã hội vong thân, vong bản và phi nhân. Nó nên được sửa lại: “thời kỳ đồ... điên” (!). Điều này tương xứng với cách hành xử của giới cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Từ hình ảnh được cho là của “Điếu Cày”...
Tấm hình photoshop thô bỉ và vụng về của báo Công An Nhân Dân đang bị lột mặt và người thân của ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) cùng bạn hữu đã đến trước cổng tòa báo này để biểu tình [2] phản đối sự vu khống đê tiện.
Độc giả hãy quan sát kỹ tấm ảnh ở trần được cho là của ông Nguyễn Văn Hải sẽ thấy:
- Phần da giáp giữa cằm và cổ là hai màu khác biệt rõ mồn một.
- Phần cánh tay phải kéo dài từ bắp tay cho đến hết bàn tay trông thật dị dạng như cánh tay ác quỷ. Nó quá tương phản và mất cân đối với phần tay bên trái.
- Vai phía tay phải khá rắn rỏi, đầy đặn và có bắp (còn gọi là “con chuột”) săn chắc, trong khi nhìn sang cánh tay trái với bắp vai, bả vai mỏng dính và nom ốm yếu đến ẽo ợt.
- Cánh tay chìa hộp nhựa (màu xanh) trông mập mạp và nhìn như là phù thũng, nom thật giả tạo.
- Trong một tấm ảnh phóng lớn [3] của BBC càng cho thấy, phần cánh tay trái của bức ảnh được cho là của Điếu Cày bị che khuất và méo mó vô cùng.
“Công an nhân dân” đã “xé xác” Điếu Cày ra (ít nhất) 3 phần: đầu, cánh tay phải và phần còn lại. Nói tóm lại, “họ” điên thật rồi, vì chỉ có điên đến mê loạn mới mong gạt người bằng hình ảnh thô, lố và ngố đến như thế!
Đến quyết định đặc xá 2013
Trang thông tin đại diện cho Chính phủ Việt Nam có tin [4] “Triển khai công tác đặc xá năm 2013” theo Quyết định số 1251/2013/QÐ-CTN của Chủ tịch nước, ban hành ngày 20-7-2013, trong có đoạn quan trọng (trích nguyên văn):
Đáng chú ý, Quyết định của Chủ tịch nước nêu rõ, những trường hợp không được xem xét đặc xá gồm người có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma tuý (người nghiện); người phạm tội về ma tuý bị phạt tù đến 7 năm mà thời hạn chấp hành còn lại trên một năm (từ 1 năm trở xuống được đặc xá); phạm các tội về ma tuý bị phạt tù trên 7-15 năm mà thời hạn chấp hành còn lại trên hai năm; phạm các tội về ma tuý bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành còn lại trên 3 năm.
Không xét đặc xá người đồng thời phạm hai tội như giết người và cướp tài sản; giết người và hiếp dâm; giết người và hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản và hiếp dâm; cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em.
Không xét đặc xá với người phạm tội hiếp dâm có tính loạn luân; giết người có tổ chức; cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản và trộm cắp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp nhiều lần, cướp nhiều tài sản và trộm cắp tài sản nhiều lần trở lên.
Người đang chấp hành án phạt tù do nhiều tội trở lên (3 tội), kể cả trường hợp tổng hình phạt, cũng không được xét đặc xá.
Bên cạnh đó, các trường hợp khác không được đặc xá là người có một tiền án hoặc đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các trường hợp sau: phạm tội về ma tuý, giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán phụ nữ hoặc mua bán người, mua bán hoặc đánh tráo hay chiếm đoạt trẻ em, gây rối trật tự công cộng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cố ý gây thương tích có tính côn đồ hoặc băng nhóm thanh toán lẫn nhau.
Trong khi đó, trang “Nhân Dân” - trang chính thức của “phe đảng” (tạm gọi), cũng nói [5] về quyết định 1251/2013/QÐ-CTN, nhưng đáng chú ý (trích nguyên văn), như sau:
Quyết định cũng nêu rõ về các trường hợp không được đề nghị đặc xá khi bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong xâm phạm an ninh quốc gia; phạm các tội về ma túy bị phạt tù đến bảy năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại hơn một năm; có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời phạm hai tội. Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ chủ trì phối hợp Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Lần tìm trên mạng bản quyết định “giấy trắng mực đen” này để dễ đối chiếu, so sánh từng câu chữ, rất may đã tìm ra [6].
Tóm lại, trang báo điện tử của Chính phủ không đá động gì đến tù chính trị, trong khi đó trang “Nhân Dân” lại nói rất rõ không xét những tù nhân “phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong xâm phạm an ninh quốc gia”.
Sự khác biệt của hai trang báo nói lên điều gì?
Những tù nhân phạm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” mà không thuộc diện “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” có được xét đặc xá trong năm 2013? Hai trang của “hai phe” có vẻ bất nhất với nhau trong cách đưa tin?
Điều đáng lưu ý hơn, quyết định này ban hành ngày 20/7/2013, còn ngày ông Chủ tịch nước sang Mỹ là 24/7/2013.
Người ta không thể biết được những gì diễn ra trong cuộc họp kín giữa Trương Tấn Sang và Barack Obama.
Những nội dung xuất hiện công khai và rộng rãi trước dư luận chỉ phục vụ cho “công tác” suy đoán, bình luận theo góc nhìn của mỗi người quan sát. Do đó, BBC “chơi chữ” [7] “Rớt mất 'đối tác toàn diện' vì dịch thuật?” chỉ là cách thức giễu nhại.
“Comprehensive” khi chuyển dịch qua tiếng Việt khá phong phú, tùy hoàn cảnh nội dung của câu chuyện. Từ (tiếng Anh) này có thể hiểu là: toàn diện, tổng hợp, bao quát, mọi mặt; về lãnh vực giáo dục có thể tương đương với nghĩa “phổ thông”.
Phía báo chí trong nước có vẻ hí hửng với cụm từ “mới”: “Đối tác toàn diện”, tưởng như đang hình thành một “trào lưu” thăng tiến cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Họ tỏ ra lạc quan quá lố, bởi từ chữ “comprehensive” cho đến các ý nghĩa trong tiếng Việt tương đương, chỉ nhằm nói về “lượng” nhiều hơn là về “phẩm”.
Bất kỳ ai cũng hiểu, không riêng lĩnh vực chính trị, các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng v.v... cái mà những nước như Việt Nam chúng ta cần là “phẩm” hơn là “lượng”.
Thử nghĩ, với “ngôn ngữ ngoại giao” trước một “đối tác” không được đánh giá cao lắm trong mắt người Mỹ, còn chữ nào tổng quát hơn, chiếu lệ hơn, lại gieo một chút hy vọng cho “đối phương” bằng chữ “comprehensive”? Đó là tính “nhân bản” cần phải có cho những mối tương quan không cân xứng, giữa một bên quá hùng cường và một bên quá tiểu nhược.
Việc gì cũng “toàn diện”, có nghĩa chẳng có gì được sắp theo thứ tự quan trọng và ưu tiên thực hiện, cũng như chẳng có một tuyên bố nào cụ thể mang chất thực tiễn thay cho những lời hoa mỹ nhằm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Thế thôi.
Người Mỹ vẫn có cái rất riêng của họ và khoảng cách văn hóa ứng xử, đối đãi giữa lãnh đạo Việt và lãnh đạo Mỹ còn một không gian thừa thãi để lãnh đạo Việt tha hồ “tung tăng” suốt... 67 năm, kể từ bức điện tín cầu viện Hoa Kỳ được Hồ Chí Minh gởi đi. Cho đến nay, người cộng sản vẫn tiếp tục tí tởn như chú cá lòng tong được thả vào hồ nhân tạo, lại cứ ngỡ đang vẫy vùng trên biển lớn!
Xây chùa để làm gì?
Mượn câu hỏi trong bài viết của ông Trần Vinh Dự [8]:
Khu vực thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Dân cư ở đây chủ yếu là người Tày và Nùng. Hầu như rất ít người địa phương đi theo đạo Phật. Vì thế, câu hỏi thú vị là tại sao Việt Nam lại xây dựng một ngôi chùa ở đây?
Có thể trả lời: giới cầm quyền Việt Nam đang cố gắng “giải” nốt những gì bấy lâu nay ngỡ rằng “thiêng”? Cách “giải thiêng” hữu hiệu nhất là hãy thổi phồng nhất vật Hồ Chí Minh “to” nhất (!) Nên chăng ngôi chùa được cho là hoàn thành vào cuối năm nay được đặt tên “Hồ Chí Minh Quốc Tự”?
Chắc là nhằm “trấn yểm” “lũ yêu tinh” đã từng tàn sát hàng chục ngàn đồng bào Việt Nam trong cuộc xâm lược 1979?
Tỉnh trí thôi! Đừng “ngủ mớ” với “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” nữa!
Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam với một kế hoạch hợp lý là điều nên làm hơn vào lúc này.
Nguyễn Ngọc Già
________________________________
[6]. Độc giả có thể tải văn bản này về để xem và đối chiếu tại đường dẫn này. http://www.backan.gov.vn/_layouts/vbsl/sao-luc-chi-tiet.aspx?sID=1605 
[8]. http://www.diendantheky.net/2013/07/tran-vinh-du-xay-chua-ben-thac-ban-gioc.html
 

Người Buôn Gió - Lấy mạng người làm trò diễn.

Ai diễn trò.
Báo công an, truyền hình công an đưa bài và clip về sự tuyệt thực của tù nhân Nguyễn Văn Hải. Cùng với việc đưa tin, truyền thông CAND quy kết Nguyễn Văn Hải là diễn trò nhằm mục đich gây ảnh hưởng đến chuyên đí ngoại giao của lãnh đạo Việt Nam.
 Không khảo mà xưng, chẳng phải vô cớ mà truyền thông CAND dựng chuyện như vậy, từ bụng ta suy ra bụng người. Nếu không phải chính mình có ý đồ đó thì sao dám buộc cho thiên hạ. Nguyễn Văn Hải nằm tuyệt thực trong nhà tù trước khi chủ tịch Trương Tấn Sang đi sang Mỹ cả tháng. Làm sao tù nhân Nguyễn Văn Hải bị giam trong nhà tù khỉ ho, cò gáy sát biên giới Lào lại có được thông tin ông Sang đi Mỹ để mà tuyệt thực. Và nếu không có sự bất ngờ của bạn tù Nguyễn Văn Nghĩa thì làm sao dư luận biết tiếng để tác động đến chuyến đi.
Cho nên nhìn khách quan mà nói, ở vị thế của Nguyễn Văn Hải nếu chơi bài tuyệt thực để gây sức ép lên lãnh đạo là một việc suy diễn. Nằm trong thân thế của tù nhân, bị cô lập, không chủ động, không có truyền thông, thông tin bưng bít, gia đình xa cách cả hàng ngàn cây số, bị tù giam nơi xa nhà, trại tù tuyệt đại đa số là thường phạm hình sự.... nói tóm lại thì nhân hòa, thời thế, địa lợi, phương tiện, khí hậu....Nguyễn Văn Hải đều không có, làm sao mà dám tính đến nước cờ động đến bang giao quốc tế.?
Như chúng ta đã biết, từ những cuộc biểu tình chống TQ ở khu vực lãnh sự quán TQ tại TpHCM đến nhà văn hóa TP, rồi đến rước đuốc Olympic Bắc Kinh, tinh thần chống bành trướng TQ của Nguyễn Văn Hải đều quyết liệt đến cùng. Hành vi bắt Nguyễn Văn Hải vào thời điểm đó tuy không khẳng định là để vừa long Bắc Kinh. Nhưng vẫn phải công nhận Bắc Kinh vui lòng, vì một phần tử cứng đầu làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước đã bị xử lý.
Nếu nói đến tội '' dinh dáng trực tiếp đến NNCHXHVN ''  thì có hàng hà vô số người còn viết bài nặng nề hơn Nguyễn Văn Hải nhiều ví dụ như Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Đỗ Nam Hải....nhưng trong số họ thì lại chẳng ai bằng Nguyễn Văn Hải ở khoản chống Tàu, nhất là bằng những hành động cụ thể trên đường phố.
Truyền thông của  CAND im bặt trước khi ông sang đi Mỹ, và bùng phát đưa tin hạ nhục Nguyễn |Văn Hải và tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ( ông Vũ phản đối quan hệ với Tàu và đòi hỏi quan hệ chiến lược với Mỹ để giữ biển Đông ) khi ông Nguyễn Chí Vịnh sang Tàu. Ông Vinhh trở về với bài báo của Tân Hoa Xã cho biết, ông Vịnh đã thay mặt , đáp ứng nguyện vọng của toàn dân để quan hệ hợp tác với Tàu. còn mạnh mẽ và  bền vững hơn nữa trong tương lai.
Tất nhiên để  nhân dân mạnh mẽ hợp tác '' bền vững '' với Tàu, thì loại nhân dân như Nguyễn Văn Hải chống Tàu, Cù Huy Hà Vũ không những đã chống Tàu lại còn đòi hợp tác với Mỹ....những loại ấy phải xử lý thích đáng. Làm'' trong sạch " tinfh thần chống Tàu của nhân dân Việt Nam triệt để thì quan hệ mới '' bền vững '' với Tàu được.
Vậy thì ở sự việc Điếu Cày ai là người thủ lợi trong quan hệ ngoại giao quốc tế, kẻ có truyền thông đầy đủ phương tiện, có nhân lực, tiền bạc, thế chủ động trong tay hay người đang bị giam cầm hoàn toàn bất lợi. Nhìn các quan hệ đối ngoại của Vn diễn ra, bài báo của Tân Hoa Xã sau chuyến đi ông Vịnh là rút ra được kết luận khách quan. Thực tế rành rành ra đó chính là câu trả lời.

 Giả thành thật, thật thành giả.
 Trong bài báo của phóng viên báo CAND Vũ Đại Phong có tấm hình Nguyễn Văn Hải đang nhận cà mèn thực ăn từ tay cán bộ trại. Ảnh này sau đó được minh họa bằng clip để chứng minh tấm ảnh là có thật. Tại sao truyền thông CAND  phải chứng minh, bởi dư luận hồ nghi tấm ảnh là giả. Vậy tung clip ra để khẳng định ảnh thật lấy từ đó, cho dư luận bẽ bàng. Mục đích chính là vậy.
Tấm ánh thật sự vẫn là ảnh giả, nó  chỉ thật khi cắt ra từ clip, nhưng sau đó được cố tình xóa nhòa bàn tay một cách lộ liễu, dùng phần mềm để thay đổi ngày tháng.  Nhằm mục đích thâm hiểm là bẫy dư luận phát hiện ra giả, khi dư luận lên án. Lúc đó mới đưa clip ra để chứng minh ảnh là thật. Để chiến thắng dư luận bằng một trò tiểu xảo. Và ung dung hí hửng nghĩ mình mưu cao đã chơi thiên hạ được một vố.
Nhưng trò gian manh ấy bỗng lại thành dở hơn, khi nó bộc lộ  cho dư luận thấy sự tàn nhẫn trên tính mạng con người, nó cho thói háo thắng ganh đua bất chấp thủ đoạn, một tích cách hèn hạ  rất cố hữu của truyền thông nhà nước.
 Người có hiểu biết và nhận thức phải rùng mình ghê tởm khi thấy những người làm truyền thông nhà nước không từ thủ đoạn nào để dành phần thắng với nhân dân. Kể cả biến cái thật thành giả.
Người ta bảo loanh quanh hay tối, nói dối hay cùng là vậy.
Chắc chắn với tính cách không chừa thủ đoạn nào, những người làm truyền thông bất lương của lực lượng CAND còn biết những cái thật thành giả, biến cái giả thành thật để lòe bịp và đánh bẫy dư luận.


Hôm nay dư luận dấy lên cho rằng tờ giấy này bị thay đổi năm, rõ ràng trên giấy in năm 2012, nhưng có nét ngoặc ở dưới chữa số 2 cuối cùng thành số 3 biến thành là năm 2013. Nét chữ chữa ai cũng thấy rõ.
Nhưng năm 2012 thì trại giam Nguyễn Văn Hải là z30a chứ không phải trại 6 như trong tờ giấy.
Thế nên những người xem xét thông tin từ phía truyền thông đưa ra, cần phải cẩn thận, không nên vội vàng mắc bẫy chúng. Thậm chí chúng đôi khi sử dụng những con chim mồi, la làng phát hiện đồ giả , chúng ta lao theo lên án. Để rồi mắc bẫy tinh vi cũng chúng.
Những bloge tự do, những nhà báo tự do, xin hãy tỉnh táo chủ động kiếm tìm nguồn tin riêng của mình. Đừng trông chờ vào những hình ảnh, clip, giấy tờ mà truyền thông nhà nước đưa ra. Cuộc chiến đấu truyền thông này không phải chỉ ngày một ngày hai. Đừng thụ động trong việc tìm kiếm thông tin.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Bài học nào từ Cách Mạng Tháng 8?

Việt Nam kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 lần này, lần thứ 68, vào giữa một khúc quanh lịch sử quan trọng: Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa chọn đứng hẳn vào quỹ đạo Trung Quốc với những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Nhìn lại Cách Mạng Tháng 8 chúng ta có thể rút ra bài học nào?
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã là ngày người Việt Nam đứng dậy vất bỏ ách ngoại thuộc và xác nhận dân tộc Việt Nam phải có chủ quyền. Mọi người Việt Nam đều muốn độc lập, đều sẵn sàng hy sinh để đất nước được độc lập và cũng rất đoàn kết. Đảng Cộng Sản Việt Nam là chính đảng duy nhất có tổ chức và lực lượng vào lúc đó và cũng đã góp phần hy sinh lớn nhất, không ai phủ nhận công lao và vai trò lãnh đạo của Đảng. Cũng không ai tranh giành vai trò lãnh tụ với Hồ Chí Minh. Bối cảnh thế giới sau Thế Chiến II cũng rất thuận lợi cho việc giải phóng các dân tộc bị trị, hơn nữa nước Pháp lại đang hoàn toàn kiệt quệ. Cách Mạng Tháng 8 nếu chỉ là cuộc cách mạng giành độc lập đã có thể thành công nhanh chóng, mở ra một kỷ nguyên dân chủ và phồn vinh cho nước ta. Nhưng thực tế đấy chỉ là khởi đầu một giai đoạn chiến tranh dài và khốc liệt. Lý do là vì độc lập không phải là mục tiêu chính của những người lãnh đạo cộng sản. Cách Mạng Tháng 8 đã bị cướp đoạt để biến thành một cuộc cách mạng áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Không phải là một sự tình cờ mà những người lãnh đạo cộng sản gọi ngày 19/8/1945 là ngày họ "cướp chính quyền". Do một sự cuồng tín khó tưởng họ đã đặt lý tưởng cộng sản lên trên hết và đã tiêu diệt thẳng tay tất cả những ai không chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính sách khủng bố trắng này đã gây chia rẽ và hận thù trầm trọng dân tộc và đưa nước ta từ thảm kịch này đến đổ vỡ khác, với kết quả là chúng ta đã là chúng ta ngày nay: một nước nghèo khổ và tụt hậu bi đát, không giữ được cả những biên giới trên đất và biển đã được qui định từ lâu. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã là thảm kịch cho nhiều dân tộc, nhưng nạn nhân đau đớn nhất là Việt Nam.
Ngày nay cũng chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã là nguyên nhân khiến ban lãnh đạo cộng sản chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc và thế lệ thuộc đó vừa trở thành toàn diện sau chuyến đi Bắc Kinh tháng trước của Trương Tấn Sang. Trước đây họ tin tưởng một cách mê cuồng vào nó, ngày nay dù đã biết nó độc hại họ vẫn còn cần nó để duy trì chế độ độc đảng và vì thế phải thần phục Bắc Kinh để có chỗ dựa.
Điểm chung của những người lãnh đạo cộng sản trước đây và bây giờ là sự mù quáng. Chủ nghĩa cộng sản không ưu việt như họ tưởng ngày xưa mà chỉ là một sự nhảm nhí đẫm máu. Trung Quốc không vững vàng như họ tưởng ngày nay mà chỉ là một sự phá sản chưa thú nhận.
Nhưng tại sao họ đã có thể lấy những quyết định tồi tệ cho đất nước như thế mà vẫn không bị loại bỏ? Không phải là tại dân tộc Việt Nam. Dân tộc nào cũng thế thôi và cũng cần được lãnh đạo. Lý do chỉ là vì dù có một lịch sử dài và không thiếu những học vị chúng ta đã thiếu tư tưởng chính trị và một tầng lớp trí thức chính trị. Như một người thiếu ánh sáng và đôi mắt.
Bài học của Cách Mạng Tháng 8 vẫn còn nguyên vẹn: những con người ít ỏi có trí tuệ, ý chí và lòng yêu nước phải biết nhận ra nhau và quả quyết tìm đến với nhau trong một đội ngũ. Vì một nước Việt Nam dân chủ và hòa giải.
Ban biên tập Tổ Quốc
(Thông luận) 

Người biểu tình Việt Nam và Philippines sát cánh chống Trung Quốc?


Hàng trăm người Philippines xuống đường phản đối Trung Quốc ở Manila.

01.08.2013
Người Philippines mới đây đã xuống đường ở nhiều nơi trên thế giới để phản đối chính sách gây hấn của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở biển Đông mà chính quyền Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Ông Roilo Golez, cựu dân biểu đồng cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cuộc biểu tình nhằm mục đích cho thế giới biết về ‘những vi phạm của Bắc Kinh bên trong lãnh thổ của chúng tôi’.

Thành viên ban tổ chức thuộc Liên minh Biển Tây Philippines này còn cho hay, thông qua cuộc tuần hành, người dân muốn bày tỏ ủng hộ đối với chính sách của nhà nước trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Lẫn trong số hàng trăm người biểu tình vẫy cờ và hô vang khẩu hiệu phản đối trước các cơ sở ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Manila hôm 24/7, có một số người Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Lân Thắng.

Blogger này nói với VOA Việt Ngữ rằng ông cảm thấy ‘vô cùng sung sướng khi đứng cùng người dân người dân Philippines để phản đối Trung Quốc xâm lược’.

Còn ở Philippines, nhà nước đã đứng đúng cái vị trí của họ, đó là người giữ trật tự, không để xảy ra bạo lực. Họ hoàn toàn không can thiệp vào quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của người dân.

Ông nói: “Một điều rất trớ trêu là, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, nhưng hầu hết các cuộc biểu tình đó bị nhà nước trấn áp. Tôi đã chứng kiến những hành động rất là bạo lực đối với người biểu tình. Còn ở Philippines, nhà nước đã đứng đúng cái vị trí của họ, đó là người giữ trật tự, không để xảy ra bạo lực. Họ hoàn toàn không can thiệp vào quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của người dân”.

Ông Thắng cho hay đã nhận được một lá thư kêu gọi người Việt Nam sát cánh với nhân dân Philippines để phản đối các hành động của Bắc Kinh.

“Chúng tôi kêu gọi các bạn hữu Việt Nam, với truyền thống bảo vệ chủ quyền đất nước, hãy cùng với người Philippines nỗ lực bảo vệ quyền lợi của hai nước trước sự hung hãn của Trung Quốc”, lá thư có đoạn.

“Chúng ta không chống lại nhân dân Trung Quốc mà chống lại chính sách phi pháp của chính phủ Trung Quốc tại vùng biển ở Đông Nam Á”.

Ông Golez nói rằng sự hợp lực của người Việt Nam cho thấy ‘Philippines không đơn độc’.

Ông nói: “Việt Nam hiện phải đối mặt với các vấn đề tương tự như chúng tôi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Những gì Việt Nam vấp phải có khi còn khó khăn hơn chúng tôi vì trong lịch sử của mình, Việt Nam phải nhiều lần chống chọi với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Cuộc hải chiến giữa hai bên ở Hoàng Sa năm 1974 làm hơn 70 binh sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng là một ví dụ. Sẽ là điều tốt nhất nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cùng hành động”.

Sẽ là điều tốt nhất nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cùng hành động.

Cựu giới chức còn cho VOA Việt Ngữ biết rằng tinh thần dân tộc đang ngày càng mạnh lên ở Philippines, và tổ chức của ông không chỉ hoạch định các cuộc biểu tình rầm rộ mà còn tuyên truyền ở các trường học cũng như cộng đồng  về những gì đang xảy ra tại Biển Tây Philippines.

Đại diện phía Việt Nam nhận thư cho rằng lời mời của Liên minh Biển Tây Philippines đối với nhân dân Việt Nam là ‘một việc hết sức có ý nghĩa’.

Ông Thắng nói: “Không phải chỉ riêng Philippines và Việt Nam mà còn rất nhiều nước nhỏ khác đang có quyền lợi trên biển Đông. Nếu như người biểu tình Việt Nam và Philippines có thể kết hợp với nhau thì rất có thể đó là một hình mẫu để những nước nhỏ khác trong khu vực có thể đồng lòng bắt tay với nhau thực hiện các cuộc phản kháng lớn trước các đại sứ quán ở Trung Quốc trên khắp phạm vi khu vực mà thậm chí là lan cả tới các khu vực khác trên thế giới. Tôi nghĩ đó sẽ là tiếng vang rất lớn”.

Theo ông Golez, Liên minh Biển Tây Philippines đang lập kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong tương lai gần.

Tại Việt Nam, từng xuất hiện các cuộc phản đối chính quyền Bắc Kinh ở các thành phố lớn nhưng đều nhanh chóng bị giải tán.

Ông Thắng cho rằng hiện chưa có một tổ chức dân sự nào ở Việt Nam có khả năng như ở Philippines.

“Về việc đáp ứng lời kêu gọi đó, phải nói là ở Việt Nam, bây giờ chưa có tổ chức dân sự nào  thực sự  có tổ chức bài bản giống như ở Philippines bởi vì xã hội dân sự ở Việt Nam đang còn bị hạn chế, bị ngăn trở rất nhiều", ông Thắng nói.

"Ngay như đội bóng No-U FC là nơi tập trung những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tham gia sinh hoạt thể thao, mà chúng tôi cũng bị công an ngăn cản. Rất nhiều lần chúng tôi phải di chuyển nơi sinh hoạt của mình vì công an tới can thiệp với các chủ sân. Thế nên, để có một tổ chức tương đương đứng ra đáp lời kêu gọi của Liên minh biển Tây Philippines là một điều rất khó. Hiện tại tôi chưa thấy tổ chức dân sự nào đủ khả năng, đủ tầm vóc để đáp lại lời kêu gọi này”.

Bản thân Việt Nam phải tự quyết định sẽ phải làm gì để ứng phó với âm mưu của Trung Quốc nhằm thâu tóm toàn bộ biển Đông. Giải pháp nhờ tòa trọng tài phân xử của Philippines dĩ nhiên là một giải pháp mà Việt Nam có thể cân nhắc.
Hồi đầu năm nay, Philippines đã đưa vụ tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA Việt Ngữ sau đó, ông Paul Reichler, luật sư đại diện của chính quyền Manila, cho rằng quyền lợi của Việt Nam ‘hoàn toàn giống với hai điểm chính mà Philippines mang ra tòa’.

Ông Reichler nói thêm: “Bản thân Việt Nam phải tự quyết định sẽ phải làm gì để ứng phó với âm mưu của Trung Quốc nhằm thâu tóm toàn bộ biển Đông. Giải pháp nhờ tòa trọng tài phân xử của Philippines dĩ nhiên là một giải pháp mà Việt Nam có thể cân nhắc”.

Mới đây, trả lời các học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố rằng Việt Nam ‘nói trắng ra là phản đối đường lưỡi bò’.

Về việc Manila đưa Trung Quốc ra tòa, ông Sang nói: “Đó là thẩm quyền của Philippines. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng Philippines. Với tư cách là thành viên ASEAN và với tư cách là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, các bạn Philippines có toàn quyền. Chúng tôi không bình luận thêm nữa”.

Trong khi đó, blogger Thắng nói rằng việc Việt Nam đi theo Philippines là ‘mong ước của nhân dân’.

“Nhưng việc đưa ra tòa án quốc tế lại là việc của nhà nước. Hiện nay chính phủ Việt Nam không có ý định đó. Nhân dân Việt Nam muốn nhưng chính phủ Việt Nam không muốn thì làm thế nào? Đấy là một câu hỏi rất lớn”, ông Thắng nói.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm 1/8, Việt Nam và Philippines đồng ý hợp tác giải quyết tranh chấp với Trung Quốc sau cuộc gặp tại Manila giữa các giới chức ngoại giao hàng đầu của hai bên.

Mời quý vị đọc một số bài khác cùng chủ đề:

Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, bài học nào cho Việt Nam?

Cùng khai thác biển Đông sẽ hóa giải tranh chấp?

Chủ tịch Trung Quốc thăm ngư dân, cảnh báo Việt Nam?

Dân biểu Mỹ lo ngại tinh thần dân tộc quanh vấn đề biển Đông

Biển Đông ‘đánh thức’ tinh thần dân tộc của người Việt?
Nguyễn Trung (VOA

Đông Hải Long Vương - Thời đại truyền thông “một mình một chợ” của Cộng Sản Việt Nam đã hết!

Trong tháng 7/2013, việc ra đời công khai Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBGVN) có thể xem như là một cột mốc kế tiếp đánh dấu sự thay đổi về chất cho những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn trong thời đại toàn cầu hóa, phổ cập Internet. Dĩ nhiên để có thành quả ngày hôm nay đã có những mất mát của những con người ở các thế hệ, thời điểm khác nhau phải chịu đày đọa, tù tội khi nói/viết lên công khai chính kiến của mình.
Tôi rất tự hào được ký tên trong bản tuyên bố của MLBGVN nhưng cũng tự thấy mình còn có những khiếm khuyết nhất định. Thành thực mà nói chuyện viết lách không phải là sở trường và cũng không phải là nhu cầu chính khi tôi quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị. Mong ước thầm kín của tôi đó là sớm dứt điểm ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) và đầu quân cho một chính đảng theo đường hướng của các lãnh tụ Quốc Gia tiền bối. Đó là một nhu cầu chính đáng và tự nhiên của những người có ước vọng tham gia hoạt động chính trị.


Tôi nhận thấy MLBGVN còn phôi thai cần phải được sự hưởng ứng của những nhà báo giàu kinh nghiệm, những người có chuyên môn trong giới truyền thông/truyền hình, các nhà văn/nhà thơ khả kính…Từ đây cho ra đời những tạp chí định kỳ theo tuần/tháng/quí, chuyên đề nhằm phổ biến rộng rãi cho người đọc trong và ngoài nước. Có những giải thưởng định kỳ thi đua nhằm thúc đẩy người viết hoàn thiện hơn, đi sâu sát hơn vào các vấn đề xã hội và bao quát hơn các vấn đề lớn của đất nước. Bằng không dù danh sách ký tên MLBGVN có đông đến mấy chỉ gây ồn ào một thời gian vì mục đích ký tên cho có hay ủng hộ tinh thần cho nhau là chính.
Tôi hi vọng sự ra đời của MLBGVN là một tiền đề gây được sự chú ý của liên hiệp quốc, các nước trên thế giới và quan trọng nhất là được sự ủng hộ đông đảo người đọc trong nước. Từ đó theo đà tiến lan tỏa cảm hứng ra đời các nhà xuất bản/tờ báo, các tổ chức văn hóa/nghệ thuật, các hiệp hội hoạt động có tính chất xã hội độc lập.
Tôi cho rằng vì là Mạng Lưới cho nên tự thân mỗi cá nhân, nhóm nhỏ khi kết nối vào MLBGVN sẽ có tính chất như những Nút Mạng độc lập. Nếu chúng ta muốn người ta biết đến sự đóng góp của mỗi cá nhân thì từng Nút Mạng phải gia tăng nỗ lực hoạt động, viết lách có hiệu quả thiết thực. Mỗi khi một ai đó (kể cả tôi) vì lý do nào đó dừng cuộc chơi, đi ngược lại tiêu chí chung cũng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển, vận hành của MLBGVN. Thậm chí ngay các những blogger “phò Đảng”, Dư Luận Viên cũng phải được xem như những Nút Mạng của MLBGVN (nếu kết nối).
Nếu đâu đó còn e ngại MLBGVN chưa tuân thủ luật pháp của nước Việt Nam?
Xin thưa: nói cho đúng luật pháp hiện hành là luật pháp mang danh nghĩa nước CHXHCNVN; là luật pháp do ĐCSVN độc quyền chấp bút và thao túng. Luật pháp này không thể hiện ý chí, khát vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tình hình hiện nay.
Quốc Hội này, Chính Phủ này, Tòa Án này, Quân Đội này là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng”
Vài lời mạo muội đóng góp xin gửi tới MLBGVN và các blog/web thông tin để rộng đường dư luận.
(*) Ghi chú : bài viết thể hiện chính kiến của cá nhân với việc ra đời của MLBGVN
Đông Hải Long Vương
(Blog Đông Hải Long Vương)

Không được đánh lận chụp mũ nhân quyền


Vừa qua, cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam tiến hành khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự (BLHS). Các đối tượng bị khởi tố, tạm giam về tội danh trên đã có hành vi sử dụng blog, mạng xã hội viết và đưa các thông tin sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Trong lúc cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra làm rõ thì trên mạng Internet xuất hiện các thủ đoạn chống đối mới, gần đây là việc một số blogger đưa ra cái gọi là “Tuyên bố 258” nhằm tạo dựng dư luận vu cáo việc cơ quan pháp luật xử lý các đối tượng về tội danh quy định tại Điều 258, BLHS cho là “vô căn cứ”, chụp mũ “vi phạm nhân quyền”, “tự do ngôn luận”. Các đối tượng cũng lợi dụng diễn đàn này để gây sức ép đòi xem xét lại Điều 258, cho rằng việc bắt giữ các bị can theo điều luật này là “vi phạm Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền”.
Chiêu trò vu cáo việc vi phạm nhân quyền khi cơ quan tiến hành tố tụng xử lý bị can, bị cáo với tội danh quy định trong BLHS đã quá cũ, nhưng lần này xem ra có sự dịch chuyển. Nếu như trước đây, các đối tượng tập trung đả phá, công kích Điều 88, BLHS về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” thuộc nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì nay lại đả phá tiếp ở những điều luật khác, trong đó nhằm vào Điều 258. Thực tế, những điều luật này đã được quy định trong BLHS năm 1999, trước đó là BLHS năm 1986 và quá trình thực thi đã chứng tỏ sự cần thiết với các yếu tố cấu thành tội phạm rất cụ thể. Việc xử lý theo điều luật nào là căn cứ vào hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, khách thể bị xâm hại, hậu quả gây ra, từ đó cơ quan tiến hành tố tụng xác định một cách chính xác, khách quan.
Không có quy trình ngược “chọn tội” vận vào hành vi như thủ đoạn vu cáo trên Internet, mà từ hành vi phạm tội để xác định tội danh và điều này cũng áp dụng với bất cứ người nào có hành vi phạm vào tội danh được quy định tại BLHS.
Tại một số diễn đàn Internet cho rằng, Điều luật 258 có dấu hiệu “vi phạm nhân quyền”, cụ thể là Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, từ đó viện dẫn việc cơ quan tiến hành tố tụng bắt giữ bị can, bị cáo về tội danh này là không có cơ sở. Đây là cách chụp mũ hòng đánh lận một điều luật có tính khoa học pháp lý sang vấn đề nhân quyền, dân chủ để chống phá. Điều 258 quy định dấu hiệu khách quan của tội phạm là “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Quyền tự do ngôn luận, báo chí... được quy định tại Hiến pháp và các luật chuyên ngành, còn hành vi phạm tội ở đây là lợi dụng quyền đó để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Căn cứ xác định thiệt hại do hành vi lợi dụng để xâm phạm gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần, trong đó thiệt hại tinh thần được biểu hiện qua các yếu tố như nhân phẩm, danh dự, uy tín...
Quy định của Điều 258 hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế liên quan. Cụ thể, trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948, tại Điều 29 quy định “Mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân chỉ phải chịu hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Như vậy, quyền tự do báo chí, ngôn luận theo Tuyên ngôn là giới hạn và quyền đó phải “bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác”. Tại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng quy định rõ việc thực hiện quyền tự do báo chí, ngôn luận... phải đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Điều 19 Công ước quy định, trong mọi trường hợp phải chịu một số hạn chế nhất định để “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội”.
Rõ ràng, các quy định pháp lý quốc tế một mặt thừa nhận quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời việc thực hiện những quyền đó đều có các giới hạn nhất định, trong đó nguyên tắc bắt buộc là phải “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội” (Điều 19, Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị). Việc đưa các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lên blog, mạng xã hội, lợi dụng quyền tự do dân chủ đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức, cá nhân - những khách thể bị xâm hại, trong một số trường hợp, khách thể bị xâm hại là Nhà nước. Hậu quả của hành vi rất khó lường, gây tổn hại uy tín, danh dự của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Những hành vi đó vi phạm chính quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cũng như Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người nếu được xử phạt theo quy định của pháp luật cũng là điều dễ hiểu.
Ngay ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama mới đây đã ra kế hoạch duy trì an ninh và an toàn cho hệ thống mạng Internet của Mỹ với việc thành lập Cục An ninh mạng. Ông nói: "Ngày nay ai cũng rõ rằng đe dọa về an ninh mạng trở thành một trong các thách thức về kinh tế và an ninh quốc gia nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ". Và thực tế, nhiều người vi phạm cũng đã bị xử lý.
Soi rộng năm châu như vậy mới thấy cái sự chống phá Việt Nam lạc điệu cỡ nào!
Đăng Trường
(Công An Nhân Dân)

Hà Sĩ Phu - Bàn về hiệu quả thực tế của những “vũ khí” giữ gìn Biển Đông

clip_image001
Hà Sĩ Phu
Trước hết xin cảm ơn anh Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết đã có thư mời tôi đến dự cuộc họp mặt các tác giả có công trình về chủ quyền Biển Đảo Việt Nam.
Tôi rất muốn có mặt để trực tiếp được nghe ý kiến các tác giả đã dày công nghiên cứu sưu tầm tư liệu về chủ quyền nước ta tại Hoàng Sa - Trường Sa và chia sẻ quyết tâm sắt đá giữ gìn Biển Đảo, nhưng do điều kiện sức khỏe không ra Hà Nội dự được, tôi xin có một lời bàn ngắn ngủi gửi đến cuộc họp mặt, với sự hiểu biết còn hạn hẹp, cũng mong góp phần nhỏ vào cuộc trao đổi thân mật và rất có ý nghĩa này.
Trước hết, dù là vũ khí chính trị, vũ khí ngoại giao, quân sự, lịch sử, văn hóa, dân vận… xin gọi chung là “vũ khí”.
Về vũ khí lịch sử, chúng ta đã sưu tầm được những văn bản, những bản đồ, hiện vật chứng minh từ hàng thế kỷ nay Hoàng Sa - Trường Sa đã thuộc vùng quản lý của tổ tiên ta, trong khi chính bản đồ của Trung Quốc từ năm 1904 đã cho thấy ranh giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam, những tư liệu lịch sử ấy rất quý giá, kết tinh tấm lòng và công sức của nhiều người, như những vũ khí rất có giá trị. Đã có nhiều tác giả, nhiều công trình, nhiều sáng kiến đáng tôn vinh trong buổi gặp mặt này, nhưng để các “vũ khí” phát huy được hiệu quả mong muốn, tôi xin bổ sung mấy điều sau đây:
1/ Phải có chỗ cho chứng cứ phát huy
Ta nói đó là những chứng cứ “không thể tranh cãi”, nhưng không thể tranh cãi là trong một môi trường có CÔNG LÝ và NHÂN TÂM, chứ vô tác dụng trước một kẻ đã quyết một bề truyền kiếp xâm lược, chỉ cãi chày cãi cối, ngồi xổm lên Nhân tâm và Công lý, những lời thiện tâm chỉ là giả vờ để che mắt và bịt miệng. Vậy làm thế nào để buộc đối phương phải đối mặt với Công lý và Nhân tâm?
- Về Công lý, muốn buộc đối phương phải đối mặt cần đưa các bằng chứng ấy lên Tòa án quốc tế, mà Philippines đã cho ta một tấm gương. Chủ trương đối thoại tay đôi với kẻ mạnh đang ức hiếp mình chính là vô tình hay hữu ý tiếp tay cho nó “ngọt ngào thôn tính” đất nước mình. Không chống được sai lầm này thì những chứng cứ của ta cũng vô tác dụng.
- Về nhân tâm, nếu song song với những chứng cứ lịch sử, mà nhà nước lại bỏ tù những người lên tiếng chống kẻ xâm lược thì khác nào tạo ra một môi trường phản nhân tâm, cả nhân tâm trong nước và nhân tâm thế giới, còn ai tin vào kế sách chống xâm lược của một nhà nước như thế? Trong một môi trường thiếu vắng sức mạnh của Nhân tâm như vậy thì chứng cứ lịch sử phỏng có giá trị gì?
2/ Giá trị thời gian trong chuỗi chứng cứ
Trong môi trường của Nhân tâm và Công lý thì những chứng cứ lịch sử càng có niên đại xa xưa càng có giá trị, càng đáng tin cậy, càng thuyết phục lòng người. Trái lại trong môi trường “chày cối” và ức hiếp thì dẫn chứng càng xa xưa càng không đáng để ý, càng thua kém những sự thực đang diễn ra trước mắt.
Để dễ hiểu ta lấy ví dụ vườn tược nhà anh A bị anh B láng giềng bày mưu chiếm lĩnh. Anh A đem gia phả nhà mình ra chỉ cho tên hàng xóm thấy chủ quyền của A. Tên hàng xóm chẳng hề nao núng, liền bảo: Tôi cóc cần biết đây là của cụ 5 đời hay 10 đời của anh, đấy là việc của gia đình anh, chỉ biết mới năm ngoái chính bố anh lúc còn sống đã xác nhận khu vườn ấy là của tôi rồi, có chữ ký của bố anh rành rành ra đây! Con cháu đã đem gán nợ cho người ta rồi còn giở gia phả làm chi cho rách việc?
Vì thế công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 là một căn cứ quan trọng để họ khẳng định ý kiến của Việt Nam đã chấp nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc, bất chấp những bằng chứng xa xưa. Muốn giữ Biển Đảo thì phải phủ định giá trị pháp lý của Công hàm ấy là việc cần phải làm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, những ký kết, những nhượng bộ và những thái độ im lặng (hay chỉ phản đối lấy lệ) trước những hành vi xâm lược diễn ra sau Công hàm 1958, từ cuộc cầu hòa ở Thành Đô đến nay, của đảng và nhà nước Việt Nam còn mang giá trị cam kết cao hơn nhiều so với Công hàm 1958. Cứ thế, bước đi sau còn tệ hơn bước đi trước. Ta biết trong chuỗi các văn bản, chuỗi các ứng xử, các cam kết thì cái sau luôn có giá trị hơn cái trước, nhưng những cam kết bí mật những năm gần đây giữa hai ĐCS thì dân lại không được biết, chúng ta không được biết!!!
3/ Mặt trận giữ nước phải liên hoàn
Tóm lại việc trưng ra những chứng cứ lịch sử phải đi kèm với việc đưa ra Tòa án quốc tế, với sử dụng sức mạnh đa phương, với việc trả tự do và vinh danh những người đã dũng cảm lên tiếng chống bọn xâm lược mới, với việc không chấp nhận thủ đoạn 16+4 (là thứ yêu thương giả để cắn xé thật)… nếu không thì những chứng cứ lịch sử quý giá mà ta tìm được cũng chỉ để cho ta “nhâm nhi” nâng chén tự sướng với nhau trong khi kẻ cướp cứ yên chí lấn dần bờ cõi! Đất nước sẽ mất dần trong sự đã rồi, trong sự lãng quên của cộng đồng thế giới vốn đầy rẫy cảnh cá lớn nuốt những con cá bé ham mồi, dại dột và cô độc.
Nếu không đấu tranh từng bước liên hoàn với những hoạt động trong và ngoài nước như trên đề cập thì tôi e công phu sưu tập vũ khí lịch sử của chúng ta chẳng những bị uổng phí, mà biết đâu nếu nạn Bắc thuộc trở lại (dưới cái áo khoác mới) thì những chứng cứ quý giá ấy của dân tộc Việt Nam mình sẽ bị thu sạch, đốt sạch hoặc mang về Bắc quốc như lịch sử nghìn năm Bắc thuộc còn ghi!
4/ Phải giữ nước trước tiên bằng “vũ khí chính trị”
Sau cùng xin nói: Đánh giặc giữ nước tất nhiên cần vũ khí quân sự. Nhưng vũ khí nào cũng cần một bộ phận châm ngòi “phát hỏa” như cò súng, ngòi nổ hay các nút bấm… Những nút bấm điều khiển ấy luôn thuộc về thuộc bộ phận CHÍNH TRỊ!
Kế hoạch giữ nước trước hết là phải giữ nước từ Chính trị và bằng Chính trị. Một nền chính trị ưu việt để giữ nước mạnh hơn mọi vũ khí. Một quyết định chính trị khôn ngoan có thể hiệu quả hơn hàng tỷ đô la mua vũ khí. Nếu không biết những nút bấm thuộc về đâu thì tàu ngầm, tên lửa, máy bay hiện đại mua của Nga của Mỹ… cũng đều vô dụng, có khi còn tự hại mình.
Xét về giá trị trong đấu tranh thì chính trị cao hơn quân sự, thực tại cao hơn quá khứ, hành động cao hơn ngôn từ, thực tế cao hơn mơ tưởng… Chỉ khi nền chính trị tạo được sự đồng thanh cả nước một lòng chống giặc, từ người lãnh đạo cao nhất, đến các lực lượng võ trang, đến các trí thức và mỗi người dân, với sự hỗ trợ của thế giới văn minh, thì khi ấy những “vũ khí” trong đó có vũ khí quân sự và vũ khí lịch sử của chúng ta mới được sử dụng, mới có ý nghĩa. Một khi nhà nước thì “hợp tác chiến lược” với giặc Bành trướng bằng kế sách 16+4, trong khi đất nước và nhân dân thì khốn khổ vì kế sách đó, là đối tượng bị xâm hại bởi kế sách đó, thì tôi không hiểu những vũ khí sẽ dùng để làm gì, nằm trong tay ai, ai sẽ sử dụng?
Tôi tin tất cả chúng ta trong cuộc gặp mặt này cũng đều hiểu điều đơn giản ấy. Điều đơn giản ấy chắc người cầm quyền cũng thừa sức nhận ra, nhưng vì sao không dám chọn lối ra sáng sủa ấy, trả lời câu hỏi này chắc hẳn cần những bài viết và những cuộc thảo luận khác nữa [*].
Xin gửi đến cuộc họp mặt một lời thân thiết và trân trọng. Mong được tiếp nhận những cao kiến từ cuộc họp mặt thân mật này. Vô cùng cảm ơn.
Xin gửi đến cuộc họp mặt một lời thân thiết và trân trọng. Mong được tiếp nhận những cao kiến từ cuộc họp mặt thân mật này. Vô cùng cảm ơn.
[*] Xin tham khảo bài Giải Cộng nhi thoát.
Đà Lạt ngày 30/7/2013
Hà Sĩ Phu
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Trung Quốc bị nghi ngờ thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư

(cái gì mà Tầu chẳng làm giả được nữa là mấy cái vụ chế biến số liệu!)

Một quang cảnh trung tâm Bắc Kinh với tòa nhà  Đại sảnh đường Nhân dân (G). Ảnh chụp 03/07/ 2013.
Một quang cảnh trung tâm Bắc Kinh với tòa nhà Đại sảnh đường Nhân dân (G). Ảnh chụp 03/07/ 2013. (REUTERS/Jason Lee)

Hôm nay, 01/08/2013, giới kinh tế chú ý đến sự khác biệt rất lớn giữa hai chỉ báo PMI của kinh tế Trung Quốc trong tháng 7/2013, vừa được công bố. « Chỉ báo Mua hàng Chế biến » PMI, do ngân hàng Anh quốc HSBC xác lập, là 47,7 vào tháng 7, sụt 0,5 so với tháng 6. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012. Trong khi đó, PMI theo tính toán của chính phủ Trung Quốc lại tăng : 50,3 vào tháng 7 so với 50,1 của tháng trước. Sự khác biệt lớn này cho thấy những hình dung rất khác nhau về tương lai tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Các chuyên gia ngân hàng Úc ANZ nghi ngờ Bắc Kinh thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư.

PMI là một chỉ báo cho phép đánh giá triển vọng của một nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Theo một số chuyên gia kinh tế, « Chỉ số Mua hàng Chế biến » PMI được coi là dữ kiện kinh tế mang tính dự báo hơn là hậu kiểm. Nếu cao hơn 50, PMI đưa ra một dự báo lạc quan, còn nếu dưới 50, thì đây là chỉ dấu cho thấy viễn cảnh co thắt của lĩnh vực sản xuất chế biến.

Về sự khác biệt lớn giữa hai chỉ báo PMI của kinh tế Trung Quốc, do hai định chế lớn cung cấp, kinh tế gia Zhang Zhiwei, thuộc công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản Nomura International có trụ sở tại Hồng Kông, trong một báo cáo đưa ra nhận định : « Chúng tôi cho rằng sự khác biệt này phản ảnh mức độ bất định cao trong việc dự đoán triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Cho dù chúng ta không biêt rõ từ đâu mà có sự khác biệt này ».

Về xu thế sụt giảm của sản xuất hàng chế biến, các chuyên gia của ngân hàng HSBC giải thích : « Các nhà sản xuất Trung Quốc trong tháng bảy phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế chung. (…) Đơn đặt hàng mới ngày càng ít hơn và việc sa thải nhân công tăng lên với một tốc độ chưa từng thấy từ tháng 3/2009 ».

Ngược với đánh giá của ngân hàng Anh Quốc HSBC, theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, dẫn lại số liệu của cơ quan CFLP, thì chỉ số PMI tháng 7 tăng từ 50,1 lên 50,3. Cũng cần phải nói thêm là, con số này là hoàn toàn ngược lại với số liệu dự báo trước đó về PMI tháng 7 mà cơ quan này đã đưa ra : 49,9. Chỉ số PMI trong dự báo của Bắc Kinh là cao hơn chỉ báo 49,8, mà công ty chứng khoán Dow Jones đưa ra.

Bên cạnh chỉ số PMI, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng giảm, tỷ lệ này của quý 2 là 7,5%, so với 7,7% của quý 1. Tỷ lệ tăng trưởng quý 3 dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 7,4%. Năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc là 7,8%, mức thấp nhất từ 13 năm nay. Tỷ lệ tăng trưởng toàn năm 2013 dự báo sẽ còn thấp hơn nữa.

Một loạt các chỉ báo cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang hụt hơi. Theo ông Qu Hongbin, kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc của ngân hàng HSBC, việc các chỉ báo về kinh tế Trung Quốc có chiều hướng đi xuống sẽ « buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp điều chỉnh, như giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, tăng đầu tư cho nhà ở xã hội, đường sắt, năng lượng hay cơ sở hạ tầng ». Đây là các biện pháp được hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu có một số biện pháp đối phó với thực trạng sản xuất đang co lại. Mới đây, ngày 26/07/2013, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty thuộc 19 lãnh vực trong đó có xi măng và thép phải giảm sản lượng và 1.300 doanh nghiệp phải đóng cửa các cơ sở sản xuất cũ kỹ.

Giải thích về chỉ báo mang tính lạc quan của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nhận định : « chỉ số PMI chính thức (kể trên), kết quả cuộc điều tra được thực hiện cuối tháng 7, có thể được ảnh hưởng thuận lợi do xu thế cải thiện niềm tin ở các nhà doanh nghiệp », sau các tuyên bố hồi tuần trước của chính phủ Trung Quốc, khẳng định quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng. Theo báo chí chính thức Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định « mức tăng trưởng thấp nhất được phép là 7% » và chính phủ sẽ « không cho phép xuống thấp hơn mức này ».

Tuy nhiên, các kinh tế gia của ngân hàng Úc ANZ thì nghi ngờ các con số của chính phủ Trung Quốc. Các chuyên gia ANZ cho biết Cơ quan thống kê của chính quyền Trung Quốc mới đây đã ngừng thông tin chi tiết về chỉ báo PMI, mà họ đã công bố. Lo ngại của ANZ là chỉ số PMI bị « nhào nặn » theo hướng thổi phồng lên này có thể « khiến cho quá trình điều chỉnh chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc bị chậm lại, dẫn đến những sai lầm trong chính sách ».
Trọng Thành (RFI)
 

Trần Mạnh Hảo - Thơ dở văn dở đang đắt giá

Kẻ viết bài này đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm thơ dở, nên gã có một giác quan khá nhậy bén khi phát hiện ra thơ dở trong các cuộc thi thơ hoặc trong các giải thưởng văn học tầm quốc gia đến các giải thưởng thơ ca làng xã. Hơn 50 năm trước, gã đã từng được in thơ trên khá nhiều báo (tất nhiên là báo quốc doanh), nhất là báo tỉnh (Nam Định) của gã. Khá nhiều bài thơ của gã sến và sáo mòn như thế này, trích trong bài “Mùa vải”:
“Quả vải như trái tim
Hồng tươi khi hè đến
Tiến con tu hú chìm
Vào mùa hè thương mến”
Thơ của chính gã mà giờ đọc lại, gã còn ngượng lắm. Nhưng hơn 50 năm trước, phỏng có kẻ nào liều mạng uống mật gấu chê bài thơ rất “hồng tươi”, rất “thương mến” này của gã là dở và sáo, xin có giời làm chứng, gã sẽ thù kẻ đó suốt đời. Xem ra, những nhà thơ được giải thưởng các cuộc thi thơ, hoặc trong các mùa xét giải thưởng thơ thường niên của hội này tỉnh nọ bị gã chê dở, chắc sẽ thù gã đến muôn đời muôn kiếp không tan. Và giờ đây, ngót 70 tuổi, gã đã sản xuất ra một sự nghiệp thơ mà những bài thơ dở ( dở một cách gan ruột) đếm hoài không xuể.
Nghĩ cho cùng, ngay cả thiên tài thơ Nguyễn Du, trong “ Truyện Kiều” nếu vạch lá tìm sâu vẫn soi thấy mươi mười lăm câu dở. Chế Lan Viên mới 16 tuổi đã cho xuất bản một siêu phẩm thơ tuyệt vời là “Điêu tàn”; sau khi theo kháng chiến ông cho ra một tập thơ rất dở có tên là “ Gửi tới các anh”, để rồi năm 1960 mới xuất chiêu một tập thơ có nhiều bài hay là tập : “Ánh sáng và phù sa”.Ngay trong tập thơ rất hay này, thi tài Chế vẫn còn có mấy bài thơ dở ví như bài : “Ngô tổng thống trong dinh thuốc độc”…
Vậy thì gã việc gì phải xấu hổ khi có rất nhiều kinh nghiệm về thơ dở và làm thơ dở?
Hôm rồi, nhân chuyện gã phê bình ba bài thơ nhất nhì của cuộc thi thơ trên Facebook là dở, có một bạn “còm” (phản biện) chê gã “cũng làm thơ về váy đó thôi”, sao dám chê bài thơ “ Mùa phơi váy” là thơ xoàng xĩnh? Bạn “còm “ kia bèn trích nguyên cả bài thơ của gã: “Bài thơ trên váy” viết cách đây hơn 30 năm trước có in trên mạng http://gio-o.com rồi chê ỏng chê eo là Trần Mạnh Hảo cũng là một tay làm thơ dở có hạng:

Phơi váy
Phơi váy
Phơi váy

thơ TRẦN MẠNH HẢO
BÀI THƠ TRÊN VÁY
Tưởng nhớ nữ sỹ Hồ Xuân Hương
Mở ra một cái váy trời
Qụat cho thế sự tơi bời lá hoa
Chành ra ba góc dư ba
Hỏm hòm hom thế mới là văn chương
Giời ghen ông phủ Vĩnh Tường
Đứt đuôi nòng nọc tình dường bôi vôi
Xót thân quả mít nằm phơi
Miệng càn khôn ghẹo cọc trời tùm hum
Trách Chiêu Hổ sợ hang hùm
Bao nhiêu quân tử khuất lùm rêu con
Cái khuôn tạo hoá méo tròn
Để cho hậu thế mãi còn ngẩn ngơ ?
Hồng nhan từ độ trơ trơ
Nước non một bánh trôi bờ dại khôn
Mắt dao cau liếc rách hồn
Ốc nhồi xưa vẫn phơi trôn lên trời
Bao nhiêu vua chúa qua rồi
Chỉ còn chiếc váy tốc trời thi ca
Hà Nội 1980
Trần Mạnh Hảo


Có lẽ những vị trong các ban giám khảo các cuộc thi thơ, các cuộc xét giải thưởng thơ hàng năm và các vị chuyên môn tâng bốc các tập thơ dở lên thành thơ hay để kiếm lợi toàn là những nhà thơ làm thơ hay chuyên nghiệp vào loại nhất nước? Có thể họ chưa từng làm ra một bài thơ dở bao giờ, do đó họ không còn khả năng phát hiện ra thơ dở ở kẻ khác như gã làm thơ dở chuyên nghiệp Trần Mạnh Hảo này. Với phương trâm của nhà thơ Tế Hanh : “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”, họ – các ban giám khảo chuyên nghiệp ấy đọc thơ dở của kẻ dự thi mà cứ ngỡ thơ mình; tình đồng chí làm họ mờ mắt, nên chấm thơ dở thành thơ hay chăng?
Kẻ viết bài này có một ông bạn làm thơ đã vào tuổi U 80 tên Q. thi thoảng gặp nhau thưởng đùa rằng : “ Mình phục chúng nó quá. Chúng nó làm bài thơ nào là thành bài thơ dở ngay. Còn mình làm bài thơ nào giời bắt cũng thành thơ hay, muốn làm một bài thơ dở mà than ôi không sao làm nổi”. Có lẽ những nhà thơ trong ban giám khảo các cuộc thi thơ, cũng giống như ông bạn Q. này ở khả năng không sao làm nổi một bài thơ dở …?
Làm thơ là quyền của mỗi người. Làm thơ hay có khi bị chém đầu như vua thơ Cao Bá Quát, hay như vua bình văn chương Thánh Thán thời nhà Thanh bên Trung Hoa. Chao ôi, thi tài, văn tài có khi thành đại họa cho mình và người thân, gã chả báu. Ở ta các bác Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Hữu Loan… bị họa vô đơn chí cũng bởi tài làm thơ hay đấy ru? Làm thơ dở cũng là quyền thiêng liêng của mỗi người. Chúng tôi, kẻ viết bài này, chưa từng viết một bài phê bình bất cứ ông nào bà nào làm thơ dở, trừ những bài bốc thơm khen láo và các bài thơ được giải lại rất chi là dở mà thôi.
Lỗi tôn vinh thơ dở thuộc về những ban giám khảo. Thơ hay không chấm lại toàn chấm cho thơ dở được nhất nhì là sao ? Trong hai chùm thơ của người làm thơ trẻ Sâm Cầm được nhà thơ Phan Hoàng giới thiệu trên internet, thấy hai bài dở nhất của cô là “ Sài Gòn, Sài Gòn” và “ Nấc cụt” được ban giám khảo chọn trao giải nhất cuộc thi thơ trên Facebook. Các bài khác trong hai chùm thơ này của Sâm Cầm đều có thể gọi là loại khá hoặc trên trung bình. Chê hai bài thơ dở được tôn vinh kia là chúng tôi chê ban giám khảo mắc bệnh mù thơ chứ không chê Sâm Cầm, vì cô không hề có lỗi. Xin trích ra một số câu thơ khá xúc cảm của Sầm Cầm:
“Nắng cong chỗ em ngồi rồi anh ạ
Em đi tìm mùa thu trên những nóc nhà
Buổi sáng của em trên tàn cây xanh
Có con chim hót tên người vừa kịp biết
Bông cúc nhỏ đã một thời đi lạc
Và ta buông khi chưa kịp bắt đầu
Và mùa thu chưa kịp về trên nóc nhà sau những đêm mất ngủ”
(Trích trong bài thơ : “Rồi cũng hút xa” của Sâm Cầm)
“nàng sẽ đi ngược từ phía hoàng hôn
không đi bằng gương soi mà đi bằng đôi mắt sáng
….
có vài người đàn bà đối diện với cơn mưa và một căn phòng
nàng vẽ cho họ nhiều chiếc gối
vật thể để ôm và không bao giờ nguy hại “
( trích trong bài thơ : “Nào biết trước gai đâm” của Sâm Cầm)
Người làm thơ dở ở ta còn nhiều hơn sao trời. Thậm chí nhìn vào góc độ truyền thông đại chúng, những người làm thơ dở có khi còn có công gây cười giúp ta xả stress; ví như các chương trình “ Chiếc nón kỳ diệu” của anh Tuấn Tú trên VT 3 làm người nghe cười vỡ bụng vì các bác, các em, các chị dự thi thi nhau nói thơ, kể thơ bằng vè, tấu, tuy rất là phản thơ, lại được anh Tuấn Tú khen hay….
Thơ dở đang lên giá vùn vụt. Trong hơn mười năm gần đây, các tập thơ giở được giải có khi lên với vài ba trăm triệu. Các giải thi thơ rời cũng được giải một hai bài giá lên vài ba chục triệu. Không có đơn vị nào tổ chức thi thở dở văn dở cả. Họ thi thơ hay văn hay nhưng khi trao giải thưởng lại toàn trao cho những tập thơ dở nhất, tập văn dở nhất mà thôi. Ngay cả những đợt trao giải thường niên của đơn vị nọ, ban giám khảo mù thơ vẫn quyết chọn những tập thơ dở nhất để trao giải mới là lạ. Những tập thơ hay của Cát Du, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh… đều bị loại để nhường chỗ cho nền thơ dở lên ngôi.
Khi hầu hết các cuộc thi văn học, thi thơ không lấy tiêu chí hay dở làm trọng, mà căn cứ vào nhiều động cơ phi văn học, thì than ôi nền văn học nước nhà không còn nữa. Do đó, thơ dở trở thành kiểu mẫu, thành gương soi cho lớp trẻ, cứ thế mà viết, càng dở càng hay các cháu các em ơi, càng dở càng hi vọng được giải. Khi thơ dở được cấp quốc gia đến cấp phường xã tôn vinh thì cũng là lúc nền văn học nước nhà đã chết…
Sài Gòn 01-8-2013
© Trần Mạnh Hảo
© Đàn Chim Việt

Những dự án đầy tai tiếng của của đại gia hút thuốc lào đi Rolls Royce

Nhiều dự án của đại gia Lê Thanh Thản - Giám đốc xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu không chỉ nổi tiếng về giá rẻ mà còn đầy tai tiếng với những rắc rối về pháp lý.
Dự án chung cư Đại Thanh (tại xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) đã một thời "làm mưa làm gió" trên thị trường BĐS trong năm 2013 với danh hiệu chung cư rẻ nhất Hà Nội (10 triệu đồng/m2). Trong lúc thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa thì sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh vẫn luôn tấp nập khách ra vào mua bán tạo nên cảnh chen chúc, “cháy” hàng tại dự án Đại Thanh. Tuy nhiên, ngay lập tức dự án đã gặp phải những rắc rối về pháp lý.
Đầu tiên là việc chủ đầu tư khu đô thị mới Đại Thanh cam kết sẽ cấp sổ đỏ cho khách hàng mua những căn hộ dưới 45m2 tại dự án này, trong khi đó hiện nay pháp luật chưa cho phép cấp “sổ đỏ” cho những căn hộ này. Như vậy, nếu trong trường hợp chính sách không thay đổi thì những người dân mua căn hộ này sẽ không có quyền sở hữu nhà, đất hợp pháp, trong khi họ phải bỏ ra số tiền rất lớn so với thu nhập của họ.
Chung cư Đại Thanh bán penhouse không sổ đỏ
Trong khi khách hàng đang lo lắng về tính pháp lý của các căn hộ có diện tích dưới 45m2, thì tiếp tục có thông tin chủ đầu tư Dự án chung cư Đại Thanh bán 50 căn hộ penhouse, thuộc tòa nhà CT8 do chủ đầu tư cơi nới xây dựng thành với mức giá “bèo” 10 triệu đồng/m2 với diện tích mỗi căn hộ từ 40 đến 60m2. Nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi biết nếu mua căn hộ penhouse tại CT8 dự án chung cư Đại Thanh họ sẽ không được cấp sổ đỏ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Thản, Tổng giám đốc Công ty tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu, chủ đầu tư dự án Đại Thanh thừa nhận những căn hộ mở bán đợt vừa rồi là không có sổ đỏ, giấy sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, ông Thản cũng khẳng định rằng những căn hộ penthouse sẽ có giấy tờ pháp lý đầy đủ khi khách ký hợp đồng nhưng muộn hơn những căn tầng thấp.
Dự án Golden Silk xây vượt tầng
Dự án Kim Văn – Kim Lũ hay còn gọi là Golden Silk tọa lạc tại đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã làm “nóng” thị trường bất động sản đầu năm 2013 khi ra tung ra gần 600 căn hộ với giá dao động từ 10 đến 14,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để sở hữu căn hộ này trên thực tế khách phải mua với giá chênh từ 55 đến 90 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, điều khiến không ít khách hàng hoang mang khi đến tìm hiểu thông tin, mua nhà tại đây là mặc dù dự án được rao bán rầm rộ từ tầng 2 đến tầng 40, thậm chí một số người mạnh dạn rao lên đến tầng 42 nhưng tòa nhà CT11 chỉ được duyệt thiết kế 38 tầng.
Trong khi đó, trả lời truyền thông, ông Lê Thanh Thản khẳng định tòa nhà CT11 chỉ có 39 tầng. Việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là việc của các sàn khác. Người mua phải tìm hiểu kỹ.
Việc bán căn hộ Penthouse trong tương lai của tòa nhà này cũng chưa được chủ đầu tư tính đến. Tuy nhiên, trong lịch sử xây dựng của Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu những năm gần đây ở chung cư Xa La, hay chung cư Đại Thanh... những tầng thượng trên cùng đều được chủ đầu tư khéo léo chuyển thành căn Penthouse bán với giá rẻ dành cho những người không đủ điều kiện mua những căn tầng thấp.
Dự án VP5 Linh Đàm bị thanh tra
Ngày 3/7, chủ đầu tư dự án chung cư VP5 Linh Đàm là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu chính thức mở bán căn hộ với mức giá gốc dao động từ 14-16 triệu đồng một m2, tùy từng tầng. Tuy nhiên, ngay sau khi được mở bán, giá chênh các căn hộ được đẩy lên mức rất cao, gần 300 triệu đồng.
Sau gần một tháng gây sốt khi hét giá chênh lệch 300 triệu đồng mỗi căn, nhiều môi giới phải xuống nước giảm mạnh giá chênh do có thông tin dự án bị đình chỉ thi công và thanh tra.
Được biết, dự án VP5 Linh Đàm chưa đủ điều kiện để khởi công xây dựng nhưng tháng 3/2013, chủ đầu tư dự án này là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu vẫn cho máy móc tiến hành đào đất, đóng cọc, đổ bê tông để xây dựng phần móng và tầng hầm của tòa nhà VP5.
Phát hiện sự việc, ngày 15/5, các ban ngành chức năng phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã kiểm tra và lập biên bản đình chỉ thi công.
Tuy nhiên, trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2013, chủ đầu tư vẫn thực hiện một chiến dịch truyền thông quảng cáo về dự án và đưa gần như toàn bộ số căn hộ tại dự án VP5 lên Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (cũng thuộc đơn vị này) để bán cho người dân.
Vì thế, hồi cuối tháng 7 đoàn thanh tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công trình và làm việc với chủ đầu tư dự án VP5 Linh Đàm.

Chung cư CT6 bị tố tính sai diện tích căn hộ
Tổ hợp Chung cư và Thương mại Xa La (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu (Bemes) làm chủ đầu tư. Cuối tháng 11/2012, chủ đầu tư có thông báo yêu cầu khách hàng nộp tiền đợt 5 (20%) cho các tòa B, C và chuẩn bị bàn giao nhà. Tuy nhiên, khi nhiều người mua nhà tiến hành đo đạc diện tích theo như cách tính được ghi trong hợp đồng giữa hai bên thì phát hiện ra có sự sai lệch.
Diện tích thực tế đo đạc nhỏ hơn so với con số được viết trong hợp đồng giữa hai bên. Điều này đồng nghĩa với việc tổng tiền thanh toán một căn hộ sẽ phải trả sẽ ít hơn tổng tiền được ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa 2 bên.
Tháng 7/2013, chủ đầu tư Dự án CT6 Xa La tiếp tục bị tố độc quyền bán gas. Theo cư dân sống ở tòa chung cư này, hiện toàn bộ cư dân đang sống ở chung cư phải tiêu thụ gas của các hãng Hải Đăng, An Thịnh, Trung Thành, Vượng Gia. Trong khi các hãng gas khác uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn hơn (có chứng chỉ kiểm định áp lực và tem chất lượng) mà cư dân muốn mua đều không được mang vào.
Trước đó, đơn vị quản lý tòa nhà, thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Lai Châu, đã có thông báo yêu cầu Trưởng tòa nhà phải tạo điều kiện cho các hãng gas trên cung cấp gas trong chung cư. Thông báo cũng lưu ý, cấm các hãng gas không ký cam kết được cung cấp gas tại chung cư.

Lan Anh
(Tầm nhìn) 

Cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng 'thoát' án tù giam

Chiều 1/8, TAND Tối cao chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Khanh (cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bằng việc chuyển hình phạt 30 tháng tù giam thành tù treo. Ba người còn lại bị y án sơ thẩm. Các kháng cáo của nạn nhân bị bác.
Với mức án được giảm nhẹ trên, ông Khanh phải chịu thời gian thử thách 42 tháng sau khi chấp hành xong hình phạt. Cùng bị tuyên phạm tội Hủy hoại tài sản như ông Khanh, do bị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, các ông Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng) nhận mỗi người 24 tháng tù treo theo phán quyết của án sơ thẩm. Ông Phan Đăng Hoan (cựu bí thư xã Quang Vinh) bị y án 15 tháng tù treo.
Cựu PCT huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh
Cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình)
Tuy không chống án nhưng do phía bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt nên mức án ông Lê Văn Hiền (cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng) nhận tại phiên sơ thẩm cũng được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét. Theo phán quyết cuối cùng vào chiều nay, ông Hiền được giữ nguyên hình phạt 15 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án phúc thẩm, là người trực tiếp chỉ đạo việc phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý nhưng ông Khanh được xét tình tiết giảm nhẹ là có nhân thân tốt. Ông Khanh được cho là từng có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công cách mạng; được nhiều đoàn thể, cán bộ, nhân dân có đơn xin giảm nhẹ. Ở phiên phúc thẩm, ông Khanh khai nhận thành khẩn. Hai bị hại là Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu phó chủ tịch huyện này.
Ba bị cáo Hoa, Liêm, Hoan được HĐXX đánh giá thành khẩn khai nhận, tự khắc phục một phần hậu quả; được tặng nhiều bằng khen, được các tổ chức đoàn thể có đơn xin giảm nhẹ... Tuy nhiên, tại phiên xử hôm nay các bị cáo không đưa ra được chứng cứ để xem xét giảm nhẹ án tù nên cấp phúc thẩm giữ nguyên mức phạt của bản án sơ thẩm. Kháng cáo đề nghị được mức tiền bồi thường của bị cáo Liêm cũng không được chấp nhận.
Kháng cáo của bị hại Báu, Thương yêu cầu hủy án sơ thẩm, truy tố các bị cáo về tội Cướp tài sản cũng bị bác. HĐXX cho biết kết quả tranh tụng cho thấy 5 bị cáo không có mục đích cướp tài sản. Việc làm của họ được cho là "vượt quá hành vi của người thi hành công vụ" và đã bị truy tố về tội Huỷ hoại tài sản. Cấp phúc thẩm nhận thấy không có căn cứ truy tố họ ở tội danh khác. Tương tự, kháng cáo của bị hại cho rằng cấp sơ thẩm đã "bỏ lọt tội phạm" cũng không được chấp nhận.
Việc định giá tài sản gia đình ông Quý bị thiệt hại hơn 190 triệu đồng, gia đình ông Vươn hơn 100 triệu đồng được TAND Tối cao cho rằng đã thống kê toàn bộ, trưng cầu giám định theo đúng pháp luật. Do vậy không có căn cứ để "hủy án, điều tra bổ sung" theo yêu cầu của bị hại.
Trước đó, trong phần tranh tụng, công tố viên cho biết ông Khanh với cương vị trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế đã nhiều lần chỉnh sửa thông báo, ban hành trái với nội dung kế hoạch của UBND huyện. Dù ông Khanh không có mặt trong lúc xảy ra việc phá nhà của bị hại nhưng ông đã chỉ đạo cho cấp dưới làm việc này. Các bị cáo Hoa, Hoan, Liêm đều có vai trò thứ yếu tuy nhiên đã trực tiếp huỷ hoại tài sản.
Bảo vệ quyền lợi cho các bị hại, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, kế hoạch 104 do ông Hiền ký có đề cập đến thu hồi đất cho UBND huyện với gia đình ông Vươn, nhưng không nói rõ việc thu hồi khu 19,3ha. Điều này đã khiến bị cáo Khanh bổ sung thêm bằng một thông báo có nêu việc tháo dỡ lều trên khu đầm. Theo luật sư, trong vụ cưỡng chế, huỷ hoại tài sản có nhiều người tham gia. Lúc đầu họ không biết hành vi của 5 bị cáo là vi phạm pháp luật nhưng khi biết rồi vẫn không tố giác với cơ quan công an. Hành vi của những người này cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong số đó có cựu chủ tịch huyện Lê Văn Hiền... Khép lại phiên xử, phần bào chữa của ông Hải và những luật sư bảo vệ các bị hại đều không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.
Bản án sơ thẩm ngày 8/4 của TAND Hải Phòng xác định, cho rằng ông Vươn không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi hơn 19 ha đất đầm, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế. Huyện phân công ông Khanh làm Trưởng ban chỉ đạo, ông Hoa là Phó ban thường trực.
Sáng 5/1/2012, một tổ công tác đi vào khu đầm, người nhà ông Vươn đã nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương. Việc cưỡng chế phải tạm dừng. Ông Khanh vào chiều cùng ngày ra lệnh tiếp tục cưỡng chế, chỉ đạo ông Hoa đôn đốc đập phá làm đổ nhà trông đầm, công trình phụ, đốt cháy lều trông đầm của nhà ông Vươn.
Sau khi cho kiểm kê tài sản, ông Khanh chỉ đạo phá tiếp nhà ông Quý. Nhà chức trách xác định giá trị tài sản bị hủy hoại của vợ chồng ông Quý là hơn 190 triệu đồng, của vợ chồng ông Vươn hơn 104 triệu.
Án sơ thẩm phạt ông Khanh 30 tháng tù. 4 người còn lại được nhận hình phạt tù treo, cụ thể ông Hoa, Liêm mỗi người 24 tháng; ông Hoan và Hiền mỗi người 15 tháng.
Theo phán quyết của TAND Hải Phòng, một năm sau khi chấp hành xong án tù và thời gian thử thách 30-48 tháng, 5 cựu quan chức này mới được đảm nhận công việc tại các cơ quan nhà nước. Bị cáo Hoa, Liêm Khanh mỗi người phải bồi thường 82 triệu đồng cho các bị hại; bị cáo Hoan 47 triệu đồng.
Việt Dũng
(VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét