Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Bài đáng chú ý: Đảng đi đường đảng, dân đường dân - Blogger Phạm Viết Đào bị bắt

Ông Trương Tấn Sang sắp thăm Trung quốc

Bản thông cáo ngắn vừa được đăng trên trang web Bộ ngoại giao Việt Nam hôm 13/6 cho biết: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang Trung Quốc vào tuần tới. Chuyến đi của ông Sang diễn ra ngay sau chuyến đi Bắc Kinh của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn quan chức cấp cao bộ quốc phòng.
Thông cáo của Bộ ngoại giao VN nói rằng, chuyến thăm cấp nhà nước của chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ kéo dài 3 ngày, từ 19 đến 21/6/2013. Chuyến thăm được nói là dựa theo “lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình”.
Lên làm Chủ tịch nước từ cuối tháng 7/2011 đến nay, ông Trương Tấn Sang chưa sang Trung Quốc lần nào. Đối với hầu hết các vị trí chóp bu trong đảng cộng sản, đi Trung Quốc thường là việc làm đầu tiên mỗi khi nắm quyền. Đây vốn là ‘truyền thống’ của nhiều đời lãnh đạo trong đảng, mục đích là để thể hiện sự thần phục ‘thiên triều’ của giới chóp bu cộng sản VN.
Chắc chắn, chuyến đi Trung Quốc sắp tới của ông Sang sẽ là một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trước đó, tại cuộc ‘Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Trung’ hôm 5/6/2013 tại Bắc Kinh giữa thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Phía TQ nói rằng:
TQ đang sửa đổi thỏa thuận về hợp tác biên phòng, và sẽ “cố gắng ký trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang”.
Những điều sửa đổi trong cái gọi là 'thỏa thuận hợp tác biên phòng' giữa Việt Nam – Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa được công bố trước dư luận. Việc ém nhẹm như trên cho thấy nhiều khả năng đây sẽ lại là một thỏa thuận có những điểm rất bất lợi cho Việt Nam.
Viên tướng Tàu dùng chữ ‘cố gắng ký’ ở đây phải chăng mang hàm ý đe dọa, ép buộc ông Trương Tấn Sang phải đặt bút ký?
Qua những thông tin ban đầu, đây được dự báo sẽ là chuyến đi không dễ dàng chút nào cho ông Sang và phái đoàn quan chức đi theo tháp tùng.
(DLB)

Blogger Phạm Viết Đào bị công an bắt giữ

RFA
phamvietdaoblog
Trang blog của Nhà văn Phạm Viết Đào.
RFA screenshot
Nhà văn Phạm Viết Đào, một blogger nổi tiếng vừa bị công an Hà Nội bắt giữ vài tiếng đồng hồ trước đây với tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Ông Đào bị bắt một thời gian ngắn sau nhà báo blogger Trương Duy Nhất cũng với tội danh này.
Nhà văn Phạm Viết Đào là chủ nhân trang blog Phạm Viết Đào Thế sự-Văn chương rất nổi tiếng.
Trang blog của ông không những đăng lại những bài viết phản biện mạnh mẽ mà chính bản thân ông cũng có nhiều bài phóng sự về các trận chiến biên giới năm 1979 tại Hà Giang.
Ông thực hiện những bài phỏng vấn nói lên hiện trạng che giấu sự thật về cuộc chiến mà thủ phạm là Trung Quốc, được bao che và ngăn cấm của những cán bộ Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội hồi gần đây ngày càng thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến hay các blogger trung thực, can đảm dám nói lên tiếng nói phản kháng của họ đối với chính sách sai trái của nhà nuớc.
pham-viet-dao1-305.jpg
Blogger Phạm Viết Đào, ảnh chụp trước đây.
Việc bắt giữ blogger Phạm Viết Đào đi ngược lại với những gì mà Việt Nam hứa hẹn đối với dư luận thế giới về tôn trọng quyền phát biểu của người dân.

Vài dòng tiều sử nhà văn Phạm Viết Đào

Sinh năm 1952 ở Nghệ An, ông Phạm Viết Đào tham gia quân ngũ, chiến đấu tại các mặt trận Quảng Trị, Trung Lào, trước khi trở thành nhà văn.
Ông  thuộc trong số sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du, trước khi sang Romania du học về văn chương năm 1974.
Về nước sau một thời gian công tác tại Xưởng phim Quân đội, đến năm 1992 ông được bổ nhiệm làm Thanh tra Bộ Văn hóa.
Đến năm 2002, nhà văn Phạm Viết Đào được cử giữ chức Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hàng Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam.

Công an Hà Nội ra lệnh bắt khẩn ông Phạm Viết Đào

TTXVN

13/06/2013 | 21:40:00
Ngày 13/6, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với  ông Phạm Viết Đào, sinh ngày 10/4/1952 tại Nghệ An; hiện thường trú tại số 02 hẻm 39/7/460 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo cơ quan an ninh, ông Phạm Viết Đào có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Quá trình thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ông Phạm Viết Đào có thái độ chấp hành.
Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Phạm Viết Đào để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Blogger Phạm Viết Đào bị bắt

BBC

Ông Phạm Viết Đào
Ông Phạm Viết Đào có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền
Thông tấn xã Việt Nam nói công an Hà Nội bắt “khẩn” blogger Phạm Viết Đào và ông này có “thái độ chấp hành”.
Hãng tin chính thức của Việt Nam nói: “Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Viết Đào, sinh ngày 10/4/1952 tại Nghệ An; hiện thường trú tại…Hà Nội.”
“Ông Phạm Viết Đào có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Thông tấn xã Việt Nam nói ông Đào đã có “thái độ chấp hành” và công an đang “tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm” của blogger này.
Hôm 9/6 ông Đào đã bình luận với BBC về đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội và nói đây là “thử thách cho nền chính trị của Việt Nam” và rằng “Quốc hội nào Chính phủ ấy”.
Bình về các cố gắng thay đổi nền chính trị Việt Nam, ông Đào nói ông không hy vọng có “đột phá” nhưng “méo mó có hơn không”.
Blogger cũng nhận xét và dự đoán về chiều hướng kết cục của cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được Chính quyền và Đảng cộng sản vận động từ đầu năm tới nay.

Trấn áp blogger

Ngay sau khi tin ông Đào bị bắt được đưa ra tối 13/6, trang có quan điểm bảo vệ chính quyền Bấm nguyentandung.org đã có ngay bài viết dài mang tên “Phạm Viết Đào là ai”.
Trang này nói ông Đào từng công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa và sau đó là Thanh tra của bộ này cho tới năm 2007.
Sau đó ông còn là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Trang nguyentandung.org nói ông Đào là Hội viên Hội nhà văn và cũng từng dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Romania, nước ông đã tới du học và tốt nghiệp đại học ngành văn chương.
Trang này đặt câu hỏi “điều gì đã khiến một con người từng được coi là mạnh tay trong việc xử lý những sai phạm trong báo chí lại sa lầy vào con đường mà bản thân dư sức hiểu là lầm lỗi….?” và dẫn lời một blogger khác gọi ông Đào là “Phạm Viết Bừa”.
Ông Đào là blogger thứ hai bị bắt trong chưa đầy một tháng qua.
Một blogger có tiếng khác, cựu nhà báo Trương Duy Nhất, cũng đã Bấm bị bắt tại Đà Nẵng hôm 26/5 và bị đưa ra Hà Nội để tiếp tục điều tra ngay trong ngày.
Các tổ chức quốc tế cũng cáo buộc Việt Nam bỏ tù hàng chục cây viết khác trong thời gian gần đây trong khi Việt Nam luôn nói họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

NIỀM “BẤT TÍN NHIỆM CHIẾN LƯỢC” CỦA MÌNH ĐÃ NGÀY CÀNG VỮNG CHẮC !

Nhát sĩ Tô Hải
Mình phải thú thật rằng: Nếu truớc đại hội VI của các chú ấy, mình còn le lói một chút cỏn con hy vọng: Rằng thì là sẽ xuất hiện một vài tay nào trong giới chóp bu cầm quyền có cái gan to bằng 1/100 lá gan của Góoc-Ba hay En-xin để làm cái chuyện “Chỉ có cộng sản mới diệt trừ được cộng sản” như tuớng De Gaulle đã dạy cho J.F.Kennedy và đã được thực tế lịch sử chứng minh là đúng!
Tuy nhiên, mình đã lầm to, đã ngu lâu khi không thấy rằng:
1-Ở cái đất Việt này, đã từ lâu rồi làm gì còn có cộng sản thứ thiệt nữa mà mong họ tự hủy diệt nhau! Làm gì có Mao diệt Lưu thiếu Kỳ, diệt Lâm Bưu, Đặng diệt “bè lũ 4 tên” rồi dựng lên một cái lý thuyết cực kỳ mất… lập trường vô sản “Mèo nào cũng là mèo“ để tiến hành cái “giấc mộng Trung Hoa” đến ngày nay, phi Mác, phi Lê, phi Mao và phi…đồng chí- đồng chóe 4, 5, 6, 7 tốt, phi… tuốt luột, để tự do làm ra nhiều tiền với khát vọng ngàn đời: thu thiên hạ về một mối!
2-Ba cái anh cộng sản Việt Lam này thì đều “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa”, chẳng anh nào nể phục anh nào, chẳng có ný nuận gì để …noi theo, đành phải treo trước ngực tấm biển “cộng sản” để phát huy truyền thống “chuyên chính vô sản” mà đua nhau nàm “kinh thế thị trường” nhưng vẫn có cái đuôi XHCN để có cái ný do mà nắm chắc hai cái nguồn làm giầu vô tận cho ba đời con cháu: ”Kinh tế Nhà Lước” và “Sở hữu Đất Đai của toàn dân’ mà dân lại chính là…mình đại diện!
3-Khi đã đã có quyền lực, có công cụ vô sản chuyên chính là công an, quân đội, nhà tù, và truyền thông: tivi, báo…chí (được vỗ béo đặc biệt) rồi thì..tha hồ ..cứ phát huy tinh thần…”trăm trận đánh, trăm trận thắng” mà anh dũng tiến lên gặm nhấm cho tan tành cái đất nước này….Còn nếu .. “đâu đó”, nếu “có ai đó” phát biểu vạch ra những con sâu, “bầy sâu” hoặc “quay đâu, sờ đâu cũng thấy tham nhũng” thì chẳng qua chỉ là.. những lời nói mị dân và tỏ ra ta đây không có dính líu gì đến 3 cáí chuyện tiêu cực..lẻ tẻ ấy mà thôi! Coi như gió thoảng mây bay!Đứa nào mà tin cho nó …chết! Rồi tất cả đạo quân “tiêm chích hàng đầu” chuyên gia phá tan tành đất nước lại tiếp bước “Đâu có tiền là ta cứ đi!”!
Thế là: Kể từ ngày nghị quyết 4 của các chú ấy ra đời, mình đã mở mang trí tuệ, tầm mắt, lá gan ra mà dám khẳng định:
“Sẽ chẳng chết thằng nào, con nào với 10 chữ TỰ của anh Tổng trong bài thuốc dã mốc xì “Phê và tự phê cả”!
Thực tế đã chứng minh: Mình đúng 99,9%! Chỉ có vài “con vật tế dân” tép riu bị khiển trách, phê bình hoặc nặng lắm là truy tố vì đạo đức đảng viên xuống cấp như cái lũ “Lèo”, Lộn lốt leo lên làm Phó giám đốc Sở tận Sóc Trăng, Cà Mau gì gì đó… bị tội đánh cờ ăn thua tiền tỷ mỗi ván!!! Và cũng từ đó mình đổi cái thứ “Nghi ngờ thường trực” (scepticisme permanent) của mình thành một thứ lập trường “Bất tín nhiệm thường trục’!
Cho đến hôm nay, học tập cụm từ “Niềm tin chiến lược“ của Tập Cận Bình mà ai đó đã “thuổng” hộ anh Dũng trong bài diễn văn đọc ở “đối thoại Sangri-La”, mình thấy cũng nên dùng cái tính chiến lược về niềm tin với mấy ông cộng sản mô-đéc gọi thẳng là “Bất Tín Nhiệm Chiến Lược” cho nó tăng vẻ ný nuận như ai và để có thêm sức mạnh, vững chắc trên con đường thoái hóa và tự diễn biến bất khả kháng này!
Cũng kể từ ngày quyết định thay thế sự “nghi ngờ thường trực” bằng niềm “bất tín nhiệm chiến lược”, mình cảm thấy đã cực kỳ tiến bộ trong mọi nhận định về nhân tình, thế sự…
Cụ thể là: với niềm “bất tín nhiệm chiến lược”, mình đã:
1-Ngay lập tức nhận ra: cái trò phê và tự phê là để chạy tội cho cả làng tham nhũng và tiên đoán: Sẽ chẳng chết thằng nào con nào xất cho mà xem!
2-Ngay lập tức nhận ra cái trò góp ý sửa đổi hiến pháp là một vở tuồng tốn kém và mất thời gian để có dịp huy động một đạo quân thổi ống đu đủ đua nhau lên tiếng ca ngợi công ơn đảng ta” giữa lúc uy tín của các ông ấy đang trong cơn xuống cấp thảm hại đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn vong. Sửa hay không sửa, thậm chí sửa hẳn điều 4 đi chăng nữa thì chẳng ai dám đề nghị gì khi họ đưa ra con số ma nào đó chứng minh bằng được: toàn dân vững tin theo đảng tiến lên thiên đường xã nghĩa tới cùng! Nghĩa là họ bắt dân phải làm cái việc mà họ đã dự định trước; Hoan hô đảng ta đi dù có một số không nhỏ đã suy thoái trầm trọng!
3-Đặc biệt trước việc nước sôi lửa bỏng là: làm gì đây với “Tầu đại Hán bành trướng” sau 12:00 giờ ngày 16 tháng 5, khi lời tuyên bố với thế giới “Biển Đông là của tao! Không một kẻ nào được bén mảng khai thác! Nếu không sẽ…ăn đòn!” thì…16 giờ cùng ngày họ đem ra xử thẳng tay 2 em sinh viên Uyên-Kha vì tội nói “những điều không hay”(!?) về nước bạn 4 tốt! Mình đã vội tung lên mạng phần suy nghĩ xuất phát từ niềm bất tín nhiệm chiến lược của mình là…:Họ đã lập tức “hưởng ứng”với đồng chí của họ!
Và, để trả lời đài “Cánh Đồng Mây” về chuyện nhà cầm quyền khép tội những người chống Tầu xâm lược là chống chính phủ”? Rằng thì là “Họ đã nói ra cái sự thật ê chề: Họ chính là Tầu và Tầu cũng chính là…họ! Tầu cộng chết, họ cũng chẳng sống nổi thêm một ngày!
Cho nên chống Tầu là chống chính phủ là…tuyệt đối đúng. Điều này càng lộ rõ khi ông thủ tướng nước ta đến Đối Thoại Sangri-La, người ta bầy sẵn cho mình tố cáo, kêu gọi lương tri của thế giới về những sự hiếp đáp trắng trợn của người đồng chí hướng phương Bắc thì..không một chữ nào dám động đến cái lông chân của người anh khổng lồ ..Toàn nói xa, nói xôi, né tránh, run sợ ra mặt.
Không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tác được chủ trương hòa bình hữu nghị giữa hai quốc gia! không ai dại gì đi bắt tay kẻ khác để chống các đồng chí! Có mà tự sát! Nghe lời của thứ trưởng Quốc Phòng, chắc chắn quân đôi ta cứ ăn no ngủ kỹ, chẳng có đánh đấm gì đâu mà lo
Tiếp đó là ông “tướng 3 sao, tên Vịnh ngoại giao” bay ngay sang Tầu để giải thích “Quân đội chúng em luôn chủ trương hòa bình và hòa bình! Chúng em không thích oánh nhau và có ngu, có muốn tự chết hay sao mà lại đi làm bạn chiến lược với bọn tư bản đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ khi chúng có chính sách cân bằng lực lượng ở Đông Nam Á thì…”chúng ta” (không có nhầm với “chúng tôi” đâu nhé) sẽ phải kề vai sát cánh chống lại” (*). Túm lại là: “Các đồng chí còn, Chúng tôi …còn! Mất các đồng chí, chúng tôi…ngỏm!”
Rõ như ban ngày mà sao cứ phải “vòng vo tam quốc” mãi nhảy?!

4-Với chuyện nóng sốt nhất mới hạ màn hôm nay: Lấy phiếu tín nhiệm với 3 tiêu chuẩn “Tín nhiệm cao”, ”Tín nhiệm” (vừa?) và “Tín nhiệm thấp” thì mình chưa có ý kiến gì cụ thể nhưng đã “đánh hơi” thấy một cái gì đó bất thường! Đó là:
a/bỗng dưng tung tóe ra hiện trường quác hội một hiên tượng hiếm có mà mình gọi là “có mòi cựa quậy” trong một số đại biểu quốc hội trẻ mà hầu hết là đại biểu…gái! (hiểu theo kiểu nói “chiến sỹ gái” của Bác Hồ! chư không có ý gì khác đâu nhé!)
b/Cùng với mấy đại biểu “nhuôm nhuôm già” chuẩn bị trở thành “nguyên” nghị sỹ khóa tới, thì lớp đại biểu gái này đều mang những cái tên rất chi là tài tử, siêu sao….dễ nghe và cũng khá là..ưa nhìn! Không đến nỗi.. “ít đẹp” như đàn chị Tòng thị Phóng, Cù thị Hậu Nào là: Thanh Bình (Bến Tre), Kim Hồng (Đồng Tháp), Kim Thúy (Đà Nẵng ), Quyết Tâm (Xè Gòn)….v.v…
c/mặc dù sinh sau đẻ muộn, ít ai được qua lớp chính trị cao cấp của bác Nguyễn đức Bình, và cũng ít ai được đọc hết một cuốn sách Mác- Lê! Đặc biệt nữa là: chắc chắn họ đều mới nếm mùi xã hội chủ nghĩa được nhiều lắm là 30 năm, và càng đặc biệt hơn là họ chắc chắn không phải là học sinh miền Nam trên đất Bắc và không ít thì cũng 90% gia đình có dính líu tới “ngụy quân”, “ngụy quyền” hoặc đi cải tạo, hoặc bà con, giòng họ đã làm mồi cho cá đại dương khi vượt biên, hoặc đi H.O …Ấy vậy mà, khi được bố trí đăng đàn phát biểu, họ đều phát ra những lời lẽ ngợi ca đảng ta hoặc đấu tranh thẳng thắn với cái xấu rất chi là mắc-xì-dâm (mà mình đã copy và paste nguyên văn lên blog một số) đến ông Trường Chinh, Lê Duẩn có sống lại cũng phải gật gù ngợi khen: ”Thế mới xứng đáng là cộng sản thứ thiệt chứ!”….
Thì ra ..tất cả đều nằm trong cái kịch bản “Bộ chính trị đã kiểm điểm nghiêm túc, nhận khuyết điểm…và đề nghị thi hành kỷ luật một đồng chí. Nhưng Trung Ương không đồng ý “…lại được tái diễn tại cơ quan quyền lực cao nhất! Tham ô, lãng phí ngàn tỷ có đấy Nói dối, báo cáo láo có đấy, nợ công lớn đấy, con số ma có đấy, giáo dục, y tế, ngân hàng …cái gì cũng có khuyết điểm cả đấy! Nhưng có làm có sai! sai đâu sửa đó! Lo gì! Vững bước tiến lên! Quốc Hội không phế truất một ai cả!
Tất cả đều hoan hỉ vì chẳng ai bị bỏ phiếu “không tín nhiệm” cả! Đảng ta đạo diễn quá …tài!
Và kết quả của cuộc “bỏ phiếu kín” mà người ta goi là: ”lấy phiếu” (rất khó dịch) với ba mức tín nhiệm “tín nhiệm cao”, ”tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” nghĩa là tất cả đều là… tín nhiệm chỉ có “cao”, ”vừa” và “thấp” mà thôi! Bảo đảm cái trò ma-le, ma trơi, ma mãnh nầy sẽ không làm ai mất ghế cả! Cứ xem một cái kết quả của anh Ba thì biết: Dù anh ba bị 160 phiếu “tín nhiệm thấp” nhưng bù lại anh lại có 210 phiếu “tín nhiệm cao” và 122 phiếu “tín nhiệm” (vừa) thì đủ thấy: Không bao giờ có cái chuyện đảng ta chưa cho phép mà cơ quan quyền lực do đảng lãnh đạo và đạo diễn mọi mảng miếng của vở tuồng có thể làm khác đi dược (chưa kể đến trường hợp có sơ xuất gì đó thì bố ai biết được con số chính xác khi các ban kiểm phiếu (cũng là nguời của đảng cử ra) công bố kết quả!!!
Về cái chuyện “rân chủ” chưa từng có bao giờ, chẳng giống ai, không hề thấy ở bất cứ sinh hoạt quốc hội nào trên thế giới, không ít các nhà phân tích, phê bình, chính trị, xã hội học, khoa học nhân văn và cả… tự nhiên nữa, đều không ngớt lên án về cái sự “dân chủ lạ đời” này, về tính chất phi lý, phi chính thống, phản khoa học …thậm chí có nguời còn mang các kiểu tính theo thang điểm Likert, phép đếm Borda ra để lên án cái sự ngu ngốc của kẻ sáng tạo ra kiểu “Bỏ phiếu không ai thua” này!..
Riêng mình: Với niềm “bất tín nhiệm chiến lược” ngày càng ..vững chắc với mấy ông giời con này, một lần nữa mình xin tuyên bố:
CHỪNG NÀO BỌN HỌ CÒN LÀM CHA THIÊN HẠ THÌ MỌI VIỆC HỌ ĐƯA RA CHỈ LÀ NHỮNG TRÒ MA-QUỶ MÀ THÔI! KHÔNG CÓ TIN! TUYỆT ĐỐI KHÔNG TIN!

Biển Đông và nguy cơ tăng xung đột

-BBC
Từ tháng Giêng cho tới tháng Năm vừa qua, cuộc tranh cãi biển Đông tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực, với việc các bên, đặc biệt là Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, quyết giữ quan điểm riêng về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán, khiến các bên khác phản đối, cây viết Ian Storey nhận định trong bài viết đăng trên trang Bấm AsiaTimes mới đây.
Về mặt quốc tế, Liên hợp quốc đã chỉ định hội đồng thẩm phán xem xét hồ sơ khiếu nại của Philippine đối với các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông.
Trong mối quan hệ khu vực, Bắc Kinh cùng khối ASEAN đã có kế hoạch thảo luận Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC).
Tuy nhiên, các diễn biến đó không hề làm dịu bớt mức căng thẳng trước mắt cũng như không tạo ra một môi trường tích cực để tìm giải pháp trung hạn hoặc dài hạn, tác giả bài viết bình luận.

Cuộc chiến pháp lý

Về việc Philippines hôm 22/01 đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Liên hợp quốc liên quan tới đường lưỡi bò và việc Bắc Kinh hôm 19/02 chính thức bác bỏ khiếu nại của Manila là “đưa ra những cáo buộc sai trái”, tác giả bài viết nói rằng hành động của Trung Quốc không khiến người ta ngạc nhiên, nhưng lại làm nhiều chuyên gia pháp lý thất vọng.
Chẳng hạn, giáo sư luật Jerome Cohen được dẫn lời, theo đó lập luận rằng với việc khước từ tham gia tiến trình phân xử của Liên hợp quốc, Trung Quốc đang tự tạo nên hình ảnh là một bên “bắt nạt” và “vi phạm” luật quốc tế.
Một cây viết khác, Peter Dutton, cho rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để đảm bảo “với các láng giềng đang ngày càng lo lắng rằng [Bắc Kinh] cam kết tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp dựa trên luật pháp thay vì trên sức mạnh”.
Chưa kể, việc khước từ đó không làm thay đổi được thực tế là việc phân xử pháp lý sẽ vẫn được tiếp tục, với bước đầu tiên là hội đồng thẩm phán sẽ xác định xem đơn kiện của Philippines có thuộc thẩm quyền xét xử của hội đồng hay không, dự kiến sớm nhất là trong tháng Bảy.
Nếu câu trả lời là “có”, thì các bước xét xử tiếp theo cũng mất vài năm mà phán quyết đưa ra tuy có giá trị ràng buộc nhưng lại không thể cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, nếu phán quyết nói rằng các đòi hỏi của Trung Quốc là không phù hợp với luật biển của Liên hợp quốc thì đó sẽ là thắng lợi cả về pháp lý lẫn tinh thần của Philippines, và sẽ khiến Trung Quốc phải có trách nhiệm giải thích về các cơ sở cho đòi hỏi trên biển của mình.
Điều đáng nói là tuy đã khước từ tham gia tiến trình tố tụng, Bắc Kinh dường như khó có thể phớt lờ nội dung phán quyết, tác giả bài viết nhận định.

Hướng đi ngoại giao

Về mặt ngoại giao, gần đây cũng đã có ít nhiều tin tức đáng khích lệ trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN liên quan tới CoC.
Các bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DoC) từ 2002 nhưng cho tới cuối 2011, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu thảo luận cùng ASEAN, để rồi giữa năm 2012 Bắc Kinh lại nói “thời điểm chưa chín muồi” khi, theo lời Bắc Kinh, là chả có lý gì để bàn bạc khi mà Việt Nam và Philippines liên tục vi phạm DoC.
Tác giả điểm lại các sự kiện, từ việc Brunei, chủ tịch ASEAN năm 2013, và tân Tổng thư ký Lê Lương Minh, đưa CoC lên cao trong nghị trình làm việc, tới việc Singapore và Indonesia cùng thúc đẩy vấn đề, và đưa ra nhận định là bước đột phá chỉ xảy ra khi Trung Quốc bật đèn xanh cho các cuộc đối thoại.
Hôm 2/4, tại cuộc họp tham vấn lần thứ 19 các quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, tân ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các vị khách rằng không nên để tranh chấp biển Đông làm xói mòn quan hệ ASEAN – Trung Quốc, và Bắc Kinh sẵn lòng bắt đầu thảo luận về CoC.
Bắc Kinh dường như đã thay đổi quan điểm nhằm tránh áp lực từ các nước trong khối ASEAN để chuyển hướng tập trung vào cuộc tranh cãi Senkaku/Điếu ngư ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề Trường Sa
Ngày 11/4, các ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp ở Brunei để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 vào cuối tháng, và sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa thông báo tới báo giới rằng Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu thảo luận, tuy Bắc Kinh không chính thức đưa ra xác nhận.
Trong hội nghị thượng đỉnh, dẫu không tạo được gì mới nhưng khác với sự thất bại bẽ bàng hồi tháng 7/2012 khi không ra được bản tuyên bố chung, lần này ASEAN đã đưa ra được nội dung rằng các nhà lãnh đạo của khối đã yêu cầu các bộ trưởng “tiếp tục tích cực làm việc với Trung Quốc nhằm hướng tới việc sớm có kết luận về [CoC] trên cơ sở đồng thuận”.
Vài tuần sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị lần đầu tiên công du Indonesia, Thái Lan, Singapore và Brunei trong cương vị mới, cũng là dịp ông tuyên bố Trung Quốc đồng ý thảo luận về CoC. Thậm chí các bên đã đạt được thỏa thuận về tiến trình thảo luận “từng bước” nhằm triển khai DoC.
Tuy không phải là việc chứng tỏ Trung Quốc hậu thuẫn hoàn toàn cho CoC, nhưng ít nhất nó thể hiện những tiến bộ đạt được sau gần một năm đứt quãng.
Điều quan trọng là nó cho thấy Bắc Kinh dường như đã thay đổi quan điểm nhằm tránh áp lực từ các nước trong khối ASEAN để chuyển hướng tập trung vào cuộc tranh cãi Senkaku/Điếu ngư ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề Trường Sa, theo tác giả bài viết.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về CoC vẫn diễn ra một cách nhọc nhằn, chậm chạp, và có vẻ như sẽ là phi thực tế nếu như ai đó kỳ vọng vào việc các bên sẽ sẵn sàng ký CoC trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng Mười tới.

Tranh chấp tài nguyên

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy hồi cuối tháng Ba
Cuộc cạnh tranh về năng lượng và nguồn cá vẫn là một trong những nguyên nhân chính trong cuộc tranh cãi ở biển Đông.
Trong năm tháng đầu năm, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân tại vùng biển tranh chấp đã gây ra một số vụ đụng độ nghiêm trọng, gồm cả một vụ gây chết người.
Trong số các vụ nổi cộm, đáng kể là vụ ngày 20/3 các tàu Trung Quốc bắn cảnh cáo bốn tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa khiến một tàu bốc cháy. Hà Nội lên án vụ việc là “sai trái và vô nhân đạo” nhưng Bắc Kinh bác bỏ đòi hỏi bồi thường cho các gia đình ngư dân từ phía Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn nữa là vụ nổ súng của lực lượng tuần duyên Philippines khiến một ngư dân Đài Loan thiệt mạng hôm 09/05.
Đài Bắc giận dữ, đòi Manila phải chính thức xin lỗi, điều tra và trừng phạt những người có trách nhiệm, bồi thường cho gia đình ngư dân và có các cuộc đàm phán về nghề cá nhằm tránh các vụ việc tương tự trong tương lai.
Thậm chí Đài Loan còn tiến hành cuộc phô trương chưa từng có sức mạnh hải quân, không quân và tuần duyên ở gần vùng biển xảy ra vụ việc, rồi bác bỏ hai lời xin lỗi từ Manila mà Đài Bắc cho là “không chân thành”, và áp dụng 11 biện pháp trừng phạt.
Trong số này gồm cả việc không thuê nhân công Philippines nữa và khuyến cáo người Đài Loan không tới thăm Philippines. Căng thẳng chỉ dịu xuống vào cuối tháng, khi hai bên đồng ý tiến hành điều tra song song về vụ việc.
Trước khi xảy ra vụ nổ súng chết người, Đài Loan có vai trò khá mờ nhạt trong cuộc tranh cãi ở biển Đông, tuy đang chiếm giữ đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình, hay còn gọi là đảo Itu Aba.

Đài Loan đã tiến hành phô trương sức mạnh sau vụ một ngư dân bị phía Philippines bắn chết
Thái độ mạnh mẽ của Đài Bắc dường như xuất phát từ một số yếu tố, tác giả Ian Storey nhận định.
Bên cạnh việc muốn phản ánh sự tức giận chính đáng của người dân Đài Loan quanh cái chết của ngư dân đồng bào, chính phủ của ông Mã Anh Cửu cũng muốn thể hiện sự khó chịu về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán về tranh chấp với các bên khác, hậu quả của chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Chưa kể ông Mã có thể cũng muốn hướng sự chú ý trong nước ra khỏi vấn đề tăng trưởng kinh tế kém, đồng thời muốn nâng mức tín nhiệm của mình lên, hiện đang ở mức thấp.
Bắc Kinh cũng nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ về tinh thần với Đài Bắc, tuy điều này không giúp tăng mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nguy cơ đụng độ

Các cuộc đụng độ thêm nữa trên biển trong vài tháng tới không phải là điều không thể xảy ra.
Hôm 16/05, Trung Quốc đã áp lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, kéo dài ba tháng, ở mạn bắc vĩ tuyến 12, điều mà Hà Nội liên tục coi là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Chỉ trước đó một tuần, một đội gồm 30 tàu cá và tàu vận tải đã từ đảo Hải Nam ra khơi, tới Trường Sa trong chuyến đi kéo dài 40 ngày.
Còn trước đó một tháng, trong chuyến viếng thăm Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn với các ngư dân nước mình là sẽ bảo vệ họ nhiều hơn nữa.
Các hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh rất quyết tâm duy trì hoạt động đánh bắt cá thương mại ở Trường Sa, kể cả dùng vũ lực, nếu cần, để đảm bảo thực hiện quyết tâm này.
Với những gì đã diển ra trong nửa đầu năm 2013, có thể thấy bất chấp các cam kết hướng tới CoC của Trung Quốc và ASEAN, cuộc tranh cãi trên biển Đông đang tiếp tục đi sai hướng.
Nếu như các nước có vai trò chính trong cuộc chơi này tiếp tục hành động thuần túy vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và không chịu nhân nhượng trong các tuyên bố chủ quyền cũng như trong việc cạnh tranh về tài nguyên biển, thì khó có khả năng cuộc tranh cãi đó sẽ đổi hướng trong thời gian tới, tác giả bài viết kết luận.
Ian Storey là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore và là tác giả cuốn sách Southeast Asia and the Rise of China: The Search for Security (Routledge, May 2011). Ông đã trả lời BBC Tiếng Việt về chủ đề an ninh Biển Đông hồi tháng 5/2012 (xem video trong bài).

VN chi bừa bãi để tạo tăng trưởng?

 - BBC

Kinh tế đi xuống khiến chính phủ phải tăng cường chi tiêu để giữ tăng trưởng GDP

Ý kiến chuyên gia cho rằng đầu tư công bừa bãi để đảm bảo tăng trưởng ngắn hạn mà không chú ý đến lợi ích kinh tế dài hạn đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế của Việt Nam.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước được cơ cấu bởi các yếu tố trong đó:
GDP = Tiêu dùng tư nhân + Tổng ngạch đầu tư + Chi tiêu chính phủ + (Xuất khẩu – Nhập khẩu). Đây cũng là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên các báo cáo kinh tế gần đây nhất cho thấy những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế hiện tại đều rất yếu, thể hiện qua sản xuất công nghiệp quý một chỉ đạt 4,93%, mức thấp nhất từng thấy trong quý một giai đoạn 2010-2013, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong cùng quý đạt 0,03%, số doanh nghiệp phá sản trong quý một tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giá tiêu dùng tháng Năm tiếp tục âm.
Vậy, chính phủ đã đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế dao động quanh mức 5% như thế nào khi một loạt các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đã yếu đi?

Chi tiền để tăng trưởng

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 13/6, ông Raphaël Cecchi, chuyên gia phân tích rủi ro tại hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ONDD của Bỉ nhận xét thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh chi tiêu công thông qua chính sách tài khóa để bù đắp lại sự suy yếu của các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác.
“Hầu hết tất cả những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, trong đó có tiêu dùng tư nhân, đã yếu hẳn đi trong vòng hai năm qua,” ông Cecchi nói.
“Trong một bối cảnh khó khăn đối với cả môi trường bên ngoài và nội địa, chính phủ Việt Nam đã tăng cường sử dụng chính sách tài khóa (giảm thuế hoặc tăng đầu tư công) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”
Việc tăng cường chi tiêu công cũng được thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nợ công đưa ra hồi cuối tháng Năm.
Theo báo cáo của ủy ban này, thâm hụt ngân sách của Việt Nam, không bao gồm chi trả nợ gốc đã tăng gấp đôi từ 1,3% GDP trong giai đoạn 2003-2007 lên 2,7% GDP trong giai đoạn 2008-2012.
Báo cáo này cũng cho thấy tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ khoảng 40% GDP trong năm 2007 lên 55,4% GDP vào năm 2012. Cùng thời gian đó, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng từ 32% lên tới khoảng 42% GDP.
Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng mức nợ công bởi chính phủ Việt Nam không xem nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là một phần của tổng nợ công, ngoại trừ những khoản nợ được chính phủ bảo lãnh.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP mà các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ quốc tế đã khuyến cáo.

Đầu tư bất chấp hiệu quả

Các dự án (đầu tư công) này không đem lại nhiều lợi ích vì mục đích của chúng là xây dựng chỉ số tăng trưởng về ngắn hạn thay vì đáp ứng nhu cầu kinh tế về trung hạn và dài hạn
Raphaël Cecchi, chuyên gia phân tích rủi ro tại ONDD
Ông Cecchi cho rằng mặc dù việc sử dụng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn là bình thường, hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực này tại Việt Nam là một vấn đề lớn.
“Trước hết, không có gì sai trong việc sử dụng chính sách tài khóa, thúc đẩy chi tiêu công để hỗ trợ tăng trưởng trong lúc chu kỳ kinh tế (biến động GDP qua ba giai đoạn suy thoái, phục hồi và hưng thịnh) rơi vào thời điểm không thuận lợi,” ông nói.
“Đó là mục đích chính của chính sách tài khóa và điều này cũng hợp lý hóa kỷ luật tài khóa (thắt chặt ngân sách, chi tiêu công, tăng thuế) trong thời điểm kinh tế tốt hơn,”
“Tuy nhiên cần phải đặt ra câu hỏi cho tính hợp lý trong việc chi tiêu và đầu tư công ở Việt Nam.”
“Những gì chúng ta thấy ở Trung Quốc đang được một phần nào đó được sao chép lại ở Việt Nam (tất nhiên là với một quy mô nhỏ hơn nhiều), tiêu biểu là sự tăng cường vốn đầu tư vào các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng với lý do thiếu chính đáng.”
“Các dự án này không đem lại nhiều lợi ích vì mục đích của chúng là xây dựng chỉ số tăng trưởng về ngắn hạn thay vì đáp ứng nhu cầu kinh tế về trung hạn và dài hạn.”
Hậu quả của việc đầu tư bừa bãi này dẫn đến nhiều tai tiếng đối với các công trình đầu tư công ở Việt Nam.
Các dự án đầu tư công tại đây thường được tiến hành khá chậm chạp và vì thế, khiến chi phí dần tăng cao so với dự kiến ban đầu và giảm lợi ích kinh tế, vốn đã ít ỏi đối với nhiều dự án.
Vinashin
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn của chính phủ Việt Nam đã dẫn đến nhiều đầu tư công thiếu hiệu quả
Dự án bauxite Nhân Cơ là một ví dụ. Việc kéo dài thời gian thi công với dự án này đã đẩy chi phí ban đầu từ hơn 11 nghìn tỷ đồng lên 16 nghìn tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ suất sinh lời từ 9,57% xuống 8,69%. Đó là chưa kể số năm lỗ cũng bị tăng từ 5,6 năm lên 7 năm và giá trị lỗ tăng từ 727 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng.
Chính phủ cũng tỏ ra thiếu trách nhiệm, thiếu cân nhắc khi đổ tiền vào các dự án.
Trường hợp như dự án Cảng Kê Gà, với chi phí đầu tư lên đến 20 nghìn tỷ đồng đã không bao giờ được thực hiện là một ví dụ. Trước đó, để có đất cho dự án này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thu hồi giấy phép và đất đã cấp cho 12 nhà đầu tư du lịch, vốn đã đổ vào dự án hơn 1000 tỷ đồng.
Trường hợp Cảng Năm Căn tại Cà Mau, sau khi xây xong lại không sử dụng được vì … đường bộ chưa thông, đường sông nông cạn làm tàu không vào được cũng là một ví dụ khác.
Đó là chưa kể đến những câu chuyện tai tiếng tại các doanh nghiệp nhà nước, vốn được ưu đãi về vốn những lại kinh doanh kém hiệu quả, gây thất thoát lên đến hàng tỷ đôla mà báo chí trong nước đã tốn không ít giấy mực trong những năm qua.

Gánh nặng quốc gia

“Khối nợ từ các doanh nghiệp nhà nước cũng như tình trạng thiếu vốn của các ngân hàng nhà nước sẽ là gánh nặng cho ngân sách quốc gia,” ông Cecchi bình luận
“Việc tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước, thông qua tăng cường chất lượng quản trị, tái tập trung vào các ngành chính, tiếp tục với công tác cổ phần hóa cũng như nỗ lực củng cố hệ thống tài chính của Hà Nội là cần thiết hơn bao giờ hết vào lúc này nhằm đảm bảo cho nợ công nằm trong tầm kiểm soát và tái thiết lập niềm tin với nhà đầu tư.”
“Giải quyết nợ xấu và tái huy động vốn cho khu vực ngân hàng cần được chính phủ đặt lên ưu tiên hàng đầu vì khu vực ngân hàng yếu kém đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng trong tương lai.”
“Ngoài ra, công tác giám sát đối với khu vực ngân hàng cũng cần được nâng cao nhằm tránh cho nền kinh tế bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn có tính hệ thống.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét