Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Bài viết đáng chú ý

QH: Đề nghị không đổi tên nước, không xây dựng Luật về lãnh đạo của Đảng

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội: "Việc giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định con đường phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”.
Ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đồng thời là thành viên UB soạn thảo sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước Quốc hội vào chiều nay (20/5).
UB soạn thảo sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đề nghị
giữ nguyên tên nước như hiện hành.

Về “Lời nói đầu”, ông Phan Trung Lý cho biết, qua tổng hợp có nhiều ý kiến đóng góp cho “Lời nói đầu” ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Tán thành với lời nói đầu như dự thảo nhưng đề nghị chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, khái quát, ngắn gọn, chính xác hơn và tránh trùng lặp; Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung vào lời nói đầu các mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nêu khai quát về lịch sử lập hiến của nước ta; Loại ý kiến thứ 3 đề nghị nêu rõ thành tựu trong xây dựng bảo vệ đổi mới đất nước, đề nghị lời nói đầu phải thể hiện có tính chất tuyên xưng của nhân dân Việt Nam với thế giới; Loại ý kiến thứ 4 đề nghị viết lại “Lời nói đầu” thật cô đọng, súc tích theo hướng ghi nhận một cách tổng quát mục tiêu sửa đổi Hiến pháp, định hướng phát triển của đất nước và vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp.
“Lời nói đầu là bộ phận rất quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Tuy nhiên, cách thể hiện, mức độ và liều lượng sự kiện lịch sử đưa vào lời nói đầu cần được cân nhắc kỹ, để có quy định hợp lý. Trên cơ sở kế thừa đổi mới cơ bản Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, lời nói đầu trong dự thảo đã được chỉnh lý ngắn gọn và xúc tích hơn, nêu khái quát truyền thống vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và nhà nước gắn với quá trình bảo vệ tổ quốc, xác định rõ chủ thể mục tiêu thi hành và bảo vệ Hiến pháp”, ông Lý nói.
Về các ý kiến xoay quanh vấn đề giữ nguyên hoặc lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông Phan Trung Lý thông tin, qua tổng hợp nhiều ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì tên gọi này ra đời gắn liền với chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng 8/1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong bản tuyển ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nhà nước ta là “cộng hòa”, bản chất của nhà nước ta là “nhà nước dân chủ”.

Ý kiến này cho rằng, việc lựa chọn tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, vì lời nói đầu cũng như các quy định khác của dự thảo đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ông Lý cho hay, trên cơ sở nghiên cứu, UB soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hoặc “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là “cộng hòa”, bản chất của nhà nước ta là “nhà nước dân chủ”.
“Tuy nhiên việc giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định con đường phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, ông Lý nhấn mạnh.

"Việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết"


Về điều 4, ông Phan Trung Lý cho hay, đa số ý kiến nhân dân tán thành sự lãnh đạo của Đảng với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không quy định Điều 4 vì Đảng là tổ chức chính trị được tổ chức và hoạt động theo cương lĩnh và điều lệ.
Ông Phan Trung Lý
Trước những quan điểm khác nhau ấy, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp báo cáo Quốc hội khẳng định, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, kế thừa Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng với quá trình cách mạng, với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy, nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản của nhà nước ta. Do đó, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội giữ Điều 4 như dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân”, ông Lý nhấn mạnh.
Đối với những ý kiến cho rằng cần có Luật về sự lãnh đạo của Đảng, ông Phan Trung Lý nêu quan điểm của UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp, cho rằng: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách; cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện đã đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ. (xong nhé, hết kịch rồi...)

Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì vậy, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội không đưa nội dung Luật lãnh đạo của Đảng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.
Ngọc Quang 
(GDVN) 

Đào Tuấn - Dự thảo hiến pháp lần 3 đã tiếp thu những gì từ nhân dân?

Dự thảo Hiến pháp 1992 sau khi lấy ý kiến nhân dân với 3 lần chỉnh sửa đã được công bố trước Quốc hội chiều nay 20.5. Điểm mới nhất trong bản dự thảo lần này có thể tóm gọn trong 4 chữ “tiếp tục giữ nguyên” đối với những vấn đề cơ bản nhất.

Tiếp tục giữ nguyên tên nước

Dù đã dẫn cụ thể những lập luận của những ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì “tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 02 tháng 9 năm 1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ”. Tuy nhiên, trong Dự thảo, tên nước tiếp tục được giữ nguyên “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Lý do giữ nguyên, Theo Ủy ban sửa đổi là “nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ..”

Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng

Báo cáo giải trình tiếp thu cho biết “Về cơ bản, ý kiến nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Xung quanh điều 4, có tới 4 loại ý kiến được liệt kê: Thứ nhất, tán thành với nội dung Điều 4 như trong Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng.  Thứ 2: Chỉ cần khẳng định vai trò của Đảng trong Hiến pháp là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Báo cáo cũng công khai nói tới những ý kiến “đề nghị không quy định Điều 4 vì Đảng là tổ chức chính trị, được tổ chức và hoạt động theo Cương lĩnh và Điều lệ”.

Ủy ban khẳng định trước Quốc hội: Việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết… khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Tiếp tục giữ định hướng XHCN đối với nền kinh tế

Về tính chất và các thành phần kinh tế, kết quả tổng hợp cho thấy có nhất nhiều luồng ý kiến. Thứ nhất: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Luồng ý kiến thứ 2 đề nghị sửa: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Và luồng ý kiến đề nghị sửa: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tức là bỏ, không quy định cụ thể vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị bỏ cụm từ “định hướng XHCN”, chỉ quy định tính chất của nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường đồng thời quy định rõ thêm về “tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh” vì đó là những điều kiện của nền kinh tế thị trường…

Một lần nữa nhắc lại việc “bám sát tinh thần Cương lĩnh”, Ủy ban cho rằng: Việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước XHCN ở nước ta. Tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam bảo đảm mọi thành viên trong xã hội sẽ được hưởng thụ một cách công bằng hơn và tốt hơn các giá trị cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.

Tiếp tục không quy định đa sở hữu về đất đai

Đối với vấn đề đất đai, cũng có 3 loại ý kiến liên quan đến vấn đề sở hữu: Đa số ý kiến cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở. Ý kiến này cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là không rõ về chủ thể sở hữu. Loại ý kiến thứ ba đề nghị tách thành hai điều, một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu nhà nước. Ý kiến này cho rằng, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa đất đai là tài nguyên quốc gia – thuộc sở hữu toàn dân với những đất đai mà toàn dân đã giao cho Nhà nước – một chủ thể cụ thể quản lý, sở hữu.

Ủy ban cho rằng: Quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị – xã hội. Và vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.

Bản dự thảo Hiến pháp công bố hôm qua cũng ghi rõ: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn)
 

Dự thảo Hiến pháp 'giữ nguyên ý chính'

Ủy ban Dự thảo Hiến pháp 1992 đã công bố trước Quốc hội Việt Nam nội dung văn bản sau thời gian dài rầm rộ lấy ý kiến người dân.
Dự thảo mới nhất đề nghị giữ nguyên tên nước như hiện nay, giữ điều 4 về chế độ chính trị,và yêu cầu quân đội trung thành với Đảng Cộng sản.
Giới quan sát cho rằng văn bản này, so với dự thảo công bố ban đầu, đã giữ nguyên những vấn đề căn bản nhất mặc dù đã có tranh luận về Hiến pháp.
Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân” do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và người phát ngôn Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội khóa V.
Theo báo Thanh Niên dẫn lời ông Phan Trung Lý phát biểu hôm 20/05/2013, việc giữ nguyên tên nước đảm bảo tính ổn định, “tránh những thế lực lợi dụng xuyên tạc, khẳng định hướng đi chính trị, đồng thời không tạo ra xáo trộn về quốc huy, văn bản hiện nay”.
“Tên gọi này cũng đã sử dụng ổn định từ năm 1976 và quen thuộc với nhân dân ta và quốc tế,” vì vậy Ủy ban soạn thảo đề nghị vẫn giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và không trình phương án đổi tên nước.
Trước đó đã có ý kiến đưa ra một số tên gọi khác, trong đó có lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 và cũng được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, theo Tuổi Trẻ đăng.
Ủy ban soạn thảo cũng đề nghị giữ Điều 4, chương I về chế độ chính trị trong Hiến pháp 1992, về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Vai trò của nhân dân đối với việc xây dựng Hiến pháp được đề nghị “do Quốc hội quyết định” vì quy định này không trái với nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, và là để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.
'Trung thành với Đảng'
    "Chủ tịch nước có thể đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ."
Đề nghị của Ủy ban dự thảo Hiến pháp 1992
Văn bản mới nhất chờ Quốc hội thông qua, ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân...”
Đồng thời dự thảo cũng ghi rõ, lực lượng này có nhiệm vụ “bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Ngoài ra Ủy ban đề nghị Quốc hội việc Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Theo đề nghị trên, việc phong chức, thăng chức hay giáng chức, tước quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang nhân dân, cấp chuẩn đô đốc, phó đô đốc và đô đốc hải quân; cùng với bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng do Chủ tịch nước quyết định.
Bên cạnh đó là các thẩm quyền như đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng và các thành viên khác của chính phủ, chánh và phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án khác viện trưởng và viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Theo truyền thông trong nước, buổi thảo luận tiếp theo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ diễn ra vào ngày 27/05 và Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo này trong hai ngày 03 và 04/06.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 20/05/2013, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp là một trong bốn ưu tiên của kỳ họp, và gọi đây là "sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong toàn dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp”.
(BBC)

Phạm Hoàng Quân - Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến biển Đông Việt Nam

Tác giả bài viết (trái) tại hành lang Bảo tàng
Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, ngày 28/4/2013
Dẫn nhập

Sử liệu Trung Hoa vốn là một phương diện trong việc nghiên cứu lịch sử Biển Đông, nguồn sử liệu này có điểm khá đặc biệt là cả Trung Quốc và Việt Nam đều cần phải dựa vào để lý giải nó theo chiều hướng có lợi cho mỗi nơi, có khi cùng một mẩu thông tin mà được lý giải theo hai hướng khác nhau.
Một bộ phận học giới Trung Quốc thường đưa các trích đoạn từ sách này sách kia vào các luận văn bàn về vấn đề chủ quyền lịch sử Nam Hải với tính chất là một cứ liệu có lợi cho Trung Quốc, trong khi, cũng dựa vào những đoạn văn tương tự hoặc những sách tương tự, học giới Việt Nam lại thấy ở nó có lợi cho vấn đề chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên biển Đông. Như vậy, cuối cùng thì phải hiểu như thế nào về tập hợp các sử liệu này, phải dựa vào tiêu chí nào? Đó là những lý do cần phải có một cái nhìn tổng quan về các loại sử liệu Trung Hoa, như một bước khởi đầu cần thiết trước khi dịch giải, phân loại và phân tích nhằm ứng dụng các loại sử liệu này một cách hiệu quả. Sau một thời gian khá dài tiếp cận nhiều loại sử liệu Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng, những sử liệu phía Trung Quốc đã đưa ra cùng với những sử liệu khác nữa mà họ chưa đưa ra hoặc cố ý không đưa ra hầu hết đều rất có lợi cho Việt Nam nếu những sử liệu này được hiểu một cách đúng đắn.
Bài viết này gồm 3 phần:
1/ Nêu và phân tích vấn đề theo hướng khái quát, đưa ra những đặc trưng, phân loại, nói về tính chất chung của nguồn sử liệu.
2/ Nêu một số sử liệu tiêu biểu nhằm minh họa cho vấn đề.
3/ Đề đạt ý kiến xây dựng một tổng tập sử liệu để phục vụ các công trình nghiên cứu.
Đây là một lĩnh vực khá rộng lớn, nhận định của cá nhân cùng những ý kiến của chúng tôi chắc chắn còn nhiều điểm hạn chế, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp thảo luận.
I/ Đặc trưng của sử liệu Trung Hoa liên quan đến Biển Đông
Sử liệu Trung Hoa nói chung có phạm vi rất rộng lớn, nhằm tiện lợi cho việc lý luận trong đấu tranh chủ quyền và cả trong nghiên cứu, chúng tôi dựa vào đặc trưng thể loại sử liệu, phân làm 5 nhóm, gồm: chính sử, phương chí, địa đồ, du ký và các loại khác.
1/ Chính sử / 正史
Chính sử (Standard Histories) là những bộ Lịch sử chính thức của những triều đại chính thống trong lịch sử Trung Quốc, nói cách khác, đây là những bộ sử chính thống (legitimate succession).
Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong mục Địa lý chí và Ngoại quốc truyện, một số ít rải rác trong phần Bản kỷ và tiểu sử các nhân vật.
Thuộc loại sách lịch sử chính thống nhưng không nằm trong chính sử, là các sách được xếp vào nhóm Chính thư (Zhengshu/政書) và Thực lục (Shilu/實錄).
Chính thư (works relating to government) gồm các sách/ văn bản về chính sách pháp lệnh, điển chương chế độ, quy ước luật lệ quản lý xã hội. Nhóm sách/ văn bản chính thư bao gồm các sách Hội yếu (Huiyao/會要 / collection of important documents), Thông khảo, Thông chí, Thông điển, Hội điển, các văn bản tấu nghị, chiếu lệnh. Tài liệu thuộc nhóm này được xem là quan phương chính thống.
Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong mục Dư địa (輿地 / Yudi / Administrative geography) và Tứ duệ (四裔/ Siyi / The neighbouring regions).
Thực lục (veritable records / a type of annalistic history) thuộc loại sử biên niên, tập hợp các ghi chép hằng ngày về những sự việc lớn nhỏ trong triều đình và các quan hệ giữa trung ương với địa phương, giữa Trung Hoa với các nước khác. Thực lục là nguồn tư liệu chủ yếu để biên soạn chính sử. Có rất nhiều sử liệu liên quan đến Đông Nam Á trong Thực lục nhà Minh và Thực lục nhà Thanh.
2/ Phương chí /方志
Phương chí, hoặc gọi Địa phương chí (local gazettteers), về đại thể, có thể chia làm 3 loại: 1/ tổng chí 總 志, còn gọi nhất thống chí 一統志 (comprehensive gazetteers/ chép về cả nước); 2/ thông chí 通志, còn gọi tỉnh chí (gazetteers of provinces/chép về một tỉnh); 3/ địa phương chí 地方志 (chép về phủ, sảnh, châu, huyện, hương, trấn…).
Sử liệu liên quan đến cương giới biển nằm trong các mục dư đồ, cương vực, quan ải, thủy đạo, binh sự, hải phòng (phòng vệ bờ biển); sử liệu liên quan đến các nước xung quanh khu vực nằm trong mục ngoại chí hoặc tạp lục. Vài trường hợp nằm rải rác trong các mục khác.
3/ Địa đồ/地圖
Địa đồ (map/ atlas) là bức vẽ xác định vị trí địa lý, hình thế. Trong nghĩa tiếng Trung Quốc xưa và nay, địa đồ khác với bản đồ (版圖  domain; household registers and maps), bản đồ được hiểu là sổ bộ hộ tịch có kèm theo bức vẽ đất đai tương ứng (lưu ý, khác với cách dùng từ bản đồ ở Việt Nam)
Về nội dung hoặc chủ đề có thể phân thành 4 nhóm: A/ địa đồ hành chánh; B/ địa đồ giao thông; C/ địa đồ quân sự; D/ các loại địa đồ khác.
Đa số địa đồ thuộc loại hành chính và quân sự mang tính chính thống.
Rất nhiều địa đồ có nội dung giống nhau hoặc tương tự nhau, do tình trạng sao chép nhiều lần dẫn đến mặt chữ địa danh bị sai lạc, nhất là đối với tên phiên âm các địa danh ngoài Trung Hoa trên những địa đồ khu vực và địa đồ hàng hải.
Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong địa đồ thuộc các loại Hành chính, địa lý, quân sự, hàng hải.
4/ Du ký/遊記
Du ký (travel abroad) được nói đến ở đây là những ghi chép thực tế về địa lý phong thổ các nơi ngoài Trung Hoa. Loại ghi chép này xuất hiện rất sớm, từ thời Tam Quốc (220-280).
Tuy được xếp vào loại sách du ký, nhưng trên thực tế có nhiều tác giả không trải qua thực địa mà ghi chép theo lời thuật lại, hoặc tổng hợp từ nhiều sách có trước, loại này chiếm hơn nửa phần.
Một số du ký mang tính quan phương nhưng đa số du ký là ghi chép tư nhân, trong cả hai loại này, có nhiều trường hợp đã trở thành tài liệu nguồn cho các sách chính thống.
Ngày nay, nhiều tác phẩm du ký giữ địa vị quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế.
Du ký là loại sách được các học giả Trung Quốc ngày nay khai thác sử liệu nhiều nhất đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền lịch sử Nam Hải (biển Đông Nam Á).
5/ Các loại khác
Ngoài bốn nhóm chính nêu trên, sử liệu liên quan cũng nằm trong các loại sách Võ bị, Hàng hải, Loại thư, Kinh điển, Ngôn ngữ, Thi văn tập…
Võ bị (武備), là loại bách khoa quân sự (military technology/ military equipment),
Hàng hải (航海), tức các loại sách chỉ nam hàng hải, thường được gắn các tiêu đề Châm lộ, Châm kinh, Châm thư (needle guides), một số được đính kèm hải đồ, một số chỉ là bản viết mô tả.
Loại thư (類書), là loại sách biên chép theo cách phân loại sự vật (classified matters / classified books), gần với tính chất bách khoa thư (encyclopaedia) ngày nay.
Ngoài ra còn có một số sử liệu nằm trong vài sách thuộc Kinh bộ (Sách kinh điển khoa giáo chính thống như tứ thư, ngũ kinh, ngôn ngữ học), và vài thi văn tập v.v. Số này tuy không nhiều và không liên quan trực tiếp đến vấn đề nhưng có giá trị bổ túc hoặc so sánh, đối chứng.
Nhìn chung, 5 nhóm sử liệu nêu trên có ba đặc điểm:
a/ được ghi chép lâu đời và khá đều đặn
b/ chép rộng hơn thực trạng đất đai quốc gia
c/ dễ gây nhầm lẫn về hiện trạng địa lý cương vực
   
II/ Tổng quan về thực trạng, số lượng sử liệu và sử liệu tiêu biểu
1/ Thực trạng và số lượng sử liệu:
Về nội dung
Thông tin từ sử liệu được sao chép rộng trên nhiều thể loại, thí dụ như chính sử do mang tính tổng hợp nên phải lấy thông tin chi tiết từ các bộ địa phương chí, địa phương chí lại đã từng thu thập thông tin bên ngoài từ các sách du ký. Mặt khác, các tác giả du ký khi viết về đối tượng địa lý trước mắt nhiều khi cũng nói rộng hơn về lịch sử đối tượng, lúc này buộc họ phải sao chép phần lịch sử từ các du ký trước đó hoặc các địa phương chí hoặc chính sử v.v. Thực trạng này dẫn đến rất nhiều sử liệu mang thông tin có nội dung giống nhau hoặc gần giống nhau.
Về văn bản.
Được bảo tồn khá tốt, còn giữ được một số bản in sớm trong thời Tống, nhiều nhất là các bản in thời Thanh. Các bản in cổ này được lưu giữ ở nhiều nơi, trong và ngoài Trung Quốc, khoảng 5 phần 10 đã được số hóa theo cách ảnh ấn, giữ nguyên trạng thái bản gốc.
Trong lịch sử, nhiều sách được nhân bản thường xuyên qua các đời, ngoài nhân bản riêng lẻ còn nhân bản theo cách nhập vào các tùng thư (series of books), cho nên nhiều sử liệu mang thông tin trùng lặp.
Từ thời Thanh trở về trước, văn bản sai biệt do những người sao chép đối với bản chép tay và do thợ khắc bản đối với bản in, các trường hợp này hầu hết là do sơ ý hoặc sơ suất không cố ý.
Thời đương đại lại có thêm sự sai biệt văn bản do sự chuyển hóa nội dung từ bản in cổ sang bản gõ chữ điện tử, chấm và ngắt câu sai, nhiều trường hợp sai lệch là do sự cố ý của một số học giả khi trích dẫn sử liệu.
Về số lượng
Tổng số sách khoảng hơn 200 tựa thuộc năm nhóm có chứa các sử liệu liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử biển Đông.
Số địa đồ có khoảng 180 bức lớn nhỏ các loại, trong đó, địa đồ độc lập in khổ lớn khoảng hon 50 bức, số còn lại là các địa đồ khổ nhỏ in thành tập hoặc in phụ lục trong các sách thuộc 5 nhóm.
2/ Sử liệu tiêu biểu.
Một vài sử liệu tiêu biểu như các Địa đồ trong sách Gia Khánh trùng tu nhất thống chí; [bỏ] Chỉ dụ của hoàng đế Đạo Quang vào năm 1830 chép trong Thanh Thực lục, Chỉ dụ đề ngày Nhâm Dần, tháng 11 năm Đạo Quang thứ 12, nhằm ngày 20 tháng 1 năm 1833. Nguyên Chỉ dụ này do Đạo Quang gửi cho Nội Các về việc chỉ đạo phòng chống cướp biển, lời văn trong tờ dụ có đoạn xác định rõ hải giới phía nam Trung Hoa; Lời dẫn cho phần Địa lý chí trong Thanh sử cảo vv. là những bằng chứng cụ thể và nhất quán, chúng đều mang tính chính thống nên chúng ta có thể phối hợp để làm sáng tỏ vấn đề phạm vi hải giới Trung Hoa thời nhà Thanh.
III/ Kết luận
Sử liệu Trung Hoa có số lượng nhiều và phong phú đa dạng, chúng nằm tản mát trong nhiều nhóm/loại thư tịch. Hầu hết sử liệu đều có giá trị trong nghiên cứu, ở góc độ liên quan đến địa lý khu vực, chúng ta có thể khai thác được rất nhiều trong những vấn đề giao thông, thương mại, quan hệ quốc tế vùng Đông Nam Á.
Ở góc độ liên quan đến lịch sử Biển Đông, dựa vào tính chất và nội dung chân xác của sử liệu, chúng ta có thể khai thác các sử liệu này vào ba mục tiêu:
1/ Chứng minh rằng trong lịch sử từ Hán đến Thanh các quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng biển Nam Hải, và xác định hải giới ở cực nam đảo Quỳnh Châu.
2/ Dùng các loại sử liệu liên quan để phản biện các lập luận cho rằng: “qua các nguồn sử liệu lâu đời, Trung Quốc rõ ràng đã xác lập chủ quyền toàn bộ vùng Nam Hải”.
3/ Chứng minh rằng sử liệu Trung Hoa đã thừa nhận các quần đảo trên Biển Đông xưa kia thuộc vùng biển Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành.
Để đạt được ba mục tiêu này, buộc chúng ta phải phân tích thật kỹ nội dung từng mẩu sử liệu. Nhằm tránh việc hiểu sai ý nghĩa sử liệu hoặc hiểu phiến diện đối với thông tin từ sử liệu. Trong việc này có vài điểm lưu ý:
+ Nhất thiết phải tìm văn bản có độ tin cậy tức là các bản in xưa nhất, tránh sử dụng các văn bản sử liệu đã gõ lại bản chữ điện tử.
+ Hiệu khám, tức so sánh, đối chiếu nhiều bản in của một tựa sách, để khảo chứng và đính chính các sai sót.
+ Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và lai lịch thân thế tác giả.
+ Trích lục đoạn văn hoàn chỉnh, mở rộng thông tin, xem xét mối liên đới của đoạn văn với toàn bộ tác phẩm.
+ Chú giải cẩn thận
+ So sánh với các trứ tác cùng thời kỳ, cùng đề tài.
Trong vài mươi năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã từng tổ chức thu thập sử liệu rộng khắp các vấn đề liên quan đến biển Nam Hải, nhiều công trình tổng hợp sử liệu Nam Hải với các chú giải phiến diện đã gây khó khăn, gây hiểu lầm không nhỏ trong học giới.
Để có một tổng tập sử liệu Trung Hoa về Biển Đông mang tính khách quan, chúng ta nhất thiết phải thực hiện. Đối với công việc này, chúng ta gặp khó khăn hơn so với học giới Trung Quốc, bởi vì họ chỉ tìm sử liệu tập hợp và phân loại, còn chúng ta vừa phải tìm sử liệu để tập hợp phân loại vừa phải dịch ra tiếng Việt và chú giải cho sáng tỏ, rồi lại cần phải chuyển sang tiếng Anh thật trung thực và dễ hiểu. Nhưng không thể vì khó khăn mà chúng ta không thực hiện hoặc thực hiện chậm chạp.
Trong việc sử dụng sử liệu Trung Quốc từ trước tới nay, mặc dù chưa khai thác đầy đủ nhưng phần nào đã thấy rõ các sử liệu này rất có lợi cho chúng ta trong việc chứng minh rằng trong lịch sử Trung Quốc chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, khi chỉ dựa vào một phần ít sử liệu, việc lý luận sẽ thiếu sự linh hoạt, sẽ khó khăn trong việc lý giải những mâu thuẫn của sử liệu, từ đó việc kết luận cũng khó thể mạnh mẽ, các khiếm khuyết này sẽ được khắc phục một khi sử liệu các loại được khai thác toàn diện.
(Bản tóm tắt tham luận tại hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Khía cạnh lịch sử và pháp lý” do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại TP Quảng Ngãi ngày 27/04) .
Phạm Hoàng Quân
(Tia sáng)
 

Đoàn Vương Thanh - Đẩy ” cánh tay phải” vào cạp quần rồi thắt chặt dây rút


images

Mấy ngày qua về vụ án Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha làm những người cao tuổi chúng tôi giật mình liên hệ đến vận mệnh quốc gia. Những gì diễn ra tại Long An trong phiên tòa xét xử rất chóng vánh của “ba tòa ông lớn” xử các em sinh viên yêu nước này đã nói lên điều gì? Tôi cho rằng đó là một bản án bất công, không minh bạch và áp đặt, đàn áp những thanh niên yêu nước kiên cường. Hệ thống tuyên truyền trên mạng và  truyền thông nói chung đã không ngớt lời ca ngợi hai em Uyên và Kha, thậm chí nhiều giáo sư, tiến sĩ, và các nhà trí thức chân chính đã cho đây là một bản án “lấy thịt đè người” không còn phân biệt phải trái phân minh. Nền pháp luật Việt Nam có lẽ đang đến ngày mạt vận !

Phải chăng đây là một sự tiếp tay cho “bọn bành trướng” ?

 Bọn bành trướng đang hoành hành vô lối trên biển Đông, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nghị nào  đó đọc mấy câu, in và phát lời phát ngôn ấy đưa cho các báo đăng lại, liệu có thể hiện ý chí của nhân dân Việt nam và liệu có làm chùn bước kẻ đang lăm le “nuốt chửng” Việt Nam không?

Bốn mươi năm qua, tiếp theo dã tâm của chúng hàng nghìn năm, mảnh đất Việt Nam hình chữ S này với thềm lục địa và biển đông vẫn là miếng mồi ngon của chủ nghĩa bành trướng. Thôi thì đủ ngón trò đã bầy ra, đã thi hành và đã làm đổ máu không biết bao nhiêu người Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, kể cả máu xương người Trung Quốc nữa. Hết bầy trò “gậm nhấm” từng mét vuông đất vùng biên giới, đến dụ dỗ một số người Việt Nam “nhượng lại” rừng, đất rừng Việt Nam, cài cắm người vào sâu nội địa, chốt lâu dài dưới cái vỏ bọc “làm ăn” “sinh sống”. Thậm chí chúng khai thác ruộng nương, trồng trọt, chăn nuôi, thả cá trên đồng ruộng, sông biển Việt nam, nhất là những vùng có nhiều ý nghĩa về kinh tế quốc phòng của đất nước ta. Nếu “thượng lượng” cấp Chính phủ không được, chúng “tỉa” ra đánh vào từng người dưới cái mũ “phái đoàn này phái đoàn nọ”, vừa đe dọa, vừa giơ nanh múa vuốt, vừa dụ dỗ ngon ngọt, kể lể công lao “giúp đỡ” trong những năm kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam.

Người “chèo lái con thuyền vĩ đại của họ đã từng tuyên bố: “Phải đánh Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng !” và “Tọa Sơn quan hổ đấu”…Và bây giờ, trong bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nhỏ nhất nào họ tuồn sang Việt Nam bằng nhiều con đường đều có thể có chất độc hại từ thực phẩm, sữa cho trẻ em, đôi dép nhựa  đến cái đĩa men thông dụng đựng thức ăn hằng ngày. Dưới cái mũ, cái vỏ “thực hiện dự án” lớn nhỏ trải ra rất nhiều tỉnh nam bắc Việt Nam, người của họ “bám đuôi trái phép” các chủ dự án, và lợi dụng sự buông lỏng quản lý nhân hộ khẩu của cơ quan chức năng Việt nam, họ đưa người của họ vào “làm việc” sinh sống và làm tình báo nữa. Làm tình báo mà lộ ra thì làm sao gọi là tình báo. Ngày xưa, người Trung Quốc sang “làm ăn” ở các vùng đất và nước khác, phần lớn là buôn bán nhỏ, thậm chí chỉ bán “phá xa” tức là bán lạc rang rong thôi mà cũng làm nên khối chuyện…

Phải chăng, đây mới là lực lượng “diễn biến hòa bình” rất có bài bản, rất thâm độc và rất kiên trì của chủ nghĩa bành trướng?…

  Chúng ta vui và rất mừng khi thấy một đội ngũ các bạn trẻ đã và đang kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông cha. Lý Tự Trọng lên đoạn đầu đài của đế quốc vẫn hướng về đất nước hô vang khẩu hiệu vì nước vì dân. Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện anh hùng của thành phố Sài Gòn bị trói vào cái cột định mệnh vẫn giật giải băng đen bịt mắt hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm !” ba lần, thức tỉnh và cổ vũ lớp lớp bạn trẻ trong cả nước…Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, đã cống hiến trọn vẹn tuổi xuân trong muôn trùng gian khổ và phức tạp trong lòng địch giữ tròn khí tiết cách mạng và lòng trung thành với Tổ quốc thân yêu…và rất nhiều người khác cũng đã hi sinh thầm lặng không mơ màng đến công danh địa vị…Lớp trẻ con cháu Hồ Chí Minh là như
vậy.
 
Cho nên việc viết khẩu hiệu “Tàu Khựa cút khỏi biển Đông” băng chính giọt máu hồng của mình, để nói lên ý chí và nguyện vọng của lớp tuổi trẻ dũng cảm Việt Nam.  Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã làm điều đó, song lại bị “tù”, bị chính những người “cầm cân nảy mực” chéo lái con thuyền đất nước cầm tù?!!! Phải chăng các bạn trẻ này “chống Trung Quốc lăm le xâm lược Việt Nam, muốn nuốt chửng Việt Nam lại trở thành những kẻ “chống phá Nhà nước”?

Bản án về tội “chống phá Nhà nước” của hai em Uyên và Kha có trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh thế hệ trẻ Việt Nam theo nghĩa nào đây, thanh niên không được chống chế độ hay không được chống Tàu?

Ngày mai, ngày kia, có một đội quân xâm lược đông hơn 60 vạn người ồ ạt tấn công dọc biên giới, có hàng nghìn “tàu cá” trang bị vũ khí nóng đổ ra biển đông, ồ ạt leo lên các bãi cát và các hải đảo của ta giống như năm 1974 chúng đổ lên Hoàng Sa chiến cứ hòn đảo thiêng liêng này của Việt Nam…thì liệu chúng ta huy động lực lượng nào để chống lại chúng đây? Vì chống chúng chỉ bằng khẩu hiệu viết bằng máu mà đã bị bỏ tù, thì ai dám chống Tàu nữa ?

Các bạn trẻ Việt Nam suy nghĩ gì đấy các bạn ? Người ta luôn mồm nói đến thế hệ trẻ, nói đến lực lượng thanh niên là “cánh tay phải”, là “lực lượng hậu bị” của Đảng. Việc Bỏ tù Phương Uyên và Nguyên Kha chẳng khác gì bắt đút tay phải vào cạp quần rồi thắt chặt giải rút lại. Ôi cánh tay phải, cánh tay phải !…

Đoàn Vương Thanh
(Quê Choa)

Biển Đông: Việt Nam cần mạnh dạn tại Đối thoại Shangri-La

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Kể từ ngày 31/05/2013, hội nghị thường niên về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương - Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) - sẽ mở ra tại Singapore trong ba ngày (31/05-02/06). Đặc biệt năm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được mời đọc một bài « diễn văn đề xuất - Keynote speech » ngay ngày khai mạc hội nghị.
Trong bối cảnh tình hình khu vực đang bị khuấy động do vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước lân bang, đặc biệt là tại Biển Đông với Việt Nam, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để xem nhân vật lãnh đạo này sẽ phát biểu những gì, nhất là khi trong những tuần lễ gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường những hoạt động – nếu không muốn nói là thủ đoạn – ngoại giao để quảng bá quan điểm Trung Quốc về Biển Đông.
Quan điểm này đã được trình bày như là một đường lối rất hiếu hòa, trong lúc qua những hành động cụ thể trên « hiện trường », Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp đặt các đòi hỏi đã được họ nêu bật trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn – tức là đường lưỡi bò –đồng thời tìm cách cô lập Việt Nam và Philippines, hai nước đã không ngừng phản đối các yêu sách quá đáng của Trung Quốc về Biển Đông.
Vấn đề là Biển Đông không chính thức nằm trong sáu chủ đề chính sẽ được bàn bạc tại cuộc Đối thoại Shangri-La năm nay, do đó trách nhiệm nặng nề đối với thủ tướng Việt Nam là làm sao trong bài diễn văn đề xuất của mình, nêu bật được những vấn đề thiết yếu của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông, nhằm phản bác một cách có lý lẽ các lập luận của Trung Quốc.
Trong một nhận định công bố ngày 23/04/2013, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á và Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, đã nêu bật tính chất quan trọng của người được mời đọc bài keynote speech, tức là diễn văn mở đầu cuộc Đối thoại. Ông viết :
« Nếu thủ tướng Việt Nam đưa ra được một bài diễn văn đề xuất thật hay tại bữa tiệc tối khai mạc hội nghị, ông sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định hình các cuộc thảo luận sau đó. Uy tín Việt Nam sẽ gia tăng vì lẽ Việt Nam sẽ được xem là một quốc gia đóng góp vào nền an ninh khu vực ».
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ
Đó cũng là quan điểm của giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông tại trường Đại học Maine (Hoa Kỳ). Giáo sư Long đã ghi nhận rằng Đối thoại Shangri-La là một cơ may hiếm hoi để Việt Nam nêu bật được các vấn đề cốt lõi liên quan đến Biển Đông mà quốc tế cần quan tâm giải quyết để bảo đảm an ninh cho khu vực.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long xác định: một trong những vấn đề thiết yếu mà thủ tướng Việt Nam cần nói lên, vừa trong bài diễn văn đề xuất của mình, vừa trong các cuộc tiếp xúc bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La, là tính chất tai hại đối với an ninh khu vực và thế giới của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang áp đặt để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Trọng Nghĩa
(RFI)
 

Ấn Độ từ chối ủng hộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại New Delhi ngày 20-5. Ảnh: PTI
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 20-5, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từ chối ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp hầu hết các đảo trên biển Đông.
Phía Trung Quốc đang cố gắng đưa vào dự thảo Tuyên bố chung những mục quy định rằng tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuần túy là vấn đề nội bộ của các bên liên quan và các nước khác không nên can thiệp.
Trong khi đó, Thủ tướng Singh không ủng hộ quan điểm nêu trên và cho rằng họ đang thảo luận về vùng biển quốc tế. Như vậy, nhiều khả năng trong văn bản sẽ đề cập đến vấn đề an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Ngoài vấn đề trên, cả hai bên cam kết bảo đảm tranh chấp lãnh thổ Trung – Ấn không làm lạc hướng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Một số quan chức khẳng định các vấn đề giao thương là chủ đề chính của cuộc bàn thảo.
Nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường, ông Tôn Tư Hải - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện  Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định với Thời báo Hoàn cầu: “Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự an toàn hàng hải trên Ấn Độ Dương, giúp ích cho quan hệ thương mại của Trung Quốc với Trung Đông và châu Phi”.
H.Bình (Theo VOR, BBC) 

‘Lợi ích cá nhân có thể chi phối lá phiếu’

Trong lúc Quốc hội Việt Nam sắp sửa có đợt đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp cao của đất nước, một vị dân biểu nói với BBC ông ‘rất lo lắng cho kết quả cuối cùng’.
Nói với BBC từ Hà Nội, nơi ông đang tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa 13 hôm thứ Hai ngày 20/5, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói các quan hệ có dính đến lợi ích có thể ‘chi phối phần nào lá phiếu.
Trong kỳ họp kéo dài hơn một tháng này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và tiến hành đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam các lãnh đạo chóp bu như chủ tịch nước, thủ tướng, các phó thủ tướng, các vị bộ trưởng bị đưa ra cho Quốc hội đánh giá.
Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam có rất nhiều bỡ ngỡ trong việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm
Lo ngại
“Băn khoăn của tôi cũng như dư luận xã hội là làm sao cho kết quả cuối cùng chính xác đúng lòng dân và đúng thực tế," ông nói.
"Nếu hiệu ứng cuối cùng không tác động đến dư luận xã hội và người dân không đồng thuận thì đó là thử thách lớn nhất của Quốc hội," ông nói thêm.
Ông đưa ra dẫn chứng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng lấy ý kiến tín nhiệm nhưng kết quả cuối cùng là 'hòa cả làng chả giải quyết được gì cả'.
Khi được hỏi về lo lắng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng qua những phát biểu mới đây về sự ‘công tâm, khách quan’ của các đại biểu Quốc hội qua lá phiếu tín nhiệm của mình, đại biểu Quốc cho rằng quan ngại này là ‘có cơ sở’.
"Quan hệ xã hội là hiện thực xã hội mà chúng ta không thể không thừa nhậ̣n. Tập tính con người Việt Nam là cả nể lẫn nhau, cảm tính là chủ yếu," ông giải thích một số yếu tố có thể làm kết quả lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm bị sai lệch.
Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ quan ngại về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sắp tới
"Ngay cả những quan hệ xã hội gắn liền với lợi ích cũng sẽ chi phối phần nào (lá phiếu)," ông nói thêm và cho biết Quốc hội cũng đã có tính đến việc 'chạy phiếu'.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 13/5 ngay sau khi Trung ương Đảng vừa bầu bổ sung Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, điều đó cần hết sức quan tâm để làm sao thực hiện lấy phiếu cho chính xác."
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ quan ngại các đại biểu Quốc hội có thực sự ‘công tâm, khách quan’ với lá phiếu của mình hay không.
‘Thiếu giám sát của dân’
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Dương Trung Quốc, là trong cơ chế hiện nay các đại biểu Quốc hội 'không chịu sự giám sát trực tiếp của cử tri bầu ra mình'.
Đại biểu Quốc đề xuất 'phải công khai ai bầu cho ai thì người dân mới biết đại biểu mình bầu ra có làm hợp với ý mình hay không'.
"Nếu chỉ nhấn nút trong hệ thống điện tử thì tính công khai rất bị hạn chế," ông nói.
Ông giải thích rằng mặc dù việc bỏ phiếu kín có thể đảm bảo khách quan khi đối tượng bị bỏ phiếu không biết ai đã bất tín nhiệm mình nhưng điều bất lợi là người dân không giám sát được hành vi bỏ phiếu của vị đại biểu đại diện cho họ.
Ông cho biết đến giờ các đại biểu Quốc hội đã nhận được văn bản từ các chức danh sẽ được đưa ra đánh giá tín nhiệm. Tuy nhiên, chỉ với thông tin như thế sẽ ‘không hoàn toàn đầy đủ’, ông nói.
“Qua cảm tính cũng không chính xác,” ông nói thêm.
“Đánh giá một con người cũng không phải đơn giản. Anh phải có đầy đủ thông tin và có quan điểm cá nhân.”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị nhiều người chỉ trích
“Lần đầu tiên nếu hiệu ứng cuối cùng không tác động đến dư luận xã hội, nếu người dân không đồng thuận thì đó là thử thách lớn nhất của Quốc hội chứ không phải ở các vị bị lấy phiếu,” ông nói.
Lấy phiếu và bỏ phiếu
Theo trình tự đánh giá tín nhiệm đã được Quốc hội thông qua thì công việc này sẽ trải qua hai giai đoạn là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ và ‘bỏ phiếu tín nhiệm’.
Lấy phiếu tín nhiệm là đưa ra bàn cân để xem một vị nào đó được tín nhiệm cao hay thấp, còn bỏ phiếu tín nhiệm là quyết định vị đó có còn được tín nhiệm để tiếp tục tại vị hay không.
Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu một vị nào đó bị hơn 2/3 hoặc hơn một nửa số đại biểu Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hai lần liên tiếp, thì vị đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.
Tuy nhiên Quốc hội cũng dự trù người bị lấy phiếu tín nhiệm có mức tín nhiệm quá thấp thì có thể xin từ chức ngay không phải đợi đến bỏ phiếu tín nhiệm.
Quốc hội cũng đã tính đến việc chuẩn bị phương án nhân sự thay thế một khi một chức danh nào đó được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm dường như sẽ cho Quốc hội lần đầu tiên có quyền quyết định vấn đề nhân sự lãnh đạo của đất nước vốn lâu nay thuộc quyền quyết định của Đảng mà Quốc hội chỉ có việc gật đầu phê chuẩn.
Trong dư luận rộng rãi có nhiều ý kiến bất mãn với thành tích điều hành kinh tế xã hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc của một số nhân vật trong nội các của ông như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Tuy vậy, giới quan sát tin rằng vị thế của Thủ tướng Việt Nam đã vững mạnh hơn sau Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản hồi đầu tháng.
(BBC)
 

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Chọn đại sứ du lịch là trò vô bổ

“Cho đến nay, cái gì cũng được phong Đại sứ thì các Đại sứ thật của ngành ngoại giao sẽ làm gì? Ở đâu? Hiện nay chúng ta thiếu chế tài, thiếu văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc này, nên mới có sự lạm dụng đến mức đáng sợ”, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Chúng ta đang quá lạm dụng danh từ “Đại sứ”
Theo thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, ngành ngoại giao còn chưa lên tiếng, chưa phê phán nên chưa nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp xoay quanh danh hiệu đại sứ du lịch (ĐSDL) này. Cho đến nay, cái gì cũng được phong Đại sứ thì các Đại sứ thật của ngành ngoại giao sẽ làm gì? Ở đâu? Hiện nay, chúng ta thiếu chế tài, thiếu văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc này, nên mới có sự lạm dụng đến mức đáng sợ.
Thứ trưởng cho biết: “Đại sứ du lịch còn có nhiều cái trớ trêu, danh từ Đại sứ bị lạm dụng, bởi vì hàm Đại sứ là hàm rất vinh dự của cán bộ ngành ngoại giao, có thể nói đây là hàm cao nhất, và có luật định, có nghị định về hàm cấp ngoại giao”.
Bên cạnh đó, theo thứ trưởng, danh từ Đại sứ lâu nay bị hiểu lầm và bị lợi dụng quá nhiều, Đại sứ thiện chí, Đại sứ hòa bình, Đại sứ tình thương… vô số hình thức Đại sứ. Mà chúng ta chưa hình dung ra Đại sứ ở nước ngoài rất được trân trọng.
Danh từ Đại sứ ở nước ra đang dành cho những việc không xứng đáng với tầm của danh hiệu. Chúng ta dùng danh từ Đại sứ để gắn cho một vài nhân vật có lợi ích cho xã hội. Như Đại sứ thiện chí đem tiếng nói hòa bình, đem tinh thần đoàn kết dân tộc đến với mọi người, mọi quốc gia và những người làm công việc này thường là những nhà khoa học lớn, những người có tên tuổi.
“Đây là danh hiệu rất đáng trân trọng, rất vinh dự của những người làm công tác ngoại giao, và hàm Đại sứ là do chủ tịch nước phong tặng. Đối với cán bộ cấp cao của ngoại giao được phong hàm Đại sứ cũng là danh hiệu mang suốt đời”, thứ trưởng khẳng định.
Cựu ĐSDL Việt Nam Lý Nhã Kỳ
Cựu ĐSDL Việt Nam Lý Nhã Kỳ
Phong hàm Đại sứ du lịch là phạm luật
Theo Thứ trưởng, bây giờ, tự nhiên ở đâu ra danh hiệu ĐSDL, cũng không hiểu ĐSDL để làm gì, để nói ĐSDL quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra bên ngoài thì một con người không đủ, còn chưa nói con người đó là ai, phẩm chất đạo đức, tư cách là cái gì, ảnh hưởng của họ đến xã hội, đến đời sống thực tế của quốc gia, sở tại như thế nào.
Thứ trưởng bức xúc: “Ai là người kí quyết định phong hàm Đại sứ du lịch, vì trong quy định của chúng ta hàm Đại sứ là do chủ tịch nước bổ nhiệm, Đại sứ là hàm ngoại giao cao nhất. Vậy ĐSDL ai nghĩ ra, ai là người kí quyết định bổ nhiệm. Hoàn toàn không đúng về chức năng, nhiệm vụ”.
Mặt khác, thứ trưởng cũng đưa ra những nhận định riêng của mình về việc bầu chọn ĐSDL: “Đây cũng là một trò chơi, không đem lại hiệu quả và thực tế lợi dụng những cái đó để lấp đi những cái yếu kém thực tế của sản phẩm du lịch không tốt”.
Theo quan điểm của thứ trưởng thì tuyên truyền viên du lịch, hướng dẫn viên du lịch là những người kiến thức du lịch còn nhiều hơn ĐSDL. Tiêu chí của ĐSDL gồm những tiêu chí gì? Nào là có học thức, học vấn, là người công chúng có ảnh hưởng, đó có phải là tiêu chí để quảng bá hình ảnh đất nước không? Tất cả tiêu chí mang tính cá nhân, không mang tính chất quốc gia, tuyên truyền hình ảnh đất nước ra nước ngoài, thông qua một con người điều không thể.
Quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài chúng ta không dùng ĐSDL, chúng ta thông qua các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, giao lưu, trao đổi, hội thảo bằng những nét đẹp cụ thể, bằng những thực tế đất nước ta có. ĐSDL làm chức năng, nhiệm vụ gì?
Bầu chọn ĐSDL là một trò chơi vô bổ
Thứ trưởng thẳng thắn: “Đây là cuộc bầu chọn trên thế giới chỉ có duy nhất Việt Nam có. Tôi cho rằng ai nghĩ ra bình chọn ĐSDL, trước hết vi phạm quy chế ngoại giao, vi phạm quy định về hàm cấp ngoại giao”.
Ngoài ra là những thí dụ điển hình thực tế, chúng ta đã từng có những hoa hậu nhầm về lịch sử, nhầm về địa danh, lẫn lộn về văn hóa dân tộc, thì làm sao một người có thể quảng bá hình ảnh đất nước, ĐSDL giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển không có, đây là chuyện hoàn toàn ảo tưởng.
“Bầu chọn ĐSDL là một trò chơi vô bổ, không có ý nghĩa, vì ĐSDL không thể thực hiện được mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài”, thứ trưởng cho biết.
Chúng ta thử đặt câu hỏi, Đại sứ sẽ làm gì? Đại sứ là người đại diện, người thay mặt cho quốc gia đến một quốc gia khác, hiện nay là mượn danh hiệu này rồi phong lung tung.
“Tôi cho rằng, cựu ĐSDL của nước ta Lý Nhã Kỳ với những scandal của cô đã đủ là bài học rất thiết thực để cho Bộ văn hóa, đặc biệt người đã  đưa ra ý tưởng bầu chọn ĐSDL. Không làm gì khác để thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch Việt Nam mà cứ ngồi mà chờ hoạt động của ĐSDL cũng chẳng khác gì ngồi gốc cây chờ sung rụng”, Thứ trưởng khẳng định.
Ngoài ra, thứ trưởng còn đưa ra những kế hoạch, giải pháp cần làm trong thời gian tới. Theo quan điểm của Thứ trưởng: “Nên tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Hơn ai hết người đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài là chính những du khách đã đến Việt Nam, họ là người tuyên truyền, đánh giá, đưa hình ảnh du lịch nước ta ra nước ngoài hiệu quả nhất”.
Tại sao lại không nghĩ ra những giải pháp quảng bá du lịch hiệu quả: “Một du khách đến Việt Nam và trở về với ấn tượng tốt đẹp thì họ có thể quảng bá hình ảnh hiệu quả gấp 10 lần người Việt Nam tự quảng bá, chưa nói ĐSDL đầu tiên đã làm được gì cho du lịch Việt Nam”, thứ trưởng nói.
Thanh Huyền thực hiện
(Đất Việt)

Việt nam: Chọn kinh tế hay nhân quyền?

Việt Nam nên làm gì và làm như thế nào để có thể cân bằng một cách tốt nhất trước những thử thách mà nước này đang đối mặt: sức mạnh của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và của Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên-Thái Bình Dương (TPP)?
Cùng muốn đóng vai trò quan trọng trong tương lai kinh tế của khu vực Châu Á–Thái Bình Dương, cả hai hiệp định đều mang tính thử thách cao vượt ra ngoài những vấn đề cơ bản liên quan tới thương mại, kinh tế mà Hà Nội đã từng gặp trước đây.
Tuy khá giống nhau về nội dung tự do hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế, nhưng thực chất hai hiệp định này lại mang tính đối lập vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn khẳng định sức mạnh của họ trong khu vực.
Việt Nam tham gia cả RCEP lẫn TPP và ngày càng muốn cân bằng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Việt Nam vừa muốn phát triển kinh tế, vừa không muốn nới lỏng vấn đề nhân quyền
Trung Quốc và RCEP
RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership)
Được bàn thảo từ 2006, nay RCEP bao gồm 16 quốc gia trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương
Các thành viên gồm 10 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Miến Điện, Campuchia), Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và
Úc (gọi tắt là ASEAN+6)
    RCEP không có sự hiện diện của Hoa Kỳ
Mục đích của RCEP là củng cố thêm hiệp định tự do Thương mại trong khối ASEAN lẫn các quốc gia không nằm trong khối nhằm cân bằng và tạo thêm sức ảnh hưởng lên các hiệp định thương mại này.
RCEP có thể giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam vượt xuyên ra khu vực châu Á–Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Hà Nội thường xuyên có những mối lo ngại lớn hơn về mặt chiến lược đối với sự áp đảo ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt các vụ tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Gần đây Hà Nội đã hoan nghênh tiếp nhận những lời đề nghị mang tính hợp tác từ phía Hoa Kỳ, nhưng những bước tiến này vẫn chưa đủ mạnh đến mức có thể làm Trung Quốc phiền lòng.
Nếu không có sự đối trọng đến từ Hoa Kỳ, Việt Nam có thể sẽ mắc phải sự chi phối kinh tế từ Bắc Kinh, đặc biệt khi Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ lượng hàng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ và TPP
Với Hà Nội, tầm quan trọng của TPP không thể xem nhẹ vì nó sẽ giúp mở rộng thêm nhiều cơ hội kinh tế đối với Việt Nam và đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới bên kia Thái Bình Dương.
TPP cũng bao gồm nhiều thành viên RCEP, nhưng quy mô rộng lớn của TPP đòi hỏi các nước thành viên đầu tiên phải giải quyết những khác biệt trước khi nêu ra bất kỳ mối quan ngại nào trong các vòng đàm phán TPP, bao gồm cả việc bảo vệ và nâng cao các điều luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
TPP (Trans-Pacific Partnership)
    TPP là Hiệp định Tự do Thương mại do Hoa Kỳ chủ xướng
    với mục đích hội nhập các nền kinh tế
    thuộc 12 quốc gia Xuyên-Thái Bình Dương
    Khởi đầu là TPSEP, gồm bốn
    thành viên sáng lập hồi 2005 là Brunei, Chile, New Zealand, Singapore. Tới 2010 TPSEP được đề xướng mở rộng thành TPP, với các nước đang đàm phán tham gia là Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, Peru, Hoa Kỳ, và Việt Nam
    TPP không có sự tham gia của Trung Quốc
Tuy nhiên, điều có lợi cho nhân dân Việt Nam thì chưa hẳn đã thuận ý các lãnh đạo chóp bu tại nước cộng sản này, nhất là khi TPP có thể bao gồm các điều khoản liên quan đến nhân quyền làm điều kiện gia nhập.
Cho đến giờ phút này, Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về những yếu kém liên quan đến hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam.
Đây cũng chính là lý do khiến đối thoại nhân quyền thường niên năm 2012 giữa Washington và Hà Nội bị trì hoãn. Mặc dù Washington có thúc ép tới đâu thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn ngày càng xấu đi kể từ khi nước này được gia nhập vào WTO hồi năm 2007.
Việc này được thể hiện qua các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, bloggers, và những nhân vật sinh hoạt chính trị ôn hòa có ý kiến trái chiều với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cải thiện nhân quyền
Để rút ngắn khác biệt giữa hai nước, Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng việc yêu cầu Việt Nam cải cách những điều khoản cơ bản về luật lao động, bao gồm cả việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập không bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam.
TPP có khả năng sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan tới quyền lao động, mặc dù cho đến nay TPP vẫn chưa chính thức cam kết thiết lập quy chuẩn lao động và cơ chế thi hành.
TPP có thể giúp VN đẩy mạnh việc xuất khẩu sang bên kia Thái Bình Dương
Thậm chí nếu Hà Nội không tham gia vào TPP, Hoa Kỳ vẫn có thể yêu cầu Việt Nam thể hiện ý định cải cách, bắt đầu bằng việc cho phép công nhân có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn và thương lượng tập thể.
Hiện vẫn chưa rõ sự khác biệt về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào nhưng có một số nhượng bộ mà lãnh đạo Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng, bao gồm cả việc thả một số nhân vật bất đồng chính kiến và nới lỏng chính sách kiểm duyệt Internet.
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cần phải vượt qua thử thách về nhân quyền và tìm cách dung hòa với Hoa Kỳ nhưng rất khó để họ nới lỏng hệ thống kiểm soát chính trị chặt chẽ hiện nay nhất là đối với những ý kiến bất đồng mang tính tổ chức.
Nếu việc cải cách diễn ra quá mạnh mẽ, Đảng Cộng sản có thể vô tình làm tăng thêm sức mạnh cho các nhà hoạt động dân chủ và những tiếng nói phản biện hay đối lập.
Nhưng nếu Đảng Cộng sản không thực sự cải cách hoặc quá trình cải cách không mang lại hiệu quả như mong đợi thì Việt Nam đứng trước khả năng đánh mất cơ hội gia nhập TPP.
Sửa đổi luật lao động có thể chỉ là bước khởi đầu trong các vòng đàm phán.
Khi các thỏa thuận của TPP được thực hiện, có khả năng rất lớn rằng các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như nhiều nhóm vận động khác nhau sẽ lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị bị cáo buộc bởi các điều khoản mập mờ như “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Nếu Hoa Kỳ tạo sức ép quá mạnh về những vấn đề liên quan đến nhân quyền, Việt Nam có thể rút khỏi TPP.
Nhưng nếu Hoa Kỳ đặt chính sách hợp tác kinh tế thương mại lên trên những nguyên tắc cơ bản về dân chủ và nhân quyền thì chính phủ của Tổng thống Obama có thể phải đối mặt với nhiều phản đối từ Quốc hội cũng như các nhóm bảo vệ nhân quyền.
Quyền lợi quốc gia
VN đã bắt bớ các nhà báo, bloggers, và những người ý kiến trái chiều với Đảng CS
Lựa chọn các hiệp định kinh tế thương mại để phát triển đất nước nhất thiết phải đặt lợi ích kinh tế, chính trị và con người trên tất cả các lợi ích của bất cứ một nhóm cá nhân hay tổ chức nào.
Nhân quyền là điểm khác biệt quan trọng giữa TPP và RCEP, vì RCEP không kèm theo bất cứ yêu cầu nào liên quan đến chính trị để làm điều kiện đầu tiên khi gia nhập.
Tuy nhiên, trong lúc Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông thì điều một nước nhỏ như Việt Nam cần hướng đến là một nền kinh tế không bị lệ thuộc và một đồng minh đủ tin tưởng hoặc ít nhất là đủ mạnh để hỗ trợ cho mình.
Hà Nội đã hé lộ trong các mối quan hệ chiến lược rằng Việt Nam đang cần Hoa Kỳ để đối trọng lại sức ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của nước láng giềng đầy tham vọng phương Bắc.
Tuy nhiên, để tiến tới mối quan hệ toàn diện thì không thể bỏ qua yêu cầu của Hoa Kỳ về một số cải cách quan trọng liên quan tới nhân quyền, điều mà các lãnh đạo Việt Nam đã cố tình cưỡng lại kể từ khi gia nhập WTO hồi năm 2007.
Có thể thấy rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường và việc lựa chọn không hề dễ dàng.
Nhưng để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc và duy trì sự sống còn của mình, liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam còn lựa chọn thông minh nào khác hơn là việc nới lỏng một số quyền kiểm soát chính trị theo những gì người dân đáng được hưởng?
Bài viết bày tỏ quan điểm riêng của hai tác giả.
Luật sư Vũ Đức Khanh và ông Võ Tấn Huân
Gửi cho BBC từ Canada
(BBC)
 

Thỉnh nguyện thư kêu gọi phóng thích Phương Uyên và Nguyên Kha

Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án 6 năm tù đối với Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công Nghệ Thực phẩm TPHCM, và 8 năm tù đối với Đinh Nguyên Kha, sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An.
Một thỉnh nguyện thư do Các Công dân Tự do khởi xướng và phổ biến và phổ biến trên mạng internet kêu gọi phóng thích hai nhà hoạt động chống Trung Quốc và chống sự cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam thu hút sự ủng hộ của đông đảo người Việt trong và ngoài nước.
Tính tới chiều tối ngày 20/5 đã có trên một ngàn người tham gia ký tên.
“Tuyên bố - Sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không có tội” nêu rõ bản án 14 năm tù tổng cộng dành cho Uyên và Kha hôm 16/5 về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì các hoạt động cổ xúy dân chủ-tự do là “thiếu căn cứ pháp lý và vi hiến”.
Cô Phạm Thanh Nghiên từ Hải Phòng, một trong những người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố, cho biết lý do cô tham gia:
“Tôi tham gia ký tên vào bản Tuyên bố này. Trước tiên, tôi xác định rằng Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là những bạn trẻ yêu nước và đồng chí hướng với tôi và nhiều người đang đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền khác. Tôi thấy đó là bổn phận và trách nhiệm phải ủng hộ hai bạn. Tôi muốn qua việc làm rất nhỏ là ký tên vào đây để thể hiện sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết của những người tranh đấu đối với việc làm của hai bạn. Rõ ràng điều 88 Bộ Luật hình sự của CHXHCN Việt Nam luôn là cái thòng lọng để giăng vào cổ bất kỳ ai dám bày tỏ chính kiến về tự do-dân chủ-nhân quyền, nhất là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ trước họa xâm lăng, gây hấn của Trung Quốc. Nếu theo dõi vụ án của Uyên và Kha sẽ thấy rất vi hiến vì điều 88 là điều luật rất mơ hồ mà nhà nước cộng sản Việt Nam dùng để đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những nhân vật bất đồng chính kiến.”
Từ Bình Dương, ký giả tự do Trương Minh Đức chia sẻ cảm nghĩ khi ký tên vào Tuyên bố Phương Uyên và Nguyên Kha vô tội:
“Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam và chống đảng cộng sản tham nhũng, những đặc quyền tham nhũng xâm hại đến đất nước. Chống một đảng phái chính trị biểu hiện quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi điều 69 Hiến pháp Việt Nam và điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết. Việt Nam kết hai sinh viên yêu nước này tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự là không có căn cứ pháp lý nào. Bản án này rất phi lý. Hai sinh viên này không có tội.”
Liệu bản Tuyên bố này sẽ tạo được một tác dụng cụ thể nào đối với bản án của hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha hay không?
Nhà báo Minh Đức cho rằng:
“Nó có tác dụng đích thực nào thì cũng do tiếng nói của đồng bào trong và ngoài nước cũng như sự ủng hộ của các nước yêu chuộng tự do dân chủ và những quốc gia đang làm ăn với Việt Nam ủng hộ để gây áp lực đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”
Người ký giả từng bị cầm tù vì các hoạt động cổ xúy dân chủ này nói cộng đồng quốc tế cần phải ngăn cản không để Việt Nam có được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc giữa lúc chính phủ Hà Nội vẫn tiếp tục mạnh tay trấn áp nhân quyền của người dân.
Các Công dân Tự do kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, đồng thời đấu tranh vận động quốc tế đòi trả tự do cho hai nhà hoạt động trẻ.
Hoa Kỳ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng phản đối bản án của Uyên và Kha và yêu cầu Hà Nội phóng thích các nhà hoạt động cổ xúy cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
Trà Mi
(VOA)

Về nhân sự mới ở Bộ chính trị

Bộ chính trị đảng cộng sản Việt nam có nhân sự mới sau hội nghị trung ương lần thứ 7. Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Tường, Khoa chính trị học, Đại học Oregan, Hoa Kỳ.

000_Hkg8602373-305.jpg
Thành phần lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước khai mạc kỳ họp Quốc Hội tại Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 2013. AFP photo
Kính Hòa: Chào Tiến sĩ Vũ Tường, nhân có sự thay đổi của Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt nam, Tiến sĩ có nhận định gì về sự thay đổi này hay không?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi không có nhận định gì nhiều, tin tức vẫn ít ỏi. Theo tôi thì cũng không có gì quan trọng. Có vẻ phe ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đưa hai người của họ vào Bộ chính trị là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ, nhưng không được, thì coi như là họ thất bại trong việc tăng cường sự kiểm sóat của Đảng đối với chính phủ, đặc biệt là phe ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kính Hòa: Theo một nhà quan sát từ Australia là ông Carl Thayer thì nhân vật mới là ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào để nói chuyện với phương tây dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Vũ Tường: Ngày trước khi ông ấy lên làm Phó Thủ tướng hay là khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ Tướng, người ta cũng nói thế. Nhưng thực tế chính trị Việt nam nó không như vậy. Ông Nhân thì đúng là có học ở Mỹ, khả năng giao tiếp tốt hơn nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ với phương tây sẽ tốt hơn.
Kính Hòa: Thế còn vai trò của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một phụ nữ từ miền nam?
Tiến sĩ Vũ Tường: Bà Ngân là một ẩn số lớn hơn ông Nhân. Cho tới giờ này vẫn không thấy bà ấy có một sự ủng hộ chính trị đặc biệt nào ở các cơ cấu quyền lực của Việt Nam ví như các địa phương, các bộ, quân đội, công an hay các ban đảng. Tôi nghĩ bà ấy có thể thay đổi tình thế trong một cương vị mới ví như ban bí thư chẳng hạn, nhưng chúng ta cần chờ xem.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng vì bà Ngân từng nắm bộ Thương binh xã hội, nên có quan hệ tốt với các cựu chiến binh, và do đó cần vai trò của bà chăng?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi thì không nghĩ như vậy, vì bộ đó lớn lắm mà lại không quan trọng, bà chỉ nắm trong thời gian ngắn và cũng chẳng có chính sách gì đặc biệt. Còn cái tôi nói về vai trò của ông Nhân khó thể thay đổi quan hệ với phương tây là vì chúng ta phải chờ xem ông làm chức vụ gì trong thời gian từ đây đến đại hội đảng, Bộ Ngọai giao thì do con ông Nguyễn Cơ Thạch nắm, khó có thể đẩy đi, do đó ông không thể đóng vai trò như ông Phạm Gia Khiêm trước đây được, vừa là phó thủ tướng vừa là bộ trưởng Ngoại giao. Mà ông cũng không có tham vọng, lẫn cơ sở chính trị trong đảng để  nhận một chức vụ quá lớn như Thủ Tướng. Có tin đồn là có thể ông trở lại TP HCM làm bí thư để ông Lê Thanh Hải ra trung ương, nhưng đó chỉ là tin đồn.
Kính Hòa: Bộ ngọai giao quan trọng như vậy nhưng vị bộ trưởng lại không phải ủy viên bộ chính trị.
Tiến sĩ Vũ Tường: Đó là đặc biệt ở Việt Nam, các chính sách ngọai giao lớn đều do Bộ chính trị và ban bí thư quyết định, ngay từ thời ông Lê Duẩn đã vậy. Chỉ có ông Nguyễn Cơ Thạch vào thời kỳ bắt đầu đổi mới thì ông làm nổi lên được Bộ ngọai giao, còn lại thì những nhân vật nắm đường lối ngọai giao là Tổng bí thư hay là trưởng ban đối ngọai trung ương.
Kính Hòa: Trở lại ý kiến ban đầu là với sự việc ông Nguyễn Bá Thanh không được vào Bộ chính trị, cho nên sự kiểm sóat của đảng đối với chính phủ sẽ yếu đi thì đó là tốt hơn?
Tiến sĩ Vũ Tường: Ông Nguyễn Bá Thanh không vào bộ chính trị thì sự kiểm sóat của đảng đối với bên chính phủ sẽ yếu đi. Tôi cho đó là sự tự nhiên từ khi đổi mới đến giờ, bên chính phủ kiểm sóat nguồn tiền bạc, chi phí và bên đảng ngày càng yếu đi.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối là gần đây GS Đòan Viết Họat có nói rằng nếu trong thời gian ba năm tới đảng cộng sản còn muốn tiếp tục lãnh đạo thì họ phải cho phép dân chủ, ít nhất là về mặt hình thức?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi nghĩ là Đảng cộng sản Việt Nam chưa cho phép dân chủ xảy ra. Điều đó nó nằm ngòai những gì mà chúng ta biết về họ, về lịch sử của họ, và do đó họ sẽ làm mọi cách để không cho điều đó xảy ra.
Kính Hòa: Xin cám ơn anh và chúc anh dồi dào sức khỏe.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-05-20
 

Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành Tổng Thống Việt Nam?

Thêm chú thích
Nắm Trung ương đảng, nắm công an, nắm những đại công ty, ngân hàng trong tay, những yếu tố đó cho phép Nguyễn Tấn Dũng nghĩ đến ghế Tổng thống. Và mô hình Tổng thống chế kiểu Nga Sô là khả thi. Putin dùng KGB để siết chặt dân chúng, dùng nhà tù để ổn định xã hội, ông Dũng đã có bọn công an ác ôn, côn đồ còn hơn cả KGB...

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VP quốc hội khẳng định: Việc đổi tên nước sẽ được trình lên quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào ngày 20/5 tới. Theo đó, hai phương án đổi tên nước đã được Ủy ban thường vụ QH chốt lại là giữ nguyên tên nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hoặc đổi sang tên gọi cũ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (VNDCCH). Nếu giữ nguyên tên “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thì trình lên quốc hội để đổi tên nước làm gì? Vì vậy việc đổi tên nước trở lại “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là một suy luận hữu lý và có nhiều khả năng xảy ra.
Đổi tên nước là việc hệ trọng, báo hiệu cho việc thay đổi chính trị, ít nhất về mặt thể chế. Với quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam có thể theo Tổng Thống Chế, như Nga Sô, để thay thế tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đang bị toàn dân chối bỏ, lên án. Với phương án nầy, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là nhân vật có tiềm năng và thích hợp nhất trong phe cộng sản.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã thoát hiểm trong hội nghị trung ương 6, không bị kỷ luật, điều mà đa số đoán sẽ phải xảy ra. Sau hội nghị 6 ông đã “vận công trị thương”, chỉnh đốn lại tay chân bộ hạ, loại bỏ những tên “bất trung”,” cơ hội”, rà soát lại cơ quan công an để nắm vững bộ phận nầy trong chiến lược nắm chắc phần an ninh trong mục tiêu kế tiếp của mình.
Trong hội nghị 7 ông lại thắng thêm một bàn ngoạn mục, đưa hai nhân vật thân tín của mình là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị, nơi mà trước đó nhiều người dự đoán sẽ lọt vào tay ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính và ông Vương Đình Huệ là trưởng ban kinh tế trung ương. Hai người nầy được Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị, đưa vào vị thế phải được cơ cấu vào Bộ Chính Trị.
Tưởng cũng cần nhắc lại là trong lần bỏ phiếu quyết định kỷ luật nầy 129 trong tổng số 175 ông trong Ủy viên trung ương không chấp nhận việc kỷ luật ông Dũng. Điều đó cho thấy đa số Trung ương đảng ủng hộ ông Dũng với những lý do mà chúng ta không biết được. Có thể họ muốn Việt Nam cần phải nới rộng hơn về tự do, dân chủ cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, hoặc để giảm bớt áp lực quốc tế về nhân quyền, hoặc do động cơ phong bì như một số tin trong nước đồn đoán, hoặc bao gồm tất cả, đa phần những lý do nêu trên. Nhưng rõ ràng ông Dũng nắm được Trung ương đảng, một cơ quan quyền lực nhất, quyết định những chính sách của đảng cộng sản Việt Nam. Nói nôm na là ông Dũng nắm đảng dù ông Nguyễn Phú Trọng trên danh nghĩa là Tổng Bí thư.
Trong nhiều năm nay ông Dũng ra sức tạo ra những công ty quốc doanh với tầm cỡ lớn và đưa tay chân, thân tín mình điều khiển. Bên cạnh đó ông cho lập ra những công ty tư nhân mà ai cũng biết đó là những người có liên hệ thân tộc, hoặc thân nhân những cán bộ cao cấp trung thành với ông lập ra. Những công ty, cá nhân đó biến thành nhóm lợi ích. Họ ra sức lợi dụng chức quyền, cơ hội, sự lỏng lẻo của luật kinh tế, vơ vét về cho nhóm họ biết bao nhiêu tỷ đô la, tạo ra cuộc sống vương giả cho phe nhóm và con cái họ mà bỏ lơ vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục khiến đời sống người dân càng lúc càng cơ cực.
Có thể ban đầu họ làm vì lòng tham mà không thấy được sức mạnh tích sản mà họ có, cho đến khi họ đối diện với hội nghị 6, tiếp theo là hội nghị 7. Có thể đồng tiền đã cứu ông Dũng và phe nhóm, nếu vậy tại sao lại không sử dụng sức mạnh tài sản đó để xây dựng thêm quyền lực, bảo vệ chính họ và số tiền bất chánh mà họ kiếm được?
Nắm Trung ương đảng, nắm công an, nắm những đại công ty, ngân hàng trong tay, những yếu tố đó cho phép Nguyễn Tấn Dũng nghĩ đến ghế Tổng thống. Và mô hình Tổng thống chế kiểu Nga Sô là khả thi. Putin dùng KGB để siết chặt dân chúng, dùng nhà tù để ổn định xã hội, ông Dũng đã có bọn công an ác ôn, côn đồ còn hơn cả KGB.
Khi trở thành Tổng thống, một hiến pháp mới do những đảng viên "đại diện dân" bầu viết ra với sự kiềm chế, đạo diễn của đảng/chính phủ, sẽ minh định không có việc trả thù, không hồi tố những sai lầm trong thời gian qua. Quyền tư hữu được hiến pháp minh định, tài sản của họ được hiến pháp bảo vệ. Vững như bàn thạch!
Sau vài lần làm Tổng thống, người khác sẽ được bầu lên và số tiền khổng lồ họ có vẫn giữ vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử. Điều nầy đã thấy ở các nước tự do, dân chủ như Mỹ và Tây Âu. Họ có thể tiếp tục thắng cử, Việt Nam sẽ thay đổi theo bước đi con rùa bò mà họ muốn, cho dù nhân dân vẫn nghèo đói, rên siết.
Kịch bản đó có thể thất bại nếu:
1- Trong nước:
Các tổ chức, những nhân vật tranh đấu, những người cộng sản phản tỉnh cùng nhau kết hợp lại để tạo một lực đối kháng có tầm cỡ. Từ đó tạo áp lực loại bỏ dần chế độ cộng sản và nhà cầm quyền do chế độ đó dựng lên. Chuyện nầy không dễ, nhưng không khó nếu mọi tổ chức, cá nhân đều đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết trong khi làm việc với nhau và họ dám hy sinh cho đất nước.
Theo thiển ý người viết, những tôn giáo trong nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc dân chủ hóa đất nước. Tiếng nói của quí vị lãnh đạo tinh thần trong một số trường hợp, là mệnh lệnh đối với giáo dân của họ. Đa số người Việt Nam có theo tôn giáo, lời kêu gọi từ những vị lãnh đạo của họ nếu bắt đầu cùng lúc, cùng mục tiêu, thì sức mạnh của khối đa số nầy sẽ là sức mạnh của dân tộc, sẽ làm rung chuyển, đưa đến sự tan rã của chế độ cộng sản dù họ có mạnh đến đâu.
Bộ máy công an, cảnh sát không thể nào đàn áp được một đại khối như vậy. Lại nữa khi toàn dân đứng lên, chính họ phải run sợ cho bản thân và gia đình của họ, họ sẽ không dám đàn áp dù có lệnh từ bất cứ ai. Họ bảo vệ sinh mạng họ và gia đình họ trước hết, trước cơn sóng thần lịch sử.
Quí vị lãnh đạo tinh thần, những nhà tranh đấu đều biết, biết rành, và biết nhiều về vấn đề nầy. Uẩn khúc nào mà quí vị chưa làm? Dân tộc đang từng giờ ngóng chờ quyết định của quí vị.
Tôn giáo xuất phát từ dân tộc, khi dân tộc lâm nguy, tôn giáo có trách nhiệm.
2- Ở hải ngoại:
Tình trạng chia hai xẻ ba của những đảng phái chính trị, hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng gần như vô phương cứu chữa, mà có khi có người còn tìm cách hạ lẫn nhau để tranh giành “hàm danh”. Tình trạng nầy làm tê liệt, hoặc làm suy yếu nghiêm trọng công việc hỗ trợ đồng bào tranh đấu nơi quê nhà, làm xói mòn lòng tin của đồng bào quê nhà với bà con hải ngoại, làm nản lòng người tranh đấu, làm giảm hiệu năng vận động giới trẻ tham gia chống cộng với chúng ta.
Theo thiển ý, mỗi tổ chức có lập trường, có quan điểm, có hoàn cảnh riêng, có cách làm riêng mà họ cho là hữu hiệu; cứ để họ làm miễn là cùng mục tiêu tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho đồng bào quê nhà là được. Dứt khoát thôi chống phá lẫn nhau để sau nầy nếu hoàn cảnh bắt buộc phải ngồi lại với nhau cho giai đoạn tối hậu của đất nước, chúng ta còn có cơ hội ngồi lại với nhau được. Những điều nầy đa số người tranh đấu đều biết lâu rồi đâu là cái lợi, cái hại, nhưng bao nhiêu năm qua chưa làm. Đây là giai đoạn đất nước đang cựa mình quay qua dân chủ thực sự, cầu xin quí vị hãy bắt đầu làm cho kịp với đà tranh đấu trong nước. Mau mau ngồi lại để hỗ trợ cho phong trào dân chủ nơi quê nhà.
Người viết có lần tìm cách thuyết phục các bạn trẻ tham gia vào việc tranh đấu cho tự do, dân chủ nơi quê nhà, đã bàng hoàng khi nghe câu trả lời của người bạn trẻ là: “các bác sao hay chửi nhau trong cuộc họp vậy”. Đây là một phản ảnh của giới trẻ về cung cách của bậc cha chú. Dù đa số chúng ta không rơi vào trường hợp nầy, nhưng không phải không có. Rất may là thiểu số. Xin vui lòng đừng trúc hết bực tức với người có khác cách tranh đấu, nhưng cùng mục tiêu với mình bằng những ngôn ngữ bất xứng.
Những người tranh đấu trong nước chứng tỏ sự can đảm của họ trước bạo quyền, trước sự đánh đập, trước gông cùm của công an. Sự hy sinh của họ quá lớn, quá nhiều cho đất nước. Họ trong sáng, không đòi hỏi, không mong đợi gì cả. Ác độc hơn nữa, nhà cầm quyền cộng sản còn tìm cách triệt tiêu kinh tế, triệt hạ nguồn sống của họ, làm sao họ sống còn mà tranh đấu cho đất nước đây?
Đồng bào trong nước, người Việt hải ngoại hãy mau chóng giúp họ. Làm được việc nầy chúng ta tỏ rõ lòng biết ơn trước sự hy sinh của họ, và làm cho những ai đang sửa soạn dấn thân vào vòng tranh đấu sẽ thấy đồng bào không làm ngơ trước sự hy sinh của họ, cho dù họ không bao giờ mong đợi. hãy bớt chi tiêu một chút thôi để nói lên tấm lòng của chúng ta với người tranh đấu. Sao không chớ!
Người Việt hải ngoại, sau khi trốn chạy khỏi thiên đường xã hội chủ nghĩa, đang sống rải rác trên gần 60 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, đa số là công dân của nước sở tại, quí vị có thể dùng quyền công dân, sức mạnh lá phiếu để yêu cầu chính quyền nước mình lên tiếng phản đối về vi phạm nhân quyền, chà đạp tự do, dân chủ tại Việt Nam. Quí vị có quyền yêu cầu chính quyền nơi cư ngụ đòi hỏi về nhân quyền trong khi thảo luận về thương mại, kinh tế với cộng sản Việt Nam. Chúng ta làm được đều nầy.
Đây là những công việc tối thiểu và cấp bách cho công cuộc tranh đấu để giải trừ chế độ cộng sản, Làm hay không làm, làm được bao nhiêu là tùy quyết tâm của mỗi người.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng
(DLB)

Lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận nguy cơ bất ổn định kinh tế

Chậm trễ giải quyết nợ xấu kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Chậm trễ giải quyết nợ xấu kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Reuters
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Việt Nam hôm nay, 20/05/2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận là “tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn”, do mức tăng tín dụng thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra và việc các ngân hàng phải nỗ lực cắt giảm nợ xấu đang gây tác hại cho mức tăng trưởng. Việt Nam đã đề ra chỉ tiêu tăng 12% tín dụng trong năm nay, nhưng các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn.
Chính phủ Hà Nội vào tuần trước cho biết là trong bốn tháng đầu năm nay, lượng tín dụng chỉ tăng được 2%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm các lãi suất chỉ đạo, nhưng những nỗ lực này đã không góp phần thúc đẩy tăng trưởng do sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn thừa nhận là “ sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn ”, số doanh nghiệp giải thể, phá sản còn rất lớn, trong khi số đăng ký mới thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ghi nhận là “ tái cấu trúc ngân hàng và việc giải quyết nợ xấu còn chậm ”.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm ngoái chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999 . Vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 từ 5,8% xuống còn 5,2%.
Thanh Phương
(RFI)
 

Sự thật giật mình về hòn đá lạ ở Đền Hùng (1)

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức, sự thật về hòn đá lạ ở Đền Hùng đã được phơi bày.
Bắt đầu từ ngày 19/3/2013, rất nhiều bài viết về hòn đá lạ ở Đền Hùng với nghi ngờ đó là vật trấn yểm của người Tàu. Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức đã gửi đến tòa soạn những nghiên cứu của ông về vấn đề này.  

Không phải bùa của Việt Nam
Đại tá Nguyễn Minh Thông - người đặt hòn đá bí ẩn, trong thư gửi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ để giải thích có viết: "Các đạo sĩ cao tăng của Nguyên - Mông đã sang Đền Hùng yểm bùa, nội dung là đánh đổ Đức sáng Vua Hùng. Tôi đã lên kế hoạch tìm một viên đá ngọc xanh để tiếp nhận năng lượng của tinh tú, trời đất nhằm hóa giải bùa yểm của Phương Bắc và mang nhiều tốt lành cho Đền Hùng, cho Phú Thọ và cho các tỉnh khác cũng hưởng phúc này theo năm tháng...".
Trong thư ông còn giải thích: Đây là Trận đồ Bát quái của Phật Tổ Như Lai dựa trên Trận đồ Bát quái của Đức Thánh Trần đánh quân Nguyên - Mông, lấy trong Binh Thư Yếu Lược. Mặt trước, phía trên lá bùa có dấu ấn của Vua Hùng, có các dòng chữ  Phạn là mật chú của Mật tông Ấn Độ nhằm tăng độ linh cho Phật để giải bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân. Vì phải có linh khí của Phật và linh khí của Đức Thánh Trần thì mới đủ mạnh để hóa giải được bùa Phương Bắc và phù hộ cho nhân dân được...".
Trước tiên tôi khẳng định một cách chắc chắn là: Hai lá bùa khắc vẽ trên hai mặt của hòn đá đặt trong Hậu cung Đền Thượng của Đền Hùng, là bùa có xuất xứ từ Trung Quốc, chứ không phải bùa của Việt Nam và hình vẽ trên mặt hòn đá đó là hình vẽ của Trung Quốc, chứ không phải là hình đồ Bát quái của Đức Thánh Trần như trong thư đã nói. Nội dung đích thực của các chữ Hán, chữ Phạn vẽ trên lá bùa khác với nội dung đã giải thích trong thư, cũng không phải để tăng độ linh cho Phật và cho Đức Thánh Trần. Nguyên tắc công dụng của bùa yểm là: Bùa của ai thì phù hộ cho người đó, bùa xấu thì làm hại đất nước và con người ở nơi bị yểm bùa. Bùa của Trung Quốc thì có lợi cho Trung Quốc và có hại cho ta.

Thời vua Hùng dùng chữ Việt cổ - Khoa đẩu
LÁ BÙA Ở MẶT TRƯỚC HÒN ĐÁ. Đây là hòn đá ngọc xanh có hình giống quả xoài, cao 0,83m, kể cả chân đế cao 1,46m. Khẳng định lá bùa vẽ trên hòn đá là lá bùa Trương Thiên Sư của Trung Quốc, lấy trong sách Bao La Vạn Hữu, trang 38, nhà xuất bản Thiên Bảo Lầu, ấn hành năm Ất Hợi-1995 ở Hồng Kông.
Phần trên của lá bùa có khắc một con dấu vuông màu đỏ, có bốn chữ Hán 祖王赐福TỔ VƯƠNG TỨ PHÚC (Vua Tổ ban phúc), ông Thông, người đặt hòn đá bí ẩn này nói đó là con dấu của Vua Hùng. Đây là sự bịa đặt hoàn toàn, báng bổ Tổ tiên và xuyên tạc lịch sử! Vì lúc đó Vua Hùng dùng chữ Việt cổ là chữ Khoa đẩu. Trung Quốc chưa đô hộ nước ta, làm gì có con dấu khắc bằng chữ Hán!?.
Sau khi triều đại Hùng Vương (2878TCN - 258TCN) suy vong, Thục Phán lên ngôi đổi tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, trị vì được 51 năm, tức đến năm 207 TCN, Triệu Đà (256TCN - 136TCN) mới sang xâm chiếm nước ta và mang chữ Hán sang. Người cho khắc bốn chữ Hán trên hòn đá đó là người không thông thạo Hán ngữ. Nếu nói vua ban phúc thì không dùng chữ TỨ , vì ngày xưa nếu cho tiền bằng vỏ sò hoặc vua ban cái chết thì dùng chữ TỨ. Chỉ những người không thông thạo Hán ngữ thì dùng lộn xộn chữ này. Nhưng nếu cho bằng vàng bạc hoặc ban phúc, ban chức tước thì dùng chữ TÍCH .
(còn tiếp)
Tác giả bài viết này nguyên là Ủy viên UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phú. Đã có 9 năm liên tục học Ngoại ngữ, Đại học và Nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, có trên 50 năm nghiên cứu Hán ngữ, Kinh dịch, Địa lý Phong thủy, Tử vi, Bùa chú và Phật giáo, Đạo giáo. Hiện nay là Cố vấn Kinh tế Việt Nam của Tập đoàn Phong Lạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hằng năm có 4 - 5 lần sang Trung Quốc.
(Kiến thức)

Nguyễn Văn Đài - Bản lĩnh và bản lĩnh chính trị – cần lắm thay!

Bản lĩnh và bản lĩnh chính trị – cần lắm thay!
Bản lĩnh là gì?
Bản lĩnh là sự tỉnh táo cùng với ý chí kiên cường, bất khuất của một con người trước mọi hoàn cảnh như bị cám dỗ, dụ dỗ, khích tướng, đe dọa, khủng bố, tra tấn… nói chung là áp lực từ bên ngoài buộc người đó phải thay đổi quan điểm, lập trường.
Bản lĩnh chính trị là gì?
Bản lĩnh chính trị của những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền là sự cương quyết kiên định với những gì chúng ta đang làm – vốn là chính nghĩa, là phù hợp với quyền con người trong Hiến pháp, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật phát triển dân chủ, tiến bộ của xã hội Việt Nam.
Bản lĩnh chính trị của mỗi con người do nhiều yếu tố tạo nên. Yếu tố cơ bản hàng đầu là sự nhận thức đúng đắn của mỗi chúng ta về quyền con người, về khát vọng tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam. Sự cần thiết phải tiến hành đấu tranh chống lại giặc nội xâm – nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, những bất công trong xã hội và hệ thống chính trị lạc hậu, phi dân chủ.
Bản lĩnh chính trị tạo nên sức mạnh, uy tín cho mỗi con người. Nó đảm bảo cho mỗi chúng ta và cả tổ chức vượt qua mọi thử thách, cùng với nhân dân đấu tranh dành quyền tự do, dân chủ và nhân quyền cho mọi người dân.
Sự tấn công, sách nhiễu, thẩm vấn của cơ quan an ninh đối với những người hoạt động dân chủ và nhân quyền sẽ giúp cho mỗi chúng ta có thêm kinh nghiệm, nâng cao được bản lĩnh chính trị. Đó là những thử thách mà mỗi chúng ta phải vượt qua. Chúng ta chỉ có con đường duy nhất là tiến về phía trước và đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bản lĩnh chính trị của mỗi chúng ta không tự nhiên mà có, mà nó được hun đúc, hình thành và thử thách qua thực tiễn đấu tranh. Nó cũng được đúc kết, rút tỉa từ kinh nghiệm của những người đi trước, từ những người bạn, từ những đồng nghiệp của chúng ta.
Tại sao chúng ta cần bản lĩnh, bản lĩnh chính trị?
Không có bản lĩnh chính trị thì sẽ không có gì thay đổi. Nếu thấy tham nhũng, thấy sự lạc hậu và bất công trong xã hội mà chúng ta không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để loại bỏ những điều đó thì xã hội không thể thay đổi và không thể phát triển dân chủ, tiến bộ được.
Nếu chúng ta không có bản lĩnh mà dấn thân vào đấu tranh thì khi bị sách nhiễu, bị bắt giữ, bị thẩm vấn, chúng ta sẽ không giữ được lý tưởng trong sáng và con đường chính nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn. Từ đó đầu hàng, nhận những tội mà mình không có, điều này là tự làm ô nhục bản thân, gia đình, làm thiệt hại đến tinh thần của tổ chức và cả phong trào dân chủ.
Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta cần rất nhiều những con người có bản lĩnh, có khát vọng tranh đấu cho tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đất nước của chúng ta cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu và khát vọng tự do của mỗi người dân.
Nguy cơ chúng ta trở thành nô lệ cho ngoại bang và nguy cơ chúng ta mất hết chủ quyền quốc gia đối với biển đảo đang ngày càng rõ nét. Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân kêu gọi mỗi chúng ta dấn thân hơn nữa trong cuộc đấu tranh, vận động dân chủ hóa đất nước, đem lại quyền lực về tay nhân dân. Từ đó giúp cho đất nước của chúng ta có thể tạo các mối quan hệ đồng minh, bạn bè để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2013.
Luật sư Nguyễn Văn Đài

Nguyễn Hưng Quốc - Bản án dành cho chế độ


Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công Nghệ Thực phẩm TPHCM, và 8 năm tù đối với Đinh Nguyên Kha, sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, ngày 16 tháng 5, 2013.
20.05.2013
Phiên toà xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An ngày 16 tháng 5 kết thúc vào lúc 4 giờ chiều với bản án: Kha bị 8 năm tù và Phương Uyên bị 6 năm tù; ra tù, cả hai đều bị quản chế thêm ba năm nữa. Lúc ấy, ở Úc là bảy giờ tối. Từ đó đến sáng hôm sau, Thứ Sáu 17/5, tôi nhận được cả mấy trăm bức email từ khắp nơi. Có người gửi riêng cho tôi; có người gửi chung trong các mailing list gồm nhiều người. Tất cả đều nói về một chuyện: Phương Uyên. Chỉ có một số ít trình bày dài dòng cảm nghĩ của họ; còn lại, đại đa số, chỉ chuyển các thông tin về phiên tòa mà tôi đã được đọc trên các tờ báo mạng kèm theo vài lời bình ngăn ngắn đầy phẫn nộ.

Số lượng email ấy nói lên điều gì? Chỉ một điều đáng kể nhất: Sự quan tâm và bức xúc của mọi người.

Sau đó, vào các trang báo mạng của các blogger độc lập trong nước cũng như các website ngoài nước, hầu như ở đâu tôi cũng thấy các bài viết về phiên tòa và bản án ấy. Nhiều bài cung cấp những thông tin rất chi tiết, như “Tường thuật phiên tòa 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An” của Dân Làm Báo hay bài “Những chuyện bên trong và chưa nói về phiên tòa xử sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha” của Hải Huỳnh. Đó là chưa kể các bản tin trên nhiều cơ quan thông tấn ở ngoại quốc, trong đó, có BBC và VOA.

Tôi chú ý nhất đến bài “Tiếng nói Uyên, Kha trước tòa, lời cảnh tỉnh cuối cùng cho đảng CSVN” của nhà thơ Hoàng Hưng. Chú ý vì nó sáng suốt, và đặc biệt, mạnh mẽ. Ông cho việc kết án nặng nề đối với Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là một việc làm “phi pháp, phi nghĩa, phản dân phản nước và cũng thật ngu xuẩn”. Ông cũng xem “phiên tòa xét xử Kha, Uyên là một dấu mốc lịch sử trên con đường đấu tranh dân chủ của Việt Nam”. Dấu mốc ấy thể hiện ở mấy điểm chính: Thứ nhất, cả hai đều rất trẻ. Thứ hai, cả hai đều dũng cảm, bất chấp những sự đe dọa hay mua chuộc của công an, dõng dạc khẳng định “Tôi không có tội” hoặc “chỉ có một tội là yêu nước”. Thứ ba, cả hai không những có những nhận định chính trị sâu sắc mà còn có “phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, hiên ngang” khi đứng trước tòa.

Dường như, liên quan đến phiên tòa, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho mọi người chính là cái phong thái ấy. Khi đăng lại bài phỏng vấn “Việt Nam tuyên án nặng 2 sinh viên chống Trung Quốc” của Trà Mi  trên blog Quê Choa của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã sửa lại nhan đề, nhằm làm nổi bật phong thái bất khuất của hai thanh niên yêu nước này: “Suốt phiên tòa, Uyên & Kha đều ngẩng cao đầu”. Đạo diễn Song Chi cũng chú ý và nêu bật phong thái ấy trong bài “Ngẩng cao đầu, tiếp bước nhau vào nhà tù nhỏ”. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên Người Việt, xem phong thái ấy là tiêu biểu cho cả một thế hệ mới ở Việt Nam: “Một thế hệ không cúi đầu”.

Báo Diễn Đàn tại Pháp chỉ đăng bức ảnh của Phương Uyên kèm theo câu nói của em trước tòa “Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn” dưới một nhan đề đầy ý nghĩa “Dáng đứng Phương Uyên”. Nhà báo Trương Duy Nhất, ở trong nước, cho hình ảnh của Nguyễn Phương Uyên đứng trước tòa là “tuyệt đẹp”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi nhắc đến Phương Uyên, đã dùng chữ “sự bình thản trong suốt” và “tuyệt vời”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm bài thơ lục bát ca ngợi Phương Uyên, xem em như một đóa hoa, một đóa hoa bị bỏ tù.

Theo tôi, vài năm hay nhiều năm nữa, có lẽ người ta sẽ quên các chi tiết liên quan đến phiên tòa và các bản án. Nhưng người ta sẽ nhớ mãi cái hình ảnh, như nhà văn Trần Trung Đạo mô tả: “Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có gọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng trước bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần.”

Cũng giống như hiện nay, có lẽ không phải ai cũng nhớ các chi tiết liên quan đến phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 4/4/2011, nhưng tôi tin là nhiều người còn nhớ hình ảnh của ông, hai tay bị còng, ra tòa với bộ đồ vét đen và chiếc cà vạt màu đỏ với những chấm trắng, toát lên vẻ uy nghi của một trí thức khi đối diện với bạo quyền.

Cũng vậy, người ta vẫn còn nhớ và có lẽ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một nhân viên an ninh bịt miệng ngay trước tòa án tại Huế vào ngày 30/3/2007 dù có lẽ, không mấy người còn nhớ ông bị buộc tội gì và bị kết án mấy năm tù.

Liên quan đến tòa án, tôi cho đó là ba hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc đàn áp dân chúng của chính quyền Việt Nam hiện nay: đàn áp tu sĩ, đàn áp trí thức và đàn áp cả những thanh niên còn trẻ măng không làm gì khác ngoài việc bày tỏ lòng yêu nước hay, nói theo lời các công tố viên khi buộc tội Nguyễn Phương Uyên, là “nói những điều không hay về Trung Quốc”.

Tôi tin những hình ảnh sẽ còn lại mãi. Như, trước đây, trong chiến tranh Việt Nam, những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất đối với người Mỹ và người Tây phương nói chung, không phải là các bản tin, mà là các bức ảnh, bắt đầu với bức ảnh chụp cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay tại Sài Gòn vào năm 1963, và sau đó, bức ảnh chụp cảnh cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường với vết cháy khắp người do bom napalm gây ra vào năm 1972. Gần 40 năm sau 1975, với rất nhiều người Tây phương, kể cả trong giới trí thức, chiến tranh Việt Nam chỉ còn lại mấy hình ảnh chính. Không có gì khác.

Trước đây, ở cả Tây phương lẫn Đông phương, người ta đều đề cao sức mạnh của ngòi bút, thường ví ngòi bút với lưỡi gươm; thậm chí, với một số người, như Edward G. Bulwer-Lytton, cho ngòi bút còn mạnh mẽ hơn cả lưỡi gươm (the pen is mightier than the sword). Ở Việt Nam, cũng có nhiều người nói như vậy. Khen Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Văn chương của ông có sức mạnh bằng mười vạn quân”. Phan Bội Châu cũng từng viết: “Sức vãn hồi bút mạnh hơn gươm.” Trước Phan Bội Châu và Phan Huy Chú, đời Lê, Thân Nhân Trung có lần mơ ước: “Sức bút tung hoàng quét sạch hàng nghìn quân”. Trước đó nữa, vua Trần Thái Tông cũng tâm niệm: “Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn quân giặc” (Văn bút tảo thiên quân chi trận). Tuy nhiên, sau này, ở thời đại thông tin, người ta khám phá ra, sức mạnh thực sự không nằm trong chữ nghĩa mà chính là ở hình ảnh.

Trong bài nói chuyện nhan đề “Tính chính trị của hình ảnh” tại Malta vào ngày 4 tháng 6 năm 2008, Tiến sĩ Michael Frendo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Malta, cho tất cả các chính trị gia đều ý thức rất rõ là một hình ảnh nằm ở trang nhất của các tờ báo có sức mạnh hơn hẳn các bài diễn văn hay bình luận trên tờ báo ấy. Chữ, đọc xong, có khi người ta quên ngay. Chỉ có hình ảnh là còn lại. Frendo cho đó là một đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Ông dẫn lại một nhận xét của Bernard Manin trong cuốn The Principles of Representative Government (1997), cho, trước, sân khấu chính của chính trị chủ yếu nằm ở Quốc hội và các trung tâm đầu não của các đảng phái; sau, nó nằm ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Manin gọi đó là nền “dân chủ thính giả” (audience democracy), ở đó, dân chúng chọn lựa giới lãnh đạo qua các hình ảnh họ nhận được từ các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, và gần đây, internet. Trong thời đại của nền “dân chủ thính giả” như thế, hình ảnh trở thành một sức mạnh vạn năng: Chính qua các hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, các chính khách trở thành nổi tiếng, gần gũi và đáng tin cậy đối với quần chúng.

Các chế độ độc tài cũng biết cách tận dụng hình ảnh để tuyên truyền và vận động quần chúng. Mặc dù tất cả các lãnh tụ của Nazi, Phát xít và hầu hết các lãnh tụ của Cộng sản đều là những sát thủ đứng đầu trong lịch sử với “thành tích” giết hại có khi cả đến mấy chục triệu người, nhưng, trên các trang báo cũng như trên máy truyền hình, bao giờ họ cũng xuất hiện một cách hiền lành bên cạnh trẻ con. Chính vì vậy, tất cả các chế độ độc tài đều cố hết sức siết chặt các phương tiện truyền thông. Họ kiểm duyệt từng bức ảnh một.

Nhưng nếu các chế độ độc tài duy trì quyền lực bằng cách kiểm soát hình ảnh thì hình ảnh, tự chúng, cũng có sức mạnh đủ để quật ngã các chế độ độc tài ấy. Ai cũng biết yếu tố đầu tiên dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân ở Ai Cập, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Hosni Mubarak vào năm 2011 chính là những bức ảnh chụp thi thể của anh thanh niên Khaled Mohamed Saeed, người bị cảnh sát đánh chết vào ngày 6/6/2010. Hình ảnh thân thể Saeed bị đánh bầm dập với cái miệng há hốc đầy máu me, khi được tung lên mạng, đã khiến hàng triệu người dân Ai Cập phẫn nộ, từ đó, xuống đường biểu tình. Và cách mạng bùng nổ.

Dĩ nhiên, còn quá sớm để có thể nói hình ảnh của một Nguyễn Phương Uyên, một Cù Huy Hà Vũ hay một Nguyễn Văn Lý trước tòa có thể làm thay đổi điều gì ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng sẽ còn lại, như bằng chứng của một tội ác. Với những bằng chứng ấy, bản án dành cho họ trở thành bản án dành cho chế độ.

Một chế độ độc tài và tàn bạo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ngọc Hoàng đặt tên là nước Việt

* BÙI VĂN BỒNG

- Ngọc Hoàng: Nhà ngươi là dân nước nào vậy?

- Dân: Dạ, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

- Ngọc Hoàng: Cái gì, không nghe kịp, dài quá, trúc trắc quá, không hiểu, nói lai đi! Ai-đông-nô?

- Dân: (Nhắc lại, rõ hơn) Dạ, nước …

- Ngọc Hoàng: Ôi, Ta 'chú ý lắng nghe mà lâu lâu vẫn không hiểu'! Ta nhiều việc lớn, ít để ý và không điều khiển, quản lý, kiếm tra những chuyện vặt. Sao mà các ngươi đặt tên nước dài cả cây số thế?

- Dân: Dạ, thưa Ngọc Hoàng, đặt thế mới đầy đủ ạ!

- Ngọc Hoàng: Cái gì mà đầy đủ? Rốt cuộc, ngươi là nước nào? Nước Cộng Hòa, hay nước Xã Hội, nước Chủ Nghĩa, hoặc nước Việt Nam? Ta được biết, năm xưa ông Hồ ở xứ ngươi đặt tên cũng chưa gọn lắm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, đặt thế, đến khi không dân chủ được, thì tính sao? Lại nữa, bên dưới còn thòng thêm mớ khẩu hiệu sáng choang: "Độc lâp - Tự do - Hạnh phúc". Việc gì phải mất công mà làm rườm rà thêm các văn bản? Tốn giấy, tốn mực. Nói Tự do, Hạnh phúc, rồi nếu dân không đươc tự do, hạnh phúc thì nói làm gì? Chỉ tổ cho người ta chửi! Nhưng ông Hồ cũng ít, rất ít nói đến chủ nghĩa xã hội. Có lẽ vì ông ta chưa tin. Ông ta chỉ nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể can...". Chỉ có tay Lê Duẩn đầy quyền lực nhà các ngươi là nói hăng, nói nhiều , nói mạnh nhất đến CNXH. Thường tin và nghe theo Liên Xô, nhưng cái lõi lại làm theo kiểu Trung Quốc, bài bản Trung Quốc. Lại còn đẻ ra Chủ nghĩa Tập thể. Tập thể nào? Hay là chủ nghĩa nhóm, chủ nghĩa phe? Cái gì cũng đưa tập thể lên mà sao lại quan tham lại nhét vào túi riêng lắm thế?. Hay tập thể ở đây chỉ hiểu là Nhóm lợi ích?

- Dân: Dạ, con thấy Ngọc Hoàng phân tích hay lắm ạ!

- Ngọc Hoàng: Hay cái gì mà hay? Nước nhà ngươi có cái thói tật hay nịnh. ta không thích. Có thế, đúng thế, ta nói thế, hay ho gì? Nghe ta nói tiếp này: Tên thì nhiều lắm 2-3 chữ thôi. Như nước Anh, nước Nhật, một chữ, nước Úc, một chữ, nước Ý, một chữ…như nước Mỹ, một chữ. Thằng Tàu gọi Hoa Kỳ, thành hai chữ đã nhiều rồi. Mà Hoa Kỳ là nó phiên âm tiếng Tây kiểu ‘xoong thủng chảo thủng lăng lủng trẻo’. Washington của người ta nó gọi Hoa Thịnh Đốn, ai đốn? Có mà nó đốn, nước nó đổ đốn, đình đốn, đi đón trộm… đủ chuyện. Rồi Hoa nào? Nó là dân người Hoa, định đặt tên giống vậy để nhập người ta tận bên tây bán cầu vào nước Tàu luôn à? Sao tham lam và vô lý thế? ….Ta hỏi lại ngươi, nước nào, nói hai chữ thôi để ta còn nhận ra?

- Dân: Dạ, con là người Việt Nam ạ?

- Ngọc Hoàng: Hứ, có thế thôi. Việt Nam thì nói Việt Nam, bày đặt nhét cái thể chế chính trị này-kia vào tên nước. Nhà ngươi có biết không? Nước, là dân tộc, là có gốc truyền thống và lâu bền của dân tộc. Chính trị kiểu gì thì cũng chỉ là nhất thời. Đảng này làm không được, có đảng khác; chế độ này thối nát, yếu kém, trì trệ tất yếu sẽ có chế độ khác thay thế. Quy luật vốn vậy. Bày đặt thêm cái ‘dãy chữ’ đầu dài ngoằng, nghe phát chối: “Công hòa xã hội chủ nghĩa…”. Mà này các ngươi đặt mục tiêu lên CNXH cả gần trăm năm nay, xuyên hai thế kỷ. Rồi các ngươi toát mồ hôi, sôi nước mắt, đổ biết bao máu xương để xây dựng CNXH cả hơn nửa thế kỷ rồi, có CNXH chưa mà đặt tên như vậy?


- Dân: Dạ, kính Ngọc Hoàng, tên này là do đảng cộng sản đặt từ 1976, tức là từ Đại hội 4, khi đất nước mới thống nhất...

- Ngọc Hoàng:Chuyện này ta biết, 'học trò bài thầy ' mà. Gọi trò phản thầy cũng không oan. Khi đó, ông Hồ mất đã 6 năm rồi. Ông Duẩn và ông Thọ có ý tranh công, cho tự cho tất cả là thành quả công lao của mình. Cái gì ông Hồ đã đặt ra là bỏ hết. Như là tên nước, quốc ca, tên đảng...Vị khai quốc công thần nào được ông Hồ tín nhiệm, thân cận, ưu ái là 'đánh' hết. Tướng Giáp không khôn khéo đối phó cũng chết với họ rồi. Ông Thọ vạch ra ông Giáp có những 12 tội kia mà. Ta còn lạ gì!

- Dân: Đó là thời điểm chiến thắng vẻ vang, đất nước "vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược" như ông Duẩn đã nói; khi đó thông nhất đất nước, Bác - Nam một nhà ạ!

- Ngọc Hoàng: Lại nữa, lại nói lỡm. Sao dân Việt các ngươi nói cái gì cũng ưa con cà con kê, mà đâu có đúng. Bắc –Nam một nước, thì nghe còn được; Ái chà… Bắc-Nam một nhà. Chỉ có một nhà cho nên tranh giành nhau, kiện cáo, cái bất động sản đất đai, địa ốc cứ rối tinh lên. Thăng nào cũng muốn vơ vào cho mình. Nói một nước, không nói một nhà nữa, nghe chưa?


- Dân: Dạ! Nhưng để hôm nào Ngọc Hoàng có cách xói câu này vào đầu ông vua nước con giúp cho. Chứ con là dân, nói ra …nó…nó…

- Ngọc Hoàng: Nó sao, nói mau!

- Dân: Dạ, nó quy tội con là suy thoái tư tưởng, là chông slại đảng, nhà nước, nó bắt con rồi đem bỏ tù ạ!

- Ngọc Hoàng: Có chuyện đó nữa, thế nó xưng là nước dan chủ, là sao? Quân khốn!


- Dân: Dạ! Trước Ngọc Hoàng con mới dám nói, con cũng nhất trí tên là Việt Nam ạ!

- Ngọc Hoàng: Ta đây này, tên cũng chỉ hai từ: Ngọc Hoàng. Các ngươi Việt Nam thì cứ Việt Nam, cũng hai chữ, kém gì ta. Mà,….thế này: Nước các ngươi bằng cái mong tay, nhỏ tí, bản đồ dài ngoằng như hạt lúa lép, làm gì mà hai chữ. Một thôi, nước Việt. Xem đấy, Mỹ lớn thế cũng có một từ. Nếu các ngươi đặt là Việt Nam tức là mắc mưu tàu rồi đấy. Nó nói thế là ám chỉ nước Việt phía Nam, là nước Việt của nó nằm ở phía Nam. Triều vua của các ngươi ngày xưa, muoón cho yên thân, nên cũng có phien phiến bot qua, nghe nó nói đặt là Việt Nam cũng tạm chấp nhận, gọi nên quen. Rồi nó sẽ ‘giải phóng’ cái Nam’ của các ngươi để gộp vào nước hắn, chỉ gọi dân tộc Việt, kế bên là dân tộc Lào, dân tộc Miên, và đặt tên cả Đông Dương là tỉnh Quảng Nam. Trước đã lỡ nghe NÓ XÚI, NÓ ÉP, thêm chữ Nam ra sau tên gốc nước Việt. Lãnh thổ các ngươi xa xứ tận bờ sông Dương Tử. Nó chiếm được khối đất rồi. Cho nên, nay ta đặt thay cho các ngươi: nước VIỆT! Cứ mỗi trào một ý, đặt cho thêm mấy chữ đuôi hoặc đầu rồi cãi nhau, mất thời gian, lo mà làm ăn! Ta nói rồi đó, các ngươi đừng có thi nhau tranh cãi nữa, đặt vớ vẩn, khó gọi, mất thời gian, dịch ra các thứ tiếng cũng khó cho ngươi ta, chỉ có lợi cho thằng Tàu là không được. Sau này bị thiệt to mà còn cãi nhau nữa!

- Dân: Dạ, đúng quá, hay quá ạ! Con xin tạ ơn Ngọc Hoàng!.
BVB
Bùi Văn Bồng Blog

Thời khốn khó, mang cả chó đi cầm cố

Ban đầu, anh chỉ nhận cầm và chăm sóc 1 – 2 con chó quý cho các đại gia để kiếm đồng lãi qua ngày. Nhưng gần 1 năm trở lại đây, số lượng chó cầm ký chỗ anh lên đến gần chục con, giá trị có con lên đến gần chục tỷ đồng.
Trong danh sách chó anh cầm có đủ loại, từ loại vài tỷ đồng đến loại vài trăm triệu. Loại trung bình có giá trên trăm triệu như chó Phú Quốc, giống Doberman, chó Becgie...Trong đó, con đắt nhất là ngao Tây Tạng, màu vàng óng. Theo anh T.Anh (Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) đánh giá, con ngao này có giá không dưới 5 tỷ đồng. 
Theo anh T.Anh bật mí, có con anh cầm không trên 5 tỷ đồng
Các giống chó quý này đến với anh với rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do trục trặc về vấn đề kinh tế. Anh T.Anh cho biết: “Các giống chó quý này chủ yếu thuộc về các đại gia có máu mặt. Họ rất yêu và tâm huyết với người bạn của mình. Nhưng do làm ăn thua lỗ, phá sản không đủ điều kiện chăm sóc, hoặc cần tiền trang trải nợ, nên họ mang đến đây”.
 
Cầm chó là việc rất gian nan, bởi việc làm quen chúng là rất lâu. Rồi đến việc lo khẩu phần ăn cho chúng. Thường mỗi con chó cầm, chủ chó thường phải ghi rõ khẩu phần ăn cho từng con, thời gian cho ăn... 
Người mang chó đến cầm thuộc nhiều thành phần. Từ giám đốc các công ty lớn, đại gia kinh doanh tín dụng đen, dân ôm lô đề, bóng đá. Người phá sản thường mang chó đến ngã giá và bán luôn. Còn những người mấp mé phá sản thì chỉ cầm cố chó với hi vọng sẽ kiếm tiền để chuộc chó về. Nhưng đa phần họ mang đến là không thấy quay lại hoặc có quay lại cũng không có tiền chuộc. 
Cầm chó là công việc hết sức gian nan, chỉ cần chểnh mảng là cả một gia tài bốc hơi
 
“Nhiều người vì nhớ chó của mình quá, có khi nấn ná cả ngày tại nhà mình chơi. Chỉ để được ngắm nó và cho nó ăn. Thậm chí có người lúc về, nhìn con cảnh khuyển của mình còn nhỏ lệ”, T.Anh nói. 
Vốn là dân có nghiệp vụ về chăm sóc và huấn luyện chó, tuy nhiên anh T.Anh không dám chểnh mảng trong việc chăm sóc chúng, bởi chó mà chết là anh cũng phá sản hoặc mang nhà đi cầm luôn như chủ nó. 
Giống chó T.Anh cầm đều là giống chó quý và rất khôn. Nhớ chủ, có con mang đến đây vài ngày không chịu ăn. “Lo sốt vó, nhiều lần nhận cầm chó rồi, nó không chịu ăn uống gì, mình phải cất công đến tận nhà chủ cũ mời đến nhà, vuốt ve cho nó ăn nó mới quen dần. Và thông qua chủ cũ, mình dần làm quen nó”, T.Anh cho hay. 
Giống như một trại chó, có đợt cao điểm, nhà anh nhận cầm đến gần chục con
Cũng theo T.Anh, cầm chó với anh là một nghề kiếm sống. Nhưng mình phải tâm huyết và đặc biệt phải có tình yêu động vật. Chó là loại động vật rất thông minh. Nó sẽ cảm nhận được tình cảm với con người và tự nó quyết định có thể chấp nhận chủ mới hay không.
Tuấn Nghĩa
(Người Đưa tin)

Obama tiếp Thein Sein: Cải thiện quan hệ song phương ngoạn mục

Tổng thống Miến Điện Thein Sein chuẩn bị trả lời phỏng vấn truyền thông Hoa Kỳ, 16/05/2013, tại Washington
Tổng thống Miến Điện Thein Sein chuẩn bị trả lời phỏng vấn truyền thông Hoa Kỳ, 16/05/2013, tại Washington (REUTERS)

Đến thủ đô Hoa Kỳ từ cuối tuần qua, theo chương trình, vào hôm nay, 20/05/2013, tổng thống Miến Điện Thein Sein được đồng nhiệm Mỹ Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng. Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này được đánh giá là lịch sử, vì ông Thein Sein là lãnh đạo Miến Điện đầu tiên viếng thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ năm 1966.

Từ Washington, thông tín viên RFI, Raphel Reynes, nêu bật bối cảnh chuyến công du nước Mỹ của tổng thống Miến Điện :

« Một sự kiện như thế này chưa từng xẩy ra từ năm 1966. Năm ấy ông Lyndon Johnson tiếp nguời khách là Ne Win tại Nhà Trắng. Từ đó đến nay, không một lãnh đạo Miến Điện nào đuợc mời đến Washington.

Bang giao giữa hai nuớc trong thời gian gần đây đã được sưởi ấm một cách ngoạn mục. Hai năm sau khi chính quyền quân sự ra đi, ông Thein Sein, nguyên là cựu Thủ tướng dưới chế độ quân sự, trở thành tổng thống của chính quyền dân sự Miến Điện sẽ được Hoa Kỳ tiếp đón với tất cả các nghi thức trọng thể vào hôm nay.

Chuyến viếng thăm chính thức của ông Thein Sein là một sự tặng thưởng cho « Mùa Xuân » Miến Điện được Washington hậu thuẫn và được xem là do nỗ lực của ông Thein Sein.

Phải nói là thành tựu cũng không ít : Hàng trăm tù nhân chính trị được trả tự do, kiểm duyệt được bãi bỏ, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi vào Quốc hội, tất cả tiến trình này diễn ra êm thấm, không đổ máu.

Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ sẽ không phải là hoàn toàn đơn giản đối với ông Thein Sein. Vào năm 2012 đã có hơn 200 người Rohingya Hồi giáo bị giết chết ở Miến Điện, và 40 người khác trong năm nay ở miền trung đất nước này trong những vụ kỳ thị đối với người theo đạo Hồi.

Ông Thein Sein, theo dự kiến, gặp Barack Obama vào trưa nay, giờ Washington. Sau đó ông sẽ đọc hai bài diễn văn vào lúc ban tối. Nhân các dịp đó, ông sẽ ra sức thuyết phục cử tọa về sự cần thiết phải tiếp tục hậu thuẫn ông. »

Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Thein Sein, tổng thống Barack Obama sẽ gợi lên tiến trình cải tổ ở Miến Điện, tình hình căng thẳng giữa các cộng đồng cũng như trao đổi thương mại hai bên. Ông Thein Sein sẽ có buổi nói chuyện tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ trước các lãnh đạo công nghiệp Mỹ.

Trả lời đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA vào hôm qua, ông Thein Sein cho biết là sẽ nói với ông Obama là cải tổ vẫn tiếp diễn và ông sẽ yêu cầu bãi bỏ tất cả các trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần không nhỏ.

Ông Thein Sein khẳng định : “Quan hệ hai bên đã được cải thiện nhiều nhờ chính sách mà ông Obama đã thực hiện, nhưng để các cải tổ chính trị đi đến nơi đến chốn ở Miến Điện, thì kinh tế phải cần được phát triển hơn nữa”.
Mai Vân (RFI)

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce, đề xuất nghị quyết kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc gia cần Đặc biệt Quan tâm CPC vì các vi phạm trầm trọng của chính phủ Hà Nội trong lĩnh vực tự do tôn giáo.
Nghị quyết HR. 218 được trình ra Hạ viện hôm 16/5 mạnh mẽ lên án các vi phạm “tiếp diễn và quá đáng” tại Việt Nam bao gồm việc giam cầm các lãnh đạo tôn giáo và bỏ tù dài hạn các cá nhân đấu tranh cổ xúy nhân quyền một cách ôn hòa.
Nghị quyết kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cấm đoán-hạn chế trong lĩnh vực tự do tôn giáo, chấm dứt việc tước đoạt tài sản của các giáo hội, thực thi các cải cách pháp lý và chính trị cần thiết để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nhận xét "tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ” và “thụt lùi”.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nhận xét "tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ” và “thụt lùi”.
Việt Nam đàn áp gần như mọi quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo...
Nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nghị quyết thúc giục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện rõ ràng rằng việc mở rộng quan hệ song phương Việt-Mỹ phụ thuộc vào thành tích cải thiện của Việt Nam về tự do tôn giáo và các nhân quyền liên hệ.
Thông cáo đăng trên trang web của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trích phát biểu của Chủ tịch Ed Royce nhận xét “tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ” và “thụt lùi”.
Ông Royce dẫn phúc trình 2013 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch rằng “Việt Nam đàn áp gần như mọi quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo.”
Chủ tịch Ed Royce nhấn mạnh tại Việt Nam hiện nay không có quyền tự do tôn giáo mà chỉ thấy các trường hợp đánh đập của công an, của côn đồ thuê mướn, và của lực lượng an ninh tôn giáo.
Nghị quyết HR 218 dẫn ra trường hợp của các tôn giáo bị Hà Nội sách nhiễu, bắt bớ, tịch thu tài sản trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, Công giáo, và Pháp Luân Công.
Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói thêm rằng chỉ trong 6 tuần đầu của năm nay, Việt Nam đã kết án ít nhất 40 nhà bất đồng chính kiến, như vậy chỉ trong vòng hai tháng, số người bị tù đày vì thể hiện quan điểm trái với nhà nước đã vượt tổng số của cả năm ngoái. Vẫn theo lời ông Ed Royce, bất chấp thái độ hành xử đó, Việt Nam vẫn tích cực theo đuổi một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Dân biểu Ed Royce nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải phơi bày các vi phạm nhân quyền đó. Nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ trước sự đàn áp khủng khiếp của Hà Nội, chúng ta đang góp thêm sự đau khổ cho nhân dân Việt Nam.”
Ký giả Trương Minh Ðức từng bị 5 năm tù về tội danh 'lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước'.Ký giả Trương Minh Ðức từng bị 5 năm tù về tội danh 'lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước'.
Quan điểm này được ký giả Trương Minh Đức, một ngòi bút đấu tranh dân chủ tại Việt Nam từng bị 5 năm tù về tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước", ủng hộ:
Ký giả Trương Minh Đức phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Nếu những người yêu chuộng dân chủ mà cứ dung dưỡng cho một chế độ độc tài như cộng sản Việt Nam, trên thế giới này nếu những nước như Việt Nam mà ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì tôi cho là một hiện tượng xấu đi cho Liên hiệp quốc.”
Trên thế giới này nếu những nước như Việt Nam mà ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì tôi cho là một hiện tượng xấu đi cho Liên hiệp quốc...
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ed Royce, là nhà đồng bảo trợ Luật Nhân quyền Việt Nam 2013 mang số hiệu HR 1897 nhằm phát huy tự do dân chủ tại Việt Nam. Luật vừa được Tiểu ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết thông qua hôm 15/5/2013.
Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê vào danh sách Các nước cần Đặc biệt Quan tâm về Tự do Tôn giáo (CPC) vào năm 2004.
Đến năm 2006, Việt Nam được bỏ tên ra khỏi danh sách này vì các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Hà Nội có các cải thiện đáng kể về mặt thăng tiến quyền tự do tôn giáo và đạt tiến bộ lớn trong các lĩnh vực bị lưu tâm.
Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới do Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế (USCIRF) công bố cuối tháng 4/2013 một lần nữa đề nghị đưa tên Việt Nam vào lại danh sách CPC.
Ủy ban USCIRF nói Việt Nam đáng bị trở lại danh sách này vì thành tích nhân quyền ngày càng xuống dốc rõ rệt. 
Trà My
(VOA)
 

Hồ Chí Minh: Tôi hạ lệnh cho nhân dân

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhFmEU0nm82jAVP5ViU1_MRe9V12BIF7s1Q3quiJzHf5dW7Cs_P-6tp90Tr8bCcqKtZzamsnL4bveEAO4NmHWkoAw1DkMBkzbuxEflaU4wIrw1cyD_Mgzyi3wXs2f4l-qPs7FyxvdJe9ak/s1600/1235117498.nv.jpg
Trong tập 4, bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, có một văn bản ngắn như sau :
Lời kêu gọi đồng bào Bắc Bộ
Hỡi đồng bào Bắc Bộ!
Việc bất hợp tác sáng hôm qua chẳng những không do mệnh lệnh Chính phủ mà trái với chính sách Chính phủ. Việc đó tỏ rằng một số quốc dân chưa hiểu kỷ luật. Biết theo những mệnh lệnh Chính phủ, làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền. Vậy tôi, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, hạ lệnh cho nhân dân Bắc Bộ lập tức đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.
Đồng bào yêu mến tôi, nghe lời tôi.
Người đọc không được biết gì về bối cảnh của lời kêu gọi đó, ngoài xuất xứ rằng nó được in trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch của Nxb Tiến Hóa, Hà Nội, năm 1946, trang 45. Nhân dân Bắc Bộ đã biểu thị sự bất hợp tác với ai và như thế nào [1]? “Sáng hôm qua” là sáng ngày nào trong những ngày đầy ắp sự kiện phức tạp của hai năm 1945-1946[2]? Hi vọng sẽ có nhà nghiên cứu lấp được lỗ hổng thông tin đó. Phần mình, tôi chú ý đến văn bản lạ này vì chỉ qua vài dòng, chân dung ông Hồ được bổ sung thêm một số nét, khiến việc đọc phía sau mặt chữ trở nên thú vị. Phía sau mặt chữ, chứ không phải giữa hai hàng chữ. Thông điệp ở đây là rõ ràng, không có gì hàm hồ, bóng gió.
Một người như thế nào thì có thể cho phép mình phát ngôn: “Tôi hạ lệnh cho nhân dân”? Trong mọi ngôn ngữ, câu này đều tất yếu gây ra ấn tượng về một nhà độc tài. Các nhà lãnh đạo quốc gia ở những thể chế phi độc tài không buột miệng ra một câu như vậy ngay cả khi ngủ mơ, ngay cả trong những khoảnh khắc họ không muốn gì hơn là được làm chính xác như thế. Nhưng ngay cả một Putin, một Lý Quang Diệu, một Hugo Chávez cũng không phát ngôn như vậy. Còn Hồ Chí Minh?
Cho đến trước đó chỉ có kinh nghiệm hoạt động cách mạng và tham gia lãnh đạo một số phong trào, tổ chức, đảng phái bí mật, ông Hồ dường như xa lạ với tất cả những gì làm nên một chính khách chuyên nghiệp. Ông cũng không chuẩn bị cho mình và các đồng chí của ông một cơ sở lí luận và tư tưởng cho việc cầm quyền trong một nhà nước hoàn toàn mới, sinh ra từ việc chôn vùi nhà nước cũ [3]. Những năm tháng đầu tiên đứng đầu một nước Việt Nam mới, tác phong và ngôn ngữ của ông là của một bậc cha chú cai quản gia đình hay của một giáo chủ, một trưởng thượng, hơn là của một nguyên thủ quốc gia. Tuyệt đối tin vào uy tín của mình với quốc dân, toàn bộ uy lực khi hạ lệnh cho nhân dân của ông xuất phát từ lập luận: đồng bào yêu mến tôi thì nghe lời tôi. Các học trò của ông sau này, không người nào có thể tự tin vào uy tín của mình để hồn nhiên buông ra một lời như vậy. Tất nhiên vâng lời lãnh tụ theo tiếng gọi của tình cảm là một trong những cách cai trị ưa thích của các nhà độc tài và không hiếm khi kĩ năng mị dân của họ thăng hoa thành nghệ thuật tự lừa mị [4]. Nhân dân Bắc Triều Tiên chắc chắn cũng được giáo dục để có tình yêu trói buộc như thế với ba đời lãnh tụ họ Kim, và nhân dân Cuba với hai đời lãnh tụ họ Castro. Song ở trường hợp đang đề cập, tôi không khỏi có cảm giác rằng phát ngôn của ông Hồ, với tất cả tính gia trưởng của nó, có một sự ngây thơ và chân thành phù hợp với giai đoạn mà cuộc cách mạng của những người cộng sản Việt Nam còn ấu trĩ, ít nhiều trong trắng, chưa quay ra ăn thịt những đứa con của mình và nhe nanh vuốt với mọi đảng phái chính trị khác từng một thời đồng hành. Nhiều lần tôi đã cảm động khi đọc một số bức thư, lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ở giai đoạn này và trong vài năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đó tôi thấy một chính khách bất đắc dĩ, tầm vóc tư tưởng không có gì kiệt xuất, nhận thức về thế giới tương đối sơ sài, kinh nghiệm điều hành quốc gia ít ỏi, nhưng đầy lãng mạn và còn đậm tính cách riêng tư.
Với thời gian, những nét riêng tư ít nhiều chân thực của Hồ Chí Minh dần nhường chỗ cho một hình ảnh nhân tạo ngày càng hoàn hảo. Sự hấp dẫn của cá nhân con người Hồ Chí Minh dần nhường chỗ cho sự sùng bái biểu tượng Hồ Chí Minh. Ông không còn hạ lệnh cho nhân dân nữa, dù đồng bào không thôi yêu mến ông và vẫn sẵn sàng nghe lời ông. Song nhà nước mà ông liên tục đứng đầu gần một phần tư thế kỉ cho đến khi qua đời đã trở thành một chính thể độc tài hoàn thiện. Ngôn ngữ cá nhân ít nhiều xác thực của lời kêu gọi nêu trên, bất chấp nội dung của nó, sẽ dần nhường chỗ cho một ngôn ngữ tuyên truyền công cộng thô thiển và giáo điều, cơ sở của toàn bộ ngôn ngữ tuyên giáo kinh hoàng mà hiện nay chúng ta còn phải chịu đựng. Càng đọc Hồ Chí Minh sau này, tôi càng thấy là các nhà tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến giờ phút này không làm một việc gì khác ngoài lặp lại chính xác không những cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, mà còn áp dụng trung thành cả những cách diễn đạt, những lập luận và những thuật ngữ chính trị mà ông là cha đẻ.
Hồ Chí Minh là một nhân vật lắp ghép từ rất nhiều mảnh to nhỏ, lỗ đen và khoảng trống. Trong bức tranh chiết trung lạ lùng này, mảng mầu của hai năm 1945-1946 có lẽ là tươi thắm hơn cả.
Tháng 5 20, 2013
Phạm Thị Hoài
© 2013 pro&contra


[1] Trong bản đăng lúc đầu, ở đoạn này tôi viết: “Nhân dân Bắc Bộ đã biểu thị sự bất hợp tác với chính quyền mới như thế nào? Vì lí do gì?”. Có ý kiến độc giả lưu ý rằng trong bối cảnh lịch sử khi đó, ông Hồ muốn nói đến sự bất hợp tác với Pháp. Tôi ghi nhận góp ý xác đáng đó, và xin phép sửa lại thành: “Nhân dân Bắc Bộ đã biểu thị sự bất hợp tác với ai và như thế nào?”. Xin cảm ơn độc giả.
[2] Chính phủ Lâm thời chỉ tồn tại đến hết năm 1945 và từ ngày 01-01-1946 được thay thế bằng Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Như vậy, có thể lời kêu gọi này liên quan đến một sự kiện diễn ra ngay trong năm 1945 nhưng năm 1946 mới được đưa vào sách.
[3] Trước Cách mạng tháng Mười, khi lưu vong và sống trong một túp lều ở Phần Lan, Lenin đã viết tác phẩm kinh điển về nhà nước chuyên chính vô sản Nhà nước và cách mạng. Không ai yêu cầu ở Hồ Chí Minh một tầm vóc tương tự, nhưng trước tác chính luận chủ đạo của ông, nếu ông cũng chính là Nguyễn Ái Quốc, trước tháng Tám 1945, gồm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1925-1927) tập hợp bài giảng về kiến thức chính trị phổ thông ở các lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu và Chiến thuật du kích (1942-1944), cho thấy một sự nghèo nàn đáng chú ý ở một nhà cách mạng có ảnh hưởng quyết định đến số phận của một dân tộc cho đến tận bây giờ.
[4] Trong phiên họp ngày 13-11-1989 của Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức, phiên họp đầu tiên sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, khi bị chất vấn trách nhiệm, ông Erich Mielke, Bộ trưởng An ninh Quốc gia (Stasi) Đông Đức đã thốt lên: “Tôi yêu mến tất cả mọi người cơ mà… Tôi phấn đấu cho tình yêu đó cơ mà.” (Ich liebe doch alle Menschen. Ich setze mich doch dafür ein.)

Trung Quốc nên giảm bớt một nửa số đảng viên

Lễ khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tại Bắc Kinh, ngày 08/11/2012.
Lễ khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tại Bắc Kinh, ngày 08/11/2012. (REUTERS/Carlos Barria)

Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc hiện có hơn 80 triệu đảng viên, do vậy, cần phải giảm bớt gần một nửa để tránh tình trạng cồng kềnh, nặng nề, vốn dẫn đến sự tan rã của đảng Cộng sản Liên Xô. Đó là đề nghị của một chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc.

Là chính đảng lớn nhất thế giới, đảng Cộng sản Trung Quốc, trong những năm qua, kết nạp thêm nhiều đảng viên để có được sự ủng hộ rộng rãi, trong lúc lý tưởng ban đầu của đảng này đã thay đổi.

90 năm sau khi được thành lập và sau 64 năm cầm quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết nạp vào trong đội ngũ của mình nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ doanh nhân cho tới sinh viên. Một số người gia nhập tổ chức này để có được quy chế đảng viên, có người vào đảng vì sự trung thành chính trị, nhưng cũng có người không phải như vậy.

Tuy nhiên, trên Diễn đàn Nhân Dân – một chi nhánh của Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyên gia phân tích chính trị, ông Trương Tích Ân, (Zhang Xien), giáo sư thuộc đại học San Đông, cho rằng, số lượng đảng viên phình to gây ra nhiều nguy hiểm cho đảng.

Ông nói : « Việc lập ra cơ chế cho phép các đảng viên ra khỏi đảng là ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng đảng trong thời kỳ mới ».

Theo chuyên gia này, đảng Cộng sản Liên Xô chỉ có 240 000 đảng viên khi lên cầm quyền và có tới 19 triệu đảng viên khi đảng này bị tan rã. Đây là « bài học chiến lược về những gì sẽ xẩy ra khi một đảng phát triển quá rộng lớn mà lại không có một cơ chế mạnh mẽ cho đảng viên ra khỏi đảng ».

Ông đề nghị, trong số 51 triệu đảng viên hiện nay, cần tách ra số « đảng viên dự bị » và « đảng viên danh dự ». Bởi vì trong nhiều năm qua, việc buông lỏng các tiêu chuẩn kết nạp, thiếu giám sát những người đã được kết nạp dẫn đến tính trạng là niềm tin của một số đảng viên trở nên bấp bênh, ý thức của họ đối với các mục tiêu thì mờ nhạt.

Đáng chú ý hơn cả là quyền lực của đảng đã thu hút đủ loại người, bao gồm cả những kẻ cơ hội sử dụng chức danh đảng viên lãnh đạo để tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Kể từ khi lên cầm quyền, tân tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng đảng có thể bị tan rã do nạn tham nhũng làn tràn trong hàng ngũ quan chức.

Ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch được truyền thông đưa tin rầm rộ, với nội dung là cắt giảm chi tiêu công cộng và xây dựng quan hệ gần gũi với người dân.
(RFI)
 

Tàu ngư chính Trung Quốc xâm nhập Trường Sa

Tàu hải giám Trung Quốc tung hoành trên Biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc tung hoành trên Biển Đông. (Reuters)

Hôm nay, 20/05/2013, Tân Hoa Xã loan tin là tàu ngư chính 311 của Trung Quốc vào chiều 18/05 đã được điều động đến vùng quần đảo Trường Sa để “bảo vệ” 32 tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Có trọng tải 4.000 tấn, tàu ngư chính 311 là một trong những tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc và được trang bị nhiều thiết bị tối tân.

Đội tàu đánh cá gồm 32 chiếc của Trung Quốc đã xuất phát ngày 06/05 để đến ngư trường Trường Sa của Việt Nam đánh bắt hải sản. Dự kiến chuyến đi sẽ kéo dài 40 ngày. Theo báo chí trong nước, đây là chuyến đi thứ 2 kể từ khi 30 tàu cá Trung Quốc tới đánh cá trái phép ở Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái.

Phản ứng về sự kiện này, trong cuộc họp báo ngày 09/05, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và tuyên bố: “ Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam".

Trước đó, từ ngày 14 đến 18/5, năm tàu ngư chính của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cũng đã tiến hành "tuần tra" tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam thuộc khu vực vịnh Bắc Bộ.

Phía Trung Quốc cũng đã tự ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 16/05 đến 01/08, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam. Việt Nam cũng đã phản đối, xem lệnh cấm này là « vô giá trị ». Từ năm 1999 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng đều đơn phương ra lệnh đánh bắt cá vào mùa hè ở khu vực Biển Đông.
Thanh Phương (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét