Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Bài viết đáng chú ý

Nhân ngày giỗ Tổ: Một vài suy nghĩ về CNXH tại Việt Nam và Trung Quốc

Trước đây đối với nhiều người Việt Nam nói đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là một khái niệm đồng nghĩa với đấu tranh giành độc lập tự do thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân thối nát, chủ nghĩa đế quốc tàn bạo. Nói đến lý tưởng cộng sản là nói đến lòng tự hào dân tộc, là sự quật khởi không chịu khuất phục trước bất cứ một sức mạnh đàn áp nào, là nói đến công bằng bác ái! Đất nước đã thống nhất và hòa bình được gần 40 năm, sự thống trị của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đã ngày càng thể hiện mặt trái của nó, làm ảnh hưởng ngày càng trầm trọng đến sự phát triển của đất nước và lợi ích dân tộc.

Khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra triền miên nhiều khi đất nước phải đứng bên bờ của sự tan vỡ, sụp đổ, hỗn loạn. Các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã không thể thoát khỏi cái bóng của các tư tưởng và lý luận giáo điều của chủ nghĩa xã hội để tạo ra sự đột phá về tư duy sáng tạo trong quá trình chấn hưng đất nước. Mặc dù ban lãnh đạo cộng sản đã bắt đầu công cuộc đổi mới về tư duy so với các giá trị kinh điển của chủ nghĩa xã hội từ gần 30 năm nay kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp đổi mới! Các thế hệ lãnh đạo cộng sản lãnh đạo đất nước đã phải trả giá rất nhiều về mặt kinh tế, xã hội, và bỏ rất nhiều thời gian và sức lực của mình để cố gắng dò dẫm tìm ra sự thỏa hiệp giữa lý luận về chủ nghĩa xã hội giáo điều đã tồn tại trên dưới 100 năm nay (cùng với sự áp đặt về tư tưởng và lý luận có tính độc tài của các lãnh tụ cộng sản như Mao Trạch Đông, Staline và sau đó là các hậu duệ của Staline thời liên bang Xô Viết), với cách thức về tổ chức xã hội, và kinh tế của các nước tư bản phát triển đang thay đổi từng ngày từng giờ cho phù hợp với sự phát triển của nên văn minh nhân loại.

Phải dùng một hình ảnh so sánh là trong sự nghiệp chấn hưng đất nước thì các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã vừa tự bịt mắt vừa tự buộc chân mình bởi các tư tưởng giáo điều của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trong khi mà tại các quốc gia khác thì mọi người được tự do hành động theo nhận thức của lý trí và lương tâm của chính họ! Đây là câu trả lời cho việc ngày càng tụt hậu của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới! Những sự thỏa hiệp về tư tưởng và lý luận mà lãnh đạo Việt Nam tìm thấy trong thời gian vừa qua cũng vô cùng mơ hồ mà chính họ cũng chẳng hiểu ra làm sao! Thí dụ như khái niệm về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vô hình chung họ đã tạo ra một thói quen là đề ra một mục tiêu, và chuẩn mực mà chính họ cũng chẳng hiểu nó là cái gì!!! Kỷ nguyên tự lừa dối và lừa dối được bắt đầu hình thành từ tư tưởng và sau đó lẫn vào các hoạt động trong mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế đất nước.  .

Khác với Việt Nam, tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời, với một tư tưởng rất táo bạo và thực dụng, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một chính sách nhổ tận gốc rễ tư tưởng của Mao mà lại không lên tiếng chống Mao, hơn thế nữa ông ta vẫn tận dụng một số “giá trị” còn lại của Mao để thống trị đất nước khổng lồ này. Ông ta đã đưa ra luận thuyết “Bất kể mèo trắng hay mèo đen miễn là mèo bắt được chuột”. Thực chất Đặng Tiểu Bình và những thế hệ lãnh đạo tiếp nối đường lối của Đặng Tiểu Bình đã chủ động đi theo các nguyên lý của nền kinh tế thị trường và kết quả là chỉ sau khoảng 30 năm đổi mới, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có số lượng tỷ phú đô la lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Trong khi áp dụng  các chinh sách kinh tế rất thực dụng và uyển chuyển theo hướng của nền kinh tế thị trường  Dặng  vẫn luôn tận dụng một cách triệt dể các biện pháp chuyên chính của chủ nghĩa cộng sản một cách tàn bạo nhất, quyết liệt nhất nhằm duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội của đất nước với hơn 1,4 tỷ dân này.

Đối với Trung Quốc thì chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chỉ là một công cụ về mặt tư tưởng và làm chỗ dựa cho các cuộc đàn áp đẫm máu, không khoan nhượng chống lại xu thế tự do nhân quyền tại quốc gia khổng lồ này. Các cuộc đàn áp Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng, đàn áp chống lại Pháp Luân Công, v.v... là minh chứng cho đường lối này. Hơn thế nữa, Trung Quốc vẫn muốn dùng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản để duy trì sự ảnh hưởng đối với các nước cánh tả trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là một nước cờ cực kỳ thực dụng để giúp Trung Quốc sử dụng các quốc gia này làm đối trọng với các nước phương tây.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn muốn Việt Nam trung thành với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải vì Trung Quốc trung thành với chủ nghĩa này mà muốn dùng chủ nghĩa này tạo nên vòng kim cô cho sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, nhưng lại không bao giờ muốn Việt Nam đủ mạnh để có được một cách thức quản lý xã hội, kinh tế có hiệu quả. Tóm lại đối với Trung Quốc, ban lãnh đạo Việt Nam càng thể hiện giáo điều, kém cỏi hay trì trệ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu...

Vào năm 1979, dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, Việt Nam đã cố gồng mình thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thật đáng tiếc, ông ta lại vẫn đưa đất nước rơi vào ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội theo hình mẫu của Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo cách nói dân gian của Việt Nam là ông ta đã “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Khi Lê Duẩn qua đời, ban lãnh đạo Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn trong đó có sự kiện khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, đã lại một lần nữa đội ngũ lãnh đạo CS Việt Nam phải nhắm mắt xuôi tay chấp nhận quay lại nằm dưới sự chi phối của các “đồng chí Trung Quốc của mình” với một khẩu hiệu mang tính ru ngủ với chính mình với “16 chữ vàng”! Càng ngày Việt Nam càng bị các “đồng chí Trung Quốc” chèn ép, bắt nạt mà không dám hé răng phàn nàn nhiều! Trung Quốc đã rất khôn ngoan đưa đội ngũ lãnh đạo  cộng sản Việt Nam vào thế trở thành con tin của họ trước đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam: Xây dựng một đất nước phồn vinh thịnh vượng ổn định hòa bình và dân chủ.

Trong tình hình này để không bị “mất chế độ”, không bị các thế hệ đi trước buộc tội, không bị nhân dân chống đối thì ban lãnh đạo Việt Nam phải tìm mọi cách che đậy các yếu kém của mình. Thể chế bất thành văn “tự lừa dối” dân được hình thành trong tư duy và trong hành động của ban lãnh đạo đất nước. Sự hình thành này là một hiện tượng đương nhiên tất yếu đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước mà chẳng ai biết được nó hình thù thế nào (vì chẳng ai dám thừa nhận là các nước Bắc Âu hay Nhật Bản... có phải đang đạt được mục tiêu về kinh tế và xã hội của lý thuyết về chủ nghĩa xã hội hơn hẳn và hơn rất xa so với bất kỳ quốc gia nào khác vẫn tự vỗ ngực là theo chủ nghĩa xã hội từ hàng chục năm nay). Người ta phải dùng những lời lẽ hoa mỹ, mục tiêu hoa mỹ để che đậy cho mọi sự yếu kém, sa đọa tha hóa. Thói quen tự lừa dối mình và lừa dối người khác đã trở thành bản năng hành động của giới chức lãnh đạo và của bộ máy chính quyền! Các tính ưu việt cơ bản theo lý luận của chủ nghĩa xã hội như tính ưu việt về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, khái niệm công hữu về tư liệu sản xuất đã bộc lộ những mặt trái của nó trong thực tiễn cuộc sống tại Việt Nam.. Cụ thể thành phần kinh tế nhà nước không những đã hoạt động kém hiệu quả mà còn tạo ra môi trường tham nhũng ghê gớm làm hủy hoại nền kinh tế, làm xói mòn đạo đức xã hội. Như vậy để có lý do tồn tại chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam thì người ta phải cố tìm ra cho được tính ưu việt còn lại của thứ chủ nghĩa này: Đó là sự ổn định về bộ máy chính trị cầm quyền thông qua việc áp dụng chuyên chính vô sản... Cụ thể để đảm bảo sự ổn định về chính trị thì đương nhiên phải thực hành chuyên chính vô sản. Đó là trấn áp thẳng tay, không khoan  nhượng các lực lượng đối lập bất kể lực lượng đối lập đó là ai kể cả là quần chúng nhân dân! Một đội ngũ lãnh đạo quản lý một đất nước mà không dựa vào sự phát triển kinh tế, giải phóng quyền tự do sáng tạo của con người, hướng tới các thành quả văn minh vật chất và phi vật chất của nhân loại mà chỉ dựa vào các thủ đoạn mỵ dân và trấn áp thì sẽ rất khó tồn tại được trong hoàn cảnh hiện nay. Như vậy để tồn tại được trước sự chống đối của nhân dân, trước sức ép của dư luận thế giới thì đương nhiên và rất “tự  nhiên” ban lãnh đạo đó phải dựa vào và học tập các đồng chí Trung Quốc về chính trị, kinh tế, rồi đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và dần dần là về mọi mặt!!! Nhưng dù có hủ bại và yếu kém đến đâu, thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng “chế độ mỵ dân và đàn áp” và dù có nhận được sự che trở của các đồng chí Trung Quốc, cũng khó có thể tồn tại được lâu dài nên họ đã và đang đua nhau tham nhũng, chộp dựt! Một vòng luẩn quẩn thật đáng sợ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Thay cho lời kết:

Trung Quốc đã quyết tâm thực hiện chiến lước “trỗi dậy” của mình do vậy việc duy trì một Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc là một mục tiêu rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu của họ. Đối với Trung Quốc, con bài Bắc Triều Tiên đã bộc lộ ngày càng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được vì nước này đã lạm dụng đến giới hạn cùng cực của đường lối mỵ dân và đàn áp. Do vậy đối với Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một con bài sáng giá và đầy tiềm năng trên bàn tính về “đại cục” của nhà cầm quyền Trung nam hải. Chắc chắn họ sẽ không ngần ngại dùng các sức ép về chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng để buộc Việt Nam luôn phải nằm trong quỹ đạo của họ! Về kinh tế, tài chính, nếu có phải chi ra vài chục tỉ Đô la để đạt được mục tiêu này thì vẫn là một cái giá quá rẻ đối với người khổng lồ Trung Quốc với chiến lược “mở rộng phạm vi quyền lợi cốt lõi” của họ.

Minh Thông
23-4-13
 
(viet-studies)

Minh Văn - Những sự khác biệt

baochi
Những kẻ lừa đảo trên đời dối lừa người ta bằng cách nào? Ấy là chúng lợi dụng sự giống nhau về hình thức để đánh tráo nội dung, hoặc tạo nên sự hỗn loạn rồi “mập mờ đánh lận con đen”. Đó là cách thức mà chúng vẫn thường sử dụng để dối lừa nhân thế. Cái sai trái và xấu xa không được người đời chấp nhận, vì thế mà phải nương vào cái đúng, cái tốt để tồn tại. Vì vậy mà tạo nên hiện tượng tốt xấu – trắng đen lẫn lộn, để rồi đảo lộn nhân tâm. Một ví dụ không gì sát thực hơn là bản tin thời sự của truyền thông Cộng Sản Việt Nam. Ấy là bao giờ họ cũng đưa những tin tức dàn dựng trong nước, kế đó mới là thời sự quốc tế. Mà tin tức quốc tế thì bao giờ cũng trung thực (vì xã hội người ta thông tin tự do, có sao nói vậy), do đó mà người dân dễ nhầm lẫn rằng tin tức trong nước cũng khách quan như thế. Đó là ý đồ tạo sự trắng đen lẫn lộn của nhà nước Cộng Sản, thực chất tin tức trong nước là do họ tuyên truyền lừa dối.
Hệ thống tuyên truyền của nhà nước Cộng Sản vẫn làm cho người dân Việt Nam hiểu rằng: Các nước dân chủ (có hệ thống chính trị đa đảng) kém an ninh. Hay có đánh bom khủng bố, kinh tế thì thường xuyên khủng hoảng, quan chức thì tham nhũng…; còn Việt Nam chúng ta ( Độc tài độc đảng) thì an ninh tốt, không có khủng bố bao giờ, kinh tế thì ổn định, không bao giờ xảy ra tham nhũng…; họ quên rằng người dân Việt Nam bị đảng tước hết các quyền dân chủ, bị đè đầu cưỡi cổ thì làm sao mà an ninh chả tốt? Kinh tế thì trì trệ tụt hậu, nhưng lúc nào cũng bị đảng tuyên truyền là ổn định phát triển thì sao mà có khủng hoảng? Ti Vi, báo đài của nhà nước rất ít khi đưa tin về tham nhũng, chứ thực chất chế độ độc tài Cộng Sản là thiên đường của tham nhũng. Do đó mà tình hình đất nước bề ngoài được sơn phết và đánh bóng rất đẹp, nhưng bên trong chứa toàn ung nhọt sắp vỡ. Không như xã hội người ta, tin tức tự do nên những điều chưa tốt được nêu ra và giải quyết ngay một cách ổn thỏa. Vì thế mà xã hội luôn được làm mới, làm sạch để tiến lên phía trước với một trạng thái tốt đẹp và khỏe mạnh hơn.
Loài người luôn đi tìm những hình thái xã hội tốt đẹp, tiến bộ để xây dựng và phát triển. Để xã hội được công bằng hạnh phúc, ổn định và bền vững hơn. Vượt lên trên tất cả là sự làm chủ của người dân đối với xã hội mà mình đang sống, để đạt được những giá trị tự do cao đẹp. Tuy nhiên, mô hình xã hội tiến bộ nào cũng có những nhược điểm của nó, vì rằng sự vật trên đời không có cái gì vẹn toàn. Điều quan trọng là chúng ta lựa chọn mô hình dân chủ tiến bộ vì cuộc sống hạnh phúc người dân, vì sự phát triển của đất nước. Tiếc thay, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn cứ nhắm vào những cái không may của người ta để dè bỉu và lên án, cho rằng xã hội tự do dân chủ là kém cỏi và sai trái. Để rồi từ đó đảng lý luận rằng: Chỉ có chế độ độc tài do đảng Cộng Sản lãnh đạo là ưu việt và hạnh phúc nhất trên đời.
Nghe thì bất bình thật, nhưng quả thực để tồn tại thì đảng Cộng Sản không còn cách giải thích nào khác. Vì rằng để chứng minh cái sai là đúng (Chế độ Cộng Sản) thì người ta phải phủ nhận cái đúng (Chế độ dân chủ).
Để làm được điều đó, đảng Cộng Sản đã trở thành một kẻ siêu lừa đảo bằng cách “Mập mờ đánh lận con đen”, dựa vào sự giống nhau về hình thức để lừa bịp bản chất vấn đề. Đảng bắt chước người ta cái tên gọi, còn nội dung thì đảng chiếm lấy làm của riêng. Ví như đất nước người ta có các hội đoàn thì đảng ta cũng có, chỉ có điều bản chất khác nhau (nếu không muốn nói là trái ngược). Vì rằng trong các xã hội dân chủ thì những hội đoàn đó do người dân tự do thành lập và điều hành. Mục đích là để bảo vệ quyền lợi thành viên, phát triển các lợi ích cộng đồng. Ngược lại, ở xứ ta đảng cũng thành lập các hội đoàn có tên gọi như vậy, nhưng do đảng lãnh đạo. Vậy là, về hình thức thì giống nhau, nhưng nội dung thì đã có sự khác biệt. Một đằng là người dân làm chủ cuộc sống và xã hội, một đằng thì đảng kìm kẹp và quyết định tất cả. Đó chính là bi kịch của dân tộc Việt Nam, chừng nào còn tồn tại thì đảng còn hành động như vậy. Đảng luôn tồn tại và vinh quang bằng cách tạo nên sự khác biệt kỳ dị như thế.
Trong môi trường tự do, sự cạnh tranh lành mạnh khiến con người tiến bộ và lớn hơn lên (nhờ sự phấn đấu và so sánh). Do đó mà tốc độ phát triển của xã hội được đẩy nhanh, tránh được sự chậm tiến và trì trệ. Cũng trong môi trường đó, người ta chỉ có thể tiến lên bằng cách ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn.
Vừa rồi có mấy người nói lên sự thật mà phải bị ngồi tù. Đó là mấy sinh viên trí thức trích dẫn một câu danh ngôn như vầy: “Chỉ có thể làm cho người ta yêu bạn bằng cách làm cho mình trở nên đáng yêu hơn, chứ không thể bắt người ta yêu bạn”. Câu này nghe qua thì đúng và vô hại, nhưng đã đánh trúng tim đen của đảng Cộng Sản. Cả đời đảng tồn tại bằng cách bắt người ta yêu mình, nay mấy sinh viên kia đi ngược với “chủ trương đường lối” thì bị ngồi tù là đáng, ai bảo học nhiều cho lắm rồi trở nên cuồng chữ mà thách thức đảng độc tài.
Xưa nay chưa thấy ai trở nên giỏi bằng cách chê người khác dốt, bắt người ta yêu mình thay vì làm cho mình trở nên đáng yêu hơn như đảng Cộng Sản. Phải chăng đó là những sự khác biệt mà chế độ Cộng Sản cống hiến cho loài người?
© Minh Văn
© Đàn Chim Việt

Bùi Văn Bồng - Chả lẽ quân ta đánH quân mình?

Một tệ nạn không mang tính xã hội phổ quát, mà chỉ có ở quan chức. Đó là tệ  nạn tham nhũng. Dân thì có gì để mà tham những? Chỉ có cán bộ có chức có quyền, sử dụng tiền ngân sách nhà nước, ký cót giấy tờ này-kia, quản lý sử dụng đất đai, làm các dự án, quản lý, điều hành các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp… là những mảnh đất mỡ màu sinh ra và phát triển tham nhũng. Trước đây, nói đến hiện trạng tràn lan tham nhũng có nhiều người còn ngờ vực, còn rất tin vào 'cán bộ của đảng' và hãy đợi đấy, rất cẩn trọng “còn xem nó thế nào!
Nay thì càng ngày tệ nạn làm suy yếu nền kinh tế, làm nghèo đất nước, kéo lùi và làm “lạc hậu hóa” mọi sự phát triển toàn xã hội. Đến nay, thực tế đã chứng minh rõ rành rành tham nhũng đã trở thành “phong trào” tràn lan, phức tạp, nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Nó còn hơn nạn dịch.
Mới đây, phát biểu của Tổng Thanh tra chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh, rằng: Những đoàn khiếu kiện tập thể mà ông gọi là quá khích, đặc biệt mang màu sắc chính trị thì yêu cầu phải có biện pháp cưỡng chế. Các địa phương có đoàn đông người phải phối hợp để thu thập tài liệu chứng cứ xử lý dứt điểm.
          
Dự luận cho rằng đây là một sự xúc phạm Hiến pháp. Và coi như Tổng thanh tra Chính phủ biểu hiện rõ việc dựng lên rao chắn đẻ bao che tham nhũng. Tuyên bố này của ông Tranh đã gây nhiều bất bình trong nhân dân, nhât slaf những người dân lâu nay mất đất, quá thiệt thòi đẫ mấy chục năm khiếu kiện chưa kết quả, nay Nhà nước đang “Tuyên chiến với chông stham nhũng, tuyên chiến với dân oan”. Người ta cho rằng ông Tổng thanh tra chính phủ đã quên mất vị trí của mình, là nói thay cho Bộ công an, nơi thường đưa ra những quy định dưới luật để có lý do đàn áp, bắt bớ người dân.
          
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận xét: “Tôi không đồng ý về cái việc đấy. Không phải tất cả các cuộc khiếu nại đông người đều mang màu sắc chính trị, phải rất cẩn trọng trong việc có màu sắc chính trị hay không có màu sắc chính trị. Khi người ta đã tập trung đông người để biểu tình là vì quyền lợi cụ thể của người ta mà mình kết luận như vậy thì phải hết sức thận trọng. Tuyên bố hay hoạt động như vậy là vượt quá phạm vi của một ông Tổng thanh tra.”
Trách nhiệm của Thanh tra chính phủ trước chồng đơn cao ngất của người dân mất đất là tìm hiểu xem nguyên do nào người dân kêu cứu. Kẻ thi hành luật tại địa phương có biểu hiện sai trái gì và các vụ bồi thường giải tỏa có công bình và đúng với tinh thần trưng thu của nhà nước hay không… Ngược lại ông Huỳnh Phong Tranh lại đi thanh tra người khiếu kiện bằng những lời lẽ hăm dọa, đe nẹt và chụp cho họ cái mũ là “mang màu sắc chính trị”. Như thế đã lộ rõ ngày càng nhiều ‘hàng rào, công sự’ xây thêm boong-ke, lô cốt, kiên quyết phòng ngự để chống lại cuộc đấu tranh chống tham nhũng của toàn đảng, dân hiện nay. Thái độ 'tuyên chiến với dân chủ' như thế khác nào nói trắng ra rằng từ nay chấm dứt khiếu kiện đòi quyền lợi, chống bất công gì nữa, ai mất đất ráng chịu nếu như không muốn bị bắt giam, bỏ tù!?
Những người có chức có quyền mang danh đảng viên cộng sản đã và đang theo đuổi mục đích tham nhũng đều có động cơ, chủ đích, tính toán, vạch ra cho mình một lối thoát khá chủ động và an toàn cho "tương lai". Tất nhiên, lối thoát đó là của riêng họ, không nằm trong đường hướng chung của dân tộc, tách ra khỏi đường lối của Đảng, không cùng tuyến với nhân dân. Nếu họ đã vì dân vì nước như lời thề khi vào Đảng và khẩu hiệu "suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản" thì họ đã không cố tình tham nhũng, hẳn rằng họ đã phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, là họ đã đi theo "gương Bác Hồ", họ đã sống gương mẫu theo phẩm chất cần có của một người CS chân chính, làm việc vì dân, vì lợi ích của dân tộc, vì tương lai đất nước.
Xin chớ ngộ nhận hoặc hy vọng, chờ đợi họ tự nhận ra khuyết điểm, đừng mong họ sám hối, thú nhận và từ bỏ sai lầm, đi theo con đường chân chính nói trên. Trong thực tế không có một tên ăn cắp chuyên nghiệp nào tự giác vào nhà lấy đồ đã ăn cắp trả lại và xin lỗi người bị mất cắp. Tự bản thân họ hành động với mục đích như vậy, xuất phát từ lòng tham, muốn cuộc sống lắm tiền, nhiều vàng, đô la để hưởng thụ. Họ là những con người đã thực sự từ bỏ lý tưởng cộng sản ngay từ trong máu, muốn thành nhà tư bản. Họ không còn chất cộng sản từ trong chính trị, tư tưởng, đến đạo đức, lối sống. Cho dù họ là cán bộ đảng viên đương chức đương quyền, nhưng nếu đem đạo đức cách mạng nói với họ chỉ bằng thừa, thêm mất công. Đối với họ, đạo đức cách mạng là sự ngáng trở hành vi tham nhũng mà họ đang theo đuổi, che giấu, ém nhẹm, không muốn cho ai đụng đến.
Với những người đã có chủ đích tham nhũng cố tình vơ vét làm giàu, nếu như nhắc lại những lời Bác dạy, đưa nguyên tắc, điều lệ Đảng ra để soi xét, đưa cả đạo lý mà nhắc nhở, thậm chí trích dẫn pháp luật...thì có ích gì !? Họ chỉ biết có tiền, và càng nhiều càng thấy còn ít, lòng tham bao giờ cũng vô đáy!Cho nên, đối với họ không có một sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh đồng tiền, không có lời kêu gọi, lời giáo huấn nào thiết thực và ngấm nhanh bằng tiếng gọi thôi thúc của kim tiền. Ngược lại, trong thâm tâm họ chẳng bao giờ thích nghe người khác rao giảng về đạo đức cách mạng dù trên mặt cố làm ra vẽ “tiếp thu” một cách giả dối, rằng "tôi rất cầu thị, cần nghe người dân phê bình"!
Với động cơ, chủ đích làm giàu, họ phải chạy cho ra tiền để mua chức trọng quyền cao, có vậy mới đủ điều kiện tham nhũng. Vì bài toán "thời đại và cơ chế"cho phép, có chức có quyền mới vơ tiền nhanh và dễ dàng. Khi họ đã mua được chức, quyền thì phải khôn ngoan và khéo léo hành động ngay khi mới yên vị, tức là tìm mọi cách mua lòng cấp trên, xây dựng niềm tin của lãnh đạo, từng bước thò bàn tay tham nhũng, ăn hối lộ, làm cò mồi cho những vụ việc/dự án của cơ quan để vừa bù cho khoản đã bỏ ra mua chức quyền, vừa thực hiện giấc mơ giàu sang phú quý. Con đường họ tự vạch ra là vậy, không có cách nào khác!
Thử hỏi mượn danh cộng sản để tham nhũng, làm giàu, có tồn tại lâu dài và ôm trọn gói trong thể chế chính trị theo đường “cộng sản”gian dối ấy được hay không? Chắc chắn là không vì như người xưa thường nói “vải thưa đâu thể che mắt thánh”, “cây kim bọc giẻ lâu ngày cũng sẽ lòi ra” có che giấu mãi được đâu!. Vì thế, cái mưu kế phải nảy sinh. Họ vơ vét tiền trong nước, đổi ra ngoại tệ, vàng, kim loại quý, đá quý, đưa ra nước ngoài (phải là nước tư bản giàu có) để đầu tư, mở công ty, mua biệt thự, lâu dài, xe hơi "xây tổ" lâu dài. Những tài sản đó nằm lù lù như thế thì che dấu vàođâu?
Còn kinh tế đất nước bị suy thoái ư? Nhân dân lao động rơi vào cảnh đói kém, cực khổ ư? Có liên quan gì đến họ đâu! Mackeno! Thực trạng đó lại càng hợp với logich mà họ mong muốn. Cảnh nội chiến nồi da xáo thịt, hoặc khi giặc ngoại xâm tràn vào bóc lột, hà hiếp dân trong nước ư? Họ “cóc” cần. Trái lại, khi đã giàu sụ do tham nhũng mà có, lắm tiền, nhiêu vàng, họ còn muốn chế độ này sụp đổ để họ trở thành ông chủ tư sản hưởng sung sướng đến đời con, cháu, chắt...Và nếu sự biến xảy ra như "thành trì XHCN" Liên Xô bị sụp đổ trong vụ 19-8-1991 kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt nước trong hệ thống XHCN ở Đông Âu, thì họ chỉ cần mấy chục phút là vèo ra nước ngoài, ung dung sống cuộc đời lưu vongtrên ghế ông chủ ngay tại nước tư bản lớn. Cái "chiến thuật" này đã được các "tư sản Đỏ" Liên Xô cũ làm ngon ơ, trót lọt rồi. Đã nhiều tiền của, lại tạo lập được cái vị thế từng mong đợi lâu nay ở nước ngoài, họ đâu có ngán ai! Trong con mắt họ, khi đã có nhiều tiền vàng thì trong thể chế chính trị nào họ vẫn "sống khỏe".
Cho nên, cần nhận diện cho rõ, đó chính là động cơ, đồng thời cũng là chủ đích của quan tham. Chống tham nhũng trước hết phải nhanh chóng và tỉnh táo nhận ra những kẻ đó, ngăn chặn, quản lý chặt thì mới không bỏ sót chủ mưu, không bị "mất tăm" đối tượng chính, nếu không, "bài chuồn" là kế sách cuối cùng, an toàn và rất ngon lành của họ. Gương của Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Hồ Ngọc Tùng, Diệu Hiền vẫn còn sờ sờ ngay đấy. Cả mấy thập kỷ nay hô hào tuyên chiến với tham nhũng, tuyên chiến với buôn lậu, tuyên chiên với các loại tội phạm xã hội. Nhưng xem ra,"TUYÊN" rất lớn, đầy hào khí, rất mạnh ...cái mồm, nhìn lại đâu thấy ai có đủ quyền hành, thế lực mà dám "CHIẾN", và chưa bao giờ thấy "TUYÊN CHIẾN" mà thắng cuộc! Có khác nào những chiến công của anh hùng "Đông-ky-sốt. Ai chống ai, ai điều tra, xử lý ai? Nhìn lại:  Chẳng lẽ 'quân ta đánh quân mình', cũng là TA cả mà! Kết cục vẫn là: " Cả làng tỉ sốKhông-Không / Tội tôi chỉ Một, tội ông cả Mười / Bắt tay, gác kiếm, cùng cười...

Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng)

Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!

Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?
Góp ý nhân đợt Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra công tác quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Sự phê phán về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng và kiến nghị NHNN trả lại thị trường cho vàng đều có cơ sở, căn cứ và cần được lắng nghe thấu đáo. Và mức tăng giá vàng kéo theo giá USD những ngày qua là tín hiệu đáng lo ngại.
Không thể chấp nhận
Theo bà, NHNN đứng ra “bao sô” các hoạt động nhập nguyên liệu, đấu thầu vàng, chỉ chấp nhận một thương hiệu… là sai quy luật của thị trường, gây ra thiệt hại cho người dân có nhu cầu mua vàng. “Diễn biến này đã có từ năm 2012 nhưng NHNN phản ứng quá chậm để khắc phục. Đây là điều không thể chấp nhận được” - bà nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên được bà Hiền cho là do nguồn cung không đáp ứng đủ. Đấu thầu vàng chỉ giúp các tổ chức kinh doanh vàng cân bằng trạng thái vàng chứ không nhằm cung cho thị trường. Chuyện thị trường vàng sẽ ổn định khi việc tất toán vàng hoàn thành sau 30-6-2013 là rất khó. Cũng không có hy vọng nào cho thấy chênh lệch giá vàng sẽ giảm. Mà chênh lệch vàng sẽ dẫn đến buôn lậu vàng, USD hút vào nhập vàng và tỉ giá thì tăng lên như hiện nay.
Theo TS Nguyễn Thị Hiền, đấu thầu vàng chỉ giúp các tổ chức kinh doanh vàng cân bằng trạng thái vàng chứ không nhằm cung cho thị trường. Ảnh: HTD
“Theo tôi, Thanh tra Chính phủ cần xác minh cái lợi - hại của đấu thầu vàng. Rất mong qua đợt thanh tra này sẽ tìm ra nguyên nhân gây nên sự biến động vô lý của thị trường vàng. Đấu thầu không giúp cải thiện thị trường vàng. Hãy trả lại vàng về đúng thị trường và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ chính đáng tham gia chế tác, kinh doanh tăng cung thực chất cho thị trường” - bà gửi gắm.
Có lợi cho ai?
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nói thẳng: Thị trường vàng lúc này nguy cấp lắm rồi mà sao không thấy người có trách nhiệm của NHNN đứng ra giải thích? Có thể nói tất cả chính sách điều hành về thị trường vàng của NHNN áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn.
“Quyết định của Thanh tra Chính phủ là chính xác và kịp thời. Tôi mong thanh tra làm rõ các vấn đề như lượng vàng nhập vào Việt Nam là bao nhiêu? Vàng lậu đi vào bằng con đường nào. Có ai bao che, tiếp tay hay không? Về điều hành của NHNN, thanh tra cần làm rõ việc tổ chức đấu thầu vàng để làm gì? Tại sao lại gây ra tình hình độc quyền? Các chính sách pháp luật quản lý thị trường vàng có lợi cho ai? Có “lợi ích nhóm” trong này hay không? Tôi ví cứ điều hành vàng theo cách đấu thầu thì Bộ Xây dựng có thể đấu thầu xi măng, Bộ NN&PTNT thì đấu thầu gạo… hay sao?” - ông nói rõ.

Trách nhiệm phát ngôn lung tung
TS Lê Đăng Doanh còn nhận xét phát ngôn của NHNN trong việc quản lý thị trường “cứ lung tung”, lúc thì bảo ổn định giá vàng, lúc lại nói bình ổn thị trường. “Như tôi biết bất cứ một mặt hàng nào mà có chênh lệch từ 5 triệu đồng trở lên thì không có lực lượng hải quan nào quản nổi. Tôi góp ý thanh tra cần làm rõ việc điều hành thị trường vàng của NHNN có nằm trong các chính sách tổng thể về kinh tế hay không, có đảm bảo lòng tin về tỉ giá hay không... Ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu trong chính sách điều hành này” - ông Doanh nói.
(PLTP)

Báo Thanh niên đính chính vì đưa tin "Rửa vàng" sai

Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật
Ngày 24.4.2013 Báo Thanh Niên có đăng bài báo Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế ? (sau đây gọi tắt là “Bài báo”).
Bài báo dẫn số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đưa ra nhận định “hàng tỉ USD nhập lậu vàng” và “các chính sách xuất - nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam” và “hợp pháp hóa vàng lậu”. Về các nội dung của bài báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ra thông cáo báo chí, có ý kiến chính thức như sau:
1. Về số liệu vàng nhập lậu:
Theo thông tin chính thức trên trang tin điện tử của Hội đồng Vàng thế giới, hằng năm, Hội đồng Vàng thế giới tổ chức các cuộc khảo sát tại các quốc gia để gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để trao đổi, đưa ra các nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia. Trên cơ sở đó, Hội đồng đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu vàng đầu tư. Như vậy, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng thế giới là con số dự tính nhu cầu vàng của Việt Nam; hoàn toàn không phải là số liệu về số lượng vàng nhập khẩu hằng năm của Việt Nam.
Do vậy, việc bài báo sử dụng số liệu về nhu cầu vàng năm 2011, 2012 của người tiêu dùng Việt Nam do Hội đồng Vàng thế giới ước tính để cho rằng đây là số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, làm sai lệch bản chất của số liệu trích dẫn.
Theo NHNN Việt Nam, từ cách hiểu sai lệch như trên, tác giả bài báo đã suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan nhà nước.

Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật
Ngân hàng Nhà nước khẳng định không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
2. Về chủ trương tạm xuất, tái nhập:
NHNN từng giải thích, làm rõ nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC. Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC của người dân, TCTD và doanh nghiệp, NHNN đã ban hành quy định chặt chẽ để thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng miếng SJC. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển đổi, NHNN đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu. Việc thực hiện chủ trương này này nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện. Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại TCTD. Quy trình tạm xuất, tái nhập được NHNN tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31.03.2013. Do vậy, việc bài báo cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập này  nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của nhà nước.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, NHNN đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn vàng bán can thiệp của NHNN là dự trữ ngoại hối nhà nước, không liên quan đến vàng tạm xuất, tái nhập. Do vậy, việc bài báo cố tình suy diễn cho rằng nguồn vàng NHNN bán can thiệp là vàng tạm xuất, tái nhập là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện công tác quản lý thị trường vàng theo đúng các quy định của pháp luật.

Đính chính
Trong bài Rửa vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên số 114 ra ngày 24.4, tác giả Nguyên Hằng đã dẫn số liệu về lượng nhập khẩu vàng nữ trang và vàng thỏi trong năm 2011 và 2012 từ nguồn báo cáo của Hiệp hội Vàng thế giới. Tuy nhiên, do dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên phóng viên đã nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước. Cụ thể, theo Hiệp hội Vàng thế giới thì nhu cầu giao dịch vàng nữ trang của Việt Nam trong năm 2011- 2012 là 25,5 tấn, trị giá 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên tác giả bài viết đã hiểu không chính xác nên cho rằng đây là số vàng nhập khẩu, dẫn tới các phân tích và kết luận sau đó rằng đã có nhập lậu 25,5 tấn vàng nữ trang vào thị trường nội địa trong 2 năm 2011- 2012. Các phân tích sau đó về việc liệu có tình trạng vàng lậu lợi dụng cơ chế tạm nhập- tái xuất để hợp pháp hóa cũng không chính xác. Báo Thanh Niên trân trọng cáo lỗi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng bạn đọc.

Thanh Niên
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
(Thanh niên)

Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?

Tính đến ngày 24-4, hơn 12 tấn vàng (315.000 lượng) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra trong các phiên đấu thầu và được tiêu thụ hết, nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.
Thùng không đáy
Với mức giá trung bình 42-43,5 triệu đồng/lượng, ước tính tổng trị giá số vàng mà NHNN tung ra thị trường lên đến hơn 1.500 tỉ đồng, bằng nửa vốn điều lệ của một ngân hàng (NH) thương mại loại nhỏ.
Giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP.HCM ước lượng trên 90% số vàng đấu thầu của NHNN do các NH mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây và đã bán ra để lấy VND. Số ít còn lại là các công ty kinh doanh vàng đã mua, nhưng trong số này nhiều công ty là sân sau của các NH nên thực chất vàng cũng chảy về túi NH chứ không được đưa ra thị trường.
Loại doanh nghiệp nhỏ khỏi cuộc chơi đấu thầu
Theo một số công ty vàng, hiện nay NHNN đã nâng khối lượng đặt thầu tối thiểu lên mức 1.000 lượng, tương đương 42 tỉ đồng, chưa kể phải chuyển trước một ngày nên cuộc chơi đấu thầu vàng gần như chỉ còn các NH và vài công ty vàng lớn như AJC, DOJI, PNJ. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ chỉ có vốn khoảng 100 tỉ đồng nhưng nằm hết trong hàng hóa, nên việc huy động được một lúc 42 tỉ đồng là chuyện bất khả thi, chưa kể NHNN còn có lệnh cấm các NH cho các công ty vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng.

Ai tiêu thụ số vàng này, và vì sao giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 6-7 triệu đồng/lượng?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với điều kiện mà NHNN đưa ra, trong đó tỉ lệ đặt thầu tối thiểu từ 500 đến 1.000 lượng tùy phiên, những doanh nghiệp nhỏ không thể nào có lực để tham gia đấu thầu. Để tham gia doanh nghiệp phải có số vốn 20-40 tỉ đồng, chỉ những ông lớn đang cần mua vàng để bù đắp trạng thái mới có đủ lực tham gia. Lãnh đạo một NH từng nói vui rằng chỉ cần NHNN thông báo đấu thầu, ông có thể biết trước được đơn vị nào sẽ thắng thầu vì đã quá biết NH nào cần mua vàng, số lượng bao nhiêu.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, chủ tịch Công ty vàng Agribank (AJC), nhận định trong 11 phiên đấu thầu qua, lực mua chính xuất phát từ các NH cổ phần. Họ mua để bù đắp lại số vàng huy động của dân mà trước đây họ đã bán ra để lấy tiền đồng, nay phải mua để trả lại cho người gửi vàng trước thời điểm 30-6. Do vậy, dù NHNN bán ra số vàng rất lớn nhưng số vàng này không ra được thị trường mà nằm trong dự trữ của các NH để chi trả cho người gửi tiết kiệm. Như vậy thực chất thị trường vàng không được tăng nguồn cung nên giá vàng trong nước không thể thu hẹp cách biệt với giá vàng thế giới.
Theo ông Trúc, trước đây có thông tin các NH cần phải mua 20 tấn vàng để đóng trạng thái. Nếu con số này chính xác, các NH vẫn còn thiếu gần 8 tấn vàng để chi trả cho dân do đến nay NHNN chỉ mới bán ra 12,1 tấn. “Có thể sau ngày 30-6, khi các NH đóng trạng thái xong thì NHNN sẽ đưa việc bình ổn thị trường vàng thành mục tiêu chính khi thực hiện đấu thầu” - ông Trúc nói.
20 tấn vàng hay nhiều hơn thế?
Chưa bao giờ NHNN chính thức đề cập số vàng thực chất mà các NH buộc phải mua trước hạn chót phải tất toán trạng thái là ngày 30-6. Tuy nhiên, số liệu của một số NH cho thấy con số này không hề nhỏ. Trong báo cáo gửi đến cổ đông của mình, NH SCB cho biết trong năm 2012 đã mua tổng cộng 63.987 lượng vàng để giảm trạng thái âm nguồn. Tuy nhiên tính đến 31-12-2012, tổng trạng thái âm nguồn vàng của SCB vẫn còn 247.031 lượng và NH này phải tiếp tục mua vàng vật chất trong thời gian tới hướng đến đóng trạng thái hoàn toàn trong năm 2013 theo chủ trương của NHNN.
Còn số liệu của NHNN TP.HCM, tổng nguồn vốn bằng vàng của các NH trên địa bàn là hơn 1,6 triệu lượng, trong đó tính riêng tiền gửi bằng vàng của khách hàng là 664.776 lượng, tương đương 25 tấn. Số vàng giữ hộ cũng khoảng 24,7 tấn. Số vàng huy động này phải trả lại cho khách hàng chậm nhất vào ngày 30-6.
Đến nay chỉ có một số ít NH hoàn tất việc đóng trạng thái. Nhiều NH vẫn phải miệt mài mua từ nguồn đấu thầu của NHNN. Tổng giám đốc một NH tại TP.HCM nói những năm trước khi bị áp lực thanh khoản tiền đồng, NH đã phải bán ra để chuyển một lượng vàng thành VND và sử dụng vàng làm tài sản thế chấp để vay vốn liên NH. Việc này vào thời điểm đó được NHNN cho phép, nhưng nay chính sách thay đổi và NH đang phải trả giá. Ngay cả NH hoàn tất việc đóng trạng thái cũng vẫn phải mua vào để hỗ trợ khách hàng vay vàng chuẩn bị đáo hạn.
Đến cuối ngày 24-4, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 6,32 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 42,22 triệu đồng/lượng. Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng việc đấu thầu thực chất chỉ nhằm giải quyết việc đóng trạng thái cho các NH chứ không thể bình ổn được thị trường ngay cả sau thời điểm 30-6 khi các NH hoàn tất việc đóng trạng thái. Theo ông Hải, các NH bán vàng một năm trước khi vàng ở mức giá 41-42 triệu đồng/lượng, lấy tiền đồng cho vay với lãi suất có thời điểm lên đến hơn 20%/năm rõ ràng đang lời. “NHNN nên công khai các NH đang bị âm trạng thái và đề nghị tất toán ngay đợt này, không cần chờ đến 30-6. Bên cạnh đó NHNN cần kiểm soát chặt, tránh trường hợp NH lạm dụng ôm vàng chờ giá lên để bán” - ông Hải đề nghị.

“Dự báo sẽ bình ổn sau ngày 30-6”
Sau 11 phiên tung ra bán hơn 12 tấn vàng, NHNN vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới mà ngược lại, khoảng cách ngày càng nới rộng, từ mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng vào phiên đấu giá vàng đầu tiên ngày 28-3, đến ngày 24-4 đã lên đến 6,29 triệu đồng/lượng.
Một quan chức NHNN thừa nhận phần lớn số vàng được bán ra thời gian qua được các ngân hàng mua để tất toán số dư vàng huy động trước ngày 30-6. Đây cũng là lý do mà giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh nhau khá lớn. Theo vị này, thị trường cần có độ trễ nhất định, khi số vàng được đấu thầu ra thị trường, cung cầu sẽ cân bằng. Mức chênh lệch giá trong nước và thế giới sẽ giảm. “Thị trường vàng trong nước được dự báo sẽ bình ổn sau ngày 30-6. Lúc đó, khoảng cách giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới” - vị này nói.
L. THANH
(Tuổi trẻ)

NH Nhà Nước bị tố ‘rửa’ vàng thu lợi hàng trăm triệu đô

Lần đầu tiên tại Việt Nam, tổ chức tiền tệ cao nhất của nhà cầm quyền - Ngân Hàng Nhà Nước - bị dư luận công kích và tố cáo đã “thực hiện hành vi rửa vàng,” thu lợi hàng trăm triệu đô la.
Báo mạng VietNamNet cho biết, sự bùng nổ dư luận công kích kịch liệt khiến người đứng đầu Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) CSVN chiều ngày 24 Tháng Tư phải ra một thông cáo bác bỏ lời tố cáo NHNN “rửa vàng.”
Trước đó mấy ngày, báo Thanh Niên tung dư luận cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã dùng cơ chế quyền lực của mình để tổ chức một đợt rửa vàng, thu lợi.
Dư luận nói rằng NHNN đã thu hàng chục tấn vàng nhập lậu vào trong tay với giá rẻ bằng định chế “thống nhất quản lý và kinh doanh vàng,” biến thương hiệu SJC thành “quốc hiệu.” Từ đó, NHNN dập vàng “phi SJC” thành vàng lá SJC mà họ độc quyền sản xuất rồi bán ra, thông qua cơ chế “đấu thầu.” Giá đấu thầu này cao hơn giá thế giới ít nhất 300 đôla mỗi lượng.

Thị trường vàng ở Việt Nam nhiều bí ẩn. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Người ta ước tính bằng cách này, NHNN vừa thu vào túi hàng trăm triệu đô, vừa hợp pháp hóa hàng chục tấn vàng lậu “trôi nổi” ở thị trường tự do một cách đường hoàng.
Báo Thanh Niên trích dẫn phúc trình của Hiệp Hội Vàng thế giới xác định rằng chỉ riêng trong hai năm 2011 và 2012, ít nhất 1.3 tỉ đô vàng nữ trang với khối lượng lên đến 25.5 tấn đã được tuồn vào Việt Nam. Ðó là chưa kể khoảng 87.8 tấn vàng thỏi, trị giá trên 4 tỉ rưỡi đô chảy vào Việt Nam riêng trong năm 2011. Còn trong năm 2013, số lượng vàng thỏi nhập lậu lên tới 75.2 tấn, tương đương 4 tỉ đô.
Báo Thanh Niên khẳng định rằng NHNN Cộng sản Việt Nam không hề cấp giấy phép nhập cảng vàng chính thức cho bất kỳ công ty kinh doanh nào trong thời gian trên. Như vậy, báo này cho rằng, những tổ chức nhập lậu vàng là thủ phạm gây ra tình trạng biến động hối suất đô la trong suốt thời gian qua. Cũng theo Thanh Niên, nền kinh tế không cần nhiều đô la để phát triển, trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn rất nhiều, chưa kể 11 tỉ đô la của người Việt Nam ở hải ngoại gửi về. Thế nhưng, cung lượng đô la vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu khiến hối suất tăng vọt từng hồi.
Báo Thanh Niên còn trích dẫn dư luận cho rằng NHNN Cộng sản Việt Nam chỉ mới đẩy ra thị trường hơn 11 tấn vàng qua 11 cuộc đấu thầu từ tháng qua cho đến nay. Người ta tiên đoán NHNN còn tung ra thị trường không dưới 15 tấn vàng để tiếp tục “rửa.”
Dư luận lâu nay vẫn phê phán chủ trương độc quyền sản xuất vàng lá của NHNN Cộng sản Việt Nam để gọi là “bình ổn” và kềm chế giá vàng nội địa so với giá vàng thế giới. Thế nhưng, sau cuộc đấu thầu lần thứ 11, với 26,000 lượng vàng được tung ra, giá vàng lá ở Việt Nam vẫn tiếp tục cao hơn giá thế giới đến 6.3 triệu đồng, tương đương 310 đô một lượng. Khoảng cách này vài tháng trước là 1 triệu đồng, tương đương 50 đô/lượng.
Dư luận còn cho rằng không quốc gia nào trên thế giới giao cho NHNN trung ương độc quyền sản xuất, kinh doanh, bán vàng ra thị trường như Việt Nam. Sách lược của NHNN Việt Nam còn gây sự nực cười là ấn định giá trị miếng vàng bằng logo, chứ không phải bằng tuổi vàng.
Người ta tiên đoán, khoảng cách giá vàng Việt Nam và thế giới càng bị kéo giãn thì tình trạng nhập lậu vàng sẽ càng nhộn nhịp, và giá đô tiếp tục leo thang.
(Người Việt)

Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình và những phiên chợ vàng


Từ quyết định của Nguyễn Tấn Dũng 16/2013/QĐ-TTg sang đến 11 phiên chợ vàng của Nguyễn Văn Bình với 12 tấn vàng tống ra thị trường; Từ việc Ngân Hàng Nhà Nước cho tin đồn "không có đổi tiền vào thời điểm này" chính thức lên sân khấu lề đảng đến chuyện báo Thanh Niên tố cáo có 188.5 tấn vàng "chắc" được nhập lậu vào Việt Nam - chúng ta thấy gì?
Vào ngày 4-3-2013 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 16/2013/QĐ-TTg (1) về việc mua, bán vàng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ngắn gọn: Nguyễn Tấn Dũng trao quyền hạn cho Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, người được ông Dũng bổ nhiệm vào chức vụ này, quyết định phương án can thiệp thị trường vàng (điều 3 của quyết định).
Cũng trong văn thư này, Nguyễn Văn Bình/NHNN được toàn quyền mở tài khoản, mua vàng, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài hoặc mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng hoặc bán vàng ra nước ngoài (Điều 3.2), cũng như quyết định việc áp dụng tỷ giá và giá vàng để quy đổi sang đô la Mỹ và đồng Việt Nam (Điều 4.8).
Từ Quyết định 16/2013/QĐ-TTg sang 11 phiên chợ vàng
Được Thủ tướng dọn đường mở lối, ngày 28 tháng 3 - gần 3 tuần sau khi Thủ tướng ký quyết định, - Thống đốc Nguyễn Văn Bình ra quân:
Ngày 28/3, phiên đấu thầu vàng thứ nhất, NHNN bán được 2.000 lượng.
Ngày 4/4, phiên đấu thầu thứ 2, NHNN bán được 25.700 lượng.
Ngày 5/4, phiên đấu thầu thứ 3, NHNN bán được 25.700 lượng.
Ngày 9/4, phiên đấu thầu lần thứ 4, NHNN bán được 25.600 lượng.
Ngày 10/4, phiên đấu thầu lần thứ 5, NHNN bán được 39.200 lượng.
Ngày 12/4, phiên đấu thầu lần thứ 6, NHNN bán được 40.000 lượng.
Ngày 16/4, phiên đấu thầu lần thứ 7, NHNN bán được 25.700 lượng.
Ngày 17/4, phiên đấu thầu lần thứ 8, NHNN bán được 37.900 lượng.
Ngày 18/4, phiên đấu thầu lần thứ 9, NHNN bán được 39.800 lượng.
Ngày 23/4, phiên đấu thầu lần thứ 10, NHNN bán được 26.000 lượng.
Ngày 24/4, phiên đấu thầu lần thứ 11, NHNN bán được 25.600 lượng.
Tổng cộng sau 11 phiên đấu thầu, Nguyễn Văn Bình và NHNN đã bán ra 313.200 lượng vàng - khoảng 12 tấn vàng.
Trong suốt 11 phiên bán, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới tại thời điểm bán. Vào phiên 1, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Phiên 2 khoảng 4,4 triệu đồng/lượng. Phiên 3 ở mức 4,1 triệu đồng/lượng. Phiên 6 là 3,6 triệu đồng/lượng. Phiên 7 vọt lên gần 5 triệu đồng/lượng. Phiên 9 tăng tiếp 6,15 triệu đồng/lượng và vẫn giữ ở mức 6 triệu đồng/lượng vào thời điểm của phiên đấu thầu lần thứ 11.
Nếu tính trung bình khác biệt giữa giá vàng mà NHNN bán ra cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4.5 triệu thì chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng Nguyễn Văn Bình và NHNN đã thu lợi: 4,5 triệu x 313.200 lượng = 1.409.400.000.000 đồng (1409 tỷ).
Từ 11 phiên chợ vàng sang đến chiêu tung tin "đính chính" đổi tiền:
Ngày 22 tháng 4, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN đăng đàn trên truyền thông của đảng và nhà nước tuyên bố "không có chuyện ĐỔI TIỀN ở THỜI ĐIỂM này (2)
Cùng ngày, Thống đốc Nguyễn Văn Bình / NHNN ra thông báo chính thức bác bỏ tin đồn đổi tiền mới cũng như việc phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng.
Theo NHNN, tin đồn đổi tiền lan đi từ giữa tuần trước, khi có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh chủ đề sửa đổi Hiến pháp về việc đổi tên nước trở lại thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một phương án đề nghị từ phe Nguyễn Tấn Dũng.
Thông tin này được hàng loạt các trang báo lề đảng đăng tải mặc dù trước đó trên toàn hệ thống truyền thông của đảng và nhà nước hoàn toàn không có một rò rỉ, thông tin gì về tin đồn đổi tiền.
Điều gì sẽ xảy ra, người dân sẽ phản ứng ra sao khi NHNN và báo lề đảng phổ biến tràn lan "tin tức... phủ nhận tin đồn" trong bối cảnh Nguyễn Văn Bình cứ vài ngày là rao bán vài chục nghìn lượng vàng?
Và... vàng ở đâu?
Câu hỏi được đặt ra là ông Nguyễn Văn Bình "đào" đâu ra 12 tấn vàng này đem bán? Từ năm trước bước sang năm nay Việt Nam đã không nhập một ký vàng nào chứ đừng nói đến cả tấn theo đường chính thức.
Để giải thích vàng từ đâu ra, Ngày 24/4/2013 báo Thanh Niên đăng bài viết "Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế?" (bài viết này hiện không còn truy cập được nữa, xin xem lại Ở đây).
Theo bài báo, với những dữ kiện thông tin từ Hiệp hội Vàng Thế giới:
- Về số lượng vàng nữ trang - Trong năm 2011 VN nhập khẩu 13 tấn; năm 2012 nhập khẩu 12,5 tấn. Tổng cộng khoảng 1,3 tỷ USD nhập khẩu cho 25,5 tấn vàng nữ trang trong 2 năm.
- Về số lượng vàng thỏi - Trong năm 2011 VN nhập khẩu 87,8 tấn; năm 2012, số lượng là 75,2 tấn. Tổng cộng khoảng 8,6 tỷ USD nhập khẩu cho 163 tấn vàng thỏi.
- Và cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang cũng như vàng thỏi. Do đó tổng cộng 25,5 tấn vàng nữ trang + 163 tấn vàng thỏi = 188.5 tấn vàng này là nhập lậu hoàn toàn.
Nhưng những cá nhân nào, tập thể mà không phải là cơ chế tổ chức có thể nhập lậu 188.5 tấn vàng trị giá 9.9 tỷ đô la trong một thời gian ngắn ngủi của 2 năm qua?
Ngay sau đó, NHNN đã ra Thông cáo báo chí phản hồi về bài báo của Thanh Niên. Lý do giải thích chính: con số vàng của Hội đồng Vàng Thế giới đưa ra chỉ là "ước tính nhu cầu vàng tiêu dùng" tại Việt Nam và "tác giả bài báo đã cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước."
NHNN cũng không thông báo minh bạch về tình trạng nhập vàng chính thức hay 12 tấn vàng đã bán (và những tấn vàng sẽ bán tiếp theo phiên chợ vàng thứ 11) là vàng nhập chính thức (nhập lúc nào?), hay vàng... tồn kho (từ lúc nào?).
Vàng nhập lậu hay "nhu cầu tiêu dùng vàng" hãy để hạ hồi phân giải. Trước mắt chỉ biết ông Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định cho đàn em Nguyễn Văn Bình, và ông Thống đốc đàn em này đã "rửa" được 12 tấn vàng, thu về khoảng 1409 tỷ đồng.
11 phiên vàng đã qua, còn bao nhiêu phiên sẽ đến sau khi Nguyễn Văn Bình gửi đến toàn dân thông điệp "Không có đổi tiền ở THỜI ĐIỂM NÀY"?
Vũ Đông Hà
(DLB)

Đề nghị Bộ CA cùng xử lý thông tin “rửa” vàng

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp xử lý thông tin về khả năng có trục lợi chính sách để “rửa” vàng nhập lậu...
Ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2842/NHNN-QLNH gửi Tổng cục An ninh II - Bộ Công an, “về việc báo Thanh Niên đăng tin sai lệch về chính sách quản lý thị trường vàng”.
Công văn trên cho biết, ngày 24/4/2013, báo Thanh Niên có đăng bài báo “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng Thế giới: “Rửa” vàng bằng cơ chế?”. Bài báo dẫn số liệu của “Hiệp hội Vàng Thế giới” về tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đưa ra nhận định “hàng tỷ USD nhập lậu vàng” và “các chính sách xuất - nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam” và “hợp pháp hóa vàng lậu”.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Hội đồng Vàng Thế giới để làm rõ về nguồn số liệu bài báo trích dẫn, và cho biết, theo thông tin chính thức trên trang tin điện tử của Hội đồng Vàng Thế giới, hàng năm, tổ chức này gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để trao đổi, đưa ra nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia. Trên cơ sở đó, tổ chức này đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu vàng đầu tư.
“Như vậy, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới là con số dự tính nhu cầu vàng của Việt Nam; hoàn toàn không phải là số liệu về số lượng vàng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định như vậy, cũng như nêu trong công văn gửi Bộ Công an, trong thông cáo báo chí phát đi cuối chiều 24/4.
Dẫn nguồn thống kê của “Hiệp hội Vàng Thế giới”, bài báo trên cho biết trong hai năm qua khối lượng vàng nữ trang nhập lậu vào Việt Nam có thể lên tới trên 25,5 tấn. Đáng chú ý là trong hai năm 2011 và 2012, số lượng vàng thỏi nhập vào Việt Nam còn lớn hơn nhiều; năm 2011 là 87,8 tấn, năm 2012 là 75,2 tấn, tổng cộng hơn 8,5 tỷ USD. Nguồn vàng nhập lậu đó được gắn với khả năng trục lợi chính sách xuất nhập khẩu và việc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC để “rửa” vàng, kiếm lợi lớn…

Bộ Công an được đề nghị cùng xử lý thông tin “rửa” vàng
Công văn Ngân hàng Nhà nước gửi Bộ Công an đề nghị “phối hợp xử lý”.
Tuy nhiên, về chủ trương tạm xuất, tái nhập vàng, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích rằng: theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC.
Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC của người dân, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định chặt chẽ để  thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng miếng SJC.
Để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển đổi, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu. Việc thực hiện chủ trương này nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.
Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại tổ chức tín dụng. Quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/3/2013.
Với những giải thích trên, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bài báo đã “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước”.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động tạm xuất, tái nhập trên, đầu tháng 3/2013, trên báo Thanh Niên cũng có bài viết với thông tin 4 ngân hàng thương mại được tạm nhập 11,5 tấn vàng, về “nhờ” SJC dập ra vàng miếng SJC, bán theo giá giảm. Và hướng dự tính đưa ra là, kiểu bán khống này tạo hiệu ứng trong dân cư, khiến người dân sẽ bán mạnh ra theo, sau đó các ngân hàng mới từ từ mua vào giá thấp với lượng lớn hơn quy mô đã bán ra, vừa có nguồn hàng giá thấp trả cho việc tạm nhập, vừa để tất toán trạng thái…
Trước thông tin đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông cáo phủ nhận hoàn toàn không có việc cho tạm nhập và khả năng “bán khống” 11,5 tấn vàng nói trên.
(VnEconomy)

Bất đồng công khai và đàn áp gia tăng trong cơn khốn khó ở VN

(The New York Times) - TP.HCM, Việt Nam - Các giá sách của ông đầy những tác phẩm của Marx, Engels và Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn của một sự nghiệp trung thành với đảng Cộng Sản, nhưng Nguyễn Phước Tương, 77 tuổi, nói rằng ông không còn là một tín đồ của chủ nghĩa này nữa. Như rất nhiều người khác ở Việt Nam hiện nay, ông Tương, một cựu cố vấn hai đời Thủ tướng, phát biểu thẳng thắn mạnh mẽ chống lại chính phủ.
"Cơ chế của chúng tôi bây giờ là một chế độ chuyên chế độc đảng," ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại tại căn hộ của mình ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. "Là người từ bên trong cơ chế - tôi hiểu tất cả các sai lầm, thiếu sót và tất cả các suy thoái của nó ", ông nói. "Nếu không được sửa chữa, hệ thống này sẽ tự sụp đổ".
Một đảng từng chiến thắng quân đội miền Nam Việt Nam được Mỹ ủng hộ trong năm 1975 đang phải đối mặt với sự giận dữ vì nền kinh tế suy thoái và bị xé nát bởi các tranh chấp của những người bảo thủ muốn duy trì nguyên tắc chỉ đạo xã hội chủ nghĩa của đất nước và sự độc quyền về quyền lực chống lại những người kêu gọi một hệ thống đa nguyên hơn và hoản toàn đi theo chủ nghĩa tư bản.
Có lẽ điều quan trọng nhất, là đảng đang phải vất vả đối phó với một xã hội được thông tin tốt hơn và nghiêm trọng hơn nữa là vì các tin tức và ý kiến ​​ấy lây lan qua Internet, vượt qua khỏi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
CHU NGHIA CONG SAN DAY ROI

Kể từ khi thống nhất đất nước 38 năm trước đây, Đảng Cộng sản đã bị thử thách bởi các xung đột với Trung Quốc và Campuchia, cuộc khủng hoảng tài chính và những rạn nứt nội bộ. Nhưng sự khác biệt hiện nay, theo Carlyle Thayer, một trong những học giả nước ngoài hàng đầu về Việt Nam, chính là việc chỉ trích giới lãnh đạo "đã bùng nổ trên toàn xã hội.
Nếu không phải là một môi trường độc tài, sự chia rẽ trong đảng sẽ thực sự khuyến khích tự do ngôn luận vì các phe phái đang mong muốn bôi xấu nhau, Tiến sĩ Thayer nói.
"Nhưng ở Việt Nam có một sự trái nghịch", ông nói. "Bất đồng chính kiến ​​phát triển, nhưng đồng thời sự đàn áp cũng gia tăng".
Khi tiếng nói bất đồng chính kiến ​​nhân rộng trong 92 triệu người dân Việt Nam,Chính phủ đã cố gắng trấn áp. Tòa án đã kết tù nhiều blogger, các nhà báo và các nhà hoạt động nhưng các chỉ trích, đặc biệt là trên trực tuyến, dường như vẫn tiếp tục không suy giảm. Chính phủ đã ngăn cản truy cập vào một số các trang mạng nhất định, nhưng nhiều người Việt Nam vẫn vận dụng các phần mềm hoặc những trang web để xoay sở thoát khỏi kiểm duyệt.
"Nhiều người đang cố gắng bày tỏ việc chỉ trích chính phủ hơn trước", Trương Huy San, một tác giả, nhà báo và blogger nổi tiếng cho biết. "Và những gì họ đang nói ra là khốc liệt hơn nhiều."
Ông San, người đang có một học bổng tại Đại học Harvard, là tác giả của cuốn "Bên thắng cuộc", có lẽ là một cuốn sử toàn diện đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1975 được viết bởi một người ở trong nước. Tác phẩm, được nhiều người đọc ở Việt Nam, gồm hai tập, viết dưới bút danh Huy Đức, được in không có giấy phép của chính phủ, nội dung mô tả những hành vi như các vụ việc thanh trừng đảng viên bất trung và cuộc thu giữ tài sản của các chủ doanh nghiệp miền nam Việt Nam.
Đối với những du khách thường đến Việt Nam, bằng chứng mặt nổi của tiến bộ kinh tế có thể khiến họ
khó hiểu được nỗi bi quan sâu xa mà nhiều người đang bày tỏ ở trong nước. Hàng triệu người vốn chỉ có những chiếc xe đạp trong một thập kỷ trước giờ phóng nhanh trên những chiếc xe gán máy qua các nhà máy và cao ốc văn phòng.
Nền kinh tế nở rộ trong những năm 1990 sau khi cải cách đã sản sinh cuộc pha trộn vụng về của nền kinh tế thị trường bị đảng cộng sản kềm kẹp chặt chẽ của Việt Nam. Ngay cả bây giờ, kinh tế Việt Nam vẫn còn dự kiến ​​tăng trưởng khoảng 4 đến 5 phần trăm trong năm nay, một phần nhờ xuất khẩu mạnh của gạo, cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác
Nhưng thị trường bất động sản đang đóng băng do dư thừa công suất, các ngân hàng đang gánh chịu nhiều nợ xấu, báo chí đang chạy tin về tình trạng thất nghiệp gia tăng và đất nước này bị xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức theo dõi tham nhũng toàn cầu. (đứng hạng 123 trong danh sách 176 nước - những con số thấp tiêu biểu những quốc gia ít tham nhũng nhất.)
Doanh nhân Việt Nam phàn nàn về các quy định độc đoán của chính phủ được áp đặt bởi một đảng tin rằng mình là đội tiên phong của doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa.
Và mặc dù với một dân số trẻ, cần cù. nhiều người nói rằng Việt Nam hiện nay là vô phương hướng.
"Trong 21 năm ở đây tôi chưa bao giờ thấy mức độ bât mãn trong giới trí thức và doanh nhân như thế này ", ông Peter R. Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, một công ty đầu tư vào Việt Nam cho biết  "Có rất nhiều cuộc tranh cãi có ý nghĩa trong cộng đồng kinh doanh và trong đảng - những ngườihết sức quan tâm đến phương hướng mà đất nước đang đi đến "
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, một hội nghị do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào đầu tháng Tư, các đại biểu "đã dành giựt để có có cơ hội phát biểu", theo ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tham dự diễn đàn, nơi ông mô tả là "bão tố."
Ông cho biết đã có rất nhiều chỉ trích cho rằng mặc dù nền kinh tế đang tái cấu trúc cần thiết và sâu sắc
nhưng  "gần như chẳng có gì đã được thực hiện."
"Đó là một cuộc khủng hoảng lòng tin", ông Doanh nói. "Năm nào cũng hưa hẹn về những ngày tốt đẹp hơn, nhưng  chẳng ai nhìn thấy "
Tại trung tâm của cơn bão chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã nắm quyền từ năm 2006. Thoạt đầu, chương trình đầy tham vọng và phong cách nóng nảy của ông cho nền kinh tế đã giúp ông giành được những người ủng hộ vì ông phá vỡ khuôn mẫu của một viên chức đảng tẻ nhạt.
Nhưng ông đã bị nhiều đảng viên xa lánh qua việc loại bỏ một ban cố vấn từng là lực lượng lãnh đạo phía sau chương trình cải cách (trong rất nhiều đảng viên cao cấp khác của hội đồng cố vấn ấy có ông Tương, học giả chủ nghĩa Mác).
Quan trọng hơn, chính sách nổi tiếng của ông Dũng, cuộc thúc đẩy mạnh mẽ để xây dựng các công ty quốc doanh theo lối các tập đoàn tư nhân của Hàn Quốc, đã phản tác dụng.
Cá nhà kinh tế cho biết, được vận hành bởi các giám đốc điều hành có quan hệ gần với hệ thống Đảng Cộng sản, các doanh nghiệp này đã mở rộng sang nhiều ngành kinh doanh mà họ không đủ tiêu chuẩn quản lý và đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Hai trong số các công ty quốc doanh lớn nhất đã gần như sụp đổ và hiện vẫn còn gần phá sản.
Ông Tương, học giả chủ nghĩa Mác, cho biết vì những khó khăn của nền kinh tế, những căng thẳng trong Đảng Cộng sản đã dâng cao hơn.
Vào tháng Hai, ông đã giúp soạn một bức thư ngỏ gửi đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi thay đổi Hiến pháp của đất nước để "đảm bảo quyền lực thực sự phải thuộc về nhân dân ". Ông vẫn chưa nhận được trả lời.
Tường cho biết ông đã muốn thúc đẩy thay đổi kể từ khi còn là cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã giúp cải tổ nền kinh tế trong những năm 1990.
Tuy nhiên, hiện nay ông đang cảm thấy áp lực của thời gian. Ông bị ung thư, dù có vẻ đã thuyên giảm, và ông nói về căn bệnh này như một loại giải phóng trí tuệ thúc đẩy ông nói về những gì ông hiện xem là sự thật.
"Nói ngắn gọn, Marx là một nhà tư tưởng lớn," ông nói. "Nhưng nếu không có Marx, có lẽ chúng ta đã khá hơn. "
Thomas Fuller - The New York Times
Lê Quôc Tuấn XCafeVN dịch Việt ngữ
(X - Cafe)

Nguyễn Thị Ánh Hiền - Tư cách một người học luật

Thêm chú thích
Mới đây, để phản hồi cho bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” của tác giả Trung Nhân [1], nhóm sinh viên gồm Nguyễn Trang Nhung, Phạm Lê Vương Các và Bùi Quang Viễn đã gửi thư liên tiếp thư đề nghị xin lỗi và thư đề nghị tranh luận về tính chất pháp liên quan đến Tuyên Ngôn Công Lý cho Đoàn Văn Vươn cũng như bài viết của tác giả Trung Nhân về Tuyên Ngôn này [2]. Hiện tại, chưa thấy sự phản hồi “chính thức” từ phía Đoàn trường cũng như tác giả Trung Nhân nhưng dạo quanh một vòng facebook có những ý kiến mang tính “cá nhân” được “like” sôi nổi về vấn đề này của tác giả Lê Nhật Bảo [3] hay Nano Long Phạm, thậm chí có một Hội được lập ra là Hội Những Người Bảo Vệ Hình Ảnh của Sinh Viên Luật. Nên, để tháo gỡ những vướng mắc, tìm kiếm sự hợp lý về mặt lập luận hai bên, bài viết này tập trung phản biện về luận điểm của tác giả Lê Nhật Bảo đưa ra (tác giả Nano Long Phạm đã xóa note ngay sau đó nên không có dữ liệu để phân tích) và đưa ra một số quan điểm cá nhân từ hành động khởi xướng Công Lý cho Đoàn Văn Vươn của ba sinh viên trên với câu hỏi – là một người học luật chúng ta đứng trên tư cách gì nên bảo vệ hình ảnh của mình?
Thứ nhất về luận điểm “điểm số học tập không phải là bí mật đời tư” theo điều 38 BLDS với lý do việc công khai, minh bạch là một nguyên tắc minh bạch trong giáo dục, xét về các quy luật tư duy, tác giả đã vi phạm quy luật đồng nhất, tức khi suy nghĩ về một đối tượng nào đó thì tư tưởng luôn luôn xác định trong phạm vi tư tưởng của đối tượng ấy. Có thể thấy, nguyên tắc minh bạch trong giáo dục là một vấn đề có nội hàm hoàn toàn khác với nội dung quyền bí mật đời tư đang nói đến. Lấy cái mục đích để biện minh cho cái hành vi là kiểu ngụy biện. Đúng về mặt lập luận, tác giả Lê Nhật Bảo phải lập luận là: nếu chiếu theo điều 38 BLDS thì cần xem xét các yếu tố: thông tin về điểm số có phải là bí mật đời tư, tại sao không phải là bí mật đời tư và trường hợp hay chủ thể nào có quyền tiến hành thu thập, công bố thông tin về bí mật đời tư đó?
    “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. (Điều 38 Bộ luật Dân Sự năm 2005)
Quyền Đời Tư là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người được thể hiện ở Hiến pháp (điều 71), Bộ luật dân sự (điều 38), Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 (điều 12) hay cao hơn là thể hiện qua Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác tại điều 125 BLHS. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật định nghĩa chính thức thông tin như thế nào là bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ. Có thể đối với cá nhân này là bí mật đời tư, đối với người khác là không. Do đó, vì là một trong những quyền thuộc quyền nhân thân (quyền liên quan đến con người), về mặt cơ bản khi xem xét tiêu chí xác định thế nào bí mật đời tư, cần đặt nó vào yếu tố “cá nhân” để xem xét và hậu quả của việc làm lộ bí mật đời tư với mức độ tổn hại đến danh dự, nhân phẩm để xem xét. Không thể lấy cái mục đích “nguyên tắc minh bạch của giáo dục” mang tính tổ chức để biện giải. Vì như đã phân tích, trước hết đó là cái quyền nhân thân – quyền thuộc về cá nhân.
Và giả sử, nếu như không phải bí mật đời tư, ai ai cũng có quyền thu thập công bố thì việc trường đại học luật HCM cung cấp cho mỗi sinh viên cái mật mã (password) có ý nghĩa gì, trừ phi ban đầu trường đại học luật HCM đã nhận định nó như một thông tin bí mật cá nhân? Giả sử nếu không phải thông tin bí mật cá nhân thì việc cung cấp tài khoản với mật mã bảo vệ như thế phải chăng trường đại học luật HCM đang vi phạm nguyên tắc minh bạch của Bộ giáo dục?
Thứ hai, về luận điểm: "tuy nhiên, đúng như tinh thần mà bài viết trên web đoàn trường đã mô tả về 3 sinh viên này, kiến thức pháp luật của họ còn quá kém, nhận thức pháp luật còn rất thấp", ở luận điểm này, tác giả bài viết mắc phải một lỗi rất nghiêm trọng trong ngụy biện là công kích cá nhân. Nếu là một người tư duy tốt, là một sinh viên học luật, anh phải chỉ ra “kiến thức pháp luật của họ còn quá kém, nhận thức pháp luật còn rất thấp” ở điểm nào. Tức không nhận định mơ hồ, dùng giọng điệu trù dập mà hãy dùng lý lẽ trước khi phản biện và PHẢI CHỨNG MINH NÓ. Vì chỉ có những kẻ thiếu tự tin, hợm hĩnh mới “khoe khoang” mình đạt bao nhiêu điểm ở trường trước khi tranh luận. Và vì truớc hết, đó là cách hành xử văn minh đúng tinh thần một người "học luật", hai là thể hiện tính trách nhiệm trong việc đánh giá của mình, đặc biệt đối với nhận định đánh giá liên quan đến năng lực, danh dự, nhân phẩm người khác.
Và một điểm quan trọng cần phải nêu rõ không phải cứ bằng luật, điểm số cáo mới biết tư duy về luật. Vì luật pháp là cái phản ánh cuộc sống đi từ cuộc sống mà ra, các nguyên tắc và vấn đề đề cập trong luật không khác biệt so với những điều chúng ta trải nghiệm về khía cạnh khác của cuộc sống. Có người có thể không qua trường lớp luật nào cũng có thể nhìn nhận luật pháp rất thấu đáo nếu có kiến thức cũng như trải nghiệm sống. Hơn nữa, chưa có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh được là NGƯỜI CÓ ĐIỂM SỐ CAO CÓ TƯ DUY TỐT HƠN NGƯỜI ĐIỂM SỐ KHÔNG CAO. Hay chưa có nghiên cứu hay đánh giá cụ thể nào: việc đánh giá học lực qua điểm số của trường đại học Luật HCM thể hiện đúng và đầy đủ năng lực của sinh viên.
Thứ ba, về luận điểm "Xét dưới góc độ này thì nội dung bài viết trên web đoàn thanh niên luật không hề có ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của 3 sinh viên này, tác giả của bài viết đó chỉ nêu lên quan điểm cá nhân để đánh giá mối tương quan giữa điểm số học tập và khả năng nhận thức pháp luật của họ", nếu đơn thuần như ý tác giả viết "để đánh gia mối tương quan giữa điểm số học học tập và khả năng nhận thức...", vậy kết luận sau đó thiếu nhận thức pháp luật hạn chế có thể giải thích như thế nào? Nếu lập luận đã là quan điểm cá nhân thì sao bài viết được chọn đăng công khai trên website Đoàn trường, không đăng trên những phương tiện cá nhân khác như blog hay facebook. Đoàn trường là một tổ chức tập thể định hướng tư tưởng Đoàn viên sinh viên, từ bao giờ đã trở thành sân chơi của cá nhân riêng lẽ để thể hiện quan điểm cá nhân của mình? Phải chăng tác giả bài viết đang "nhân danh" đoàn trường núp dưới lý do ngụy biện "cá nhận" để công kích cá nhân khác?!
Thứ tư, với luận điểm "Họ đã lấy tư cách sinh viên luật để làm nên chuyện đi ngược lại các chuẩn mực lẽ phải thông thường, cố ý mượn mác sinh viên luật để tăng sức nặng trong lời nói của mình... làm xấu đi hình ảnh của bao thế hệ sinh viên luật nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có lập trường tư tưởng vững vàng, đứng đầu trong tầng lớp bảo vệ hình ảnh của dân tộc nói chung...", trước hết xin bài đến khái niệm pháp lý “tư cách” hay còn gọi là địa vị pháp lý. Mỗi một người, tùy theo mối quan hệ pháp luật đi kèm, có rất nhiều tư cách. Tư cách hay địa vị pháp lý là nền tảng để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Trong BLDS Việt Nam, khái niệm này được quy định tại điều 15 bằng một khái niệm khác là "năng lực dân sự":
    Điều 15: Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân: Cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây: 1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;..".
Như đã phân tích ở trên, việc ký tên Sinh viên đại học luật HCM dưới bản tuyên ngôn trước hết đó là một quyền nhân thân, nó thể hiện anh là ai, anh học cái gì, thông tin mà người đọc vào có thể nhận biết anh như thế nào. Đó còn là một cái quyền "thủ đắc" trong mối quan hệ giữa nhà trường và cá nhân có được thông qua giao dịch đóng học phí. Nếu đã là quyền nhân thân, quyền thủ đắc thì sao bảo là "cố ý" hay “mượn mác”? "Làm xấu đi hình ảnh của bao thế hệ sinh viên luật nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có lập trường tư tưởng vững vàng, đứng đầu trong tầng lớp bảo vệ hình ảnh của dân tộc nói chung...", làm xấu đi hình ảnh ở điểm nào? Vi phạm quy định hay pháp luật chỗ nào? Không đưa ra lý lẽ hay luận cứ để chứng minh mà cứ thể đưa ra lời “buộc tội” người khác là kiểu hành xử vô trách nhiệm. Có một câu nói rất hay của Edmund Burke rằng “Law sharpens the mind by narrowing it" (luật pháp mài giũa tư duy của bạn bằng cách làm hẹp nó), tức học luật là học cái tinh thần luật pháp, học cách trau dồi lý lẽ lập luận để thuyết phục chứng minh, tránh kiểu tư duy nửa vời, bỏ qua những cái râu ria không cần thiết và đặc biệt lên gân chung chung các kiểu như "đứng đầu trong tầng lớp bảo vệ hình ảnh của dân tộc nói chung".
Và cuối cùng, khi nhìn thấy Hội những người bảo vệ hình ảnh của sinh viên Luật trên Facebook, là một người học luật tôi khá là ngạc nhiên với cái tên gọi “bảo vệ hình ảnh của sinh viên Luật”. Nói đến sinh viên luật là nói đến tinh thần phản biện, cái tinh thần sẵn sàng “lý sự” bằng vũ khí duy nhất là lập luận, lý lẽ và tinh thần học hỏi. Cái tư cách, lập trường của một sinh viên luật không mang sắc hình ảnh thị giác hay màu áo xanh tình nguyện đi về các nơi vùng sâu vùng xa. Cái lập trường của một sinh viên luật không mang sắc màu xanh Đoàn thể hay bất cứ tổ chức nào để định hướng tư tưởng và tư duy. Cái lập trường của một sinh viên học luật là cái tư cách đứng trên tinh thần luật pháp để tư duy, xem xét, suy tư và tranh đấu cho nó. Nên, đừng dùng chiếc áo “thiện nguyện” làm chiếc phao để cứu cánh. Mà hãy lấy tinh thần luật pháp, khả năng tư duy để xây dựng hình ảnh cho chính mình.
Nói đến đây, tôi muốn hỏi các bạn rằng, các bạn – những sinh viên học luật có muốn hay sẵn sàng tranh luận với tôi hay ba bạn sinh viên này hay chưa?!
Sài Gòn, 24/4/2013
Nguyễn Thị Ánh Hiền
Sinh viên luật, đại học luật

--------------
[1] Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn:
http://doanthanhnienluat.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2420
[2] Thư đề nghị xin lỗi:
http://tuyenngondvv.blogspot.com/2013/04/thu-yeu-cau-xin-loi.html
Thư đề nghị tranh luận:
http://tuyenngondvv.blogspot.com/2013/04/thu-e-nghi-tranh-luan.html
[3] Quan điểm tác giả Lê Nhật Bảo:
https://www.facebook.com/lenhatbao/posts/470208569715250
(Dân luận)

Chính sách xóa đói giảm nghèo có đến được với người dân tộc?

Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hay còn được gọi tắt là chương trình 135, là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo do chính phủ Việt Nam thực hiện từ năm 1998 đến nay. Năm nay, chính phủ quyết định thực hiện giai đoạn 3 của chương trình này với mong muốn giảm số hộ nghèo xuống dưới 35%. Liệu cuộc sống của những người dân tộc hiện sống ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, những người được hưởng lợi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ đã thực sự được cải thiện? và họ mong muốn gì trong giai đoạn tới?

Một em bé của một gia đình nghèo thuộc dân tộc thiểu số đôi khi tự đi kiếm ăn.
Một em bé của một gia đình nghèo thuộc dân tộc thiểu số đôi khi tự đi kiếm ăn.
RFA file
Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc chiếm từ 45% đến 70%
Chị Liên là người dân tộc Nùng, hiện sống ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Gia đình chị hiện có 2 vợ chồng và hai con nhỏ đang học cấp 1. Trong nhiều năm, gia đình chị được xếp vào hộ nghèo ở nông thôn và được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Thế nhưng năm nay, gia đình chị được nâng cấp lên hộ cận nghèo tức có mức thu nhập khoảng 400,000 đồng một người một tháng. Với sự ‘nâng cấp’ này, gia đình chị bị cắt một loạt các trợ cấp vốn đã ít ỏi trước đây và đẩy kinh tế gia đình chị vào nhiều khó khăn, nhất là chuyện học phí, bảo hiểm y tế cho hai đứa con nhỏ.
Chị Liên: Năm ngoái là hộ nghèo, nhưng vừa rồi họ cắt. Hộ nghèo thì vẫn đóng nhưng chỉ được miễn một tí tiền bảo hiểm y tế thôi. Vẫn phải đóng hết. Năm ngoái đóng mỗi đứa tiền học phí các thứ cũng 1 triệu một năm. Đấy là tiền học, còn tiền ăn mẫu giáo thì mỗi tháng còn hơn 200 ngàn nữa. Năm nay em bé lên lớp 1 thì đóng hết cả tiền bảo hiểm các thứ thì mỗi đứa hết một triệu.
Chị Liên phải ở nhà đưa con đi học, toàn bộ thu nhập trong gia đình trông chờ vào chồng chị đi làm thuê làm mướn.
Chị Liên: có làm được cái gì, toàn ở nhà, anh thì lâu lâu đi làm, ăn còn hết, tiêu thì chả được bao nhiêu.
Gia đình chị cũng đã nhận được tiền vay hỗ trợ giảm nghèo 18 triệu cách đây hai năm. Anh chi nuôi lợn thêm nhưng không đáng bao nhiêu.
Hoàn cảnh của gia đình chị Liên cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người dân tộc ít người khác tại Việt Nam. Theo điều tra cơ bản năm 2012 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn chiếm tới 45%, thậm chí có xã có từ 70 đến 80% số hộ thuộc diện nghèo.
Ngày 4 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng chính phủ ký ban hành quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, với mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở các xã thôn bản vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn.
Đây là giai đoạn 3 của chương trình 135. Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã thôn bản vùng đặc biệt khó khăn xuống dưới 35% và còn dưới 15% vào năm 2020. Đến năm 2020 sẽ cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, chương trình 135 giai đoạn 2 thực hiện trên địa bàn hơn 1,800 xã và hơn 3,000 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 50 tỉnh cho thấy tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, bình quân là 3,6% một năm.

Vẫn còn sự phân biệt người thiểu số?
Mặc dù vậy, trong phần phỏng vấn dân hỏi bộ trưởng trả lời của VTV1 ngày 21/4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Việt Nam, Giàng Seo Phử cho biết tình hình hộ nghèo, trẻ em dân tộc không được đến trường vẫn còn phổ biến.
Giàng Seo Phử: rất nhiều chương trình giáo dục của các bộ ngành đã hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển đi lên trong đó có nâng cao dân trí, nhưng chưa phải là chúng ta đã làm cả, ở đâu đó còn khá phổ biến, nhất là ở vùng thôn bản xa xôi hẻo lánh, thì họ vẫn chưa được hưởng thụ những dịch vụ về y tế giáo dục, trong đó có cơ sở vật chất trường học. Cơ bản là đời sống, mức sống của người dân còn khó khăn, nghèo đói. Vào thời điểm bây giờ là tháng 3 tháng 4 là mùa đói giáp hạt, thường họ hết lương thực. Các cháu đi học trường bán trú, nội trú không có gì để nấu cơm ăn, không có gạo mang đi. Thường mùa này họ bỏ học về giúp gia đình, chăn trâu hoặc trông em.
Ông Giàng Seo phử cho rằng những khó khăn hiện tại mà người dân tộc đang gặp phải là do cơ chế chính sách và ông đã có kiến nghị lên chính phủ để có những giải pháp kịp thời. Một trong các giải pháp ví dụ được ông nói tới trong bài phỏng vấn là thuê người nấu cơm cho học sinh trường nội trú để các em có cơm nóng ăn, nước sôi uống.
Bà Châu Thị Giá, người dân tộc Chăm ở tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn khiến các học sinh người dân tộc phải nghỉ học chính là vì thiếu đói, phải nghỉ học để đi làm giúp gia đình.
Châu thị Giá: đói, con cháu tôi học phải nghỉ ngang lớp 8, lớp 9, lớp 6 cũng nghỉ hết luôn. Bây giờ bên Chăm tôi nghỉ hết đó, không có mấy người học lên lớp 10 đâu. Đi làm mướn hết, 12 tuổi, 15 tuổi đã đi làm mướn hết rồi.
Theo chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về Nhân quyền và Nghèo đói, Magdalena Sepulveda, người đã đến Việt Nam thị sát tình hình vào năm 2010, các chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa thực sự đến được với người thiểu số.
Magdalena Sepulveda: đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân số Việt nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã không đến được với người thiểu số. Cần phải có các sáng kiến để cải thiện tình hình của những nhóm người này, tôi ví dụ như chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo 134 và 135 nhưng khi đánh giá hiệu quả các chương trình này thì nhóm người thiểu số vẫn sống ở mức nghèo khổ. Vì thế họ cần phải thay đổi chính sách của mình, và một điểm quan trọng là những dịch vụ công dành cho nhóm người này phải có chất lượng tốt và phù hợp về văn hóa. Tôi nói ví dụ, chính phủ cần phải tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Các biện pháp mà họ áp dụng bây giờ thì có lợi cho nhóm đa số mà không có lợi cho 53 dân tộc thiểu số.
Nói về khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng, chính phủ Việt Nam cần phải cho học sinh dân tộc thiểu số được học ngôn ngữ của chính mình trong trường học bên cạnh tiếng kinh là ngôn ngữ chính.
Tuy nhiên, theo bà Châu Thị Giá, con trai bà khi học tại trường dân tộc nội trú đã không được học tiếng Chăm của mình vì trường học có rất nhiều học sinh dân tộc khác nhau.
Châu Thị Giá: người ta không biết tiếng chăm sao người ta dạy mình, người ta người Việt mà, người ta tập trung vô con người dân tộc, người Châu  Ro, người Chăm, người gì người gì hết lại đó học. Người ta dạy tiếng kinh.
Không những thế, con bà Giá sau khi tốt nghiệp trường nội trú cũng không kiếm được việc làm.
Châu Thị Giá: Tới lúc nó ra trường đi xin việc thì người ta nói bằng này bằng kém, người dân tộc nên người ta không cho làm, cuối cùng nó phải đi bán quán cơm.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của VTV 1, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đã đề cập đến vấn đề nhiều người ở các vùng dân tộc không thể kiếm được việc làm dù đã được đào tạo nghề. Theo ông đây là do vấn đề cơ chế chính sách của chính phủ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Với việc Thủ tướng chính phủ ký phê duyệt quyết định thực hiện chương trình 135 giai đoạn 3, những người thực hiện chính sách ở Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của chương trình trong vòng 8 năm tới, như giảm số hộ nghèo, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh, nhất là các công trình giao thông thủy lợi, điện, trường học, mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, đối với những người như chị Liên hay bà Giá, mong ước của họ chỉ rất đơn giản, đó là có tiền hỗ trợ cho họ làm kinh tế, tăng gia, và con cái họ được đi học đàng hoàng.

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-04-24

Dương Trung Quốc: Tôi sẽ gửi thư xin lỗi ông Bùi Danh Liên

Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết sẽ gửi thư xin lỗi ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
“Tôi không có ý nói xấu một cá nhân nào”
Sự việc xảy ra cách đây hai ngày, khi một tờ báo điện tử đăng câu “Đó là câu nói của người ngu”, được cho là ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc khi bình luận về chi tiết văn bản của Hiệp hội Vận tải Hà Nội có đoạn “Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.
Sau khi thông tin này phát đi, ông Bùi Danh Liên đã có phản ứng. Ông Liên cho rằng, nội dung đưa ra trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội xuất phát từ quan điểm của người làm công tác giao thông, có thể không am hiểu sâu về lịch sử nên quan điểm khác với các nhà nghiên cứu sử, nhưng quan điểm của mỗi người đều phải được nhìn nhận khách quan, công bằng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.
“Trước hết, tôi rất trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, vì họ là những người nghiên cứu chuyên sâu thì có thể nắm được nhiều thông tin về khu vực Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói tôi ngu là hơi quá lời.  Đó là văn hóa của người Á Đông. Theo tôi, văn hóa ứng xử phải tôn trọng lẫn nhau, nếu một ai đó có sai thì người khác có thể góp ý, nhưng không thể nói theo kiểu ở quán bia, quán rượu”, ông Liên phản ứng.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam tối 24/4, ông Dương Trung Quốc đang công tác tại TPHCM, chia sẻ: “Khi tôi đang tham dự một cuộc hội thảo thì có một bạn gọi cho tôi hỏi về những vấn đề liên quan tới Đàn Xã Tắc. Bạn này có đưa ra thông tin rằng, có người nói ‘xóa đi Đàn Xã Tắc là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân’ thì tôi có bảo ‘nói như vậy là ngu’.

Lúc bài đăng lên thì tôi thấy giật mình, vì đây chỉ là ngôn ngữ giao tiếp khi tôi nói với bạn đó, nhưng dẫu sao nó cũng không hay ho gì, và tôi cũng không hề có ý nói xấu một cá nhân nào. Sau đó, tôi có nói bạn phóng viên đó là bỏ chữ ngu ấy đi, nhưng họ trả lời là đã trót đăng rồi. Tôi cũng đang định gửi thư xin lỗi ông Liên khi trở về Hà Nội vì vấn đề từ ngữ gây ra hiểu nhầm, còn quan điểm của tôi đối với việc phải bảo tồn Đàn Xã Tắc là không thay đổi”.

Ông Dương Trung Quốc cũng nhắc lại câu chuyện phát hiện ra di tích Đàn Xã Tắc và cả thành phố, nhiều nhà khoa học lên tiếng đã thể hiện rất rõ là cần phải tìm được sự hài hòa giữa bảo tồn với phát triển.
“Đàn Xã Tắc là nơi thờ thần đất và thần lúa là hai nhân tố rất quan trọng đối với đời sống của cư dân nông nghiệp của tổ tiên chúng ta. Nó đã trở thành một lễ thức mang tính chất quốc gia, vì thế mà khi phát lộ di tích thì TP Hà Nội đã rất quan tâm, tổ chức những hội thảo khoa học về Đàn Xã Tắc với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học và quản lý. Khi đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã kết luận, thống nhất bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, xây đường tách ra hai bên di tích, trên đảo giao thông sẽ xây biểu trưng”, ông Quốc nói.
“Đừng để Hà Nội bị mắc hội chứng cầu vượt”
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho hay, ông vừa ký một văn bản của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác để đề nghị phải có một cuộc gặp của các cơ quan có liên quan, có sự tham dự đầy đủ của các nhà khoa học lịch sử, nhà khảo cổ học, để làm rõ các nội dung thông tin có liên quan tới dự án này.
“Lẽ ra thành phố Hà Nội phải chủ động đưa thông tin về dự án, trao đổi với các cơ quan có trách nhiệm để nhiều nhà khoa học vào cuộc, tìm sự đồng thuận. Anh em nghiên cứu sử học không cực đoan, không phải muốn bảo vệ di tích bằng mọi giá, mà cũng rất hiểu rằng bảo tồn phải hài hòa với phát triển.

Tuy nhiên, không thể nói như bên Hiệp hội Giao thông Vận tải Hà Nội được, khi cho rằng đó là phế tích của chế phong kiến cần xóa bỏ. Nói như vậy thì nghiên cứu, đánh giá về giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc thế nào đây? Người lớn còn nói như vậy thì sao trách được con trẻ không muốn học Sử”, ông Dương Trung Quốc bày bỏ. 
Trước câu hỏi: Nếu Hà Nội không tìm được sự đồng thuận và một phương án hợp lý thì ông có đưa vấn đề này ra Quốc hội không? Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi chưa nghĩ tới vấn đề này, mọi chuyện phải tiến hành hết sức thận trọng.

Quan điểm của tôi là không có chuyện thắng thua ở đây, vì mọi ý kiến đóng góp cũng chỉ nhằm một mục tiêu là đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Ngay cả phương án hiện nay họ đưa ra thì rất có thể chính tôi cũng hoàn toàn ủng hộ, nếu như chúng tôi được biết chính xác thiết kế ấy như thế nào, và phải đặt ra vấn đề là khi thi công mà tiếp tục phát lộ các phần khác của di tích thì xử lý ra sao?

Tuy nhiên, thiết kế ấy chỉ có các cơ quan thuộc sự quản lý của thành phố cho ý kiến, nhưng như vậy là chưa đủ, vì cần phải minh bạch bản thiết kế cho cả các cá nhân và tổ chức muốn phản biện, làm như vậy thì mới hướng tới sự hài hòa được”.
Ngoài ra, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng thêm một lần khẳng định, Đàn Xã Tắc là di tích rất quan trọng, những ai cổ súy cho chuyện phá di tích này không những vi phạm luật pháp mà còn xúc phạm cả người dân nữa. Trong Luật Di sản đã nói rất rõ, UBND các tỉnh phải xây dựng được quy hoạch khảo cổ học, cái gì tránh được thì tránh, nếu không tránh được thì phải tiến hành theo luật định.
“Đây là việc thành phố phải chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc hết sức cởi mở thì sẽ sớm có được kết quả hợp lý. Việc giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại khu vực này là cần thiết, nhưng cũng cần nhìn vấn đề toàn diện, nhất thiết phải tính đến sự xung đột giữa phát triển dự án mới với bảo tồn di tích. Chẳng lẽ cứ ùn tắc ở ngã tư là phải làm cầu vượt à? Theo tôi, giải quyết vấn đề giao thông là việc rất cần, nhưng cũng đừng để Hà Nội bị mắc hội chứng cầu vượt.

Lâu nay, thành phố không cho thấy rõ tầm nhìn quy hoạch, cho nên đường mở thì hẹp, nhà cửa cứ xây sát hai bên, thế là đến lúc tắc lại phải tìm cách khắc phục, rất vất vả. Ngay cả chuyện xây cầu vượt để giải quyết thực trạng hiện nay, nhưng thiết kế và xây dựng thế nào thì phải xem xét kỹ, tránh trở thành cái dễ cho người quản lý bây giờ và trở thành cái khó cho những thế hệ sau này”, ông Quốc nhấn mạnh.
  Ngọc Quang 
  (GDVN)

Những mảnh đời rách nát

Khi nói về những người bán hàng rong tại Việt Nam, chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh của những người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn, một nắng hai sương lặn lội để kiếm chén cơm manh áo lo cho gia đình. Họ gánh cả ‘giang sơn hạnh phúc’ để mong cho con cái cơm no áo ấm và một giấc mơ về tương lai học hành của con trẻ. Những bước chân của họ đã in đậm nét trên đường phố, hang cùng ngõ hẻm và đã trở thành quen thuộc với người dân Việt Nam từ ngàn xưa.
Những gánh hàng rong
Những người làm nghề bán hàng rong đa số là những phụ nữ nghèo khổ, không có chuyên môn nghề nghiệp, không có đất đai, tài sản hoặc chẳng có gì để có vốn làm ăn sinh sống. Họ chỉ có một số tiền rất nhỏ nhoi nên không thể sang một gian hàng hay một nơi cố định. Cuộc sống của họ rất nhọc nhằn và gắn liền với đôi quang gánh oằn nặng trên đôi vai gầy nhỏ bé. Họ gánh theo một gánh cháo, một gánh bắp luộc, bánh bèo, bánh ướt, bún, chè, trái cây…đôi lúc là một gánh hoa hay một nhúm rau. Họ lầm lũi đi dưới những cơn mưa tầm tã, dưới những tia nắng bốc lửa cuả miền Nam hay những tháng mùa đông rét mướt đến cắt da cắt thịt của miền Bắc.
Họ lang thang từ sáng tinh mơ cho đến khi trời sụp tối và chạy đua với thời gian để mong cho bán đắt hàng, mang về gia đình một số tiền lời nho nhỏ trang trải cái ăn, cái mặc, và lo cho các con đi học.
Có đến 90% những người bán hàng rong đa số là phụ nữ. Không phải chỉ có những dân nghèo thành thị là bán hàng rong mà những phụ nữ nông thôn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ ăn, ở quê nhà không có việc làm nên cũng phải lặn lội lên thành thị mua bán dạo. Những người phụ nữ kĩu kịt trên vai quang gánh thì họ chỉ quanh quẩn những nơi gần địa phương. Họ bán cho những người quen biết vì không thể đi quá xa. Nhưng có nhiều người phải bôn ba lên Hà Nội, Sài Gòn làm thuê hay phải tất tả ngược xuôi làm nghề bán dạo. Họ trôi nổi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hôm nay, ngồi lê la một góc phố, hay lang thang trên những con đường Sài Gòn thì ngày mai lại thấy họ đang ở Huế, Hà Nội…Số phận của họ nổi trôi như những dề lục bình lênh đênh trên sóng nước mênh mông.

000_Hkg8252530-305.jpg
Bán chuối dạo trên đường phố Hà Nội AFP photo
Bà Ngô Thị Lộc quê ở Thôn Tân Sơn, Xã Tân Vĩnh, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang làm nghề bán hàng rong từ khi về nhà chồng. Phương tiện chuyên chở của bà là một chiếc xe đạp cũ. Phiá sau ba ga bà cột những thanh gỗ ngang và đặt lên trên là những bao luá hay sắn rất nặng nề. Bà đi buôn nông sản rồi đem về bán lại để kiếm tiền phụ chồng nuôi con. Qua tâm tình bà kể lại cho tôi nghe công việc mưu sinh cơ cực của bà:
“Từ khi bước chân vào nhà chồng, cả cái làng đấy người ta làm ăn buôn bán mình phải làm theo thôi. Toàn buôn những sản phẩm nông nghiệp thôi, buôn sắn, buôn thóc…Mua sắn từ trong làng của người ta xong mang về làng cho người ta nấu rượu, thóc trong nhà dân xong rồi mang về đi phát thành gạo, thành phẩm bán cho những người ăn, bán cho những đại lý người ta buôn bán. Mình phải đi bán dạo. Người ta yêu cầu mình chở đến đâu thì mình chở đến đấy. Bây giờ mình già rồi nên không đi vòng vòng được nên buôn một ít nội tạng trâu bò để bán tại chỗ.”
Nghề bán hàng rong cũng có niềm vui và nỗi buồn. Dù dầm mưa giải nắng rất vất vả, nhưng ngày nào đắt hàng, kiếm được tiền nuôi sống gia đình thì có niềm vui. Những ngày ế ẩm không bán được, có khi lỗ vốn thì tâm trạng bà hết sức buồn và lo lắng. Bà nói:
“Sáng thì bán ở chợ, chiều đi vòng vòng ở các làng ấy. Đi vào ngõ nhà  người ta gọi “bác ơi hôm nay bác có ăn gì không?”. Nếu người ta có nhu cầu thì người ta gọi vào. Ừ chị ơi! Hôm nào trót lọt trôi chảy được năm chục nghìn, không thì ế ẩm hàng vẫn tồn đọng thì nằm ở đấy. Nói thiệt với chị vui là những hôm ra đến đầu làng bán hàng thực phẩm này gặp những người mà nhà người ta có công có việc, người ta mua hết cho thì vui vẻ về sớm thì hôm đấy vui. Còn những hôm đi bánh hết làng nọ sang làng kia mà không bán được lại còn gặp trời mưa nữa chớ chị. Đấy nó nhiều cái cực lắm!”
Bà Lộc là một phụ nữ vui tính, cởi mở hay cười và rất thân thiện. Nhưng khi tôi tâm sự với bà mới biết cuộc đời bà cũng trải qua biết bao gian truân. Bà nói rằng đời bà đâu có gì vui. Chồng qua đời khi bà còn rất trẻ. Một mình bơ vơ không ai giúp đỡ. Bà phải thức khuya dậy sớm, bất kể trời mưa hay nắng hoặc mùa đông rét mướt, lạnh buốt xương đi buôn bán tảo tần để nuôi hai con ăn học. Bà bùi ngùi tâm sự:
“Cuộc đời mình đâu có cái gì vui đâu hả chị. Chồng mình mất khi mình chưa đầy 24 tuổi. Bố mẹ anh em nhà chồng ở gần nhưng mỗi người mỗi phận cũng chẳng giúp được gì. Bố mẹ đẻ thì ở xa. Thế thì tự mình bươi chảy thôi. Đầu tiên là bắt đầu đi buôn thóc, buôn sắn, chỡ bằng xe đạp. Bốn giờ sáng là phải đi rồi. Đi cho nó kịp. Đi cách xa toàn bộ 30 cây số thế xong rồi tiếp tục đi bán 30 cây số nữa, về đến nhà là nửa đêm. Trong khi đó, hai đứa con ra đầu làng ngồi ngóng mẹ. Đó là giai đoạn cực nhọc nhất mà chẳng dám kêu ca gì với ai hết.”
Niềm hạnh phúc của bà Lộc hiện nay là nhìn thấy hai con đã khôn lớn nên người. Đó là mơ ước lớn nhất của bà. Bà cảm thấy hãnh diện là mình đã làm tròn bổn phận một người mẹ. Giọng bà thật ấm áp, vui tươi khi nói về các con:
“Đoạn vui nhất của mình là hai đưá con của mình đã lớn, cũng đã có vợ, có con. Các cháu cũng đều có công ăn việc làm. Nói chung là cũng chưa được ổn định lắm nhưng mà cho đến bây giờ thì so với mọi người thì mình cũng không kém những người có vợ có chồng trong làng. Đó là niềm vui của mình. Đó là nghị lực sống. Mình nhìn hai đưá con mình để mình sống.”
Nạn nhân của đô thị hóa
Ngày nay, cả nước sôi động phong trào đô thị hoá, mở rộng phố phường nhà cửa. Một tầng lớp giàu có mới nổi lên trở thành triệu phú; trong đó có người phất nhanh nhờ cấu kết với các quan chức cao cấp mua bán đất đai, tham nhũng... Bên cạnh đó, những người dân mất đất, không có đất để canh tác sinh sống hay họ được đền bù một số tiền nho nhỏ nên chỉ một thời gian sau số tiền này không còn. Họ lại không có chuyên môn, nghề nghiệp nên trở thành những kẻ không nhà, không nơi nương tựa. Những người dân nghèo đã phải lũ lượt kéo nhau về thành phố tìm việc làm. Và tỉ lệ những người bán hàng rong đã tăng lên rất cao. Số phận của họ đau khổ, bi thảm hơn những người bán dạo xa xưa vì bị bần cùng hoá, gia đình tan vỡ. Họ cô đơn, lạc lõng, đói rét, vất vơ vất vưởng, sầu thảm bên cạnh những đô thị xa hoa, lộng lẫy có những toà nhà triệu đô, có những chiếc xe hơi bóng lộn của giới nhà giàu thời đại mới.
Điển hình là bà Đặng Thị Thông, quê Thái Bình. Từ một phụ nữ có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bỗng một ngày giông bão nổi lên. Chính quyền cho người đến cưỡng chế, cướp đất, phá nhà. Bà đi khiếu kiện từ năm 2003 cho đến nay không có kết quả. Vợ chồng bà đã phải ly dị, con một đứa theo cha, một người theo mẹ. Bà phải lang thang kiếm sống nuôi cậu con trai ăn học trong tình trạng không nhà, không cửa sống vất vưởng trong vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội từ năm 2003 đến nay đã 10 năm. Bà cho biết:
“Nhà em ở thái Bình nó đến nó phá rồi nó cướp đất. Chẳng có nhà có cửa nên phải sống lang thang ở trên đất Hà Nội này. Làm tấm gỗ em phải che bạt thì đi nhặt những cái bạt rồi giặt sạch sẽ rồi che lên. Thằng con em đi làm thuê, nó vào tận nơi nó đe không cho làm. Sau lại đi kiếm việc chỗ nọ chỗ kia vất vã lắm chị à. Em nằm đây làm từ năm 2003 đến giờ, nó phá nhà từ năm 2003. Thằng con em 17 tuổi lang thang nó bắt vào tù. Nó khai khống xử không có chứng cứ gì. Nó bỏ vào tù để em khỏi đi khiếu kiện. Nó ra mấy năm nay rồi. Nhưng vừa rồi ở  Hà Nội, công an xông vào nhà nó đánh tại nhà. Bây giờ không làm gì được nên nó gây sự nó đánh. Nó nói mẹ đi khiếu kiện. Nó bảo em là phản động.”
Bà buôn bán hàng rong từ Thái Bình đến Hà Nội. Đi đến đâu buôn bán đến đó để có tiền độ nhật. Nay, vì bị bệnh tiểu đường, sưng khớp bà không còn lặn lội đi xa được nửa nên từ bốn giờ sáng bà đã thức dậy sớm, đi ra chợ mua rau đầu chợ rồi lân la tìm một góc nhỏ bày ra bán kiếm tiền để mẹ con sống qua ngày. Bà nói:

000_Hkg8252528-250.jpg
Một cụ già bán bánh trong những ngày giáp tết tại Hà Nội. AFP photo

“Bốn giờ sáng, mua rồi mình ngồi lại bán lấy tiền thuốc uống thôi. Năm chục nghìn tiền Việt Nam thôi chị ạ. Gạo thì hai mẹ con đủ sống trong ngày thôi. Khó khăn lắm. Nhưng một tháng chỉ đi được có 10 ngày thôi. Còn lại thì đi ra ngoài vưòn hoa Lý Tự Trọng đấu tranh rồi đi nhặt đồng nát linh tinh thôi chớ không phải là đi buôn rau hẳn. Chồng em bỏ đi lâu rồi giờ có vợ khác rồi. Đi từ khi cháu mới 3 tuổi.”
Bà không bán một thứ rau cải mà đôi khi bà đổi những món hàng khác. Bà bán khóm hay bán hoa quả. Có ngày bà mua khóm (thơm) cắt ra đi bán lẻ vòng vòng trong chợ. Một trái khóm bà lời được một ngàn đồng. Cậu Nguyễn Thanh Xuân, bây giờ đã lớn. Đứa con trai có mẹ đi khiếu kiện nên cũng bị vạ lây. Anh không có nghề nghiệp, không ai nhận vào làm nên phải phụ mẹ đi bán hàng rong. Có hôm chạy thoát công an, có hôm bị công an bắt phạt hết cả vốn lẫn lời. Trong ngày 14 tháng 4, hai mẹ con đang đi bán dạo đã bị công an đến bắt tịch thu cả xe máy. Bà kể lể:
“Em là Đặng Thị Thông với lại cháu là Nguyễn Thanh Xuân đang bán hàng tại chợ Ngọc Thị, bán hoa quả đấy. Thế là bị công an Phường Ngọc Thị nó bắt xe máy của con em xong rồi nó đưa lên ô tô rồi chở về phường Ngọc thị. Nó bắt phạt. Em bảo hoàn cảnh khó khăn lắm nhà cửa đất đai bị chính quyền nó cướp hết rồi. Bây giờ sống lang thang phải đi kiếm sống để qua ngày đoạn tháng đấy. Nhưng mà nó không nghe, nó cố tình cho xe để chở lên.”
Vì bà không có nhà cửa, phải làm một tấm gỗ rồi che một tấm bạt trong vườn hoa Lý Tự Trọng. Cho nên cái lều tồi tàn, rách mướp của bà lại được công an chiếu cố. Công an phá tan nát, đem tất cả gia sản nhỏ nhoi của bà quăng xuống hồ, hay đem đổ nơi khác. Bà khóc lóc rồi lại phải nhặt lại và tiếp tục sống.
Giấc mơ của những người đàn bà nghèo khổ như bà là chỉ mong nhà nước trả lại đất đai để bà có thể xây một căn nhà nho nhỏ để đục nắng, che mưa và đứa con trai của bà không phải trở thành một đứa trẻ lang bạt vô gia cư. Bây giờ Hà Nội, Sài Gòn và toàn cõi Việt Nam, nhìn bề ngoài khang trang, giàu có, thành phố đông đúc hơn xưa với hàng trăm chung cư cao tầng đua nhau mọc lên đến nhức mắt.
Những căn nhà lầu lộng lẫy, sang trọng của những người giàu có đã được xây dựng trên những vùng đất canh tác của dân nghèo. Người dân mất đất, mất nhà ngơ ngẩn chẳng biết ngày mai làm gì để sống.
Họ đã trở thành những kẻ khốn cùng, nghèo khổ, lang thang rách rưới trong lòng xã hội bất ổn. Họ oán than, khóc lóc, đau khổ, và hạnh phúc gia đình tan nát.Có ai thấu hiểu rằng người bán hàng rong của Việt Nam hôm nay cuộc đời họ khốn cùng, đau khổ hơn những người bán rong của những ngày tháng xa xưa. Họ đã không còn một chốn nương thân, và đau đớn hơn họ không có một mái ấm gia đình để an ủi vỗ về trong những tháng ngày bất hạnh.Có ai muốn số phận mình giống như họ không?
Phong Thu, thông tín viên RFA
2013-04-24

Danlambao 24/4/2013

Thư đề nghị tranh luận


… Hy vọng rằng, Đoàn TNCS HCM trường Đại học Luật TP. HCM – tổ chức thanh niên lớn nhất của một đại học chuyên ngành Luật hàng đầu đất nước – sẽ chấp thuận lời đề nghị của chúng tôi về buổi tranh luận thuần túy mang tính pháp lý này… 

Thời hạn để Đoàn trường trả lời thư đề nghị tranh luận này là 7 ngày, kể từ ngày hôm nay, 23 tháng 04 năm 2013. Chúng tôi tiếp tục để ngỏ các hành động pháp lý – khởi kiện, tố cáo và yêu cầu khởi tố – như đã nêu trong thư yêu cầu xin lỗi, trong trường hợp Đoàn trường vẫn khước từ hồi đáp…” - Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn (Nguyễn Trang Nhung, Bùi Quang Viễn, Phạm Lê Vương Các)

Mừng 38 năm giải phóng miền… Bắc

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=lMjVctJNViQ

30 tháng Tư ơi, Hồn Nước sẽ về đâu?

Ts. Đặng Huy Văn (Danlambao)Lời Tác Giả: Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 30 tháng Tư, ngày mà cách đây 38 năm tôi đã nháy cẩng lên như một thằng điên vì vui sướng. Vì tôi tưởng kể từ nay, thanh niên Việt Nam sẽ không còn phải chém giết lẫn nhau nữa, bởi cuộc nội chiến tàn khốc nhất lịch sử dân tộc Việt Nam làm chết tới gần 5 triệu người đã kết thúc! Nhưng thật đáng thương sau ngày 30/4/1975 vẫn còn thù hận, hơn 1 triệu cán binh cộng hòa phải đi tù và chết đói trong lao tù hơn 16 vạn người, khoảng 60 vạn thuyền nhân bị chết chìm mất xác trên các đại dương khi vượt biển đi tỵ nạn và có tới 3 triệu người Việt phải bỏ nước ra đi không hẹn ngày trở lại. Đó là một tấn thảm kịch bi đát nhất trong lịch sử Việt Nam!

Kháng thư của Mục sư Nguyễn Trung Tôn


“Nay tôi đã ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào nhà tù lớn tại Việt Nam. Vì tình hình sức khỏe không được tốt nên cho tới hôm nay tôi mới viết thư này gửi tới quý các cơ quan đề nghị xem xét lại nội dung thư trả lời của ông Hoàng Doãn Đức, Phó chánh tòa tối cao đối với tôi. Đề nghị các quy cơ quan trả lời kháng thư này của tôi và sớm tuyên bố tôi vô tội. Vì ngay từ đầu, tiến trình bắt giữ và truy tố tôi đã hoàn toàn sai trái. Giờ đây tiếp tục áp dụng quản chế tôi tại địa phương chỉ vì quan điểm chính kiến. Một chính quyền tự mệnh danh là “của dân do dân và vì dân” lại có những hành xử như vậy, làm sao xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc?…” - Mục sư Nguyễn Trung Tôn

“Cần làm sáng tỏ về đảng cầm quyền” !?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Hoan hô “đảng ta”! Vậy là hơn 2/3 thế kỷ, đến hôm nay “đảng mình” mới phát hiện nghi ngờ do tranh tối tranh tranh sáng trước kia mà đảng “cầm nhầm” lãnh đạo, nên hôm nay phải: “Cần làm sáng tỏ về Đảng cầm quyền” (Phát biểu của: Lê Hồng Anh, Ủ/V/ Bộ CT/CSVN). [1]

Giải đáp ngài Đại tướng


Nguyên Anh (Danlambao) - Thật mỉa mai khi sau 68 năm cộng sản nắm chính quyền, ông đại tướng Lê Hồng Anh kêu gọi hội thảo làm sáng tỏ đảng cầm quyền, trong đó yêu cầu phân tích mổ xẻ các vấn đề: Kinh tế thị trường định hướng XHCN; Con đường đi lên XHCN ở VN; Một số vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới… [1]
Người dân ai ai cũng ngạc nhiên khi ngài đeo đến hàm đại tướng mà tư duy quá nghèo nàn!?

Đổi tiền sang vàng – Của Ceasar trả lại Ceasar

Cù Huy Hà Bảo (Danlambao) – Đọc thông tin trên báo đảng VnExpress [1] thấy ngân hàng nhà nước vừa bán 1 tấn vàng hôm 23/04 tương đương với 26,72 ngàn lượng, giá đắt hơn giá thế giới là 6,2 triệu đồng 1 lượng được bán sạch trong buổi sáng. Vậy số lợi nhuận đảng kiếm được 161,6 tỷ đồng ai bỏ tiền ra mua chắc chắn là dân, và vợ con đảng viên. Tại sao dân lại mua với giá cao kỷ lục so với giá thế giới, và mua với số lượng lớn như thế trong vòng 1 tháng ngân hàng nhà nước bán ra 11.1 tấn vàng chắc chắn phải có nguyên nhân nguyên nhân lớn nhất vẫn là đổi tiền?

Quốc gia nghèo và cuộc thi Master Chef!


Nguyên Anh (Danlambao) – Truyền hình Việt Nam thường đa phần là bắt chước các chương trình của nước ngoài, nếu Mỹ có American Idol thì không bao lâu sau Việt Nam cũng có. Và chương trình Master Chef cũng không ngoại lệ! Kể từ khi Christine Ha một phụ nữ khiếm thị gốc Việt đăng quang danh hiệu vua đầu bếp Mỹ thì tại Việt Nam các cuộc thi nấu ăn trên truyền hình ra đời.

Phong trào Hiến Chương 77 và Phong trào Hiến Chương 08


Nguyễn Văn Thạnh (Danlambao) – Con người trên trái đất này là một, dù có nhiều điểm khác biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa nhưng các nguyên lý xã hội căn bản chi phối là giống nhau. Là một dân tộc đi sau, nếu chịu khó nghiên cứu bài học thành công, thất bại của các nước đi trước có mô hình giống mình để tìm ra nguyên lý, hẳn chúng ta sẽ sớm thành công hơn trên con đường dân chủ hóa.

Đầy tớ và nhân dân

>
(Bài không cần chữ)

Nhân quyền Việt Nam ở đâu?


Trần Nhân Quyền (Danlambao) – Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tố cáo “tình trạng nhân quyền tại Việt Nam năm 2012 lại xấu đi thêm”, Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu ra nghị quyết khẩn về nhân quyền Việt Nam… Nhìn chung, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam bị Tây phương báo động! Hôm 21/04/2013 nhà nước cộng sản Việt Nam lại lên tiếng chối bỏ những lên án vi phạm nhân quyền của thế giới tây phương, dưới đây là một số vấn đề trên bàn cờ nhân quyền tại Việt Nam:

Anh hùng tử – Khí hùng bất tử

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) -“Tôi chiến đấu cho tự do của toàn dân. Tôi có công mà không có tội. Các Anh không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phán đoán các anh hay tôi ai là giặc. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Không cần phải bịt mắt. Đả đảo cộng sản – Việt Nam Cộng Hòa muôn năm”Lời nói cuối cùng của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn trước khi Vị Quốc Vong Thân” (Wikipedia).

Những kiểu ‘đốt tiền’ mồ hôi nước mắt của dân

Mai Lan (VTC News) – Có những cây cầu đi bộ vừa mới được đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng đã bị dỡ bỏ gây lãng phí tiền tỷ “mồ hôi nước mắt” của dân.
Tầm nhìn kém trong quy hoạch phát triển giao thông đô thị đã gây lãng phí tiền bạc cho Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hãy cùng điểm lại những bài học đắt giá này:

Đả đảo bọn tham nhũng – Tiêu diệt bọn quan tham


Nhật Ký Yêu Nước – Ảnh chụp sáng nay trên cánh đồng Văn Giang, Hưng Yên, tròn một năm sau vụ cưỡng chế đất… – Nguồn: Facebook NGUYỄN VIỆT HƯNG

Việt Nam – Hoa Kỳ: Khúc quanh mới trong bang giao quốc tế?


… Sát với thời điểm diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ được nối lại ở Hà Nội, Hoa Kỳ dường như đã trở thành một trong những đồng phát ngôn về vấn đề bảo vệ ngư dân Việt trên Biển Đông. Chuẩn đô đốc phụ trách về chính sách và năng lực của Tuần duyên Hoa Kỳ William Lee vừa cho trang mạng US News biết về “một cuộc gặp giữa quan chức hai bên đã diễn ra trong tuần lễ sau khi có sự kiện tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắn cháy nóc cabin”, và “hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác để phát triển lực lượng cảnh sát biển đủ năng lực giúp các ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn”…

Tại sao người Việt đọc ít?


Trần Thành Nam (Danlambao)Gần đây, báo chí ta chợt xuất hiện lên một thông tin nhỏ, một con số gây chút ít ngạc nhiên, nhưng rồi nó cũng rơi ngay vào quên lãng – im lặng, như bao thông tin khác không “hốt” ở xứ sở này. Có lẽ vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống, miếng cơm manh áo của bất kỳ ai, và nó càng không ảnh hưởng đến ổn định xã hội hay an ninh chính trị (nếu không nói là nó củng cố cho những cái đó)?
Đó là con số: Trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách mỗi người trong một năm! Đọc gần một cuốn sách mỗi năm… hu hu… hu… Tôi thấy đau xót vô hạn cho thân phận mình nằm trong con số đó…

Một con sâu chúa


Nguyên Anh (Danlambao) – “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng” là câu nói nổi tiếng của ggài Đinh Thế Huynh, trưởng ban tuyên giáo TW. Nếu xét với câu “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” của cố TT Nguyễn Văn Thiệu thì hai thái cực đối chọi nhau rõ nét nhất.

Bình ổn “dư luận” vàng


Minh Dân (Danlambao) - Hôm 15-4-13 tôi đã có lên bài “Chợ tình chính trị Việt Nam” trên Danlambao, mục đích bài viết chỉ là để vạch mặt cái quái chiêu Chính Phủ và cái máy “soi” cận thị 4 độ rưỡi của bọn Thanh tra Chính phủ ăn hại đái nát này, mà đúng hơn là những thủ đoạn bẩn thanh toán lẫn nhau là chính.

Góp ý cho đảng cai trị dân đen… bớt láo hơn!


Hoàng Phát (Danlambao) – Từ thực tế đảng cộng sản đã, đang tổ chức quản lý, điều hành và cai trị toàn diện đất nước Việt Nam. Và đang “cho” toàn dân “bị” đóng góp hiến pháp. Thiết nghĩ, người dân Việt ta dù có đóng góp hay không, thì cũng chẳng có tí tác dụng nào, mà dân chúng thì có mấy ai chú ý đến mấy cái chuyện nầy. Muốn góp ý thì có ai nghe đâu mà ý nầy ý nọ. Những việc đó là của cán bộ, của đảng viên, của gia đình chính sách, hưu trí và người thân, người cảm tình của họ… lo toan tất tần tật, không có đến lượt dân đen lo đâu. Phương pháp, dù có trật lất, có vô lý… nhưng cứ nói, nói mãi, dân nghe thấy mãi cũng buộc phải chấp nhận, nhất là có cả ngàn tổ chức tuyên truyền từ trung ương đến tận từng địa phương chỉ có một nhiệm vụ nói theo, có báo đài nào dám dù chỉ là lệch một ít thôi ý của đảng.

Những yếu tố cơ bản của một con người


Trần Thiên (Danlambao) – Khi còn nhỏ Ba, Mẹ tôi vẫn dạy con cái phải có lòng tự trọng và sự liêm sỉ của một con người, sự liêm sỉ là một trong những nền tảng để giáo dục con người trở nên chân thiện mỹ. Khi được giáo dục tốt thì con người luôn có sự bác ái yêu thương đồng loại, sống thiên hướng về cộng đồng nhiều hơn, sống chan hòa với mọi người chung quanh. Tôi thường nghe câu dăn dò của Mẹ tôi “nghèo cho sạch rách cho thơm”, đó là liêm sỉ của một con người được hun đúc ngay từ nhỏ để làm hành trang cho tương lai.

Quỹ Quốc Tế Hỗ Trợ Dân Chủ Việt Nam


Tôi Yêu Việt Nam (Bạn đọc Danlambao) – Trong thời gian qua các nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam bị đàn áp, bắt bớ, tra tấn, tù đày rất dã man bởi đảng và nhà nước CSVN, đẩy nhiều gia đình lâm cảnh khốn cùng. Khi ra tù họ còn bị quản chế và cướp đi mọi phương tiện mưu sinh. Mặt khác các phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đang lớn mạnh, nhu cầu được hỗ trợ tài chánh càng gia tăng.

Chuyện gì cũng bê đồng chí Lạ vào! Sao kỳ vậy ta!

CRI (Tiếng hát hữu nghị)Các đài Phát thanh-Truyền hình Trung Quốc nhận lời mời tham gia cuộc thi Người dẫn chương trình toàn quốc Việt Nam
Theo tin đài chúng tôi: Tối 21/4, Vòng chung kết Cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long, Việt Nam lần thứ 4 năm 2013 diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 3 người dẫn chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Quý Châu, Giang Tô và Quảng Tây, Trung Quốc lần đầu tiên nhận lời mời tham gia, đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi này mời người dẫn chương trình nước ngoài tham gia.

Một số cơ quan chức năng đã bị tội phạm chi phối!

Xã hội đen chi phối và thâm nhập
Các vụ án cộm cán ở TP.HCM và một số tỉnh thành phía Bắc đã được Bộ Công an và lãnh đạo TP.HCM gióng lên hồi chuông báo động: Tội phạm đang lũng đoạn xã hội do sự lơ là của cơ quan chức năng. Lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân cảnh báo quyết liệt hơn: "Tội phạm đang chi phối một số cơ quan chức năng!"
Vị cựu lãnh đạo một tập đoàn nổi tiếng ở Việt Nam đã từng là nạn nhân của nạn "tội phạm chi phối cơ quan chức năng" như cách nói của chủ tịch UBND TP.HCM.
Giai đoạn 1999- 2000, tập đoàn này mở một số cơ sở tại Q.1, TP.HCM. Cơ sở vừa mở, chưa kịp hoạt động thì bị bọn xã hội đen đến quấy phá, đánh đập công nhân khiến không thể hoạt động được. Vị lãnh đạo làm đơn tố cáo CA phường, CA quận 1 rồi đến CA TP nhưng chẳng ai can thiệp. Bí quá, qua người quen giới thiệu, ông chủ tập đoàn phải "ngỏ lời" nhờ Năm Cam. "Anh Năm" vui vẻ trả lời : "Tưởng chuyện gì. Để anh Năm nói mấy đứa một tiếng...".
Kỳ lạ thay, bọn đầu trâu mặt ngựa quấy phá kia biến đâu mất như chưa hề xuất hiện trên cõi đời này. Tập đoàn yên ổn mở cơ sở. Ngày khai trương, cũng chẳng thấy bóng dáng kẻ "xin đểu" mạt hạng nào như thường thấy ló lạng.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho ông chủ tập đoàn nọ là "anh Năm" rủ tới "đánh bài cho vui". Ngay đêm "anh Năm" nhận lời "nói mấy đứa một tiếng", ông phải vào sòng đánh "cho vui" với "anh Năm" bị thua gần 20.000 USD. "Anh Năm" vui vẻ "cho mượn để đánh tiếp! Và cứ như thế ông chủ tập đoàn trở thành con nợ lớn của "anh Năm".
Với luật pháp thì không đơn giản vị lãnh đạo tập đoàn nọ là nạn nhân của "anh Năm". Chuyên án "Năm Cam và đồng bọn" do tướng Nguyễn Việt Thành chỉ huy đã đập tan bè đảng Năm Cam. Năm 2003, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử công khai kéo dài kỷ lục xét xử ở nước ta hơn 3 tháng ròng rã, Năm Cam và đồng bọn phải trả giá đích đáng. Những kẻ vốn là cán bộ công an bảo kê, che chắn và làm tay sai cho Năm Cam trong bộ máy công quyền bị đi tù. Tuy nhiên, "nạn nhân" - ông chủ của tập đoàn nọ cũng là bị cáo trước tòa, cũng phải thọ án vì tội "Đánh bài"!
Câu chuyện đã 10 năm, nhưng nay được nhiều DN, người dân nhắc lại với nỗi lo lắng, băn khoăn.
Băng nhóm Năm Cam bị đập tan, tưởng như nạn tội phạm lũng đoạn, chi phối cơ quan công quyền đã bị dẹp tan. Thế mà, giờ đây, nó không chỉ tái xuất giang hồ mà còn tỏ ra tinh vi quỷ quyệt, nguy hiểm, trầm kha hơn.

Tội phạm, TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân, Đại tá Hồ Sĩ Tiến
Lực lượng CSGT ra quân xử lý vi phạm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tội phạm lũng đoạn, hoành hành
Nhiều DN ở các tỉnh phía Bắc kêu trời vì bị xã hội đen quậy phá. Tối hậu thư chúng đưa ra là: "Muốn phá sản hay chịu bảo kê?". Mức bảo kê lên đến con số vài trăm triệu đồng/tháng. Có DN ban đầu không chịu, tố cáo lên cơ quan chức năng nhưng chẳng ai giải quyết. Đứng trước nguy cơ phá sản, phải chấp nhận bảo kê của tội phạm với mức giá "phạt" cao gấp đôi! Phải đến khi Bộ CA nhập cuộc, đám xã hội đen kia mới bị dẹp, các DN mới thoát nạn!
Đại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C 45) Bộ CA đã đưa ra nhận định: " Nơi nào chính quyền, cơ quan chức năng lơ là, lơi lỏng là tội phạm trỗi dậy! Một số nơi có biểu hiện bao che".
Tuy nhiên, nhận định của đại tá Hồ Sĩ Tiến bị xem là "nói giảm" khá nhiều cho thực trạng đáng báo động hiện nay.
Tại TP.HCM, đã có lúc tội phạm trỗi dậy chém người, cướp của khiến người dân mỗi khi ra đường cứ nơm nớp lo sợ. Trong nhà có ai đi về trễ là cả nhà lo lắng, luôn miệng "Nam mô A di Đà Phật". CA TP truy bắt được nhiều thủ phạm ngay sau khi gây án. Tuy nhiên, phải đến khi Bộ CA tung 600 chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm vào hỗ trợ, nạn cướp chém mới bị đẩy lùi.
Qua những nhóm côn đồ lưu manh bị bắt sau khi gây án, người dân hết sức ngạc nhiên vì chúng có băng có nhóm, thuê nhà cửa sống đàng hoàng. Sinh hoạt của chúng tất nhiên không giống người lao động bình thường, đến người dân cũng cũng biết đó là đám bất lương. Thế mà cảnh sát khu vực, CA phường, chính quyền địa phương chẳng mảy may để ý? Đây là câu hỏi vô cùng nhức nhối, xót xa vì chính câu trả lời ẩn vào bên trong!
Nhiều vụ việc người dân bị xã hội đen xiết nhà, đe dọa đánh đập, nạn nhân trình báo, tố cáo. Ngay lập tức xã hội đen trừng phạt vì "tội" dám tố cáo! Chính vì vậy người lương thiện cũng không còn tin tưởng pháp luật. Tại kỳ họp HĐND TP trước tết vừa qua, một vị đại biểu đã nêu lên thực trạng này như sau: " Người ngay sợ kẻ gian; số đông sợ số ít".
Một điều rất bất bình thường là khi xảy ra vụ án lớn, bị dư luận chú ý thì thủ phạm mới bị bắt, bị pháp luật trừng trị. Còn rất nhiều vụ việc khác chưa đến tai dư luận thì ít khi bị xử lý.
Phải chăng, xã hội đen bảo kê DN, hoạt động phi pháp ngang nhiên kéo dài bất chấp pháp luật là do ai đó trong bộ máy công quyền bảo kê cho chúng? Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời.
Tội phạm thâm nhập?
Tại Đồng Nai, một trung úy CA bị phát hiện nguyên là một tội phạm bị ...truy nã! Không hiểu vì sao mà tên tội phạm này chui lọt vào ngành CA?Trước đó, ngành CA TP phát hiện một số chiến sĩ công an nghiện ...ma túy! Đáng lưu ý là những con nghiện này đã là đệ tử của nàng tiên nâu từ lâu.
Những chuyện như vậy khiến chúng ta rung mình, nhớ lại vụ Năm Cam. Lúc Năm Cam còn tự do làm ông trùm của tập đoàn tội ác, ngoài những hành vi mua chuộc, không chế cán bộ, y còn tìm cách "cấy" người của mình vào các cơ quan nhà nước; "bảo trợ" cho một số con em của người thân tín, đàn em vào học tại các trường đào tạo nhân lực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tầm nhìn xa của ông trùm này thật đáng nể. Bằng đồng tiền mở đường, Năm Cam đã thực hiện trót lọt nhiều vụ  "quy hoạch" nhân sự quan trọng cho tập đoàn của y.
Nay thì Năm Cam đã bị pháp luật trừng phạt, hắn phải xuống địa ngục như mong muốn của người dân. Nhưng những "bài" của Năm Cam hãy còn và biến tướng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn bởi được nâng cấp từng ngày từng ngày...
Không thể không nhắc đến những cố gắng lớn của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật trong công cuộc phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông đội nắng dầm mưa, da đen cháy giữa trưa hầm hập điều khiển giao thông ở các TP khiến người dân cảm phục, biết ơn. Hoặc người chiến sĩ CA ở Q. Tân Bình đang đi học, gặp cướp giật, đã bất chấp hiểm nguy tay không xông vô bắt tội phạm bị đâm trọng thương....
Bọn tội phạm không thể nào hoành hành ngang ngược bất chấp luật pháp nếu không có sự lơ là một cách cố ý hay có sự bao che. Nguy hại hơn chúng còn khống chế, chi phối cán bộ công quyền.
Đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn nữa để phòng chống tội phạm. Bởi chúng không chỉ ở ngoài đường mà còn vươn vòi, thò tay vào luật pháp, chui vào "ẩn" bên trong. Nơi nào "lơ là" lập tức chúng "biến hình" thành người bảo vệ pháp luật thì vô cùng nguy hiểm!

Duy Chiến
(VNN) 

Báo QĐND cần vạch trần bản chất lừa bịp của “tà đạo Bác Hồ”

QCT-1.jpg
Để hiểu người Việt Nam

“Chính nơi đây Điện Hoàng Thiên Long có đầy đủ lý luận và thực tiễn minh triết được Bác Hồ giáng linh giáo hóa, giáo đời cho mỗi con người và toàn xã hội. Đây là con đường tâm linh cách mạng Hồ Chí Minh mở sáng cho muôn dân chúng ta hướng tới thực hiện.”
“Bác cải cách tâm linh vào một mối – Để nhân loại tiến tới Đại đồng – Khi Chúng ta đi theo đường tâm linh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Bác bảo dân ta phải thay đổi lô hương – Nên dùng bằng cát vàng đãi sạch – Phơi khô sàng lấy cát nhỏ bỏ vào trên lưng bát hương.”

“Nay hạ thần xin hoàn tất hồ sơ

Sao y bản chính lời thơ chuyển mơ thành sự thật

Vậy đầu người không trật

Mà chữ bật hành tinh

Nổi ứng là khắc linh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cứu thế

Hồ Chí Minh là ban y tế

Nay Hoàng Thiên Long tiếp kế cứu trần”


Đó là một số đoạn trình bày Đạo Bác Hồ trên trang chủ của Điện Hoàng Thiên Long tại thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, Huyện Ứng Hòa, Hà Nội “do thầy Nguyễn Thị Điền làm chủ nhang”.
Đó là người Việt Nam, thế kỉ 21. Họ mong chờ cứu thế từ vị được tôn là cứu tinh của dân tộc.
PGS Nguyễn Lân Cường (ĐH Quốc gia Hà Nội), GS Hồ Tài Huệ Tâm (ĐH Harvard) và nhiều nhân vật danh giá khác từng là khách của nơi ấy; VTV đã làm hẳn một phóng sự điều tra đầy chia sẻ, ủng hộ.
Vậy mà bỗng nhiên báo Công an Nghệ An tung ra bài “Sự thật về một tà đạo” kêu gọi người dân cảnh giác và các cơ quan chức năng đấu tranh xử lí những kẻ “tự xưng là theo đạo Tâm linh Hồ Chí Minh vẽ ra nhiều chiêu bài mê hoặc, thần thánh hóa lãnh tụ để lôi kéo người dân tham gia”. Bài báo này tuy không còn tồn tại ở địa chỉ của báo, nhưng vừa được trang Info.net của Bộ Thông tin và Truyền thông đăng lại và một số trang khác đăng với tít “Sự thật về tà đạo Tâm linh Hồ Chí Minh”.
Ai đã thần thánh hóa lãnh tụ?
Liệu báo Quân đội Nhân dân có loạt bài vạch trần bản chất lừa bịp của “tà đạo Bác Hồ” không nhỉ? Sinh nhật “Bác” lại sắp đến rồi.
Tháng 4 25, 2013

Phạm Thị Hoài
© 2013 pro&contra

Lhakar, một hình thức đấu tranh mới tại Tây Tạng


Trước sự đàn áp ngày càng gay gắt và tinh vi của Bắc Kinh trên lãnh thổ Tây Tạng, người dân tại đây đã tìm ra một phương thức đấu tranh mới mang tên Lhakar, nghĩa là "Thứ Tư trắng", hay "Hiến dâng trọn vẹn".
Phong trào Lhakar bắt đầu xuất hiện từ năm 2008 sau cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự thống trị của người Trung Quốc và đã bị dập tắt trong biển máu. Chiến lược chống đối lúc ban đầu thể hiện qua sự hy sinh để tôn vinh tính bất khuất và tinh thần độc lập của người Tây Tạng. Bốn năm sau, phong trào này đã thay đổi hẳn chiến lược đấu tranh : từ bỏ đường lối đấu tranh tập thể, lấy văn hóa làm vũ khí đấu tranh và áp dụng nguyên tắc bất hợp tác.
Từ bỏ đấu tranh tập thể
Ưu điểm của phương pháp này là sự giản dị dựa trên yếu tố nền tảng của quyền tự do cá nhân. Đó là những sinh hoạt thường ngày của từng người dân, như đi vào đền thờ để cầu nguyện, nghe loại nhạc mình thích, ăn trong nhà hàng nào mình muốn, sử dụng tiếng mẹ đẻ trong nhà, vân vân. Nói chung là rất dễ làm và ai cũng làm được.
Lý do chọn tên Lhakar (Thứ Tư) là trong thập niên 1980, người Tây Tạng thường có thói quen tập trung vào đền Jokhang ở thủ đô Lhassa mỗi Thứ Tư trong tuần để cầu nguyện chung. Họ đốt đèn dầu và thắp nhang cầu nguyện một cách lén lút cho vị Đạt Lai Lạt Mạ (Dalai Lama), lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, lúc đó đang sống ly hương tại Ấn Độ từ năm 1959. Những buổi cầu nguyện này hoàn toàn vì lý do tôn giáo và mang tính biểu tượng, vì Đạt Lai Lạt Ma được sinh ra vào ngày Thứ Tư.
Phong trào Lhakar bắt đầu chuyển hướng từ năm 2008 sau những đợt trấn áp tàn bạo của người Trung Quốc khiến người Tây Tạng chống đối quyết liệt hơn và sự đấu tranh của thế hệ trẻ Tây Tạng thiên về chính trị hơn, không gia đình nào không dính líu ít hay nhiều vào một trong hai khuynh hướng mới này. Cho đến năm 2009, 113 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự thống trị của Bắc Kinh trên toàn lãnh thổ Tây Tạng.
Để tiêu diệt làn sóng đấu tranh mới này, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để triệt hạ bất cứ mầm mống chống đối nào. Để tồn tại, người Tây Tạng đã phát minh ra một hình thức đấu tranh mới : kháng cự lại bằng những biện pháp đấu tranh bất bạo động phi tập thể, nghĩa là bằng những sáng kiến và hành động cá nhân. Cụ thể là mỗi người, mỗi gia đình trở về với nếp sống truyền thống của người Tây Tạng, nghĩa là ăn mặc áo quần cổ truyền, ăn uống theo truyền thống Tây Tạng, nghe những đài phát thanh bằng tiếng tây Tạng từ nước ngoài, truyền bá và sử dụng tiếng mẹ đẻ khi nói chuyện với nhau, tổ chức những buổi hội họp để nhắc nhở người Tây Tạng bị trù dập trong suốt những năm qua…
Với thời gian, những sinh hoạt văn hóa và bất bạo động nói trên chuyển thành những phản ứng mang tính chính trị, theo đó người Tây Tạng không những xác nhận mình là người Tây Tạng mà còn khẳng định mình không phải là người Hán. Khi xác nhận bản thể Tây Tạng, người Tây Tạng khẳng định mình không phải là người Hán. Không ngờ khi chọn phương pháp đấu tranh mới này, phong trào Lhakar đã được tản quyền hóa và tản mác đi khắp nơi, bất cứ nơi nào cũng có thể là địa bàn đấu tranh : nhà ở, nơi làm việc, máy vi tính cá nhân, từ thành thị đến nông thôn. Tùy theo điều kiện sống và khả năng của mỗi người, cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của người Tây Tạng đã gần như chinh phục đại đa số người Tây Tạng trong các lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Phong trào Lhakar không hy vọng gì vào một thay đổi chính trị hay sự cởi mở của chính quyền Bắc Kinh và khuyến khích mỗi người Tây Tạng trong vị thế của mình tiếp tục suy nghĩ về một xã hội tự do cho người Tây Tạng và lấy những quyết định cá nhân để thực hiện nếp sống trong cuộc sống thường ngày, như ăn uống, ăn mâc, nói tiếng mẹ đẻ. Khi cá nhân hóa cuộc dấn thân, phong trào Lahakar tiếp tục sứ mệnh kháng cự sự thống trị của Bắc Kinh và cho phép mỗi cá nhân cơ hội và phương tiện hành động theo ý muốn của mình miễn sao giữ được bản thể.
Lấy văn hóa làm vũ khí đấu tranh
Từ sau 2008, phong trào Lhakar đã làm sống lại nếp sống Tây Tạng và được sự hưởng ứng triệt để của người Tây Tạng cả trong lẫn ngoài nước. Tại hải ngoại, do có tự do và điều kiện sống dễ dãi hơn trong nước, cộng đồng người Tây Tạng di cư tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa Tây Tạng, nhất là phát triển nghệ thuật, văn học, thi ca và âm nhạc Tây Tạng đề cao lòng yêu nước, nỗi khát khao tự do và tôn vinh những ý tưởng cao cả của Đạt Lai Lạt Ma. Trong nước, vì không thể duy trì và phát triển văn hóa một cách tự do, mỗi cá nhân hãy bằng sáng kiến cá nhân tránh không bị đồng hóa bởi văn hóa của những di dân gốc Hán đang phổ biến trên lãnh thổ của họ.
Chính qua những kháng cự bằng văn hóa này, sinh hoạt chính trị của người Tây Tạng đã được hồi sinh. Một không khí phấn khởi, niềm tự hào là người Tây Tạng lan rộng khắp nơi. Bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào, các thế hệ người Tây Tạng, nam phụ lão ấu đều hăng say nói tiếng Tây Tạng và sống với văn hóa Tây Tạng, tránh tối đa sử dụng tiếng Hán trong những trao đổi thường nhật. Những nghệ sĩ trước kia phải sử dụng tiếng Hán để sáng tác, nay quay trở lại với tiếng mẹ để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc và thơ văn mới. Tự điển tiếng Tây Tạng được phát không cho người Tây Tạng sinh sống trong các tỉnh Tứ Xuyên và Tân Cương. Trên những trang mạng Weibo, Twitter và Facebook, những blogger Tây Tạng sử dụng tiếng Tây Tạng để trao đổui vào mỗi Thứ Tư trong tuần.
Ngày nay, tinh thần Lhakar tỏa rộng khắp nơi, từ thủ phủ Lhassa đến những vùng thôn quê hẻo lánh, từ trung tâm Litang qua Ngaba, Rebkong, Sertar đến Nangchen. Đi đâu người ta cũng thấy văn hóa Tây Tạng được phát huy một cách triệt để, từ thi ca, văn học đến những sinh hoạt mang tính kinh tế, chính trị và xã hội.
Bất hợp tác trong mọi lãnh vực
Yếu tố cuối cùng của phong trào Lhakar là bất hợp tác, tẩy chay và không hòa nhập với người Hán. Yếu tố này không những làm vừa lòng người Tây Tạng mà còn giúp người Tây Tạng có mức sống khá hơn. Phương thức đấu tranh này rất giản dị, người Tây Tạng chỉ mua hàng của người Tây Tạng và ăn uống trong những cửa hàng Tây Tạng. Qua những hành động này, lợi tức của giới nông dân và thương nhân Tây Tạng gia tăng và sinh hoạt của họ phát triển trở lại. Hàng hóa điện tử và hàng gia dụng made in China nếu do người Hoa bán thì không ai mua, nhưng nếu do người Tây Tạng kinh doanh thì rất bán chạy. Hậu quả của phương pháp này đã rất tai hại cho doanh nhân gốc Hoa trong các thành phố Tây Tạng, nhiều cửa hàng và tiệm buôn của người Hoa bị khánh tận buộc phải đóng cửa và đi nơi khác vì không có khách hàng.
Triết lý của phương pháp bất hợp tác này có lẽ dựa vào triết lý bất bạo động của Gandhi tại Ấn Độ trong những năm 1940 là không hợp tác về kinh tế với đế quốc Anh. Lần đầu tiên người Tây Tạng khám phá rằng những sinh hoạt đối kháng mang tính bất bạo động đã mang lại những kết quả rất cụ thể và rất khích lệ. Từ chỗ là nạn nhân, người Tây Tạng trở thành tác nhân làm thay đổi xã hội và không chừng có thể giành lại những quyền đã mất như quyền tự trị và tự quản ngay trên quê hương của mình. Tinh thần bất bạo động hiện nay không còn giới hạn trong lãnh vực tôn giáo mà trở thành một vũ khí chiến lược hữu hiệu giải tỏa sự sợ hãi và gây lại niềm tin.
Ước muốn phục hồi quyền tự trị cho Tây Tạng đang phục hồi trong những phòng trà, nhà hàng, hội quán do người Tây Tạng làm chủ. Sự sợ hãi người Trung Hoa đã giảm đi rất nhiều và giới trẻ Tây Tạng được khuyến khích phát huy sáng kiến và ý kiến để duy trì nếp sống cổ truyền và truyền thống dân tộc trong điều kiện chờ đợi giành lại quyền tự trị.
Trước sự lớn mạnh của phong trào Lhakar, Bắc Kinh đã tỏ ra lo ngại và đang tìm biện pháp dập tắt. Khó khăn của Bắc Kinh là không truy tìm người lãnh đạo để tiêu diệt vì nó ở trong lòng mỗi người Tây Tạng. Hơn nữa phong trào này không thể hiện ra ngoài đường phố, do đó rất khó trấn áp vì không có đối tượng. Trước một đối thủ vô hình, chính quyền Trung Quốc không thể dập tắt được cuộc tranh đấu của người Tây Tạng, vìmỗi người Tây Tạng là một chiến sĩbất bạo động mà vũ khí chống trả là sự bất hợp tác.
Những biện pháp cấm đoán và bắt giam người Tây Tạng mặc áo cổ truyền chuba, cấm nói tiếng Tây Tạng, cấm ăn chay kiểu Tây Tạng ngày Thứ Tư của các cấp chính quyền Trung Quốc địa phương chỉ như nước đổ lá môn không hiệu quả. Không ai có thể tiêu diệt được một sinh hoạt văn hóa cổ truyền, những biện pháp đàn áp chỉ khuyến khích người Tây Tạng oán ghét thêm người Trung Quốc và càng bất hợp tác hơn nữa. Càng cấm đoán, càng trấn áp, chính quyền Trung Quốc tại Tây Tạng chỉ nhận nhận lại những kết quả ngược lại.
Nói tóm lại, tuy phong trào Lhakar tuy chủ trương đấu tranh cá nhân nhưng trong thực tế đó là một cuộc đấu tranh tập thể vì tất cả đều hành động theo một nhận thức chung : phục hồi văn hóa và nếp sống cổ truyền của người Tây Tạng. Với phương pháp đấu tranh mới này, chính quyền Trung Quốc rất khó chiến thắng.
Nguyễn Văn Huy
(Thông luận)

Vụ hành hung người dân Tiên Lãng: Không biết côn đồ... ở đâu ra?

Ngày 22-4, UBND TP Hải Phòng cho biết đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra vụ hơn 50 côn đồ hành hung những người dân không chịu bàn giao đất cho Công ty TNHH Hoa Thành tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng vào chiều 21-4.

Đến 20g ngày 22-4, Công an TP Hải Phòng đã có thông tin ban đầu về quá trình điều tra, xác minh vụ việc. Theo đó, hơn 12g ngày 21-4, khoảng 50 người của Công ty TNHH Quỳnh Dương (đơn vị được hợp đồng xây dựng nhà xưởng cho Công ty Hoa Thành) và một số nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu do Công ty TNHH Quỳnh Dương thuê đến cùng khảo sát địa hình xây dựng. Khi biết có lực lượng đến khu dự án, người dân ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng tưởng Công ty Hoa Thành đã đến thi công, nên có khoảng 100 người dân của thôn có đất bị thu hồi mang theo cuốc, xẻng, gậy, bình phun thuốc trừ sâu kéo đến khu vực đất dự án để giữ đất và đã xảy ra xô xát.
Bà Lương Thị Dính bị các đối tượng lạ mặt ném gạch bị thương ở đầu.
Bà Lương Thị Dính bị các đối tượng lạ mặt ném gạch bị thương ở đầu.
Dân tố “côn đồ của công ty”
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Công ty Hoa Thành, người dân đã cáo buộc phía công ty thuê các đối tượng côn đồ vào hành hung dân để tự “giải phóng mặt bằng”. Một số người dân bị đánh cho biết trực tiếp nhìn thấy lãnh đạo của Công ty TNHH Quỳnh Dương trao đổi với các đối tượng côn đồ này. “Chúng tôi còn thấy lãnh đạo công ty đứng chỉ đạo nhóm thanh niên đánh chúng tôi để dọa nạt người dân phải giao đất” - một người dân bị đánh nói.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Tiên Lãng đã có báo cáo ban đầu gửi UBND TP Hải Phòng. Báo cáo do ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - ký ghi rõ: khi vụ việc xảy ra có khoảng 20 nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu (có mặc đồng phục) cùng với 50 người lạ mặt (không mặc đồng phục) tự xưng là người của Công ty TNHH Quỳnh Dương, cản trở người dân đi vào khu đất chăm sóc hoa màu. Nhóm người này đã xảy ra xô xát với dân và làm một số người bị thương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tùng nói: “Vẫn chưa rõ nhóm người này có phải của công ty hay không. Sau khi xô xát thì nhóm người này đã bỏ trốn. Hiện công an đang điều tra”. Ông Tùng cho biết đầu tháng 4, huyện nhận được thông báo của Công ty TNHH Hoa Thành về việc thi công xây dựng nhà máy. Sau khi báo cáo UBND TP, huyện đã có thông báo yêu cầu công ty dừng thi công vì còn nhiều vướng mắc. “Tuy nhiên, ngày 21-4 công ty đã tự ý đưa lực lượng vào khu vực đất mà không báo cáo huyện. Việc này công ty sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Tùng nói.
Đánh dân ngay trước mặt công an
Ông Lê Văn Tú (23 tuổi) - đội trưởng đội bảo vệ của Công ty Toàn Cầu tham gia bảo vệ khu dự án ngày 21-4 - khẳng định các nhân viên bảo vệ chỉ ngăn cản không cho người dân vào khu dự án chứ không xô xát với người dân. Ông Tú kể lại: “Chúng tôi đến bảo vệ theo đúng quy trình, khi đó còn có gần chục anh công an mặc cảnh phục có mặt ở hiện trường. Khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì ở khu vực ngoài đường có một số đối tượng cũng ngăn cản dân. Sau đó tôi thấy xảy ra xô xát và một nhóm người nữa đến ẩu đả với dân”.

Doanh nghiệp phủ nhận
Ngày 22-4, PV Tuổi Trẻ đã gặp trực tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp để xác minh những thông tin liên quan. Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết thuê Công ty TNHH Quỳnh Dương xây lắp công trình. “Vụ xô xát là đáng tiếc và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Chúng tôi đã hỏi bên đối tác nhưng họ đều khẳng định không thuê côn đồ hành hung dân” - ông Nam nói.
Ông Lê Huy Hải, giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Dương, cho biết đã thuê Công ty Toàn Cầu bảo vệ trật tự tại dự án khi công ty tiến hành khảo sát vào ngày 21-4 trước khi thi công. Ông Hải khẳng định: “Công ty không liên quan đến nhóm người lạ mặt này. Hôm đấy chỉ có mình tôi là người của công ty đi cùng giám đốc bên Hoa Thành và đội bảo vệ. Khi xảy ra vụ việc, tôi chỉ trao đổi với đội bảo vệ của bên Toàn Cầu. Không có chuyện chúng tôi thuê côn đồ, doanh nghiệp ai lại làm thế. Lúc xảy ra vụ việc chúng tôi cũng hoang mang và đã gọi lãnh đạo xã ra để can thiệp”.
Ông Nguyễn Quốc Minh, giám đốc Công ty Toàn Cầu, cho biết có hợp đồng với Công ty Quỳnh Dương về việc triển khai 120 nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu dự án. Ngày 21-4, bên đối tác tiến hành khảo sát dự án nên Công ty Toàn Cầu chỉ cử 20 nhân viên bảo vệ đi cùng. “Các nhân viên của tôi đi cùng ôtô với Công ty Quỳnh Dương. Nhân viên đều mặc đồng phục của công ty. Các đối tượng lạ mặt không liên quan đến công ty, chúng tôi không thuê côn đồ hành hung người dân” - ông Minh nói.
Trả lời về việc tại sao nhóm côn đồ lại vào hành hung dân vô cớ khi đội bảo vệ của công ty đang ngăn cản dân, ông Minh nói: “Cũng có thể nhóm người này có lợi ích liên quan đến dự án. Cái này phải cơ quan công an điều tra mới rõ”.
Doanh nghiệp phủ nhận

Ngày 22-4, PV Tuổi Trẻ đã gặp trực tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp để xác minh những thông tin liên quan. Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết thuê Công ty TNHH Quỳnh Dương xây lắp công trình. “Vụ xô xát là đáng tiếc và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Chúng tôi đã hỏi bên đối tác nhưng họ đều khẳng định không thuê côn đồ hành hung dân” - ông Nam nói.

Ông Lê Huy Hải, giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Dương, cho biết đã thuê Công ty Toàn Cầu bảo vệ trật tự tại dự án khi công ty tiến hành khảo sát vào ngày 21-4 trước khi thi công. Ông Hải khẳng định: “Công ty không liên quan đến nhóm người lạ mặt này. Hôm đấy chỉ có mình tôi là người của công ty đi cùng giám đốc bên Hoa Thành và đội bảo vệ. Khi xảy ra vụ việc, tôi chỉ trao đổi với đội bảo vệ của bên Toàn Cầu. Không có chuyện chúng tôi thuê côn đồ, doanh nghiệp ai lại làm thế. Lúc xảy ra vụ việc chúng tôi cũng hoang mang và đã gọi lãnh đạo xã ra để can thiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Minh, giám đốc Công ty Toàn Cầu, cho biết có hợp đồng với Công ty Quỳnh Dương về việc triển khai 120 nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu dự án. Ngày 21-4, bên đối tác tiến hành khảo sát dự án nên Công ty Toàn Cầu chỉ cử 20 nhân viên bảo vệ đi cùng. “Các nhân viên của tôi đi cùng ôtô với Công ty Quỳnh Dương. Nhân viên đều mặc đồng phục của công ty. Các đối tượng lạ mặt không liên quan đến công ty, chúng tôi không thuê côn đồ hành hung người dân” - ông Minh nói.

Trả lời về việc tại sao nhóm côn đồ lại vào hành hung dân vô cớ khi đội bảo vệ của công ty đang ngăn cản dân, ông Minh nói: “Cũng có thể nhóm người này có lợi ích liên quan đến dự án. Cái này phải cơ quan công an điều tra mới rõ”.Dân nói “hợp đồng thuê đất trái luật”
Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết ngày 10-11-2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt thu hồi hơn 88.000m2 đất nông nghiệp tại xã Đại Thắng cho công ty thuê để xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu. Sau khi đền bù, giải tỏa mặt bằng, ngày 13-12-2004 Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng đã làm hợp đồng cho thuê đất với công ty. Theo hợp đồng mà công ty cung cấp, đại diện TP Hải Phòng là ông Chu Minh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) ký, đóng dấu hợp đồng này.
Tại thời điểm UBND TP Hải Phòng làm hợp đồng cho thuê đất với công ty vẫn còn 9/153 hộ chưa nhận đền bù, chưa giao đất và hơn 100 hộ dân khiếu kiện về mức đền bù thấp. Theo quy định của Luật đất đai, khi chưa giải tỏa mặt bằng, chưa cưỡng chế xong, chưa có “đất sạch” thì chính quyền chưa được làm hợp đồng cho thuê đất với công ty.
Ông Lương Văn Chinh - người đại diện cho những hộ dân bị thu hồi đất - cho biết nguyên nhân người dân giữ đất là do giá đền bù quá thấp, quy trình thu hồi, cho thuê đất không đúng luật. Theo ông Chinh, UBND TP và UBND huyện Tiên Lãng không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, làm hợp đồng cho thuê đất khi nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù. “Chúng tôi đã có kiến nghị đến các cấp. Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường cũng có văn bản gửi người dân về việc chuyển đơn yêu cầu TP Hải Phòng giải quyết nhưng đến nay người dân chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền” - ông Chinh nói.
Thân Hoàng
(Tuổi trẻ)
 

Những kiểu ‘đốt tiền’ mồ hôi nước mắt của dân

Có những cây cầu đi bộ vừa mới được đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng đã bị dỡ bỏ gây lãng phí tiền tỷ “mồ hôi nước mắt” của dân.
Tầm nhìn kém trong quy hoạch phát triển giao thông đô thị đã gây lãng phí tiền bạc cho Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hãy cùng điểm lại những bài học đắt giá này:

Những kiểu ‘đốt tiền’ mồ hôi nước mắt của dân
Hà Nội đang triển khai xây dựng hai cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, đồng nghĩa phải phá dỡ hai cầu bộ hành gần các nút giao này.
Phá cầu đi bộ hàng chục tỷ đồng
Đầu tháng 2, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khởi công xây cầu vượt tại ngã tư Daewoo (hướng đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai). Cầu dài 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe, tổng đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Gần sát dốc cầu trên đường Nguyễn Chí Thanh hiện có cây cầu bộ hành trị giá gần 10 tỷ đồng mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sắp tới cầu bộ hành này sẽ bị tháo dỡ để có mặt bằng thi công và tổ chức giao thông cầu vượt.
Những kiểu ‘đốt tiền’ mồ hôi nước mắt của dân
Cầu đi bộ đường Nguyễn Chí Thanh sẽ phải phá dỡ để xây cầu vượt qua nút Daewoo. 
Tương tự, để xây dựng cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân dài hơn 350 m, rộng 11 m, Sở Giao thông Hà Nội đã phải tháo dỡ cầu đi bộ trên đường Trần Khát Chân.
Việc phá dỡ hai cầu bộ hành khiến nhiều người cho rằng Hà Nội đã lãng phí khi xây dựng các công trình giao thông. Lãnh đạo Sở Giao thông cũng thừa nhận các quy hoạch giao thông chưa hoạch định xây dựng cầu vượt qua các nút giao nên ảnh hưởng các công trình cũ.
Chưa kể, việc xây dựng các cây cầu vượt quá chậm cũng làm giảm tiến độ chống ùn tắc của hai thành phố, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ùn tắc, giảm GDP của hai thành phố.
Dỡ bỏ hệ thống đường sắt trong lòng Hà Nội
Hà Nội từng dỡ bỏ khoảng 40km tàu điện do người Pháp xây dựng. Tàu điện là loại phương tiện không bao giờ thiếu được với sự phát triển của các đô thị trên thế giới. Nó an toàn, có khả năng chịu tải cao.
“Đáng lý ra người ta phải duy trì và phát triển nó thì vào năm 1989 lại dỡ bỏ với lý do ‘đường chật chội’, tất nhiên sau này có nhận ra sai lầm thì cũng khó lòng mà xây dựng lại, vì phá đi thì dễ chứ làm lại thì tốn kém vô cùng. Thời ấy, tôi đang là chuyên viên nghiên cứu giao thông của Bộ Giao thông đã có 4 bài viết phản đối việc dỡ bỏ hệ thống đường sắt này, nhưng người ta không nghe”, TS Nguyễn Xuân Thủy - một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới, kể lại.
Xây dựng các cầu vượt sông Hồng quá chậm
Năm 1985, khánh thành cầu Thăng Long, năm 1986, hoàn thành cầu Chương Dương. Nhưng phải đến gần 25 năm sau, Hà Nội mới có thêm cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy.
Trong khi ở những quốc gia tiên tiến thì ở thành phố có con sông lớn như vậy họ phải đặt tới cả chục cây cầu. Điều đó không chỉ góp phần tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng hơn, mà còn thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển nhanh hơn, và nó cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc quy hoạch, tính toán dân số phù hợp hơn.
Không chỉ ở lĩnh vực giao thông mà ở những lĩnh vực khác như giáo dục…, tầm nhìn hạn chế cũng gây thiệt hại lớn cho người dân.
Theo Dân Việt, sáng 18/4, Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội) tổ chức trao bằng thạc sĩ cho hơn 270 học viên cao học K16.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận bằng, các tân thạc sĩ đã phát hiện có lỗi sai sót chính tả trong phần ghi bằng tiếng Anh. Thay vì viết “The director of Academy of Journalism and Communication” (giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền) thì mẫu văn bằng các tân thạc sĩ nhận được lại in nhầm “director” (giám đốc) thành “derector”.
Hơn 270 bằng thạc sĩ đã được học viện thu hồi để in lại. Một số học viên từ các tỉnh phía Nam ra nhận bằng được các lớp trưởng hẹn sẽ chuyển bằng qua đường chuyển phát nhanh sau khi chỉnh sửa.
Năm 2010, trường Đại học Huế cũng phát hiện những lỗi sai chính tả trên bằng cử nhân và bằng thạc sĩ. Lãnh đạo trường này cho biết, có gần 11.000 tấm bằng cử nhân và thạc sĩ do cơ quan này cấp cho sinh viên và học viên tốt nghiệp năm 2010 bị mắc một số lỗi.
Hệ lụy từ những tấm bằng sai tiếng Anh trên đã mang phiền phức đến cho nhiều sinh viên khi ra trường, thậm chí mất cơ hội việc làm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ghi phần tiếng Anh trong bằng cấp là không cần thiết, vì bằng nước nào chỉ cần ghi tiếng nước đó, thế giới cũng không có quy ước chung cho ngôn ngữ ghi trên bằng.
Ngoài ra, tính đến nay, có gần 35.000 người được cấp chứng minh nhân dân (CMND) có ghi tên cha mẹ theo mẫu mới. Tuy nhiên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bỏ mục này.
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (C72 - Bộ Công an) cho hay, những người đã và đang được cấp CMND mẫu mới có tên cha mẹ vẫn sử dụng bình thường cho đến hết niên hạn. Khi nghị định mới ra đời, những người này cũng không cần thiết phải làm lại.

Mai Lan (tổng hợp)
(VTC News) 

Hỗ trợ thị trường hơn hỗ trợ doanh nghiệp

"Nhà nước nên phát huy thị trường tự do hơn là hỗ trợ các doanh nghiệp thì mới phát triển được kinh tế một cách hữu hiệu và công bằng". Nguyên tắc trên được chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nêu ra khi được hỏi về tình trạng teo tóp và suy sụp của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo thường niên do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam vừa công bố cho thấy hai chi tiết đầy quan ngại về nền kinh tế Việt Nam. Một là số lượng doanh nghiệp hoạt động đã giảm sút mạnh. Hai là quy mô của doanh nghiệp lại càng ngày càng nhỏ hơn và tuyển dụng ít nhân công hơn. Hiện tượng teo tóp về cả lượng lẫn phẩm như vậy xảy ra mặc dù nhà nước Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ hơn một năm nay. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên là tôi rất mừng khi Việt Nam có một hiệp hội tư nhân với chức năng yểm trợ việc phát triển tư doanh và được sự góp ý của các chuyên gia kinh tế ngoài chính quyền. Nhờ vậy mà đã có nhiều cuộc khảo sát và cả những phê phán về những gì bất cập. Đây là một bước tiến bộ về trình độ tổ chức và giúp Việt Nam thoát khỏi cái nhìn và nhất là chính sách duy ý chí và hẹp hòi của nhà nước.
Chi tiết đáng chú ý khác và cũng từ Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam thì so sánh tình hình từ giữa Tháng Chín đến cuối Tháng 12, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã từ 471 nghìn sụt xuống còn 312 nghìn, là mất toi gần 160 nghìn cơ sở trong có hơn ba tháng. So với 694 nghìn doanh nghiệp được thành lập thì con số hoạt động hiện tại là 312 nghìn chỉ còn gần 45%, nghĩa là mất hơn phân nửa. Tình trạng này quả thật là đáng lo ngại. Đó là về số lượng.
Chứ về phẩm thì sự tình lại còn bi đát hơn như ông vừa nêu ra. Đó là kích thước hay quy mô của các doanh nghiệp còn tồn tại đã chẳng tăng mà lại co cụm hơn. Loại vừa thì biến thành nhỏ, loại nhỏ thì trở thành tí hon. Tức là trong hệ thống sản xuất kinh tế, sức sản xuất của tư doanh đã giảm sút mạnh về cả số lượng lẫn tầm cỡ. Vài con số khái quát và trừu tượng ấy không thể làm chúng ta quên là nhiều triệu người đang điêu đứng vì cơ sở phá sản và bị nguy cơ thất nghiệp.

VINASHIN_305.jpg
Văn phòng Tập đoàn Công nghiệp tàu Thủy Việt Nam tại Hà Nội - RFA photo
Vũ Hoàng: Thưa ông, sự tụt hậu xảy ra sau khi nhà nước Việt Nam đề ra chính sách yểm trợ doanh nghiệp từ hơn một năm nay. Nếu như vậy, thưa ông, có cái gì bất cập trong chính sách ấy hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi lại làm thính giả của chúng ta giật mình khi nói rằng lý luận gọi là "yểm trợ doanh nghiệp" là một sai lầm về tư tưởng, nhận thức lẫn thực tế. Sự sai lầm ấy thật ra khá phổ biến và có lẽ chương trình kỳ này của chúng ta nên cố giải thích cho rõ để may ra còn cải sửa được. Vắn tắt là nhà nước phải yểm trợ thị trường hơn là yểm trợ doanh nghiệp thì mới phát triển được doanh nghiệp và kinh tế.
Vũ Hoàng: Ông thường có cách nêu vấn đề bằng nghịch lý rồi mới lần lượt lý giải. Thắc mắc của nhiều người ở đây là sau khi bị khủng hoảng vì chế độ tập trung quản lý, Việt Nam và nhiều xứ khác đã áp dụng quy luật thị trường và cho phép tư doanh hoạt động. Như vậy, việc yểm trợ tư doanh là cần thiết và có lợi để mở rộng không gian sinh hoạt của các doanh nghiệp tư nhân. Chuyện ấy có gì sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ đi từng bước để thấy ra sự khác biệt và thậm chí đối lập giữa hai quan niệm là "phát huy thị trường" và "hỗ trợ doanh nghiệp".
Thực tế rất phũ phàng của loài người là mọi chế độ chính trị đều mặc nhiên nâng đỡ thành phần xã hội có khả năng bảo vệ và củng cố quyền lực của chế độ, như tăng lữ, quý tộc hay trí thức, quân đội, v.v... Do thực tế đó mà chế độ dân chủ là tương đối ít tệ nhất vì dân chủ chính là sự bình đẳng của mọi người trước hệ thống luật pháp do chính người dân góp phần lập ra.
Nó ít tệ hơn cả vì định chế hóa sự bình đẳng của quyền dân bằng pháp luật và phải khởi đi bằng luật pháp. Cuộc tranh luận hiện nay tại Việt Nam về việc cải tổ Hiến pháp là cơ hội làm sáng tỏ thực tế này. Cơ bản nhất là người dân chưa có quyền tham gia vào việc làm ra luật vì vẫn bị một đảng chính trị cột tay và đòi một thứ quyền lãnh đạo tiên thiên từ trên đầu chụp xuống.
Nhìn ra bên ngoài, khi một đảng cầm quyền không thể độc quyền quản lý kinh tế theo kiểu kế hoạch hóa vì gây ra khủng hoảng làm xứ sở lụn bại, người ta mới nói đến quy luật của thị trường. Sự chuyển biến ấy có nghĩa là người ta thấy ra ưu thế của quyền tự do quyết định và chọn lựa về kinh tế. Các quốc gia tiên tiến đều đã áp dụng quy luật thị trường tự do từ cuối thế kỷ 18 nên mới trở thành tiên tiến, và nền dân chủ có góp phần đáng kể cho sự thay đổi lớn lao này.
Nhưng ngay trong một xã hội dân chủ, chính quyền vẫn mặc nhiên nâng đỡ thành phần có thể bảo vệ quyền lực của mình vì vậy đấu tranh chính trị trước quốc hội hay trong công luận là điều cần thiết để gìn giữ nguyên tắc bình đẳng trước luật pháp. Trong các quốc gia đã chuyển hướng theo kinh tế thị trường mà chưa có dân chủ đích thực thì tình hình còn tồi tệ hơn khi nhà nước nói đến chuyện "yểm trợ doanh nghiệp" vì thật ra lại không yểm trợ thị trường. Đó là hoàn cảnh của Việt Nam và ta nên nhìn ra sự khác biệt giữa hai khái niệm doanh nghiệp và thị trường.
Khái niệm doanh nghiệp và thị trường
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông là đã chậm rãi phân tích sự chuyển hóa về nhận thức và tổ chức của các nước trên thế giới để đi dân tới hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay. Sự khác biệt giữa hai khái niệm doanh nghiệp và thị trường là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong một chương trình trước đây, chúng ta có nói đến quyền tự do mặc cả và trao đổi giữa hai tác nhân kinh tế mà mình tạm gọi là ông A và bà B trong thị trường. Nhà nước do ông X nào đó lãnh đạo phải bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng của hai thành phần A và B này vì nó mở rộng quyền chọn lựa của mọi người khi tiêu thụ và đầu tư. Bây giờ, vì bất cứ một lý do hay động lực nào đó, được ngụy trang thành chính sách yểm trợ doanh nghiệp, ông X có thể nâng đỡ một trong hai thành phần này thì cái nhà nước đó đã đi ngược quy luật thị trường.
Nó can thiệp vào hệ thống sinh hoạt kinh tế một cách bất công và thực chất vẫn là nâng đỡ thành phần làm lợi cho mình. Kinh tế học gọi đó là nạn "tư bản thân tộc", tức là dù có tư bản chủ nghĩa về hình thức nhưng dành ưu thế cho tay chân và thân tộc của những kẻ có chức có quyền.
Nói cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam thì tôi xin nhắc lại khoản hai của điều 55 trong dự thảo Hiến pháp đang được tranh cãi là "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Chi tiết ấy cho thấy giữa các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, tức là chưa có sự bình đẳng trên sân chơi và thị trường chưa thể vận hành tự do. Vì thế, loại tập đoàn kinh tế nhà nước có đặc tính sản nhập chứ không sản xuất vì là một trung tâm hao tốn như Vinashin hay Vinalines vẫn được tài trợ rồi dào trong khi tư doanh khát vốn bị phá sản hàng vạn.
Vũ Hoàng: Như vậy, phải chăng khi nhà nước nói đến chính sách gọi là "yểm trợ doanh nghiệp" thì điều ấy có nghĩa là thành phần doanh nghiệp nào mà có quan hệ với khu vực chủ đạo này vẫn được nâng đỡ hơn các thành phần khác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế và ta có quá nhiều thí dụ đau lòng mà nát việc.
Chúng ta nên mường tượng ra một hình tháp tròn như cái nón. Trên cùng và ở giữa là các tập đoàn kinh tế nhà nước được thu vét tối đa nguồn lực mà sản xuất tối thiểu. Chung quanh là các doanh nghiệp nhà nước cũng được yểm trợ theo diện chính sách mà đóng góp rất ít cho kinh tế vì hiệu năng thấp nhưng vẫn tồn tại nhờ không bị cạnh tranh và củng cố thế lực của nhà nước và tay chân. Ở dưới là một dàn cơ sở vệ tinh, tiếng là doanh nghiệp tư nhân và thực chất là tay chân thân tộc đang trở thành các đại gia cực giầu. Dưới cùng là các tiểu doanh thương loại vừa và nhỏ lẫn các cơ sở mới được thành lập thì chết ngộp vì chính sách kiểm soát có thiên vị ở trên và chết đói vì thiếu vốn kinh doanh ở dưới. Mà các cơ sở này mới thật sự tạo ra công ăn việc làm và tiếp cận với đời sống thật của thị trường.
Qua mấy năm sai lầm tai hại vì quản lý vĩ mô quá tồi, sự khốn đốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vòng ngoài, dưới đáy tháp, đã tạo cơ hội cho nhà nước bày tỏ nỗi quan tâm. Nhưng khi nhà nước nói đến "yểm trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" thì đấy là lúc ba tầng doanh nghiệp trên cùng được tiếp vận nào vốn nào tín dụng nào đất đai nào cơ hội thu mua hay kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong khi đó đa số cơ cở ở dưới bị thiểu số ở trên chèn ép và đang tiêu vong lần mòn với số tử vong kỷ lục trong vòng có mấy năm.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối của chúng tôi, thưa ông Nghĩa, là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, người ta đang tranh luận là nên hay không nên tung tiền cấp cứu các doanh nghiệp có thể vỡ nợ trong khu vực địa ốc ở tại Việt Nam. Ông có ý kiến gì về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác, kể cả các nước tiên tiến, đều có vụ tranh luận là nên cứu hay không và nên cứu ai hay bỏ ai khi kinh tế suy trầm, nhà nước mắc nợ và doanh nghiệp gặp nguy cơ sụp đổ. Chính là vào lúc đó mình mới càng thấy rằng nên phát huy thị trường và quyền kinh doanh bình đẳng hơn là yểm trợ doanh nghiệp hoặc tung tiền cấp cứu doanh nghiệp.
Lý do là gặp cảnh nguy nàn, và vì những lý do cao đẹp, nhà nước dễ yểm trợ hoặc lấy công quỹ cấp cứu loại cơ sở gọi là thân hữu, nghĩa là có thể tác động vào chính sách của nhà nước qua các nhóm lợi ích. Tại các nước Tây phương thì đấy là đại gia ngân hàng, đại tổ hợp và nghiệp đoàn. Tại các nước chưa có dân chủ và đang chuyển sang kinh tế thị trường thì đấy là hệ thống kinh tế nhà nước và doanh nghiệp thân tộc. Càng cấp cứu loại cơ sở này là càng khuyến khích nạn "ỷ thế làm liều" mà giới kinh tế gọi là "moral hazard" vì họ ỷ vào sự cấp cứu và yểm trợ của nhà nước mà có hành động bất cẩn hay bất lương khi đầu cơ. Việc cấp cứu đó chỉ là sự biến hóa của nạn "tư bản thân tộc" crony capitalism, vốn dĩ cũng là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi hôm nay.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-04-24
 

'Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông'

giáo dục, clip, lớp 9, phổ thông
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng
"Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT" - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nêu quan điểm khi trao đổi với VietNamNet.
Học phổ thông chỉ duy trì 9-10 năm?
Ông Lê Trường Tùng cho biết: Clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” - đây là lần đầu tiên xã hội được nghe ý kiến khá đầy đủ của học sinh phổ thông liên quan đến nền giáo dục nước nhà.
Với những gì em học sinh chia sẻ - tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt. Đặc biệt trong bối cảnh đang soạn thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để trình Trung ương xem xét phê duyệt.
Những gì học sinh lớp 12 này nói thêm một lần nữa khẳng định việc đổi mới GDVN là việc cấp bách, và đổi mới phải mang tính chất cơ bản, toàn diện, chứ không thể chỉ dừng lại ở các giải pháp mang tính tình thế.

- Một trong những phát ngôn đáng chú ý của nam sinh này là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về vấn đề này?
Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp Trung học phổ thông (THPT).
Khi đó thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH.
Khi học trung học, học sinh có thể chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay. Các nước theo mô hình giáo dục Anh quốc - chẳng hạn như Singapore - đang triển khai giáo dục phổ thông theo dạng này.
- Nếu thực hiện theo đề xuất này của ông, GDVN sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?
Nếu quyết tâm chuyển đổi và dựa trên hệ thống giáo dục Anh quốc thì hoàn toàn có thể sử dụng chương trình, sách giáo khoa của Anh cho các môn Khoa học, Toán, Kinh tế, Nghệ thuật - chỉ phải soạn lại các môn xã hội. Đây không phải là việc khó nếu thực sự muốn làm.
Trong cơ chế toàn cầu hiện nay, đến lúc nào đó tính chất quốc gia chỉ nên giữ lại một phần. Chuyện khung, thời gian chương trình về mặt nguyên tắc phải làm sao đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Học sinh nước ngoài, có thời gian học phổ thông rất ngắn sau đó vào ĐH. Ta dù có học thêm đi chăng nữa sau cũng chỉ vậy mà thôi.
-Nhiều người vẫn lo chuyện “nhập khẩu” tài liệu như ông nói sẽ không phù hợp với năng lực học trò VN?
Những môn về xã hội có thể soạn riêng. Nhưng như đã nói những môn môn Toán, Lý, Hóa, CNTT, Thiên văn,…đâu nhất thiết nước nào soạn chương trình riêng cho nước đó. Đi theo họ 2/3 chương trình đã có sẵn. Dịch sang tiếng Việt không khó. Mua bản quyền còn rẻ hơn biên soạn sách mới.

Phải kiến trúc lại GDVN

- Phải chăng chương trình giáo dục phổ thông VN hiện nay đang quá nặng về kiến thức, thiếu dạy kĩ năng sống cho học sinh, thưa ông?
Mục đích giáo dục phổ thông là tạo văn hóa, tri thức chung cơ bản cho mỗi công dân. Nếu theo các nước phát triển, chức năng định hướng nghề nghiệp được thể hiện ngay khi lên trung học học sinh được lựa chọn các môn mình thích.
Bên cạnh ngoại ngữ, CNTT, Toán bắt buộc. Những môn còn lại, 3 4 môn còn lại thích gì thì học đó. Thử hỏi trò phổ thông mấy em ở VN biết đến chứng khoán, công ty là gì. Trong khi những khái niệm ấy nhan nhản trên mặt báo. Nước ngoài, lớp 7- 8 đã có môn dạy về kinh tế, kinh doanh. Và 20 tuổi là có bằng ĐH rồi.
Ví dụ như vậy để thấy giáo dục của ta vừa thừa vừa thiếu. Cần không cần vẫn dạy, cái thiết thực nhiều khi bỏ quên hoặc làm qua loa. Đặc biệt là những kĩ năng mềm hay giáo dục sức khỏe,.. mấy trường học ở ta coi trọng? Trong khi cái đó gắn bó suốt đời với mỗi con người
- Bộ GD-ĐT đang tiến hành công cuộc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015. Ông có nghĩ đề xuất của mình được tiếp thu?
Trong khi Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD VN chưa được duyệt - thì tất cả việc làm khác ở dưới chỉ là tình thế.
Gốc rễ vấn đề là ta chưa quyết được 12 năm hay rút ngắn. Nếu cứ làm (viết sách),…thì đổi mới sẽ chỉ tập trung vào phần ngọn.
GDVN đang thiếu quy hoạch mạch lạc dẫn đến tồn tại nhiều bất cập, thiếu gì thì “đẻ” ra cái đó. Một đô thị vẫn có nhà cửa nhưng thiếu thiết kế nhà cửa ấy sẽ loạn lên. Giáo dục cũng vậy, cần kiến trúc lại cho mạch lạc. Ổn rồi thì dựa vào đó xây dựng mới yên tâm được. Kiến trúc tốt mà xây dựng tồi vẫn có thể có một sản phẩm tồi nhưng kiến trúc tồi kiểu gì cũng không giải quyết được vấn đề.
- Xin cảm ơn ông!
Văn Chung thực hiện
(VNN)

Vẫn chưa biết chính xác Đàn Xã Tắc ở đâu!

Theo như nguyên cứu khảo cổ từ năm 2006 thì phần khoanh vùng hiện nay chúng ta thấy là phần lõi của di tích. Còn phần lõi của Đàn Xã Tắc hiện nay chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác là nằm ở đâu trong khu di tích Đàn Xã Tắc.

Liên quan tới sự việc cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa gây lo ngại trong dư luận sẽ ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc, PV VietNamNet đã phỏng vấn ông Trần Đình Thành – Phó phòng quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa.

đàn Xã Tắc, Cục di sản, di tích
Ông Trần Đình Thành


- Có ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc trên cao sẽ là việc làm “đi trên đầu các cụ”?
- Hiện giờ đường nhựa dưới mặt đất cũng đang nằm trên khu di tích Đàn Xã Tắc, nếu nói như vậy thì hiện giờ chúng ta cũng đang “đi trên đầu các cụ” đấy thôi. Còn sắp tới chúng ta sẽ xây cầu đi tránh qua đó.
- Việc xây dựng cầu đi qua khu vực di tích có phạm vào khu vực bảo vệ của Đàn Xã Tắc hay không, thưa anh?
- Như trong bản thiết kế, hai mố cầu sẽ nằm ngoài khu vực bảo vệ của di tích Đàn Xã Tắc. Phần oval nổi lên trên mặt đất sẽ rất nhỏ, phần ô chữ nhật là phần có khả năng ảnh hưởng tới di tích cũng sẽ nằm ngoài khu vực bảo vệ.

đàn Xã Tắc, Cục di sản, di tích
Bản vẽ thiết kế phần mố cầu vượt ngã tư Ô Chợ Dừa    
Chúng tôi đã đưa ý kiến lên thành phố để không ảnh hưởng tới di tích Xã Đàn ở 2 điểm quan trọng trong phương án này. Đó là nắn cầu lệch sang hướng đường Tôn Đức Thắng để tránh cầu đi thẳng sẽ ảnh hưởng tới di tích và thu hẹp bề rộng mặt cầu là 14,5m để giảm độ lớn của cầu đến mức phù hợp nhất.

- Vì sao lại không chọn phương án cầu đi theo hướng đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng?

- Cầu đi theo hướng này sẽ vướng phải đường Khâm Thiên, con đường rất nhỏ và phân làn giao thông sẽ rất khó khăn. Việc giải phóng mặt bằng cho phương án này sẽ là rất lớn. Xét đến yếu tố lưu lượng xe như hiện tại chúng tôi thấy rằng làm cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Đê La Thành là phương án khả thi nhất, đảm bảo yếu tố hài hòa về di tích lẫn giao thông hơn cả.

 Việc đào móng để làm mố cầu cho cầu vượt có ý kiến lo ngại sẽ vi phạm tới Luật bảo vệ di tích, đặc biệt sẽ xâm hại tới vùng lõi của Đàn Xã Tắc?

- Cần phải làm rõ hai khái niệm lõi của di tích và lõi của Đàn Xã Tắc. Theo như nguyên cứu khảo cổ từ năm 2006 thì phần khoanh vùng hiện nay chúng ta thấy là phần lõi của di tích. Còn phần lõi của Đàn Xã Tắc hiện nay chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác là nằm ở đâu trong khu di tích Đàn Xã Tắc.

Phần lõi của khu di tích chúng ta thấy hiện nay có diện tích 1577m2 được xác định trong quá trình nghiên cứu, điều tra khảo cổ. Và trong quá trình khai quật khảo cổ thì vẫn chưa thấy được chính xác phần lõi của Đàn Xã Tắc chính xác là nằm ở đâu trong khu vực di tích này.

- Vậy khi chưa xác định chính xác Đàn Xã Tắc nằm ở đâu, trong quá trình thi công nếu gặp phải đúng phần lõi của Đàn Xã Tắc thì sao? Lúc đó việc thi công và phương án sẽ phải dừng lại?

- Nếu xảy ra việc này chúng ta sẽ phải xem xét lại và có phương án để giải quyết. Còn phương án khi chúng ta đặt ra không phải không tính tới điều này.

Việc chọn phương án cầu vượt đã tránh vùng lõi của di tích được cho là có khả năng cao nhất của Đàn Xã Tắc trước đây. Dựa vào kết quả khảo cổ năm 2006 – 2007 cũng cho thấy di vật khảo cổ tại khu vực này cũng không còn nguyên vẹn và rất khó để xác định Đàn Xã Tắc chính xác nằm ở đâu.

Thêm nữa phần mố cầu đào xuồng khu vực này có diện tích rất bé và hạn chế số lượng một cách tối đa. Việc tìm thấy chính  xác vị trí Đàn Xã Tắc đã rất khó, phần mố cầu lại như vậy nên khả năng xảy ra việc này xảy ra là rất thấp và được hạn chế tới mức thấp nhất.

- Vậy tại sao thời gian qua Cục Di sản lại không lên tiếng để dư luận được hiểu rõ nhất về dự án xây dựng cầu vượt?

- Cục Di sản văn hóa chỉ là cơ quan tham mưu cho Bộ Văn Hóa. Theo quy định của Luật quy hoạch, UBND tỉnh thành phố là nơi sẽ công khai tổ chức tuyên truyền giới thiệu quy hoạch.

đàn Xã Tắc, Cục di sản, di tích
Nguyễn Hoàng
(VNN)
 

TS Nguyễn Quang A: ‘Tình hình báo chí xấu đi rất nhiều’

Tiến sỹ Nguyễn Quang A vừa bình luận về tin đồn 'lệnh miệng' của cấp cao đối với việc bài của ông gửi bị báo Lao Động từ chối đăng.
Bài báo 'Sở hữu tư nhân hạn chế về đất đai?' bàn về chủ đề sở hữu đất trong bối cảnh nhà chức trách kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp.

'Tình hình báo chí xấu đi rất nhiều'
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 24/04, ông Quang A cũng bàn về các vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam trong những năm gần đây.
BBC: Trên trang Bấm Anh Ba Sàm đăng là bài viết của ông cho báo Lao Động bị từ chối và cộng tác cho chuyên trang Thời Luận do ông phụ trách cũng sẽ khép lại là do ‘lệnh miệng’ của ông Đinh Thế Huynh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), ông có thể xác nhận tin này?
Tôi không biết cụ thể, cũng nghe loanh quanh thế thôi. Khi người ta không có văn bản thì mình cũng khó mà kiểm tra được thực hư thế nào. Nhưng mà có lẽ người ta nói đi nói lại thế thì nó cũng chính xác đấy, chứ không phải không.
BBC: Có phải do ông có những bài viết có tiếng nói khác đi và có những bài viết nhận định về chính sách của chính phủ Việt Nam?
Có lẽ là do tôi có những bài viết mà có tính chất phê phán nhiều hơn để góp ý cho người ta sửa đổi, thì cũng có khi người ta không thích cách viết của tôi, cách đặt vấn đề của tôi, thì cái đó tôi cũng không coi thành vấn đề.
BBC: Trước đây cũng từng có lời đồn là ông bị cấm tiếp xúc với các báo lớn ở Việt Nam, có đúng không, và vì sao?
Tôi cũng có nghe người ta đồn như thế, không ai nói với tôi một cách chính thức cả. Trước kia VTV họ hay phỏng vấn tôi, nhưng đúng là từ thời đó đến bây giờ thì không có một lần nào cả.
Rồi các báo lớn đúng là thỉnh thoảng tôi có gửi bài cho người ta nhưng người ta không đăng. Từ kết quả đó thì có thể suy ra, dự đoán như vừa nói là có cơ sở. Nhưng cũng chỉ là dự đoán thôi, không biết được chính xác nó như thế nào.
Chắc chỉ đến khi nào, nếu có văn bản, mà người ta lần lưu trữ ra, thì ai ra lệnh như thế nào thì may ra biết được. Còn bây giờ, tất cả những thông tin đó mình đều không biết, chỉ thấy là thực tế nó phù hợp với những đồn đoán như vậy.
Vừa rồi tờ Nông thôn Ngày nay cũng nhờ tôi viết 600 chữ một tuần, thì tôi cũng viết được khoảng nửa năm nay, nhưng chắc là với sự kiện báo Lao Động tôi cũng dừng ở đấy nốt.
'Nguy hiểm cho hệ thống'
BBC: Có sự thay đổi trong cách viết của ông không, hiện nay ông có viết mạnh tay hơn hay thẳng thắn hơn so với ngày xưa không?
"Trong những năm vừa qua, kể cả các báo lớn của các cơ quan nhà nước cũng bị siết mạnh, rồi các blogger bị bắt, làm tình làm tội rất nhiều, có thể nói là vài năm vừa rồi tình hình xấu đi rất nhiều." - Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy vì cách đây độ 7, 8 năm thì các bài viết của tôi còn mang tính phê phán hơn những bài bây giờ. Bài bây giờ luôn luôn mang tính xây dựng, tuy là vẫn đặt vấn đề mổ xẻ những chính sách hoặc phê phán.
Có lẽ là quyền tự do ngôn luận và trao đổi hoặc chính kiến ở Việt Nam trong những năm vừa qua bị kém đi rất nhiều. Trước Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 2005, đầu 2006, tranh luận một cách rất sôi nổi.
Sau đó, chúng tôi và nhà xuất bản Tri Thức còn ra cả một tập sách tranh luận rất đàng hoàng trên báo chí với những nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam như giáo sư Nguyễn Đức Bình.
Thời đấy có khi cởi mở hơn bây giờ.
BBC: Ông có cho là chính quyền Việt Nam đang có động thái muốn dẹp đi những người có chính kiến khác, và đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn tới một lực lượng nhất định trong xã hội?
Tôi nghĩ là với việc làm của họ như vậy thì ai cũng phải đưa ra kết luận như vừa nói. Kết luận của tôi cũng giống như vậy.
Trong lúc người ta thấy mình yếu, người ta không biết làm cách nào rẽ ra, thì họ phải tập trung cho người tranh luận thoải mái, thì lúc đó tự họ cũng sẽ mạnh lên.
Nhưng tự họ không dám làm những chuyện đó và khiến cho dư luận rất ngột ngạt.
Trong những năm vừa qua, kể cả các báo lớn của các cơ quan nhà nước cũng bị siết mạnh, rồi các blogger bị bắt, làm tình làm tội rất nhiều, có thể nói là vài năm vừa rồi tình hình xấu đi rất nhiều.
BBC: Ông có cho đó là sự bất lợi đối với chính quyền khi có những động thái như thế, và cả việc xô xát với nông dân, điều đó có nguy hiểm đối với chính quyền Việt Nam không?
"...Đây là biểu hiện rất đặc sắc của chủ nghĩa toàn trị và càng dùng những biện pháp như vậy thì sự kết liễu của chế độ toàn trị càng xảy ra sớm hơn, như vậy sẽ mang lại tốn kém rất lớn cho xã hội, cho đất nước. Và đấy là điều rất rất nên tránh."
Tôi nghĩ rằng rất nguy hiểm đối với chính họ. Cách xử trí của họ không khôn ngoan chút nào.
Có những cách xử lý tốt hơn rất nhiều, bằng cách đối thoại với bà con nông dân chẳng hạn, đối thoại một cách đàng hoàng.
Tôi nghĩ người nông dân không phải chống lại chính quyền làm gì cả. Nhưng ví dụ như ông Huỳnh Phong Tranh, ông Tổng thanh tra Nhà nước, nói rằng những vụ khiếu kiện đông người mang màu sắc chính trị thì phải dẹp.
Một quan chức cỡ bộ trưởng như thế mà ông ấy không hiểu mang màu sắc chính trị là gì. Tất cả hoạt động của người dân mang tính chất quyết định tập thể thì đều là hoạt động chính trị.
Hoạt động chính trị là cái vô cùng cần thiết cho xã hội này hoạt động. Thế mà bây giờ các ông bảo là phải dẹp cái đó, tôi không hiểu.
Quan chức chính phủ cấp cao mà trình độ hiểu biết có như vậy thì rất nguy hiểm cho chính họ, cho bản thân hệ thống của người ta.
Ngay trong thông báo của những người ký kiến nghị 72 cũng nói rất rõ đây là biểu hiện rất đặc sắc của chủ nghĩa toàn trị và càng dùng những biện pháp như vậy thì sự kết liễu của chế độ toàn trị càng xảy ra sớm hơn, và như vậy sẽ mang lại tốn kém rất lớn cho xã hội, cho đất nước. Và đấy là điều rất rất nên tránh.
(BBC)

Trịnh Hữu Long - Nhân quyền và Chủ quyền: cái nào cao hơn?

"Thà mất nước chứ không chịu mất đất?"
Bức ảnh này được trang trandaiquang.net đăng lên kèm với lời tựa: "Thà mất nước chứ không chịu mất đất?". Trong bức ảnh, người phụ nữ đang cầm tấm biển ghi: "Người An Giang thà sống với ngoại xâm - không mất tài sản (nhà đất), còn hơn sống với người chung giống nòi - mất cả nhà đất, sống lang thang".
Thông điệp của người phụ nữ được cho là ở An Giang này đặt cho chúng ta một câu hỏi căn bản: chủ quyền cao hơn hay nhân quyền cao hơn? Cụ thể trong trường hợp này, khi buộc phải lựa chọn giữa việc đất nước bị xâm lược nhưng giữ được tài sản, với việc độc lập nhưng tài sản bị chính đồng bào cướp mất, chúng ta sẽ chọn giải pháp nào?
Xa hơn nữa, giả sử bị xâm lược nhưng các quyền con người cơ bản (quyền tư hữu tài sản, tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo, biểu tình,...) được đảm bảo, so với việc độc lập nhưng bị tước đoạt hết các quyền tự do, cái nào tốt hơn?
Ở một nước nhỏ như Việt Nam, trạng thái "độc lập" về mặt chủ quyền chưa từng tồn tại. Một nghìn năm Bắc thuộc, một nghìn năm hết lệ thuộc Tàu đến Pháp, đến Liên Xô và Mỹ, trên thực tế, người Việt Nam chưa từng nếm trải cảm giác của "độc lập" bao giờ.
Một số người có thể gọi chính quyền Việt Nam Cộng hòa là tay sai của Mỹ, nhưng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không khá hơn, khi đã là tay sai của Liên Xô và Trung Quốc trong ý đồ ngăn cản chủ nghĩa tư bản của họ. Cho đến ngày nay, Trung Quốc tiếp tục biến Việt Nam thành con rối về mọi mặt: chủ quyền lãnh thổ, chính trị, kinh tế, văn hóa,... Và Mỹ thì ngày càng tỏ rõ tham vọng chiếm được vị trí gây ảnh hưởng ở Việt Nam.
Sớm hay muộn, Việt Nam cũng phải chọn một bến đỗ bên cạnh một cường quốc để tìm kiếm sự yên ổn và thịnh vượng. Một chính quyền tốt sẽ tìm kiếm sự thịnh vượng cho nhân dân, một chính quyền xấu sẽ chỉ tìm kiếm sự thịnh vượng cho chính nó. Người Việt Nam chưa bao giờ đủ tầm vóc để đu dây giữa các cường quốc. Người duy nhất trong lịch sử làm được điều đó là Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-46 thì đã để lại một di sản không thể tệ hơn về mặt nhân sự và giáo dục.
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài, có lẽ nó sẽ dẫn chúng ta đến việc giải đáp căn nguyên của hiện tượng hình thành các tổ chức xã hội trong lịch sử loài người, mà ngày nay phổ biến là các quốc gia, rằng: lý do nào khiến cho những con người tiền sử quần tụ với nhau trong những tổ chức xã hội khác nhau, và dần dần, ở những vùng lãnh thổ khác nhau, để rồi phát sinh ra khái niệm "chủ quyền", khái niệm "độc lập dân tộc"?
Puerto Rico có thể là một tham chiếu tốt để tìm hiểu vấn đề này. Họ gần như là bang thứ 51 của Mỹ, mặc dù có thiết chế nhà nước riêng. Người đứng đầu nhà nước Puerto Rico hiện nay chính là Barack Obama. Ở vùng lãnh thổ này luôn tồn tại 3 xu hướng chính trị: hoặc là giữ nguyên tình trạng "nửa độc lập", hoặc là trở thành một quốc gia độc lập, hoặc là trở thành một tiểu bang chính thức của Mỹ. Ba cuộc trưng cầu dân ý từ năm 1967 đến nay đều đưa đến sự thắng thế của xu hướng "nửa độc lập". Cuộc trưng cầu dân ý thứ tư năm 2012 tiếp tục bác bỏ xu hướng "độc lập", mà lựa chọn xu hướng sáp nhập vào Hoa Kỳ.

Trịnh Hữu Long
(FB. Trịnh Hữu Long) 

Đổi tiền sang vàng - Của Ceasar trả lại Ceasar

Cù Huy Hà Bảo (Danlambao) - Đọc thông tin trên báo đảng VnExpress [1] thấy ngân hàng nhà nước vừa bán 1 tấn vàng hôm 23/04 tương đương với 26,72 ngàn lượng, giá đắt hơn giá thế giới là 6,2 triệu đồng 1 lượng được bán sạch trong buổi sáng. Vậy số lợi nhuận đảng kiếm được 161,6 tỷ đồng ai bỏ tiền ra mua chắc chắn là dân, và vợ con đảng viên. Tại sao dân lại mua với giá cao kỷ lục so với giá thế giới, và mua với số lượng lớn như thế trong vòng 1 tháng ngân hàng nhà nước bán ra 11.1 tấn vàng chắc chắn phải có nguyên nhân nguyên nhân lớn nhất vẫn là đổi tiền?
“Của Ceasar trả lại Ceasar” - khi dân không tin vào VND nữa (kể cả đảng viên), thì người dân muốn trả lại đồng tiền của mình đang có và nắm giữ những thứ khác. Vàng là lựa chọn hàng đầu bởi chúng gọn nhẹ và rễ cất giữ, cho dù giá hiện nay phải mua mắc hơn giá thế giới đến 15% nhưng dù sao chúng vẫn tin tưởng hơn là nắm giữ tiền VND, bởi giá trị của vàng vượt qua mọi thời đại cho dù có mất 15% bởi giá trị hiện tại còn hơn nếu đổi tiền thì không còn gì.
Song song với việc mua vàng người dân còn đổ xô nhau đi mua USD và các loại ngoại tệ mạnh khác miễn là không nắm giữ tiền VND. Mà mấy ngày nay giá USD đã được ngân hàng nhà nước đảm bảo không đổi 20.965/1usd, nhưng thị trường tự do mua bán đã lên mức 21.500đ/1usd cho thấy, dân đã không còn kiên nhẫn và tin vào tiền VND mà đổ xô nhau đi mua các loại ngoại tệ khác cho dù giá có cao.
Lãi suất ngân hàng nhà nước đưa ra quá thấp 7,5% một năm, khi lạm phát của tiền VND 20% /1 năm khiến người dân rút hết những đồng tiền tiết kiểm cả đời mình để đầu tư vào các loại hàng hóa khác, bởi nếu gửi ngân hàng sẽ lỗ 12,5% /1 năm. Hôm rồi nói chuyện với một bác lớn tuổi bác nói cũng có ý nghĩ như thế, nên bác rút hết số tiền 300 triệu ở ngân hàng bởi lãi suất bèo và mua và đi mua đậu nành để cất giữ, thế là sau 2 tháng số tiền bán đậu lợi nhuận đến 20%.
Tiền VND lạm phát thủ phạm không ai khác là do nhà nước lên giá xăng, cho nên nông thủy hải sản đã đội giá bởi phí sản xuất, vận chuyển lên. Và mới đây khi nghị định 71 có hiệu lực CSGT và GTCC được phép phạt xe vi phạm do chở quá tải lên mức cao gấp 3 lần cũng đẩy giá hàng hóa lên theo. Chúng ta còn nhớ đầu năm 2011 ngân hàng nhà nước [2] đã phá giá đồng nội tệ, giá từ 18.932 lên 20.693đ đẩy giá ngoài thị trường tự do lên 22.000đ/1usd. Trước đó chính thống đốc ngân hàng  và cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên truyền hình báo đài trấn an dư luận, sẽ không phá giá vnd (bởi theo các trang mạng thì Việt Nam phải phá giá đồng nội tệ) nhưng chỉ sau một đêm tài sản của dân gửi trong ngân hàng đã bốc hơi 10% ngay mùng 9 tết. Bài học đó khiến cho dân không còn tin tưởng vào lãnh đạo CS Việt Nam khi cam kết bất cứ điều gì.
Cục trưởng cục kho quĩ ngân hàng nhà nước ông Nguyễn Chí Thành đăng đàn trên báo Lao Động nói: “sẽ không có đổi tiền”? Sao kỳ vậy ta? Sao không phải là Tư sâu hay Ba ếch hoặc Tổng lú, bằng không cũng phải là Hùng hói !? Mà lại đưa một anh không có tiếng tăm lên trả lời trước bàn dân thiên hạ. Phải chăng các nhân vật kia đã biết tỏng là sẽ đổi tiền, nên khi bị nhiều trang mang trong đó có trang Dân Làm Báo điểm huyệt nên ngậm bồ hòn. Các lần trước đây như Ba ếch thường lên cam kết không tăng giá xăng, USD rồi tuần sau giá lại đội lên đó thôi. Hay mới đây Ếch và đàn em Bình ruồi cam kết sẽ đưa giá vàng Việt Nam bằng với giá thế giới. Nhưng từ đầu năm đến nay khi ngân hàng nhà nước tham gia mua bán vàng để bình ổn sao giá, vàng lại phá biên độ cũ thay vì cao hơn giá thế giới 1 đến 2 triệu, mà giờ đây lại cao hơn đến 6 bảy triệu vậy ta!? Nên dân tin đổi tiền là có cơ sở chứ họ đâu phải bị tin đồn thất thiệt?
Hiện nay Đồng tiền của đảng dân đã trả lại cho đảng bằng cách này hay cách khác, vậy chẳng sớm thì muộn cái gì của dân tộc đảng phải trả về cho dân tộc là điều lâu hay mau thôi? Như câu kinh thánh nổi tiếng mà chúa Giesu đã nói khi cầm đồng tiền (cái gì của Ceasar thì trả cho Ceasar cái gì của thiên chúa thì trả cho thiên chúa). Dân tộc ta có được tự do nhân quyền, dân chủ hay không hoàn toàn do chúng ta quyết định. Thời cơ đã đến nhân dân trong nước hãy trả hết tiền đồng cho cộng sản, bằng cách nắm giữ qua vàng hoặc ngoại tệ khác. Còn Việt kiều hải ngoại hãy ngưng gửi tiền về cho người thân, trừ những chuyện bất khả kháng. Hãy cắt đi mạch máu của CS nếu chúng ta làm được như thế thì chỉ từ nay đến cuối năm CSVN sẽ sụp đổ?
__________________________________
Chú thích:

Anh hùng tử - Khí hùng bất tử

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) -“Tôi chiến đấu cho tự do của toàn dân. Tôi có công mà không có tội. Các Anh không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phán đoán các anh hay tôi ai là giặc. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Không cần phải bịt mắt. Đả đảo cộng sản - Việt Nam Cộng Hòa muôn năm”Lời nói cuối cùng của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn trước khi Vị Quốc Vong Thân” (Wikipedia).
Ngày 14/8/1975 – Tại sân vận động Cần Thơ - 
 CSVN xử bắn Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn 
(Nguyên Tỉnh Trưởng, Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện
vì tội: “chỉ huy binh sĩ kháng cự, không đầu hàng”
Phong tiêu tiêu, hề, Dịch thủy hàn 
Tráng sĩ nhất khứ, hề, bất phục hoàn
“Gió hiu hắt, chừ, lạnh dòng Dịch thủy
Tráng sĩ đi, chừ, không hẹn ngày về”
(Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch)

“Anh hùng tử - Khí hùng bất tử”

Như Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch
Cao Tiệm Ly đẫm lệ tiễn con đò
“Phụng Cầu Hoàng” tiêu trúc dệt vần thơ
Gió thổn thức, ngập ngừng dòng Dịch thủy
Thì Việt Nam cũng có người “Tráng Sĩ ”
Giữa rừng gươm, khinh bạc khúc biệt ly
“Muốn giết ta? Thì cứ giết ta đi …
Đừng bịt mắt, vì Ta… không cần thiết …”
Mãnh hổ - nan địch “quân Hồ” ! Ta biết !
Ngẩng cao đầu, đền nợ nước, non sông !
Da ngựa bọc thây – nhẹ tựa lông hồng
Ta nương bóng Tiền Nhân Trần Bình Trọng.
Nổ súng đi – cho ta thành: Khát vọng
Bốn ngàn năm, bất khuất giống Rồng Tiên
Cô phụ ơi! Hãy hứng máu trong tim…
ta, hòa với dòng Cửu Long quê mẹ.
Thành phù sa để ươm mầm thế hệ…
biết đục, trong - liêm sĩ – biết “đồng bào”
Biết vong nô, là nỗi nhục thương đau
Biển Đông sẽ, không bao giờ rửa sạch
Như Kinh Kha, hồn về trên sông Dịch
Cửu Long Giang cũng ấp ủ hình hài
Hồ Ngọc Cẩn – Ngàn thu, gương lẫm liệt
Uất hận chưa tan, mang xuống tuyền đài.

Một con sâu chúa

Nguyên Anh (Danlambao) - "Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng" là câu nói nổi tiếng của ggài Đinh Thế Huynh, trưởng ban tuyên giáo TW. Nếu xét với câu "Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" của cố TT Nguyễn Văn Thiệu thì hai thái cực đối chọi nhau rõ nét nhất.
Tại sao VN không có nhu cầu đa đảng?
Vì đa đảng sẽ không còn là sân chơi một mình một chợ như bấy lâu nay, lúc đó đảng phái đối lập sẽ xem xét các lý lịch con ông cháu cha, tham nhũng, bè phái làm nghèo đất nước.
Tại sao có những công ty nhà nước mà từ chủ tịch HĐQT cho đến chức danh thấp nhất là tiếp tân cũng không có người lạ làm việc?
Các đài truyền hình ở VN đâu có ai thân cô thế cô có thể nghiễm nhiên bước vào làm nhân viên? 
Tất cả đều được xét lý lịch một cách kỹ càng hầu tạo ra một đội ngũ trung thành cùng chế độ, nhưng lại cùng ê kip ăn chia !
Và người đứng đầu chỉ huy giàn giao hưởng của các con vẹt con nhồng hô hào không có nhu cầu đa nguyên đa đảng để củng cố cái hào quang hão huyền của mình, một tiếng nói đắc lực của đảng hầu kiếm chác, vun vén, tư lợi.
Trích: Tuy chỉ là cơ quan tuyên truyền trực thuộc Đảng CSVN ở trung ương, nhưng tờ Nhân Dân có vai trò ngang với một Bộ trong chính phủ CSVN. Dù dân không mua, không đọc, nhưng người ta dự đoán, mỗi năm, Việt Nam vẫn phải cấp hàng trăm tỷ đồng để duy trì hoạt động của tờ báo này.

Theo bài viết vừa kể, tờ Nhân Dân có một công ty in ở Sài Gòn. Cách nay vài năm, công ty đó được dời khỏi nội thành và giám đốc công ty (chức vụ ngang hàng với người có hàm Vụ trưởng trong chính phủ) đã cùng với một Ủy viên Ban Biên tập, kiêm Trưởng Ban Trị sự lập công ty con, vay vốn ngân hàng, dẫn nhau đi nước ngoài, tìm mua máy in mới.

Trong bài, người viết còn kể thêm rằng, nhiều người biết, cả ông giám đốc Công ty In báo Nhân Dân ở Sài Gòn và ông Ủy viên Ban Biên tập kiêm Trưởng Ban Trị sự đều là tay chân thân tin của ông Đinh Thế Huynh, nhân vật lúc đó là Tổng Biên tập báo Nhân Dân và nay đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN. 
Các bài 'Sống, học tập, làm theo tấm gương đạo đức HCM', chủ nghĩa chúng ta sáng rạng ngời gì gì đó đâu rồi sao ngài Đinh Thế Huynh không học mà lại sai mấy thằng em nói ra rả vào đầu nhân dân, còn ngài thì ba tăng cho mấy tên em út mượn nợ cho bể bạc?
Ngài có tiếng nói phản biện nào không chứ tờ người Việt ở hải ngoại nó nêu hình ảnh ngài lên đầy mặt báo kia kìa (!)
Nếu ngài im re thì đành chờ bác Lú rat tay xử lý vậy, dù sao bác ấy cũng là trưởng ban phòng chống tham nhũng quốc gia đấy!
Bác Lú ơi, hắn mà có chạy đến chỗ bác khóc lóc bác đừng có mủi lòng nhé, quất cho hắn dựa cột để nước VN bớt đi một con sâu chúa!

Nguyên Anh
danlambaovn.blogspot.com
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét