Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Bài viết đáng chú ý - Không thể lấy răn đe người dân làm trọng tâm

Không thể lấy răn đe người dân làm trọng tâm

VUON1-B

Tội "chống người thi hành công vụ", mà trung tâm là xác định thế nào là công vụ, vốn là một đề tài tranh luận không dứt trong suốt lịch sử phát triển Nhà nước pháp quyền.
Thời quân chủ, chỉ cần nhân danh nhà vua thì bất cứ ai cũng không được chống lại; không ai được hỏi lệnh vua đúng hay sai.
Thủa ban đầu của Nhà nước quân chủ lập hiến, thực thi công vụ được hiểu là mọi hoạt động nhân danh Nhà nước. Quá trình phát triển Nhà nước pháp quyền chỉ ra rằng bản chất của hoạt động công vụ là sử dụng quyền lực Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, bất kỳ hình thức sử dụng quyền lực Nhà nước cũng phải được luật pháp cho phép. Nói một cách khác, mỗi một hành vi, một hoạt động công vụ nào cũng phải căn cứ vào ít nhất là một điều luật. Hoạt động sử dụng quyền lực Nhà nước mà không có cơ sở  pháp lý (không căn cứ trên một điều luật cụ thể nào) không những không phải là hoạt động công vụ, mà còn là hành vi lợi dụng quyền lực Nhà nước.
Mặc dù trước kia, Luật hình sự của một số nước phát triển không qui định rõ thế nào là công vụ để xác định khi nào thì hành vi chống lại người sử dụng quyền lực Nhà nước không phải là chống người thi hành công vụ; nhưng với nguyên tắc sử dụng quyền lực Nhà nước ở trên, giới luật sư, luật học đã bảo vệ thành công nhiều trường hợp công dân phản ứng với chính quyền. Tuy nhiên, trường phái theo chủ nghĩa răn đe trong Luật Hình sự vẫn thuyết phục được nhiều người với lập luận rằng, khi chống lại người thi hành công vụ, "Tội phạm“ thường mặc định rằng đó là hoạt động công vụ thật sự và vì vậy rõ ràng là có chủ đích chống lại công vụ, chống người thi hành công vụ. Luật hình sự phải trừng phạt người có chủ đích này để răn đe.
Tuy nhiên, ngày nay, lập luận rằng Nhà nước pháp quyền hiện đại với trọng tâm là bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người không thể đặt việc răn đe công dân lên trên nghĩa vụ và trách nhiệm tự ràng buộc mình vào luật pháp, đã trở thành lập luận được đa số ủng hộ. Vì vậy, nhiều nước, trong đó có CHLB Đức, đã bổ sung vào Luật hình sự điều khoản không trừng phạt người chống lại "người thi hành công vụ“ nếu công vụ đó không có cơ sở pháp lý ngay cả khi người này ngộ nhận đó là công vụ hợp pháp thật sự.
Như vậy, nếu vụ Tiên Lãng xảy ra tại một Nhà nước pháp quyền như CHLB Đức chẳng hạn, thì ông Vươn không bị truy tố tội "chống người thi hành công vụ“, mà cao nhất chỉ có thể về tội “tự vệ vượt quá giới hạn cần thiết“. Nhưng với sự xem xét kỹ lưỡng, trong trường hợp cụ thể này, giới hạn cần thiết là gì, liệu ông Vươn còn có cách nào khác để giải quyết ức chế của mình, giải quyết vụ việc không? Thì phán quyết cuối cùng vẫn là vô tội. Ngược lại, các cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Lãng sẽ bị truy tố về tội lợi dụng quyền lực Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng với bản án vài năm tù và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Vươn cũng như cho những người trong lực lượng cưỡng chế bị bị thương tật.
GS TS Nguyễn Vân Nam
---------------
Tham khảo:
Khoản 3, Điều 113 Luật Hình sự CHLB Đức (Chống lại người thi hành công vụ):
(3) Die Tat ist nicht nach dieser Vorschrift strafbar, wenn die Diensthandlung nicht rechtmäßig ist. Dies gilt auch dann, wenn der Täter irrig annimmt, die Diensthandlung sei rechtmäßig.
Hành động đó (chống lại người thi hành công vụ - chú thích của người dịch) không bị trừng phạt theo qui định này (Điều 113), nếu hành động công vụ không đúng pháp luật, ngay cả khi thủ phạm (người chống lại người thi hành công vụ - chú thích của ND) ngộ nhận rằng hành động công vụ đó là hợp pháp.
(YuMe)

Đoàn Vương Thanh - Vụ án Đoàn Văn Vươn: Đạo lý và Luật pháp

Mấy hôm nay, tôi bỏ cả ăn ngủ để theo dõi thông tin về vụ án Đoàn Văn Vươn và gia đình, người thân của anh trên thông tin của Đảng và Nhà nước và trên các trang mạng chủ yếu. Là một người cao tuổi, đã từng có thời gian tuổi trẻ đi theo Đảng và chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, đã nhiều năm tháng tin vào Đảng như tin vào một chủ thuyết tôn giáo, tôi có nhiều suy nghĩ và đặt câu hỏi cho chính mình đòi hỏi chính mình thử giải đáp xem sao.
Như mọi người đã biết, vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra từ đầu năm 2012, đến nay đã quá một năm, anh và một số người trong gia đình anh đã bị tạm giam “chờ ngày xét xử”, nhưng đã phải chờ đến 15 tháng mới có phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và anh em, vợ con những người trong gia đình anh về vụ “Tiên Lãng”. Vụ Tiên Lãng đã làm nóng dư luận một thời gian và nhiều báo chí, nhiều trang mạng đã công phu viết bài về nhiều khía cạnh xung quanh vụ này. Tuy nhiên, đến nay, Tòa án Nhân dân Hải Phòng mới mang ra xử “công khai” mà không công khai như Luật sư Trần Đình Triển đã nêu rõ trong bài viết của mình. Báo chí chính thống thì hình như đã được giao cho TTXVN là người đưa tin chính, các báo khác cũng điểm qua, nhưng chủ yếu là theo tin TTXVN để khỏi bị “oan gia”. Mấy ông Tổng biên tập các báo khác đã “an toàn hơn” khi chỉ lấy tin từ TTXVN.
Thật ra, một vụ án như vụ án Đoàn Văn Vươn cũng như rất nhiều vụ, có vụ xử đúng, có vụ xử oan, và án oan, án không giải thích được, như ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa tối cao đã nói trong phiên chất vấn của UBTVQH vừa qua. Theo tôi, vụ án Đoàn Văn Vươn như mọi người thấy rõ chủ thể của nó là việc cương chế trái phép (như kết luận của Thủ tướng rồi) và sự phản ứng tự vệ của người “bị cưỡng chế”. Bất kể vì động cơ như thế nào, hai phía “mâu thuấn” với nhau đã được Chính phủ kết luận rồi, khó lòng bàn cãi thêm. Nhưng tại sao lại có phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và một số thành viên trong gia đình anh về tội “giết người và chống người thì hành công vụ ?” Chà, tội danh mới lớn làm sao, nếu không bị tù nặng thì cũng phải chung thân và có thể bị án tử hình, vì “sát nhân giả tử” mà.
Theo dõi dư luận nhiều chiều (ngày nay độc giả có thể dùng phương tiện của mình theo dõi thông tin nhiều chiều, nhiều phía trước những sự kiện), tôi chỉ xin phát biểu đôi điều, còn về “luận tội” và phát biểu luật pháp đã có nhiều người làm luật, nhiều luật sư lên tiếng.. Một nguyên điều tra viên công an Thanh Hóa khẳng định: “Ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông không có tội” với nhưng dẫn giải đầy thuyết phục của một “điều tra” viên giầu kinh nghiệm. Trong ý kiến của mình, “điều tra viên” này nói: “Có một điều đáng buồn là “người ta” chỉ nghĩ đến định tội danh cho ông Đoàn Văn Vươn mà không định tội danh cho những người lãnh đạo chỉ huy lực lượng xâm phạm trái phép luật quyền bất khả xâm phạm nơi ở và cố ý hủy hoại tài sản nhà ông Vươn ? Về luật, họ hoàn toàn có đủ căn cứ phạm tội. Hay họ quan niệm chỉ những thằng dân đen mới có tội !” Như vậy, thì kể cả luật pháp và đạo lý, đạo lý và luật pháp cũng đều bị xâm phạm và đều bị chà đạp một cách không thương tiếc. Còn luật sư Trần Đình Triển nói gì ? Ông viết: “Điều đáng bàn nhất là lời khai của những người “bị hại” và của nhân chứng là mâu thuẫn nhau, “tát” vào miệng nhau tại phiên tòa với những nội dung chủ yếu là: có trang bị vũ khí hay không? Có bắn trước hay bắn sau ? Vết đạn trên tường, áo giáp, mũ bảo vệ…Việc thi hành có đúng luật hay không ? Đi vào nhà người khác không được đồng tình của chủ nhà…khi kíp nổ là sự cảnh báo ngăn chặn sự cưỡng chế và xâm phạm vào nhà ở trái pháp luật của anh Đoàn Văn Quý, nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục xông vào ? Đây không những là việc thi hành luật pháp chưa nghiêm (có phần liều lĩnh, coi thường luật pháp hiện hành mà còn là vấn đề đạo đức, vấn đề đạo lý nữa).
Trong cáo trạng đối với Đoàn Văn Vươn và người thân trong gia đình anh, người viết cáo trạng thậm chí dùng từ tiếng Việt còn non nớt quá đỗi. Đặc biệt là những từ thể hiện khái niệm trong văn bản pháp luật phải rất chặt chẽ, rất kín kẽ, không được phép tùy tiện. Ví dụ, Tòa chưa xử là Đoàn Văn Vươn và người thân có phạm tội “giết người” không mà đã nêu thành “tít” vụ xử là “Giết người và chống lại người thi hành công vụ”. Tội giết người thì sau phiên tòa mới tuyên, chắc là không có, vì không có ai chết, chỉ bị thương nhẹ thôi nay đã khởi và không đòi được đền bù. Còn tội “chống người thi hành công vụ” thì chao ôi, với mấy người đàn bà không một thứ vũ khí nào trong tay như mẹ và hai người vợ của anh em Đoàn Văn Vươn, vì quá xót của đã chuẩn bị một vài dụng cụ không có tác dụng nhiều để đối phó với “đội quân cưỡng chế” hàng trăm người có trang bị “đến tận răng”, thử hỏi họ làm sao mà chống lại được và chống lại để làm gì? Vũ khí tự tạo không có thể giết người trực tiếp và mấy người đàn bà quanh năm chân lấm tay bùn, hiền lành như cục đất, làm sao dám chống lại người thi hành công vụ gồm cả công an, cảnh sát và rất tiếc lại có cả bộ đội “con em nhân dân” nữa. Đó là thuộc phạm trù đạo lý. Đảng Cộng sản ta luôn giáo dục đảng viên và nhân dân sống có đạo lý làm người. Vậy lực lượng cưỡng chế ở Tiên Láng đấu năm 2012, có đạo lý không ? Kẻ nào đã dùng quân đội vào vụ này, có bị pháp luật trừng trị không? Tôi là một CCB, tôi không thể hiểu nổi người ta lại dùng quân đội nhân dân vào vụ “cương chế” đất đai này ! Phải chăng, sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ “cưỡng chế trái pháp luật”, một số cán bộ từ thành phố, huyện Tiên Lãng đến xã Vinh Quang đã bị kỷ luật, tức là mất địa vị và mồi ngon, bây giờ lợi dụng một câu nói cho “cân bằng” của Thủ tướng đã dựng lên vụ xử án Đoàn Văn Vươn để cố ý trả thù người dân đen thấp cổ bé miệng. Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình anh hoàn toàn không có tội, chỉ vì ép anh ấy đến chân tường, anh ấy và các người nhà anh ấy phải tự vệ mà thôi. Xử phạt tù anh ấy dù chỉ một ngày cũng là một sự trả thù hèn hạ, làm trái với lời dạy của Bác Hồ khi nói về đạo lý làm người ! Trong trả lời chất vấn của thành viên dự họp UBTVQH vừa qua, ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án Tối cao thừa nhận hiện còn hàng nghìn vụ án oan sai, còn hàng trăm vụ án xử rồi mà chưa giải thích nổi. Ôi, những vụ xử oan ấy, liệu có bao nhiêu người dân vô tội bị tù, bị “xử trí” Ai sẽ là người gỡ mối oan nghiệt này cho họ. Lịch sử chưa xa của đất nước ta, có rất nhiều “án oan” và án oan thì người bị oan, liệu trời có thấu cho chăng ? Vài ba vạn người, có nhiều đảng viên của Đảng bị xử trí oan trong CCRĐ là do sai lầm khuyết điểm của Đảng ta, nhưng tại sao lại sai lầm, tại “giáo điều” hay “tả khuynh”, biết sai có sửa hay chỉ sửa nửa với chưa triệt để, người bị oan chưa được trả lại đúng vị trí làm người của họ. Và không chỉ có trong cải cách ruộng đất mà còn khá nhiều vụ án oan nữa, Đảng và Nhà nước có “sửa sai” cho họ không ? Gần đây nhất là vụ Bà Anh hùng lao động Ba Sương ở Hậu Giang, ai đã làm sai, người làm sai có bị “xử trí” thích đáng không hay là vẫn cứ nhơn nhơn, vênh cái mặt lên như là “bánh đã nướng” ?
Vụ án Đoàn Văn Vươn đã chót mở tòa, đã chót xử, và đã chót ép cung, mớm cung dụ cung rồi thì tốt nhất là tuyên vô tội mới được lòng dân, không chồng chất thêm “sự mất lòng dân” nhiều hơn nữa, để như Tổng bí thư của Đảng đã nói, “có nguy cơ ảnh hưởng đến tồn vong của Đảng, của chế độ !”./.
Đoàn Vương Thanh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
(Quê Choa)

Luật sư Hà Huy Sơn - Đoàn Văn Vươn dù ở tù một ngày cũng là quá nặng

Ngày 04/04/2013 phiên tòa xét xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn bước sang ngày thứ 3. Theo báo chí trong nước, trong phiên xử sáng nay Viện kiểm sát nhân dân Hải Phòng đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Tất cả các mức án đề nghị cho các bị cáo đều ở dưới mức thấp nhất theo khung hình phạt tội danh của bản cáo trạng đưa ra.

Các bị cáo Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5 đến 6 năm tù, Đoàn văn Quý : từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù, Đoàn Văn Sịnh : 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù, Đoàn Văn Vệ từ 20 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo. Tội danh quy cho các bị cáo vẫn là « tội giết người » theo quy định điểm d, khỏan 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự Việt Nam mà khung hình phạt thấp nhất là từ 12 đến 20 năm tù giam, cao nhất là tử hình.
 
Nghe Luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội
 
04/04/2013
 
Lý do đề nghị mức án thấp hơn so với khung hình phạt được Viện kiểm sát đưa ra là do áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như trong quá trình điều tra thành khẩn khai báo, nhân thân tốt chưa có tiền án tiền sự, hậu quả giết người chưa xảy ra…

Ngoài ra, vợ và em dâu ông Đoàn Văn Vươn là bà Nguyễn Thị Thương và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền) bị quy tội chống người thi hành công vụ được đề nghị từ 15-18 tháng và 18 đến 24 tháng án treo. Mức án này cũng thấp hơn mức khởi điểm và lý do để hưởng án treo, theo Viện kiểm sát, là các bị cáo « nhận thức còn hạn chế, thành khẩn khai báo… ».

Dự kiến ngày mai ngày 05/04/2013 tòa xẽ tuyên án mà mức án thường không cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát.

Trao đổi với RFI về mức án đề nghị đối với các bị cáo trong phiên xử hôm nay, luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội cho rằng, ông Đoàn Văn Vươn dù ở tù một ngày cũng là quá nặng. Luật sư Sơn cho biết quan điểm về phiên tòa :
Luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội
04/04/2013
Anh Vũ (RFI)

Vụ Đoàn Văn Vươn: VKS nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm

Viện Kiểm sát hôm nay (4.4), tại phiên tòa xét xử vụ Đoàn Văn Vươn, bác bỏ quan điểm cho rằng quyết định cưỡng chế trái luật nên việc phản kháng của bị cáo là vượt quá phòng vệ chính đáng vì các bị cáo đã dùng mìn, nổ súng vào đoàn cưỡng chế, cố tình thực hiện quyết liệt.
Ngày 4.4, ngày thứ hai xét xử vụ án, đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo, theo đó, VKS khẳng định có đủ chứng cứ chứng minh các bị cáo: Vươn, Quý, Sịnh và Vệ về hành vi "Giết người", bị cáo Thương và Báu phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
VKS cũng bác bỏ quan điểm cho rằng quyết định cưỡng chế trái luật nên việc phản kháng của bị cáo là vượt quá phòng vệ chính đáng vì các bị cáo đã dùng mìn, nổ súng vào đoàn cưỡng chế, cố tình thực hiện quyết liệt. VKS nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của các cán bộ công an, gây mất trật tự an ninh.

Vụ Đoàn Văn Vươn: VKS nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm
Các bị cáo trong ngày thứ hai xét xử vụ án.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Vươn, Quý, Thương, Báu nêu ý kiến rằng căn nguyên xảy ra vụ án chỉ thuộc hành vi phòng vệ chính đáng của các bị cáo. Cũng do quyết định cưỡng chế sai đối tượng, vị trí cưỡng chế và cưỡng chế khi chưa bồi thường, nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để khắc phục thiếu sót, đồng thời tuyên các bị cáo vô tội và trả tự do ngay cho các bị cáo tại tòa. Cũng theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, Thương, Báu phạm tội giúp sức trong vụ “Chống người thi hành công vụ”, vậy tội phạm chính là ai? (4 bị cáo còn lại bị truy tố về tội Giết người). Hơn nữa, những người thực hiện cưỡng chế trên văn bản trái luật nên hành động đó không thể gọi là “Chống người thi hành công vụ”.
Khi được hỏi các bị cáo có trình bày gì thêm, tất cả các bị cáo đều phản đối bản luận tội của VKS, đồng ý với các ý kiến của luật sư. Riêng bị cáo Vươn trình bày bổ sung thêm tình tiết bản luận tội quy kết bị cáo sử dụng đạn 8,5mm, trong khi: “Tôi chỉ đạo không dùng loại đạn đó, mà chỉ dùng đạn cỡ 2-3,5mm để tránh thương tích cho đoàn cưỡng chế” - bị cáo Vươn nói tại toà. Bị cáo Vươn cũng nói, nếu bị cáo xác định giết người và cố tình giết người thì bị cáo đã không đi khiếu nại nhiều lần (mà không được trả lời), chỉ một mình bị cáo sẽ thực hiện, còn đây là bị cáo muốn cảnh cáo, mục đích để đòi lại đất.
Luật sư Dương Văn Thành (bảo vệ quyền lợi cho 5 công an huyện Tiên Lãng) cho rằng quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo chưa phù hợp vì nhân chứng, vật chứng đã chứng minh các bị cáo phạm tội như quy kết của VKS. Không những thế, VKS truy tố còn thiếu tội danh, các bị cáo ở đây phải truy tố về tội “Giết nhiều người”. Việc các cán bộ công an bắn súng chỉ thiên để trấn áp tội phạm là cần thiết. Ông Thành yêu cầu HĐXX xử lý nghiêm các bị cáo.
(Lao động)

Vụ Đoàn Văn Vươn: Luật sư và bị cáo bác bản luận tội

Sáng nay (4.4), ngày xét xử thứ 3 vụ án Đoàn Văn Vươn và đồng phạm, Viện KSND TP.Hải Phòng đã đọc bản luận tội các bị cáo. Luật sư và các bị cáo tranh luận về bản luận tội của kiểm sát viên.
Như Dân Việt đã thông tin, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án đối với các bị cáo: Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5- 6 năm tù giam; Đoàn Văn Quý: 4 năm 6 tháng - 5 năm tù giam; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng- 4 năm tù giam; Đoàn Văn Vệ: 20- 30 tháng tù treo… về tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự. Còn 2 bị cáo Phạm Thị Báu bị 18- 24 tháng tù treo và Nguyễn Thị Thương bị 15 - 18 tháng tù treo về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự.
Các mức án đề nghị đều thấp hơn so với khung hình phạt. Sở dĩ có mức án này là vì Viện kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và hậu quả chết người chưa xảy ra.
Trong bản luận tội, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu rõ: Dù các bị cáo tại tòa cho rằng, có một số tình tiết trong cáo trạng không đúng, song qua nhiều lời khai có sự tham gia của luật sư, kiểm sát viên; cũng như có nhiều bản tường trình do các bị cáo tự viết đã được thẩm tra, đánh giá tại phiên tòa.  Các lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra đảm bảo tính khách quan, phù hợp với biên bản hiện trường, với vật chứng lưu trữ, đặc biệt phù hợp với bị cáo Vươn, Sịnh tại phiên tòa.

Các bị cáo trước vành móng ngựa
Do không đồng tình với việc thu hồi đất, bị cáo Vươn nhiều lần bàn bạc với các bị cáo khác nhằm chuyển từ tranh chấp hành chính sang hình sự. Các bị cáo đều là người thân trong gia đình nên mọi việc được bàn bạc, lên kế hoạch.
Tại phiên tòa, những người bị hại khẳng định họ làm nhiệm vụ rà phá chất nổ, chất cháy, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Cũng trong phiên tòa những người làm chứng xác định Đoàn Văn Quý sử dụng đạn hoa cải bắn vào tổ công tác. Hậu quả khiến 7 người bị thương.
Các khám nghiệm hiện trường, vật chứng thu được đã chứng minh cho hành động của các bị cáo. Do đó có đủ căn cứ kết luận, các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ đã nhiều lần bàn bạc, thống nhất dựng hàng rào ngăn chặn đoàn cưỡng chế đến các hành động nguy hiểm như dùng súng hoa cải, mìn tự tạo để chống lại đoàn cưỡng chế.
Hiểu rõ tầm nguy hiểm của các loại vật liệu nổ, súng hoa cải, bất chấp hậu quả chết người các bị cáo vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra. Hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của các bị cáo. Trong vụ án này, Vươn là người chủ mưu, Quý là người tích cực, Vệ, Sịnh là giúp sức.
Bên cạnh đó, Công tố viên bác bỏ quan điểm cho rằng: Do quyết định thu hồi đất không đúng nên việc thu hồi đất là trái pháp luật nên hành động của các bị cáo là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì vậy, có đủ căn cứ để thấy quan điểm này không phù hợp: Đó là các bị cáo đã dùng mìn, súng để tước đoạt sinh mạng của người khác; Những người bị hại là chiến sĩ công an, cán bộ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không có mâu thuẫn với các bị cáo, không biết quyết định đúng cưỡng chế hay sai; những người bị hại không có lỗi với các bị cáo, không có mâu thuẫn; với mục đích chuyển vụ án hành chính dân sự sang hình sự, các bị cáo đã chuẩn bị mìn, súng để tấn công người thi hành công vụ.
Công tố viên cho rằng, hành vi của các bị cáo rất quyết liệt. Đến hàng rào thứ nhất đã cho nổ mìn, hàng rào thứ 2 thì bắn súng hoa cải. Khi người bị hại bị thương, các bị cáo tiếp tục bắn và dùng rơm đốt. Khi sử dụng 2 khẩu súng trên ở khoảng cách 20 mét có thể gây sát thương cao, nguy hiểm tính mạng. Như vậy, với ý thức chủ quan và hành vi khách quan, đã có đủ căn cứ khẳng định các bị cáo vi phạm vào tội danh trên. Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm tới xã hội, xâm hại tới trật tự quản lý, làm tổn hại sức khỏe của 7 người, làm ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị.
Đối đáp lại cáo buộc của công tố viên, các luật sư và bị cáo đều cho rằng bản luận tội này là không đúng với bản chất vụ việc, lực lượng cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng không phải đang thi hành công vụ mà là thực hiện quyết định trái pháp luật và đưa ra các dẫn chứng chứng minh quan điểm đó.
14 giờ chiều nay, công tố viên sẽ đối đáp lại luận điểm của các luật sư và các bị cáo trong vụ án.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV pháp luật
(Dân Việt)

Đoàn Văn Vươn tự bào chữa trước tòa thế nào?

Phần tranh tụng, các luật sư bảo vệ quyền lợi của các bị cáo đã tranh luận về các nội dung: động cơ, mục đích của các bị cáo trong hành vi chống đối lại lực lượng cưỡng chế xuất phát từ nguyên nhân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Mang cái sai để chống cái sai”
Sau phần luận tội của VKS, phiên xét xử sáng ngày 4/4 diễn ra phần tranh tụng của các luật sư bào chữa, bảo vệ cho các bị cáo.
Các luật sư bảo vệ, bào chữa cho các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cho rằng, hành vi của thân chủ mình là bảo vệ quyền lợi chính đáng; việc dựng hàng rào khu vực nhà Đoàn Văn Quý là để bảo vệ khu đầm bãi chưa bị thu hồi…
Các luật sư cho rằng, anh em ông Vươn đã mang cái sai chống lại cái sai, mang cái trái pháp luật để chống lại cái trái pháp luật
Luật sư bào chữa cho các bị cáo Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ phân tích: Nguyên nhân dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ của các bị cáo là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi, tài sản của mình, đồng thời nhằm mục đích để các cơ quan chức năng vào cuộc sau khi họ đã nỗ lực nộp đơn khiếu kiện tới chính quyền địa phương, nhưng không được xử lý đúng.

Đoàn Văn Vươn; Đoàn Văn Quý; Tiên Lãng
Đoàn Văn Vươn tự bào chữa!
Theo các luật sư, hành vi chống đối của anh em ông Vươn là hành vi chống lại hành vi sai pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Tuy nhiên, hành vi này là trái pháp luật. Anh em ông Vươn đã mang cái sai chống lại cái sai, mang cái trái pháp luật để chống lại cái trái pháp luật.
Các luật sư cho rằng, phản ứng này nổ ra trong thời điểm anh em Vươn, Quý, Sịnh… ở trạng thái bị kích thích đỉnh điểm vì những bức xúc không được chính quyền sở tại xử lý, giải quyết.
Các luật sư cho rằng, đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Đoàn Văn Vươn tự bào chữa!
Cuối phiên xử buổi sáng, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa cho mình.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn nói rằng, không đồng tình với bản luận tội của đại diện VKS. Bản giám định thương tích của các bị hại chưa đưa ra chứng cứ quan trọng. Đó là, lực lượng người bị hại là lực lượng đi làm công vụ, do đó nếu họ bị tổn hại trên 21% sức lao động sẽ phải chứng thực là thương binh, còn dưới 21% là thương tật nhưng kết luận điều tra, cáo trạng không có.
Đoàn Văn Vươn khẳng định: khi nhồi thuốc vào tút đạn, Vươn đã chỉ đạo Quý không được nhồi vào loại tút đạn 8,5mm mà chỉ được nhồi vào tút đạn 2,5 – 3mm để tránh gây chết người.
Trong khi đó, vết thương giám định của các bị hại là đầu đạn 5,5mm.
Đoàn Văn Vươn khai thêm trước tòa về chi tiết, tại thời điểm xảy ra cưỡng chế có sự xuất hiện của 28 cảnh sát cơ động.
Bị cáo đã viện dẫn nhiều điều khoản trong Luật Đất đai, Luật Khiếu nại Tố cáo… phân tích QĐ cưỡng chế thu hồi đầm bãi do UBND huyện Tiên Lãng ban hành là vi hiến và trái pháp luật.
Ông Vươn cũng đề nghị HĐXX công bố bản cung, bản tường trình ngày 8-9/1/2012 do ông Vươn khai tại cơ quan điều tra.
Các bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương phản đối bản luận tội của VKS, đồng tình với các luật sư bào chữa.
Đến 11h30 phút, luật sư Dương Văn Thành bào chữa cho các bị hại.
Hơn 12h trưa, phiên tòa buổi sáng ngày 4.4 kết thúc.
Kiên Trung
(VNN)

GS. Hoàng Xuân Phú - Các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257

3648_435737959846259_1028576994_n

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng:
“Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội”.
Nội dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Rõ ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi cho bản thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì không thể ngụy biện là công vụ.
Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113 suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:
“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật”.
Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong bộ luật hình sự của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thật sự cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà có tình trạng sự tha hóa và tham nhũng làm ô nhiễm bộ máy công quyền thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257 (về tội chống người thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.

GS. Hoàng Xuân Phú
(Blog GS. Hoàng Xuân Phú)

Đại tá tình báo Mỹ 'nói thẳng về TQ'

Một đại tá hải quân Mỹ bày tỏ quan điểm lên án Trung Quốc “bắt nạt láng giềng” với thái độ về lãnh thổ biển đảo là “cái gì của ta là của ta, còn chúng ta sẽ đàm phán xem cái gì của các người”.
Đại tá James Fanell đang gây sự chú ý của dư luận và được báo chí tiếng Anh trích lời sau khi phát biểu trong một đoạn video được trình bày ở một hội thảo của Viện Hải Quân Hoa Kỳ mới đây về Trung Quốc .
Là một sỹ quan ở cấp phó tham mưu trưởng tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương, ông Fanell gọi thẳng TQ là “kẻ bành trướng” và đang ”bắt nạt các đối thủ” ở Thái Bình Dương.
Ông nói rằng hoạt động của Hải quân Trung Quốc vươn ra đại dương chủ yếu để chống lại hạm đội của Hoa Kỳ.

Đại tá James Fanell phát biểu tại một hội thảo do Viện Hải quân Hoa Kỳ tổ chức
Đại tá Fanell cũng gọi các cuộc diễn tập của Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc là “để thực hiện chiến tranh” và có mục tiêu “đánh chìm hạm đội của đối thủ”.
Đảng quyền và biển đảo
Riêng về các chuyến ra biển của tàu hải giám Trung Quốc ông Fanell chỉ ra một cách nhìn nhận như sau:
“Nếu bạn vẽ lại đồ họa các vụ quấy nhiễu của họ thì chúng hợp thành một tuyến có hình vòng cung mà theo thời gian đã rộng ra bao bọc lấy bờ biển các nước láng giềng của Trung Quốc, và trở thành đường chín đoạn, gồm cả toàn bộ Biển Đông...”
“Trung Quốc đang lựa cách chiếm đoạt nguồn tài nguyên của các nước khác ngay ngoài khơi bờ biển của các nước đó, theo cách cái gì của ta là của ta, còn chúng ta sẽ đàm phán xem cái gì của các người”.
Nhưng là một sỹ quan tình báo, và được báo chí Úc coi là người đóng vai trò cố vấn cho các cấp chỉ huy của Hoa Kỳ, ông James Fanell cũng nêu ra cách giải thích vì sao Trung Quốc dùng chuyện biển đảo cho cả mục tiêu chính trị nội bộ.
Ông nói:
“Trung Quốc đang cố ý hoạt động và tăng dần dần việc chiếm đoạt quyền hàng hải của các nước láng giềng nhân danh lịch sử hải dương, điều bị phản đối trong cộng đồng quốc tế, nhưng đa phần được bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc ngụy tạo nhằm ‘giáo dục’ người dân về lịch sử hải dương giàu có của họ, chắc chắn là với mục tiêu dùng như một phương tiện duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản."
Trong phần về Việt Nam, ông nói qua những gì ông ghi nhận từ phía Việt Nam thì nước này đang hưởng lợi từ sự ổn định trong vùng và "mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ cho cách tiếp cận đa phương" về biển đảo.
Ông nói không ai muốn một Chiến tranh Lạnh trở lại hay một cuộc chiến Mỹ - Trung, nhưng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc có hành xử "như một quốc gia vĩ đại, đối tác có trách nhiệm". Tuy nhiên, ông nói "đó không phải là điều" mà ông quan sát thấy trong một thập niên qua.
Theo bình luận của đài ABC từ Úc, ông Fanell cũng nói Trung Quốc nay đang tìm cách kiểm soát những vùng biển mà chưa từng được bât cứ chế độ nào mang tên Trung Hoa quản trị hay kiểm soát trong 5000 năm qua.
ABC gọi đây là một cuộc khẩu chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì một sỹ quan cao cấp của Trung Quốc cũng mới cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang đóng vai trò 'con hổ toàn cầu' trong khi Nhật Bản đóng vai 'con sói châu Á' nhằm cắn xé Trung Quốc.
Thời gian qua, chính sách chuyển trọng tâm quân sự về châu Á của Hoa Kỳ do Tổng thống Barack Obama nêu ra được các nước trong vùng đặc biệt quan tâm.
Bản thân ông Obama sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai đã cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng nhiều quan chức Hoa Kỳ sang thăm châu Á.
Bên cạnh Úc vốn đã cho Thủy quân lục chiến Mỹ luân chuyển qua căn cứ ở Darwin, Mỹ muốn làm sống lại cam kết an ninh với Thái Lan, mà phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, ông George Little gọi là “có lịch sử 60 năm”.
Trong lúc Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng với nhau về vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ với đồng minh lâu đời là Nhật Bản.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cử một nhóm chuyên gia bom mìn của Thủy quân Lục chiến tới Việt Nam vào tháng 7 năm nay để tham gia một chương trình nhân đạo.
Bài hôm 8/1 đã sửa quân hàm củ̀a ông James Fanell đúng thành đại tá hải quân (US Navy Captain) so với bản hôm trước.
(BBC)

Việt Nam và Myanmar, ai chậm hơn ai?

Kể từ khi tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện tăng tốc, trên truyền thông quốc tế và khu vực đã có nhiều so sánh chuyển biến mạnh mẽ ở nước này với Việt Nam.
Theo đánh giá đó, Việt Nam ‘tụt hậu’ vì ngày càng siết chặt báo chí và từ chối đa nguyên chính trị, trong lúc Miến Điện cho đối lập vài mươi ghế trong Quốc hội và để báo chí tư nhân xuất bản.
Nhưng những tuần gần đây, tình hình tại Miến Điện cho thấy các vấn đề nội bộ, nhất là thù hằn sắc tộc và tôn giáo, vẫn còn sâu nặng, và tạo điều kiện cho tác động từ bên ngoài.
Thảm kịch di tản của thuyền nhân Rohingya theo Hồi giáo từ bang Rakhine có bạo loạn đã khiến Tổ chức Hồi giáo Quốc tế (IMO) và nhiều nhóm nhân quyền đã lên tiếng.
Chia sẻ trách nhiệm
Dư luận Phương Tây vốn ủng hộ phe đối lập dân chủ Miến Điện cũng đặt câu hỏi về điều họ cho là thụ động của bà Aung San Suu Kyi trước xung đột sắc tộc ở Rakhine.
Cùng lúc, hòa giải giữa các nhóm sắc tộc ly khai tại bang Kachin giáp Vân Nam với chính quyền Miến Điện vẫn chưa có cơ hội hoàn tất, dù đã có Trung Quốc đóng vai trò trung gian.
Nhưng không chỉ tại các vùng xa, mà gần đây ngay tại Rangoon, đô thị lớn nhất Liên bang Myanmar cũng xảy ra một vụ hỏa hoạn làm chết nhiều trẻ em Hồi giáo.
Trước đó, hôm 22 tháng 3, chính quyền đã phải ban hành tình trạng thiết quân luật tại thị trấn Meiktila ở vùng Mandalay, nơi bạo động bùng nổ chỉ vì một vụ cãi cọ nơi cửa hàng.

Không có lẽ gì mà Việt Nam lại phải chịu tiếng ‘tụt hậu’ so với Miến Điện"
Các nhóm ly khai vũ trang vẫn còn làm chủ vùng rừng núi Miến Điện
Phóng sự mới nhất trên BBC World của Jonathan Head đã nêu bật nạn thù ghét tôn giáo tại vùng này, nơi một số sư sãi Phật giáo thân chính quyền đã công khai tuyên truyền chống Hồi giáo.
Trong một diễn biến nhỏ có chiều hướng tiến bộ, sau sự can thiệp của bà Suu Kyi, chủ dự án mỏ đồng liên doanh với Trung Quốc ở Monywa, Bắc Miến Điện, đã trả lại 900 acre đất cho dân sau nhiều cuộc biểu tình.
Như thế, vì đồng ý tham chính, bà Suu Kyi cũng phải lo việc nước chung với các tướng lĩnh một cách cụ thể về an sinh quốc kế chứ không chỉ đứng một bên để phê phán.
Và dư luận cũng đang mong chờ bà nói rõ ràng hơn, nhanh chóng hơn về các vấn đề sắc tộc đầy gai góc.
Quá trình mở cửa và dân chủ hóa tại Miến Điện là bước đi mạnh dạn chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa phái tiến bộ của ông Thein Sein trong quân đội với lực lượng của bà Aung San Suu Kyi.
Tiến trình này tại Miến Điện có nhiều điểm giống thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa đảng Cộng sản của Đại tướng Wojciech Jaruzelski ở Ba Lan hồi thập niên 1980 với phe Công đoàn Đoàn kết và nhân vật được giải Nobel Hòa Bình, ông Lech Walesa.
Nhưng nếu như ở Ba Lan khi đó thỏa thuận Bàn Tròn được quốc tế ủng hộ là đủ để xoay chuyển tình hình thì tại Miến Điện ngày nay, cái bắt tay của bà Aung San Suu Kyi và ông Thein Sein, cả hai cùng nhóm sắc tộc Burman đa số, có vẻ chưa đủ.
Có thể coi dân chủ hóa ở Miến Điện là quá trình bắt đầu giữa người Miến với nhau để sau đó, bước tới thực sự thống nhất quốc gia, giải quyết các phe phái quân sự sắc tộc ly khai có hàng vạn quân vẫn làm chủ các vùng rừng núi.
Trong lúc họ chưa kịp hoàn tất hồ sơ đó thì lại nổ ra vấn đề giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo, nhắc lại cuộc xung đột âm ỉ, kéo dài tương tự làm hàng nghìn người chết ở Nam Thái Lan.
Giải pháp 'chính trị đi trước' ở Miến Điện cũng chưa chắc đã tạo được đà cho 'kinh tế theo sau'.
Nhiều điều gần gũi
So sánh với Việt Nam thì quả là khập khiễng.
Việt Nam đã thống nhất đất nước và vấn đề sắc tộc trong nhiều năm qua vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, dù đôi khi có nảy sinh điềm nóng ở một số vùng xa.
Về kinh tế, Việt Nam cũng đã cải tổ sớm hơn nhiều so với Miến Điện và đang chuẩn bị bước lên ngưỡng thu nhập trung bình trong khi Miến Điện còn thiếu vắng gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và vẫn là một trong số nước ‘nghèo khổ nhất châu Á’, theo đánh giá của BBC Monitoring.
Nhưng cũng vì thế, không có lẽ gì mà Việt Nam lại phải chịu tiếng ‘tụt hậu’ so với Miến Điện, nếu đánh giá trên cơ sở các tiêu chí kinh tế, trình độ phát triển, năng lực hội nhập và tính thống nhất.
Nhưng lẽ điều mà các vị lãnh đạo Việt Nam cần làm là thúc đẩy cuộc đối thoại ‘Việt – Việt’ như giữa người Burma đa số tại Miến Điện đã làm.
Vì Việt Nam đi trước Miến Điện trong nhiều lĩnh vực nhưng các luồng khối tư duy trong chính nhóm Việt (Kinh) hóa ra vẫn chưa đồng nhất.
Chia cắt Nam Bắc hay chia rẽ Quốc Cộng đã thuộc về dĩ vãng nhưng các viễn kiến về tương lai đất nước, về câu hỏi Việt Nam muốn trở thành quốc gia như thế nào thì vẫn chưa có đồng thuận, ngay cả trong đa số người dùng tiếng Việt, trong và ngoài nước.
Cuộc tranh luận về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp này là một dịp tốt để đối thoại về các vấn đề đó.
Lùi lại lịch sử một chút thì ta sẽ thấy các lo ngại phe nhóm, đảng phái hóa ra thật nhỏ bé so với cuộc hành trình xuyên nhiều thế kỷ của các dân tộc Đông Nam Á.
Trước khi người Phương Tây kéo đến thì bên ngoài Đế chế Trung Hoa, vùng Đông Nam Á là nơi các vương triều Ava, Sukhothai, Ayutthaya, Angkor, Champa và Đại Việt tranh giành ảnh hưởng.
Sau này ba nước lớn nhất còn lại là Myanmar, Thái Lan và Việt Nam về số phận tuy khác nhau nhưng cũng chia sẻ nhiều điều gần gũi trong các bước thăng trầm của thời cuộc.
Và hiện nay thì dù mức độ phát triển, nhịp điệu chính trị của mỗi nước một khác nhưng sự ganh đua ngấm ngầm vẫn còn đó, thể hiện qua bóng đá, qua kinh doanh, qua các diễn đàn vùng.
Ai đi trước về sau hay đi sau về trước trong giai đoạn vài ba năm có thể không quá quan trọng.
Điều quan trọng là hướng đi cho Việt Nam trong nhiều thập niên tới.
ASEAN khác EU nên Việt Nam có đổi tên nước là gì, chọn hiến pháp mới ra sao là chuyện hoàn toàn do người Việt quyết định với nhau, người Thái Lan, Indonesia hay Miến Điện sẽ không lên tiếng.
Nhưng chắc chắn có người trong số họ sẽ yên tâm nếu Việt Nam cứ cài số lùi và lo ngại nếu Việt Nam tiến quá nhanh trong cuộc cạnh tranh khu vực.
Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com

Chủ tịch huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) lên tiếng về “dinh thự khủng”

“So với các hộ khác trong địa phương cũng như các địa phương khác, tôi thấy là không vấn đề gì. Ngay trong xã nghèo như xã tôi thì cũng đã có hộ dân xây được nhà 4 tầng chứ không phải 2 tầng như nhà tôi”.
Chiều 4/4, trao đổi nhanh với Báo Giáo dục Việt Nam về ngôi nhà được cho là “một dinh thự khủng” của mình, ông Cầm Xuân Bá - Chủ tịch huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hoá) cho hay:

“Tôi thấy việc như vậy rất bình thường. Sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tất cả những gì về gia đình cũng như bản thân tôi, tôi đã giải trình trước Đảng. Với hơn 30 năm làm cán bộ, công chức, cả hai vợ chồng tôi tích luỹ và bán toàn bộ miếng đất mặt đường chính của nhà tôi ở quê (vẫn gọi là mặt đường cái) mới làm được cái nhà này. 

"Dinh thự khủng" của ông Cầm Bá Xuân (Ảnh: Xuân Sơn - Ngọc Diễm/Pháp luật & XH)

So với các hộ khác trong địa phương cũng như các địa phương khác, tôi thấy là không vấn đề gì. Ngay trong xã nghèo như xã tôi thì cũng đã có hộ dân xây được nhà 4 tầng chứ không phải 2 tầng như nhà tôi.

Thực sự, trước thông tin như vậy, tôi cảm thấy hơi bức xúc. Cả nhà tôi làm tổng là chưa hết 1,6 tỷ đồng”.

Trước đó, một tờ báo đưa tin: “Khu dinh thự khủng” của ông Xuân có ga ra ô tô, sảnh trồng cây xanh, hòn non bộ, khu cửa cao được cài chặt hai tầng. Phía ngoài được lắp hệ thống cửa kiên cố với hệ thống điều hòa được bố trí ở nhiều phòng khác nhau.

“Theo người dân, để xây dựng và hoàn thiện được ngôi nhà và bối cảnh xung quanh khu vực “khu dinh thự” trên cũng phải tiêu tốn bạc tỷ. Vậy, ông Cầm Bá Xuân lấy tiền đâu mà đầu tư khiếp thế?

Câu hỏi tò mò của người dân hiếu kỳ khi mục sở thị khu nhà bạc tỷ của “quan huyện” nghèo được xem là một trong bảy huyện nghèo, đặc biệt khó khăn đã dấy lên nhiều nghi hoặc trong sự phất lên của ông Cầm Bá Xuân khi vừa được lên chức Chủ tịch”, báo này viết.
 
Xuân Thuỷ 
  (GDVN)

“Tôi đồng tình để thị trường BĐS rơi tự do”

Nguyên TT Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ
Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN & MT nói ông hoàn toàn ủng hộ ý kiến của TS Alan Phan là không cần phải giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) mà để thị trường rơi tự do.
Ông Võ phân tích, dù trên thế giới từng có nhiều nước giải cứu thị trường BĐS như: Năm 1997 ở Đông Nam Á tại Thái Lan, Singapore, năm 2008 tại Mỹ... Nhưng ở đây, họ cứu khi thị trường BĐS gây ra những rối loạn về kinh tế, tài chính, ảnh hưởng nền tài chính, kinh tế quốc gia.
Lúc đó, người ta quyết tâm cứu nền tài chính, kinh tế, chứ không phải cứu thị trường BĐS. “Chúng ta nên lấy nguyên tắc đó để hành xử. Nhà nước chỉ tác động vào thị trường BĐS khi thị trường của toàn bộ đất nước đó đang bị rối loạn do ảnh hưởng của thị trường BĐS”.
Theo ông Võ, ở Việt Nam hiện nay, thị trường tài chính đang làm khó thị trường BĐS, chứ thị trường BĐS chưa làm khó thị trường tài chính và nền kinh tế của ta. Thị trường BĐS tự nó “sốt cao”, tự có bong bóng thì bây giờ đang bị tê liệt, chứ chưa gây ảnh hưởng. Chính Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng không dùng từ “giải cứu” mà chỉ nhận định thị trường “sốt” một thời gian rồi nguội lạnh đi, đó là quy luật. Ngày xưa “sốt” cao, nhiều người đổ nhiều tiền vào túi, còn bây giờ nguội lạnh thì họ mất tiền. Đó là quy luật tất yếu của thị trường, cuộc chơi của thị trường bao giờ cũng vậy. “Tôi nhấn mạnh: Nhà nước chỉ cần tác động khi nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng”.
Ông Võ cho rằng, trong tình trạng kinh tế khó khăn, Nhà nước có thể can thiệp bằng những chính sách như: Gia hạn nộp tiền sử dụng đất, gia hạn nộp thuế. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS trong hoàn cảnh thiếu vốn. Đây là khía cạnh khác, không liên quan giải cứu.
Ý kiến Alan Phan phản ánh một khía cạnh thị trường
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty Bất động sản Nam Long, bình luận như vậy ngày 2/4 khi trao đổi với PV Tiền Phong liên quan những ý kiến của TS Alan Phan.
TS Phan cho rằng, không cần thiết phải “giải cứu” thị trường bất động sản và nên xem đây là cơ hội giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Khi được hỏi ý kiến cá nhân về những nhận định của TS Phan, ông Quang nói: “Tôi cho rằng Alan Phan là một người có nhiều kinh nghiệm về thị trường bất động sản và có kinh nghiệm hoạt động trong kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Ông đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, cũng như đã tìm hiểu và viết khá nhiều sách báo liên quan đến bất động sản. Việc Alan Phan nhìn nhận trong một góc cạnh của kinh tế thị trường là điều đáng tôn trọng”.
(Tiền phong)

Trưởng thôn cũng tức

Các cháu trong thôn yêu quý!

Hôm nay, bác vào Phây Búc, đọc được dòng này: "Cháu mình học lớp 1. Nó làm bài được mỗi 8 điểm về mẹ đánh. Sai 2 câu 1c và 1d, mà mình không biết phải giải thích thế nào cho đúng: Bạn nào siêu giải giúp với. Dạo này lớp 1 học hơi bị cao siêu, giải toán trên mạng, làm bài thi toàn trên mạng trong khi nó chưa biết cầm con chuột thế nào cho đúng".

Sau khi xem ảnh chụp bài kiểm tra, bác thấy câu 1d ấy như sau: Tìm số lớn hơn 60 và nhỏ hơn 80. Bạn nhỏ ấy điền số 61, cô giáo bảo sai, vì cô cho rằng đó là số 70.

Bác bức xúc lắm. Ví như tiền lệ phí xây đường làng là 60 đồng, ai đó đưa bác 61 đồng, bác sẽ trả lại họ 1 đồng. Ví như bác mua của ai đó 80 đồng tiền gạo, bác đưa họ 61 đồng, chắc chắn bác còn nợ họ 19 đồng. Bởi vì bác biết rất rõ 61 lớn hơn 60, và 61 nhỏ hơn 80. Cho nên bác nghĩ rằng đáp án của cô giáo không sai, nhưng phương án của bạn nhỏ ấy cũng đúng, gạch bài của bạn ấy thật là oan uổng.

Bác lại đọc còm men bên dưới bức hình kia, thấy người ta tranh luận ỏm củ tỏi, có người tên blog là Glorious Sky văng tóe loe rằng: "Dạy học kiểu này thì càng ngày càng ngu! Làm ăn như con cặc!". Bác không nói như thế. Thứ nhất vì bác là trưởng thôn nên không thể nói từ cái con cặc trên Phây Búc. Thứ hai là vì nói như vậy là xúc phạm cái con ấy, nó đâu có ngu, mà có ngu thì cũng đã có thuốc chữa ngu cho nó là Viagra, nó cũng không làm ăn bừa bãi, nếu có thì do cái thằng chủ điều khiển nó, dung túng cho nó!

Có người lại chửi cô giáo, họ sai hoàn toàn. Vì trong 100 triệu dân ta, chắc chắn có người khôn kẻ dại, người làm được nghề giáo người không. Thậm chí có người học sư phạm ra đàng hoàng vẫn bỏ nghề vì biết mình không hợp. Vậy người nào dùng cô giáo ấy, hoặc ép cô giáo ấy phải dạy kiểu ấy mới là người làm ăn như... cái ấy!

Có người lại chửi sách giáo khoa, họ sai luôn. Vì bản thân sách không sai, người soạn sách không sai vì họ soạn để kiếm cơm, người in sách cũng không sai vì họ in sách kiếm cơm. Chính người nào lệnh cho in, lệnh cho dạy nhưng cuốn sách có nội dung không phù hợp mới là sai.

Vậy ai là người ấy?

 
Đề thi và bài làm
 
Bình luận của cư dân trên mạng
Bác hỏi một người bạn tên là Bộ, làm bên bộ phận cải cách của ngành Giáo dục, ông bạn bác biểu đéo biết. Thế là ông ấy vừa nói tục vừa không hiểu gì về chính ngành mình đang làm.

Trong nghề Giáo dục, người thì dạy học kiểu máy móc, người thì chả hiểu gì về ngành mình đang làm nhưng vẫn cải cách. Rồi đây tương lai của ngành này sẽ thế nào, sẽ đào tạo ra những người như thế nào.

Hay lại như thế hệ bác ngày trước. Hồi học cấp 1, và những năm đầu cấp 2 bác viết chữ đẹp như in, vào khoảng năm 1986, khi đó bác học lớp 6, người ta cải cách chữ viết. Thành ra cả thế hệ bác chữ viết không khác gì những con đường Việt Nam vừa xây đựng xong vài năm, nhầy nhụa và không biết đâu mà lần.

Hôm nay đọc bài kiểm tra này, nghĩ lại việc chữ bị xấu vì cải cách, bác nhìn trước nhìn sau, ngó lên ngó xuống. Yên tâm không có ai mới văng ra một câu, làm ăn như cái con cặc!
Jap Tiên Sinh

Truyền hình trung ương Trung Quốc bị lừa ngoạn mục

Cư dân mạng Trung Quốc đang hết lời chê bai đài truyền hình trung ương nước này (CCTV) khi đã nhầm lẫn phát sóng một thông tin không có thật của ngày cá tháng 4 trong chương trình thời sự tối 2-4.

Hình ảnh chiếc “máy bay sàn kính” tưởng tượng được chiếu trên CCTV tối hôm 2-4. Ảnh: SCMP
Dẫn nguồn từ báo The Daily Mirror (Anh) hôm 1-4, CCTV đưa tin hãng hàng không Virgin Atlantic của tỉ phú người Anh Richard Branson sẽ đưa vào sử dụng loại máy bay có sàn làm bằng kính để hành khách có cơ hội chiêm ngưỡng toàn cảnh Vương Quốc Anh tuyệt đẹp từ trên cao.
Ngoài ra, CCTV còn đăng hình ảnh minh họa lấy từ blog của ông Branson trên website của Virgin Atlantic. Điều đáng nói là CCTV không hề kiểm chứng thông tin ngay cả khi tờ The Daily Mirror nhắc nhở độc giả rằng thông tin trên được đăng tải trong ngày Cá tháng 4.
Những hình ảnh về chiếc máy bay sàn kính trong chương trình tin tức đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Sina Weibo với hàng ngàn ý kiến. Một thành viên bức xúc:” Sự nhầm lẫn trong phân biệt giữa tin tức thật và giả đặt ra câu hỏi về trình độ của bộ phận biên tập”. Một người khác chế nhạo: “Họ có thời gian để chỉ trích chính sách bảo hành sản phẩm của Apple nhưng lại không có thời gian để kiểm chứng đâu mới là tin đúng sự thật”.

Doanh nhân tỉ phú Richard Branson Ảnh: AP
Còn Zhan Jiang, nhà báo kiêm giáo sư tại Bắc Kinh, nhận định: “Nhằm tăng số lượng người xem chương trình, CCTV đôi khi không kiểm tra độ chính xác của các thông tin”. Bị phản ứng, CCTV đã rút bản tin trên khỏi website hôm 3-4.
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc bị ăn quả lừa. Tháng 11-2012, khi website châm biến The Onion (Mỹ) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người đàn ông quyến rũ nhất thế giới, một số tờ báo Trung Quốc đã đăng lại, trong đó có cả tờ báo nổi tiếng Nhân dân Nhật báo.
Xuân Mai
Theo ABC, South China Morning Post
(Người Lao động)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét