Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

HOT - TIN NÓNG TRONG NGÀY

1465. TIẾNG KÊU CỨU CỦA GẦN 200 HỘ DÂN Ở CẦU NHẬT TÂN – HÀ NỘI

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘIVĂN PHÒNG LUẬT SƯ VÌ DÂN
————-***————-
Số:48 /VPLSVD
V/v: Xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án cầu Nhật Tân và khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
                    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–***—————–
                 Hà Nội, ngày 12  tháng 12  năm 2012
Kính gửi:   - Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng cộng sản VN;
- Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước;
- Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ;
- Ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội;
- Ông Phạm Quang Nghị – Bí thư Thành ủy Hà Nội.                     
Văn phòng Luật sư Vì Dân, nhận tư vấn pháp luật cho gần 200 hộ dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c, Phú Thượng, Tây Hồ – Hà Nội; khiếu nại, tố cáo về những việc sai trái trong quá trình triển khai, thực hiện, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại Cầu Nhật Tân – Hà Nội; không thực hiện đúng pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm sai quy hoạch,… gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đưa gần 200 hộ gia đình với hàng ngàn nhân khẩu vào tình cảnh mất nhà, mất đất, cuộc sống khó khăn. Vụ việc này đã gây nên sự “chống” nhưng không “đối”, bức xúc của người dân khiếu tố, khiếu nại lên các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước; tạo nên sự mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền địa phương với nhân dân tại đây. Ông Đỗ Mười (nguyên Tổng Bí thư của Đảng) cũng đã có ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể các hộ dân  ngày 03/12/2012; ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TW, Trưởng ban 6/2 của Đảng) cũng đã có văn bản gửi ông Vũ Đức Đam – Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ ngày 26/12/2012 trên đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xem xét thực tế, tiếp xúc với các hộ dân, căn cứ quy định của pháp luật,… Chúng tôi thấy rằng: việc triển khai thực hiện dự án Cầu Nhật Tân có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật và vì lợi ích nhóm; gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của gần 200 hộ dân tại đây; cụ thể là:
Thứ nhất:  Những dấu hiệu vi phạm pháp luật:
1/ Dự án đầu tư xây dựng Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đã được xác định tại quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998; như vậy,  muốn thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân thì phải được Hội đồng Nhân dân Thành phố chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tự mình thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân là không đúng pháp luật;
2/ Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 5251/TTr-BGTVT ngày 25/8/2005 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số: 76 BKH/ĐT&GSĐT ngày 05/1/2006; Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo số: 128/TTg-CN ngày 19/1/2006. Nhưng Bộ kế hoạch đầu tư và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã không chấp hành ý kiến của Thủ tướng, thể hiện là:
2.1/ Dự án Cầu và đường hai đầu cầu đã bị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải thay đổi mà không xin ý kiến Thủ tướng, được thể hiện tại văn bản số: 3453/UBND-XDĐT ngày 08/8/2006 (do ông Đỗ Hoàng Ân – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký): “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào các khu đất đã được UBND Thành phố giao thực hiện các dự án: Khu đất D1, D3 thuộc khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng và phường Xuân La, quận Tây Hồ, khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị hiện đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Đây là hành vi đủ căn cứ khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm hình sự, vì: Để bảo vệ lợi ích của một doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại khu đất này, mà thay đổi thiết kế đưa Đường đầu cầu nắn vào nhà dân, buộc gần 200 hộ dân bị giải tỏa đi vào cuộc sống cùng cực. Hành vi đó làm thay đổi quy hoạch cầu Nhật Tân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ thuật hàng trăm năm sau mà con cháu phải gánh chịu, làm thiệt hại đến lợi ích nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân;
2.2/  Không thực hiện ý kiến của Thủ tướng, lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch,…
2.3/  Không lấy ý kiến của giới chuyên môn và ý kiến của nhân dân như chỉ đạo của Thủ tướng. Việc này, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội lại được hợp thức hóa bởi việc giao cho Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải họp với một số cá nhân (21 người) đại diện cho một số Cơ quan mà về cơ bản không đúng thành phần và Hội Kiến trúc; họp một số người dân (các việc này đều có trước khi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ); nội dung cuộc họp đều không đi đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng; mặc dù các ý kiến này không đúng quy định về hình thức, thành phần, thời gian, … Nhưng cũng có một số ý kiến rất xác đáng đều bị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội không xem xét.
Thứ hai:  Những dấu hiệu làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và quyền lợi chính đáng của các hộ dân:
- Việc điều chỉnh đất Đường đầu cầu né tránh đất của doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại đó, để chỉnh đường sang giải tỏa gần 200 hộ dân như đã nêu trên. Đồng thời không giải quyết cấp đất tái định cư cho các hộ dân, đẩy nhân dân lên căn hộ nhà chung cư, việc bồi thường, giải tỏa, cưỡng chế có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: Giá đất, tài sản trên đất, diện tích đất, xác định thành phần hộ gia đình trong một nhà ở, chính sách đối với người có công với nước (xin lưu ý khu đất này nguyên là của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân cấp cho các gia đình quân nhân sinh sống tại đây), việc áp dụng chính sách tái định cư thiếu công bằng (cùng điều kiện như nhau nhưng có hộ gia đình được 2 căn tái định cư, có hộ gia đình chỉ được 1 căn tái định cư); không cấp đất tái định cư cho dân, ngược lại lấy đât bán đấu giá để thu tiền;
- Việc cưỡng chế thu hồi đất, thông báo cho dân không đúng quy định, sử dụng lực lượng công an và quân đội để cưỡng chế, một số đối tượng chưa rõ thành phần, mặc thường phục đánh đập dân (có băng video);
- Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường đang khiếu nại, tố cáo chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của cấp có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án mà phá dỡ nhà dân, đẩy dân sống cảnh “màn trời chiếu đất” là vi phạm nghiêm trọng Luật Nhà ở.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin đề nghị các cấp có thẩm quyền:
Một là:  Thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo với thành phần: Thanh tra Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… tiến hành thanh tra toàn diện dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, để làm sáng tỏ việc đúng – sai.
Hai là:  Giữ nguyên hiện trạng đất ở và nhà ở của nhân dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c Phú Thượng, Tây Hồ – Hà Nội, điều chỉnh dự án trở về như cũ thuộc phần đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị. Nếu các hộ dân bị giải tỏa thì áp dụng chính sách tái định cư, cấp đất ở cho dân và bồi thường đúng pháp luật, bình đẳng, công bằng, đảm bảo đời sống cho nhân dân hiện tại và mai sau.
Ba là: Đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật như đã nêu trên, cần phải khởi tố vụ án, xem xét trách nhiệm hình sự của những người làm sai (cho dù người đó là ai), nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân; trừng trị, phòng ngừa và giáo dục chung những người lợi dụng chức quyền và vì lợi ích nhóm mà ngang nhiên chà đạp lên pháp luật. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin yêu của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Xin cảm ơn và gửi lời chào trân trọng./.
Nơi nhận:- Như trên;- Văn phòng TW Đảng;- VP Chủ tịch nước; - VP Quốc hội;
- Bộ trưởng Bộ Công an;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội;
- Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội;
- Tư lệnh, Bộ tư lệnh Phòng không KQ;
- Mặt trận Tổ quốc VN;
- Ông Đỗ Mười và ông Vũ Quốc Hùng;
- Đại diện  200 hộ dân;
- Lưu.
Trưởng văn phòng
Tiến sỹ, luật sư: Trần Đình Triển
(Xin kèm theo một số tài liệu)
4 5
6 7 8 9 10
Nguồn: Văn phòng Luật sư Vì dân

Đảng nặng lời với báo vụ ‘TQ cắt cáp’

 – BBC
Tàu Bình Minh 02Báo chí bị chỉ trích vì đưa tin không đúng chỉ thị về vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cuối tháng trước
Cơ quan phụ trách báo chí hàng đầu của Đảng đã nặng lời chỉ trích các báo khi đưa tin Trung Quốc cắt cáp và dọa sẽ có hình thức ‘kỷ luật’.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đã dành phần đáng kể thời gian trong cuộc họp giao ban kéo dài khoảng 90 phút hôm 11/12 để khiển trách các báo vì đã không chấp hành chỉ thị về việc đưa tin liên quan tới Trung Quốc.
BBC được biết Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Vietnam+, VnExpress, Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Petrotimes và báo Tiền Phong nằm trong số các cơ quan truyền thông bị nhắc nhở liên quan tới tin bài đã đưa về chuyện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 30/11.
Tuy nhiên nói chuyện với BBC hôm 12/12, ông Kỷ nói ông chỉ “trao đổi nghiệp vụ” với các nhà báo vì bản thân ông cũng đã làm báo 30 năm.
Vị lãnh đạo văn hóa tư tưởng nói chính Bộ Ngoại giao đã có giải thích cho các báo về diễn biến vụ việc và các báo “cần xem lại tại sao lại đưa tin không chính xác như thế”.
Ông Kỷ cũng nói “vấn đề không phải là sợ ai” mà là “họ [Trung Quốc] sai đến đâu mình nói đến đó”.
‘Làm nóng vấn đề’
Một nguồn thạo tin trong khi đó giải thích tại sao Ban Văn hóa Tư tưởng lại khiển trách các báo:
“Lý do chính là họ đã có chỉ đạo đề nghị các báo ‘thông tin đúng bản chất sự việc, không làm nóng vấn đề, không bình luận gây căng thẳng cho mối quan hệ của hai bên và không nên để cho người dân bị kích động bởi thông tin không đúng sự thật, hoặc bị suy diễn.
“Các báo bị nhắc tên vì đã đặt tít làm nóng vấn đề.”
Nguồn tin cũng cho BBC biết Đài Truyền hình Việt Nam bị nhắc nhở vì mục điểm báo với các tin liên quan tới Trung Quốc “cố tình làm không khí căng thẳng vào đúng thời điểm người dân biểu tình” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
“Ban Tuyên giáo cũng như các cơ quan quản lý báo chí họ không đưa ra chỉ đạo cụ thể là các báo không được đề cập đến tàu Bình Minh bị cắt cáp mà chỉ đưa ra yêu cầu các báo viết tin đúng bản chất, không kích động, không bình luận làm nóng vấn đề. Đó là khái niệm tương đối là không cụ thể và định tính.”
Một nhà báo ở Hà Nội
Một nguồn tin khác nói các báo đang lo lắng vì dựa vào những gì ông Kỷ nói “thì sẽ là to chuyện”.
Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương tuyên bố tại cuộc họp rằng họ sẽ gửi công văn tới từng báo cũng như tới cơ quan chủ quản của các báo.
Ban này cũng được dẫn lời nói các báo bị nêu tên trong cuộc họp sẽ bị xử phạt hành chính cũng như kỷ luật Đảng.
Một người dự họp nói các báo được lệnh phải có giải trình muộn nhất vào ngày 18/12 nhưng cho tới cuối ngày 12/12 họ vẫn chưa nhận được công văn chính thức về vụ việc và nói thêm:
“Ban Tuyên giáo cũng như các cơ quan quản lý báo chí họ không đưa ra chỉ đạo cụ thể là các báo không được đề cập đến tàu Bình Minh bị cắt cáp mà chỉ đưa ra yêu cầu các báo viết tin đúng bản chất, không kích động, không bình luận làm nóng vấn đề. Đó là khái niệm tương đối là không cụ thể và định tính.
“…Bản chất của vấn đề được hiểu là hai tàu dã cào của Trung Quốc đã vô tình chạy qua đuôi của tàu Bình Minh gây đứt cáp chứ không phải là chủ trương cắt cáp của Trung Quốc.”
Phía Trung Quốc trong khi đó nói bản thân chính quyền Việt Nam cũng “tuyên bố không đúng sự thật” khi đưa tin về vụ việc liên quan tới tàu Bình Minh 02.
‘Nhạy cảm’
Một nhà báo từ Hà Nội nói có báo đã giật tít trong đó nói “Trung Quốc gây hấn” khi đưa tin về những diễn biến gần đây.
Nhà báo này nói ông cũng không đồng tình với cách đặt tít này nhưng đây chỉ là ngoại lệ so với cách đưa tin của báo chí Việt Nam.
Khi được hỏi tại sao không tờ báo có tiếng nào ở Việt Nam đưa tin về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ Nhật, nhà báo nói họ đã được chỉ thị về vấn đề “nhạy cảm này”.
Mặc dù vậy ông cũng nói nhiều báo đã chọn “im lặng” thay vì đưa tin mà không thể phản ánh nhiều chiều, hàm ý rằng họ không thể đưa quan điểm của người biểu tình để đảm bảo tính công bằng và khách quan.
Liên quan tới việc đưa tin về tàu Bình Minh 02, một trong những người phụ trách nội dung của tờ báo nằm trong diện bị khiển trách nói: “Quan điểm của mình là chưa cắt cáp đã phải bù lu bù loa lên rồi [chứ đừng nói đến cắt cáp].”
Nhưng quan điểm này không được một đồng nghiệp khác mà BBC nói chuyện chia sẻ, người nói rằng báo của ông không cố tình để người dân bức xúc với Trung Quốc.

10 quốc gia nghe lén điện thoại của dân

BBC
Báo The Epoch Times xuất bản tại Hoa Kỳ vừa ra một danh sách 10 quốc gia, nơi chính quyền bị cáo buộc thường xuyên nghe lén điện thoại di động của công dân.
Danh sách này được tập hợp dựa trên thông tin của một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Freedom House. BBCVietnamese xin giới thiệu để quý vị tham khảo:

Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc lâu nay đã kiểm duyệt internet, nhất là các mạng xã hội, bằng tường lửa và hệ thống từ khóa bao gồm các từ nhạy cảm về chính trị.
Trung Quốc cũng vận hành một hệ thống theo dõi khổng lồ đối với thị trưởng điện thoại di động đang ngày càng lớn ở trong nước.
Tổ chức Freedom House nói thị trường điện thoại di động của Trung Quốc thuộc loại “bị kiểm soát chặt nhất” trên thế giới, với hơn 672 triệu thuê bao của mạng China Mobile, 212 triệu của China Unicom, và 138 triệu của mạng China Telecom. Cả ba nhà cung cấp này đều do nhà nước quản lý.
Theo sau các vụ tự thiêu của người Tây Tạng, chính phủ Trung Quốc đã cắt sóng điện thoại di động tại các khu vực ở Tây Tạng, theo tổ chức Reporters Without Borders.

Belarus

Belarus, quốc gia được mô tả như chính thể độc tài cuối cùng còn sót lại ở châu Âu vì chính sách cầm quyền hà khắc của Tổng thống Alexander Lukashenko, thực ra cấm không được theo dõi liên lạc bằng điện thoại.
Thế nhưng giới chức nước này vẫn thực hiện công việc trái pháp luật này với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia”. Năm 2001, ông Lukashenko đưa ra chỉ thị đặt internet vào danh sách các mối nguy cơ, cho phép nhà chức trách theo dõi các hoạt động trên mạng của người dân.
Freedom House cho hay rằng các tin nhắn SMS hay các cuộc gọp của giới bị cho là bất đồng chính kiến ở Belarus thường xuyên bị theo dõi.

Syria

Trong 20 tháng qua, tình hình ở Syria ngày càng trở nên tồi tệ, ngày càng giống một cuộc nội chiến giữa các phe nhóm phiến quân và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Một số lớn các nhân vật đấu tranh chống chính phủ đã bị bắt sau khi điện thoại di động của họ bị an ninh Syria theo dõi và dò tìm.
Chỉ có hai hãng điện thoại di động ở Syria, trong đó lớn nhất là Syria Tel của chính phủ. Hãng này nay đã chặn các từ khóa nhạy cảm trên các tin nhắn SMS, trong có các từ “biểu tình” và “cách mạng”.
Chính phủ sử dụng kỹ thuật Blue Coat để sàng lọc các điện thoại di động cũng như các ISP cố định. Nhiều nhà hoạt động Syria và phiến quân đã dùng điện thoại di động để quay phim rồi tung lên YouTube hay các website tương tự.
Quảng cáo điện thoại di động của Trung Quốc
Trung Quốc đi đầu về các hệ thống theo dõi
Chính quyền Syria thường xuyên chặn các kênh liên lạc như intenet và điện thoại di động để lọc thông tin mà họ cho là khơi gợi biểu tình.

Iran

Cộng hòa Hồi giáo Iran là một trong các nước tự cô lập nhất thế giới, với mạng internet bị kiểm soát chặt.
Các blogger, nhà đấu tranh nhân quyền và phóng viên thường xuyên bị an ninh quấy nhiễu, nhiều người bị tra tấn và đối xử tàn tệ.
Hãng tin Reuters hồi tháng Ba cáo giác rằng tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đã bán một hệ thống theo dõi hết sức tinh vi cho tập đoàn Viễn thông nhà nước Iran nhằm nghe lén điện thoại kể cả điện thoại di động và kiểm soát internet. Reuters dẫn nguồn giấu tên làm việc cho dự án này nói nhà cầm quyền nay có thể theo dõi các cuộc điện đàm, tin nhắn và internet.
Phe đấu tranh dân chủ nói có nhiều trường hợp chính phủ Iran dò bắt được các nhà hoạt động dựa trên các cuộc trò chuyện trên điện thoại và hoạt động của họ trên internet.

Việt Nam

Với sự bùng nổ của mạng internet ở Việt Nam, chính quyền cộng sản đã gia tăng sàng lọc thông tin bằng các phương cách hợp pháp và các quy định.
“Giới chức Việt Nam nghe trộm các cuộc đàm thoại và theo dõi cuộc gọi từ các số mà họ cho vào danh sách đen, như của các nhà bất đồng chính kiến hay các tổ chức chống đối.”
Freedom House
Mục tiêu theo dõi là các tài liệu bị cho là đe dọa cho an ninh quốc gia hay cho chế độ.
Theo Freedom House, giới chức Việt Nam “nghe trộm các cuộc đàm thoại và theo dõi cuộc gọi từ các số mà họ cho vào danh sách đen”, như của các nhà bất đồng chính kiến hay các tổ chức chống đối.
Dịch vụ điện thoại di động của những người bị cho là phản động cũng thường xuyên bị cắt.
Hồi tháng Chín, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai đe dọa sẽ trừng phạt các blogger chống đối. Nhiều người đăng tải bài viết chống chính phủ trên internet bị liệt vào diện khủng bộ. Theo Reporters Without Borders, 24 nhà báo và blogger hiện đang bị bắt giữ ở Việt Nam.

Uzbekistan

Quốc gia Trung Á Uzbekistan là một trong các quốc gia có quy định kiểm duyệt nghiêm khắc nhất thế giới, tuy chính phủ trong nước luôn bác bỏ điều này.
Uzbekistan sử dụng các cơ chế khá tinh vi để kiểm soát internet và có tin rằng chính phủ có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet công bố chi tiết về người sử dụng, bao gồm cả tên họ, địa chỉ… Nhiều website chứa thông tin đối lập bị đóng cửa.
Freedom House nói chính phủ cũng có thể đòi cá chãng điện thoại di động cung cấp chi tiết cụ thể về các thuê bao, ngay cả khi họ không làm gì sai phạm.

Ethiopia

Tiếp cận internet ở Ethiopia còn hạn chế, chỉ có chưa đầy 400.000 người truy cập được mạng internet trong năm 2009. Tuy nhiên nhiều blogger cho rằng họ bị theo dõi.
Nhiều cafe internet trong nước bị đóng cửa vì cung cấp dịch vụ liên lạc qua internet, như Skype.
Cả Skype và Tor đều bị cấm ở trong nước và những người vi phạm có thể bị tù tới 15 năm.
Cho dù Hiến pháp quy định quyền tự do báo chí, chính phủ Ethiopia vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ internet và các báo mạng.

Bắc Triều Tiên

Một điều không gây ngạc nhiên là quốc gia ẩn dật nhất thế giới, Bắc Hàn, cũng kiểm soát internet và báo chí một cách chặt chẽ nhất. Người dân phải đưa lậu thông tin qua biên giới với Trung Quốc.
Điều gây ngạc nhiên là ngày càng nhiều người Bắc Hàn sở hữu điện thoại di động trong những năm gần đây, nay con số đã lên tới hơn 1 triệu, theo Wall Street Journal.
Người Bắc Hàn buôn lậu điện thoại di động qua biên giới từ Trung Quốc, nhưng gần đây lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh trấn áp hoạt động này.
Một nguồn tin ở vùng biên với Trung Quốc cho Đài Châu Tự do biết rằng một khi thấy tín hiệu thì các nhân viên điều tra của chính quyền sẽ tới nơi ngay lập tức để tìm kiếm người vi phạm.

Cuba

Cuba mới vừa bỏ lệnh cấm người dân sử dụng điện thoại di động cùng với một số hàng tiêu dùng khác vào tháng Ba 2008.
Năm 2011, Tổ chức Bảo vệ các nhà báo nói việc kiểm duyệt được quy định thành luật và chính quyền thường xuyên sách nhiễu, bắt bớ và theo dõi các nhà báo chỉ trích.
Mới đây có tin rằng các đường dây điện thoại nối với Hablalo Sin Miedo — một tổ chức truyền thông dám thách thức bộ máy kiểm duyệt, đã bị công ty viễn thông nhà nước Cuba cắt đứt.

Turkmenistan

Tại Turkmenistan internet là đặc ân dành cho một số ít người thuộc tầng lớp trên của xã hội.
Tổ chức OpenNet đánh giá nước này có tỷ lệ tiếp cận internet thấp nhất nhưng kiểm soát trực tiếp lại cao nhất thế giới.
Turkmenistan không có báo chí tư nhân và các nhà báo nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh.
Theo OneNet, chỉ có một hãng của nhà nước quản lý toàn bộ hệ thống viễn thông và tổng cộng 10 điểm truy cập internet ở Turkmenistan.

Ý nghĩa chuyến đi của ông Tập Cận Bình

Trần Trang
bbcchinese.com
Cập nhật: 00:37 GMT – thứ tư, 12 tháng 12, 2012 -
Chuyến thăm Thâm Quyến của ông Tập Cận Bình có thể hé lộ ý muốn cải cách kinh tế Trung Quốc
Không có thảm đỏ mà chỉ có những bữa ăn bình thường khi lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đi thăm thành phố mới nổi Thâm Quyến hồi tuần trước, nhưng không nên coi thường ý‎ nghĩa của chuyến đi này.
Phải tới hôm Chủ nhật, 10/12/2012, Truyền thông Trung Quốc mới nhắc tới sự hiện diện của ông Tập Cận Bình ở Quảng Đông, mặc dù đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên ngoài phạm vi Bắc Kinh kể từ khi ông lên nắm quyền tháng trước.
Lần đi thăm miền Nam này lặp lại chuyến đi nổi tiếng của lãnh đạo cải cách Đặng Tiểu Bình tới Quảng Đông và Thâm Quyến năm 1992. Đó chính là chuyến đi nhằm tiếp thêm sinh lực cho chính sách cải tổ kinh tế quốc gia.
Tất nhiên việc tường thuật chuyến đi của ông tổng bí thư Trung Quốc không vượt ra ngoài khuôn khổ đã được quy định sẵn.
Để phản ánh hành trình biểu tượng đó, ông Tập Cận Bình đưa ra thông điệp rằng ông cũng mong muốn cải tổ kinh tế.

Thay đổi cơ bản

Cho tới giờ, chính sách kinh tế của ông Tập vẫn chưa rõ ràng lắm, nên có lẽ đây là cử chỉ đưa người ta tới gần với những suy đoán về ý định của ông.
Chuyến đi được nhiều người tán thành là bớt hình thức và tốn kém
Thâm Quyến từng là ngôi làng nhỏ yên tĩnh nằm bên biên giới với Hong Kong trước khi ông Đặng Tiểu Bình biến thành đặc khu kinh tế năm 1980. Từ đó ngôi làng nhỏ trở thành nguồn năng lượng kinh tế mới.
Chính nhờ thử nghiệm căn nguyên này tạo nên đà khởi động cho sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc, là lần đầu dấn thân vào nền kinh tế thị trường.
Ông Đặng bắt đầu giai đoạn hiện đại hóa bằng khẩu hiệu ngắn gọn tóm tắt chính xác nội dung: “Cải cách và Cởi mở”. Nhiều bài viết đăng việc ông Tập Cận Bình thể hiện sự tán thành tầm nhìn này trong bài phát biểu cuối tuần qua.
“Chúng ta sẽ tiếp tục đi theo con đường này, tiếp tục đi đúng hướng con đường làm giàu cho đất nước và nhân dân, và sẽ có bước đột phá mới,” trích lời phát biểu của ông Tập Cận Bình.
Ông Tập cũng có lịch sử trong con đường này. Cha ông được chính tay lãnh đạo Đặng chọn làm chủ tịch tỉnh Quảng Đông. Ông ta thậm chí còn trả ơn bằng cách dựng pho tượng đồng tạc ông Đặng Tiểu Bình.
Năm 1992 là thời điểm khó khăn cho Trung Quốc, khi vẫn trong guồng phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ từ vài năm trước. Tiếng nói phe bảo thủ tranh luận rằng đất nước tiến lên quá nhanh và quá xa khỏi mô hình xã hội chủ nghĩa. Họ cho đây là thời điểm cần đi chậm lại và trung thành với kế hoạch phát triển kinh tế trung tâm.
Nhưng khi thực hiện chuyến đi xuống miền Nam, ông Đặng phủ nhận cách nghĩ này và củng cố kế hoạch cải cách trong đó có tiếp tục chuyển đổi sở hữu tư nhân và thúc đẩy tiến về phía kinh tế thị trường.

Không hình thức

Khoảng thời gian này kinh tế Trung Quốc đang lao đao do một thập niên với tỷ lệ tăng trưởng hai con số, và phát triển kinh tế đi tới ngã ba quan trọng. Điều này gây ra lo ngại về công lý xã hội và tình trạng mất bình ổn xã hội.
Ông Tập giờ tuyên bố Trung Quốc cần một cú hích tăng trưởng kinh tế và hành trình này có thể là tín hiệu cho thấy ông sẽ tái cấu trúc mô hình phát triển kinh tế.

Nét chính về ông Tập Cận Bình

  • Lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc
  • Năm nay 59 tuổi, sinh ra ở Bắc Kinh
  • Là con trai của Tập Trọng Huân, nhà lão thành cách mạng Trung Quốc và là một trong những thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên của Trung Quốc
  • Vợ là ca sỹ, thiếu tướng Giải phóng quân Bành Lệ Viện
 Ông muốn Trung Quốc giảm lệ thuộc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như tăng cường sản xuất các mặt hàng giá trị cao của Trung Quốc, như tivi màn hình phẳng, điện thoại thông minh.
Chuyến đi miền Nam này cũng cho thấy một bước tiến khác hẳn. Cuối tháng trước ông đưa ra quy định mới yêu cầu giảm tính hình thức, không nên lúc nào cũng trải thảm đỏ và cắt băng khánh thành.
Đây là chuyến đi không ồn ào và có vẻ như chính ông yêu cầu truyền thông trong nước không đưa tin ồ ạt như mọi khi.
Hôm Chủ nhật 10/12/2012, một cảnh sát địa phương đăng tin trên mạng xã hội rằng trong suốt chặng đường dài 150 cây số, không hề có đoạn đường nào bị chặn cho đoàn xe của ông Tập. Xe chở ông chạy cùng với các xe tư nhân bình thường.
Điều này khác hẳn các thế hệ lãnh đạo trước, và tính biểu tượng này chưa hề mất đi ở người Trung Quốc.
Rất nhiều người tỏ ra ủng hộ ông trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thấy ấn tượng với phong cách không hình thức, không ồn ào của chuyến đi cũng như thái độ của ông.
Dù sao thì cách tiếp cận này của ông chủ tịch mới cũng khá tác dụng về mặt quan hệ công chúng.
Nhưng ở đất nước chuộng tính biểu tượng, người dân biết họ cần đề phòng sự va chạm hữu hình của các cuộc cải cách – nếu có xảy ra.

Càng đuối lý vì “lưỡi bò”, Trung Quốc càng hung hăng với Việt Nam

Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (REUTERS)
Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (REUTERS)
Ngày 09/12/2012, hàng trăm người tại Hà Nội, và dặc biệt là tại Sài Gòn, đã biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông, mà nghiêm trọng nhất là lên tiếng cấm Việt Nam khai thác dầu khí ngoài Biển Đông, sau khi cho tàu cá cắt đứt cáp thăm dò tàu khảo sát của Việt Nam.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
12/12/2012
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Maine (Hoa Kỳ), sở dĩ Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên vấn đề Biển Đông, đó là vì Bắc Kinh càng lúc càng đuối lý trên vấn đề đường lưỡi bò.
RFI : Thưa giáo sư, giáo sư thường xuyên theo dõi tình hình, giáo sư nhận thấy là vì sao mà Trung Quốc lại có thể nói là đột nhiên lại có hành động quyết đoán như vậy đối với Việt Nam ?
NVL : Trước hết là vấn đề Trung Quốc không thể dùng đường 9 đoạn để lấn áp các nước Đông Nam Á về mặt lịch sử và luật pháp. Thế giới bây giờ đã thấy chuyện đó rồi. Thành ra Trung Quốc muốn dùng sức mạnh “quậy cho dữ”, vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực, nếu lấn áp được Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm cho các nước khác trong vùng – cũng như là Mỹ – yếu thế đi.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc chủ yếu làm áp lực trên hai nước là Việt Nam và Mỹ. Trung Quốc muốn được Mỹ nhượng bộ trong khu vực cũng như trong các lãnh vực như kinh tế… Nhưng Mỹ lại không chịu nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề lưu thông qua khu vực, thành ra Trung Quốc ép cho làm sao Việt Nam phải chịu nhượng bộ Trung Quốc.
Việt Nam đang ở trong tình thế rất khó khăn vì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ liên quan đến Biển Đông mà cả về kinh tế, ý thức hệ, chính trị… Cho nên cái không rõ ràng trong vấn đề xử lý quan hệ với Trung Quốc lại càng làm cho Trung Quốc tấn công Việt Nam (mạnh) hơn.
Thành ra tôi nghĩ là trong lúc này, không những Việt Nam, mà kể cả Mỹ, phải nói rõ cho Trung Quốc là không nên tiếp tục làm như vậy. Sở dĩ Trung Quốc tiếp tục đẩy manh trong lúc này là bởi vì họ nghĩ là Mỹ đang có nhiều chuyện khác nên có thể nhân nhượng Trung Quốc.
RFI : Thưa Giáo sư, Nhiều chuyên gia đã gắn liền các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, và cả tại biển Hoa Đông nhắm vào Nhật Bản, với sự kiện ông Tập Cận Bình bắt đầu chính thức lên lãnh đạo Trung Quốc và cần phải kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan để củng cố quyền lực. Nhận định của Giáo sư ra sao ?
NVL : Đây là vấn đề về xa về dài. Thật ra, từ khi đưa ra đường lưỡi bò, Trung Quốc đã thấy rằng nó không hợp lý, nó cũng không có căn cứ về lịch sử hay luật pháp, (cho nên) họ đã nghĩ rằng họ sẽ có thể dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để ép buộc các nước chung quanh. Càng ngày càng vô lý thì họ càng ngày càng dùng sức mạnh để mà “đẩy đến”.
Ngoài ra, ở trong nước, Tập Cận Bình đang lên (nên) muốn dùng chủ nghĩa yêu nước để củng cố địa vị của mình, bởi vì vị trí của ông thật ra vẫn chưa chắc lắm. Ngoài Việt Nam, gần đây Trung Quốc đã căng thẳng rất nhiều với Philippines, mà ngay trong vùng biển của Philippines.
Việt Nam ở sát Trung Quốc, nên ‘nó’ tìm mọi cách để gây áp lực trên Việt Nam. Mà đường lưỡi bò của Trung Quốc đúng là đi sát vào Việt Nam, vì vậy cho nên “nó” cứ dùng đường lưỡi bò để làm áp lực Việt Nam.
Việt Nam phải vận động quốc tế bắt Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò, bỏ đường lưỡi bò thì mới có cơ hội hợp tác với các nước khác cũng như với Trung Quốc.
RFI : Như có nói ở lúc đầu, hôm Chủ nhật vừa rồi, rất nhiều nhân sĩ, trí thức tại cả hai thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội đã biểu tình chống các hành vi xâm lược của Trung Quốc nhắm vào Biển Đông. Giáo sư cảm nhận như thế nào về các sự kiện trên ?
NVL : Tôi nghĩ đây là một điều có tác dụng rất tốt, bởi vì khi mà Trung Quốc quá hàm hồ và vô lý như thế – mặc dầu người Việt Nam đã chịu đựng, đã nhân nhượng – thì phải lên tiếng, nếu không thì Trung Quốc sẽ ngày càng làm áp lực lên Việt Nam.
Nói lên, nhưng nói với thái độ của nhân sĩ trí thức trong nước tôi thấy rất tốt. Tôi không muốn so sánh, nhưng nếu so sánh với thái độ của chính phủ và người dân Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư, thì tôi thấy rằng người Việt Nam rất đàng hoàng trong vấn đề phát biểu ý kiến của mình.
RFI : Giáo sư muốn nhắc đến các phản ứng rất hung hăng thô bạo của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông, phải không ạ ?
NVL : Vâng. Rất hung hăng, kể cả với Philippines, cách xa Trung Quốc cả nghìn dặm.
Tôi thấy thái độ của nhân sĩ trí thức Việt Nam, của người Việt Nam trong nước, rất đàng hoàng. Ta phải nói lên, chứ nếu không thì người ta tưởng là mình khiếp nhược, Việt Nam không khiếp nhược, Việt Nam không sợ, mà Việt Nam đàng hoàng, muốn giải quyết vấn đề một cách có lý.
Thành ra, nếu Trung Quốc muốn, thì đưa các vấn đề này ra, trước hết về đường chín đoạn thì ra Liên Hiệp Quốc, và về vấn đề các đảo thì ra Tòa án Quốc tế, chứ không thể dùng sức mạnh để làm áp lực như vậy, hay là dùng sức mạnh áp lực lên chính phủ Việt Nam, để (chính quyền Việt Nam) đàn áp dân chúng Việt Nam.
Trung Quốc cố ý làm như thế để chính phủ Việt Nam mất chính danh đối với dân chúng, mà mất chính danh đối với dân, thì chính phủ sẽ yếu đi, càng yếu đi thì càng phải nhượng bộ Trung Quốc.
Tôi thấy là tiếng nói của người Việt Nam, của nhân dân Việt Nam trong lúc này rất quan trọng, đòi hỏi như thế là đúng.
Về luật pháp, thì chính phủ lo, ví dụ như về vấn đề đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc hay ra Tòa án Quốc tế, nhân dân không làm được, thì chính phủ nên làm. Còn việc nhân dân (lên tiếng) đòi hỏi chính phủ làm việc đó, tôi nghĩ đấy là điều rất đúng, giúp cho chính phủ có cơ hội đưa vấn đề này ra.

Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao của chế độ Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao của chế độ Trung Quốc -REUTERS/How Hwee Young/Pool/Files
Thời sự Trung Quốc là đề tài được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều, từ chính trị, xã hội, y tế cho đến kinh tế. Trong các loạt bài liên quan đến cường quốc số 2 thế giới này. Đáng chú ý nhất là bài viết « Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình » đăng trên mục Lá thư châu Á của báo Le Monde. Brice Pedroletti, thông tín viên của tờ báo cho rằng không những người lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của những người tiền nhiệm, mà ông còn có ý định muốn biến Trung Quốc thành bá chủ khu vực như thời xa xưa.
Le Monde ghi nhận, quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc diễn ra trong sự liên tục. Kể từ năm 2011, khi còn là Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình được giao chuyên trách cơ quan phối hợp chính sách về các vấn đề có liên quan đến Biển Đông. Và đường lối cứng rắn này sẽ không được từ bỏ. vào cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền đảo Hải Nam ban hành các quy định cho phép lực lượng tuần duyên của họ được quyền khám xét và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng lãnh hải rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Đầu tháng 12 này, cãi vã đã nổ ra giữa Bắc Kinh và Hà Nội, sau vụ việc các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của một chiếc tàu thuộc tập đoàn dầu khí Petro Vietnam.
Le Monde cho rằng, dường như ông Tập Cận Bình rất gắn bó với chủ đề « Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa ». Một chủ đề đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn đầu tiên trước báo chí hôm 15/11 vừa qua. Điều này còn được thể hiện rất rõ nét qua việc Tổng bí thư Đảng đến dự một buổi triễn lãm mang chủ đề « Con đường của sự phục hưng » tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc. Một sự dàn dựng ngoạn mục ! Le Monde nhận xét. Chính Đảng cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc sau những sự kiện « nhục nhã » trong thế kỷ XIX. Nhưng những sự trượt đà bi thảm trong lịch sử của chế độ như chủ trương Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, hay vụ thảm sát Thiên An Môn lại bị che dấu.
Sự tôn vinh tinh thần dân tộc được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa. Bà Valérie Niquet , chuyên gia về địa chính trị – sau khi đi xem triễn lãm đã nhận xét với Le Monde rằng: « Khái niệm phục hưng tinh thần dân tộc Trung Hoa phải được hiểu qua ý tưởng là Trung Quốc phải lấy lại vị thế mà họ đáng được có tại châu Á, rằng Trung Quốc là một cường quốc rộng lượng, sẽ giang tay bảo vệ các quốc gia còn lại trong châu Á và rằng thế giới, nhất là Hoa Kỳ phải chấp nhận ý tưởng này ».
Trong buổi nghi lễ hiệp thương với lịch sử Đảng, Tập Cận Bình đã chọn cho mình những lời lẽ như sau: « Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện đại ». Le Monde cho rằng dường như giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã không được đón tiếp mấy nồng nhiệt trong giới cư dân mạng.. Ông Yu Jiangrong, giáo sư Viện hàn lâm khoa học xã hội đã ghi nhận trên trang blog rằng : « Đó chính là giấc mơ của chính phủ, bao gồm hàm cả việc gia tăng quyền lực nhà nước ».
Trung Quốc sẽ cấm cấy ghép nội tạng của tử tù
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng dùng nội tạng của tử tù để cấy ghép cơ thể cho người bệnh. Thay vào đó, chính phủ sẽ lập các chương trình tình nguyện hiến tặng các cơ quan nội tạng. Libération ghi nhận kể từ năm 2008, đã có 38 trung tâm được thành lập nhưng chỉ đủ cung cấp hơn 1000 bộ phận, trong khi đó danh sách chờ xin ghép đã lên đến 1,5 triệu người.
Philippe Grangereau, thông tín viên báo Libération cho biết, Trung Quốc sắp có một bước tiến bộ lớn. Vào tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng bộ Y tế thông báo « trong vòng hai năm nữa, việc cấy ghép nội tạng sẽ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào việc hiến tặng từ các tử tù ». Theo ghi nhận của tác giả, hiện tại, các bệnh viện Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng nội tạng của các tử tù, lấy đó là nguồn cung cấp duy nhất cho việc cấy ghép hệ cơ quan cho người bệnh.
Một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ ước tính nhịp độ hành quyết các tử tù có khi lên đến 11 người/ ngày. Chính quyền Trung Quốc vẫn luôn đảm bảo rằng việc hiến tặng là do bản thân tử tù tình nguyện. Tuy nhiên, Libération cho rằng chẳng có gì khó khăn để mà thuyết phục một người không thể kiểm soát được vận mệnh bi thảm của mình.
Theo lời thuật lại của một nhân chứng, con trai ông đã bị cảnh sát dụ dỗ. Họ hứa với con ông là nếu anh ta đồng ý bán thận, gan và tim của mình và ký tên kèm theo ấn chỉ tay, con cái của anh ta sẽ được nhận một khoản tiền lớn để có thể trang trải các chi phí học hành. Sau khi phải đi đến khiếu kiện tại bệnh viện, người cha đã nhận được số tiền 6000 nhân dân tệ (tương đương với 740 euro).
Tác giả bài viết lưu ý rằng để cấy ghép một quả thận, bệnh nhân phải chi trả đến 160 ngàn nhân dân tệ (khoảng 20000 euro). Ngành kinh doanh bẩn thỉu đó, có mặt tại hàng trăm cơ sở y tế của Trung Quốc, còn được liên kết bởi những trò lừa đảo bi hài mà thỉnh thoảng các tờ báo trong nước mới đề cập đến.
Philippe Grangereau cho biết mô hình cấy ghép nội tạng này được hình thành vào cuối những năm 1970, nhằm phục vụ cho các nhân vật đặc quyền của Đảng và quân đội. Và từ rất lâu các tổ chức nhân quyền đã biết đến hệ thống sử dụng nội tạng các tử tù. Nhưng chính quyền Trung Quốc liên tục phủ nhận sự việc. Mãi cho đến năm 2009, Bắc Kinh mới thừa nhận rằng 65% nội tạng cấy ghép được lấy từ các tử tù.
Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc
Cũng liên quan đến mặt xã hội, phụ trương kinh tế Le Figaro có bài viết báo động đề tựa « Tại Trung Quốc, bất bình đẳng ngày càng bị đào sâu ». Một điều tra do một viện nghiên cứu Trung Quốc có liên kết với Ngân hàng trung ương khẳng định rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới. Theo bản điều tra, hệ số Gini, hệ số đánh giá mức phân bố của cải, trong năm 2010, đã lên đến 0,61. Trên lý thuyết, nếu hệ số này nằm ở mức 0, có nghĩa là xã hội hoàn toàn công bằng. Nếu hệ số đạt đến 1, toàn bộ của cải đất nước đều tập trung vào tay một người.
Theo bình luận của các nhà phân tích, hệ số trên cho thấy « cách biệt thu nhập tại Trung Quốc là quá lớn và hệ số 0,61 rất hiếm có trên thế giới ». Điều đáng ngạc nhiên là lần đầu tiên chính quyền cho công bố kết quả thống kế này, vốn bị kiểm soát chặt chẽ từ 10 năm qua. Vào hồi tháng giêng năm nay, Cơ quan thống kê quốc gia còn từ chối công bố số liệu lấy cớ rằng việc thu thập dữ liệu quá phức tạp.
Không như thường lệ ca tụng « một xã hội hài hòa », lần này, nhật báo chính thức Hoàn cầu Thời báo đã viết rằng hố sâu giàu và nghèo đã chạm đến mức « báo động ». Hiện nay, vấn đề bất bình đẳng xã hội là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục
Lần đầu tiên kể từ tháng Ba năm nay, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng. Nhất là mức sản xuất điện, chỉ số được cho đáng tin cậy nhất, cũng tăng lên trong tháng 11. Với các tín hiệu trên, báo Le Monde trích dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng « Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trở lại ». Theo các chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng lớn BNP Paribas, HSBC tại Trung Quốc, kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại, dù rằng tầm mức cũng chưa mạnh như sự mong đợi của thị trường. Nhưng xu hướng tăng là khá rõ.
Le Monde nhận định, các biện pháp do Bắc Kinh đề ra đang được đền đáp. Một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng được đề ra như hai lần hạ lãi suất chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đủ mọi cấp độ từ trung ương cho đến địa phương nhằm duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, đồng thời đảm bảo nhu cầu bất động sản trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng bất chấp các tín hiệu khích lệ, năm 2013 không hứa hẹn là một năm huy hoàng như là năm 2010, sau khi chính quyền tung ra kế hoạch kích thích tăng trưởng chống khủng hoảng toàn diện. Hiện tại, tiêu thụ nội địa vẫn yếu, trong khi đó, nhu cầu từ Mỹ và châu Âu vẫn dưới mức cung. Tín hiệu cho thấy có sự bối rối đó là thặng dư mậu dịch trong tháng 11 sụt giảm đến 19,6 tỷ đô-la (nghĩa là giảm 38,6% so với tháng 10 năm nay).
Thế nhưng, Le Monde cho rằng sự ổn định ít nhiều cũng mang đến cho dàn lãnh đạo mới một phạm vi hoạt động , nếu như họ có ý định đưa ra các chương trình cải cách kinh tế đang bị sa lầy : Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tư và tiêu thụ của các hộ gia đình, là những khả năng duy nhất có thể dẫn đến một sự tăng trưởng bền vững.
Trang nhất các báo Pháp
Đa số các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến thời sự trong nước. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến kết quả bầu cử Quốc hội bán phần qua hàng tít cảnh báo « Sau ba cuộc bầu cử bán phần : Hollande, sự trừng phạt ». Tờ báo cho rằng việc các ứng viên đảng Xã hội thất bại trong ba cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tổng thống Pháp.
Sự kiện diễn viên điện ảnh nổi tiếng Gerard Dépardieu chuyển sang định cư tại Bỉ nhằm tránh luật thuế được cho là quá nặng nề cũng là chủ đề nổi cộm trên trang nhất các báo. Le Figao tìm cách giải thích « Các lý do tỵ nạn tại Bỉ của Gerard Dépardieu ».Libération thì cho rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy diễn viên điện ảnh này gia nhập làng trốn thuế của người Pháp tại Bỉ. Với lối chơi chữ « Le Manneken fisc » – tạm dịch là Người mẫu thuế, Libération cho biết từ lâu rồi Gérard Dépardieu chỉ biết có quan tâm đến tiền.
L’Humanité tiếp tục quan tâm đến vụ công nhân nhà máy luyện thép của tập đoàn Arcelor Mittal phản đối việc đóng cửa hai lò cao ở Florange. Nhật báo kinh tế, Les Echos thì chú ý đến sự việc các nhà đầu tư chấp nhận cho Kho bạc nhà nước Pháp vay với lãi suất dưới 0. Tờ báo cố gắng giải thích « Tại sao thị trường tài chính chấp nhận thua thiệt cho nước Pháp vay nợ». Đối với Les Echos, chưa bao giờ nước Pháp lại được hưởng điều kiện vay ưu đãi đến như thế. Riêng chỉ có nhật báo công giáo La Croix là quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Iran.

Các nước khu vực Biển Đông cần đoàn kết trước Trung Quốc

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok – 2012-12-12
Trung Quốc trong thời gian gần đây có thêm nhiều hành động tại khu vực Biển Đông mà Hà Nội cho là gây hấn, xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Gần nhất là vụ cho tàu cá làm đứt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam.
Source Unclos Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông và khu vực bãi cạn Scarborough. Unclos
Tải xuống – download

Đối phó với Trung Quốc

Gia Minh hỏi chuyện nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, ông Trần Công Trục, về những thông tin liên quan, và được ông cho biết:
Ông Trần Công Trục: Nếu xét theo Công ước Luật biển năm 1982 mà chúng ta sắp kỷ niệm 30 năm ngày công ước ra đời. Hơn thế nữa với hành động đó cũng có vi phạm đối với thỏa thuận của hai bên, ví dụ hai bên đồng ý với nhau tiến hành đàm phán để giải quyết những sự cố, những tranh chấp trong những vùng biển có liên quan đến hai bên như tại cửa vịnh Bắc Bộ mà theo tôi biết các đoàn đàm phán của hai bên hằng năm vẫn gặp gỡ nhau.
Một vi phạm nữa là theo Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông DoC ( 10 năm rồi), cũng có thỏa thuận các bên không được làm những gì mới, gây phức tạp tình hình, cố gắng kiềm chế để giữ ổn định; hai bên cùng ngồi tiến đến xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử, CoC. Thế nhưng Trung Quốc vẫn cứ tiến hành vi phạm.
Cần phải hiểu rằng Trung Quốc có một chủ trương chiến lược xuyên suốt từ rất lâu rồi. Và trong tương lai chúng ta có thể phải đề phòng có những hoạt động mạnh mẽ hơn nữa của Trung Quốc.
Các nước có liên quan trong khu vực này cần phải có những thống nhất với nhau, để có phương án đối phó hiệu quả nhất, phù hợp nhất với những qui định của luật pháp quốc tế
Ô. Trần Công Trục
Trước tình hình đó, có lẽ các nước có liên quan trong khu vực này cần phải có những thống nhất với nhau. Đặc biệt từng nước một phải có thống nhất với nhau để có phương án đối phó hiệu quả nhất, phù hợp nhất với những qui định của luật pháp quốc tế.
Vừa rồi khi xảy ra những sự kiện, hiện tượng đó thì chính phủ Việt Nam có những tuyên bố, phản ứng, có những công hàm hết sức mạnh mẽ để phản đối chuyện đó.
Rồi các nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei, cả đến những nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản; thậm chí cả Đài Loan nữa đều có những phản ứng, phê phán rất mạnh mẽ những điều họ (Trung Quốc) làm – kể cả những việc làm trong thực tế kể cả đường yêu sách lưỡi bò  nữa.

Video: Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 09/12
Tôi nghĩ tất cả những việc làm đó hoàn toàn cần thiết và phù hợp với những tiêu chuẩn của công pháp quốc tế đặt ra. trong việc bảo vệ các quyền, chủ quyền trên các vùng đất liền và vùng biển, hải đảo.
Thế còn bây giờ việc họ quấy phá ở khu vực nào, phạm vi ra sao, thì các nước cần xem xét kỹ và tiến hành các thủ tục cần thiết, cụ thể để khẳng định một cách chắc chắn những vi phạm ra làm sao.
Thậm chí phải có việc kiểm tra, kiểm soát, rồi lập biên bản, giải quyết những sai phạm đó bằng những thủ tục pháp lý đã qui định, và công ước luật biển đã qui định.
Như vậy tiếng nói đấu tranh có hiệu quả hơn. Chứ còn nếu chỉ dừng lại ở những đấu tranh có tính chất nguyên tắc thì tôi cho rằng, dù cần thiết, nhưng có thể có chuyện này chuyện nọ, hay có chuyện ‘bày binh bố trận’ nào đó mà việc đấu tranh của những người có liên quan có hạn chế đi.
Dân chúng Philippines biểu tình phản đối TQ
Dân chúng Philippines biểu tình phản đối TQ in hình bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu. AFP
Theo tôi nghĩ, những phản đối, những câu nói đó trong tình hình như vậy phải gửi đến các cơ quan như Tổ chức Liên hiệp quốc và những tổ chức khác liên quan có quan tâm đến chuyện này để người ta biết được.
Và đồng thời nói cho dư luận thế giới ngừơi ta hiểu rõ thực chất vấn đề, mức độ của vấn đề ra sao để tạo ra được sự đồng thuận chung, sự đoàn kết nhất trí chung không những của đất nước anh mà cả khu vực và thế giới nữa.

Hiện đại hoá lực lượng bảo vệ chủ quyền

Gia Minh: Điều đó có liên quan đến khả năng của các lực lượng bảo vệ chủ quyền nữa, phải không thưa ông?
Ông Trần Công Trục: Đúng quá, những điều cụ thể đó, chính những lực lượng bảo vệ như cảnh sát biển, biên phòng, hải quan, kiểm ngư… đã có của các nước phải hoạt động theo đúng như luật định. Tuy nhiên, hoạt động trên biển không phải như trên đất liền- phải phụ thuộc vào phương tiện kỹ thuật, phát hiện, thăm dò rồi khả năng tác chiến, tốc độ tàu bè…
Chúng ta không nên đòi hỏi tuyệt đối, nhưng phải cố gắng bởi vì tranh chấp trên biển vốn đã phức tạp rồi, trên biển bao la mênh mông rồi, xác định ranh giới đến đâu là một câu chuyện rồi, tọa độ đến đâu, ghi ra làm sao không phải đơn giản chút nào. Có khi không đuổi kịp thì ‘nó’ đã vượt ra khỏi ranh giới cần kiểm soát rồi.
Đó là vấn đề nên chúng ta phải rất chia xẻ với những lực lượng đó; giúp cho người ta có thêm những cơ sở vật chất và những trình độ kỹ thuật cần thiết. Chính cái đó là cơ bản nhất giúp giải quyết các mối tranh chấp với tất cả những mức độ của nó.
Gia Minh: Ông nói rằng phải thông tin sự thật cho quốc tế biết, cũng như phải thông tin rõ ràng cho người dân để họ nắm mọi vấn đề. Vậy ông thấy những thông tin như thế đến nay đã thỏa đáng chưa về tất cả những điều xảy ra?
Ông Trần Công Trục: Những thông tin xảy ra ngoài biển thì người dân chỉ có thế biết qua những phương tiện mà Nhà Nước đã công bố hoặc các thông tin của các lực lượng thôi. Do những hạn chế đó mà vừa rồi việc đấu tranh của chúng ta chỉ có thể nêu những vấn đề về mặt nguyên tắc, cơ bản thôi. Còn cụ thể thế nào thì vừa rồi ngoài những tuyên bố chính thức, báo chí cũng có một số bình luận nhất định. Đó cũng là một hình thức để cho người dân hiểu rõ vấn đề thế nào.
Theo tôi trong vấn đề này chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng, phải lắng nghe thông tin; và những người cung cấp thông tin cũng phải hết sức khách quan để làm sao dư luận hiểu bản chất của vấn đề, tạo ra sự đồng thuận, tạo ra sức mạnh của cuộc đấu tranh nếu sự vi phạm đó rõ ràng. Đó là điều cần thiết.
Gia Minh: Cám ơn ông.

Ước mơ Miến Điện cho Việt Nam là quá lãng mạn và siêu thực

Tue, 12/11/2012 -  -Lê Diễn Đức – RFA

Thủ đô Warsaw, Ba Lan, ngày 13/12/1981 – Ảnh Tư liệu
Lịch sử của dân tộc nào cũng có những khúc quanh bi thảm, thậm chí ánh sáng hy vọng của tự do không có chỗ ngay cả ở đoạn cuối của đường hầm tối tăm, nhân dân tưởng chừng đã bị đánh gục, không còn sức đứng lên.
Trong cuộc tranh đấu xoá bỏ chế độ cộng sản (CS), giành tự do, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc Ba Lan cũng đã có những khúc quanh như thế.
Một trong những khúc quanh ấy là thời gian cả nước Ba Lan bị chìm đắm trong khủng bố bạo lực của chế độ CS trong giai đoạn thiết quân luật từ ngày 13/12/1981 tới ngày 22/7/1983.
Tôi viết bài này nhân dịp kỷ niệm 31 năm ngày 13/12 và muốn co sự tham chiếu với thực tế Việt Nam.
Đừng sợ hãi!
Phong trào “Đoàn Kết”chống lại chế độ CS ở Ba lan có thể tính từ mốc quan trọng nhất: cuộc hành trình  về cố hương của Cố Giáo Hoàng Joan Paolo II vào ngày 1/6/1979.
Mặc dù tìm nhiều lý do trì hoãn và gây khó khăn, nhà cầm quyền CS Ba Lan lúc bây giờ đã không thể từ chối chuyến thăm quê nhà của Đức Giáo Hoàng.
Trước hàng triệu người Ba Lan, lời kêu gọi “Đừng sợ hãi” của Ngài đã thức tỉnh ý chí của người Ba Lan, giúp họ chiến thắng bản thân, vượt qua sợ hãi, gia nhập phong trào “Đoàn Kết” (Solidarność) được thành lập bởi Uỷ ban Đình Công do người thợ điện Lech Walesa đứng dầu, cùng với sự tham gia quan trọng của trí thức trong Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân, Liên Hiệp Thanh Niên Ba Lan và Hội Đồng Chính Trị Nhà Thờ Ba Lan…
Trước áp lực tranh đấu liên tục của quần chúng bằng hàng loạt các cuộc biểu tình, đình công, bãi công, ngày 31/8/1980, chính phủ CS Ba Lan đã phải ký kết với phong trào đối kháng một thỏa thuận được mang tên lịch sử là “Thoả thuận Tháng Tám“, trong đó Uỷ ban Đình Công cho rằng, hoạt động của công đoàn quốc doanh không đáp ứng hy vọng và mong đợi của người lao động, do đó họ được quyền thành lập công đoàn tự quản, đại diện đích thực cho giai cấp công. Trong bản thoả thuận, đòi hỏi hạn chế kiểm duyệt cũng được đưa ra. Từ thoả thuận này, công đoàn độc lập ra đời và lấy tên là “Công đoàn Đoàn Kết” (CĐĐK).
Ngày 24/9/1980 CĐĐK đe doạ sẽ tổng đình công khi bị từ chối đăng ký hoạt động tại tòa án thành phố Warsaw vì nhà cầm quyên cho rằng điều lệ của CĐĐK vi hiến. Cuối cùng Tòa án Tối Cao đã phải phán quyết thừa nhận CĐĐK là tổ chức hợp pháp, CĐĐK chấp nhận điều chỉnh điều lệ, nhìn nhận hiến pháp hiện hành và vai trò của đảng CS đối với nhà nước Ba Lan.
Từ thời điểm này, CĐĐK phát triển rất mạnh mẽ, có 9 đến 10 triệu thành viên với 80% là công nhân viên chức đang làm việc cho chế độ.
Quá lo ngại trước sức mạnh to lớn này, nhà cầm quyền CS Ba Lan đã quyết định dập tắt phong trào”Đoàn Kết” và giải thể CĐĐK bằng bạo lực.
Quy mô đàn áp khủng khiếp
Thiết quân luật hay còn gọi là tình trạng chiến tranh được đại tướng Jaruzielski, người đứng đầu đảng và nhà nước CS Ba Lan, chủ tịch Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc, công bố vào đêm 13/12/1981 (đêm thứ Bảy qua Chủ nhật).
70 ngàn binh sĩ quân đội, hàng chục ngàn lính dự bị đặt trong thế sẵng sàng, 30 ngàn viên chức thuộc Bộ Nội vụ, 1.750 xe tăng và 1.400 xe bọc thép, 500 chiến xa, 9.000 xe ô tô, một số phi đội máy bay trực thăng và máy bay vận tải, đã được huy động cho đợt đàn áp. Liên lạc điện thoại bị vô hiệu hóa, giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng, cấm công dân thay đổi nơi cư trú, ngưng phát hành báo chí (trừ báo của đảng và quân đội), phá sóng radio nước ngoài phát vào Ba Lan, đình chỉ công dân xuất cảnh, tạm thời đóng cửa các trường học… 25% binh lực được tập trung trong và xung quanh thủ đô Warsaw.
Một chiến dịch bắt giữ các nhà hoạt động đối lập trên toàn quốc được tiến hành. 10 ngàn an ninh, mật vụ tham gia chiến dịch “Cây thông” bắt giữ những người được cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, đưa họ tới các nhà tù và những trung tâm giam giữ đã được chuẩn bị trước.
An ninh Ba Lan còn được hỗ trợ tích cực bởi an ninh của Đông Đức thông qua nhóm tác chiến của Stasi tại Warsaw và KGB của Liên Xô.
Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của thiết quân luật, trong các nhà tù và trại giam đã có khoảng 5 ngàn người. Trong thời kỳ thiết quân luật, có khoảng 10 ngàn gười bị bắt giữ trong 49 trại giam trên cả nước, đa số gồm các nhà lãnh đạo của CĐĐK, trí thức liên kết với họ và nhà các hoạt động đối lập dân chủ. Bốn ngàn người trong số này đã bị buộc tội và có án tù, hàng ngàn công nhân bị sa thải,  gần 2.900 người tự tử trong năm 1981, hàng trăm ngàn người dưới 35 tuổi đã bỏ chạy khỏi Ba Lan sang các nước phương Tây, không khác gì cuộc vượt biên tị nạn CS của người miền Nam Việt Nam sau 1975.
Trong năm 2006, theo Viện Tưởng nhớ Quốc gia, một cơ quan được thành lập sau khi chế độ CS bị sụp đổ, chuyên điều tra tội ác chống lại Ba Lan, số người chết do bị bắn hoặc bị đánh đập trong giai đoạn 1981-1989 khoảng 100 người.
Ngày 16/3/2011 Toà án Hiến pháp của Ba Lan đã phán quyết việc ban hành tình trạng chiến tranh đã vi phạm các nguyên tắc về tính hợp pháp của chính hiến pháp của nhà nước CS lúc bây giờ.
Ý chí đẩy lùi bạo lực  
Quy mô đàn áp của nhà cầm quyền Ba Lan lớn và tàn bạo như vậy nhưng không dập tắt được phong trào đấu tranh. Ngay trong thời gian thiết quân luật, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra.
Trong ngày quốc tế Lao động 1/5/1982 hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối tình trạng thiết quân luật với biểu ngữ “Thiết quân luật là bất hợp pháp”.
Thiết quân luật vẫn xuống đường, ngày 1/5/1982
Ngày 31/8/1982, người Ba Lan đồng loạt xuống đường biểu tình tại 34 tỉnh thành, kỷ niệm 2 năm này ngày ký “Thoả thuận Tháng Tám”. Hơn 5.000 người đã bị bắt giữ, 3.000 người bị tòa án buộc các tội khác nhau, một số tờ báo bị đóng cửa (“Kultura”, “Czas”) và 800 nhà báo bị sa thải.
Thế giới lên án mạnh mẽ và cô lập Ba Lan. Mỹ và nhiều nước phương Tây tuyên bố bao vây kinh tế Ba Lan và viện trợ tiền bạc, vật chất cho CĐĐK. Ngày 22/07/1983 nhà cầm quyền CS buộc phải chấm dứt tình trạng chiến tranh và giải thể Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc.
Tranh đấu tới cùng
Công Đoàn Đoàn Kết trở lại hoạt đông công khai. Các cuộc đình công, biểu tình lại bùng nổ trên toàn quốc.
Tháng 10/1983 Lech Wałęsa được trao Giải Nobel Hòa bình. Tháng 11/1986 CĐĐK trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Lao động Và Công đoàn Thế giới. Tháng 11/1988 Lech Valesa thắng lớn trước chủ tịch công đoàn quốc doanh trong cuộc tranh luận về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội, được truyền hình trực tiếp. Ngày 14/6/1987 Đức Giáo Hoàng Joan Paolo II lại về thăm quê hương và bày tỏ sự ủng hộ với CĐĐK.
Bị áp lực dồn ép quá mạnh từ cuộc tranh đấu và khủng hoảng kinh tế, nhà cầm quyền CS Ba Lan vào tháng 2/1989 đã đồng ý ngồi vào bàn tròn thương lượng với phe đối lập và chấp nhận cuộc bầu cử tự do, một cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hệ thống cộng sản, vào ngày 4/6/1989. Cuộc bầu cử này cũng được xem là bước chuyển hoá dân chủ đầu tiên bằng phương pháp hoà bình, tương tự như cuộc bầu cử bổ sung 45 nghế của quốc hội Miến Điện trong ngày 1/4/2012.
Giữ lại 65% số ghế quốc hội, đảng CS Ba Lan đồng ý bầu 35% số ghế còn lại và 100 ghế của Thượng viện. Sau cuộc bầu cử, tất cả số ghế được bầu đều rơi hết vào phe đối lập, mở đường cho việc thành lập quốc hội chuyển tiếp, tiến tới bầu tổng thống dân chủ vào năm 1990 với chiến thắng của Lech Walesa và bầu quốc hội toàn phần vào năm 1991, cáo chung hoàn toàn chế độ CS tại Ba Lan.
Cái giá của tự do
Suốt 22 năm nay, từ khi có dân chủ, tự do, năm nào tới ngày 13 tháng 12 người Ba Lan cũng tổ chức kỷ niệm ngày ban hành thiết quân luật, tưởng nhớ lại giai đoạn lịch sử bi thảm của dân tộc mình. Tại thủ đô Warsaw vào ngày này người ta tái dựng cảnh đàn áp trên đường phố với sự tham gia của quân đội, cảnh sát trong trang phục thời CS.
Qua trao đổi trên một số diễn đàn, tôi thấy nhiều người Việt không nắm được sự hy sinh và tổn thất to lớn của dân tộc Ba Lan trong cuộc tranh đấu xoá bỏ chế độ CS, thậm chí không ít người nghĩ đơn giản về một sự chuyển hoá chế độ ở Ba Lan trong hoà bình, mềm mại như nhung.
Chỉ cần so sánh quy mô đàn áp và hàng ngàn người bị đồng loạt bắt giam trong một thời gian rất ngắn (như đã trình bày ở trên), ta sẽ thấy ngay rằng, từ hơn hai thập niên này, sự hy sinh cho dân chủ, tự do của người Việt chưa thấm vào đâu so với người Ba Lan. Sự bắt bớ, giam cầm và đán áp của nhà cầm quyền CSVN đối với những người bất đồng chính kiến cũng chưa nhằm nhò gì so với nhà cầm quyền CS Ba Lan trong giai đoạn thiết quân luật, về quy mô cũng như số lượng.
Nhiều người mơ ước về một lộ trình dân chủ cho Việt Nam như Miến Điện. Điều này quá lãng mạn và siêu thực. Nếu hàng ngàn nhà sư, trẻ em, sinh viên đại học không bị dìm trong biển máu trong các cuộc biểu tình năm 1988 thì đã không có sự xuất hiện của bà Aung San Suu Kyi và đảng Dân Chủ của bà. Không có sự kiên cường bền bỉ của cá nhân bà Aung San Suu Kyi và áp lực tranh đấu không ngừng của cả phong trào đối lập, thì đã không có sự nhượng bộ của chính phủ quân phiệt Miến Điện và sự thay đổi sáng suốt vì lợi ích dân tộc của tướng Thein Sein, một hình ảnh tương đồng với tướng CS Ba Lan Wojciech Jaruzielski.
Trong khi bộ máy bạo lực của chế độ còn rất mạnh, lại chưa có một phong trào quần chúng đông đảo, mọi mong muốn đối thoại với nhà cầm quyền CSVN với hy vọng sẽ mang đến thay đổi chính sách là hết sức ấu trĩ.
Chưa có phong trào xã hội thì chưa thể có thay đổi
Mọi cuộc thương lượng chỉ mang lại kết quả nào đó khi có những con bài trong tay để trao đổi, nhân nhượng. Điều này chúng ta có thể dễ dàng kiểm định qua thái độ ngạo mạn, coi thường phản ứng của dư luận từ những cuộc vận động ký tên vào các bản kiến nghị phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên, trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hay Tuyên bố Văn Giang…
Hàng ngàn chữ ký, bao gồm của nhiều nhà trí thức khoa học và xã hội hàng đầu, có uy tín trong nước, đã không có chút trọng lượng nào ngoài thiện chí của một phía yếu hơn. Những nhà cách mạng lãng mạn đã bị gạt ra lề trong cuộc đối thoại bất xứng.
Ai cũng biết chìa khoá giải quyết mọi nan đề của Việt Nam là cần phải thay đổi cấu trúc chính trị hiện thời và các cơ chế điều hành xã hội của nó. Sẽ không ai trong guồng máy cai trị muốn thay đổi khi bản thân đang gắn chặt với lợi ích quyền-tiền máu thịt, trừ khi có áp lực đủ mạnh của quần chúng.
Nếu một số vị trí thức có tên tuổi và uy tín về chuyên môn cũng như đạo đức ở trong nuớc kết hợp với các nhân tố tích cực từ các tầng lớp xã hội khác như công nhân, nông dân, sinh viên đại học, tiểu thương, giáo dân, v.v… mạnh dạn tuyên bố phát động một phong trào, đúng nghĩa, không phải là thành lập tổ chức chính trị-xã hội, với mục tiêu tranh đấu cho dân chủ, tự do và bảo vệ chủ quyền dân tộc, tựa như mô hình phong trào “Đoàn Kết” ở Ba Lan, “Hiến chương 77″ tại Tiệp Khắc (cũ) hay “Otpor” của Nam Tư (cũ)… tôi tin chắc sẽ có đông đảo người Việt trong, ngoài nước, cũng như cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Rất nên tránh yếu tố nước ngoài trong nhóm những người khởi xướng để ngăn ngừa sự quy chụp từ phía nhà cầm quyền và nghi kị từ phía dân chúng muốn tham gia. Chỉ khi phong trào đủ lớn, đủ mạnh, thì những đại diện mới có con bài để ngồi đối diện với nhà cầm quyền đưa ra yêu sách.
Đáng tiếc, trong nhiều thập niên quá người trong nước, đặc biệt là giới trí thức, những người gánh trách nhiệm tiên phong trong thay đổi xã hội, đã không tạo ra được nền tảng chủ chốt. Tất cả chỉ mới bắt đầu bằng tiếng nói tranh đấu của những người bất đồng chính kiến đơn lẻ, thiếu vắng nối kết có tổ chức, để rồi từng người kết thúc sự dấn thân của mình trong nhà tù với những bản án nặng nề. Vì thế, tương lai khởi động xã hội mãi mù mịt.
Bài học tranh đấu bất bạo động của các nước, đặc biệt của Ba Lan, một quốc gia có gần nửa thế kỷ nằm trong hệ thống CS với Việt Nam, có thể mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm hữu ích, áp dụng vào thực tế Việt Nam.
Nhắc lại kỷ niệm 31 năm ngày cả nước Ba Lan ngộp thở vì khủng bố trong giai đoạn thiết quân luật và ít năm sau sau đó họ đã giành được tự do dân chủ, chính là để những người Việt trong nước nhìn nhận lại phương pháp hành động của mình.
Ngày 10-11/12/2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
———————————————–
* Tư liệu trong bài được lấy từ tư liệu lịch sử của Ba Lan về “Tình trạng chiến tranh 1981-1983″, đặc biệt từ trang: http://en.wikipedia.org/wiki/Martial_law_in_Poland

Giới trẻ học được gì sau những cuộc biểu tình?

Khánh An, phóng viên RFA – 2012-12-12
Khánh An đặc biệt chào đón 3 bạn vừa trở về sau cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 9/12 vừa qua. Chắc hẳn bây giờ các bạn có nhiều điều để kể về ngày chủ nhật đáng nhớ xảy đến cho bản thân của các bạn.
AFP photo -Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012
Khánh An sẽ không làm mất thời gian của các bạn thêm nữa đâu, mà chúng ta sẽ lần lượt tự giới thiệu để ngay sau đó có thể bắt đầu vào chương trình nhé. Nào, mời các bạn.
Trương Ba Không: Tôi là Trương Ba Không. Tôi đang giữ một đầu dây nói ở phía đằng Hà Nội của mình. Tôi là người có thể nói là được “chăm sóc” đặc biệt hơn một chút trong lần biểu tình 9/12 vừa rồi.
Dũng: Mình là Nguyễn Văn Dũng. Mình ở Phú Thọ.
Lâm: Trước tiên Lâm xin lỗi mọi người là giọng Lâm bây giờ hơi khàn.
Dũng: Mình cũng đang khàn đây.
Lâm: Tại vì hôm qua Lâm hét hò nhiều quá. Lâm xin giới thiệu Lâm tên là Bùi Tiến Lâm. Hiện tại Lâm đang sống ở Sài Gòn. Làm làm trang trí mỹ thuật và trang trí nội thất.

Những điều tuyệt vời

Khánh An: Một lần nữa Khánh An chào đón cả ba bạn đến với chương trình Café Wifi hôm nay. Như Khánh An đã nói từ đầu, chủ đề hôm nay của chúng ta chắc chắn có liên quan đến biểu tình hôm Chủ nhật. Có lẽ quý thính giả cũng đã nghe rất nhiều về chi tiết cuộc biểu tình. Các website cũng đã cập nhật đầy đủ cả hình và video. Bây giờ Khánh An chỉ hỏi các bạn vì tất cả ba bạn đều là những người trong cuộc, các bạn đã xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 9/12 thì các bạn có thể kể cho mọi người nghe là điều gì đọng lại sau ngày chủ nhật vừa rồi?
Dũng: Ấn tượng nhất của mình là khi ở trong trại Lộc Hà, một sếp công an xuống hỏi một người bị bắt là “Anh là ai? Tên gì?”, thì tất cả 24 con người đều đồng thanh hát bài: “Anh là ai mà bắt tôi? Tôi làm điều gì sai?…”. Rất là vui! Và chương trình văn nghệ của 24 con người bị bắt trong trại toàn là “Dậy mà đi”, “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu”. Đấy là cái chưa bao giờ xảy ra trong các cuộc biểu tình.
Khánh An: Vâng, điều này thật là tuyệt vời.
Dũng: Cái video ấy đáng ra là upload lên Facebook luôn, nhưng ở đấy, họ đặt cạnh phòng giam một xe phá sóng nên không upload được lên Facebook. Sau đó là họ xóa hết thẻ nhớ của mình.
Khánh An: Vâng. Họ có thể xóa được thẻ nhớ trong máy của anh Dũng, nhưng người ta không thể nào xóa được tất cả những kỷ niệm đã in và lưu giữ rất kỹ trong bộ nhớ trong đầu mỗi người phải không? Cám ơn anh Dũng. Bây giờ thì Khánh An mời bạn Trương Ba Không.
Trương Ba Không: Với tôi thì có 3 kỷ niệm. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là xe của cảnh sát luôn muốn dẹp mọi người, muốn mọi người đi lên trên vỉa hè. Thế thì bạn Nguyễn Văn Phương là thành viên rất tích cực, năng nổ, là người đã đọc Tuyên cáo tại nhà hát lớn, anh ấy phẫn uất và nói một câu là “Khi mà nước nhà đã mất thì đến cái vỉa hè cũng chẳng còn mà đi đâu”, rồi sau đó anh ấy lặp đi lặp lại câu “Tổ quốc là trên hết”.
Ấn tượng thứ hai đối với tôi là lâu lắm rồi, từ cái lần đi thăm chị Hằng (Bùi Thị Minh Hằng) lần cuối cùng vào đầu năm nay thì chúng tôi cũng không có dịp được gặp nhau thường xuyên nữa. Lần vừa rồi thì cũng rất vui là tình cờ một lần nữa lại được đi cùng với chị và nhìn thấy hình ảnh một người dân oan khập khiễng bước đi trên đầu đoàn với một lá cờ màu vàng trên tay và chị khóc.
000_Hkg8090462-250.jpg
Những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc và diễu hành tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Riêng cá nhân tôi lần này được các lực lượng chức năng chăm sóc đặc biệt hơn, xuất phát từ một câu chuyện rất buồn cười, rất khôi hài. Vì họ cứ nghĩ rằng chúng tôi đang làm những việc tự phát này là do có một cái gì đó có tổ chức, hoặc do nước ngoài kích động thế nọ thế kia, cho nên một anh đã nói chuyện với sếp của mình ở quận Hoàn Kiếm là tôi là người đang điều động thêm quân ở nơi khác về ứng trực trong lúc lực lượng 113 đã giải tán chúng tôi. Họ bắt tôi và tôi là người bị tệ nhất trong lần vừa rồi, bị giữ ở một nơi riêng, 8 người thẩm vấn tôi lặp đi lặp lại chỉ một mục đích xem có tổ chức nào gây dựng cuộc biểu tình này không.

Khánh An: Vâng. Trở lại với cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Khánh An muốn hỏi bạn Lâm, bạn có thể kể lại một cách ngắn gọn về ấn tượng nào để lại trong bạn về cuộc biểu tình hôm chủ nhật?
Lâm: Kỷ niệm ngày hôm qua là nó ấn tượng ngay từ lúc ban đầu. Tối hôm trước, Lâm ngồi vẽ những băng-rôn, banner sẵn sàng hết. Sáng sớm 5 giờ sáng Lâm dậy tập thể dục, Lâm đứng trên lầu nhìn xuống thấy có 5 người an ninh đứng trước cửa nhà. Lâm mới vô điện thoại cho Thành và Kim Tiến nói rằng “Phải có một người hy sinh”. Lúc đó là khoảng 7:30 giờ, Thành mang cái áo “No-U”, còn mình thì mang áo “Ủng hộ luật biển đảo”, vừa mới mở cửa đi xuống thì anh công an khu vực chạy vào nhà liền và nói: “Thôi, ở nhà đi, đừng đi biểu tình nữa. Chủ trương nhà nước là vậy rồi”. Ổng nói: “Nếu mà tụi em mà cứ nhất định đi thì anh sẽ bắt tụi em”. Tụi mình mới nói: “Ok, bây giờ tụi em không đi nữa. Anh ra khỏi nhà em để tụi em ăn sáng”. Mình lên lấy áo khoác khoác lại để không cho thấy những cái áo biểu tình, rồi mình nói hai vợ chồng Thành đi ra trước đi. Lúc mình chạy vòng ra thì thấy Thành với Kim bị bắt lại. Đó cũng là một kỷ niệm.
Ngày hôm qua thì có sự ngăn chặn rất tinh vi. Có một nhóm gọi là “phản biểu tình”. Nó vẫn giả danh đi biểu tình nhưng luôn muốn lửa biểu tình bị dập xuống, hoặc là cứ hô “Có móc túi”, thế là an ninh nhảy vô đập.

Kinh nghiệm gì cho bản thân

Khánh An: Vâng, sau khi đi biểu tình về, các bạn có rút ra được bài học nào cho chính bản thân mình sau này không?
Dũng: Một kinh nghiệm quan trọng tôi rút ra là mình tôn trọng an ninh như những con người. Họ cũng bị áp lực cơm áo gạo tiền, họ buộc phải làm công việc đấy thôi. Có một anh an ninh làm việc với tôi trong trại Lộc Hà hôm qua anh chia sẻ “Thực ra là tôi mặc bộ quần áo này nên tôi phải nói như thế này theo chủ trương ở trên. Chứ còn ra ngồi trà đá bia bọt với nhau thì nó lại khác rất nhiều”. Tôi rất thoải mái với họ nhưng cái gì mình kiên quyết phản đối thì mình phản đối tới cùng. Tôi nghĩ tất cả đều là người Việt với nhau, làm sao cho họ hiểu được những người biểu tình là những người đơn thuần yêu nước, không có cái gì là cực đoan cả.
image.jpg
Công an ra sức giải tán người biểu tình chống Trung Quốc hôm 09/12/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Khánh An: Vâng, cám ơn anh Dũng. Còn hai bạn khác thì có rút ra được kinh nghiệm riêng nào cho bản thân không?
Trương Ba Không: Cá nhân tôi, qua các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng thì một kỹ năng lớn nhất rút ra được với tôi là tránh những cuộc hỏi theo kiểu vòng vo, tràng giang đại hải. Mình sẽ mất tập trung, mình trả lời một câu hỏi và nó sẽ đẩy đến câu hỏi và một kết thúc không hay, không có lợi cho mình. Thành ra trong buổi hôm qua là dù gặp được bạn an ninh là đồng hương với tôi nhưng tôi cố gắng tách bạch hai câu chuyện ra. Một câu chuyện của con người với con người, của người đồng hương với người đồng hương. Một câu chuyện của một người đang giữ quyền được phép thẩm vấn và một người dù muốn hay không cũng phải chấp nhận cuộc thẩm vấn như thế. Cho nên tôi yêu cầu bạn ấy hỏi từng câu hỏi và tôi trả lời từng câu một. Tôi nghĩ rằng là trong một cái áp lực mà một người có thể phải làm việc với 7, 8 người thì chúng ta nên trả lời trong một chừng mực và trả lời gọn, theo kiểu câu đối thoại, tránh những câu mang tính chất dẫn dắt. Nó có thể gây bất lợi cho mình.
Khánh An: Vâng, xin cám ơn anh Trương Ba Không. Bây giờ thì Khánh An muốn hỏi kinh  nghiệm riêng của bạn Lâm?
Lâm: Lúc ban đầu, cách đây hơn 1 năm khi Lâm đi biểu tình thì cho đến bây giờ, sau nhiều lần bị bắt, Lâm cảm thấy mình mạnh mẽ hơn thêm. Chính những người an ninh làm cho Lâm mạnh mẽ hơn.
Khánh An: Vâng, một câu hỏi cuối, theo kinh nghiệm của các bạn, các bạn dự đoán sắp tới có biểu tình nữa không? Và biểu tình có dẫn đến một kết quả nào đó có lợi cho Việt Nam hay không?
Trương Ba Không: Mình xin nói ngay là vấn đề biểu tình hay không biểu tình nữa thì trước tiên nó phụ thuộc hoàn toàn vào động thái của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Mặc dù tất cả các cuộc biểu tình đều không được bật đèn xanh và đều bị chính quyền Việt Nam đàn áp bằng cách nọ hay cách kia để dập tắt, nhưng mình nghĩ rằng cho đến nay, qua 5 năm của phong trào biểu tình yêu nước chống Trung Quốc thì nó đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm của người dân Việt Nam. Thành ra mình nghĩ nếu trong tương lai, Trung Quốc còn gây hấn thì dù nhà cầm quyền Việt Nam có cản trở hay dùng các biện pháp nghiệp vụ thế nào thì biểu tình vẫn nổ ra. Còn hệ quả của nó thì mình nghĩ là mỗi người dân Việt Nam, mỗi một người xuống đường như chúng mình thì sẽ phải đi những bước đi rất dài trong nhận thức, trong suy nghĩ của mình. Như thế thì nó mới thúc đẩy được một bước đi khá là ngắn của một xã hội nhưng đó là những bước đi cần phải có, chứ không thể nào dừng lại được.
Khánh An: Vâng.
Dũng: Mình rất đồng ý với ý kiến của anh Trương Ba Không. Ngày hôm qua khi chào anh an ninh làm việc với mình thì anh ấy bảo “Thôi về, đừng đi nữa nhé”. Mình cười bảo “Cái đấy còn tùy thuộc vào Trung Quốc cơ”.
Còn về tác dụng của biểu tình, tôi thấy là nhận thức của người dân càng ngày càng nâng lên khi thấy nhiều người can đảm xuống đường biểu tình bất chấp mọi sự ngăn cản của nhà cầm quyền. Qua những cuộc biểu tình này, mọi người nhận rõ bộ mặt của chính quyền vì chính quyền tự thể hiện thôi. Ngoài chuyện trong nước thì chúng ta đã đánh động được dư luận quốc tế và cho Trung Quốc thấy cái quyết tâm bảo vệ tổ quốc của người dân Việt Nam bất kể chính quyền có như thế nào. Chính quyền có thể hèn nhát nhưng dân Việt Nam không bao giờ hèn.
Lâm: Đúng rồi.
Khánh An: Vâng. Cám ơn các bạn rất nhiều đã tham gia chia sẻ với chương trình.

Tô Hải - Tớ làm cố vấn biểu tình bất đắc dĩ

Kẻ từ cái ngày tớ đi “tụ tập đông người không được phép” năm 2007 ấy, tớ xuýt mất mạng vì ức quá nên tụt huyết áp đột ngột tại trận, phải khiêng vào nhà văn hóa thanh niên Sè Gòn và ra về với kết quả chỉ là mấy cái entries, nặng về than thân trách phận cho một cái dân tộc đã đến lúc “mục mả” do bị cai trị bởi những kẻ yếu hèn không biết xấu hổ vì kẻ thù truyền kiếp đang ngồi trên đầu trên cổ mà vẫn ca “tình hữu nghị 4 tốt, 16 chữ vàng” như thể chẳng có chuyện gì xảy ra ở Trường Sa, hoặc từng xảy ra trên biên giới 6 tỉnh phía Bắc.
Không những thế, hễ ai có ý định đi theo tiếng gọi ngàn xưa của Bà Trưng, Bà Triệu, của vua Quang Trung, Lê Lợi là đều bị coi là “lực lượng thù địch”, thậm chí bắt bớ bỏ tù , đi “cải tạo” để trở thành (người….thân Tầu?)…
Nhưng cũng nhờ trải qua những gì đã xảy ra tại Hà Nội và Sè-Gòn năm ấy tớ bắt đầu có những biến chuyển khá quyết liệt trong tâm hồn là:
- Tình hình cái…dân trí này,
- Tình hình cái thiếu thống nhất về mục tiêu, thiếu bàn tay, khối óc của một tổ chức hay cá nhân có uy tín với mọi thành phần trong xã hội như hiện nay,….
-Tình hình cái quyết tâm bảo vệ bằng được quyền và lợi cho cả ba đời con cháu của một nhóm lợi ích bằng bất cứ giá nào, kể cả nếu cần phải có Thiên An Môn thứ 2, họ cũng không ngại…
-Tình hình lực lượng “cóc nhái nhảy lên làm người”, nay được đứng trong tổ chức gọi là vô sản chuyên chính, còn Đảng còn mình, với những hưởng thụ gấp nhiều lần một giáo sư, bác sĩ (dù chúng có nói ngọng nói ngịu, nẫn nộn, nung tung), dù chúng chẳng biết hai ông tổ Mắc-xờ Lê-nin là ai!), nếu có ra lệnh bắn vào cha chú của chúng, chúng cũng sẵn sàng. Mà chúng thì đông vô kể, quân cũng như tướng, chưa kể bọn công-an-mật vụ không chuyên…chống dân biểu tình trận nào ăn tiền trận nấy.
-Và nguy hiểm nhất là bọn “ngậm miệng ăn tiền” sẵn sàng ra tay (làm gì không biết) nếu xảy ra ở giữa Sài thành này có một triệu người đổ ra đường!? (là ví phỏng xảy ra những năm 2007- 2008 thôi!)
Vậy nên, thời ấy, mình mới đã có hai bài viết:
1-Hương Hoa Lài làm tôi nhức óc
2-Cơn ác mộng kinh hoàng
Bầy tỏ sự chưa tán thành xuống đường lúc ấy bằng bất cứ giá nào, không cần ai, tổ chức nào lãnh đạo gì xất!
Kết quả là mình đã bị “ném đá” không thương tiếc! Thậm chí còn bị những tên lưu manh chính trị cho là mình đã tự đánh rơi mặt nạ là…”Đại Úy Công An văn hóa trá hình”! (Đại Úy với mình thì hơi….thấp quá nhỉ!?)
Năm năm trời đã trôi qua, ông “đại úy công an văn hóa việt cộng” vẫn sống lay lất với đồng lương hưu còm cõi và cái xe bánh mỳ của bà xã đầu đường…và vẫn viết về những gì con tim, bộ óc tưởng đã mấy lần muốn lịm tắt…Nhưng vẫn còn đưa ra công luận những gì có thể ghét, yêu, căm thù…
Và cuối cùng sau mấy trận sống đi, chết lại trong năm qua làm mình đã có thêm cả ngàn người yêu mến và tin tưởng …
Và sáng nay, 3 bạn trẻ, ở tuổi con, tuổi cháu mình đã đến tận nhà báo cáo về những gì họ đã trải nghiệm qua lời khuyên của “cố vấn” biểu tình là tớ!
Số là hôm 8/12/2012, hai trong ba bạn này đã đến tận nhà tớ để xin vài lời khuyên trước khi, lần đầu thấy cần phải vứt đi nỗi “sợ” để xuống đường, biểu tình chống bọn Trung Cộng xâm lược, vì như lời kêu gọi của blogger HNC “Tình hình đã nguy câp quá rồi! Không thể để một mình chính phủ lo nữa!”
Lần này, rút kinh nghiệm cách đây 5 năm mình đưa ra một số ý kiến đặc biệt khác, và : HOAN NGHÊNH SỰ DŨNG CẢM CỦA CÁC BẠN, rồi chúc các bạn lên đường ngày mai “đi thông về suốt”. Nghĩa là hoàn toàn tán thành việc hy sinh và có thể mất công ăn việc làm, hoặc bị đuổi học…có thể xảy ra cho họ!
Mình còn đưa ra những dự đoán như sau :
1- Sẽ chẳng có ông nào có tí tên tuổi đứng lên” lãnh đạo” có mặt đâu, vì hầu hết sẽ hoặc bị mời lên “trên” làm việc hoặc bị ngay dưới cơ sở cớm chìm, cớm nổi sẽ bao vây, thậm chí gây sự, dùng võ lực mời về đồn …cho đến hết giờ biểu tình,…
2- Do địa điểm, giờ giấc tập trung đều công khai trên mạng trước cả mấy ngày thì lẽ nào họ để các đồng chí …“hảo hảo hảo hảo với họ” bực mình! Họ sẽ tìm đủ mọi cách để phá tan biểu tình ngay từ khi chưa bắt đầu !
3- Tớ không thể tin được những vị đã ký tên kêu gọi biểu tình đủ cái “uy” để tập hợp được như mong muốn lấy khoảng….1000 người vì: Ngay chưa biểu tình đã có những người viết trên mạng, lên án ngay các vị ấy là “tội đồ góp phần cho việc mất nước của VNCH” là tay sai cho Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận GPMN ngày nào“! Mà bằng những lời lẽ còn sặc mùi căm hờn khôn nguôi! Không một vị nào “có cỡ” để “đồng bào miền Nam cũ” tin là “phản tỉnh” thứ thiệt cả! Số người tham gia theo tớ, được 200 là…tốt lắm rồi!
4- Lần này chắc chắn sẽ không có đàn áp dữ dội, không có khiêng người vứt lên xe, không có đạp vào mặt, nện dùi cui…. Vì ông anh đã “chơi cha”đàn em bốn cú liên tục, đã làm cho mấy chú giun lờ đờ cũng phải hơi biết……quằn tí chút!
Nhưng dứt khoát đố ai đi thoát khỏi những ngả đường đã có rào chắn với cả ngàn hùm, sói gầm ghè đứng chặn, trừ …bạo động xảy ra….(khả năng này chắc rất ít)…
Cuối cùng tớ lại đưa cái kết luận (giùm) kiên trì của tớ ra là :
A-Chống Trung Quốc tức là chống Đảng- chống Nhà Nước Việt Nam hay cụ thể hơn là chống 14 người trong Bộ Chính Trị! Cho nên…Bằng bất cứ giá nào cũng không thể nhân nhượng! Phải ngăn chặn! ngăn chặn! Nhớ lấy! Nhớ lấy!
B- Không bao giờ có thể lật đổ được họ bằng biểu tình trừ chính nội bộ họ dùng biểu tình để thịt nhau!
C- Đi thì cứ đi như tớ năm 2007, nhưng đừng có…buồn (!) hoặc huyết áp trồi sụt bất tử vì tuổi trẻ các cậu luôn cần nạp năng lượng yêu nước và lòng căm thù quân bán nước để chờ một ngày nào đó, thời cơ có thể đến bất thình lình lình ….Ví dụ chính bên đất Tầu, chính người cộng sản mô-đéc theo kiểu Tầu với phương châm “mèo trắng mèo đen” bỗng nổi hứng lên cho nhau dựa cột cả lũ….
Lúc ấy, không tỉnh táo, nhanh tay, nhậy bén chính trị…Việt Nam khéo lại rơi vào tay lãnh đạo của mấy tay cơ hội đủ loại thì….khốn!
Đó là tóm tắt những gì tớ đã cố vấn cho họ...Tuy nhiên tớ thú thiệt vẫn hy vọng….biết đâu đấy sẽ thành “đám cháy lớn” khi những “ngọn lửa nhỏ” này đã gạt hết mọi sợ hãi để quyết xuống đường…
Thế nhưng…
Giờ đây, ngồi trước mặt tớ là hai bạn, (trừ một bạn nữ phải lên lớp), ngày hôm qua mới coi tớ như “cố vấn”…Bạn nào cũng nói đi nói lại câu : “Buồn quá chú ơi!” Và họ giốc mọi thất vọng ra cho tớ nghe :
- Chẳng làm được cái gì hết!
- Nó tổ chức phá từ rất sớm! Các đường phố đều có ba-ri-e , Thềm nhà hát lớn chúng cho một dàn kèn bu-dích quân đội thổi lăng nhăng cùng với loa của bọn công an mời giải tán cho…. đúng pháp luật!

Mấy anh xưa lẫm liệt xuống đường chống Mỹ, chống VNCH nay gan dạ được như cụ bà Lê Hiền Đức chưa?
Âm binh quái thú áo sọc xanh trắng trà trộn vào đoàn biểu tình hát nhăng cuội mấy bài trẻ con như Cháu lên ba, Một con vịt...để gây nhiễu- Ảnh: CLS, từ DLB
...rồi la hét, lu loa lao vào cướp giật băng rôn
Ngoài ông Huỳnh Tấn Mẫm và nhà báo Lê phú Khải, nhà thơ Lưu Trọng Văn có mặt, nhưng không ai nói nổi một câu nào vì cái quân “phá biểu tình” nó đồng ca từ “Bắc kim thang cà lang bí dợ …” đến “Bé lên ba bé đi mẫu giáo”, “một con vịt xòe ra hai cái cánh”..rồi hò nhau “Thôi về thôi!”
Mình cứ để hai bạn kể và….chửi thoải mái rồi mới hỏi (có chủ định)
-Thế “phe ta” không có cái loa pin nào à !
-Không! Tuyệt đối không! Mà có thì ai là người giữ loa cầm trịch? Ai phát biểu và phát biểu cái gì? với ai? –Không biết!?
-Có ông giáo sư Tương Lai có ý định phát biểu trước đồng bào nhưng «nó» mời lên đồn «ngồi chơi xơi nát» mất rồi nên.....tất cả ....chẳng có mấy người hô khẩu hiệu gì cho mọi người hô theo cả!
- Duy nhất có một bạn trẻ có cái khẩu hiệu con con thì «bọn nó» xúm vào giật rách bươm thế là...Hết! cứ như một đám người tò mò đứng xem một tai nạn xe cộ vậy!
- Và rồi tất cả chẳng ai bảo ai, cứ lặng lẽ rút lui...Buồn cho cái «văn hóa biểu tình» ở xứ Sài thành ngày xưa từng lừng danh trong các cuộc biểu tình «chống Mỹ»!
- Mà so ngay với Hà-Nội, qua các video clip thì Hà Nội ít nhất cũng có tổ chức hơn Xè gòn! Họ còn chuẩn bị băng rôn, cờ quạt, micro, loa, còn có bà Lê Hiền Đức «quyết đổ máu phen này» với bọn cố tình ngăn cản bà, mà bà vẫn đã cố thoát ra được Nhà Hát Lớn để lên tiếng «Đả đảo!» cho mọi người hô theo!
- Mình vội lên tiếng: «Cũng chẳng đi đến đâu! Cuối cùng thì vẫn là mấy gương mặt thanh niên nam nữ nhiệt tình cũ, Không tìm thấy thêm những gương mặt «sáng giá» nào mới, ngoài nhà báo trẻ...Đoan Trang và cô Bùi (thị Minh) Hằng!”!
Chẳng lẽ tất cả đều không có cái «tài trốn đi biểu tình» của ông Huỳnh Tấn Mẫm trong Xè-Gòn? Chẳng lẽ ngoài ông t/s Nguyễn quang A ra, tất cả các nhân sỹ Bắc Hà đều bị giam lỏng ở nhà hết? Đâu rồi các nhà nọ nhà kia, văn thơ nhạc...tướng này tá nọ, giáo nọ sư kia nghiên này, cứu nọ, nhân nọ sỹ kia?
Đâu rồi các blogger và chủ các trang web rất giỏi viết, lý luận cực kỳ? Chẳng lẽ viết và nói là một đằng còn trực diện đấu tranh với quân cướp nước và bán nước là việc chỉ của những Lã Việt Dũng, Nguyễn Tường Thụy... ???
Chẳng lẽ họ cũng bị «đóng đanh» tại giường như tớ ở cái tuổi sắp 86?!
Và mình nhắc lại cái ý mà mình từng bị ném đá:
CHỪNG NÀO ĐI ĐẦU ĐOÀN BIỂU TÌNH KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG CÁI TÊN « KHÔNG THỂ BẮN, KHÔNG THỂ BẮT» thì mọi thứ, từ « xin phép » hay « tự động biểu tình » không bao giờ có được ép-phê như mong muốn.
Lý do muôn thuở « CHỐNG TRUNG QUỐC LÀ CHỐNG CHÍNH HỌ »
Họ biết thế và tự cảm nhận được dù ai đó có « kính gửi », « kính thưa » « kính xin », « ký tên tuyên bố » này nọ, dù có bảo đảm là « chúng tôi đang chống xâm lược để ủng hộ các anh, để các anh làm tốt hơn công tác ngoại giao !!! ». Nhưng...chúng tao chả chơi dại! Biết đâu đấy lại..... mất hết ngai vàng, tài khoản tỉ tỉ đô-la mà các « nhóm lợi ích tốt » đã nắm giữ!!!
Thú thật mình rất buồn khi phải viết ra những điều này và ước mong cháy bỏng của mình cho đến hôm nay không phải là mong các ông ấy (trong đó có rất nhiều người là đồng học, đồng khóa, đồng ngũ, đồng hương, đồng nghiệp của mình) sẽ :
MỘT NGÀY NÀO ĐÓ HÀNG NGÀN, HÀNG VẠN NGƯỜI SẼ NOI THEO PHẠM QUẾ DƯƠNG, VŨ CAO QUẬN, PHẠM ĐÌNH TRỌNG...MÀ RA TUYÊN BỐ: GIÃ TỪ CÁI CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN CẢ MỚI LẪN CŨ NÀY!
KHÔNG CẦN CÁC ÔNG XUỐNG ĐƯỜNG HAY LÊN ĐƯỜNG LÀM GÌ!
Chỉ cần như thế thôi, mình tin rằng sức mạnh của nó sẽ đủ giúp cho lớp trẻ noi theo đứng lên giật xập cả cái cơ chế cai trị kinh khủng nhất lịch sử loài người này!
Bây giờ thì..... «Buồn ơi chào mi!» đi!
Họ đã ra đến ngoài hành lang rồi mà mình vẫn nghe một câu nói vẳng tới: «Ông già gân phán đoán chẳng sai chỗ nào!»
Nhạc sĩ Tô Hải 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét