Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY

 Ngành giáo dục và các bậc phụ huynh nghĩ gì, làm gì trước những cái chết thương tâm của học sinh như thế này?

Sức mạnh của lời nói vô cùng to lớn. Có những lời nói là động lực thúc đẩy người khác trở lên hoàn thiện, trở thành người có ích cho xã hội. Lời nói của cô Thuỷ dạy văn, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A7 trường Trung học Phổ thông Lý Nhân, Hà Nam đã cướp đi sinh mạng của học sinh Nguyễn Văn Phúc ngày 30/10/2012.
Phúc là một học sinh ngoan hiền, học giỏi. Với tính thâm trầm ít nói nhưng rất nhiệt tình trong công việc và thân thiện với những người xung quanh. Em được sinh ra trong một ra đình nông dân địa chỉ: Nguyễn thị Hồng Điệp (mẹ Phúc). xóm5 thôn Phú Đa, xã Công Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Vì kế sinh nhai gia đình em đã phải chuyển đi nhiều nơi để làm ăn.
Năm học 2010-2011 khi thi vào THPT, bố mẹ em quyết định chuyển về quê làm ăn. Em theo bố mẹ về thi vào Trường THPT Công lập bị thiếu 0,5 điểm, vì thế em phải học ở trường Dân lập 1 năm. Với quyết tâm thi vào trường Công lập em vừa học vừa ôn năm sau thi lại em đã đủ điểm vào học ở trường THPT Lý Nhân, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Chuyện xẩy ra từ việc học thêm trong dịp hè năm 2011 -2012
Khi nghỉ hè em đã đăng ký học thêm ở trung tâm gần nhà. Một thời gian sau, cô Thuỷ chủ nhiệm dậy môn văn có tổ chức dậy thêm ở trường, em đăng ký học được vài buổi thì thấy học cô Thuỷ em không hiểu bài bằng học ở trung tâm nên em nghỉ học mà vẫn phải đóng tiền học đầy đủ. Em quay về trung tâm để học thêm. Khi cô Thuỷ biết chuyện cô tỏ thái độ không hài lòng và dùng lời nói và thái độ kỳ thị em.
Theo lời kể của các bạn học cùng lớp, khoảng 2 tháng trước cô Thuỷ mắng Phúc trước 44 học sinh trong lớp rằng: “Phúc là kẻ bệnh hoạn, tự kỷ. Thà tôi nhận một học sinh đúp còn hơn là nhận một học sinh mang mác Dân lập, những người đào tạo trong môi trường đấy ra chắc cũng chẳng ra gì?”. Từ đấy Phúc trở nên trầm lặng và buồn hơn.
Phúc và bạn Minh chơi thân với nhau và ngồi gần nhau, mỗi khi thầy cô giáo giảng bài nhanh mà Minh không kịp hiểu, Minh quay qua hỏi Phúc đều được Phúc tận tình chỉ bảo. Cô Thủy kỳ thị với Phúc nên quyết định chuyển Minh ngồi chỗ khác, được vài hôm khi không hiểu bài Minh không biết hỏi ai nên tự động chuyển về chỗ cũ ngồi cạnh Phúc.
Sáng 30/10/2012 cô Thuỷ biết chuyện đã phạt Phúc và Minh xuống bàn cuối. Minh giải thích với cô Thuỷ “đây là tự em đổi chỗ, khi em xuống đây Phúc đã đuổi em về chỗ cũ nhưng em không về, vì thế có phạt thì cô chỉ phạt mình em chứ Phúc không có lỗi” . Cô Thủy đập bàn, chỉ tay vào mặt Minh quát: “Câm mồm”. Cùng buổi sáng hôm ấy có thu bài kiểm tra môn văn theo nhóm của tuần trước. Phúc nộp bài nhưng cô Thuỷ chỉ lấy điểm bài của nhóm trừ bài của Phúc và không cho Phúc điểm kiểm tra. Cô Thuỷ gọi những bạn ngồi bàn cuối là Tử Sỹ, cô không quan tâm, không chấm bài kiểm tra, không tổng kết, không coi là thành viên của lớp và cô còn bảo vì đóng tiền rồi nên cho ngồi nhờ.
Khi tan học Phúc nói với bạn H1 cùng lớp “dù có làm ma tao cũng phải về bóp cổ con đĩ Thuỷ”, khi Phúc nói có bạn A lớp 11A10 và bạn T lớp 11A9 cùng nghe. Trên đường về Phúc có tâm sự với bạn H2 cùng lớp với những câu đối thoại:
H2: sao mày không có tội mà mày chịu cô phạt như thế?
Phúc: tao có quá nhiều lời để cãi, tại tao uất ức quá, thực sự lúc đấy tao không muốn cãi gì.
Nói chuyện lung tung một lúc Phúc bảo “Ngày mai tao sẽ cho chúng mày được lên tất bàn trên ngồi” rồi chia tay về nhà.
Khoảng 1h chiều Phúc nhắn tin cho L. A cô bạn cùng lớp với nội dung “Anh uất quá không ăn được cơm, tội của anh đâu đáng bị xử như thế, còn nhiều đứa mắc lỗi nhiều hơn anh mà không bị phạt như anh, anh sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này”. Vì tin nhắn đầy nên L.A đã xoá tin nhắn khi chưa biết tin Phúc chết. Khoảng 3h chiều người nhà phát hiện Phúc đã treo cổ tự vẫn.
Khoảng 4h chiều CA đến điều tra lấy các tin nhắn trong ĐT của Phúc gửi cho bạn bè đều nói đến việc liên quan đến hình phạt và những lời kỳ thị của cô Thuỷ đối với em. Rồi CA thẩm vấn 3 người bạn mà Phúc đã gửi tin nhắn và cô Thuỷ là người có liên quan, sau đó gia đình đã chôn chiếc điện thoại đấy theo Phúc.
Khi biết tin Phúc mất các bạn học đến rất đông, cô Thuỷ cũng đến, ngay trước quan tài của Phúc, các bạn cùng lớp đã uất ức khi thấy cô Thuỷ với vẻ mặt trâng tráo các bạn đã không kìm được cảm xúc lên mắng chửi cô rất thậm tệ, các bạn cho rằng những lời miệt thị, xúc phạm nhân phẩm và hành vi xử phạt vô lối của cô đã làm Phúc uất ức mà tự vẫn. Vì thương Phúc có một số bạn thân cùng lớp đã ngất nên ngất xuống trong đám tang, khi đưa tang về cô Thủy nói với một bạn trong lớp “sao các em phải lăn lê bò toài ra như thế?” đấy là câu nói làm cho các bạn của Phúc càng căm hận cô hơn.
Sau cái chết của Phúc cô Thuỷ không hề tỏ ra hối nỗi mà cô càng tỏ ra lộng hành, doạ nạt và miệt thị học sinh hơn. Cụ thể như khi trả bài kiểm tra của lớp 11A3 bạn D một học sinh giỏi được 6 điểm văn, cô mỉa mai “đến bạn D còn được những 6 điểm” bạn D không nói gì cô lại nói “thôi tôi không nói nữa có không lại mất thêm 1 học sinh nữa thì chết tôi”. Câu nói này của cô đã làm các bạn lớp 11A3 chạnh lòng, sau buổi học nhiều bạn trong lớp đã rủ nhau đến thắp hương để chia sẻ nỗi uất ức mà Phúc đã phải chịu đựng từ cô Thuỷ.
Thứ 7 ngày 03/11/2012 trong tiết sinh hoạt cô Thuỷ đã đe doạ học sinh lớp 11A7 rằng “ sau đợt thanh tra này tôi sẽ mở cuộc họp phụ huynh, những anh, chị nào xúc phạm tôi, tôi sẽ cho lên gặp ban giám hiệu và CA để giải thích tại sao lại xúc phạm tôi như thế? Các anh, các chị nên biết tôi đã được mệnh danh là Dũng sỹ diệt học sinh. Các anh, các chị muốn tôi hối hận thì tôi sẽ cho các anh, các chị phải hối hận cả đời”.
Khi nói chuyện, các em cho tôi biết cô Thủy không chỉ kỳ thị, nhục mạ và có những hình phạt vô lối với Phúc mà nhiều bạn nam trong lớp đã bị cô dùng kéo cắt áo sau giờ thể dục hoặc giờ ra chơi nóng bức vào mà chưa kịp cho áo vào trong quần, bị cắt tóc khi tóc mái để dài hay cô thấy không hợp mắt cô. Hay những ngày chủ nhật đi học thêm mà đi dép lê thì cô dùng đế giầy cao gót dẫm lên chân cho tới khi chảy máu còn chuyện cô véo tai và tát vào mặt học sinh là chuyện thường tình. Những hôm trời mưa. bạn nào mà đi dép lê cô bắt phạt bỏ dép ra đi giật lùi dưới mưa. Các em bảo những hành vi trên của cô Thuỷ đối với học sinh đã có từ 4 năm nay, ban giám hiệu nhà trường đều biết cả nhưng vẫn làm ngơ.
Đây là chiếc áo đã bị cô Thuỷ giáo viên chủ nhiệm lớp 11A7 trường THPT lý nhân, hà nam cắt của học sinh. Trong năm học này đã có nhiều em bị cắt áo như thế này. Hành vi cắt áo, cắt tóc học sinh của cô đã có từ 4 năm nay.
Một em nói với tôi “chị ơi sau cái chết của Phúc chúng em không muốn cô Thuỷ tiếp tục dậy chúng em nữa, bởi mỗi khi nhìn thấy cô, nghe cô nói những lời miệt thị, đe doạ là chúng em lại nhớ tới những lời cô đã xúc phạm nhân phẩm và những hình phạt vô lối của cô đối với Phúc, và nhớ tới hình ảnh cái chết thương tâm của Phúc, điều đặc biệt là cô Thuỷ không hề biết hối hận mà càng tỏ vẻ ta đây để đe doạ và miệt thị chúng em. Giờ đây chúng em phải làm sao khi ban giám hiệu của nhà trường vẫn bảo vệ cô ấy, trong khi một số bạn trong lớp em tinh thần hoảng loạn gia đình đã phải xin cho các bạn ấy nghỉ học và đưa đi chơi xa mấy hôm để các bạn ấy ổn định lại tinh thần”. Bạn khác bảo “ chị ơi một người với tư cách và đạo đức như cô Thuỷ không thể để làm giáo viên được chị ạ!
Khi tôi hỏi ý kiến của bố mẹ các em về việc này như thế nào? Một bạn nữ khóc và nói “mẹ em bảo thực sự mẹ không muốn con tiếp tục phải học một cô giáo như thế nữa. Nhưng bố con không có nhà, mẹ thì không hiểu luật pháp, mà cả huyện chỉ có một trường TPTH này, giờ mẹ mà lên tiếng nhà trường và cô giáo lại kỳ thị với con như kỳ thị với Phúc thì mẹ phải làm sao? Chuyển lớp thì nhà mình không có tiền, không có người quen thì nhà trường không cho chuyển?” nhiều bạn khác nói: bố mẹ em đồng ý với em về việc yêu cầu đổi cô giáo chủ nhiệm, nhưng bố mẹ em không biết phải làm thế nào? Vì trong xã hội VN hiện nay những trường hợp như thế này quá nhiều rồi, các bậc phụ huynh lên tiếng mà không được nhiều người trong xã hội giúp đỡ thì ngành giáo dục vì thành tích họ sẽ bảo vệ nhau rồi, kết quả chỉ có chúng em là người chịu hậu quả. Vì thế chúng em rất mong chị giúp chúng em đưa sự thật này ra công luận để nhiều người biết đến, và chúng em cũng mong các thầy cô giáo chân chính, những bậc phụ huynh và những người tốt trong xã hội giúp đỡ, chỉ dẫn cho chúng em để chúng em biết mình phải làm gì để có thể loại bỏ được một người không có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp như cô Thủy ra khỏi ngành giáo dục, vì là cô giáo dậy văn, ngoài việc dậy học sinh cái chữ cô còn là người dậy học sinh đạo đức và cách sống làm người, mà cô Thuỷ thì không có những đức tính đấy. Sau khoá học của chúng em là những đứa em, đứa cháu của chúng em vẫn phải tiếp tục học. Chúng em mong muốn những em bé ấy sẽ được học trong môi trường tốt hơn bởi những thầy cô giáo chân chính.
Không chỉ các em học sinh lớp 11A7 mà còn nhiều học sinh của các lớp khác trong khối 11 và có những học sinh đã ra trường rồi mà từng bị cô Thuỷ cắt áo, cắt tóc sẵn sàng đứng ra làm chứng để vạch trần những hành vi vô nhân đạo của cô Thuỷ đối với học sinh từ 4 năm nay với mong muốn trả lại sự trong sạch cho nền giáo dục và mong linh hồn của Phúc sớm được siêu thoát.
Khi tan học các bạn vẫn rủ nhau đến thăm mộ Phúc
Rất mong nhận được sự giúp đỡ lên tiếng và chỉ dẫn của toàn thể mọi người quan tâm đến công lý và sự thật. Khi bạn giúp các em học sinh này cũng chính là bạn đang giúp con em của mình.

Túi khôn Trung Quốc đến từ đâu?

Cửa hàng của hãng Apple tại Bắc Kinh
Trung Quốc đang có những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, nhưng thiếu những cải cách trong hệ thống giáo dục và một văn hóa khoan dung trước sự thất bại thì Trung Quốc sẽ không sản sinh ra những Steve Jobs, doanh nhân công nghệ Lý Khai Phục nói trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, và đây là một phần trong một hàng loạt chuyên đề về các thách thức cho các nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc.

Hỏi: Tình hình công nghệ ở Trung Quốc như thế nào khi ông tới đó vào cuối những năm 1990?

Năm 1998, tôi trở lại Trung Quốc để làm việc cho hãng Microsoft và bắt đầu lập các phòng nghiên cứu công nghệ. Thanh niên Trung Quốc mà tôi đã gặp khi ở Mỹ tỏ ra có nhiều tiềm năng và rất khao khát thành công, rất chịu khó làm việc. Tôi cảm thấy với kinh nghiệm của mình tôi có thể giúp họ tận dụng hết tiềm năng của để làm ra những điều tuyệt vời cho chủ công ty của tôi.

Hỏi: Kể từ đó đã có những thay đổi như thế nào thưa ông?

Vào cuối những năm 1990 vẫn còn thiếu sự lãnh đạo trong kinh doanh. Các công ty được xây dựng, nhưng các nhà lãnh đạo lại không có đủ kinh nghiệm để điều hành chúng. Các ngành công nghiệp khi đó nhỏ hơn rất nhiều và có cảm giác như tại một quốc gia lạc hậu.

Mười bốn năm sau, chúng ta thấy một nền kinh tế đầy sôi động với các công ty mạnh và thành công được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm. Vào thời điểm đó, nhiều công ty chỉ chuyên về sản xuất và nay có khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ chưa phải là đi đầu trên thế giới, nhưng họ là những công ty có khả năng với đầu tư công nghệ khá.

Hỏi: Trung Quốc có khả năng như thế nào trong việc phát triển một ngành công nghệ thực sự sáng tạo?

Ông Lý Khai Phục
Ông Lý Khai Phục, doanh nhân Mỹ gốc Đài Loan, cho rằng Trung Quốc cần cải cách giáo dục

Tôi cho rằng Trung Quốc đang trên đường để có thể cạnh tranh với Hàn Quốc. Các công ty có thể đưa ra các ý tưởng về sản phẩm mới và hiểu rõ nhu cầu của người sử dụng. Nhưng để bắt kịp với ngành công nghệ Mỹ - với Thung lũng Silicon - thì còn là cả một chặng đường khá khó khăn.

Các công ty như Apple và Google có tính sáng tạo từ gốc rễ, được xây dựng để làm thay đổi thế giới và với những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn. Mỹ có một nền văn hóa chấp nhận thất bại, được thúc đẩy bởi niềm đam mê cá nhân. Các công ty không phải được thành lập để kiếm tiền hoặc để biến những người sáng lập ra công ty thành tỷ phú, mà để xây dựng những công nghệ tuyệt vời.

Trung Quốc là một nhà nước mà mong muốn lớn của các doanh nhân là giành ảnh hưởng và trở nên giàu có. Nó vẫn còn là nơi mà các công ty Trung Quốc hiểu nhu cầu của người dùng và cung cấp cho nhu cầu đó chứ không phải hiểu biết nhu cầu của người dùng mà chính người dùng có thể thậm chí không nhận rõ.

Trước khi đạt tới mức độ sáng tạo đó, Trung Quốc đã phải vượt qua rất nhiều vấn đề về văn hóa, giáo dục, một đất nước nhấn mạnh tới kỷ luật và sự vâng lời. Trong khi đó Silicon Valley thì sáng tạo, đam mê, nổi loạn và không biết sợ. Chính bởi những khác biệt như vậy, sẽ khó có một Steve Jobs hay Mark Zuckerburg được sản sinh ra ở Trung Quốc.

Hỏi: Liệu có thể có đổi mới/sáng kiến thực sự khi xã hội và chính trị là theo kiểu chỉ đạo là từ trên xuống như vậy hay không? Thế còn kiểm duyệt thì sao?

Đổi mới là một phần chủ chốt cho hiện tại và cho kế hoạch 5 năm tới vì thế chính phủ sẽ có cơ hội sử dụng nguồn lực vào các liên doanh, các trường đại học và các nghiên cứu.

Tuy nhiên có một số câu hỏi được đặt ra: quý vị không thể buộc hay ra nghị định để có đổi mới từ các tài trợ hay từ việc lên kế hoạch. Tôi cho rằng các kế hoạch 5 năm sẽ đưa Trung Quốc lên mức như Nam Hàn nhưng Trung Quốc sẽ không đạt tới mức sáng tạo thực sự của những người đi tiên phong như Jobs và Zuckerburg.

Một mặt nó hạn chế những gì người ta có thể làm nhưng nó cũng tạo ra một môi trường mà nhiều công ty Mỹ không thể vào hoạt động hoặc chọn không vào hoạt động. Như vậy sẽ làm giảm tính cạnh tranh và mở cửa thị trường cho các công ty nội địa.

Hỏi: Vậy ông muốn các tân lãnh đạo Trung Quốc làm gì để khuyến khích đổi mới, sáng tạo?

Tôi muốn được thấy đổi mới về giáo dục nhưng được thực hiện một cách đúng đắn, từ từ để hệ thống giáo dục của Trung Quốc có thể duy trì nhũng điều tốt đẹp của nó, như phát triển các kỹ năng cơ bản.

Nhưng điều quan trọng là để một số ảnh hưởng của phương Tây được tràn vào như vậy sinh viên không phải chỉ ngồi trong phòng và làm theo các chỉ thị mà học cách đặt những câu hỏi quan trọng. Việc đưa lối nghĩ có suy xét và tính tò mò có lẽ là điều quan trọng nhất tôi hy vọng sẽ được thấy tại Trung Quốc.

Tôi cho rằng chính phủ cũng cần sử dụng nguồn lực vào việc cho phép các chuyên gia được đưa ra các quyết định quan trọng, vì các quan chức chính phủ không thể là các chuyên gia trong việc quyết định tài trợ cho công ty nào, công nghệ nào được tặng thưởng hay thậm chí kiểu tài năng nào cần được giáo dục hay hoặc để được đưa vào Trung Quốc.

Hỏi: Sức mạnh của microblogs tại Trung Quốc là gì?

Tôi viết một cuốn sách về thay đổi của microblogs ở Trung Quốc. Đó là một điều tôi nghĩ sẽ xảy ra và nó đã xảy ra. Nó tạo nên một diễn đàn cho mọi người đóng góp những ý kiến, suy nghĩ và quan sát của họ cũng như chia sẻ tất cả những điều đó vào thời điểm thực, tức đúng lúc nó xảy ra.

Microblogs phản ánh những sự kiện đang diễn ra như các vấn đề xã hội, tình trạng bất công tại tòa án, tham nhũng tại chính quyền địa phương và thông tin về các sự kiện tại Mỹ, như bầu cử Tổng thống - tất cả những thông tin vốn không thể có được trước đây,

Báo chí do nhà nước làm chủ có một quan điểm chứ không phải nhiều chiều và microblogs mở ra những thông tin mới cho mọi người và ở mức độ nào đó tạo đôi chút tự do ngôn luận và minh bạch. Nó thậm chí có tác dụng như một hình thức truyền thông kiểm tra chính phủ vì khi truyền thông là do nhà nước sở hữu thì nó khó có thể làm được việc đó.

Mặc dù microblogs đã khơi gợi thêm chỉ trích đối với chính phủ, giới chức trách cũng có xu hướng phản ứng có tính xây dựng. Và khi các viên chức chính phủ bắt đầu các microblogs của chính họ, nó đem họ lại gần với người dân hơn.

Hỏi: Liệu chúng ta sẽ được thấy những đổi mới sáng kiến gì từ Trung Quốc?

Trung Quốc có lẽ sẽ không tạo ra các sản phẩm có thể làm thay đổi thế giới. Đổi mới/sáng kiến có lẽ sẽ là từ việc lấy những sản phẩm đã được biết đến và áp dụng chúng vào một bối cảnh khác. Tôi có thể thấy điều đó có hiệu quả ở những lĩnh vực có được sự ủng hộ của chính phủ, những lĩnh vực không cần tới suy nghĩ đột phá nhưng được phép thử nghiệm và được phép thất bại như trong ngành dược và năng lượng thay thế.

Hỏi: Ông cho rằng Trung Quốc sẽ như thế nào trong 10 năm tới?

Thật khó nói. Có nhiều áp lực và mong muốn có cải thiện về luật pháp, có đại diện rộng rãi hơn và minh bạch hơn. Tôi có quan điểm khá khả quan và tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy có tiến bộ.

Vẫn luôn có thể xảy ra những trường hợp đáng tiếc và tôi không thể đánh giá mức độ những thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào. Nếu quý vị có cái nhìn cho thời gian khoảng 3-4 năm thì tiến bộ dường như là không đáng kể nhưng nếu nhìn xa hơn cho khoảng thời gian 8-10 năm thì có lẽ sẽ có tiến bộ về mức độ cởi mở.
(BBC)

Bộ Chính trị VN ‘sẽ giáo dục thân nhân’

Đại tướng Lê Hồng Anh có bài phát biểu nêu cam kết về tự phê bình

Các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam vừa có kỳ họp để thông báo kết quả tự phê bình trước một loạt cựu lãnh đạo cao cấp.

Cuộc họp sáng 8/11/2012 ở Hà Nội được truyền thông nhà nước đưa tin là dịp để các lãnh đạo đương nhiệm thông báo “kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện nay với các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước”.

Trang của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho hay các ông Lê Hồng Anh (Thường trực Ban Bí thư ), Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ chức), Đinh Thế Huynh (Trưởng ban Tuyên giáo) và bà Hà Thị Khiết (Trưởng ban Dân vận), đã đón các vị cựu lãnh đạo cao cấp.

Trong số này báo chí Việt Nam cho hay có hai cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Cựu Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Văn An và một loạt vị cựu phó chủ tịch nước và phó thủ tướng.

Nhưng trong số các ủy viên Bộ Chính trị đương chức, không thấy có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

'Lợi ích cá nhân'

Điều đáng chú ý là trong bài phát biểu do ông Lê Hồng Anh đọc tại hội nghị, các lãnh đạo đương chức của Việt Nam đã cam kết với các cựu lãnh đạo đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân”.
"Đảng viên không được làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng"

Bài diễn văn cũng nhắc đến nhiệm vụ của các lãnh đạo phải “giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng”.

Thân nhân của các lãnh đạo cũng được yêu cầu phải tuân theo “chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống”.

Các quan chức cao cấp nhất của Đảng trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng phải “tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm”.

Trong văn bản do Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố ngày 15/3/2012 có ghi chi tiết hàng loạt hành vi mà đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và thân nhân họ không được làm.


Đảng viên cao cấp ở Việt Nam không được 'tư vấn' cho bố mẹ, vợ chồng, con...để kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến chức vụ của họ

Đó là những chuyện nhỏ như "đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói" (điều 18), tới lớn hơn như "tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức kinh doanh khác của bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến thẩm quyền quyết định" (điều 8).

Thậm chí, đảng viên còn không được "làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên" (điều 1).

Bài của VOV chỉ nói rằng nhiều vị cựu cán bộ cao cấp dự Hội nghị đã phát biểu về công tác thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng nhưng không nói rõ ai nói và không trích thuật lời của họ.

Nghị quyết Trung ương 4 là văn kiện về “kiểm điểm, phê bình và tự phê bình” trong Đảng nhằm trấn an người dân Việt Nam rằng Đảng cầm quyền vẫn còn đủ tư cách để lãnh đạo đất nước.

Thời gian qua, các vụ tham nhũng lớn, thất thoát tài sản công và rối loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã làm suy yếu uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, sự hoành hành của các nhóm lợi ích nhiều khi tập trung các nhóm thân hữu, thân nhân và thân quen của lãnh đạo cao cấp đã góp phần tạo tâm lý bất công xã hội, và cản trở chính sách đúng.
(BBC)

'Quốc hội chỉ sửa Hiến pháp lặt vặt'

Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch đặt vấn đề chống lạm quyền

Lần tu chính hiến pháp mà kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 đang bàn thảo chỉ sửa đổi về mặt kỹ thuật, hình thức của 'đạo luật gốc' là chính mà không đề cập các vấn đề cơ bản như điều chỉnh hệ thống, thể chế chính trị, cùng các quyền cơ bản của người dân, theo một số chuyên gia từ trong nước.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 08/11/2012, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Hợp, chuyên gia luật hành chính từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nói ông tin rằng các sửa đổi đều nằm trong khuôn khổ chủ trương, chính sách của Đảng, do đó sẽ không có sửa đổi gì lớn:

"Tôi cho rằng lần này sửa hiến pháp, thì đảng và nhà nước vẫn chưa có quyết định gì lớn.

"Hầu như các vấn đề lớn và cơ bản vấn giữ nguyên. Các sửa đổi là rất nhỏ."

"Cái gì cần thiết lắm thì mới sửa, còn cái gì chưa thực cần thiết mà chưa có cản trở gì, thì vẫn để tiếp tục. Chỉ tập trung vào các yếu tố kỹ thuật, còn theo tôi không có sửa gì nhiều lắm."

Về khả năng hiện thực và thời điểm được đưa ra bàn thảo của vấn đề tăng cường hay không quyền lực của Chủ tịch nước, ông Hợp nói:

"Có nhiều quan điểm khác nhau về tăng cường quyền lực cho Chủ tịch nước, vấn đề này có lẽ về góc độ khoa học nhiều hơn, còn không phải hoàn toàn do thực tiễn.

"Theo tôi hiến pháp quy định thế nào, thì thực hiện cho đúng các quyền lực đó, thế thôi."

"Cũng có một số ý kiến lần này cho rằng cần tăng cường quyền lực cho Chủ tịch nước, nhưng tôi cho rằng chưa chắc Quốc hội quyết định như thế."

Chuyên gia này không cho rằng Việt Nam trong thời gian tới đây có thể đặt vấn đề về điều chỉnh chế độ chính trị theo hình thức Tổng thống chế.

"Tôi cho rằng sẽ không có hướng đó," ông nói.

Về quy định quyền của Chủ tịch nước chủ tọa phiên họp của Chính phủ, ở khía cạnh quan hệ quyền lực giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, ông Hợp nói:
"Trong trường hợp nào phức tạp và có vấn đề gì lớn cần đến ý kiến của Chủ tịch nước, thì Chủ tịch nước phải chủ toạ, theo tôi điều đó cũng bình thường, trước kia đã có quy định" - PGS. TS. Nguyễn Cảnh Hợp
"Hiến pháp 1959 cũng quy định Chủ tịch nước có quyền chủ tọa các cuộc họp của Chính phủ trong trường hợp xét thấy cần thiết, thì cái này do Chủ tịch nước quyết định.

"Trong trường hợp nào phức tạp và có vấn đề gì lớn cần đến ý kiến của Chủ tịch nước, thì Chủ tịch nước phải chủ toạ, theo tôi điều đó cũng bình thường, trước kia đã có quy định."

Chuyên gia này cho rằng việc chủ tọa ở đây không có ý nghĩa là Chủ tịch nước sẽ ra quyết định cuối cùng ở các phiên họp bên cạnh sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ, ông nói:

"Chủ tọa không có nghĩa là ra quyết định cuối cùng mà theo tôi chủ tọa để nắm chắc tình hình, ý kiến của mỗi người thôi. Vẫn chủ tọa, nhưng xem xét và thống nhất ý kiến của tất cả mọi người với nhau như thế nào, chứ không phải là theo hay do ý của Thủ tướng.

"Cũng có thể Chủ tịch nước sẽ nói ý kiến của mình và các thành viên của cuộc họp đó sẽ nắm chắc ý kiến của Chủ tịch nước và chẳng hạn, có khi sẽ biểu quyết ý kiến của Chủ tịch nước.

'Chưa có tính đột phá'

Còn luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, cho rằng lần sửa đổi này vẫn chưa có tính đột phá vì chưa đảm bảo được yêu cầu của việc cải cách chính trị đi cùng với cải cách kinh tế, đặc biệt là đảm bảo một số nhu cầu và quyền cơ bản của công dân trong xã hội.

Ông nói với BBC hôm 08/11:

"Cái người ta chờ đợi là phải sửa đổi trên nền của bản hiến pháp 1946 bởi vì những cái được chờ đợi rất lâu, trong (sửa đổi) hiến pháp lần này vẫn chưa đi vào khâu đột phá.

"Đó là những vấn đề dân chủ, vấn đề nhân quyền và ví dụ như vấn đề mà người ta khao khát như quyền được biểu tình, tự do ngôn luận, tự do trình bày ý kiến của mình.

"Về các công ước quốc tế về nhân quyền và các quyền dân sự mà Việt Nam đã phê chuẩn, thì đã có các quyền đó, nhưng những quyền đó vẫn không thể hiện rõ trong hiến pháp của mình.


Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh nhu cầu cải cách chính trị đi kèm cải cách kinh tế thông qua sửa hiến pháp

"Trong sửa đổi Hiến pháp lần này người ta trông đợi rất nhiều những câu mà trong nghị quyết của Đại hội ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 10 cũng đã ghi là 'cải cách kinh tế đồng thời cải cách hệ thống chính trị' và nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ 10 cũng ghi rõ 'cải cách kinh tế, đồng thời cải cách chính trị."

"Như vậy cải cách chính trị, cái thể hiện cơ sở pháp lý của cải cách này chính là hiến pháp. Nhưng hiến pháp không có chỗ nào thể hiện cho thấy có cải cách hiến pháp, chính trị nào cả."

Luật gia này kết luận: "Cho nên, cải cách chỉnh trị mà Đại hội có ghi trong nghị quyết của Đảng vẫn không có nội hàm cụ thể và cũng không có lộ trình. Người ta muốn rằng cần phải thể chế câu đó ở trong Hiến pháp.

Cựu quan chức Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này bị hạn chế vì đã có một số ràng buộc mà ông gọi là 'bị đóng đinh':

"Những cái được bàn và được sửa đã được đóng đinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2 của Đảng vốn đã quy định cái gì sửa, cái gì chưa bàn đến với lập luận rằng những vấn đề đó 'chưa chín muồi' và 'chưa được nhất trí cao'. Và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ghi vào như vậy.

Phó Giáo sư Nguyễn Cảnh Hợp cho biết thêm lần sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ không bàn nhiều về vấn đề phúc quyết Hiến pháp, một quyền hiến định từng được quy định ngay trong bản Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, cũng như chưa thể bổ sung về vấn đề trưng cầu dân ý.

"Theo tôi lần bàn (về sửa) Hiến pháp lần này sẽ không bàn điều đó nhiều."

"Còn về trưng cầu dân ý, thì bây giờ chúng ta phải làm luật về trưng cầu dân ý. Cái đó chúng ta chưa làm."

Về khả năng sửa đổi hay không trong lần bàn thảo tu chính hiến pháp lần này về chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, ông Hợp nói: "Cái này cũng có nhiều quan điểm khác nhau, trên các diễn đàn người ta cũng đã bàn rất nhiều, nhưng theo tôi, ở Việt Nam chưa nên bàn về vấn đề sở hữu tư nhân về đất đai. Có khi còn phức tạp hơn.

"Cho nên quan điểm của đảng và nhà nước vẫn để như là trong hiến pháp quy định hiện nay, tức là không có sửa gì cả."

'Sửa hay thay mới'?

Trong một cuộc trao đổi từ trước với BBC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập Pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo nêu quan điểm về nên sửa hay nên thay hẳn bản Hiến pháp 1992, ông nói:

"Vấn đề làm mới hay là sửa đổi, bổ sung một số điều, thì lần này, chúng tôi không có một ấn định trước, xác định trước là chỉ có sửa cái này mà không sở cái kia, mà lại khẳng định sửa nhiều, hay sửa ít, thì cái đó phụ thuộc vào tổng kết.
"Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia" - TS Đinh Xuân Thảo
"Hiện nay, chúng tôi mới ở trong giai đoạn đầu, giai đoạn tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp. Và cái việc đó, hiện nay đang sắp hoàn tất, và cố gắng sẽ hoàn tất.

Khác với quan điểm của luật sư Trần Quốc Thuận, TS Thảo nhấn mạnh lần sửa Hiền pháp này so với trước đây là sửa đổi, bổ sung "không bị đóng khung" hoặc giới hạn trước. Ông nói:

"Nếu qua tổng kết, thấy rằng những quy định trước đây hiện nay không còn phù hợp, hoặc trong tương lai sẽ không còn phù hợp nữa, và những điều đã rất rõ, và có sự đồng thuận cao của nhân dân, vì nhân dân là chủ thể của quyền lực và lập hiến, mà nhân dân thấy cần phải sửa nhiều, thì cũng sẵn sàng, Ủy ban dự thảo sửa đổi sẽ chuẩn bị các hướng đó.

"Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định. Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia."

Được biết, trong đợt bàn thảo về tu chính Hiến pháp lần này, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cân nhắc sửa đổi một số điểm trong bản Hiến pháp năm 1992 liên quan tới tăng cường vai trò của Chủ tịch Nước, xem xét vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan công quyền bởi công dân.

Một số đại biểu cũng đặt vấn đề xem xét ra quy định cụ thể để thể chế hóa các quyền bầu cử, ứng cử và trưng cầu dân ý, cũng như quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân và nhiều nội dung khác.
(BBC)

Bùi Tín - Những lão gia còn ‘nằm trong nôi’ ở Trung Quốc

Nhóm lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc.

07.11.2012

Gần 10 năm nay tôi mới gặp lại anh Lưu Thiệu Vinh. Anh là người Trung Quốc, quê tỉnh Hà Bắc, từng tham gia phong trào Thiên An Môn mùa Xuân năm 1989, bạn thân của các nhà dân chủ Ngụy Kinh Sinh và Vương Đan hiện đang sống ở Hoa Kỳ.

Năm 2003 anh đã ghé qua Paris. Năm nay gặp lại nhau, chúng tôi hàn huyên về phong trào dân chủ ở Trung Quốc, Đài Loan,Việt Nam, Miến Điện cũng như ở Trung Đông và Bắc Phi. Chúng tôi có cùng nhận định là phong trào nhìn chung có nhiều nét mới, có khá nhiều kinh nghiệm chung mới mẻ, mang lại tinh thần lạc quan, hơn hẳn gần 10 năm trước.

Một hình ảnh ngộ nghĩnh mà anh Lưu dùng để tả nhóm lãnh đạo hiện nay ở Bắc Kinh làm tôi bật cười và nhớ mãi. Anh nói về nhóm lãnh đạo hiện nay đang chuẩn bị cho cuộc đại hội đảng lần thứ 18 của họ vào tháng 11 này, về vụ án sát nhân và tham nhũng của vợ chồng Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai và cậu quý tử Bạc Qua Qua ở Trùng Khánh. Anh nhận định: «Bọn tôi cho rằng các lão già ở trong khu Trung Nam Hải vẫn chỉ là những con người ấu trĩ, chưa trưởng thành về trí tuệ, tâm huyết và tình cảm, vẫn còn là những ‘lão gia còn nằm trong nôi’”.

Để chứng minh cho nhận định hóm hỉnh, độc đáo đó, anh kể rằng Trùng Khánh bị bà con theo giáo phái Pháp Luân Công tố cáo là trung tâm mua bán bộ phận cơ thể của con người sớm nhất, phồn thịnh nhất, nổi tiếng tàn bạo nhất. Trong nước nhiều luật sư dân chủ đang sưu tầm và lập hồ sơ về chuyện này.

Anh Lưu cho biết, chính bí thư tỉnh ủy, ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai cùng vợ và trùm công an Vương Lập Quân là những nhân vật chính trong đường giây khủng khiếp này. Họ có hệ thống quảng cáo, rao bán gan, thận, tim, mắt, và nhiều bộ phận cơ thể khác như tóc, tai, ngón chân, tay…của người còn sống, được rao bán, kín đáo mà vẫn là bán công khai, theo giá hàng trăm ngàn đến vài triệu đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Hệ thống đường dây mua bán này bao gồm các quan chức đảng và công an cao cấp, hệ thống lãnh đạo và bác sỹ giải phẫu các bệnh viện công và tư, các thẩm mỹ viện tư, các trại giam hình sự và các trại cải tạo, trong đó giam không ít tín đồ của phái Pháp Luân Công. Khách hàng có cả một số nhà giàu ở Đông Nam Á và phương Tây, Trung Đông.

Những người bị lấy bộ phận cơ thể đem bán phần lớn là tội phạm hình sự bị kết tội tử hình hay tù chung thân, cũng có thể là những phần tử thân cô thế cô, những phần tử bị chế độ chụp mũ là phản động cần thủ tiêu bí mật, trong đó không ít thuộc các đảng phái chống đảng CS,  các tôn giáo mà đảng CS coi là nguy hiểm, thù địch như phái Pháp Luân Công, đạo Phật, đạo Tin Lành, Gia Tô, những tín đồ của Đức Đat Lai Lạt Ma… Một số luật gia dân chủ cho rằng từ đầu năm 2000 đến nay, mỗi năm có từ 4.000 đến 4.500 người Trung Quốc bị mất mạng trong cuộc buôn bán và lắp ghép bộ phận cơ thể như thế. Trùng Khánh và Côn Minh là 2 trung tâm lớn hơn cả.

Khách hàng trong nước thường thuộc các nhà giàu, tư bản đỏ, con ông cháu cha thừa tiền của, bị bệnh hiểm nghèo, bị ung thư hoại thư, cần thay và ghép các bộ phận tim, gan, thận, mắt…Đây là hình thức cướp đoạt cuộc sống của những kẻ bất hạnh sa cơ thất thế, làm giàu cho một số quan chức đảng, công an, bác sỹ, nhà kinh doanh mất hết nhân tính. Đây cũng là kiểu tiêu diệt thâm hiểm những kẻ bị đảng CS coi là kẻ thù tiềm năng, lại thu về khối của.

Anh Lưu Thiệu Vinh cho biết 2 tháng nay, những tin trên mạng có những chữ “Bạc”, “Cốc”, “Qua”, “Pháp Luân”, “buôn bán bộ phận cơ thể”…đều bị phá, kiểm duyệt. Anh kết luận rằng một đất nước có quá trình lịch sử hơn 4 ngàn năm, một đảng CS gần 100 tuổi, lại có những chủ trương tàn ác hết mức, không mảy may có tính người, có tình người, hoàn toàn ấu trĩ, cứ như những đứa bé còn nằm trong nôi vậy. Anh cho biết thêm Giang Trạch Dân chính là kẻ chủ mưu trong việc tàn sát hàng chục vạn tín đồ Pháp Luân Công.

Theo anh Lưu, một bằng chứng nữa về tội ác của nhóm lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là chuyện Bắc Kinh cho đặt hàng ngàn tên lửa mang đầu đạn có sức công phá lớn suốt dọc vùng ven biển Quảng Đông và Phúc Kiến chĩa sang Đài Loan và dọa sẵn sàng tiêu diệt cả 23 triệu người dân trên đảo quốc này, trong đó có đến 98% là đồng bào gốc Hán của họ.

Anh Lưu kết luận: “Rõ ràng họ nói và làm những điều của kẻ điên rồ, mất trí, hoặc là của con người hoang dã, như đứa trẻ sống bằng bản năng, đang còn nằm trong nôi”.

Cũng đúng vào lúc Đại hội đảng CS Trung Quốc kỳ thứ 18 sắp khai mạc, báo The New York Times vừa đưa tin tài sản của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và gia đình lên đến 2,7 tỷ đôla. Tin truyền đi như điện giật, vì ông Ôn nổi tiếng là có xu hướng cởi mở dân chủ, sống gần dân, khác với Hồ Cẩm Đào. Sau vụ vợ chồng Bạc Hy Lai bị kết tội sát nhân, tin này làm cho bộ mặt đảng CS Trung Quốc càng thêm khó coi. Gia đình Ôn Gia Bảo dọa kiện báo The New York Times, nhưng người phát ngôn của báo này lập tức khẳng định “báo chúng tôi luôn chặt chẽ trong nghiệp vụ phóng sự điều tra”, và chi tiết vụ này đang được phanh phui dần.

Báo Mỹ cũng loan tin Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, một ngôi sao đang lên và  được coi là người đứng đầu nhóm đổi mới trong bộ máy lãnh đạo, đã bị loại khỏi danh sách 7 người sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội 18. Rõ ràng xu thế bảo thủ, giáo điều lại thắng thế trong đại hội đảng sắp khai mạc, và Trung Quốc lại trì trệ về chính trị ít ra trong 10 năm nữa, với một lớp lãnh đạo tư duy vẫn “còn nằm trong nôi”.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc - Cơ hội và thách thức

Vào ngày 8 tháng 11, đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chính thức khai mạc. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này.

(AFP photo) Học sinh Trung Quốc với lá cờ lớn cùng hình ảnh của bốn thế hệ lãnh đạo Trung Quốc (từ trái sang) Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, để chào đón Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 08/11/2012


Liệu những lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao của những người tiền nhiệm hay sẽ có những thay đổi lớn?

Nhóm lãnh đạo mới

Ngay sau bầu cử tại Mỹ kết thúc, thế giới tiếp tục dồn sự chú ý vào đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 8 tháng 11, nơi sẽ diễn ra sự chuyển giao quyền lực quan trọng tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Mặc dù đã chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng điều mà thế giới quan tâm nhiều hơn đó là liệu những lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao thế nào trong 10 năm sắp tới khi mà Trung Quốc đang nổi lên là một cường quốc hàng đầu của thế giới.

Nói về sự chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc đi kèm theo những cơ hội và thách thức, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:

"Sau một thập kỷ, sự chuyển giao một thế hệ quyền lực mới tại Trung Quốc sẽ cho phép nhóm lãnh đạo mới có thể xem lại các điểm mạnh và điểm yếu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc để có các điều chỉnh thích hợp."

Theo giáo sư David Shambaugh, giáo sư môn khoa học chính trị và quan hệ quốc tế trường đại học George Washington, những gì trong chính sách ngoại giao mà ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để lại cho ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo mới có quá nhiều vấn đề, cũng không kém gì những vấn đề nội địa:

"Có rất nhiều những bất ổn, và căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới. Trên bề mặt chúng ta vẫn thấy những cố gắng cho thấy các hoạt động ngoại giao vẫn bình thường, nhưng chỉ cần cào bới bề mặt một chút thì chúng ta thấy vấn đề đối ngoại của Trung Quốc cũng không kém gì vấn đề đối nội."

Quan hệ với Mỹ được coi là yếu tố quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason nhận định:
Sau một thập kỷ, sự chuyển giao một thế hệ quyền lực mới tại Trung Quốc sẽ cho phép nhóm lãnh đạo mới có thể xem lại các điểm mạnh và điểm yếu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc để có các điều chỉnh thích hợp. - GS Carl Thayer
"Nó là một thách thức lớn với Mỹ, bởi Trung Quốc là một nước đang lên và họ đòi hỏi được đối xử như vậy. Vấn đề họ đòi mức đối xử thế nào thì chưa ai có thể nói rõ, nhưng nhìn hành động của họ thì thấy là họ đang đòi thế trội yếu, nếu không phải là bá chủ của vùng biển Đông. Sau đó là sự cạnh tranh của Trung Quốc về tài nguyên trên khắp thế giới thì Trung Quốc sẽ không thể, không bao giờ chấp nhận là một cường quốc địa phương đâu, mà là cường quốc trên thế giới nữa."

Các học giả Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc những năm gần đây đã trở nên căng thẳng hơn, có tính cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Các vấn đề khác biệt chính giữa hai nước bao gồm tranh cãi xung quanh việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ để trục lợi xuất khẩu, và việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bên cạnh mối quan hệ với Mỹ, quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng là điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong mọi thời kỳ. Giáo sư Rober Sutter, Giáo sư một quan hệ quốc tế thuộc trường đại họ George Washington nhận định:

"Châu Á Thái Bình dương quan trọng hơn cả với lãnh đạo của Trung Quốc, trong lịch sử của Trung Quốc, đây luôn là vùng gây quan ngại nhiều nhất với Trung Quốc, và chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là khu vực của các vấn đề về chủ quyền và an ninh. Đây là nơi quân đội nhân dân Trung Hoa tham gia tích cực, và chúng ta cũng không thể quên đây cũng là khu vực thương mại quan trọng với Trung Quốc.

Thương mại giữa Trung Quốc với Nam Hàn còn nhiều hơn với châu Phi. Đây là phần quan trọng với Trung Quốc. 70% chính sách ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào vùng viền ngoài của Trung Quốc. nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc trên thế giới thì họ phải làm gì đó với vùng viền này. Họ cần phải là nước đứng đầu trong vùng này và phải tạo dựng được một môi trường an toàn cho mình. Đây là nơi họ có tương tác với Mỹ và các cường quốc khác."

Chính sách đối ngoại

000_Par7325948(1-250.jpg
Một người Trung Quốc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản tại Budapest vào ngày 24 tháng 9 năm 2012. AFP photo

Thế nhưng chính trong khu vực này, Trung Quốc cũng đang có những căng thẳng với quốc gia láng giềng Nhật Bản, vốn là đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiện cả Nhật và Trung Quốc đều đang vướng vào xung đột chưa thể giải quyết xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng này đã đẩy tinh thần dân tộc tại cả hai nước lên cao mà đỉnh điểm là những vụ biểu tình phản đối Nhật diễn ra ở khắp nơi trong Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới trong thời gian vừa qua. Giáo sư Carl Thayer nhận định đây là một điều kiện không thuận lợi chút nào cho những lãnh đạo mới tại Trung Quốc:

"Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra vào thời điểm không tốt chút nào, vào lúc Trung Quốc đang chuẩn bị có sự chuyển giao quyền lực, do vậy không thuận lợi cho các lãnh đạo mới của nước này vì sợ bị nhìn nhận là những người quá mềm yếu, cho nên đó là vấn đề."

Trong khi đó vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với các nước Đông Nam Á lại là một khó khăn nữa mà những lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt. Trong các năm từ 2009 đến nay, liên tục xảy ra nhiều vụ xung đột gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines tại khu vực này. Điển hình là xung đột xung quanh bãi Scarborough mà Philippines đòi chủ quyền hồi tháng 4 vừa qua. Các hành động của Trung Quốc trong khu vực này đã khiến các nước láng giềng phải nghi ngại.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, các phân tích gia quốc tế cho rằng, các lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc đã không cho thấy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của mình đối với hoạt động của các cơ quan dân sự đang hoạt động cùng lúc trên biển Đông và do đó đã góp phần làm nảy sinh những xung đột đáng tiếc với các quốc gia láng giềng. Ông Hồ Cẩm Đào bị cho là đã mắc kẹt giữa 9 cơ quan trong việc kiểm soát hiệu quả hoạt động phối hợp của các cơ quan này. Và đây cũng chính là quan ngại đối với ông Tập Cận Bình, người sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào sắp tới.

Có những đồn đoán cho rằng có nhiều khả năng ông Hồ Cẩm Đào dù thôi chức chủ tịch, sẽ vẫn nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong một thời gian. Giáo sư Carl Thayer phân tích:

Trung Quốc có thể sẽ giữ ông Hồ Cẩm Đào lại phía sau hậu trường, giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương và làm cái phanh cho ông Tập Cận Bình. - GS Carl Thayer
"Trong vấn đề căng thẳng với Nhật Bản, một số phân tích gia lập luật rằng Trung Quốc có thể sẽ giữ ông Hồ Cẩm Đào lại phía sau hậu trường, giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương và làm cái phanh cho ông Tập Cận Bình. Nếu như vậy theo tôi thì ông Tập Cận Bình sẽ trở thành một lãnh đạo yếu hơn vì bị kìm hãm thay vì ông ta được nắm hai cái ghế".

Những khó khăn trước mắt trong nước bao gồm, kinh tế phát triển chậm lại, hố ngăn cách giàu nghèo, cộng với những căng thẳng chưa thể giải quyết với các nước láng giềng đang là một gánh nặng mà những lãnh đạo mới của Trung Quốc phải tiếp nhận. Nói như giáo sư Carl Thayer thì chắc chắn không có một lãnh đạo mới nào của Trung Quốc muốn phải đối đầu với quá nhiều vấn đề cùng một lúc.
Việt Hà, phóng viên RFA

Tổng thống Obama: ‘Nhiều người ở các quốc gia khác phải mạo hiểm cả cuộc sống chỉ để có cơ hội như chúng ta’

Trích đoạn từ bài diễn văn chiến thắng của Tổng thống Obama tối ngày 6 tháng 11, 2012:
[...]
Chúng ta muốn truyền lại một đất nước được mọi người khắp nơi trên thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ, một quốc gia được bảo vệ bởi quân sự hùng mạnh nhất trên trái đất và  quân đội tốt nhất mà thế giới này từng biết đến. 
[...]
Đó là lý do tại sao chúng ta làm điều này. Đó là những gì mà chính trị có thể mang đến. Đó là lý do tại sao các cuộc bầu cử là quan trọng. Đó không phải là việc nhỏ mà là đại sự. Đó là điều quan trọng. Dân chủ trong một quốc gia 300 triệu dân có thể là rất ồn ào, lộn xộn và phức tạp. Chúng ta có những ý kiến riêng của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có tín ngưỡng của riêng mình. Và khi chúng ta trải qua những thời điểm khó khăn, khi chúng ta thực hiện các quyết định lớn như một quốc gia, thì cũng nhất thiết phải khuấy động lên niềm đam mê, nảy sinh nhiều tranh luận.
Các điều đó sẽ không thay đổi sau tối hôm nay, và cũng không nên [thay đổi]. Những lập luận mà chúng ta có được là một dấu hiệu của sự tự do. Chúng ta không bao giờ có thể quên rằng khi chúng ta đang nói những điều này thì những người dân ở các quốc gia xa xôi khác phải mạo hiểm cuộc sống của họ chỉ để có cơ hội tranh luận về các vấn đề mà họ quan tâm, về những cơ hội bỏ phiếu giống như chúng ta đã làm ngày hôm nay.
[...]
Miên Thy tóm lược
 

Bộ Chính trị thông báo kết quả kiểm điểm phê bình

Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 với các nguyên cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Báo cáo do Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trình bày nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, đồng bộ, thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng; trong đó, nhóm giải pháp tự phê bình, phê bình có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, bằng kinh nghiệm thực tiễn dày dạn, phong phú, các vị nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư trân trọng, nghiêm túc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu những ý kiến góp ý của các vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để phân tích làm rõ trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy ưu điểm, nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Từ các ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lọc ra 30 vấn đề để tiếp thu, giải trình.
Sau hơn hai tháng chuẩn bị, từ ngày 12/7 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với nhận thức và tâm thế bước vào đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, rất hệ trọng, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm cá nhân, Tổng Bí thư kiểm điểm trước, tiếp đến các ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư và các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác.
Việc kiểm điểm được tách thành nhiều đợt để có thời gian cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết các công việc thường xuyên, đột xuất của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư điều hành thảo luận dân chủ, đúng nguyên tắc, có gợi mở, nêu vấn đề, hướng vào những nội dung trọng tâm cần thảo luận và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Một số vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ khá sâu sắc. Những vấn đề có thể kết luận được thì Bộ Chính trị kết luận ngay (như vấn đề tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế trung ương; đổi mới công tác giao ban báo chí; yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tình hình tái cơ cấu tập đoàn Vinashin, Vinalines). Những vấn đề cần phải xác minh, làm rõ, giao cho Ủy ban Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với một số cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ. Không khí thảo luận, góp ý tự phê bình và phê bình đoàn kết, xây dựng, thẳng thắn và chân thành. Tất cả các vị Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho tập thể và cá nhân.
Những kết quả chủ yếu: Về nhận thức, càng đi sâu vào quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như từng cá nhân, càng nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết, tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết Trung ương 4; ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình lần này.
Qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình và lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng cá nhân và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn ưu, khuyết điểm của mình; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ yếu của các khuyết điểm, hạn chế, nhất là những khuyết điểm, hạn chế kéo dài qua một số nhiệm kỳ, từ đó tìm biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Đó là, chỉ đạo xây dựng quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước (trình Hội nghị Trung ương 6); ban hành một số văn bản: Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; quyết định điều chuyển, phân công công tác đối với một số Ủy viên Trung ương Đảng. Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, trong đó nhấn mạnh: từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết là các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cam kết với Ban Chấp hành Trung ương luôn thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết thống nhất, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân; giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Từng người thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm.
Kết quả kiểm điểm phê bình và tự phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI). Sau khi thảo luận, phân tích kỹ, Ban chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 cơ bản đạt yêu cầu.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa trình bày báo cáo giải trình các ý kiến của tập thể và cá nhân góp ý cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm. Nhiều vị nguyên cán bộ cao cấp dự hội nghị đã phát biểu ý kiến về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
(Theo TTXVN) 

Tiền làm động tâm, tiền sinh bất tịnh

Tu hành trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hiện nay rất khó. Tu trong xã hội Âu Mỹ với nền kinh tế thực dụng càng khó hơn.
Dịch xây chùa và phấn đấu làm trú trì của các tu sĩ Việt nam tại các xứ Âu Mỹ đang diễn ra như một chiến trường. Tiền! Tiền! Tiền! trở thành tiếng réo gọi át tiếng cầu kinh và niệm chú. Các thầy đã biến chùa chiền thành các “siêu thị Phật”. Thầy chưa có chùa thì lo vận động chạy đôn chạy đáo mua đất mua nhà xây chùa dựng tượng. Thầy có chùa rồi thì có bao nhiêu là dự án xây dựng để kêu gọi Phật tử đóng góp.
Đồng tiền đã làm cho cửa thiền thành chợ trời buôn thần bán thánh. Không có cách kiếm tiền phàm tục nào ngoài đời mà không có trong các chùa: xổ số, lô tô, đại nhạc hội, tiệc ăn uống gây quỹ, bán đấu giá, ký sổ cúng dường hàng tháng, mượn vốn không lời … đang trở thành bệnh dịch biến cửa chùa là nơi tôn nghiêm thành nhà hàng bán đồ ăn, biến sân chùa thành sân khấu cho ca sĩ hát hỏng nỉ non uốn éo, biến Phật đài trang nghiêm thành nơi bán và ký gởi tượng Phật.
Tất cả những phương tiện hoằng dương chánh pháp thiêng liêng của Phật giáo Đại thừa đang biến thành dịch vụ thương mãi.
Cầu siêu: tiền. Dâng sớ cầu an: tiền. Ma chay, giỗ kỵ: tiền.
Xuống cấp thấp nhất là các thầy thu tiền và bỏ tiền vào túi. Hình ảnh đọa lạc nhất là có những thầy chuyên nghiệp lên sân khấu, cầm micro thay vì nói pháp thì thao thao nói lời thuyết phục vận động xin tiền. Ôi, hồng ân Tam Bảo, long thần hộ pháp làm sao mà tha thứ được.
Những Phật tử mê tín, đầu óc mù mờ u tối đã xem các thầy chùa như Phật thánh. Họ không hiểu rằng đưa phương tiện vật chất vào tay nhà tu la đang làm thay cho ma quỷ tới phá đường tu thanh tịnh của quý thầy. Khi đầu óc đã dính mắc lo nghĩ tới tiền, tới chùa to tượng lớn, tới thế giới màu mè hình tướng thì vô hình chung nhà tu đã không còn an trú trong giới luật.
Đạo Phật Việt Nam đang đi sai đường trầm trọng vì đang lâm vào hai tình trạng cực đoan. Số các thầy sống ở “cõi trên” thì lo nói toàn những chuyện cao siều huyền hoặc. Số các thầy đang đoạ lạc vào thám ái thì biến đạo Phật thành mê tín dị đoan để làm phương tiện kiếm tiền.
Thật ra, các thầy ra ngoài giới luật chỉ là nạn nhân. Thủ phạm chính là những người mang danh Phật tử mà không chịu hiểu Phật, đem vật chất làm sa đọa các thầy.
Xin các thầy tỉnh táo lại để khỏi trễ đường tu.
Xin các đạo hữu Phật tử hãy cùng nhau đứng ra xây chùa dựng tượng. Nhưng tuyệt nhiên xin đừng làm xả đọa quý thầy bằng cách đưa tiền, chính là đưa thuốc độc đến cho bậc chân tu.
Đức Phật và Thánh chúng ngày xưa ngày ngày khất thực, chỉ cần có miếng ăn đạm bạc ngày một bữa mà nuôi sống xác thân để thanh tịnh tu hành. Các thầy ngày nay ăn uống có kẻ hầu người hạ, bữa chính bữa phụ thật là đã lạc đường quá xa về xứ Phật.
Đôi điều chân thật nói ra, xin các thầy và Phật tử hoan hỷ suy gẫm.

Nguồn: Tiền làm động tâm, tiền sinh bất tịnh.Tỳ-Khưu Thích Chân Tuệ. Văn phòng Phật học Tịnh Quang Canada. DCVOnline minh họa.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển: GS Võ đối thoại nông dân Văn Giang với tư cách ...gì?

Chiều qua 8.11, tại trụ sở cũ của Bộ TN-MT (83 Nguyễn Chí Thanh, Q.Ba Đình, Hà Nội), sau hơn 3 giờ đồng hồ đối thoại thẳng thắn, có lúc rất căng thẳng với những nông dân bị thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận có những sai sót trong việc ký 2 tờ trình số 14 và 99 trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2004, 2005 tỉnh Hưng Yên, giao đất xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội và xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển: GS Võ đối thoại nông dân Văn Giang với tư cách cá nhân
GS Đặng Hùng Võ đối thoại với nông dân Văn Giang - Ảnh: Q.D
Trước đó, trong suốt buổi đối thoại, luật sư Trần Vũ Hải - đại diện bảo vệ quyền lợi cho một số bà con nông dân Văn Giang và những nông dân tham gia đối thoại liên tục khẳng định việc năm 2004, GS Võ khi đó với tư cách Thứ trưởng Bộ TN-MT đã ký vào 2 tờ trình số 14 và 99 là không đúng thẩm quyền, thay vì trình Chính phủ thì lại trình Thủ tướng Chính phủ dẫn đến người dân Văn Giang bị thu hồi đất và gặp nhiều thiệt thòi. Những người dân Văn Giang cũng đề nghị ông Võ làm rõ tại sao các thủ tục trình và thu hồi đất lại quá nhanh, chỉ trong vòng 3 ngày, cụ thể,  ngày 28.6.2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình, ngày 29.6.2004 Bộ TN-MT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ và ngày 30.6.2004, Chính phủ có quyết định thu hồi đất. Việc thu hồi đất diễn ra chóng vánh liệu có đúng pháp luật và có phải để phục vụ lợi ích nhóm hay không? 



Ngày 21.8.2012, lãnh đạo Bộ TN-MT đã đối thoại với người dân Văn Giang (Hưng Yên) liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang. 
Ngày 3.10.2012, Bộ TN-MT đã có văn bản số 3458 trả lời một số nội dung liên quan đến kiến nghị của một số nông dân bị thu hồi đất ở  H.Văn Giang. Trong đó khẳng định Quyết định 742 của Thủ tướng Chính phủ ký 30.6.2004 là hoàn toàn đúng thẩm quyền.

Theo GS Võ, đường cao tốc từ Hưng Yên về Hà Nội qua cầu Thanh Trì là con đường chiến lược nên phải đẩy nhanh tiến độ và việc đổi đất lấy hạ tầng là việc tốt. Các thủ tục trình và thu hồi đất diễn ra nhanh, trước thời điểm luật Đất đai sửa đổi 2003 có hiệu lực là để đẩy nhanh tiến độ của các dự án, nếu không làm vậy, dự án này sẽ bị chậm ít nhất là cả năm trời.  

“Tôi công nhận là về thẩm quyền (trình Thủ tướng và Thủ tướng ra quyết định - PV) là không phù hợp pháp luật. Kể cả trường hợp Chính phủ có ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đó thì cũng không phù hợp với pháp luật. Về điều chỉnh kế hoạch mà không điều chỉnh quy hoạch tôi cho cũng là không đúng. Ở cương vị cá nhân tôi lúc đó mà không giám sát được những việc chệch choạc như vậy thì mình phải chịu trách nhiệm. Còn những gì gây ra làm thất thoát cho bà con là lỗi của tôi”, GS Võ nói. 

Trả lời Thanh Niên ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, GS Võ đối thoại với người dân với tư cách cá nhân. Ông Hiển không bình luận về việc GS Võ nhận thiếu sót trước người dân Văn Giang nhưng cho rằng, “những điều GS Võ nói với người dân Văn Giang trong buổi đối thoại là với tư cách cá nhân, không phải quan điểm của Bộ TN-MT”. “Bộ TN-MT đã có văn bản trả lời chính thức về những kiến nghị của người dân Văn Giang về chuyện này”,  ông Hiển nói. 
Quang Duẩn
(Thanh niên) 

Giết chiến sĩ công an để cho vợ... hả giận, ra Tòa vẫn cười tươi

(cái này mới cần để phân tích tâm lý nè, mấy ông giáo sư tiến sỹ chuyên môn chém vụ Lê Văn Luyện đâu rồi nhỉ!!!!)
Nghe vợ kể về mâu thuẫn với một chiến sĩ công an, Hùng không những không can ngăn mà còn  ra tay giết người để cho vợ hả giận.
Ngày 8/11, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên án 20 năm tù đối với bị cáo Vương Quốc Hùng (tự Hùng “cá nhám”, 32 tuổi, trú tại 722B Bình Giã, P.10, TP.Vũng Tàu) về tội giết người.
Theo cáo trạng của VKS, vợ của Vương Quốc Hùng vốn có mâu thuẫn với thiếu úy Nguyễn Mạnh Hùng (24 tuổi, công tác tại phòng tổ chức cán bộ CA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hai bên nhiều lần cãi nhau qua điện thoại và tin nhắn.
http://www.petrotimes.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112012/08/17/IMG_1678.jpg
Bị cáo Vương Quốc Hùng tại tòa
Sau khi nghe vợ kể về mâu thuẫn của mình, Hùng giận dữ nghĩ cách trả thù cho vợ. Tối 9/7/2011, khi thiếu úy Hùng được bạn chở trên xe gắn máy qua đường Ngô Quyền (P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) thì bị Hùng “cá nhám” phát hiện. Nhân lúc nạn nhân không để ý, Hùng “cá nhám” đã chặn đầu xe rồi rút mã tấu xông vào chém anh Hùng rồi bỏ trốn.
Anh Hùng được người dân đưa đi đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng đã tử vong. Ngày 2/8/2011, cơ quan công an đã bắt được Hùng “cá nhám” sau nhiều ngày lẩn trốn.
Liên quan đến vụ án này, HĐXX cũng tuyên phạt y án bốn bị cáo khác từ 6 tháng đến 1 năm tù giam cùng về tội “Không tố giác tội phạm”.
Thùy Trang
(Petrotimes) 

"Anh hùng thôn" kể lại phút đối đầu bắt sống cảnh sát dâm ô

(vẫn là dân phải tự phối hợp với nhau để bảo vệ bản thân và đồng bào, còn những lực lượng khác đâu nhỉ???)
Biết một mình không thể "chọi" được với "yêu râu xanh", anh Hoản gọi điện kêu người trợ giúp.
Anh Cao Văn Hoản đang kể lại với PV giây phút đối mặt với "yêu râu xanh"
Chúng tôi đến nhà anh Hoản (thôn Ngọc Khánh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) vào buổi trưa, đúng lúc anh đưa cô con gái thứ 2 đi học về. Anh cho biết, từ khi xảy ra sự việc với con gái (17/8/2012) và đặc biệt từ khi nhiều trường hợp nữ sinh bị "yêu râu xanh" bịt mặt hãm hại trên đường đi học thì anh chị đều phải cắt cử nhau đưa đón con đi đến trường. Vừa rồi "yêu râu xanh" đã bị bắt nhưng con gái anh chị vẫn chưa lấy lại được bình tĩnh để có thể tự đi học. Chính vì vậy, anh Hoản phải tranh thủ giờ nghỉ trưa về đưa con đến trường.
Trở lại câu chuyện bắt "yêu râu xanh", anh Hoản cho biết, cũng như mọi ngày, hôm đó, anh đưa cô con gái đi học. Mặc dù nhà cách trường không xa nhưng từ khi xảy ra việc có một nam thanh niên thường chặn đường chọc ghẹo, thậm chí sàm sỡ, hãm hại nữ sinh thì anh phải đích thân đưa con đi học. Khi chở con đi trên đường thì gặp một thanh niên đi ngược chiều, con gái anh bảo: "Anh này đợt trước sàm sỡ con này bố".
Những ngày qua cả làng ráo riết truy tìm tên "yêu râu xanh" nên khi nghe con gái nói vậy, bằng linh cảm của mình anh nghĩ đây rất có thể là kẻ đã gây ra bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Tuy thế, thấy thanh niên này cao to, vạm vỡ, biết nếu "một chọi một" khó thắng nổi nên anh Hoản vội vàng đưa con đi học cho kịp giờ, đồng thời gọi điện cho một số người trong thôn đề nghị hỗ trợ. Trên đường về, anh Hoản vừa đi vừa tìm đối tượng nghi vấn, khi phát hiện đối tượng đang dừng xe máy và gọi điện thoại cạnh mương nước. Anh Hoản nhanh trí đạp cho xe máy của đối tượng đổ xuống mương, đồng thời hô hoán mọi người giúp đỡ.
Nghe tiếng kêu của anh Hoản, nhiều người dân của thôn Ngọc Khánh vội vàng chạy ra vây bắt "yêu râu xanh". Sau đó họ giải đối tượng nghi vấn lên trụ sở thôn, yêu cầu chính quyền tạm giữ và làm rõ vụ việc. Nghe tin bắt được "yêu râu xanh", rất nhiều nữ sinh của xã Quang Phục, xã Tiên Minh đã đến để nhận mặt và vạch mặt kẻ đốn mạt.
Anh Hoản cho biết, mấy tháng qua người dân địa phương rất lo lắng và bức xúc trước việc có một nam thanh niên thường xuyên chặn đường quấy rối nữ sinh trên địa bàn. Đã nhiều lần bà con bàn nhau tổ chức vây bắt, mật phục nhưng vẫn không có kết quả.
"Hôm bắt được tên Quỳnh đến nay, dù ngày nào cũng làm việc với cơ quan điều tra, vừa hỗ trợ những nạn nhân làm đơn tố cáo tôi rất mệt nhưng từ nay bà con sẽ không phải lo lắng con gái mình bị hãm hại nữa. Tôi cũng như gia đình các nạn nhân mong sao pháp luật xử lý thật nghiêm minh, đúng người đúng tội để trừng trị kẻ ác, đồng thời làm gương cho những kẻ khác", anh Hoản chia sẻ.                                       
Hà Khê
(Nguoiduatin.vn) 

Đua nhau báo lỗ: Nguy cơ phá sản đã đến rất gần?

Hàng trăm doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm. Nợ nần nới rộng so với tài sản và nguồn vốn, đẩy các doanh nghiệp đến rủi ro phá sản nếu tình hình vẫn chưa cải thiện. 

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến tình trạng lỗ lãi không phải là chuyện lạ. Bằng chứng là 113/580 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 3/2012 với tổng mức lỗ lên đến gần 2,000 tỷ đồng. Trong đó, 10 doanh nghiệp lỗ nhiều nhất đã chiếm xấp xỉ 1,300 tỷ đồng.
Nhà nhà báo lỗ
Nếu như ngành ngân hàng trước đây lãi cả ngàn tỷ đồng mỗi quý thì đến nay đã dần lộ rõ những khó khăn khi lần đầu tiên một ngân hàng lớn như ACB lại báo lỗ đến 520 tỷ đồng trong quý 3 chủ yếu do khoản lỗ 1,144 tỷ đồng từ kinh doanh vàng. Dù 9 tháng đầu năm ACB vẫn lãi ròng 1,086 tỷ đồng nhưng con số đã giảm đến gần 800 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế chỉ có 1,417 tỷ đồng, chưa đến 26% kế hoạch năm.
PGD, một doanh nghiệp luôn có lợi nhuận đột biến nhưng bất ngờ báo lỗ 226 tỷ đồng trong quý 3 khiến nhà đầu tư hết sức ngỡ ngàng. Nguyên nhân lỗ hầu hết mọi người đều biết là do Công ty mẹ, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng giá bán khí đầu vào. Tuy nhiên, sự bất minh trong việc công bố thông tin, cộng với việc nhiều cổ đông nội bộ lại bán cổ phiếu trước khi tin tức được công bố khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và tức giận.
Một loạt các công ty chứng khoán gồm KLS, VIXSHS với mức lỗ 91.5 tỷ, 78 tỷ và 59 tỷ đồng, nằm trong nhóm những doanh nghiệp lỗ nhiều nhất trong quý 3 đã cho thấy sự khó khăn cùng cực của ngành chứng khoán.
POM, doanh nghiệp thép có thị phần tiêu thụ hàng đầu Việt Nam hiện nay cũng bất ngờ báo lỗ 46 tỷ đồng đối với công ty mẹ trong quý 3 và 28 tỷ đồng sau hợp nhất. Đây cũng là lần đầu tiên công ty gánh lỗ kể từ khi thành lập năm 2008. BCTC cho thấy, giá vốn hàng bán cộng chi phí tài chính tăng cao là nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp khó khăn. 
 
Lợi nhuận trước và sau thuế của POM trong 9 tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng và 8.7 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% cùng kỳ năm trước, và chỉ bằng 2% kế hoạch cả năm. Nhiều thông tin cho biết, chính việc giảm công suất nhà máy khiến chi phí vốn trên mỗi sản phẩm của công ty đội lên khá cao. 
NKG, một doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng thông báo lỗ ròng 55.65 tỷ đồng trong quý 3/2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục lỗ gần 53 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu vẫn do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính cao. 
PVXPSG, hai công ty “mẹ con” cùng báo lỗ trong quý áp chót của năm 2012. Với PVX, đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty lọt vào “top 10”, tuy nhiên mức lỗ kỳ năm đã giảm đáng kể so với quý 2, chỉ còn 48 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty vẫn lỗ rất cao, với 546 tỷ đồng. Theo giải thích của PVX, thì việc lỗ trong quý 3 và 9 tháng chủ yếu là do công ty trích lập các khoản dự phòng để giảm rủi ro về tài chính. 
Với PSG, kết quả kinh doanh lỗ không phải là quá bất ngờ với nhà đầu tư khi mà 6 tháng đầu năm, đơn vị kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này. Nợ nần chồng chất, vốn càng teo tóp, nợ ngắn hạn thậm chí vượt xa tài sản ngắn hạn khiến nguồn vốn hoạt động gần như tắc nghẽn. Quý 3/2012, công ty mẹ báo lỗ 113 tỷ đồng, nâng mức lỗ 9 tháng lên gần 180 tỷ đồng. Vốn điều lệ 350 tỷ đồng, nhưng PSG đã lỗ lũy kế đến 264 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu đã giảm mạnh chỉ còn 89 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với đầu năm. 
Tổng hợp tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm của khoảng 575 doanh nghiệp niêm yết thì có khoảng 107 công ty báo lỗ, với tổng số 2,770 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với quý 3/2012. Trong đó, 7 công ty lỗ trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,349 tỷ đồng.
Dẫn đầu là “mẹ con” PVX và PSG với 546 tỷ đồng và PSG với 144 tỷ đồng. Đặc biệt, LAF lỗ lũy kế 9 tháng 144.5 tỷ đồng và lỗ lũy kế 9 tháng đang sắp vượt vốn điều lệ. Điều này đang đẩy công ty đến tính trạng hủy niêm yết nếu tiếp tục có thêm một quý lỗ khoảng 14 tỷ đồng trở lên. Mới đây, công ty đã đề ra một số biện pháp để bán đất, bán tài sản để có thể duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy vậy, trả lời trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT công ty này cũng không dám chắc có thể giữ cho cổ phiếu không bị hủy niêm yết mà chỉ còn cách nỗ lực khắc phục nhanh các khoản lỗ. Điều này giải thích vì sao cổ phiếu LAF đã giảm sàn hàng chục phiên liên tục và hiện chỉ còn 3,900 đồng/cp, tức đã giảm hơn 77% so với mức giá cao nhất trong năm. 
Ngoài ra, trong danh sách lỗ nhiều nhất 9 tháng đầu năm vẫn là những cái tên quen thuộc như SBS, VOS, SHN, VST, PHS, SJS… thuộc những ngành “hot” một thời như chứng khoán, bất động sản hay vận tải biển….
Nguy cơ phá sản đến rất gần?
Một vấn đề đáng để xem xét nữa là cơ cấu nguồn vốn của các công ty trong nhóm lỗ khủng. Thống kê BCTC của các doanh nghiệp cũng cho thấy, đa số tài sản của các công ty lỗ lớn đều được tài trợ bằng nợ. Thậm chí SBS có tổng nợ lớn hơn cả tổng tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu của SBS đến hết quý 3 âm 247 tỷ đồng.
Các công ty khác như NKG, VST, PSG, LAF, VOS, SHN có một đặc điểm chung về cơ cấu nguồn vốn là có nợ ngắn hạn lớn hơn cả tài sản ngắn hạn. Đây là cơ cấu vốn rất rủi ro cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp này thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt các tài sản có tính thanh khoản cao để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Xét loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất là tiền và tương đương tiền thì các doanh nghiệp nêu trên đều giảm. Tiền, tương đương tiền của VST giảm mạnh từ hơn 174 tỷ đầu năm xuống còn 39 tỷ đồng, tương tự PSG từ hơn 10 tỷ từ đầu năm đến cuối quý này chỉ còn hơn 1 tỷ, LAF từ 52 tỷ chỉ còn 9 tỷ cuối quý 3, VOS chỉ còn 12 tỷ đồng trong khi đầu năm đến 60 tỷ đồng.
Ngoài ra nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn đồng nghĩa với việc một phần nợ ngắn hạn được tài trợ mua sắm các tài sản dài hạn, đây có thể là rủi ro tiềm tàng dẫn đến phá sản ở doanh nghiệp. 
Thanh Thảo 
(Vietstock)

Dân chủ, bầu cử, và không khí chính trị

Cả thế giới nín thở theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí rất nhiều người trong số đó thiếu sự quan tâm thật sự với cuộc bầu cử ngay trên đất nước mình! Liệu đó có phải là điều kỳ lạ?
Dân chủ và bầu cử
Dân chủ, hiểu theo ý nghĩa nguyên thủy từ nơi mà khái niệm này được sinh ra – nhà nước Athens thế kỷ 4-5 trước Công nguyên – có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.
Từ dân chủ trong tiếng Việt là từ Hán Việt, có thể hiểu một cách đơn giản theo ý nghĩa chiết tự của nó là chủ quyền thuộc về nhân dân. Trong đời sống, chúng ta nôm na hóa nó thành “dân làm chủ”.
Hầu như tất cả các chế độ xã hội trong lịch sử theo thế quyền đều tự cho mình là dân chủ. Vì ai nắm quyền lực cũng đều tự xưng rằng mình nắm quyền là chính đáng. Nếu không nhân danh thần quyền (nắm quyền theo ý Chúa hoặc ý Trời), thì tất nhiên là phải theo ý nguyện của nhân dân.
Nhưng làm thế nào để quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, để dân thật sự làm chủ thì lại là cả một hệ thống triết lý và tổ chức chính trị.
Trong hình thức lý tưởng, dân chủ nghĩa là tất cả mọi người cùng thảo luận, cùng biểu quyết để ra quyết định chung cho cộng đồng, chính là dân chủ trực tiếp. Nhưng trong thực tế nhân loại, “sân khấu” đông nhất để tụ họp chỉ có chừng 100 ngàn chỗ ngồi, là vài sân vận động lớn nhất thế giới chứ không phải là các quảng trường chính trị. Nếu các quảng trường có tới 100 ngàn chỗ có thể ngồi, thì đó chỉ là nơi tụ họp để biểu tình chứ không phải có chức năng thảo luận và biểu quyết, vì không thể tổ chức và điều phối cho 100 ngàn người cùng thảo luận.
Lịch sử hiện đại lại không có vị thế cho quốc gia dưới 100 ngàn dân. Vì thế, dân chủ trực tiếp ở quy mô quốc gia là không tồn tại. Hình thức thay thế khả dĩ nhất là dân chủ gián tiếp hay dân chủ đại diện, ở đó, người dân bầu ra các đại biểu đại diện cho mình để thảo luận và ra quyết định chung cho cộng đồng. Đó là các dân biểu. Trong các chế độ theo mô hình Tổng thống như nước Mỹ, người dân còn trực tiếp bầu ra người đứng đầu cơ quan hành pháp. Các dân biểu sẽ thảo luận và ra quyết định về luật và chính sách. Trong các chế độ theo mô hình Nghị viện, các dân biểu còn bầu chọn ra người đứng đầu cơ quan hành pháp.
Bầu cử và không khí chính trị
Như vậy, bầu cử chính là hành vi quan trọng nhất trong một chế độ dân chủ. Vì nó là điểm mấu chốt cho việc người dân được làm chủ, trong mô hình dân chủ gián tiếp, khi người dân chọn ra những người đại diện cho mình để thảo luận và ra quyết định đời sống chung của cộng đồng.
Nhưng tổ chức bầu cử như thế nào để người dân được lựa chọn đúng người mà họ muốn làm đại diện cho mình là việc quan trọng không kém.
Thứ nhất, cuộc bầu cử phải bảo đảm rằng nó tạo cơ hội cho tất cả các ứng viên có ý nguyện đại diện và phục vụ cho cộng đồng. Một cuộc bầu cử phản dân chủ thì tìm cách loại những ứng viên tiềm năng bằng cách đặt thêm điều kiện, hoặc ngụy tạo các lý do để loại bỏ bớt ứng viên. Thường thì mọi sự sắp đặt loại bớt ứng viên đều có bàn tay của chính quyền đương nhiệm, vì con người có khuynh hướng níu kéo quyền lực. Để loại bỏ can thiệp của chính quyền đương nhiệm, cách duy nhất là phải có Ủy ban bầu cử độc lập.
Thứ hai, cử tri phải biết ứng viên là ai. Không thể chỉ là hồ sơ khô khốc về học vị, tiểu sử chính trị, và chức vụ hiện tại. Chức vụ hiện tại đương nhiên là lợi thế cho các quan chức đương nhiệm. Hầu hết các nền dân chủ quy định bắt buộc ứng viên phải cư trú ở địa bàn tranh cử, và nhiều khi công khai cả tài sản, thu nhập, gia đình, bên cạnh quá trình công tác chính trị và cộng đồng. Đó vừa là cách để cử tri hiểu rõ ứng viên là ai, không chỉ trên phương diện chính trị mà cả trên phương diện con người – cơ sở của lòng tin vào ứng viên để lựa chọn.
Thứ ba, khuynh hướng chính trị của ứng viên. Các đảng phái chính trị tự nó đã có các khuynh hướng chính trị, thông qua cương lĩnh. Cử tri không chỉ bầu cho ứng viên – con người cụ thể mà còn bầu cho chính đảng đó (điều này có thể khác ở những nơi một đảng nắm vai trò lãnh đạo, bởi họ không cần cạnh tranh).
Thứ tư, dự án của ứng viên hoặc chính đảng. Đó là những mục tiêu, chương trình hành động của ứng viên hoặc chính đảng. Cử tri chỉ có thể lựa chọn đúng ứng viên đại diện cho mình khi mối quan tâm của cử tri chính là mục tiêu của các ứng viên. Và mục tiêu đó chỉ thuyết phục được cử tri khi nó có kế hoạch, có biện pháp để thực hiện một cách khả thi.
Chính khuynh hướng và dự án chính trị làm cho bầu cử thoát khỏi ý nghĩa như là sự trình diễn hình ảnh nhân vật, hay cuộc thi diễn xuất trên sân khấu điện ảnh. Chúng ta vẫn hay nhìn nhận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như cuộc trình diễn của Hollywood, nhưng chưa từng có siêu sao điện ảnh nào đắc cử Tổng thống Mỹ. Chỉ có một người duy nhất từng là diễn viên, nhưng lại là diễn viên hạng hai.
Cuộc thảo luận về các khuynh hướng, dự án chính trị chính là yếu tố làm nóng không khí chính trị của các xã hội dân chủ. Thông qua thảo luận, người dân hiểu rõ hơn về tổ chức chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị, về các đảng phái, về các ứng viên, về dự án và tính khả thi của dự án. Nếu bản thân người dân không hiểu, họ sẽ được “hỗ trợ” từ đối thủ chính trị của ứng viên. Vì khi cuộc bầu cử là cuộc cạnh tranh giữa các đảng phái, nếu một đảng chỉ ra điểm yếu của đối thủ thì đảng đó có thêm cơ hội thắng cử. Khi cử tri hiểu rõ những điều đó, lá phiếu của họ sẽ chính xác hơn.
Tất nhiên, cuộc thảo luận đó không thể thiếu các cơ quan truyền thông. Nó không chỉ bộc lộ quan điểm của mình mà còn là diễn đàn để các bên thảo luận. Dù với vai trò nào, truyền thông có khả năng tác động tới kết quả bầu cử. Nếu truyền thông nằm trong tay chính phủ đương nhiệm, về nguyên tắc khó có một cuộc bầu cử công bằng.
Một cuộc bầu cử đáp ứng đủ những yêu cầu trên đây cũng là một cuộc bầu cử tốn kém về thời gian và tiền bạc. Như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây tiêu tốn tới 6 tỷ USD.
Về bản chất, số tiền đó không mất đi, mà chỉ là sự luân chuyển giữa các thành phần của xã hội Mỹ. Đổi lại, nó giúp người dân Mỹ lựa chọn đúng ứng viên đáp ứng mong mỏi của mình trong một cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên.
Đó là lý do mà các cuộc bầu cử ở Mỹ luôn được hâm nóng trong thời gian dài, được theo dõi sát sao trong thời gian bầu cử bởi ngay cả những cư dân ngoài nước Mỹ.
Vì không ai biết trước ý chí của nhân dân, dù có vô số cuộc thăm dò xã hội học. Nó trái ngược với những cuộc “bầu cử” mà người chiến thắng, chính đảng chiến thắng được biết trước, thậm chí được sắp đặt trước, nên tất nhiên cũng xứng đáng được quan tâm hơn.

Hồng Ngọc
(VNN)

Nhà báo Lê Phương Dung - Trao đổi quanh một sự ô trọc

“Trước hết phải nói một điều là tôi rất cảm ơn NB Lê Thiếu Nhơn (LTN) đã công khai đăng comment của @Nguyễn thu Trang 83 gửi cho cá nhân tôi, điều đó càng khẳng định thêm trong tôi về sự thẳng thắn trung thực "bất vị thân" rất khách quan, vô tư trong sáng ở "ngôi nhà văn chương" thanh tao, sang trọng của bác.
NB LTN cũng giúp tôi cho đăng công khai, những điều tôi sẽ " tâm sự " cùng cháu gái này, để phần nào, sau khi đọc xong, cháu cũng sẽ đỡ " ấm ức" về tôi, cũng như hiểu thêm những vấn đề mà có lẽ cháu Thu Trang cũng như nhiều người vẫn đang bị những "ảo ảnh" mà nhà Thiên si thiền thơ Hoàng Quang Thuận dựa vào đó để mà mưu cầu cho những ảo vọng lớn như đã làm được là quyết giật giải Loben cho cuốn thơ thẩn mà nếu không may mà trúng thật, thì số tiền của giải thưởng ( sau khi trừ thuế khoá ) cũng là hàng triệu đô la? Cũng bõ công " mặt trai, lái thơ kiêm nhiều nghề...tay trái ".
Đầu tiên, cô phải nói với cháu Thu Trang như thế này, đúng là tuổi của cháu cũng bằng tuổi con trai lớn của cô là Lê Ngọc Linh, nhưng con trai cô ngoài cái nết ngoan ra, thì rõ ràng là thua cháu về mọi nhẽ. Cô tự thấy như vậy, và cô cũng bằng lòng như thế, vì bản thân cô phải gánh vác hai vai trò, vừa là một người Mẹ, một người Cha, thậm chí nhiều khi cô cũng phải như một "người bạn" với hai đứa con của mình nữa đấy cháu Thu Trang ạ. Cô cũng vẫn đang đi làm, cũng luôn tham gia các hoạt động xã hội,nhưng có một điều cô rất thích tự tay làm, là từ tấm bé, các cô luôn được uống những cốc nước sinh tố,hay cốc cam vắt, và mặc những bộ áo phẳng phiu sạch sẽ do cô tự là, đấy cũng chính là một cách "giáo dục" của cô với con mình.
Cô không ỉ lại người giúp việc và nhìn những việc thường ngày cô làm, những cư xử ân tình mà cô chia sẻ với "hàng xóm láng giềng" cũng như với bạn bè người thân, thì tự các con cô cứ thế "mà ngoan". Nhiều khi cô cũng ra oai thị uy quát nạt, nhưng hai con trai cô chỉ "tủm tỉm" cười với nhau "chả chấp" Má mình.
Qua những dẫn luận cụ thể, rất rõ ràng của Thu Trang, thì cô Phương Dung cũng biết cháu là người rất ham học hỏi, thông minh. Điều đó thật quý cháu ạ, nhưng với kinh nghiệm của một người lớn tuổi cô rất muốn cháu Thu Trang nên có cái nhìn đa chiều, thì mọi thứ nó    sẽ đơn giản. Cô rất trân trọng cái tâm trong sáng của lớp trẻ các cháu đấy. Ngày xửa, ngày xưa bằng tầm tuổi cháu thì cô cũng "hăng tiết vịt" ghê lắm, chả biết phải, trái, tiến lùi như bây giờ đâu. Nhưng rồi thời gian dần trôi, bạn bè, người thân của cô cứ thi thoảng, thi thoảng cô lại giật mình, thót tim đón nhận "tin buồn".
Thành ra, mỗi lần như vậy, trong thương tiếc đau buồn về những sự "ra đi mãi mãi" của những người đó, tự nhiên cô lại cứ day dứt, vì đã có lần nào đó mình "nặng lời" với họ. Cũng như cả buổi sáng nay ngày mùng 2 âm lịch đầu tháng đấy, thì cô cũng vừa cùng 56 Phật tử, là những người quen, hàng xóm thân thiết của cô, cũng tự tâm làm lễ thất tuần tại Chùa Thanh Nhàn cho vợ của một người bạn lớn của cô, đó chính là vợ của NV TT HƯ, mà cháu có nêu ở phần comment của bài viết của tác giả Hoàng Minh là "cháu thấy trên báo chí bất cứ sự việc nào liên quan đến HQT đều có sự hiện diện của nhà văn HƯ". Cô đồng ý và việc cháu nêu là hoàn toàn đúng, có cơ sở và báo chí đăng công khai, nhưng cô cũng nêu dẫn chứng rất nhiều, rất nhiều người còn to vật vã, đương chức có, đã nghỉ hưu có, thì cũng luôn "bị" Hoàng Quang Thuận đưa ra để khoe, để loè, để sĩ.
Cháu có thể vào Trang của NB Trương Duy Nhất đọc bài "Hoàng Quang Thuận & dự án Nobel thơ". Chịu Khó đọc hết 206 commetn ( tính đến thời điểm cô đang viết hồi đáp cho cháu thôi ) thì khắc rõ hơn "âm ưu và thủ đoạn" của kẻ háo danh này. Xin phép Nhà báo Trương Duy Nhất cho tôi trích dẫn một hai commetn rất hay mà tôi thích quá về đây cho cháu Thu Trang và mọi người cùng rõ ạ.
Thứ nhất, là comment của @ Nguyễn văn An ĐN says: 12/08/2012 at 10:14 am
"Hoàng Quang Thuận sau năm 75 là giáo viên dạy môn Lý trường bổ túc văn hoá, nhà tại số 36 đường Trần Hưng Đạo Đà Nẵng ( gần chợ Hàn ). Tính tình cũng ngông nghênh như bây chừ, lúc đó Quang Thuận có quen hai anh thợ sửa chữa điện tử tên là Tuấn và Cường. Tuấn Cường tận dụng thiết bị cũ hư hỏng chế thành cái máy rung, sau đó kết hợp với phương pháp châm cứu họ đặt tên máy châm tê, nhưng do hai anh Tuấn và Cường không có trình độ nên Quang Thuận lấy công trình này làm luận án Phó Tiến Sĩ.
Cũng như nhiều người cơ hội khác. Hoàng Quang Thuận nhận bà con dòng tộc với Hoàng Minh Thắng - lúc đó làm Bí Thư Tỉnh Ủy QN -ĐN ( mặc dù Hoàng Minh Thắng là dân Thăng Bình, còn Hoàng Quang Thuận là dân Quảng Bình ) từ đó Quang Thuận tìm cách chụp hình với nhiều quan chức như Hoàng Minh Thắng, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, tấm hình chụp chung với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những tấm hình được Quang Thuận sang thật lớn và treo trong nhà mà ai đi đường nhìn vào cũng đều thấy rõ ( để loè bàn dân thiên hạ ). Sau này chúng tôi được biết Quang Thuận là Viện Trưởng Viện Công nghệ Viễn thông, chúng tôi cũng không mấy ngạc nhiên mặc dù trình độ Tiến sĩ của Quang Thuận có được cũng bằng tiền và bằng sự khôn khéo dựa vào ông này, ông nọ để đi lên, nhưng chúng tôi kinh ngạc về sự làm thơ của ông ta, không khéo thơ của ông cũng sao chép , xào nấu từ nhiều nguồn thơ nào đó giống như MÁY CHÂM TÊ mà ông làm luận án bảo vệ Phó Tiến sĩ lấy từ công trình của hai người thợ sửa chữa điện tử là Tuấn & Cường ".
Thứ hai, là một commetn Doc says 15 / 8 / 2012 at 13:57 pm " tớ bíết ,thời kỳ 85 - 87 Hoàng Quang Thuận hay mon men đánh quả từ Tàu Viễn Dương tại Cảng Đà Nẵng vì ( có người em ruột tên HTQ làm HQ gác Tàu ) Hoàng Quang Thuận cũng hay để xem các nhân vật cao cấp đi đâu và tìm cơ hội chụp ảnh vs họ ( có sắp sếp trước với thợ ảnh ) để loè thiên hạ. Hi hi, lão này nhiều chiêu trò lắm "
Ôi ! Nhiều những commetn rất hay, rất biết rõ cu ti , củ tỉ của cái ông Hoàng Quang Thuận lắm chiêu này, cô có thể khẳng định với cháu cũng như Trang  của NB LTN, thì Trang  của NB TDN là một trong những trang rất nghiêm ngắn, rất có sức hút, cũng như trình độ của các còm viên đều thuộc dạng "siêu đẳng " có học vấn, và ít nhiều thì đều có những vị trí nhất định trong xã hội, vì những lần cô hay được đi tháp tùng trong đoàn công tác của các thủ trưởng của cô, thì cô để ý thấy các cụ cũng rất thích đọc ở những Trang này đấy cháu Thu Trang ạ. Còn cô biết chính xác là ông Hoàng Quang Thuận cũng đã bị "tẽn mặt" thậm chí bị xua đuổi nhục nhã ở một nơi mà ông ta dám nổ là chữa được cả bệnh ung thư giai đoạn cuối ( bệnh viện cho về nhà rồi ).
Và nhiều điều xấu xa, ghê tởm lắm cháu Thu Trang nhé. Ngay như cô Phương Dung thì thằng này chưa bao giờ biết mặt ngang mũi dọc cô ra thế nào, mà nó cũng còn bố lếu bố láo là cô cặp với họ và sai khiến họ? Cô nói thật điều này, vì không nể bạn cô chính là Chú HƯ, cũng chính là nạn nhân của nó thì cô cho thằng HQT này vỡ nát cái mỏ rồi. Hoàng Quang Thuận chính là một dạng dây leo tầm gửi (loranthaceae ) thường chuyên sống ký sinh trên cành cây khác, chúng bám trên cây chủ bởi rễ đâm vào thân, sống nhờ cây chủ bằng những rễ mút thọc sâu hút nhựa của cây chủ, một cây khoẻ mạnh có thể không bị tổn hại nhiều khi bị tầm gửi xâm nhiễm, nhưng  một cái cây mảnh mai rất có thể bị yếu đi hoặc chết trong một thời gian đấy cháu Thu Trang nhé.
Trở lại vấn đề mà như cháu đã đề cập rằng tay HQT hay xuất hiện trong các sự kiện của Chú HƯ, và có lúc nào đó Chú HƯ cũng được nghe thằng này tuyên ngôn Chú ấy là bạn thân?( Cô chắc thế ). Nhưng nó điện cho một người chị, một người bạn mà các cô biết và chơi với nhau từ lúc cô 15 tuổi , đó là Tiến Sĩ Sử học Nguyễn Tuyết Hạnh, nguyên Phó trưởng ban quản lý khu di tích Lịch sử Đền Hùng, chỉ một niềm nhờ chị Tuyết hạnh kêu cầu khấn vái cho một mình duy nhất Ông Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 08 / 04 / 1953 Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng CSVN, Bí Thư Thành Uỷ, kiêm Chủ tịch HĐND Thành Phố Đà Nẵng được lên chỗ nọ chỗ kia? Còn Chú HƯ thì "quan hệ bình thường, và phải theo thì mới được châm tê, chích hút chỗ chân đau". Có thể cháu cũng chỉ nghe, chứ nếu cháu được gặp gỡ hay tiếp xúc, thì cháu sẽ thấy khác với những gì dị nghị này nọ về Chú HƯ, cháu ạ!
Tất nhiên đã là người nổi tiếng thì cũng như phải chịu cảnh làm dâu trăm họ cháu nhỉ. Nhưng thôi, cô chỉ kể một câu chuyện mới đây nhất, vừa hôm qua thôi, ngày mùng một đầu tháng, cô cùng tốp bạn bè đi lên một nhà của một thương binh nặng, có người vợ bị bệnh tụt tủy cùng bốn đứa con thơ dại, và điều quan trọng hơn cả là người thương binh này còn phải phụng dưỡng người Mẹ gần 80, lưng còng sát xuống gần đất, và tài sản duy nhất của Cụ là 57 năm tuổi Đảng. Bọn cô, nhóm nhà báo hay đi với nhau tự tâm làm, người có của, kẻ có công, lặng lẽ thôi (vì bọn cô luôn tâm niệm "tâm xuất , Phật biết" cháu ạ) thì Chú HƯ đều gửi ít nhiều, và dặn cô cứ đưa thôi, cứ đưa thôi, chả cần phải nói gì.
Hôm trước nữa ông cũng điện cho cô, nói với cô về trường hợp "Một Nhà Thơ điên đang bị lãng quên" của tác giả Trần Vũ Long ở trang của NV Nguyễn Trọng Tạo, thì cô mới biết và có vào ngay để biết rõ hơn. Cô nhớ mãi hôm đó Chú HƯ nói như thế này "Anh rất muốn đến tận nơi , thăm hỏi cụ thể, và sẽ có kế hoạch ngay để giúp họ em ạ, thật tội nghiệp vì Nhà Thơ Đoàn Việt Bắc đã từng là người lính, mà bây giờ vẫn bị án hàm oan như thế thì khổ quá, xong Anh đang bị vận "áo sám" sợ đem lại đen đủi cho người khác,nên phải kiêng khem cho "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Anh nhờ em đến thăm nom, thăm họ với tư cách cá nhân của anh!" .
Và đấy chỉ là một trong những việc "rất thường ngày" mà cô được Chú HƯ tin tưởng nhờ, thế thôi cháu ạ. Cô không bình luận thêm gì, thôi thì tuỳ ai hiểu, ai nghĩ thế nào là quyền của mỗi người, cô chỉ biết hiện tại là cô đang sống, đang làm bất cứ điều gì thì cô cũng luôn luôn nghĩ đến hai con trai của cô mà thôi "phúc đức tại mẫu" cháu ạ.
Thầy giáo của cô là Nhà Thơ Kim Dũng thì cũng là Hội viên HNVVN. Thầy luôn tự hào "khoe" với các Nhà Văn, Nhà báo đồng nghiệp rằng "tôi là Thầy giáo dạy ba năm phổ thông của trò Lê Phương Dung".
Mới đây, ngày thơ nguyên tiêu rằm tháng Giêng thì thầy giáo của cô có nhắn tin "nhờ em nói với Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu thầy Nhà Thơ Kim Dũng là thầy giáo cũ của "cô trò nhỏ " Lê Phương Dung! Cô cũng có nhờ thể theo ý thầy, nhưng người cô nhờ, nhận lời xong " lờ tịt " luôn, chả ỏ ê gì, và chả cần biết thầy giáo của cô là ai? Vì cô không đến hội thả Thơ lên trời hôm đó cháu Thu Trang ạ, nhưng thầy Kim Dũng có nói lại là không ai giới thiệu, không ai nói năng gì, làm cô cũng thấy áy náy vì dù gì thầy giáo cô cũng đã ngoài 70 tuổi, và thầy đang rất tự hào về những thành quả tốt đẹp của mình là cô học trò này. Vậy mà...
Thôi, cô nghĩ cháu cũng bận học tập, nên cô sẽ không làm mất thời gian của cháu nữa đâu, chỉ biết rằng cô rất thích tính cách trong sáng thẳng thắn của cháu đấy, nên phát huy và duy trì cháu nhé, cô trích tặng cho cháu mấy câu thơ trong bài thơ " Lời Mẹ dặn " của Nhà Thơ Phùng Quán ( 1932 - 1995 ) mà cô thích lắm nên thuộc lòng:
" Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu..."

Nhà báo Lê Phương Dung & cháu Phong
Tấm ảnh ở trên cô chụp với cháu Phong, nó cũng bằng tuổi cháu Thu Trang, bằng tuổi Ngọc Linh - con trai cô, chính là qua sự " phát hiện " của Báo CAND. Và đã nhiều năm nay, Chú HƯ vẫn "âm thầm, lặng lẽ" trích trong lương của mình ra đều đều hàng tháng phụ giúp gia đình Phong nuôi Phong đấy cháu ạ.
Bố của Phong đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam, nên hai con trai đều bị ảnh hưởng như thế này đây. Gia đình Phong ở trong khu TTQĐ 28 ĐBP Hà Nội, cô và bạn bè ở các báo Lao động, Quân đội... cũng vẫn đến thường xuyên, và hình này cô vừa chụp hôm qua đấy nhé.
Chúc cháu Nguyễn Thu Trang luôn gặp mọi điều may mắn, thành công trong cuộc sống với những điều tốt đẹp nhất.
Thân mến.

Lê Phương Dung
(Blog LTN

Người dân Trung quốc xé nát chân dung của Mao

Hình chụp Ji Laisong, Lin Qilei, Chen Shuaishuai, Cai Xiaodong xé rách chân dung của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Nơi giam giữ Cheng Shuaishuai và Lin Qilei chưa được biết. (weibo.com)


Một thanh niên trẻ tuổi đã bị cảnh sát ở tỉnh Hà Nam mời về đồn vào ngày 1/11 sau khi anh ta công khai xé một bức hình của Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với ba người trẻ tuổi khác. Nơi ở của hai trong số bốn người hiện vẫn chưa đươc biết.

Vụ việc xảy ra gần ngày họp Quốc hội 18 của Trung Quốc, và đã gây ra sự phản đối và phẫn nộ. Một phong trào quy mô lớn đã bắt đầu tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam (Henan), xé hình ảnh của Mao để hỗ trợ những người thanh niên trẻ.

Phong trào này được đặt tên Xé Nát Tám Cái Đầu, đề cập đến việc xé rách chân dung của tám nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà âm thanh tương tự nghe như là Quốc hội 18 ở Trung Quốc. Các nhà hoạt động ở Trung Quốc thường xuyên sử dụng các từ có âm thanh tương tự để vượt qua kiểm duyệt của chế độ.

Bốn người thanh niên là luật sư ở Trịnh Châu, Ji Laisong, nhà hoạt động AIDS Cao Xiaodong, Cheng Shuaishuai và sinh viên đại học có tên là Lin Qilei. Họ xé bức chân dung của Mao Trạch Đông vào ngày 25, trong một khu cơng viên công cộng Zijing Square, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Trong khi xe rách hình ảnh của Mao, họ kêu gọi chính quyền Trung Quốc "loại bỏ hệ tư tưởng của Mao" và bày tỏ sự tức giận về những sự tổn hại Mao gây ra người dân Trung Quốc.

*Các nhà văn, nhà báo, luật sư, và những nhân vật nổi tiếng đã lên tiếng cho Cao*


Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã nói chuyện với Ji vào tối ngày 5 tháng 11. Ji cho biết ông vẫn đi bộ xung quanh một cách tự do, nhưng chính quyền địa phương gần đây có mời ông uống trà. Cao đã bị bắt giữ bởi cảnh sát để điều tra và Ji đã không thể tiếp cận hai thanh niên kia. Ji cho biết động cơ đốt hình ảnh Mao của bốn người thanh niên trẻ là thực sự kích động chính quyền.

Ji cho biết, trong khi ông lo lắng về tình trạng của Cao, ông không hề hối tiếc. Ông nói động cơ của hắn là "để cho thấy nỗi bất hạnh của chúng ta đối với hành động của Bạc (Bo Xilai) quay trở lại Cách mạng Văn hóa.

Shuaishuai và Cao làm công việc tình nguyện cho các nạn nhân AIDS và đã thu thập được kinh phí để xây dựng một căn hộ AIDS có thể cung cấp chỗ ở miễn phí cho các bệnh nhân AIDS và gia đình họ khi đi khám bác sĩ tại Trịnh Châu, theo báo News NetEase Henan.

Sau khi Cao bị cảnh sát bắt qua đêm 1 tháng Mười Một, một trong những người bạn của mình, những người đi theo "Worriless V Blue" trên Sina microblog, đã gữi một tin nhắn vào ngày 2/11 nói "Vào khoảng 7:00 giờ chiều, bạn gái của Cao và tôi đã nhận lảnh anh ta tại Trạm Jingsanlu cảnh sát. Tôi đã gặp Xiaodong".

Một người sử dụng Sina microblog khác, với tên "Corpse Resurrection" tuyên bố, "Cao Xiaodong đã bị xô đẩy nhiều lần bởi bạo lực trong phòng phỏng vấn khi anh yêu cầu vào phòng tắm. Anh chỉ có một mảnh nhỏ bánh ngọt lạnh ngày hôm đó. "

Sự việc làm cho công chúng tức giận. Những nhà văn, nhà báo, luật sư, và những nhân vật nổi tiếng đã lên tiếng cho anh và yêu cầu cảnh sát thả anh ngay lập tức.

Xing Jianmin, một luật sư, cho biết, "Trên cơ sở pháp lý nào để bắt giữ bốn thanh niên tại Trịnh Châu chỉ vì họ xé rách chân dung của Mao Trạch Đông?"

Tiểu thuyết gia Xia Shang nói: "Trong một nước dân chủ, xé rách và thậm chí "họat hoạ" các bức chân dung của các nhân vật chính trị "thành qủy" là không có gì cả. Bức chân dung của Mao được in trên RMB [đồng nhân dân tệ]. Chúng tôi mang và sử dụng nó mỗi ngày, không có nghĩa là chúng tôi thích người này. "

Một người đã đăng một tin nhắn trên Weibo nói: "Tôi chỉ gọi Captain Liu sở cảnh sát Trịnh Châu và hỏi anh ta những gì tội gì mà Cao đã can phạm? Anh không trả lời, nhưng yêu cầu tôi gọi cảnh sát. Tôi nói rằng tôi đã xé rách khoảng 100 bức chân dung của Mao. Hoan nghênh Bạn điều tra tôi!"

[Trang Weibo đã bị chặn. Một kho lưu trữ bài viết có thể được tìm thấy ở đây: here]

Nhà bất đồng chính kiến Tứ Xuyên, ​​ông Huang Xiaomin nói người dân có quyền xé hình của bất kỳ ai. Huang nói với Đài phát thanh Hy vọng: "Đó không phải là những gì cảnh sát muốn tự mình họ làm, hoặc nếu đó là những gì cảnh sát muốn làm, nó cũng đã được kiểm soát bởi một cá nhân đặc biệt. Nó được điều khiển bởi quyền lực của một số quan chức."

Chen Jinghui - Epoch Times Staff
------------------
Chú thích:
Bản tiếng Anh:
http://www.theepochtimes.com/n2/china-news/chinese-tear-maos-image-to-support-arrested-youth-31980.html

MLDI kêu gọi Liên Hiệp Quốc có hành động đòi Việt Nam trả tự do cho luật sư Lê Công Định

Rob Balin, luật sư báo chí Hoa Kỳ và là thành viên của Media Legal Defence Initiative (MLDI) đã nộp yêu cầu khẩn cấp của mình lên các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Ngôn luận và Bảo vệ Nhân quyền, đòi hỏi trả tự do cho luật sư nhân quyền Việt Nam và đồng thời là thành viên của tổ chức Bảo vệ Báo Chí Đông Nam Á, ông Lê Công Định.

Cho tới khi bị bắt vào năm 2009, Lê Công Định là một luật sư có tên tuổi và là một trong số ít người dám đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các blogger và các nhà bất đồng chính kiến chính trị. Ông đã bảo vệ Điếu Cày, một blogger có tiếng ở Việt Nam, cũng như luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, những người bị kết tội tuyên truyền chống lại Nhà nước vào năm 2007.

Định đã không ngần ngại đứng dậy trước tòa và yêu cầu luật pháp phải bảo vệ các quyền của blogger và nhà báo. Ông cũng cổ vũ cho dân chủ và việc thực hiện đầy đủ quyền tự do ngôn luận - điều mà hiến pháp cho phép trên lý thuyến, nhưng bị luật pháp từ chối khi thực hành. Vì lý do này, ông đã bị bắt giữ và cho đến nay vẫn đang chịu án tù.

Vào tháng 1/2012, Lê Công Định bị truy tố vì "có hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" và bị kết án 5 năm tù giam, sau đó là 3 năm quản chế tại gia. Ông hiện đang bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ, điều này khiến sức khỏe của ông đang xấu đi.

Những lời kêu gọi [có hành động đòi] trả tự do cho Lê Công Định trước đây đã không nhận được phản hồi và bằng việc tiếp tục đưa ra kêu gọi lần này, MLDI nhắm tới tạo ra mối quan tâm mới tới vụ việc của luật sư Định nói riêng, và tình hình tự do ngôn luận ngày càng xấu đi ở Việt Nam nói chung.

Trường hợp của luật sư Định chỉ là một trong số nhiều trường hợp chính quyền tăng cường đàn áp các blogger và tiếng nói chỉ trích. MLDI gần đây đã lên tiếng về bản án bất công dành cho blogger Điếu Cày và bốn nhà hoạt động xã hội bị truy tố vì tuyên truyền chống nhà nước, cũng như việc truy tố một nhóm 17 thanh niên Công Giáo ở Việt Nam.
Theo DanLuan

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Lỗ to nhưng lương vẫn cao ngất ngưởng …

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa kết thúc cuộc kiểm toán  báo cáo tài chính năm 2011 của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Những thông tin về kết quả kinh doanh, việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại  tập đoàn này cho thấy những yếu kém đến…khó hiểu ở tập đoàn này. Mà một câu chuyện điển hình, giống như ở một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhà nước khác, như ở tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước đây: tuy thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng thu nhập của những người làm ở Petrolimex vẫn cứ cao ngất ngưởng…
Thua lỗ, làm giảm vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo kiểm toán (cũng đã được KTNN trả lời đại biểu Quốc hội), năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex âm 1.423,46 tỷ đồng (trong đó, khối đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế 2.358,77 tỷ đồng, các công ty con lãi 841,29 tỷ đồng). Nếu tính cả các khoản chênh lệch lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần  (949 tỷ đồng) thì nhà nước sẽ phải xem xét, xử lý tồn tại khi bàn giao sang công ty cổ phần là 3.413 tỷ đồng.
Theo KTNN, việc xử lý các tồn tại về tài chính, xử lý trách nhiệm, quyết định bù đắp các tổn thất…thế nào  sẽ do ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, bộ Tài chính và bộ Công thương xem xét, quyết định nhưng, kết quả kinh doanh của Petrolimex đã cho thấy, giá trị phần vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đã giảm đáng kể do kinh doanh xăng dầu thua lỗ và chênh lệch định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán.
Nguyên nhân dẫn đến số thua lỗ khá lớn nói trên, theo KTNN, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến (riêng nguyên nhân này làm lỗ 1.853 tỷ đồng). Các nguyên nhân khác được nêu ra: giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên bộ: Tài chính-công thương quy định; chi phí kinh doanh tăng do các yếu tố: tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng…Nhưng KTNN cũng cho rằng, khoản thua lỗ này còn có những nguyên nhân về quản trị khác.
Tiền lương khối văn phòng: trung bình 20,9 triệu đồng/người/tháng.
Cho dù có một số nguyên nhân khách quan nhất định gây nên thua lỗ nhưng nhìn vào kết quả kiểm toán của KTNN, cũng có thấy: trong lề lối, cách thức quản trị của Petrolimex có những lỏng lẻo nhất định. Cũng giống như một số tập đoàn khác: Dầu khí, Điện…Petrolimex đã đầu tư khá lớn vào các lĩnh vực: bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm với giá trị 1.534,5 tỷ đồng-tương đương 15,69% vốn chủ sở hữu. Do thị trường chứng khoán biến động, giảm sút, đương nhiên những khoản đầu tư này đã và đang giảm sút hiệu quả khiến Petrolimex cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn về, tập trung đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh chính. Nhất là trong vốn chủ sở hữu còn thấp, nhu cầu vốn nhập khẩu ngày càng cao, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không hề dễ dàng thì càng thấy, những quyết định đầu tư ra ngoài ngành của lãnh đạo Petrolimex phiêu lưu, thiếu trách nhiệm thế nào đối với đồng vốn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, mặc dù kinh doanh khó khăn, tiền vốn còn hạn hẹp nhưng Petrolimex vẫn có những quy định về chi tiêu, tiền lương không hợp lý. Tại công ty mẹ của tập đoàn, tổng quỹ tiền lương năm 2011 trên 60,36 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010. Tiền lương thực tế bình quân của cán bộ, nhân viên làm việc tại công ty mẹ, mặc dù giảm 1,7% so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức khá cao: 20.96 triệu đồng/người/tháng, bằng 1,75 lần so với mức lương khối văn phòng ở các công ty thành viên trực thuộc.
Quản lý chi phí: nhập nhèm
Mặc dù cho rằng, công ty mẹ Petrolimex  và các công ty thành viên quản lý chi phí tương đối, đầy đủ, rõ ràng…nhưng KTNN cũng cho rằng, vẫn còn có những tồn tại  ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên về việc hạch toán giá trị tài sản cố định, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí sản xuất kinh doanh: hạch toán sai niên độ kế toán, chi phí không phù hợp với doanh thu, hạch toán trùng chi phí…
Việc chấp hành các quy định về thuế của công ty mẹ-tập đoàn và các công ty được kiểm toán cũng có những tồn tại nhất định: một số đơn vị phân bổ khấu trừ thuế giá trị gia tăng chưa đúng, chưa kê khai đầy đủ thuế thu nhập cá nhân (897 triệu đồng)…Một số doanh nghiệp trực thuộc Petrolimex như: công ty Cổ phần hóa dầu, công ty Cổ phần Gas qua kiểm toán, đối chiếu đã được yêu cầu phải nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp không được ưu đãi là 65,49 tỷ đồng.
Ngay tại công ty mẹ, cũng có một số việc làm chưa đúng, được phát hiện qua cuộc kiểm toán. Ví dụ, trong việc cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng, số tiền thu được sau khi tăng vốn nhà nước và thanh toán chi phí cổ phần hóa, tiền phải nộp về tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) trên 83,22 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 27.10.2011, công ty mẹ mới nộp 65 tỷ đồng. Hiện còn trên 18,22 tỷ đồng, công ty mẹ còn chưa nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương. Hay ở việc định giá khoản đầu tư tại công ty Cổ phần hóa dầu, có việc đánh giá thiếu giá trị vốn tăng thêm gần 85 tỷ đồng.
Qua cuộc kiểm toán này, KTNN đã yêu cầu Petrolimex và các đơn vị thành viên xử lý về tài chính nhiều khoản như nộp thuế tăng thêm gần 73,97 tỷ đồng, trong đó: thuê thu nhập doanh nghiệp: 72,466 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng 272,6 triệu đồng; thuế thu nhập cá nhân 230,29 triệu đồng; thuế nhà đất 936,96 triệu đồng…KTNN cũng yêu cầu tập đoàn này và các đơn vị liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất nhất là việc phải hoàn thiện thủ tục chuyển đổi từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng với các lô đất đã xin chuyển đổi hình thức khi cổ phần hóa để thực hiện nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước số tiền 807.056 triệu đồng; thu hồi các khu đất bị lấn chiếm…
Sau cuộc kiểm toán, KTNN đã gửi công văn thông báo kiến nghị kiểm toán tại Petrolimex tới bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Báo cáo này cho rằng, công thức giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu tại thông tư 234//2009/TT-BTC của bộ Tài chính còn có những vướng mắc, hạn chế cần phải làm rõ để thống nhất áp dụng. Theo KTNN, quy định mức chi phí bán lẻ xăng dầu bình quân 600 đồng/lít, kg áp dụng cho tất cả các đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu khác nhau (trong khi qui mô, đặc điểm kinh doanh, sản lượng tiêu thụ, hệ thống phân phói, vị trí địa lý các đơn vị phân phối…rất khác nhau) là không sát chi phí thực tế của từng đầu mối kinh doanh xăng dầu và có sự khác biệt giữa các đơn vị, làm hạn chế doanh nghiệp phát triển thị trường ở những khu vực hoạt động khó khăn, chỉ tập tring ở các thị trường thuận lợi (gần cảng nhập, khu vực thuận tiện vận chuyển) để giảm chi phí. Theo KTNN, định mức phí bán lẻ xăng dầu cần phải được nghiên cứu, sửa đổi.
Cũng theo KTNN, thù lao đại lý kinh doanh xăng dầu có thời điểm quá thấp, gây khó khăn cho các đại lý và hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, dễ tạo ra tình trạng gian lận số lượng, chất lượng gây nên những bất ổn của thị trường xăng dầu.

Mạnh Quân
(Blog Mạnh Quân) 
 

Thua lỗ, đại gia ào ào đi điều trị tâm thần (1)

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ sáu, ngày 09 tháng mười một năm 2012

“Chưa bao giờ thấy bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, tâm thần do công việc làm ăn lại nhiều như năm nay”.
Bác sĩ Lê Hiếu, Phó khoa Khám, Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán TP.HCM đã nhận định như vậy.
Theo bác sĩ Hiếu, mỗi ngày mình khám khoảng 40 bệnh nhân, có tới 8 người trong số đó nguyên nhân phát bệnh liên quan tới tiền bạc, kinh doanh.
Thạc sĩ – bác sĩ Chu Thị Dung, làm việc tại khoa Khám của bệnh viện này cũng công nhận như vậy.
Nhiều người rối loạn tâm thần, có xu hướng tự tử
Bác sĩ Dung vừa thăm khám cho bà Trần Thị H., 52 tuổi, ở tận Thành phố Đà Lạt.
Bà H. kể nhà mình có cơ sở sản xuất bột giặt. Năm nay làm ăn khó khăn, công nợ nhiều.
Tiền mua nguyên liệu bà H. trả theo kiểu gối đầu, chờ khi bỏ mối được hàng mới lấy tiền đó thanh toán.
Ai ngờ mọi chuyện không suôn sẻ, bột giặt sản xuất ra không bán được, một số nơi trước đây là đại lý của gia đình bà thu nhỏ mô hình kinh doanh, không lấy mặt hàng của cơ sở bà nữa.
Bác sĩ Dung đang thăm khám cho bà H., chủ cơ sở sản xuất bột giặt - Ảnh: Thanh Huyền
Bà H. đang nợ tiền lương công nhân tới 3 tháng, phía cung cấp nguyên liệu cũng hối thúc đòi tiền liên tục.
“Cả tháng nay rồi tôi gần như thức trắng. Để giải quyết mọi chuyện êm xuôi tôi phải “quay” ra được 20 tỷ đồng. Tài sản, nhà cửa thế chấp hết rồi, tiền nong thất thoát. 6 tháng nay, mỗi tháng tôi lỗ 3 trăm triệu.
Nhiều khi mệt quá, thiếp đi, tôi nằm mơ người ta kéo tới đòi nợ nên hoảng hốt ngồi bật dậy. Chỉ trong 1 tháng tôi sụt 5kg. Ông xã và các con khuyên tôi nên về TP.HCM khám bác sĩ tâm lý, tâm thần để được tư vấn”, bà H. tâm sự.
Bác sĩ Lê Hiếu cũng vừa gặp một trường hợp tự tử bất thành do… thiếu nợ.
Đó là anh Nguyễn Đức T., 45 tuổi, ngụ tại quận 6, TP.HCM.
Anh T. làm nghề chạy xe ba gác, bị công an giữ xe nên thất nghiệp, nợ nần. Lãi mẹ đẻ lãi con lên tới con số hơn 200 triệu là quá lớn với người dân lao động chân tay.
Biết chẳng cách nào trả được nợ, xin việc không ai nhận, một phần vì anh không bằng cấp, phần thứ hai những chỗ vừa với sức anh lại đang thừa người, muốn tinh giảm bớt nhân công.
Lo lắng vì không xin được việc làm, ngày nào cũng có người đến chửi bới, uy hiếp đòi nợ khiến anh T. có ý định kết liễu cuộc đời để…giải thoát.
Rất may ý định tự tử của T. không thành công, được vợ con phát hiện, đưa đi khám tâm thần.
Tại bệnh viện, anh T. chia sẻ người lúc nào cũng mệt mỏi, mất ngủ. Anh từng mua thuốc thảo dược về uống nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Đại gia ngại bệnh viện, chọn khám tư
Đa số những người làm ăn kinh doanh cá thể nhỏ mới tới bệnh viện để khám tâm thần, còn các đối tượng đại gia, giàu có, bị rối loạn tâm thần vì công chuyện làm ăn ngại không tới bệnh viện mà tới phòng mạch tư (vì sợ điều tiếng).
Đó là trường hợp của bà Trần Thị M., 50 tuổi, ngụ tại Đồng Nai. Vợ chồng bà M. mỗi người có một công ty về kinh doanh đồ nội thất. Công ty của chồng chuyên về đồ nhập khẩu, còn vợ phụ trách mảng hàng nội địa.
Thuyền to sóng lớn. Nhìn cơ ngơi vợ chồng bà M. xây dựng ai cũng phải trầm trồ thán phục, hệ thống cửa hàng ở TP.HCM, Đồng Nai, lên tận Đà Lạt, ra cả Nha Trang, Đà Nẵng.
Tính sơ sơ bà M. đang tạo công ăn việc làm cho mấy trăm nhân viên.
Ấy vậy mà cách đây không lâu bà M. đi xe hơi tới phòng mạch của một bác sĩ tại TP.HCM để xin tư vấn về rối loạn tâm thần.
Nghe bà M. tâm sự, vị bác sĩ cũng phải toát mồ hôi: “Tôi lo lắm bác sĩ ơi, chỉ trong vài tháng mà tóc tôi bạc trắng. Khoảng 2 năm nay, mỗi tháng tôi lỗ 1 tỷ đồng.
Tài sản, nhà cửa, xe hơi thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn. Trước kia, sau khi định giá tài sản, ngân hàng cho công ty tôi vay 60 tỷ. Nay bất động sản xuống dốc, tài sản bị định giá lại, chỉ còn vay được phân nửa số cũ.
Tôi đi vay bạn bè 30 tỷ để bù vào số tiền 60 tỷ bị hụt để tiếp tục vận hành công ty. Nội tiền trả lãi cho ngân hàng và bạn bè mỗi tháng cũng đủ làm tôi…chóng mặt.
Nếu bây giờ chỉ sơ sảy một chút là sự nghiệp vợ chồng tôi gây dựng 30 năm nay sẽ mất trắng. Đó là chưa kể con cái đang du học bên Mỹ sẽ dang dở giữa đường…”.
Trước mặt bác sĩ là một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, đeo trang sức kim cương loá mắt nhưng đôi mắt dù đã trang điểm vẫn không giấu được nét thâm quầng vì thiếu ngủ.
Chồng bà M. cho biết vợ mình đang bị hoảng loạn thực sự. Bà M. căng thẳng tới mức không ăn được cơm, đêm tới cứ ngồi nhìn tường tròng trọc. Sức khoẻ suy sụp khiến bà không thể tiếp tục điều hành công việc do mất tập trung.
Tất cả các triệu chứng của những bệnh nhân nói trên được gọi chung là rối loạn lo âu.
Theo bác sĩ Chu Thị Dung, sau khi được bác sĩ chia sẻ, tư vấn, bệnh nhân sẽ được kê toa cho dùng thuốc chống lo âu.
Còn bác sĩ Lê Hiếu lại cảnh báo nếu không được điều trị và người thân quan tâm, chia sẻ, các bệnh nhân bị mắc hội chứng nói trên có nguy cơ tự tử rất cao.
Trên thực tế, bác sĩ Hiếu đã gặp không ít trường hợp các doanh nhân do công việc làm ăn không suôn sẻ, trong cơn bấn loạn đã tìm cái chết để giải thoát.
“Những đối tượng tâm thần liên quan tới chuyện làm ăn năm nay nhiều lắm, từ người kinh doanh chân chính cho tới phi pháp, buôn lậu. Có bệnh nhân vay nặng lãi, nợ nần tới vài tỷ bạc, bị xã hội đen đuổi giết, chấn động tâm lý cũng tới bệnh viện để được điều trị”, bác sĩ Hiếu cho biết.
(còn nữa)
Thanh Huyền
(VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét