Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY - TIẾP TỤC PHẢN ĐỐI HỘ CHIẾU LƯỠI BÒ

1415. “Hộ chiếu lưỡi bò”: Phản đối suông, không hiệu quả!

Boxit Vietnam

Chỉ phản đối suông thì không có hiệu quả

Bauxite Việt Nam
Như ta biết, vừa qua, Trung Quốc có thêm một hành động leo thang có tính toán: cho in lên loại hộ chiếu mới phát hành của họ hình bản đồ lưỡi bò liếm trọn biển Đông, vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của nhiều quốc gia ASEAN và đã bị nhân dân trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới phản đối từ nhiều năm nay. Vụ việc nói trên lộ ra khiến dư luận trong nước trở nên sôi sục. Thay mặt BVN, GS Nguyễn Huệ Chi có cuộc trao đổi thân tình với Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, xung quanh câu chuyện đang làm nhiều người hết sức quan tâm.

Nguyễn Huệ ChiThưa anh Lê Hiếu Đằng, trong vài ngày qua dư luận rộ lên việc Trung Quốc cho in hộ chiếu có hình lưỡi bò để người Trung Quốc cầm hộ chiếu đó đi qua cửa khẩu của nhiều nước, theo ý anh việc này nói lên điều gì trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc và liệu sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào đối với một số nước ASEAN có tranh chấp lãnh hải ở biển Đông với Trung Quốc trong đó đứng hàng đầu là Việt Nam?
Lê Hiếu Đằng: Chúng ta biết rằng việc này rộ lên sau Đại hội 18 của ĐCS TQ. Có thể nói đây là một “món quà” mà Tập Cận Bình và ê-kíp của ông ta tặng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN, những người luôn luôn muốn giữ “4 tốt” và “16 chữ vàng” mặc cho Bắc Kinh đã từ lâu dẫm đạp không thương tiếc những điều giả dối này bằng những hành động lấn chiếm Biển Đông một cách trắng trợn mà đỉnh điểm là việc cho in trên hộ chiếu hình lưỡi bò phi pháp với âm mưu thâm độc là nếu VN và các nước đang tranh chấp không có phản ứng gì thích đáng thì xem như mặc nhiên công nhận đường lưỡi bò của chúng. Vì vậy tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước VN qua sự việc này phải thấy hết bản chất ngoan cố, lươn lẹo của bọn bành trướng Bắc Kinh. Tại sao Tổng bí thư Lê Duẩn và nhiều người lãnh đạo trước đây qua nhiều thời kỳ quan hệ với TQ đã thấy bản chất của chúng mà các vị lãnh đạo hiện nay lại làm ngơ không thấy. Nhân dân có quyền nghi ngờ thái độ khó hiểu này vì nó đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chúng ta chờ xem Đảng và Nhà nước VN sẽ có những biện pháp gì mạnh mẽ và có hiệu quả trước hành động khiêu khích trắng trợn này.
Nguyễn Huệ Chi: Trên báo Tuổi trẻ ngày 23-11 có đưa tin về tuyên bố ngày 22-11 của ông Lương Thanh Nghị phản đối việc làm phi pháp này, nhưng theo nhiều người biết thì việc Trung Quốc cho phát hành “hộ chiếu lưỡi bò” đã xảy ra từ ngày 15-5-2012, nghĩa là trước đây đến những 6 tháng rồi, và trong cuộc họp báo định kỳ, cũng phải phóng viên hãng thông tấn nước ngoài là Reuters chất vấn thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta mới chịu lên tiếng. Anh có nhận định gì về phản ứng quá chậm muộn và bị động đó của phía Nhà nước Việt Nam?
Lê Hiếu Đằng: Bao giờ cũng vậy, trước những hành động xâm lấn ngang ngược và phi pháp của nhà cầm quyền TQ, phía VN luôn luôn chậm và bị động đối phó bằng những lời phản đối suông mà người dân thường cười châm biếm là “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mà cũng chỉ lời phản đối vô thưởng vô phạt của người phát ngôn bộ ngoại giao. Tại sao VN không làm như một số nước là triệu tập Đại sứ TQ để phản đối, buộc họ phải rút lại, hủy bỏ chủ trương phi pháp này. Với lòng tự trọng dân tộc, tôi thấy xấu hổ trước sự nhu nhược, mềm yếu đáng phê phán này.
Nguyễn Huệ Chi: cũng trên báo Tuổi trẻ có đưa ra hai dẫn chứng về biện pháp đối phó với vụ việc động trời trên tại cửa khẩu đường bộ quốc tế Lào Cai và Móng Cái, một nơi thì đóng dấu hủy vào 4 hộ chiếu của Trung Quốc (rồi hình như bắt họ giơ hộ chiếu lên để chụp ảnh, nhưng không hiểu sao những người giơ hộ chiếu lại có vẻ tươi cười chứ không phản ứng gì cả? Chẳng lẽ họ coi việc làm của mình là trò vui hay sao?), một nơi thì không đóng dấu hủy mà phát một tờ thông hành rời cho du khách, trong khi chúng ta vẫn còn 3 cửa khẩu quốc tế đường bộ VN-TQ là Chi Ma (Lạng Sơn), Hoành Mô (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng, 17 cửa khẩu quốc tế đường bộ với Lào và Cam-pu-chia, 7 cửa khẩu quốc tế đường hàng không: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Trà Nóc, và 16 cửa khẩu quốc tế đường biển nữa mà chưa thấy có động tĩnh gì. Theo ý anh việc báo đưa tin như trên có phải là một kiểu trấn an dư luận hay không? Kiểu trấn an đó phản ánh điều gì?

Lê Hiếu Đằng: Theo tôi, việc làm của nhà cầm quyền TQ là công khai thì tại sao nhà nước VN lại không có một chủ trương công khai, minh bạch để chống lại, để vô hiệu hóa âm mưu thâm độc này của TQ mà lại để mỗi nơi xử lý một kiểu. Nhân dân VN có quyền đòi hỏi Nhà nước VN phải công bố rõ chủ trương công khai và những biện pháp đáp trả mạnh mẽ, có hiệu quả trước vấn đề này, thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN, chỉ phản đối suông như những lần trước là đâu cũng vào đấy, không có hiệu quả.
Nguyễn Huệ Chi: Trước tình hình quá nóng về những bước đi có tính toán trong toàn bộ hành vi thâm độc xảo quyệt của Trung Quốc ngày một dấn tới đối với vấn đề biển Đông, liệu trí thức nên làm gì để góp phần có ích nhất vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, hay là lại cùng nhau lên tiếng trong một Kiến nghị đề đạt lên cấp lãnh đạo tối cao như các lần trước? Anh có tin vào hiệu quả của những Kiến nghị loại đó hay không, nhất là khi chúng ta đều nghi ngờ tính chất bị động, yếu ớt, thậm chí nói như một số trang mạng là “đang mất sức đề kháng” của Nhà nước chúng ta?
Lê Hiếu Đằng: Như tôi nói ở trên, chỉ phản đối suông thì không có hiệu quả. Như vậy tại sao Nhà nước VN không để các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức và thanh niên SVHS tổ chức mít tinh, biểu tình để phản đối hành động khiêu khích, chà đạp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền TQ. Tuyên bố phản đối là cần thiết nhưng cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để chứng minh cho nhà cầm quyền TQ biết rằng nhân dân VN quyết không sợ bất cứ thế lực nào dù thế lực đó là ai, tàn ác đến đâu. Vì vậy, tôi đề nghị MTTQVN và các đoàn thể quần chúng, nhất là đoàn TN và Hội liên hiệp TN, Hội sinh viên đứng ra tổ chức biểu tình, mít tinh lên án hành động phi pháp vừa qua của nhà cầm quyền TQ. Nếu họ từ bỏ nghĩa vụ này không làm thì nhân dân dùng quyền của mình đã được ghi trong Hiến pháp: quyền biểu tình. Tại sao không?
Nguyễn Huệ Chi: xin thay mặt BVN cám ơn anh Lê Hiếu Đằng.
BVN
Ảnh: Gặp mặt tại Hà Nội ngày 9-10-2011, từ phải sang: Hoàng Dũng, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Huệ Chi, Trần Quốc Thuận. Ảnh: HD
Nguồn: Boxit Vietnam

1417. VP LS Trần Vũ Hải: THÔNG BÁO VỀ 4 VỤ CÔNG DÂN KHIẾU KIỆN TẬP THỂ

THÔNG BÁO VỀ 04 VỤ CÔNG DÂN KHIẾU KIỆN TẬP THỂ
(VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI THAM GIA TRỢ GIÚP PHÁP LÝ)

Chúng tôi xin trân trọng thông báo:
  1. Về vụ 33 hộ nông dân Đại Từ – Thái Nguyên khiếu nại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về đường dây tải điện 220KV gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, Bộ trưởng Bộ công thương đã cho biết khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 12/11/2012, Chính phủ đã có quyết sách để những hộ dân có 30% diện tích đất bị ảnh hưởng, thu hồi từ các dự án điện (trong đó có dự án đường dây tải điện 220KV Tuyên Quang – Thái Nguyên) được tạo điều kiện tái định cư. Như vậy, nếu chính sách này được thực hiện nghiêm, 33 hộ dân này đủ điều kiện để tái định cư theo như nguyện vọng của họ. Ngày 27/11/2012, VPLS Trần Vũ Hải đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ công thương, tổng giám đốc EVN và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng thực hiện chính sách mới trên, giải quyết dứt điểm khiếu nại của các hộ dân này.

  1. Về vụ thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên liên quan đến Dự án Ecopark, luật sư Nguyễn Anh Vân đã tình nguyện tiếp sức VPLS Trần Vũ Hải trợ giúp cho những hộ dân bị thu hồi đất và đang khiếu kiện. Ngày 26/11/2012, luật sư Nguyễn Anh Vân đã hướng dẫn bà con làm các thủ tục khiếu nại 02 Tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) liên quan đến Dự án Ecopark, ngay tại trụ sở Bộ TN-MT. Bà con đang đợi kiến nghị của Giáo sư Đặng Hùng Võ như đã hứa tại Buổi đối thoại ngày 08/11/2012, khi giáo sư đã nhận lỗi và trách nhiệm của mình do việc ký vào 02 Tờ trình đấy. Mặt khác, đã có cuộc tiếp xúc giữa một lãnh đạo của Doanh nghiệp chủ dự án Ecopark với luật sư Trần Vũ Hải, và trong dịp tới sẽ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc.
  1. Về vụ  hàng trăm hộ dân xã Lộc An, thành phố Nam Định khiếu nại về thu hồi đất cho nhiều dự án. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chính quyền tỉnh Nam Định đối thoại, đã gợi ý các hộ dân này nhờ luật sư trợ giúp. VPLS Trần Vũ Hải đã nhận trợ giúp cho các hộ dân này trong các buổi đối thoại, làm việc ngày 28/11/2012 (tại trụ sở UBND thành phố Nam Định), do Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chủ trì, bắt đầu từ 7h30 sáng đến hết chiều (có 05 buổi đối thoại, làm việc liên tục). Văn phòng UBND tỉnh Nam Định chưa tạo điều kiện cho các luật sư làm việc, mặc dù VPLS Trần Vũ Hải đã cử luật sư làm việc trực tiếp vào chiều ngày 27/11/2012. Tuy nhiên ông Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý các luật sư tham dự, nhưng chưa rõ sẽ tạo điều kiện như thế nào?
  1. Việc các hộ dân ở Thủ Thiêm – TP Hồ Chí Minh kiện thu hồi đất, chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đồng ý tổ chức đối thoại cùng các cơ quan chức năng của thành phố vào tháng 12/2012. VPLS Trần Vũ Hải sẽ tham gia đại diện cho một số hộ dân trong 01 buổi đối thoại.
VPLS Trần Vũ Hải xin thông tin cho báo chí và những ai quan tâm những vụ khiếu kiện nêu trên, và rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của dư luận và mọi người. Nhân đây, chúng tôi thay mặt những hộ nông dân xã Lộc An – Nam Định kính mời các nhà báo và những người quan tâm khác đến trụ sở UBND thành phố Nam Định theo dõi và đưa tin về các buổi đối thoại, làm việc vào ngày 28/11/2012.
Chúng tôi cũng rất mong nhiều vị luật sư khác sẽ tiếp sức VPLS Trần Vũ Hải để giúp bà con và chính quyền giải quyết những vụ khiếu nại tập thể, phức tạp.
Trân trọng./.
Luật sư Trần Vũ Hải

1418. Người Trung Quốc quyết nắm Biển Đông?

“… tinh thần bảo vệ ‘chủ quyền’ của người dân Trung Quốc, tôi thấy đã là một ngọn núi cao ngất đối với Hà Nội … Có lẽ sẽ hồ đồ khi cho rằng người Việt Nam không máu lửa như người Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền.”  
“Trong câu chuyện này, ở Việt Nam, Đảng đã giành hết quyền lo. Người dân không được phép xía vào. Họ đang trông chờ Đảng ‘lo’ tốt hơn chứ không phải chỉ la oai oái trước những cú ra đòn hiểm hóc của Trung Quốc.”
BBC tiếng Việt

Quyết nắm Biển Đông?

Nguyễn Lễ
viết cho BBCVietnamese.com từ Bắc Kinh
Cập nhật: 11:34 GMT – thứ ba, 27 tháng 11, 2012
Trước hết tôi phải xin lỗi vì cái tựa đề nghe như khẩu hiệu của Đảng có thể gây lầm tưởng là tôi cổ vũ tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thực ra đối tượng mà tôi muốn nói ở đây lại là Trung Quốc.
Nếu thế thì chắc có người cho rằng phải để tựa là ‘quyết chiếm Biển Đông’ mới đúng. Nhưng cũng vì chữ ‘chiếm’ này mà tôi đã bị phản ứng rất gay gắt.

Nước cờ cao

Suốt mấy ngày qua dân tình trong nước sục sôi với câu chuyện hộ chiếu của người láng giềng phương Bắc thòng chiếc lưỡi lỗ mãng xuống liếm gần hết Biển Đông.
Nước cờ này tuy mạo hiểm nhưng đã được tính toán kỹ trong ván cờ Biển Đông mà cao thủ Bắc Kinh đang buộc Hà Nội và Manila phải chơi theo ý họ.
Xét cho cùng đây cũng là một bước đi logic của chính quyền Trung Quốc.
Trên chuyến bay của hãng Air China đi Bắc Kinh để tường thuật về Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi đã phát hiện cơ man những chiếc lưỡi bò như thế.
Tạp chí của hãng để trước mặt hành khách có rất nhiều bản đồ Trung Quốc, và trên mỗi bản đồ này, dù lớn hay nhỏ, người ta đều không quên đính kèm một cái lưỡi bò.
Cái lưỡi đứt chín đoạn với chấm chấm bên trong giờ đây đã trở thành một phần không thể tách rời cái bụng phình to của đại lục.
Một khi cái lưỡi này đã xuất hiện trên mỗi bản đồ Trung Quốc thì không có lý do gì nó lại không có mặt trên những tấm bản đồ cuối cùng trên hộ chiếu.
Chính vì thế mà hộ chiếu lưỡi bò là một bước đi logic của Bắc Kinh. Từ 10 triệu sẽ có ngày có đến cả tỷ cái lưỡi bò nhan nhản tỏa đi khắp nơi trên thế giới.

Cá tươi Điếu Ngư

Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh, bước ra khỏi khách sạn tôi nhìn thấy đối diện bên kia đường có một bảng điện tử liên tục chạy chữ bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Câu tiếng Anh dịch ra là ‘Điếu Ngư Đảo là của Trung Quốc’.
Bảng điện tử đó là của một công ty lữ hành mà lý ra phải chạy các thông tin chào tour.
Trên tờ báo nhiều ‘ân oán’ với Việt Nam là Hoàn cầu Thời báo tôi nhìn thấy tấm ảnh chụp một sạp cá trong một khu chợ ở Bắc Kinh căng một tấm biển trắng ghi dòng chữ rõ to được dịch sang tiếng Anh là: ‘Đây là cá tươi mới đánh bắt ở Điếu Ngư’.
Tôi tin cả bảng điện tử lẫn băng rôn đều là việc làm tự phát tự giác của người dân chứ chính quyền chẳng hơi đâu sai bảo những việc chả ảnh hưởng gì đến quyền cai trị của họ.
Cá ‘Điếu Ngư’ thì được tung hê như thế, còn cá ‘Tam Sa’ thì sao?
 
Câu trả lời có ngay: trang web chính thức của Đại hội 18 cũng tranh thủ quảng bá một phóng sự ảnh về ‘Tam Sa’.
Tôi nhìn thấy những ngư phủ sạm đen nắng gió trưng ra những con cá to bằng cả thân người họ vừa bắt được.
Có lẽ cá ‘Điếu Ngư’ mới là hàng độc cần phải rao, còn cá ‘Tam Sa’ đã là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.
Không những mắt thấy mà chính tai tôi cũng đã nghe (dù qua phiên dịch) những thường dân Bắc Kinh nói về ‘chủ quyền’ của họ.
Có những người đã đồng ý trả lời nhưng lại đổi ý ngay khi biết một người Việt Nam lại đi hỏi chuyện về ‘Tam Sa’.
Tuy nhiên, những ai chịu nói đều thể hiện một niềm tin chắc như đinh đóng cột rằng ‘Tam Sa’ và ‘Nam Hải’ là của Trung Quốc. Không có gì phải bàn cãi!

‘Thảo dân’ lên tiếng

Bà Dương Quế Linh, 35 tuổi, tiểu thương bán rau cải ở Quận Hải Điến mặc dù lúc đầu khăng khăng không biết gì về chính trị nhưng trước sự nài nỉ của chúng tôi cuối cùng bà cũng phát biểu:
“Cái gì thuộc về Trung Quốc thì là của Trung Quốc. Với tư cách là công dân Trung Quốc, tôi hy vọng chính phủ sẽ dùng hết sức để lấy lại phần lãnh thổ thuộc về Trung Quốc.”
Và nữa:
“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo và tranh chấp Tam Sa đều quan trọng như nhau. Đây không phải là vấn đề bình thường. Đây là vấn đề liên quan đến lãnh thổ quốc gia.”
Lời lẽ của một chị bán rau nghe như giọng điệu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao!
Thể theo yêu sách đòi đến 80% Biển Đông của Trung Quốc thì một quốc gia biển như Việt Nam thành ra không có biển. Trước sự hùng hồn của bà Dương, tôi xoáy sâu vào điểm này mà tôi cho là không thuyết phục rõ ràng trong yêu sách đường chín đoạn để xem người dân Trung Quốc nói sao.
Anh Tăng Vũ, 24 tuổi, nghiên cứu sinh ngành chế tạo xe hơi mà chúng tôi ‘chộp’ được tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, có câu trả lời còn bất ngờ hơn:
“Thật sự tôi cũng không quan tâm lắm đến con số cụ thể nhưng nếu nói con số 80% là quá đáng thì đáng lẽ ra phải là 100% mới đúng vì biển đó là của Trung Quốc.”
“Tôi nghĩ Trung Quốc cần phải dùng biện pháp cứng rắn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, không thể tiếp tục nhượng bộ vì như thế Trung Quốc sẽ thiệt thòi.”
Tuy nhiên sau những lời lẽ ‘quá nhiệt huyết’, anh Tăng có phần đấu dịu:
“Mỗi người đều có lòng yêu nước, đều yêu đất nước của mình. Bản thân bạn cũng thế. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề hiện tại. Chúng ta nên nhìn về lâu dài. Giữa các quốc gia với nhau cần phải tìm hướng giải quyết để cùng nhau phát triển.”
Anh Tăng Vũ chính là người đã phản ứng quyết liệt với người phiên dịch của tôi khi cô dùng chữ Trung Quốc ‘chiếm đoạt’ 80% Biển Đông mà tôi đã đề cập ở đầu bài.
Một sinh viên khác, họ Giả, 25 tuổi, cùng trường và đang học sau đại học ngành Quang học, tỏ ra khá mềm dẻo với điều kiện ẩn danh.
“Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ thì số liệu không thể hiện được sự chính xác thông tin. Có thể thấy được một bên nhiều hơn một bên ít hơn nhưng số liệu có được cũng có lý riêng của nó.”
“Cá nhân tôi mong muốn hòa bình song song với lãnh thổ được nguyên vẹn không xảy ra tổn thất gì. Chính phủ với tư cách là đại diện của người dân phải xem xét và quyết định làm sao cho đạt được nguyện vọng của người dân.”
Người bạn phiên dịch của tôi, một du học sinh Việt Nam ở Bắc Kinh đã ba năm, cho biết kể từ khi bùng nổ vụ Điếu Ngư, người dân Trung Quốc dồn tất cả căm hờn vào Nhật Bản và gần như quên Việt Nam.
Vấn đề là tại sao một hòn đảo bỏ hoang lại có thể khuấy động tinh thần của người dân Trung Quốc hơn một vùng biển chiến lược có lợi ích dồi dào.
Nếu xem ‘Điếu Ngư’ là cái bánh khó nhằn còn ‘Nam Hải’ là miếng ngon trước sau gì cũng nuốt trọn thì câu trả lời sẽ rõ.
Ít ra đây cũng là ý kiến của ông Vương Gia Tường, 72 tuổi, một kỹ sư đã về hưu.
“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo tương đối khó khăn,” ông trả lời tôi, “Nhưng một khi đã giải quyết được Điếu Ngư thì vấn đề Tam Sa sẽ dễ dàng giải quyết.”
Rõ ràng hộ chiếu mới của Trung Quốc có đính kèm lưỡi bò nhưng lại không dám động đến ‘Senkaku’ nên Tokyo cho qua không nói gì.
Tôi đã soi rất kỹ trên các bản đồ trong các sách vở của Trung Quốc để tìm dấu vết của ‘Điếu Ngư’ nhưng cũng không hề thấy đánh dấu.
Có thể thấy rằng với Tokyo tuy Bắc Kinh có lớn tiếng nhưng vẫn vừa đi vừa ngó chừng. Trong khi đó, đối với Hà Nội và Manila Bắc Kinh sẵn sàng ra mặt bặm trợn.
Đây có lẽ vận vào ý ‘dễ trước khó sau’ mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra cho chiến lược biển đảo của họ chăng?

Không có đường lui

 
Thế thì nếu cả Tokyo, Hà Nội và Manila có cùng hành động gây sức ép cùng một lúc thì tôi tự nhủ Bắc Kinh sẽ như thế nào?
Có lẽ họ sẽ phải vất vả chống đỡ, nhưng dù thế nào chăng nữa thì trước áp lực quyết liệt của dân chúng tôi cho rằng khả năng Trung Quốc lui bước trên Biển Đông là hoàn toàn không có chứ đừng nói là rất ít.
Cũng sẽ có những lúc nhà cầm quyền Bắc Kinh càng phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề chủ quyền nếu họ cần tranh thủ sự ủng hộ của người dân.
Ý chí quyết liệt của người dân hòa với mưu tính của nhà cầm quyền khiến Bắc Kinh ở vào tư thế chỉ có thể tiến chứ không thể lùi trên vấn đề ‘Nam Hải’.
Muốn hoàn thành bá nghiệp Trung Quốc phải vươn ra biển. Như thế trước hết phải có ‘ao nhà’. Cho nên có thể nói Biển Đông là chiếc chìa khóa Trung Quốc quyết phải nắm mà nếu mất thì cũng tan tành giấc mộng mà đời đời đất nước Trung Hoa luôn ấp ủ.
Chưa kể danh dự một nước lớn. Nếu tuyên bố chủ quyền mà cuối cùng lại để mất vào tay nước nhỏ thì chẳng mất mặt lắm sao?
Cho nên dù tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có thể bị xem là ‘vô lý’ nhưng chính phủ họ lại rất tự tin với điều ‘vô lý’ đó.
Tự tin vì họ biết họ phải nắm Biển Đông bằng mọi giá. Tự tin vì họ đang và sẽ có đủ tiềm lực để thực hiện điều đó.
Sự tự tin này cũng có thể thấy với hộ chiếu lưỡi bò. Một bước đi rủi ro nhưng họ rất mạnh dạn chứng tỏ họ đã lường trước tất cả hệ lụy.

Thách thức cao ngất

Khoan bàn đến lý lẽ của mỗi bên, khoan so về tương quan lực lượng mà chỉ dừng lại ở tinh thần bảo vệ ‘chủ quyền’ của người dân Trung Quốc, tôi thấy đã là một ngọn núi cao ngất đối với Hà Nội.
Đó là niềm tin từ gan ruột của họ, bất kể có lý hay phi lý. Đó là sự tự giác bảo vệ chủ quyền đến mức cực đoan. Đó là sự lan tỏa đến từng người dân bình thường.
Có lẽ sẽ hồ đồ khi cho rằng người Việt Nam không máu lửa như người Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa thấy được sự tự giác và lan tỏa ở mức độ như ở Trung Quốc.
Ít nhất thì người dân Trung Quốc cũng xuống đường rầm rộ để hà hơi tiếp sức cho chính quyền gây áp lực với Nhật Bản trên vấn đề Điếu Ngư.
Trong khi đó thì các cuộc biểu tình bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa ở Hà Nội số lượng chẳng được bao nhiêu mà lại còn bị chính quyền gây khó dễ đủ điều.
Nhìn trước mắt thì hộ chiếu lưỡi bò cũng chỉ là một trong rất nhiều đòn mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra để nhằm hạ gục Hà Nội và Manila.
Trong khi chờ đợi, ông Lương Thanh Nghị nên chuẩn bị sẵn tinh thần hoặc tranh thủ tìm bài gì mới xi-nhê hơn.
Trong câu chuyện này, ở Việt Nam, Đảng đã giành hết quyền lo. Người dân không được phép xía vào. Họ đang trông chờ Đảng ‘lo’ tốt hơn chứ không phải chỉ la oai oái trước những cú ra đòn hiểm hóc của Trung Quốc.
Nếu có việc gì xảy ra thì chắc chắn toàn bộ trách nhiệm thuộc về Đảng. Đó là trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước tổ tiên và trước các thế hệ mai sau.
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả, không phải của BBC Việt ngữ.

1419. TƯƠNG LAI VỊ THẾ LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU CỦA MỸ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Hai, ngày 26/11/2012

TƯƠNG LAI VỊ THẾ LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU CỦA MỸ

(Tạp chí International Affairs)
Thập kỷ kể từ sự kiện 11/9 đã chứng kiến hai tầm nhìn chính sách đối ngoại cạnh tranh nhau của Mỹ. Phản ứng của George W.Bush trước cuộc tấn công này là tuyên bố một cuốc chiến toàn cầu chống khủng bố. Bị thuyết phục rằng Mỹ đã phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu được các nhà nước khác kích động và lạc quan về khả năng sức mạnh Mỹ định hình lại thế giới, Mỹ đã bắt đầu tấn công. Ở Ápganixtan, nước này đã chiến đấu để tiêu diệt hay bắt giữ các phần tử Al-Qaeda và những người ủng hộ họ. Ở Irắc, nước này đã chiến đấu để phá vỡ mối quan hệ của những kẻ khủng bố, những kẻ chuyên quyền với những công nghệ hủy diệt hàng loạt. Nhưng cuộc chiến tranh Irắc đã tạo ra thứ gì đó mà Bush không thể dự tính được – một cuộc chiếm đóng kéo dài và đẫm máu chứng tỏ những hạn chế của sức mạnh Mỹ. Sự chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ đã tăng vọt, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Barack Obama đã đánh trúng vào tâm trạng  vỡ mộng của công chúng Mỹvề Irắc và chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung hơn bằng việc bác bỏnhững nguyên tắc cốt lõi trong thế giới quan của Bush. Trong phân tích của mình, Bush đã không thể nhận ra sự toàn cầu hóa đã tái tạo hoạt động chính trị thế giới như thế nào. Nó đã phân tán sức mạnh trên khắp toàn cầu và tạo ra một loạt các vấn đề mới, trong đó khủng bố chỉ là một vấn đề, vượt quá phạm vi các đường biên giới. Sức mạnh quân sự to lớn chỉ giúp ích có giới hạn trong một môi trường như vậy, và Mỹ không thể thực hiện việc đó một mình. Nước này cần các đối tác để đạt được những mục tiêu của mình và bảo vệ những lọi ích của mình, Và chỉ có thể lôi kéo được những đối tác đó thông qua sự can dự về mặt ngoại giao chứ không phải bằng sự hăm dọa.
Tuy nhiên, mặc dù những sự khác biệt giữa Bush và Obama, cả hai có chung một đặc điểm: sự tin chắc rằng những nước khác đều muốn và cần sự lãnh đạo của Mỹ. Niềm tin này đã phản ánh hơn nửa thế kỷ thành công của Mỹ với tư cách là một siêu cường toàn cầu. Sự lãnh đạo của Mỹ là cần thiết đối với mọi việc từ tạo ra Liên Hợp Quốc đến lãnh đạo thế giới trong công cuộc giải phóng Côoét. Sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không phải là một lời nói khoác mà là một thực tế.
Tuy nhiên, ngay cả khi Obama hứa hẹn bắt đầu “phục hồi sự lãnh đạo của Mỹ”, chính xu hướng mà ông đã trích dẫn để chí trích chính sách đối ngoại của Bush – sự toàn cầu hóa – ít nhất là đang làm phức tạp những nỗ lực của ông và tồi tệ nhất là phá hỏng chúng. Như Obama đã nhận ra trong hai năm đầu cầm quyền rằng những lời nói tử tế, một bàn tay rộng mở và sự sẵn lòng lắng nghe không đảm bảo có được sự hợp tác, chứ chưa nói đến thành công trong chính sách đối ngoại. Những đối tác mong đợi của ông thường bất đồng về bản chất của vấn đề, cái gì tạo nên một giải pháp xác đáng và ai nên mang gánh nặng thực hiện nó. Họ có những lợi ích và ưu tiên của riêng mình, và thường thì họ không hướng đến Oasinhtơn để tìm kiếm sự chỉ dẫn.
Làm thế nào để thành công ở một thế giới mà trong đó các nước khác đang ngày càng phớt lờ hay tranh giành quyền lãnh đạo của Mỹ thay vì đón nhận nó là một thách thức quan trọng hơn cả mà Mỹ phải đối mặt trong những năm tới. Như Obama lưu ý một cách đúng đắn, phần lớn những gì ông hay bất cứ vị tổng thống nào của Mỹ muốn đạt được ở nước ngoài đòi hỏi phải có sự hợp tác của những nước khác. Nhưng làm thế nào có thể có được sự hợp tác đó một cách tốt nhất? Sự cám dỗ là trung thành với những cách làm việc trong quá khứ. Việc thay đổi các chiến lược, sửa lại những ưu tiên, và đổi mới nhũng nhiệm vụ là đau đớn về mặt chính trị và nguy hiểm tiềm tàng. Nhưng một chính sách đối ngoại phớt lờ việc môi trường toàn cầu đã thay đổi nhiều như thế nào sẽ dẫn đến thất bại hơn là thành công.
Cuộc chiến chống khủng bố
George W.Bush không có ý định hoạch định lại chính sách đối ngoại. Khi ông tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 1999, các vấn đề trong nước nằm ở hàng đầu chương trình nghị sự chính trị, chính sách đối ngoại là một suy nghĩ đến sau đối với hầu hết người Mỹ. Bush đương nhiên có vẻ hướng nội hơn là hướng ngoại trong chiến dịch tranh cử năm 2000 và 8 tháng đầu ông cầm quyền. Đặc biệt là cả Al-Qadea lẫn khủng bố đều không được cho là vấn đề nổi bật khi ông chuyển hướng sang chính sách đối ngoại.
Sự kiện 11/9 đã thay đổi tính toán đó và cùng với nó là định hướng của chính sách đối ngoại Mỹ. Chiến đấu chống khủng bố đã trở thành không phải là một sự ưu tiên nào đó, mà là một sự ưu tiên xác định. Bush đã xem sự kiện 11/9 không chỉ là một hành động khủng khiếp mà còn là một mối đe dọa hiện hữu xếp ngang hàng với những mối đe dọa từ Đức Quốc Xã và Liên Xô. Đây không phải là một xung đột địa chính trị bình thường, mà là một cuộc xung đột giữa thiện và ác đã tác động đến tất cả các nước trên thế giới. Ông đã nói với những người khóc than tại buổi cầu nguyện 3 ngày sau các cuộc tấn công ngày 11/9: “Trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử là rõ ràng: trả đũa những cuộc tấn công này và giải thoát thế giới khỏi cái ác”.
Sự miêu tả của Bush về mối đe dọa này đã tất yếu dẫn đến một phương thuốc chính sách: một “cuộc chiến chống khủng bố”. Cả hai danh từ trong cụm từ đó đều có ý nghĩa to lớn. Mỹ sẽ không phản ứng mang tính phòng thủ bằng việc dựa vào vịệc thực thi pháp luật và các biện pháp bị động như có thêm bảo vệ, súng ống và cánh cửa để tự bảo vệ mình; thay vào đó, nước này sẽ bắt đầu ở vào thế tấn công. Như ông đã nói với các cố vấn cùa mình: “Chúng ta cần phải chiến đấu ở bên ngoài bằng việc đưa cuộc chiến tranh này đến với những kẻ xấu”. Mục tiêu này vượt ra ngoàiAl-Qaeda, để bao gồm tất cả những kẻ khủng bố toàn cầu và các nhà nước ủng hộ chúng. Theo lời lẽ của thứ được biết đến như học thuyết Bush thì “Chúng ta sẽ không phân biệt giữa nhũng kẻ khủng bố dính líu vào những hành động này và những người dung túng cho chúng”.
Cuộc chiến chống khủng bố của Bush dựa trên 5 giả định. Thứ nhất, ưu thế toàn cầu của Mỹ, và đặc biệt là ưu thế về quân sự của nước này, đã mang lại cho Mỹ khả năng chưa từng có thực hiện cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Thứ hai, việc Oasinhtơn miễn cưỡng đáp trả về mặt quân sự các đòn tấn công khủng bố trong hai thập kỷ trước đã khuyến khích Al-Qaeda và đồng bọn của tổ chức này. Phó Tổng thống Dick Cheney đã lập luận về điểm này một cách thường xuyên và mạnh mẽ: “Sự yếu kém, dao động và việc Mỹ không sẵn lòng sát cánh với những người bạn của chúng ta – điều đó là mang tính khiêu khích. Nó khuyến khích những kẻ như Osama bin Laden… tiến hành nhũng đòn tấn công nhiều lần nhằm vào Mỹ, vào người dân của chúng ta ở nước ngoài và trong nước ở đây, với quan điểm rằng kẻ đó trên thực tế có thể làm như vậy mà không bị trừng phạt”.
Thứ ba, các học thuyết răn đe và ngăn chặn trong Chiến tranh Lạnh sẽ không có tác dụng với những kẻ khủng bố. Những lời đe dọa trả đũa không có ý nghĩa gì với các nhóm không có lãnh thổ phải bảo vệ. Kết luận đó là đáng ngại, do nỗi lo sợ rằng cuộc tấn công khủng bố tiếp theo có thể làm cho vụ khủng bố 11/9 dường như có vẻ nhỏ bé. Những cuộc tấn công bằng vi khuẩn bệnh than vào mùa Thu năm 2001 đã dựng lên bóng ma khủng bố sinh học quy mô lớn. Những báo cáo tình báo cho rằng Al-Qaeda có thể có khả năng chế tạo những quả bom phóng xạ (“bom bẩn”), nếu không có được vũ khí hạt nhân. Nước này phải sẵn sàng hành động trước.
Thứ tư, những kẻ khủng bố không thể hoạt động mà không có sự hỗ trợ của nhà nước. Bush đã chỉ rõ điều này trong Thông điệp Liên bang năm 2002 của mình: Iran, Irắc, Bắc Triều Tiên và “những đồng minh khủng bố của họ tạo thành trục ma quỷ”. Các nhà nước thù địch với Mỹ có thể trang bị cho những kẻ khủng bố vũ khĩ hủy diệt hàng loạt. Điều đó đã khiến cho cuộc chiến chống khủng bố không thể phân biệt được với nỗ lực ngăn chặn các chế độ không lương thiện. Quả thật, trong một vài đoạn văn ngắn xác định “trục ma quỷ”, Bush đã thề rằng: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ không cho phép những chế độ nguy hiểm nhất thế giới đe dọa chúng ta bằng vũ khí mang tính hủy diệt nhất thế giới”.
Thứ năm, các liên minh và các tổ chức đa phương đôi khi có thể giúp Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, nhưng chúng không phải là thiết yếu. Mỹ có thể hoàn thành những gì nước này cần phải làm về mặt quân sự mà không cần có sự giúp đỡ của các liên minh, và nước này không nên để các nước khác ra lệnh cho những gì nước này có thể làm. Bush đã thừa nhận: “Ở một thời điểm nào đó chúng ta có thể là những người duy nhất còn lại. Điều đó vẫn ổn với tôi. Chúng ta là nước Mỹ”. Chủ nghĩa đơn phương của Bush đã có trước sự kiện 11/9, và nó đã làm căng thẳng nghiêm trọng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nhưng ông và các cố vấn của mình bị thuyết phục rằng xét cho cùng bởi vì họ đang đấu tranh cho những lợi ích của bạn bè mình (nếu không muốn nói là theo cách mà bạn bè ưa thích) và không tìm kiếm lợi thế cho mình, nên các đồng minh cuối cùng sẽ hợp lại bên họ.
Cuộc chiến chống khủng bố của Bush đã có một tác động đáng kể đối với chiến lược lớn của Mỹ: cuộc thảo luận về cuộc xung đột nước lớn đã nhạt dần. Trong chiến dịch tranh cử, Bush đã chế nhạo Chính quyền Clinton vì xoa dịu một Trung Quốc đang nổi lên và nuông chiều một nước Nga mục nát. Thời gian đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông dường như hướng tới tới việc đối đầu với cả hai nước này. Tuy nhiên, khi Chiến lược an ninh quốc gia ra mắt vào tháng 9/2002, mọi việc có vẻ khác: “Ngày nay, cộng đồng quốc tế có cơ hội tốt nhất khi nhà nước-dân tộc này trỗi dậy vào thế kỷ 17 để xây dựng một thế giới mà các nước lớn cạnh tranh trong hòa bình thay vì liên tục chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày nay, các nước lớn của thế giới nhận thấy họ đang ở cùng một phe – đoàn kết với nhau do những mối đe dọa chung từ bạo lực khủng bố và tình trạng hỗn loạn”. Đánh giá cúa Bush rằng những lợi ích nước lớn tương  thích với nhau hơn là cạnh tranh nhau đã mang lại cho ông sự tự do đáng kể để thực hiện sức mạnh Mỹ.
Những hạn chế của một siêu cường
Học thuyết Bush được áp dụng trước hết ở Apganixtan. Vào ngày 1292001, Liên Hợp Quốc đã cho phép thực hiện “tất cả những bước cầnthiết” để trả đũa những cuộc tấn công vào ngày hôm trước. Cùng ngày, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, NATO đã viện dẫn mục 5, buộc tổ chức này phải bảo vệ thành viên của mình. Chưa đầy 1 tuần sau, Quốc hội Mỹ sần như nhất trí ủy quyền cho Bush “sử dụng tất cả sức mạnh cần thiết và thích hợp để chống lại những nước, tổ chức, hay cá nhân mà ông cho là đặt kế hoạch, cho phép, dính líu, hay giúp đỡ các cuộc tấn công khủng bố đã diễn ra vào ngày 11/9/2001, hay dung túng những tổ chức hay những kẻ như vậy”.
Những nhà nghiên cứu về lịch sử phản thực tế sẽ suy xét trong một thời gian dài việc chính sách đối ngoại của Bush đáng nhẽ có thể phát triển ra sao nếu nhà lãnh đạo Mullah Omar của Ápganixtan trao Osama bin Laden theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy và Mỹ cùng với các lực lượng gồm gần 20 nước tham gia, đã tấn công Ápganixtan vào tháng 10. Bất chấp sự khởi đầu chậm chạp, các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã đánh tan Taliban tương đối nhanh gọn. Vào đầu tháng 12, chính quyền Taliban đã sụp đổ.
Hầu hết các đồng minh của Mỹ cho là Bush theo đuổi chính sách chỉ có Ápganixtan. Trên thực tế, ông theo đuổi chiến lược trước hết là Ápganixtan. Với việc Taliban sụp đổ, trọng tâm của ông chuyển hướng sang Irắc. Các cố vấn của ông đã tranh luận về việc có nên hay không xâm lược Irắc ngay sau sự kiện 11/9. Bush đã quyết định phản đối điều này như một bước đầu tiên, nhưng, Saddam Husein là hiện thân cho sự hội tụ 3 nỗi lo sợ của Bush – khủng bố, những kẻ tàn bạo, các công nghệ hủy diệt hàng loạt. Mặc dù các cơ quan tình báo Mỹ đã không tìm ra bất cứ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa Saddam Husein và Al-Qaeda, nhưng Bush tin rằng ông ta “không muốn gì hơn là sử dụng một mạng lưới khủng bố để tấn công và giết chóc và không để lại dấu vết nào”. Như Condeleezza nói, do những lợi ích, Mỹ không thể chờ đợi “vì bằng chứng sẽ là một đám mây hình nấm”.
Kể từ đó quyết định của Bush không phải là có tiến hành chiến tranh ở Irắc hay không mà là làm thế nào để thực hiện điều đó. Các quan chức chính phủ đã có rất nhiều bài diễn văn và phỏng vấn trong nỗ lực thuyết phục người dân Mỹ rằng các vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Irắc tạo ra một mối đe dọa không thể chấp nhận được. Nỗ lực này đã thành công. Vào tháng 10/2002, Quốc hội Mỹ đã cho phép tiến hành cuộc chiến tranh chống Irắc. Bush đã tìm kiếm một phiếu ủng hộ tương tự từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông đã làm thế vì nhiều lý do – một sự cho phép của Liên Hợp Quốc sẽ củng cố sự ủng hộ chính trị trong nước và tạo thêm nhiều áp lực lên Bátđa. Tuy nhiên, ông không tin rằng ông cần sự ban phước của Liên Hợp Quốc để tiến hành chiến tranh. Khi không có sự ban phước đó, Mỹ, cùng với sự ủng hộ của “một liên minh tự nguyện” mà nếu xét về những sự đóng, góp quân đội thì bao gồm trước hết là Anh và ở mức độ nhỏ hơn là Ôxtrâylia và Ba Lan, đã xâm lược Irắc vào tháng 3/2003 – trước những sự phản đối kịch liệt của hầu hết phần còn lại của thế giới.
Bátđa đã sụp đổ thậm chí còn nhanh hơn Cabun, chỉ trong chưa đầy 4 tuần. Nhưng những buổi ăn mừng “nhiệm vụ được hoàn thành” tỏ ra là hấp tấp. Vào mùa Hè năm 2003, một cuộc nổi dậy đã thu hút sự chú ý của phần lớn Irắc. Bush đã quy vấn đề này cho thất bại trong việc dự tính “những hậu quả của sự thành công mang tính thảm họa”. Việc lên kế hoạch cho sự chiếm đóng sau chiến tranh đã cho thấy rằng các lực lượng Mỹ sẽ chuyển giao quyền lực cho người Irắc sau một vài tháng. Điều này đã phản ánh sự chán ghét mang tính tư tưởng việc xây dựng quốc gia của Bush, có từ thời chiến dịch tranh cử.
Khi cuộc nổi dậy có được sức mạnh, Tổ chức nghiên cứu Irắc (ISG) đã cố gắng tìm kiếm WMD của Irắc. Bất chấp việc huy động 1.400 người và đầu tư hơn 1 tỷ USD, vẫn không phát hiện ra được bất cứ vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học nào. Người đứng đầu ISG đã nói trước Thượng viện Mỹ rằng về chương trình WMD của Irắc “chúng ta gần như hoàn toàn sai”. Lý do căn bản đầu tiên của cuộc chiến tranh này đã bị lầm lẫn.
Không tìm thấy bất cứ WMD nào, Bush ngày càng điều chỉnh cuộc chiến tranh này theo hướng thúc đẩy dân chủ ở Irắc và cuối cùng là phần còn lại của thế giới Arập. Quyền tự do đã là chủ đề trong những phát biểu trước công chúng của Bush có từ bài diễn văn đầu tiên trong chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, trước đây nó không phải là một sự ưu tiên. Nhưng nó đã trở thành một công cụ bằng lời lẽ hiệu quả để mài mòn những chỉ trích trong nước. Nó chuyển hướng sự chú ý từ vấn đề WMD và các yếu tố vũ lực sang hoặc tán thành với ông hoặc giải thích tại sao họ phản đối chế độ dân chủ đang lan rộng.
Trong bài diễn văn nhậm chức thứ hai của mình, Bush đã chuyển hướng khỏi Học thuyết Bush ban đầu và xác định thúc đẩy chế độ dân chủ là mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại Mỹ, tuyên bố rằng: “Chính sách của Mỹ chính là tìm kiếm và ủng hộ sự phát triển của các thể chế dân chủ ở mọi quốc gia và nền văn hóa, với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt chế độ chuyên chế trong thế giới của chúng ta”. Chỉ vài tuần sau bài diễn văn này, Ngoại trưởng Rice đã hủy bỏ chuyến công du đến Ai Cập để phản đối việc bắt giữ một nhà hoạt động dân chủ người Ai Cập. Khi Rice cuối cùng đã đến Cairô vào cuối năm đó, bà đã công khai nói trước một buổi nhóm họp các nhà cải cách Ai Cập: “Tất cả các dân tộc tự do sẽ sát cánh với bạn khi bạn giữ vững những lời cầu nguyện cho sự tự do của chính mình”.
Tuy nhiên, “chương trình nghị sự tự do” của Bush đã sớm vấp phải nhiều vấn đề. Một là chính quyền không có một chiến lược nào để hoàn thành mục tiêu cao cả của mình. Chỉ vài tuần sau khi đọc bài diễn văn nhậm chức thứ hai, Bush đã đệ trình một yêu cầu ngân sách mà thực tế cắt giảm các quỹ chi cho những nỗ lực thúc đẩy chế độ dân chủ của chính phủ. Một vấn đề thứ hai là sự thúc đẩy chế độ dân chủ thường xung đột với các mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng khác của Mỹ, nổi bật nhất là việc chống khủng bố. Nhiều đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố là các chế độ chuyên quyền. Việc yêu cầu họ đón nhận cuộc cải cách dân chủ có nguy cơ đánh mất sự hợp tác của họ trong vấn đề khủng bố. Vấn đề thứ ba là chế độ dân chủ có thể tạo ra các chính quyền thù địch với những lợi ích của Mỹ. Điều đó đã đột ngột xảy ra vào đầu năm 2006 khi người Palextin bầu Hamas lên nắm quyền, một kết quả mà Chính quyền Bush đã nghĩ là không thể có. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các chính quyền Arập chuyên quyền đột ngột có sức lôi cuốn mới. Trong chuyến công du của mình đến Ai Cập vào tháng 1/2007, bà Rice đã hủy toàn bộ cuộc nói chuyện trước công chúng về chế độ dân chủ và thay vào đó nhấn mạnh rằng “mối quan hệ của Mỹ với Ai Cập là mối quan hệ chiến lược quan trọng mà chúng tôi hết sức coi trọng”.
Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Bush, nhũng hạn chế đối với sức mạnh Mỹ đã tỏ rõ. Mỹ có thể lật đổ các chế độ với tốc độ nhanh lạ thường. Tuy nhiên, nước này không thể dễ dàng dẹp tan các cuộc nổi dậy hay xây dựng lại các chính quyền đã tan vỡ. Bất chấp việc tiêu tốn hơn 500 tỷ USD, quân đội Mỹ vẫn đang chiến đấu ở Irắc – vào năm 2007 Bush đã cử đi thêm 20.000 binh lính Mỹ nhằm nỗ lực giảm bớt hành vi bạo lực ở đó. Trong khi đó, ở Apganixtan, Taliban đã giành lại được thế chủ động, tạo áp lực lên Chính quyền Hamid Karzai và kích động tình trạng bạo lực qua đường biên giới ở Pakixtan.
Việc phô trương sức mạnh của Mỹ ở Irắc và Ápganixtan cũng đã không tạo ra được những lợi ích phụ mà Bush đã dự tính. Thay vì sợ hãi trước những lời đe dọa của Bush, Iran và Bắc Triều Tiên tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân của họ – quả thực, vào năm 2006 Bình Nhưỡng đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên của mình. Các nhà lãnh đạo đồng minh không tập trung quanh sự lãnh đạo của Bush mà tự tách mình khỏi nó, chủ yếu bởi vì người dân của họ phản đối các chính sách của Mỹ. Ở trong nước, sự thâm hụt của Chính phủ Mỹ đã lên đến đỉnh điểm là 500 tỷ USD, và đa số người Mỹ muốn rút khỏi Irắc. Đây không phải là những gì Bush đã hình dung khi ông tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố.
Li hứa hẹn về s chuyển biến
Barack Obama theo, cách nhất định đã có thành công về mặt chính trị là nhờ George w. Bush. Obama là một nhà làm luật ít người biết đến của bang Illinois khi ông sử dụng một cuộc míttinh chống chiến tranh ở Chicago vào tháng 10/2002 đế lên án cuộc hành quân của Bush tiến đến một “cuộc chiến tranh ngu xuẩn”. Bài diễn văn đã trở nên có tính bước ngoặt trong chiến dịch giành đề cử vào chức tống thống của đảng Dân chủ năm 2008. Hillary Clinton và các ứng cử viên tổng thống hàng đầu khác của đảng Dân chủ đã bỏ phiếu tán thành cuộc chiến tranh này; Obama đã lập luận một cách thông minh rằng ông phản đối nó ngay từ đầu, do đó nổi bật so vói các ứng cử viên khác. Mặc dù thành tích về chính sách đối ngoại chính thức của ông còn nghèo nàn, ông đã lập luận một cách thành công rằng sự phán đoán tốt hơn của mình đã chiến thắng kinh nghiệm dày dạn hơn của đối thủ.
Lập luận này có ý nghĩa to lớn bởi vì, không như 8 năm trước đây, chính sách đối ngoại đã nổi bật trong chiến dịch tranh cử năm 2008, đặc biệt là trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Irắc là một vấn đề quan trọng nhất. Vào mùa Xuân năm 2008, cứ ba người Mỹ thì có hơn một người coi đó là vấn đề quan trọng nhất mà nước này phải đối mặt. Obama đã lập luận rằng “bằng việc từ chối kết thúc chiến tranh ở Irắc, Tổng thống Bush đang đem lại cho những kẻ khủng bố những gì chúng thực sự muốn … một sự chiếm đóng chưa xác định của Mỹ, với chi phí chưa xác định, với những hậu quả chưa xác định”. Phương thức chính sách của Obama là dễ hiểu: ông sẽ rút toàn bộ quân đội Mỹ trong vòng 16 tháng khi được bầu lên. Nhưng để thực hiện tuyên bố của mình vào năm 2002 rằng ông không phản đối tất cả các cuộc chiến tranh, chỉ phản đối những cuộc chiến tranh ngu xuẩn, ông hứa hẹn sẽ cử thêm nhiều quân Mỹ đến Ápganixtan, mà ông tin rằng Chính quyền Bush đã phớt lờ một cách vô lý”.
Những chỉ trích của Obama về chính sách đối ngoại của Bush không chuyển sang sự hoài nghi về những mục tiêu hay tính đúng đắn của một chính sách đối ngoại hoạt động tích cực. Lời hứa của Obama “bảo vệ người dân Mỹ và mở rộng cơ hội cho thế hệ tiếp theo” có thể được rút ra từ bài diễn văn của bất cứ vị tổng thống Mỹ nào trong suốt cuộc đời mình. Và giống như Bush, Obama là một người theo chủ nghĩa quốc tế ủng hộ vai trò mạnh mẽ của Mỹ ở nước ngoài. Ông không phải là một người theo trường phái không can thiệp kêu gọi một sự rút lui về Pháơ đài Mỹ.
Thay vào đó, những sự chỉ trích của Obama bắt nguồn từ sự phản đối quan điểm của Bush về thế giới vận hành như thế nào. Ở nơi Bush hoàn toàn phủ nhận tuyên bố rằng sự toàn cầu hóa đang tái tạo hoạt động chính trị thế giới, Obama chấp nhận nó như một điều đã định sẵn. Một thế giới được toàn cầu hóa đã tạo ra vô số mối đe dọa vượt ra ngoài các đường biên giới quốc gia. Khủng bố chỉ là thứ dễ thấy nhất trong một danh sách bao gồm phổ biến hạt nhân và biến đổi khí hậu. Sức mạnh Mỹ, cho dù to lớn, vẫn là không đủ để đương đầu với nhũng thách thức này. Theo lời của Obama, “Mỹ không thể một mình đương đầu với những mối đe dọa của thế kỷ này”.
Obama đã lập luận rằng Mỹ có thể bảo vệ những đối tác mà nước này cần chỉ với điều kiện là các nước khác tán thành việc nước này đi về đâu và đi như thế nào. Mỹ không còn có thể đáp ứng được thói quen của Bush là “bắt nạt các nước khác để thông qua những sự thay đổi mà chúng ta ấp ủ trong sự cô lập”. Obama cam kết sẽ tôn trọng các quy tắc quốc tế về những vấn đề như sự thẩm tra cưỡng bức và đưa ngoại giao quay trở lại vị trí hàng đầu trong chính sách của Mỹ. Ông sẽ giải quyết các vấn đề như sự biến đổi khí hậu và khôi phục tiến trình hòa bình Ixraen-Palextin. Sự thúc đẩy ngoại giao của ông thậm chí mở rộng sang cả các kẻ thù của Mỹ. Trước sự sửng sốt của những người chỉ trích ông, và ngay cả một số người ủng hộ ông, khi được hỏi trong suốt chiến dịch tranh cử rằng liệu ông “có sẽ sẵn sàng gặp riêng mà không có điều kiện tiên quyết… các nhà lãnh đạo của Iran, Xyri, Vênêxuêla, Cuba và Bắc Triều Tiên, để lấp đầy khoảng cách đang chia rẽ những đất nước của chúng ta hay không”, ông đã trả lời là “có”.
Mặc dù Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng tác với bạn bè cũng như kẻ thù, ông khẳng ‘định rằng ông sẽ hành động về mặt quân sự ở nơi nó có ý nghĩa. Bên cạnh việc hứa hẹn sẽ cử thêm nhiều quân đến Ápganixtan, ông đã khẳng định ông sẽ sử dụng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các chiến dịch của Lực lượng Đặc biệt để tấn công vào bên trong Pakixtan. Vào năm 2007, ông đã nói: “Nếu chúng ta có thông tin tình báo có cơ sở về các mục tiêu khủng bố đáng giá và Tổng thống Musharraf không hành động, thì chúng ta sẽ hành động”. Cả các đảng viên đảng Dân chủ lẫn các đảng viên đảng Cộng hòa đã lên án tuyên bố này, với một số người lập luận rằng ông đã “gợi ý xâm lược Pakixtan”.
Tuy nhiên, sự hăng hái đối với hành động quân sự của Obama đã chấm dứt tình trạng thiếu sự can thiệp nhân đạo. Ông đã ủng hộ việc rút quân đội Mỹ khỏi Irắc cho dù nạn diệt chủng đang diễn ra. Ông đã nói tại một điểm dừng trong chiến dịch tranh cử: “Tốt thôi, hãy xem nếu đó là tiêu chuẩn mà theo đó chúng ta ra các quyết định về việc triển khai các lực lượng của Mỹ, thì bằng lập luận đó, bạn sẽ có 300.000 quân ở Cônggô ngay bây giờ, nơi hàng triệu người bị tàn sát do hậu quả của cuộc xung đột sắc tộc, điều mà chúng ta chưa làm”. Ông nói thêm rằng: “Chúng ta sẽ đơn phương triển khai và chiếm đóng Xuđăng, việc mà chúng ta vẫn chưa làm”.
Tương tự, Obama đã lảng tránh việc đón nhận “chương trình nghị sự tự do” của George W.Bush. Một phần, việc này đã phản ánh một tính toán chính trị không khoan nhượng; Irắc đã làm cho sự thúc đẩy chế độ dân chủ trở nên độc hại đối với nhiều người Mỹ. Nhưng nó cũng đã phản ánh đánh giá của ông rằng sự thúc đẩy chế độ dân chủ đã đề cao các cuộc bầu cử mà ông xem là những viên gạch xây dựng nên chế độ dân chủ – an ninh và cơ hội kinh tế. Ông đã lưu ý rằng bài diễn văn “4 quyền tự do” nổi tiếng của Tổng thống Franklin Roosevelt (FDR) đã hoàn toàn không đề cập đến các cuộc bầu cử. Lưu tâm đến mối quan ngại của FDR về tình trạng không bị thiếu thốn và lo sợ, Obama đã đề xuất tăng gấp đôi ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Việc Obama miễn cưỡng đón nhận can thiệp nhân đạo và sự lạnh nhạt của ông đối với thúc đẩy chế độ dân chủ đã gây ra tranh luận rằng ông là một loài chim hiếm – một người theo chủ nghĩa thực tế về chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ. Những bình luận của chính Obama đã kích động cuộc tranh luận này. Ông đã nói với các cử tri thuộc bang Pennsylvania: “Sự thật là chính sách đối ngoại của tôi thực sự là một sự trở lại chính sách thực tế lưỡng đảng truyền thống của Bush cha, của John F.Kennedy, theo cách nào đó, của Ronald Reagan”. Nhưng một sự miêu tả chính xác hơn về việc Obama đã nhìn nhận như thế nào chính sách đối ngoại là chủ nghĩa thực dụng thay vì chủ nghĩa thực tế. Ông muốn có “một chiến lược không còn được định hướng bởi hệ tư tưởng và hoạt động chính trị mà bằng thứ gì đó dựa trên một đánh giá thực tế về những sự kiện nghiêm trọng trên thực địa và nhũng lợi ích của chúng ta trong khu vực”. Ông hứa hẹn sẽ đánh giá tùng vấn đề theo đúng giá trị của nó, và rồi cố gắng nghĩ ra một giải pháp.
Tầm nhìn trong chiến dịch tranh cử của Obama về chính sách đối ngoại của Mỹ đã kích động người dân cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Kiệt sức sau 8 năm cầm quyền của George w. Bush, họ đã hy vọng rằng vị thượng nghị sĩ 1 nhiệm kỳ này sẽ, mượn một động từ nổi tiếng là biến đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ. Bản thân ứng cử viên này đôi khi thấy lạc quan về những gì mình làm: “Cái ngày tôi được bầu làm tổng thống, đất nước này thấy mình khác biệt. Và đừng đánh giá thấp sức mạnh đó. Đừng đánh giá thấp sự biến đổi đó”.
Nhng sự mong đi đáp ứng được thực tế
Obama đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng việc hiện thực hóa một cách có thứ tự những lời hứa hẹn của ông trong chiến dịch tranh cử. Vào ngày thứ 3 cầm quyền, ông đã ra lệnh đóng cửa nhà tù của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba, trong vòng 1 năm và chấm dứt các cuộc thẩm tra cưỡng bức. Vào giữa tháng 2, ông đã ra lệnh cử 17.000 binh lính Mỹ đến Ápganixtan, tăng gần 50% so với 36.000 binh lính Mỹ đã ở đó. Vào cuối tháng 2, ông đã ra lệnh rút tất cả các quân đội tham chiến khỏi Irắc vào tháng 8/2010 và tất cả quân đội Mỹ còn lại vào tháng 12/2011. Vào tháng 3, ông đã gửi một đoạn băng chúc mừng Iran nhân dịp năm mới của Iran, nói rằng “chính quyền của tôi hiện nay cam kết với biện pháp ngoại giao giải quyết một loạt đầy đủ các vấn đề trước mắt chúng ta”. Vào tháng 5, ông đã nói với Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu rằng Ixraen phải ngừng tất cả các công trình xây dựng khu định cư. Vào tháng 6, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cap-and-trade (giới hạn mức trần và mua bán chỉ tiêu khí thải) mà Obama đã ủng hộ nhằm giảm khí thải hiệu ứng nhà kính.
Obama đã khởi động nhiều sáng kiến ngoại giao, nổi bật nhất là việc lật ngược chính sách của Bush trong việc cử các quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán quốc tế với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Ông đã công du khắp nơi để nói chuyện với các thính giả nước ngoài, chỉ riêng năm 2009 ông đã đến thăm 21 quốc gia – một kế hoạch công du tham vọng nhất của bất cứ một vị tổng thống nào vào năm đầu cầm quyền. Vào tháng 4, ông đã hứa cổ vũ những đám đông ở Praha “tìm kiếm hòa bình và an ninh từ một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Vào tháng 6, ở Cairô, ông đã nói về khát vọng của ông “tìm kiếm một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và những người Hồi giáo trên khắp thế giới”. Vào tháng 9, ông đã nói với Đại hội đồng LHQ rằng ông đang tìm kiếm “bằng lời nói và hành động, một thời đại mới của sự can dự với thế giới”.
Việc đi theo hoạt động ngoại giao của Obama đã khiến ông được yêu mến ở nước ngoài và khôi phục hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu. Những mong đợi về điều ông sẽ hoàn thành đang tăng vọt. Ông đã đoạt giải Nobel hòa bình năm 2009. Hội đồng giải thưởng này đã không đề cập đến một thành tựu nào trong lời biểu dương giải thưởng của mình; thay vào đó họ chúc mừng ông vì mang lại cho người dân trên thế giới “niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn” với “hoạt động ngoại giao của ông… được tìm thấy trong khái niệm rằng những người sẽ lãnh đạo thế giới phải tiếp tục làm như vậy trên cơ sở các giá trị và thái độ được đa số người dân trên thế giới chia sẻ”.
28 tháng cầm quyền đầu tiên của Obama đã tạo ra một số thành tựu nổi bật. Vào tháng 6/2010, Hội đồng bảo an LHQ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong một nỗ lực loại bỏ chương trình hạt nhân bắt đầu phát triển của nước này. Động thái này mang ý nghĩa to lớn không chỉ bởi vì nó gia tăng áp lực lên Têhêran mà bởi vì nó giành được sự ủng hộ của hai thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an mà trước đây đã phản đối những biện pháp trừng phạt là Trung Quốc và Nga. Sự ủng hộ của Nga phản ánh sự thành công trong nỗ lực của Obama nhằm “khởi động lại” mối quan hệ với Mátxcơva. Vào tháng 9/2009, ông đã điều chỉnh lại chính sách phòng thủ tên lửa của Mỹ, loại bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa mà Bush đã bắt đầu và người Nga phản đối để ủng hộ một hệ thống dựa trên những máy bay đánh chặn tầm ngắn hơn khiến Mátxcơva ít lo ngại hơn. Sự thay đổi chính sách đó đã tạo điều kiện cho việc ký kết và cuối cùng là thông qua hiệp ước “START Mới” cũng như tạo thuận lợi cho sự hợp tác của Mátxcơva trong việc vận chuyên nguyên liệu qua Trung Á đến Ápganixtan. Vào tháng 3/2001, Obama đã một lần nữa làm việc với Anh và Pháp để đảm bảo sự hợp tác của Trung Quốc và Nga tại Hội đồng bảo an, lần này là nhằm thông qua một giải pháp cho phép hành động để bảo vệ dân thường Libi khỏi những cuộc tấn công của các lực lượng của Muammar Gaddafi.
Obama cũng thành công trong một vài mục tiêu ạn ninh then chốt. Quân chiến đấu của Mỹ đã rời khỏi Irắc vào tháng 8/2010 như đã hứa, và việc rút 50.000 quân không chiến đấu còn lại theo kế hoạch được hoàn thành vào hạn chót là tháng 12/2011. Ông đã tăng số các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có vũ trang lên gấp 5 lần nhằm vào những nơi ẩn náu khả nghi của các phần tử khủng bố ở Pakixtan và những nơi khác. Và đáng chú ý nhất là vào tháng 5/2011, Biệt đội Hải quân SEALS của Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong một cuộc đột kích đầy rủi ro vào Abbottabad ở Pakixtan, được tiến hành mà Chính phủ Pakixtan không hề hay biết.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Obama thiếu tính chuyển biến về phương diện khiến chính sách đối ngoại của Mỹ thành công hơn. Phần lớn những sáng kiến mang dấu ấn của ông hoặc đều bị ngừng lại hoặc thất bại. Sự phản đối trong nước cuối cùng đã buộc ông phải thay đôi hoàn toàn quyết định của mình đóng cửa nhà tù tại Guantanamo. Ixraen từ chối ngừng xây dựng khu định cư, và vào cuối năm 2010, Obama đã từ bỏ yêu cầu của mình. Tương tự, ông đã từ bỏ những nỗ lực của mình nhằm thiết lập một hệ thống giới hạn mức trần và mua bán chỉ tiêu khí thải cho khí thải do hiệu ứng nhà kính. “Các nhà lãnh đạo Iran đã dứt khoát từ chối những lời đề nghị ngoại giao của ông”. Chưa đầy 2 tháng sau bài diễn văn của Obama ở Praha, Bắc Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai. Bắc Kinh đã không đáp lại những động thái hòa giải của ông, và vào cuối năm 2010, ông đã áp dụng một thái độ quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Những nỗ lực của Obama nhằm bình ổn Ápganixtan đã kéo Mỹ vào một sự ràng buộc sâu sắc hơn so với ông dự tính. Việc tăng quân của ông vào tháng 2/2009 đã không thể biến thành cơn thủy triều nhấn chìm Taliban như ông đã hy vọng. Bất chấp sự chỉ đạo rõ ràng của chính quyền đối với các quan chức quân đội cấp cao rằng ông không muốn nghe thấy những yêu cầu tiếp thêm nhiều quân hơn trong ít nhất là 1 năm, vị tướng chỉ huy của Mỹ vào tháng 8/2009 đã cảnh báo với tư cách cá nhân về “nhiệm vụ thất bại” nếu không cử thêm đáng kể quân và chiến lược đã thay đổi. Báo cáo này đã nhanh chóng bị rò rỉ, gây ra tình trạng náo động. Obama đã khởi xướng một sự xem xét mới mẻ về chính sách Ápganixtan mà đã lên đến đỉnh điểm trong quyết định phái thêm 30.000 quân, với mục đích bắt đầu rút quân vào tháng 7/2011. Khi hạn chót đó tới gần, các điều kiện quân sự đã cải thiện nhưng ‘tình hình chính trị ở Ápganixtan vẫn đầy nguy hiểm.
Những hạn chế đối vi sự thay đổi
Sự thất bại của Obama trong việc thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ có một vài căn nguyên. Một là số lượng rất lớn và tính phức tạp của các vấn đề mà ông kế thừa. Đứng đầu danh sách này là cuộc khủng hoảng tài chính. Obama đã dành phần lớn 6 tháng đầu nhiệm kỳ của mình làm việc để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ và cùng với nó là hệ thống tài chính quốc tế. Những thách thức chính sách đối ngoại thuần túy mà ông phải đối mặt – có thể kể đến một số là tiến trình hóa bình Trung Đông, biến đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân – là các vấn đề lộn xộn, có lẽ là nan giải, không thể sửa đổi theo các giải pháp đơn phương của Mỹ hoặc ngay cả các giải pháp đa phương. Và những sự kiện đó không dễ chịu chút nào đối với Obama. Cho dù đó là “Phong trào Xanh” ở Irắc hay Mùa Xuân Arập, những thách thức chính sách đối ngoại của ông đã tăng lên thay vì thu hẹp lại. Và trong khi các cuộc khủng hoảng này có thể đã mang lại cho Obama những cơ hội, thì những sự can dự tốn kém của Mỹ ở Irắc và Apganixtan và tình trạng tài chính ảm đạm của Chính phủ Mỹ đã hạn chế những phản ứng có thể có của ông.
Hoạt động chính trị nội bộ cũng không ủng hộ Obama. Mặc dù các đảng viên đảng Dân chủ ban đầu kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, nhưng những quy tắc đặc biệt trong Thượng viện đã cho phép thiểu số phe đảng Cộng hòa trì hoãn nếu không muốn nói là ngăn chặn toàn bộ các sáng kiến chính sách đối ngoại như quy chế giới hạn mức trần và mua bán chỉ tiêu khí thải đòi hỏi phải có sự đồng thuận của Quốc hội. Obama đã giành được sự tán thành của Thượng viện đối với Hiệp ước START Mới, nhưna chỉ sau một cuộc chiến chính trị gây đau đcvn đã tiêu phí sự chú ý của Nhà Trắng trong một vài tháng. Bài học là rõ ràng: việc thông qua quy chế chính sách đối ngoại sẽ đòi hỏi phải có những cam kết mạnh mẽ về thời gian và năng lượng vốn khan hiếm.
Những sai lầm của chính Obama đã cản trở sự nghiệp của ông. Nhiều đặc phái viên ông bổ nhiệm đã tạo ra sự nhầm lẫn về ai là người chịu trách nhiệm về chính sách nào, và cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông, Tướng James Jones, đã vật lộn ở vị trí của mình. Obama đã không thể dự tính rằng yêu cầu của ông đòi ngừng hoạtđộng định cư của Ixraensẽ củng cố thêm địa vị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở trong nước. Sự phản ứng chậm chạp của Obama trước phong trào phản kháng vào ngày 12/6 ở Iran đã tiếp thêm sinh lực cho những người chỉ trích ông và đã làm những người ủng hộ ông mất tinh thần. Những cử chỉ hòa giải của ông đối với Trung Quốc đã khuyến khích thay vì khuất phục Bắc Kinh. Ông đã phớt lờ các mối quan hệ với các cường quốc dân chủ đang nổi lên như Braxin, Ấn Độ và Inđônêxia trong năm đầu cầm quyền cúa mình, và cách xử lý thường là vụng về của ông về các mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo nước ngoài lần lượt gây khó chịu và lo ngại đối với ngay cả các đồng minh thân cận nhất.
Nhưng chiến lược chính sách đối ngoại của Obama đã phải gánh chịu một vấn đề cơ bản hơn: nó dựa trên một tiền đề quá lạc quan. Ông đã cho rằng nếu Mỹ dịu giọng điệu của mình, chìa tay với các thủ đô nước ngoài, nhấn mạnh các lợi ích chung và rồi quyết định lãnh đạo, thì các nước khác sẽ đi theo. Theo đánh giá này thì Bush đã thất bại không hẳn bởi vì các vấn đề là phức tạp, hay các nước bất đồng về việc phải làm gì và làm như thế nào, hay bởi vì các thủ đô nước ngoài có những ưu tiên khác nhau, mà bởi vì ông đã lãnh đạo một cách tồi tệ. Obama thay vào đó sẽ phục hồi trọng trách ngoại giao của Franklin Roosevelt, Harry Truman và John Kennedy.
Tuy nhiên, Obama đã trở thành tổng thống trong bối cảnh địa chính trị hoàn toàn khác so với bất cứ vị tổng thống tiền nhiệm nào. Không một nước nào đóng vai trò của Liên Xô, thúc đẩy các nước gạt những sự bất đồng sang một bên để tập trung xung quanh Mỹ. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các thị trường mới nổi đã thay đổi cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu và tạo ra những mạng lưới xuyên quốc gia mới cả bên trong lẫn giữa các khu vực bỏ qua Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã làm suy yếu hơn nữa khả năng lãnh đạo của Mỹ, những tai họa kinh tế của nước này được mọi người trong và ngoài nước xem là bằng chứng cho thấy sự suy thoái của Mỹ.
Không một điều nào trong số đó làm Obama ngạc nhiên. Ông đã thường nói trong chiến dịch vận động tranh cử về sự toàn cầu hóa đang tái tạo thế giới như thế nào. Nhưng ông đã không theo đuổi phân tích của ông về những xu thế toàn cầu để đưa ra kết luận lôgích. Một thế giới trong đó sức mạnh phân tán nhiều hơn và các mạng lưới xuyên quốc gia mới đã phát triển là một thế giới ngày càng khó lãnh đạo. Thay vì khát khao có được sự lãnh đạo của Mỹ, nhiều nước thờ ơ với nó. Họ không nhìn nhận Oasinhtơn đang đưa ra nhũng giải pháp giải quyết được những mối quan ngại hàng đầu của họ. Chính vì vậy họ theo đuổi những lợi ích của mình ở nơi khác. Đôi khi ngay cả những bạn bè và đồng minh truyền thống cũng như các cường quốc mới nổi cũng tranh giành quyền lãnh đạo của Mỹ. Trung Quốc đã tìm cách sắp xếp lại cán cân quyền lực ở châu Á và tái tạo cấu trúc tài chính toàn cầu trên một mô hình theo ý muốn của nước này hơn. Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng làm trung gian một thỏa thuận với Iran về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ấn Độ đã tự coi mình là một cường quốc chi phối từ Ađen đến Eo biển Malắcca, chứ không phải là một đối tác non nớt đối với Oasinhtơn. Việc điều hòa những tham vọng, những lợi ích và những sự ưu tiên cạnh tranh nhau là một nhiệm vụ làm nản chí, có lẽ là một nhiệm vụ nặng nhọc và không bao giờ kết thúc.
Obama đã sớm nhận ra vấn đề này trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã lưu ý rằng: “Nếu chỉ có Roosevelt và Churchill ngồi trong một căn phòng với một chai rượu brandy thì đó là một cuộc đàm phán dễ dàng. Nhưng đó không phải là thế giới chúng ta đang sống”. Ông đã tính toán rằng nếu Mỹ chịu lắng nghe hơn và nhấn mạnh những lợi ích chung thì “ở bên lề, họ (những nước khác) có khả năng muốn hợp tác hơn là không hợp tác”. Đây là những gì một cố vấn không có khả năng phân tích chính xác về chính trị của Obama đã gọi là “lãnh đạo sau hậu trường”. Nhưng vấn đề then chốt vẫn còn không được hỏi đến và không được trả lời là liệu hợp tác “nhiều hơn” có được hiểu là hợp tác “đủ” hay không. Kết quả là, Obama đã từ chối điều chỉnh những mục tiêu chính sách đối ngoại của mình, và đấu tranh để đề ra một chiến lược thúc đẩy những lợi ích của Mỹ trong một thế giới nơi những cường quốc khác, cả lớn lẫn nhỏ, đều bận bảo vệ chính họ. Ông đã giữ nguyên tiến trình, đánh dấu và vẽ lên những đường nét, chỉ để chứng kiến việc nhiều người trong số họ phớt lờ.
Thành công trong một thế gii toàn cầu hóa
Sự kiện 11/9 đã xác định lại chính sách đối ngoại của Mỹ. George w. Bush tin rằng các cuộc tấn công ngày hôm đó đã mang lại một nguyên tắc định hướng mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ và cho phép một sự phản ứng hung hăng của Mỹ. Trong khi tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, ông đã tìm cách tái tạo khung cảnh toàn cầu theo hình thức có lợi hơn cho an ninh Mỹ. Nhưng chống khủng bố đã tỏ ra là một trọng tâm quá hẹp đối với chính sách của Mỹ. Mỹ đơn giản là đã có quá nhiều lợi ích khác vượt ra ngoài đường biên siới của mình. Cuộc chiến chống khủng bố của Bush cuối cùng đã cho thấy những hạn chế của sức mạnh Mỹ và đã dồn gánh nặng cho người kế nhiệm ông với hàng đống vấn đề chính sách đối ngoại lộn xộn.
Obama hiểu rằng sự toàn cầu hóa đã tái tạo địa hình địa chính trị. Sức mạnh được phân tán không chỉ khắp một loạt rộng lớn hơn các nước mà còn sang các nhân tố phi nhà nước. Những ngày khi Mỹ có thể áp đặt các giải pháp, nếu chúng từng tồn tại, không còn có thể như vậy nữa. Việc định hướng thế giới phức tạp hơn này đòi hỏi phải có sự lắng nghe các nước khác và cho “họ lợi ích trong việc gìn giữ trật tự quốc tế”. Những gì Obama vấp phải không phải là sự chẩn đoán mà là một đơn thuốc: cho dù Oasinhtơn lãnh đạo một cách khôn ngoan và đồng cảm thì những nước khác cũng có thể không theo. Các cuộc tham khảo ý kiến có thể không đảm bảo có được sự đồng thuận. Các chính phủ có thể và đã bất đồng về những vấn đề nào tạo ra mối đe dọa và những cơ hội, họ cần có sự ưu tiên nào, và chúng cần phải được giải quyết ra sao và ai là người gánh trách nhiệm giải quyết chúng. Một kết quả quá thường xuyên là sự thiếu hoạt động hoặc sự trì trệ.
Thách thức của Obama là một thách thức mà những người kế nhiệm ông cũng có thể phải đối đầu: làm thế nào để thúc đẩy những lợi ích của Mỹ trong một thế giới mà thường không tự động đáp ứng sự lãnh đạo của Mỹ cho dù Mỹ vẫn là nước hùng mạnh và có nhiều ảnh hưởng nhất duy nhất. Điều đó có thể đòi hỏi những chiến lược mới – hay, như có thể, một định nghĩa hẹp hơn về những mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài và những sự lựa chọn khó khăn giữa những sự ưu tiên. Sự tìm kiếm đó sẽ đầy đau đớn. Phần lớn thế giới trông chờ vào sự lãnh đạo của Mỹ ngay cả khi nước này nổi giận trước điều đó. Nỗ lực của Obama nhằm chuyển gánh nặng chiến đấu ở Libi sang các nước khác thuộc NATO đã thất bại bởi vì họ vừa không quen với việc đó vừa không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về nó.
Nhiệm vụ của Obama thậm chí có thể sẽ còn làm nản chí hơn ở trong nước. Các nước, cũng như con người, sống trong quá khứ, hoan nghênh những chiến thắng cũ và phớt lờ sự tiến triển của sự việc. Các tổ chức trong nước sẽ chống lại sự thay đổi ngay cả khi những tai họa tài chính của Chính phủ Mỹ tạo ra những áp lực chính trị căng thẳng buộc phải giảm bớt nhũng cam kết chính trị của mình ở nước ngoài. Những đề xuất suy nghĩ lại các chính sách cũ sẽ gặp phải những tuyên bố được làm mới lại rằng Obama không tin vào chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ. Nhưng trừ khi Obama tìm ra một cách thức để liên kết những đơn thuốc chính sách đối ngoại của ông với những xu hướng toàn cầu đang phát triển, khoảng cách giữa những tham vọng và những thành quả của Mỹ sẽ tăng lên, và những triển vọng lãnh đạo toàn cầu thành công của Mỹ sẽ còn mờ mịt hơn./.

1420. Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

 Nguyễn Đình Ấm
 Cách đây hơn 200 năm cụ Nguyễn Du phải thốt lên như thế trước cuộc đời lênh đênh gian truân chìm nổi của nàng Kiều do chế độ phong kiến thối nát gây ra. Thế nhưng, ngày nay nếu còn sống chắc đại thi hào sẽ phải nhiều lần kêu lên như thế khi thấy những gì xẩy ra với những người dân Văn Giang.
 Từ Hà Nội xuôi làng gốm Bát Tràng qua cống Xuân Quan chỉ độ hơn km nữa rẽ trái xuống dốc đê sông Hồng theo con đường lát bê tông chỉ vài trăm mét đã đến trung tâm xã Phụng Công (Văn Giang- một trong các xã bị thu hồi đất trái pháp luật làm khu đô thị Ecopark). Từ đây khách lạ không thể đi nhanh chẳng phải vì con đường hẹp mà là những cảnh tượng hấp dẫn ít nơi có được. Hai bên đường nhà cao tầng san sát, khang trang, vườn tược, làng quê xanh nướt một màu trù phú. Bên lề những con đường bê tông uốn lượn trong các thôn xóm là hàng hàng lớp lớp những chậu, ang (chậu bê tông lớn trồng cây to) cây cảnh, bon sai lớn, nhỏ xếp đặt, cao, thấp la liệt bên lối đi, ven đường, góc sân…nép dưới những hiên nhà sạch sẽ, ấm cúng…

Thì ra, cứ đến chớm đông người ta lại “đánh” những cây sanh, lộc vừng, si, ổi…đã lớn đến mức độ nhất định ở “vườn phôi” về cắt tỉa, tạo dáng, chăm sóc trong các chậu, ang để nhường vườn ruộng cho vụ đông vào mùa trồng hoa, khoai tây, rau màu…Hết vụ thu hoạch ấy những cây trong chậu, ang lại được trở về với đồng ruộng màu mỡ phù sa ngập tràn ánh nắng để tiếp tục một chu kỳ phát triển mới…Cứ thế, người dân không bao giờ cho tấc đất nào ngưng nghỉ. Tận dụng vị trí  gần Hà Nội, với lớp phù sa sông Hồng vạn triệu năm bồi đắp dày từ 7-10 m, dân Phụng Công, Xuân Quan, Cửu  Cao đã biến từng tấc đất của mình thành chiếc “máy cái” sản xuất ra của cải, tiền bạc mang lại cuộc sống no đủ, giàu sang. Theo thống kê thì hiện nay Phụng Công có gần 1.000 hộ trồng cây cảnh trong đó gần 300 hộ hàng năm thu tiền tỷ có nhà cửa kiên cố, đầy đủ tiện nghi, ô tô con, cả xã chỉ còn  khoảng 3% hộ còn nghèo do không có đất, neo đơn, đau ốm…Đó tất cả là nhờ từ đất với tính cần cù, thông minh, sáng tạo của người Văn Giang…
Xóm thôn trù phú, sạch sẽ với hàng nghìn vườn cây cảnh đủ kích cỡ, chủng loại được uốn tỉa, nuôi dưỡng công phu đã tạo nên hàng vạn, hàng triệu tuyệt tác bằng cây xanh hấp dẫn du khách bốn phương. Hàng năm nhất là dịp giáp tết khách mườm mượp đổ về tham quan, mua cây cảnh, hoa, cam, táo…nhiều hôm tắc cả đường làng do có quá nhiều ô tô, xe máy đổ về…Nơi đây hấp dẫn bao người chơi cây cảnh bởi vẻ đẹp ngồn ngộn, mỡ màng đầy sức sống của nó. Chỉ nhìn cây sanh bất kể ở đâu người có kinh nghiệm cũng biết nó ở Văn Giang hay nơi khác cũng như nhìn cây đào biết nó ở Nhật Tân (Tây hồ) hay Nam Định…Chính sự độc đáo đó đã làm cho cây cảnh Văn Giang giữ vị trí “nhất phẩm” ở xứ Bắc dù thua Nam Định, Thái Bình…về lịch sử nghề này. Theo ông Huynh ở thôn Ngò (Phụng Công) thì chỉ một cây cảnh “đánh đổ một sào lúa”. Quả thật, anh Hoàng Văn Tiến ở thôn Bến năm 1999 xuất ngũ về quê còn hai bàn tay trắng nhưng nhờ tính cần cù, sáng tạo và sự màu mỡ của đất Phụng Công, anh đã nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ làm cây cảnh. Anh Vũ Văn Chiểu ở thôn Bến những năm 1996 phải lang bạt kiếm nghề khắp trong nam, ngoài bắc cũng chằng nên “cơm cháo”. Năm 2004 anh về quê biến 5 sào đất lúa thành vườn cây cảnh rồi từng bước mở rộng diện tích thâm canh nay ngoài nhà cửa khang trang anh có vườn cây trị giá không dưới 4 tỷ đ…Ở Phụng Công, Cửu Cao, Xân Quan những cây cảnh có giá bạc tỷ hầu như ít nhà không có, có nhà sở hữu cả chục  cây.  
Với những vườn cây cảnh, hoa hồng, hoa lan ngoạn mục, vườn cam, táo trĩu quả óng vàng, những đình, đền, chùa, miếu cổ kính, thâm nghiêm thờ phụng Hai Bà Trưng, thần thánh linh thiêng cùng sự cao thượng, hiếu khách của người dân, ngày nay nơi đây đã trở thành những làng du lịch sinh thái hấp dẫn…Tất cả những điều này đã làm tôi cũng như nhiều nhà báo, bloger, nhân sĩ, trí thức…vô cùng kinh ngạc trước chủ trương xây dựng thành phố ở đây. Tại sao một vùng đất cực kỳ màu mỡ tạo nên những làng quê trù phú, tươi đẹp mê hồn, hàng năm làm ra hàng nghì tỷ đồng, trang điểm vẻ đẹp quý phái, sang trọng cho muôn nơi như thế lại bị làm cho tàn tạ đi để xây những nhà cao tầng bê tông cũng gọi là “du lịch sinh thái”? Cái đô thị sinh thái ấy có còn “mãi mãi xanh tươi, cuộc đời trọn vẹn” khi chính nó đã triệt hạ những làng quê êm đềm, trù phú, ngoạn mục, thực sự “sinh thái” kia? Những đại gia, tỷ phú, những quan chức ký một chữ mang về cả  chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ…nghĩ gì khi đứng trên ban công  lầu cao lộng gió nhìn xuống những làng quê còn lại phía dưới đang tiêu điều, xơ xác dần với  những tốp người lam lũ nhếch nhác ở các “chợ người” do không còn ruộng đất, công ăn, việc làm…bởi cuộc sống “trọn vẹn” của mình? Những người gọi là quản lý tài nguyên, môi trường từ bộ đến tỉnh, huyện, xã với chức năng làm cho mỗi mảnh đất phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả sao lại triệt nguồn dinh dưỡng những làng quê trù phú với nền văn minh ngàn năm đang trở thành những vùng du lịch sinh thái điển hình ngay sát thủ đô để thay vào đó bằng thành phố bê tông? Theo các chuyên gia thì nhà đầu tư Ecopark chí ít cũng thu lời1.500-2.000 tỷ đồng. Vậy số tiền đó có thể mua được sinh kế mãi mãi của cả ngàn vạn con người nơi đây?
Hôm 18/11/2012 chúng tôi đến Văn Giang càng thắt lòng hơn khi nhìn thấy những ruộng đồng, vườn tược bị xe ủi cày xới tơi bời, thùng, vũng nham nhở còn ánh lên màu hồng tươi của phù sa lấp lánh với ngổn ngang những gốc cây sanh, lộc vừng, cau vua…bị nghiền nát, chỏng trơ bên cạnh những khối bê tông xám xịt lấp ló trong đám cỏ hoang …Bên kia là mấy khối nhà chót vót mới hoàn thành mờ ảo trong sương nhưng đã phủ màu hoang phế vắng lặng bóng người…
Gần 40 năm làm báo đi khắp nơi nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cuộc gặp gỡ với người dân như hôm đến Văn Giang. Hãy nhìn những gương mặt trong các bức ảnh, video clip cảnh người dân ngóng chờ, trân trọng, hồ hởi đón khách về thăm quê hương họ. Chưa có một lãnh tụ nào được hưởng tấm lòng khao khát, nồng nhiệt từ đáy lòng người dân như thế. Bà Lê Hiền Đức-người gắn bó suốt cuộc hành trình đòi công lý với dân Văn Giang- bị chìm nghỉm trong đám người hồ hởi chào đón cuồng nhiệt. Ngay cả khi anh Sơn người đi trên đoàn xe đón khách từ Hà Nội về thông báo không có đại biểu quốc hội và lãnh đạo nào về thì tấm lòng của bà con với khách không hề giảm. Phải chăng, họ đã đoán chắc không một “yếu nhân” nào ở quốc hội, đảng, nhà nước dám đối diện với sự  thật ở quê hương họ? Hôm ấy dù muốn đi thăm thật nhiều những vườn cây, phong cảnh, chùa chiền…nhưng chúng tôi không thể rời đám đông bao quanh thi nhau kể về những nghịch lý, oan khiên…ở đây. Dù chỉ cách thủ đô có 10 km với bao chuyến lên trung ương thỉnh cầu khiếu kiện nhưng bao tâm tư tủi hận vẫn chứa chất trong lòng họ và “dòng thác lòng” ấy trào ra  khi gặp khách quan tâm đến họ.  Bà Đỗ Thị Hảo 75 tuổi thôn Tháp nói: “Thời trước bác Hồ thu đất của người giàu chia cho dân cày nay thì thu đất của dân cày cho đại gia, quan chức làm giàu…Chị Phan Thị Hào thôn Đại rớm nước mắt:
Con gái em 28 tuổi yêu anh công an xin đăng ký kết hôn nhưng xã ra điều kiện phải nhận tiền giao đất…Thương, lo con bị lỡ làng em đành phải bấm bụng giao đất… Còn chị Chử Thị Thêm đã nộp đủ tiền làm thủ tục cho chồng chuẩn bị lên đường đi lao động Hàn Quốc nhưng khi ra xã xin xác nhận hộ khẩu, ông phó chủ tịch xã, cầm giấy chứng thực nhưng ông chủ tịch Tắng không chấp nhận do chị  chưa giao đất làm ông phó chủ tịch phải giật lại tờ giấy xé vụn…nên chị đành phải giao 3 sào đất trong nỗi uất ức… Ông Trương Văn Cương ở thôn Bến không giao đất nhưng chưa có ràng buộc gì với chính quyền thì cây trong vườn bị kẻ nào đó bẻ, phá, ném thuốc sâu vào nhà. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Tộ thôn Bến năm 2011 tìm được mộ em là liệt sĩ Nguyễn Minh Thuần từ miền Nam về theo đúng mọi thủ tục nhưng do không chịu giao đất nên bị chính quyền gây khó khăn không làm lễ truy điệu, không cho đặt mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, gia đình đành tự lo liệu cùng bà con họ mạc đưa liệt sĩ vào nghĩa trang nhân dân…
Không thể nghe, ghi chép  hết những câu chuyện “đau đớn lòng” này. Và càng đau hơn nữa khi những chuyện tán tận lương tâm đó không phải tự phát của mấy anh chính quyền xã mà là “chủ chương lớn” của chính quyền huyện, tỉnh và trung ương? Một người dân đưa cho tôi loạt văn bản như văn bản 854 ngày 26/6/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên, văn bản số 02 ngày 27/6/2006, chỉ thị số 24 ngày 29/12/2008 của huyện ủy Văn Giang…nhất loạt nhắc nhở các cấp chính quyền tuyên truyền, đe dọa và lệnh trừng phạt các CBNV, viên chức, lực lượng vũ trang trong các xã có dự án nếu gia đình không “gương mẫu” trong việc giao đất theo khoản 1,2,8,9,10…nghị định này, nọ. Và một loạt nạn nhân bị trừng phạt theo các văn bản, chỉ thị này: Cô giáo Nguyễn Thị Bản đang dạy học ở trường THCS Cửu Cao bị điều đến trường THCS Thắng Lợi cách xa nhà nhiều km, cô Vũ Thị Thu Thảo GV trường tiểu học thị trấn Văn Giang bị điều đi mãi  trường tiểu học Mễ Sở…do gia đình các cô chưa bàn giao đất cho dự án. Ngoài ra số CBNV ở các lĩnh vực khác bị “dằn mặt”, bị kỷ luật bằng các hình thức khác “chưa ai thống kể nổi”. Đảng viên Đỗ Anh Tuấn bị đưa ra chi bộ kỷ luật do “chống lại chủ trương” của đảng không giao đất nhưng anh khẳng định: “ Tôi chống lại việc làm sai trái là để bảo vệ đảng, các anh làm sai mới là chống đảng” nên “đảng viên giả” phải lui…Theo anh thì tại Phụng Công phần lớn đảng viên công khai không ủng hộ chủ trương thu hồi đất dù nhiều người đã bị kỷ luật, cũng có nhiều người “ly khai” đảng…Điều này vả vào mặt chính quyền tỉnh Hưng Yên, Văn Giang khi báo cáo cấp trên luôn mô tả “ …hầu hết, 70% số hộ tự nguyện giao đất, chỉ còn số hộ chây ì…”. Sự giả dối dẫn đến cuộc cưỡng chế kinh hoàng hôm 24/4/2012 ghi một vết nhơ không bao giờ xóa nổi. Hôm ấy nhà nước VN đã rất phung phí lực lượng, tiền bạc của dân khi điều cả 3.000 cảnh sát từ trung ương, địa phương với vũ khí, trang bị đến tận răng để khống chế, đàn áp “số ít hộ dân chây ì”…
Hôm ấy  ngoài hàng nghìn bà con ba xã, các đoàn “dân oan” từ Vũng Tàu, Dương Nội, Yên Mỹ, Nam Định, Thái Bình…đổ về chật kín cả con đường liên xã nhưng không ai bảo ai  rất trật tự, nghiêm túc. Bà con dương cao cờ đỏ, sao vàng vẫy chào đón khách. Có một số thanh niên nghe nói là nhân viên an ninh của huyện, tỉnh mặc thường phục len lỏi, một thanh niên địa phương nhận ra hỏi viên an ninh:
- Mày đến đây làm gì?
Lập tức mọi người mắng anh thanh niên địa phương:
- Dù là ai đến đây hôm nay cũng là khách, cháu đừng bỗ bã, sỗ xược thế…Họ đến để hiểu rõ sự trình bà con càng tốt chứ sao?…Mời các anh vào trong rạp uống nước…
Một bác nói với tôi:
- Mình chính nghĩa phải cho đàng hoàng. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải thực hiện nghiêm túc đường lối đúng của đảng, pháp luật của nhà nước. Hôm bọn côn đồ xông vào xã hành hung bà con nếu để tự vệ như bình thường chúng tôi đánh hồi kẻng cả làng đổ ra mỗi người chỉ một đòn gánh thì chúng nát ra cám ngay tức khắc nhưng chúng tôi kệ cho nó đánh…Thà bị thương tật chứ không để người ta lợi dụng xuyên tạc sẽ thất sách trong việc giữ đất… Rồi bác đọc bài thơ:
   Ngày xưa đánh kẻng phòng không
   Ngày nay đánh kẻng giữ đồng quê ta
   Mất đồng, mất cả ông cha
   Còn đồng còn cả quê ta đẹp giàu.
Thì ra thế, hôm đối thoại với GS Đặng Hùng Võ, sai lầm của ông này góp phần gây bao tai họa cho bà con nhưng khi GS nhận sai là các bác vỗ tay nhiệt liệt…Hồn nhiên và cao thượng.
Hỏi bà con tại  sao lãnh đạo địa phương đều là con dân của làng, xã mà đối xử tệ bạc, bức hại bà con, ông cha tiên tổ, họ không sợ mãi mãi bị nguyển rủa hay sao, họ sống với ai?…Lập tức bà cụ tuổi cỡ 80 nói:
- Các ông ấy sống với tiền chứ bác. Ở xã này, từ chủ tịch, bí thư, công an…đều giàu nứt đố, đổ vách, có cả nhà trên Hà Nội, nhà ở thị  trấn, thị xã, ngay thằng bảo vệ cũng có phần…Họ sống với tiền, với huyện, với tỉnh chứ dân thì có gì…
Một bác nói là cũng tham gia “điếu đóm” cho dự án Ecopark thêm vào:
- Chỉ riêng khoản này các ông ấy đã “ăn đủ”: Tiền bồi thường cho dự án gần 500 ha nhưng khi trả cho dân họ chỉ tính chỗ đất có hoa màu, cây lúa còn diện tích bờ ruộng, bờ thửa, bờ vùng, cống rãnh, công trình thủy lợi, đường sá…đều vào túi họ…Đó là chưa nói đến “màu” đậm từ nhà đầu tư lại được lòng quan trên thì ghế tha hồ vững để mà tiếp tục giàu…Họ quyết bức bách bà con để triển khai dự án là như thế…
Có thể, nói không ai có thể nghe hết, viết hết những nghịch lý, mô tả hết chân dung “trần truồng” của những người nắm quyền lực nơi đây dưới con mắt của bà con.
Đau đớn thay một đảng, chính quyền luôn luôn khẳng định “của dân, do dân, vì dân” nhưng đối với bà con nơi đây họ chẳng còn chút kính trọng, ân tình, quyền uy nào. Hành vi, việc làm của họ với dân trái ngược hẳn với sự cao thượng, thẳng thắn, đàng hoàng của bà con.
Bất kể người có lương tri nào về đây sẽ phải thấy Ecopark không còn lý do nào để tồn tại nữa rồi.
NĐA

1421. Xem xét lại hệ thống chính trị Việt Nam

East Asia Forum

Xem xét lại hệ thống chính trị  Việt Nam

Tác giả: Benedict J. Tria Kerkvliet, ANU
Người Dịch: Dương Lệ Chi
26-11-2012
Dù là nhà nước độc đảng, hệ thống chính trị Việt Nam thường đáp ứng nhiệt tình đối với nông dân, công nhân và những người khác thúc đẩy cho các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị tốt hơn.
Những thay đổi chính sách quan trọng trong 25 năm qua – đặc biệt là thay thế một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng một nền kinh tế thị trường và từ bỏ canh tác tập thể, ủng hộ canh tác cá thể – đã có kết quả, một biện pháp đáng kể, áp lực cho sự thay đổi từ dưới lên trên, mà lãnh đạo Đảng Cộng sản của đất nước này đã chấp nhận.
Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu Đảng và nhà nước Việt Nam có đang đáp ứng một cách thích hợp với nhu cầu tiếp tục cải thiện hơn nữa đời sống của đa số người dân.
Bằng chứng về các nhu cầu đó thì rất nhiều, và hiện có thể thấy rõ hơn so với thời điểm từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990, khi người dân Việt Nam hiếm khi công khai cất lên tiếng nói bất mãn. Bây giờ, hầu như hàng ngày, người dân thường hay thể hiện sự phẫn nộ, tức giận ở các văn phòng chính phủ và Đảng Cộng sản ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác. Những người dân khốn khổ thường đi những chặng đường dài, hy vọng sẽ làm cho chính quyền tỉnh và trung ương lắng nghe việc khiếu kiện của họ, đọc kiến ​​nghị và trả lời một cách thuận lợi đối với những lời chỉ trích của họ.
Những cuộc tuần hành phản đối của họ, khoảng từ vài chục đến hơn một ngàn người, những người tham gia cầm áp phích, giương biểu ngữ, và phát các danh sách khiếu nại cho bất cứ ai đi ngang qua. Họ thường mặc quần áo có ghi những từ ngữ và hình ảnh tóm tắt các khiếu nại và những lời kháng cáo của họ. Những chỉ trích phổ biến nhất của những người biểu tình là chống lại các cán bộ tỉnh thành và các cán bộ địa phương tịch thu đất nông nghiệp, trả tiền bồi thường cho họ rất ít, và sau đó giao đất cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển để đổi lấy những khoản tiền khổng lồ và các lợi ích khác. Một điểm chung của những người biểu tình là các quan chức tham nhũng, không những đang ăn cắp đất của người dân, mà còn lấy mất kế sinh nhai của họ.
Trên internet, người ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm câu chuyện, những lời bình luận và các cuộc phỏng vấn mới về các chính sách cụ thể của chính phủ Việt Nam bị chỉ trích, cũng như các văn phòng và các quan chức đặc biệt. Internet cũng có rất nhiều bài nói về các công nhân đình công đòi có được đồng lương đủ sống và cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra còn có các bài viết trên mạng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, trách cứ chính phủ Việt Nam không có hành động gì thật sự để chống lại các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam và khai thác tài nguyên thiên nhiên Việt Nam.
Chính quyền có chăm chú lắng nghe những người này và những lời chỉ trích chính trị khác của công chúng, họ có đáp lại một cách đồng cảm và có trách nhiệm [với dân] hay không? Một số thì có, nhưng theo các cuộc thăm dò quốc gia và các nguồn thông tin khác cho thấy, một bộ phận lớn các quan chức chính phủ thì không.
Chính quyền đặt tường lửa chống lại các trang mạng trên internet có nội dung trái với quan điểm chính thống. Không chỉ các blog của những nhà phê bình người Việt là mục tiêu [bị tấn công], mà Facebook và các trang web tiếng Việt của BBC, RFA, RFI và một số phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới cũng là mục tiêu. Trong khi một người Việt Nam hiểu biết về công nghệ có thể tìm cách để vượt qua những trở ngại mà chính phủ tạo ra, nhưng nhiều người dân khác đang bị chúng gây cản trở.
Tham nhũng được cho là ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở cấp địa phương, mà còn ở các cấp cao nhất. Các chiến dịch của chính phủ, các chỉ thị và những bài phát biểu chống tham nhũng ảnh hưởng rất ít trong nhiều năm qua. Một lý do quan trọng mà các nhà phê bình lập luận, thậm chí một số đại biểu Quốc hội Việt Nam, là các cơ quan phụ trách chống tham nhũng, hoặc là bỏ qua hoặc chính họ cũng tham nhũng. Một số người Việt thạo tin nói rằng, ngay chính thủ tướng cũng có những quan chức tham nhũng bao quanh ông ta, và nhiều lời đồn đại rằng ông ta quá giàu, tài sản vượt xa số tiền lương của ông là một công chức suốt đời có thể kiếm được.
Thu hồi đất (thường có tham nhũng đi kèm) là nguyên nhân của hơn 70% các đơn khiếu nại mà các văn phòng chính phủ Việt Nam đã nhận được trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi luật đất đai, mà chính phủ phổ biến trong tháng 9, giải quyết rất ít nhu cầu trọng tâm của các nhà phê bình rằng không nên lấy đất của nông dân để phục vụ lợi ích của các nhà phát triển và các nhà đầu tư. Họ lập luận rằng nếu đất có bị tịch thu thì phải vì lợi ích chung – ví dụ như để xây dựng một đường cao tốc hay một căn cứ quân sự quan trọng – nông dân cần đền bù công bằng và thỏa đáng.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam nói rằng họ đang sử dụng các kênh ngoại giao để đối phó với sự xâm nhập bất ngờ của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục công khai tán dương Trung Quốc như một người bạn thân thiết của Việt Nam, đối đãi các quan chức Trung Quốc với sự tôn trọng tối đa và nghi lễ trang trọng. Trong khi đó, các nhà chức trách Việt Nam lại đe dọa công dân của mình, những người tham gia một số cuộc biểu tình có hàng trăm người suốt hai năm qua, chống lại Trung Quốc lợi dụng Việt Nam. Gần đây, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh xử hai người phản đối, hai người này đã sáng tác các bài hát chỉ trích phản ứng của chính quyền để Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở Biển Đông (Nguyên văn: Nam Hải) và kêu gọi người Việt tham gia các cuộc biểu tình để phản đối. Tòa án tìm thấy hai người phạm tội tuyên truyền chống nhà nước và kết án một người 4 năm tù và người kia 6 năm tù giam. Việc kết án này chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy nhà chức trách Việt Nam đang bắn vào người gửi thông điệp, thay vì đối phó với những lời than phiền và chỉ trích chính đáng của người dân.
Vẫn còn hy vọng chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ phản ứng có trách nhiệm hơn và bớt hà khắc hơn, mặc dù triển vọng ít lạc quan hơn bây giờ so với quá khứ.
Benedict J. Tria Kerkvliet là Giáo sư danh dự tại Khoa Thay đổi Xã hi và Chính trị, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Chiến lược và Chính trị, Đại học Quốc gia Úc.
Nguồn: East Asia Forum
Bản tiếng Việt © BS2012

NGUYỄN TRỌNG VĨNH: LẠI MỘT THỦ ĐOẠN GIAN XẢO CỦA TRUNG QUỐC…

Tễu blog

Lại một thủ đoạn gian xảo của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông


   Nguyễn Trọng Vĩnh
      Cái “lưỡi bò” do chính phủ Tưởng Giới Thạch tự vẽ ra mới từ năm 1947 không được nước nào công nhận, không có giá trị pháp lý. Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn ngoan cố bám lấy cái hình “9 đoạn” đó làm “tư liệu lịch sử” đưa ra hòng tranh gần hết Biển Đông, vi phạm chủ quyền của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Cùng với thái độ hung hăng đe dọa vũ lực và những hành động ngang ngược trước nay, giờ họ lại leo thang bằng thủ đoạn thấp hèn là in cái hình lưỡi bò trên hàng triệu tấm hộ chiếu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lưu hành khắp nơi hòng đánh lừa các nước khi sử dụng hộ chiếu của họ như là “mặc nhiên” công nhận chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Chỉ phản đối suống và đòi họ thu hồi loại “hộ chiếu lưỡi bò” thì không có tác dụng, nếu không làm gì thêm, thì vô hình trung âm mưu của họ đạt mục đích. Nếu những người mang “hộ chiếu lưỡi bò” nhập cảnh các nước Đông Nam Á mà được đóng dấu bình thường thì hóa ra cái “lưỡi bò” của họ được chấp nhận; đặc biệt là các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei mà đóng dấu bình thường thì coi như cái lưỡi bò xí chủ quyền của họ là hợp pháp.
Để vô hiệu hóa mưu đồ gian xảo này của nhà cầm quyền Trung Quốc, tôi đề nghị:
1.  Riêng Việt Nam và các nước có liên quan như Philippines, Malaysia, Brunei ra thông báo ngoại giao gửi khắp nơi nêu rõ cái lưỡi bò bất hợp pháp in trên hộ chiếu cỉa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là có dụng ý tranh giành Biển Đông, vi phạm chủ quyền của các nước Đông Nam Á.
2.  Mỗi khi có người mang hộ chiếu có “lưỡi bò” nhập, xuất cảnh các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei thì nhân viên cửa khẩu các nước này đóng dấu gạch chéo (X) lên cái lưỡi bò.
26.11.2012
Nguyễn Trọng Vĩnh

Những tấm hộ chiếu và nỗi nhục của người Việt

J.B Nguyễn hữu Vinh

Tấm hộ chiếu bành trướng và những phản ứng
Mấy hôm nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới xôn xao về tấm hộ chiếu Trung Cộng vẽ đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông, phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, Đài Loan, Nam Hàn vào hộ chiếu cấp cho công dân họ đi khắp thế giới. Đây là một đòn bẩn, nhằm buộc các nước vào thế khó, nếu đóng dấu chứng thực vào tấm hộ chiếu này, nghĩa là công nhận phần lãnh thổ tham vọng đó thuộc Trung Cộng.
Nói đến những đòn bẩn của anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt của đảng và nhà nước ta, thì kể suốt ngày không hết. Không chỉ chuyện bây giờ mà từ ngàn xưa đến nay vẫn thế, ai mà không biết. Dù với thời đại nào, chính thể nào ở Trung Hoa, thì âm mưu bành trướng bá quyền vẫn là một hằng số, không thay đổi. Vấn đề biết vậy, nhưng hành động với nó ra sao, là điều cần bàn.


Khắp nơi trên thế giới, những phản ứng mạnh mẽ đã được đưa ra: Ấn Độ quyết định cấp thị tờ thực khẳng định phần lãnh thổ tranh chấp là của mình. Còn Philippines thì Bộ trưởng Ngoại giao chính thức gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và là vi phạm luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, còn Đài Loan cũng lên tiếng phản đối điều này.
Ở Việt Nam, người dân mới tá hỏa tam tinh chỉ biết tin đó khi Người phát ngôn BNG trả lời câu hỏi của một phóng viên tọc mạch về cái hộ chiếu bành trướng. Thậm chí, còn được nghe rằng đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Thế rồi báo chí tung tin rằng “cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã đóng dấu hủy vào 111 hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN”. Thực chất là chỉ đóng dấu hủy vào những thị thực mà Việt Nam đã cấp, đã dán vào cái hộ chiếu có hình lưỡi bò, chứ đâu dám đóng dấu hủy vào hộ chiếu của anh bạn vàng(!)
Thậm chí, ngày hôm nay, báo chí Việt Nam còn hớn hở đưa tin “Mỹ không chứng thực hộ chiếu “đường lưỡi bò” của Trung Quốc”. Nhưng thực chất chỉ là ‘Mỹ không thừa nhận “lưỡi bò” trên hộ chiếu TQ” chứ không phải không cấp thị thực như báo chí đã loan tin trước đó.
Thực ra, anh bạn vàng thâm hiểm phương Bắc đâu cần sự công nhận ngay bằng lời của Mỹ, Anh hay Pháp hoặc bất cứ nước nào. Nó cứ âm thầm để đó, đến một lúc nào đó cần thiết sẽ đưa ra lu loa rằng anh đã đóng dấu vào đây là công nhận cái này. Bài học về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vẫn còn đó. Mà việc này, đâu có ảnh hưởng gì đến Mỹ mà Mỹ phải không chứng thực. Những kẻ mất nhà, mất nước hẳn hoi còn ú ớ không dám kêu lên, thì vạ gì nước Mỹ phải làm điều đó?
Thế rồi, báo chí “lề trái” lại tọc mạch khui ra rằng cái hộ chiếu bành trướng đó, Trung Cộng đã thực hiện từ đời tám hoánh nào rồi, tức là cách đây tận nửa năm.
Cảm giác gì với tấm hộ chiếu bành trướng?

Những người hô Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam đã bị coi là “thế lực thù địch” của nhà nước(!)
Thử nghĩ xem, khi một tên cướp đến nhà bạn, mang trên tay tờ giấy xác nhận ngôi nhà, mảnh vườn ông cha bạn để lại và hiện bạn đang ở là của nó. Bạn sẽ nghĩ gì và bạn sẽ làm gì? Nếu không thẳng tay tát vào mặt nó, thì ít nhất bạn sẽ xé nhỏ tờ giấy vứt vào mặt nó, đuổi thẳng cổ nó ra khỏi cửa mà rằng: “Cút ngay, bọn ăn cướp”.
Ở đây, mấy tháng qua, nhà nước ta vẫn để những kẻ đó vào đất nước mình, nghêng ngang đi lại như không. Động tác chỉ có thể làm là cấp một tờ thị thực rời khác cho chúng vào ra mà thôi. Còn mọi thông tin khác thì bịt mất.
Trong nửa năm qua, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung cộng, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng nghĩ gì khi cầm trên tay tấm bản đồ hình lưỡi bò để đóng dấu xác nhận lên đó khi người Trung Quốc đưa đến cho họ? Họ có thấy vinh quang khi Tổ Quốc đang ngang nhiên bị cướp trắng trợn bằng văn bản trước mặt mình? Nếu họ thấy căm phẫn, bất bình chắc chắn sẽ không phải đến tận bây giờ nhân dân mới biết được âm mưu và thủ đoạn của bọn bành trướng đối với đất nước, Tổ Quốc chúng ta qua câu hỏi của một phóng viên nào đó với Người phát ngôn? Còn nếu họ không thấy sự bất bình hoặc căm phẫn thì họ là ai?
Cư dân mạng chỉ biết kêu lên rằng Nhục. Mà không thể nói là không nhục nhã, khi tên cướp xông vào tận nhà đưa giấy cho anh, bắt anh công nhận nhà đất của anh là của nó mà anh phải im lặng, phải nghiến răng âm thầm chịu đựng. Nỗi nhục đó to lớn biết nhường nào.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kêu lên trên mạng xã hội: “Nếu thiếu mồi nhậu đi xin: Không nhục, nếu thiếu tiền uống rượu xin hỏi bạn: Không nhục, nếu thiếu tiền đổ xăng xin bạn: Không nhục, nếu bạn không cho phải nằm nhà: Không nhục. Nhưng nó in đường lưỡi bò mà im re hay chỉ thều thào mấy câu lấy lệ: Quá Nhục”. Thì ra vậy, người dân Việt Nam thấy nhục, thấy căm phẫn, thấy bất bình khi cầm tấm hộ chiếu bành trướng của ngoại bang muốn ăn cướp cả Tổ Quốc mình.
Chợt nhớ lời Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn: “Trông thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ… Nay các ngươi: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Đã hơn 700 năm, sao lời Hịch như vẫn còn tính thời sự hôm nay?
Thế mới biết người xưa đâu có vô cảm, vô liêm sỉ như người nay.
Lại nhớ chuyện cầm tấm hộ chiếu
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt tại UBND Tp Hà Nội
Còn nhớ, cách đây không lâu, sau buổi họp với UBND Thành phố Hà Nội, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tâm sự của mình, ngài nói: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Thế rồi báo chí nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam đăng tin buổi họp kết quả tốt đẹp…
Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau, hệ thống báo chí được huy động tối đa ra sức cắt xén câu nói của ngài thành “chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” để thóa mạ, để vu cáo, để đánh đòn hội đồng và kích động cơn lên đồng khát máu khát máu tập thể đối với Ngài. Thậm chí, người ta còn tổ chức hàng đoàn, hàng đống các lực lượng để bao vây, để cô lập Tòa TGM Hà Nội và tập thể giáo dân vào thời gian đó. Nhân dân lại oằn lưng trả tiền cho những hành động chống lại nhân dân này. Nguyễn Chí Đức, người đảng viên Cộng sản đã công khai ra khỏi đảng kể với tôi trong một lần đi biểu tình rằng: “Bọn được huy động chống lại người biểu tình yêu nước hôm nay, cũng như em ngày trước thôi, chính em cũng đã được trả tiền để đi bao vây Tòa TGM Hà Nội, gọi là quần chúng tự phát”.  Không thể nói gì hơn màn truyền thông vu cáo đầy máu và bạo lực này của hệ thống tuyên truyền dối trá trong nhà nước Cộng sản.
 <<<<===Trần Đăng Tuấn: “… cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do”
Người ta thấy trong sự kiện đó, những nhà báo tỏ rõ sự uất ức nhất khi “nước Việt Nam bị coi thường”(sic) đã không ngừng lu loa, kêu gào và lên giọng cao đạo, giảng giải về truyền thống yêu nước, về Tổ Quốc, về “cái tổ” của mình bị vấy bẩn như Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Năng An và đám bồi bút…
Thế nhưng, Trời có mắt. Những trò bỉ ổi đó nhanh chóng bị bóc trần và có tác dụng ngược lại. Những báo, đài, những tờ báo, cái loa to mồm thóa mạ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhanh chóng hiện nguyên hình là tay sai của giặc Tàu khi Tổ Quốc bị xâm lăng, là những “Lưỡi bò” trong lòng nước Việt. Điều này được chứng minh rất rõ ràng là khi đất nước đã chính thức bị xâm lược bằng đội quân bành trướng đem quân đội, vũ khí vào lãnh thổ của Tổ Quốc, tất cả những nhà báo, những nhà văn, những nhà truyền hình luôn mạnh mồm về tự hào là con người Việt Nam, là Người Việt, là Tổ Quốc thiêng liêng, dân tộc vĩ đại… đã lặn mất tăm. Thậm chí, người to mồm nhất như Trần Đăng Tuấn cũng đã lặn đi để tìm vào một lĩnh vực béo bở hơn là “Cơm có thịt”. Xin thưa rằng nếu đường lưỡi bò của Trung Cộng thành hiện thực, và sau đó là lãnh thổ Việt Nam biến thành “một phần không thể tách rời” của lãnh thổ Trung Quốc, thì khi đó ngay cả đất còn không có ở, lấy đâu ra cơm với thịt. Ngày xưa Trần Quốc Tuấn đã chẳng từng nói thế này sao: “Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai”.
Nếu như đội ngũ lính tráng, khí tài này được điều động để bảo vệ non sông(!)===>>>
Những câu nói hào sảng rằng “Hôm nay, người Việt ra nước ngoài được cầm quyển hộ chiếu Việt Nam trên tay là do cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do” (Trần Đăng Tuấn – Gửi ông không muốn làm người Việt). Hôm nay, chẳng lẽ Trần Đăng Tuấn không biết rằng cái “núi xương Việt” đó đã nhanh chóng vô nghĩa khi đất nước bị anh bạn vàng 4 tốt biến thành của họ đơn giản lắm, nhẹ nhàng lắm trong sự câm miệng của chính ông?
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu ra nước ngoài bị kỳ thị, chắc cũng sẽ không bằng người Việt cầm tấm hộ chiếu Việt Nam bị bất thình lình cấm xuất cảnh để nhìn cảnh ngược lại, bọn cầm hộ chiếu lưỡi bò cứ ung dung ra vào Việt Nam như chỗ không người.
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài bị phân biệt, kỳ thị… có lẽ giờ đây cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục cầm tấm hộ chiếu bành trướng ghi rõ lãnh thổ đất nước mình là của nó mà vẫn phải im lặng, không thể “ẳng” lên một tiếng.
Sao không ẳng lên một tiếng, hỡi các “nhà báo, nhà đài yêu nước” tưng bừng ăn lương của nhân dân?
Sao không ra những lời tuyên bố mạnh mẽ, sắt máu, sao không đưa đám công an, cảnh sát, chó và vũ khí ra ngăn chặn những tên xâm lược, hỡi các nhà lãnh đạo đã từng xua quân đi chiếm đất đai của dân, của các tôn giáo?
Có nỗi nhục nào lớn hơn?
Hà Nội, ngày 27/11/2012.
Kỷ niệm một năm biểu tình yêu nươc ủng hộ Thủ tướng bị đàn áp.

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

LŨ KHỐN TÀU !

Sơn Thi Thư

Hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý, bị thế giới phản đối.
Ảnh: XINHUA.NET (Nguồn: Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh)
Sơn-Thi-Thư blog: Mấy ngày nay, dư luận mạng đang nóng vì thằng “bạn (chó) vàng” cho in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu. Đây là một âm mưu rất thâm độc mà chúng ta cần phải có những hành động thiết thực và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, để bảo vệ chủ quyền và danh dự quốc gia. Sơn-Thi-Thư xin được góp một tiếng nói bằng một bài thơ thế sự.
Bạn tốt này ư, lũ khốn Tàu?
Những điều trông thấy ngẫm mà đau!
Nó ngang nhiên thế, ta dè dặt
Dè dặt rồi đây nó cưỡi đầu!
Làm việc gì đi đừng xướng nữa
Băng rè tua lại thấm gì đâu!
Bạch Đằng xưa đó sông còn đỏ
Chớ có nghênh ngang, lũ khốn Tàu!
Được đăng bởi Sơn-Thi-Thư

BỌN LƯU MANH VÀ NHỮNG ÔNG VUA CẢ TIN.


Quechoa

Hoạt cảnh 6 lớp của Trung Dũng

Lớp 1. Cột mốc Biên cương  lĩnh xướng.
Trên mọi nẻo đường của đất nước tôi
Vẫn thậm thụt bước chân của thằng rể quý
Này Thục Phán ! đã 2222 năm rồi đấy nhỉ
Lông ngổng giờ đã rải đến Cà Mau.
(?)……………….
Lớp 2. Đường dây nóng An Dương Vương
Năm 210 Trước CN:
- Alô! Trọng Thuỷ đấy hở? Hôm hồi quốc con có cầm nhầm cái móng rùa (lẫy nỏ) của bố không con?
- Tao đây! Bố đéo gì bọn mày, chuẩn bị kiếm cái gì đỡ đòn đi, tía con tao sắp tới Cổ Loa rồi đấy.
Lớp 3. Hợp xướng của cát và sóng biển Hoàng Sa- Trường Sa
Sợ mai này con hỏi cha ơi
Đi tắm biển sao phải mang hộ chiếu ?
Biển quê mình… cha nói đi… con không hiểu
Khi nhìn tấm bản đồ chó chết của Trung Hoa.

Con thả diều ở Vũng Tàu, Mũi Né, Lý sơn, Hoàng Sa, Trường Sa…
Người lớn đến cắt dây khi diều bay xa mém nước
Biển của mình trong xanh con muốn vẫy vùng mà chẳng được
Vì ra khơi là đi du lịch nước ngoài.
Đời thật buồi khi ra biển ngắm ban mai
Chỉ thấy sóng giăng giăng hình băng đạn
Đám mây hiền lành cũng bốc mùi đại Hán
Đường lưỡi bò liếm láp biển bao la
Một ngày kia đọc “Nam Quốc Sơn Hà”
Chữ “Định phận” bị thay bằng “Cam phận”
Hình đất nước gầy nhom vì oán giận
Gánh những chữ vàng méo mó đứng chơi vơi

Muộn mất rồi
Đừng hỏi nữa
Con ơi.
 Lớp 4. Tại đền Quát (Sông đáy, Hải Dương) thờ Yết Kiêu – Phạm Hữu Thế.
Một toán khoảng trên mươi đứa tướng mạo phốp pháp, phương phi, mặc đồ bơi lấm lét vào đền,.
Sau một hồi nhang khói nghi ngút, người đại diện cầm cặp chân vịt (của người nhái) lết lên điện sì sụp lạy khấn: – Muôn năm thầy linh hiển, Quang vinh thợ lặn ngàn đời… Yết Kiêu thầy hỡi! Chúng con, người ở đồng bằng, kẻ sinh miền núi nhưng đều là con Lạc cháu Hồng. Nhờ hồng phúc 4 ngàn năm Chiêu Thống (á lộn, Văn Hiến) nên chúng con đây học hành làng nhàng, công trạng chẳng bao nhiêu nhưng đều đỗ đạt hiển vinh, ăn trên ngồi trốc…
Chúng con đây cái gì cũng biết (kể cả biết điều) duy món lặn sâu thì chỉ thì…thì… Từ nhỏ đã nghe danh thầy: bơi như rái cá, lặn tợ thuồng luồng, không những thế thầy còn đục chìm tàu lạ xâm phạm biển đảo quê ta. Thật là quá đã…quá đã… Chúng con đây vô cùng bái phục.
Yết Kiêu thầy hỡi có hay, mấy tháng nay giặc dã hoành hành từ nam ra bắc, từ biên cương, hải đảo đến nông thôn, thị thành… chúng con đây yêu nước nồng nàn (mùi Mao Đài), ruột đau như cắt (loét thượng vị), xót xa tâm bào (máu nhiểm mỡ)… Nhân dân đây đó làm tình (í lộn, biểu tình) thiên hạ la ó tùm lum vậy mà nào có ăn thua, chúng con vừa mở mồm xuýt xoa giặc đà hảo hảo, thật là khó xử. Chổ thầy và đám thuỷ binh năm xưa tập bơi, tập lặn nay chúng cho mấy chục tàu chiến giả dạng tàu thường lượn lờ thoải mái như ao nhà của chúng. Thật là bối rối… bối rối…
Vận nước nguy nan, biển đảo nguy cơ, ngư dân nguy khốn… nay chúng con đến đây trước là lễ bái sau nữa là nhờ thầy bỏ chút thì giờ dạy cho chúng con trước là biết lặn sâu sau nữa lặn xa cuối cùng nâng cao thành lặn biệt tăm thầy nhé.
*Tái khấn: Nếu trong cơn binh lửa loạn ly mà chúng con lặn thoát, từ phương khác chúng con sẽ hướng về đây dập đầu vọng bái.
Lớp 5. Đường dây nóng Hào Cẩm Đồ
2222 năm sau (năm 2012):
- Alô, Hào huynh (Hào Cẩm Đồ) phải không ạ? Hôm trước huynh đệ ta bàn về cái zdụ Biển Đông, huynh ok rồi sao hôm nay còn cho mấy chục ngàn tàu thuyền vào đánh cá trên biển nước đệ? Lại còn in hình đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông nữa ???
- Biển bọn mày thế đéo nào! Tao mời thầu mấy lô dầu và cho tàu thuyền đánh cá trên biển Hoa Nam của bọn tao chứ có đụng chạm gì đến cái biển Đông bé xíu của chúng mày, thôi nhé! rách việc! lo dẹp biểu tình đi!
Lớp 6. Tấu hài của nghêu sò ốc hến
Thằng Tàu nó đến nước ta
Nó Hốt Tất Liệt chẳng tha thứ gì
Nhân dân muốn đuổi chúng đi
Nhà nước ngăn cản nó thì…Thoát… Hoan.
Mấy em ngơ ngác, hiền ngoan
Hoa Quốc… Phong phát là làm… Bí thơ.
Mấy cô gái đẹp non tơ
Nó Càn Long phát tơ hơ quả bầu
…Còn như Bác Nguyễn Đình Đầu
Bác Hồ Cương Quyết thì sầu quanh năm
Đỗ Trung Quân mặt hằm hằm
Đang mài Các…Mác đòi băm Cẩm Hào
Vậy mà có đứa hô hào
Tồng chí Bình Cận… ra chào… hảo lơ
Tác giả gửi Quê choa

GIÀU THÀNH TÍCH, NGHÈO CƠM ÁO

Quechoa

Ảnh chụp ở văn phòng UBND một xã miền núi cao Nghệ An thuộc diện những xã nghèo đói nhất Việt Nam.
Mình chưa thấy nơi đâu người ta hám chữ hão như ở nước ta. Cứ nhìn vào giới văn nghệ sĩ nước nhà thì biết, hu hu.
Ảnh chôm từ tạp chí Fuxuca

Thư Lão Tử gửi Tập Cận Bình

Hiệu Minh blog


Lão Tử cưỡi trâu. Ảnh: internet
Thưa Tập tiên sinh
Xin tự giới thiệu, ta là Lão Tử (www.老子.com – Lao Tzu), sống cách đây 2600 năm. Chắc Tập tiên sinh cũng biết, ta từng viết cuốn Đạo Đức Kinh (道德經) nói về Đạo giáo có ảnh hưởng lớn trong lịch sử, và ta được coi là Đạo tổ (道祖).

Hẳn tiên sinh còn nhớ, ta sinh ra đầu đã bạc trắng vì ở trong bụng mẹ tới 80 năm. Ra đời đã là một người hiền triết, bụng chứa hết cả thư viện sách thời nhà Chu và từng tranh cãi nẩy lửa với Khổng Tử về những vấn đề của nho giáo. Sau này người Trung Quốc hiện đại lấy đó làm nền tảng cho sức mạnh mềm, đưa đất nước này thành cường quốc.
Vì thế, ta hiểu thế nào là sức mạnh mềm của văn hóa làm nền tảng cho phát triển. Ta muốn bàn với tiên sinh vài chuyện liên quan đến Trung Quốc hiện đại.
Nhớ ngày xưa, biết trước nhà Chu sẽ diệt vong nên ta đã cưỡi trâu qua nước Tần. Rất may hồi đó, người gác ải Hàm Cốc là Doãn Hy đã khuyên ta viết lại những gì ta có trong đầu thành cuốn sách mà nay bất kỳ một vị vua hay lãnh đạo nào của Trung Quốc cũng phải đọc.
Cuốn “Đạo đức kinh” có giá trị như một cẩm nang cho mọi thế hệ trị vì đất nước bằng những lời đơn giản “Cai trị bằng cách không cai trị”, “Không tán dương người quyền quý thì người dân không tranh tụng” hay đơn giản “Không đề cao giá trị đồ quý thì người dân không tranh cướp.”
Sinh thời, ta có những câu nói nổi tiếng như
  • “Tri túc bất nhục” – Người biết đủ, không bao giờ nhục
  • “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất”- Lưới trời lồng lộng, cao mà khó lọt
  • ”Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghị tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật”. Tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường.
  • ”Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh”. Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.
Từ Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lâm Bưu, cả Tưởng Giới Thạch đến Đặng Tiểu Bình, những nhân vật lịch sử đều thuộc lòng những lời ta để lại cho hậu thế.
Sau mấy chục năm phát triển thành công, thế giới đang nhìn vào Trung Hoa với hy vọng là một cường quốc gương mẫu trong hành xử, với cách đối nội, đối ngoại đàng hoàng của một nước lớn, trỗi dậy trong hòa bình.
Nhưng sức mạnh cơ bắp của một anh nông dân bắt đầu thể hiện từ khi các người kiếm được đồng ra đồng vào. Cứ nghĩ có tiền có của sẽ làm bá chủ thế giới. Tại sao các ngươi không thể thay đổi được hình ảnh của kẻ to xác, nhỏ nhen, ích kỷ, và đầy thủ đoạn mà người đời gọi mỉa mai là “thâm Tầu”.
Những sự kiện xảy ra ở biển Đông, cắt cáp tầu bạn, đâm chìm thuyền đánh cá của người nghèo lại do người Hoa làm trong đêm tối làm ta không khỏi xấu hổ về triết lý Trung Hoa có từ 5000 năm lại bị báng bổ đến thế.
Hôm nay ta nhận được một email của tạp chí Cua Times xứ Việt. Họ than phiền về cách cai trị đất nước của các người, dùng tiền bạc trong trao đổi chính trị và ngoại giao, coi trọng đồng tiền hơn mọi giá trị khác, rồi bất hòa với tất cả các nước láng giềng.
Các ngươi đã quên rằng, thuật cai trị bằng sức mạnh mềm, cai trị mà không cai trị, mới là vĩnh hằng và làm nên sức mạnh. Dùng quân đội, cảnh sát, an ninh bắt bớ bừa bãi, tòa án lệ Kangaroo thì các ngươi có thể thắng chiến thuật, nhưng về lâu về dài, lòng dân bất an, các ngươi khó mà trụ lại được.

Gần đây, các ngươi còn ra lệnh cho in cả cái lưỡi bò liếm hết biển Đông vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc.
Đi ra nước ngoài, nước bạn nhìn thấy hộ chiếu như vậy, họ sẽ nghĩ gì về Big and Bad China, mà nghe nói dân Việt dịch là “Trung Quốc to xác và tham lam”. Nhục thay cho thế hệ con cháu Lão Tử.
Biển Đông có nhiều khoáng sản, dầu lửa, khí đốt và hải sản, là cửa ngõ đi lên biển Bắc, bất kỳ cường quốc nào cũng dòm ngó. Các ngươi đã phạm sai lầm “đề cao giá trị đồ quí” để thiên hạ tranh cướp.
Ai cũng hiểu chính trị, kinh tế, văn hóa – tôn giáo làm nên sức mạnh quốc gia, cộng lại thành quyền lực cứng và quyền lực mềm.
Trung Quốc hiện có cả quyền lực cứng, kinh tế mạnh và quyền lực mềm. Nhưng các ngươi có biết không, việc cho cái lưỡi bò vào hộ chiếu là các ngươi đã cắt đi quyền lực mềm của nước Trung Hoa vĩ đại. Mất đi cái mềm, chỉ còn lại cái cứng, quốc gia này sẽ diệt vong như nhà Chu, nơi ta sinh ra và đã phải nương ở nhà Tần.
Ta chỉ dặn các ngươi một câu cuối “Tri túc bất quốc nhục – Người biết đủ, không bao giờ để nhục quốc thể”.
Để phát triển trong hội nhập, đừng bao giờ để thế giới nhìn người Trung Quốc như một kẻ đại diện cho bành trướng Đại Hán, tham lam và độc ác với tư duy lỗi thời.
Kết thúc thư này, ta kể chuyện lần thăm người thầy là Thương Dung bị bệnh nặng. Ta tranh thủ hỏi xin những lời dạy bảo quý báu. Thầy Thương Dung thấy ta là người hiền nên thè lưỡi hỏi:
- Lưỡi của ta còn không?
- Thưa thầy, lưỡi của thầy còn ạ!
- Thế răng của ta còn không?
- Thưa thầy không còn ạ!
- Anh có biết ta hỏi anh vấn đề này có thâm ý gì không?
- Lão Tử trả lời: Thưa thầy, sỡ dĩ cái lưỡi còn vì cái lưỡi mềm, còn răng rụng hết là vì nó cứng. Thưa thầy, có phải thế không ạ?
Thầy Thương Dung nghe xong chỉ nói, đó đó, mọi việc trong thiên hạ đều như thế cả.
Liệu tiên sinh trong vai TBT của một nước to nhất hành tinh có học được gì từ bài học cái lưỡi và răng này không.
Chúc Tiên sinh lãnh đạo nước Trung Quốc cho tới hết nhiệm kỳ.
Đã ký www.老子.com - Lao Tzu
HM. 26-11-2012

Văn nghệ cuối đường hầm

Nguyễn Thông

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, chưa bao giờ nền văn nghệ nước nhà nói chung, văn học nói riêng, lại đen tối, bế tắc, bi đát, thảm cảnh… đến như hiện nay. Chỉ tính từ cách mạng tháng tám 1945 tới nay thôi, văn học xứ ta đã từng đặt những dấu ấn sâu đậm trong lòng người và thời đại. Tôi không có kiến thức cần đủ về văn học miền Nam trước 1975 nên không dám bàn mảng đó, chỉ riêng văn học miền Bắc trước 75 và cả nước sau 75 đã gây cho tôi những quý mến đặc biệt. Đóng góp của văn nghệ sĩ, nhà văn vào sự phát triển của cuộc sống đương nhiên không cần bàn cãi.
Đã một thời, văn nghệ như thánh đường nghiêm cẩn, thiêng liêng, cao quý, ai bước chân được vào đó coi như tạo được cái tiếng hãnh diện với đời. Chả nói đâu xa, chỉ đăng được bài thơ, cái truyện ngắn trên tờ Văn nghệ là đã xem như lập được kỳ tích rồi, chứ nếu đoạt giải này nọ của thi thơ, thi truyện do Văn nghệ tổ chức thì chẳng cần phải đăng đàn diễn thuyết đã được làng văn xếp hạng chiếu trên, thậm chí ngồi cao ngất ngưởng, vua biết mặt chúa biết tên, thiên hạ ngắm nhìn ngưỡng mộ, kính phục. Cái thời ấy, dù nền văn nghệ vẫn bị chèo lái, uốn éo theo lối phải đạo nhưng trong chừng mực nào đó, tự thân nó tạo ra giá trị, khiến người ta không thể hạ nhục, xem thường. Tôi chắc rằng những người làm báo Văn nghệ hồi ấy chẳng thể nào quên được những năm tháng vinh quang, sản phẩm chưa ra lò đã bao bạn đọc mong ngóng, vừa bày lên sạp đã hết veo, một tờ báo người ta chuyền tay nhau đọc đến nát từng trang… Những tên tuổi một thời của văn học nước nhà Thái Giang, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Huy Thiệp… nổi lên, được cả nước biết tới cũng nhờ bệ phóng Văn nghệ.

Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.
Vừa rồi, đọc bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi thấy anh than và giận, và tiếc nuối trước việc bác Hữu Thỉnh quyết định sáp nhập, đóng cửa, đình bản, chấm dứt tờ tạp chí Nhà văn, một trong 3 cơ quan ngôn luận trực thuộc Hội Nhà văn. Nghe ra ngậm buồn, nhưng biết thế nào. Em mà cương vị bác Thỉnh, có nhẽ em đóng cửa nó lâu rồi, ít nhất cũng sau khi nó danh nghĩa đứng ra tổ chức cái hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận đầy tai tiếng. Mà chả riêng thằng Nhà văn, ngay thằng Văn nghệ (gồm cả Văn nghệ trẻ) đang do bác Huân cầm trịch, rồi tạp chí Thơ, tạp chí Văn học nước ngoài, em cho out tất. Mấy cái cục nợ kiểu Vinashin đó, tồn tại mà không tự nuôi nổi mình, ăn mãi vào vốn, suốt ngày há mồm chờ sữa vú dân nuôi nhỏ giọt vào để cầm hơi, sản phẩm làm ra ế rệ trên sạp, bán chẳng ai mua, ít người quan tâm, chính giới văn nghệ cũng không thèm đọc, không giải thể sớm, càng để càng chết, thành gánh nặng. Thời bây giờ vẫn làm báo theo kiểu bao cấp, chờ chỉ đạo, uốn theo định hướng, vẫn tán tụng ngợi ca, vẫn nhắm mắt bịt tai trước hiện thực chát chúa xô bồ, chưa chết mới là lạ. Thương là thương những người như bác Nguyễn Trí Huân, có tâm có trí nhưng bị vướng cái thời, lại thiếu chút dũng khí như Nguyên Ngọc, chỉ biết ngậm ngùi nhìn tờ báo chết dần chết mòn, nhích dần vào tử huyệt.
Một nền văn nghệ cuối đường hầm vì nó quá nặng căn với cái cũ không dứt ra được, thiếu những người chèo lái giỏi giang tài ba, bản lĩnh, liệu mò mẫm trong bóng tối đến bao giờ? Không ai đem ánh sáng cho nó nếu nó không tự tìm ra vùng ánh sáng.
27.11.2012
Nguyễn Thông
Được đăng bởi

“Hội chứng Lê Văn Luyện” Trong bộ máy công quyền ở Việt Nam

 Boxitvn

Lê Anh HùngMột năm trước, trong buổi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khoá XIII, ĐBQH Nguyễn Đức Chung (PGĐ Công an TP Hà Nội) cho biết, với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ 5-10 năm nữa Việt Nam sẽ có tới gần một triệu người có tiền án tiền sự, trong đó 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH của Hà Nội) thì dẫn câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và kết luận “tội phạm vị thành niên đang ngày càng gia tăng và trở thành một hiện tượng xã hội”. Các đại biểu khác cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về mức độ phạm tội không ngừng gia tăng trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
Một năm sau, tại kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khoá XIII, những con số về tình hình tội phạm vị thành niên được đưa ra diễn đàn Quốc hội lại khiến dư luận choáng váng. Cũng như ở kỳ họp trước, trong số các Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại kỳ họp lần này, nhiều người vẫn đề nghị tăng hình phạt và giảm độ tuổi vị thành niên xuống từ quy định 18 tuổi hiện nay. Và, một lần nữa, câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện lại được dẫn ra như một minh chứng điển hình.
Lê Văn Luyện là kẻ được biết đến không chỉ bởi tội ác dã man khi ra tay sát hại một lúc 3 người và giết hụt 1 người khác vào ngày 24/8/2011 mà còn bởi thái độ thản nhiên, lạnh lùng, vô cảm của y trước các nạn nhân của mình, điều khiến dư luận hết sức phẫn nộ. “Hội chứng Lê Văn Luyện” – hiện tượng xuất hiện hàng loạt kẻ thủ ác lạnh lùng, vô cảm ở tuổi vị thành niên – đang thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của cả xã hội.
Trước thực trạng đáng báo động đó, hầu hết các vị ĐBQH đều đổ lỗi cho gia đình, nhà trường hay những bất cập của pháp luật. Tuy nhiên, họ lại quên mất một thực tế là, trước khi trở thành một hiện tượng xã hội, “hội chứng Lê Văn Luyện” dường như đã hiện hữu trong bộ máy chính quyền ở Việt Nam từ lúc nào không hay – đó là thái độ vô cảm của những kẻ vẫn tự xưng là “công bộc” của dân trước nạn nhân của họ. Xin nêu ra mấy dẫn chứng để chứng minh điều đó:
1) Hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” những năm 1953-1956 cho đến nay vẫn chưa nhận được gì từ những kẻ đã gây ra cái chết thê thảm cho họ, ngoài mấy giọt nước mắt của người lẽ ra phải chịu trách nhiệm cao nhất về tấn thảm kịch kinh hoàng ấy, mà có lẽ chủ yếu là bởi “sự lãnh đạo của Đảng” lúc bấy giờ chưa được “tuyệt đối và toàn diện” như kể từ đó về sau. Đặc biệt là trường hợp bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, một nhà tư sản nổi tiếng, địa chủ kháng chiến, có rất nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến chống Pháp những ngày khó khăn gian khổ nhất. Bà có một người con trai là Trung đoàn trưởng một Trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam; trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập; rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao nhất đã được bà nuôi nấng, đùm bọc; hàng trung đoàn bộ đội được bà chăm lo cho từ miếng ăn đến nơi ở. Oái oăm thay, bà lại bị quy là địa chủ phản động và bị chính quyền kháng chiến lôi ra xử bắn năm 1953. Hơn nửa thế kỷ qua, Nhà nước Việt Nam, thủ phạm đã gây ra cái chết cho bà, vẫn vô cảm trước cái chết đầy oan nghiệt và thương tâm mà họ gây ra cho một đại ân nhân của mình. Những nạn nhân vô tội của cuộc Cải cách Ruộng đất như bà rồi sẽ có ngày được dựng bia tưởng niệm nhưng có lẽ điều đó không bao giờ xảy ra trong “thời đại Hồ Chí Minh” cả.
clip_image001
2) Hàng trăm nạn nhân của “Vụ án xét lại chống Đảng” giai đoạn 1967-1973 đến nay vẫn chưa hề được chính quyền minh oan và trả lại danh dự, mặc dù họ phải trải qua bao cảnh tù tội, bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí có người còn bỏ mạng trong trại giam, và việc bắt giữ họ không diễn ra theo đúng quy định của pháp luật cũng như không xét xử. Vậy nhưng, theo GS TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thì “năm 1993 và 1994, Bộ Chính trị Đảng CSVN vẫn kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự thật và phải xử lý như vậy”!!!
3) Năm 2005, chính quyền Việt Nam đã gây áp lực với Chính phủ Indonesia và Malaysia để đục bỏ bia tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biển tìm tự do tại đảo Galang (Indonesia) và đảo Bidong (Malaysia). Mỉa mai thay, chính thủ phạm đã khiến cả triệu người dân Việt Nam phải gạt nước mắt rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” đi tìm đường sống, để rồi phân nửa trong số họ phải làm mồi cho cá hay vùi thân trong chốn rừng sâu, lại tỏ ra vô cảm trước tội ác do mình gây ra trong khi vẫn không ngớt kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” ấy hướng về quê hương!?
Đó là những gì đã trở thành một phần của lịch sử, còn hiện tại thì sao? Xin thưa, qua những gì diễn ra thời gian gần đây, có lẽ ai cũng nhận ra một thực tế là “hội chứng Lê Văn Luyện” đang ngày càng trở nên phổ biến trong lực lượng vẫn tự xưng là “đầy tớ của nhân dân” ở Việt Nam. Xin nêu ra đây vài dẫn chứng:
1) Ngày 21/4/2011, Công an huyện Bến Cát (Bình Dương) đã bắt giữ trái phép anh Nguyễn Công Nhựt (không có lệnh tạm giữ, tạm giam, không thông báo cho Viện KSND huyện Bến Cát). Bốn ngày sau, anh được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Theo báo Người lao động ngày 16/2/2012, căn cứ vào những hình ảnh chụp dấu vết trên thi thể anh Nhựt và các tài liệu liên quan mà chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt) và Luật sư Trần Đình Triển được tiếp cận thì có nhiều chi tiết nghi ngờ anh Nhựt chết không phải do tự tử như: “Một bên đầu gối bị sưng lên như quả chanh, trên ngực có hai dấu vết bầm tím to, bộ hạ bị trầy da bì diện rộng, dương vật bị máu chảy, hai hố chậu xuất hiện 2 vết màu xanh lục diện rộng, màu xanh lục trong quá trình bị thối rữa…”. Thế nhưng cuối cùng những người có trách nhiệm vẫn thản nhiên kết luận là “Anh Nguyễn Công Nhựt treo cổ do ân hận”!?
2) Ngày 26/10/2012, ông Trần Văn Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Mật mã & Thông tin Liên lạc (Ban Cơ yếu, Bộ Quốc phòng), đã bị lên cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong ngay tại văn phòng làm việc khi nghe vợ gọi điện đến báo tin nhà mình (P418-D2 Giảng Võ) bị cưỡng chế thu hồi trái pháp luật. Ngày 16/11/2012, báo Gia đình & Xã hội đã đăng bài “Cưỡng chế cả người đã khuất”, trình bày về những khuất tất trong việc thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng lại nhà tập thể cũ D2 Giảng Võ”, đặc biệt là sai phạm của UBND quận Ba Đình trong vụ cưỡng chế ngày 26/10/2012. Mặc dù ngay từ tháng 8/2011, ông Trần Văn Đình đã có đơn gửi UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý Dự án D2 để khẳng định rằng gia đình mình mới là chủ sở hữu căn hộ 418-D2, cũng như nhiều lần gửi văn bản đề nghị họ làm việc với ông về phương án đền bù GPMB căn hộ của ông, song các văn bản phúc đáp đều nói rằng căn hộ thuộc về người khác, và họ từ chối làm việc với ông. Vậy nhưng, trong buổi làm việc với phóng viên sau đó, ông Nguyễn Chí Trung, Phó Trưởng ban GPMB quận Ba Đình, vẫn thản nhiên rằng: “Do gia đình không hợp tác nên việc xác minh hồ sơ cho phương án bồi thường càng khó khăn, không tìm được địa chỉ gia đình đang ở. Hôm xảy ra cưỡng chế, ông Đình  mất ở cơ quan, chứ mất ở đây (nơi cưỡng chế – PV) thì to chuyện!” Đến nay, chính quyền quận Ba Đình và phường Giảng Võ, thủ phạm đã gây ra cái chết thương tâm cho ông Trần Văn Đình, vẫn chưa hề có một cử chỉ nào, dù chỉ là tượng trưng, để xoa dịu nỗi đau vô bờ bến của gia đình nạn nhân.
3) Theo VOA, sáng ngày 12/11/2012, tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ngay trước Phủ Thủ tướng, một số bà con dân oan từ Bình Dương và Thanh Hóa tụ tập đưa kiến nghị và đơn kiện nhân dịp Quốc hội họp. Một lực lượng công an hùng hậu đã được huy động đến để đàn áp. Theo nhân chứng trong cuộc là bà Trần Thị Huỳnh Mai đến từ Bình Dương, vài chục công an hùng hổ cầm dùi cui xông vào chửi bới, đánh đập bà con, giật xé biểu ngữ. Cụ Hà Thị Nhung (76 tuổi, người Thanh Hóa) lớn tiếng đọc những câu vè chống tham nhũng và bị một nhóm công an xông đến xô ngã, đánh vào chỗ hiểm. Cụ ngất tại chỗ. Nhóm công an hèn nhát bỏ chạy mặc dù chúng có sẵn xe và có thể chở cụ đi cấp cứu. Cụ Nhung tắt thở sau đó.
clip_image003
Cụ Hà Thị Nhung, nạn nhân của những Lê Văn Luyện trong bộ máy công quyền, tại một địa điểm chỉ cách “Lăng Bác” mấy bước chân
4) Chiều ngày 21/11/2012, cụ Nguyễn Xuân Hiền, 75 tuổi, từ Đà Nẵng ra Hà Nội khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, cũng bị lực lượng chức năng ở đó giật biểu ngữ mà cụ đang cầm trên tay khiến cụ bị ngã và ngất xỉu.
clip_image005
Cụ Nguyễn Xuân Hiền
Blogger Người Buôn Gió đã phải thốt lên trong bài “Đôi mắt người Dân Oan” trên blog của mình: “Nhưng tất cả … chưa bằng đôi mắt của người đàn ông đang nằm kia. Đôi mắt không còn mang vẻ đau đớn về thể xác nữa, đôi mắt chứa đựng một sự ai oán với cõi đời này. Đôi mắt của một người mang nhiều cay đắng, chua chát trong cõi đời và đã vác chúng đi đến tận cùng của hy vọng, để lại nỗi tuyệt vọng đầy ắp trong đó. Đôi mắt của một người không còn nơi hy vọng, cậy trông, đôi mắt của một người cao tuổi đi gần hết cuộc đời, lúc nằm trên nền gạch giữa đường, dường như mới ngộ ra cuộc đời này không có công bằng… Cái dáng nằm và đôi mắt của ông không còn sự tha thiết với cuộc đời này nữa, giá như người ta có dẫm chết, đánh chết ông lúc này cũng không làm ông bận tâm. Sự uất hận, buồn đau đã đi đến tận cùng để ánh lên trong đôi mắt người đàn ông gầy gò với mái tóc bạc ấy một cái nhìn trống rỗng với thế nhân trong một chiều cuối thu giữa lòng thủ đô Hà Nội, nơi ngàn năm văn hiến, công bằng, dân chủ, văn minh…”
Còn đây là hình ảnh của những kẻ vẫn tự xưng là “Công an Nhân dân” trong buổi chiều ngày hôm ấy:
clip_image007
Blogger Người Buôn Gió, người có mặt tại hiện trường không lâu sau khi vụ việc xảy ra, bình luận về bức ảnh này trong bài viết nói trên: “Đây, những chàng trai trẻ của nước CHXHCN Việt Nam, họ chứng kiến một cụ già đang nằm ở vườn hoa kêu đau. Việc của họ như những người thợ săn, họ đứng nhìn con mồi kêu la, để xem đồng loại của con mồi đến giúp. Họ quay phim, ghi hình, báo cáo lập hồ sơ, và sẽ có thành tích”.
Đúng vậy! Họ chính là những kẻ thủ ác vô cảm hay những Lê Văn Luyện khoác áo “đầy tớ nhân dân” trong bộ máy chính quyền hiện nay. Họ không chỉ có mặt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà còn hiện diện trong mọi cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương trên khắp dải đất hình chữ S này. Họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm đang ngày đêm gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã sinh thành ra họ. Họ không còn biết gì đến đạo lý, liêm sỷ hay “lòng tự trọng”, mà nếu “bí” quá khi bị truy vấn thì họ sẽ thản nhiên phán rằng tất cả là do “Đảng phân công” ([1]) Những Lê Văn Luyện ngày nay rõ ràng là “sản phẩm” tất yếu của một hệ thống như vậy. Và, không còn nghi ngờ gì nữa, “thiên đường xã hội chủ nghĩa” với đầy dẫy những Lê Văn Luyện chính là “tương lai tươi sáng” đang chờ đón đất nước chúng ta, một đất nước mà ở đó ngày càng nhiều người lấy lòng căm thù đồng loại làm lẽ sống ([2]).
Hà Nội, 26/11/2012
L.A.H.
Chú thích
([1]) Thiết tưởng cũng cần lưu ý rằng, ở các nước tư bản với nền dân chủ “thua ta cả vạn lần”, chỉ một sự cố gây chết vài người thôi cũng đủ khiến một ông bộ trưởng hay thậm chí Thủ tướng phải từ chức. Đơn giản là họ nhận thấy trách nhiệm của mình trong đó, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp.
(2) Các vị “Đại biểu Nhân dân” trong “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam” xem ra chỉ có hai lựa chọn để thay đổi thực trạng này. Đó là [i] hạ mốc tuổi thành niên theo quy định của pháp luật từ 18 hiện nay xuống khoảng 5-6 tuổi, độ tuổi mà các “đương sự” bắt đầu biết sử dụng “công cụ gây án” (để “đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật” đồng thời tránh việc phải sửa đổi luật lệ liên tục như ý kiến của nhiều vị Đại biểu Quốc hội), và [ii] thay đổi hệ thống hiện hành bằng một bản hiến pháp dân chủ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn

Bàn về một biểu tượng mang tính thời đại

Bauxite Việt Nam


clip_image003Trong một bài viết ngắn trên BVN – bài Thủ đoạn thâm hiểm nhưng bản chất du côn phơi bày quá rõ http://www.boxitvn.net/bai/42892– chúng tôi có tỏ ý tán đồng một giái pháp do bạn đọc đề xuất nhằm trả đũa hữu hiệu với thủ đoạn khiêu khích mới đây của bọn đế quốc cộng sản Tàu cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của chúng để du khách TQ ngang nhiên cầm vào các cửa khẩu nước ta, đó là Nhà nước mua lại bản quyền biểu tượng No-U đang phổ biến rộng rãi trong dân chúng, để dùng biểu tượng đó khắc con dấu và nhất loạt đóng lên những tấm hộ chiếu ngang ngược của bọn chúng, một khi du khách Trung Quốc thò hộ chiếu ra ở bất kỳ cửa khẩu quốc tế nào.
Khi đưa lại đường link bài viết này, BBT trang Ba Sàm có lời bình, cho rằng hình thức đó e có phần “dân dã”. Nhưng các bạn BT trang BS không biết đấy thôi, rất nhiều hiện tượng mà sử sách hiện lưu truyền ban đầu cũng phát sinh từ dân dã rồi về sau mới dần dần chuyển thành chính thống, được giới văn gia bác học thừa nhận – đó vẫn là một quy luật phổ biến xưa nay.
Nhiều thành ngữ tục ngữ dân gian chẳng đã đi vào thơ ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… như những tư tưởng thâm thúy hay sao? Thậm chí có cả những thành ngữ được cô đúc thành biểu tượng hẳn hoi và nhập tịch vào thư khố Triều đình, như “21 Lê Lai 22 Lê Lợi” chẳng hạn. Hay những biểu tượng có thực như Gò Đống Đa, Đá Liễu Thăng, Vết chân ngựa Gióng… cũng là do nhân dân truyền nhau đời này qua đời khác mà nâng lên mức kỳ vĩ đấy chứ!
Chứng tỏ trong nhiều trường hợp, với tấm lòng yêu nước hồn hậu, người dân bình thường vẫn có sự mẫn cảm và tầm nhìn viễn kiến so với rất nhiều các vị quanchấp chính vốn bị vô số những sợi dây trói về quan điểm, về đạo lý – và trong thời buổi hiện tại là về quyền lợi vị kỷ – thít chặt lấy đầu óc khiến họ chẳng còn làm gì nghĩ ngợi được nữa.
Tất nhiên biểu tượng No-U thì khởi đầu là từ trí thức – TS Nguyễn Quang A – nhưng nó đã nhanh chóng vào trong lòng dân và biến thành của dân ngay khi vừa ra đời.
Biểu tượng No-U đã được in trên hàng loạt áo phông dùng cho người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo trong suốt cả mùa hè năm 2011 ở Hà Nội, về sau lại trở thành biểu tượng đặc trưng của hai đội bóng No-U Hà Nội và Sài Gòn. Và cũng biểu tượng ấy còn đi vào nhiều hoạt động từ thiện ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ngay trên một trang mạng chính thống cũng có cả một bài mang tiêu đề No-U mà nội dung gần như hoàn toàn thống nhất với tinh thần của cái hình vẽ biểu trưng đến nay gần như đâu đâu cũng biết: phủ định đường lưỡi bò ngang ngược của bè lũ chính quyền Bắc Kinh hống hách http://www.baomoi.com/NoU/122/6655682.epi).
clip_image002
Trong bài phỏng vấn của phóng viên Thanh Phương đài RFI với TS Nguyễn Nhã như chúng tôi đưa lại dưới đây, khi trao đổi về phương cách đối phó với hành vi của TQ, ông Nguyễn Nhã có phát biểu: “Đối với một nhà nghiên cứu, một công dân, một trong những cách phản đối mang tính ngoại giao, lịch sự đó là in bản đồ lưỡi bò bị gạch bỏ trên mũ, như chúng ta đã in lên áo, để thể hiện thái độ phàn đối hành động của Trung Quốc”. Rõ ràng không hẹn mà gặp, bạn Nguyễn Nhã cũng có cùng một cách nghĩ như chúng tôi.
Đẹp biết bao nhiêu một biểu tượng tượng trưng cho tinh thần yêu nước thời đại chúng ta, vừa xuất hiện đã lan rộng trong dân chúng. Chắc chắn No-U sẽ sống lâu dài như một biểu tượng quật cường của dân tộc Việt trong lịch sử.
BVN

1. Bản đồ “lưỡi bò” bị học giả quốc tế phản bác ngày càng mạnh

Thanh Phương
clip_image004
Hộ chiếu mới của TQ gây tranh cãi. Reuters
Theo chiều hướng áp đặt chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, Trung Quốc vừa tiến thêm một bước với việc phát hành một hộ chiếu mới trên đó có in bản đồ của Trung Quốc, đặc biệt có bản đồ đường «lưỡi bò», tức là bản đồ mà Bắc Kinh tự vẽ nên, bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Bản đồ đường lưỡi bò này đang bị các học giả quốc tế phản bác ngày càng mạnh, thể hiện qua cuộc hội thảo quốc tế mới đây tại Sài Gòn.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc đã gây phản ứng mạnh không chỉ từ Chính phủ Việt Nam, mà còn từ Chính phủ Philippines và Đài Loan. Thậm chí Ấn Độ cũng đã lên tiếng phản đối, vì bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc lấn sang cả một phần lãnh thổ của Ấn Độ.
Riêng về phía Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị trong cuộc họp báo ngày 22/11 đã tuyên bố : «Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông».
Ông Lương Thanh Nghị cho biết là đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ bản đồ in trên hộ chiếu nói trên. Phía Ấn Độ đã tỏ thái độ phản đối cụ thể bằng cách đóng dấu bản đồ Ấn Độ lên các tờ thị thực nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc. Việt Nam cũng đã bắt đầu có biện pháp trả đủa tương tự như Ấn Độ.
Theo tiết lộ của tờ Tuổi trẻ, trong số gần 200 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ngày 23/11/2012 tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cơ quan chức năng phía Việt Nam đã đóng dấu hủy bốn hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò, đồng thời bộ đội biên phòng tại cửa khẩu này đã đóng dấu thị thực vào giấy thông hành rời cho người nhập cảnh.
Tờ báo trích lời Trung tá Trần Việt Huynh – Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai – cho biết đến nay họ đã đóng dấu hủy vào 111 hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh cũng đã áp dụng biện pháp chỉ cấp thị thực rời cho người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc ngày 24/11/2012 trong phần tin thời sự có trích dẫn phản ứng của một số du khách Trung Quốc sang Việt Nam đã bị từ chối in dấu thị thực lên hộ chiếu mới. Có người còn nói là nếu cứ tiếp tục như vậy họ sẽ không đến các nước như Việt Nam nữa. Điều đáng nói là theo báo chí chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh đã phát hành hộ chiếu mới có bản đồ đường lưỡi bò từ ngày 15/05/2012, tức là hơn nửa năm nay rồi, vì sao cho đến ngày 22/11/2012, Việt Nam mới chính thức phản đối?
Ngoài Lào Cai và Móng cái, các cửa khẩu quốc tế khác đã có những hành động trả đũa như vậy hay không? Trung Quốc đã phát hành hộ chiếu mới có tính chất áp đặt chủ quyền, mặc dù bản đồ đường lưỡi bò in trên đó đang bị giới học giả phản bác ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua cuộc Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ IV với đề tài “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”, vừa diễn ra tại Sài Gòn trong ba ngày từ 19 đến 21/11/2012. Theo bản thông cáo kết thúc hội thảo, các đại biểu dự hội thảo đã nhất trí rằng “đường lưỡi bò và cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển và đi ngược lại các quy định của pháp luật quốc tế”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, trong cuộc hội thảo đó, các học giả khuyến nghị các bên tranh chấp hợp tác khảo sát các điều kiện tự nhiên và địa lý của các thực thể tại Biển Đông nhằm xác định quy chế pháp lý của các thực thể này theo quy định của Công ước luật biển 1982.
Trên cơ sở khảo sát đó, các bên trong tranh chấp làm rõ phạm vi các yêu sách về chủ quyền và vùng biển tại Biển Đông. Là một trong những học giả tham gia hội thảo nói trên, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một trong những nhà nghiên cứu về Biển Đông hàng đầu ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn RFI:
RFI: Kính thưa Tiến sĩ Nguyễn Nhã, trong những ngày qua, dư luận Việt Nam đã rất phẫn nộ sau khi nghe tin Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới có in bản đồ đường «lưỡi bò». Ông có nhận định thế nào về hành động này của Trung Quốc, cũng như phản ứng của Việt Nam?
TS Nguyễn Nhã: Đó là hành động đang gây bức xức cho nhiều người. Các chính quyền ở cửa khẩu như Lào Cai đã có hành động thể hiện sự phản đối. Ít ra phải làm như thế. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam không sợ đường lưỡi bò. Trong thời đại này, bất cứ một siêu cường nào dù lớn đến đâu cũng không thể sống ngoài pháp luật, bất chấp pháp luật được, bởi vì như vậy làm sao có thể bảo đảm được trật tự thế giới? Nếu có xảy ra chiến tranh lớn thì sẽ không giống như vào thế kỷ XX, bởi vì những vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể hủy diệt cả Trái đất này. Những hành động ngang ngược như vậy không phù hợp với quốc gia cũng như với toàn thể nhân loại.
Theo tôi rất có nhiều việc chúng ta có thể làm được để phản đối hộ chiếu in bản đồ đường lưỡi bò. Chúng ta đã đối đầu với một nước lớn, mà họ ngang ngược như vậy, thì tôi nghĩ rằng là mọi hành xử thì cũng phải thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Đó là sự khôn ngoan của ông cha ta từ trước đến nay.
Nhưng dầu sao hình thức phản đối nào đó cũng là cần thiết. Tôi nghĩ rằng các giới chức có thẩm quyền sẽ nghĩ ra cách nào cho phù hợp nhất trong tình hình hiện nay. Đối với một nhà nghiên cứu, một công dân, một trong những cách phản đối mang tính ngoại giao, lịch sự đó là in bản đồ lưỡi bò bị gạch bỏ trên mũ, như chúng ta đã in lên áo, để thể hiện thái độ phàn đối hành động của Trung Quốc.
RFI: Trong cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh, các học giả đã phản bác bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc như thế nào?
TS Nguyễn Nhã: Việc in hộ chiếu này đã diễn ra trước hội thảo. Trong hội thảo đó, rất nhiều học giả trong khu vực cũng như của các nước lớn, kể cả của Liên hiệp châu Âu đã lên tiếng phản đối bản đồ đường lưỡi bò đó, cho rằng nó không có cơ sở pháp lý quốc tế và lịch sử nào. Tôi thấy chưa bao giờ các học giả nói thẳng thắn như vậy.
Tôi thấy các học giả Trung Quốc tỏ ra rất mềm mỏng. Khi bị chất vấn trong hội thảo cũng như khi bị báo chí đặt câu hỏi sau hội thảo, Giáo sư Tô Hạo cũng đã nói rằng đường lưỡi bò này là «kế thừa lịch sử», tức là Trung Hoa Quốc gia đã đưa ra từ 1947. Trung Quốc rất khó mà trả lời với các cơ sở pháp lý cũng như lịch sử.
Nói «kế thừa lịch sử», mà lịch sử đó cũng chỉ là từ 1947! Ngay từ năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông bắt đầu có những hành động tranh chấp chủ quyền, nói đó là đất «vô chủ». Nhưng hồi đó, Việt Nam còn bị Pháp đô hộ, tức là mất quyền ngoại giao, nhưng sự thật lịch sử cho thấy là cả thế kỷ XIX và sau này, Việt Nam đã luôn có sự chiếm hữu thật sự và hòa bình liên tục tại Hoàng Sa rồi. Như vậy, bản đồ đường lưỡi bò chiếm đến 90% Biển Đông về mặt quyền lịch sử cũng đã không có cơ sở gì, chứ đừng nói gì đến pháp lý.
Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 chưa có bao giờ quy định nội thủy lớn như thế và Trung Quốc cũng không có cách nào giải thích được mà chỉ nói là không thừa nhận về mặt pháp lý quốc tế thôi, trong khi Trung Quốc đã ký vào Công ước 1982. Tôi cũng đã có phát biểu rằng vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông rất quan trọng.
Vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi Trung Quốc lời nói đi đôi với việc làm. Muốn có quan hệ hữu hảo thì phải có những việc làm hợp lý.
RFI: Ngoài việc tổ chức các hội thảo như trên, chúng ta nên tiếp tục vận động quốc tế như thế nào để có sự hậu thuẫn mạnh mẽ khi vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông được đưa ra trước một cơ chế trọng tài quốc tế?
TS Nguyễn Nhã: Trong vấn đề Biển Đông, các nước khác nói là họ không quan tâm đến tranh chấp chủ quyền, mà chỉ quan tâm đến quyền lợi ở Biển Đông. Dĩ nhiên là lợi ích cốt lõi của mỗi nước có khác nhau. Nhưng khi Trung Quốc đăng ký đường lưỡi bò đó, thì nó liên quan đến vấn đề lịch sử chủ quyền. Cho nên, trong hội thảo quốc tế lần trước, tôi đã có đề nghị là phải làm rõ sự thật lịch sử chủ quyền biển đảo, tức là tổ chức các hội thảo để san bằng sự khác biệt quan điểm về lịch sử chủ quyền Biển Đông.
Phía Trung Quốc cũng đã nói sẵn sàng tham gia những hội thảo như vậy, nhưng tôi chưa thấy chuyện ấy xảy ra.
Có rất nhiều hội thảo, diễn đàn để trình bày những công trình nghiên cứu khoa học của các học giả, để hiễu rõ sự thật lịch sử như thế nào. Tôi nghĩ rằng phải giải quyết việc đó, rồi từ đó mới có thể giải quyết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Ở Việt Nam, đã đến lúc phải quảng bá rộng rãi những chứng cứ mang tính Nhà nước: các văn bản của Nhà nước từ chính quyền trung ương đến địa phương chứng minh sự chiếm hữu thật sự Hoàng Sa – Trường Sa một cách hoà bình và liên tục. Quảng bá rộng rãi như thế thì khi mà có đưa vấn đề ra trước Tòa án quốc tế, thì chúng ta đã sẵn sàng. Có điều để đưa vấn đề ra trước Tòa án quốc tế thì cả hai bên đều phải đồng ý.
Trong một luận án Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, tác giả người Trung Hoa Đài Loan đã nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra trước Tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền cả, bởi vì họ chẳng có cơ sở nào. Nhưng chúng ta có Công ước về Luật Biển mà Việt Nam và Trung Quốc đều ký kết. Nếu Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền, nhất là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta có thể dựa trên Công ước đó để đưa vấn đề ra Tòa án Luật Biển.
Trong buổi nói chuyện vừa qua tại Đại học Havard, Giáo sư Tạ Văn Tài cũng đã nói rằng là chúng ta có thể đơn phương đưa ra Tòa án Luật Biển, vì nó có những điều khoản có tính chất ràng buộc. Nhưng cũng phải cân nhắc kỹ, vì mỗi lần đưa như vậy, ít ra ta cũng phải mất 10 triệu đôla tiền thủ tục. Cho nên đấu tranh (cho chủ quyền) là một việc rất phức tạp, cần sự khôn ngoan của mỗi người, từ chính quyền đến người dân.
RFI: xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã.
T.P.
Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Không đóng dấu nhập ‘hộ chiếu lưỡi bò’

clip_image005
Hình lưỡi bò trên các trang số 8, 24 và 46 của hộ chiếu Trung Quốc
Đã khoảng nửa tháng nay, lực lượng biên phòng cửa khẩu ở Lạng Sơn không đóng dấu chứng thực nhập cảnh cho công dân Trung Quốc vào hộ chiếu, nếu họ sử dụng loại mới có in hình đường ‘lưỡi bò’.
Đại tá Ngô Văn Vũ, Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn, nói với BBC hôm thứ Hai 26/11 rằng “đây là chỉ thị từ trên và được thực hiện nhất quán”.
Đường ‘lưỡi bò’, hay đường chín đoạn, thề hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại phần lớn Biển Đông. Hình ảnh này được in mờ trên các trang số 8, 24 và 46 trong hộ chiếu điện tử mà Trung Quốc bắt đầu cấp cho công dân của họ từ tháng 5/2012.
Ông Vũ cũng cho hay, trong các trường hợp vì lý do nào đó, thị thực Việt Nam đã được cấp trên trang hộ chiếu Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò, “cán bộ xuất nhập cảnh sẽ đóng dấu hủy trên thị thực đó và cấp thị thực rời”.
“Cho tới nay, chúng tôi chưa thấy phản ứng gì từ phía khách nhập cảnh Trung Quốc, nhưng cũng cần theo dõi tiếp”, Đại tá Ngô Văn Vũ nói.
Con số người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử loại mới có hình ảnh gây tranh cãi chưa nhiều.
Theo báo Tuổi trẻ, tại cửa khẩu Lào Cai, cho tới nay cơ quan chức năng đã đóng dấu ‘Hủy’ lên hơn 110 hộ chiếu của công dân Trung Quốc.
Vẫn cho nhập cảnh
Tuy nhiên, không có quy định nào cấm nhập cảnh đối với người sử dụng loại hộ chiếu có đường ‘lưỡi bò’.
Thay vì cấp visa thằng vào trong hộ chiếu, mà có thể gây quan ngại rằng hành động này thể hiện một sự đồng tình hay công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cơ quan xuất nhập cảnh có thể sử dụng tờ khai xin thị thực rời và đóng dấu xuất nhập cảnh vào tờ rời này.
Việc cấp thị thực rời cũng là hình thức được một số quốc gia từng sử dụng.
Thí dụ, vì Mỹ còn cấm vận Cuba nên khách Mỹ khi vào đảo quốc này có thể nhận thị thực rời chứ không có visa Cuba in trên hộ chiếu.
Quyết định cấp hộ chiếu gắn chip điện tử với nhiều hình vẽ gây tranh cãi của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia có tranh chấp chủ quyền với nước này tức giận.
Ngoài đường ‘lưỡi bò’ khiến Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối, hộ chiếu điện tử này cũng có bản đồ thể hiện vùng tranh chấp với Ấn Độ là lãnh thổ Trung Quốc.
Ấn Độ đã trả đũa bằng cách in bản đồ yêu sách của mình trong thị thực nhập cảnh cho người Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng nào về các tranh cãi quanh loại hộ chiếu mới, ngoại trừ việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nói hộ chiếu điện tử này “không nhằm vào quốc gia nào”.
Nguồn: bbc.co.uk
Được đăng bởi bauxitevn

Thêm 3 người Tây Tạng tự thiêu

“Chúng tôi tuyên bố chủ quyền tất cả”

Trong khi thế giới căng thẳng nhìn đến Triều Tiên thì thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và thủ tướng Bắc Kinh Ôn Gia Bảo gặp nhau ở New-Delhi vào cuối năm 2010. Ông Ôn mảnh khảnh với ngón trỏ giơ lên và Singh cao lớn với chiếc khăn quấn đầu màu xanh của một người theo đạo Sikh dường như thông hiểu nhau tốt. Hai nước thỏa thuận những cuộc kinh doanh hơn 16 tỉ dollar. Thương mại song phương cần phải tăng từ 60 lên 100 tỉ dollar cho tới năm 2015.
Thế nhưng sự nghi ngờ đang cháy âm ỉ ở phía sau cảnh thân thiện này. “Người Trung Quốc và người Ấn Độ không thích nhau”, Mohan Guruswamy nói, khoa học gia và là cố vấn kinh tế ở New-Delhi. Hai gã châu Á khổng lồ có rất nhiều thứ để đấu tranh với nhau. Họ có gần 3400 kilômét đường biên giới chung, thường là những địa hình khó đi lại trong Himalaja, và cãi nhau, Ấn Độ bắt đầu ở đâu và Trung Quốc chấm dứt ở đâu.
Người Ấn Độ già còn nhớ lại những trận đánh của năm 1962, khi lính Trung Quốc tiến vào Ấn Độ, cho tới khi cuối cùng họ lại bất ngờ lui về lãnh thổ của họ. Bắc Kinh đã biểu lộ quan điểm của họ bằng một cách đẫm máu, một cuộc chiến kéo dài hẳn sẽ tiêu hao quá nhiều lính. Tròn 2000 người lính đã chết. Trong giới công khai Trung Quốc, những sự kiện lịch sử như vậy ít được biết đến. Trong trường học, trẻ em học rằng đất nước của các em luôn luôn là nạn nhân, nhưng chưa từng bao giờ là kẻ xâm lược cả.
Có yên tịnh kể từ lúc đấy, ít nhất là ở mặt ngoài. Người ta tìm được thỏa hiệp: Tây Tạng thuộc Trung Quốc, người Ấn Độ thừa nhận, bang Sikkim thuộc Ấn, người Trung Quốc tuyên bố. Tuy vậy, vẫn còn bị tranh cãi là bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, to khoảng như nước Áo và có tròn 1,4 triệu người sống ở đó.
Nhiều người Ấn không thể nào quên được lần xuất hiện trên truyền hình của viên đại sứ của Bắc Kinh ở New-Delhi trong năm 2006, Sun Yuxi, người với sự thẳng thắn cực độ đã tuyên bố rằng: “Quan điểm của chúng tôi là toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc … Chúng tôi tuyên bố chủ quyền tất cả. Đó là lập trường của chúng tôi.”[1]
Trên thực tế thì tình trạng không rõ ràng như thế. Người Ấn Độ và người Trung Quốc phải đối phó vói di sản của lịch sử. Vùng núi hoang vắng này ngày xưa nằm dưới quyền của Tây Tạng, về mặt tôn giáo, nó nằm dưới sự ảnh hưởng của nhóm Nón Vàng – phái Phật giáo mà người đứng đầu nó là Đạt lại Lạt ma.
Năm 1914, sau một chiến dịch của người Anh, người Tây Tạng đã giao vùng đất của họ về cho người Âu, những người là thế lực thuộc địa đang thống trị Ấn Độ lúc bấy giờ. Họ ấn định đường McMahon, được gọi theo thống đốc Anh lúc bấy giờ, là đường biên giới giữa Ấn thuộc Anh và Tây Tạng – và con đường độc đoán đấy trên đỉnh của Himalaja là biên giới mà vẫn còn mang lại rắc rối cho tới ngày nay.
Sau khi Ấn Độ độc lập năm 1947, nước này tuyên bố Arunachal Pradesh là một tiểu bang của quốc gia, tất nhiên là một tiều bang đặc biệt. Người nước ngoài cũng như bản xứ phải có giấy phép đặc biệt nếu như họ muốn đến thăm vùng đấy này.
Quan điểm của Trung Quốc đơn giản: Arunachal Pradesh ngày xưa thuộc Tây Tạng, Tây Tạng luôn luôn thuộc Trung Quốc, được Quân đội Giải phóng Nhân dân “giải phóng” năm 1951, từ đấy, “đất nước của băng tuyết” lại càng thuộc Trung Quốc, tức là cả Arunachal Pradesh. Chấm hết. Năm 2010, giới quân đội Ấn Độ tường thuật về những hoạt động kỳ lạ ở bên phía Trung Quốc. Lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân thâm nhập vào lãnh thổ của Ấn Độ, xây đường sá, dựng cứ điểm – và lặng lẽ kiểm soát ngày một nhiều đất đai hơn.
Năm 2009 đã có 270 vụ vi phạm biên giới và 2300 vụ khiêu khích ở Ladakh và Arunachal Pradesh bởi người Trung Quốc, Brahma Chellaney nói, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở New-Delhi. Trong tháng 12 năm 2010, quân lính đã thâm nhập vào vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý và đe dọa công nhân xây dựng tại một trạm buýt.[2] Biên giới ở Himalaja thời gian gần đây đã “nóng hơn”, Chellaney cảnh báo. Tương ứng như thế, nhiều người trong giới quân đội Ấn Độ nhìn Trung Quốc ngày nay như là một mối nguy hiểm còn lớn hơn cả kẻ thù không đội trời chung Pakistan nữa.[3]

Viễn tưởng của một người lính già

Dipankar Banerjee nguyên là trung tướng của quân đội Ấn Độ, một người lính bộ binh, một cựu chiến binh từng trải. “Tôi tham gia gần hết các cuộc chiến”, ông ấy kể cho tôi nghe. Ông ấy trước hết là có ý muốn nói đến những lần xung đột vì vùng Kashmir bị tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong những năm chín mươi, ông chỉ huy quân đội Ấn Độ ở đó.
Ngày nay, Banerjee làm việc vì hòa bình. Ông ấy lãnh đạo “Viện nghiên cứu vì hòa bình và xung đột” ở New-Delhi và cố gắng nhìn vào tương lai. Người đàn ông già thân thiện đó là khách mời ở nhiều hội nghị quốc tế. Phòng làm việc của ông ấy ở tầng hầm không có cửa sổ, trên tường treo một bức thư pháp tiếng Trung, một nhân viên mang nước uống vào.
Ông ấy lo lắng cho biên giới Trung-Ấn ít hơn là cho một vùng đất khác: Afghanistan và Pakistan. Ở đấy, ông ấy lo ngại, có thể xảy ra nhiều việc. “Người Mỹ và NATO sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan bắt đầu từ 2014″, ông ấy nói. “Và một kịch bản có nhiều khả năng là Afghanistan lại tan rã ra thành những vùng đất bộ tộc.”
Hậu quả có thể: người Pashtun ở Afghanistan sẽ thống nhất với người Pashtun ở Pakistan, ở đấy, họ có thể chiếm tỉnh Khyber Pakthunkwah. Qua đó, biên giới Pakistan sẽ bị đe dọa và cường quốc nguyên tử trước sau gì cũng đang ở trong cuộc khủng hoảng sẽ lại càng bất ổn định hơn. “Điều đấy có hậu quả đến toàn thế giới, người tỵ nạn có thể đi đến cả châu Âu”, Banerjee nói.

Những hòn đảo bị tranh cãi

Trở về hiện tại, đến một điểm có thể là điểm nóng thực sự. Từ Nam Á, con đường dẫn về phía Đông đến đảo Hải Nam của Trung Quốc, từ những người Pashtun đến một lão ngư dân có tên là Su Chengfen, người đã già đi ở ngay giữa một cuộc xung đột quốc tế. Hôm nay, ông ấynghi ngại nhìn mây và sóng biển. Rồi ông ấy lắc đầu. Không, đoàn tàu sẽ không nhổ neo, biển động, lái những chiếc tàu đánh cá 300 tấn là quá khó khăn: “Ba ngày nữa xem sao.”
Lần đầu tiên Su bước lên một chiếc thuyền đánh cá là vào lúc tuổi 13, trở thành thuyền trưởng bảy năm sau đó. Cảng quê hương của ông ấy là Tanmen, hầu như không ai biết rõ biển Đông như ông ấy. Ông lúc thì quăng lưới của mình ở giữa những hòn đảo Hoàng Sa, lúc thì ở Trường Sa. Trên thế giới, được biết đến tốt hơn như là quần đảo Paracel và Spratly – và chúng là một mối hiểm họa cho sự ổn định của châu Á.
Cách đó vài trăm hải lý về phía Đông, một ngư dân Trung Quốc khác đã quăng lưới của mình vào ngày 8 tháng 9 năm 2010: Zhan Qixiong từ làng Gangfu đánh cá trước quần đảo Điếu Ngư trong biển Hoa Đông. Vùng biển này cũng bị tranh cãi quốc tế; Trung Quốc và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chúng, người Nhật gọi những hòn đảo đấy là Senkaku. Vùng biển này rắc rối, điều đấy thì Zhan biết, nhưng thời gian sau này ở đây lại có nhiều cá hơn, thế là ông ấy đi về hướng đó. Vào cái ngày đấy, ông ấy đã không toan tính đến người Nhật. Thuyền của lực lượng phòng vệ biển cố đẩy ông và đồng nghiệp của ông đi. Còi hú, hiệu lệnh bằng tiếng Nhật và tiếng Hoa vang lên trên mặt nước.
Zhan bình thản thâu mẻ lưới của mình về và cứ để cho cuộc xung đột xảy ra. Bất thình lình, ông ấy tăng tốc, ống khói chiếc “Ninjinyu” của ông ấy nhả khói đen, nó lao đến một chiếc tàu của lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản và đâm vào nó ở phía sau. Rõ ràng là ngư dân này đã nhắm vào bộ phận bánh lái của người Nhật. Ông ấy tìm cách bỏ trốn, lại xảy ra một vụ xô đẩy. Cuối cùng, thủy thủ Nhật bắt giữ Zhan và người của các chiếc tàu khác.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong biển Đông và quần đảo Senkaku ở phía Đông có một điểm chung: phần lớn chúng đều không có người ở và cằn cỗi, nhiều đảo hầu như không có gì hơn ngoài đá tảng và bãi cát, đảo san hô, thường không có nguồn nước, quê hương của chuột và rùa, nóng bức và thường bị biển tràn ngập. Các hòn đảo ở miền Nam thêm vào đó thường là những chướng ngại vật gây bực mình cho thủy thủ và nhiều lắm là chỉ có thể dùng để dựng trạm đo thời tiết.
Đó là về những hòn đảo này:
  • Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi nhau về tổng cộng là tám hòn đảo và một vài núi đá. Chúng nằm tròn 410 kilômét về phía Tây của Okinawa và cách đất liền Trung Quốc 370 kilômét – gộp toàn bộ lại thì chúng có diện tích nhiều nhất là bảy kilômét vuông.
  • Việt Nam và Trung Quốc thù hằn nhau vì quần đảo Hoàng Sa, tổng cộng là 30 đảo. Đảo lớn nhất, đảo Woody, gồm 2,1 kilômét vuông. Năm 1971, lính Trung Quốc xây ở đây một cảng biển, thêm vào sau đó là một phi trường mà máy bay chiến đấu có thể đáp xuống được.
  • Phức tạp hơn là ở quần đảo Trường Sa. Đó bao gồm tròn 150 đảo đá, đảo san hô và trong đó có tổng cộng chỉ năm kilômét vuông là nhô lên khỏi mặt nước. Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines tuyên bố chủ quyền chúng. Đảo nằm gần nước tương ứng nhất cách Philippines 190 km, cách bờ biển Việt Nam 475 km, cách Malaysia tròn 300 km và cách tỉnh cực Nam của nước CHND Trung Quốc, đảo Hải Nam, còn là hơn 1000 km nữa.[4]

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.


[1] Rediff India Abroad, 14.11.2006
[2] Report: Chinese troops cross into Indian territory”, AP, 10.01.2011
[3] “Delhi ist irritiert über Pekings Muskelspiel”, Neue Zürcher Zeitung, 15.12.2010
[4] Scheerer, Raszelenberg: “China, Vietnam und die Gebietsansprüche im Südchinesischen Meer”, Mitteilung des Institus für Asienkunde, Band 350, Hamburg 2002

Biển Đông và cái bẫy hộ chiếu

Trương Nhân Tuấn
gửi tới BBCVietnamese từ Pháp
Cập nhật: 15:35 GMT – thứ ba, 27 tháng 11, 2012
Đường lưỡi bò
Tranh chấp biển Đông ngày càng thêm phức tạp.
Thủ đoạn của Trung Quốc, một mặt dùng kinh tế để chi phối nhằm chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, tạo ý kiến đa số cho phương thức không « quốc tế hóa » tranh chấp biển Đông, cô lập hai nước Việt Nam và Philippines.
Mặt khác, Trung Quốc nỗ lực thực thi quyền hành xử chủ quyền (effectivité) tại các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, cũng như trên vùng biển Đông, với tham vọng tạo ra một thế “đã rồi” về pháp lý cho các nước có tranh chấp trong khu vực.
Những ngày gần đây Trung Quốc tiến thêm một bước như để khẳng định quyền tài phán của mình tại vùng biển Đông bằng cách cho in hình bản đồ chữ U chín đoạn lên hộ chiếu điện tử kiểu mới để cấp cho công dân của họ.
Việc này gây khó xử cho các nước có tranh chấp như Việt Nam hay Philippines. Quyết định cho hay không cho nhưng người mang hộ chiếu này nhập cảnh đều có thể tạo những hậu quả khó đoán về các mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Nguồn gốc thiếu minh bạch

Nguồn gốc của bản đồ chữ U chín đoạn có nhiều điểm không minh bạch.
Trên phương diện hành chính và quốc tế công pháp, tháng 7 năm 2006, Nhà nước Trung Quốc đã công bố trong nước cũng như trước quốc tế bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ sau :Trung Quốc Chính Khu, Trung Quốc Địa Thế, Trung Quốc Thủy Hệ và Trung Quốc Giao Thông.
Việc công bố này nhằm giới thiệu cho các nước trên thế giới địa lý nhân văn, địa lý kinh tế cũng như các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc.
Bản đồ Trung Quốc Chính Khu bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín đoạn hình chữ U. Bản đồ này cũng không quên bao gồm Đài Loan, Tây Tạng cũng như các vùng có tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc.
Sau khi bộ bản đồ công bố, hầu hết các tấm bản đồ do Trung Quốc xuất bản đều có vẽ đường chín đoạn hình chữ U, với ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Và cũng kể từ đó phía Trung Quốc đơn phương mở mặt trận truyền thông để tuyên truyền ra quốc tế về chủ quyền của của họ tại biển Đông.
Trong các lớp dạy Hoa ngữ của các trường trung học hay đại học tại các nước Châu Âu, bản đồ Trung Quốc Chính Khu luôn được các giáo sư người Hoa treo trong các lớp học.
Hộ chiếu điện tử Trung QuốcTrung Quốc cấp hàng triệu hộ chiếu điện tử mới
Các tài liệu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc đều có hình bản đồ Trung Quốc Chính Khu.
Gần đây, tạp chí National Geographic Hoa Kỳ đã bị thuyết phục, ghi chú trên các bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Các tạp chí khoa học lừng danh quốc tế như Nature, Science… đã công bố bài của học giả Trung Quốc có đính kèm tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu mặc dầu các tấm bản đồ này không liên quan gì đến chủ đề nghiên cứu…
Các sự việc này đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các học giả VN và các tạp chí quốc tế liên hệ.
Rốt cục tính hợp lý của khoa học được thiết lập vì một tạp chí khoa học, hay một cơ quan địa dư quốc tế, không thể đăng các dữ kiện nặng về tuyên truyền, hay các dữ kiện khoa học không kiểm chứng.
Nhưng hình như dư luận quốc tế chỉ biết đến tấm bản đồ chín đoạn chữ U của Trung Quốc qua công hàm phản đối các hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia tháng 5 năm 2009.

Khía cạnh pháp lý của tấm bản đồ trong hộ chiếu

Việc cho in hình bản đồ Trung Quốc Chính Khu trên hộ chiếu điện tử cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền, nhưng tầm lợi hại của nó về mặt pháp lý không thể xem thường.
Tin cho rằng quyết định in hình bản đồ này là do lãnh đạo cấp bộ đưa ra, chứ “không phải từ cấp lãnh đạo cao nhất”.
Trên quan điểm quốc tế công pháp, các bộ Nội Vụ (hay bộ Công An), bộ Ngoại giao là cơ quan có đủ thẩm quyền về các vấn đề thuộc về chiếu khán và kiều dân.
Sẽ là không hợp cách nếu nhận định trên có ý nghĩa: vì hộ chiếu này do cấp bộ đưa ra (chứ không phải do lãnh đạo cấp cao) nên không có giá trị pháp lý.
“Chủ ý các việc tạo căng thẳng của Trung Quốc trong những năm tháng gần đây là tạo một ấn tượng có tranh chấp ở một vùng không tranh chấp, như bãi Tư Chính của Việt Nam.”
Điều cần phải xem xét là hình thức của tấm bản đồ in trên hộ chiếu của Trung Quốc có được xem như là một “tuyên bố đơn phương” về lãnh thổ của nước này hay không?
Nếu các nước khác đóng dấu cho nhập cảnh một cách bình thường như không có việc gì xảy ra đối với các công dân Trung Quốc mang hộ chiếu này, có thể suy diễn rằng các nước đó mặc nhiên chấp nhận “tuyên bố đơn phương” này hay không ?
Phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao gởi công hàm phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc thâu hồi các hộ chiếu mới.
Phản ứng của phía Ấn Độ thì dữ dội “ăn miếng trả miếng”, cho đóng dấu in hình bản đồ Ấn Độ lên các tấm hộ chiếu này, trong đó các vùng tranh chấp thì thuộc về Ấn Độ.
Mới đây, tin tức trong nước cho biết, các đồn công an biên phòng Việt Nam tại Lào Cai và Móng Cái đóng dấu “hủy” lên các hộ chiếu này.
Trên phương diện công pháp quốc tế, nếu hành vi này đến từ quyết định cá nhân của các viên chức địa phương thì sẽ không có giá trị pháp lý.
Nhưng các hành động đơn phương của cá nhân có thể đưa đến các trục trặc ngoại giao hay các phản ứng trả đũa về kinh tế, chính trị, thậm chí xung đột quân sự mà phía Việt Nam không có phương cách hữu hiệu chống trả lại.
Tuy vậy, các hành vi thể hiện việc hành xử quyền chủ quyền của Trung Quốc có thể nhắm đến hai điều :1/ chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho một phiên tòa (hay trọng tài) phân xử trong tương lai và 2/ tạo một cái bẫy đển các nước liên quan (Việt Nam và Philippines) nhìn nhận có tranh chấp tại các khu vực không có tranh chấp.
Điểm 1, trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, hành vi hành xử chủ quyền của quốc gia luôn là một bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh quốc gia này có chủ quyền tại vùng lãnh thổ đó.
Trong vụ án xử tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về chủ quyền đảo Pedra Branca, Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008 là một bản án mẫu để so sánh giá trị pháp lý của “danh nghĩa chủ quyền lịch sử” với “hành vi hành xử chủ quyền” tại một vùng lãnh thổ.
Malaysia đã chứng minh, và được Tòa nhìn nhận, là nước này có danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại các đảo tranh chấp.
Nhưng yếu tố khiến Malaysia bị mất chủ quyền lịch sử là trong một thời gian dài, nước này và các quốc gia tiền nhiệm đã im lặng trước những hành vi thể hiện quyền tài phán của Singapore tại đảo tranh chấp.
Mặt khác, tấm “công hàm” viết năm 1953 của Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời của Vương quốc Johor (nhà nước tiền nhiệm của Malaysia) đã phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca.
Tòa quyết định Singapore tạo được danh nghĩa chủ quyền tại đảo Pedra Branca do việc chiếm hữu hòa bình và lâu dài trên lãnh thổ này (effectivité) cũng như thái độ đồng thuận (acquiescement) của Malaysia.

Biến không tranh chấp thành tranh chấp

Bản đồ đường lưỡi bò trong hộ chiếu Trung Quốc
Điểm hai, phía Trung Quốc có lẽ tạo ra một hỏa mù chung quanh ý nghĩa của tấm bản đồ chữ U chín gạch để biến có tranh chấp một vùng biển không tranh chấp.
Hiện nay, tùy thời kỳ và tùy lúc, phía Trung Quốc đã viện các lý lẽ như sau để chứng minh quyền chủ quyền của họ : 1/ Vùng biển giới hạn bởi bản đồ chữ U là vùng “biển lịch sử”, 2/ Trung Quốc có chủ quyền với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng nước xung quanh, và 3/ Trung Quốc có “quyền lịch sử” trong vùng biển giới hạn vẽ trên tấm bản đồ.
Về giá trị pháp lý, theo tập quán quốc tế, các bản đồ, như bản đồ chữ U chín đoạn, tự nó không có giá trị pháp lý.
Vụ tranh chấp Burkina-Faso–Mali được đưa ra Tòa CIJ ngày 22-12-1986, Tòa cho rằng trong vấn đề phân định biên giới hay tranh chấp lãnh thổ quốc tế, các tấm bản đồ chỉ đơn giản là các dữ kiện, với ít nhiều chính xác tùy theo trường hợp.
Chúng không bao giờ, chỉ qua chúng và bằng sự hiện hữu của chúng, mà tạo ra một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ, tức là một tài liệu theo đó Công pháp quốc tế ban cho một giá trị pháp lý tự tại nhằm để thiết lập những quyền hạn về lãnh thổ .
Vì vậy tranh luận về giá trị bản đồ với Trung Quốc là sai lầm.
Nhưng ta không thể loại bỏ trường hợp, nếu một tấm bản đồ vẽ sai, nhưng đã được in đi in lại nhiều lần, kể cả do bên liên quan in ra, thì nó có thể được xem như là sự đồng thuận (acquiescement) của bên liên quan kia về nội dung của tấm bản đồ đó.
Vụ xử của CIJ về tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear cho ta kinh nghiệm này.
Chủ ý của hộ chiếu cũng nhắm vào việc này.
Yếu tố 1, vùng “biển lịch sử”, phía Trung Quốc không thuyết phục được vì luật quốc tế không có qui định về “biển lịch sử”.
Yếu tố 2, phía Trung Quốc cần chứng minh các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà việc này không dễ dàng vì phải đối phó với hồ sơ vững chắc của phía Việt Nam. Ngoài ra còn phải thuyết phục các nước trong khu vực về hiệu quả 200 hải lý ZEE dành cho các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.
“Đến nay người viết bài này vẫn không hiểu lý do nào, lãnh đạo Việt Nam, cũng như các học giả Việt Nam, lại cho rằng có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa?”
Yếu tố 3, hiện nay Trung Quốc viện vào “quyền lịch sử” để đòi chủ quyền vùng Biển Đông và các đảo Điếu Ngư nhưng công pháp quốc tế không nhìn nhận “quyền lịch sử”.
Vì vậy chủ ý các việc tạo căng thẳng của Trung Quốc trong những năm tháng gần đây là tạo một ấn tượng có tranh chấp ở một vùng không tranh chấp, như bãi Tư Chính của Việt Nam.
Vụ xử tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về khu vực Rann Of Kutch cho ta thấy lợi hại của lập trường các phía về vùng tranh chấp. Phía Ấn cho rằng không hề có tranh chấp ở khu vực Rann Of Kutch, trong khi phía Pakistan đòi phân nửa vùng này. Kết quả phân xử, Ấn được 90% vùng tranh chấp.
Phía Ấn có đầy đủ hồ sơ chứng minh chủ quyền, nhưng nếu hồ sơ nước này khai rằng có tranh chấp ở vùng Rann Of Kutch thì kết quả sẽ chưa chắc là như vậy.
Các kế sách Tôn Tử, Ngô Tử… cho thấy nghệ thuật dùng mưu của người Hoa. Nhiều lãnh đạo (trước kia) và học giả (hiện nay) của Việt Nam đã sụp vào bẫy này.
Đến nay người viết bài này vẫn không hiểu lý do nào, lãnh đạo Việt Nam, cũng như các học giả Việt Nam, lại cho rằng có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa?
Học giả Việt Nam muốn chia đôi với Trung Quốc khu vực này thì tiếp tục tuyên bố như vậy. Trung Quốc sẽ rất mang ơn.
Bài phản ánh quan điểm và cách hành văn của người viết, tác giả cuốn “Biên giới Việt-Trung 1885-2000: Lịch sử thành hình và những tranh chấp” (2005). Hiện ông Trương Nhân Tuấn đang sinh sống và làm việc tại một tỉnh miền nam nước Pháp.

Chi 1 đô mua doanh nghiệp nợ… triệu đô

AlanPhan

November 27, 2012 By
Từ lạ đến… sốc, khi cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện bên bán cũng như bên mua không có khả năng thanh toán tổng số nợ lên đến 1.300 tỉ đồng.
     Thương vụ mua bán một doanh nghiệp vốn thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam với giá chỉ 1USD tại Hải Phòng là hiện tượng xưa nay chưa có.
    3 tháng trước, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an bắt giam Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP công nghiệp – thương mại Thái Sơn Phạm Văn Thụ với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.Theo Phó Chủ tịchthường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp, trước lúc vào trại, ông Thụ đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong tất cả các Cty “mẹ” và “con” của mình cho một DN mới thành lập ở TPHCM là Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa. Vẫn biết, cơ chế thị trường cho phép cácdoanh nghiệpmua, bán nợ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng thương vụ nói trên là hiện tượng lạ.
Tại Hải Phòng, đây là trường hợp đầu tiên công bố mua – bándoanh nghiệpvới mức giá tượng trưng chỉ 20.000 đồng (tương đương 1USD). Nhưng, từ lạ đến… sốc, khi cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện bên bán cũng như bên mua không có khả năng thanh toán tổng số nợ lên đến 1.300 tỉ đồng.

Vụ mua bán doanh nghiệp chỉ 1USD:
Bài 1: Mua bán trước giờ vỡ nợ

Cùng bị bắt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có Phạm Hải Thanh – nguyênTổng Giám đốc Cty CP CN-TM Thái Sơn (viết tắt là Cty Thái Sơn),Giám đốc Cty TNHH thép Minh Thanh và Dương Hoàng Sơn – nguyên TổngGiám đốc Cty TNHH MTV sắt thép Thanh Sơn. Đây thực sự là cú sốc đối với người dân đất cảng; bởi lẽ năm 2011 Cty Thái Sơn làdoanh nghiệpxuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng, có tên trong danh sách 500doanh nghiệptư nhân lớn nhất Việt Nam.

Nợ chồng lên… nợ
Ngày 8.8.2012, ông Phạm Văn Thụ – Chủ tịch kiêmTổng GiámđốcCty Thái Sơn (trụ sở tại xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) – cùng con trai là Phạm Hải Thanh và cộng sự đắc lực là Nguyễn Hoàng Sơn đã bị bắt tạm giam do liên quan đến các khoản “nợ xấu” hơn 1.300 tỉ đồng.
Giới kinh doanh tại Hải Phòng biết rõ ông Phạm Văn Thụ đã thu bộn bạc nhờ kinh doanh phế liệu từ việc phá dỡ tàu cũ, rồi sau đó chuyển sang buôn bán sắt thép.
Nhưng đến năm 2008, tại thời điểm giá sắt thép trên thị trường giảm gần một nửa, Cty Thái Sơn đã nhập về lượng lớn sắt thép dẫn đến thua lỗ gần 250 tỉ đồng, cộng thêm việc đầu tư xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển ở xã Lê Thiện, huyện An Dương; đó là chưa kể khoản tiền bị “đóng băng” do dự án đóng mới 3 con tàu chở hàng trọng tải 7.200 tấn cho Cty cho thuê tài chính II chỉ giải ngân được 85% trong tổng số 110 tỉ đồng…
Khoảng 2 – 3 năm tiếp theo, hàng tồn vẫn không bán được mà lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, Cty Thái Sơn lâm cảnh “nợ chồng lên nợ”. Tính đến cuối tháng 2.2012, Chủ tịch Cty Thái Sơn Phạm Văn Thụ nợ 12 ngân hàng và 1 Cty tài chính tổng số tiền 725 tỉ. Theo nhận định của các chủ nợ, tất cả khoản vay nói trên đến nay đã quá hạn và mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Cty Thái Sơn còn nợ 7 doanh nghiệp khác không dưới 180 tỉ đồng. Riêng Cty TNHH thép Minh Thanh ở TPHCM của con trai ông Thụ nợ 380 tỉ đồng…
Và, điều cần lưu ý là mặc dù hàng tồn kho “ngập đầu”, nhưng cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh – đại diện Cty thép Minh Thanh – vẫn xoay xở để được vay tiếp 270 tỉ đồng của Chi nhánhNgân hàng Đông Á tại TPHCM để mua thêm 12.000 tấn sắt thép.
Ngay sau đó, Phạm Hải Thanh bán toàn bộ số thép vừa mua cho Cty Thái Sơn của cha ruột, để rồi ông Phạm Văn Thụ lại dùng số hàng mua bằng vốn vay đi thế chấp vay vốn của nhiều ngân hàng khác.
Trong thực tế, cácdoanh nghiệp liên quan đến đường dây mua bán lòng vòng của Cty Thái Sơn đều là “con”, “cháu” của Chủ tịch kiêm Tổng GiámđốcCty Thái Sơn Phạm Văn Thụ.
Chuyển nhượng cổ phần 
Những người trong cuộc hiểu rõ “nợ xấu” như quả bom hẹn giờ, nhưng có lẽ “vụ nổ” Cty Thái Sơn còn lâu mới bị “kích hoạt” nếu không xuất hiện “đối tác” thứ ba – Cty tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa), trụ sở tại nhà riêng của TGĐ Ngô Quốc Hùng – 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh.
Theo Sở KHĐT Hải Phòng, đến cuối tháng 4.2012, Cty Trường Sa và những người sáng lập ra Cty này đã đạt được thỏa thuận “mua” hầu hết cổ phần trong tất cả các Cty của gia đình ông Phạm Văn Thụ.
Việc mua bán các DN có số nợ lớn nêu trên mới được công khai sau khi Sở KHĐT Hải Phòng báo cáo lên UBND TP, đồng thời gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hải Phòng để “tìm hiểu thông tin về hiện tượng khác thường trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp phân tích: “Cơ chế thị trường cho phép các DN mua, bán nợ công khai theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng Cty Trường Sa mới thành lập năm 2011, vốn nhỏ (tổng vốn đăng ký chỉ 4,9 tỉ đồng), năng lực chưa được chứng minh lại đi mua những DN có số nợ rất lớn như Cty Thái Sơn, dẫn tới những nghi ngờ về khả năng tái cơ cấu lại DN là khó thực hiện”.
Trong thực tế, ông Phạm Văn Thụ đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất của Cty Thái Sơn cùng với con dấu cho các “đối tác” mới quản lý, điều hành. Nhưng Cty Trường Sa chỉ chú ý đến mấy chiếc xe Lexus cùng những tài sản có giá trị còn “khai thác” được của Cty Thái Sơn mà không đề cập đến nghĩa vụ trả nợ và cũng chẳng thèm quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông!
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp: “Thâu tómdoanh nghiệptại thời điểm này, người nhận chuyển nhượng được hưởng lợi từ việc mua rẻ doanh nghiệp, đồng thời hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có chính sách dãn nợ, xóa nợ đối với một số khoản tín dụng. Tới đây, Ban chỉ đạo đổi mới DN thuộc UBND TP.Hải Phòng sẽ làm rõ những uẩn khúc trong việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển đổi sở hữu chủ tại các DN không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu người nhận chuyển nhượng cổ phần không thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm các quy định của Luật DN, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm”.
Theo Bảo Chân-Hoàng Hoan
Lao Động
Bản đồ các nơi xảy ra các vụ tự thiêu ở Tây Tạng tính tới ngày 26/11/2012.
26.11.2012 – VOA
Ba người Tây Tạng đã tự thiêu tại miền tây Trung Quốc trong 2 ngày qua, trong khi một cuộc biểu tình của sinh viên phản đối chính phủ Trung Quốc lên án những người tự thiêu ở tỉnh Thanh Hải đã bị cảnh sát đàn áp. Ban Tây Tạng đài VOA cho biết có hai người đàn ông tự thiêu hôm thứ Hai và một ni cô tự thiêu chết hôm Chủ Nhật.
Anh Wangyal, một thanh niên Tây Tạng khoảng 20 tuổi, tự thiêu tại tỉnh Tứ Xuyên. Tin cho hay anh đã hô to những khẩu hiệu kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về, và tự do cho người dân Tây Tạng. Những nguồn tin cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc lập tức có mặt tại hiện trường hôm thứ Hai và mang thi thể cháy đen của anh Wangyal đi nơi khác.
Một thanh niên thứ hai 18 tuổi tên Kunchok Tsering, chết sau khi tự thiêu tại tỉnh Cam Túc. Ni cô Sangay Dolma, thuộc tu viện Sangag Mindrol Dhargeyling chết sau khi tự thiêu ngày hôm trước, trước một văn phòng chính phủ tại tỉnh Thanh Hải.
Trong một diễn biến khác, lực lượng an ninh Trung Quốc hôm thứ Hai đàn áp hàng ngàn sinh viên Tây Tạng biểu tình tại Thanh hải, làm một số người bị thương nặng. Những người biểu tình hô to các khẩu hiệu đòi bình đẳng về ngôn ngữ, tự do và thay đổi lãnh đạo.

Nhân công Trung Quốc, đá lót đường cho tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.  REUTERS/Aly Song/Files
300 triệu nông dân không có ruộng cày lên thành phố lao động là nguồn nhân lực vô tận cho công nghiệp Trung Quốc. Theo những kết quả điều tra còn giới hạn, chỉ riêng tại Quảng Đông, hàng năm có hơn 60.000 nhân công bị tàn phế vì tai nạn lao động. Đằng sau tấm bình phong phép lạ kinh tế là cả một thảm kịch con người bị hy sinh như đá lót đường cho đảng giàu quân mạnh.
Đại hội lần thứ 18 đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào giữa tháng 11 đã vinh danh « lực lượng công nhân là anh hùng » đưa Trung Quốc lên hàng đại cường kinh tế. Tuy nhiên, mỗi năm hàng ngàn anh hùng này nếu không mất mạng thì cũng hy sinh một phần thân thể. Nạn nhân chủ yếu là thành phần nông dân thất nghiệp lưu lạc di cư lên thành phố kiếm sống mà theo ước lượng có thể lên đến 250 triệu hay 300 triệu.
Với đạo quân nhân công rẻ mạt này, giới chủ tại Trung Quốc, được chế độ hậu thuẫn, mặc tình khai thác theo chiều hướng ép lương nhưng tăng giờ. Công đoàn của nhà nước chỉ là hư vị trong khi công đoàn độc lập bị ngăn cấm.
Theo tổ chức bảo vệ người lao động Trung Quốc China Labour Watch đặt trụ sở tại New York, nhiều công xưởng tại Trung Quốc bắt buộc nhân công làm thêm giờ phụ trội gấp năm lần thời gian do luật Trung Quốc quy định. Điều kiện về an toàn lao động tại Trung Quốc không được chú trọng cộng với sự mệt mỏi là những nguyên nhân gây ra tai nạn tại xưởng máy.
Trích dẫn giám đốc bệnh viện Nam Hải, huyện Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Asia News cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận từ 100 đến 200 lao động bị thương mà đến 99% là « dân công », thuật từ chỉ di dân lao động. Một bệnh viên chuyên khoa giải phẫu đã tăng số giường từ 30 lên 660 trong vòng có 7 năm để đối phó với tình trạng tai nạn lao động gian tăng 25% mỗi năm.
Khác với các nước Tây phương, nạn nhân tai nạn lao động được quỹ an sinh xã hội với phần đóng góp của giới chủ xí nghiệp chăm sóc và bảo trợ trọn đời, tại Trung Quốc, « anh hùng lao động » phế nhân bị bỏ rơi như trái chanh đã hết nước. Nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông đã tường thuật nhiều câu chuyện thương tâm. Gần đây nhất là trường hợp một nữ nhân công của một hãng luyện kim. Cô gái bị máy cuốn cụt một tay phải giải phẫu 7 lần. Trong thời gian điều trị và nhiều lần bị hôn mê, nạn nhân không tái ký hợp đồng với chủ thế là công ty chỉ trả một nửa khoản tiền thuốc men, viện phí.
Bộ xã hội Trung Quốc cho biết thống kê được 8,2 triệu phế nhân tai nạn lao động trên toàn quốc. Trong số này có 2,9 triệu được nhà nước trợ giúp tiền thuốc men trong năm 2011. Tuy nhiên, một thành viên của nghiệp đoàn nhà nước tên Hồ Tiểu Ban, cụt ba ngón tay, cho biết chỉ riêng tại khu kỹ nghệ ở Phật Sơn, mỗi năm xảy ra ít nhất 50 ngàn tai nạn nghiêm trọng, cao gấp ba lần thống kê của chính phủ.
Giới công đoàn độc lập tại Hồng Kông cũng nhận định thống kê chính phủ Trung Quốc chỉ tính những trường hợp mà nạn nhân đã tìm được thỏa thuận với chủ. Mặt khác, những xí nghiệp « đen », không giấy phép hoạt động, cũng không bao giờ khai báo tai nạn lao động.
Trung bình mỗi giá một cuộc giải phẫu có thể từ 30.000 nhân dân tệ đến 150.000 tùy theo trường hợp. Tiền bồi thường theo luật lao động quy định có thể lên đến 500.000 nhân dân tệ, tương đương với 60.000 đô la Mỹ. Nhưng cho rằng chi phí bồi thường và cấp dưỡng cho nhân công thương tật quá cao, hầu kết giới chủ nhân tại Trung Quốc đều chọn giải pháp phủi tay.
Phải chăng đây là cái giá mà nhân dân Hoa lục phải trả để đảng Cộng sản Trung Quốc, với những lãnh đạo thuộc loại tỷ phú đô la, thực hiện mục tiêu « cường quốc hải dương » ?

Kon Tum: Tận mục đập thủy điện hơn 200 tỷ vỡ vụn vì… xe ben

(Dân trí) – Chỉ vài tháng nữa là đập thủy điện Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, Đăk Glei, Kon Tum) có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động. Nhưng con đập với kết cấu “tiết kiệm” này đã vỡ tan khi chưa kịp khánh thành.

 >>  “Xe ben đụng vỡ… đập thủy điện!”

Mặc dù đập thủy điện Đăk Mek 3 (dài 80m, cao khoảng 20m) bị đổ sập vào khoảng 17 giờ ngày 22/11 nhưng mãi đến sáng 26/11, thông tin này mới “lọt” ra ngoài. Hậu quả của vụ vỡ đập không chỉ là hàng trăm tỷ đồng bị “trôi” xuống dòng suối Đăk Mek mà còn khiến công nhân Nguyễn Viết Hùng (28 tuổi, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đang lái xe thi công bị bê tông đè thiệt mạng, và một công nhân khác bị thương. Thi thể của anh Hùng mãi đến ngày hôm sau mới được tìm thấy trong tình trạng bầm dập toàn thân.
Tiếp cận hiện trường, theo quan sát của phóng viên, cả phần thượng lưu con đập thủy điện Đăk Mek 3 dài 80m thì có đến 60m bị vỡ hoàn toàn, phần thân đập dày hơn 1,5m được kết cấu bằng những khối bê tông trông bề ngoài chắc chắn nhưng lại bị nứt toác, vỡ vụn. Phía bên trong ruột của bê tông là “lơ thơ” những khung sắt “gầy nhom”, nằm ngổn ngang dưới dòng suối Đăk Mek.
Khi phóng viên có mặt tại hiện trường, cả công trình vắng bóng người. Chỉ còn 2 chiếc máy xúc đang hoạt động ở phía bờ bắc, hiện trường vụ vỡ đập đã được thay đổi khá nhiều.

D
Dù thủy điện bị vỡ vào ngày 22/11 nhưng mãi 4 ngày sau thông tin này mới bị “lọt” ra ngoài
Công trình thủy điện Đăk Mek 3 với tổng công suất 7,5 MW, vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2009 và dự kiến phát điện là đầu năm 2013. Công trình này do Công ty cổ phần thiết kế Nam Việt (có trụ sở chính tại TPHCM) thiết kế. Công ty thi công cơ giới Hồng Phát được chỉ định thi công. Hiện công trình đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng và chưa tích nước đập tràn.

T
Tại hiện trường chỉ còn 2 chiếc máy xúc làm việc
Nói về nguyên nhân đập thủy điện bị vỡ, ông Lê Bá Thanh – Giám đốc Công ty thủy điện Hồng Phát Đăk Mek (chủ đầu tư công trình) – cho biết: Sở dĩ xảy ra sự cố trên là do tường thượng lưu thủy điện bị khối lượng đất, đá lèn vào quá nhanh để đắp đập làm cho tường này phải chịu một lực nén ngang lớn; cùng lúc đó bị xe tải hiệu Dong Feng mang BKS 43C-00890, chở đá lên công trình đắp đập, đã va vào thành tường bê tông thượng lưu làm đập bị gãy vỡ dây chuyền. Hơn 700m3 bê tông đã bị đổ xuống suối Đăk Mek (?!).
“Chúng tôi khẳng định đây chỉ là một vụ tai nạn lao động. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Công ty thủy điện Hồng Phát Đak Mek đã đền bù cho gia đình nạn nhân 50 triệu đồng và đưa thi thể nạn nhân về quê mai táng”, ông Thanh cho biết thêm.
Trước thông tin về vụ việc hy hữu này, ông Đỗ Sum – Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Glei – phân trần: “Từ khi xảy ra vụ việc trên, chúng tôi không hề được báo lại. Đến sáng ngày 26/11 chúng tôi mới nhận được thông tin, có lẽ là sớm hơn các phóng viên chỉ vài giờ. Lãnh đạo huyện đã cử cơ quan chức năng vào hiện trường để kiểm tra, tìm hiểu vụ việc. Theo chúng tôi được biết, công trình đang trong giai đoạn thi công, chưa tích nước nên hậu quả xảy ra không nghiêm trọng”.
Dẫu rất bức xúc trước việc đập thủy điện Đăk Mek 3 chưa kịp khánh thành đã… vỡ vụn, song nhiều người cho rằng đây là một vụ tai nạn “may mắn”. Bởi nếu đập vỡ khi thủy điện đã tích nước và đi vào hoạt động thì không thể lường trước được hậu quả sẽ lớn đến mức nào.
Một số hình ảnh đáng ngạc nhiên về chất lượng đập thủy điện Đăk Mek 3:

Bê tông lơ thơ vài cọng sắt
Bê tông lơ thơ vài cọng sắt
Bê tông lơ thơ vài cọng sắt
Bê tông lơ thơ vài cọng sắt
Thiên Thư
Thiên Thư
Thiên Thư
Thiên Thư
Thiên Thư

Sập thủy điện gây chết người: Làm sai thiết kế?

– Sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek đã làm chết một tài xế và một công nhân khác bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư đã ém thông tin không hề báo cáo với cơ quan chức năng.
Chiều 26/11, phóng viên VietNamNet có mặt tại hiện trường đập thủy điện Đăk Mek 3, thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Không khí làm việc trên công trường bờ đập thủy điện này đã trở nên hiu quạnh hơn so với ngày thường.
Tan hoang đập thủy điện 
Công trình bờ đập lạnh tanh, vắng bóng bóng công nhân. Chỉ còn 2 chiếc máy đào đang hoạt động ở phía bờ bắc. Mảng tường bê tông phía thượng lưu con đập bị đổ sập, nằm chỏng trơ.
Một công nhân làm việc ở công trình cho chúng tôi hay: Sự cố sập bờ đập này làm chết một tài xế và một công nhân khác bị thương. Người chết đã được đưa về quê an táng.

Bờ đập có chiều dài 80m, chiều cao 20m đã bị sập một mặt phía thượng lưu.

Thủy điện Đăk Mek 3 được khởi công xây dựng vào tháng 3/2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2013 với công suất máy 7,5 MW. Công trình được thiết kế bởi Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Nam Việt, đơn vị thi công là Công ty thi công cơ giới Hồng Phát.
Đây là công trình do Công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 200 tỷ đồng.
Vào khoảng 17 giờ 30, ngày 22/11, trong khi thi công chèn đá thân đập thì đột nhiên mảng tường bê tông phía thượng lưu con đập bị đổ sập. Sự cố xảy ra làm anh Nguyễn Viết Hùng (tài xế 28 tuổi, trú tại Đại Lộc, Quảng Nam) bị chôn vùi trong khối bê tông, đất đá và đã tử vong ngay sau đó.
Sự việc xảy ra vào ngày 22/11, nhưng mãi đến ngày 26/11, sau khi xác nạn nhân đã được đưa về quê an táng, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía chủ đầu tư ?

Khoảng 80% mặt bê tông phía thượng lưu bờ đập bị xé toạc.

Theo ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Công ty thủy điện Hồng Phát Đăk Mek: “Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng nhưng chưa tích nước. Nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập là do xe ben va vào làm sập dây chuyền” (!?)
Bờ đập thủy điện có chiều dài 80m, cao 20m, nhưng hiện đã bị sập hoàn toàn đến hơn 60m bê tông phía thượng lưu.
Chiều ngày 26/11, phần lớn hiện trường sự cố đã được đơn vị thi công thu dọn, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn chưa đến kiểm tra.
Vì sao chủ đầu tư “ém” thông tin?
Thủy điện Đăk Mek 3 nằm ở vùng hẻo lánh dưới chân núi Ngọc Linh, cách trung tâm huyện Đăk Glei chừng 40km nên rất ít người biết về thông tin bên trong công trình.
Phải chăng, vì điều này mà chủ đầu tư muốn “ém” thông tin vụ vỡ đập gây chết người?
Ông Thanh cho biết: Chủ đầu tư đã báo cáo các ngành chức năng của huyện về vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Sum, Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Glei thì phải đến sáng ngày 26/11, lãnh đạo huyện mới nhận được thông tin và cử cán bộ cùng các ngành chức năng vào tận hiện trường để kiểm tra, tìm hiểu.

Sau 3 ngày xảy ra vụ tai nạn làm chết người, vụ việc mới được phát hiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, bên trong hai mảng bê tông phía thượng lưu và hạ lưu bờ đập chỉ có một ít đá nhỏ, còn lại phần lớn là đất. Những mảng bê tông dày đến 1m bị gãy đổ, nhưng bên trong không có nhiều cốt thép.
Phải chăng việc thi công công trình bờ đập này chưa đúng với thiết kế?
Hoảng hốt khi thấy cảnh vỡ đập, nhiều người dân xã Đăk Choong lo lắng cho hay: “Phần lớn người dân chúng tôi đều có ruộng nằm dọc theo con suối Đăk Mek. Vào ngày mùa, bà con trong làng đều phải xuống ruộng. Nếu sự cố vỡ đập xảy ra khi thủy điện đã chặn dòng thì hàng trăm người dân đi làm đồng chắc chắn sẽ bị nước nhấn chìm…”!
Chiều 26/11, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Cho đến giờ này chúng tôi vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân vỡ đập. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương đến hiện trường, kiểm tra, tìm hiểu vụ việc.
Tuy vậy, trước đó chủ đầu tư hoàn toàn dấu thông tin, không hề báo cáo chúng tôi khi xảy ra sự việc. Theo tôi được biết, công trình đang giai đoạn thi công, chưa tích nước nên sẽ không gây hậu quả quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh mạng người dân sống trong vùng, cũng như nhân công đang thi công công trình.
Toàn bộ vụ việc sẽ có hướng xử lý sau khi có báo cáo từ chủ đầu tư cũng như đoàn công tác do chúng tôi chỉ đạo tìm hiểu”.
Sự cố bờ đập thủy điện Đăk Mek sập đổ vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, với thực tế đã xảy ra thì nhiều khả năng công trình thủy điện này đang có vấn đề trong khâu thiết kế và thi công.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về sự cố này.
Tiến Thành
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/98569/sap-thuy-dien-gay-chet-nguoi–lam-sai-thiet-ke-.html

19.698 doanh nghiệp Tp.HCM ngừng kinh doanh

VnEconomy

 Trong 10 tháng năm 2012, 19.698 doanh nghiệp làm thủ tục ngưng nghỉ kinh doanh tại Cục Thuế Tp.HCM…

19.698 doanh nghiệp Tp.HCM ngừng kinh doanhTính đến ngày 5/11/2012, 2.275 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, tăng 29% so với cùng kỳ – Ảnh minh họa.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, cả số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể và gửi thông báo tạm dừng kinh doanh đến cơ quan này đều tăng rất cao.
Dẫn con số đến ngày 5/11/2012, báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2013 và kế hoạch 2013 của Sở cho hay, đã có 21.099 doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 173.437,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp giảm 2% và số vốn đăng ký tăng 25%.
Ngoài ra, còn có 29.940 doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (giảm 1% so với cùng kỳ) với tổng vốn bổ sung là 272.781,5 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ). Tính chung, tổng vốn đăng ký thành lập mới và vốn bổ sung là 446.218,7 tỷ đồng, tăng 53,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là cũng đến mốc thời gian này đã có 2.275 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, tăng 29%. Đồng thời có 1.902 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến Sở, tăng 217% (cùng kỳ có 600 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp hiện có trên hệ thống đăng ký quốc gia (đã trừ giải thể) là 184.705 doanh nghiệp.
Cũng theo con số được cơ quan này cung cấp, trong 10 tháng năm 2012, đã có 19.698 doanh nghiệp làm thủ tục ngưng nghỉ kinh doanh tại Cục Thuế thành phố (trong đó có 3.232 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế, 4.984 doanh nghiệp chờ thủ tục khóa mã số thuế, có 5.021 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động).
● Tính đến ngày 5/11/2012, 21.099 doanh nghiệp được thành lập tại Tp.HCM với tổng số vốn đăng ký là 173.437,2 tỷ đồng. ● 2.275 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, tăng 29%.
● 1.902 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2011.
● Trong 10 tháng năm 2012, đã có 19.698 doanh nghiệp làm thủ tục ngưng nghỉ kinh doanh tại Cục Thuế Tp.HCM.
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM
Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cũng nêu con số ước đến hết năm 2012, có 25.318 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 208.124,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp giảm 1% và số vốn đăng ký tăng 11%. Số doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là 35.928 doanh nghiệp (giảm 2% so với cùng kỳ) với tổng vốn bổ sung là 276.730,8 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ).
Nằm trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, báo cáo nêu rõ giải pháp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư thông thoáng hơn để thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư và những ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển thành phố. Tổ chức giao lưu trực tuyến thường kỳ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hãng đóng tàu TQ bắt đầu dự án tại ‘Tam Sa’

 Vietnamnet

Tờ Nhật báo Trung Quốc hôm nay dẫn lời quan chức địa phương cho hay, một tập đoàn đóng tàu lớn của Trung Quốc sẽ bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài nguyên nước ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cái gọi là “thành phố Tam Sa” cách đất liền Trung Quốc tới 350km nằm trên đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Global Balita


Theo báo này thì chính quyền ‘Tam Sa” hôm thứ hai đã ký các thỏa thuận hợp tác trọn gói với tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc – một tập đoàn nhà nước tham gia hoạt động sản xuất và nghiên cứu khoa học trong một số ngành công nghiệp hàng hải.
Chi tiết của các thỏa thuận không được nói rõ, nhưng theo quan chức địa phương Trung Quốc, đó sẽ là nổ lực thúc đẩy hợp tác trong các dự án chủ chốt về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài nguyên nước.
Tờ Nhật báo dẫn lời các quan chức Trung Quốc mạnh miệng khẳng định rằng, mục tiêu của các thỏa thuận là “nhằm bảo vệ chủ quyền và phục vụ chiến lược sức mạnh hàng hải của đất nước”.
Trước đó, ngày 23/11, nhà xuất bản Bản đồ Tinh Cầu của Trung Quốc cho biết bản đồ của cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam đã được biên tập để xuất bản.
Cái gọi là “thành phố Tam Sa” (đơn vị hành chính bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
Phía Trung Quốc rêu rao rằng đây là bản đồ chuyên đề đầu tiên ghi tường tận vị trí địa lý của “Tam Sa” và địa mạo các đảo Nam Hải của Trung Quốc, do Cục Định vị, đo đạc và bản đồ Ban tác chiến Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc xét duyệt.
Thái An (tổng hợp)

TRUNG QUỐC: NGƯỜI TỐ CÁO SỮA NHIỄM ĐỘC MELAMINE ĐÃ BỊ GIẾT HẠI

Tâm Sự Y Giáo

Jiang  Weisuo, 44 tuổi, người đầu tiên tố cáo đến các cơ quan chức năng vụ bê bối sữa nhiễm độc melamine đã bị những đàn ông lạ mặt tấn công trong thành phố Tây Ancách đây hai tuần. Hôm thứ Sáu, Jiang đã qua đời do vết thương quá nặng.
Nhà chức trách Tây An cho biết đã bắt giữ một nghi phạm, nhưng không cung cấp thêm thông tin nào khác. Một chức sắc của chi nhánh Yanta, Cục Công an Tây An nói với phóng viên NTD: “Chúng tôi không chấp nhận phỏng vấn. Chúng tôi không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cụ thể”.
Jiang là người phụ trách củ một công ty nuôi bò sữa ở tỉnh Thiểm Tây. Năm 2006, ông đã tố cáo các công ty sữa địa phương đã cho hóa chất nguy hiểm vào trong sữa của họ nhưng thông tin của ông bị bỏ qua.  Đến năm 2008, có ít nhất 6 trẻ em đã chết và 290.000 người đã bị sỏi thận hoặc tổn thương thận do sữa bột nhiễm melamine. Trước đó 4 năm, đã có 13 trẻ sơ sinh chết vì sữa pha nước.
Vụ bê bối sữa độc hại đã gây chấn động khắp Trung Quốc. TQ đã xét xử vụ án với 3 án tử hình, 3 án chung thân. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rằng đây là vụ vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay mà tổ chức này phải đối phó.

Ngàn năm còn hận nữa Phù Sai ?

Nguoibuongio

Mình chẳng phải là nhà văn, chỉ là kẻ viết chơi làng nhàng trên mạng. Mỗi thứ xía vào một tí, nhiều khi đọc lại những thứ hổ lốn mình viết, chả biết gọi đó là gì. Thế nhưng mình vẫn có độc giả. Nói thì bảo là không khiêm tốn, nhưng thực sự là vậy. Báo chính thống có dòng hậu trường sân khấu về ca sĩ lấy chồng giàu, nghệ sĩ chia tay, người mẫu đồng tính, lộ ” hàng” , sốc, choáng…cũng có độc giả vô khối. Thì việc mình viết lôm côm có vài người độc giả cũng là chuyện bình thường.

Độc giả của mình toàn các ông già, đôi khi là vài cậu thanh niên. Chả có em gái nào xinh tươi cả.
Một trong những người đó  là nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Chú Toán mình hay gặp, lúc ở sự kiện này, lúc ở sự kiến khác. Trong những lúc ấy, chỉ thấy chú Toán âm thầm, lặng lẽ lướt đi giữa đám đông, tay máy bấm liên hồi. Mình lúc đầu nghĩ chú ấy chỉ là người thợ ảnh cần mẫn, chuyên tâm, không để ý đến gì khác ngoài chuyên môn của mình là chụp ảnh.

Một hôm mình đế quán Lộc Vàng, thấy chú Toán ở đó. Nhờ chú chỉnh chế độ cái máy ảnh của mình. Chú chỉnh xong đưa máy trả, nói rất nhỏ.

- Viết khá lắm.

Giật mình nhìn quanh tưởng chú nói gì, hay nói ai. Nhưng thấy cái nhìn của chú trìu mến vào mình. Mới biết là chú nói mình.

Ôi thế ra người đàn ông cục mịch, ít nói, cần mẫn này đọc cả những cái lôm côm mà mình viết trên mạng. Thật bất ngờ, rồi vài lần nói chuyện với chú Toán, mới biết mọi thứ trong làng văn học, nghệ thuật Việt Nam, con người, tác phẩm nào chú cũng biết hết. Cả đến sự cố trong cuộc đời của người hát chơi nghiệp dư nữa, chú cho xem những tấm ảnh chú chụp ông Toán Xồm từ những năm 80 ở đầu Tô Hiến Thành. Lúc ông Toán Xồm tù về, không có nhà cửa, phải nằm ngoài vỉa hè. Bỗng tự hỏi, có nơi nào xảy ra sự kiện liên quan đến văn học, nghệ thuật có tính lịch sử mà chú Toán không có mặt nhỉ.? 

Chú Toán cho mình một đĩa VCD của đạo diễn Trần Văn Thuỷ và Nguyễn Sĩ Chung thực hiện nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có tên Vọng Khúc Ngàn Năm. Phần 3 nội dung về nền Tân Nhạc Việt Nam hay còn gọi là nhạc vàng, nhạc tiền chiến. Trong đó có nhiều lời bình đầy bất ngờ như ”năm 1954 là cáo chung cho nền tân nhạc Việt Nam, hay còn gọi là nhạc vàng, nhạc tiền chiến” hoặc đến đoạn nói về nhạc sĩ Đỗ Nhuận ” nhưng lạ thay sau khi cử đi học nhạc ở học viện Tchaikovsky trở về, những tác phẩm sau này của Đỗ Nhuận không làm người ta nhớ như những tác phẩm ông sáng tác trước năm 1954 ”…

Không biết trong chú Toán còn biết gì, chắc chắn nếu ai muốn làm một thiên phóng sự hay tìm tư liệu lịch sử trong nền văn học nghệ thuật của Việt Nam thế kỷ 20 thì nên tim đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Người không những có những bức ảnh quý hiếm mà còn có những điều chứng kiên, những  hiểu biết chất chứa trong lòng bao nhiêu năm qua. Nhưng để khai thác người nghệ sĩ già ít nói ấy bật ra một mẩu chuyện, một tấm hình, phải có một một chữ duyên, cũng như nhiều nghệ sĩ khác đang sống trong chế độ này cũng thế. Nhiều người đã ra đi và mang theo những giai thoại lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam như một bí mật bị vĩnh viễn chôn vùi. Chả thế mà trong Vọng Khúc Ngàn Năm, lời bình ngậm ngùi  nhắc đến những bài hát mà phải 43 năm sau mới được công khai trình diễn…

Quán Lộc Vàng là một nơi lưu trữ một phần những điều như vậy.

Trong cái quán lá đơn sơ này có một người chủ quán là người chứng kiến và cũng là chứng nhân cho một gia đoạn tăm tối của nền Tân Nhạc Việt Nam. Câu chuyện về án tù 10 năm mà ông Lộc phải chịu khi hát những bài tình ca lãng mạn, bất hủ này không còn xa lạ với chúng ta bây giờ. Nhưng về những bài hát nguyên gốc, những dị bản của lời hát thì chưa hẳn nhiều người đã biết. Lời bài hát mà ca sĩ Lộc Vàng thể hiện nhiều khi khác hoàn toàn những lời hát mà các ca sĩ chuyên nghiệp hát trên sân khấu. Và hơn nữa là có những bài hát mà ta chưa từng nghe ở đâu. dù có cố gắng tìm kiếm trên sạp đĩa, ở trên mạng, nhưng mong muốn được nghe bài Tâm Sự của Đoàn Chuẩn chẳng thể nào tìm thấy. Chỉ thấy một đoạn lời ngắn, không có lời hát.

Hôm qua tỉ tê chú Lộc cho nghe bài đấy, may là chú đồng ý hát cho nghe.



http://www.youtube.com/watch?v=FF15Pl6BYc8&feature=youtu.be


Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai.

Thật lạ, khi bài Tâm Sự lại là nhạc phẩm gần như cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài danh Đoàn Chuẩn, lại có những phút hối tiếc như vậy. Từ niềm tin mãnh liệt vào tình yêu được khẳng định trong  bài ” Gửi người em gái” như ” rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ..nụ cười trong gió sớm, tôi đứng chờ em, bên cầu Hiền Lương.”  Một niềm tin yêu chắc chắn đầy tính lạc quan cách mạng như thế, bỗng nhiên ở nhạc phẩm Tâm Sự sau này, lời nhạc của Đoàn Chuẩn chứa đầy hối tiếc như vậy. Không những thế lời kết của bài hát như câu hỏi đầy trách oán

- Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi.?

Ngày thống nhất đã đến rồi. Sao Đoàn Chuẩn bất ngờ nhắc nhớ tới những điển tích nước mất, nhà tan vì tình yêu mông muội của các bậc quân vương như Ngô Vương Phù Sai, Đường Minh Hoàng.?

Một nhạc phẩm khá lạ so với những nhạc phẩm thường thấy ở Đoàn Chuẩn.

Có lẽ vì khó tìm ra câu hỏi , cho nên những nhà chức năng văn hoá đã không phổ biến nhạc phẩm này của ông.

- Thuở ấy tình yêu chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xoá niềm tin…

Hãy  lắng nghe Tâm Sự của Đoàn Chuẩn qua lời ca của chú Lộc Vàng, và cảm nhận nỗi niềm người nhạc sĩ muốn gửi gắm về một mùa thu đến rất bất ngờ, khi mà hoa phù dung ( một loại ma tuý ) tràn ngập, làm người mê đắm vào những tình yêu nước mất, nhà tan.

Tình yêu đôi lứa  bao giờ cũng đẹp, nhưng chuyện tình yêu khiến vong quốc cũng đáng trách nhất dù rất đẹp.

Tây Tạng: Thêm 4 người tự thiêu, hàng ngàn sinh viên biểu tình

Phụ nữ Tây Tạng cầu nguyện cho nạn nhân của bạo lực ở Tây Tạng và những người tự thiêu phản đối sự cai trị của Trung Quốc.
27.11.2012 – VOA
Thêm 4 người Tây Tạng đã tự thiêu trên khắp khu vực phía tây của Trung Quốc trong hai ngày qua, trong khi một cuộc biểu tình của sinh viên Tây Tạng chống lại chính phủ Bắc Kinh đã bị lực lượng an ninh đàn áp. Ban tiếng Tây Tạng của đài VOA cho hay, 3 người đàn ông đã châm lửa tự thiêu hôm thứ Hai và một nữ tu đã qua đời sau khi tự thiêu vào Chủ nhật.
Wangyal, một thanh niên Tây Tạng 20 tuổi, tự thiêu ở tỉnh Tứ Xuyên. Tin tức nói anh đã hô các khẩu hiệu kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi hương và tự do cho người Tây Tạng.
Các nguồn tin cho biết giới hữu trách Trung Quốc đã ngay lập tức đến hiện trường hôm thứ Hai và đem thi thể cháy đen của anh Wangyal đi nơi khác.
Một thanh niên khác 24 tuổi, Gonpo Tsering, tự thiêu đến chết trước một tu viện ở tỉnh Cam Túc hôm thứ Hai. Anh cũng hô khẩu hiệu kêu gọi tự do cho Tây Tạng.
Hình ảnh từ video nghiệp cho thấy một thanh niên Tây Tạng tự thiêu ở quận Yushu trong tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc để phản đối sự cai trị của Trung Quốc.
​​Người thanh niên thứ ba là Kunchok Tsering, 18 tuổi, cũng qua đời sau khi nổi lửa tự thiêu ở tỉnh Cam Túc.
Sangay Dolma, một nữ tu thuộc tu viện Sangag Dhargeyling Mindrol, qua đời sau khi tự thiêu một ngày trước đó trước một văn phòng chính phủ ở tỉnh Thanh Hải.
Trong một sự kiện riêng rẽ, lực lượng an ninh Trung Quốc hôm thứ Hai đã đàn áp một cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên Tây Tạng ở tỉnh Thanh Hải khiến một số người bị thương nặng.
Những người biểu tình hô khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng về ngôn ngữ và nhiều quyền tự do hơn.
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc loan báo ý định gia tăng sự trấn áp đối với những hoạt động đòi ly khai ở những khu vực có người Tây Tạng sinh sống. Tuy nhiên, tổ chức tranh đấu có tên Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng nói rằng, rõ ràng là người Tây Tạng đã không chùn bước trước việc tăng cường an ninh hoặc những biện pháp đe dọa khác của chính quyền.
Ít nhất 85 người Tây Tạng đã tự thiêu kể từ năm 2009 để đòi tự do và đòi để cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong được hồi hương.
Chỉ riêng tháng này đã có 23 người Tây Tạng châm lửa tự thiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét