Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Nơi phụ nữ chỉ mê… trai Hàn Quốc

Bạn đọc :MisMailoan  gởi
Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác; nên các cô không cần lo học… Hay tàn dư của Mỹ Ngụy để lại? Rồi thì tương lai Việt Nam sẽ ra sao? Đàn ông lấy vợ là trai!? Gái còn đâu mà lấy!
__________________________________________________________________________

Nơi phụ nữ chỉ mê… trai Hàn Quốc

Chuyện đàn bà mê chồng Hàn Quốc ở Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), có lẽ phải được ghi vào kỷ lục thế giới. Phụ nữ ở xã này chẳng mấy quan tâm đến học hành, lao động, mà chỉ nhăm nhăm kiếm chồng Hàn Quốc.

Tân Lộc là một cù lao giữa sông Hậu, cách trung tâm TP. Cần Thơ 30 km. Ra cù lao, chỉ có cách duy nhất là đi phà. Ngay bến phà, nhà cửa san sát, quán cà phê, quán nhậu xập xình. Cuộc sống cù lao khá vương giả.
Anh Minh, một nông dân ở cù lao Tân Lộc bảo: “Đàn ông ở cù lao này muốn lấy được vợ thì phải có vuông tôm, vuông cá rộng, phải có xe hơi. Không có mấy thứ đó, thì chỉ có nước đi xứ khác mà kiếm vợ. Phụ nữ ở đây đi Đài Loan, Hàn Quốc lấy chồng hết rồi”.
Cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu.
Cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu.
Rồi anh Minh chỉ tôi đường vào nhà ông M., người nổi tiếng nhất cù lao Tân Lộc. Ông M. cũng như nhiều gia đình ở cù lao Tân Lộc này đã phất lên trông thấy khi đầu tư cho con gái lấy chồng Hàn Quốc.
Ông M. vốn là chủ lò nấu đường. Tuy nhiên, khi các nhà máy đường lớn ra đời, thì những lò nấu đường thủ công của ông phá sản. Ông trở thành con nợ lớn.
Không chỉ ông M., mà nhiều gia đình ở cù lao này cũng lâm vào cảnh nợ nần như ông M. vì lò nấu đường phá sản, đóng cửa. Cù lao Tân Lộc vốn là vựa mía lớn, nơi có cả trăm lò nấu đường. Cùng với đó, là cả trăm gia đình rơi vào nợ nần, phá sản.
Cù lao Tân Lộc cũng là nơi có cả ngàn hầm (ao) nuôi cá tra, cá ba sa. Không ít người trở nên giàu có, song cũng không ít người phá sản. Cách giải quyết của họ là gả con gái đi lấy chồng Hàn Quốc. Đã có cả trăm cô gái phải đem thân mình đem “bán” ra nước ngoài lấy tiền trả nợ cho gia đình.
Ông M. cũng bàn với vợ sử dụng phương án gả con gái đi Hàn. Chẳng ngờ, vừa đưa ra đề xuất, cô con gái cả tên H. của ông không những gật đầu đồng ý liền, mà còn sốt sắng giục bố đi tìm bà mối.
Chị em H. gửi ảnh chụp ở Hàn Quốc về cho gia đình.
Chị em H. gửi ảnh chụp ở Hàn Quốc về cho gia đình.
Sở dĩ H. sốt sắng như thế, vì đám bạn của cô đang ở xứ sở Kim Chi cả rồi. Hàng ngày, H. vẫn chát chít với các bạn và được các cô dâu xứ Hàn kể nhiều về một cuộc sống như thiên đường.
H. có hình thức đẹp, nên đã nhanh chóng kiếm được anh chồng Hàn Quốc vừa đẹp trai, lại giàu có. Lễ cưới vừa tổ chức xong, ông M. đã nhận được khoản thách cưới đủ thanh toán món nợ ngập đầu.
Chưa đầy một năm sau, H. trở về Việt Nam, lộng lẫy như một bà hoàng. H. dẫn nốt em gái sang Hàn Quốc lấy chồng. Chẳng bao lâu sau, ông M. đập nhà cũ, xây nhà mới khang trang. Ông lại sắm cả xe hơi chạy cho mát mặt.
Trường hợp phất lên nhanh chóng nhờ có con rể Hàn Quốc ở cù lao Tân Lộc như gia đình ông M. rất nhiều, nên những ông bố bà mẹ ở cù lao này đều sốt sắng với chuyện đẩy con đi làm dâu xứ người.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Tân Lộc cho biết, ở cù lao Tân Lộc, chuyện một gia đình có 3-4 con gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc không phải là hiếm. Nhìn cảnh chị em phụ nữ xuống phà vào đất liền, rồi được những chiếc xe con bóng loáng chở lên Sài Gòn tuyển chồng mà xót ruột.
Chuyện chị em phụ nữ ở cù lao Tân Lộc chê trai trong nước khiến đám thanh niên ở Tân Lộc vô cùng bức xúc. Có thời gian, thanh niên Tân Lộc phân công nhau chốt trực ở bến phà, hễ thấy ai lạ mặt ra cù lao là túm lại tra khảo. Nếu là “cò” tìm ra cù lao tuyển vợ cho trai Hàn, thì sẽ phải xuống sông Hậu… mò ốc.
Một đám cưới với chồng Hàn của cô gái Tân Lộc.
Một đám cưới với chồng Hàn của cô gái Tân Lộc.
Đám “cò” không ra được cù lao, liền thuê luôn người ở cù lao Tân Lộc tuyển gái. Ai kiếm được một cô gật đầu theo họ đi dự tuyển, thì sẽ được tặng nóng 100 USD.
Thế là bất kỳ ai ở Tân Lộc cũng có thể biến thành “cò”. Thậm chí, các ông bố, bà mẹ dẫn con gái đến gặp “cò”, cũng được thưởng luôn 100 USD. “Cò” gái ở Tân Lộc có dịp nhiều như “cò” đất ở thành phố thời sốt đất.
Giấc mơ lấy chồng Hàn Quốc điên đảo cù lao Tân Lộc suốt nhiều năm liền. Nhiều ông bố, bà mẹ sốt ruột quá còn tìm cách sửa hộ khẩu, chứng minh thư, để nâng tuổi con gái, biến đứa con đang tuổi vị thành niên của mình đủ 18 tuổi để được lấy chồng Hàn.
Theo Phó Công an xã Tân Lộc Lê Văn Út, đã có tổng cộng 20 trường hợp khai khống tuổi để được cấp hộ chiếu. Có trường hợp như Trần Thị Kim X., ở ấp Phước Lộc, mới 14 tuổi, song bố mẹ đã tráo cô thành cô chị, để đủ 18 tuổi. Cô chị đã lấy chồng, có 2 con, nên mọi hy vọng đổi đời đổ dồn vào X.
Hạnh phúc rạng ngời của cô gái Tân Lộc khi cưới được trai Hàn.
Hạnh phúc rạng ngời của cô gái Tân Lộc khi cưới được trai Hàn.
Trong thời gian tìm hiểu tình trạng lấy chồng Hàn Quốc ở cù lao Tân Lộc, tôi thấy hầu hết chị em phụ nữ mang giấc mơ Hàn là muốn được giàu sang, được ăn sung mặc sướng, rồi giúp đỡ được gia đình ở quê nhà.
Một lớp dạy nấu ăn cho các cô gái chuẩn bị đi lấy chồng Hàn.
Một lớp dạy nấu ăn cho các cô gái chuẩn bị đi lấy chồng Hàn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cô lấy chồng Hàn Quốc theo mốt. Phải công nhận phụ nữ ở cù lao Tân Lộc đẹp. Chẳng hiểu phù sa sông Hậu tưới tắm thế nào mà cô nào cô nấy lớn lên cũng phổng phao, trắng trẻo, xinh xắn.
Những cô gái đẹp ấy không muốn gắn cuộc đời mình với những chàng trai chân đất, với cuộc sống ao đầm. Hình ảnh đàn ông Hàn Quốc lãng tử, hay khóc trên phim là giấc mơ của họ.
Không ít trường hợp khi được hỏi vì sao lấy chồng Hàn Quốc, các cô thật thà: “Con chỉ mong được nhìn thấy thủ đô Seoul, được thấy nhà cao tầng, thấy sông Hàn, thấy thần tượng, được xem ban nhạc X. biểu diễn…”. Có cô còn mang khát vọng lấy chồng Hàn Quốc để được đi… máy bay.
Các con số thống kê cho thấy mỗi năm cù lao Tân Lộc có khoảng 30-100 trường hợp lấy chồng nước ngoài. Thời điểm trước năm 2005 chủ yếu là lấy chồng Đài Loan, nhưng từ sau 2005 thì chủ yếu là lấy chồng Hàn Quốc. Con số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, mà chủ yếu là Hàn Quốc ở cù lao nhỏ bé giữa sông Hậu này đã lên đến gần 1.000 chị em.
Giờ đây, cơn sốt lấy chồng Hàn Quốc ở Tân Lộc không còn ầm ĩ, náo loạn như xưa nữa. Điều đó không có nghĩa là con gái ở Tân Lộc không mang giấc mơ Hàn, mà vì ở Tân Lộc chẳng còn con gái nữa.
Các cô gái cứ lớn lên, đủ tuổi, là lại xuống phà theo “cò” về TPHCM. Ở đó, các cô được học tiếng Hàn, được học nấu ăn, được học văn hóa của người Hàn Quốc.
Mục tiêu của phần lớn thiếu nữ Tân Lộc không phải học hành, không phải kiếm nghề nghiệp, mà là kiếm một tấm chồng Hàn Quốc. Trai Hàn Quốc là giấc mộng của họ.
Theo VTCNews

 

 Nguyễn Hưng Quốc - Thời đại của những ván bài lật ngửa

Ngay lúc đang viết bài “ Thiếu lãnh đạo”, tôi đã hình dung trước một lời phản biện: Không phải Việt Nam không có chính sách rõ ràng và nhất quán trong việc đối phó với Trung Quốc. Có. Nhưng người ta giấu. Lý do: Chuyện chính trị cần phải bí mật!

Với lời phản biện ấy, nếu có thật, câu trả lời của tôi là: Nói dối!

Một hiện tượng như vậy, cách đây mấy chục năm, nhất là thời thế giới chia thành hai khối, cộng sản và tư bản, có thể xảy ra. Bây giờ thì bất khả. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là: khác với ngày xưa, thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại, ở đó, hầu hết các ván cờ chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đặc biệt, liên quan đến các cuộc tranh chấp lớn, đều là những ván cờ ngửa. Mọi nước cờ đều công khai. Giữa thanh thiên bạch nhật.

Lý do thứ nhất: Đó là nguyên tắc dân chủ. Dĩ nhiên không phải chính phủ nào cũng muốn thực hiện đầy đủ các nguyên tắc dân chủ. Nhưng người ta lại không thể cấm dân chúng, nhất là giới truyền thông, thực hiện nguyên tắc ấy. Bằng nhiều cách khác nhau, với sự hỗ trợ của cả pháp lý lẫn kỹ thuật, giới truyền thông thường lật tẩy hầu hết những hoạt động mà chính phủ muốn nhận chìm vào bóng tối. Công việc này càng dễ thực hiện trong những vấn đề liên quan đến quốc tế vốn cần sự hợp tác và tham dự của nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Con số này càng lớn, các khe hở của các nguồn thông tin càng nhiều.

Thứ hai, trong quan hệ quốc tế, một nước có thể giấu thông tin đối với người dân nước mình nhưng lại không thể cấm việc dân chúng các nước khác biết thông tin về việc làm của chính phủ nước họ. Thành ra, thông tin nếu không bị xì ra ở nước này thì cũng bị xì ra ở nước khác.

Thứ ba, sự chuyển động của các chiến lược quốc phòng, trong quan hệ với quốc tế, là một sự chuyển động lớn không thể giấu giếm được. Tình báo thế giới hiện nay tinh vi đến độ người ta biết rõ nhau đến từng chiếc máy bay chiến đấu, từng đầu đạn nguyên tử, từng căn cứ đóng quân, từng hợp đồng quân sự…

Mỹ, chẳng hạn, về phương diện ngoại giao, luôn luôn tìm cách trấn an Trung Quốc là họ không xem Trung Quốc là kẻ thù. Là họ không hề có ý định tấn công Trung Quốc. Là họ chỉ muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc và bảo vệ một thế giới hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta vẫn thấy rất rõ chính sách và chiến lược của họ trong việc đối phó với Trung Quốc, nguồn uy hiếp chính đối với vị thế siêu cường số một thế giới của họ trong tương lai. Thấy, vì Mỹ không thể giấu được. Có muốn cũng không được. Không thể giấu việc di chuyển các chiến hạm và tàu ngầm sang vùng châu Á Thái Bình Dương. Không thể giấu được việc ký kết các hiệp ước sử dụng bến cảng cho tàu thủy và tàu ngầm của Mỹ ở các nước khác. Không thể giấu được các căn cứ quân sự cho cả mấy ngàn quân trên lãnh thổ của  nước khác.

Mỹ muốn giấu, các nước khác cũng không thể giấu. Úc không thể giấu việc cho lính Mỹ sử dụng hải cảng cũng như tập trận trên lãnh thổ của Úc.

Ngay cả những chuyện có thể giấu, người ta cũng không muốn giấu. Thứ nhất, giấu, người ta không thể tạo được sự tin tưởng ở các nước đồng minh hay đối tác chiến lược và chiến thuật. Mỹ, chẳng hạn, phải nói rõ và nói lớn tiếng về chính sách quay lại châu Á của mình; nếu không, không có nước châu Á nào có thể an tâm về sự cam kết của Mỹ cả. Trường hợp của Việt Nam đối với Mỹ cũng vậy: Sẽ không có người nào tin cậy quyết tâm đi với Mỹ của Việt Nam nếu Việt Nam chỉ dám hứa hẹn trên các bàn hội nghị nhưng lại phủ nhận hoặc tránh né ngoài công luận. Thứ hai, nếu việc giấu giếm ấy bị phát hiện, cái giá người ta phải trả trước sự phẫn nộ của dân chúng chắc chắn không nhỏ: Nguy cơ bị thất cử là điều hiển hiện trước mắt.

Nếu Việt Nam thực sự có một chiến lược đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc, để có hiệu quả, chiến lược ấy phải được sự hỗ trợ của ít nhất hai yếu tố chính: thế và lực.

Lực chủ yếu đến từ hai nguồn: Kinh tế và quân sự. Cả hai nguồn ấy đều rất mỏng manh so với Trung Quốc. Về quân sự thì dù có mua thêm bao nhiêu tàu thủy hay bao nhiêu phi cơ, có tăng bao nhiêu quân số thì cũng chỉ là hạt cát so với Trung Quốc. Về kinh tế, Việt Nam không những nhỏ và yếu mà còn lệ thuộc hẳn vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc ấy không phải chỉ ở quan hệ xuất nhập khẩu chính thức giữa hai nước mà còn, quan trọng hơn, ở sự thao túng của người Trung Quốc trên thị trường Việt Nam qua số dự án do Trung Quốc trúng thầu, số công nhân hợp pháp cũng như bất hợp pháp người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, số hàng lậu không ngừng tràn vào Việt Nam trên mọi ngả đường biên giới, và số các công ty Trung Quốc trá hình dưới nhãn Việt Nam hiện diện ở khắp nơi.

Thua ở lực, Việt Nam chỉ còn một hy vọng duy nhất để xây dựng nền tảng cho một chiến lược hữu hiệu: Thế.

Có ba loại thế chính.

Bản đồ Trung Quốc năm 1904 không có Hoàng Sa-Trường Sa
​​Thứ nhất là thế pháp lý. Chúng ta thường khoe với nhau là có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy chúng ta có chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Tuy nhiên, ở đây, lại có hai vấn đề. Một, những bằng chứng ấy đã đủ chưa? Hai, những bằng chứng ấy có hiệu quả hay không? Về vấn đề thứ nhất, ai cũng thấy là Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa mới có thể gọi được là đủ. Nhưng công việc ấy ai sẽ làm? Chắc chắn là giới nghiên cứu chứ không phải là các nhân viên hành chính hay các cán bộ tuyên huấn. Nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không hề khuyến khích, thậm chí, còn ngăn cấm công cuộc tìm tòi ấy của giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu muốn tổ chức hội nghị về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ư? – Cấm! Họ muốn nói chuyện về hai quần đảo ấy ư? – Cũng cấm! Vậy chính quyền sẽ tìm ở đâu ra thêm các bằng chứng lịch sử ủng hộ cho lập trường và quan điểm của mình? Về vấn đề thứ hai, ai cũng biết, cho dù cầm trong tay cả hàng ngàn hồ sơ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng thuộc Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ chẳng xem điều đó ra gì cả. Tây Tạng cũng từng có chủ quyền trên đất nước họ, một chủ quyền với nhiều bằng chứng lịch sử kéo dài cả hàng ngàn năm, nhưng Trung Quốc vẫn cứ chiếm đoạt và chà đạp lên Tây Tạng như thường. Ai làm được gì họ? Bởi vậy, thế pháp lý chỉ là cái thế khởi đầu. Nhưng không phải là tất cả. Đó là chưa kể đảng Cộng sản Việt Nam từng tự làm suy yếu cái thế ấy bằng bức công hàm do Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội
​​Thứ hai là thế nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói: thế mạnh của họ là ở nhân dân. Tất cả các cuộc chiến tranh do họ lãnh đạo đều được gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng bây giờ, trong cuộc đương đầu với Trung Quốc, rõ ràng là họ không cần nhân dân. Cái gọi là không cần ấy thể hiện ở hai khía cạnh: Một, họ không thèm nói gì với nhân dân về các chiến lược của họ cả. Họ cứ bảo: Đó là việc của đảng và nhà nước, hãy để đảng và nhân dân lo. Nhân dân hoàn toàn trở thành những kẻ ngoại cuộc. Cuộc tranh chấp với Trung Quốc, trên thực tế, trở thành cuộc tranh chấp – nếu có – giữa đảng Cộng sản Việt Nam và cả nước Trung Quốc. Hai, không những không cần nhân dân, họ còn thẳng tay trấn áp và chà đạp lên bất cứ người dân nào muốn bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc. Biểu tình chống Trung Quốc? – Bị còng tay hay đạp vào mặt! Viết bài đả kích Trung Quốc? – Bị bắt và đẩy thẳng vào tù! Trên đài truyền hình, họ còn bịa đặt một cách trắng trợn là những người đi biểu tình chống Trung Quốc chỉ là đám côn đồ nhận tiền của ai đó để xuống đường! Nói cách khác, họ không những không cần nhân dân mà còn xem nhân dân là thù nghịch. Đem 90 triệu người Việt Nam đối đầu với hơn một tỉ người Trung Quốc đã là chuyện châu chấu đá xe. Đằng này, nhà cầm quyền Việt Nam lại không cần đến 90 triệu. Họ chỉ cần 3,6 triệu đảng viên. Mà họ cũng không cần đến 3,6 triệu đảng viên ấy. Bất cứ đảng viên nào cương quyết chống Trung Quốc cũng đều bị loại trừ. Nhiều đảng viên yêu nước bị mang ra tòa và bị nhốt vào tù với những lý do vu vơ như trốn thuế. Cuối cùng, họ còn lại bao nhiêu đảng viên để, nếu cần, đối diện với cuộc càn quét của Trung Quốc?

Thứ ba là thế quốc tế. Có thể nói từ giữa thế kỷ 20, chưa bao giờ Việt Nam bị cô thế như hiện nay. Ngày trước, sau lưng Việt Nam còn có khối xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên xô và Trung Quốc. Sau năm 1975, trong trận chiến giữa Việt Nam và Campuchia cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau lưng Việt Nam còn có Liên xô và khối Đông Âu. Còn bây giờ? Chẳng có ai cả. Khối ASEAN ư? Hội nghị các ngoại trưởng của Khối ở Campuchia vừa rồi cho thấy rõ: Ngay cả với một nước thân cận nhất của Việt Nam là Campuchia, Việt Nam cũng không giữ nổi. Nói gì đến các nước khác. Sự hợp tác mà một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn tìm kiếm, như Ấn Độ, Nga và Mỹ, đều chỉ ở giai đoạn phôi thai. Trong số đó, trừ Mỹ, không có nước nào đủ sức để bảo vệ cho Việt Nam cả. Nhưng với Mỹ, Việt Nam còn có hai trở ngại chính: một, về tình cảm, chưa bên nào thực sự tin cậy bên nào; hai, về nguyên tắc, Việt Nam chưa đáp ứng được một yêu cầu cơ bản về phía Mỹ: tôn trọng nhân quyền.

Có thể phản biện: Việt Nam có thể tìm cách vượt qua hai trở ngại ấy một cách âm thầm, không ai biết được cả. Nhưng nói vậy là nói đùa. Khác với các nước độc tài, Mỹ không thể bất chấp dư luận của dân chúng nước họ. Thuyết phục chính phủ Mỹ, trừ phi có cả một mỏ dầu khổng lồ, người ta phải thuyết phục dân chúng Mỹ trước. Nếu phần đông dân chúng Mỹ vẫn thiếu tin cậy với Việt Nam và không nghĩ Việt Nam thực sự tôn trọng nhân quyền, không có chính phủ Mỹ nào dám đưa tay ra nắm chặt bàn tay đẫm máu của Việt Nam cả. Cuộc vận động chính phủ Mỹ, do đó, phần  lớn sẽ là những cuộc vận động công khai. Chứ không thể len lén ở đâu đó được. Nếu có, đó chỉ là bước đầu. Chứ không thể là cơ sở cho một sự hợp tác mang tính chiến lược lâu dài.

Hơn nữa, thế quốc tế không phải chỉ gắn liền với Mỹ. Trên trận chiến pháp lý liên quan đến chủ quyền quốc gia, bất cứ sự ủng hộ của nước nào, dù nhỏ đến mấy, cũng cần thiết. Nhưng Việt Nam có đang tìm kiếm những sự ủng hộ ấy không? Cũng không. Việt Nam vẫn khăng khăng chống lại chủ trương đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Philippines tìm cách đa phương hóa. Các nước khác tìm cách đa phương hóa. Việt Nam thì không.

Với chủ trương “để đảng và nhà nước lo”, nhà cầm quyền Việt Nam xua đuổi dân chúng; với chủ trương song phương hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam xua đuổi cả thế giới ra bên ngoài. Họ không những không cần thế nhân dân. Họ cũng không cần cả thế quốc tế.

Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang xây dựng thế cho chiến lược đối phó với Trung Quốc của họ, liệu một chiến lược như vậy có thể hiện hữu hay không? Nếu hiện hữu, nó có thực sự nghiêm túc hay không?

Câu trả lời cho cả hai: Không.

Trong thời đại của những ván bài lật ngửa như hiện nay, người ta chỉ có thể xây dựng những chiến lược thỏa hiệp và đầu hàng một cách thầm lặng. Còn mọi chiến lược đương đầu đều để lại dấu vết. Không chỗ này thì chỗ nọ.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét