Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Lượm tin tức ngày 23/7/2012

  • Cởi truồng tắm cho sạch (Trương Duy Nhất) – Chuẩn bị tiến hành kiểm điểm từng cá nhân trong bộ 14 Ủy viên Bộ Chính trị theo tinh thần nghị quyết 4. Tôi muốn đề nghị phải công khai hết 14 bản kiểm điểm này. Công khai ở đây là với người dân, cho mọi người dân biết, chứ không phải chỉ trong nhóm Ủy viên BCT hoặc trong Ủy ban trung ương. Nếu coi đợt kiểm điểm như cuộc tắm rửa đảng, thì việc công khai như tôi nói là cách cởi truồng để tắm cho sạch.
  • Đà Lạt, Cali (Trần Kiêm Đoàn) – Ghé thăm Đà Lạt chỉ có bốn bữa mà đã có ba chiều mưa, trong khi tôi vẫn thường nghĩ về một Đà Lạt mù sương, một thành phố cao nguyên với những đồi thông qua nhiều thế hệ.
  • Sống với chính mình là tự do (Blogger Muối) – Hi vọng bài viết không nhạt Thế giới với hơn 7 tỉ người sẽ sẽ có hơn 7 tỉ con đường để trở về với cát bụi. Sống với chính mình là Tự do.…
  • Trung Quốc đưa quân ra đóng ở Trường Sa (DCV) -Theo một bản báo cáo trên mạng của nhà nước Trung Quốc thì ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc đã chấp thuận việc đưa quân ra đóng ở thành phố Sansha.
  • Phiên tòa phúc thẩm và bản án bất công (Trịnh Kim Tiến) -Diễn tiến và kết quả của những phiên tòa vừa qua là sự chà đạp lên công lý, nhưng tất cả những gì chúng tôi đã làm sẽ không vô ích. Chúng tôi đã làm những gì có thể trong khả năng của mình vì vậy không có điều gì để hối tiếc nữa.
  • Bộ luật Lao động (ND) – Ngày 2-7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh số 08/2012/L-CTN công bố Bộ luật Lao động, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 18-6-2012.
  • Kiểm điểm 13 cán bộ đi nước ngoài không phép (NLĐ) – Đảng ủy Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Chi bộ Bảo tàng Hà Nội phải kiểm điểm việc 13 cán bộ, đảng viên đi nước ngoài không xin phép.
  • Đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm (Nguyễn Thông) – Thế thì chú Vịnh cứ vững vàng nghe, kệ cha chúng nó, theo dõi cũng mặc mẹ nó, việc mình mình làm, tất cả vì lợi ích tối cao của đất nước. Mình nghĩ mình già chuyện này với tinh thần yêu nước, ủng hộ tướng Vịnh
  • Luật rừng thú hoang (Trần Nhương) – “Thời văn minh nay đâu phải thú hoang trong rừng rậm/ Sao cứ xử ‘luật rừng’ với bạn bè ta?/  Biến biển Đông thành ‘biển nhà’/ Lưỡi bò – lưỡi cướp biển gần xa/ Ta sống, không cho ai sống sót/ Ôi, luật ư, luật là ta ?!!!”
  • Gửi bạn trẻ tình nguyện (Nguyễn Thông) – “Ôi hai chữ tình nguyện/ Của một thời không quên/ Tình nguyện lên miền núi/ Tình nguyện ra chiến trường./ Còn hôm nay tình nguyện/ Đối mặt với Nhân dân/ Làm ngơ với Tổ quốc/ Đồng lõa cùng xâm lăng./ Các cháu mặc áo xanh/ Đứng sau hàng rào sắt/ Chặn đoàn người biểu tình/ Khiến lòng tôi đau thắt…”
  • Ai bắt các cháu thế này (Nguyễn Tường Thụy) – Bên kia hàng rào là công an và các cháu thanh niên tình nguyện. Bên này là những người biểu tình yêu nước. Nhưng bên ngoài hay bên trong đều là đất nước mình và đều là người Việt Nam cả. Vậy mà hình thành nên hai tuyến có tư tưởng, mục đích đối lập nhau.
  • Trung Quốc : Con hổ giấy ? (RFI) – Hàm hạ sĩ quan giá từ 10 đến 20 ngàn đô-la, tùy theo vị trí. Hàm tướng thì phải cần đến hàng trăm ngàn đô-la. Chuyện « mua quan bán chức » đang hoành hành hầu như công khai ngay trong lòng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Theo nhận định của Le Nouvel Observateur, Là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc cũng là một trong những đội quân tham nhũng nhất, vô kỷ luật nhất và thiếu kinh nghiệm nhất.
  • Lũ lụt tại Nga : Ba lãnh đạo địa phương bị bắt (RFI) – Theo một bản thông cáo được công bố hôm nay, ngày 22/07/2012, của Ban đặc trách điều tra về trận lũ lụt kinh hoàng cách đây hai tuần tại vùng Krasnodar, miền tây nước Nga, ba lãnh đạo địa phương đã bị bắt vì tội thất trách.
  • Kinh tế Tây Ban Nha trong tình thế lâm nguy (RFI) – Việc châu Âu chấp thuận kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng Tây Ban Nha cũng như kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách của Madrid không đủ để trấn an giới đầu tư.
  • Hội nghị thế giới phòng chống SIDA lần thứ 19 khai mạc tại Washington (RFI) – Hôm nay, ngày 22/7/2012, tại thủ đô Washington DC Hoa Kỳ, hội nghị thế giới phòng chống SIDA lần thứ 19 đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 25.000 đại biểu. Hội nghị này tập trung bàn thảo về các biện pháp nhằm giúp bệnh nhân ở những nước nghèo tiếp cận nhiều hơn nữa thuốc kháng HIV trong bối cảnh các liệu pháp chữa trị gần đây có những kết quả khả quan.
  • Hơn 19.000 người thiệt mạng từ đầu xung đột tại Syria (RFI) – Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền OSDH, trong 16 tháng qua, xung đột tại Syria đã làm hơn 19.000 người thiệt mạng, 2/3 trong số đó là thường dân. Thêm một viên tướng của chính quyền Damas đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ. Washington hỗ trợ Jordani để tiếp đón người tỵ nạn Syria.
  • Tổng thống Miến Điện công du Thái Lan (RFI) – Sau nhiều lần trì hoãn, hôm nay 22/07/2012, Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đến Thái Lan, bắt đầu chuyến thăm chính thức trong ba ngày, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.
  • Trung Quốc gia tăng đàn áp giới ly khai Tây Tạng (RFI) – Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Trường Xuân nhấn mạnh : Tây Tạng là thành phần không thể tách rời của Trung Quốc và ông đã lệnh cho các cán bộ địa phương mở chiến dịch tuyên truyền chống lại các thành phần ly khai Tây Tạng.
  • Khi Thầy Cô Chôm Sáng Kiến (VietBao)Quý thầy giáo và quý cô giáo, tức là ngành giáo dục, trên nguyên tắc là phải tuyệt vời trong sáng đạo đức. Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có những thấy giáo tuyệt vời, như Thầy Chu Văn An, như Thầy Nguyễn Đình Chiểu…
  • HỎI XOÁY ĐÁP XIÊN: TRÒ CHUYỆN VỚI GS LÙ TRỌNG LÚ (Sơn Thi Thư) - “GS LTL: Thì vẫn thế thôi, nước bạn cho hàng đoàn tàu thuyền ra đánh bắt cá trên biển của ta. Ngư dân ta ra biển của mình thì bị bạn cướp tàu, bắt người, đòi tiền chuộc. Các đảo bị xâm chiếm thì chưa biết bao giờ giành lại được, nhân dân thì vẫn bất bình và biểu tình…”
  • Mất nước rồi sao nữa (Nguyễn Văn Thiện) – “Nếu mất nước thật thì Đảng và Nhà nước có còn không nhỉ? Có lẽ vẫn còn, nhưng đó là nhà nước của Tàu do Tàu và vì Tàu hoặc đại loại như vậy. Và chính quyền đó sẽ bị muôn đời nguyền rủa. Hãy nhìn vào Trần Ích Tắc mà xem, hãy nhìn vào Lê Chiêu Thống mà xem! Muôn đời nhục nhã!”

Choáng với thú mua vui man rợ và xa xỉ của ‘đại gia’ Việt

Tiến Dũng (tổng hợp)
-
Khi cuộc sống ngày càng dư thừa, nhiều nhà giàu Việt đã không ngần ngại chi tiền khủng cho những thú ăn chơi “sặc mùi” máu lạnh hoặc quá ném tiền qua cửa sổ của mình.
Hơn tuần trở lại đây, sau khi các trang mạng xôn xao bàn luận trước hình ảnh một thanh niên cùng nhóm bạn giết hại dã man những con khỉ, hình dạng giống voọc chà vá, thì Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã lập tức phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra hung thủ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi vụ việc này “vỡ lở”, dư luận từng xôn xao về việc nhiều người lắm tiền của đang lùng sục voọc vì mục đích cá nhân “đê hèn”.
“Ăn” voọc để… tăng cường ham muốn

Tờ CAND từng có bài viết về rất nhiều con voọc đã phải chết oan bởi sự độc ác và suy nghĩ ấu trĩ của con người. Tay đao phủ sau khi cắt động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hũ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng, thì họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung.
Tiếp đến, người ta sẽ không ngần ngại rạch cái bụng nó lấy bào thai hoặc đem ngâm rượu, hoặc chưng thuốc bắc cho tay chơi sành ăn ẩm thực… Ấy là với voọc cái, nếu là voọc đực, người ta trước tiên sẽ vạt sọ lấy óc nó ăn như kiểu ăn óc khỉ. Nhưng quý nhất của voọc đực là 2 tinh hoàn của nó. Tiếng đồn ai đó uống rượu ngâm tinh hoàn voọc thì bản lĩnh đàn ông sẽ vời vợi, có thể hăng như voọc chúa, dư sức cai quản, phục vụ cả binh đoàn thê thiếp.

Nói chung, để được tẩm bổ từ máu, tim, mật, óc, bào thai, lấy xương ngâm rượu hoặc ninh cao… người ta tin rằng phải mổ xẻ voọc lúc nó còn sống. Có như vậy thì các cơ phận của nó mới phát huy sức mạnh dược tính. Và vì người ta có niềm tin như vậy nên nhiều năm qua, đã có rất nhiều con voọc chết thảm dưới họng súng và những suy nghĩ bạo tàn từ phía loài người!Theo Sách đỏ Việt Nam, voọc chà vá như các loài anh em khác của nó như voọc đen, voọc mũi hếch… mỗi năm chỉ đẻ 1 con và loài voọc nói chung là loài thú hoang bị loài người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Và cũng vì bị người ta tích cực truy sát, đặc biệt là việc họ dồn tâm điểm chú ý vào những con voọc lúc bụng mang dạ chửa, hay những voọc mẹ đang nuôi con nhỏ với suy nghĩ “sát 1 được 2″, bán được nhiều tiền vì khách ưa chuộng… nên loài voọc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vấn đề ở chỗ chúng có xứng đáng bị như vậy?
Chi bạc tỷ lo… hậu sự
Vì gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát lại không bay mùi hương, đặt ngoài nắng cũng không hề co nứt, nên các đại gia người Việt hiện nay rất thích chơi gỗ sưa làm vật dụng trong nhà. Người ta quan niệm rằng, gia đình dù giàu có đến mấy, cuộc sống có vương giả đến mấy mà trong nhà không có vật dụng làm bằng gỗ sưa thì cũng chưa đạt đến đẳng cấp thượng lưu.
Có lẽ vì thế, nếu chết mà được nằm trong quan tài gỗ sưa thì “lên tiên”, nên có đại gia Việt đã không ngần ngại chi hầu bao khủng để thỏa nguyện ước này. Theo nhiều dân Đồng Kỵ (Hà Nội) kháo nhau rằng, một đại gia ở Hà Nội đã thuê thợ vùng này lên thủ đô để chế tác một cỗ quan tài bằng gỗ sưa. Khi người này về làng kể chuyện, mô tả hình hài, kích thước, nhiều người tính nhẩm giá khoảng 60 tỷ đồng.

Không chỉ quan tài bạc tỷ, dân nhà giàu hiện nay cũng rất quan tâm tới đất mộ. Theo ban quản lý Lạc Hồng Viên, đến nay, hầu hết diện tích của “Khu biệt thự” và khu gia đình đã được mua hết, còn các khu mộ đơn, hay khu chung cư thì hiện vẫn còn một lượng nhỏ tiếp tục bán ra thị trường. Giá cho một ngôi mộ đơn khoảng 10 triệu đồng/m2, mỗi ngôi khoảng 3 – 4,5 m2. Vì vậy, giá mộ đơn vào khoảng 35 – 40 triệu đồng/ngôi. Trong khi đó, những“khu biệt thự”, dành cho cả một gia đình, thậm chí là gia tộc, có diện tích 400 – 500 m2, có giá lên tới 5 – 6 tỷ đồng. Hay những khuôn viên Vip diện tích 100 m2 cũng có giá vài tỷ đồng.
Khác với Lạc Hồng Viên, gia chủ mua đất tại nghĩa trang Vĩnh Hằng được xây dựng mộ phần theo ý thích mà không cần theo thiết kế chung. Do vậy, các khu mộ gia tộc tại đây người mua đất thỏa sức tô vẽ các kiến trúc lạ mắt. Thông thường các gia đình mua lô đất rộng từ 100 đến 300 m2, giá trị mỗi lô cách đây 2-3 năm dao động 300-500 triệu đồng tùy theo vị trí. Cộng với chi phí xây dựng thì giá trị của những khu mộ này lên đến cả tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, khách hàng mua những khu đất Vip này, chủ yếu là các tổng giám đốc, giám đốc và lãnh đạo lớn của các Tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp ở Hà Nội. Một người dân địa phương ở đây cho biết: “Đa số người mua là các đại gia từ Hà Nội lên mua, nên mộ ở đây được thiết kế rất đẹp. Người giàu họ mua đất xây mộ, ít ai quan tâm đắt, rẻ, miễn là vừa ý và có hướng đẹp”.
Không chỉ sướng ăn, lo nhà đẹp để chết, trong vài năm gần đây, dân nhà giàu Việt Nam tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM còn khoái nhiều dịch vụ độc lạ khác, như: dịch vụ cho thuê bạn trai/gái trọn gói 1 tháng với giá 50 triệu đồng. Cao cấp hơn nữa, người ta còn cung cấp dịch vụ cắt đuôi bồ nhí với giá từ 15 đến 70 triệu đồng. Thậm chí, có vụ giá hơn 70 triệu đồng vì người đóng thế phải vào tận nhà nghỉ để diễn tròn vai. Hay dịch vụ đóng giả vị hôn phu cũng khiến người ta ngã ngửa khi phải trả từ 20 – 40 triệu đồng để thuê nhân vật đóng thế đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, tuổi từ 18 đến 80… Và theo những lời quảng cáo có cánh từ phía công ty cung cấp dịch vụ này thì các ứng viên của họ đều là những cô gái có “ngoại hình bắt mắt, ăn mặc chuyên nghiệp, luôn nở nụ cười và gật đầu khi gặp gỡ các mối quan hệ” của khách.

Trung Quốc và con đường đi đến “nước lớn”

(Lời bình: Muốn thành nước lớn thì hãy hành xử "người lớn" trước đã)

Trương Nhân Tuấn
-
Trong cuốn “Đặng Tiểu Bình – từ lý luận đến thực tiễn” của tác giả Trần Tiên Khuê, (NXB Khoa-Học Xã Hội, quí II năm 2004), Đặng Tiểu Bình hoạch định tiến trình đi lên “nước lớn” của Trung quốc gồm qua nhiều giai đoạn “hòa bình”, gọi chung là “Trung Quốc Hòa Bình Quật Khởi” hay “Trung Quốc Hòa Bình Quang Phục”. Ta thấy có nhiều thuật ngữ được họ Đặng sử dụng (và vẫn còn được hậu duệ sử dụng hôm nay) như : toàn cầu hóa, hợp tác, phát triển, đa cực hóa v.v.. Hai chữ “Hòa Bình” được sử dụng nhiều nhất và trong rất nhiều trường hợp.
Hai thuật ngữ “quật khởi” và “quang phục” cần phải hiểu rõ. Quật khởi 崛起 là một mình trổi dậy để vượt lên cao hơn cả (trong chữ quật, lấy ra bộ sơn, có bộ thi ở trên hai trái núi (sơn) chồng lại 屈, cũng đọc là quật như quật cường). Quang phục光復, là khi bị thất bại mất hết cả, sau khôi phục lại giang sơn một cách rực rỡ thì gọi là quang phục. Thua mất nước, lấy lại được nước cũng gọi là quang phục. Hiểu như thế để thấy « quang phục » hay « quật khởi » bằng các phương tiện « hòa bình » không phải là việc đơn giản. Sau này, do bị chỉ trích, khẩu hiệu được đổi thành « Trung Quốc hòa bình phát triển ».
Mục tiêu mà họ Đặng chỉ ra, là khôi phục lại những gì Trung Quốc đã mất trong quá khứ. TQ trở thành đại quốc, vượt lên trên các đại quốc khác. Quan niệm về “đại quốc” của Đặng Tiểu Bình:
1/ kinh tế phát triển hàng đầu.
2/ chiến lược quân sự ở địa vị tiên phong.
3/ tư tưởng, văn hóa có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.
4/ có ảnh hưởng chính trị ở cùng khắp thế giới.
Con đường đi lên « đại quốc » của Trung Quốc:
“TQ không theo đường bá quyền thực dân của Bồ Đào Nha hay Hòa Lan ở thế kỷ thứ 16 và 17. Con đường của Trung Quốc cũng không theo bá quyền lãnh đạo tự do kiểu Mỹ hay bá quyền xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, đặc biệt là sự thống nhất bá quyền quân sự với bá quyền hình thái ý thức”.
“Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một nước nêu gương phát triển toàn diện, một nước sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa:
“Thứ nhất, làm một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh.
“Thứ hai, sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa, sáng tạo văn hóa, sáng tạo văn minh nước lớn xã hội chủ nghĩa kiểu mới.
“Thứ ba, không yêu cầu người khác tuân theo y nguyên mô hình phát triển của mình …
“Thứ tư, Trung Quốc cần có cống hiến đáng kể đối với nhân loại, nhất là cần chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.”
Đến hôm nay nhìn lại, các tiêu chuẩn về nước lớn của họ Đặng, ta thấy phần nào viễn kiến của ông này:
1/ Về kinh tế, Đặng nhận định TQ có nhiều tiềm năng. Hôm nay TQ đã đạt vị trí thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ.
2/ Về quân sự, dĩ nhiên không thể so sánh với Hoa Kỳ nhưng TQ đã khẳng định là cường quốc không đối thủ ở khu vực. Nhưng họ Đặng nhận định : xã hội Trung Quốc là một xã hội ổn định, Trung Quốc là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa lớn nhất, có thể huy động và tập trung sức mạnh toàn dân để vượt qua mọi thử thách.
3/ Về văn hóa, họ Đặng có cái nhìn lạc quan là TQ có một nền văn minh lâu đời: “Nho học của Trung Quốc là một nền văn hóa ưu tú của loài người, có ảnh hưởng ngang với ba tôn giáo lớn là Cơ Đốc giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo, còn là cơ sở văn hóa của quan niệm giá trị Đông Á có ảnh hưởng trên thế giới”. Hiện nay nhiều cơ sở văn hóa như các viện Khổng Tử được mở ra ở nhiều nước trên thế giới, nhưng kết quả thì chưa kiểm nghiệm được.
4/ Về chính trị, họ Đặng cho rằng “Trung Quốc đang là nước đang phát triển lớn nhất, là nước thành công nhất chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường”. Đó cũng là tiền đề cho việc xây dựng « sức mạnh mềm của TQ ». Ta thấy hiện nay đông đảo các nước Châu Phi, một số nước Trung Đông, một số nước trong vùng Đông Nam Á… đều nằm trong vòng ảnh hưởng của TQ. Việc Kampuchia mới đây cản trở ASEAN trong việc ra tuyên bố chung cho thấy nước này đã hoàn toàn bị TQ khuất phục.
Tuy nhiên, tiêu chí trên lý thuyết của Đặng Tiểu Bình về một « nước lớn » với hành động trên thực tế hôm nay khác xa một trời một vực, nhứt là ở hai điều 1 và 4 :
1/ Là một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh. 4/ Trung Quốc cần có cống hiến đáng kể đối với nhân loại, nhất là cần chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Các tiêu chí ở hai điểm này, lời nói với việc làm tương phản rõ rệt.
Quan niệm về “hòa bình” của TQ thực ra là chiến lược “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”.
Xét về ngân sách quốc phòng của TQ ta có thể khẳng định về điều này. Từ thập niên 80 đến nay, liên tục trên 30 năm, TQ đã gia tăng ngân -sách quốc phòng bằng những con số chóng mặt. Từ 6,6 tỉ đô la năm 1992 lên đến 11 tỉ năm 1998 và 20 tỉ năm 2002. Trong 10 năm tăng trên 300%. Năm 2011 là 120 tỉ đô-la. Trong 9 năm tăng 600%. Dự trù năm 2015 là 230 tỉ đô-la. Đây là những con số chính thức do nhà nước Trung Quốc đưa ra. Thực tế thì con số này lớn hơn rất nhiều, khoản 5% PIB. Các giới chức có thẩm quyền Hoa Kỳ, thời Condoleeza Rice trước kia hay Hilary Clinton hiện nay, đều luôn đặt câu hỏi về lý do của việc tăng gia ngân sách quốc phòng này. Đây là những con số khổng lồ, chúng tố cáo Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh. Nhưng chuẩn bị chiến tranh với ai?
“Chiến tranh” mà TQ đang chuẩn bị là để “quang phục” lại những gì mà đế quốc Trung Hoa đã mất trong quá khứ. Nó có thể là những lãnh thổ, những vùng ảnh hưởng của TQ đã mất từ thế kỷ 19.
Những vùng mà TQ gọi là “bị mất” thực ra có nhiều, nhưng các điểm đáng chú ý hiện nay có thể kể:
Trên biển: Tranh chấp với VN và Phi về biển Đông và chủ quyền hai quần đảo HS và TS. Tranh chấp với Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Vấn đề thống nhứt Đài Loan. Lên tiếng đòi chủ quyền các đảo Sulu trong biển Celebès (thuộc Phi). Lên tiếng dành quần đảo Natuna với Nam Dương (thập niên 70).
Tranh chấp biên giới trên đất liền: Với các nước Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á như Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, các nước Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện, Lào và Việt Nam.
Phương pháp giải quyết các tranh chấp này ta thấy: TQ nhượng bộ các nước mà TQ cần như Nga, các nước Trung Á, các « phiên bang » như Miến Điện và Lào. Nhưng TQ cứng rắn với các nước Việt Nam, Phi, Nhật, Ấn Độ.
Đối với Nga, TQ nhượng hàng triệu cây số vuông, những vùng đất đã nhượng cho Nga dưới thời Nga hoàng qua các hiệp ước bất bình đẳng. TQ cũng nhượng cho Kazakhstan khoảng 800.000 km² đất vì TQ cần dầu khí ở nước này. TQ cũng tạo dễ dàng cho Miến Điện trong việc phân định lại biên giới (thập niên 60) và Lào. Hai đường biên giới do Anh (Miến Điện) và Pháp (Lào) phân định vào cuối thế kỷ 19 vẫn được các bên nhìn nhận và áp dụng cho hiệp ước mới.
Như thế, TQ chuẩn bị chiến tranh với VN, Phi, Nhật, trong chừng mực Ấn Độ và dĩ nhiên Đài Loan. Những diễn biến liên tục xảy ra gần đây trên biển Đông và vùng biển Hoa Đông, và các tiêu điểm về hiện đại hóa quân đội, ta thấy mục tiêu của TQ rõ ràng là chuẩn bị chiến tranh (chiến tranh cục bộ) để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Vấn đề Đài Loan cực kỳ quan trọng cho Trung Quốc. Đối với đảng lãnh đạo, đó là thánh thức lớn, đảng này có trách nhiệm phải thống nhứt đất nước để khẳng định tính chính thống. Đài Loan cũng có vai trò cực kỳ quan trọng cho TQ về kinh tế. Nếu không nói quá, Đài Loan là động cơ của phát triển kinh tế của TQ hiện nay. Đầu tư ở các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến là do tài phiệt Đài Loan đầu tư. Ngoài ra, về địa lý chiến lược, Đài Loan giữ vai trò cửa ngõ để hải quân TQ đi ra biển xanh. Đây là “không gian sinh tồn – espace vitale” của Trung Quốc. Bằng mọi giá Trung Quốc phải lấy lại Đài Loan – hoặc đặt đảo này dưới vòng kiểm soát của mình – nếu không Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc thực sự đúng ý nghĩa.
Về mặt địa lý, phía Đông, Trung Quốc bị kềm hãm trong vùng nước cạn của Đông Hải (Mer de Chine Orientale) bởi bức trường thành thiên nhiên là quần đảo Nansei (Nam Tây) của Nhật, chạy dài từ cực Nam của đảo Kyushu cho đến phía Bắc đảo Đài Loan. Phía Đông và Đông Nam, Trung Quốc bị ngăn chận bởi Đài Loan và Phi với khoảng giữa là hai quần đảo Batan và Babuyan của Phi. Phía Nam, tức biển Đông theo tên gọi của Việt Nam, cũng là vùng biển cạn, trong đó còn có khoảng 130 đảo san hô rải rác trong một vùng 100km chiều ngang và 200km chiều dài, bao bọc bởi các nước Việt Nam, Phi, Nam Dương, Mã Lai và Brunei. Trong các vùng biển cạn, cận bờ và có nơi đầy cạm bẫy đá và san hô, tàu ngầm của Trung Quốc không thể hoạt động hữu hiệu. Muốn “hùng phong đại quốc” tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc phải ra vùng biển sâu và rộng của Thái Bình Dương, có khả năng tranh bá với các chiến hạm của Hoa Kỳ hiện đang làm chủ đại dương này (và Đại Tây Duong). Việc này chỉ có thể thực hiện nếu Đài Loan và vùng biển ở đây nằm dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Trong khi đó, đà phát triển của TQ, tốc độ trung bình 10% /năm, khiến TQ trở thành một nước “đói” năng lượng. Vùng biển Đông, các vùng trầm tích chạy dọc theo bờ biển VN, các bãi Tư Chính, Vũng Mây, Phúc Tần, Phúc Nguyên… trên thềm lục địa VN, hay vùng bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo TS, hay là vùng thềm lục địa chung quanh quần đảo Điếu Ngư, là những vùng có thể có trữ lượng dầu khí rất lớn. Mặt khác, các nơi đó đều là các ngư trường quan trọng trên thế giới. Do đó, những vùng biền (và đảo) ở các khu vực đó nằm trong tầm nhắm của TQ. Các khu vực này trong thời gian gần đây trở nên cực kỳ căng thẳng do những khuấy động của TQ. Nguy cơ chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Quan niệm “hùng phong đại quốc” của họ Đặng “nói vậy mà không phải vậy”. Phải đọc họ Đặng ở giữa hai hàng chữ. Phải hiểu tiêu chí họ Đặng trên các nền tảng lý thuyết về địa lý và chiến lược. TQ “Là một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh” chỉ là chót lưỡi đầu môi. Hành động cho đấu thầu 9 lô trên thềm lục địa VN là hành vi rõ ràng là “bành trướng, xâm lược, cướp đoạt”.
Vì vậy, thân phận láng giềng với “16 chữ vàng” hiệu đính, và “4 tốt” đi theo, quan hệ VN và TQ cũng như hai bên chơi cờ mà phía TQ luôn ăn gian, một lần đi hai ba nước. Chữ “vàng” rồi sẽ là vàng vọt hay vàng dẻo. Bốn tốt sẽ là 4 con tốt. Nhưng chơi như vậy thì chơi với ai? Con đường đi lên nước lớn của TQ chắn chắn sẽ gặp trở ngại. Cá lớn luôn nuốt cá bé. Tuy nhiên, VN nhỏ, nhưng là con cá fugu, con cá mập TQ không dễ dàng mà ăn tươi nuốt sống nó.
© Trương Nhân Tuấn
© Đàn Chim Việt

1155. Chừng nào “Trung quốc Lật Ngửa Lá Bài”?

July 22, 2012
Trần Bình Nam
Một loạt diễn biến trong hai tháng 6 và 7/2012 cho thấy quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam trở nên căng thẳng. Và bức tranh nói lên một điều: Trung quốc tiếp tục tiến hành kế hoạch hòng buộc Việt Nam, khối Asean và Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của họ trong Biển Đông. Trung quốc tạo ra những căng thẳng vật chất trên Biển Đông với Phi Luật Tân, như chiếm bãi cạn Scarborough, bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng Hoàng Sa … Và sau khi Việt Nam tiếp đón bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tại Cam Ranh (Bộ trưởng Leon Panetta ) và ban hành Luật Biển (Luật Biển Việt Nam )Trung quốc bắt đầu tấn công bằng những đòn ảo như công khai mở những lô trên biển nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của Việt Nam, kêu các công ty khai thác dầu khí quốc tế đấu thầu.Trung quốc đi từng bước một cách có kế hoạch để dần dần lật ngửa con bài của họ là từ ngấm ngầm đến công khai chiếm đóng vùng biển nằm trong một hình chữ U (còn gọi là vùng biển hình Lưỡi Bò) phủ lên gần hết Biển Đông do chính quyền Trung quốc công bố lần đầu tiên năm 1933 và chính quyền Mao Trạch Đông tu chính năm 1953. (Bản đồ hình chữ U).
          Chưa ai quên cách đây đúng 4 năm khi Việt Nam cho mở hai lô biển và ký thầu với công ty dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ: một lô nằm ngoài khơi hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi rộng 18.230 km vuông, và lô thứ hai cách Đông Nam Vũng Tàu 440 km rộng 14.200 km vuông (xem Map 1) Trung quốc đã tìm cách ngăn chận bằng cách vận động và áp lực ExxonMobil bỏ thầu. Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ tỏ ý không can dự, nhưng công ty ExxonMobil sợ mất quyền lợi làm ăn với Trung quốc ở những nơi khác nên tạm ngưng thầu.
          Và bây giờ ngang ngược hơn Trung quốc bước qua một lằn ranh khác cho Công Ty Khai thác Dầu khí Ngòai biển (China National Offshore Oil Corp – CNOOC) mở 9 lô cạnh nhau trong vùng EEZ của Việt Nam kêu gọi các hãng thầu quốc tế đấu thầu. Hai lô phía bắc chỉ cách bờ biển tỉnh Bình Định 68 km. Bốn lô kế tiếp trải dài ngoài bờ biển tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Phan Thiết. Ba lô còn lại chạy dài cho đến ngang tầm mũi Cà Mâu (xem Map 2). Tổng số 9 lô rộng 160.000  cây số vuông và ở độ sâu lý tưởng từ 300 mét đến 4000 mét.
          Trước cao điểm này, ngày  21/6 Quốc hội Việt Nam ban hành “Luật Biển” xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và xác định quyền khai thác tài nguyên trong vùng EEZ . Trung quốc trả đũa bằng sắc lệnh nâng cấp chính quyền cấp quận Tam Sa có trụ sở trên đảo Woodleys thuộc Hoàng Sa (được thành lập tháng 12/2007) bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên cấp tỉnh.
          Với bầu không khí căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, nhất là các khu Trung quốc mở thầu nằm trong vùng EEZ 200 hải lý (370km)  của Việt Nam không ai nghĩ có công ty quốc tế nào đấu thầu. Trung quốc cũng biết vậy. Mục đích của Trung quốc là cho Việt Nam và thế giới biết rằng Trung quốc xem Luật Biển của Việt Nam hoàn toàn vô giá trị và không có tính pháp lý đối với Trung quốc. Thứ hai là tính toán của Trung quốc để làm cho thế giới (nhất là Hoa Kỳ) quen với ý niệm cái gì trong vùng đường “lưỡi bò” là của Trung quốc.
          Phản ứng của Việt Nam đã rất mạnh mẽ. Ngày 1/7 tại Sài gòn và Hà Nội các cuộc biểu tình chống Trung quốc đã diễn ra rầm rộ. Hà Nội, mặc dù lo sợ các cuộc biểu tình của dân chúng biến thành phong trào chống Đảng, công an Việt Nam lần này đã không giải tán các cuộc tuần hành phản đối và chỉ lo bảo vệ an ninh cho tòa đại sứ và sứ quán Trung quốc theo đúng luật ngoại giao quốc tế. Trong khi đó Trung quốc gởi thêm một hải đội vũ trang đến tăng cường an ninh trong vùng Trường Sa.
          Tờ Global Times, một tờ báo Anh ngữ của Trung quốc có lập trường bênh vực các chính sách đối ngoại của Trung quốc trong một bài bình luận ngày 4/7 viết rằng Trung quốc tuy cần thận trọng để giữ tư cách nước lớn (sic), nhưng thái độ của Việt Nam và Phi Luật Tân đều đáng bị trừng phạt.
          Công ty CNOOC vừa tiết lộ rằng Trung quốc sẽ đầu tư 32 tỉ mỹ kim để khai thác 50 triệu tấn dầu khí trong Biển Đông trong vòng 20 năm tới . Theo thống kê hiện nay vùng Biển Đông có trữ lượng dầu hỏa dưới đáy biển cao thứ tư trên thế giới, sau Vịnh Mexico, vùng biển phía tây Phi châu và Brazil. Không có thống kê nào cho biết có bao nhiêu phần trăm dầu thô trong Biển Đông nằm trong vùng EEZ của Việt Nam.
          Khoan dầu ngoài biển đòi hỏi kỹ thuật cao. Trước đây chỉ có vài nước có khả năng khoan dầu ngoài biển như Anh, Na Uy, Hoa Kỳ … Nhưng mới đây Trung quốc cũng đã chế tạo được dàn khoan dầu ngoài biển .
          Trung quốc có khả năng khoan dầu, nhưng Trung quốc chỉ kêu thầu chứ không tự khoan. Không khác gì Trung quốc có một lá bài tẩy còn sấp. Một câu hỏi cấp bách được đặt ra: Nếu Trung quốc lật ngửa cây bài, ngang nhiên  kéo dàn khoan đến khoan dầu trong  9 lô vừa mở thầu thì Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?  Đây sẽ là hành động xâm lăng (không khác gì Trung quốc xua quân đánh qua biên giới), Việt Nam không thể phản đối bằng ngoại giao hay biểu tình, mà phải dùng binh lực để bảo vệ bờ cõi.
          Trung quốc có chờ cơ hội đó để đánh Việt Nam một trận không? Hải quân Việt Nam có đủ sức nghênh chiến không. Việt Nam có đủ sức buộc Trung quốc rút dàn khoan ra khỏi vùng Đặc quyền Kinh tế mình không ? Và nếu không cái gì sẽ xẩy ra?  Vấn nạn này không phải chỉ là vấn nạn riêng của chính quyền Việt Nam mà còn là một  vấn nạn quốc tế liên quan đến Hoa Kỳ. Ngồi yên để Trung quốc làm mưa gió trên Biển Đông, hay hành động đều có những hệ lụy to lớn đối với Hoa Kỳ và nền hòa bình thế giới.
          Trước tình hình căng thẳng này, ngày 14/7 vừa qua Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn chuyên viên Việt Nam đi Hoa Kỳ (chính thức nói là) để  thảo luận về đạn và mìn còn lại tại Việt Nam sau chiến tranh. Chuyến đi dự trù 10 ngày,và phái đoàn của ông Vịnh sẽ làm việc với viên chức Bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao, bộ Lao động Hoa Kỳ và sẽ gặp gỡ trao đổi với các dân biểu và  nghị sĩ Hoa Kỳ.
          Trong lúc tình hình Biển Đông dầu sôi lửa bỏng mà một nhân vật then chốt về an ninh quốc gia như  tướng Nguyễn Chí Vịnh đi Hoa Kỳ để bàn về chuyện ‘đạn, mìn” còn sót lại của một trận chiến tranh chấm dứt cách đây 37 năm là một chuyện buồn cười. Biết đâu tướng Vịnh đi Hoa Kỳ để cùng với giới chức quốc phòng Hoa Kỳ trao đổi về một đáp án quân sự và ngoại giao trong trường hợp Trung quốc lật ngửa lá bài.
          Trung quốc sẽ phải tính toán kỹ trước khi lật ngửa lá bài. Hậu quả của nó sẽ có một tầm quan trọng ngoài dự kiến. Trong thế tương quan về hải lực hiện nay giữa Trung quốc và Hoa Kỳ có lẽ Trung quốc sẽ chưa liều lật ngửa lá bài.
          Nhưng 10 hay 20 năm nữa lại là một vấn đề khác. Trong thời gian đó Việt Nam phải làm gì ? Đáp án thì có nhiều. Nhưng quan trọng nhất là chính quyền phải biết huy động nội lực chống xâm lăng của toàn dân./.
Trần Bình Nam


1154. MÙA XUÂN ARẬP: MỘT NĂM ĐẦY RẪY NGUY HIỂM

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ năm, ngày 19/7/2012
(Tạp chí Foreign Affairs)
Trong suốt năm 2011, một lời ca nhịp nhàng đã vang lên trên khắp các vùng đất Arập: “Người dân muốn lật đổ chế độ”. Nó đã dễ dàng bỏ qua các đường biên giới, được đưa vào các tờ báo và các tạp chí, trên Twitter va Pacebook, trong các chương trình phát sóng của các đài truyền hình al Jazeera và al Arabiya. Chủ nghĩa dân tộc Arập đã bị xóa bỏ, nhưng ở đây, đạt đến đỉnh cao nhất, là thứ chắc chắn giống như sự thức tỉnh liên Arập. Những người trẻ tuổi trong lúc tìm kiếm quyền tự do chính trị và cơ hội kinh tế, rã rời nhận ra cùng sự buồn tẻ ngày này qua ngày khác, đã đứng dậy chống lại những ông chủ khô cứng của họ.
Nó đã xảy đến như một sự ngạc nhiên. Trong gần hai thế hệ, những làn sóng dân chủ đã quét qua những khu vực khác, từ Nam và Đông Âu đến Mỹ Latinh, từ Đông Á đến châu Phi. Nhưng không phải Trung Đông, ở đó, những kẻ bạo chúa đã đóng kín thế giới chính trị, trở thành những người chủ đất nước của họ về tất cả trừ cái tên. Đó là một khung cảnh ảm đạm: những kẻ cầm quyền tồi tệ, người dân chán nản, một nhóm khủng bố rơi vào sự thất vọng trước một trật tự bị mất hết tính hợp pháp. Người Arập đã bắt đầu cảm thấy họ bị nguyền rủa, phải chịu sống dưới chế độ chuyên chế. Chủ nghĩa ngoại lệ của khu vực này trở thành không chỉ là một thảm họa nhân loại mà còn thành một sự xấu hổ về đạo đức.

Các cường quốc bên ngoài đã nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng này thầm nghĩ đây là điều tốt nhất các nước Arập có thể làm. Trong một sự bùng nổ đột ngột của chủ nghĩa Wilson ở Irắc và sau đó, Mỹ đã đặt sức mạnh của mình ơ đằng sau sự tự do. Saddam Hussein đã bị lôi ra khỏi hang nhện, các lữ đoàn khủng bố và tống tiền của Xyri đã bị đẩy ra khỏi Libăng, và chế độ chuyên chế của Hosni Mubarak, từ lâu đã là trụ cột của hòa bình theo kiểu Mỹ, dường như mất đi phần nào ưu thế của mình. Nhưng Irắc hậu Saddam đã đưa ra những thông điệp lẫn lộn: có chế độ dân chủ nhưng cũng có cả máu trên đường phố và chủ nghĩa bè phái. Các chế độ chuyên quyền đã làm việc ráo riết và hết sức để ngăn chặn kế hoạch Irắc mới. Irắc đã bừng cháy, và những kẻ chuyên quyền Arập có thể lưu ý đến nó như một câu chuyện cảnh báo về hành động điên rồ hất cẳng ngay cả kẻ tồi tệ nhất trong những kẻ chuyên quyền. Hơn nữa, Irắc đã mang gánh nặng nhục nhã gấp đôi cho những người Arập dòng Sunni: người mang lại tự do ở đó là Mỹ, và cuộc chiến tranh này đã trao quyền lực cho những đứa con riêng Shitte của thế giới Arập. Kết quả là một thế bế tắc: người Arập không thể dập tắt hay phớt lờ một thoáng tự do, nhưng tấm gương Irắc cũng không cho thấy một tia hy vọng lật đổ mà những người khơi xướng nó đã mong đợi.
Chính người Arập nói rằng George W.Bush đã gây ra cơn sóng thần ở khu vực này. Đó là sự thật, nhưng người Arập rất giỏi trú ẩn qua các cơn bão, và trước đây rất lâu, bản thân người Mỹ đã chán nản và từ bỏ việc tìm kiếm. Cuộc bầu cử năm 2006 ở các vùng lãnh thổ thuộc Palextin đã đi theo con đường của Hamát, và một sự vỡ mộng mới với phán quyết của chế độ dân chủ đã đến với Chính quyền Bush. “Việc tăng quân” ở Irắc đã kịp thời cứu thoát cuộc chiến tranh của Mỹ ở đó, nhưng tầm nhìn nhiều tham vọng hơn về việc cải cách thế giới Arập đã bị từ bỏ. Các chế độ chuyên quyền đã sống sót qua giây phút ngắn ngủi của thái độ quyết đoán của Mỹ. Và chẳng bao lâu, người gánh vác quyền lực Mỹ theo tiêu chuẩn mới, Barack Obama, đã xuất hiện với một thông điệp làm yên lòng: Mỹ đã từ bỏ thay đổi: nước này sẽ tạo ra hòa bình của mình với hiện trạng, tiếp tục lại quan hệ đối tác với những nhà chuyên quyền thân thiện ngay cả khi nước này can dự với các chế độ thù địch ở Đamát và Têhêran. Mỹ vẫn phải dính líu với Kabul trong một khoảng thời gian nữa, nhưng Trung Đông lớn hơn sẽ được bỏ lại cho Nữ thần tóc rắn của mình.
Khi một cuộc nổi dậy nổ ra ở Irắc chống lại những kẻ cai trị bằng thần quyền vào mùa Hè đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của Obama, ông đã bị bắt gặp tỏ ra lúng túng trước tình trạng hỗn loạn này. Quyết tâm hòa giải các nhà cầm quyền, ông không thể tìm được tiếng nói để nói chuyện với những người nổi loạn. Trong khi đó, chế độ Xyri, đã buộc phải từ bỏ quyền chi phối của mình ớ Libăng, hiện tha thiết muốn lấy lại điều đó. Một chiến dịch khủng bố và ám sát lén lút, sức mạnh của Hezbollah tại địa bàn và những khoản trợ cấp của Iran gần như đã kết thúc cuộc “Cách mạng Cedar” mà đã từng là niềm tự hào của chính sách ngoại giao của Bush.
Các nhà quan sát nhìn vào cán cân sức mạnh ở khu vực này vào cuối năm 2010 sẽ là thông minh khi đặt cược vào sự trường tồn của chế độ chuyên quyền. Quan sát Bashar al-Assad ở Đamát, họ sẽ được tha thứ cho kết luận rằng một số phận tương tự chờ đợi Libi, Tuynidi, Yêmen, và Ai Cập rộng lớn mà đã là nước tạo xu hướng trong đời sống chính trị và văn hóa của Arập. Tuy nhiên, bên dưới bề nổi sự ổn định, có sự khốn cùng và vô ích về chính trị. Người Arập không cần “báo cáo phát triển nhân loại” để nói với họ về nỗi phiền muộn của mình. Sự đồng thuận đã không còn trong đời sống công chúng; sự gắn kết duy nhất giữa người cai trị và những người bị trị là sự nghi ngờ và nỗi lo sợ. Không có một dự án công cộng nào để lại cho một thế hệ đang trở nên độc lập – và đây còn là dân số lớn nhất và trẻ nhất.
Và rồi điều đó đã xảy ra. Vào tháng 12/2012, một người bán hoa quả dạo tuyệt vọng người Tuynidi tên là Mohamed Bouazizi đã tìm một lối thoát, tự thiêu để phản đối những sự bất công của nguyên trạng. Không lâu sau đó, hàng triệu người vô danh khác cũng đã tìm lối thoát khác, đổ ra những con phố. Một cách bất ngờ, những kẻ chuyên quyền, dường như để đảm bảo sự thống trị của họ, những vị chúa trời ở mọi mặt trừ cái tên, lại chạy trốn, về phần mình, Mỹ đã vội vã bắt kịp cuộc chính biến. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố ở Cata vào giữa tháng 1/2011, khi cơn báo đang càn quét: “Ở quá nhiều nơi, theo quá nhiều cách, các nền tảng của khu vực này đang chìm trong cát”. Quang cảnh Arập đã làm cho lời nhận xét của bà thêm phần chắc chắn; điều bà đã bỏ sót là các thế hệ ngoại giao của Mỹ cũng sẽ bị chôn vùi.
Ngọn lửa lần này
Cuộc nổi dậy này là sự thanh toán giữa những thế lực ở bên cạnh và người dân quyết định từ bỏ các nhà chuyên quyền. Nó đã nổ ra ở một đất nước nhỏ bé nằm bên lề sự trải nghiệm chính trị của Arập, được giáo dục tốt và thịnh vượng và có mối quan hệ với châu Âu tốt hơn so với bình thường. Khi cuộc nổi dậy tiến về phía Đông, nó đã bỏ qua Libi và đến Cairô, “mẹ của thế giới”. Ở đó, nó đã tìm thấy một vũ đài có giá trị cho những tham vọng của mình.
Thường bị giảm giá trị như là vùng đất hoàn hảo của sự phục tùng chính trị, Ai Cập đã thực sự biết đến những cuộc nổi loạn tàn bạo. Mubarak đã có một cơ may khi vùng đất này đã chịu đựng ông trong 3 thập kỷ. Là người kế nhiệm Anwar al-Sadat được chỉ định, Mubarak là một người đàn ông thận trọng, nhưng sự trị vì của ông đã sinh ra những tham vọng triều đại. Trong 18 ngày thần kỳ vào tháng 1 và tháng 2, người Ai Cập từ mọi nẻo đường cuộc sống đã tập hợp ở Quảng trường Tahrir đòi gạt bỏ ông. Những chỉ huy cấp cao của các lực lượng vũ trang đã bỏ rời ông, và ông đã chung số phận với một kẻ chuyên quyền cùng hội, Zine el-Abidine Ben Ali cua Tuynidi, người đã bị truất quyền một tháng trước.
Từ Cairo, sự thức tỉnh đã trở thành một vấn đề liên Arập, bùng cháy ơ Yêmen và Baranh. Là một chế,độ quân chủ, Baranh là ngoại lệ hiếm hoi do trong thời gian này chủ yếu là các chế độ cộng hòa của những người hùng bị chìm trong tình trạng náo động. Nhưng ở nơi mà hầu hết các chế độ quân chủ có sự đồng điệu giữa người cai trị và những người bị cai trị, Baranh bị tan nát bởi một đường hướng sai lầm giữa những nhà cầm quyền người Sunni và đa số dân chúng người Shiite. Chính vì vậy, nước này dễ bị tổn hại, và có vẻ như là sự bùng nổ ở đó sẽ biến thành một mối hận thù bè phái. Trong khi đó, Yêmen là nước nghèo nhất trong số các nước Arập, có các phong trào ly khai nổ ra ở miền Bắc và miền Nam và nhà lãnh đạo trong tình trạng phân cực Ali Abdullah Saleh không có các kỹ năng giữ được nghệ thuật sống sót chính trị. Những mối hận thù của Yêmen là không rõ ràng, là những sự bất hòa giữa các bộ tộc và các thủ lĩnh quân sự. tình trạng náo động rộng lớn hơn ở Arập đã mang lại cho những người Yêmen mong muốn gạt bỏ nhà cầm quyền của họ dũng khí để thách thức ông.
Rồi cuộc nổi dậy đã quay trở lại Libi. Đây là một vương quốc im lặng, lãnh địa của nhà lãnh đạo mất trí và tự cho mình là “người đứng đầu các nhà cầm quyền Arập”, Muammar al-Gaddafi. Trong 4 thập kỷ đau khổ, người Libi đã ở dưới quyền của một cai ngục, nửa độc tài, nửa như anh hề này. Gaddati đã rút ruột đất nước ông, nước giàu nhất ở châu Phi nhưng lại có dân chúng nghèo khổ khốn cùng. Trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh, Libi đã biết đến sự cai trị thuộc địa độc ác của người Italia. Nước này đã có khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi dưới thời nhà cầm quyền khổ hạnh, Vua Idris, nhưng vào cuối nhừng năm 1960 đã bị thu hút bởi một cơn sốt cách mạng. “Iblis wa la Idris” (Con quỷ còn tốt hơn Idris) đã trở thành câu châm ngôn của thời đại. Và đất nước này đã có thứ mình muốn. Dầu lưa đã duy trì sự điên cuồng; các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như các trí thức của Mỹ đã đến ve vãn. Hiện nay, vào năm 2011, Benghazi, cách xa thủ đô, đã trỗi dậy, và lịch sử đã trao cho người Libi một cơ hôi.
Các nhà cầm quyền của Ai Cập đã nói rằng đất nước của họ không phải là Tuynidi. Gaddatì đã nói rằng nền cộng hòa của ông không phái là Tuynidi hay Ai Cập. Cuối cùng, Assad nói rằng Xyri không phải là Tuynidi, Ai Cập hay Libi. Assad còn trẻ chứ không phải đã già, chế độ của ông chính đáng hơn bởi vì nó đã đối đầu với Ixraen thay vì cộng tác với nước này. Ông đà nói quá sớm: vào giữa tháng 3, lần này đến lượt Xyri.
Xyri đã là nơi Hồi giáo coi là ngôi nhà của mình sau khi nước này phát triển nhanh hơn Bán đảo Arập và trước khi nước này tuột ra khỏi bàn tay của người Arập rơi vào tay người Ba Tư và người Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những thập kỷ trước đây, cha của Bashar al-Assad, Hafez – một người đàn ông khôn ngoan và có kỹ năng chính trị nhất – đã đưa quân đội và đảng Baath lên đến quyền lực tuyệt đối, đang tạo ra một chế độ trong đó quyền lực nằm trong tay thiểu số người Alawite của đất nước này. Sự kết. hợp giữa chủ nghĩa chuyên quyền và chủ nghĩa bè phái đã sản sinh ra nhà nước đáng sợ nhất ở Đông Arập.
Khi cuộc nổi loạn nổ ra ở đó vào năm 2011, nước này có vị trí địa lý khác biệt, như nhà khoa học chính trị Pháp Fabrice Balanche đã chỉ ra, nằm trên những vùng lãnh thổ và những khu vực thành thị của người Arập dòng Sunni của đất nước này. Nó đã nổ ra ở Dara’a, một thị xã xa xôi ở miền Nam, sau đó đã lan rộng sang Hamah, Homs, Jisr al-Shughour, Rastan, idlib và Dayr az Zawr – bỏ qua các khu vực người Kurd và người Druze và các ngôi làng miền núi và các thị trấn duyên hải tạo nên thành trì của người Alawite. Tình trạng bạo lực trong cuộc nổi dậy của Xyri là rõ rệt nhất ở Homs, thành phố lớn thứ ba của nước này, do dân số học dễ bùng nổ của nó – 2/3 dân số là người Sunni, 1/4 dân số là người Alawite, 1/10 là người Cơ đốc.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa bè phái không phải là tất cả. Xyri có tỷ lệ sinh cao nhất ở khu vực này, với dân số tăng gần gấp 4 lần kể từ khi Hafez lên nắm quyền vào năm 1970. Những động mạch của chế độ này đã bị xơ cứng với một phức hợp quân sự và thương mại đang chi phối đời sống chính trị và kinh tế. Không còn lại nhiều sự bảo trợ để nhà nước sử dụng, do dưới khẩu hiệu cấm tư nhân hóa trong những năm gần đây, nhà nước này đã thực hiện một sự lẩn trốn. Cuộc nổi loạn đã gắn kết ý thức về sự tước quyền thừa kế kinh tế và cơn phẫn nộ của đa số người Sunni quyết tâm tự giải thoát mình khỏi quy luật của số mệnh độc ác.
Mọi việc ở đúng chỗ của nó
Dĩ nhiên là không có một kịch bản giống nhau nào dành cho các chế độ Arập đang hoạt động. Tuynidi, một nhà nước già cỗi với bản sắc dân tộc được xác định rõ đã giải quyết các công việc của mình một cách tương đối dễ dàng. Nước này đã lựa chọn một hội đồng lập hiến trong đó al Nahda, một đảng Hồi giáo, đảm bảo tính đa nguyên. Nhà lãnh đạo của al Nahda Rachi al-Ghannouchi, là một người đàn ông sắc sảo; nhiều năm sống lưu vong đã dạy cho ông phải thận trọng, và đảng của ông đã lập ra một chính phủ liên minh với hai bên tham gia thế tục.
Ở Libi, sự can thiệp nước ngoài đã giúp những người nổi dậy lật đổ chế độ. Gaddafi đã bị kéo ra khỏi một đường cống, bị đánh đập và bị giết chết, và một trong những người con trai của ông cũng vậy. Đây là những sự hận thù và phẫn nộ mà chính nhà cầm quyền này đã tạo nên; ông đã nhận được những gì ông đã gieo rắc. Nhưng sự giàu có, một dân số thưa thớt và sự chú ý của nước ngoài hẳn giúp Libi vượt qua khó khăn. Không có một lịch sử đang hình thành nào có thể đầy chết chóc với người Libi, và các nước khác, như những năm cầm quyền của Gaddafi.
Bóng tối của Iran và Arập Xêút bao trùm lên Baranh. Không có cuộc khủng bố lớn nhưng trật tự chính trị là không tốt. Có sự phân biệt bè phái và vẻ bề ngoài kỳ quặc của triều đại đang cai trị, Hoàng gia Khalifa, đã chinh phục khu vực này vào những năm cuối của thế kỷ 18 nhưng vẫn không tạo ra hòa bình cho người dân. Những người ngoài mang lại nguồn nhân lực cho các lực lượng an ninh, và sự ổn định thực sự dường như còn rất xa xôi.
Về phần Yêmen, đây là nhà nước thất bại hoàn toàn. Dấu ấn của chính quyền nước này là mờ nhạt, các nhà cầm quyền không có phương thuốc cứu chữa nào, nhưng không có sự khủng bố tàn bạo. Đất nước này đang cạn kiệt nguồn nước; các phần tử thánh chiến Hồi giáo chạy trốn từ Hindu Kush đã tìm thấy ngôi nhà của mình: đó là Ápganixtan với bờ biển trải dài. Những người đàn ông và phụ nữ đã đổ ra những con phố thuộc Sanaa vào năm 2011 để tìm kiếm sự phục hồi của đất nước của họ, hoạt động chính trị có phẩm giá hơn so với họ nhận được từ nhà chính trị đi trên dây hay hoài nghi cầm quyền trong hơn 3 thập kỷ. Không rõ họ có hiểu điều đó hay không.
Xyri vẫn ở trong tình trạng hỗn loạn. Hamát đã bỏ rơi Đamát vào tháng 12/2011 bởi vì nước này lo sợ bị bỏ lại ở mặt trái của sự đồng thuận Arập đang gia tăng chống lại chế độ Xyri. Một trong những khẩu hiệu có ý nghĩa của những người phản kháng: “Không Iran, không Hezbollah, chúng tôi muốn có những nhà cầm quyền sợ hãi trước đấng Allah”. Luật lệ của Alawite là bất thường và chế độ này, thông qua phản ứng tàn bạo của nó đối với cuộc nổi dậy, với việc các lực lượng an ninh mạo phạm các nhà thờ Hồi giáo, nổ súng vào các tín đồ, và ra lệnh cho những người bị bắt giữ bất hạnh phải nói câu: “Không có Chúa mà chỉ có Bashar”, đã viết ra lệnh lưu đày khỏi khu vực của chính mình. Hafez đã phạm phải những hành động tàn bạo của bản thân ông, nhưng ông luôn tìm cách để vẫn ở bên trong khối Arập. Bashar thì khác – liều lĩnh – và thúc giục ngay cả Liên đoàn Arập, có lịch sử bỏ qua những hành động điên rồ của các nước thành viên, đình chỉ tư cách thành viên của Đamát.
Cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt, Aleppo và Đamát không trỗi dậy, và nhà cầm quyền đã tham chiến dường như tin rằng ông có thể chống lại những định luật hấp dẫn. Không như ở Libi, chưa có dấu hiệu nào về một sứ mệnh giải cứu của nước ngoài. Nhưng với tất cả những tình trạng không chắc chắn này, có thể nói rằng: nhà nước an ninh gây sợ hãi mà Hafez, Đảng Baath, và các binh lính Alawite và các ông “vua” tình báo tạo ra đã ra đi vĩnh viễn. Khi sự đồng thuận và sự ủng hộ của dân chúng phai nhạt dần, nhà nước dựa trên sự sợ hãi, và sự sợ hãi đã bị đánh bại. Ớ Xyri, mọi ràng buộc giữa các nhà cầm quyền và dân chúng đã bị phá vỡ không thể sửa chữa được.
Những gì đi theo sau Pharaông
Trong khi đó, Ai Cập có thể đã đánh mất ánh hào quang; của thời xa xưa, nhưng thời gian này của Arập sẽ được đánh giá bằng những gì cuối cùng xay ra ờ đó. Trong những kịch bản thảm họa, cách mạng sẽ sản sinh ra một nước cộng hòa Hồi giáo: người Cốp sẽ chạy trốn, doanh thu ngành du lịch vĩnh yiễn mất đi, và người Ai Cập sẽ khát khao có bàn tay sắt của Pharaông. Thành tích mạnh mẽ của tố chức Anh em Hồi giáo và của đảng Salafi thậm chí còn cực đoan hơn trong các cuộc bầu cử quốc hội gần đây, cùng với sự phá vỡ cuộc bỏ phiếu tự do thế tục, dường như chứng minh cho mối quan ngại về định hướng của nước này. Những người Ai Cập tự hào với ký ức về những giai đoạn tự do trong lịch sử của họ. 6 thập kỷ chịu sự cai trị quân sự đã cướp đi của họ cơ hội trải nghiệm chính trị cởi mở, và hiện nay họ không thể từ bỏ điều đó mà không cần có một cuộc đấu tranh.
Các cuộc bầu cử là minh bạch và sáng sủa. Các lực lượng tự do và thế tục chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu, trong khi Anh em Hồi giáo đã chờ đợi một thời khắc lịch sử như vậy trong nhiều thập kỷ và đã tận dụng cơ hội của mình. Ngay khi những người Hồi giáo dòng Salafi bước ra khỏi hầm mộ, họ đã bắt đầu làm dân chúng lo lắng, và chính vì thế họ đã rút lại phần nào quan điểm cực đoan của mình. Những sự kiện diễn ra ở Quảng trường Tahrir làm cả thế giới sửng sốt, nhưng như trí thức trẻ tuổi người Ai Cập Samuel Tadros đã nói, “Ai Cập không phải là Cairo và Cairo không phải là Quảng trường Tahrir”. Khi cát bụi lắng xuống, 3 lực lượng sẽ tranh giành tương lai của Ai Cập – quân đội, Anh em Hồi giáo, và một liên minh tự do và thế tục rộng lớn gồm những người muốn có một chính thể dân sự, sự tách rời tôn giáo và chính trị, và những sự bù đắp lại là một đời sống chính trị bình thường.
Anh em Hồi giáo đem đến cuộc đấu tranh này sự pha trộn đã đi vào truyền thống giữa thủ đoạn chính trị và cam kết thiết yếu với việc áp đặt một trật tự chính trị được định hình bởi đạo Hồi. Người sáng lập tổ chức này, Hasan al-Banna, bị một kẻ ám sát đánh gục vào năm 1949 nhưng vẫn bước đi oai vệ trong công việc chính trị của thế giới Hồi giáo. Là một người không ngừng bày mưu tính kế, ông đã nói về luật của Chúa, nhưng ở trong bóng tối, ông đã đạt được các thỏa thuận với cung điện chống lại đảng chính trị chi phối ở thời của ông, Wafd, Ông đã chơi một ván bài chính trị khi ông gắn kết lại một, lực lượng bán quân sự đáng gờm, tìm cách xâm nhập các quân đoàn – một thứ gì đó mà những người kế nhiệm ông đã giữ chặt suốt từ đó. Chắc chẵn ông sẽ nhìn một cách ngưỡng mộ những kỳ năng chiến thuật của những người kế nhiệm ông khi họ khéo léo vận động giữa những người có tư tưởng tự do và Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCÀF), cùng tham gia cuộc náo động ở Quảng trường Tahrir nhưng không còn hồ hởi nhấn mạnh cam kết của họ với sự đúng mức và trật tự xã xã hội.
Một sự thật hiển nhiên là Ai Cập thiếu tiềm lực kinh tế để xây dựng một trật tự Hồi giáo hiện đại thành công, cho dù điều đó có thể có ý nghĩa như thế nào. Cộng hòa Hồi giáo Iran phụ thuộc vào dầu lửa, và ngay cả uy thế vừa phải của Đảng Công lý và Phát triển, hay AKP, ở Thổ Nhĩ Kỳ là được đảm bảo bởi sự thịnh vượng có được từ “giai cấp tư sản nhiệt tình” ở các thị trấn trên đồi Anatolia. Ai Cập nằm ở ngã tư của thế giới, kiếm tiền từ du lịch, Kênh đào Xuyê, những dòng viện trợ nước ngoài, và những khoản tiền kiều hối từ những người Ai Cập ở nước ngoài. Trong năm qua, dự trữ ngoại hối của nước này đã thu nhỏ lại từ 36 tỷ USD xuống còn 20 tỷ USD. Lạm phát gõ cửa, giá cả lúa mì nhập khẩu là cao, và các hóa đơn phải được thanh toán. 4 bộ trưởng tài chính đã đến rồi đi kể từ khi Mubarak từ chức. Khao khát có được sự ổn định hiện nay cân xứng với sự thỏa mãn rằng ke chuyên quyền đã bị hạ bệ.
Có những vấn đề lớn bắt đầu xuất hiện trước mắt các nhà lãnh đạo Ai Cập và sự miễn cưỡng của cả Anh em Hồi giáo lẫn các lực lượng vũ trang nắm chính quyền đang nói lên điều đó. Lẽ phải và chủ nghĩa thực dụng tuy thế có thể thắng thế. Sự phân chia hợp lý những chiến lợi phẩm và trách nhiệm có thể mang lại cho Anh em Hồi giáo những lĩnh vực cai trị gần nhất với nó – dáo dục, trợ cấp xã hội và bộ máy tư pháp – với quân đội phụ trách quốc phòng, tình báo, hòa bình với Ixraen, các mối quan hệ quân sự với Mỹ, và duy trì những đặc quyền kinh tế của các quân đoàn. Những người thế tục có tư tưởng tự do sẽ có số lượng lớn, có tiếng nói trong nhịp điệu của cuộc sống thường ngày ở một đất nước khó có thể đưa vào khuôn phép và tổ chức, và có cơ hội đưa một nhà lãnh đạo có sức thuyết phục tiềm năng vào cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.
Trong hai thế kỷ này, Ai Cập đã can dự vào cuộc đấu tranh kiên trì vì sự hiện đại và một vị trí trong số các quốc gia xứng với những tham vọng của nước này. Nước này không ở vào tình trạng tốt, nhưng vẫn đang tiếp tục cố gắng. Tháng 8 năm ngoái, một cảnh tượng đã diễn ra mà có thể đem lại một sự an ủi ở mức độ nào đó cho người Ai Cập. Vị Pharaông cuối cùng cua nước này – có lẽ là vậy – đã đến tòa án trên một chiếc cáng. Nhà cai trị trước đây của Ai Cập nói với vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa: “Thưa ngài, tôi có mặt”. Mubarak không bị kéo ra khỏi cống và bị giết chết như Gaddafì, cũng không bỏ trốn cùng với gia đình và tùy ý giết người dân của mình, như Assad. Theo lời của E.M.Forster, người Ai Cập đã luôn có khả năng làm hài hòa những sự quả quyết cạnh tranh nhau, và họ có thể lại làm điều đó một lần nữa.
Đại thức tỉnh thứ ba
Tình trạng hỗn hoạn này, sự thức tỉnh này là sự thức tỉnh thứ ba trong lịch sử Ai Cập hiện đại. Sự thức tỉnh thứ nhất, thời kỳ Phục hưng chính trị văn hóa sinh ra từ mong muốn gia nhập thế giới hiện đại, đã xuất hiện vào cuối những năm 1800. Được lãnh đạo bởi những người chép thuê và các luật sư, những người thích làm nghị sĩ và các trí thức theo đạo Cơ đốc, nó đã tìm kiếm việc cải cách đời sống chính trị, tách biệt vấn đề tôn giáo khởi công việc chính trị, giải phóng phụ nữ, và đưa đống đổ nát của Đế chế Ôttôman vào quá khứ. Khá phù hợp, Đại phong trào đó, với Bâyrút và Cai rô đứng đầu, đã tìm thấy người ghi chép biên niên sử của mình ở George Antonius, một nhà văn Cơ đốc giáo gốc Libăng, được đàọ tạo ở Cambridge, và làm việc trong Chính quyền Anh ở Palextin. Cuốn sách của việc hất cẳng một kẻ chuyên quyền không dẫn đến tự do. Các tù nhân muốn chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác để được thay đổi khung cảnh và cơ hội để giành được đôi chút gì đó trên đường đi”.
Sử gia người La mã Tacitus đã từng có nhận xét đáng nhớ: “Ngày tốt đẹp nhất sau thời đại của một vị hoàng đế tồi tệ là ngày đầu tiên”. Sự thức tỉnh thứ ba của Arập này nằm trong các nấc thang lịch sử. Nó vừa đứng; trước hoàn cảnh nguy hiểm vừa đầy hứa hẹn, có khả năng bị giam hãm nhưng cũng có khả năng được tự do./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét