Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Lượm tin ngày 07/7/2012

  • Libya trước cuộc bầu cử lịch sử (RFI) – Ngày mai 07/07/2012 lần đầu tiên từ hơn 40 năm nay, người dân Libya được tự do đi bầu. Hơn 3 triệu cử tri sẽ chọn 200 dân biểu trên tổng số 3.700 ứng cử viên vào Quốc hội lập hiến đầu tiên của Libya thời kỳ hậu Kadhafi.
  • Lào phủ nhận cáo buộc cố tình xây dựng đập Xayaburi trên dòng Mêkông (RFI) – Theo nhật báo chính thức Vientiane Times vào hôm nay 06/07/2012, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào Viraphonh Viravong đã nhắc lại lời hứa tạm hoãn công trình xây dựng đập Xayaburi cho đến khi đáp ứng được các quan ngại của láng giềng về tác hại môi trường. Đập thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mêkông ở vùng hạ nguồn này đã gây chia rẽ giữa Lào và ba nước láng giềng là Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
  • Người Nhật khiêu khích Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo (RFI) – Vào hôm nay 06/07/2012, hai công dân Nhật Bản đã bất chấp lệnh cấm của chính phủ, đì thuyền đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền rồi đổ bộ lên một hòn đảo để tỏ thái độ. Trước đó, Đô trưởng Tokyo cũng đã khiến Bắc Kinh bực tức khi đòi đặt tên Senkaku cho con gấu trúc vừa chào đời trong sở thú Tokyo.
  • “Tế bào thần kinh mới” rất quan trọng cho việc học tập (RFI) – Theo một nghiên cứu công bố trong tạp chí trên mạng Nature Neuroscience tháng 5/2012, các nhà khoa học Viện Pasteur và CNRS vừa xác định được rõ vai trò của các “nơron thần kinh mới“, được tạo ra ở một bộ não trưởng thành, trong việc cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ các nhiệm vụ phức tạp.

  • Thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm không hẳn là tin vui (RFI) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam được đưa ra vào cuối tháng Sáu, thì thâm hụt thương mại trong quý I năm nay là 690 triệu đô la. Nếu so sánh với con số thâm hụt 6,65 tỉ đô la của quý I năm ngoái, thì đã giảm đi gấp mười lần.
  • Hàng chục nhân viên hoạt động nhân đạo đang bị cầm giữ tại Miến Điện (RFI) – Theo hãng tin Pháp AFP, văn phòng phối hợp hoạt động nhân đạo Liên Hiệp Quốc (Ochea) hôm nay 06/07/2012 cho biết họ đang chờ đợi câu trả lời của chính quyền Miến Điện về vụ nhân viên Liên Hiệp Quốc bị chính quyền bang Rakhine cầm giữ. Tại bang phía Tây này, đang xẩy ra các vụ xung đột chết người giữa các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo.
  • Hai cựu tướng Achentina bị án tù vì bắt cóc con những người đối lập (RFI) – Toà án Achentina vào hôm qua, 05/07/2012 đã kết án nặng nề hai viên tướng lãnh đạo chế độ độc tài (1976 – 1983) tại nước này, trong hồ sơ trẻ em bị bắt cóc. Nặng nhất là tướng lãnh Jorge Videla, 86 tuổi, cầm cương Achentina từ 1976-1981, bị 50 năm tù, trong lúc tướng Reynaldo Bignone, 84 tuổi, lãnh đạo từ 1982-1983, bị 15 năm.
  • Tổng thống Pháp kêu gọi trừng phạt mạnh chế độ Damas (RFI) – Khai mạc Hội nghị Những người bạn của nhân dân Syria hôm nay 06/07/2012 tại Paris trong bối cảnh quốc tế vẫn bế tắc trên hồ sơ Syria, Tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi các nước tham dự thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa nhằm vào Damas, và Liên Hiệp Quốc phải « hành động nhanh nhất » để thoát khỏi khủng hoảng.
  • Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Việt Nam trong khuôn khổ vòng công du 8 nước (RFI) – Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Paris vào hôm nay, 06/07/2012, chặng đầu tiên trong vòng công du tám quốc gia ở châu Âu, châu Á và Cận Đông trong vỏn vẹn một chục ngày. Riêng tại Châu Á, giới quan sát đặc biệt ghi nhận chặng ghé thăm ba nước Đông Nam Á Việt Nam, Lào và Cam Bốt, nơi ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, với hồ sơ Biển Đông được cho là sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự.
  • WikiLeaks tiết lộ hơn 2 triệu thư điện tử về Syria (RFI) – WikiLeaks tiếp tục tiết lộ những thư điện tử gây phiền phức, lần này liên quan đến Syria. Hôm qua 5/7, trang web này đã công bố khoảng 2,5 triệu bức thư điện tử, phơi bày hoạt động của các tập đoàn phương Tây vẫn tiếp tục hợp tác với chính quyền Damas ngay sau khi tung ra chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng.
  • Ấn Độ bày tỏ thái độ quan ngại về hiện tình căng thẳng ở Biển Đông (RFI) – Vào lúc tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại do tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc, Ấn Độ vào hôm nay 06/07/2012 đã công khai tỏ ý quan ngại, khẳng định trở lại vị trí thiết yếu của Biển Đông trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Ấn Độ, và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
  • Ngoại Trưởng Mỹ Thăm VN Sẽ Có Trao Đổi Nhân Quyền? (VietBao)HANOI (VB) — Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vài ngaỳ nưã sẽ tới thăm Việt Nam… và các giới chuyên gia đang suy đoán rằng nhà nước Hà Nội có thể sẽ nhượng bộ phần nào về nhân quyền để bù lại, bà sẽ loan báo các biện pháp kết thân hơn với Việt Nam, đặc biệt là về quoôc phòng và Biển Đông.
  • CHÍNH PHỦ LẠI SỬ DỤNG MẸO ” MƯỢN ĐẦU VƯƠNG CẤU ” CỦA TÀO THÁO ĐỂ TRẤN AN LÒNG DÂN TRONG VỤ TĂNG GIÁ ĐIỆN – (Phạm Viết Đào) – “Theo giải thích của ông Vũ Đức Đam, Nguyễn Bắc Son thì việc tăng giá điện là việc làm “ không khéo “ của Bộ Công thương, tức của ông BT Vũ Huy Hoàng? Làm gì có chuyện ông BT Vũ Huy Hoàng tăng giá điện mà Chính phủ không biết, không bàn trước; việc giải thích kiểu này của mấy ông trong Chính phủ làm ra vẻ cái lỗi này không phải của Chính phủ, không phải của ông Thủ tướng mà của cái thằng cha BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng kia …”
  • Lòng yêu nước tiếp tục bị bôi bẩn ! (Xuân VN) - “Năm nay, báo chí và truyền hình chưa có chiến dịch bôi bẩn nhưng các hành vi đê tiện của đám an ninh địa phương các nơi như Sài gòn, Quảng nam, Hà nội lại đang được sử dụng để lăng mạ đồng bào.”
  • Đảng cầm quyền Thái Lan có nguy cơ bị Tòa Bảo hiến buộc giải tán (RFI) – Tòa Bảo hiến Thái Lan hôm nay 05/07/2012 bắt đầu xem xét đơn kiện của phe đối lập, chống lại đề nghị của đảng cầm quyền Puea Thai đòi sửa đổi Hiến pháp 2007. Nếu Tòa chấp nhận, thì đảng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới cầm quyền được một năm có thể bị giải tán, trong một đất nước mà sân khấu chính trị thường bị đảo lộn do các quyết định của tư pháp.

 

1123. Tìm hiểu cách thức Trung Quốc kiểm duyệt internet

Wall Street Journal

Tìm hiểu cách thức Trung Quốc kiểm duyệt internet

Kỹ thuật tân tiến cho biết tại sao Trung Quốc kiểm soát thông tin  mạng
Tác giả: Paul Mozur
Người dịch: Trần Văn Minh
03-07-2012
Chính phủ Trung Quốc không phải là chính phủ duy nhất chú ý tới những gì người dân bàn luận trên các trang mạng xã hội. 
Khi 500 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc tiếp cận các trang mạng xã hội, giới học giả và các nhà đầu tư tìm cách thu thập những tin tức trên mạng và các bài trên blog để hiểu thêm về những điều mà chính phủ kiểm duyệt – và ngay cả làm cách cách nào để tiên đoán nội dung kiểm duyệt.
Chính phủ Trung Quốc sử dụng kỹ thuật phần mềm và một đạo quân hàng ngàn người để kiểm soát internet, nhưng nhà nước dành phần lớn việc kiểm duyệt cho các công ty mạng xã hội như Sina, gỡ bỏ các bài viết vi phạm luật lệ địa phương và quốc gia được phát hành mỗi tuần. Thông thường, vài chữ hay câu nào đó, sẽ đụng phải kiểm duyệt, như cuộc tàn sát tại quảng trường Thiên An Môn, nhưng không thể hiểu toàn bộ [nguyên tắc kiểm duyệt].
Các công ty mạng xã hội này thường để lại dấu tích rằng, họ xóa bỏ thông tin là do vấn đề kiểm duyệt – thay vì do tác giả hay vì một lý do kỹ thuật – bằng cách để lại các tín hiệu hay hình ảnh đặc biệt như hình hoạt họa của một cảnh sát mạng. Điều đó giúp các nhà nghiên cứu tìm ra các cơ cấu quyền lực thiếu trong sáng của Trung Quốc để kiểm soát người dân như cách nào.
Ông David Bandurski, một nhà nghiên cứu Dự án Thông tin Trung Quốc ở Đại học Hong Kong nói, “Hiện chúng tôi có một mức độ rõ ràng về kiểm duyệt mà chúng tôi chưa từng có”.
Ông King Wa Fu, một phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Hong Kong cho biết, đại học Hong Kong đã làm ra phần mềm gọi là WeiboScope, dùng để duyệt qua bài vở của trang mạng Weibo của công ty Sina, một trang mạng xã hội phổ biến giống như Twitter. Nhu liệu này được làm để tìm hiểu người dân Trung Quốc phản ứng với những tin tức khác nhau thế nào, nhưng cũng hữu ích để phân tích chiều hướng kiểm duyệt.  Ông King Wa Fu là người giúp chế tạo phần mềm WeiboScope này.
WeiboScope vận hành tương tự như công cụ tìm kiếm và quét qua khoảng 300.000 danh mục người sử dụng (user account), chú trọng tới những người có ảnh hưởng. Bên cạnh việc thu thập các bài viết về những chủ đề khác nhau và cho phép các nhà nghiên cứu tìm tài liệu bằng tiếng Anh, WeiboScope cũng có thể kiểm tra một một bài viết nhiều lần để biết có phải bài này đã bị chặn nên không thể truy cập. Nếu có, một tin báo lỗi cho biết rằng nó đã bị chặn, và WeiboScope cho bài đó đó vào danh sách các bài bị kiểm duyệt.
Các nhà nghiên cứu trong Dự án Thông tin Trung Quốc ở ĐH Hong Kong thường xuyên dùng WeiboScope để chỉ ra và lý giải những chủ đề bị cơ quan kiểm duyện nhắm tới trên trang mạng phổ biến của họ. 
Một bài viết bị gỡ bỏ cho thấy, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã bắt đầu ngăn chặn sự truy cập liên quan tới các cuộc biểu tình có kế hoạch ở Hong Kong trong dịp kỷ niệm ngày thành phố bị trao trả cho Trung Quốc, 3 ngày trước khi xảy ra biểu tình.  
Bài viết này cũng cho biết vì sao cần con người để duyệt qua các bài vở. Thay vì trực tiếp nói về các cuộc biểu tình, bài này đã dùng ‘một cơn bão đang tới’ làm tiếng lóng cho những gì sẽ xảy ra vào ngày kỷ niệm.  
Sau khi thu thập mọi dự kiện, thách thức kế tiếp là tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ông Gary King, giáo sư Đại học Harvard gần đây đã tìm ra kỹ thuật phân tích thông tin mạng xã hội do ông phát hiện có thể áp dụng cho mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc. Nó còn có khả năng tiên đoán các sự kiện quan trọng trước khi các sự kiện này xảy ra.     
Năm 2007, ông King là đồng sáng lập công ty Crimson Hexagon, chuyên đo lường cảm nhận của khách hàng qua các trang mạng xã hội cho những công ty lớn như Microsoft và Starbucks. Thay vì chỉ truy cập các từ khóa, phần mềm của Crimson dùng thuật toán để phân tích dữ liệu dựa trên một số những phân loại và chủ đề do người sử dụng xác định.
Năm ngoái, ông King đã dùng kho trữ dữ liệu truyền thông xã hội của Crimson để bắt đầu phân tích một số lớn dữ liệu truyền thông xã hội Trung Quốc bao gồm 11 triệu bài vở được đăng tải trên 1.382 diễn đàn Trung Quốc.
Ông King đã chọn 85 chủ đề thuộc giới hạn vấn đề nhạy cảm chính trị – từ các cuộc phản đối ở Nội Mông tới một trò chơi điện tử thông dụng – và phân loại bài vở dựa trên nội dung liên quan tới tin tức, chính sách nhà nước, khiêu dâm, kiểm duyệt và “hành động tập thể”, hay bài vở có thễ dẫn tới sự tập họp công cộng. Sau đó, ông King dùng nhu liệu Crimson để khảo sát xem bao nhiêu bài vở trong mỗi loại đã bị kiểm duyệt. 
Trong một báo cáo mới phát hành, ông King và các nhà nghiên cứu khác tìm thấy, 13% bài vở trên mạng xã hội đã bị kiểm duyệt.
Đáng chú ý là chính phủ thường để yên những phê bình gay gắt về các chính sách quốc gia và các nhà lãnh đạo chính quyền. Nhưng họ nhắm tới những bài vở kêu gọi biểu tình trong những biến cố quan trọng. Đề tài bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất bao gồm sự thảo luận về Nội Mông và Tăng Thành (Zengcheng), sự bắt giữ nhà bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị và các vụ đánh bom về tranh cướp đất đai ở Phúc Châu.
Như vậy, các vụ kiểm duyệt thường bỏ qua những lời bình luận của những người thuộc chủ nghĩa dân tộcvề tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng trong suốt cuộc tranh cãi với Việt Nam năm ngoái, họ đã xóa bỏ các bài viết liên qua tới chủ đề này, sợ rằng dân chúng xuống đường biểu tình.
Đề tài khiêu dâm và các lời bình về sự kiểm duyệt hầu như bị ngăn cấm hoàn toàn.
Đa số hành động kiểm duyệt xảy ra trong vòng 24 tiếng khi bài viết được đăng trên mạng. Ông King viết: “Đây là một thành quả tổ chức tuyệt vời, đòi hỏi sự chính xác giống như trong quân sự, trên bình diện rộng lớn”. Chính phủ phải quyết định điều gì cần kiểm duyệt, chuyển những điều đó tới hàng chục ngàn người để họ thực thi sự kiểm duyệt trong vòng 24 tiếng.   
Nhưng tìm ra lý do vì sao các bài viết bị biến mất chỉ là một nửa của trận đấu. Ông King nói, công ty của ông đang nhắm tới việc dùng nhu liệu để tiên đoán những hành động chính trị của Trung Quốc.
Như một phần trong bản phân tích, ông King thấy rằng nhịp độ kiểm duyệt gia tăng trong lúc Trung Quốc tranh cãi với Việt Nam, nhưng các bài viết về chuyện tranh chấp bị kiểm duyệt đã giảm xuống 5 ngày trước khi ký một hiệp ước hòa bình bất ngờ [với Việt Nam] hồi tháng 6 năm 2011. Một ví dụ khác, các bài viết đề cập đến nhà hoạt động chính trị Ngải Vị Vị bắt đầu giảm bớt vài ngày trước khi ông bị bắt.
Ông King nói: “Hàng trăm ngàn người tham gia để giúp chính phủ giữ bí mật… và một nghịch lý thú vị là, một kế hoạch khổng lồ như thế được thiết kế để không cho dân chúng biết (tin tức), thực sự đã tự lộ ra. Một con voi đã để lại các dấu chân lớn”.
Công ty Crimson Hexagon đã dùng phần mềm – mà ông King nhận bản quyền hồi tháng 5 [năm 2012] – để giúp những công ty khác hiểu sự khác biệt về việc nhận biết danh hiệu qua những dịch vụ đăng ký và cố vấn.
Nhưng công ty này nói rằng họ có nhiều hy vọng vào thị trường Trung Quốc. Do phần mềm này đặt căn bản chung quanh sự phân loại của một người về các bài viết trên mạng xã hội, nó có thể dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa, và điều này có nghĩa là nó có thể giúp thêm nhiều công ty hiểu được người khách hàng thầm lặng Trung Quốc nghĩ thế nào về các công ty, hay ít nhất nói về họ ở trên mạng.
Ông King nói đây chỉ là khởi đầu. Ông hy vọng có thể bẻ gẫy những dữ liệu kiểm duyệt về mặt địa lý để khảo sát sự khác biệt giữa chính sách kiểm duyệt toàn quốc và địa phương, và xem xét thêm về việc phải chăng chuyện xóa bỏ bài vở trên mạng internet có thể là điềm báo cho sự thay đổi chính sách.
Ông King không đơn độc. Những người khác, như các nhà nghiên cứu ở phân khoa Khoa học Máy tính của Đại học Carnegie Mellon, gần đây đã thực hiện một nghiên cứu rộng lớn về sự kiểm duyệt của Weibo, đang cố gắng tìm kiếm phương thức đã được giấu kín về tất cả các cuộc bàn thảo trên internet bị biến mất khỏi mạng điện tử ở Trung Quốc.  
Nguồn: Wall Street Journal
Bản tiếng Việt © BS2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh

1124. Căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông

The Economist

Biển Đông đang bị khuấy đục – Căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông

Người dịch: Dương Lệ Chi
07-07-2012
Ngay khi các nước Đông Nam Á bật lên một tiếng thở phào nhẹ nhõm về việc Trung Quốc và Philippines cho thấy họ đang rút lui khỏi cuộc đối đầu trên biển Đông, thì căng thẳng mới lại phát sinh giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng ở trên đại dương trải rộng này. Những ngày gần đây, hai nước đang gia tăng đấu khẩu về các quần đảo và quyền khai thác dầu ở gần đó, thậm chí đưa ra gợi ý giải quyết bằng biện pháp quân sự, để củng cố các tuyên bố với đối thủ của họ. Vài dự đoán xung đột sắp xảy ra, nhưng sự hồi sinh của những thù hận cũ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể mở ra những rạn nứt rất lớn trong khu vực.
Sự nới lỏng căng thẳng kéo dài hàng tuần giữa Trung Quốc và Philippines trong tháng qua cho thấy dấu hiệu hai nước đã nhìn thấy, có quá nhiều thứ để mất khi tiếp tục tranh cãi về quyền sở hữu bãi cạn Scarborough (xem bản đồ). Mặc dù có được sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng Philippines biết rằng, khả năng họ sẽ bị đánh bầm dập trong bất kỳ trận đấu quân sự nào. Trung Quốc, mặc dù làm ồn ào, nhưng cho thấy họ lo lắng rằng thể hiện hành động quân sự có nguy cơ hủy hoại hình ảnh của họ và làm cho các nước Đông Nam Á nghiêng về phía Mỹ hơn để có được an ninh. Philippines cho biết, họ đã rút hai tàu của chính phủ ra khỏi bãi cạn hôm 15 tháng 6, với lý do thời tiết xấu. Tin tức cho biết, các tàu Trung Quốc cũng đã rút lui, mặc dù không rõ họ có rút hết hay không.
Nhưng sự yên tĩnh này chẳng tồn tại được bao lâu. Hôm 21 tháng 6, Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển, khẳng định lại các tuyên bố của nước này về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc gọi việc làm này là “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền của họ. Trung Quốc phản ứng bằng cách tuyên bố chính quyền cấp huyện được cho là quản lý hai quần đảo này và hầu hết các phần còn lại trên biển Đông từ quần đảo Hoàng Sa, được nâng cấp độ hành chính lên thành một quận. Truyền thông Trung Quốc mô tả phạm vi quyền hạn ảo tưởng này, Tam Sa, là một quận lớn nhất của đất nước (mặc dù dân số chỉ vài trăm người, có số mòng biển còn đông hơn rất nhiều so với dân số ở đó và lãnh thổ thì không rõ ràng vì chủ yếu là nước). Một số người dùng internet ở Trung Quốc hào hứng suy đoán về người có thể được bổ nhiệm làm thị trưởng, tin tức trên một số trang web cho biết, một nhà thủy văn 45 tuổi nhận công tác này, nhưng sau đó bị hủy bỏ vì tin giả.
Căng thẳng gia tăng thêm do một thông báo cuối tháng trước của CNOOC, công ty khai thác dầu của chính phủ Trung Quốc, rằng họ mở thầu cho chín lô ở nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, cho quốc tế dự đấu thầu thăm dò dầu khí. Những nơi [mà Trung Quốc đưa ra đấu thầu] này cách bờ biển Việt Nam trong vòng 37 hải lý (khoảng 68km), theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một công ty khai thác dầu thuộc chính phủ Việt Nam. Ông Carlyle Thayer, thuộc Đại học New South Wales, nói rằng hành động của CNOOC có thể là một “hành động chính trị” nhằm phản ứng lại luật mới của Việt Nam, về điều mà từ lâu Trung Quốc đã thể hiện mối quan tâm. Ông Thayer nói rằng, với các tranh chấp như thế, việc gọi thầu của Trung Quốc sẽ không nhận được sự mặn mà từ các công ty khai thác dầu.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là cả hai nước gửi các tín hiệu mạnh mẽ rằng họ có thể bảo vệ các tuyên bố của mình bằng vũ lực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28 tháng 6 nói rằng, họ đã mở các cuộc tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” ở biển Đông. Trước đó, Việt Nam tuyên bố đang tiến hành hoạt động tuần tra thường xuyên trên không ở khu vực quần đảo Trường Sa. Một số hoạt động này có thể là các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã đánh nhau với Việt Nam nhiều hơn với bất kỳ nước nào khác. Cuộc giao tranh lớn gần nhất của họ là một cuộc đụng độ hải quân ở quần đảo Trường Sa năm 1988, đã giết chết hơn 70 người Việt. Kể từ đó, quan hệ [giữa hai nước] đã được cải thiện rất nhiều, nhưng hai nước vẫn còn cảnh giác lẫn nhau. Việt Nam, lúc đó là đồng minh của Liên Xô, đã thất vọng với Trung Quốc, gần đây gia tăng các mối quan hệ quân sự với Mỹ.
Cả hai nước đều không muốn leo thang trong chuyện này. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã và đang cố gắng để đưa ra một hình ảnh dễ dãi hơn kể từ cuộc đọ sức thể hiện sự ngạo mạn về biển Đông năm 2009 và 2010, đã làm tăng cao mối lo ngại trong khu vực và hủy hoại các nỗ lực của Trung Quốc muốn thể hiện sự trỗi dậy trong hòa bình. Giữa tháng 7 [năm nay] các bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á, cũng như Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, sẽ thảo luận về an ninh khu vực ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Trung Quốc không không muốn có sự đối đầu lần này trong các buổi họp mà họ đã phải chịu đựng tại một cuộc họp tương tự cách đây hai năm, khi bà Clinton khẳng định rằng, biển là lợi ích quốc gia của Mỹ, củng cố các đối thủ của Trung Quốc khu vực về vấn đề này.
Chủ nghĩa dân tộc là một quân bài khó tiên đoán. Ngày 1 tháng 7, hàng trăm người tham gia các cuộc biểu tình hiếm hoi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chống lại sự khẳng định của Trung Quốc về các tuyên bố ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cũng như Trung Quốc, Việt Nam thường không chấp nhận các cuộc biểu tình công cộng, nhưng [trong các cuộc biểu tình vừa qua] cảnh sát đã ít can thiệp.
Ở Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng về chủ nghĩa dân tộc, hôm 4 tháng 7, đã đưa ra một bài xã luận với mục đích đả kích, chống lại cả Việt Nam lẫn Philippines (một lần nữa đã đi quá giới hạn hôm 2 tháng 7, khi nói rằng Philippines có thể yêu cầu Mỹ triển khai máy bay do thám trong khu vực tranh chấp). Tờ báo này nói: Trung Quốc nên phản ứng thận trọng, nhưng cả hai nước [Việt Nam và Philippines] đáng bị trừng phạt. Tờ báo này cũng cảnh báo rằng, nếu hai nước đi “quá giới hạn qua các hành động khiêu khích”, điều này có thể dẫn tới các cuộc tấn công quân sự.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn có một sự bùng nổ về tình cảm dân tộc chủ nghĩa, có thể phản tác dụng nếu không đáp ứng các nhu cầu của dân chúng. Nhưng có nhiều điều không chắc chắn khi Trung Quốc chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong lãnh đạo dân sự và quân sự của họ vào mùa thu này. Các ứng viên quyền lực không muốn thể hiện sự yếu đuối. Hoàn Cầu Thời báo thì gầm gừ:Nếu chuyện tranh chấp các hòn đảo xảy ra vào thời đế quốc, thì đã được xử lý dễ dàng hơn nhiều“.
Nguồn: The Economist
Bản tiếng Việt © BS2012

1125. Wikileaks: Đừng nghe những gì Trung Quốc nói, hãy nhìn những gì Trung Quốc làm

ABS-CBN News

Wikileaks: Đừng nghe những gì Trung Quốc nói, hãy nhìn những gì Trung Quốc làm

Tác giả: Jojo Malig
Người dịch: Dương Lệ Chi
04-07-2012
MANILA, Philippines – Những lời lẽ hùng hổ của Trung Quốc chống lại các nước khác nhằm mục đích làm hài lòng các công dân của họ, không nhất thiết mang ý nghĩa đe dọa các nước láng giềng, theo bản ghi nhớ bí mật của Đại Sứ quán Mỹ được WikiLeaks, một nhóm chống lại các bí mật, đã công bố.
Bức điện tín có tên 10BEIJING383, ngày 12 tháng 2 năm 2010, được Đại Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ thảo luận về những lời than phiền của các nhà ngoại giao nước ngoài về việc Trung Quốc “phô trương sức mạnh, hân hoan chiến thắng, và sự quyết đoán trong chính sách ngoại giao của họ”.
Bức điện tín này do Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc, Jon Huntsman Jr. viết, nói rằng Trung Quốc “không có bạn bè”, với thái độ “hay gây gổ” và thô lỗ của họ đối với các phái viên của Anh và Pháp trong một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu.
Bản ghi nhớ cũng đề cập đến chủ nghĩa yêu nước cực đoan qua chính sách đối ngoại hiếu chiến, được tán thành bởi tờ báo của Đảng Cộng sản, Hoàn Cầu Thời báo (Huanqiu Shibao).
Tuy nhiên, ông Huntsman nói rằng, một viên chức lâu năm ở Hoàn Cầu Thời báo, tên của người này không được nêu trong tài liệu WikiLeaks đăng tải, nói với một viên chức chính trị của Đại Sứ quán Mỹ, rằng Trung Quốc và thái độ của truyền thông nhà nước về các vấn đề chính sách đối ngoại được “thiết kế để phục vụ ý kiến công chúng Trung Quốc” và không phản ánh các ý định thực sự của Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ cho biết: “Người liên lạc ở [Hoàn Cầu Thời báo] nói rằng, các quan sát viên nước ngoài không nên xem những lời nói hùng hổ của Trung Quốc là nghiêm trọng, khi ‘hành động có tác dụng nhiều hơn lời nói’.”
Ông Huntsman nhấn mạnh trong bản ghi nhớ: “Hãy xem hành động của Trung Quốc, chứ không phải những lời nói“.
Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc có một tầm nhìn rõ ràng về lợi ích của Trung Quốc, [nguồn tin từ viên chức làm việc lâu năm cho Hoàn Cầu Thời báo] nói, và quan trọng nhất là duy trì một ‘môi trường chính sách đối ngoại thuận lợi để chính phủ theo đuổi các mục tiêu cấp bách về phát triển kinh tế và xã hội ở trong nước“.
Ông nói thêm: “Trích dẫn một cụm từ tiếng Trung được sử dụng để mô tả chiến lược của Đặng Tiểu Bình, xoa dịu ý thức hệ cộng sản với chủ nghĩa xã hội, trong khi theo đuổi cải cách kinh tế tư bản chủ nghĩa [nguồn tin từ viên chức làm việc lâu năm cho Hoàn Cầu Thời báo] nói rằng, chúng ta nên đoán trước là Trung Quốc … bật đèn tín hiệu rẽ trái để rẽ phải“.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được truyền thông Trung Quốc ủng hộ, dẫn đầu là Hoàn Cầu Thời báo và Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản, đã tiến hành cuộc chiến tranh bằng ngôn từ với Philippines và Việt Nam trong các tuyên bố lãnh thổ trên vùng biển Tây Philippines (ND: tức biển Đông).
Một bài đã kích mới nhất từ Trung Quốc liên quan đến đề nghị của Hoa Kỳ muốn giúp đỡ Philippines triển khai máy bay trinh sát tới quần đảo Trường Sa và Scarborough.
Đề nghị đưa máy bay trinh sát được Manila cân nhắc đã gây ra hàng loạt ý kiến nảy lửa từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Điều này đã thúc đẩy Malacañang (Phủ Tổng thống Philippines) đưa ra phản ứng đáp trả lại truyền thông của chính phủ Trung Quốc.
Edwin Lacierda, người phát ngôn của Tổng thống nói trong một buổi họp báo hôm thứ tư: “Tôi có thể nói với người Trung Quốc, Xiao xin yi dian “(Hãy cẩn thận một chút). Hãy cẩn thận về các tuyên bố của quý vị“.
Tâng bốc các độc giả trong nước
Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc cẩn thận trong việc lựa chọn từ ngữ khi nói tới quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã và đang tán thành các hành động hiếu chiến để chấm dứt tranh chấp.
Hôm thứ tư, tờ Hoàn Cầu Thời báo, đã đăng tải một bài trong mục ‘quan điểm’, nêu rõ rằng “Philippines và Việt Nam đáng bị trừng phạt” để khẳng định quyền sở hữu về quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Nếu họ đi quá giới hạn qua các hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc, có khả năng cuối cùng họ sẽ bị trừng phạt thông qua các biện pháp bao gồm các cuộc tấn công quân sự“, bài báo cho biết.
Bài báo cho biết thêm: “Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong việc đưa ra các quyết định như thế“.
Bài báo viết: “Philippines và Việt Nam rõ ràng quấy rối Trung Quốc. Hai nước không phải là một phần của tham vọng chính trị quốc tế của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không để sự quấy rối của họ bị mất kiểm soát“.
Chính sách kịp thời có thể dùng để nói với họ về sức chịu đựng cuối cùng của chúng ta và tránh cuộc chiến bằng lời với họ, mà hãy dạy cho họ một bài học khó quên, khi đến thời điểm đánh lại họ“, bài báo đăng trên mục ‘quan điểm’ đó cho biết, nhưng không ghi tên tác giả.
Bài báo viết thêm: “Thế giới đã bước vào giai đoạn mà các nước nhỏ có thể gây rắc rối cho các cường quốc lớn. Nếu chuyện tranh chấp các hòn đảo này xảy ra vào thời đế quốc, thì đã được xử lý dễ dàng hơn nhiều. Trung Quốc có thể có nhiều cách để dạy cho Philippines một bài học, nhưng chúng ta không nên sử dụng một cách dễ dàng“.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang thể hiện sự yếu đuối“.
Đọc kỹ bài báo này với những lời lẽ mạnh mẽ, có thể chỉ ra rằng nó được nhắm tới các độc giả theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.
‘Để bán báo chạy hơn’
Bức điện tín từ Đại Sứ quán Mỹ do WikiLeaks công bố đã đề cập đến một nguồn tin được bảo vệ ở Viện Nghiên cứu Mỹ, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người này thể hiện sự “khinh miệt qua những lời chỉ trích của bà về truyền thông nước này theo chủ nghĩa dân túy / chủ nghĩa dân tộc, phóng đại sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới”.
Đại sứ Huntsman nói: “Đặc biệt, trích dẫn từ Hoàn Cầu Thời báo (Huanqiu Shibao, phiên bản Trung Quốc), bà nói với PolOff [Văn phòng Chính trị] hôm 3 tháng 2 rằng, truyền thông ‘cố ý gây hiểu lầm cho công chúng để báo bán chạy hơn’. Bà nói rằng, Hoàn Cần Thời báo và các ấn phẩm tương tự đã phạm tội ‘siêu chủ nghĩa dân tộc’ và ‘phóng đại khả năng của Trung Quốc’.”
Ông [Huntsman] nói thêm: “Bà nói rằng, chủ đề ‘Trung Quốc hùng mạnh’, là nguy hiểm và sai lầm. Những tờ báo này, và những người [có liên quan], cần phải tỉnh táo một chút và nhận ra thực tế vị trí của Trung Quốc“.
Bức điện tín cho biết: “Chủ nghĩa dân tộc thái quá trên báo chí đã làm cho Trung Quốc rất khó khăn để thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo cần thiết trong các vấn đề đối ngoại của họ“.
Một học giả khác cũng được nhắc tới trong bức điện tín nhưng giấu tên, nói rằng Hoàn Cầu Thời báo có quan điểm nghiêng về phía “diều hâu”, “phù hợp với nhu cầu độc giả và bình thường đối với một tờ báo định hướng thị trường”.
Viên chức lâu năm ở Hoàn Cầu Thời báo, người đã nói chuyện với một sĩ quan chính trị ở Đại Sứ quán Hoa Kỳ, thừa nhận rằng, trong khi chính phủ và Đảng Cộng sản ảnh hưởng đến những điều mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, tờ báo của ông “phải phản ánh ý kiến công chúng để kiếm tiền”.
Nguồn: ABS-CBN News
Bản tiếng Việt © BS2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét