Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

HOT - TIN NÓNG

 

1116. Từ một câu chuyện thương tâm hơn 20 năm về trước

“… hoạt động xâm chiếm cướp bóc của lũ giặc Tàu trên vùng biển chủ quyền của nước ta ngày càng tăng cường độ gay gắt, mỗi lúc chúng mỗi tiến sát lại gần bờ biển Việt Nam … Kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau những vụ Vinashin, Vinalines… và hàng loạt tập đoàn nhà nước làm ăn không có hiệu quả, bị các nhóm lợi ích thao túng, … BVN vẫn kiên trì mong mỏi một Hội nghị Diên Hồng hiện đại, ở đó trí thức và tất cả những người Việt có tâm huyết và tài năng được tôn trọng, lắng nghe, để cùng nhau bàn bạc đưa ra những kiến giải thiết thực nhất, làm nền tảng cho một chiến lược dài hạn trên con đường cứu nguy dân tộc.”
Boxitvn

Từ một câu chuyện thương tâm hơn 20 năm về trước

Bauxite Việt Nam
Hơn 20 năm trước Trần Quang Thành là nhà báo quyết liệt dùng ngòi bút của mình phanh phui các vụ chống tham nhũng theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bị trả giá ngay sau đó bằng một vụ tạt acide rùng rợn làm hỏng hết khuôn mặt và gần như mù , nhưng lời kêu cứu của ông rơi vào thinh không, kể cả trước và sau thảm hoạ, ngoại trừ 200 ngàn đồng của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội “uý lạo” theo lệnh của ông Đỗ Mười.

Từ sau khi ông ra nước ngoài  cư trú, hiện tượng thờ ơ vô cảm trên đất nướcViệt Nam hình như đã tăng lên 100 lần. Không những người chống tham nhũng – không riêng gì nhà báo – phải rước lấy những tai hoạ ghê gớm tương đương hoặc hơn ông Trần Quang Thành là con số không phải chỉ một hai nữa, mà luật pháp giờ đây còn phơi bày nhiều khe hở để bọn tham nhũng ngang nhiên dựa vào đó diệt trừ những ai quyết tâm quét sạch chúng giúp cho xã hội trong sạch hơn. Và nạn nhân của tham nhũng là dân chúng Việt Nam, nhất là nông dân, thì khốn khổ trăm bề, nhiều vụ việc nổi cộm xảy ra nhức nhối và phổ biến đến mức người ta không còn đủ sức than thở cho cùng khắp. Còn kẻ  có trách nhiệm phải giải quyết đến nơi đến chốn những vụ việc ấy làm chỗ dựa cho niềm tin của mọi người, thì lại chính là lực lượng vô cảm bậc nhất, vô cảm trước công luận, trên báo chí, thậm chí phải dùng cả biện pháp quanh co né tránh nhằm đối phó với các ý kiến chê trách từ thế giới bên ngoài. Trong khi lũ cướp ngày hoành hành một cách trâng tráo bằng đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt nhất và có đủ bộ sậu chức năng tiền hô hậu ủng làm hậu thuẫn cho chúng mà không ai dám đem hết ý chí, nghị lực và trí tuệ ra để tìm những phương cách bài bản chỉ mặt vạch tên kẻ đầu sỏ cộm cán nhất, thì an ninh xã hội bị bỏ bê đến mức ngay ở Hà Nội thôi, một xe bán quả vải của nông dân gần gầm cầu Long Biên trong khi đang người mua kẻ bán tấp nập, vậy mà hai kẻ đi xe máy đến quát chủ xe đưa một chùm vải khoảng 5kg cho chúng rồi thản nhiên lên xe đi trước thái độ sợ sệt lặng phắc của đông đảo mọi người, không một ai dám có phản ứng gì
Đó là chưa nói sự xâm nhập của kẻ thù phương Bắc cũng gây nên vô số xáo trộn khủng khiếp trên khắp mọi miền đất nước, từ các công ty Tàu tha hồ làm mưa làm gió với các dự án khai thác hoặc xây dựng công nghiệp bỏ giá rẻ và hoàn toàn không chất lượng của chúng, các làng Tàu theo đó mọc lên hầu như khắp nơi như những “tô giới” nội bất xuất ngoại bất nhập, các thứ hàng thực phẩm độc hại của Tàu len lỏi vào tận mọi xó xỉnh ngày này qua ngày khác đầu độc người dân Việt, đám thương lái Tàu lùng sục khắp các làng quê tìm hết cách phá hoại tận gốc lực lượng sản xuất của nông dân, và hoạt động xâm chiếm cướp bóc của lũ giặc Tàu trên vùng biển chủ quyền của nước ta ngày càng tăng cường độ gay gắt,mỗi lúc chúng mỗi tiến sát lại gần bờ biển Việt Nam…
“Cướp ngày” và “cướp đêm”, “cướp trong” và “cướp ngoài” quả đang làm hỏng sự sống yên bình của cả một cộng đồng vốn rất lương thiện, biết tôn trọng pháp luật, nề nếp, phong tục có từ nghìn xưa, biết quật cường đứng lên mỗi khi biên cương có giặc.  Kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau những vụ Vinashin, Vinalines… và hàng loạt tập đoàn nhà nước làm ăn không có hiệu quả, bị các nhóm lợi ích thao túng, khiến lạm phát phi mã, dự trữ ngân sách sụt giảm, GDP xuống đến mức báo động, gần 100 nghìn doanh nghiệp tư nhân phá sản, nợ xấu ngân hàng nhà nước và nợ xấu doanh nghiệp nhà nước được công bố công khai dưới mức sự thật rẩt xa nhưng đã là những con số đáng ghê sợ –đời sống cả nước lâm tình trạng khó khăn chưa bao giờ thấy. 
Dầu có muốn nhìn “biện chứng” đến đâu người ta cũng thấy lòng tin trong mình về sự tồn tại của cái trật tự hiện hữu bị chấn động mạnh, bị lung lay đến gốc. Thử hỏi, còn người Việt Nam nào hiện nay, những ai không thờ ơ với vận mệnh của đất nước, mà không cảm thấy bất an trong lòng, không nghi ngờ tính chính danh của những gì trước đây mình vẫn tin tưởng và phó thác sinh mệnh? Một giải pháp rốt ráo xem ra chưa có, trong khi các giải pháp đã có đều tỏ ra hoàn toàn bế tắc.
BVN vẫn kiên trì mong mỏi một Hội nghị Diên Hồng hiện đại, ở đó trí thức và tất cả những người Việt có tâm huyết và tài năng được tôn trọng, lắng nghe, để cùng nhau bàn bạc đưa ra những kiến giải thiết thực nhất, làm nền tảng cho một chiến lược dài hạn trên con đường cứu nguy dân tộc.
BVN

1117. TRUNG QUỐC MUỐN GÌ Ở CHÂU PHI?

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TRUNG QUỐC MUỐN GÌ Ở CHÂU PHI?

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 3/7/2012
TTXVN (Prêtôria 26/6)
Dưới đầu đề trên, nhật báo The New Times của Ănggôla ngày 18/6 đãng bài phân tích cho rằng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi có thể giúp phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, tuy nhiên sự tăng cường quan hệ này đối đầu với lợi ích của Mỹ và có thể gây hệ luỵ cho tương lai của châu lục.

Đối với Trung Quốc, châu Phi là nguồn cung cấp than đá và dầu mỏ giá rẻ, hai loại tài nguyên quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của họ. Còn đối với các quốc gia châu Phi, Trung Quốc là một đôi tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về mặt chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao.
Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi có lịch sử lâu dài, kể từ ngày các nhà thám hiểm Trung Quốc vượt châu Á, Ấn Độ Dương cách đây 6 thế kỷ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, người ta cho rằng Bắc Kinh đã xếp hạng các nước ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan và sử dụng viện trợ làm củ cà rốt, và điều này đã mang lại hiệu quả. Sự giúp đỡ của Trung Quốc đã được đền đáp bằng sự ủng hộ về mặt ngoại giao tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng đã nhiều lần sử dụng con bài đồng cảm, khuyên nhủ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, rằng họ không hề xa lạ với đói nghèo, rằng các nhà lãnh đạo châu Phi không có đất để hoạt động, bởi các nước tài trợ phương Tây, được gọi một cách mỹ miều là các đối tác phát triển, luôn luôn áp đạt đòi hỏi buôn bán tự do, mở rộng thị trường và tiến hành tư nhân hoá – những đòi hỏi không thể thực hiện được trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng.
Chính vì thế, sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với châu Phi là rất hợp thời trong bối cảnh kinh tế của nhiều nước châu Phi vẫn còn trì trệ và các nhà tài trợ từ phương Tây liên tục đặt các câu hỏi khó chịu liên quan đến vấn đề minh bạch hoá, trách nhiệm, nhân quyền và mở cửa kinh tế. Số liệu về sự tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã lôi kéo được nhiều chính phủ ở châu Phi, những người tin là cách thức của Trung Quốc phù hợp với chiến lược phát triển của họ.
Từ chỗ chỉ có 700 công ty hoạt động tại 49 nước vào năm 2004, nay con số này đã tăng lên gần 900. Bên cạnh các khoản tín dụng với lãi suất thấp cho ngày càng nhiều quốc gia châu Phi, từ năm 1963 đến nay, Trung Quốc đã cử hơn 15.000 bác sĩ tới điều trị cho gần 180 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác tại 47 nước. Từ việc phục hồi hàng loạt dự án cho đến gần đây vẫn bị xếp xó, như các mỏ đồng ở Dămbia, các thương vụ mới về dầu mỏ và các hiệp định hợp tác được ký kết trong các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, có vẻ như cánh cửa vào châu Phi đang được mở rộng và Trung Quốc đang trở thành một nhà đầu tư nặng ký và một bên tham gia chính trị nghiêm túc.
Tuy nhiên, quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và châu Phi động chạm trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, nước cũng đang gặp phải những thách thức trong việc đa dạng hoá các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình. Ngoài ra một số nước, chẳng hạn như Gana và Nam Phi phàn nàn về điều mà họ gọi là “tác động tiêu cực từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc”. Chính vì thế châu Phi cần phải học cách nêu ra những lợi ích sống còn của mình và tránh phải tiếp tục là nơi tiêu thụ các sản phẩm hạng hai của Trung Quốc trong khi lại bán rẻ tài nguyên của mình.
Cho dù người ta có nhìn nhận vấn đề theo cách nào đi chăng nữa thì đối với người dân châu Phi, sự nổi lên của Trung Quốc như là một thế lực toàn cầu có thể giúp họ dứt khỏi quá khứ thực dân đầy cay đắng. Từ các nhà buôn vải ở Lêxôthô, những vị khách du lịch ở Dimbabuê, những người xây dụng cầu đường ở Êtiôpia, các nhà địa chất học ở Xuđăng và nhiều nơi khác bằng chứng về chỗ đứng của người Trung Quốc tại châu Phi không còn là vấn đề phải tranh cãi. Vấn đề là ở chỗ liệu châu Phi có quan tâm đên lợi ích của mình hay không./.

1118. Thân nhân triệu phú của Tập Cận Bình tiết lộ sự giàu có bên trong tầng lớp cao cấp ở Trung Quốc

Posted by basamnews on 04/07/2012
Bloomberg

Thân nhân triệu phú của Tập Cận Bình tiết lộ sự giàu có bên trong tầng lớp cao cấp ở Trung Quốc

Nhóm tác giả và biên tập: Michael Forsythe; Shai Oster; Natasha Khan; Dune Lawrence; Amanda Bennett; Peter Hirschberg; Ben Richardson
Người dịch: Dương Lệ Chi
29-06-2012
Ông Tập Cận Bình, người đang chuẩn bị trở thành chủ tịch kế tiếp của Trung Quốc, đã cảnh báo các quan chức tại một hội nghị chống tham nhũng năm 2004: “Hãy kiểm soát vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè và thuộc cấp của các đồng chí, và nguyện không sử dụng quyền lực để trục lợi cá nhân“.
Khi ông Tập thăng tiến trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, gia đình mở rộng của ông đã phát triển lợi ích kinh doanh của họ gồm khoáng sản, bất động sản và thiết bị điện thoại di động, theo tài liệu công khai do Bloomberg biên soạn.
Các lợi ích này bao gồm đầu tư vào các công ty với tổng trị giá là 376 triệu đô la, 18% cổ phần đầu tư gián tiếp trong một công ty đất hiếm có trị giá 1,73 tỉ đô la, nắm giữ cổ phần 20,2 triệu đô la trong một công ty công nghệ có trong giao dịch chứng khoán. Các con số này không hạch toán các khoản nợ và do đó không phản ánh giá trị tài sản thực của gia đình.
Tài liệu cho thấy, không có tài sản nào có nguồn gốc từ ông Tập, sẽ bước sang tuổi 59 trong tháng này, hay vợ của ông là bà Bành Lệ Viên, 49 tuổi, một ca sĩ nổi tiếng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hoặc cô con gái của họ. Không có dấu hiệu ông Tập can thiệp để thúc đẩy các giao dịch kinh doanh cho người thân của ông, hoặc bất kỳ hành vi sai trái nào của ông Tập, hoặc gia đình mở rộng của ông.
Trong khi các khoản đầu tư được nhiều công ty che giấu khỏi ánh mắt công chúng, chính phủ hạn chế việc tiếp cận các tài liệu của công ty và trong một số trường hợp bị kiểm duyệt trên mạng, các khoản đầu tư đó được xác định trong hàng ngàn trang hồ sơ lưu trữ.
Lối vào căn biệt thự ở Belleview Drive, công tắc bấm chuông treo lủng lẳng. Ảnh: Bloomberg
Manh mối này cũng dẫn đến một ngôi biệt thự trên sườn đồi nhìn ra biển Đông (Nguyên văn: biển Hoa Nam) ở Hong Kong, với trị giá ước tính khoảng 31,5 triệu đô la. Công tắc chuông cửa lủng lẳng nối với dây điện, và hàng xóm ở đó cho biết nhiều năm qua không có ai ở trong căn nhà này. Gia đình này sở hữu ít nhất sáu tài sản khác ở Hồng Kông với tổng giá trị ước tính 24,1 triệu đô la.
Ban Thường vụ
Ông Tập được thăng tiến trong đảng ba thập niên qua, đã giữ các chức vụ lãnh đạo ở một vài tỉnh và vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị hồi năm 2007. Trên đường thăng tiến, ông đã xây dựng uy tín cho một chính phủ trong sạch.
Ông dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng ở Chiết Giang, một tỉnh duyên hải giàu có, nơi ông đã đưa ra cảnh báo “kiểm soát” nói trên cho các quan chức trong năm 2004, theo một tài liệu do Nhân Dân Nhật báo công bố. Ở Thượng Hải, ông được đưa lên nắm giữ chức bí thư thành ủy sau vụ bê bối 3,7 tỉ nhân dân tệ (khoảng 582 triệu đô la).
Một bức điện tín hồi năm 2009 của Đại Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, dẫn lời một người quen của ông Tập nói rằng, ông không bị mua chuộc, cũng không bị tiền bạc chi phối. Ông Tập đã “đánh bại xã hội thương mại hóa Trung Quốc, với những kẻ mới phất, quan chức tham nhũng, đánh mất giá trị, phẩm giá và lòng tự trọng”, bức điện của Wikileaks tiết lộ như thế, dẫn lời người bạn này. Wikileaks là trang công bố các tài liệu mật về chính phủ trên mạng.
Một phát ngôn viên của chính phủ Mỹ từ chối bình luận về tài liệu này.
Chia chát kinh tế
Bất mãn gia tăng do các gia đình có thế lực nhất của Trung Quốc phân chia lợi lộc trong tăng trưởng kinh tế, đặt ra thử thách cho Đảng Cộng sản. Khoảng cách thu nhập ở thành thị Trung Quốc lớn hơn so với bất kỳ nước nào khác ở châu Á trong 20 năm qua, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế .
Một người Trung Quốc bình thường sẽ tức giận khi biết được các giao dịch làm ăn mà người ta kiếm được hàng trăm triệu đô la, hay thậm chí hàng tỷ đô la, bằng cách kinh doanh ảnh hưởng chính trị“, ông Barry Naughton, giáo sư về kinh tế Trung Quốc, thuộc trường Đại học San Diego (UCSD), đã không đề cập cụ thể đến gia đình ông Tập.
Giám sát của sự giàu có của các quan chức đang gia tăng, trước sự chuyển giao quyền lực 10 năm một lần vào cuối năm nay, khi ông Tập và các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ kế tiếp chuẩn bị được thăng chức. Bạc Hy Lai bị lật đổ hồi tháng 3, ông Bạc là người nắm giữ chức vụ hàng đầu của đảng ở thành phố lớn nhất Trung Quốc, bị cáo buộc tham nhũng và liên quan đến vụ bê bối giết người, đã làm gia tăng sự tức giận của công chúng về chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng. Nó cũng thúc đẩy việc đòi hỏi các quan chức hàng đầu tiết lộ tài sản của họ trong các bài xã luận trên hai ấn phẩm tài chính Trung Quốc và từ các blogger. Gia đình ông Bạc đã tích lũy tài sản ít nhất là 136 triệu đô la, Bloomberg News đưa tin hồi tháng 4.
Lãnh đạo cách mạng
Ông Tập và những người anh em của ông là con của ông Tập Trọng Huân, một chiến binh cách mạng đã giúp Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong việc kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949, với cam kết chấm dứt hàng thế kỷ bất bình đẳng và sự lạm quyền để trục lợi cá nhân. Điều đó đã làm cho họ trở thành “những Thái tử Đảng” con dòng cháu giống của các quan chức hàng đầu và các nhân vật trong đảng, những người mà dòng dõi của họ có thể giúp họ sử dụng ảnh hưởng trong chính trị và kinh doanh.
Hầu hết các tài sản của gia đình mở rộng của ông Tập do Bloomberg tìm thấy đều thuộc sở hữu của người chị ông là bà Tề Kiều Kiều, 63 tuổi, và chồng bà là ông Đặng Gia Quý, 61 tuổi, với con gái bà Tề là Trương Yến Nam, 33 tuổi, theo hồ sơ công khai do Bloomberg sưu tập.
Ông Đặng nắm giữ 18% cổ phần gián tiếp trong công ty Tungsten Group Corp, một công ty sản xuất đất hiếm và kim loại hiếm ở tỉnh Giang Tây, tính đến thời điểm gần đây nhất là ngày 8 tháng 6. Đất hiếm được sử dụng trong các tua-bin gió và các loại bom thông minh của Mỹ, giá cả đất hiếm tăng vọt khi Trung Quốc thắt chặt nguồn cung cấp.
Tập đoàn Yuanwei
Bà Tề và ông Đặng đã nắm giữ số tài sản tại Công ty Đầu tư Yuanwei ở Thẩm Quyến, một công ty kinh doanh bất động sản và nhiều ngành nghề khác, với tổng trị giá 1,83 tỉ nhân dân tệ (khoảng 288 triệu đô la), theo hồ sơ tháng 12 năm 2011 cho thấy. Các công ty khác trong Tập đoàn Yuanwei hoàn toàn thuộc sở hữu của vợ chồng này, với tổng số tài sản trị giá ít nhất là 539,3 triệu nhân dân tệ (khoảng 84,8 triệu đô la).
Một khoản đầu tư trị giá 3,17 triệu nhân dân tệ của cô Trương tại công ty Hiconics Drive Technology Co., có trụ sở ở Bắc Kinh, đã tăng 40 lần kể từ năm 2009, hiện lên tới 128,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 20,3 triệu đô la) theo trị giá khi đóng cửa hôm qua ở Thâm Quyến.
Liên lạc với ông Đặng bằng điện thoại di động, ông cho biết ông đã nghỉ hưu. Khi hỏi về người vợ của ông, về cô Trương và chuyện kinh doanh của họ trên khắp đất nước, ông nói: “Không thuận tiện cho tôi để nói với quý vị nhiều thứ về chuyện này“. Cố gắng liên lạc trực tiếp với bà Tề và cô Trương hoặc gọi điện thoại cho họ ở công ty và fax, cũng như đến các địa chỉ tìm thấy trong hồ sơ, cũng đã không thành công.
Công ty New Postcom
Người anh rể của ông Tập Cận Bình, ông Ngô Long, điều hành một công ty viễn thông có tên New Postcom Equipment Co. Tính đến ngày 28 tháng 5, công ty này do những người bà con – phía gia đình vợ của em trai ông – sở hữu, theo tài liệu công khai và một cuộc phỏng vấn với một trong những người chủ đăng ký công ty.
New Postcom đã thắng các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ từ công ty chính phủ, China Mobile Communications Corp., là công ty điện thoại có số người sử dụng đông nhất thế giới, theo các nhà phân tích ở công ty tư vấn BDA China Ltd., có trụ sở tại Bắc Kinh, tư vấn cho các công ty công nghệ.
Đã liên lạc với hàng chục người trong hai tháng qua nhưng không ai bình luận về tài liệu công bố liên quan đến gia đình ông Tập do sự nhạy cảm của vấn đề. Các thông tin chi tiết từ những trang Web mô tả một trong những người cháu gái của ông Tập Cận Bình và ông chồng người Anh của cô này cũng đã bị xóa sau khi liên lạc được với hai người.
Tổng số tài sản từ các công ty mà gia đình ông Tập sở hữu chỉ cho thấy quy mô của các doanh nghiệp của họ, chứ không cho thấy lợi nhuận. Giá trị tài sản ở Hồng Kông được tính bằng cách dựa trên các giao dịch gần đây của những căn nhà tương tự để so sánh.
Chứng minh thư
Sự tính toán của Bloomberg chỉ bao gồm tài sản, bất động sản và các cổ phần, trong đó có tài liệu về quyền sở hữu của một thành viên trong gia đình và số tiền có thể đã được ấn định rõ ràng. Tài sản đã được truy tìm bằng cách sử dụng hồ sơ công khai và hồ sơ kinh doanh, các cuộc phỏng vấn những người quen và số chứng minh thư ở Hồng Kông và Trung Quốc.
Trường hợp các thành viên trong gia đình sử dụng các tên gọi khác nhau ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, thì Bloomberg xác minh danh tính bằng cách nói chuyện với những người đã gặp họ và thông qua nhiều tài liệu của công ty cho thấy có cùng tên và dùng chung địa chỉ.
Bloomberg cung cấp một danh sách các cổ phần do gia đình của ông Tập sở hữu cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng chính phủ đã từ chối bình luận.
Tháng 10 năm 2000, gia đình ông Tập Trọng Huân họp mặt vào dịp sinh nhật lần thứ 87 của ông để chụp ảnh tại một nhà khách chính phủ ở Thâm Quyến, hai năm trước khi lão trượng (tức Tập Trọng Huân) qua đời. Thành phố lớn phía Nam này có biên giới giáp Hồng Kông hiện là một thành phố giàu nhất Trung Quốc, một phần là nhờ ông Tập Trọng Huân. Ông thuyết phục cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tiên phong để thử nghiệm Trung Quốc mở cửa thị trường, ở nơi trước đây là một ngôi làng đánh cá.
Ảnh gia đình
Ông Tập Trọng Huân cùng vợ và con, con dâu, cháu. Ảnh: www.1921.org.cn
Ông Tập Trọng Huân đã dạy dỗ con cái thấm nhuần tinh thần cách mạng, theo các bài tường thuật từ các phương tiện truyền thông nhà nước, mô tả ông là một nhà lãnh đạo có nguyên tắc và đạo đức. Các thành viên trong gia đình kể lại trong các cuộc phỏng vấn về cách mà ông cho con cái ăn mặc quần áo cũ, vá víu như thế nào.
Theo một cuốn sách tưởng niệm Tập Trọng Huân, ông cũng đã không cho phép cô Kiều Kiều học trường cấp hai ở Bắc Kinh theo lựa chọn hàng đầu của con gái mình, ngôi trường này đã nhận cô vào học, mặc dù cô thiếu nửa điểm mới đạt yêu cầu. Thay vào đó, cô học ở một trường khác, lấy họ Tề của người mẹ, để các bạn cùng lớp không biết lý lịch của cô. Kiều Kiều và em gái An An đôi khi cũng sử dụng họ Tập của người cha.
Trường Đảng
Trong một bài phát biểu ngày 1 tháng 3 năm nay trước khoảng 2.200 cán bộ tại trường Trung ương Đảng ở Bắc Kinh, nơi các đảng viên được đào tạo, ông Tập Cận Bình nói rằng, một số người gia nhập đảng bởi vì họ tin rằng đó là cái vé để làm giàu. Theo một bản ghi lại bài phát biểu của ông trong một tạp chí chính thức, ông nói: “Bây giờ khó khăn hơn, nhưng quan trọng hơn bao giờ hết để giữ cho đảng trong sạch“.
Tập Minh Trạch, con gái ông, tránh sự quan tâm của công chúng. Cô học tại trường Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, với cái tên giả.
Việc thăng chức của ông Tập lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc vẫn chưa chính thức. Ông phải được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lựa chọn trong một cuộc họp vào cuối năm nay và sau đó phải được cơ quan lập pháp của đất nước chọn làm chủ tịch vào tháng 3 năm tới.
Đặng Tiểu Bình
Sự bất bình về việc các đảng viên cao cấp cầm quyền, biến quyền lực chính trị thành tài sản cá nhân như thế nào, đã tồn tại từ khi các cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình bắt đầu cách đây ba thập niên, khi ông nói rằng một số người có thể làm giàu trước, rồi giúp đỡ những người khác làm giàu sau đó.
Thân nhân của các quan chức hàng đầu khác đã ngụy tạo sự nghiệp kinh doanh. Con trai của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người đồng sáng lập một công ty tư nhân. Con trai của ông Chu Dung Cơ, người tiền nhiệm ông Ôn Gia Bảo, đứng đầu một ngân hàng đầu tư của Trung Quốc.
Ông Wan Guanghua, trưởng kinh tế gia tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói: “Điều mà tôi thực sự lo ngại là liên minh giữa những người giàu có và những người có thế lực lớn. Điều này đẻ ra tham nhũng, và bất bình đẳng tự củng cố và duy trì“.
Những lời chỉ trích công khai gia tăng, chống lại các màn phô trương sự giàu có của các quan chức. Các bloggers theo dõi các hiệu thiết kế mà các cán bộ chưng diện khoe khoang, bày tỏ sự ghê tởm đối với một cựu bộ trưởng đã đeo chiếc đồng hồ Rolex bằng vàng hồi năm ngoái. Họ đã trừng trị con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng về việc bà diện một bộ cánh màu hồng, hiệu Emilio Pucci, đi dự hội nghị lập pháp hàng năm của quốc gia hồi tháng 3. Một số người than phiền rằng, bộ đồ trị giá 12.000 nhân dân tệ có thể mua quần áo ấm cho 200 trẻ em nghèo.
‘Tiếp cận bất bình đẳng’
Ông Perry Link, một học giả Trung Quốc tại Đại học Riverside (UCR) nói: “Người dân tức giận bởi vì sự tiếp cận bất bình đẳng trong việc kiếm tiền, và những phần họ được hưởng cho thấy, đối với dân chúng là không công bằng. Rõ ràng là trong suy nghĩ của công chúng Trung Quốc, điều này là sai” .
Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại một cuộc họp của Quốc Vụ viện Trung Quốc hôm 26 tháng 3 rằng, quyền lực phải được thực thi “dưới ánh sáng mặt trời” để chiến đấu chống tham nhũng.
Trong khi các quan chức Trung Quốc phải báo cáo thu nhập và tài sản của họ cho các cơ quan, cũng như thông tin cá nhân về gia đình trực tiếp của họ, những sự tiết lộ này không được công khai.
Sự thiếu minh bạch càng làm tăng thêm niềm tin rằng, con đường đi tới sự giàu có tùy thuộc vào điều mà Trung Quốc gọi là “guanxi” (các mối quan hệ), một từ gồm tất cả các mối quan hệ được xem như rất quan trọng trong việc làm ăn ở Trung Quốc. Điều này giúp giải thích lý do vì sao các thái tử đảng mặc dù không giữ các chức vụ chính thức nhưng vẫn có ảnh hưởng. Hay như một câu tục ngữ Trung Quốc nói rằng: Khi một người có quyền hành, ngay cả gà và chó của ông ta cũng lên hương.
‘Người thân của các quan to’
Nếu bạn là anh, chị, em ruột của một nhân vật rất quan trọng ở Trung Quốc, tự động mọi người sẽ xem bạn như là một người có tiềm năng ảnh hưởng và sẽ cư xử tốt với bạn, với hy vọng có được các mối quan hệ (guanxi) với người thân của vị quan to“, ông Roderick MacFarquhar, một giáo sư ngành chính phủ học tại Đại học Harvard, chuyên về chính trị của giới cao cấp ở Trung Quốc.
Sự liên kết giữa quyền lực chính trị và sự giàu có không phải chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Lyndon B. Johnson rất nghèo khi bắt đầu cuộc sống mà ông ấy đã vay 75 đô la để học ở Trường Sư phạm Southwest Texas State Teachers College hồi năm 1927, theo thư viện tổng thống của ông. Sau gần ba thập niên nắm giữ các chức vụ do dân bầu chọn, ông và gia đình ông có các cổ phần trong ngành bất động sản và truyền thông trị giá 14 triệu đô la năm 1964, sau đúng một năm đầu mà ông làm tổng thống, theo một bài viết số tháng 8 năm 1964 đăng trên Life Magazine (Tạp chí Đời Sống).
Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung, thuộc Hiệp hội Châu Á ở New York, nói rằng, mối liên hệ giữa quyền lực và sự giàu có có thể tìm thấy ở bất kỳ nước nào. Ông nói: “Nhưng không có một nước nào mà điều này đúng hơn là ở Trung Quốc. Chỉ cần làm một thành viên trong họ hàng của những gia đình này, cũng có một lợi thế rất lớn“.
Không công bằng đối với ông Tập
Yao Jianfu, một nhà nghiên cứu làm việc cho chính phủ đã nghỉ hưu, là người đã kêu gọi công bố tài sản của các lãnh đạo, nói rằng, sẽ không đúng khi gán ông Tập Cận Bình vào những chuyện làm ăn của gia đình ông.
Nếu các thành viên khác trong gia đình là những người đại diện kinh doanh độc lập, tôi nghĩ rằng, không công bằng khi mô tả điều này như là một phe cánh gia đình và xem nó như là của ông Tập Cận Bình“, ông Yao nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Thế hệ các anh, chị, em của ông Tập không phải luôn có lợi thế. Người cha Tập Trọng Huân đã bị Mao Trạch Đông thanh trừng hồi năm 1962. Cũng giống như nhiều thái tử đảng khác, những người con đã bị phân tán đến các vùng nông thôn thời Cách mạng Văn hóa. Số tiền 5 nhân dân tệ mà bà Tề Kiều Kiều nhận được khi làm việc trong một đội cùng với 500 thanh niên khác ở vùng Nội Mông khiến bà cảm thấy giàu có, Kiều Kiều hồi tưởng lại trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên trang web của Đại học Thanh Hoa, có trụ sở ở Bắc Kinh.
Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, gia đình ông Tập đã được phục hồi và bà Kiều Kiều, chị của ông Tập Cận Bình theo đuổi nghề nghiệp trong quân đội và là giám đốc [một bộ phận thuộc] Cảnh sát Vũ trang Nhân dân [Trung Quốc]. Bà đã từ chức để chăm sóc cho cha của bà, ông [Tập Trọng Huân] đã nghỉ hưu năm 1990, bà Kiều Kiều cho biết trong cuộc phỏng vấn của trường Đại học Thanh Hoa.
Mua bất động sản
Một năm sau, bà đã mua một chung cư ở Hong Kong, lúc đó còn là thuộc địa của Anh, với giá 3 triệu đô Hong Kong (khoảng 387.000 đô Mỹ) vào thời điểm đó, tương đương 900 lần số tiền kiếm được hàng năm của một người lao động trung bình ở Trung Quốc. Bà vẫn sở hữu tài sản này, trong khu phức hợp Pacific Palisades, ở Braemar Hill, Hồng Kông, theo hồ sơ đăng ký đất đai.
Đến năm 1997, bà Tề Kiều Kiều và ông Đặng Gia Quý đã đăng ký một khoản đầu tư 15,3 triệu nhân dân tệ trong một công ty mà sau này trở thành công ty Shenzhen Yuanwei Industries Co., một tập đoàn công ty, theo các tài liệu. Tài sản của công ty này không được công bố công khai. Tuy nhiên, một trong những công ty con là, ShenzhenYuanwei Investment, có tài sản trị giá 1,85 tỉ nhân dân tệ (khoảng 291 triệu đô la) vào thời điểm cuối năm 2010. 99% công ty này thuộc sở hữu của vợ chồng bà Tề và ông Đặng, theo tài liệu do một công ty chứng khoán nộp hồi tháng 12 năm 2011.
Bà Tề Kiều Kiều cùng các sinh viên Đại học Thanh Hoa trong một buổi biểu diễn trống. Ảnh: Imaginechina
Sau cái chết của người cha năm 2002, bà Tề cho biết, bà quyết định tham gia kinh doanh, cuộc phỏng vấn của trường Thanh Hoa cho biết. Bà tốt nghiệp từ trường Thanh Hoa, có bằng thạc sĩ quản trị, chương trình quản trị kinh doanh năm 2006 và thành lập đội trống dân gian. Trình diễn theo phong cách của tỉnh Thiểm Tây, nơi ông Tập Trọng Huân được sinh ra.
Manh mối hồ sơ
Các tên Tề Kiều Kiều, Đặng Gia Quý hay Trương Yến Nam xuất hiện trong hồ sơ của ít nhất 25 công ty trong hai thập niên qua ở Trung Quốc và Hồng Kông, hoặc là cổ đông, giám đốc hay những người đại diện pháp lý – một thuật ngữ có nghĩa là người chịu trách nhiệm trong một công ty như là chủ tịch.
Trong một số hồ sơ, bà Tề sử dụng tên Chai Lin-hing. Bí danh này có liên quan đến bà ấy bởi vì các chi tiết về tiểu sử trong một tài liệu công ty Trung Quốc phù hợp với những chi tiết trong hai cuộc phỏng vấn bà Tề Kiều Kiều đã được công bố. Chai Lin-hing sở hữu nhiều công ty và tài sản ở Hồng Kông với Đặng Gia Quý.
Năm 2005, Trương Yến Nam bắt đầu xuất hiện trong một số tài liệu Hồng Kông, khi bà Tề và ông Đặng chuyển 99,98% sở hữu của một công ty, có một căn chung cư, một đơn vị trong khu chung cư Regent on the Park, với trị giá ước tính là 54 triệu đô la Hong Kong (khoảng 6,96 triệu đô la Mỹ).
Biệt thự ở Vịnh Nước Cạn
Biệt thự của thân nhân ông Tập Cận Bình cùng những căn nhà khác ở Belleview Drive, Vịnh Nước Cạn. Ảnh: Bloomberg
Số thẻ căn cước của cô ở Hong Kong được ghi trong các tài liệu mua bán, trùng với số đã được tìm thấy ở công ty Special Joy Investments Ltd., công ty mà cô sở hữu cùng với mẹ cô và ông Đặng Gia Quý. Cả ba người có cùng địa chỉ ở Hồng Kông trong hồ sơ ngày 12 tháng 5.
Cô Trương sở hữu bốn căn chung cư cao cấp khác trong khu tháp Convention Plaza Apartments có cảnh quang nhìn ra bến cảng, tiếp giáp với khách sạn Grand Hyatt.
Kể từ khi Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được tự quản, với hệ thống pháp luật và ngân hàng riêng. Khoảng một phần ba tổng số các ngôi nhà sang trọng mới ở trong lãnh thổ Hồng Kông do người Trung Quốc đại lục mua, theo công ty Centaline Property Agency Ltd.
Ở Trung Quốc đại lục, dự án của bà Tề và ông Đặng là một căn nhà phức hợp cao cấp, được gọi là Guanyuan, gần khu tài chính của Bắc Kinh, tự hào với vườn tược được cắt tỉa cẩn thận và bên ngoài của ngôi nhà làm bằng gạch màu xám, gợi nhớ đến những căn nhà kiến trúc lịch sử của thành phố. Chi tiết tài chính về nhà đầu tư [của căn nhà này] là không có, do công ty tìm kiếm ở Bắc Kinh bị áp đặt hạn chế.
Khu liên hợp Bắc Kinh
Bất động sản của thân nhân ông Tập ở Belleview Drive, Vịnh Nước Cạn, dưới cùng thứ 2, bên phải. Ảnh: Bloomberg
Để có tiền đầu tư, vợ chồng bà Tề và ông Đặng đã vay mượn từ bạn bè và ngân hàng, với mục đích thu hút các quan chức, giám đốc điều hành các công ty nhà nước, họ nói với tạp chí V Marketing China trong một cuộc phỏng vấn năm 2006. Giá bất động sản ở thủ đô đã tăng 79% trong bốn năm sau đó, theo dữ liệu của chính phủ.
Chủ đầu tư địa điểm này – 70% thuộc sở hữu công ty Yuanwei Investment của bà Tề và ông Đặng – đã mua hơn 10.000 mét vuông đất với giá 95,6 triệu nhân dân tệ hồi năm 2004 để xây dựng khu Guanyuan, theo Sở Đất đai và Tài nguyên thành phố Bắc Kinh.
Một căn hộ chung cư ở Guanyuan, rộng 189 m vuông (khoảng 2.034 bộ vuông) có ba phòng ngủ, được ra giá trên mạng hồi tháng 6 là 15 triệu nhân dân tệ. Một mét vuông được bán với giá 79.365 nhân dân tệ – nhiều hơn gấp đôi số tiền bình quân mỗi người kiếm được hàng năm.
Công chúng tức giận với chi phí nhà ở tăng cao đã làm cho bất động sản trở thành một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc. Giá bất động sản “vượt quá xa mức giá hợp lý”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói hồi tháng 3.
Sân chơi
Việc thiếu một sân chơi bình đẳng và giá nhà vượt quá khả năng, có nghĩa là “bạn có thể bị cắt bỏ giấc mơ Trung Quốc”, ông Joseph Fewsmith đã nói. Ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Boston, tập trung nghiên cứu về chính trị Trung Quốc. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc liệu có bền không nếu xung quanh bạn có các loại cơ hội bất bình đẳng như thế này?
Những người có mối quan hệ thích hợp có thể được quyền tiếp cận tài sản do chính phủ kiểm soát, theo ông Bo Zhiyue, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á, thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Tất cả những điều họ cần là bước vào trò chơi, một bước nhỏ trước những người khác, và họ có thể kiếm được lợi rất lớn“, ông nói. Ông Bo đã không bàn luận về các khoản đầu tư cụ thể của các thành viên gia đình ông Tập.
Một trong những khoản lợi nhuận kiếm được đúng lúc của ông Đặng là đầu tư vào một công ty nhà nước trong lĩnh vực kim loại đất hiếm.
Đất hiếm
Công ty Đầu tư Wangchao của ông Đặng ở Thượng Hải đã mua 30% cổ phần của [công ty] Đất hiếm Giang Tây với giá 450 triệu nhân dân tệ (71 triệu Mỹ kim) hồi năm 2008, theo một bản cáo bạch trái phiếu.
Ông Đặng sở hữu 60% công ty Wangchao Thượng Hải. Một bản copy chứng minh nhân dân Trung Quốc của ông Đặng được tìm thấy trong các tài liệu đăng ký của công ty, phù hợp với bản tìm thấy trong hồ sơ một công ty con của Yuanwei. Các viên chức điều hành của nhóm liên kết công ty Yuanwei giữ các chức vụ phó chủ tịch và giám đốc tài chính trong công ty Đất hiếm Giang Tây, hồ sơ cho biết.
Việc đầu tư xảy ra khi Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất kim loại [hiếm], đã thắt chặt kiểm soát sản xuất và xuất khẩu, một chính sách đã làm cho giá cả một số loại đất hiếm tăng hơn gấp bốn lần trong năm 2011.
Một người phụ nữ trả lời điện thoại tại trụ sở chính của công ty Đất hiếm Giang Tây ở Nam Xương, cho biết, cô không thể cung cấp thông tin tài chính vì công ty không được liệt kê trên thị trường chứng khoán. Cô từ chối thảo luận về việc đầu tư của công ty Wangchao Thượng Hải, nói rằng điều này quá nhạy cảm.
Công ty Hiconics Drive
Cô Trương, con gái của bà Tề Kiều Kiều đã đầu tư 3,17 triệu nhân dân tệ vào Hiconics, một công ty sản xuất các thiết bị điện tử, có trụ sở ở Bắc Kinh, ba năm trước khi công ty này bán cổ phiếu bán ngoài thị trường hồi năm 2010. Người sáng lập Hiconics, ông Liu Jincheng học cùng lớp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) với bà Tề Kiều Kiều, theo hồ sơ trên trang web [Đại học] Thanh Hoa.
Wang Dong, thư ký hội đồng quản trị của công ty đã không trả lời các câu hỏi được fax đến hoặc các cuộc điện thoại gọi tới để biết ý kiến bình luận [của Wang].
Các lợi ích kinh doanh của bà Tề và ông Đặng có thể vẫn còn mở rộng thêm: các tên xuất hiện như là người đại diện pháp lý của ít nhất 11 công ty ở Bắc Kinh và Thâm Quyến, các thành phố hạn chế việc tiếp cận hồ sơ, gây khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu các công ty hoặc giá trị tài sản.
Tập đoàn Dalian Wanda
Ví dụ, ông Đặng là người đại diện pháp lý của một công ty có trụ sở ở Bắc Kinh, đã mua 0,8% cổ phần của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, công ty Dalian Wanda Commercial Properties Co., với giá 30 triệu nhân dân tệ hồi năm 2009, cho cổ phần tư nhân. Dalian Wanda Commercial có doanh số bán hàng hồi năm ngoái là 95,3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 15 tỉ đô la).
Dalian Wanda Commercial “không bình luận về giao dịch tư nhân,” công ty cho biết trong một thông báo bằng e-mail.
Ông Đặng cũng từng là đại diện theo pháp lý của một công ty đã giành được một hợp đồng trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (157 triệu đô la) của chính phủ để giúp xây một cây cầu ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, theo một trang web chính thức và hồ sơ của công ty.
Cơ cấu sở hữu phức tạp thì phổ biến ở Trung Quốc, theo Victor Shih, giáo sư tại Đại học Northwestern ở Evanston, bang Illinois, ông nghiên cứu mối liên hệ giữa tài chính và chính trị ở trong nước (Trung Quốc). Các thái tử đảng làm ăn với những người mà họ tin tưởng, thường là các thành viên trong gia đình mở rộng của họ, để mở các công ty đại diện cho họ, đấu thầu các hợp đồng từ doanh nghiệp nhà nước, ông Shih nói, nhưng đã không đề cập cụ thể trường hợp gia đình của ông Tập.
Công ty New Postcom
Trường hợp ông Ngô Long, người anh rể của ông Tập Cận Bình, được xác định là chủ tịch công ty New Postcom trong hai bản tin trên trang web của Guangzhou Development District , một tin hồi năm 2009 và tin kia đăng một năm sau đó.
New Postcom không không cung cấp danh sách ban quản lý trên trang web. Dùng công cụ tìm kiếm của Baidu Inc. bằng tiếng Trung  để tìm, sử dụng tên “Wu Long” (Ngô Long) và “New Postcom” thì cho ra lời cảnh báo cũng bằng tiếng Trung: “Các kết quả tìm kiếm có thể không phù hợp với luật pháp, các quy định và chính sách có liên quan, và có thể không hiển thị“.
Hồ sơ cho thấy, New Postcom do hai người có tên là Geng Minhua và Hua Feng làm chủ sở hữu. Địa chỉ của họ trong các tài liệu của công ty dẫn đến tầng thứ chín của một tòa tháp bằng bê tông được xây vài chục năm trước ở Bắc Kinh, nơi người mẹ già của bà Geng đang sống. Trên bức tường trong phòng khách của bà là số điện thoại di động của người con gái bà.
Khi liên lạc bằng điện thoại hôm 6 tháng 6, bà Geng xác nhận bà là chủ công ty New Postcom với Feng Hua, con trai của bà, và người con gái của bà đã kết hôn với Ngô Minh, em trai của Ngô Long. Bà Geng cho biết, Ngô Long đứng đầu công ty và bà không tham gia vào công việc quản lý.
Các chủ sở hữu khác
New Postcom xác định được hai người khác nhau – Hong Ying và Ma Wenbiao – là chủ sở hữu, theo một tuyên bố hôm 27 tháng 6, dài 6 trang và cho biết người đứng đầu của công ty là một người tên là Liu Ran. Công ty đã không trả lời các yêu cầu đã được hỏi nhiều lần để giải thích sự khác nhau. Không thể liên lạc với Ngô Long và vợ của ông, bà Tề An An, để họ đưa ra bình luận.
New Postcom là một công ty mới phất, được hưởng lợi từ các hợp đồng chính phủ. Công ty này chuyên về mẫu điện thoại di động 3G sản xuất nội địa được chính phủ ủy nhiệm, do China Mobile triển khai. Năm 2007, công ty đã giành được một phần đấu thầu cung cấp thiết bị cầm tay, đánh bại các đối thủ cạnh tranh vững mạnh hơn như Motorola Inc., theo BDA Trung Quốc.
Ông Duncan Clark, Chủ tịch BDA nói: “Họ không biết rằng đột nhiên [công ty đó] xuất hiện. Mọi người đang đợi Motorola nhận được phần lớn hợp đồng sản xuất thiết bị đó, thế rồi một công ty vô danh tiểu tốt đột nhiên xuất hiện ở đầu danh sách“.
Năm 2007, điện thoại di động trong nước vẫn đang phát triển, và nhiều công ty lớn hơn đang đứng bên lề, cho phép New Postcom có một thị phần lớn hơn trong thị trường, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Tập Viễn Bình
William Moss, phát ngôn viên ở Bắc Kinh, đại diện cho đơn vị công ty Motorola Mobility đã tách khỏi Motorola năm ngoái và được Google Inc mua lại, đã từ chối bình luận chi tiết về bất kỳ hồ sơ đấu thầu cá nhân nào. China Mobile “luôn nhấn mạnh nguyên tắc: công khai, công bằng, hợp lẽ phải và đáng tin cậy” để chọn các nhà cung cấp, Trương Xuân, phát ngôn viên của công ty cho biết qua e-mail.
Em trai Tập Cận Bình, ông Tập Viễn Bình, là chủ tịch sáng lập bộ phận tư vấn năng lượng, có tên: Hiệp hội Bảo tồn Năng lượng và Bảo vệ Môi trường Quốc tế (International Energy Conservation Environmental Protection Association). Theo một nhân viên từ chối tiết lộ danh tính thì ông Tập Viễn Bình không đóng một vai trò chủ động trong tổ chức này.
Một trong những đứa cháu gái của ông Tập thì nổi tiếng hơn. Cô Hiu Ng, con gái của bà Tề An An và Ngô Long, và chồng của cô, Daniel Foa, 35 tuổi, năm ngoái đã được liệt kê là những người phát biểu tại một hội nghị chuyên đề mạng lưới liên kết ở Maldives về du lịch bền vững với những người nổi tiếng như tỷ phú Anh Richard Branson và nữ diễn viên Daryl Hannah.
Công ty năng lượng sạch Hudson
Cô Hiu Ng tham dự Hội nghị châu Á năm 2011. Nguồn: Imaginechina
Các thông tin chi tiết về cặp vợ chồng này đã bị gỡ bỏ khỏi hồ sơ trên mạng sau khi các phóng viên Bloomberg liên lạc với họ. Foa nói qua điện thoại rằng ông không thể bình luận về công ty FairKlima Capital, một quỹ năng lượng sạch mà họ đã thành lập hồi năm 2007. Còn cô Ng thì không trả lời e-mail yêu cầu cô cho một cuộc phỏng vấn.
Cả hai người không còn được nhắc đến trên trang web FairKlima. Ngày 3 tháng 6, bộ nhớ cache ở trang “liên hệ”, có tiểu sử ngắn của cô Ng và ông Foa dưới tiêu đề: “Đội ngũ quản lý cao cấp”.
Tham khảo lý lịch của cô Ng trên trang LinkedIn hôm 8 tháng 6, trang này cho biết, cô làm việc tại New Postcom, cũng đã bị gỡ bỏ [thông tin này] kể từ hôm đó, cùng với chức vụ là “Phó Chủ tịch công ty Clean Energy Partners China”.
Ông Foa Daniel cùng nữ tài tử Lý Băng Băng. Nguồn: Imaginechina
Ông Neil Auerbach là người sáng lập công ty vốn tư nhân, “the Teaneck”, có trụ sở ở New Jersey, cho biết, ông đã làm việc với cô Ng vì cô ấy có niềm đam mê làm việc lâu dài trong việc [đầu tư] bền vững.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 13 tháng 6: “Chúng tôi hiểu các mối quan hệ chính trị của cô ấy, nhưng cô ấy tập trung vào đầu tư bền vững, và đó là mục đích. Chúng tôi rất vui khi làm việc với cô ấy“.
Nguồn: Bloomberg
Bản tiếng Việt © BS2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét