Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người bị chà đạp

Phạm Bá Hải
-
Tháng 09-2011, sau 05 năm ở tù tôi được các anh an ninh và công an của xã, huyện, thành phố cho biết sẽ tạo điều kiện để tôi sinh sống. Trong các biên bản, tôi có nêu nhu cầu xây dựng một căn phòng nhỏ kề bên nhà cũ để ở; vì ba tôi đã trên 80 tuổi, cần chỗ yên tĩnh một mình để nghỉ ngơi.
Tôi lên Phòng Xây Dựng của xã xin phép xây nhà. Họ bảo chỗ tôi ở đang quy hoạch, không thể cho phép. Họ đưa ra tờ giấy photo copy công văn của TP HCM. Có mấy điểm cần liệt kê như sau:
1. Khu vực này từng có nhiều quy hoạch treo như vậy suốt mấy chục năm nay
2. Tờ photo họ đưa ra chữ mờ đến nỗi không đọc được ai ký, chức vụ gì, cũng chẳng có dấu đỏ nào chứng tỏ tờ giấy có giá trị pháp lý để thi hành áp dụng.
3. Trên thực tế khu vực này có hàng loạt nhà cửa, cơ xưởng đã và đang xây dựng suốt nhiều năm qua.
Tháng 10-2011 tôi làm đơn xin cất nhà gửi đến công an và UBND xã Xuân Thới Thượng, Hốc Môn, TP HCM. Suốt 06 tháng, tôi không hề nhận được câu trả lời của họ, mặc dù tôi đã cam kết tự tháo dỡ khi có lệnh di dời. Do nhu cầu cấp bách, ngày 06-04-2012 tôi tiến hành xây căn phòng kế bên nhà, có sự chứng kiến của công an và an canh gác trước nhà tôi.
Ngày 27-04-2012 06 thuyền nhân hồi hương bị bắt lên đồn công an điều tra về Hội Từ Thiện Bạch Đằng Giang và các hoạt động nhân đạo, gồm có: Phạm Bá Hải (là tôi), Đào Bá Lê, Trần Đức Nhã, Nguyễn Tự Thành, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Văn Cường. Sau 01 ngày điều tra, họ không tìm ra chứng cớ gì để buộc tội, vì chỉ là các hoạt động nhân ái thuần túy. Nhưng điều đáng lên án hơn cả là họ nhân danh chính quyền, để cấm các hoạt động nhân đạo này. Kỳ thị, phân biệt, thi hành các biện pháp ngược đãi là sách lược chính quyền Việt Nam luôn áp dụng, đối với những thành phần họ cho rằng phải hy sinh cho họ, vì họ là đa số.
Điều 1 Tuyên Ngôn Nhân Quyền của LHQ ghi rõ: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.” Cộng đồng thuyền nhân hồi hương có trên 60 ngàn người đang đòi quyền sống bình đẳng, đang muốn giá trị nhân phẩm cuả mình được tôn trọng. Nhưng chính quyền Việt Nam làm ngơ. Công an, an ninh mời nhiều thuyền nhân làm việc và đe dọa, nếu họ cứ tiếp tục tục liên hệ nhận quà tương trợ của Hội Từ Thiện Bạch Đằng Giang. Suốt 07 tháng dài tôi bị công an gọi lên điều tra, mỗi lần gần như hết cả ngày. Họ đóng quân trước nhà, thường xuyên quấy nhiễu dò xét qua điện thoại, quay camera, tra hỏi ba tôi liên tục.
Tra vấn quấy nhiễu chưa đủ, công an an ninh Việt Nam tiếp tục ngăn cản quyền được sống của tôi. Sau cuộc bố ráp bắt 06 thuyền nhân để điều tra ngày 28-04-2012, ông chủ tịch ấp cùng hai thanh tra xây dựng kéo vào nhà tôi lập biên bản đình chỉ công việc xây cất, bất chấp sự phản đối không đồng ý ký vào biên bản của tôi. Uy lệnh của họ khiến công nhân sợ hãi bỏ dụng cụ ra về. Hôm nay tôi nhận được Quyết Định của Phó Chủ Tịch xã, ký ngày 02-05-2012 yêu cầu nội trong 03 ngày, tôi phải tự phá dỡ nhà đang xây, nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.
Qua các việc:
1. Xin cất nhà không được trả lời.
2. Hoạt động nhân đạo bị cấm.
3. Quyết định cưỡng chế phá dỡ.
Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cho thế giới thấy rõ họ là một nhà nước bạo quyền, chà đạp vào quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.
Phạm Bá Hải
___________________________________________
Phụ chú:
Biên bản cấm xây dựng nhà và quyết định tháo dỡ nhà
bb1.jpg
bb2_0.jpg
qd1.jpg
qd2.jpg
Theo: Dân Luận.

 

Đồng Găng náo loạn vì một phạm nhân tử vong: Bài học kinh nghiệm không bao giờ cũ


Thành Long
-
Ngày 28/4/2012 tại trại giam A2 Đồng Găng, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, 2 công an trại đã đánh chết một người tù, làm cho trại viên nổi loạn. Trước tình hình đó Trung tướng Cao Ngọc Oánh của Bộ CA phải có mặt để vãn hồi trật tự.
Ngày 28-4, cho rằng cán bộ Trại giam A2 thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đánh chết phạm nhân Dương Chí Dũng (sinh năm 1977, trú TP. Nha Trang) đang thụ án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhiều phạm nhân đã không chấp hành mệnh lệnh vào buồng giam mà có biểu hiện gây rối, la ó, đòi yêu sách. Lãnh đạo Công an tỉnh đã kịp thời có mặt để hỗ trợ giải quyết. Trung tướng Cao Ngọc Oánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an trên đường đi công tác cũng có mặt để ổn định tình hình.
Sự việc đáng tiếc
Chiều 28-4, nhận được thông tin về vụ gây rối của các phạm nhân tại Trại giam A2, chúng tôi nhanh chóng lên đường để xác minh. Nhờ sự giúp đỡ của một cán bộ Công an Diên Khánh, chúng tôi được Ban giám thị cử người ra cổng đón vào tìm hiểu tình hình và đáp ứng một phần yêu sách của phạm nhân là “được gặp mặt nhà báo”.
Khi vào trại, lúc đó đã là 18 giờ. Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình ở trại lúc này đang “căng như dây đàn”. Phạm nhân phong tỏa cửa phân trại, không về buồng giam, la ó, đưa ra hết yêu sách này đến yêu sách khác.

Thời gian qua, tại Trại giam A2 đã có nhiều phạm nhân cải tại tốt và được đặc xá, tha tù trước thời hạn
Đại tá Nguyễn Sơn – Giám thị trại cho biết: “Khoảng 10 giờ 15 ngày 28-4, tôi nhận được tin báo tại K2 phạm nhân đang nổi loạn. Tôi hỏi lý do thì anh em bảo là hình như có cán bộ đánh phạm nhân, sau đó mang phạm nhân xuống khám thì phạm nhân chết. Phạm nhân chết tên là Dương Chí Dũng, sinh năm 1977, trú tại TP. Nha Trang, can tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị xử phạt 2 năm tù giam. Dũng có một tiền án, vào trại ngày 26-3-2011”. Qua kiểm tra tình hình được biết, trong buổi khám sức khỏe, phạm nhân Dũng không chấp hành, có lời nói xúc phạm đến cán bộ y tế. Thiếu úy, y sĩ Nguyễn Đăng Khoa và Thượng sĩ Võ Thành Phương có bực mình đánh phạm nhân mấy cái, chẳng may sau đó phạm nhân tử vong.
Cho rằng cán bộ trại giam đánh chết người, nhiều phạm nhân ở phân trại này đã phong tỏa cửa phân trại, không vào buồng giam, đồng thời đưa ra hàng loạt yêu sách như: Trực tiếp gặp người nhà phạm nhân, gặp lãnh đạo Công an Khánh Hòa mới giao thi thể phạm nhân cho người nhà mai táng. Tuy nhiên, khi các yêu sách trên đã được đáp ứng thì các trại viên biết có Trung tướng Cao Ngọc Oánh đang ở trại nên vẫn tiếp tục làm reo.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Dung, bác ruột của phạm nhân Dương Chí Dũng nói: “Sau khi nhận được tin cháu tôi chết, gia đình chúng tôi chỉ mong nhận được xác của Dũng về an táng, nhưng nhiều phạm nhân ở phân trại K2 Trại giam A2 đã cản trở, cố tình gây rối và muốn làm loạn chứ không có mục đích gì khác”.
Sáng 29-4, lãnh đạo Công an tỉnh cùng Trung tướng Cao Ngọc Oánh đã trực tiếp đến các phân trại vận động phạm nhân chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Giám thị trại giam. Đoàn công tác đã lắng nghe các phản ánh của những phạm nhân và hứa sẽ trực tiếp xem xét, chỉ đạo giải quyết những nguyện vọng chính đáng, ai sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhấn mạnh, những trường hợp còn cố tình kích động, gây rối, hủy hoại tài sản, xâm phạm đến danh dự, sức khỏe của người khác, chống lại người thi hành công vụ sẽ bị áp dụng biện pháp mạnh. Sau khi nghe thông báo, lần lượt các phạm nhân ở phân trại K1, K2 đã tự giác mở cửa trại giam. Đến 9 giờ 15 ngày 29-4, 100% phạm nhân tại các phân trại đã chấp hành mệnh lệnh của Giám thị trại giam, về lại đúng vị trí của mình tại các buồng giam. Cùng ngày, thi thể phạm nhân Dương Chí Dũng đã được đưa đến Trung tâm Pháp y tỉnh khám nghiệm.
Bài học kinh nghiệm không bao giờ cũ
Cho đến giờ này vụ “nổi loạn” của phạm nhân ở Trại giam A2 đã được giải quyết. Những cán bộ làm sai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ việc này có lẽ không bao giờ là muộn.
Thời gian qua, lực lượng Công an triển khai sâu rộng phong trào thi đua làm theo lời Bác, đã lập nhiều chiến công to lớn trên mặt trận bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ Công an tận tụy phục vụ nhân dân ngày càng trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với người dân. Nhưng đáng tiếc là vẫn có những nơi, những lúc, có chiến sĩ khi thi hành công vụ vẫn thiếu kìm chế, đã có những hành vi vượt quá điều lệnh cho phép và hậu quả khôn lường đã xảy ra. Khi hậu quả xảy ra, trước tiên phần thiệt thòi thuộc về người chiến sĩ (bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị truy tố…), và lớn hơn là uy tín của ngành bị ảnh hưởng nặng nề.
Bài học kinh nghiệm ấy không của riêng đơn vị nào, người chiến sĩ Công an nào.
THÀNH LONG
17 giờ chiều 1-5, Đại tá Nguyễn Sơn – Giám thị Trại giam A2 cho biết, tình trạng lộn xộn ở phân trại K1 đã được giải quyết; đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng, trong ngày có một phạm nhân tự vẫn tại Trại giam A2.
Theo Đại tá Nguyễn Sơn, trước đó, từ chiều 30-4, tình hình tại phân trại K1 bất ngờ diễn biến phức tạp. Các phạm nhân ở K1 có biểu hiện chống đối, đập phá tài sản. Trại đã áp dụng biện pháp mềm dẻo, thuyết phục các phạm nhân theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, các phạm nhân ở phân trại này không những không chấp hành mà còn đập phá buồng giam không có lý do. Cũng theo Đại tá Nguyễn Sơn, Đảng ủy Trại giam A2 đã họp và có văn bản đề nghị Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) khai trừ Đảng đối với Thiếu úy Nguyễn Đăng Khoa, y sĩ phân trại K2; tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng sĩ Võ Thành Phương và Thiếu úy Nguyễn Đăng Khoa vì đã có hành vi đánh phạm nhân Dương Chí Dũng. Các văn bản này được gửi đi vào sáng cùng ngày.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án làm chết phạm nhân Dương Chí Dũng ở Trại giam A2. Thiếu úy Nguyễn Đăng Khoa và Thượng sĩ Võ Thành Phương đã bị tạm giữ để điều tra.

 

Phép Lạ Và Sự Giầu Có

Hạnh Chi
-
Năm nay, thời tiết chớm hạ dường như nhiều bất thường. Có ngày chợt rét buốt, rồi lại tầm tã mưa. Mưa vừa dứt thì mặt trời đã chói chang nắng gắt. Tứ đại con người không điều chỉnh kịp với đất trời nên thời gian này, huynh đệ chúng tôi đi thăm bệnh hơi nhiều! Cứ hết bệnh viện này, lai nhà dưỡng lão kia và không ít trường hợp nguy kịch để dừng chặng cuối là nhà quàn, là nghĩa trang!

Đôi lần, đứng hộ niệm bên giường bệnh của những bệnh nhân nằm hôn mê, bất động nhiều ngày, chứng kiến những ánh mắt xót thương, chăm chú, chờ đợi một dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống nơi người bệnh, tôi bỗng nhận thức rõ hơn về phép lạ và sự giầu có. Thậm chí, chỉ cần thấy bệnh nhân nhúc nhích một ngón tay, chớp nhẹ một viền mắt thôi, đối với thân nhân đang vây quanh, cũng là phép lạ nhiệm mầu mà họ hồi hộp mong đợi.
Điều đó nói lên cái chi?
Đó là những giá trị cụ thể tuyệt vời, lại thường không được cảm nhận đúng mức. Hầu hết những ai còn khỏe mạnh đều đang có phép lạ vô song mà thường không nhận biết.
Đúng thế. Vì chẳng phải chỉ nhúc nhích ngón tay, chớp nhẹ viền mắt, mà khi còn sức khỏe, muốn đi hướng đông thì sẽ tới đông, muốn đi hướng tây thì sẽ tới tây, muốn ăn món ngon nào thì tới tiệm nấu món đó, muốn gặp bằng hữu phương trời nào, thì gọi nhau, cùng thu xếp là hội ngộ, v.v… Đối với những người đang quằn quại đau đớn, hay đang nằm bất động chờ thần chết kia, chẳng phải là những phép lạ phi thường chúng ta hiện có, lại coi rẻ, coi thường ư?! Chờ khi tử thần tới mới biết là phép lạ, e có trễ quá không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói, điều làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại, là con người. Khi con người còn trẻ trung, khỏe mạnh, họ thường dồn hết thì giờ và sức khỏe để kiếm tiền. Đến khi già yếu, bệnh hoạn, họ lại gom góp hết của cải tiền bạc để mong có sức khỏe! Con người thường quá lo lắng tương lai mà quên mất hiện tại, cho nên họ luôn vật vờ giữa mộng và thực. Họ sống như không bao giờ bệnh, không bao giờ chết, cho tới khi thấp thoáng thấy cái chết mới biết là mình chưa từng sống!
Ai bình tâm đôi chút cũng có thể biết ngay, là tiền bạc không mua được sức khỏe, không níu kéo được sự sống. Quyền uy ngất trời, châu báu đầy kho, khi cần, cũng không đổi được một hơi thở! Vậy mà, khi còn có sức khỏe, ít ai nhận thức là mình đang rất giầu có. Người Xentơ có một câu ngạn ngữ rất hay “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm!”
Chúng ta có vụng về để trôi bao hạnh phúc của phép lạ và sự giầu có thường hiện hữu ngay trong tay mình không?
Bước được một bước an lạc, thảnh thơi, thở được một hơi thở điều hòa, chánh niệm, nghe được tiếng chim hót buổi sáng, thấy được chiếc lá rơi buổi chiều, chẳng là phép lạ và giầu có ngay phút này ư? Vậy mà chúng ta không trân quý, để chỉ cần biết đủ, mà dành phần nào thời gian, không gian cho đời sống tâm linh.
Cây cỏ không chỉ có nắng gió là tăng trưởng tốt đẹp, mà còn cần sự chăm sóc của người làm vườn thì hoa kia mới kết nụ, cành kia mới đâm chồi. Nếu thân tứ đại chỉ được nuôi dưỡng bằng ăn, ngủ, thì khác chi bóng ma di động. Khi ta còn thời gian, còn sức khỏe, ấy là khi ta đang có những yếu tố quý giá để phương tiện bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Chỉ nhìn một góc cạnh trong việc tu trì và học đạo thôi, nếu tự thành thật với bản thân một chút, ta cũng thấy ngay là ta quá giải đãi.
Thử mở dăm trang kinh, chẳng hạn, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ. Khi Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời cầu khẩn của đại chúng mà chuyển pháp luân, giảng về 12 nhân duyên thì ngay tại pháp hội đó đã có sáu trăm muôn ức người, nhờ nghe pháp mà tâm được giải thoát, thiền định được sâu dày.
Cũng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau khi Đức Phật nói phẩm Phổ Môn, trong chúng có bốn muôn tám nghìn chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; Hay sau khi Đức Phật nói phẩm Đà La Ni, có sáu muôn tám nghìn người chứng được Vô Sinh Pháp Nhẫn; Rồi khi Đức Phật vừa nói dứt phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, trong pháp hội có tám muôn bốn nghìn người, xa trần lụy, rời cấu nhiễm, chứng được Pháp Nhãn Tịnh.
Ngay như thính chúng khác môn phái, tới nghe Phật thuyết bằng sự nghiêm túc, cũng đạt ngay lợi lạc. Kinh Tương Ưng Bộ, ghi lại bài pháp tại làng Sirajpur, Đức Thế Tôn đã tùy thuận giảng pháp cho một ngàn vị tu sỹ tu theo môn phái thờ Thần Lửa. Ngài đã dùng chính hình ảnh lửa để dạy về sự thiêu dụi khốc liệt của tam độc tham, sân, si. Những tu sỹ thờ Thần Lửa được soi sáng rằng, ba độc hại này mới chính là những ngọn lửa mãnh liệt đốt cháy ta mau chóng, nếu ta không điều phục được sáu căn mà xả ly cảm thọ.
Sau khi Đức Thế Tôn giảng Kinh Lửa Cháy, toàn thể thính chúng đã thoát khỏi các lậu hoặc, đắc quả A La Hán.
Suốt mọi kinh điển lưu lại, hầu như sau mỗi bài pháp Đức Thế Tôn thuyết giảng, đại chúng đều tùy căn cơ mà được độ thoát, dù là Bồ Tát, Thanh Văn, Ưu bà tắc hay Ưu bà di.
Ngày nay, chúng ta có sẵn quá nhiều phương tiện. Đạo tràng không hiếm, giảng sư không thiếu, lại còn nơi này thỉnh mời Thầy ở nơi kia tới, để gieo duyên cho Phật tử. Nào đã hết đâu, với kỹ thuật hiện nay, sách báo và băng đĩa ghi lại lời trùng tuyên giáo pháp tràn ngập khắp các chốn thiền môn!
Nếu chỉ nhìn hoạt cảnh bên ngoài, thì nào phải thời mạt pháp, mà dường như Phật pháp đang hưng thịnh. Chùa nào cũng đông Phật tử, băng đĩa in ra bao nhiêu cũng được thỉnh hết, gây quỹ làm chùa to tượng lớn cỡ nào cũng được cúng dường đủ ….
Nhưng thực tế, mấy ai vực dậy được Tánh Phật của mình để là đóa sen vô ngại vươn lên trong ao bùn? mấy ai phá được ngã chấp và ngã sở để là một hành giả thong dong tự tại? nói chi tới nghe pháp mà chứng đắc như người xưa!
Vậy, chẳng phải do vì chúng ta giải đãi ư?
Người xưa tìm đến nơi Phật thuyết là đến bằng tâm chí thành, khẩn thiết. Đến vì tâm linh đói khát. Đến vì tin tưởng Đức Phật có đủ dược liệu trị khổ đau. Đến như kẻ đứng bên bờ sinh tử, phải đến để tồn tại.
Còn chúng ta, đến chùa có nhiều phần chỉ đến vì thói quen không? Đến để gặp thầy, gặp bạn. Đến để hòa mình vào những sinh hoạt định kỳ, đã quen thuộc. Nên không đến thì nhớ!
Người xưa, ngồi nghe pháp, chắc không chỉ nghe bằng nhĩ căn, mà có lẽ bằng toàn trí, toàn thân, nên mới không bỏ sót một lời nào từ kim khẩu Đức Thế Tôn. Phải như vậy thì sau mỗi bài pháp mới có hàng ngàn người chứng đắc.
Còn chúng ta, ngồi nghe pháp trong đạo tràng mà phone reo là vội vã trả lời; phone không reo thì tâm trí cũng mơ màng ngoại cảnh. Chẳng thế, sau bài pháp, nếu tình cờ ai hỏi “ Thầy vừa giảng những gì?” chắc câu trả lời sẽ bâng quơ “Thầy giảng … hay lắm!” “Hay chỗ nào?” “Ơ …. Không nhớ rõ, nhưng hay lắm!”
Nếu không nhớ được là thầy giảng điều gì, hay chỗ nào, thì bài pháp đó vẫn chỉ là của thầy, có giúp ta gì đâu?
Hiện diện ngay tại đạo tràng, được nghe giảng trực tiếp, còn để uổng phí thế, nói chi tới nghe băng đĩa!
Mở băng trên xe, nghe được bao nhiêu? Nếu là đi một mình, vừa phải chú tâm lái xe, vừa lan man những tính toán xa gần, liệu có nắm được chủ đề bài giảng không, nói chi tới những chi tiết trong đó.
Nếu trên xe mà có từ hai người trở lên thì nhiều phần, mở băng Thầy nào giảng thì…. Thầy đó nghe, vì làm sao mà chúng con không chuyện trò đủ mọi đề tài trên trời dưới đất cho được!
Cố gắng bàn thêm chút nữa xem có khá hơn không, đó là nghe băng ở nhà. Không gian này chắc khó có thể khoanh chân thính pháp. Thôi thì, việc nhà bề bộn quá, thầy cứ giảng, ta vừa làm, vừa nghe, tiết kiệm thì giờ. Thầy giảng Bát Nhã Tâm Kinh “ … không trong, không ngoài, không nhơ, không sạch …..” ta vừa quét nhà rửa chén, vừa cằn nhằn “Sao chúng bừa bãi, dơ dáy quá! Ngày nào cũng dọn, ngày nào cũng bầy, mệt không thở được!”
Nghe như thế, thì bao giờ Bát Nhã mới trở thành Tâm Kinh?
Cho nên, dù pháp có mở suốt ngày trong nhà, pháp vẫn của Phật, lời vẫn của Thầy! Băng đĩa vẫn gom về, vẫn mở rỉ rả ngày đêm mà dường như không dính dáng chi tới ta! Thính pháp như thế, chẳng những không thọ nhận được gì, mà còn là bất kính!
Cứ thế, bao nhiêu kiếp nữa con mới gặp cha? (nếu chúng ta tự nhận là Phật tử)
Vậy, thưa quý đạo hữu, khi phép lạ và sự giầu có đang ngay trong tầm tay, hãy tận dụng phương tiện quý giá này. Sự tìm cầu giác ngộ phải khởi từ niềm khát khao mãnh liệt, cực kỳ mạnh mẽ và nghiêm túc. Tự lực là quyết tâm tìm cầu giải thoát giác ngộ; tha lực là thân cận thiện tri thức, bạn đồng tu mà cùng nhau lên đường.
Có đi mới tới. Có nguyện mới thành.
Nếu không, chúng ta vẫn chỉ sống bằng “cuộc đời đang chết”.
Chắc chắn thế!
Làm sao khác được!
Hạnh Chi
(Tào Khê tịnh thất, chớm hạ 2012)

Theo VietBao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét