Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Có phải Obama đã phản bội một người hùng Trung Quốc?


Ông Trần Quang Thành
 
Frida GhitisĐặc biệt cho CNN
-
(CNN) – Khi người mù bất đồng chính kiến Trung Quốc Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) tổ chức cuộc trốn thoát ly kỳ khỏi nơi bị bắt giữ, ông đã tìm sự bảo vệ của người Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Sáu ngày sau đó, khi ông Chen rời toà đại sứ đến một bệnh viện địa phương, mọi việc tưởng như các viên chức Mỹ đã tìm được một giải pháp, như Bộ Ngoại giao nhận định, “phản ánh sự lựa chọn của ông ấy và giá trị của chúng tôi.”
Một viên chức tại Đại sứ quán Mỹ cho biết ông Chen đã rất biết ơn sự giúp đỡ của người Mỹ và ông đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton qua điện thoại, “Tôi muốn hôn bà.”
Nhưng tình thế đang bắt đầu thay đổi, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama đã không bảo vệ ông Chen một cách hiệu quả.
Có phải Hoa Kỳ đã phản bội luật sư nhân quyền Trung Quốc?
Ông Trần Quang Thành tại Đại sứ quán Mỹ tại Beijing Nguồn ảnh:  Wikipedia.org

Hoa Kỳ cho biết một thỏa thuận với Trung Quốc là ông Chen sẽ được trả tự do, được phép di chuyển cùng với gia đình đến một vùng khác và được theo học tại trường đại học. Tuy nhiên, Chen đã nói với CNN rằng chính phủ Mỹ đã làm ông thất vọng. Hoa Kỳ khẳng định rằng người hoạt động nhân quyền tự ý muốn rời khỏi lãnh thổ ngoại giao và muốn ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Chen cho biết ông lo ngại cho mạng sống của mình, và sự an toàn của vợ và muốn rời khỏi Trung Quốc. Đáng ngại hơn, ông tuyên bố rằng các quan chức Mỹ, thay vì tiếp tục sự bảo vệ của họ, đã áp buộc ông phải rời khỏi vùng an toàn ở Đại sứ quán.
Nếu điều này đúng thì đây là một vết nhơ đáng xấu hổ cho Hoa Kỳ. Cho đến nay, Tổng thống Obama đã có một hồ sơ lộn xộn về quyền con người. Đây là một thử nghiệm quan trọng cho một chính quyền ưa chuộng chủ nghĩa thực dụng hơn là phô trương những cảm xúc làm vừa ý.
Yêu cầu bất ngờ của ông Chen để tạm trú tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan dễ sợ cho Washington. Vài tháng trước đây, bà Clinton đã nói thay cho ông Trần Quang Thành, khi các nhóm nhân quyền cho rằng sự quản thúc ông tại nhà là hoàn toàn bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Chen vượt thoát đến Đại sứ quán Mỹ vào thời điểm xấu nhất khi Ngoại trưởng Clinton đang đến Bắc Kinh để họp cấp cao về các vấn đề khác rất quan trọng.
Một cách nhẹ nhàng mà nói thì mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc rất phức tạp. Hoa Kỳ cần hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề Iran và Bắc Hàn. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và cũng là chủ nợ hàng đầu của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc không thích bị lên lớp về nhân quyền, cho rằng đó là một cấu trúc đạo đức giả của phương Tây và được dùng cho các mục đích chính trị. Ngay cả khi vấn đề này có giá trị, Bắc Kinh nói, đó là một vấn đề nội bộ, không phải chuyện của Mỹ.
Chen, người đã bị mù từ khi còn nhỏ, là một luật sư tự học. Ông đã trở thành một người quyết liệt ủng hộ cho người nghèo và người khuyết tật và ông đã được chú ý khi ông phơi bày sự lộng hành trong chính sách một con của Trung Quốc, tố giác sự tàn bạo của cán bộ cấp dưới cưỡng bức hàng ngàn phụ nữ nghèo của Trung Quốc phải phá thai và triệt sản. Ban đầu, Bắc Kinh đã nghe lời tố cáo của ông và đã bắt giữ một số người phạm tội. Tuy nhiên, Chen cho biết hành động của Bắc Kinh chẳng đáng gì. Khi đã được quốc tế biết đến và ông lại càng cam kết tranh đấu cho dân quyền với chính phủ, chính quyền Trung Quốc đã quay lưng lại với ông.
Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã cho ông Chen đi tù về tội làm gián đoạn giao thông và làm thiệt hại tài sản; ông Chen phủ nhận những cáo buộc này. Sau khi rời nhà tù bốn năm sau đó, ông và gia đình của ông đã được đặt dưới sự quản thúc khắc nghiệt tại nhà. Các nhóm vận động nhân quyền nói rằng gia đình ông đã chịu đựng đánh đập hàng ngày và sống với chế độ ăn uống chết đói.
Ngày 29 Tháng Tư, dưới màn đêm, Chen trèo qua tường đã được xây xung quanh ngôi nhà của ông. Vì mù lòa nên là bóng tối đã cho ông một lợi thế hơn các nhân viên an ninh đang canh giữ ông. Ông đã giả bị ốm khiến nhân viên an ninh bớt cảnh giác.
He Peirong, người lái xe 500 km đưa Trần Quang Thành đến “một nơi an toàn” Nguồn ảnh: The Guardian

Sau khi trèo qua bức tường, một mạng lưới những người hoạt động đã giúp ông, một trong số họ là He Peirong, lái xe 300 dặm đến Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Bà He Peirong hiện đang bị giam giữ.
Khi Tổng thống Obama đã được hỏi về Chen, ông cho biết ông đã biết được tình hình nhưng từ chối để giải quyết vấn đề và chỉ nói, “Mỗi khi chúng ta hội họp với Trung Quốc là vấn đề nhân quyền lại trỗi dậy.”
Obama đã làm những người hoạt động nhân quyền thất vọng ngay những ngày đầu lên cầm quyền của ông, ví dụ, ông chống lại việc hỗ trợ mạnh mẽ những người hoạt động ủng hộ dân chủ ở Iran, tuyên bố rằng “can thiệp” không có ích khi hàng trăm ngàn người đã xuống đường. Ông bị chỉ trích vì hủy bỏ một cuộc họp với Đạt Lai Lạt Ma, và cuối cùng TT Obama đã gặp Đạt Lai Lạt Ma nhưng phải tiễn khách về bằng cửa sau, hạ tầng quan trọng của cuộc họp, hầu vuốt ve Trung Quốc. Tiếp tục ủng hộ của ông (Obama) đối với một số chế độ độc tài và sự lãnh đạm, cùng chính sách bất nhất với các cuộc nổi dậy của khối Ả Rập cũng đã gây ra nhiều chỉ trích.
Đồng thời, chính sách ngoại giao thực dụng của ông dường như có kết quả, đặc biệt là ở Myanmar. Và những người hoạt động nhân quyền cho rằng Obama đã đi một chặng đường dài kể từ những bước đầu vụng về của ông.
Trường hợp của ông Chen, tuy nhiên, có thể trở thành biểu tượng. Nếu chính quyền Obama không thể giải thích những gì đã xảy ra không đúng, thì đây là cơ hội để các đối thủ đảng Cộng hòa và những người ủng hộ nhân quyền chỉ trích là ông (Obama) đã lóng ngóng quá tệ.
Frida Ghitis Nguồn: CNN

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu một lời xin lỗi từ Washington vì đã giúp ông Trần Quang Thành và đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nhưng chính quyền Obama, tuyên bố đã ứng xử đúng với các giá trị Hoa Kỳ trong trường hợp ông Chen, cần phải chứng minh rằng chính phủ này cũng có sức mạnh đạo đức để đứng lên bảo vệ cho các cá nhân can đảm đang tìm sự giúp đỡ của Mỹ.
Đây không phải là chỉ là vấn đề ông Trần Quang Thành. Đây là nguyên tắc phổ quát của quyền con người, và thực ra, đây là việc Hoa Kỳ sẵn sàng để bảo vệ nhân quyền trên sân khấu toàn cầu. Cả thế giới đang nhìn về Washington.
© DCVOnline
Xem tin cập nhật về tình trạng ông Trần Quang Thành tại đây
Chen Guangcheng
Nguồn ảnh: PATRICK CHAPPATTE, The New York Times
————
Nguồn: Did Obama betray a Chinese hero? Frida Ghitis, Special to CNN. May 2, 2012 — Updated 2234 GMT (0634 HKT)
Chú: Frida Ghitis là columnist về thế giới vụ cho The Miami Herald và World Politics Review. Là một cựu ký giả và nhà sản xuất của CNN, Frida Ghitis là tác giả cuốn “The End of Revolution: A Changing World in the Age of Live Television.”
DCVOnline minh hoạ.

 Chị Bùi Thị Minh Hằng tuyên bố sẽ tự thiêu vì dân oan

clip_image001
Chị Bùi Thị Minh Hằng
Trà My
-
Một phụ nữ được nhiều người biết đến từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa, từ việc chị bị đưa vào trại giáo dục phục hồi nhân phẩm sau những cuộc tuần hành ôn hòa ấy, từ báo đài cả trong và ngoài nước, và từ thông cáo báo chí của tòa đại sứ Mỹ và giới bảo vệ nhân quyền quốc tế kêu gọi phóng thích chị. Chị Bùi Thị Minh Hằng, người vừa được chính quyền Việt Nam trả tự do ngày 29/4 sau 5 tháng giam giữ tại trung tâm Thanh Hà về tội danh gây rối trật tự công cộng, tuyên bố cương quyết tiếp tục đấu tranh cho lẽ phải và sẽ tự thiêu vì dân oan. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, chị Hằng khẳng định việc phóng thích chị sớm so với thời gian giam giữ dự kiến ban đầu là 2 năm không phải là sự khoan hồng như nhà nước nêu, mà do áp lực từ công luận của người Việt trong và ngoài nước cũng như quốc tế.
Chị Minh Hằng: Tôi được thông báo về quyết định trả tôi về vào ngày 26/4. Lúc đó, tôi phản đối vì trong 5 tháng họ giam giữ tôi trái pháp luật, tôi có 2 lần gửi đơn khiếu nại và tiến hành khởi kiện sau khi họ không trả lời đơn. Tôi vừa gửi đơn kiện ngày 7/4. Cho nên, trong khi tôi đã gửi đơn từ đi rồi tự dưng họ lại bảo tha tôi. Mà thật ra không phải họ tha. Họ vận động tôi viết đơn xin khoan hồng. Tôi trả lời rằng tôi không có tội nên không thể viết đơn xin khoan hồng, mà tôi đang kiện lại chính cái quyết định đã bắt giam tôi trái pháp luật. Sau đó, họ gợi ý tôi làm đơn xin đi chữa bệnh. Đấy, nói họ quyết định trả tự do cho tôi là không đúng, mà quyết định ghi là ‘miễn chấp hành thời hạn thi hành còn lại.’
Trà Mi: Thưa chị, vì sao có được quyết định ‘miễn chấp hành thời hạn thi hành còn lại’ đó?
Chị Minh Hằng: Nhận được quyết định đó, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Tôi hỏi họ. Họ bảo căn cứ vào đơn xin của mẹ tôi. Điều này càng khiến tôi nghi ngờ. Cách đó mấy ngày, thông qua chương trình TV và báo chí mà trại phát cho chị em đọc, (họ có kế hoạch rõ ràng, báo trước giờ phát hình), tôi được biết mẹ tôi và chị em tôi làm đơn yêu cầu chính quyền đưa tôi vào trại giam. Thế thì tại sao bây giờ lại có đơn xin cho tôi như họ nói, mà họ cũng chẳng đưa cho tôi đọc cái đơn ấy nữa. Cho nên, thực hư thế nào tôi cũng không biết bởi từ nhiều năm nay khi có những chuyện va chạm với chính quyền, tôi bị dối gạt rất nhiều, lòng tin của tôi không còn nữa. Tôi có viết đơn khiếu nại lại quyết định cho tôi về. Tôi nói thứ nhất, tới thời điểm này sau 5 tháng oan sai, tôi không muốn về nữa. Tôi muốn ở lại chờ đến khi nào những đơn từ tôi gửi đi được xem xét đúng pháp luật. Sau đó, họ cho người vào thuyết phục tôi. Đầu tiên là ngày 27/4 có cô Cao Minh, công an Hà Nội, vào. Đến chiều có một chị tên là Oanh, người của Bộ Công an, vào nói chuyện với tôi. Chị ấy có ghi âm. Quan điểm của tôi rất rõ ràng rằng tôi không ra khỏi trại khi tôi chưa được giải quyết các đơn khiếu nại và khởi kiện. Căn cứ vào động thái và thái độ cư xử của họ, tôi đoán biết rằng họ có kế hoạch đưa tôi ra khỏi cơ sở Thanh Hà trước ngày 30/4. Buổi trưa 26/4, khi tôi xuống đọc quyết định miễn giảm cho tôi, tôi thấy họ để trống ngày mà lại ghi sẵn là tháng tư. Tập hợp thông tin, tôi được biết việc họ bắt buộc phải đưa tôi ra khỏi trại trước ngày 30/4 là một sức ép rất ghê gớm từ công luận trong nước, hải ngoại, và từ thế giới.
Trà Mi: Với những lý luận đó, theo chị vì sao phải trước mốc thời gian là 30/4? Có lý do gì không ạ?
Chị Minh Hằng: Việc này để cho chính quyền trả lời thì hay hơn. Mục tiêu vì sao? Bởi vì họ đã bắt tôi trái pháp luật. Bây giờ đúng ra họ phải trả tôi về theo đúng pháp luật, nhưng họ không có hành xử nào chứng minh họ phục thiện trong chuyện họ làm sai cả. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục những việc ‘xóa dấu vết sai phạm’ của họ đi, tức cách hành xử man rợ của họ.
Trà Mi: Chị nói lý do họ nêu ra để phóng thích chị sớm là phía gia đình chị có làm đơn. Sau khi ra khỏi trại, chị có kiểm chứng việc này với gia đình để biết thực hư ra sao chăng?
Chị Minh Hằng: Điều đó không bao giờ xảy ra vì gia đình tôi đã lên đài truyền hình của nhà nước bôi xấu tôi. Bản thân tôi cũng không được đơn lá đơn xin như họ nói. Về việc này, tôi có trả lời họ rằng tôi là một công dân độc lập, cho nên mẹ tôi có làm đơn đưa tôi vào đây cũng không đúng pháp luật mà mẹ tôi có làm đơn đưa tôi ra khỏi đây cũng không đúng pháp luật.
Trà Mi: Có một chi tiết hơi khó hiểu đối với công luận là vì sao chính gia đình chị lại lên các phương tiện truyền thông trong nước nói những điều không hay về chị?
Chị Minh Hằng: Vấn đề này là một nỗi đau riêng của tôi. Người ta không chọn được tổ quốc và nơi để mình sinh ra. Cho nên, tôi xin phép để công luận tự tìm hiểu điều này. Nó đúng như nhan đề của bài báo họ viết: “Những trò lố bịch và màn kịch nhẫn tâm”. Họ có cả một hệ thống chính quyền, nhưng vì nó không chân chính nên họ mới lợi dụng vào những tình huống, những sứt mẻ của những gia đình để làm những trò rất lố bịch. Họ làm nên một màn kịch vô cùng nhẫn tâm như chính nhan đề bài báo của họ. Họ đã đào thêm một hố sâu khiến tôi với những người trong gia đình tôi, mặc dù là ruột thịt, nhưng có lẽ trong cuộc đời này sẽ không bao giờ có thể ngoảnh lại được với nhau.
Trà Mi: 5 tháng vừa qua trong trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà đã nghiệm ra cho chị những điều gì?
Chị Minh Hằng: Nói thật sự là phải để tôi viết lên mới đầy đủ. Đấy là những giây phút hãi hùng nhất về hành xử của chính quyền đối với nhân dân.
Trà Mi: Những người quan tâm đến vụ việc của chị cho rằng vì chị có những hành động phản đối các biện pháp sai trái của chính quyền đối với người biểu tình yêu nước nên dẫn tới kết cục là chị phải vào trại giáo dục. Ngược lại, phía chính quyền nói nguyên do vì chị có những hành vi thách thức chính quyền, vi phạm các điều lệ chính quyền đưa ra dù đã có những văn bản cảnh cáo chính thức. Với những luận điểm chính quyền đưa ra, chị nghĩ thế nào?
Chị Minh Hằng: Việc họ nói phải có chứng cứ thực thể. Ví dụ như ông Nguyễn Đức Nhanh của Công an TP Hà Nội tuyên bố rằng: “Chúng tôi không có quan điểm đàn áp người biểu tình”, nhưng thực tế diễn ra đã được phim ảnh ghi nhận lại cho thấy công an Hà Nội đàn áp biểu tình rất dã man. Điều đó cả thế giới đã nhìn thấy. Cả dân tộc tôi nhìn thấy, mà không phải là một lần. Mấy chục triệu dân Việt Nam chúng tôi không có tự do để được tranh luận với chính quyền. Luật là họ. Họ là luật. Cho nên họ mới hành xử với chúng tôi sai trái như thế. Điều chúng tôi muốn đấu tranh cũng chỉ để bảo vệ tính tôn nghiêm của luật pháp.
Trà Mi: Liên quan tới thời gian chị bị giam giữ ở trại Thanh Hà, chị có điều gì muốn chia sẻ ngay lúc này không?
Chị Minh Hằng: Nói về năm tháng tôi ở trong cơ sở Thanh Hà, chuyện rất dài. Hiện tôi đang bị cơ sở thu giữ cuốn nhật ký cá nhân. Để thời gian tới, tôi sẽ có những cái thực tế gửi đến công luận, còn hiện nay, nói thật lòng, sức khỏe tôi còn rất yếu.
Trà Mi: Nhưng đôi nét ấn tượng nhất về những gì chị mô tả là thời gian ‘hãi hùng nhất’ trong 5 tháng qua ở trại Thanh Hà, những điều gì khó quên nhất đối với chị?
Chị Minh Hằng: Họ hành xử sai trái pháp luật, không còn cả tình người. Cho tới giờ phút cuối, với quyết định thả tôi ra khỏi cơ sở đó, họ vẫn hành xử với tôi một cách không có tính người và bất chấp pháp luật. Họ còng 2 tay tôi ra đằng sau, trói chân tôi vào xích cột vào một cái ghế trên xe. Họ quẳng tôi lên sàn xe. Lúc đó tôi phẫn uất tới tột độ. Họ không còn coi tôi là con người nữa. Tôi nằm trên sàn xe như một con lợn.
Trà Mi: Trong thời gian bị giam, chị đã tuyệt thực rất nhiều lần. Những lần đó, chị được đối xử thế nào?
Chị Minh Hằng: Là phụ nữ, tôi cũng khao khát về sức khỏe và sắc đẹp, nhưng tới mức tôi phải tự hủy hoại thân thể của mình để phản đối những cái họ đối xử với tôi thì chắc mọi người cũng hiểu rằng nó nằm ngoài sức chịu đựng của một con người.
Trà Mi: Với việc đưa chị vào trại phục hồi nhân phẩm – trung tâm giáo dục, họ đã áp dụng những biện pháp giáo dục, phục hồi nhân phẩm như thế nào đối với chị?
Chị Minh Hằng: Họ nhốt chúng tôi như nhốt gà chọi. Sau này, lúc gần thời điểm họ trả tôi ra, tôi liên tục làm đơn tố cáo, khiếu nại, đề nghị, kiến nghị, thư ngỏ. Sau vài chục lần tôi viết thư như thế, những đòi hỏi bước đầu như được ra sân chơi nửa tiếng một ngày được đáp ứng. Việc này xảy ra trước thời điểm tôi về chừng nửa tháng. Tôi đòi hỏi cho trại viên được gọi điện thoại, họ cũng đáp ứng được một hai lần, nhưng tôi thì không được, vì họ nói tôi bị lập biên bản kỷ luật, nên không được. Ví dụ như tôi nhịn ăn, họ cũng lập biên bản tôi mặc dù trong luật pháp chẳng có quy định nào nói rằng tuyệt thực là vi phạm pháp luật mà chỉ có quy định về quyền con người là không ai bị bắt và giam cầm một cách độc đoán. Nói như thế để quý vị biết họ hoàn toàn bất chấp, không bao giờ làm theo pháp luật. Con tôi phải bỏ học để đi nuôi mẹ. Cơ sở Thanh Hà đã gây rất nhiều khó khăn cho tôi trong việc đó, dẫn tới chuyện tôi lấy dao lam rạch lên tay, lên người tôi để cắt ven. Họ ngăn trở rất ghê gớm giữa tôi với gia đình và bạn bè, người thân.
Trà Mi: Cung cách họ đối xử với chị có khác với các trại viên khác không?
Chị Minh Hằng: Tôi là người bị chèn ép trong đó. Thậm chí họ dùng các trại viên đã vi phạm để gây hấn với tôi. Nhưng chỉ một thời gian, tới lúc tôi ra về, tình cảm của chị em đối với tôi khá tốt và họ nhận thức được mọi việc.
Trà Mi: Quyết định trả tự do cho chị lúc này có điều kiện ràng buộc nào không?
Chị Minh Hằng: Thưa không.
Trà Mi: Việc của chị rất nhiều người quan tâm, thậm chí tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng. Cảm xúc đầu tiên của chị về việc được trả tự do lúc này là gì?
Chị Minh Hằng: Tôi rất biết ơn. Khi ra đây và đọc biết được những thông tin, tôi rất xúc động. Tôi không thể tưởng tượng rằng tình con người và sự bảo vệ chính nghĩa có tính cách lan rộng trong xã hội loài người như thế. Tôi xem được những clip do những người tôi chưa hề quen hoặc chưa hề trao đổi mà họ lại đứng lên đi tìm những tiếng nói có thể bảo vệ cho tôi và chia sẻ với tôi. Đấy là điều tôi rất tri ân. Tôi thấy trách nhiệm của mình đối với cộng đồng lớn hơn rất nhiều. Tôi sẽ làm những gì có thể trong thời gian tới khi sức khỏe tôi hồi phục.
Trà Mi: Sau tất cả những gì diễn ra, những việc chị đã làm và những hậu quả chị nhận lãnh, chị nhìn thấy những ngày tháng tới của mình như thế nào?
Chị Minh Hằng: Tôi đã biết mình phải chịu đựng những cái oan khuất, thiệt thòi, hay trả thù man rợ. Nhưng không riêng tôi mà tất cả những người dân khác càng thêm quyết tâm và khao khát rằng chúng tôi phải làm sao đó cho xã hội này tốt đẹp lên. Không thể nào tiếp tục chấp nhận cách hành xử sai trái của một số người trong chính quyền. Mọi công dân đều phải có trách nhiệm làm theo pháp luật, nhưng một số người trong chính quyền bất chấp pháp luật. Đề nghị nhà nước phải có biện pháp để chấm dứt những tình trạng thế này.
Trà Mi: Với tinh thần khẳng khái và việc củng cố thêm quyết tâm đó, chị có dự liệu sẽ có thêm những chuyện rắc rối cho mình?
Chị Minh Hằng: Việc đầu tiên tôi đặt bút viết là đơn gửi Chủ tịch nước và Tổng bí thư. Đơn này tôi sẽ viết dưới hình thức là thư tuyệt mệnh bởi vì dân oan nhiều quá và khổ quá. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh. Tôi đi đòi đất đòi nhà, đòi tài sản của cha ông để lại mà tôi đã phải xâm lên vai hai chữ “Nợ nước, thù nhà” khi tôi bị một số kẻ đâm xe vào tôi, hại tôi. Những việc này cho tôi suy nghĩ rằng an toàn của một người dân ngay thẳng muốn bảo vệ chính nghĩa trong xã hội bây giờ quá khó. Tình hình bất an, bất ổn khiến người dân chúng tôi hoàn toàn thiếu tin tưởng. Tôi sẽ viết tất cả những sự kiện gì xảy ra đối với cá nhân tôi kèm theo bằng chứng trong suốt quá trình tôi đi khiếu kiện vừa qua. Tôi cũng sẽ nói lên nguyện vọng của tôi với Chủ tịch nước và Tổng bí thư rằng tôi xin hiến tấm thân tôi cho những người dân oan Việt Nam hiện nay bằng cách là tôi sẽ tự thiêu. Dự tính của tôi là như thế.
Trà Mi: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc trao đổi này. Xin chúc chị mau chóng hồi phục sức khỏe. Chúng tôi mong chị có được những ngày tháng an lành và dự định của chị về việc tự thiêu sẽ không bao giờ diễn ra.
Chị Minh Hằng: Tôi biết rằng con người phải bảo vệ sự sống cho mình. Trong lá thư viết cho Chủ tịch nước, tôi sẽ viết về tất cả những hiện tình cay đắng mà người dân chúng tôi đang phải gánh chịu. Tôi không bao giờ muốn bản thân mình hay bất cứ đồng bào nào của mình phải ngã xuống vì những việc oan khuất hay vì đấu tranh, nhưng nếu như tình trạng này không được khắc phục_đất nước và cuộc sống của chúng tôi_thì việc hy sinh không phải tôi mà sẽ còn rất nhiều người nữa, bởi vì ‘chết vinh còn hơn sống nhục’.
Trà Mi: Vừa rồi là cuộc trao đổi với chị Bùi Thị Minh Hằng, người vừa được trả tự do sau 5 tháng bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm vì tham gia vào các cuộc tuần hành và những hoạt động chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.

 Ai là khủng bố

Trần Thị Nga
-
Các cụ xưa có câu “khi hoạn nạn mới biết ai là bạn ai là thù” quả không sai. Tình cảm khi hoạn nạn là sợi dây gắn kết giữa những người bạn với nhau bởi một tình yêu thương không thể nói bằng lời. Thứ tình cảm đó đi sâu vào tiềm thức của con người. Vậy mà thứ tình cảm thiêng liêng trong sáng đó đang bị Công An Việt Nam dùng quyền uy để xuyên tạc, ngăn cấm.
Chúng tôi những lao động Việt Nam gặp nạn tại Đài Loan từng được Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan của Linh Mục: Nguyễn Văn Hùng giúp đỡ. Hầu hết anh chị em chúng tôi là những người dân quê chất phát. Khi trải qua hoạn nạn nhiều người đã chở thành tàn phế, hoặc mắc bệnh trầm cảm, thần kinh hoảng loạn, mặc dù đã được chữa trị nhưng những hình ảnh kinh hoàng đó vẫn luôn theo bám người bệnh.
 Khi về Việt Nam chúng tôi ít nhận được sự cảm thông của gia đình, xã hội vì thế chúng tôi đã tìm đến nhau để chia sẻ tâm sự, động viên tinh thần để cùng nhau vượt qua những gian khó của cuộc sống.
Để tưởng nhớ đến những ngày sống lương nhờ trong nhà Chúa chúng tôi hẹn nhau cứ ngày Noel hàng năm sẽ gặp mặt tại một nhà thờ nào đó để cùng đón Chúa Giáng Sinh và tạ ơn người đã cưu mang chúng tôi khi hoạn nạn.
Vậy mà chúng tôi đã bị Công An Việt Nam dùng những quyền uy của mình để xuyên tạc, ngăn cấm không cho chúng tôi đến với nhau cụ thể như sau:
 Trước ngày Noel năm 2009. Công An của các tỉnh các địa phương đã đến từng nhà anh chị em vận động, ngăn cấm ‘ Đặc biệt có một số người bị CA bắt viết giấy cam kết” không cho tham gia buổi gặp mặt, không được giao lưu liên lạc với tôi và Cha Hùng với lý do họ nói tôi là “ Đầu lão của tổ chức khủng bố, phá hoại an ninh quốc gia”. Có người còn bị CA đe doạ nếu vẫn cố tình đi và liên lạc sau này có chuyện gì sẩy ra với bản thân và gia đình thì đừng trách họ. Một số anh, chị em bị gia đình ngăn cấm không cho đi thì giao lưu với nhau qua điện thoại. Còn mấy chục anh chị em chúng tôi hẹn gặp nhau tại nhà Thờ ở  Phạm Trấn, Gia Lộc, Hải Dương khi về hầu hết đều bị CA đến thăm hỏi quấy nhiễu nhiều ngày. Bản thân tôi đã bị CA lừa bắt tra tấn tinh thần và đe doạ sẽ hãm hại các con tôi nếu tôi không chấm rứt việc liên hệ và giúp đỡ người lao động.
Trước ngày Noel năm 2010 CA xã, huyện, tỉnh Hải Dương đã nhiều lần đến nhà Thờ ngăn cấm vị Linh Mục không được cho chúng tôi đến đó đón Lễ Giáng Sinh như năm 2009. Không khuất phục trước sự vô lối của nhà cầm quyền chúng tôi đã cùng nhau đến nhà thờ Thái Hà tại Hà Nội để cùng vui đón mừng Chúa Giáng Sinh. Toàn bộ anh chị em chúng tôi đều ở nơi xa  đến, khi ăn uống ở nhà hàng Đồng Đội chúng tôi đã bị bao vây bởi rất nhiều kẻ lạ mặt, chúng quay phim chụp ảnh chúng tôi. Đêm 24/12/2010 sau khi tham dự thánh lễ về nhà nghỉ Thu Hà tại đường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội chúng tôi đã bị một lực lượng CA gần 100 người cả sắc phục lẫn thường phục bao vây săn bắt như săn bắt một bầy thú rữ làm náo loạn cả khu phố. Sau sự phản kháng của chúng tôi lực lượng CA đòi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Tại phòng 201 là phòng của mấy anh bạn cụt chân khi đi ra ngoài đã bị CA lẻn vào cài đặt máy quay phim và ghi âm, trong khi kiểm tra CA đã thản nhiên đứng lên ghế để tháo gỡ trang thiết bị mà họ đã cài đặt. Sau khi kiểm tra có 03 người trong số chúng tôi không mang theo giấy tờ lên bị CA bắt về đồn. Trong 03 người bị bắt có anh Dũng quê Hà Tĩnh, chị Thanh quê Thái Bình và chị Biếc quê Hải Dương ,lúc ở Đài Loan chị Biếc đã bị cưỡng hiếp dẫn đến điên loạn phải điều trị  nhiều năm giờ mới tạm ổn. Mấy anh chị em chúng tôi đi cùng 03 người bạn đó đến đồn CA, tôi nói với những người Công An về tình trạng sức khoẻ và bệnh trạng của chị và đề nghị các anh làm việc với chị hãy để chúng tôi ngồi gần đó để chị yên tâm, và các anh không được quát tháo chị trong khi làm việc vì tình trạng tâm lý của chị hiện nay nếu căng thẳng quá chị sẽ bị tái phát bệnh cũ. Nhưng CA không nghe họ vẫn dẫn giải chị vào phòng giêng làm việc và quát mắng như thường. Hai người kia cũng vậy, họ bị CA quát mắng thẩm vấn bắt họ khai ai là người cầm đầu? và quay đi quay lại việc có biết tôi là thành viên của tổ chức khủng bố không? Tại sao lại quen tôi? Quen tôi như thế nào? Biết gì về tôi?. Họ bị CA thẩm vấn từ 12h đêm 24 đến 04h sáng ngày 25/12/2010.
1.Chị Thanh có chồng là anh Định mới bị chết cháy tại ĐL đã khai sự thật là chị chỉ biết tôi qua việc anh Định chồng chị bị chết tôi đã hướng dẫn gia đình chị làm giấy tờ để em chồng chị sang Đl lo thủ tục hậu sự và đòi hỏi những quyền lợi của anh, “số tiền mà gia đình chị nhận được là hơn 700 triệu” đây là lần đầu tiên chị gặp tôi, chị cũng không biết gì về tôi nhưng các anh CA không tin đã đập bàn quát mắng chị.
2. anh Dũng quê Hà Tĩnh mới về VN một tuần, khi bị hỏi về tôi anh cũng khai sự thật là chỉ biết tôi qua bạn bè kể là tôi đã từng bị nạn, từng ở Vp của Cha Hùng giờ về VN tôi vẫn tiếp tục giúp người lao động và đây là lần đầu anh gặp Tôi. “Năm 2011 tôi đã giúp anh đòi lại được 1.000USD tiền đặt cọc của anh từ công ty môi giới VN”.
3. Chị Biếc đã khai nhận chị quen tôi khi chị đang chữa bệnh, tôi là một trong số những người đã chăm sóc chị lúc đó, còn việc tôi làm gì thì hãy hỏi tôi chứ chị không biết. (Từ hôm đó đến nay chị bị CA đến nhà thẩm vấn rất nhiều lần gây căng thẳng giờ đây căn bệnh trầm cảm của chị lại tái phát, có lần chị đã nói “ Nếu Cha Hùng là khủng bố thì các anh cứ bắt Cha đi, còn tôi chưa thấy Cha đánh mắng ai cả, Cha là người Cha thứ hai của tôi, Cha không sinh ra tôi nhưng Cha đã cưu mang khi tôi hoạn nạn vì thế các anh các chị không có quyền ngăn cấm tôi liên hệ với Cha”) lần gần đây nhất chị đã bảo với CA rằng “ tôi không có tội mà các anh các chị còn đến quấy nhiễu tôi thế này nữa tôi sẽ chửi cho mà nghe”
Cả 3 người họ sau khi bị CA thẩm vấn xong thì CA yêu cầu họ đóng tiền phạt vì không mang tiền lên cả 03 người đều trả lời là họ không có tiền, nếu muốn lấy tiền phạt thì hỏi tôi xem tôi có tiền không? Nếu có thì xin  tôi nộp cho họ. CA nghe vậy liền nói thôi lần này chúng tôi tha cho, lần sau đi đâu  phải mang theo giấy tờ, mà ở quê yên ổn thế không ở mà lại ra Hà Nội làm gì cho khổ?
 Còn chúng tôi những người bị kiểm tra giấy tờ đêm hôm đó đều bị CA ghi lại địa chi, tên tuổi sau khi vê địa phương chúng tôi lần lượt bị CA xã, huyện, tỉnh đến nhà làm việc hoặc gọi đến đồn CA để thẩm vấn nội dung cũng chỉ quay qua quay lại việc có biết chị Nga là thành viên của tổ chức Khủng bố không? Từ nay không được liên hệ với chị Nga và Linh mục Nguyễn Văn Hùng nữa, nếu còn liên hệ thì đừng trách chúng tôi…..
Chuẩn bị đến ngày Noel năm 2011 lực lượng CA đã bao vây chặt chẽ hơn khi cắm chốt canh gác tôi,  còn những người bạn thì chiền miên bị CA làm việc, người được CA mời uống Cafe, người có  giấy mời lên xã, người lại được CA đến nhà thăm hỏi….. với những chủ đề liên quan đến buổi gặp mặt Noel. Vì sự cậy quyền quấy nhiễu ngăn chặn quyền tự do của CA mà chúng tôi đã phải huỷ bỏ buổi gặp mặt vô tư đó.
Những hành vi không thể cấp nhận được của CA hành sử với chúng tôi là họ luôn luôn tìm đến để quấy nhiễu đe doạ những anh chị em là nạn nhân đã từng bị hãm hiếp, đánh đập, giam giữ…. Đấy là những người đã và đang mắc các bệnh Thần Kinh, trầm cảm, rối loạn tiền đình..v..v gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người bệnh.
Trong anh chị em có người ốm, chết, cưới vợ, cưới chồng hay lâu lâu nhớ nhau mời nhau đến nhà chơi cũng bị CA ngăn cấm: cụ thể:
  1. Anh Cương quê Thanh Miện, Hải Dương đã từng bị Cty môi giới VN và ĐL lừa gạt. Anh đã được Văn Phòng của Cha Hùng và Bộ Lao Động Đài Loan giúp đổi chủ và đòi Cty  môi giới phải bồi thường thiệt hại, hiện anh đang làm việc tại ĐL về VN ăn tết năm 2011, anh mời chúng tôi mồng 06 tết âm lịch đến nhà anh chơi để mồng 08 tết anh sang lại Đài Loan làm việc. Ngày 29 tết CA tỉnh, CA huyện, xã đến nhà yêu cầu anh không được cho chúng tôi đến nhà, nếu cố tình không nghe mà vẫn để chúng tôi đến nhà chơi CA sẽ không cho anh đi sang ĐL nữa. Đêm hôm đó anh đã gọi điện nói với chúng tôi rằng anh rất quý mến và mong muốn được gặp chúng tôi trước khi quay lại ĐL để ôn lại những kỷ niệm vui buồn thời hoạn nạn, nhưng bây giờ CA đe doạ như thế vì miếng cơm manh áo anh xin khất chúng tôi khi nào hết hạn hợp đồng về nước hẳn anh sẽ lại mời chúng tôi về nhà anh chơi.
  2. Chị Liễu quê Thái Bình bị ung thư đã được Văn Phòng của Cha Hùng và anh chị em chăm sóc giúp đỡ khi chữa bệnh tại Đài Loan. Khi sức khoẻ ổn định chị về VN, đầu năm 2011 bệnh của chị tái phát chuyển sang giai đoạn cuối, chúng tôi đã lần lượt đến thăm và chia sẻ với chị. Trong nhóm có chị Q quê Thái Nguyên có nghề bấm huyệt đã ở lại vài ngày để bấm huyệt cho chị “với bệnh trạng của chị Liễu bấm huyệt chỉ để chị đỡ đi  cảm giác đau đớn và lạc quan hơn bởi sự vui vẻ thân tình của chúng tôi”. Vậy mà CA xã, huyện đã đến yêu cầu gia đình chị Liễu không được đón tiếp chúng tôi, bản thân chị Q đã bị CA gọi lên xã thẩm vấn 04 tiếng đồng hồ quay đi quay lại “Tổ chức nào cử chị đến đây bấm huyệt cho chị Liễu, kinh phí ở đâu để chị đến đây làm việc không công như thế? Chị Q đã trả lời “chính tôi đã cử tôi đến vì tình cảm bạn bè, tôi đến thăm bấm huyệt cho nó, thấy nó đỡ cảm giác đau đớn thì tôi ở lại với nó vài ngày, chuyện ăn uống thì tôi ăn ngủ cùng với nhà nó rồi”. Vì sự áp bức của CA mà chồng Liễu đã rưng rưng nước mắt nói với chúng tôi “em cảm ơn các anh các chị đã về chơi với nhà em, lâu rồi vợ em mới được vui khoẻ như mấy ngày hôm nay, vợ em vẫn kể về những ngày chữa bệnh ở bên Đl đã đựơc các anh các chị giúp đỡ chăm sóc tận tình, còn bây giờ ……….. anh không nói thành câu nhưng chúng tôi biết anh không giám đón tiếp chúng tôi nữa. Vài ngày sau chị Liễu qua đời mà gia đình không giám báo tin cho chúng tôi biết .
  3. Đầu năm 2010 anh Quyết quê Hà Tây lấy vợ, sau khi chúng tôi đến tham dự chúc mừng ngày hạnh phúc của anh về thì CA đã quấy nhiễu thẩm vấn gia đình anh gần 1 tháng việc liên quan đến chúng tôi.
  4. chị Hiền quê Thanh Hà, Hải Dương có chồng bị chết ở ĐL đã được tôi hướng dẫn làm thủ tục và đòi quyền lợi cho anh, kể từ đó thỉnh thoảng chị em có thăm hỏi nhau qua điện thoại, chị mời chúng tôi 06 tết âm lịch năm 2012 đến nhà chị chơi. 14h ngày 05 tết chị bị triệu tập lên CA huyện, ở đó chị bị 10 người CA thẩm vấn và yêu cầu chị viết bản cam kết không giao lưu và không mời chúng tôi về nhà chị chơi, và phải khai báo toàn bộ những gì chị biết về chúng tôi. 21h đêm CA mới cho chị về. Đêm 05 và ngày 06 tết nhà chị bị CA mặc thường phục canh gác từ trong nhà ra tới đường .
  5. Ngày 25/03/2012 chúng tôi đã được người bạn ở Đông Anh mời tham dự đám cưới, nhưng gia đình anh đã bị CA địa phương đến yêu cầu không được tiếp đón chúng tôi và phải gọi điện yêu cầu chúng tôi không được đến.
Có mội điều mà chúng tôi không hiểu nổi là tại sao trong xã hội VN hiện nay có rất nhiều hội đoàn như hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, hội đồng ngũ, đồng niên…. Họ được quyền thăm hỏi giúp đỡ nhau. Còn chúng tôi những người bạn trong cơn hoạn nạn lại bị CA ngăn cấm không được giao lưu giúp đỡ nhau trong cuộc sống?
Phải chăng đây là mệnh lệnh của Bộ Trưởng Bộ Công An hay là chỉ thị của bộ Chính Trị khi xuyên tạc, áp bức, ngăn cấm chúng tôi.
T.T.N
Theo: NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét