Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Trí thức không thể “trùm chăn” chờ hiến kế!

Tuần Việt Nam

Trí thức không thể “trùm chăn” chờ hiến kế!

Tác giả: Trần Đình Bá *
Bài đã được xuất bản: 04/02/2012 05:00 GMT+7
.
Đã đến lúc tất cả các GS, TS chúng ta phải biết chui ra khỏi “tấm chăn” vị kỷ của mình. Cần dũng cảm minh bạch phản biện và tiếp thu phản biện trong từng luận án TS, phải đặt câu hỏi công trình đó nghiên cứu về cái gì? Dự án đó phục vụ cho ai, hiệu quả sẽ mang lại những gì, và phải chịu trách nhiệm nghiêm túc về tính khả thi.

LTS: Nhân trên các trang mạng xã hội có cuộc mạn đàm sôi nổi về trí thức phản biện khoa học và phản biện xã hội, Tiến sỹ Trần Đình Bá có bài viết gửi Tuần Việt Nam, thực chất là một lá thư gửi các giáo sư, tiến sĩ ngành giao thông vận tải trước thực trạng giao thông của đất nước. Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải dưới đây.
Kính thưa 1000 GS, TS ngành GTVT !
Đã 1/4 thế kỷ trôi qua, từ công cuộc đổi mới (1986) đến nay, nước ta đã gặt hái nhiều thành công trên mọi lĩnh vực. Duy chỉ có ngành GTVT dường như đang ngày càng trở nên bất cập trước yêu cầu phát triển của xã hội thời hội nhập. Vì sao?
Giao thông nước nhà vì sao nên nổi?
Khác với nhiều quốc gia bị chia cắt bởi hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, nước ta nằm trong lục địa không bị ảnh hưởng bởi núi lửa, động đất sóng thần …, lại có hệ thống giao thông đường bộ phủ khắp toàn quốc, đến tận từng thôn xã. Dọc đất nước là hai tuyến đường quốc lộ số 1 cùng đường Hồ Chí Minh kết nối hai miền nam- bắc và quốc tế. Với 3200 km, chúng ta có một hệ thống 168 cảng biển phủ khắp, nhiều hơn các cường quốc như Hoa kỳ , Anh , Pháp , Đức , Nhật Bản.
VN đã phóng thành công vệ tinh VINASAT khẳng định chủ quyền về không gian vũ trụ. Ngành viễn thông phủ sóng khắp toàn quốc cả ba nước Đông Dương và vươn tới châu Mỹ. Các ngành khoa học công nghệ, xây dựng, y tế, sinh học, năng lượng … đều phát triển, nông nghiệp đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo, nhất thế giới về sản lượng cà phê, cao su …, bơi ra biển lớn WTO hội nhập thế giới văn minh. Trong khi đó, GTVT nước ta tụt hậu đến mức tồi tệ…
Đã 25 năm sau đổi mới, đường sắt quốc gia đang rệu rã xuống cấp gây ra nhiều vụ lật tàu, thị phần vận tải chỉ còn đảm đương chỉ được 6%, thua xa cả loại hình vận tải đường sông. Đã thế hiện nay các GS, TS ngành đường sắt lại đi kiên cố hóa toàn bộ hệ thống bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực khổ 1 mét, kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia thêm 110 năm nữa.
Hàng không với tiềm năng lợi thế đứng đầu các nước ASEAN về cơ sở hạ tầng, có hơn 50 sân bay với tổng diện tích gần 500 km2, trong đó có chín sân bay quốc tế hiện đại mà năng lực chuyên chở hiện nay chỉ đạt 12 triệu hành khách/ năm, chiếm có 12% thị phần, xếp gần cuối bảng, sau Thái Lan, Malaixia, Philippin có dân số ít hơn ta, và thua xa  Singapore- nước chỉ có ba triệu dân và duy nhất chỉ có một sân ba. Đã thế, chất lượng phục vụ của hàng không VN thua xa hàng không Lào.
Vận tải biển chưa phát huy được lợi thế hạ tầng, lại rơi vào nợ nần, thị phần cũng chỉ đạt 10%. Như vậy, cả ba ngành GTVT công cộng, hiện đại và chủ lực được toàn dân kỳ vọng nhất chỉ còn đảm đương được… 28%. Còn lại thị phần hành khách và hàng hóa khác dồn lên đường bộ và đường sông, mà đường bộ là chủ yếu, phải gánh 65%. Trong khi diện tích của hạ tầng giao thông đường bộ có giới hạn nhất định, thì phương tiện giao thông tư nhân phát triển ồ ạt tràn ngập phố phường, gây chật chội hỗn loạn.
Nhìn thẳng vào sự thật, giá trị “chất xám ” trong 1.000 luận án tiến sỹ chúng ta còn thiếu chiều sâu nội dung, chưa nắm bắt các nhu cầu thực tế của giao thông nước nhà, không ai chịu nghiên cứu mở rộng đường sắt, không có một luận án nào nghiên cứu hạch toán kinh tế hàng không …
Nhiều luận án TS chỉ có hình thức, thiếu nội dung, xa rời khoa học, duy ý chí, giáo điều, khi vận dụng vào thực tiễn sản xuất, đã để lại những hậu quả nặng nề như Vinashin, thảm họa S1, E1, thảm họa cầu Ghềnh, thảm họa cầu Cần Thơ, bê bối PMU 18, CPI … Đau đớn nhất là tai nạn giao thông đang đứng hàng đầu thế giới với mỗi năm hơn 12 000 người chết, hàng vạn người khác bị thương. Thiệt hại kinh tế hơn một tỷ USD, có phần trách nhiệm của tất cả 1000 GS,TS  ngành GTVT chúng ta!
Đường sắt quốc gia đang rệu rã xuống cấp gây ra nhiều vụ lật tàu
“Trùm chăn” chờ nhân dân hiến kế còn gì là danh dự?
.
Phải thấy rằng, chúng ta đang đứng hàng đầu ASEAN về trí thức trong lĩnh vực GTVT với trên hàng chục trường ĐH, viện nghiên cứu, học viện hàng không ở mọi lĩnh vực kỹ thuật cầu đường, đường sắt, sân bay, bến cảng… Vậy mà nhiều GS, TS lại than rằng: “Không thể mở rộng được đường sắt khổ 1.435mm ,nếu mở rộng đường sắt sẽ phải làm mới hoàn toàn cầu hầm, sẽ làm gián đạn hoạt động giao thông tới ba năm… Vậy thì học TS,  làm GS để làm gì? Đường đường là GS, TS ngành GTVT, mà “trùm chăn” chờ nhân dân hiến kế thì còn gì danh dự?
Khi Tổ quốc lâm nguy, rất nhiều GS, TS, sinh viên GTVT đã tình nguyện xếp bút nghiên ở các trường ĐH, viện nghiên cứu… để lao ra mặt trận, dùng trí thông minh và lòng yêu nước “vô hiệu hóa” bom từ trường, thủy lôi, cây nhiệt đới …”đánh giặc mà đi , mở đường mà tiến” không tiếc máu xương cho  mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt …Trong thư gửi cán bộ nhân viên toàn ngành nhân 66 năm ngày truyền thống, Tư lệnh GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra một quyết sách mới là  dũng cảm, thông minh, sáng tạo”. Tôi cho rằng đó là mệnh lệnh lịch sử, là phương châm hành động cho Bộ GTVT trước một thời kỳ mới.
Đường đường là GS, TS ngành GTVT, mà “trùm chăn” chờ nhân dân hiến kế thì còn gì danh dự?
Khẩu hiệu này sẽ kích hoạt lương tâm và trách nhiệm, coi trọng tính mạng nhân dân và lợi ích cộng đồng để đẩy lùi các “nhóm lợi ích”, đẩy lùi thái độ “trùm chăn” chờ thời trong đội ngũ các trí thức GS, TS của ngành GTVT hiện nay.
Đã đến lúc tất cả các GS, TS chúng ta phải biết chui ra khỏi “tấm chăn” vị kỷ của mình. Cần dũng cảm minh bạch phản biện và tiếp thu phản biện trong từng luận án TS, phải đặt câu hỏi công trình đó nghiên cứu về cái gì ? Dự án đó phục vụ cho ai, hiệu quả sẽ mang lại những gì, và phải chịu trách nhiệm nghiêm túc về tính khả thi.
.Phải có đạo đức nghề nghiệp của trí thức trong phản biện khoa học, phản biện xã hội, tính đến hiệu quả của các luận án TS, các dự án kinh tế kỹ thuật. Phân tích tác động xấu – tốt đến đời sống cộng đồng cho cả hiện tại và tương lai. Mỗi một GS, TS phải biết chịu trách nhiệm về chữ ” tôi” để không “trùm chăn” đổ hết trách nhiệm lên đầu 1000 GS, TS chúng ta!
Phải thấy rằng: “Dũng cảm, thông minh và sáng tạo” là mệnh lệnh lịch sử cấp bách mà Tư lệnh Đinh La Thăng đang kêu gọi cả ngành GTVT, nhưng đặc biệt là hơn 1000 GS, TS của ngành nhằm hóa giải được thực trạng hỗn loạn giao thông hiện nay!
Và đó cũng là trách nhiệm của 1000 GS, TS GTVT chúng ta trước thách thức của đời sống, trước đòi hỏi chính đáng của người dân.

* BS bổ sung: – KTS Trần Đình Bá: Tôi lo họ sẽ “mua nhầm” đường sắt (Bee); – Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Cần khôn ngoan tránh vết xe đổ của Nhật (Tiền phong);   – TS Trần Đình Bá – Buồn cho Hàng không Việt Nam: “Tậu được trâu nhưng không sắm nổi dây thừng!” (Khoahocnet).  – TS Trần Đình Bá – Mong Bộ trưởng giao thông vận tải vi hành trên đường sắt!  – TS Trần Đình Bá – 1000 LUẬN ÁN TIẾN SỸ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐÃ LÀM GÌ!
Và mời xem tin mới nhất ngay trên báo hôm nay: – Một ngày, 5 người bị tàu lửa tông chết trong 3 vụ tai nạn nghiêm trọng (Người lao động).
Ảnh: TS Trần Đình Bá (Bee.net.vn)


TẦM NHÌN QUY HOẠCH ĐỂ PHÁT TRIỂN


Đầu năm là những cuộc công du của lãnh đạo đến từng địa phương trong cả nước, để đưa ra định hướng phát triển cho từng nơi. Còn nhớ cách nay khoảng 8 năm, có vị lãnh đạo tối cao đầu xuân thăm Bình Định, đến bán đảo Phương Mai(1), chống tay nhìn trời mây nước hùng vĩ, mênh mông, cảm xúc lịch sử một thời những trận đánh trên Đầm Thị Nại, quơ tay phán rằng, khu này mà phát triển vừa công nghiệp xanh sạch, vừa phát triển công nghiệp hoá chất, cảng biển thì còn gì bằng? Tại sao không phát triển? 

Thế là mọi quy hoạch và thực hiện để khu này thành khu công nghiệp sản xuất, khu du lịch sạch xanh, cảng biển nước sâu ùn ùn chuyển động. Để phục vụ cho khu kinh tế Nhơn Hội, một chiếc cầu dài nhất Việt Nam sau 4 năm ra đời, với cái tên gắn liền với địa danh lịch sử: Cầu Thị Nại. Nhưng sau 5 năm hoạt động thì cầu đứt cáp. Khu kinh tế được các đại gia không tên tuổi, chặt trụi rừng thông giữ cát mà, người viết bài này cách đây 30 năm đã là những người đi trồng rừng thông này để chống xói mòn đồi cát. Họ di dời nghĩa địa hơn nửa thế kỷ của dân. Họ chia nhau chiếm đất quây vùng, chờ thời sang bán kiếm lãi. Sau 5 năm khu kinh tế Nhơn Hội vẫn là mãnh đất đầy nắng và bụi, do hàng đoàn xe chở Titan đi qua làm phá huỷ môi trường sinh thái. Không ai đến đầu tư bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ khai thác Titan, vì quy hoạch sai lầm, như trong bài viết của tôi: Bình Định kêu gọi đầu tư.

Kể câu chuyện trên để có cái nhìn về quy hoạch phát triển vùng miền không phải muốn một cách cảm tính là được. Mỗi vùng đất có một bề dày lịch sử, một vị trí địa lý và khí hậu khác nhau hình thành nên một nền văn hoá sống chỉ phù hợp với nó. Con người muốn nó vùng dậy bằng sức sống Phù Đổng cần phải hiểu nó. Không thể hứng cảm là làm theo ý chí mà thiếu khoa học được. Các vấn đề này cần thấu đáo để cho quy hoạch phát triển vùng miền hợp lý.

Về mặt địa lý, không phải ngẫu nhiên mà huyền sử dòng giống Âu Cơ và Lạc Long Quân ra đời. Huyền sử này cũng nói lên được yếu tố địa lý liên quan đến sự hình thành và phát triển dòng giống Việt. Mãnh đất Việt Nam dài và hẹp, mặt giáp núi rừng và mặt giáp biển. Bấy nhiêu đó cũng nói lên vì sao có 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển.

Mãnh đất miền Trung kéo dài hơn ngàn km bị dãy Trường Sơn chắn ở phía Tây, mặt nhìn ra biển lớn. Nó tạo một thế ỷ dốc, có khí hậu khắc nghiệt. Nó chỉ phù hợp cho kinh tế Biển là mũi nhọn. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp xanh sạch là phù hợp cho mãnh đất này. Ngoại trừ những nơi khô cằn sỏi đá ở phía Tây có thể dùng để làm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Đồng bằng miền Nam với dòng Mekong tưới mát, khí hậu ôn hoà quanh năm là nơi phát triển kinh tế Nông nghiệp bao đời. Nông nghiệp phải là mũi nhọn phát triển cho cả nước. Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp sạch xanh đi kèm để khai thác văn hoá khẩn hoang. Nó không thể là khu công nghiệp gây ô nhiễm môi sinh.

Phía Bắc, ngoại trừ khu rừng núi phía Bắc có thể phát triển công nghiệp gây ô nhiểm. Phần còn lại mũi nhọn vẫn là kinh tế Nông nghiệp và dịch vụ.

Cả ba miền Bắc Trung Nam các vùng giáp biển thì kinh tế Biển vẫn là tối ưu kèm theo các dịch vụ đi kèm. Câu chuyện ở bất cứ địa phương nào cũng ưu tiên phát triển công nghiệp và hiện đại hoá nông nghiệp là một tư duy sai lầm. Nó chỉ làm công việc bán môi sinh để phát triển kinh tế, mà không giúp ích cho một nền kinh tế đặc thù, vững bền và bảo vệ môi sinh. Hãy nhìn sang Trung Hoa ngày nay đang giải quyết hậu quả sai lầm chạy đua theo tăng trưởng bất chấp mọi hậu hoạn môi sinh sẽ thấy tất.

Về mặt lịch sử và văn hoá, hòng bảo vệ sự trường tồn dân tộc Việt dưới sự đô hộ ngàn năm của phương Bắc, dân tộc Việt có một bề dài lịch sử chiến tranh và mở cõi. Từ đó, ngoài đồng bằng sông Hồng và biên giới phía Bắc có lịch sử ngàn năm. Còn lại, từ phía Nam đèo Ngang trở vào lịch sử hình thành và phát triển chỉ quá bán ngàn năm.

Ngoại trừ phía Bắc đèo Ngang, lịch sử hình thành một nét văn hoá gần với chủ nghĩa phong kiến trong nếp nghĩ và hành động. Dân phía Nam đèo Ngang luôn mang trong mình nét văn hoá quật khởi của những con người bỏ quê cha đất tổ ra đi, vì không chịu lề thói phong kiến o ép.

Song miền Trung là vùng địa lý khắc nghiệt đã làm hình thành một nếp sống ăn, ở hôm nay nghĩ đến ngày mai bão tố, hạn hán, mất mùa, lo xa. Vị ăn cũng khác 2 miền còn lại, nêm nếm luôn đậm đà: cay, đắng ngọt bùi luôn rất đậm. Cá tính cũng rất cực đoan, thương ghét rõ ràng, cần cù cũng hơn cả 2 miền còn lại. Con người miền Trung vì thế chịu thương chịu khó làm đến nơi, đến chốn, rất thích hợp cho phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghệ chính xác cao.

Trong khi đó, do điều kiện lịch sử và địa lý thiên nhiên ưu đãi, văn hoá sống người Nam ăn nay không cần chừa mai. Sống rất thật lòng chân chất. Ruộng lúa cò bay thẳng cánh, thiếu miếng ăn chỉ cần ra đìa tát nước có thể kiếm miếng ăn dễ dàng. Quơ cọng rau, ngọn cỏ là có thể làm bữa ăn. Việc sống chung với lũ cũng giúp miền Nam có đồng bằng phì nhiêu. Nên người miền Nam không dành cho phát triển công nghiệp được. Khi nói chuyện với người bạn làm nhà máy đóng giày ở Tiền Giang, sau đầu tư tìm nhân công đã khó, huấn luyện càng khó hơn, mà làm chưa nóng chỗ ngồi đã bỏ việc. Cuối cùng doanh nghiệp quanh năm suốt tháng chỉ lo đối phó với tuyển nhân công mà không thể sống được.

Miền Bắc lại khác, văn hoá ngàn xưa thấm từng mạch máu. Nơi chỉ nên dành cho kinh tế nông nghiệp và dịch vụ về văn hoá nhiều hơn là công nghiệp.

Về lưu thông phân phối, đây là vấn đề cốt yếu không thể thiếu trong quy hoạch. Vì làm ra năng suất cao mà không thể đem sản phẩm đi đến thị trường tiêu thụ thì càng đi đến chỗ sụp đổ nhanh chóng. Có lưu thông phân phối tốt nhưng chậm, giá cả lưu thông không rẻ thì sản phẩm làm ra cũng không thể cạnh tranh. Ví dụ, câu chuyện Bô Xít Tây Nguyên, chỉ tính riêng giá chuyên chở 1 tấn Bô Xít từ Tây Nguyên xuống đến cảng biển miền Trung để xuất cũng đã cao hơn giá thành 1 tấn Bô Xít mua từ Australia. Thế thì ngay từ khi dự án Bô Xít Tây Nguyên hình thành đã thấy nó phá sản. Nên không cần phải phản biện.

Về môi sinh, quy hoạch mà chỉ túm tụm quanh các đô thị sẽ dẫn đến không chỉ hậu quả tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn như hiện nay, do tình trạng di dân từ nông thôn lên thành thị kiếm sống, do thiếu quỹ đất cho giao thông. Nó còn là nạn ô nhiễm môi sinh trầm trọng.

Tóm lại, quy hoạch để phát triển là một bài toán tổng thể với cái nhìn toàn diện về lịch sử, địa lý, văn hoá, giao thông vận tải, môi sinh và kinh tế v.v... và v.v... Không thể làm theo cảm tính theo ý chí và hô khẩu hiệu của một tư duy thiếu hiểu biết.

Ghi chú:
(1) Bán đảo Phương Mai, là một vùng núi cát và bờ biển nhìn ra biển Đông ở phía Đông Đầm Thị Nại và phía Đông Bắc của thành phố Quy Nhơn. Nó quây quanh phía Đông Bắc Quy Nhơn làm nên Đầm Thị Nại và cảng nước sâu Quy Nhơn.

Bán đảo Phương Mai trước khi quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội còn môi trường xanh và ruộng lúa (ảnh của Văn lưu - Báo Bình Định)

Bán đảo Phương Mai sau khi quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội không còn môi trường xanh và ruộng lúa

 

NGHỆ THUẬT XÉN LÔNG CỪU

Hôm nay đọc bài Bộ máy chính phủ: "Tôi tin là họ tạo được niềm tin". Tự dưng nghĩ đến phải viết đề tài xén lông cừu. Một thuật ngữ trong kinh tế chính trị học mà tác giả cuốn Currency War của Song Hongbing viết. Trước tiên, cần phải hiểu thuật ngữ "xén lông cừu" của Song Hongbing là như thế nào? Muốn hiểu nó, ta cần nắm 3 khái niệm. 

Thứ nhất là khái niệm lạm phát. Nó là do cung hàng nhỏ hơn cung tiền, làm cho hàng hóa tăng giá trị theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Đó là bàn tay vô hình điều khiển làm cho đồng tiền mất giá. Cụ thể ở Việt Nam ta trong 5 năm qua, lạm phát phi mã và có tính chu kỳ lập lại do tham nhũng làm cung tiền ra thị trường quá lớn từ những đầu tư công không làm ra lợi ích cho xã hội.

Thứ hai là, ai là người cung tiền? Ở các nước tư bản giãy chết là ngân hàng trung ương (NHTW). Còn ở Việt Nam là ngân hàng nhà nước (NHNN) cung tiền bằng cách in ra tiền và cho vay vô tội vạ cho các đầu tư công không hợp lý. Nó làm cung tiền tràn ngập xã hội có nguồn gốc từ tham nhũng ở các đầu tư công.

Thứ ba là, NHNN cung tiền dựa trên cơ sở nào? Trước 1970, tất cả các NHNN hoặc NHTW trên thế giới in tiền được quy định theo vàng qua hiệp định Bretton Woods - tôi đã từng viết trên blog này. Nhưng khi Nhật và Đức được sự bảo trợ an ninh của Hoa Kỳ sau chiến tranh thế giới II, họ đã phát triển kinh tế mạnh mẻ bằng xuất siêu cân bằng dương nhiều năm. Họ quyết định phá bỏ hiệp định Bretton Woods, tức không gửi vàng sang kho vàng ở New York để mỗi lần muốn in tiền. Từ đó Hoa Kỳ cũng phá bỏ quy định Bretton Woods, là cứ in ra 35 đô la là phải nộp cho Fed một ounce vàng, để lãnh đạo tài chính toàn cầu.

Từ 3 khái niệm trên đi đến ngày nay việc in tiền ở mỗi quốc gia là do chính phủ sở tại quyết định. Khi chính phủ và quốc hội quyết định sai lầm việc in tiền để đầu tư công bất hợp lý, là lúc mỗi chúng ta làm việc cật lực với đồng lương ngày xưa đủ mua 500 tô phở/tháng thì hôm nay chỉ có thể còn 50 tô phở/tháng lương. Hay nói đúng hơn là, mỗi đơn vị hàng hóa gia tăng giá trị nhanh hơn giá trị lao động của người dân trong xã hội do lạm phát. Dễ hiểu hơn là nơi quyết định cung tiền mà, cụ thể là chính phủ và quốc hội bòn rút sức lao động của người dân, gọi là "xén lông cừu".

Nhưng những điều trên là cách xén lông cừu ở thời đại hiện đại. Còn ở Việt Nam, điểm qua từ ngày đảng cộng sản Việt Nam thành lập đến nay, bài học xén lông cừu từ nước Mỹ xa xôi đã được kết hợp nhuần nhuyển với bài chuyên chính vô sản của ông tổ Lenin, và thực hiện 5 thời điểm. Mỗi thời điểm khác nhau, kiểu xén lông cừu có khác hơn ở thời Việt Nam còn theo đường lối kinh tế bao cấp, chủ nghĩa xã hội của Marx Lenin. Rồi gần đây, sau cỡi trói kinh tế, thì cách xén lông cừu giống cách nước Mỹ vào cuối thập niên 1920 đầu 1930s, nhưng sáng tạo với tính lưu manh và độc ác hơn nhờ vào chuyên chính vô sản. Nó ngày càng tinh vi hơn, mà người dân bình thường khó nhìn ra.

Mỗi lần xén lông cừu thì phân cách giàu nghèo càng rộng hơn. Xã hội Việt đẻ ra một giai cấp tư sản kếch sù từ tầng lớp thân hữu với chính khách. Trong lúc người dân càng nghèo đi, thì tầng lớp thân hữu với chính khách giàu lên nhanh chóng một cách bất thường và thâu tóm tài sản của 99% trong xã hội.

Lần đầu tiên xén lông cừu của đảng là cải cách ruộng đất năm 1956-1957 theo kiểu hoang dã thời ăn lông ở lỗ. Không ai là người Việt Nam hiện nay không nhớ lần đầu tiên để đưa guồng máy xã hội miền Bắc vào khuôn khổ kỷ luật, để làm cuộc cách mạng thần thánh. Sau lần này với chiêu bài chuyên chính vô sản đã làm ra một cộng đồng dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành một đàn cừu đi theo sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản Việt Nam. Một thiên đàng cùng khổ nhưng đầy nhiệt huyết phục vụ chiến tranh. Máu đã đổ và xác người đã lên đến hơn 5 triệu để có thống nhất.

Sau thống nhất đất nước, năm 1976, lần thứ hai đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc xén lông cừu bằng cái gọi là "cải tạo công thương nghiệp" cũng hoang dã không kém lần thứ nhất. Hai kiểu xén lông cừu này đặc trưng bản chất chủ nghĩa xã hội mà ông tổ Lenin đã vạch ra bằng cách kết hợp Đức Quốc Xã với Kitô giáo trong đường lối trị dân. Nó hoàn toàn không giống cách xén lông cừu của bọn tư bổn giãy chết, mà tôi đã trình bày ở trên. Với lần này, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, có đến hàng trăn nghìn người Việt đã làm thức ăn cho cá biển. Trong lịch sử dân tộc Việt chưa có lúc nào phải có một lượng người bỏ tổ quốc ra đi đông hơn thời kỳ này, kể cả thời Nam tiến do Trịnh Nguyễn phân tranh!

Đến lần thứ ba, là lần sụp đổ tín dụng vào cuối thập niên 1980s khi những Nguyễn Văn Mười Hai, Huỳnh Là, Lâm Cẩu, v.v... vào tù trả nợ. Nó đã buộc chính quyền phải đổi tiền - một đồng tiền mệnh giá gấp 10 lần - để giảm lạm phát. Lạm phát lúc đó lên đến 700%. Một tỷ lệ lạm phát mà trong lịch sử nhân loại, nó chỉ có xảy ra ở các nước đi theo ông tổ Lenin mới có. Tôi còn nhớ vị đứng đầu đất nước lúc đó phát biểu một câu mà dân kinh tế cho rằng rất không hiểu biết là, thiếu tiền thì cứ in tiền. Nhưng đứng ở góc độ kinh tế chính trị học thì, câu phát biểu trên lại rất trí tuệ cho việc xén lông cừu của một chính quyền chuyên chính vô sản đang trên bờ sụp đổ.

Lần thứ tư giống tư bản giãy chết hơn vào cuối thập niên 1990. Lần này tứ đại gia Minh Phụng, EPCO, Huy Hoàng và Thành Lễ được lùa vào chuồng từ dựa cột đến xén lông cho đẹp dáng. Một loạt vụ án mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều khó hiểu. Với cách xén lông cừu lần thứ tư chỉ các đại gia bị ảnh hưởng lớn.

Lần thứ năm, sau khi tung cung tiền liên tục 2 năm 2007 và 2008 với cái gọi là kích cầu do suy thoái kinh tế thế giới. Nó đã làm lạm phát trong nước tăng vọt. Lẽ ra từ 2009 phải tái cơ cấu kinh tế và chính trị để kiềm chế lạm phát, thì lại không thực hiện, đảng cộng sản và quốc hội tiếp tục tung cung tiền ào ạt cho các nắm đấm thép, cho lễ hội nghìn năm Thăng Long, v.v... chỉ vì quyền lợi của một vài chính khách. Nó đã đẩy lạm phát nhiều năm liên tục tăng cao. Hậu quả của nó là, mỗi tháng lương công nhân lao động giản đơn vào 2006, tuy thấp, nhưng được 400 tô phở bình dân, thì hôm nay chỉ còn 40 tô phở.

Câu chuyện lạm phát nếu chỉ dừng ở đó thì chỉ có dân lao động bị xén lông cừu. Nhưng NHNN vẫn tiếp tục cách giữ trần lãi suất cao 14%/năm. Đây là một kế hoạch xén lông cừu hoàn hảo cho những con cừu đã được vỗ béo bằng bất động sản, bằng chứng khoán đã trở thành đại gia đình đám.

Xét về mặt bản chất lần xén lông cừu thứ năm này quy mô hơn và toàn diện hơn lần thứ tư. Vì nó không chỉ xén lông cừu đại gia mà còn xén cả những con cừu ốm đói - những người dân lao động nghèo.

Tục ngữ Việt Nam có câu, con hơn cha là nhà có phúc. Nhưng ở đây học trò Việt hơn thầy Hoa Kỳ về cách xén lông cừu. Nó không phải là phúc, mà lại là một đại họa cho đất nước và dân tộc.

Sau hơn 80 năm dẫn dắt dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản, đảng cộng sản Việt Nam đã có công trong việc đưa đất nước trở về chủ nghĩa tư bản hoang dã với những hình thức xén lông cừu có sự kết hợp giữa chuyên chính vô sản và trí tuệ siêu phàm của thời chiếm hữu nô lệ. Nó đã sản sinh ra một thế hệ tài phiệt kiểu mới mà sách vở kinh tài toàn cầu chưa được ghi nhận vào giáo khoa kinh điển.

Hãy chờ xem với lần xén lông cừu thứ năm này đất nước và dân tộc Việt sẽ đi đến đâu trong công cuộc định hướng xã hội chủ nghĩa để hình thành 1% tư bản tài phiệt thân hữu và 99% dân cùng khổ? Bài đọc liên quan:
+ Quay về hệ thống Bretton Woods
+ Thế giới G-zero của chúng ta 
+ Ngây thơ
+ Máu đang chảy đầy đường
+ Đồng đô la đã bị giết như thế nào?
+ Sai lầm chính trị hay kinh tế?
+ Nợ hay ăn cắp của dân?
+ Bốn sai lầm của khủng hoảng kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét