NTT – Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm”. Lenin gọi trí thức là cứt.Mao
bảo trí thức là cục phân. Ngô Bảo Châu nói trí thức là người lao động
trí óc. Ai đó nói trí thức là dấn thân. Phải chăng trí thức là tất cả
những thứ ấy cộng lại? Mời bạn đọc dưới đây bài viết của NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG.
Hồi còn là sinh viên năm thứ nhất (1976 – 1977) tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva [1],
một lần ngay trong giảng đường vào giờ nghỉ, chúng tôi được yêu cầu
khai lý lịch để nộp cho giáo vụ trường. Đến mục thành phần giai cấp của
gia đình, tôi viết “trí thức” (интеллигенция), lại còn “trầm trọng” ghi chú “cha: thầy giáo, mẹ: bác sĩ” (отец – учителъ, мать – врач). Petya, cậu bạn Nga của tôi, thấy vậy bảo: “Ê, tiểu tư sản! Xoá đi mày! Ghi như tất cả chúng tao đây này: рабочий (lao động, công nhân).” Thấy tôi có vẻ băn khoăn, cậu ta giải thích: “Chúng tao gọi thầy giáo và bác sĩ là những người lao động trí óc (работники умственного труда).”
*
Phải
nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa
có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức
không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và
Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm
ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng
Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế
tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không
ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí
thức: Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “Các
lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc
đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư
bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng
không phải là bộ não mà là cứt.” [2].
Khác với từ intellectuals trong
tiếng Anh, thường được dùng chủ yếu để chỉ những người có nghề nghiệp
chuyên môn trong các lĩnh vực lao động trí tuệ nhằm phân biệt họ với
những người lao động chân tay, khái niệm trí thức (интеллигенция) trong
tiếng Nga được dùng cho tầng lớp của những người không đơn thuần chỉ có
học và lao động trí óc, mà còn phải có tư duy phê phán, phải gánh vác
những lý tưởng cao cả. Các tính năng chính của trí thức Nga trước cách
mạng tháng 10 mang đặc thù của những cứu tinh trong xã hội, bao gồm: 1)
sự quan tâm tới số phận của đất nước (trách nhiệm dân sự), 2) thái độ và
hành động hướng tới phê bình xã hội, tới cuộc đấu tranh với tất cả
những gì cản trở sự phát triển quốc gia (vai trò của những người gánh
vác lương tâm xã hội), và 3) khả năng đồng cảm với những ai “bị xúc phạm
và bị xỉ nhục” (cảm giác đồng cảm về đạo đức).
Vốn
có truyền thống tự chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước như vậy,
nên một số trí thức Nga đã có ảo tưởng ngây thơ rằng họ có thể hợp tác
với chính thể độc tài, thuyết phục những người cầm đầu để họ cải tổ theo
chiều hướng tự do dân chủ. Họ chưa bao giờ thành công. Sau cách mạng
tháng 10 Nga, các văn hào như Maxim Gorky và Vladimir Korolenko đã đích
thân tới gặp Lenin với hy vọng thuyết phục ông ngừng khủng bố, nhưng họ
đã thất bại.
Những
người cầm đầu trong bộ máy quyền lực của chính thể cộng sản đã không
bao giờ tha thứ thái độ “phản động” hay “phản cách mạng” của giới trí
thức và đã nhanh chóng đàn áp họ. Thi sĩ nổi tiếng Nikolai Gumilev là
nạn nhân đầu tiên. Năm 1921 ông đã bị buộc tội âm mưu chống lại chế độ
Xô Viết và đã bị xử bắn. Cuộc đàn áp trí thức của chính quyền Xô Viết đã
đẩy hàng loạt trí thức Nga di tản ra nước ngoài sau cách mạng tháng 10.
Những đại diện xuất sắc của giới trí thức Nga thời đó, kể cả các triết
gia và các văn hào lớn như Nikolai Berdyaev [3] – chủ bút tờ Vekhi (Вехи:
Những cột mốc), cũng bị chính quyền trục xuất ra khỏi đất nước vào cuối
năm 1922. Sự đàn áp này còn tiếp tục cho tới khi Liên Xô tan rã vào năm
1991, với nhiều văn nghệ sĩ và trí thức bị tống giam, trục xuất, đày
ải, trong đó có những cá nhân kiệt xuất như nhà vật lý Lev Landau (Nobel
vật lý năm 1962, bị bắt giam 1 năm trong đợt thanh trừng 1936 – 1938),
nhà thơ Iosif Brodsky (Nobel văn chương năm 1987, bị trục xuất năm
1972), nhà văn Alexandr Solzhenitsyn (Nobel văn chương năm 1970, bị bắt
giam 11 năm tù 1945 – 1956, bị trục xuất năm 1974), nhà vật lý Andrei
Sakharov (Nobel hoà bình năm 1975, bị bắt và bị quản thúc 6 năm 1980 –
1986), v.v.
Dưới
chính thể cộng sản, Đảng cộng sản cai trị toàn xã hội, không cho phép
bất cứ đảng phái đối lập nào khác tồn tại, chưa nói cạnh tranh quyền
lực, và thẳng tay trừng trị mọi tư tưởng khác quan điểm do đảng áp đặt,
chứ chưa nói tới hành động, mà những người cộng sản cho rằng có thể đe
doạ địa vị thống trị của họ. Chỉ riêng chế độ Stalin – người kế thừa
Lenin – đã hành quyết và đầy ải đến chết hơn 20 triệu người[4],
gấp đôi số nạn nhân đã chết trong các lò thiêu người và trại tập trung
của phát-xít Hitler. Chính thể cộng sản quả thật là chính thể độc tài
tàn bạo nhất trong thế kỷ thứ 20.
*
Bài
học đau xót của trí thức dưới chính thể cộng sản đầu tiên trong lịch sử
nhân loại đã được lặp lại tại Việt Nam. Vào năm 1956, khi một số văn
nghệ sĩ, luật sư, triết gia, bác sĩ, nhà giáo tại Hà Nội như Hoàng Cầm,
Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Phan Khôi, Tử Phác, Phùng Quán,
Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, v.v. lên tiếng đề nghị
Đảng cộng sản (lúc đó lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam) tôn trọng tự do
sáng tạo, hành xử theo luật pháp v.v., họ đã bị đàn áp thẳng tay trong
vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư
bản tư doanh và vụ Nhân Văn Giai Phẩm là những đòn trí mạng giáng vào
giới trí thức Việt Nam, và kết quả là đã “đào tận gốc trốc tận rễ” tầng
lớp này trên miền Bắc. Còn sau năm 1975, Việt Nam là đất nước đã sinh ra
cuộc di tản khổng lồ bằng thuyền khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện
đại [5] với hơn 1.6 triệu người bỏ quê hương di tản ra ngoại quốc, trong đó có hàng ngàn trí thức miền Nam [6].
Trên thực tế, nếu hiểu giới trí thức như khái niệm интеллигенция, thì Việt Nam từ đó không còn giới trí thức nữa. Thay vào đó, cụm từ “trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN)”
đã ra đời tại miền Bắc XHCN, và sau đó cụm từ này đã chết yểu. Nó cũng
tương tự như việc thay thế chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật
bằng “hiện thực XHCN” tại Liên Xô trước đây mà nhiều nước trong
khối cộng sản đã bắt chước. “Hiện thực XHCN” đã hoàn toàn phá sản sau
khi Liên Xô sụp đổ. Câu chuyện tiếu lâm dưới đây, mà tôi từng được nghe
trong thời sinh viên tại Liên Xô, đã nêu rõ thực chất của thứ “hiện
thực” này.
Thành
Cát Tư Hãn sau khi chinh phạt thế giới, đã trở thành bá chủ một đế quốc
mênh mông trải dài từ bờ biển Đông tới lưu vực sông Danube. Tuy nhiên,
trong một lần chinh chiến, ông ta đã bị mất một mắt. Có lần vị hoàng đế
nhà Nguyên này ban lệnh tìm hoạ sĩ giỏi để vẽ chân dung cho mình. Hoạ sĩ
thứ nhất được tiến cử tới yết kiến Thành Cát Tư Hãn, và đã vẽ hoàng đế
nhà Nguyên với đầy đủ cả hai mắt tinh. Sau khi bức tranh được hoàn thành
và được đem trình hoàng đế xem, Thành Cát Tư Hãn khinh bỉ nói: “Sao lại có cái thứ lãng mạn chủ nghĩa đồi bại thế này?”,
rồi ra lệnh chém đầu hoạ sĩ. Hoạ sĩ thứ hai được vời tới. Rút kinh
nghiệm thảm khốc từ hoạ sĩ trước, hoạ sĩ này đã vẽ Thành Cát Tư Hãn
giống y như thực, tức là với một mắt tinh và một mắt chột. Thành Cát Tư
Hãn liếc nhình bức tranh rồi phán: “Tự nhiên chủ nghĩa tục tằn!”
Hoạ sĩ thứ hai cũng bị bay đầu. Hoạ sĩ thứ ba đã vẽ chân dung Thành Cát
Tư Hãn en profil (chân dung nhìn nghiêng), chỉ thấy con mắt tinh, còn
con mắt chột được che khuất trong nửa không nhìn thấy của khuôn mặt.
Hoàng đế nhà Nguyên xem tranh và khen: “Đây mới thực sự là hiện thực xã hội chủ nghĩa!”, rồi truyền ban thưởng cho hoạ sĩ.
Trong tác phẩm “Trí thức và vai trò của nó trong quá trình văn hoá”, Vitaly Tepikin đã tổng hợp và đề xuất 10 dấu hiệu của giới trí thức hiện đại là [7]
1 – có lý tưởng đi trước thời đại, nhạy cảm với người xung quanh, lịch sự nhũn nhặn trong biểu hiện;
2 – tích cực lao động trí óc và liên tục tự học;
3 – ái quốc dựa trên niềm tin vào nhân dân và có tình yêu quê hương sâu sắc;
4 – sáng tạo không mệt mỏi và có lối sống giản dị đến khổ hạnh;
5 – độc lập, có khát vọng đạt tới tự do biểu hiện, và tìm thấy mình trong khát vọng đó;
6 - có quan hệ phê phán đối với chính quyền, lên án mọi biểu hiện của bất công, vô nhân đạo, phản nhân văn, phản dân chủ;
7-
trung thành với niềm tin do lương tâm mình mách bảo, ngay cả trong
những điều kiện khó khăn nhất, kể cả phải hy sinh quyền lợi bản thân;
8 – nhận thức thực tế một cách mơ hồ, dẫn đến dao động về chính trị và đôi khi có biểu hiện bảo thủ;
9
– Có niềm oán hận lớn trước những gì không thực hiện được trên thực tế
hoặc trong tưởng tượng, kết quả là đôi khi trở nên hoàn toàn khép kín tự
cô lập mình;
10
– Các nhà hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau, và ngay cả
trong cùng một lĩnh vực, thường hiểu lầm nhau, hậu quả là đôi khi nổi
cơn ích kỷ hoặc bốc đồng.
Tepikin cho rằng một cá nhân có ít nhất một nửa số dấu hiệu trên đây có thể được gọi là “trí thức theo nghĩa đại khái của từ đó”. Chuyển sang ngôn ngữ Việt Nam đương đại, có thể tạm gọi những người thoả mãn 5/10 biểu hiện nêu trên là các “trí thức dự khuyết”.
Trong
giới những người (thực sự) có học vấn của Việt Nam, đại đa số chắc hội
đủ ba dấu hiệu cuối (8 – 10). Những người khoa bảng mà lúc đầu từng hoạt
động chuyên môn nhưng sau bỏ để ra làm quan thì khó có thể giữ được các
dấu hiệu 2, 4 – 10, nếu không nói rằng hai dấu hiệu còn lại (1 và 3)
đối với những người này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
*
Tương truyền, trong một lần thuyết giảng, triết gia cổ Hy Lạp Plato đã định nghĩa “con người là một động vật đi bằng hai chân và không có lông vũ.” Diogenes – một triết gia cổ Hy Lạp khác – nghe vậy bèn bắt một con gà, vặt sạch lông, thả vào giảng đường, rồi nói: “Các người hãy nhìn kìa, đó là Con Người theo định nghĩa của Plato!” Nghe nói Plato sau đó đã phải thêm “có móng rộng và bẹt” vào định nghĩa “Con Người” của mình.
Gẩn
đây có một vài ý kiến của một số “Plato Việt Nam” muốn xác định lại các
tiêu chí thế nào là trí thức. Ngay lập tức họ được các “Diogenes Việt
Nam” lên tiếng sửa gáy. Đội quân các “Diogenes Việt Nam” rất hùng hậu,
có tới cả ngàn. Thay vì sống trong thùng tô nô, họ sống trong các blog.
Họ cũng không xách đèn đi tìm người lương thiện giữa ban ngày [8],
bởi dường như đã biết trước câu trả lời. Họ lại càng không có cơ hội để
làm như Diogenes khi gặp Alexander Đại Đế. Theo sử gia Plutarch, khi
Alexander Đại Đế tới Corinth, những người đứng đầu thành phố và các
triết gia đã lũ lượt kéo nhau tới yết kiến Alexander, chỉ riêng Diogenes
vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm Diogenes, và thấy ông này đang
nằm dài sưởi nắng bên cái thùng ông dùng làm chỗ ngủ. Khi Alexander Đại
Đế hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?”, Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi.” Các triết gia và đám tùy tùng của Alexander Đại Đế nghe vậy cười phá lên, trong khi chính Alexander Đại Đế nói: “Nếu ta không phải là Alexander thì ta đã là Diogenes.”
Giovanni
Battista Tiepolo, “Alexander Đại Đế và Diogenes”, sơn dầu, 47 x 60 cm
(1770). Bảo tàng Cung điện Yusupov tại Saint Petersburg.
Tới đây tôi chợt nhớ tới ca từ trong một bài hát của nhóm hip hop Dead Brez:
Bạn muốn có một chiếc Lexus hay Công Lý?
Một ước mơ hay của cải?
Một chiếc BMW, một chuỗi hạt xoàn, hay Tự Do? [9]
Ca
từ này đúng hơn bao giờ hết tại Việt Nam đương đại. Rõ ràng bạn không
thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do
(hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng
cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là
ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một
người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì
sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những “trí thức dự khuyết”, hay vào đám
học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này.
Tokyo, 25/1/2012
[1] Tên
đầy đủ Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên M.V. Lomonosov
(Московский Государственный Университет имени М.В. Ломоносова), viết tắt
là MGU (МГУ).
[2] Nguyên văn tiếng Nga: “Интеллектуальные
силы рабочих и крестьян растут и крепнут в борьбе за свержение
буржуазии и ее пособников, интеллигентиков, лакеев капитала, мнящих себя
мозгом нации. На деле это не мозг, а говно”. Trích
từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần
thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49 (В.И. Ленин, Из письма А.М. Горькому от 15 сентября 1919 года, Полное собрание сочинений, издание пятое Изд-во политической литературы, 1978 г. т. 51, стр. 48-49) (Xem bản tiếng Anh tại đây)
[3] Nikolai
Alexandrovich Berdyaev (Николaй Алексaндрович Бердяев) (1874 – 1948) –
triết gia Nga; thời Sa Hoàng, do tham gia nhóm Marxist nên từng bị bắt
năm 20 tuổi và bị đày biệt xứ; năm 29 tuổi do chỉ trích Nhà Thờ Chính
thống Nga nên bị kết tội báng bổ và bị đày đi Siberia; dưới thời Xô Viết
do không chịu chấp nhận chính thể của đảng Bolshevik áp đặt sự thống
trị của nhà nước độc tài lên tự do cá nhân, nên đã bị chính quyền Xô
Viết trục xuất cùng hơn 160 nhà văn và học giả danh tiếng khác sang Đức
bằng tàu thủy vào tháng 9/1922 (từ một danh sách gồm 280 người bị bắt
trong đó có 32 sinh viên).
[4] New World Encyclopedia,http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Great_Purges;
Heroes & Killers of 20the Century: Joseph Stalin:http://www.moreorless.au.com/killers/stalin.html
[5] Theo
báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, 1/3 số thuyền nhân
(boat people) Việt Nam đã chết trên biển vì bị giết, bão, bệnh tật,
đói. Thống kê của Cao ủy này cho
biết chỉ riêng năm 1981 có 15095 thuyền nhân Việt Nam đã vượt biên từ
Việt Nam tới được Thái Lan trên 455 thuyền. Trong số đó có 352 thuyền
(77%) bị bọn hải tặc tấn công. Số vụ tấn công là 1149 tức trung bình mỗi
chiếc thuyền bị hải tặc tấn công hơn 3 lần. 571 người Việt Nam đã bị
hải tặc giết. 599 phụ nữ Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp. 243 người Việt
Nam đã bị bắt cóc.
[6] Postwar Vietnam: Dynamics of a transforming society, Ed. Hy V. Luong, (Rowman & Littlefield Publishers Inc., 2003).
[7] Виталий Тепикин, Интеллигенция, ее роль в культурном процессе.
Vitaly Tepikin là tiến sĩ lịch sử, chuyên gia về lý thuyết và lịch sử
trí thức, giáo sư thuộc viện Tri thức khoa học tự nhiên Nga (Российская
академия естествознания).
[8] Diogenes từng xách đèn đi ngoài phố giữa ban ngày. Khi được hỏi làm gì đấy, ông trả lời: “Tôi đi tìm một người lương thiện.” Tương truyền ông chỉ gặp toàn bọn bất lương và vô lại.
[9] Nguyên văn: You would rather have a Lexus or Justice? A dream or some substance? A Beamer, a necklace or Freedom?
Nguyễn
Đình Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nhà
nướcMoscowvào năm 1982. Tiến sĩ khoa học vật lý và toán học năm 1990 tại
cùng một trường đại học. Ông đã đến Nhật Bản trong năm 1994 như là một
nhà nghiên cứu của Nishina Memorial Foundation và tham gia RIKEN vào năm
1995. Hiện nay, ông nghiên cứu khoa học của Phòng thí nghiệm Vật lý hạt
nhân tại Nhật Bản, đồng thời phục vụ như một nhà khoa học cấp cao tại
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt
Nam, nơi ông đã nhận vị trí cố định của mình vào năm 1982. Hội viên của
hội Mỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội Cá nhân-Artist Nhật Bản. Ông cũng nói
thành thạo tiếng Việt, tiếng Anh, Nga, và tiếng Pháp.
-Toàn văn bức thư trong đó Lenin gọi trí thức là cứt
Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Nga:
В.И. Ленин, А.М. Горькому от 15 сентября 1919 года,
Полное собрание сочинений, т. 51, стр. 48-49
Lời giới thiệu của người dịch:
Trong
cuộc nội chiến Nga sau cách mạng tháng 10, chính quyền bolshevik, dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của Lenin, đã tiến hành cuộc Khủng bố Đỏ (1918 –
1923). Vào mùa thu năm 1919 hàng loạt trí thức tại Petrograd (tên của
Saint Petersburg thời đó) đã bị cáo buộc âm mưu phản loạn và đã bị bắt.
Nhà văn Maxim Gorki đã viết thư đề nghị Lenin ngừng khủng bố trí thức.
Lenin đã viết bức thư trả lời dưới đây, trong đó ông gọi các trí thức
thân Hiến Dân là cứt (Xem chú giải [1] về Đảng Hiến Dân).
Vậy
những trí thức bị Lenin liệt vào loại “thân Hiến Dân” và bị Lenin gọi
là cứt là những ai? Theo nhà văn Alexandr Solzhenitsyn (1918 – 2001) thì
đó là 80% giới trí thức Nga. A. Solzhenitsyn từng bị giam 11
năm (1945 – 1956) trong các nhà tù và tại tập trung Xô-Viết. Được trao
giải Nobel văn chương năm 1970 nhưng không thể đi nhận, ông nhận giải
thưởng này năm 1974 tại Thụy Điển sau khi bị trục xuất khỏi Liên Xô vào
năm đó. Ông quay trở lại tổ quốc năm 1994 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trong tác phẩm «Quần đảo GULAG», A. Solzhenitsyn viết: “Thân Hiến Dân có nghĩa là gì? Đó
không phải là những người về phe chủ nghĩa quân chủ cũng chẳng phải
những người của phe chủ nghĩa xã hội, mà đó là toàn bộ giới khoa học,
đại học, văn nghệ sĩ, và tất nhiên là toàn bộ giới kỹ nghệ.Ngoài
các nhà văn cực đoan, những nhà thần học và các lý thuyết gia chủ nghĩa
xã hội, toàn bộ giới trí thức còn lại, 80% của giới này, là những người
thân Hiến Dân,” (Xem A. Solzhennitsyn, Quần đảo GULAG, Tập 1, trang 44, khổ thứ 3, từ dòng thứ 6).
Trong thư, Lenin lấy Korolenko làm mẫu người của trí thức tư sản. Chú giải [4] giải thích Korolenko là ai.
N.Đ.Đ.
Thư V.I. Lenin gửi A.M. Gorky
15/IX [1]
Alexei Maximưch thân mến,
Tôi
đã tiếp Tonkov, và ngay cả trước khi tiếp ông ta và trước khi nhận được
thư của Ông chúng tôi trong Trung Ương đã quyết định bổ nhiệm Kamenhev
và Bukharin kiểm tra việc bắt các trí thức tư sản loại thân Hiến Dân [2] và để thả những ai có thể thả được. Bởi rõ ràng là đã có những sai lầm trong việc này.
Và cũng rõ ràng rằng, việc bắt đám Hiến Dân (và thân Hiến Dân) là cần thiết và đúng đắn.
Khi
tôi đọc quan điểm thẳng thắn của Ông về việc này, tôi đặc biệt nhớ lại
câu nói của Ông đã in sâu vào đầu tôi trong những cuộc trò chuyện giữa
chúng ta (tại London, ở Capri và sau đó):
“Giới nghệ sĩ chúng tôi là những người vô trách nhiệm.”
Chính
thế đấy! Vì chuyện gì mà Ông lại nói những lời lẽ cực kỳ giận dữ như
vậy? Vì chuyện vài chục (hoặc ngay cả vài trăm) ông kễnh Hiến Dân và
thân Hiến Dân ngồi tù vài ngày để tránh âm mưu kiểu vụ đầu hàng Đồi Đỏ [3], những âm mưu đe dọa cái chết của hàng chục ngàn công nhân và nông dân.
Thật
là thảm hoạ, cứ thử nghĩ mà xem! Thật là bất công! Cho bọn trí thức
ngồi tù vài ngày hoặc thậm chí cả vài tuần đi nữa để tránh cho hàng chục
ngàn công nhân và nông dân bị đánh đập!
“Giới nghệ sĩ là những người vô trách nhiệm.”
Trộn lẫn “các lực lượng trí tuệ” của nhân dân với “lực lượng” trí thức tư sản là sai. Tôi lấy Korolenko [4] làm
mẫu người của bọn trí thức tư sản: Gần đây tôi có đọc cuốn sách mỏng
hắn viết vào tháng 8 năm 1917 nhan đề “Chiến tranh, Tổ quốc và Nhân
loại.” Korolenko trên thực tế là một kẻ thân Hiến Dân nhất, gần như là
một tên menshevik. Thật là một kiểu chủ chiến đê tiện, xấu xa, kinh tởm,
được che đậy bằng những lời lẽ đường mật! Một con buôn bị cầm tù bởi
những thành kiến tư sản. Đối với các ông kễnh này thì 10 triệu người bị
giết trong cuộc chiến tranh đế quốc là việc đáng ủng hộ (bằng những việc
trong các câu chữ đường mật “chống” chiến tranh), còn sự hy sinh của
vài trăm ngàn người trong cuộc nội chiến chân chính chống bọn địa chủ và lũ tư bản thì lại gây nên những “ối”, “oái”, những tiếng hổn hển, và những cơn động kinh.
Không. Chẳng có gì là tội lỗi khi cho những “tài năng” như thế ngồi tù vài tuần, nếu đó là việc phải làm để tránh các
âm mưu (kiểu vụ Đồi Đỏ) và cái chết của hàng chục ngàn người. Chính
chúng tôi đã lật tẩy các âm mưu này của bọn Hiến Dân và thân Hiến Dân.
Và chúng tôi biết bọn giáo sư thân Hiến Dân luôn luôn giúp đỡ bọn âm mưu phản loạn. Đó là sự thật.
Các
lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc
đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư
bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng
không phải là bộ não mà là cứt.
Đối
với “các lực lượng trí tuệ” mong muốn đem khoa học cho nhân dân, chứ
không phải làm tôi tớ cho tư bản, chúng tôi trả tiền công trên mức trung bình.
Đó là sự thật. Chúng tôi giữ gìn họ. Đó là sự thật. Chúng ta có hàng
chục ngàn sĩ quan phục vụ Hồng quân và chiến thắng cho dù có hàng trăm
tên phản bội. Đó là sự thật.
Còn
về tâm trạng của Ông, “hiểu” thì tôi có hiểu (một khi Ông đã bắt đầu
nói không biết liệu tôi có hiểu Ông không). Khi ở Capri và sau đó tôi đã
nhiều lần nói với Ông: Ông quây quần với các phần tử xấu nhất của giới
trí thức tư sản và nghe theo tiếng rên rỉ của chúng.
Ông
nghe thấy và nghe theo tiếng kêu la của vài trăm trí thức nhân vụ bắt
bớ “khủng khiếp” trong vài tuần lễ, còn tiếng nói của quần chúng, của
hàng triệu công nông, đang bị bọn Denikin, Kolchak, Liazonov, Rodzianko,
bọn núi đỏ âm mưu phản loạn, (và những tên Dân Hiến khác) đe doạ –
tiếng nói đó thì Ông không nghe thấy và không nghe theo. Tôi hiểu lắm
chứ, hiểu lắm chứ, rằng có thể sa đà không chỉ tới mức, kiểu như “Hồng
quân cũng là kẻ thù của nhân dân chẳng khác gì bọn Bạch Vệ” (các chiến
sĩ đấu tranh lật đổ bọn tư bản và địa chủ cũng là kẻ thù của nhân dân
chẳng khác gì bọn địa chủ với bọn tư bản), mà còn tới mức tin vào Chúa
Trời và bố già Sa Hoàng. Tôi hiểu lắm chứ.
Này, này, Ông sẽ chết đấy *) nếu không tự rứt ra khỏi bọn trí thức tư sản đó. Tôi chân thành mong Ông thoát ra mau mau.
Gửi Ông những lời chào tốt đẹp nhất!
Lenin của Ông
*)
Bởi vì đúng là Ông không viết gì! Đối với một nghệ sĩ, phung phí bản
thân mình cho tiếng rên rỉ của bọn trí thức thối nát và lại không viết
thì thật chẳng phải là cái chết, là một sự nhục nhã hay sao?
Viết ngày 15/9/1919
Gửi đi Petrograd
Chú giải của người dịch:
[1] Vào năm 1919, Lenin 49 tuổi, Gorky 51 tuổi.
[2] Hiến Dân: кадет (đọc là “ka-điet”), tên viết tắt của Đảng Hiến pháp Dân chủ (Конституционно-демократическая партия), còn được gọi là Đảng Tự Do Nhân Dân (Партия Народной Свободы), thành lập năm 1905, chủ trương cải cách triệt để Nhà nước Nga thành nhà nước quân chủ lập hiến. Vào năm 1906, lúc đầu Đảng Hiến Dân chiếm đa số ghế trong Nghị viện Nga (Дума). Sau khi Sa Hoàng thoái vị sau cách mạng tháng 2/1917, Nghị viện Nga và Xô-Viết Petrograd (do Đảng Bolshevik – tức đảng cộng sản do Lenin đứng đầu – lãnh đạo) tranh giành quyền lực. Sau cách mạng tháng 10 Nga, những người bolshevik tuyên bố Đảng Hiến Pháp Dân chủ là “kẻ thù của nhân dân”, Lenin đã ra lệnh bắt và thủ tiêu các lãnh tụ Đảng Hiến Dân.
[1] Vào năm 1919, Lenin 49 tuổi, Gorky 51 tuổi.
[2] Hiến Dân: кадет (đọc là “ka-điet”), tên viết tắt của Đảng Hiến pháp Dân chủ (Конституционно-демократическая партия), còn được gọi là Đảng Tự Do Nhân Dân (Партия Народной Свободы), thành lập năm 1905, chủ trương cải cách triệt để Nhà nước Nga thành nhà nước quân chủ lập hiến. Vào năm 1906, lúc đầu Đảng Hiến Dân chiếm đa số ghế trong Nghị viện Nga (Дума). Sau khi Sa Hoàng thoái vị sau cách mạng tháng 2/1917, Nghị viện Nga và Xô-Viết Petrograd (do Đảng Bolshevik – tức đảng cộng sản do Lenin đứng đầu – lãnh đạo) tranh giành quyền lực. Sau cách mạng tháng 10 Nga, những người bolshevik tuyên bố Đảng Hiến Pháp Dân chủ là “kẻ thù của nhân dân”, Lenin đã ra lệnh bắt và thủ tiêu các lãnh tụ Đảng Hiến Dân.
[3] Ngày
13/6/1919, khi cánh quân Bạch Vệ phía bắc của tướng A.P. Rodzyanko tấn
công Petrograd, đội quân bảo vệ pháo đài Đồi Đỏ (Красная Горка) đã nổi
dậy chống lại những người bolshevik. Nhưng 3 ngày sau cuộc nổi dậy đã bị
những người bolshevik dập tắt. Quân Bạch Vệ không kịp ứng cứu vì khi
được tin về cuộc nổi dậy thì đã quá muộn.
[4] Vladimir
Galaktionovich Korolenko (Влaдимир Галактионович Короленко) (1853-1921)
– nhà văn, nhà báo, nhà tranh đấu cho nhân quyền, người theo chủ nghĩa
nhân đạo. Ông là người phê phán mạnh mẽ chế độ Sa Hoàng và chế độ
bolshevik (cộng sản). Ông sinh tại Zhitomir, Ukraina, là con của một
quan tòa địa phương. Do tham gia phong trào Dân Tuý, ông bị đuổi học
khỏi cả hai trường đại học công nghệ Saint Petersburg (1871) và viện
nông lâm Petrov tại Moscow (1874). Năm 1876 ông bị bắt đi đày tại
Kronstadt. Ông còn bị chế độ Sa Hoàng đày ải thêm 2 lần nữa (1879, 1881 –
1884). Ông nổi tiếng về các truyện ngắn viết trong những năm 1879,
1885, 1892 – 1900. Từng là viện sĩ viện Hàn Lâm Văn học Nga, nhưng ông
đã ly khai năm 1902 sau khi Maxim Gorky bị khai trừ khỏi viện Hàn Lâm vì
tham gia cách mạng. Nhà văn Anton Chekhov cũng ly khai vì lý do này.
Korolenko lúc đầu hoan nghênh cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, nhưng
chẳng bao lâu sau khi những người bolshevik lộ rõ bản chất chuyên quyền
bạo ngược, Korolenko đã lên tiếng chống lại họ. Trong cuộc nội chiến ông
đã phê phán cả Khủng bố Đỏ (do chính quyền bolshevik tiến hành) và
Khủng bố Trắng (của phe Bạch Vệ). Ông cổ vũ cho nhân quyền và chống lại
những bất công và khủng bố của đấu tranh giai cấp. Ông mất tại Ukraina
ngày 25/12/1921.
Trí thức nửa mùa
Oleshuk Iu. F.
Phạm Nguyên Trường dịch
Giới
trí thức đang bị nhiều người chỉ trích. Họ bị coi là người chịu trách
nhiệm về những cuộc cải cách đầy tai hoạ hồi những năm 1990. Hơn nữa, có
thể nhận thấy rõ xu hướng là người ta không chỉ lên án giới trí thức về
chuyện đó, mà còn vì vai trò của họ trong lịch sử đất nước nói chung,
bắt đầu gần như từ nửa sau thế kỷ XIX, tức là từ khi những nhà cách mạng
“thông ngôn kí lục” bước vào con đường khủng bố. Những lời kết án mang
tính khái quát như thế không làm ai ngạc nhiên. Chúng ta, một đất nước
có truyền thống phản trí thức, một truyền thống đã mang đến không ít đau
khổ cho cả trí thức lẫn nước Nga.
Tác
giả không có ý định phán xét trách nhiệm của giới trí thức về những
việc mà người ta quy cho họ trong quá khứ (chủ nghĩa phiêu lưu chính
trị, thái độ cuồng tín cách mạng v.v...). Nhưng là một nhân chứng của
những sự kiện diễn ra trong giai đoạn cải cách - tức là những sự kiện
diễn ra trong hai mưoi năm gần đây - tôi có thể đánh bạo mà khẳng định
rằng: giới trí thức không tham gia vào việc đó.
Cái
dư luận xã hội đang đổ mọi tội lỗi lên giới trí thức, theo tôi là đã có
một sai lầm căn bản. Nó cho rằng dường nó như biết được giới trí thức
là gì và ai là những người trí thức vậy.
Nói
chung, hiếm khi tách biệt và xác định được bản sắc của giới trí thức -
không phải ngẫu nhiên mà trong những câu chuyện về giới trí thức người
ta luôn phải sử dụng những định thức khác nhau nhằm bổ sung và mở rộng
khái niệm này (“giới trí thức sáng tạo”, “mang tính tích cực xã hội”,
“cảm thấy có trách nhiệm đối với đất nước”, “sống bằng những nhu cầu
tinh thần”). Nhưng trong trường hợp này vấn đề không phải là những người
kết án giới trí thức đã sử dụng một phạm trù mà họ không hiểu (xin hãy
hỏi họ trí thức là gì - nhất định họ sẽ bị lúng túng trong việc trả
lời). Họ đã bỏ qua một sự kiện quan trọng nhất: Ở nước Nga, trong thế kỷ
XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên
thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này,
chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc
cải cách đầy tai hoạ hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa
qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa. Dĩ nhiên là sau khi đã đưa ra định nghĩa, tác giả phải minh giải nó.
Theo
tôi tầng lớp trí thức nửa mùa được hình thành từ một kiểu người đặc
biệt và tương đối phổ biến. Trước hết đấy là người có học, có văn hóa,
lại thường giữ chức vụ chứng tỏ những phẩm chất đó của anh ta. Nhưng nếu
tiếp xúc lâu ta sẽ thấy: trình độ học vấn, kiến thức của anh ta không
nhiều, nhu cầu văn hóa cũng thiếu hụt. Thực chất, dù có mang một vẻ hào
nhoáng trí thức bên ngoài thì đấy cũng chỉ là một “kẻ thất phu” mà thôi.
Vâng,
như một người trí thức, dĩ nhiên là anh ta quan tâm đến công việc xã
hội. Tầm hiểu biết của anh ta dường như cũng vượt ra khỏi các nhu cầu và
tính toán cá nhân nữa. Thế gọi là tầm hiểu biết! Thế gọi là có quan
điểm về những chuyện đang xảy ra xung quanh! Thường là chỉ ở mức tán
nhảm của mấy gã chợ trời mà thôi. Không cao hơn cũng không sâu hơn một
tí nào.
Một đặc điểm nữa - cũng là đặc điểm phân biệt anh ta với người trí thức chân chính - hoàn toàn không biết tư duy độc lập về các đề tài xã hội.
Không, tư tưởng thì có thể có trong đầu, nhiều nữa là đằng khác, nhưng
tất cả đều không phải của mình, tất cả đều là học mót được. Thái độ
thuần phục giữ vai trò chủ đạo trong giới trí thức nửa mùa, đấy là quan
điểm thịnh hành chung cho cả giai tầng này. Họ theo nó một cách tự tin
vì những người này không thể tự nghĩ ra được quan điểm nào khác để thay
thế cho nó. Tạo ra thái độ thuần phục là một việc đơn giản. Giới trí
thức nửa mùa có đặc điểm là bao giờ cũng phải có thần tượng, những người
có uy tín, những nhân vật để mà tôn sùng. Trong nước Nga xã hội chủ
nghĩa thời gian qua, khi mà giới trí thức nửa mùa hình thành và phát
triển, thì thần tượng của họ thường là những người hoạt động trong lĩnh
vực văn hóa và văn học - những người tích cực về mặt xã hội, có tinh
thần phê phán - tranh luận về các vấn đề xã hội. Giới trí thức nửa mùa
lĩnh hội quan điểm về hiện thực xung quanh từ những người như thế.
Một đặc điểm nữa của giới trí thức nửa mùa: thái độ hung hăng khi bàn về các vấn đề xã hội.
Giới trí thức nửa mùa cho rằng mình là giai tầng đứng trên “quần chúng”
và nói chung là đứng trên tất cả mọi thứ khác nữa. Giai tầng này có
thói kiêu ngạo tập thể đặc thù và rất mạnh. Từ lâu họ đã tin tưởng rằng
chỉ cần giao cho họ - giao cho những người đại diện của họ - quyền lực
là mọi tai hoạ của đất nước sẽ được giải quyết ngay lập tức. Chứ còn gì
nữa: họ chẳng phải là người truyền bá kiến thức đấy ư? Chẳng phải là
những người có học nhất và thông minh nhất đang đứng trong đội ngũ của
họ đấy ư?
Xin ghi nhận một tính chất nữa của
giới trí thức nửa mùa: không chịu “tu thân”, đấy là nói theo cách ngày
xưa. Không chịu đọc bất cứ một cái gì nghiêm túc, không chịu suy nghĩ
một cách rốt ráo về bất cứ đề tài nào. Thường thì công việc tư duy độc
lập được thay thế bằng việc nghe lỏm ý kiến và đánh giá của các nhân vật
có uy tín và tuân theo một cách vô điều kiện. Có lẽ, ít nhất là một
phần, sự lười biếng và thụ động về trí tuệ như thế là do giới trí thức
nửa mùa thực sự tin rằng mình đã là trung tâm của kiến thức rồi. Nếu
không cần cố gắng mà vẫn là trung tâm thì cố gắng để làm gì?
Cuối cùng, trí thức nửa mùa còn có đặc điểm nữa là tự ái về chính trị,
một đặc điểm đương nhiên một khi người ta đã đánh giá mình cao đến như
thế. Hóa ra là thế này: chúng tôi biết hết, chúng tôi có thể làm được
tất - thế mà chúng tôi bị gạt ra khỏi quyền lực, ở đó chỉ toàn các “quan
chức”, “toàn bọn quan liêu ngu dốt”, “tư duy hạn chế”. Đánh giá thấp về
người khác và đánh giá quá cao về chính mình đã tạo ra thái độ tự ái về
chính trị như một tâm trạng bền vững “nội tại” của giai tầng này. Đau
đớn và phẫn nộ là thái độ thường trực của giai tầng đó.
Như vậy là trí thức nửa mùa chỉ là một kẻ giả danh trí thức.
Hắn dùng bằng cấp, chức vụ và phô trương thái độ quan tâm đối với các
vấn đề xã hội để đóng giả. Hắn đóng giả cả cách giải trí, cả thói đam mê
mang tính phô trương về tất cả những gì gọi là “văn hóa” nữa. Đây hóa
ra là chỗ dễ phân biệt trí thức nửa mùa nhất.
Thí
dụ như trí thức nửa mùa lũ lượt đi nghe hòa nhạc trong nhạc viện. Đương
nhiên là họ đặc biệt thèm khát được có mặt tại những buổi biểu diễn
được mọi người chờ đợi - hiện diện tại những buổi biểu diễn của những
diễn viên ngoại quốc hay nhạc sĩ tài danh. Nhưng sẽ thật thú vị nếu quan
sát thái độ của đám trí thức nửa mùa này suốt buổi hòa nhạc đó. Họ cảm
thấy cực kỳ chán nản! Đâu đâu cũng chỉ thấy những bộ mặt vô cảm, những
ánh mắt đảo khắp khán phòng. Nhưng sau khi kết thúc thì đám đó lại nhiệt
liệt vỗ tay, tỏ vẻ ngưỡng mộ, tôn kính diễn viên (nhạc sĩ). Có thể thấy
bức tranh tương tự như thế trong một buổi triển lãm nghệ thuật có uy
tín nào đó. Xếp hàng thì chen nhau, trong phòng thì uể oải, còn khi kết
thúc thì lại tỏ ra ngưỡng mộ.
Xin đưa ra một
phác thảo nữa - về khát vọng (giả tạo) của giới trí thức nửa mùa trong
việc tìm hiểu hiện tình, nhu cầu và đặc điểm của đất nước. Nói rằng đấy
là việc quan trọng thì trí thức nửa mùa lúc nào cũng sẵn sàng. Nhưng làm
việc một cách nghiêm túc thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Thí dụ: cuối
những năm 1980 có quyết định in toàn tập tác phẩm của V. Kliuchevski[1] và S. Solovjov[2],
hai nhà sử học lớn nhất của nước Nga trước cách mạng. Lạy Chúa tôi,
tầng lớp trí thức nửa mùa đã bị kích động đến mức nào! Họ đã tỏ ra hân
hoan, tuy có hơi sớm, đối với các tác giả, đặc biệt là đối với
Kliuchevski, đến mức nào. Vì họ đã nghe nói ở đâu đó: đây là một nhà tư
tưởng đặc biệt, một người hiểu rõ quá khứ của nước Nga. Thế là giới trí
thức nửa mùa tìm mọi cách đăng kí mua. Mua bán trao tay, còn bọn đầu cơ
thì hét giá đến 300 thậm chí 400 rub - một khoản tiền lớn thời đó. Mua
được - rồi sao? Trong hàng chục người đã đăng kí mua (tất cả đều là
những trí thức cả về học vấn lẫn địa vị, một số còn là những nhà hoạt
động văn hóa nữa) tôi chưa thấy một người nào đọc! Chưa một người nào!
Mua về, đặt lên chỗ dễ thấy nhất - cho mọi người nhìn - thế là hết. Họ
hết sức tự hào vì đã mua được những trước tác vĩ đại như thế. Lịch sử
thì họ đã và vẫn đọc, nhưng không phải là thứ “nặng” như thế, chỉ là
những cuốn sách phổ thông mà thôi.
Độc giả có
thể thắc mắc: đấy có phải là một giai tầng không? Có phải là một lực
lượng chính trị, lực lượng xã hội không? Có thể đấy chỉ đơn giản là
những người có học vấn trung bình mà ở đâu, đất nước nào, xã hội nào chả
có? Đúng thế, ở đâu cũng có. Nhưng ở nước ta từ nửa sau thế kỷ XX họ đã
tạo thành một lực lượng chính trị, lực lượng xã hội. Họ không còn là
những cá nhân trôi nổi trong xã hội nữa. Tại sao?
Thứ nhất,
họ đông đảo đến mức đáng kinh ngạc. Lý do, theo tôi, là sự vội vã trong
việc đào tạo hàng loạt, cụ thể là việc phát triển một cách ồ ạt, mang
tính bề nổi các trường đại học - chuyên tu, tại chức, v.v.; mà ngay
chính quy hóa ra cũng “chưa đủ tầm”. Rất nhiều người có bằng đại học, mà
cùng với bằng cấp là quyền được tự coi là trí thức. Nhưng trên thực tế
đấy chỉ là “nửa vời”. Thứ hai, điều này cũng không kém phần quan
trọng, như đã nói bên trên, giai tầng này có thói kiêu ngạo chính trị:
“Nếu có quyền chúng tôi có thể làm được hết”. Nguyên nhân của thái độ
như thế không phải là điều bí mật. Một mặt, đấy là thái độ bất bình với
môi trường sống đang ngày càng gia tăng trong toàn xã hội. Mặt khác, đấy
là nhận thức cho rằng mình (do đông người và những quan niệm hời hợt)
là một lực lượng mà “không có việc gì là khó” cả. Chỉ có những kẻ có suy
nghĩ hời hợt mới có thái độ tự tin như thế vì họ quan niệm tất cả mọi
thứ trên đời đều đơn giản. Kết quả là đám đông trí thức nửa mùa càng
ngày càng trở thành giai tầng sẵn sàng tham gia hoạt động chính trị. Mà
lại dựa vào cương lĩnh về những cuộc cải tổ và cải cách nhanh chóng
nhất. Các giai tầng khác cũng tỏ ra bất mãn với nhiều vấn đề, nhưng
không có thái độ kiêu ngạo chính trị như thế. Họ không hoạt động, họ chỉ
bực bội và phàn nàn mà thôi. (Nếu ai còn nhớ thì đấy là bức tranh điển
hình hồi những năm 1970-1980). Trí thức nửa mùa càng ngày càng khao khát
lao vào trận chiến.
Khát khao hành động thì
đã có, nhưng tai hoạ là ở chỗ họ chưa sẵn sàng hành động và hoàn toàn
không biết cần phải làm gì. Tình hình càng trầm trọng thêm bởi niềm tin
mù quáng của giới trí thức rằng họ biết rõ cần phải “làm gì”, kể cả với
hoàn cảnh, chỉ cần tạo điều kiện cho họ là mọi việc sẽ xong ngay tắp lự.
Do đó mà trong khoảng giao thời những năm 1980-1990 trong tâm trạng xã
hội, bên cạnh tâm lý bất mãn chung đối với cuộc sống lại xuất hiện một
xu hướng tự tin rất mạnh mẽ rằng dường như mọi việc đều cực kỳ đơn giản,
có thể chấn chỉnh và sửa chữa một cách dễ dàng. Niềm tin này chính là
dấu hiệu để phân biệt trí thức nửa mùa và cũng là ngọn cờ chiến đấu của
họ.
Giới trí thức chân chính - những người lao
động trí óc nghiêm túc, có nhiều kiến thức và có thói quen suy nghĩ độc
lập - hoàn toàn xa lạ với thái độ ngang tàng như thế đối với các vấn đề
phức tạp và quan trọng. Nhận thức được rằng mọi việc đều phức tạp và
thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng là việc khó khăn, giới trí thức cảm
thấy lo lắng và lúng túng. Nhưng trí thức nửa mùa thì, xin nhắc lại,
lao vào chiến đấu.
Giai đoạn “cải tổ” ban đầu
đã trở thành chất xúc tác cho các hoạt động chính trị và cải cách của
giới trí thức nửa mùa. Đất nước đang cần những thay đổi to lớn và nhanh
chóng, đặc biệt là về kinh tế. M. Gorbachev, sau khi nhận thức được rằng
những biện pháp thận trọng ban đầu sẽ không đem lại hiệu quả, buộc phải
hướng về giới trí thức nửa mùa, phải dùng những kẻ đang khát khao những
thay đổi như thế, mà cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực khoa
học kinh tế và khoa học xã hội. Tôi không muốn nói rằng chỉ có những
trí thức nửa mùa đóng vai trò cố vấn và “nói leo”, nhưng phần lớn là
những người như thế. Nhưng Gorbachev đã nhanh chóng bị rát mặt vì những
lời cố vấn của họ. Là một người nhanh trí, ông lập tức nhận ra rằng
những lời gợi ý và khuyến nghị của họ thường chỉ có tính cách nghiệp dư
và chẳng mang lại kết quả gì, đằng sau cái vẻ khoa học và hiểu biết mang
tính trang trí của các cố vấn thì tất cả những khuyến nghị đó chẳng có
giá trị gì hết.
Xin ghi lại một hồi ức về thời
đó. Lúc đó Gorbachev rất tin tưởng vào những khuyến nghị về kinh tế của
Viện Kinh tế và Giám đốc Viện là viện sĩ L. Abalkin - một chuyên gia
rất sâu sắc và có uy tín. Một lần Albalkin đến Viện Kinh tế thế giới và
Quan hệ quốc tế và cay đắng nói rằng Tổng bí thư giao cho ông lập tại
Viện một nhóm các nhà kinh tế gia tài năng để tạo thành “túi khôn” cho
cải tổ, nhưng sau khi đã lùng khắp cả nước ông vẫn không tìm được ai:
“Tất cả đều là các cán bộ tuyên truyền và những người tố cáo chủ nghĩa
đế quốc, còn công việc thì chẳng có ai hiểu gì”. Dĩ nhiên đấy là câu
chuyện về giới trí thức nửa mùa trong lĩnh vực kinh tế học.
Gorbachev
đã quay lưng lại với những trí thức bất tài. Kinh nghiệm đã thu thập
được là lý do ông có thái độ coi thường đối với tác phẩm của nhóm G.
Iavlinski và kết quả của nó, tức là kế hoạch “năm trăm ngày”, liên quan
đến giai đoạn cải tổ kinh tế ban đầu. Lúc đó Gorbachev đã nhận thức được
rằng ông đang có quan hệ với những người như thế nào. Nhưng trong lĩnh
vực những cuộc cải cách kinh tế đã chín muồi ông chẳng còn biết đi theo
hướng nào nữa. Ông kiên quyết từ bỏ các cố vấn thận trọng trong các cơ
cấu quản lý, theo ông thì đấy là những kẻ chẳng được tích sự gì. Các trí
thức hóa ra cũng là những người bất lực nốt. Trong nhiệm kỳ thứ hai ông
quyết định dành nhiều công sức hơn cho lĩnh vực đối ngoại, cố gắng dùng
thành tích trong lĩnh vực này nhằm trám lại những lỗ hổng uy tín quá
lớn trong lĩnh vực kinh tế.
Tâm trạng của giới
trí thức nửa vời - không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn rộng hơn -
trong giai đoạn này thì như thế nào? Có thể họ đã ngộ ra rằng chính sách
cải cách không phải là một việc đơn giản? Rằng họ không có kiến thức về
hiện tình của đất nước? Rằng cần phải suy nghĩ một một cách nghiêm túc
và sâu sắc, phải tìm kiếm, biến mình thành những người nghiên cứu xã
hội? Không có gì như thế cả. Giới trí thức nửa mùa đã không còn là nửa
mùa nếu họ có khả năng làm như thế. Tự phân tích không phải công việc
phù hợp với họ. Họ có những phản ứng hoàn toàn khác - đơn giản, cứng
nhắc và rất kiên quyết nữa. Đấy cũng là đặc trưng của hệ thống tư duy
của cả giai tầng này. Trí thức nửa mùa bắt đầu thuyết phục dư luận xã
hội rằng tất cả là do lỗi của Gorbachev, rằng những lời cố vấn mà họ đưa
ra hoàn toàn chẳng có vai trò gì. Và cả giai tầng này lập tức quay lưng
lại với Gorbachev. Sau đó, cũng lại vẫn theo tinh thần của trí thức nửa
mùa; họ lao ngay lên một nấc thang cấp tiến mới. Từ quan niệm đơn giản
về cải cách và sự kiên quyết của mình, họ đòi: cần phải đập tan “toàn bộ
hệ thống”. Chỉ có thế mới ăn thua. Họ lại cảm thấy mọi thứ cực kỳ đơn
giản - chỉ cần kiên quyết hơn, “phá đến tận gốc” là xong.
Đúng
lúc đó trên sân khấu chính trị xuất hiện thêm một người còn đóng vai
trò xúc tác mạnh mẽ hơn đối với năng lực chính trị và cải cách của giới
trí thức nửa mùa, đấy là B. Yelsin. Sau những lời khẩn cầu về việc “minh
oan về mặt chính trị” bất thành tại Hội nghị Đảng lần thứ XIX (1988),
ông ta, một người đã hoàn toàn li khai với Đảng và hệ thống cũ, cần
những cuộc cải cách theo xu hướng đập tan tất cả ngay lập tức. Tôi nghĩ
đấy là do không chỉ vì ông ta tin rằng hệ thống cũ và Đảng không có khả
năng giải quyết được những vấn đề của đất nước (những vấn đề quả là to
lớn và đã tích tụ trong hàng chục năm hoạt động của hệ thống và Đảng) mà
còn vì sau khi đoạn tuyệt, hệ thống và Đảng đã trở thành kẻ thù nguy
hiểm của ông ta. Vì những tổ chức đó có thể phản kích, muốn cho Yeltsin
sống sót về mặt chính trị thì cả Đảng lẫn hệ thống đều phải bị đập tan.
Ai
có thể soạn thảo và thực hiện một kế hoạch như thế? Chỉ có một lực
lượng duy nhất, đấy là giới trí thức nửa mùa, sau giai đoạn kết hợp ngắn
ngủi với Gorbachev, đã trở thành cấp tiến hơn. Việc phá huỷ toàn bộ đất
nước hoàn toàn phù hợp với trình độ tri thức và quan điểm của họ. Họ
không nghi ngờ gì - cũng như khi cố vấn cho Gorbachev - rằng mọi việc sẽ
kết thúc một cách tốt đẹp nhất. Tầm hiểu biết không cho phép họ nghi
ngờ.
Xin nhớ lại không khí cuối những năm 1980
và đầu những năm 1990. Trí thức nửa mùa giành được quyền lực một cách
cực kỳ nhanh chóng, họ nắm trong tay nhiều toà báo, nhiều kênh truyền
hình, đài phát thanh. Họ - đấy là nói về Moskva - thường xuyên tổ chức
các cuộc mít tinh, biểu tình, đưa một loạt diễn giả bốc lửa và cuối cùng
đã làm chủ được công luận. Không khí thật là phấn khởi và tự tin: nếu
chúng ta đập tan được “chế độ toàn trị” thì trong cái mũ này sẽ có những
gì? Chỉ cần thực hiện xong những cuộc cải cách mang tính khai phóng -
trong kinh tế và chính trị - thì sẽ có gấp đôi, đúng không? Chỉ có sự
ngu dốt một cách cùng cực và con đẻ của nó là sự đơn giản hóa tối đa mới
có thể dẫn đến thái độ lạc quan vô căn cứ như thế mà thôi. Mà đây chính
là dấu hiệu cha truyền con nối của trí thức nửa mùa. Họ tỏ ra hân hoan
và đưa ra những lời tiên tri, họ cố gắng làm cho người khác cũng nhiễm
những hy vọng thiếu căn cứ, cứ như là ngay ngày mai chúng ta sẽ sống như
ở Mĩ hay ít nhất thì cũng như Thụy Điển vậy. Chính họ chứ không phải
tầng lớp hay nhóm xã hội nào khác. Còn đa số dân chúng thì tỏ ra thận
trọng, lo lắng.
Dưới trào Yeltsin (đặc biệt là
giai đoạn đầu) trí thức nửa mùa phát triển hết cỡ. Có một quy luật với
rất ít ngoại lệ: ý định cải cách càng vĩ đại thì càng có nhiều người tự
tin và ít hiểu biết sẵn sàng thực hiện nó. Công việc như thế thường làm
cho những người nghiêm túc, có suy nghĩ tỏ ra thận trọng, chứ không hấp
dẫn được họ. Thậm chí đơn giản là làm cho họ sợ nữa.
Đấy
chính là điều đã xảy ra ở nước Nga vào đầu những năm 1990. Cái nhóm
tiến hành công việc cải cách ấy gồm những ai? Cho đến nay, người ta đã
viết hàng núi sách khác nhau đủ loại về nhóm người này. Nhưng dù sao
giữa hàng loạt đặc điểm được nêu ra vẫn có một sự tương đồng. Đấy chính
là những đặc điểm của giới trí thức nửa mùa. Thứ nhất, tất cả mọi người
đều ghi nhận sự tự tin vô tiền khoáng hậu của nhóm những nhà cải
cách-cấp tiến vào sức mạnh và khả năng của mình. Nói chung, dĩ nhiên đấy
không phải là một phẩm chất xấu, nhưng khi chủ nhân của nó bắt tay cải
tạo một đất nước cực kỳ to lớn và cực kỳ phức tạp thì nó đã trở thành
chỉ dấu của sự kém hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ, đầy
nguy hiểm và thật đáng sợ. Thứ hai, chả lẽ sự tự tin mà vốn hiểu biết
lại cực kỳ nghèo nàn không phải là đặc trưng thường gặp ở giới trí thức
nửa mùa hay sao? Thực ra đây là những thanh niên, những người mới hôm
qua còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, kinh nghiệm sống, chưa nói
kiến thức chuyên môn, chẳng có bao nhiêu. Thứ ba, tốc độ và sự quyết
liệt của các cuộc cải cách cũng chứng tỏ rằng đấy là những người kém
hiểu biết, nếu hiểu biết họ đã không làm như thế.
Đúng
là trong số những nhà cải cách cấp tiến có những người “không còn trẻ”.
Nhưng thật ra không nhiều. Sẽ lầm to khi cho rằng trí thức nửa vời
không tìm cách luồn lách để trở thành tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ, v.v.
Tác giả những dòng này, người đã làm trong lĩnh vực khoa học xã hội
trong một thời gian dài, rất thường được nhìn thấy “những kẻ hay chữ
lỏng” tự tin với các học hàm học vị cao nhất. Mà tất cả những người có
dính líu đến lĩnh vực này đều nhìn thấy - chỗ nào chả có mặt họ.
Trong
quan hệ của mình với đám người này, dĩ nhiên là Yeltsin đã lặp lại đúng
con đường của Gorbachev. Ông đã nhanh chóng nhận ra bản chất của những
nhà cải cách quá tự tin. Ông cũng quay lưng với họ sau khi giải tán
chính phủ Gaidar và thay bằng chính phủ của Trenomyrdyn. Không thể không
nhớ lại làn sóng giận dữ và bất bình nhân sự kiện này trong phe hữu,
nơi tập trung nhóm trí thức nửa mùa quyết liệt nhất. Trong hàng trăm bài
báo, bài bình luận trên truyền hình và những bài phát biểu khác, những
người cánh hữu kêu ầm lên về cái sự gần như là phản bội của Yeltsin đối
với sự nghiệp cải cách. Tác giả những dòng này hoàn toàn không phải là
người ủng hộ và sùng bái Yeltsin, ngược lại là khác. Nhưng tôi không tán
thành những lời kết án được những người cánh hữu coi là chuẩn mực, coi
là có giá trị như một tiền đề lịch sử.
Sau khi
thấy kết quả đầy tai hoạ của “liệu pháp sốc”, Yeltsin còn biết làm gì
ngoài việc quay lưng lại với những nhà cải cách-cấp tiến? Bởi vì khởi kỳ
thủy các nhà cải cách này đã vẽ ra viễn tượng cực kỳ xán lạn. Sau khi
khởi động cuộc cải cách, Gaidar dự đoán rằng sẽ có một giai đoạn suy
giảm sản xuất, giá sẽ tăng không đáng kể - từ 70 đến 200% - còn sau đó
tình hình sẽ nhanh chóng ổn định và kinh tế sẽ phát triển. Kết quả? Tất
cả những gì có thể đổ vỡ đều đã đổ vỡ hết. Giá cả gia tăng không phải
từng đó mà là hàng ngàn lần! Sản xuất lâm vào tình trạng phá sản. Thất
nghiệp cao khủng khiếp. Cả Chiến tranh thế giới I lẫn Chiến tranh thế
giới II đều không đưa được nước Nga vào tình trạng khủng hoảng như những
cuộc cải cách đó! Cần phải đặt câu hỏi: chính khách nào còn tin vào
những kẻ đã gây ra thảm hoạ như thế? Trên thế giới này không có một kẻ
nào điên đến mức như vậy.
Xin nói thêm vài lời
nữa. Tác giả vẫn còn nhớ bài phát biểu đầy tức giận của Gaidar trên vô
tuyến sau khi ông ta bị Yeltsin bãi nhiệm. Lúc đó ông ta đã cay đắng
nhận xét rằng trong tình hình tuyệt vọng người ta mới cần đến ông, còn
khi đã ổn định thì cho ra rìa (tôi nhớ chính xác ý của bài phát biểu là
như thế). Đấy là gì: không muốn nhìn thẳng vào sự thật? Cố gắng cứu vớt
uy tín? Hay là mánh khoé nữa của một chính khách đang tự cứu mình?
Có
thể. Nhưng tôi cho rằng, đặc biệt là dưới ánh sáng của đề tài đang được
thảo luận, ở đây có một cái gì đó hoàn toàn khác và nghiêm túc hơn
nhiều. Đây lại là thêm một biểu hiện nữa của sự vô năng cố hữu của giới
trí thức nửa mùa trong việc tự phân tích với tinh thần phê phán. Sự vô
năng là do kiến thức nửa vời và góc nhìn hạn hẹp. Như ta thấy, Gaidar đã
thực sự tin (và hiện vẫn còn tin) rằng ông ta và những người cùng hội
cùng thuyền với mình đã làm đúng. Còn kết quả không được như ý là do bị
người ta cản trở. Trong đó có cả vị Tổng thống “đã quay lưng” lại với
họ. Một sự kiện đáng ghi nhận: sau đó một loạt các nhà cải cách-cấp tiến
đã hứa với công luận rằng sẽ phân tích sai lầm của chính mình. Cố gắng
đầy tai tiếng trong việc xuất bản một tác phẩm viết về các cuộc cải
cách, năm vị “sư phụ cải cách” nổi danh nhất đứng đầu là Trubais đã nhận
được một khoản nhuận bút cao chưa từng thấy từ một đại gia, cuốn sách
có trách nhiệm rọi “luồng ánh sáng” của tư duy phê phán như đã hứa hẹn
vào những gì họ đã làm.
Nhưng không thấy
“luồng ánh sáng” nào cả. Vì sao? Vì biết bao nhiêu lời chỉ trích đã được
nói lên từ tất cả mọi phía rồi! Dù là chỉ để tách gạo ra khỏi trấu
(theo như những nhà cải cách-cấp tiến quan niệm) thì đáng ra người ta
phải làm cái việc tự phân tích và xem xét những sai lầm từ lâu rồi. Tất
cả các lực lượng chính trị đều sử dụng những biện pháp như thế.
Tác
giả cho rằng mình biết cách giải thích điều bí ẩn này. Vấn đề hoàn toàn
có thể là các nhà cải cách-cấp tiến thực sự không nhận ra rằng họ đã
làm không đúng. Với kiểu người của họ, với sự hỗn hợp giữa thái độ tự
tin và thiếu kiến thức như thế, đơn giản là họ không thể nhận ra điều
đó. Còn khi hứa xem xét những sai lầm của chính mình là họ cố tình đánh
lừa, cố tình tạo ra hình ảnh một lực lượng chính trị nghiêm túc và có
trách nhiệm, có khả năng tư duy lại quá khứ và như vậy là nhằm nâng cao
hiệu quả chính sách của mình trong tương lai.
Tác giả nhắm đến ba mục tiêu khi viết bài báo này. Thứ nhất,
mục đích chung nhất là góp phần làm sáng tỏ sự kiện là phân bố lực
lượng chính trị-xã hội mà chúng ta đã quen trong hàng chục năm, trong
giai đoạn tiếp nối đầy tai ương giữa những năm 1980-1990 đã và vẫn không
hoàn toàn là cách phân bố mà theo thói quen ta từng tưởng tượng. Tầng
lớp trí thức mà ta tưởng là một tác nhân mạnh mẽ cho những biến đổi xã
hội trên thực tế đã không phải là như thế. Nhân danh nó, giới trí thức
nửa mùa, giống trí thức thực sự ở cái mẽ bên ngoài, đã nhảy lên sân
khấu. Trên thực tế, đây là lực lượng cực kỳ thiển cận về mặt chính trị,
họ sẵn sàng ra tay không phải vì hiểu được thực tế mà là do tự đánh giá
mình quá cao.
Nhân chuyện này tôi muốn quay
lại với định nghĩa về giới trí thức. Người ta nói nhiều đến định nghĩa
này đúng vào lúc giới trí thức nửa mùa bắt đầu ngoi lên. Giới trí thức
nửa mùa đã đưa cuộc thảo luận đến kết luận rằng trí thức là người thiết
tha với quyền lợi xã hội, chứ không phải quyền lợi cá nhân hạn hẹp, và
tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh xã hội. Cách nhấn giọng như thế là
có thể hiểu được. Nó ngầm kêu gọi ủng hộ giới trí thức nửa mùa vùng lên
chống lại hệ thống, tiến hành đập tan hệ thống. Nhưng xin suy nghĩ thêm
về định nghĩa này. “Thiết tha với quyền lợi xã hội” có phải là người trí
thức không? Thế thì Hitler cũng được coi là người trí thức: hắn chả
“thiết tha” đấy ư! Không, “thiết tha” không thể là tiêu chí được, tiêu
chí phải là phẩm chất của cách tiếp cận với các vấn đề xã hội. Kiểu
người, phương pháp tư duy, tính nghiêm túc, chiều sâu, trách nhiệm trước
các hành động (nó còn là tính đạo đức nữa), kiến thức rộng do lao động
miệt mài mà có. Và có thể không phải là vô tình mà người trí thức, tầng
lớp trí thức lúc đó đã không được giải thích theo cách đó. Tác giả hoàn
toàn không nhớ một trường hợp nào như thế. Nếu có thì giới trí thức nửa
mùa đã lập tức bị đẩy ra khỏi tầng lớp trí thức, một giai tầng có uy tín
của xã hội, ngay từ lúc đó.
Trí thức nửa mùa
mang danh trí thức là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, chứa đầy tai
ương. Khi họ làm những công việc bình thường thì tai hoạ không phải là
lớn (mặc dù dĩ nhiên là vẫn có: kém hiểu biết bao giờ cũng kéo theo hậu
quả tiêu cực). Nhưng khi trí thức nửa mùa bắt tay vào làm việc lớn (đúng
hơn là kiên quyết giành lấy vì thái độ tự tin của mình) thì tai hoạ là
không thể tránh khỏi.
Mục đích thứ hai -
góp phần, trong chừng mực có thể (tác giả không có chút ảo tưởng nào về
khả năng này), để giới trí thức nửa mùa không thể tạo ra được ảnh hưởng
trong lĩnh vực chính trị như trước đây được nữa. Mười năm vừa qua đã
làm giới này rúng động một cách mãnh liệt nhất, nó đã yếu đi nhiều, đa
phần đã “tan đàn sẻ nghé”, chuyển sang những mối bận tâm khác và sử dụng
những khả năng khác. Nhưng không được đánh giá thấp “khả năng quay về”
đỉnh cao quyền lực chính trị của giới trí thức nửa mùa. Dù chỉ là vì một
nhóm, sau khi đã leo lên hồi cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990
đang tìm mọi cách bám trụ, đã trở thành xu hướng hữu và cực hữu. Dĩ
nhiên là trí thức nửa mùa đang và sẽ còn cố gắng thôi miên xã hội rằng
họ biết cách giải quyết tất cả mọi vấn đề. Họ đang nói và còn tiếp tục
nói một cách tự tin và xấc xược (hơn nữa, xin nhắc lại, chính họ - đúng
hơn là nhiều người trong số họ - tin vào khả năng và sự đúng đắn của
mình). Chỉ cần một phần dân chúng tin họ thì đấy sẽ là bi kịch không thể
nào sửa chữa được. Nhưng nếu cuối cùng điều đó vẫn xảy ra thì rõ ràng
số kiếp của chúng ta đáng phải như thế. Một xã hội, sau khi đã trải qua
những thử thách khốc liệt nhất, không rút ra được bài học thì đừng hy
vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Mục đích thứ ba -
bảo vệ giới trí thức chân chính. Giúp rửa vết nhục trách nhiệm về những
điều đã xảy ra với Tổ quốc ta trong quá khứ. Tầng lớp này, đáng tiếc
còn quá ít, nhất là trên nền của giới trí thức nửa mùa, đã và tiếp tục
làm những công việc quan trọng sống còn của đất nước. Bất cứ ở đâu, khi
đem áp dụng kiến thức, sự nhẫn nại và cố gắng, họ cũng đều đạt đến nhận
thức khách quan, đến nguyên nhân thật sự của tất cả các tiến trình và
hiện tượng. Thật đáng tiếc là trong sự nghiệp cải cách, giới trí thức
chân chính của chúng ta đã gần như bị giới trí thức nửa mùa say máu đỏ
đen và xấc láo đẩy ra ngoài. Rất muốn tin rằng giới trí thức chân chính
một lần nữa sẽ quay trở về với vai trò lịch sử của mình.
Nguồn: Tư tưởng tự do thế kỷ XXI, số 10, năm 2002, trang 27.
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.
________________
Chú thích:
[1] Kliuchevski V. O. (1841-1911), nhà sử học nổi tiếng người Nga.
[2] Solovjov S. M (1820-1879), nhà sử học người Nga, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Moskva từ năm 1871 đến năm 1877.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
- Mong đợi của người dân đối với trí thức – (RFA). –Hồ Quang Huy – Cần phân biệt trí thức với trách nhiệm công dân của trí thức – (Dân Luận).
- Tiền và toán học (ở Việt Nam) (Nguyễn Văn Tuấn).– Tại sao phải học tích phân? (Hồ Như Hiển). -- Khoa học – nhìn từ Nga và Úc sang Việt Nam (Lê Văn Út). – 29000 tiến sĩ đến 2020? (Nguyễn Văn Tuấn). -Sự lương thiện (LĐ/ DT).
- Điều chúng tôi mong muốn ở Đảng … (Nhân dân). - Đảng với nhân dân (VOV). - Tập dân chủ (bài 2) – Bỏ “ơn đảng ơn chính phủ” (Trương Duy Nhất). Bài 1: Tập dân chủ. -T.P. – Đừng “Bọ Xít” ăn tiền như thế nữa! – (Quê Choa/ Trần Nhương/ Dân Luận). - Con trai út Thủ tướng làm cán bộ Đoàn – (BBC). – TUẦN NGỐ … (Cua Rận).
- Nói và làm: Con đường bộ trưởng đã qua và sẽ đến (VEF). - TS. Nguyễn Xuân Thủy: “Vừa thiếu công bằng, vừa thiếu nhân văn thưa Bộ trưởng Thăng” (GDVN).
-TRẦN HỮU DŨNG: Trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung (TBKTSG Xuân Nhâm Thìn 2012) ◄◄ Trên
đây, trách nhiệm văn hoá được chia ra trách nhiệm của ba thành phần
song thật ra thì ba thành phần ấy chỉ là ba bộ măt của mỗi cá nhân. Mỗi
chúng ta, với những tỷ lệ khác nhau, đều là người sản xuất, phê bình,
và tiêu thụ văn hoá. Do đó, sự nghèo nàn văn hoá, nói đúng hơn là sự
thô tục hoá của văn hoá ngày nay, nếu có, là trách nhiệm chung của mọi
người. Thói quen của chúng ta là đổ lỗi cho người khác, hoặc cho hoàn
cảnh “khách quan”. Chúng ta thường trách nhà nước không nâng đỡ đúng
mức, thậm chí đã kềm chế tiến bộ văn hoá, song nghĩ cho cùng, không một
nhà nước nào có thể “sản xuất” văn hoá. Tất nhiên sự “can thiệp” mạnh
tay của nhà nước vào văn hoá, mà lại không có một nâng đỡ nào đáng kể,
là một điều đáng phàn nàn. Nhà cầm quyền, nhất là những người có trách
nhiệm đối với sinh hoạt văn hoá, phải nhận trách nhiệm của mình đối với
hậu thế. Chúng ta cũng thiếu những nhà văn hoá lớn. Song không ai trong
chúng ta là vô can. Chúng ta quá dễ dãi với văn hoá hạ cấp, chúng ta quá
thờ ơ, dửng dưng với văn hoá có chất lượng. Chúng ta không bảo tồn di
sản văn hoá dân tộc. Và nói thẳng, đôi khi chúng ta, mỗi chúng ta, có
những hành động thiếu văn hoá!
Chính
cái “vốn văn hoá” của xã hội là bắt nguồn từ những ràng buộc cộng đồng,
và khi sự ứng xử với nhau “thiếu văn hoá” thì vốn văn hoá của dân tộc
ta sẽ sụt giảm, lôi kéo theo những hệ lụy cho phát triển kinh tế và chủ
quyền dân tộc.
- - Có phát huy dân chủ thì đất nước mới có được các trí thức lớn (CAND).- 650 tỷ cho VIASM: Cớ sao phải lo? (Tia Sáng). - Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết.-- Song Chi: Giáo Sư Ngô Bảo Châu, dư luận và tâm lý nhà cầm quyền - (NV). -- Bản gốc của bài phỏng vấn Ngô Giáo sư trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần: Độc quyền chân lý (Thích học toán).
- Sáu nhiệm vụ tập trung của báo chí trong thời gian tới (ND 31-1-12) -- Đầu năm, vừa từ quê lên, bước vào nhà, ôsin đã bị chủ sai đi rửa chuồng lợn!Tiêu Dao Bảo Cự – Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào (Blog Phạm Thị Hoài 31-1-12)◄ - Huynh Giáo: Ban Tuyên giáo họp mặt báo chí đầu năm (TTXVN/ VOV).
- Video: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi cày, gieo hạt (VTC). - Chủ tịch nước đi cày, gieo hạt giống trong lễ Tịch điền (TT). ---'Khai ruộng', người kéo bừa thay trâu -Tiền phong-- Phạm Thị Hoài – Nguyên thủ quốc gia Việt Nam không nên mặc áo nhái Adidas đi cày ruộng (Pro&Contra). – NHÀ THƠ TRẺ HOÀNG TRỌNG MUÔN: 90% THANH NIÊN NÔNG THÔN QUÊ TÔI KHÔNG BIẾT LÀM NGHỀ NÔNG (Văn chương +).-
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Lãnh đạo TAND TP Hải Phòng bác ý kiến LS Thu
Đó
là những khẳng định của ông Lê Khắc Hạnh, Phó chánh án tòa án nhân dân
thành phố Hải Phòng trong khi trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo
điện tử Giáo dục Việt Nam.
Liên quan đến thông tin trên một số báo về việc luật sư Trần Đình Thu đề nghị nhà chức trách miễn nhiệm thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP Hải Phòng, người xét xử phúc thẩm vụ ông Đoàn Văn Vươn vì cho rằng đã "vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thẩm phán".
Theo LS Thu phân tích, trong vụ kiện giữa anh Vươn với UBND huyện
Tiên Lãng, thay vì tuyên UBND huyện Tiên Lãng thắng kiện, thẩm phán Ngô
Văn Anh đã "lừa" anh Vươn bằng một tờ giấy hòa giải hoàn toàn không có
giá trị pháp lý để anh Vươn rút đơn kháng cáo.
Hành động này đã giúp bản án sơ thẩm có hiệu lực và trong trường hợp này Tòa án Nhân dân tối cao không với xuống được vì vụ án dừng lại ở cấp huyện, nơi thấp hơn đến 2 cấp.
Trao đổi với PV báo điện tử GDVN vào chiều ngày 31/1/2012, ông Lê Khắc Hạnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, cá nhân ông vẫn chưa nhận được thông tin về kiến nghị miễn nhiệm thẩm phán Anh của Luật sư Trần Đình Thu.
Về quan điểm, ông Hạnh cho rằng: "Tôi không nắm được thông tin kiến nghị này của luật sư. Làm việc là phải có quy trình, xem anh em người ta có sai hay đúng. Còn việc bổ nhiệm, tái nhiệm hay miễn nhiệm cán bộ là phải theo quy trình tổ chức cán bộ đã được Nhà nước quy định, chứ làm sao có thể ai nói được".
Liên quan đến thông tin trên một số báo về việc luật sư Trần Đình Thu đề nghị nhà chức trách miễn nhiệm thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP Hải Phòng, người xét xử phúc thẩm vụ ông Đoàn Văn Vươn vì cho rằng đã "vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thẩm phán".
Theo luật sư Trần Đình Thu vụ việc dẫn đến cưỡng chế tại Tiên Lãng, TP.Hải Phòng là do Thẩm phán Ngô Văn Anh xử anh Đoàn Văn Vươn? |
Hành động này đã giúp bản án sơ thẩm có hiệu lực và trong trường hợp này Tòa án Nhân dân tối cao không với xuống được vì vụ án dừng lại ở cấp huyện, nơi thấp hơn đến 2 cấp.
Trao đổi với PV báo điện tử GDVN vào chiều ngày 31/1/2012, ông Lê Khắc Hạnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, cá nhân ông vẫn chưa nhận được thông tin về kiến nghị miễn nhiệm thẩm phán Anh của Luật sư Trần Đình Thu.
Về quan điểm, ông Hạnh cho rằng: "Tôi không nắm được thông tin kiến nghị này của luật sư. Làm việc là phải có quy trình, xem anh em người ta có sai hay đúng. Còn việc bổ nhiệm, tái nhiệm hay miễn nhiệm cán bộ là phải theo quy trình tổ chức cán bộ đã được Nhà nước quy định, chứ làm sao có thể ai nói được".
Cần phải miễn nhiệm thẩm phán Ngô Văn Anh
Cũng
liên quan đến phần đề nghị của LS Trần Đình Thu và ý kiến của lãnh đạo
tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc
công ty Luật Fanci Hà Nội) cho rằng:
"Ý kiến trả lời của lãnh đạo tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng trước đề nghị miễn nhiệm thẩm phán Anh trong vụ xử ông Vươn của Luật sư Thu là đúng theo những quy định hiện hành về việc miễn nhiệm. Bởi lẽ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ là phải thực hiện đúng theo quy trình tổ chức cán bộ đã được quy định".
Tuy nhiên, theo LS Tú phân tích: "Bất kể một hệ thống chính thể nào coi nhà nước pháp quyền làm mục tiêu để vươn tới thì người ta thừa nhận thẩm phán là người giải thích pháp luật cuối cùng.
Và do vậy, với những kỹ năng lợi dụng sự không hiểu biết về luật tố tụng hành chính của ông Đoàn Văn Vươn để hướng dẫn ông ta làm những điều xa rời mục tiêu khởi kiện, đã cho thấy thẩm phán Ngô Văn Anh không còn đủ tư cách đạo đức để đứng trong vai trò là cán cân công lý nữa.
Chính vì vậy, việc xem xét miễn nhiệm hay bãi nhiệm đối với thẩm phán Anh là việc nên làm. Ở đây, tôi cũng hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Luật sư Trần Đình Thu".
"Ý kiến trả lời của lãnh đạo tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng trước đề nghị miễn nhiệm thẩm phán Anh trong vụ xử ông Vươn của Luật sư Thu là đúng theo những quy định hiện hành về việc miễn nhiệm. Bởi lẽ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ là phải thực hiện đúng theo quy trình tổ chức cán bộ đã được quy định".
Tuy nhiên, theo LS Tú phân tích: "Bất kể một hệ thống chính thể nào coi nhà nước pháp quyền làm mục tiêu để vươn tới thì người ta thừa nhận thẩm phán là người giải thích pháp luật cuối cùng.
Và do vậy, với những kỹ năng lợi dụng sự không hiểu biết về luật tố tụng hành chính của ông Đoàn Văn Vươn để hướng dẫn ông ta làm những điều xa rời mục tiêu khởi kiện, đã cho thấy thẩm phán Ngô Văn Anh không còn đủ tư cách đạo đức để đứng trong vai trò là cán cân công lý nữa.
Chính vì vậy, việc xem xét miễn nhiệm hay bãi nhiệm đối với thẩm phán Anh là việc nên làm. Ở đây, tôi cũng hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Luật sư Trần Đình Thu".
– Hai Bộ sẽ thanh tra vụ Tiên Lãng – (BBC). – ANH CA SẼ ĐI VIẾT GIÁO TRÌNH NGHIỆP VỤ CÔNG AN? – (Mai Thanh Hải). – Hay ho gì mà viết thành sách – (Nguyễn Tây Ninh). – TIN TIÊN LÃNG HÔM NAY 31/1(Nguyễn Quang Vinh) Hôm nay gia đình cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng ra tòa vì tội hủy hoại tài sản công dân có thêm sự tư vấn của một số luật sư tình nguyện ở Hà Nội xuống. Trong các thủ tục cần làm, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người khởi kiện cơ trú, đại khái như: UBND xã S xác nhận cô Nguyễn Thị N có hộ khẩu thường trú tại địa phương chúng tôi. Các địa phương đều xác nhận. Riêng Chủ tịch UBND xã Đông Hưng Nguyễn Tiến Chinh nhùng nhằng không ký xác nhận, ấm ớ, lo sợ, he he, đúng là không thể tưởng tượng được chính quyền ở đây như thế nào. Cũng vì thế, thủ tục khởi kiện vẫn chưa xong mà đáng ra chỉ cần 10 phút.
Cháu Hải vẫn đang nằm viện, các bác sĩ y tá do hiểu được vụ việc anh Đoàn Vươn nên đã chia sẻ, thông cảm, chăm sóc rất tốt, chu đáo, hy vọng vết thương sẽ ổn, không để lại dy chứng, nhưng chắc cũng phải 1 tháng cháu mới đến trường được.
- Diễn biến mới trong vụ Tiên Lãng – (RFA). – Trách nhiệm của Quốc Hội trong vụ Tiên Lãng – (RFA). – Luật gia Trần Đình Thu: BA BỘ ĐỒNG TÌNH BÓP VÚ CON TÔI – 6 – (Cu Làng Cát).
- Vụ cưỡng chế ở HP: “Việc nhà bị giật sập thì phải hỏi huyện” (GDVN). – Chưa biết ai phá nhà ông Quý (?!) (NLĐ). - Không thể thoái thác (NLĐ). – Chính quyền thuê “người ngoài” trông coi đầm ông Vươn!(TN). – Tiên Lãng: Lưỡi quan vô độ – (Cu Làng Cát).
- Dương Phi Anh: “Liếm mồ hôi người khác” (Quê Choa). - VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN – ĐƯỜNG DẪN TỚI TỘI ÁC (Nguyễn Trọng Tạo). – ĐỒNG TIỀN Ở TIÊN LÃNG (Jasmine). - Từ vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) – Cần sớm sửa Luật Đất đai (SGGP). - Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh: Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm (PLTP).
Nổi bật ngày 30/1: 'Cần miễn nhiệm Thẩm phán ở vụ ông Đoàn Văn Vươn'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét