Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Luật đất đai rắc rối của Việt Nam

Asia Sentinel

Luật đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 1

Tác giả: David Brown
Người dịch: Thủy Trúc
Editor: David Brown
Ngày 1-2-2012
Đây là bài đầu trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Khi Việt Nam bẻ bánh lái sang con đường tư bản chủ nghĩa cách đây một phần tư thế kỷ, hầu như không có dấu hiệu lùi bước nào từ phía các quan chức và thành viên của ban lãnh đạo cộng sản – những người mà, cho đến thời điểm đó, vốn vẫn giữ một nhiệm vụ lớn lao và phù phiếm là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, nhiều quan chức hăm hở lạm dụng các cơ hội của chương trình đổi mới, hay là cải cách, mang đến tay họ.
Hóa ra một trong những con đường chắc chắn nhất để đi tới sự giàu có ở Việt Nam ngày nay nằm ở việc tước đoạt ruộng đất của nông dân và chuyển hóa đất nông nghiệp vào mục đích kiếm lời mau chóng hơn.
Tháng 1 năm nay, cả nước dồn sự chú ý vào hai câu chuyện có chung chủ đề đó. Vụ việc đầu tiên, bắt đầu từ ngày 5 tháng 1, liên quan đến một vụ nổ súng gây nhiều náo động ở ngoại ô thành phố Hải Phòng.  Câu chuyện xảy ra sau khi chính quyền địa phương yêu cầu một ngư dân giao nộp lại mảnh đất mà ông cùng gia đình đã khai hoang làm lợi qua 14 năm lao động cực nhọc. Một số bài báo viết rằng, khu đất đang được cân nhắc làm nơi mở một sân bay mới.  (Vụ việc này sẽ được thảo luận ở phần 2 của loạt bài) .
Câu chuyện thứ hai, đưa tin vào ngày 20 tháng 1, liên quan tới việc chấm dứt một nỗ lực kéo dài suốt ba năm nhằm tống bà Trần Ngọc Sương vào tù với tội danh tham ô, nhưng dường như ai cũng biết sự thật là do bà đã chống lại việc chiếm đoạt công ty nông nghiệp đang thịnh vượng của bà – Nông trường Sông Hậu.
Chuyển hóa đất đai (chuyển đổi mục đích sử dụng đất – ND) là cái mà đảng ủy ở thành phố Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ đã nghĩ trong đầu từ năm 2005 khi họ đề nghị lấy lại Nông trường Sông Hậu. Với sự hợp tác của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Mỹ, họ có kế hoạch xây dựng một “khu đô thị mới” bao lấy sân bay hiện đại theo quy hoạch của thành phố, ngay trên diện tích 4.000 hecta của nông trang tập thể cũ này.
Tuy nhiên, trước tiên họ phải xử lý bà Trần Ngọc Sương. Bà Sương năm đó 56 tuổi, làm giám đốc nông trường được 7 năm. Trước đó, bà là trợ lý chính của cha mình – một sĩ quan Mặt trận Giải phóng Miền Nam giải ngũ, năm 1978 được giao nhiệm vụ xây dựng một nông trang tập thể tại khu đầm lầy khổng lồ nọ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thành công của hai cha con đã trở thành một huyền thoại ở Việt Nam, một trong những thành tựu chói sáng trong những năm tháng khốc liệt sau khi “cuộc chiến tranh chống Mỹ” kết thúc và đất nước thống nhất.
Cho tới năm 2005, Nông trường Sông Hậu vẫn bán gạo và cá cho các thị trường trong và ngoài nước, làm ăn có lãi. Mặc dù bị tái cơ cấu để trở thành công ty cổ phần vào năm 1991 nhưng nông trường vẫn tiếp tục trung thành với một số điểm quan trọng trong các sứ mệnh của nó khi thành lập, đó là mang lại thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội cho khoảng 3.000 hộ nông dân trong nông trường. Bà Sương sẽ không để họ bị thất vọng.
“[Sông Hậu] là ví dụ có thật cuối cùng về việc sản xuất nông nghiệp dựa theo các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” – Bà Sương kể, bà đã nói với các lãnh đạo đảng ủy địa phương như vậy tại một cuộc họp vào tháng 10 năm 2007. “Cá nhân tôi không lấy một xu tiền không chính đáng nào cả. Các đồng chí bảo tôi ‘không theo kịp thời đại’, quá lạc hậu để có thể lãnh đạo một doanh nghiệp như thế. Vâng, tôi sẵn sàng trao trả quyền lãnh đạo cho những người tôi đã đào tạo qua nhiều năm”.
Các đồng chí muốn giao Sông Hậu cho ai đó – liệu họ có coi nông trường như máu thịt của mình không? Sông Hậu là một cộng đồng làm nông có năng suất cao. Nếu họ biến Nông trường Sông Hậu thành khu công nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra với nhân dân ở đây”?
Tầng lớp lãnh đạo Cần Thơ chưa hình dung lo ngại về cái giá phải trả về mặt xã hội mà bà Sương đã thấy trước. Hình như họ lập luận rằng những nông dân bị mất quyền sở hữu sẽ có thể tìm việc trong các nhà máy mới mở hoặc tại các sân gôn mà họ dự định xây nên trên những đồng lúa và ao cá kia. Và họ có ngay Phương án B.
Nếu cần phải trừng trị ai đó, luật pháp Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội không giới hạn về số lượng. Có một số đáng ngạc nhiên những hành động mà về nguyên tắc là sai luật pháp, nhưng lại thường xuyên được dung thứ, bởi vì nếu luật pháp mà được thực thi thì cả hệ thống sẽ bị tê liệt. Tuy nhiên, những hành động ấy lại có thể được tận dụng để đẩy một kẻ chống đối vào đúng đường lối theo “luật pháp.”
Tháng 9 năm 2008, bà Sương bị Tòa án huyện Cờ Đỏ buộc tội biển thủ 9 tỷ đồng (428.857 USD theo tỷ giá hiện tại) của Nông trường Sông Hậu. Khi vụ việc bị đưa ra xét xử vào tháng 8 năm 2009, bà bị buộc tội lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. Bốn người cấp dưới chịu án nhẹ hơn.
Bà Sương kháng cáo. Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới.
Khi tình hình diễn biến có vẻ như bà Sương thật sự sẽ phải ngồi tù, vụ án trở thành câu chuyện [đăng tải] trên trang nhất của các báo lớn ở Việt Nam. Một loạt nhà cách mạng lão thành, nổi bật có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, đã vận động bảo vệ bà Sương. Những người ủng hộ bà Sương lập luận rằng xây dựng một quỹ vì mục đích phúc lợi xã hội, tuy không báo cáo, là một cách hoàn toàn đạo đức để tránh nạn quan liêu và trong trường hợp này không phải là phi pháp, vì quỹ ấy đã được lập từ nhiều năm trước đó.
Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, một vị anh hùng trong mắt giới cải cách ở Việt Nam, đã nhận ra mối liên hệ giữa các vấn đề khi ông viết một lá thư gửi đảng ủy Cần Thơ, tháng 5 năm 2008. “Tôi biết đây là ý của các đồng chí chứ không phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]” – ông Kiệt viết. “Bà đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”. Hơn nữa, ông còn viết: “Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương thu hồi đất của nông trường để xây khu công nghiệp”.
Xúc động trước những tấm ảnh bà Ba Sương gầy guộc mỏng manh nhưng không cúi đầu trước vành móng ngựa, công luận hoàn toàn ủng hộ bà. Tại Hà Nội, tâm lý tức giận với chính quyền Cần Thơ bao trùm – đó là phản ứng điển hình của trung ương khi các quan chức địa phương kém tài có những hành động làm dấy lên cơn phẫn nộ của dư luận.
Tháng 5 năm 2010, sau khi công tố viên của trung ương tìm ra những vi phạm về thủ tục tố tụng, Tòa Tối cao Việt Nam bác bỏ bản án.
Chừng như không nao núng, tháng 2 năm 2011, Công an Cần Thơ báo cáo rằng kết quả điều tra sâu hơn đã cho thấy các bằng chứng mới về tội trạng của bà Sương. Tháng 8, công tố viên tiếp tục bổ sung tội tham ô cho bà Sương và các nhân viên cấp dưới.
Bạn bè bà Sương không chịu thua. Vũ khí mà họ chọn là “Mặt trận Tổ Quốc”, một tập hợp các nhóm, hội dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, có mục đích “đại diện cho toàn thể nhân dân”. Không bao lâu sau khi có phán quyết mới của tòa, Mặt trận đã đề nghị phải sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý sai phạm của bà Sương, nếu thật sự có sai phạm.
Mặt trận cũng tổ chức điều tra riêng và khuyên Chánh án Tòa Tối cao trong một công văn nói rằng bà Sương vô tội. Họ lập luận rằng quỹ phúc lợi được lập năm 1994, rất lâu trước khi bà Sương trở thành giám đốc nông trường, và vào thời điểm ấy, quỹ không hề phi pháp. Hơn thế nữa, Mặt trận tỏ ý không tán thành: “Việc điều tra đã làm hoen ố tên tuổi của một nông trường từng rất có uy tín với các lãnh đạo cấp cao và từng thu được nhiều thành tựu nổi bật”.
Và cuối cùng, có vẻ như chính quyền Cần Thơ đã chấp nhận hủy bản án. Không phải vì họ đồng ý rằng bà Sương vô tội, mà như họ nói vào ngày 19 năm 1, đó là “do những đóng góp của bà Sương và gia đình cho Nhà nước”.
Kỳ sau: Tiếng súng ở Tiên Lãng
Nguồn: Asia Sentinel

Asia Sentinel

Luật đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 2

Tác giả: David Brown
Người dịch: Đan Thanh
Hiệu đính: David Brown
Ngày 2-2-2012
Tiếng súng ở Tiên Lãng

Đây là phần hai trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Đầu tháng qua, dân chúng Việt Nam mệt nhoài sau một năm lạm phát cao vọt và tăng trưởng kinh tế thấp, đã dồn cả sự chú ý vào Tết (âm lịch) với vài tuần được nghỉ ngơi. Ở nơi xa, miền Nam, cuộc thử thách kéo dài với nữ anh hùng lao động Trần Ngọc Sương cũng đã sắp kết thúc – chính quyền địa phương quyết định hủy bỏ bản án buộc tội bà biển thủ công quỹ từ cái nông trường thịnh vượng cuối cùng của đất nước.
Sau đó một bản tin bất thường từ huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng – thành phố cảng phía đông Hà Nội – đã gây chấn động cho toàn thể dư luận. Một ngư dân cùng gia đình ông ta đã chống lại cả một lực lượng lớn thực thi lệnh cưỡng chế. Sử dụng mìn tự chế và súng hỏa mai mua ở chợ đen, họ đã làm bị thương hai bộ đội và bốn công an, trong đó có cả chỉ huy công an địa phương.
Giống như trong vụ Nông trường Sông Hậu, ở đây, quyết tâm của chính quyền trong việc giành quyền kiểm soát đất nông nghiệp màu mỡ cũng lại là nguyên nhân kích động vụ việc xảy ra.
Năm 1997, Đoàn Văn Vươn chuyển đến sinh sống ở làng Vinh Quang và thuê 9 hecta đất ngập mặn ven biển từ Ủy ban Nhân dân xã. Vốn là kỹ sư có qua đào tạo, Vươn bắt đầu xây các con đập, cống thoát nước và ao chuôm cần thiết để nuôi cá nuôi tôm. Không ai nghĩ Vươn cùng gia đình sẽ thành công, nhưng sau nhiều năm phấn đấu và thử nghiệm, trại cá đã thu được nguồn lợi nho nhỏ. Những người đi tiên phong khác cũng đã theo gương Vươn. Cho đến năm 2004, khoảng 20 hộ gia đình ở huyện Tiên Lãng đã có trại cá, bao phủ một diện tích xấp xỉ 250 hecta đất mà trước đó được coi như là vô giá trị. Bản thân Vươn đã khai hoang thêm 11 hecta lấn biển, đưa doanh nghiệp gia đình của mình tới chỗ khai thác 20 hecta ao cá.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các ngư dân ở Tiên Lãng đã nhận được một thông báo kinh hoàng từ chính quyền huyện. Thông báo nói rằng vùng đầm lầy mà họ thuê sẽ bị chính quyền thu hồi lại khi hết hạn cho thuê. Sẽ không có đền bù nào cho những gì họ đã cải thiện được.
Tất cả đất đai của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên kể từ năm 1993, cá nhân và doanh nghiệp đã được trao “quyền sử dụng đất”. Đối với phần lớn nông dân thì điều đó có nghĩa là họ được phân phối một mảnh đất từ hợp tác xã trước kia, để sử dụng trong thời hạn 20 năm.
Vì lý do nào đó không rõ, ông Vươn chỉ được thuê đất có 14 năm kể từ năm 1993. Ông nhận lệnh phải rời đi vào thời hạn cuối cùng là năm 2007.
Vươn và những người nông dân nuôi cá khác cho biết, họ tin rằng – theo truyền thống ở nông thôn – thời hạn thuê mảnh đất mà họ đã khai hoang, phát triển sẽ thường xuyên được gia hạn. Hơn thế nữa, cũng như tất cả những nông dân khác, họ tưởng là nếu chính quyền lấy lại một mảnh đất nào đó, vì mục đích công nào đó, thì họ sẽ được đền bù cho những nỗ lực phát triển đất đai của họ.
Các ngư dân nuôi thủy sản phản đối. Chính quyền huyện không động lòng. Tòa án huyện giữ nguyên lệnh của chính quyền, yêu cầu nông dân trả lại đất. Nông dân kháng án lên tòa cấp thành phố.
Như đã thành thông lệ ở Việt Nam, tòa Hải Phòng đưa đơn kháng án ra trọng tài – một thẩm phán tòa địa phương – với hy vọng là vụ tranh chấp sẽ được giải quyết ngoài hệ thống tòa án. Thủ tục ấy đưa đến một bản ghi nhớ vào tháng 4/2010, “tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận tìm phương án giải quyết”.
Theo tin tức từ báo chí, huyện Tiên Lãng đồng ý gia hạn cho thuê đất sau khi hết hạn, còn các nông dân nhất trí rút lại khiếu nại. Văn bản do Vươn và đại diện của các gia đình nông dân nuôi cá khác ký, cùng với đại diện chính quyền huyện là Giám đốc Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng. Trọng tài sau đó cộp con dấu đỏ vào phán quyết của tòa phúc thẩm.
Không chần chừ, chính quyền huyện chơi bài nuốt lời hứa. Các nông dân chỉ vừa rút lại đơn khiếu nại thì chính quyền huyện tuyên bố rằng phán quyết của tòa địa phương vẫn có hiệu lực. Một lần nữa họ buộc Vươn phải giao nộp trại cá. Tuyệt vọng, Vươn quyết tâm chống lại. Khi công an, có thêm viện binh là bộ đội – tổng cộng 80 người có vũ trang – tiến vào nông trại của ông vào buổi sáng mồng 5 tháng 1, Vươn cùng gia đình đã bắn những phát đạn làm cả nước bừng tỉnh.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Trại cá của Vươn bị tàn phá, ba ngôi nhà bị san phẳng và số cá trị giá khoảng 250.000 đôla bị những kẻ lạ khoắng sạch. Vươn cùng em trai bị tống giam với tội danh cố ý giết người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đối với công luận Việt Nam, anh em Vươn là anh hùng.
T.S. Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình luận rằng “Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng”.
Ông Võ và các chuyên gia về chính sách đất đai khác phê phán giới chức Tiên Lãng, và Phó Chủ tịch TP Hải Phòng biện hộ cho các sai lầm căn bản trong việc giải thích và thực thi pháp luật, nhưng đó không phải vấn đề thực sự ở đây. Vấn đề thực sự là lương tri và sự đúng đắn, tôn trọng mối quan hệ gắn kết giữa người nông dân với mảnh đất mà họ lao động trên đó – như nhiều người đã bình luận.
Thủ tướng Dũng ra lệnh cho chính quyền TP Hải Phòng tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra vụ nổ súng ở Tiên Lãng, và cách xử lý tình hình ở nơi này. Có lẽ vài cái đầu sẽ rơi; công luận Việt Nam rõ ràng rất hy vọng là anh nông dân Vươn sẽ không ở trong số đó.
Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự của ông ta trong chính phủ và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản là những người phải xử lý một vấn đề còn rộng lớn hơn thế. Luật đất đai hiện thời của Việt Nam đang là một quả bom nổ chậm, sẽ nổ vào năm 2013 – nếu không có những cải cách căn bản thì những bi kịch kiểu như vụ Đoàn Văn Vươn sẽ là mối đe dọa đối với một nửa dân số trong nước.
Kỳ sau: Sự khôn ngoan của người nông dân
Nguồn: Asia Sentinel


RFI – Việt ngữ

Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng: Chính quyền địa phương đã phá hoại chính sách Nhà nước

Thụy My
02-02-2012
Audio phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng:

Đã gần một tháng qua, dư luận vẫn còn xôn xao về vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị cưỡng chế giao lại khu vực đầm mà ông đã được giao trong lúc chưa hết thời hạn, nhà cửa và hoa lợi của trên khu đất này cũng bị phá hủy và cướp bóc. Hiện sáu người trong gia đình ông đang bị truy tố, riêng ông và người em đang bị tạm giam với tội danh rất nặng là « giết người », vì đã chống lại đoàn cưỡng chế.
Nhưng vụ Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy những vấn đề sâu xa, gai góc hơn, như quyền sở hữu đất đai, tình trạng thiếu dân chủ ở một số địa phương… và là dấu hiệu báo động sẽ có nhiều vụ Đoàn Văn Vươn nữa nếu chính quyền không giải quyết đến nơi đến chốn. Đây cũng là ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ ông Đoàn Văn Vươn, việc làm của chính quyền địa phương huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là phi pháp, bất nhân. Ông cho rằng Hiến pháp cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, để bọn cường hào mới không thể lạm quyền, gây bất công xã hội, tạo ra những bất ổn định tiềm ẩn về chính trị.
RFI : Kính chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông về vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, có lẽ thời gian của một cuộc phỏng vấn ngắn như thế này là quá ít, nhưng ông có thể cho một vài nhận định được không ?
Lê Hiếu Đằng : Gần một tháng nay có thể nói là công luận rất phẫn nộ, bất bình về những việc làm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng. Bởi vì ông Vươn là bộ đội xuất ngũ, có học hành đàng hoàng, là kỹ sư nông nghiệp đi khai hoang phục hóa, đáp ứng được một chủ trương của nhà nước là làm giàu một cách chính đáng và phát triển sản xuất.
Thế thì cái việc làm phi pháp, trái luật của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng Hải Phòng, là một việc làm có thể nói là phá hoại chính sách của nhà nước về vấn đề khuyến khích sản xuất. Đây là một chính sách lớn của nhà nước.Có thể nói đây là những phần tử phá hoại.
Bởi vì nếu ông Vươn làm ăn có hiệu quả, thì dù thời gian cho mượn đất có đến đi chăng nữa – mà các chuyên gia đã chứng minh rằng chưa đến – thì vẫn phải tiếp tục cho ông ta khai thác mảnh đất mà ông đã tự đầu tư biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào đấy. Chính cái việc làm bất nhân của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy ông Vươn vào con đường uất ức không thể nào chịu đựng được, vì vậy mới có hành động như chúng ta đã biết.
Chúng ta rất thông cảm, rất hiểu những việc làm đó là vi phạm pháp luật, nhưng những nguyên nhân nào đẩy ông Vươn đến hành động đó ? Chính là những kẻ nằm trong chính quyền huyện Tiên Lãng. Do đó có thể nói đang có làn sóng bất bình, phẫn nộ trong giới trí thức, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có những vụ việc giải tỏa rồi chiếm đất, cũng cái kiểu như chỗ ông Đoàn Văn Vươn, nhưng người ta kềm chế, không có phản ứng như vậy.
Điều đó nói lên cái gì ? Đó là vụ ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong những vụ việc hiện nay đang xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam.
Nhà nước hay nói là kẻ xấu hay âm mưu diễn biến hòa bình. Nhưng mà riêng bản thân tôi không thấy đâu hết. Chính những kẻ xấu, kẻ phá hoại chính sách là nằm trong Đảng và chính quyền, như ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và kể cả chính quyền thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra rồi lẽ ra phải điều tra kỹ cái này, lại đứng hùa về phía huyện Tiên Lãng và có những ý kiến bất nhất. Cả một cái hệ thống chính trị, cả một cái tập thể ở Hải Phòng lại chủ trương việc này.
Cái nguy hiểm, cái tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó. Không phải chỉ ở huyện Tiên Lãng mà rõ ràng Hải Phòng từ Ủy ban Nhân dân thành phố đển Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, và kể cả Mặt trận, các đoàn thể đều đứng về phía chủ trương đàn áp, ức hiếp ông Vươn. Cái cảnh gia đình ông Vươn trong những ngày Tết sống trong một căn lều như vậy, thì ông Lê Đức Tiết là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã khuyến cáo rằng nên đi thăm hỏi. Nhưng kể cả Mặt trận và các đoàn thể của Hải Phòng cũng không làm cái động tác đó.
RFI : Theo ông như vậy là chính quyền địa phương đã không làm theo chủ trương của nhà nước ?
Lê Hiếu Đằng : Điều đó nói lên rằng, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và bài viết của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2012 nói rằng sẽ nghiêm trị tham nhũng, tiêu cực ; thì rõ ràng vụ Tiên Lãng Hải Phòng nó bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng.
Vì vậy chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước đang trông chờ sự xử lý nghiêm minh của Đàng và Nhà nước. Và nếu xử lý không nghiêm minh, không đúng mực trước những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Hải Phòng, thì chứng tỏ giữa lời nói với việc làm của các vị lãnh đạo là không đi đôi với nhau. Người dân không còn tin cái lời nói đó nữa, và nghị quyết xây dựng Đảng vừa rồi được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư họp đưa ra, là không có tác dụng gì nữa, nó vô nghĩa !
Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại. Và công luận trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ lên án những việc này. Để trấn an lòng dân, và để tạo được niềm tin trong dân thì chính quyền phải xử lý triệt để đối với những kẻ đã gây ra vụ việc ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã bức hiếp ông Vươn và gia đình đi đến cái cảnh phải chống trả lại như vậy, và bây giờ đang ở trong vòng tù tội.
RFI : Phải chăng cái gốc của vấn đề là Luật đất đai chưa dứt khoát, và chính quyền địa phương huyện xã có quyền hành quá lớn, nên có thể tùy tiện lấy đất lại để giao cho những người ăn cánh với mình, và không chỉ ở Tiên Lãng mà thôi ?
Lê Hiếu Đằng : Đúng, vụ này nói lên cái gì ? Đó là vấn đề sở hữu đất đai của người dân mà chúng ta chưa công nhận, là một việc hết sức bất hợp lý, không phù hợp với đạo lý. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất, tại sao công nhận đối với các nhà công thương ở đô thị, mà đối với nông dân thì lại không công nhận quyền sở hữu ruộng đất ?
Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân gây nên những việc lạm quyền của chính quyền các cấp. Và hiện nay có thể nói là nó hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn cũng như ở một số vùng, bức hiếp người dân.
Tôi nói ví dụ, ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, cũng có những vùng trước đây đã nuôi chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng mà chính quyền cách mạng về, rồi giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt. Người dân phải đi nơi khác ở, đi khỏi cái vùng mà cha ông người ta đã đổ mồ hôi để mà xây dựng nên. Thì chính cái đó đã gây nên bất bình lớn trong dân chúng, mà chúng tôi trước đây ở Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý nhiều vụ việc như vậy.
Ví dụ như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, là một vùng mà bây giờ trở thành một đô thị mà ai cũng khen. Nhưng mà người dân Phú Mỹ Hưng bị giải tỏa sau đó đi đâu, và bây giờ sống như thế nào, chúng ta có biết không ?
Vì vậy mà lần này sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi kiên quyết đề nghị là Hiến pháp phải công nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người dân. Không nên để cho những tập đoàn lợi ích dựa vào sơ hở của luật pháp, để mua bán rồi đền bù một cách vô tội vạ, móc ngoặc với chính quyền để hưởng lợi ích riêng cho tập đoàn của họ, cho những cá nhân. Điều đó gây nên một sự bất công xã hội hết sức lớn hiện nay, và đã đẩy một số người dân bị mất đất trở thành bần cùng hóa.
Chính những điều đó đã gây bất ổn định về mặt chính trị tiềm ẩn, chứ không phải là kẻ xấu hay là mưu toan diễn biến hòa bình nào cả. Mà chính bản thân bộ máy chính quyền, vì cái lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm nên đã có những việc làm như vậy, đẩy người dân đến chỗ phải chống đối lại. Đó chính là sự bất ổn định về mặt chính trị.
RFI : Thưa ông, dư luận cũng đang rất trông chờ sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu đến tận nơi để tìm hiểu hồi trước Tết. Nhưng thực chất Mặt trận Tổ quốc có tác động được gì không ?
Lê Hiếu Đằng : Lần này tôi rất mừng là Mặt trận Tổ quốc Trung ương, thông qua Hội đồng tư vấn pháp luật đã đi khảo sát, và đã có những ý kiến ban đầu, trong đó lên án việc vi phạm pháp luật của chính quyền Tiên Lãng. Và gần đây có đoàn khảo sát của trung ương đã về Tiên Lãng, tuy chưa có kết luận nhưng cũng cho rằng việc làm của huyện Tiên Lãng là vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ là nếu Mặt trận quyết tâm làm – và để xứng đáng là một tổ chức chính trị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các nhân sĩ trí thức, thì Mặt trận phải quyết liệt làm cho ra lẽ vụ này. Phải đứng về phía lợi ích của người dân để bảo vệ cho họ. Như vậy Mặt trận mới có lý do tồn tại.
Chứ còn vụ việc này mà Mặt trận Trung ương không làm, thì người dân sẽ mất lòng tin, xem như Mặt trận chỉ tồn tại một cách hình thức, bởi vì đã không bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị, hoàn toàn có quyền đề nghị chính quyền cho gặp ông Vươn. Nhất là phải giám sát điều kiện của ông Vươn ở trong tù như thế nào, có bị nhục hình, bị uy hiếp tinh thần hay không. Một người tuy có những hành động phạm pháp, nhưng trong lúc tòa chưa xử, thì phải được bảo vệ.
Bởi vì chúng ta đã thấy qua thông tin là hàng loạt những vụ công an đánh chết người. Như vậy chúng ta phải ngăn chận tình huống xấu nhất xảy ra cho ông Vươn, bằng cách tiếp cận ông.
RFI : Theo ông nghĩ có nên huy động một lực lượng lớn kể cả quân đội vào vụ này như Tiên Lãng đã làm không ?
Lê Hiếu Đằng : Đây là tranh chấp dân sự, và việc này thật không đáng để huy động một lực lượng hùng hậu như vậy. Mà thiên hạ buồn cười nhất là cái ý kiến của ông Ca, giám đốc công an Hải Phòng, nói đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim.
Để giải tỏa một gia đình người dân như ông Vươn mà chính quyền Hải Phòng lại huy động cả một lực lượng hùng hậu như vậy, làm cho dân người ta thấy rằng có cái gì bất bình thường. Người ta hoàn toàn có thể hoài nghi là có những động lực bên trong, khiến chính quyền Hải Phòng cũng như Tiên Lãng đã xua quân đi giải tỏa, trấn áp một gia đình như vậy.
Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào ? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp.
RFI : Nhưng thời gian cũng đã lâu rồi, cho đến giờ chưa thấy chính quyền trung ương có ý kiến gì cả, liệu đây có là một dấu hiệu xấu không thưa ông ?
Lê Hiếu Đằng : Riêng về chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo là đề nghị chính quyền Hải Phòng phải làm rõ vấn đề này. Người dân đang chờ xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, và đồng thời là đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Nhưng rõ ràng là, tuy là đại biểu của dân, nhưng đoàn đại biểu Hải Phòng cho đến nay chưa có ai lên tiếng gì cả. Gần một tháng trời rồi mà sự im lặng đó –như trước đây ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có nói –là một « sự im lặng đáng sợ », và người ta cũng rất ngạc nhiên vì sự im lặng này.
Tôi nghĩ là chính quyền trung ương sẽ có thái độ rõ ràng hơn trong thời gian tới, chứ không thể nào như thế này được, làm cho người dân mất lòng tin.
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Ảnh: Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng, nay đã bị san bằng. Ảnh chụp ngày 10/01/2012. REUTERS/Stringer.
Nguồn: RFI


Asia Sentinel

Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 3: Sự khôn ngoan của những người nông dân

Tác giả:  David Brown
Người dịch: Đỗ Quyên
Hiệu đính: David Brown
Ngày 3-2-2012
Đây là phần cuối trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Đối với gần như tất cả nông dân trên toàn quốc, đổi mới ở Việt Nam – cuộc cải cách kinh tế đã chấm dứt nỗ lực thảm hại của Việt Nam nhằm xây dựng một nền kinh tế kiểu Xô Viết trong những năm sau “cuộc kháng chiến chống Mỹ” – có ý nghĩa như một sự chấm dứt chế độ nông trang tập thể. Các hợp tác xã với quy mô tương đương một làng đều bị giải tán – trừ một số rất ít ngoại lệ – và mỗi gia đình làm nông đều được thuê đất với thời hạn 20 năm. Được tự do lao động trên những mảnh đất của cá nhân và hưởng lợi từ chính lao động của mình, họ đã tạo ra một mức tăng trưởng kỳ lạ trong năng suất nông nghiệp.
Trong 15 năm kể từ 1993, sản lượng nông nghiệp tăng hơn 100% (hơn gấp đôi – ND). Cho đến năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cá và tôm nuôi, thậm chí ngay cả khi nhân lực dư thừa dịch chuyển từ làng xã ra làm việc ở các khu công nghiệp mới nở rộ.
Tuy nhiên, năm tới (2013), đợt thuê đất thời hạn 20 năm đầu tiên sẽ hết hạn. Tại Việt Nam, dường như có một quan điểm đồng thuận rằng cần phải xem lại luật đất đai. Vấn đề là xem lại thế nào. Diễn giải theo nghĩa đen thì các điều khoản có hiệu lực từ năm 1993 cho phép nhà nước lấy lại nông trang khi hết hạn cho thuê đất, mà không buộc phải đền bù. Theo các chuyên gia, dường như niềm tin của nông dân – rằng họ có thể giữ quyền tiếp tục lao động trên đất đai của mình – đúng là chỉ là niềm tin. Nó không có cơ sở pháp lý trong luật Việt Nam.
Những phát biểu học thuật gần đây khẳng định một quan điểm chung, cho rằng sự mơ hồ của luật đất đai hiện hành, sự thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính, cùng nguồn lợi nhuận mà những kẻ trong cuộc mau chóng có được khi cướp đất nông nghiệp của dân và chuyển hóa đất ấy sang các mục đích sử dụng khác, là nguyên nhân chính thúc đẩy tham nhũng trong chính quyền. Nhiều năm nỗ lực và ban hành thủ tục dường như chỉ làm tăng thêm nhiều cơ hội kiếm chác phi pháp. 90% khiếu nại dân sự gửi tới tòa án là có liên quan đến tranh chấp đất đai.
Thậm chí ngay cả khi quá trình không bị tham nhũng thẩm thấu vào, thì việc chuyển đổi đất đai từ mục đích chính là làm nông sang làm khu công nghiệp, bất động sản, đường xá và sân gôn, cũng là vấn đề ngày càng gây lo ngại. Bộ Nông nghiệp Việt Nam tính toán rằng trong giai đoạn 2001-2006, 376.000 hecta đất trồng lúa đã bị thu hồi, làm hơn 1 triệu nông dân bơ vơ. Luật sửa đổi luật đất đai năm 2003 – nhằm kích thích “phát triển” bằng cách đơn giản hóa các hợp đồng lớn – có vẻ như lại làm tăng tốc độ nông dân mất đất. Trong số 31.000 đơn khiếu nại liên quan đến đất đai trong năm 2007, khoảng 70% phản ánh việc được đền bù không thỏa đáng cho số đất bị thu hồi.
Chưa có bằng chứng vững chắc nào cho thấy bộ chính trị đã quyết định sửa đổi hiến pháp Việt Nam, bản hiến pháp với nội dung nêu rõ rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý.” Tuy nhiên, vụ nổ súng hồi đầu tháng 1 của một gia đình nông dân nhằm vào lực lượng cảnh sát được điều tới để cưỡng chế thu hồi 20 hecta đất nuôi cá của họ đã thể hiện vấn đề theo cách trần trụi nhất.
Phân tích vụ Tiên Lãng, tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị bình luận: “Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.
Giờ đây, dường như chỉ có một hành động quyết liệt của Đảng và chính phủ – nhằm bảo vệ quyền sở hữu của nông dân đối với mảnh đất mà họ đã lao động trên đó – mới có thể thỏa mãn dư luận Việt Nam. Chỉ có một thứ quyền không thể mơ hồ – là quyền sở hữu, chuyển nhượng, mở rộng hoặc cải thiện chất lượng đất đai tùy theo ý muốn của người nông dân – mới có thể xoa dịu nỗi lo sợ của họ. Nói tóm lại, Đảng và chính phủ chịu sức ép phải luật hóa truyền thống làng xã.
John Gillespie – một giáo sư Úc gần đây có nghiên cứu về cách thức các tòa án địa phương ở Việt Nam xử lý tranh chấp về quyền sở hữu – cho rằng còn nhiều ưu điểm khi đi theo hướng trên. Các thẩm phán, theo thông lệ, thường đẩy những người dân kiện tụng đến gặp trọng tài hòa giải, còn trọng tài thì có xu hướng rất mạnh là đề xuất phương án giải quyết dựa trên “lương tri và tình cảm của dư luận” hơn là căn cứ vào văn bản pháp luật. Gillespie phát hiện ra rằng họ làm thế bởi vì hòa giải chắc chắn là có khả năng cao hơn nhiều so với đương đầu cãi vã, trong việc đem lại một kết quả lâu bền cho tranh chấp đất đai.
Đó là giải pháp được hướng đến khi Đoàn Văn Vươn và các nông dân Tiên Lãng khác kháng cáo đối với lệnh của tòa án địa phương buộc họ phải rời khỏi trại cá mà họ đã lao động từ rất lâu và rất vất vả khó khăn để xây dựng nên. Các nông dân cùng với đại diện huyện Tiên Lãng đã nhất trí với cái giải pháp giữ thể diện mà trọng tài đưa ra. Tuy nhiên, chủ tịch huyện và chủ tịch xã của ông Vươn – hai anh em – nuốt lời.
Giấy trắng mực đen, hàng nghìn bài báo về vụ nổ súng ở Tiên Lãng đã xuất hiện trên báo chí Việt Nam, và còn hàng nghìn bài viết nữa được đăng tải trên không gian blog rất sinh động ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ động cơ của quan chức địa phương – những người đòi Đoàn Văn Vươn phải trả lại khu đất đầm lầy cho thuê và cuối cùng đã quyết định thu hồi trại cá của ông Vươn bằng vũ lực.
Quan chức địa phương nói với một cán bộ điều tra thuộc Mặt trận Tổ Quốc rằng họ muốn giúp chính phủ tránh phải trả một khoản tiền đền bù lớn, nếu thực sự một sân bay mới sẽ được xây dựng dọc bờ biển, như đã có tin đồn. Dân làng thì nói, cũng với nhân viên điều tra đó, rằng họ tin là các quan chức muốn kiếm chác bằng việc bán lại trại cá, và quả thật là đã có nhiều người mua xếp hàng sẵn sàng rồi.
Đây là một phép đo xem công chúng nghi ngờ tới mức nào những nguyên nhân bí mật đằng sau việc nhà nước thu hồi tài sản ở Việt Nam, mà chưa một nhà phân tích nào nói ra rằng: các quan chức chỉ đang cố làm điều mà họ cho là luật đất đai khiến họ phải làm.

Nguồn: Asia Sentinel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét