Nguyễn Quang A
Năm
2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại cống Rộc, xã
Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham
gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và
súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương. Ngày 7-1-2012
Cơ quan cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án “giết người và
chống người thi hành công vụ”.
Đây
là một vụ hết sức nghiêm trọng, sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam và
chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi và tác động sâu sắc đến luật đất đai
sắp tới.
Bài
này chỉ nêu ra vài câu hỏi dựa trên những thông tin do báo chí cung
cấp để góp phần vào cuộc tranh luận đó nhằm tránh những sự cố đáng tiếc
như vụ cưỡng chế thu hồi đất này.
Trước khi nêu ra các câu hỏi đó, cần tóm tắt các sự kiện do báo chí đưa cho đến 13-1-2012.
Theo
đó, anh Đoàn Văn Vươn, một người lính, một kỹ sư nông lâm, khi ra quân
năm 1986, đã trở về địa phương lấn biển, trồng cây, đắp đê để tạo thành
hồ nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều năm trời, Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ
hàng đã vật lộn với biển, bão tố và quần quật lao động đưa hơn 20.000 m3
đất, đá về để lấn, cải tạo biển thành đầm nuôi tôm. Anh đã mất đứa con
gái yêu 8 tuổi chính tại nơi đây.
Trong cuộc họp báo ngày 12-1-2012 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng, ông Lê Văn Hiền chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết:
năm 1993, huyện chỉ giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn, sau
đó ông Vươn lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức
hóa, được huyện ra quyết định giao đất bổ sung.
Như thế tổng cộng huyện đã giao cho anh Vươn 40,3 ha.
Theo
ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, huyện Tiên Lãng
giao 21ha đất bãi bồi cho ông Vươn vào ngày 4-10-1993 trước khi Luật Đất
đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993) và theo ông là căn cứ vào Luật Đất
đai năm 1987. Còn khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng
ra quyết định giao đất vào năm 1997.
Theo Người Lao Động, hết
thời hạn, UBND huyện ra quyết định thu hồi khu đầm này. Sau đó, các hộ
dân đã khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu hủy quyết định thu hồi
diện tích đầm trên. Tháng 11-2009, TAND huyện mở phiên sơ thẩm, bác đơn
khởi kiện của các hộ dân.
Các
hộ dân này đã kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Trong quá trình
thụ lý vụ án, ngày 9-4-2010, thẩm phán Ngô Văn Anh đã lập “biên bản
tạo điều kiện cho các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải
quyết vụ án” có đóng dấu của TAND TP Hải Phòng. Theo biên bản này, ông
Đoàn Văn Vươn sẽ rút đơn kiện, còn UBND huyện Tiên Lãng đồng ý cho ông
Vươn và các hộ dân tiếp tục thuê lại đầm. Tuy nhiên, vừa qua, UBND ra
quyết định thu hồi đất của ông Vươn và tổ chức cưỡng chế vào ngày 5-1.”
Ông chủ tịch huyện Tiên Lãng thừa nhận “ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế”.
Nói cách khác các lực lượng cưỡng chế đã tiến vào khu vực không bị
cưỡng chế, và việc nổ mìn, bắn súng đã xảy ra trên phần đất đó, chứ hoàn
toàn không phải trên phần đất của anh Vươn mà chính quyền muốn cưỡng
chế.
Vấn
đề mấu chốt ở đây là phải rạch ròi giữa đất công (do nhà nước hay một
cộng đồng sở hữu) và đất tư (do các cá nhân hay các tổ chức của
họ sở hữu).
Theo
luật tự nhiên, đất hoang được ai khai phá là đất của người ấy. Người
dân có thể sở hữu đất bằng cách khai khẩn đất vô chủ, mua hay nhận
chuyển nhượng đất đã có chủ (từ các chủ trước mà có thể nhà nước, cộng
đồng hay các cá nhân khác). Theo luật tự nhiên, đầm do người dân lấn
biển để nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng phải thuộc sở hữu
của họ.
Nói
như thế không có nghĩa là các cá nhân có thể xâm phạm đất đã
có chủ (dù là của nhà nước hay của các chủ khác); khi họ khai khẩn đất
được cho là đất hoang (nếu không có chủ sở hữu nào khác chứng minh đất
đó thuộc sở hữu của mình) thì nhà nước phải thừa nhận đất hoang được họ
khai khẩn là đất của họ. Đất do nhà nước sở hữu cũng phải có hồ sơ quyền
sở hữu như của cá nhân và cộng đồng, thí dụ đất của phủ chủ tịch cũng
phải có hồ sơ (sổ đỏ) giao cho một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước
nhất định (Văn phòng chủ tịch nước chẳng hạn) và phải được lưu trữ trong
hồ sơ của cơ quan quản lý đất đai giống như đất thuộc sở hữu khác.
Đáng
tiếc từ các năm 1980 đến nay nhà nước Việt Nam quy định “Đất đai thuộc
sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” ngược với luật tự nhiên
mà luật pháp của hầu hết các nước (kể cả Việt Nam trước kia) đều chấp
nhận (tức là thừa nhận sở hữu tư nhân về đất và có sự phân định rạch ròi
giữa đất công và đất tư). Đấy là điểm mấu chốt (bên cạnh việc nới rộng
hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất) mà luật đất đai (sửa đổi hay
mới) phải nên đưa vào.
Dưới
đây, chúng ta bám theo các luật đất đai hiện hành, bất chấp sự thiếu
sót nghiêm trọng nêu trên mà luật đất đai mới phải sửa đổi, để nêu ra
vài câu hỏi.
- Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm các luật đất đai hiện hành: huyện không được phép giao diện tích đất lớn như vậy theo bất cứ luật đất đai hiện hành nào. Hạn mức đất nêu trong các luật đó quá nhỏ không phù hợp với và cản trở sự phát triển của sản xuất và hiện đại hóa. Luật đã lạc hậu và tất cả các cơ quan nhà nước đều đã ngầm cho phép vượt rào về hạn mức. Và sự vi phạm này của các cơ quan nhà nước lại đáng hoan nghênh và lỗi hoàn toàn thuộc về Quốc Hội do đã chần chừ trong việc bãi bỏ hay nới rộng hạn mức.
- Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm quy định về thời hạn giao đất: theo Điều 20 Luật Đất Đai 1993 và Điều 67 của Luật Đất Đai 2003, thời hạn giao đất để nuôi trồng thủy sản là 20 năm, chứ không hơn, không kém.
- Và theo quy định của luật thì thời hạn của 21 ha phải đến 2014 mới hết 20 năm (không thể vin vào lý do giao đất 11 ngày trước khi Luật 1993 có hiệu lực vì khi đó chủ tịch huyện còn phạm tội cố ý lách luật do Luật này được ban hành ngày 14-7-1993 và có hiệu lực vào ngày 15-10-1993 và 11 ngày sau cũng phải hiệu chỉnh thời hạn); và thời hạn của 19,3 ha đất được giao năm 1997 phải đến 2018 mới hết hạn. Đó là chưa nói đến diện tích hồ do người dân lấn biển tạo ra mà thực chất phải thuộc quyền sở hữu của người khai phá có được coi là đất hay không, có thuộc phạm vi quy định của các luật đất đai hay không. Hơn nữa, chỉ được thu hồi đất theo Điều 26 và 27 của Luật đó (hay Điều 39 của Luật Đất Đai 2003) mà rõ ràng theo các điều này thì không thể thu hồi như quyết định của chủ tịch huyện Tiên Lãng.
Dựa vào thông tin diễn biến và 3 điểm nêu trên có thể nêu ra vài cấu hỏi như sau:
- Tại sao không xử lý chủ tịch huyện Tiên Lãng về những sự vi phạm pháp luật rành rành nêu ở điểm 2 và 3 kể trên trong suốt thời gian rất dài? Tại sao những kẻ lộng hành và thiếu hiểu biết về pháp luật lại được đưa vào các chức vụ quan trọng như vậy? Các nhà chức trách của thành phố Hải Phòng và trung ương tại sao đã không xử lý?
- Tại sao chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lại muốn thu hồi hơn 40 ha của anh Vươn để chia nhỏ rồi giao cho những người khác? Vì việc chia nhỏ không phù hợp với sự phát triển của kinh doanh nuôi trồng, phá hoại sản xuất. Và những người khác này là ai? Liệu có sự cấu kết giữa ông anh chủ tịch UBND huyện và ông em chủ tịch UBND xã? Việc thu hồi không đền bù là sự cướp đoạt tài sản một cách trắng trợn và trái luật và ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có phạm tội lạm quyền?
- Liệu quyết định thu hồi đất của chủ tịch huyện Tiên Lãng là trái luật? (Theo các thông tin nêu ở các điểm 2 đến 3 kể trên, thì quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái luật và việc người dân kiện chính quyền và việc tòa yêu cầu 2 bên hòa giải là minh chứng rõ ràng về sự vi phạm luật đó của chính quyền; chúng ta không bàn ở đây về chuyện “hòa giải” và biên bản hòa giải của tòa án, cũng như hành xử của chính quyền sau đó).
- Nếu quyết định thu hồi đất là trái luật, thì việc cưỡng chế thu hồi đất là trái luật và trong trường hợp đó những người tham gia cưỡng chế có thể được coi là “những người thi hành công vụ” hay không? Việc lực lượng cưỡng chế tiến vào đất không bị cưỡng chế đã minh chứng rõ ràng về việc làm sai trái của họ và như thế khó có thể gọi họ là những người “thi hành công vụ” mà phải gọi là “những kẻ lạm hành công vụ”. Và nếu như vậy thì quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” liệu có trái luật hay là sự lạm quyền?
- Tại sao bộ đội lại tham gia? Nếu bộ đội công binh được huy động để gỡ mìn chỉ sau khi mìn đã nổ thì còn có thể hiểu được. Nếu bộ đội được huy động để tham gia cưỡng chế từ đầu, thì không thể chấp nhận được; quân đội không được phép làm việc đó; sứ mạng của quân đội là chống ngoại xâm chứ không được tham gia giải quyết tranh chấp dân sự; trong trường hợp này phải đưa người đã lệnh cho bộ đội tham gia cưỡng chế ra trước tòa án binh. Bộ Quốc phòng phải làm rõ các vấn đề này để nhân dân được biết và nếu sai (tức là bộ đội được huy động từ đầu) thì phải xử lý nghiêm những kẻ vi phạm để bảo vệ uy tín của quân đội.
- Tại sao những người cưỡng chế lại mang vũ khí tiến vào khu nhà 2 tầng của anh Đào Văn Quý mà khu vực đó không phải là khu vực bị chính quyền thu hồi? Hành động đó có vi phạm chủ quyền của chủ nhà và các quyền công dân khác? Theo tôi là có, và vì thế họ không được coi là những người thi hành công vụ và hành động chống trả phải được xem là phòng vệ chính đáng.
Theo
tôi, nguyên nhân chính của vụ đáng tiếc xảy ra ngày 5-1-2012 tại cống
Rộc, Quang Vinh, Tiên Lãng, Hải Phòng là những sự vi phạm luật liên tiếp
của chủ tịch huyện Tiên Lãng như nêu ở trên và trong các câu hỏi ở các
điểm 4-7 và điểm 9 ở trên, cũng như sự vi phạm luật của chính quyền
trong việc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. Những người
lộng hành và vi phạm luật như ông chủ tịch huyện phải bị trừng trị.
Chính sự lộng quyền, sự vi phạm pháp luật trắng trợn của người đứng đầu
huyện Tiên Lãng đã đẩy gia đình anh Vươn vào bước đường cùng.
Và khi xem xét hành động đáng tiếc của anh Đào Văn Quý (người đã bắn) phải lưu ý đến bối cảnh ấy.
- Theo điểm 7 và 9 nêu trên, liệu hành động chống trả của anh Đào Văn Quý có phải là hành vi “phòng vệ chính đáng” hoặc hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 của Bộ Luật Hình sự?
- Tại sao Hội Nông Dân và Hội cựu chiến binh không can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên của mình trong suốt thời gian tranh chấp cũng như sau khi vụ việc đã xảy ra? Hay tổ chức xã hội dân sự nào có thể giúp những người cựu chiến binh và nông dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước sự lộng hành của các quan chức địa phương?
Để
trả lời cho các câu hỏi trên không thể giao cho chính quyền Hải Phòng
xem xét, như việc Bộ Tài nguyên môi trường giao cho sở Tài nguyên môi
trường làm rõ, mà các cơ quan trung ương phải nhanh chóng vào cuộc.
Và có thể còn phải đặt ra nhiều câu hỏi khác, thí dụ vai trò và trách nhiệm của Quốc Hội đến đâu?
Vụ đáng
tiếc ở Tiên Lãng ngày 5-1-2012 là vụ hết sức nghiêm trọng. Chúng ta chờ
xem Quốc Hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp hành xử ra sao. Nếu dung
túng các quan chức địa phương, không nghiêm trị các hành vi phạm pháp
luật của họ, nếu xử không công bằng đối với những người vừa bị bắt, thì
hậu quả có thể rất khó lường.
N.Q.A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét