Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

Ghi chú: Đây là bản đầy đủ đăng trên blog Hoàng Hường, những đoạn tô màu đỏ sẫm được biên tập cắt bỏ khi đăng trên Tuần VN.

Cáo lỗi, – Do bài trên blog Hoàng Hường đã bị gỡ bỏ, có thể vì sự “an toàn” nội bộ của TVN, nên cũng xin được gỡ bỏ phần “phụ trội”, giữ lại nguyên văn phần đã đăng trên TVN. Mong bà con thông cảm.
Tuần VietNam

Tướng Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

Hoàng Hường thực hiện

Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt.
Những ngày cuối năm Tân Mão, bên cạnh những lo toan bận rộn cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới gần, dư luận cũng không quên dành sự chú ý cho hai vụ án đang gây xôn xao: xét xử sát thủ Lê Văn Luyện, và vụ việc chống người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, cũng không ngoại lệ. Mang nặng những tâm tư, trăn trở lão tướng 86 tuổi chia sẻ suy nghĩ của ông về ‘vụ án Đoàn Văn Vươn’.
Quá đắt!

Sự việc xảy ra tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1 vừa rồi, chắc trung tướng đã biết. Quan điểm của ông như thế nào?
Theo tôi, sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước.
Những việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đã xảy ra từ cách đây 20 năm, từ những năm 1990 – 1992. Nhiều địa phương đã phải rút kinh nghiệm rồi, nhưng 20 năm sau một cấp ủy, chính quyền để xảy một sự việc như thế này là một vấn đề không thể chấp nhận được.
Sự việc đúng – sai sẽ còn phải thẩm tra nhiều trên cơ sở các văn bản luật, và Luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm; nhưng dù thế nào đi nữa thì việc để xảy ra sự việc vẫn không thể được. Chưa nói đến việc có thể có việc làm sai luật hay có những động cơ không trong sáng ở phía chính quyền địa phương đằng sau, thì cái sai càng đặc biệt nguy hiểm.
Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt. Tính chất chính trị của vụ việc sẽ có những tác động sâu xa đến chế độ này như thế nào?
Có thể nói, chủ trương của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính quyền địa phương trong vụ việc này đã không trên cơ sở vì lợi ích của quốc gia và nhân dân; đặc biệt là lợi ích quốc gia là trên hết.
Cho dù luật có thể có hạn chế, nhưng một cấp ủy vì dân sẽ biết cách hạn chế được những thiệt hại đó. Còn việc Luật hiện nay có phù hợp không thì ta phải chờ Quốc hội bàn bạc. 
Để xảy ra hậu quả này, không chỉ chính quyền Tiên Lãng, mà những lãnh đạo cấp trên như TP Hải Phòng, bộ ngành phải đều phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ngạc nhiên một sự việc nghiêm trọng như vậy đã xảy ra mà đến giờ này các cấp lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa hề có tuyên bố gì chính thức, vẫn chỉ để ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng phát biểu.
Không lẽ Tỉnh ngồi đó, để mặc Huyện và Xã tự làm gì thì làm?
Dù sao vẫn còn may dân mình rất hiền lành, kiên nhẫn, và nghe theo lời của Đảng và Nhà nước. Cho nên có những việc người dân biết mình bị thiệt hại nhưng họ thấy thôi dân mất nhưng Nhà nước được thì cũng thế cả, nên người dân kiên nhẫn chứ không phải họ không biết gì đâu. Nhưng cũng có những người không kiên nhẫn, kiềm chế được thì xảy ra manh động. Đây là lỗi của những lãnh đạo cấp ủy.
Qua báo chí, tôi đọc lời phát biểu của ông nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, Tiên Lãng, người đã giao đất cho anh Đoàn Văn Vươn mười mấy năm trước thấy rất nhiều vấn đề. Ông là người thế hệ trước, là người giao đất và chứng kiến người nông dân ấy vỡ hoang từ những ngày đầu. Ông cũng là người nắm rõ chủ trương và hoàn cảnh của người dân nhất.
Những anh sau này mới lên thì đã biết gì, sao nắm được những lịch sử ấy mà lại hồ đồ cho rằng “anh Vươn không có công lao gì”, rồi dùng quyền lực cá nhân áp đặt. 
Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang:“Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng“Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”Theo Vnexpress

.

Chưa nói sau những việc này là động cơ gì thì còn sâu xa hơn nữa. Những người đó sao đại diện cho dân được.
Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.
Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước.
H.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét