Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

TỪ THẮNG MĨ TỚI THẮNG GIẶC BÀNH TRƯỚNG


Minh Tiến, ghi theo lời kể của Nguyễn Văn Loan
chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 1, đoàn An Lão*.


Tôi vào bộ đội được 8 năm, từ một chiến sĩ trưởng thành lên cán bộ, nhưng chưa bao giờ xa đại đội 3, tiểu đoàn 1, đoàn An Lão này lấy 1 tháng. Anh em bảo tôi là lính cựu nhất của đơn vị thì cũng đúng. Năm 1972 tôi tham gia chiến dịch Quảng Trị, giải phóng thị xã Đông Hà**, sau đó theo đơn vị vào chiến trường Khu 5, đánh Mĩ ở Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến khi bước vào chiến dịch Mùa Xuân đại thắng năm 1975.

Tôi còn nhớ buổi sáng ngày 16-4, hôm đó tôi được lệnh dẫn 2 chiến sĩ trong tổ của mình là Phạm Văn Mưu và Nguyễn Văn Quân đi chặn địch ở nam thị xã Phan Rang. Chúng tôi mang theo mỗi người 1 khẩu súng, 6 băng đạn, còn lựu đạn thì giắt kín thắt lưng. Từ sáng đến trưa, 3 chúng tôi vẫn nép mình trong những bờ cây lúp xúp ở 2 bên đường để đợi địch, nhưng chỉ thấy hàng trăm chiếc xe chở bà con di tản từ Nha Trang chạy về Biên Hoà. Sốt ruột, Quân liền hỏi tôi :
- Anh Loan ạ, biết đâu tụi lính chẳng trà trộn trong đám bà con đó ?
Tôi dặn Quân và Mưu phải hết sức kiên trì, nóng máy là không ăn. Tin trinh sát buổi sáng cho biết bọn sĩ quan của bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 3 ngụy, sau khi chạy khỏi thị xã vẫn còn lẩn khuất đâu đây, chưa ra khỏi cánh đồng muối Cà Ná. Bỗng từ một bờ ruộng bên kia, tôi thấy có một tốp người đang len lỏi theo những hàng cây đi lên đường. Mặt mũi đứa nào đứa nấy hốc hác, quần áo lấm láp đầy bùn, vẻ mặt sợ hãi. Nhanh chóng, tôi ra lệnh cho Quân và Mưu vận động sang bên kia đường. Vọt đến trước mặt chúng, tôi cắp ngang khẩu AK, đẩy nấc khoá an toàn rồi quát :
- Hàng thì sống, chống thì chết ! Giơ tay lên !
Thế là cả bọn 7 tên, không đứa nào bảo đứa nào đều giơ tay lên trời. Được tôi và Quân yểm hộ, Mưu bước đến chĩa súng vào một tên cao nhưng gầy, mặt vuông, râu lún phún ở cằm rồi hỏi :
- Mày tên gì ?
- Dạ, tôi là Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng, tư lệnh quân đoàn 3 tiền phương.
- Súng mày đâu ?
- Dạ, thưa tôi không còn súng nữa.
Mưu đưa mắt hỏi tên thứ hai :
- Còn mày ?
- Thưa, tôi là Phạm Ngọc Sang, chuẩn tướng, tư lệnh sư đoàn không quân số 6, phụ tá cho ông này. Thưa, tôi còn súng, còn đủ cả băng đạn.
Nói xong, hắn đặt khẩu súng ngắn lên lòng bàn tay. Tôi nhanh chóng tiến đến tước ngay khẩu súng và chỉ vào máy điện đài đeo lủng lẳng trước ngực hắn, hỏi tiếp :
- Cái này của mày còn nói được không ?
- Dạ thưa, một đêm ngâm nước, có lẽ hỏng rồi.
Tôi hỏi đến 5 tên khác. Tất cả bọn chúng đều nằm trong bộ chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, có tên làm cận vệ cho tên Nghi. Chúng tôi dẫn chúng về đơn vị thì trời vừa tối. Sáng hôm sau tôi tiếp tục dẫn tổ của mình đi chặn địch, bắt thêm được 65 tên khác, trước khi đơn vị được lệnh hành quân tham gia giải phóng Sài Gòn.
Khẩu AK số hiệu 6907 của tôi trong trận đó, giờ còn để ở phòng truyền thống sư đoàn. Hôm bàn giao nó tôi cứ tiếc mãi. Tôi nói với chính uỷ Biền :
- Chính ủy cứ cho tôi giữ khẩu súng đó. Xa nó thì tôi nhớ lắm !
Nhưng chính ủy không nghe, anh nói :
- Khẩu AK bây giờ không còn là của cậu nữa. Nó là kỉ vật chung của cả sư đoàn. Mình thay cho cậu khẩu K54 mới toanh. Được chứ ?
Sau ngày miền Nam giải phóng, trong thời gian huấn luyện tôi được đề bạt làm cán bộ trung đội rồi làm chính trị viên đại đội 3 này.
Tháng 7-1976, tôi được nghỉ phép 15 hôm, đó là chuyến phép đầu tiên trong đời bộ đội. Tôi cưới vợ trong kì phép đó. Vợ tôi là một bạn gái học sinh cùng quê Lục Ngạn, Hà Bắc, và sau đó chúng tôi có con.


Đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân lên Lạng Sơn làm nhiệm vụ và đã chiến đấu suốt trong thời gian qua với bọn giặc Bắc Kinh, từ đầu đến cuối chiến dịch.
Buổi sáng ngày 18-2, sau 1 ngày 1 đêm thúc quân lên chiếm các điểm cao ở khu vực Đồng Đăng không xong, bọn chúng liền đánh chiếm chốt đơn vị tôi. Lúc đó tôi đi với trung đội 2, bên cạnh là các chiến sĩ bắn trung liên Nguyễn Đình Lập, Nguyễn Văn Bình. Khoảng 8 giờ 20 thì tôi nhận được thông báo có triệu chứng địch sắp tiến công. Chỉ 1 lúc sau, pháo địch đã bắn gấp vào trận địa, vào các mỏm 2 bên, sau đó chúng ồ ạt xông lên. Tiếng kèn sừng dê, tiếng kèn đồng ré lên trong tiếng đạn các cỡ. Chúng đặt khẩu đại liên trên 1 quả đồi Chậu Cảnh bắn chéo cánh sẻ vào đội hình phòng ngự của 2 trung đội ta. Đạn tuôn xối xả. Tôi hỏi Bình :
- Cậu có cách nào kiềm chế nó không ?
- Báo cáo, có !
Nói xong, Bình cúi rạp người, bắn 1 loạt ngắn trung liên nhưng đạn đi thấp cắm vào đất, bụi mù. Bình chuyển điểm ngắm, bắn tiếp, trúng ngay 1 tên đỡ băng đạn đại liên. 1 thằng khác nhảy lên đúng vào lúc tôi vừa xoay khẩu AK về phía nó. Tôi bóp cò, 2 tên địch trúng đạn, chết ngay tại chỗ. Diệt được khẩu đại liên rồi, đã đỡ 1 phần đạn thẳng nhưng hoả lực cối 60 ly của chúng lúc này có phần dữ dội và ác liệt hơn. Chúng bắn theo kiểu ô vuông, quả nọ cách quả kia chưa đầy 3m, mảnh bay rào rào. Tôi động viên :
- Cối địch bắn nhiều đó, nhưng phải để mắt vào thằng bộ binh, chớ để nó leo lên.
Tôi nói chưa xong thì phía sau, 3 cái bóng đã nối nhau vụt lên. Đó là những tên lính Bắc Kinh đầu tiên vượt qua được tầm lựu đạn của chúng tôi, đánh vu hồi. Bỗng tôi nghe tiếng đạn nổ rất âm và sau đó là tiếng báng súng nện xuống một nhát. Một ý gnhĩ loé lên trong tôi : "Ta hay địch ở đó ?".
Thì ra chiến sĩ Tĩnh tiểu đội 4 đã đoán trước được thủ đoạn của thằng địch, cậu ta nép mình vào đoạn ngoặt của hào, giơ súng sát ngực tên đi trước bóp cò rồi quay báng súng nện vào đầu tên đi sau. 2 tên chết tại chỗ, tên thứ 3 vội vàng tuột xuống dốc như kiểu trẻ con ngã cầu trượt. Cũng ngay lúc đó, cậu Hợp, trung đội phó trung đội 2 nhanh chóng điều động chiến sĩ mình, nhảy ra công sự, chia đồi hình đánh vòng sang quả đồi Bằng, tiêu diệt tại chỗ 30 tên lính Trung Quốc ngay dưới chân dốc.
Đánh từ 8 rưỡi đến 15 giờ thì toàn đại đội tôi đã diệt được hơn 200 tên và thu được 38 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu B41 còn đạn thì 7, 8 hòm gì đó. Được trung đoàn chi viện, sang các ngày 19, 20 và 21-2, đại đội vẫn đánh địch xung quanh khu vực các ngọn đồi Công Bình, đồi Bằng, đồi Chậu Cảnh, giành đi giật lại với địch, có ngày chiến đấu đến 20 đợt, một số anh em bị thương nhưng chốt vẫn vững. Tôi bị thương ở cánh tay vào sáng 22-2, vết thương ra nhiều máu, không nâng được khẩu AK lên để bắn, có lúc ngất đi và anh em đã đưa tôi về bệnh xá trung đoàn lúc nào không biết. Ba bốn ngày nằm sau hậu tuyến, tôi nhớ đơn vị quá, ai còn ai mất. Đơn vị chỉ còn anh Quế là cán bộ cấp trưỏng. Tôi nhớ cậu Bình, cậu Lập, cậu Nhất những tay súng mới vào trận đầu mà đã lập công xuất sắc. Tôi giơ thử cánh tay phải lên tập, ban đầu đau tưởng ngất đi nhưng rồi dễ chịu dần. Vết thương tuy chưa lành nhưng có phần nào đỡ đau nhức. Tôi nảy ra ý định rời bệnh xá để lên chốt. Không lên chốt lúc này cảm thấy không sao chịu được, nhưng nếu tôi đề nghị thì chắc không được mà thêm rắc rối cho các anh phụ trách. Tôi xé mảnh giấy trong sổ công tác và viết :

"Kính gửi anh Khuynh phụ trách bệnh xá trung đoàn
Trước khi về lại chốt đáng lẽ tôi phải đến gặp các anh nhưng tôi trình bày thì các anh sẽ không chấp nhận. Tôi nằm ở bệnh xá trung đoàn đúng 4 đếm, 3 ngày rồi. Vết thương ở cánh tay đã đỡ, tôi không quên ơn đó của các bác sĩ, y tá. Hiện nay anh em đại đội 3 đang chiến đấu trên đồi Địa Chất, đồi Chậu Cảnh, tôi là 1 chính trị viên, 1 bí thư chi bộ nên phải có mặt ở chốt để động viên, nắm đơn vị cùng anh em chiến đấu. Lúc bị thương, tôi chưa kịp trao đối công việc với một ai trong đơn vị. Tôi chịu nhận khuyết điểm với các anh về việc chấp hành chưa tròn nội quy của bệnh xá nhưng nếu tôi không có mặt ngoài đó lúc này thì tôi cảm thấy chưa tròn trách nhiệm. Cũng có thể tôi suy nghĩ chưa đầy đủ lắm, nhưng thú thực với các anh, không lên chốt lúc này tôi cảm thấy không chịu được. Tôi viết thư này và nhờ đồng chí Huấn, chiến sĩ đại đội 3 nằm cùng lán gửi các anh.

Bệnh xá ngày 26-2-1979
Kính thư
Nguyễn Văn Loan
chính trị viên đại đội 3 tiểu đoàn 1

Tôi gấp lá thư vào 1 cái phong bì, để đầu giường Huấn rồi dặn :
- Các anh ấy có gay quá thì cậu nói giùm là mình sốt ruột quá nên đã ra đi từ đem hôm qua.
Nói xong tôi xốc balô và một mạch theo đường tải đạn đi về ga Tam Lung để lên chốt. Trong màn sương mờ đục, tiếng súng lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng pháo cầm canh của quân ta đang rót lên khu vực Đồng Đăng. Con đường dốc đi lên điểm cao Công Bình mọi ngày là thế, bây giờ tôi thấy dài hơn. Dọc đường, tôi tranh thủ quan sát các quả đồi để tìm dấu vết còn lại sau các trận đánh.
Ở đồi Công Bình, tôi đếm được 120 cái vỏ băng cá nhân của lính Trung Quốc vất dọc lối đi nhuốm đầy máu. Một vài cái cáng làm bằng 2 đoạn tre tươi, giữa quấn dây thừng kiểu mắt cáo, dùng để khiêng những thằng bị thương hoặc chết.
Tới 1 lối nhỏ ở đồi Chậu Cảnh, tôi nhìn thấy 3 xác lính Trung Quốc nằm úp lên nhau đã bốc mùi thối.
Đi hết quãng nữa, bỗng tôi gnhe tiếng anh em reo to :
- Chính trị viên lên rồi anh em ơi !
Thế là không ai bảo ai, các chiến sĩ đều chạy ra quây quần lấy tôi. Anh em mừng lắm, 1 chiến sĩ nói :
- Mấy bữa xa anh, tụi tôi rất nhớ, nhưng đơn vị vẫn kiên quyết đánh thắng giặc Trung Quốc bành trướng.
Tôi ôm chặt vai Bình và hỏi :
- Bình giết được bao nhiêu tên rồi ?
- Báo cáo, bằng các bạn. Hai chục tên.
Tôi hỏi 1 chiến sĩ khác :
- Các cậu có bắt được tên tù binh nào không ?
- Chưa bắt được anh ạ. Làm thế nào để tóm gọn một lô như hồi anh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, bắt một lúc 2 thằng tướng.
- Yên chí, nó còn thua đau, còn dốc quân vào đây thì anh em ta còn thời cơ bắt hàng đoàn.
Động viên anh em xong, tôi đi gặp ngay anh Quế để hội ý công việc. Chuẩn bị cho đơn vị đánh lâu dài.
Anh Quế nói với tôi :
- Mấy bữa anh đi viện, anh em ở nhà đánh tốt lắm, nhất là anh em trẻ. Cậu Bình, cậu Hợp, chỉ qua 1 trận là học được cách đánh của cán bộ, phán đoán đúng ý đồ của địch, diệt chúng từ lúc chúng mới có ý định tiến công lên chốt. Cả 3 trung đội đánh rất đều.
Tôi cũng nghĩ như thế. Chiến sĩ phần lớn rất trẻ, lại có trình độ văn hoá, có lòng yêu thương và tự hào dân tộc rất cao, có chí căm thù giặc sâu sắc, tiếp thu kĩ thuật, chiến thuật nhanh. Sức mạnh 1 người hoá thành 5 thành 10. Sức mạnh của đại đội cũng bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của trung đoàn 870 địch trong suốt 1 tuần đầu chiến đấu.
Hội ý xong, chúng tôi đi tiếp đến từng ngách hào, nơi các chiến sĩ đang sẵn sàng nổ súng.


Không được đụng tới Việt Nam, NXB QĐND 1979.

* : có lẽ là trung đoàn 2, thuộc sư đoàn 3 Sao Vàng.

** : đơn vị giải phóng TX Đông Hà năm 1972 là trung đoàn 36 và 88 thuộc sư đoàn 308. Có lẽ tiểu đoàn của đ/c Nguyễn Văn Loan sau này đã được nhập vào sư đoàn 3-thời điểm 1972 đang chiến đấu ở Bình Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét