Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Lịch sử sư đoàn Sao vàng (mặt trận lạng sơn)

MẶT TRẬN LẠNG SƠN 1979

(Trích kí sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng)


Về tình hình sư đoàn 3 Sao Vàng và tỉnh Lạng Sơn trước ngày 17-2-1979 (Tóm tắt).


Tháng 6-1976, trước những âm mưu của giới cầm quyền Bắc Kinh, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN điều sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 ra phía bắc, làm nhiệm vụ thường trực cơ động của Quân khu 3 và của Bộ.
Ngày 13-7-1976, chuyến xe đầu tiên của sư đoàn 3 lên đường. Đầu tháng 8-1976, cuộc hành quân cơ giới dài 1.400km của sư đoàn đã kết thúc. Các cơ quan và nhân dân 2 huyện Lục Nam, Lục Ngạn (Hà Bắc) tích cực giúp đỡ sư đoàn ổn định nơi đóng quân.
Từ tháng 8-1976, sư đoàn 3 vừa làm nhiệm vụ thường trực cơ động, sẵn sàng chiến đấu vừa làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, huấn luyện chiến sĩ mới cho Quân khu 3.

Thời gian này sư đoàn còn đang thực hiện chính sách phục viên, xuất ngũ cho bộ đội. Nhận tháy những khó khăn, phức tạp khi bước vào chiến đấu ngay do thiếu cán bộ cơ sở, chuyên môn kĩ thuật do ra quân hàng loạt, sư đoàn đã chủ trương động viên những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, trình độ ở lại giúp đào tạo các cán bộ, pháo thủ, y tá, thông tin, huấn luyện chiến sĩ mới. 2 tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới và đào tạo hạ sĩ quan được tổ chức, các lớp đào tạo y tá, báo vụ, pháo thủ liên tục mở. Nhờ đó trong thời gian ngắn sư đoàn đã có hàng ngàn chiến sĩ nòng cốt đủ khả năng chiến đấu. Đây là 1 chủ trương sau này được đánh giá là nhạy bén và kiên quyết.
Mọi công việc vừa hoàn thành thì trung tuần tháng 7-1978, sư đoàn 3 được lệnh về QK1 phòng thủ ở đông nam Cao Lạng.

Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới khác, có địa hình chủ yếu là đồi núi kế tiếp, xen kẽ nhau. Tỉnh có 10 huyện thì 5 huyện nằm dọc biên giới với chiều dài 253km (từ cột mốc 1 đến mốc 61), bắc giáp Quảng Tây (TQ), đông giáp Quảng Ninh, tây giáp cao Bằng, nam giáp Hà Bắc với các con đường chiến lược 1A, 1B, 4A, 4B. Tuyến đường sắt chạy song song với đường 1A từ Hà Nội đến mốc số 0 ở Hữu Nghị Quan.
Lạng Sơn là tỉnh biên giới gần Hà Nội nhất (150km), có đường sắt, đường bộ, thuận tiện cho di chuyển lực lượng. Vì vạy khi chiến tranh nổ ra nhất định đây sẽ là hướng tiến công chủ yếu của TQ.

Trung tuần tháng 7-1978, toàn sư đoàn 3 cùng trung đoàn pháo 166, trung đoàn cao xạ 272 của quân khu và nhiều đơn vị trực thuộc khác của Bộ đã có mặt ở Lạng Sơn.
Ngày 9 và 10-8-1978, Đảng ủy sư đoàn họp, thông qua phương án phòng ngự của sư đoàn.
Những ngày sau đó, một đợt mở đường, xây dựng trận địa diễn ra sôi nổi và khẩn trương. Bộ đội và nhân dân Lạng Sơn tất cả đều đổ ra mặt đường, trên các điểm cao. Bộ tư lệnh sư đoàn vừa đôn đốc xây dựng trận địa, vừa cho các đơn vị ôn luyện, học tập. Sau 5 tháng, hơn 113.500 mét khối đất đã được đào đắp, gần 20.000 công sự được xây dựng, hàng trăm bãi mìn hỗn hợp, bãi vật cản được bố trí và ngụy trang dọc biên giới.

Đầu tháng 10-1978, Bộ Chỉ huy ặmt trận thống nhất nam Cao-Lạng được thành lập do đ/c Nguyễn Duy Thương, tư lệnh sư đoàn 3 làm chỉ huy trưởng, đ/c Hoàng Trường Minh, uỷ viên TW Đảng, bí thư tỉnh ủy Cao Lạng làm chính uỷ. Thành phần BCH còn có các đ/c đại diện UBND tỉnh, BCHQS tỉnh, ty công an và thị đội Lạng Sơn. Song song, ban chỉ huy thống nhất các huyện cũng được thành lập gồm huyện ủy, huyện đội và cán bộ chỉ huy trung đoàn. Theo chỉ thị trên, BCH mặt trận thống nhất nam Cao Lạng rút một số cán bộ sư đoàn 3 về tăng cường cho các trung đoàn của tỉnh, tiểu đoàn của huyện đồng thời đảm nhiệm bồi dưỡng, huấn luyện kxi chiến thuật cho địa phương. Các tiểu đoàn bộ đội địa phương của thị xã Lạng Sơn và các huyện Văn Lãng, Cao Lộc bố trí trong đội hình các trung đoàn chủ lực do trung đoàn chỉ huy.
Đến cuối tháng 1-1979, trận địa phòng gnự thê đội 1 của sư đoàn căn bản được xây dựng xong với chiều dài 60km. Trận địa thê đội 2 cũng đang đưọc triển khai. Khu phòng gnự của sư đoàn tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã được chuẩn bị súng đạn, công sự, lương thực, nước uống khá chu đáo.
Ở biên kia biên giới, quân TQ cũng làm tương tự.

Đầu tháng 7-1978 xảy ra vụ nạn kiều, hàng vạn gia đình người Việt gốc Hoa kéo qua Hữu Nghị QUan. Ngày 12-7, phía TQ đột ngột đóng cửa khẩu khiến số người này phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ngày 25-8, giữa lúc các nhân viên y tế và một số phụ nữ Vn đang chăm sóc những người Hoa đau yếu thì TQ cho côn đồ từ bên kia biên giới tràn sang dùng dao quắm, gậy gộc hành hung. Các chiến sĩ đồn 193 bộ đội biên phòng ở Hữu Nghị Quan đã kiên quyết đánh trả bọn địch, và Lê Đình Chinh, người chiến sĩ ưu tú đã anh dũng hy sinh trong lúc trừng trị những hành động côn đồ của giặc.
Ngay sau đó, một phong trào thi đua, học tập gương anh dũng của Lê Đình Chinh đã dấy lên khắp các đơn vị. Chiến sĩ trinh sát mới nhập ngũ Nguyễn Văn Tân của trung đoàn 12 trong một lần đi tuần tra bị một toán lính Trung Quốc nhảy ra bắt cóc. 1 tên lao tới ôm chặt lấy tân, rất nhanh, anh lộn người né tránh, rút dao cắm vào giữa lưng hắn. Đó là tên lính TQ đầu tiên bị chiến sĩ sư đoàn Sao Vàng tiêu diệt.

Cuối năm 1978, thượng tướng Chu Huy Mân, chủ nhiệm tổng cục Chính trị; đại tưóng Văn tiến Dũng, bộ trưởng Quốc phòng; trung tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng; trung tướng Hoàng Minh Thảo, giám đốc Học viện Quân sự lần lượt lên thăm và kiểm tra tình hình sư đoàn.

Sau sự kiện Hữu Nghị Quan 25-8-1978, tỉnh ủy và UBND Lạng Sơn cho các xưởng cơ khí toàn tỉnh ngừng sản xuất hàng, tập trung làm chông sắt, cọc sắt xây dựng trận địa phòng ngự. Dân quân sát cánh cùng bộ đội và biên phòng tuần tra, sẵn sàng trừng trị bọn thám báo đột nhập vũ trang, khiêu khích.

Mùa xuân 1979, sư đoàn 3 nhận được lẵng hoa do Chủ tịch Tôn Đức thắng gửi tặng. trong buổi lễ đón nhận, chính uỷ sư đoàn Nguyễn Khắc hào bày tỏ sự cảm ơn và hứa : "Nếu kẻ thù liều lĩnh xâm phạm biên giới Tổ quốc, sư đoàn kiên quyết đánh thắng chúng ngay từ trận đầu, thắng liên tục, thắng giòn giã để bảo vệ biên giới Tổ quốc...".

Hơn một tháng sau đó, ngày 17-2-1979, chiến tranh biên giới chính thức bùng nổ. 


NGÀY 17-2-1979
(Trích kí sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng)


Đầu tháng giêng, khi cuộc chiến đấu ở biên giới phía tây nam bước vào giai đoạn kết thúc (ngày 7-1-1979, theo yêu cầu của bạn, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với quân giải phóng Campuchia tiến vào giải phóng Phnom Penh) thì ở biên giới phía bắc, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta cũng được lệnh tăng cường cảnh giác, sẵn sàng giáng trả bất kì hành động đien cuồng nào của bè lũ phản động Bắc Kinh.
Bấy giờ đang là mùa xuân nhưng bầu không khí ở biên giới Việt-Trung lúc nào cũng căng thẳng. Một cuộc tiến công xâm lược trên quy mô lớn của địch đang được gấp rút chuẩn bị. Tính đến ngày 16-2-1979, 9 quân đoàn thuộc 5 đại quân khu trong số 11 đại quân khu của chúng, 4 sư đoàn địa phương, 1.908 khẩu pháo từ 85mm đến 152mm cùng hàng trăm dàn hoả tiễn của 41 trung đoàn đã được lệnh chuẩn bị tiến công ồ ạt sang lãnh thổ Việt Nam.
Với 1 lực lượng quân số và vũ khí to lớn như vậy, bọn bành trướng Bắc Kinh chủ định tiến công trên 2 hướng : hướng chủ yếu từ Cao Bằng đến Quảng Ninh; hướng thứ yếu từ thị xã Lào Cai đến Phong Thổ, Hà Tuyên. Trên 2 hướng này, chúng sẽ tiến công vào 6 khu vực trong đó có 3 khu vực trọng điểm là 3 thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Trong 3 khu vực kể trên, thị xã Lạng Sơn, nơi sư đoàn 3 bố trí trận địa bảo vệ được coi là khu vực chủ yếu nhất, vì đó là bàn đạp tốt nhất để tiến tới Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ.
Hứa Thế Hữu, nguyên tư lệnh đại quân khu Quảng Châu, người cộng sự thân thiết của Đặng Tiểu Bình được bổ nhiệm làm tư lệnh mặt trận. Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Vũ Hán, người từng chỉ huy cuộc chiến tranh ở Triều Tiên trước đây được giao nhiệm vụ đặc trách chỉ huy các cuộc hành quân trực tiếp xâm lưọc Việt Nam. Cả 2 tên tướng cáo già này đinh ninh chỉ trong 2 ngày 17, 18 với một lực lượng quân sự áp đảo chúng sẽ làm chủ Cao Bằng-Lạng Sơn-Lào Cai để tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược vào sâu lãnh thổ Việt Nam. Sở dĩ chúng chọn thời gian này và chọn ngày 17-2 là ngày khởi đầu cuộc tiến công vì cho rằng lúc đó đại bộ phận lực lượng của ta còn đang giải quyết hậu quả ở mặt trận Tây Nam và ngày 17 còn là ngày cuối tuần, ngày mà dư luận thế giới thường ít quan tâm đến tình hình quốc tế. nếu giành được thắng lợi trọn vẹn trong 2 ngày, chúng sẽ đặt dư luận vào một việc đã rồi. Mặt khác, bất ngờ tiến công trên toàn tuyến biên giới phía bắc, chúng hy vọng có thể buộc các lực lượng chủ lực của Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở campuchia phải rút về nước. Nhờ thế bọn tàn quân Pol Pot sẽ thôi bị truy kích và có điều kiện phục hồi trở lại.

3 giờ 30 phút sáng ngày thứ bảy, 17-2-1979, mặt đất 3 huyện Trà Lĩnh, Hà Quảng, Quảng Hoà (Cao Bằng) rung lên dữ dội trong tiếng nổ tội ác của đạn pháo đủ các loại từ bên kia biên giới bắn sang, mở đầu cho cuộc tiến công xâm lược quy mô trên tuyến biên giới của bọn phản bội Bắc Kinh.

Sau loạt đạn pháo đầu tiên của quân Trung Quốc, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 nhận được điện khẩn của Bộ Tư lệnh Quân khu 1 : "Địch bắn pháo và có khả năng tiến công Cao Bằng. Hướng sư đoàn 3 cần tăng cường cảnh giác và nhanh chóng tổ chức đơn vị sẵn sàng chiến đấu".
Ngay sau đó, cán bộ chủ trì các cấp đang tập huấn ở sư đoàn và quân khu được lệnh nhanh chóng về đơn vị và mệnh lệnh chiến đấu được chuyển ngay xuống các điểm tựa, các trận địa hoả lực toàn sư đoàn.
5 giờ sáng, giữa lúc bầu trời còn dày đặc sương mù, pháo địch bắt đầu bắn phá trên đất Lạng Sơn. Dọc tuyến biên giới từ mốc số 15 (Văn Lãng) đến mốc số 45 (Lộc Bình), dọc trục đường 1A từ Hữu Nghị Quan đến Tam Lung, dọc trục đường 1B từ Thâm Mô đến Đồng Uất và các điểm cao quanh thị trấn Đồng Đăng dày đặc khói đạn.
Mở đầu cuộc tiến công vào Lạng Sơn, địch dùng lực lượng của 2 quân đoàn 55 và 43, 1 trung đoàn bộ binh địa phương, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, được pháo binh chi viện tối đa tiến công trên 2 hướng :
- Hướng chủ yếu do 2 sư đoàn tăng cường, 2 tiểu đoàn xe tăng của quân đoàn 55 đảm nhiệm đánh chiếm thị trấn Đồng Đăng, Tam Lung, Khôn Làng, Tân Yên tổ chức thành 3 cánh.
+Cánh chủ yếu do sư đoàn 163 tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng bắt đàu từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan tiến theo đường bộ, đường sắt đánh chiếm Đồng Đăng, Pháo Đài, điểm cao 339, Thâm Mô, 505, 423 và ngã ba đưòng 1A, 1B.
+Cánh phối hợp do sư đoàn 164 tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng xuất phát từ mốc 15, 16 đánh chiếm xã Tân yên, tân Thanh, cắt đứt đường 4A từ Đồng Đăng đi Na Sầm, chiếm các điểm cao 386, 438 thọc ra Con Khoang chiếm Khôn Làng.
+Cánh vu hồi do 1 trung đoàn bộ binh trang bị gọn nhẹ xuất phát từ mốc 19, 20 bí mật luồn lách vượt qua điểm cao 811, 675, 611 đánh chiếm điểm cao 409, khu đồi Chậu cảnh, cắt đứt đường 1A tại ngã ba Tam Lung, cô lập Đồng Đăng.
- Hướng thứ hai do quân đoàn 43 đảm nhiệm tổ chức thành 2 cánh. Một cánh do sư đoàn 127 từ mốc số 32-33 đánh vào Bản Xâm, Lục Quyên, Bản Trang, Ba Sơn... Cánh còn lại do sư đoàn 128 và 1 tiểu đoàn xe tăng từ mốc số 43, 45 đánh chiếm Chi Ma, điểm cao 392, 623, bản Khoai, bản Khiêng. Ngoài ra còn 1 trung đoàn địa phương đánh chiếm Bản Rọi (Cao Lộc) để mở đường tiếp tế bằng ngựa thồ cho cánh vu hồi vào Tam Lung.
Với ưu thế về lực lượng, lại chủ động về thời gian tiến công và có "lực lượng thứ năm" cài cấy từ lâu trên đất Việt Nam, thê đội 1 gồm quân đoàn 55 và quân đoàn 43 được lệnh bí mật bất ngờ bao vây tiêu diệt 2 trung đoàn 12, 141 (sư đoàn 3) của ta ở sát biên giới, tạo bàn đạp cho thê đội 2 (quân đoàn 54) thọc vào tiêu diệt trung đoàn còn lại của sư đoàn 3 và chiếm thị xã Lạng Sơn vào ngày hôm sau, 18-2-1979.
Chúng dự tính, với thủ đoạn bí mật luồn sâu tạo thế chia cắt kết hợp với đòn tiến công áp đro ở chính diện, đối phương sẽ nhanh chóng bị cô lập, rối loạn, chỉ có đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.

Ngay sau khi địch bắn những loạt pháo đầu tiên vào Lạng Sơn, các đơn vị pháo binh ta đã lần lượt giội đạn xuống các trận địa pháo và đội hình tiến công của bộ binh địch. trên các điểm tựa, cán bộ chiến sĩ nhanh chóng ra các chiến hào đánh trả quyết liệt với bộ binh và xe tăng địch. Nhiều nơi, bộ đội đánh giáp lá cà với địch ngay trước cửa hầm, trước sân cỏ hất chúng xuống sườn đồi. Các cây cầu từ Thanh Loà, Bản Xâm về thị xã Lạng Sơn bị các chiến sĩ ta phối hợp với lực lượng địa phương phá sập.
Trên các huyện Tràng Định, Lộc Bình cũng như trên toàn tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến lai Châu, quân và dân các dân tộc cũng nổ súng chặn đánh quyết liệt các cánh quân khác của địch đang ỷ thế đông ồ ạt tràn qua các cột mốc biên giới.
Ngày 17-2-1979, một ngày hết sức bình thường, một ngày mà mọi người dân Việt Nam đang lao động, xây dựng đất nước trong hoà bình bỗng trở nên một cái mốc trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của đất nước. Một kẻ thù mới đã lộ rõ nguyên hình với bộ mặt thâm hiểm ghê tởm, đày tội ác và một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu với dân tộc ta.


Những ai đã từng một lần đi qua Đồng Đăng đều không thể nào quên được thị trấn biên giới nhỏ bé này. Vào những phiên chợ, trên những con đường rải đá, dồn dập tiếng vó ngựa và vang lên tiếng khèn của những chàng trai từ rẻo cao đổ xuống. Rồi những cô gái các dân tộc duyên dáng, những ông ké bán thuốc nam, những bát hủ tiếu ngon nổi tiếng...
Đồng Đăng nằm cách Hữu Nghị Quan 3km về phía nam và cách thị xã Lạng Sơn 14km về phía bắc. Ở phía nam thị trấn là các điểm cao Pháo Đài, Thâm Mô, 339, ở phía đông nam là Phai Môn, Chậu Cảnh...
Đồng Đăng, Văn Lãng là hướng phòng ngự do trung đoàn 12 đảm nhiệm. Địch đã chuẩn bị hết sức công phu cho cuộc tiến công vào khu vực này nhằm tiêu diệt nhanh chóng trung đoàn 12, chiếm gọn thị trấn Đồng Đăng trong chốc lát. Ngoài việc tập trung vào đây 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng có chi viện của 6 trung đoàn pháo binh, trong đếm 16-2-1979, chúng đã tung các tổ thám báo mang theo bộc phá lọt vào Đồng Đăng móc nối với bọn phản động lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn lực lượng ta từ phía sau chi viện lên. Trong khi đó, trước giờ nổ súng bọn điệp ngầm bí mật cắt các đường dây điện thoại giữa trung đoàn 12 với sư đoàn và với các tiểu đoàn, các trận địa pháo. Chúng định giáng vào trận địa phòng ngự của ta không chỉ bằng lực lượng bộ binh áp đảo mà còn định đẩy trung đoàn 12 vào tình thế cô lập, xé lẻ, không chỉ huy, không liên lạc được với mọi chi viện của cấp trên.
Mờ sáng ngày 17-2-1979, khi đồng bào ta đang ngon giấc, bất thần hàng ngàn quả đạn pháo địch giội xuống thị trấn Đồng Đăng và các điểm cao khu vực phòng ngự của trung đoàn 12. Lợi dụng tiếng nổ và khói đạn, bộ binh địch nhào tới dùng bộc phá phá hàng rào biên giới cho xe tăng tràn qua. Đạn pháo vừa dứt, bọn lính Trung Quốc đã xuất hiện trong tầm bắn của súng bộ binh. Nhiều nơi, bộ đội vừa nhảy xuống giao thông hào là cưỡi lên đầu địch. Trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn trên đường ra vị trí chỉ huy phía trước cũng bị địch phục đánh, xe bị hỏng. Các anh phải xuyên rừng lên sở chỉ huy, ở đấy các sĩ quan tác chiến báo cáo, địch cũng đã vào tới khu vực đài quan sát. Điện thoại đi các nơi không liên lạc được. rõ ràng chúng định bưng tai bịt mắt, xé lẻ trung đoàn ra để tiêu diệt ngay trong trận đầu này. Nhưng vốn đã từng hoạt động độc lập ở vùng sâu trong những năm đánh Mĩ, ban chỉ huy trung đoàn một mặt ra lệnh cho cán bộ cơ quan cùng các chiến sĩ vệ binh, trinh sát tổ chức đánh hất địch ra khỏi sở chỉ huy, mặt khác cho các chiến sĩ thông tin đi nối lại đường dây và dùng liên lạc bộ để chỉ huy các đơn vị.
Điều làm cho sở chỉ huy trung đoàn yên tâm là trừ khu vực đại đội 41 đã im tiếng súng còn hầu như tất cả các điểm tựa trên trận địa phòng ngự của trung đoàn tiếng súng vẫn nổ rát. Ở điểm cao 339, xen lẫn tiếng la của địch còn vang lên tiếng reo hò của bộ đội ta, chứng tỏ không những bộ đội ta đang đánh địch àm còn đánh thắng nữa.

Đúng như vậy, mặc dù không bắt liên lạc được với trung đoàn nhưng theo phương án, các tiểu đoàn, đại đội đều chủ động chặn đánh quân địch đang như những con lũ hung dữ tràn tới. cũng như trận đánh Mĩ đầu tiên trước đây ở Thuận Ninh, các chiến sĩ ngạc nhiên khi thấy bọn giặc dàn hàng ngang lao lên trận địa như những con thiêu thân. Tiếng kèn đồng, tiếng còi rúc kéo theo những tiếng hô "tả, tả" điên dại phát ra từ miệng bọn lính cùng với những loạt đạn bắn như xé lên đỉnh đồi.






Ở khu vực Tân Yên, Tân Thanh, trong trạng thái như vậy, tiểu đoàn 5 phải đánh trả với hơn 1 trung đoàn địch có hàng chục xe tăng yểm trợ. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội vừa chỉ huy đơn vị, vừa cầm súng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ để nhắc nhở những điều cần thiết đối với những chiến sĩ lần đầu ra trận. Chính nhờ đó, ở các điểm tựa của tiểu đoàn, chiến sĩ ta đã đánh lui mọi đợt tấn công ồ ạt của địch. Ở Bản Thấu, trung đội phó Nguyễn Văn Vĩnh cùng tiểu đội trưởng Bùi Viết Bình đã xách B40, B41 vận động xuống sườn đồi chặn đánh một cánh quân thọc sườn có 4 xe tăng dẫn đầu, bắn cháy liên tiếp 2 chiếc. 2 chiếc còn lại tháo chạy bị các chiến sĩ đồn biên phòng Tân Thanh bắn cháy 1 chiếc. Chiếc cuối cùng hốt hoảng nhào xuống chân đồi nhưng lại sa vào hầm chống tăng của các chiến sĩ công binh. Đó là những chiếc xe tăng đàu tiên của quân xâm lược bị tiêu diệt trên trận địa sư đoàn Sao Vàng. Các chiến sĩ ta ở các điểm tựa xung quanh đều reo hò trước chiến công xuất sắc ấy. Ở đại đội 1 cao xạ 37mm, chiến sĩ thông tin Nguyễn Đức Thuần trên đường đi nối đường dây phát hiện xe tăng địch đang tiến vào trận địa đã cùng tổ diệt tăng của đại đội quần nhau với chiếc xe tăng địch, bị chúng dùng nòng pháo gạt xuống nhưng vẫn tìm cách nhảy lên và cuối cùng đã nhét được lựu đạn vào trong xe tăng, sau đó cùng đồng đội truy đổi tiêu diệt tên chỉ huy, thu súng đạn và tài liệu.

Ở khu vực Hữu Nghị Quan, địch dùng 1 tiểu đoàn, lợi dụng thế dốc của đồi Ra Đa ồ ạt tiến công sang đồn biên phòng 193 và dùng 2 tiểu đoàn bộ binh kết hợp với xe tăng đánh vào cụm điểm tựa của đại đội công binh trung đoàn 12. Đây là vị trí địch cố sống cố chết chiếm cho bằng được để đưa xe tăng và các phương tiện kĩ thuật chi viện cho mũi tiến công chủ yếu của chúng vào thị trấn Đồng Đăng.
Tại khu vực này, cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt ngay từ những phút đầu tiên. Bọn địch từ đồi Ra Đa tràn xuống cùng với 1 chi đội xe tăng lợi dụng suối cạn tổ chức đánh thọc sườn phải của đồn 193 nhưng cả 2 mũi chính diện và thọc sườn đều bị những đồng đội của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh chặn đứng lại.
Cách Hữu Nghị Quan 500m, ở khu vực cống Ba Cửa, đại đội công binh trung đoàn 12 và các đơn vị dân quân xã Bảo Lâm do đồng chí Sáu, bí thư đảng ủy xã trực tiếp chỉ huy cũng chặn đánh dữ dội một mũi tiến công khác của địch. Do địa hình quá rộng, đại đội công binh phải căng mỏng lực lượng ra nhiều hướng. Tiểu đội Trần Ngọc Sơn đảm nhiệm một hướng phòng ngự ở phía tây bắc phải giãn thưa đội hình để đối phó với 1 đại đội địch. Các chiến sĩ trong tiểu đội của Sơn còn rất trẻ, phần lớn quê ở Hà Bắc, chỉ có mình Sơn quê Hà Nội. Vào các buổi tối, Sơn thường tự hào kể cho các chiến sĩ trong tiểu đội nghe về chiến công của người chú ruột Trần Ngọc Xuân, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân và thầm hứa sẽ chiến đấu thật xứng đáng với chú nếu quân Trung Quốc dám tràn vào trận địa của tiểu đội.
Sau một hồi đánh địch, vào đợt tiến công thứ 3 của chúng, tiểu đội Sơn chỉ còn 1/3 quân số và đến lần tiến công thứ 5 chỉ còn một mình Sơn, lúc đó cũng bị thương vào cánh tay phải. Sau khi băng lại vết thương, như một con sóc, Sơn di chuyển nhanh nhẹn từ phải qua trái, vừa bắn tiểu liên, vừa bắn B40, vừa tung lựu đạn xuống đội hình dày đặc của địch. Cứ như vậy cho đến 14 giờ, địch không sao vượt qua được cống Ba Cửa để tiến vào Đồng Đăng. Bên phải Sơn, tiếng súng ở trận địa trung đội dân quân xã Bảo Lâm vẫn nổ rát. Trước mặt Sơn, 75 tên lính Trung Quốc chết gục. 16 giờ, Sơn lại bị thương vào chân và trong tay chỉ còn 1 quả lựu đạn. bên dưới, địch đang la hét tràn lên. Sơn bình tĩnh ném quả lựu đạn cuối cùng và 1 vầng lửa da cam của đạn B40 địch đã trùm kín người anh. Chiều ngày hôm ấy, Sơn đã cùng với đồng đội của mình dừng lại mãi mãi ở tuổi 20. Anh đã sống và chiến đấu xứng đáng với nguời chú ruột của mình mà anh luôn lấy làm mẫu mực.
Cụm điểm tựa Hữu Nghị Quan sau này được đánh giá rất cao vì đã chặn đứng được một lực lượng đáng kể của địch trong một thời gian nhất định, giảm bớt được lực lượng của chúng trên hướng phòng ngự chủ yếu của sư đoàn. Đặc biệt là đơn vị dân quân xã Bảo Lâm đã bám trụ suốt cả quá trình chiến đấu, tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ vào đội hình địch, gây tình trạng căng thẳng phía sau lưng chúng. Cụm chốt Hữu Nghị Quan là một biểu hiện hết sức sinh động của tình đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu giữa 3 lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng và bộ đội chủ lực.

Cũng trong buổi sáng ngày 17-2-1979 lịch sử ấy, tại cụm điểm tựa Đồng Đăng, 2 trung đoàn địch phối hợp với xe tăng và pháo binh đánh chiếm các điểm cao Pháo Đài, 339, Thâm Mô. Ở điểm cao 339, ngoài lực lượng phòng ngự chủ yếu là đại đội 61 và 1 trung đội của đại đội 62 còn 2 khẩu pháo 85mm của tiểu đoàn 12 trung đoàn pháo 68.
Các chiến sĩ ở cụm điểm tựa này hiểu sâu sắc rằng mất các điểm cao họ đang chiếm giữ, Đồng Đăng sẽ hoàn toàn lọt vào tay giặc và thị xã Lạng Sơn sẽ bị uy hiếp từ phía bắc. Vì vậy bằng mọi giá họ quyết hy sinh chiến đấu để bảo vệ các điểm cao ấy. 2 khẩu pháo 85mm trên điểm cao 339 đã đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ trận địa phòng ngự chủ yếu này của sư đoàn.
Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Lạng Sơn, rút kinh nghiệm trong chiến đấu phòng ngự Hoài Ân năm trước, bộ tư lệnh sư đoàn đã nghiên cứu bố trí thế trận pháo binh thành nhiều tầng, xen kẽ đội hình bộ binh để chi viện cho toàn khu vực, nhất là hướng phòng ngự chủ yếu. Theo đề nghị của các cán bộ chỉ huy trung đoàn pháo 68, sư đoàn không chỉ đưa pháo 85mm lên chiếm lĩnh điểm cao 339 mà tất cả các trận địa pháo của trung đoàn đều được đưa lên chiếm lĩnh các điểm cao. Ai cũng biết, sức mạnh của pháo binh sẽ được tính bằng cấp số nhân nếu có thế trận hoàn chỉnh, hiểm hóc, tạo được bất ngờ, tập trung được sức mạnh trong phòng ngự cũng như khi phản kích.
Hôm ấy, khi địch ồ ạt tiến lên điểm cao Thâm Mô, Pháo Đài, 339, đại đội phó Nguyễn Văn Điển quyết định cho các khẩu đội đánh theo phương án 2 : rút một số pháo thủ dùng súng bộ binh bảo vệ trận địa, số còn lại sử dụng 2 khẩu pháo 85mm chi viện cho Pháo Đài và bắn xe tăng địch. Nhưng mới bắn được đến viên đạn thứ 7 thì một quả pháo địch nổ ngay bờ công sự, khẩu đội 2 hỏng thiết bị ngắm phải dừng lại. Khẩu đội 1 được lệnh tăng tốc độ bắn. Độ chính xác và hiệu quả cao của pháo bắn thẳng đã có tác dụng cùng với chiến sĩ trên Pháo Đài đánh bật nhiều đợt tiến công của 1 tiểu đoàn địch.
9 giờ sáng, khi phát hiện 4 chiếc xe tăng đang bám đuôi nhau lên điểm cao 300, trung đội phó Hoàng Hữu Yên chỉ huy khẩu đội 1 bắn cháy 2 chiếc. 2 chiếc còn lại hốt hoảng bỏ chạy.
Bằng lối đánh đó, lát sau, trung đội yên lại bắn cháy 1 trong 2 xe tăng ở hướng Na Sầm xuống. Đến 16 giờ, bắn tan một cụm địch ở sân bóng Đồng Đăng và 2 xe chở đầy lính từ Hữu Nghị Quan chạy tới.
Trận địa 339 với các dũng sĩ kiên cường suốt ngày 17-2 đã trở thành một chướng ngại trên đường tiến quân của bộ binh và xe tăng địch. Chúng tập trung rất nhiều pháo tầm xa, pháo đi cùng, pháo xe tăng quyết tiêu diệt trận địa này. vào lúc 17 giờ, 3 chiến sĩ bị thương, khẩu đội 2 hỏng nòng, khẩu đội 1 hỏng kim hoả và bệ khoá nòng.
Thấy trận địa pháo 85mm của ta im lặng đột ngột, địch ào ạt mở một đợt tiến công vào Thâm Mô, Pháo Đài, 300. Trên đường số 4, 4 chiếc xe tăng gầm rú tiến vào Đồng Đăng.
Trước tình hình đó, yên đề xuất tháo kim hoả khẩu 2 lắp vào khẩu 1, ngắm bắn trực tiếp qua nòng. Ý kiến đơn giản nhưng đưa ra đúng lúc làm mọi người hết sức phấn chấn. Một lát sau, trận địa pháo 85mm lại sống dậy. Bằng 3 quả đạn, Hoàng Hữu yên lại bắn cháy 1 xe tăng trên đưòng số 4. 3 chiếc còn lại chưa kịp phản ứng thì những loạt đạn pháo của đơn vị bạn đã kịp thời trút xuống tiêu diệt toàn bộ tốp xe tăng này. Đó là trận địa pháo cồn Chủ do trung đội trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ huy. Phát hiện xe tăng địch đông mà trận địa 339 chỉ bắn phát một, Sơn chủ động ra lệnh các khẩu đội lấy phần tử, kịp thời nổ súng chi viện. Sau khi tốp xe tăng địch bị tiêu diệt, khẩu đội của Hoàng Hữu yên còn bắn được 18 viên đạn nữa làm tê liệt trận địa pháo 122mm của địch mới kéo đến chân điểm cao 402.

Trong lúc các cán bộ và chiến sĩ ở cụm chốt Đồng Đăng đang nổ súng đánh địch quyết liệt thì Hoàng Quý Nam đại đội trưởng đại đội 42 cùng một số đông cán bộ chủ trì các đơn vị dự lớp tập huấn của sư đoàn đang trên đường cấp tốc trở về đơn vị.
Hoàng Quý Nam là 1 cán bộ trẻ. Anh nhập ngũ năm 1971, mới tốt nghiệp sĩ quan và về trung đoàn được hơn 1 năm nay. Đó là 1 cán bộ sôi nổi, tự tin và quyết đoán, những đức tính cần thiết đối với 1 cán bộ chỉ huy quân sự. Hôm đó nam, Minh và một số cán bộ trong tiểu đoàn 4 về đến doanh trại thì cả khu nhà trước đây nhộn nhịp giờ vắng tanh vắng ngắt. Nam xuống bếp, gặp mấy chiến sĩ nuôi quân, anh lấy 1 khẩu AK, vài băng đạn rồi cùng Minh chạy về điểm cao Pháo Đài, nơi đại đội Nam đang chốt giữ.
2 người chạy tới ngã tư đường sắt và đường 1B thì gặp 3 chiếc xe tăng địch đang bắn về phía trường cấp 1 gần đấy. Anh và Minh vội tạt xuống con suối nhỏ để tránh đạn. Tại đây, Nam lại mượn được khẩu B40 và 3 quả đạn.
Nam và Minh nhanh nhẹn chạy vòng lên đón đầu 3 chiếc xe tăng. 2 tiếng nổ của đạn B40 dội xuống khe suối và lát sau khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của Nam hiện ra ở chân dốc. Anh đưa trả khẩu B40, tiếc rẻ :"Bực quá, chỉ có 3 quả đạn thì quả thứ ba lại bị thối !". Mọi người nối nhau vượt qua đường. Cách họ một quãng, 2 chiếc xe tăng đang bốc cháy.
Đó là chiến công đầu tiên của Hoàng Quý Nam. 


Trong cuộc tiến công vào trận địa sư đoàn 3 của quân Trung Quốc xâm lược, điều làm cho bộ tư lệnh sư đoàn suy tính khá nhiều là quy mô, lực lượng lớn ngoài dự kiến và thủ đoạn vu hồi khá sâu, khá phổ biến của chúng.
Qua sơ bộ nắm tình hình, sư đoàn đang phải đương đầu với gần 2 quân đoàn địch có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Đó là lực lượng quá lớn so với khả năng sư đoàn hiện có. chúng đã thực hiện các mũi vu hồi nguy hiểm ở Tam Lung (cách thị xã lạng Sơn 7km) và Con Khoang, sau lưng trận địa phòng ngự chủ yếu. Ngày đầu chiến đáu, do được tập dượt nhiều lần theo phương án từ trước, với tinh thần tích cực tiến công, trận địa sư đoàn vẫn giữ vững. Nhưng liệu các đơn vị có đứng vững được trong những ngày tiếp theo không ?
Vấn đề cấp bách là phải xác định rõ mũi tiến công chủ yếu của chúng để tập trung sức mạnh đánh bại nó. Không khẳng định rõ được vấn đề này hoặc phán đoán sai lệch nhất định chúng sẽ chọc thủng trận địa ta. Các cánh quân vu hồi của địch hết sức nguy hiểm, không những nó tạo thế chia cắt trận địa của sư đoàn mà còn ngăn chặn chi viện của ta từ phía sau lên phía trước. Tuy nhiên, tổ chức những mũi vu hồi quá sâu vào khu vực phòng ngự của ta, địch đã gặp những trở ngại lớn và bộc lộ nhiều mặt yếu : chúng nằm quá xa sự chỉ huy của cấp trên. Địa hình xa lạ, việc tiếp tế trở nên khó khăn trong điều kiện vận chuyển còn lạc hậu, rất dễ bị ta chặn đánh, chia cắt, cô lập và tiêu diệt. Những trận đánh trong ngày đầu của ta ở tam Lung và Song Áng là những biểu hiện cụ thể.
Ở ngã ba Tam Lung, địch vừa xuất hiện đã bị tiểu đoàn 1 và đại đội công binh trung đoàn 2 chặn đánh phía trước, tiểu đoàn địa phương thị xã nổ súng phía sau, toàn bộ quân địch phải dừng lại không dám tiến ra đường 1A, phải kéo ĐKZ và trọng liên 12,8mm lên sườn đồi khống chế mặt đường, đồng thời giở thủ đoạn tàn sát đốt phá đối với nhân dân ta ở Bản Phân, khu công nhân địa chất.
Trên cánh đồng Song Áng, khu vực Con Quyền, Con Khoang, mũi vu hồi chiến thuật của địch đã bị 1 trận thua rất đậm. Hôm ấy, sau khi các chiến sĩ trinh sát, vệ binh chặn bộ binh địch trước sở chỉ huy trung đoàn ở điểm cao 438, địch ùn ùn theo đường hẻm đổ vào Song Áng để tiến ra đường 1B thực hiện ý định vu hồi và chia cắt toàn bộ trận địa phòng ngự của trung đoàn 12 với hậu phương. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của cánh quân này, trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh và chính ủy Đồng Sĩ tài quyết định dùng đại đội 63, lực lượng cơ động của trung đoàn do cán bộ tiểu đoàn 6 trực tiếp chỉ huy, cơ động từ điểm cao 339 về Con Khoang, hình thành thế vây cắt tiêu diệt cụm quân chủ yếu trên cánh đồng Song Áng, một thung lũng nhỏ hẹp nằm lọt giữa dãy núi Con Khoang, Con Quyền và điểm cao 438. Mệnh lệnh chuyển đi qua các chiến sĩ truyền đạt.
20 phút sau khi nhận lệnh, đại đội 63 đã bố trí hoàn chỉnh một trận phục kích vận động, lối đánh sở trường của đơn vị. Việc đầu tiên được đặt ra với cán bộ tiểu đoàn 6 là phải nhanh chóng cắt địch ra không cho chúng dồn vào Song Áng quá đông (lúc đó địch ở Song Áng đã có khoảng 1 tiểu đoàn và đang tiếp tục tràn vào theo hướng Mỹ Cao), đồng thời phải đánh từ phía sau và bên sườn, đẩy chúng ra đồng trống để tiêu diệt.
9 giờ sáng, giữa lúc địch đang ngênh ngang xếp hàng dọc kéo vào Song Áng thì mũi khoá đuôi của trung đội 3 đã luồn rừng bất ngờ đánh thốc vào đội hình địch, dùng đại liên vít chặt con đường độc đạo từ Mỹ Cao vào Song Áng. Ngay lúc đó, từ bìa rừng, 2 trung đội còn lại xuất kích dưới sự chi viện của đại liên. Bị đánh một lúc từ nhiều phía, đội hình địch rối loạn. Chúng la hét, ằnm bẹp dưới đồng trống bắn trả. Các chiến sĩ đại đội 63 chia thành từng tổ, cắt địch ra từng mảng để tiêu diệt. từ phía sau, địch vẫn cố tràn lên cứu nguy cho đồng bọn nhưng chúng đã bị tổ khoá đuôi chặn đứng lại. Đại đội hoả lực của tiểu đoàn cũng quay nòng bắn thốc vào lưng viện binh địch.

Trận đánh 1 chọi 4-5 của đại đội 63 trên cánh đồng Song Áng diễn ra ngày một quyết liệt. các chiến sĩ quân khí, y tá vừa làm nhiệm vụ của mình vừa cầm súng chiến đấu. Chính trị viên Phạm Hồng Giỏi bị thương, chính trị viên phó Việt, 1 học viên sĩ quan về thực tập lên thay thế.
Càng cố gắng chống đỡ, địch càng lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Đường rút lui bị chặn, quân viện bị đánh tơi tả, không còn cách nào khác, chúng liều mạng tổ chức một bộ phận đánh lên Con Khoang, định dựa vào hang đá cầm cự. nhưng ở sườn núi Con Khoang, chúng đã gặp trung đội dân quân xã Hồng Phong do Trần Văn Trung chỉ huy đánh bật trở xuống.
Hôm ấy trần Văn trung vừa cho anh em đưa bà con còn lại trong xã sơ tán vào hang đá, vừa lo tổ chức lực lượng chốt giữ ngoài cửa hang. Mọi việc vừa xong thì tiếng súng bên ngoài đã rộ lên. vài giờ sau, địch liều lĩnh đánh lên cửa hang nhưng cả 3 lần tiến công chúng đều bị đánh bật ra đồng trống. Đến đây, toàn bộ cụm quân của mũi vu hồi vào Song Áng đã bị tiêu diệt. Một số tên chạy lên phía bắc định vòng ra đường 1B nhưng bị các chiến sĩ vận tải, thông tin của tiểu đoàn đánh tiếp 1 trận nữa. Tối hôm đó, địch bắn hàng ngàn quả đạn hpáo vào cánh đồng Song Áng để xoá dấu vết thất bại. Một tên tù binh sau này bị tiểu đoàn 5 bắt ở cầu Khánh Khê đã thú nhận :"Hôm 17-2-1979, 1 tiểu đoàn của chúng tôi đã bị tiêu diệt gần hết ở chân điểm cao 438".
Đối với đại đội 63, đây là 1 trận đánh không cân sức, nhưng với ý thức chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, tận dụng được lợi thế về địa hình và vận dụng chiến thuật thích hợp nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những trận đánh trên đã mở ra khả năng tổ chức phản kích của ta và thấy được những mặt yếu của địch. tuy vậy chúng có 5 sư đoàn tiến công trong khi sư đoàn 3 chỉ có thể huy động tối đa đưọc 5 tiểu đoàn cơ động phản kích. Đánh vào đâu, với quy mô nào là một tính toán căng thẳng.
Đêm 17-2-1979 thường vụ đảng uỷ và bộ tư lệnh sư đoàn họp, xác định : hướng tiến công chủ yếu của địch sẽ là Đồng Đăng-Lạng Sơn và các mũi vu hồi Tam Lung, Con Khoang chính là để giải quyết nhanh việc chiếm Đồng Đăng, làm bàn đạp thọc vào Lạng Sơn. Bẻ gãy các mũi vu hồi này thì thế trận của ta ở Đồng Đăng sẽ được giữ vững. Cuộc họp đang diễn ra sôi nổi thì có điện của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cụ Chính trị. Các đồng chí khen ngợi sư đoàn đã giữ vững thế trận, diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy 13 xe tăng, xe bọc thép của địch trong ngày chiến đấu đầu tiên; thông báo cho sư đoàn những thắng lợi của quân dân ta trên toàn tuyến biên giới và nhắc sư đoàn phải đặc biệt chú ý hướng tiến công Đồng Đăng và mũi vu hồi vào tam Lung của địch, phải tăng cường công tác chính trị tư tưởng và công tác đảm bảo vật chất để bộ đội đánh thắng.
Từ phân tích cụ thể về địch, ta, qua chỉ đạo của Bộ, bộ tư lệnh sư đoàn quyết định : dựa vào trận địa có sẵn, trụ bám kìm địch trên tất cả các hướng; sư đoàn sẽ tập trung lực lượng cơ động mở những trận phản kích vào hướng tiến công chính của địch. trước mắt, đánh bại cánh quân vu hồi của chúng để giữ vững thế trận của ta ở Đồng Đăng. Đây là 1 chủ trương kịp thời và chính xác làm căn bản cho xác định mục tiêu, sử dụng lực lượng của sư đoàn trong quá trình chiến đấu, tránh được tình trạng rải đều lực lưọng, "be bờ" đối đầu với địch. Ngay đêm đó, tham mưu trưởng sư đoàn Bùi Quốc Miện, chủ nhiệm chính trị Lê Văn Quýt cùng một số cán bộ cơ quan xuống trung đoàn 12 tăng cường chỉ huy, tổ chức lại mạng thông tin liên lạc từ sư đoàn đến trung đoàn và các điểm tựa. Tiểu đoàn cao xạ 37mm được lệnh bám giữ Thâm Mô. Lực lượng cơ động của trung đoàn 2 bước vào chiến đấu ở Tam Lung. cũng đêm đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 điều tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 197 Bắc Thái tăng cường cho sư đoàn 3.
suốt đêm 17, cả sư đoàn thức trắng chuẩn bị cho những trận đánh ngày hôm sau. Trên những con đường lớn 1A, 1B, 4A, 4B người đi lại cuồn cuộn. Nhân dân sơ tán xuống những làng bản ở phía sau, bộ đội đổ ra phía trước. Xe đón dân, xe chuyển quân nối nhau chạy trên mặt đường. thỉnh thoảng một chiếc xe tải đỗ cạnh một đoàn quân. Ba bốn cô nữ nhân viên mặc tạp dề xanh đứng trên thùng xe gọi to :"Đồng chí chỉ huy cho anh em mua hàng bách hoá. Cửa hàng bách hoá thị xã đây !".
Thị xã Lạng Sơn sối động. Những cơn gió mùa ào ạt tràn lên các mái nhà, các đường phố không chỉ mang theo hơi lạnh mà còn cuốn theo mùi thuốc súng nồng nặc, mùi khét của cỏ cây bị đốt cháy từ phía trước tràn về. trên đường, từng đoàn người gồng gánh, dắt díu nhau qua cầu Kỳ Lừa xuôi theo đường 1A. Đó là những người dân từ Cao Lâu, Xuất Lễ, Thanh Loà... suốt 1 ngày chạy giặc mới về đến đây. Có người chẳng kịp mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Có trẻ em chưa đầy tháng. Họ kể cho nhau tội ác quân Trung Quốc đối với bản làng mình. Chuyện chúng vây trường cấp 1 rồi xả súng bắn chết cả giáo viên và học sinh, chuyện những xe ca trên đường đi Lộc Bình bị chúng chặn cướp của cải rồi bắn chết hành khách. Chuyện cửa hàng bách hoá và nhà ga Đồng Đăng bị chúng xông vào cướp hàng hoá, hãm hiếp nhân viên... Cứ thế, người phía trước nói với người phía sau, nhân dân nói với bộ đội, làm nung nấu thêm mối căm giận quân Trung Quốc xâm lược.
Đêm hôm ấy, đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tuyên bố của Đảng và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông báo cho nhân dân cả nước và nhân dân thế giới về hành động điên cuồng, trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh. bản tuyên bố tố cáo tội ác của 60 vạn quân Trung Quốc dã man, đốt phá nhà cửa, phá hoại các công trình kinh tế, trường học, bệnh viện, đánh đập, hãm hiếp, bắn giết, vơ vét tài sản... Bản tuyên bố kêu gọi :"Theo lời dạy của Hồ Chủ tịch kính yêu, không có gì quý hơn độc lập tự do, một lần nữa toàn quân, toàn dân ta, gái, trai, già, trẻ đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc..."

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng ấy, một lần nữa cả nước lại vào trận.


NHỮNG ĐIỂM CAO BẤT TỬ
(trích kí sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng)


Trong khi những tiếng thét phẫn nộ :"Hãy chặn đứng bàn tay của bọn Trung Quốc xâm lược", "Kiên quyết bảo vệ Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chiến đấu", "Không được đụng tới Vệt Nam"... đang vang lên ở khắp nơi trên thế giới thì ở Lạng Sơn, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh uỷ và UBND tỉnh, một phong trào thi đua "Quyết đánh thắng quân Trung Quốc xâm lược" đã diễn ra ở khắp nơi.
Các đơn vị tự vệ, dân quân được bổ sung thêm quân số, trang bị; nhiều đại đội, trung đội được điều lên tăng cường cho tuyến một. Cơ quan an ninh tỉnh được lệnh tăng cường hoạt động, phân loại những phần tử xấu, lập các phương án quét sạch "lực lượng thứ năm" của địch, đạp tan kế hoạch gây bạo loạn từ bên trong của chúng.
Từng đoàn xe tải của Hà Bắc, Bắc Thái, Hà Nội... chở đạn, chở hàng nối nhau ngược lên Lạng Sơn. Đoàn tàu hoả Hà Nội-Đồng Mỏ được lệnh tăng chuyến, chở quân, chở phương tiện lên biên giới, chở đồng bào sơ tán về phía sau. Lực lượng vũ trang các tỉnh, thành phố từ Bình Trị Thiên trở ra được lệnh chuẩn bị gấp rút đi chiến đấu. Nhân dân khắp nơi trong cả nước sục sôi khí thế đánh giặc bảo vệ quê hương. Trước hoạ xâm lăng, cả dân tộc ta lại nhất tề đứng lên xiết chặt đội ngũ.

Sáng ngày 18-2-1979, sư đoàn mở trận phản kích đầu tiên với quy mô trung đoàn thiếu vào cánh quân vu hồi của địch ở Tam Lung. một trong những mục tiêu chủ yếu của trận tiến công là phải chiếm lại các điểm cao Chậu Cảnh, đồi Địa Chất, Bản Phân, những vị trí quan trọng tại Tam Lung vừa bị địch chiếm.

Chậu Cảnh là ngọn đồi cao gồm 4 mỏm nằm án ngữ ngay bên cạnh khúc lượn của đường 1A. Đại đội 5 (tiểu đoàn 2) sau khi pháo ngừng bắn đã lao thẳng lên đánh chiếm tầng công sự thứ nhất. Một loạt đạn đại liên của địch bắn chặn, đại đội trưởng Đồng Văn Sinh hy sinh, chính trị viên Hải ra lệnh cho bộ đội xung phong tiếp. Cả đại đội tràn lên đánh chiếm tầng công sự thứ hai. Chính trị viên Hải vừa dẫn đầu mũi chính diện vượt qua một sườn đồi bỗng đứng khựng lại lảo đảo rồi ngã vào lòng đại đội phó Dự. "Trả thù cho anh Hải, anh Sinh !". Dự hô lớn rồi bật dậy dẫn tổ chính diện đánh thốc lên tuyến công sự địch. Khí thế tiến công của chiến sĩ ta làm cho quân địch khiếp sợ.
30 phút sau, đồi Chậu Cảnh im hẳn tiếng súng. Xác địch nằm rải rác ở cả 4 mỏm đồi. Những tên sống sót vất súng, chạy thục mạng về điểm cao 409. Ở hướng quan trọng, tiểu đoàn 1 cũng đã làm chủ Bản Phân, đồi Địa Chất.
Vậy là 2 cánh quân vu hồi của địch ở đường 1A và 1B bị giáng đòn đau ở Chậu Cảnh và Song Áng. Trên các điểm tựa, bộ đội ta vẫn trụ bám kiên cường đẩy lui hàng tiểu đoàn, trung đoàn địch tiến công. Điều đó làm bọn chỉ huy địch cay cú. Ngày 18-2 đã trôi qua nhưng thị xã Lạng Sơn, nơi kế hoạch hội quân của chúng sau 48 tiếng đồng hồ vẫn còn quá xa và đầy nguy hiểm. Chúng tiếp tục ném thêm 2 trung đoàn bộ binh nữa để chia cắt bằng được con đường 1A, 1B. rạng sáng ngày 19-2-1979 lợi dụng sương mù và sử dụng một lực lượng pháo binh chi viện dày đặc, địch đã chiếm lại được đồi Chậu Cảnh và điểm cao Khôn Làng.

Phải đánh những trận phản kích với quy mô lớn hơn trên cả 2 hướng : tiêu diệt bọn địch phía trước và bọn địch phía sau không cho chúng ùn lên để giữ vững thế trận. Đó là quyết định của bộ tư lệnh sư đoàn đêm 19-2-1979. Theo kế hoạch này, ngay sáng 20-2-1979 sư đoàn mở 2 khu vực tiến công. Khu vực 1 (hướng chính) dùng trung đoàn 2 có chi viện trực tiếp của hoả lực sư đoàn, tiêu diệt địch ở đồi Chậu Cảnh, mở thông đường 1A lên Đồng Đăng. Khu vực 2 dùng tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn cong binh 15 quét sạch địch từ Khôn Làng đến Con Khoang mở thông đường 1B lên cụm điểm tựa 339, Thâm Mô, Pháo Đài, nơi vẫn đang diễn ra những trận chiến đấu giằng co quyết liệt từ sáng 17-2-1979. Các trận địa pháo được điều chỉnh để vừa chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công vừa bắn phá các trận địa pháo và các cụm quân địch ở phía sau.
Một cuộc chạy đua với thời gian, với địch diễn ra căng thẳng suốt đêm 19. Nhiều trận địa pháo được bố trí lại trên hướng chủ yếu. Sở chỉ huy trung đoàn 2, các đài quan sát pháo binh cũng tiến lên phía trước, áp sát khu vực chiến đấu của trung đoàn. Các đơn vị bộ binh tăng cường cho các hướng cũng được lệnh gấp rút đến vị trí chiếm lĩnh trước khi trời sáng. Riêng tiểu đoàn 7 phải vượt quãng đường dài hơn 50km trong điều kiện thiếu xe vận chuyển. Nhưng nhờ xử trí linh hoạt của cơ quan tham mưu và hậu cần sư đoàn, nhờ sự chi viện kịp thời của tỉnh Lạng Sơn nên đơn vị đã đến trận địa đúng kế hoạch bằng những chiếc xe kéo pháo, xe tải và đội xe Hải Âu của tỉnh.
5 giờ ngày 20-2-1979, tiểu đoàn 7 và đại đội 1 công binh sư đoàn do trung đoàn 12 chỉ huy bất ngờ đánh chiếm điểm cao Khôn Làng. Các chiến sĩ xung kích do đại đội trưởng Nguyễn Nho Bông chỉ huy đã táo bạo thọc thẳng lên trận địa địch, tiêu diệt gần hết 1 đại đội, mở đầu cho những đợt phản kích mới.

Trong khi đó, tiểu đoàn 3 (trung đoàn 2) đang nôn nóng chờ sương mù tan để đánh chiếm đồi Chậu Cảnh. Đây là trận đầu tiên của tiểu đoàn đánh quân Trung Quốc xâm lược. Lực lượng của tiểu đoàn còn rất sung sức cả về số lượng lẫn chất lượng. Trăm phần trăm cán bộ, chiến sĩ xung phong nhận nhiệm vụ chiến đấu ở tuyến một.
7 giờ sáng, giữa lúc địch đang đi lại lộn xộn ở mỏm 2, sư đoàn trưởng ra lệnh cho pháo binh nổ súng. Những viên đạn pháo bắn thẳng 85mm, pháo bắn vòng cầu liên tiếp trùm xuống 4 mỏm đồi Chậu Cảnh 1 biển lửa. Các điểm cao 409, 611, 675, những điểm tựa ở sau lưng chúng cũng nổ cháy dữ dội. Trong khi đó, các chiến sĩ tiểu đoàn 3 nhanh chóng đánh chiếm bàn đạp đồi sắn. Đại đội 10, mũi chủ yếu của tiểu đoàn, khi pháo binh vừa ngừng bắn đã đánh thốc lên đồi Chậu Cảnh dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Phan Bá Mạnh. Vừa sử dụng M79, vừa chỉ huy 2 khẩu đại liên và 2 khẩu cối 60mm, Mạnh kịp thời chi viện cho các chiến sĩ đánh chiếm mỏm 2 trong vòng 10 phút. Tại mỏm đồi này 2 anh em Nguyễn Đức Vượng và Nguyễn Đức Huệ cùng nhập ngũ một ngày, vừa yểm trợ nhau xung phong, vừa nhặt hàng chục quả lựu đạn của địch ném trả chúng, diệt hơn 30 tên địch. Tên tiểu đoàn trưởng chỉ huy mỏm 2 rối rít gọi điện xin rút lui nhưng hắn chỉ nhận được 1 bức điện trả lời cụt lủn : "Các anh giữ được thì sống, không giữ được thì chết".
Ở hướng quan trọng, sau khi đánh chiếm tầng công sự thứ nhất, các chiến sĩ đại đội 11 vừa xung phong lên tầng thứ hai đã bị đạn 12,8mm ở điểm cao 675 bắn thúc vào sườn. Rất nhanh, tiểu đoàn trưởng Đỗ Ngọc Ngòi đề nghị sư đoàn bắn pháo kiềm chế điểm cao 675 và ra lệnh cho đại đội 10 từ mỏm 2 đánh qua mỏm 1 chi viện cho đại đội 11. Bị ép từ 2 phía, bọn địch ở mỏm 1 bung ra tháo chạy, bỏ lại những tên bị thương chưa kịp băng bó đang lăn lộn trên mặt đồi. Sau 1 giờ chiến đấu, điểm cao Chậu Cảnh lại sạch bóng giặc. Hơn 200 tên địch phơi xác trên đỉnh đồi. Tổ quay phim của Phan Sĩ Lan cùng xung phong với bộ đội, đã kịp thời ghi vào ống kính những hình ảnh thảm hại của quân Trung Quốc xâm lược.
Trận tiêu diệt tiểu đoàn địch ở đồi Chậu Cảnh của tiểu đoàn 3 là kết quả của tinh thần chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ và kết quả chuẩn bị công phu của các đơn vị hoả lực. Pháo bắn thẳng cũng như pháo bắn vòng cầu đã góp một phần chiến công lớn trong trận chiến đấu xuất sắc này.
Sau trận phản kích thắng lợi ở Chậu Cảnh, tiểu đoàn 7 (thiếu) chiếm lại điểm cao Khôn Làng lần thứ hai vào ngày 21-2 và trận vận động tiến công của tiểu đoàn 1 và 4 ở khu vực Thâm Mô ngày 22-2 làm cho các cánh quân vu hồi của địch bị thiệt hại nặng. Từ hung hăng, ào ạt, địch bắt đầu chững lại để dồn quân, dồn phương tiện, đánh lấn dần từng mục tiêu. Điều này chứng tỏ chúng đang rất lúng túng về chiến thuật, chiến dịch. Bọn lính Trung Quốc từ chỗ hò hét "tả ! tả !" lao lên theo tiếng kèn và hiệu lệnh đã bắt đầu bỏ chạy khi bị pháo bắn hoặc bộ binh ta phản kích. Trên hướng phòng ngự của tiểu đoàn 5 ở Bản Thấu, từ sau trận thất bại ngày 18-2-1979, địch chưa dám tổ chức tấn công thêm lần nào. Tại Tam Lung, chúng chỉ dùng pháo bắn phá hoại trận địa của ta ở Chậu Cảnh. Địch tập trung lực lượng để đánh chiếm khu vực Pháo Đài, Thâm Mô, 339. Mỗi ngày, chúng bắn hàng vạn quả đạn pháo lên các điểm tựa và thay quân liên tục. Trung đoàn này bị đánh giập đầu, chúng đưa trung đoàn khác lên thay thế. Mỗi ngày chúng tổ chức 7-10 lần tiến công, có khi dùng lực lượng gần 1 sư đoàn cùng tiến công để đánh vào các điểm tựa chưa đầy 2 tiểu đoàn của ta.
Các chiến sĩ trung đoàn 12, các chiến sĩ pháo binh, công binh đã chiến đấu dai dẳng, quyết liệt, gian khổ. Hàng ngàn tên địch bị đền tội, hơn 20 xe tăng của chúng bị bắn cháy, nhưng lực lượng của ta cũng vợi dần. Súng đạn phải dồn lại cho người còn sống. Bộ đội ban ngày quần nhau với địch, ban đêm sửa sang công sự, giải quyết thương binh, tử sĩ. Các chiến sĩ vận tải, cán bộ, chiến sĩ cơ quan đêm nào cũng len lỏi giữa các cụm quân địch tiếp đạn, nước, lương thực thực phẩm cho các điểm tựa. Những nắm cơm vắt đêm đêm mang lên trận địa nhiều khi thấm máu của các chiến sĩ nuôi quân, liên lạc, y tá. Các chiến sĩ bảo vệ cụm điểm tựa Đồng Đăng đã làm sống lại một Cây Rui, một Đầu Tượng, 174 trên đất Lạng Sơn và ở đó một lần nữa họ lại trở thành bất tử.
Bọn địch càng cay cú vì tổn thất và vì những tham vọng ban đầu chưa thực hiện được. Đã 5 ngày trôi qua nhưng thị xã Lạng Sơn vẫn còn xa cách hàng chục km và đội quân hàng vạn tên của chúng vẫn còn bị ghìm cứng lại trước những ngọn đồi nhỏ bé tưởng như lúc nào cũng chỉ có mấy chục chiến sĩ ta canh giữ và chỉ cách biên giới chưa đầy 4km. Hãng thông tấn AFP lúc bấy giờ đã nhận xét : "So với quân đội Việt Nam, một quân đội dày dạn chiến đấu, quân đội Trung Quốc tỏ ra có sức phản công yếu. Mới gặp quân địa phương của Việt Nam họ đã bị chặn lại và bị tổn thất nặng".
Tuy nhiên chúng vẫn còn tiềm lực nên sau mỗi lần thất bại, chúng càng điên cuồng hơn, thủ đoạn càng thâm hiểm hơn. Nhưng trước khi lên được Pháo Đài, Thâm Mô, 339 chúng đã phải chịu một tổn thất nặng nề, và cụm điểm tựa Đồng Đăng đã chói ngời trong trang sử sư đoàn với những chiến công tuyệt vời của các dũng sĩ đã hy sinh chiến đấu để bảo vệ những điểm cao ấy.


Không chiếm được các điểm cao Pháo Đài, Thâm Mô, 339, địch không thể làm chủ được Đồng Đăng, không thể dồn quân đánh vào Tam Lung để tới thị xã Lạng Sơn được. Vì thế đến ngày 21-2, chúng tung toàn bộ lực lượng dự bị của quân đoàn 55 vào khu vực Đồng Đăng và quân đoàn 54 dự bị chiến dịch cũng được lệnh áp sát biên giới Lạng Sơn nhằm tạo một ưu thế gấp hàng chục lần về binh hảo lực để đánh vào cụm điểm tựa Đồng Đăng.
Phân tích địch-ta, bộ tư lệnh sư đoàn chủ trương kìm cánh quân địch ở Tam Lung để dồn sức tăng cường cho hướng chủ yếu Đồng Đăng. Ngay đêm 20-2, sư đoàn phó Đới Ngọc Cầu và phó chính uỷ Nguyễn Ngọc San được lệnh xuống tăng cường chỉ huy trung đoàn 12. Các trận địa pháo được bổ sung thêm quân số và đạn. Nhiều chuyến hàng đã vượt qua khu vực Tam Lung lên chi viện cho cụm điểm tựa Đồng Đăng.



Diệt địch ở ngã ba Tam Lung (tháng 2-1979).





Cụm điểm tựa bảo vệ Đồng Đăng : Thâm Mô, Pháo Đài, điểm cao 339 như 3 chân kiềng đứng ở phía tây nam thị trấn Đồng Đăng. Trong những ngày qua, 3 điểm tựa đã dựa vào nhau duy trì cuộc chiến đấu. Bọn địch tràn lên Pháo Đài thì trận địa 339, thâm Mô dùng hoả lực đánh vào sau lưng và bên sườn chúng. Khi địch đánh lên Thâm Mô thì các chiến sĩ ta ở Pháo Đài, 339 lại làm công việc đó... Địch đã bao lần phải thay đổi thủ đoạn để đánh chiếm các điểm tựa này : từ đánh ào ạt xoay sang đánh lấn từng bước, đánh đồng loạt một lúc không được phải xoay sang đánh chiếm từng mục tiêu vẫn không được. Giờ đây chúng phải tăng quân để chuẩn bị đánh một lúc cả 3 điểm tựa.

Thâm Mô là 1 ngọn đồi có 5 mỏm kéo dài từ ngã ba đường 1A, 1B đến sát phía nam thị trấn Đồng Đăng, do đại đội 2 (tiểu đoàn 4) và đại đội cao xạ 37mm chốt giữ. Từ rạng sáng ngày 17-2, cùng với xe tăng, bộ binh địch đã tạo thành thế vây ép cô lập đại đội cao xạ và đại đội 2 với các đơn vị khác. Từ đó, suốt ngày này qua ngày khác, những trận chiến đấu liên tục diễn ra trên đồi thâm Mô. Địch đã 2 lần chiếm được hầu hết trận địa ta nhưng được chi viện của trung đoàn, tiểu đoàn 4 đã đánh hất địch xuống.

Mờ sáng ngày 22-2, sau khi tăng lực lượng, sư đoàn 163 địch có xe tăng và pháo binh chi viện mở đợt tiến công toàn diện vào cả 3 điểm cao Thâm Mô, Pháo Đài, 339. Những trận chiến đấu giằng co quyết liệt diễn ra trên các mỏm đồi Thâm Mô. Các chiến sĩ y tá, nuôi quân, liên lạc cũng quần đánh địch từ khu nhà văn hoá đại đội đến hầm chỉ huy. Địch chết lớp này, chúng thay lớp khác và tới 10 giờ, các mỏm 1, 2, 3 rơi vào tay địch. từ đó trận địa của đại đội 2 ở mỏm 5 mỗi lúc một căng thẳng vì đạn pháo và đạn đại liên địch. Sau 5 ngày chiến đấu, lực lượng cơ động của trung đoàn đã bị tỏn thất và địa đội 2 chỉ còn lại 20 chiến sĩ, do chính trị viên Phạm Ngọc Yểng và Phan Văn Thắng, học viên Học viện Hậu cần về thực tập chỉ huy. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Toàn đã hy sinh ngay từ đợt tiến công đầu tiên của địch vào sáng ngày 17-2.
Sau khi đại đội trưởng hy sinh, Yểng và Thắng trở thành chỗ dựa, linh hồn của đơn vị. 2 người thường đảm nhiệm 2 hướng đánh và hết sức tin tưởng nhau. Trên ngọn đồi không rộng lắm này đã xuất hiện biết bao sự tích anh hùng mà chỉ khi giặc đến, phẩm chất và khả năng của từng chiến sĩ mới được bộc lộ hết. Chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Hữu Dũng, 19 tuổi, suốt 5 ngày chiến đấu là 5 ngày đêm len lỏi giữa các ổ phục kích của địch, bất chấp đnạ pháo ác liệt mang cơm tới từng mỏm đồi cho bọ đội, có lần gặp địch đã dùng dao găm diệt địch thu súng.
Khẩu súng trên tay Phạm Ngọc Yểng là khẩu tiểu liên của đại đội trưởng. Trước khi hy sinh, mặc dù không nói được, anh vẫn dồn sức trao khẩu súng cho Yểng như gửi phần trách nhiệm của anh cho bạn.
14 giờ, địch lại nổi hiệu kèn tấn công. trên đỉnh đồi, tiếng nói của chính trị viên Phạm Ngọc Yểng vang lên : "Các chiến sĩ đại đội 2 tiểu đoàn 4 hãy dũng cảm tiêu diệt quân cướp nước, giữ vững trận địa". Tiếp đó là tiếng súng đánh trả của ta rộ lên. Ở hướng trung đội 3, cuộc chiến đấu đang diễn ra dọc các hào giao thông. biết lực lượng ta có hạn, địch cứ thúc quân tràn lên. Bộ đội ta đánh địch bằng mọi thứ trong tay, từ súng đạn đến đất đá và tay không. Bản thân Phan Văn Thắng cũng giật súng địch đánh địch và lấy báng súng quật vào đầu chúng.
Ở trung đội do Phạm Ngọc Yểng chỉ huy, khi địch ùa vào tầng công sự thứ nhất, các chiến sĩ ta đồng loạt ném lựu đạn theo tiếng hô của yểng rồi xông tới. Một trận giáp lá cà diễn ra. Một tên địch bất ngờ lao tới húc đầu vào bụng Yểng làm anh ngã ngửa, khẩu tiểu liên văng sang một bên. Tên giặc theo đà chồm lên người Yểng. Nhưng nó bỗng giật nảy người, 2 tay buông khỏi cổ Yểng, đổ vật xuống bên cạnh. Đồng chí liên lạc nhoài người đỡ Yểng. 2 người ôm chầm lấy nhau. Vẫn luôn theo sát chính trị viên, đồng chí liên lạc đã kịp thời kết liễu tên giặc cứu sống Yểng.
Càng về chiều, trận đánh trên đồi Thâm Mô càng diễn ra quyết liệt. Địch dồn quân, dồn đạn để chiếm nốt mỏm đồi cuối cùng trước khi trời tối, nhưng chúng vẫn bị ghìm lại ở tầng công sự thứ nhất. Các chiến sĩ còn lại trong đại đội dồn lên đỉnh đồi.
Xẩm tối, địch lại ồ ạt tổ chức đợt tiến công cuối cùng. Yểng và Thắng chia nhau mỗi người phụ trách một tổ chiến đấu. Lúc đó trận địa chỉ còn 10 chiến sĩ. Từ tầng công sự thứ nhất, địch bám nhau lao tới. Khẩu AK của Yểng hết đạn. Anh rút súng ngắn đánh địch. Một tên giặc to béo nhảy bổ vào người anh. yểng né tránh làm nó lỡ đà rồi giơ thẳng tay nện khẩu K54 vào sọ nó.
Tổ của Thắng cũng liên tiếp đánh địch hết đợt này đến đợt khác. Đich chiếm gần hết công sự chiến đấu của tổ. Lựu đạn hết, đạn tiểu liên chỉ còn 1 băng. Giữa lúc đó tin Phạm Ngọc Yểng hy sinh làm mọi người lặng đi. Thắng ra lệnh cho các chiến sĩ trong tổ rút về chỗ Yểng. Khi ấy, Yểng vẫn ngồi tựa lưng vào vách hào, bàn tay phải còn nắm chặt khẩu K54, đôi mắt bất động vẫn mở to nhìn thẳng về phía trước. Bên cạnh anh, khẩu AK của đại đội trưởng đã bật lê cũng nằm lặng lẽ. Thắng cúi xuống, bàn tay run run vuót mắt cho Yểng. Anh bàn với mọi người phải giữ gìn 2 khẩu súng và mai táng thi hài Yểng thật chu đáo...

Cuộc chiến đấu ở mỏm 5 đồi Thâm Mô tiếp tục kéo dài cho đến 20 giờ bọn Trung Quốc mới lên được công sự cuối cùng.

Từ đó, với lòng thương tiếc và yêu mến sâu sắc, các chiến sĩ trung đoàn 12 gọi đồi Thâm Mô là đồi Phạm Ngọc Yểng.
Còn gia đình Phạm Ngọc Yểng khi biết tin này đã viết thư cho trung đoàn 12. Bức thư có đoạn : "Gia đình tôi vô cùng đau xót khi nhận được tin cháu Yểng hy sinh. Bởi vì đối với tất cả mọi người trong gia đình, Yểng là người con hiếu thảo, người anh rất mực yêu thương của các em nhỏ... Không thể nào kể xiết nỗi đau buồn của gia đình khi mất đi một người con thân yêu ! Nhưng các đồng chí ơi, hôm nay, cố nén đau thương viết thư gửi tới các đồng chí, tôi không muốn nói tới điều ấy mà muốn nói rằng gia đình tôi rất tự hào về cháu và rất căm thù bọn xâm lược... Gia đình tôi thành thật cảm ơn Đảng, cảm ơn các cán bộ và anh em chiến sĩ đã rèn luyện dìu dắt cháu Yểng trở thành một con người biết chiến đấu đến cùng và dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ! Cám ơn các chiến sĩ trung đoàn Tây Sơn đã gắn tên cháu Yểng với núi sông để cháu sống mãi với đất nước..."
Đối với sư đoàn Sao Vàng trong những ngày quyết liệt này càng thấy rõ phẩm chát cao quí của mỗi cán bộ, chiến sĩ, càng biết ơn những người mẹ Việt Nam đã sinh ra và gửi đến cho sư đoàn những người con ưu tú biết sống, hy sinh và chiến đấu xứng đáng để hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang.


Cùng với Thâm Mô, cuộc chiến đáu của chiến sĩ ta ở điểm cao Pháo Đài suốt mấy ngày qua cũng diễn ra vô cùng khốc liệt.
Điểm tựa Pháo Đài là 1 dải đồi có 6 mỏm nằm ở mé tây nam thị trấn Đồng Đăng, cách biên giới chưa đầy 2km. Trên một mỏm đồi phía đông nam, trong cuộc xâm lược nước ta trước đây, thực dân Pháp rồi phát xít Nhật đã xây dựng 1 pháo đài kiên cố để kiểm soát đường xe lửa, đường 1A, 1B và thị trấn Đồng Đăng. Pháo đài có 3 tầng xây bằng đá và bê tông cốt thép, dày 0,8 đến 1,2m, 2 tầng dưới là 1 hệ thống đường ngầm chữ chi khép kín dài khoảng 350m. Dọc 2 bên đường hầm chính mở ra nhiều căn hầm rộng chưa được hàng chục người. Từ tầng hầm thứ 3 có con đường ngầm chạy thẳng ra thị trấn Đồng Đăng. Bên trên những đường hầm đó là lớp đất dày 20-30m. 5 góc pháo đài là 4 lô cốt và 1 nhà mái bằng nửa chìm nửa nổi xây bằng bê tông cốt thép dày 1,2m. Giữa và xung quanh Pháo Đài có nhiều ụ súng đồng thời là lỗ thông hơi cho các tầng dưới. Pháo Đài có 2 cửa. Cửa chính ở phía đông từ nhà mái bằng và một cửa ở phía nam. Những năm trước đây, núp dưới danh nghĩa sang giúp nhân dân ta chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, quân đội Trung Quốc đã để tâm nghiên cứu Pháo Đài. Trước khi rút về nước, chúng phá sập đường hầm ra thị trấn Đồng Đăng, đánh hỏng cửa phía nam và phá hỏng toàn bộ hệ thống dây điện trong Pháo Đài. Tuy vậy Pháo Đài vẫn còn là 1 vị trí kiên cố có thể chịu đựng được nhiều loại bom pháo trong những cuộc tiến công của địch.
Pháo Đài là 1 trong những điểm tựa then chốt của trung đoàn 12 do đại đội 42 (tiểu đoàn 4) đảm nhiệm. Để chiến đấu thắng lợi, trong những ngày chuẩn bị, đơn vị đã xây dựng một hệ thống hào giao thông và công sự bao quanh Pháo Đài kéo dài từ mỏm 1 đến mỏm 6. Vị trí chỉ huy của đại đội đặt ngoài Pháo Đài vì Pháo Đài có giá trị trú ẩn nhiều hơn một vị trí chiến đấu. Đương nhiên trong những tình huống gay cấn, Pháo Đài là nơi giấu quân tốt để từ đó ta mở những mũi phản kích diệt địch.

Nắm được giá trị chiến thuật của dãy điểm cao Pháo Đài, quân đoàn 55 địch tập trung xe tăng và bộ binh định đánh chiếm điểm tựa này ngay buổi sáng đầu tiên. Hàng ngàn quả đạn pháo giội xuống Pháo Đài suốt hàng tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, xe tăng, bộ binh địch đã xuất hiện trước trận địa và những cuộc tiến công ồ ạt của chúng được tiến hành từ nhiều phía lên Pháo Đài.
Hôm đó đại đội trưởng và một số cán bộ trung đội đi tập huấn. Chính trị viên Nguyễn Bát và Ngô Chí Khán, học viên trường sĩ quan chính trị về thực tập nắm quyền chỉ huy đơn vị. Đêm 16-2, Bát lên mỏm đồi phía bắc kiểm tra trận địa và ngủ luôn với chiến sĩ ở đấy. Khi địch tràn vào, anh chỉ huy trung đội tiền tiêu đánh lui mấy đợt xung phong của chúng và anh dũng hy sinh.
Không bắt liên lạc được với tiểu đoàn, nhưng được các điểm tựa Thâm Mô và 339 chủ động chi viện, Ngô Chí Khán tổ chức đơn vị bám các hào giao thông và công sự đánh trả địch hết đợt này đến đợt khác. Nhưng do lực lượng chênh lệch nên ngày 17-2 địch chiếm được 4 mỏm phía bắc.
Đại đội 42 chiến đấu giữa bốn bề quân địch từ đó.


Không thực hiện được ý định chiếm Pháo Đài ngay buổi đầu, rạng sáng ngày 18-2, lấy các mỏm phía bắc làm bàn đạp, kết hợp với các cánh quân phía tây và phía đông, chúng đánh lên Pháo Đài quyết liệt hơn. Suốt ngày hầu như lúc nào cũng có tiếng súng nổ trên 2 mỏm cuối cùng của Pháo Đài. Không chi viện được cho Pháo Đài bằng xung lực, trung đoàn 12 ra lệnh cho các trận địa pháo và các điểm tựa Thâm Mô, 339 thay nhau bắn các loại hoả lực vào các cánh quân địch, phối hợp với các chiến sĩ trên Pháo Đài đánh xuống. Địch dùng xe tăng dẫn đầu bộ binh xung phong nhưng bị pháo 85mm, cối 120mm của ta tiêu diệt. Chúng kéo pháo 85mm tới phía bắc Pháo Đài ngắm bắn trực tiếp vào từng công sự của ta nhưng cũng bị pháo bắn thẳng và pháo bắn vòng cầu của ta phá hủy. Được chi viện có hiệu quả của các đơn vị bạn, các chiến sĩ trên Pháo Đài ngày hôm đó dù chỉ còn lại 27 tay súng vẫn kiên quyết giữ vững trận địa, đẩy lùi 10 đợt tiến công của hàng nghìn quân địch.
Ở trung đội Nguyễn Đình Đức, sau khi địch bỏ chạy, thấy 1 xe tăng chúng mắc kẹt ở đoạn suối sâu. Không bỏ lỡ thời cơ, Đức ra lệnh cho chiến sĩ yểm hộ rồi nhảy khỏi công sự trườn xuống chân đồi, chui vào gầm xe buộc chùm lựu đạn 4 quả vào xích ở đoạn đầu máy. Một tiếng nổ dậy lên. Bọn giặc hốt hoảng bật nắp xe lao ra ngoài bỏ chạy. Nhưng trên đường trở về, địch ở mỏm đồi phía bắc đã phát hiện thấy Đức và anh đã hy sinh bởi 1 loạt đạn đại liên của chúng.
Nguyễn Đình Đức hy sinh, nhưng tinh thần tiến công tiêu diệt địch của anh đã nếu gương cho các chiến sĩ quyét bảo vệ Pháo Đài.
Thấy ở Pháo Đài ta vẫn giữ được, đêm hôm đó, gần 20 chiến sĩ biên phòng thuộc đoàn Thanh Xuyên sau những trận đánh quyết liệt ở sát biên giới đã tìm đường lên Pháo Đài. Một số đồng bào ta ở Đồng Đăng cũng tìm lên Pháo Đài. Người nào cũng lấm đầy bùn đất, áo quần bị rách nhưng tất cả đều ánh lên niềm vui được gặp bộ đội. Họ kể cho chiến sĩ nghe những hành động giết chóc, bắn phá, bắt bớ của bọn lính Trung Quốc đối với đồng bào ta ở Đồng Đăng. Thực ra suốt 2 ngày nay, từ trên Pháo Đài các chiến sĩ đã chứng kiến tội ác dã man của giặc gây ra ở thị trấn nhỏ bé này ngay từ những loạt pháo đầu tiên của quân Trung Quốc. Những ngôi nhà đổ sụp, bốc cháy, những tiếng kêu thét của phụ nữ, trẻ em, những cảnh đánh đjap xua đuổi tàn nhẫn đồng bào tới nơi tập trung. Tất cả chỉ cách Pháo Đài mấy trăm mét. tình cảm đối với nhân dân đốt cháy trong lòng chiến sĩ niềm phẫn uất cao độ.
Cũng đêm ấy, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu cùng một số cán bộ, chiến sĩ cơ quan, vận tải, lách qua các cụm quân địch tới Pháo Đài kiểm tra trận địa, tiếp đạn, lương thực, thực phẩm và vận chuyển thương binh về phía sau. Tiểu đoàn trưởng cho biết, tuy địch có bao vây chia cắt nhưng trận địa phòng ngự của trung đoàn vẫn giữ vững. Trước mắt còn khó khăn do lực lượng ta có hạn nên phải tổ chức chặt, bám chắc trận địa và phối hợp thật tốt với các đơn vị không cho chúng chiếm Pháo Đài.

Ngày 19-2, những trận bắn pháo dữ dội của địch từ nhiều hướng dồn vào Pháo Đài. Nguy hiểm nhất là trận địa pháo 85mm của địch vừa bí mật kéo lên đồi 440, đồi Không Tên và trận địa ĐKZ ở mỏm phía bắc Pháo Đài. Chưa kịp nghe tiếng nổ đầu nòng đã thấy đạn pháo địch cày trước công sự. Chúng còn tổ chức bọn bắn tỉa bám sát các cán bộ chỉ huy và các xạ thủ súng máy của ta. Một số chiến sĩ đã hy sinh, bị thương vì bọn bắn tỉa này.
Có thêm các chiến sĩ biên phòng, lực lượng bảo vệ Pháo Đài thêm vững. Do nối lại được thông tin nên việc chỉ huy của trung đoàn, tiểu đoàn đối với Pháo Đài cũng chặt chẽ hơn. Các trận địa pháo sư đoàn, trung đoàn và đơn vị bạn xác định toạ độ khu vực bắn chặn và kìm hoả lực địch chính xác, đúng thời cơ. Địch tiến công từ phía đông bị cối 120mm và súng máy của tiểu đoàn 6 ở điểm cao 339 giáng vào lưng. Chúng tiến công từ phía đông và phía nam bị đại đội 2 ở đồi Thâm Mô bắn lướt sườn. Những tốp địch tiến vào gần Pháo Đài bị chiến sĩ ta dùng lựu đạn, tiểu liên tiêu diệt. cứ như vậy, suốt ngày 19-2 địch vẫn không chiếm được Pháo Đài, mặc dù một số cánh quân của chúng đã vượt qua dãy Pháo Đài, Thâm Mô tiến hành bao vây điểm cao 339 và cắt đường 1B ở Con Khoang, Khôn Làng.
Đêm 19-2, đại đội trưởng Hoàng Quý Nam và trung đội trưởng Phạm Hồng Minh cùng các chiến sĩ trinh sát vào tới Pháo Đài. Mọi người phấn khởi xúm quanh Nam, ai cũng thấy vững vàng hơn vì họ biết rõ về những cán bộ ưu tú của mình. Vẻ mặt Nam thoáng buồn vì thấy đại đội của mình chỉ còn mấy chục người. Mở đàu cuộc họp, Nam nói với anh em : "Tôi xin lỗi các đồng chí vì không về được sớm hon do phải đánh địch dọc đường. Nhưng còn Pháo Đài, thế trận của trung đoàn ta còn đứng vững. Địch ở xung quanh ta nhưng trung đoàn, sư đoàn ta lại ở xugn quanh địch". Niềm lạc quan của Nam đã tăng thêm lòng tin cho từng chiến sĩ. Đêm đó, nam đi khắp trận địa điều chỉnh lực lượng, thống nhất phương án, thống nhất chỉ huy với các chiến sĩ biên phòng.

Ngày 20-2, địch bắt đầu dùng thủ đoạn đánh dần từng bước thay cho thủ đoạn đánh ào ạt. Cụm điểm tựa nam Đồng Đăng là mục tiêu đầu tiên của chúng. Lúc này, Pháo Đài, Thâm Mô, 339 như mũi tên cắm sâu vào đội hình địch trên trận địa phòng ngự của sư đoàn. Pháo Đài là đỉnh của mũi tên ấy. Xe tăng, xe kéo pháo chở bộ binh từ mốc 16 theo đường 4A, từ Hữu Nghị Quan theo đường 1A ùn ùn đổ về Đồng Đăng, liên tiếp tiến công lên Pháo Đài, Thâm Mô, 339. Ngày hôm ấy, sư đoàn mở những trận phản kích đánh vào cánh quân vu hồi từ Khôn Làng đến Con Khoang, Thâm Mô, buộc địch phải dồn quân đối phó. Các chiến sĩ trên Pháo Đài vừa chặn đánh các cánh quân tiến công lên trận địa mình, vừa chủ động dùng hoả lực bắn vào phía sau đội hình quân địch đang tràn lên điểm cao 339 và Thâm Mô. Mỗi lần như vậy, các chiến sĩ ở chốt tiền tiêu đồi Thâm Mô lại nhảy lên hoan hô làm cho không khí chiến đấu tuy ác liệt nhưng phấn chấn, tin tưởng. Ngày hôm đó, đại đội 42 bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe kéo pháo, diệt gần 100 tên địch.

Ngày 21-2, địch dồn quân quanh Pháo Đài đông hơn, bắn pháo dữ dội hơn. Hoàng Quý Nam vẫn đứng ở vị trí chỉ huy của mình ở ngay trận địa hoả lực. bên phải là trung đội do Phạm Hồng Minh chỉ huy. Bên trái là các chiến sĩ bộ đội biên phòng do Ngô Chí Khán chỉ huy. các cụ già, em nhỏ và thương binh nặng được chuyển xuống tầng hầm thứ 2. Như một con thoi, Nam chạy đi chạy lại giữa các tổ động viên bộ đội, tấm vải dù rách toạc từng mảng. Bọn địch bắn tỉa ở mỏm đồi phía bắc mấy lần bắn hụt Nam và các đồng chí chỉ huy trung đội. Nam bố trí bộ phận phục bắn trả lại hạ một số tên.
Trận địa ĐKZ của chúng khống chế gắt gao cửa Pháo Đài, nơi thường xuyên qua lại giữa bộ phận chiến đấu và anh em thương binh, cũng là nơi có thể đại đội của anh phải rút về cố thủ. Nam quyết định phải diệt bằng được trận địa hoả lực của địch. Anh hợp đồng với Khán và các chiến sĩ biên phòng kèm bọn bộ binh, trung đội của Minh kèm bọn xe tăng, rồi thận trọng trườn ra hào giao thông bất ngờ đứng dậy bắn liên tiếp 2 quả B41, 1 quả vào cụm chỉ huy, 1 quả vào trận địa ĐKZ. Nam là 1 cán bộ không những chỉ huy giỏi mà còn sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí : AK, M79, B40, B41, trung liên, đại liên và cả súng cối.
14 giờ chiều, giữa lúc Nam đang giương khẩu B41 nhắm vào 1 ổ trọng liên của địch thì 1 quả đạn B41 của chúng đã đẩy anh ngã xuống, đùi bên phải dập nát. Nam không nói được câu nào nhưng đôi mắt của anh như nói lên tất cả. Một đôi mắt trong trẻo, mở to như muốn níu giữ lấy hình ảnh những khuôn mặt thân yêu của đồng đội. Năm ấy Hoàng Quý Nam vừa tròn 27 tuổi.
Sau khi Hoàng Quý Nam hy sinh, địch tổ chức thêm nhiều đợt xung phong và chiếm được mỏm đồi phía tây bắc Pháo Đài. Khán, Minh, Thức cùng với những chiến sĩ còn lại rút về mỏm Pháo Đài. Số thương binh và đồng bào được chuyển xuống tầng hầm thứ 3. Một đợt tiến công nữa của địch bị đẩy lui nhưng trung đội trưởng Thức hy sinh, Khán bị thương lần thứ 2.

vào ngày cuối cùng, Phạm Hồng Minh, người thay thế Hoàng Quý Nam đã huy động toàn bộ lực lượng bám giữ quanh Pháo Đài. Đó là ngày địch vừa đưa lực lượng dự bị vào đánh đồng laọt lên toàn bộ cụm điểm tựa nam Đồng Đăng. Cũng như ở Thâm Mô hôm đó, nhiều cuộc chiến đấu giáp lá cà đã diễn ra quanh cửa Pháo Đài. Có lúc Minh phải gọi các trận địa pháo của ta bắn trùm lên Pháo Đài để đẩy lùi đợt tiến công ào ạt của địch, nhưng rồi máy thông tin lại hỏng. Các chiến sĩ ta chỉ còn 2 vị trí chiến đấu ở cửa Pháo Đài. Một số thương binh nặng khi tỉnh dậy, nghe tiếng kêu gọi của Phạm Hồng Minh cũng bò lên cửa Pháo Đài tham gia chiến đấu. Mọi người đều xác định : thà hy sinh chứ không chịu để quân Trung Quốc bắt sống. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, sau mấy lần tiến công bằng súng phun lửa, địch đã tràn lên được bề mặt Pháo Đài. Những thất bại suốt 5 ngày quanh Pháo Đài làm chúng lồng lên. Sau khi không kêu gọi được các chiến sĩ ta đầu hàng, chúng chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đnạ hoá chất độc vào các lỗ thông hơi. Các cụ già, em nhỏ sau những ngày đói khát đã kiệt sức, dần dần lả đi ở các căn hầm vòm. Những chiến sĩ bị thương nặng cũng lần lượt hy sinh. Pháo Đài chỉ còn lại Phạm Hồng Minh và một số chiến sĩ bị thương nhẹ. Trước tình hình ấy Minh quyết định tổ chức đánh địch mở đường máu để đưa lực lượng còn lại ra khỏi Pháo Đài.

Nếu như tên tuổi Phạm Ngọc Yểng và các chiến sĩ bảo vệ Thâm Mô đã được các chiến sĩ ta gắn liền với tên sông núi thì tên tuổi Hoàng Quý Nam cùng các chiến sĩ bảo vệ điểm cao Pháo Đài đã được lưu lại trong lòng cán bộ chiến sĩ sư đoàn Sao Vàng và quân dân Lạng Sơn bằng những bài ca mà cho đến nay mỗi khi hát lên vẫn làm xúc động lòng người :

Ta hát lên, ngợi ca Pháo Đài Đồng Đăng
Ta hát lên, tên anh Hoàng Quý Nam
Trước quân thù sống bất khuất, hiên ngang
Vì nhân dân chết anh dũng vẻ vang.

(Theo ca cảnh quan họ "Pháo Đài Đồng Đăng" của Nguyễn Phiết)


TRƯỚC CỬA NGÕ THỊ XÃ LẠNG SƠN
(Trích kí sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng)


Đêm 22-2, thường vụ đảng uỷ và bộ tư lệnh sư đoàn họp. Vấn đề trung tâm được đưa ra thảo luận là nên đưa trung đoàn 12 lập trận địa mới hay tiếp tục tổ chức đánh chiếm lại các trận địa vừa bị mất trên hướng chủ yếu ở Đồng Đăng ? Có ý kiến cần tập trung toàn bộ lực lượng khôi phục lại các điểm cao Thâm Mô, Pháo Đài, 339 bởi giá trị chiến dịch của nó có tính chất quyết định đối với việc bảo vệ Lạng Sơn. Mất khu vực cửa ngõ này, mũi vu hồi của địch ở Tam Lung có điều kiện tiến về Lạng Sơn nhanh hơn vì nó không còn bị đe doạ từ phía sau lưng. Có ý kiến nếu tập trung sức của sư đoàn để phản kích thì sẽ khôi phục được trận địa vì ở Thâm Mô và điểm cao 339 ta vẫn còn giữ được một phần đất để làm bàn đạp, nhưng sự tiêu hao sinh lực sẽ lớn. thêm nữa, địch vẫn liên tiếp tăng quân và đang dồn lực lượng vào hướng chủ yếu. Diệt hết lớp này, lớp khác lại tràn đến thay thế. Trong khi ấy lực lượng ta có hạn, nhất là trung đoàn 12 phải tính đến từng người. Do đó không thể đánh theo lối "đá bóng" như vậy mãi được.
Giữa chừng hội nghị, đồng chí Lê Thanh phó tư lệnh Quân khu 1 đến. Sau khi nghe tóm tắt tình hình và những ý kiến thảo luận của hội nghị, đồng chí nhất trí với quyết định của sư đoàn điều trung đoàn 12 tổ chức trận địa phòng ngự ở đường 1B. Đồng chí nhắc sư đoàn những ý kiến của Bộ về mũi vu hồi ở Tam Lung, địch đã không thực hiện được ý định thì bây giờ khi chiếm được Thâm Mô, Pháo Đài, 339 chúng sẽ biến mũi vu hồi Tam Lung thành hướng tiến công chính. Bởi vậy, sư đoàn phải nhanh chóng tập trung sức củng cố ngay thế trận để chặn đánh địch ngay trong ngày mai vì trung đoàn 870 địch đã tập kết dưới chân điểm cao 811.
Từ tình hình cụ thể của sư đoàn và những ý kiến của đồng chí phó tư lệnh quân khu, bộ tư lệnh sư đoàn quyết định đưa trung đoàn 12 và tiểu đoàn 1 Bắc Thái (tức tiểu đoàn 1 của trung đoàn 197 Bắc Thái-chiangshan) về lập trận địa mới trên hướng đường 1B từ Nà Pia đến Lũng Pảng. Đồng thời tập trung lực lượng bộ binh, pháo binh trên đường 1A sẵn sàng đánh phủ đầu trung đoàn 870 địch khi chúng bước vào tác chiến.

Suốt đêm hôm ấy, sư đoàn 3 khẩn trương di chuyển. tiểu đoàn 5 sau những ngày chiến đấu dũng cảm ở khu vực Tân Yên được lệnh qua Đồng Uất. Tiểu đoàn 4 và 6 rời khu vực Thâm Mô, 339 tới khu vực Chóc Vỏ, 393. Tiểu đoàn 1 và 7 nhanh chóng từ Thâm Mô, Khôn Làng trở lại nam Tam Lung làm lực lượng cơ động cho sư đoàn. Tiểu đoàn 1 Bắc Thái chiếm lĩnh trận địa ở Nà Pia, Khôn Làng. Các đơn vị trực thuộc cũng được bố trí lại theo đội hình phòng ngự của từng hướng.
Để phục vụ cho sư đoàn điều chỉnh lực lượng, cơ quan hậu cần các cấp làm việc rất khẩn trương, linh hoạt. Công tác hậu cần chiến dịch thực hiện tốt một phần do chi việc của hậu phương và cấp trên kịp thời, đắc lực, kết hợp với sự nỗ lực, năng động của các cán bộ, chiến sĩ từ cơ quan đến các đơn vị vận tải, quân y, các kho, trạm, xưởng quân giới. Chủ nhiệm hậu cần sư đoàn Nguyễn Xuân Khá cùng các trưởng ban trong mọi cuộc di chuyển đều có mặt ở các mối đường kiểm tra, đôn đốc, bổ sugn kịp thời các mặt cho từng đơn vị theo đúng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, các sĩ quan tham mưu, chính trị cũng xuyên rừng, lội suối đến các trận địa tham gia thực hiện các phương án chiến đấu.
Đêm rời khỏi khu vực Đồng Đăng gợi các chiến sĩ trong sư đoàn nhớ tới đêm rời khu vực Bồng Sơn vào mùa thu ănm 1972. Khung cảnh hoang vắng của những bản làng mà sư đoàn hành quân qua, tội ác dã man của bọn bành trướng đã đốt cháy thêm lòng căm thù sâu sắc của cán bộ chiến sĩ đối với quân xâm lược.
Mọi người đều hiểu trong hình thái phòng ngự của sư đoàn lúc đó, việc chủ động tổ chức lại trận địa là 1 quyết định chính xác. Sư đoàn cần có thời gian dù là rất ngắn để củng cố lực lượng. Mặt khác, tổ chức phòng ngự ở khu vực mới sư đoàn có điều kiện tập trung được lực lượng mạnh để tăng cường cho hướng phòng ngự chủ yếu, mở các đợt phản kích với quy mô trung đoàn nhằm đánh quỵ các lực lượng đột kích chính của địch.

Cuộc di chuyển đội hình đã diễn ra một cách chủ động và bí mật, đến nỗi sáng 23-2, ở nhiều nơi địch vẫn bắn pháo rồi xung phong ồ ạt lên các trận địa đã trống không. 7 ngày liên tiếp tổ chức tiến công, ném vào họng súng của đối phương hàng ngàn binh lính, hàng trăm xe tăng, xe cơ giới và pháo binh, bọn xâm lược Trung Quốc tiến được vẻn vẹn 4km. Người ta nói rằng đó là một tốc độ tiến quân chậm nhất, tổn thất và tốn kém nhất so với bất kì cuộc chiến tranh xâm lược nào trong lịch sử.
Bị Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí thúc ép, vì 1 tuần lễ rồi vẫn chưa đánh tan được sư đoàn Sao Vàng để tới Lạng Sơn, sau khi chiếm được khu vực Đồng Đăng, bộ chỉ huy địch trên hướng Lạng Sơn chủ trương không để cho đối phương kịp hồi sức đã tổ chức đánh ngay vào khu vực phòng ngự của sư đoàn ở Tam Lung. Chúng đinh ninh có bàn đạp Đồng Đăng với nhiều trận địa pháo vừa được thiết lập và sư đoàn 3 đã bị thiệt hại nặng nề ở Thâm Mô, Pháo Đài, 339 không thể nào đứng vững được trước đòn tiến công tập trung cao độ của chúng. Nhưng một lần nữa chúng phải trả giá cho sự chủ quan hợm mình đó.


7 giờ 30 ngày 23-2-1979, hầu như toàn bộ lực lượng pháo binh địch trên hướng Lạng Sơn đều đổ đạn vào cụm điểm tựa Tam Lung. Bỗng nhiên, trong những phút cuối của trận mưa đạn ấy, đài quan sát trung đoàn 2 báo cáo, pháo địch còn bắn nhưng 1 tiểu đoàn bộ binh của chúng đang di chuyển dưới trung tâm toạ độ bắn phá hoại ấy. Nhận thấy địch đang có thủ đoạn mới, trung đoàn trưởng Nguyễn Lư vội cầm máy yêu cầu tiểu đoàn 3 ở Chậu Cảnh báo cáo cụ thể. Một lát, tiểu đoàn trưởng Đỗ Ngọc Ngòi cho biết, sau khi bắn đạn thật, địch bắn pháo giấy lên trận địa ta cho bộ binh tiếp cận. Anh đã thông báo cho bộ đội biết và đang chuẩn bị chiến đấu.
Trung đoàn trưởng thở phào. Anh điện cho tiểu đoàn 2 nhắc địch đang nghi binh bắn pháo giấy để chiếm Phai Môn. Chú ý cảnh giác và đánh cho thật tốt.
Vừa buông ống nói, anh đã nghe tiếng súng rộ lên trên trận địa của tiểu đoàn 3. Đinh ninh với thủ đoạn bắn pháo giấy, địch ùn ùn kéo lên Phai Môn, một điểm cao nằm cách khu đồi Chậu Cảnh 500m về phía nam. Sở dĩ lần này địch tiến đánh Phai Môn trước vì Phai Môn là một mắt xích trọng yếu trong trận địa phòng ngự bảo vệ Lạng Sơn của sư đoàn. Chiếm được Phai Môn, địch sẽ khống chế khu đồi Chậu Cảnh, Bản Phân và các khu vực khác. Nhưng ở điểm cao này, sư đoàn 3 đã chuẩn bị 1 trận giáng trả đích đáng đối với bọn xâm lược bằng đòn tiến công chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh. Suốt đêm 22-2, mặc dù vừa trải qua một ngày chiến đấu khốc liệt, sư đoàn đã nhanh chóng hoàn chỉnh thế trận phòng ngự mới, tập kết toàn bộ lực lượng cơ động của mình trên hướng chủ yếu, xác định toạ độ bắn cho pháo binh vào các khu vực dự kiến tác chiến, đặc biệt đã bí mật đưa trận địa pháo 85mm bắn thẳng lên điểm cao 417 cách Phai Môn chưa đầy 1km để chi viện trực tiếp cho bộ binh. Tất cả khối công việc khổng lồ đó chỉ diễn ra trong 1 đêm, khiến cho địch khi ào ạt tràn lên Phai Môn đã hứng chịu một trận tập kích bất ngờ, dữ dội của pháo binh ta giáng xuống. Đội hình chúng lạp tức rối loạn, số xông lên đỉnh đồi bị các chiến sĩ địa đội 10 đánh hất xuống, số tụt xuống suối bị pháo ta giã vào. Hàng trăm tên địch đã bỏ mạng trong những đợt tiến công ấy.
Sau lần xung phong thứ 6, địch buộc hpải rút về điểm cao 611 và 409. Lập tức sư đoàn ra lệnh cho trung đoàn 2 dùng lực lượng cơ động cắt rừng đánh thốc vào sườn đội hình chúng. Hàng trăm xác chết nằm ngổn ngang trên đường rút chạy của chúng.
Một tiếng đồng hồ sau, trinh sát sư đoàn báo cáo, 1 cánh quân địch từ Đồng Đăng xuống nhập bọn với đám tàn quân vừa thua trận lại kéo vào Phai Môn. Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định địch đã tung lực lượng dự bị vào để chiếm bằng được Phai Môn. Lập tức, lệnh chiến đấu được truyền ngay xuống các đơn vị.

14 giờ, khi pháo địch đang bắn lên trận địa Phai Môn, sư đoàn ra lệnh cho pháo binh ta bắn trùm lên cụm xuất phát tiến công của địch ở dưới chân đồi. Sau đó, khi địch thực hành xung phong thì lực lượng cơ động của trung đoàn 2 cũng được lệnh xuất kích diệt địch từ lưng chừng đồi, phối hợp với đại đội 10 từ đỉnh đồi đánh xuống. Trận kịch chiến diễn ra hàng tiếng đồng hồ.
Giữa 4 về là địch, đại đội 10 dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Phan Bá Mạnh và chính trị viên Nguyễn Xuân Phúc đã bình tĩnh đánh trả hết toán quân này đến toán quân khác của chúng. Mỗi người đều khoác trên mình 2, 3 khẩu súng để diệt địch. Đại đội trưởng Phan Bá Mạnh vừa dùng AK vừa bắn B40, ở đâu khó khăn là có anh. Trong một lần di chuyển, anh đã trúng 1 quả đạn ĐKZ của địch. Phan Bá Mạnh hy sinh để lại tấm gương chiến đấu oanh liệt và niềm thương tiếc vô hạn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Thay thế Mạnh, chính trị viên Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh hất địch xuống chân đồi, giữ vững trận địa.

Không chiếm được Phai Môn, địch dồn quân đánh vào Chậu Cảnh lúc 15 giờ 45. Tại đây địch không ngờ toàn bộ đội hình tiến công của chúng đã phơi lưng một cách lộ liễu trước trận địa pháo bắn thẳng của sư đoàn và các trận địa hoả lực của trung đoàn 2. Một trận bắn pháo dữ dội và chính xác của ta đã giáng xuống đội hình dày đặc của địch. Trong cảnh hoảng loạn của chúng, trung đoàn 2 ra lệnh cho một bộ phận tiểu đoàn 3 xuất kích, tiến công từ bên sườn, phối hợp với các chiến sĩ từ trên điểm tựa đánh xuống. Hàng trăm xác địch bỏ lại trận địa, đánh dấu thất bại nặng nề của trung đoàn 870 địch sau 12 lần tiến công vào Tam Lung.
Nắng chiều tắt dần trên các điểm cao. Không gian trở lại yên ắng. Một ngày chiến đấu căng thẳng nữa đã trôi qua. Dưới các thung lũng về phía bắc, địch đang lặng lẽ thu thập tàn quân và quát nạt nhau qua sóng đài 2W vì không tìm thấy "thủ trưởng số 2" (mật danh của tên trung đoàn phó). Hơn 1.000 tên địch bị tiêu diệt trong ngày hôm đó.

Vào lúc 15 giờ ngày hôm ấy, đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn cán bộ lên kiểm tra hướng Lạng Sơn, tới sở chỉ huy làm việc với bộ tư lệnh sư đoàn 3. Sư đoàn trưởng đã báo cáo với đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị toàn bộ diễn biến và kết quả chiến đấu trong 7 ngày qua với tất cả những ưu điểm, thiếu sót trong công tác chỉ huy, bảo đảm cũng như tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.
Khi sư đoàn trưởng trình bày xong, đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói đại ý : so với những ngày đầu đánh Mĩ, sư đoàn đã vận dụng chiến thuật nhạy bén và chững chạc hơn nhiều. Bộ đội có bản lĩnh vững vàng nên trong mọi tình huống vẫn độc lập tác chiến và đánh khá tốt ở nhiều khu vực. Phải nhanh chóng phát huy những hành động anh hùng, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ và những phân đội đã đánh giáp lá cà, đánh bằng mọi thứ vũ khí, quả cảm, quên mình bảo vệ trận địa. Đồng chí còn cho biết 7 ngày vừa qua sư đoàn đã đánh với ba phần tư lực lượng của 2 quân đoàn địch có hàng trung đoàn xe tăng yểm trợ. Đó là một cố gắng rất đáng kể. Tuy vậy những thiếu sót về tổn thất vũ khí, phương tiện và duy trì kỉ luật chiến trường đối với cơ sở cần chú ý nghiêm khắc hơn. Các khu vực phòng ngự phải có kế hoạch bảo đảm để bộ đội có thể trụ bám được. Thị xã Lạng Sơn vẫn đang là mục tiêu của địch nên sắp tới sư đoàn còn phải đánh với những lực lượng đông hơn, ác liệt hơn. Trước mắt, sư đoàn điều chỉnh thế bố trí trận địa như vậy alf kịp thời và cần thiết. Địch càng tiến vào sâu, tốc độ phát triển càng chậm, tổn thất càng tăng. Đó là dấu hiệu của sự thất bại và nhất định chúng sẽ thất bại nặng như đã từng thất bại ở biên giới Xô-Trung năm trước.

Ngày hôm đó, trên toàn tuyến biên giới, địch bị chặn đứng lại trước các mục tiêu then chốt của chúng. Ở Cao Bằng, 2 quân đoàn 41, 42 và 1 sư đoàn độc lập có xe tăng yểm trợ đã bị đánh thiệt hại nặng ở Tà Sa, Nà Ngần, Bản Chan, Tĩnh Túc, Khâu Đôn, Khâu Chỉ... Ở Lào Cai, 4 sư đoàn của 2 quân đoàn 13, 14 và 2 tiểu đoàn xe tăng bị bám đánh liên tục ở tây Lào cai, Cốc Sân, Thanh Bình, Bản Lầu, ga Phố Mới... Ở Hà Tuyên, Quảng Ninh, tiếng súng chặn địch vẫn vang lên từ ngày 17-2-1979. Càng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, địch càng lúng túng. các mục tiêu chiến dịch đặt ra trong 48 giờ đồng hồ đến nay vẫn chưa đạt được. Cay cú, Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí quyết định tung thêm các đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng, lấy các binh đoàn chủ lực làm lực lượng đột phá, đánh chiếm bằng được các mục tiêu quy định, trong đó thị xã Lạng Sơn là mục tiêu chủ yếu của chúng.


Sau hội nghị đảng uỷ sư đoàn đêm 23-2 và những chỉ thị của đoàn kiểm tra Quân ủy Trung ương, sư đoàn gấp rút bố trí thế trận trên hướng đường 1B, điều chỉnh lực lượng phòng giữ ở hướng đường 1A. Đại tá Nguyễn Ngọc Diệp, cục trưởng cục nhà trường, người sẽ thay thế chính ủy sư đoàn Nguyễn Khắc Hào đi nhận nhiệm vụ mới, cùng các phái viên Bộ Tổng Tham mưu, phái viên QK1 xuống thẳng trung đoàn 12 hướng dẫn rút kinh nghiệm chiến đấu, tham gia tổ chức thực hiện phương án mới và động viên quyết tâm chiến đấu của bộ đội.
Bộ Tư lệnh QK1 tăng cường cho sư đoàn các đơn vị binh chủng kĩ thuật : B72, A72, xe tăng, công binh. Tự vệ các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy quanh thị xã Lạng Sơn được trang bị thêm súng đạn. Bộ đội địa phương các huyện Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, các tiểu đoàn trực thuộc huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh trì, Từ Liêm mới được nhân dân Hà Nội gửi lên Lạng Sơn sẵn sàng ra tuyến trước tham gia chiến đấu, biểu hiện sinh động ý chí đánh địch từ xa của quân dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô yêu dấu.
Suốt 3 ngày 24, 25, 26-2, mặt trận Lạng Sơn lắng dịu. Trong khi ta khẩn trương bố trí lại thế trận phòng ngự thì địch cũng gấp rút chuẩn bị cho những đợt tiến công mới. Quân đoàn 54 dự bị chiến dịch cùng sư đoàn 129 (quân đoàn 43) được tung nốt vào khu vực tác chiến. Trong khi đó, từ phía sau những cuộc dồn quân, thay quân của chúng vẫn khẩn trương thực hiện. Hàng ngàn xe tải phủ bạt kín chạy thâu đêm sang tận Đồng Đăng đổ lính, đổ hàng. Tuyến xe lửa Bằng Tường-Nam Quan tăng ngày 4 chuyến, chở từ 2.000-3.000 quân và hàng ngàn tấn phương tiện. Khác với ngày 17-2, các cánh quân vu hồi lần này không thực hiện trước khi nổ súng mà triển khai trong quá trình tiến công với độ sâu từ 4-6km.

6 giờ 05 sáng 27-2-1979, một đợt tiến công mới của quân Trung Quốc xâm lược vào trận địa phòng ngự của sư đoàn 3 bắt đầu. Với 3 sư đoàn bộ binh (129, 160, 161), 90 xe tăng, 500 khẩu pháo các cỡ của 12 trung đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn tên lửa, địch đã ồ ạt tiến công trên một chiều dài 20km từ xã Hồng Phong huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu huyện Cao Lộc.
Bằng một lực lượng đông gấp 3 trên 1 về số lượng đơn vị, 6 trên 1 về binh lực và hoả lực, địch tin chắc sẽ nhanh chóng phá vỡ trận địa phòng ngự của sư đoàn 3. Nhưng ở khắp nơi chúng đã bị chặn đứng và đánh trả dữ dội.

Suốt ngày hôm đó, sư đoàn 129 địch không sao đột phá nổi trận địa cơ bản của trung đoàn 141. Các chiến sĩ tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn địa phương huyện Cao Lộc đã cản phá nhiều đợt xung phong của 1 trung đoàn địch bằng các bãi mìn liên hoàn, các trận tập kích hoả lực, xung lực. Mỗi thước đất đi Bản Xâm, Thanh Loà đều thấm đầy máu giặc.

Ở hướng đường 1B, sư đoàn 161địch cũng bị ghìm lại trước trận địa của trung đoàn 12. Tiểu đoàn 1 Bắc Thái, đơn vị đảm nhiệm khu vực then chốt của trung đoàn, hợp đồng chặt chẽ với tiểu đoàn 5 và được sự chi viện kịp thời của tiểu đoàn pháo 23 đã đánh lui 11 đợt xung phong của hơn 1 trung đoàn địch có 40 xe tăng yểm trợ. Riêng đại đội 1 ở phía bắc điểm cao 500 đã quần lộn với 2 tiểu đoàn địch. Tiểu đội 7 khi hết đạn đã nhất loạt dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà với chúng. Gần 600 tên địch và 7 xe tăng bị tiêu diệt trong ngày hôm đó.

Ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 cùng một lúc vừa chặn đánh sư đoàn 160 địch từ phía bắc xuống, vừa đánh với 1 cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 địch từ hướng tây bắc thọc sang. Những trận chiến đấu không cân sức diễn ra dai dẳng trên các mỏm đồi Không Tên, Chuồng Cu, 417, 477 từ sáng sớm đến tối mịt. cùng với bộ binh, các pháo thủ tiểu đoàn 11 trung đoàn pháo 68 đã chiến đấu hết sức kiên cường trên các trận địa bắn thẳng Cồn Chủ, 417. Vừa tiêu diệt xe tăng, trận địa hoả lực địch, các pháo thủ vừa hạ thấp nòng pháo bắn tung từng tốp lính khi chúng la hét tràn lên định chiếm trận địa.

14 giờ ngày hôm đó, trong khi các trận đánh dồn dập diễn ra khắp nơi, 1 tiểu đoàn địch lặng lẽ luồn qua phía sau tiểu đoàn 1, bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh sư đoàn. Mất điểm cao 800, trận địa phòng ngự của trung đoàn 2 bị một lỗ rò chiến thuật lớn. DO đó, mặc dù đã đánh thiệt hại nặng trung đoàn 850 địch (trung đoàn này mới được tung vào thay thế trung đoàn 870), tiêu diệt hàng ngàn tên, thế trận của ta ở phía tây đường 1A từ tây Cốc Chủ đến điểm cao 417 đã bị chọc thủng. Địch ùn ùn dồn tới từ phía điểm cao 800.
Biết tổ chức đánh chiếm điểm cao 800 không kịp nữa, bộ tư lệnh sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 6 nhanh chóng lập trạn địa từ khu vực Kéo Càng nối liền với trận địa tiểu đoàn 3 ở đông Quán Hồ. Đồng thời ra lệnh cho trung đoàn 141 củng cố thêm các điểm tựa, nhất là điểm cao 449. Tất cả đều phải gấp rút hoàn thành trước khi trời sáng.

Trước đó 2 ngày, vào chiều 25-2, tại Mai Sao, đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã họp với các đồng chí chỉ huy tiền phương QK1, đại diện tỉnh ủy, bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn và các cán bộ chủ chốt của các sư đoàn ở mặt trận Lạng Sơn. tại cuộc họp quan trọng này, đồng chí công bố quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1 và thành lập Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn. Các đơn vị nằm trong đội hình quân đoàn gồm sư đoàn 3, sư đoàn 327, sư đoàn 337 (đang từ QK4 ra), sư đoàn 338 và sau này có thêm sư đoàn 347 cùng với các đơn vị trực thuộc.
Quân đoàn 14 được thành lập đáp ứng đòi hỏi việc tăng cường lực lượng và chỉ huy thống nhất, hình thành những quả đám mạnh của lực lượng chủ lực đồng thời báo hiệu một đợt phản kích trên quy mô lớn nhằm tiêu diệt quân Trung Quốc trên mặt trận Lạng Sơn.
Đêm hôm ấy, tư lệnh quân đoàn 14 tới sở chỉ huy sư đoàn 3. Sau khi nắm lại tình hình khu vực tác chiến, đồng chí truyền đạt ý định của tiền phương QK1: các đơn vị pháo binh, xe tăng trước đây tăng cường cho sư đoàn 3 này sẽ do quân đoàn trực tiếp chỉ huy. Sư đoàn 337 chính thức đảm nhiệm chiến đấu tại cầu Khánh Khê. từ ngày 28-2, sư đoàn 327 sẽ bước vào chiến đấu, đảm nhiệm phòng ngự tại thị xã Lạng Sơn và thị trấn Kỳ Lừa. Những quyết định đó đã tạo điều kiện cho sư đoàn 3 tạp trung sức diệt địch bảo vệ trận địa, chặn bước tiến của chúng.
Chiếm được khu vực Tam Lung và điểm cao 800, bộ chỉ huy quân sự địch liền ra lệnh cho các đơn vị của chúng tiến công thị xã Lạng Sơn vào sáng 28-2. Chúng khẳng định lực lượng sư đoàn 3 không còn bao nhiêu và không chịu nổi lần tiến công áp đảo này. Nhưng một lần nữa chúng đã tính nhầm.

Suốt ngày 28-2-1979 rồi ngày 1, 2-3, tuy đã đổ vào hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh, địch vẫn không sao vượt nổi đoạn đường 4km để vào thị xã. Những trận đánh nảy lửa đã diễn ra tại đông và tây Quán Hồ (nam Tam Lung). Các tiểu đoàn bộ binh, các đại đội hoả lực 12,7mm, ĐKZ, cối 82mm của ta được pháo binh chi viện đã trụ bám đánh trả dai dẳng trên từng đoạn đường, từng mỏm đồi. Mỗi thước đất ở đây đều thấm đầy máu giặc. Mỗi khúc đường, mỗi ngọn đồi đều ghi dấu tích anh hùng của các chiến sĩ ta quyết hy sinh chiến đấu để bảo vệ trận địa. Trên đồi Kéo Càng, đại đội 61, đơn vị anh hùng đã từng nổi tiếng với chiến công Cây Rui năm 1972 và mới đây ở điểm cao 339, đã lại đánh 1 trận vô cùng oanh liệt.

Hôm ấy (28-2), 3 tiểu đoàn địch từ 3 hướng đánh vào Kéo Càng, nơi chúng được báo là có sở chỉ huy trung đoàn 2, đơn vị đã làm cho chúng tổn thất nặng nề và khốn quẫn hơn chục ngày nay ở Tam Lung. Những cay cú và tổn thất đó giờ đây được chúng đổ vào đồi Kéo Càng. Một ngọn đồi mấy trăm mét vuông chúng bắn liên tục nửa tiếng đồng hồ bằng đủ thứ đạn pháo và hoả tiễn. Sau đó bọn bộ binh chia thành nhiều mũi luồn rừng ào tới. Nhưng sở chỉ huy trung đoàn 2 đã di chuyển. Đại đội 61 do chính trị viên Nguyễn Văn Biết và chính trị viên phó Bùi Đình Hưng chỉ huy đang chờ chúng. Được chi viện của trận địa 12,7mm, đại đội 61 đã đánh trả quyết liệt. Từng công sự, từng gốc cây đều trở thành điểm tựa vững chắc của các chiến sĩ. Cuộc chiến đấu kéo dài từ sáng đến chiều. Địch bị diệt hàng trăm tên nhưng vòng vây của chúng quanh đại đội 61 mỗi lúc càng hẹp lại. Thấy trước kết cụ có thể xảy ra, Nguyễn Văn Biết ra lệnh cho Bùi Đình Hưng nhanh chóng đưa anh em thương binh ra. Thấy Hưng do dự, Biết nói : "Chúng ta phải còn người để xây dựng đơn vị nếu muốn tiếp tục chiến đấu !". Hưng và số anh em vừa ra khỏi một lúc thì đạn pháo địch lại giội xuống đồi Kéo Càng và sau đó là tiếng súng AK, B40 rộ lên từng chặp hàng tiếng đồng hồ nữa mới ngừng hẳn. Chính trị viên Nguyễn Văn Biết và các chiến sĩ của anh đã chiến đấu tới người cuối cùng, viên đạn cuối cùng.
Cũng như Phạm Ngọc Yểng, Hoàng Quý Nam, Phan Bá Mạnh ở Thâm Mô, Pháo Đài, Chậu cảnh, Nguyễn Văn Biết và chiến sĩ đại đội 61 đã chiến đấu như những anh hùng. Mọi người vẫn nhớ nghị quyết hội nghị bất thường của chi bộ đại đội 61 ở điểm cao 339 khi hàng trung đoàn địch có xe tăng yểm trợ bao vây tiến công lên trận địa trong mấy ngày đầu chiến tranh : "Chúng ta quyết bảo vệ 339 như đại đội ta đã từng bảo vệ Cây Rui năm xưa !". Và những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đại đội 61 đã thực hiện quyết tâm đó một cách trọn vẹn. Họ đã bảo vệ trận địa 339 với những khẩu 85mm bắn thẳng làm xe tăng, bộ binh địch kinh hồn; những khẩu cối 120mm, 82mm bắn đâu trúng đó và cuối cùng là những trận chiến đấu bằng AK, B40, súng trường hết ngày này qua ngày khác giữa 4 bề quân địch, kể cả khi Pháo Đài, Thâm Mô đã bị địch chiếm. Một lần nữa, các chiến sĩ đại đội 61 lại làm cho địch phải khâm phục. 1 đại đội ta đã đương đầu với lực lượng gần 1 trung đoàn của chúng và đã chiến đấu tới cùng chứ không chịu để bị bắt sống, cũng không hề nghĩ đến chuyện rút lui mặc dù vẫn còn có điều kiện làm việc đó.
Tất cả những điều ấy dường như không thể tưởng tượng được đối với bọn xâm lược. Mấy ngày qua, những trận địa mà chúng chiếm được chứng tỏ đối phương chẳng có lực lượng bao nhiêu, và những người hy sinh chỉ còn những khẩu súng đã hết sạch đạn, đã bật sẵn lưỡi lê hoặc chỉ còn 1 đoạn súng gãy nát nắm trong tay.

Rạng sáng ngày 2-3-1979, sau khi tung thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54, bộ chỉ huy quân sự địch ra lệnh cho 6 sư đoàn cùng tiến công trên nhiều hướng hòng chiếm thị xã Lạng Sơn ngay ngày hôm đó. Nhưng một lần nữa chúng lại không thực hiện được ý định tưởng đã cầm chắc phần thắng ấy.
Sau những đợt bắn pháo và hoả tiễn điên cuồng lên trận địa ta, xe ătng, bộ binh địch từ các ngả tràn ra như kiến cỏ. Những trận kịch chiến bắt đầu từ đó. Trung đoàn 42 (sư đoàn 327) của ta chặn đánh cánh quân địch ở bắc thị trấn Kỳ Lừa. Lực lượng còn lại của tiểu đoàn 6 (trung đoàn 12) và trung đoàn 2 (sư đoàn 3) chặn đánh cánh quân địch ở bắc Tam Thanh nhằm bẻ gãy 2 gọng kìm của chúng. Trung đoàn pháo 166, trung đoàn cao xạ 272 vừa chi viện cho bộ binh vừa bắn vào đội hình xe tăng và bộ binh địch trên đồng trống. Đại đội 5 xe bọc thép K63 xuất kích đánh địch từ Tam Thanh đến Kỳ Lừa. Khu vực tác chiến cứ ngày một loang ra trên một chính diện rộng. Từ Tùng Huống đến Lục Khoang, từ Tam Thanh đến bắc sông Kỳ Cùng những trận chiến đấu diễn ra không lúc nào dứt.
Trên trận địa phòng ngự của trung đoàn 141, kết hợp với những trận phản kích, trung đoàn thực hiện có hiệu quả nhwũng trận tập kích bằng hoả lực, gây cho địch nhiều thiệt hại. Chỉ sau 2 ngày tiến công, sư đoàn 129 địch đã phải tung lực lượng dự bị vào đối phó với những trận đánh của ta. Ở điểm cao 449, 473, tiểu đoàn 7 và 8 giành đi, giật lại với địch mỗi ngày 5, 6 lần, có trận ta và địch giành nhau từng đoạn àho, từng công sự. Địch đánh vào sở chỉ huy trung đoàn, các đường dây điện thoại và toàn bộ hệ thống liên lạc bị cắt đứt. Tuy vậy các đơn vị vẫn chủ động đánh địch và đến ngày 2-3 tiếng súng vẫn nổ dữ dội trên điểm cao 614.
Trên hướng đường 1B, trung đoàn 12 từ sáng ngày 28-2 lại bước vào những trận quyết chiến mới.
Bị chặn đứng trước trận địa tiểu đoàn 1 Bắc Thái và tiểu đoàn 5, sư đoàn 161 địch vội vã tổ chức những cánh quân vu hồi, đánh chiếm điểm cao 555, 559, ngầm Khánh Khê và phong toả bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đường 1B đoạn Điềm He đi Đồng Uất bị địch khống chế. Trung đoàn 12 trở thành đơn vị tác chiến trong lòng địch từ đó.




Ngày 1 và 2-3, địch ném thêm lực lượng dự bị vào nhưng thế trận của trung đoàn 12 vẫn được giữ vững. Hàng loạt các trận đánh vận động tiến công, tập kích, phục kích liên tiếp được thực hiện trên các điểm cao 500, 607, 300, đồi Lê Đình Chinh, ngã ba Đồng Uất... tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Trong đó trận tập kích điểm cao 500 của đại đội 1 tiểu đoàn công binh sư đoàn và trận phục kích trên đường 1B là những trận đánh xuất sắc.

Rạng sáng ngày 1-3-1979, 20 chiến sĩ đại đội 1 do đại đội trưởng Nguyễn Nho Bông chỉ huy, bằng 1 trận tập kích chớp nhoáng đã đánh thiệt hại nặng 1 đại đội địch, khôi phục lại điểm cao 500 bị chúng chiếm từ mấy hôm trước.
Tiếp đó là những trận phản kích quyết liệt. Địch nhiều lần tổ chức lực lượng đông gấp bội để chiếm lại điểm cao này nhưng đều bị đại đội 1 đẩy bật trở xuống. Đại đội trưởng Nguyễn Nho Bông nhắc anh em bám chắc công sự rồi dẫn theo 2 chiến sĩ tổ chức 1 mũi đánh tạt sườn đội hình tiến công của địch. Với vận động được hơn 20m, 2 chiến sĩ trúng đạn hy sinh. Còn lại một mình, Bông vẫn không từ bỏ mũi tạt sườn mà anh cho rằng chỉ có nó mới đẩy bật được quân địch ra khỏi trận địa của đại đội. Vận động thêm một quãng ngắn nữa, Bông nhìn thấy 1 tên giặc nấp sau một bụi cây đang giương khẩu B41 về phía trận địa ta định bóp cò. Nhanh như cắt, Bông nhào tới giật khẩu súng trên tay nó. Thằng giặc hốt hoảng chồm dậy giằng trở lại. Bông lựa thế, co chân đạp mạnh vào bụng dưới khiến nó kêu rú lên, ngã vật trên mặt đất. Thuận tay, Bông vung khẩu B41 đập một nhát vào đầu nó. Bỗng từ bên phải, 1 tên khác với khẩu CKC đã giương lê nhảy xổ vào Bông. Anh né tránh đường lê rồi rút khẩu K54 bắn vào gáy nó. Cùng lúc, Bông phát hiện 1 khẩu đại liên địch đang thay băng. Anh ném 1 quả lựu đạn diệt luôn ụ đại liên đó.
Bị đánh đứt đôi đội hình một cách đột ngột, địch phải tụt xuống dưới chân điểm cao, bỏ dở cuộc tiến công mà chúng đã nắm chắc phần thắng. Đánh tạt sườn là chiến thuật mà hầu như trận nào Nguyễn Nho Bông cũng thực hiện, có khi chỉ 1 tổ, thậm chí 1 người, và bao giờ cũng đạt được kết quả tốt. Có trận đánh đêm, mũi tạt sườn của Bông đi lẫn vào đội hình địch. Anh em chỉ nghe thấy tiếng Bông thét lớn : "Đánh, nó đấy, bắn đi !". Tiếng súng rộ lên. Lát sau Bông chạy về, ngón tay út bị gãy nhưng hỉ hả : "Mình với nó rúc chung một chiếc hầm, sờ thấy mũi nhau nên chỉ diệt được 7 tên, tiếc quá !".
Có thể nói không quá rằng, trong những ngày quần lộn giữa đội hình phản kích của địch, cùng với tinh thần chiến đấu lạc quan, gan dạ của các chiến sĩ trung đoàn 12 và các đơn vị trực thuộc trong sư đoàn, ý chí và hành động chiến đấu của Nguyễn Nho Bông là một biểu hiện hết sức sống động về kảh năng tiến công mưu trí, quyết liệt.
Những năm trước đây, trung đoàn 12 đã biến con đường số 19 thành con đường chết đối với bọn Mĩ-Ngụy-Nam Triều Tiên thì hôm nay, trung đoàn lại biến đường 1B, đường Hoàng Văn Thụ thành mồ chôn xác quân Trung Quốc xâm lược. Sườn phía tây thị xã Lạng Sơn vẫn được trung đoàn 12 giữ vững.

Trụ bám với các chiến sĩ sư đoàn 3 là những trung đội dân quân, những tập thể cán bộ, nhân viên các cơ quan xí nghiệp, các cửa hàng bách hoá huyện, xã. Trên một đoạn sông Kỳ Cùng ở ngầm Khánh Khê, mẹ Lê Thị Lởi, chi hội trưởng phụ nữ xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng không sợ hy sinh, ác liệt, ngày đêm bám bến, bám thuyền đưa bộ đội qua sông. Anh em gọi bến đò này là "Bến đò mẹ Lởi", "Bến đò mẹ Suốt xứ Lạng". bác nông dân người Tày Hoàng văn Phát, xã Phú Xá đã cùng với du kích ở lại, vừa đánh địch bảo vệ làng bản vừa giã gạo tiếp tế cho bộ đội, khi cần bác trở thành chiến sĩ liên lạc của bộ đội trinh sát trung đoàn. Mặc dù có chỉ thị sơ tán triệt để của tỉnh, huyện nhưng nhiều người dân vẫn tình nguyện ở lại và họ đã trở thành những chiến sĩ bám trụ kiên cường.


Ngày 2-3-1979, Bộ tư lệnh quân đoàn 14 quyết định điều sư đoàn 3 về làm nhiệm vụ cơ động cho quân đoàn. Riêng trung đoàn 12 và các đơn vị phối thuộc ở hướng đường 1B vẫn được lệnh : "Kiên quyết giữ vững trận địa, làm bàn đạp cho quân đoàn mở những đợt phản kích mới".
Nhận được mệnh lệnh của sư đoàn, đảng ủy và cán bộ chỉ huy trung đoàn 12 hạ quyết tâm "Phòng ngự kiên cường, quyết đường 1B thành mồ chôn xác giặc". Mọi người đều hiểu bọn giặc đang cố sống cố chết khai thông con đường chiến lược quan trọng này để cơ động lực lượng và phương tiện trong chiến đấu tiến công của chúng. Giữ vững được trục đường 1B, trung đoàn sẽ chặn đứng được cánh quân vu hồi chiến dịch qua Ba Xã-Sài Hồ và Tu Đôn-Đồng Mỏ trong kế hoạch đánh chiếm thị xã Lạng Sơn của chúng.
Thực hiện ý định đó, đêm 2-3, đại đội 51 (tiểu đoàn 5) được lệnh tổ chức 1 trận vận động phục kích ở đông đường 1B, đoạn từ Chốc Bình đến Lũng Pảng.

8 giờ sáng ngày 2-3-1979, gần 100 tên địch lặng lẽ tiến vào hướng phục kích của đại đội, định đánh ngược lên sở chỉ huy trung đoàn 12, phối hợp với cánh quân từ Khôn Làng phát triển xuống.
Khi tốp đi đầu của địch vào cách khẩu đại liên của Hoàng Văn Hùng độ 20m, đại đội phó Nguyễn Văn Đức ra lệnh nổ súng. Cùng lúc, khẩu đại liên của Nguyễn Văn Vượng từ sườn núi quét đạn xuống đội hình địch đang rối loạn. Trận địa cối 60mm cũng bắn chính xác vào khu vực Chốc Bình và chân điểm cao 649, không cho địch rút chạy về phía sau. Đúng lúc đó, các tổ xung kích do chính trị viên Nguyễn Văn Chiến chỉ huy đồng loạt lao thẳng lên mặt đường tiêu diệt địch. Tiểu đội trưởng Trần Trọng Thường và chiến sĩ Nguyễn Hải Đăng dùng lựu đạn, tiểu liên, cuối cùng dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch.
Sau 30 phút chiến đấu, hơn 70 tên địch bị tiêu diệt, đại đội 51 hy sinh 1 đồng chí.

Cùng với những trận đánh của các chiến sĩ trung đoàn 12 trên đường 1B, các chiến sĩ trung đoàn 4 và 52 (sư đoàn 337) từ ngày 27-2 đến ngày 2-3 liên tục chiến đấu quyết liệt với địch từ điểm cao 649, ngầm Khánh Khê tới điểm cao 595, tiêu diẹt hơn 1.000 tên, thu nhiều vũ khí, bắt tù binh, đập tan cánh quân vu hồi của địch vào phía sau trung đoàn 12. Những trận đánh của sư đoàn 337 ở khu vực cầu Khánh Khê không những có ý nghĩa quân sự mà còn có giá trị tinh thần rất lớn đối với trung đoàn 12 trong việc giữ vững trận địa trên đường 1B. Bởi vậy cho đến chiều 4-3, ngày quân Trung Quốc mở đợt tiến công ồ ạt vào thị xã Lạng Sơn, các chiến sĩ trung đoàn 12 và các đơn vị trực thuộc vẫn giáng vào sau lưng đội hình tiến công của địch những đòn hết sức nặng nề. Trên điểm cao 607, tiểu đoàn 1 bắc Thái kiên cường đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch, diệt 200 tên. Trận địa phòng gnự của trung đoàn 12 trên đường 1B vẫn được giữ vững.

Hoạt động độc lập, trụ bám vững chắc sau lưng đội hình tiến công của địch là một trong những nét đặc trưng truyền thống chiến đấu của trung đoàn 12. Nhờ những kinh nghiệm chiến đấu ở phía nam Bình Định, những kinh nghiệm đánh cắt giao thông địch trên đường số 19 trong kháng chiến chống Mĩ, lại có sự chỉ huy trực tiếp và chi viện kịp thời của các đơn vị bạn, trung đoàn 12 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tiếp tế lương thực, đạn dược, cứu chữa thương binh vẫn thường xuyên tổ chức những đợt phản kích làm chậm bước phát triển của địch trên hướng tiến công chủ yếu.

Tối ngày 4-3, giữa lúc sư đoàn 3 đang khẩn trương củng cố tổ chức, chuẩn bị làm nhiệm vụ mới theo mệnh lệnh của Bộ tư lệnh quân đoàn 14 thì được tin, chiều hôm đó bằng một trận tiến công ồ ạt, 1 cánh quân của địch đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và một bộ phận của cánh quân này đã vào tới thị xã Lạng Sơn. Trong khi đó, cánh quân vu hồi của sư đoàn 128 địch cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở tây nam thị xã.

Đêm hôm đó, tại sở chỉ huy tiền phương, Bộ tư lệnh quân đoàn 14 thông qua phương án phản kích tiêu diệt địch ở thị xã Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng. Trong phương án này, sư đoàn 3 được giao nhiệm vụ chia cắt và thọc sâu vào giữa và phía sau đội hình chiến dịch của địch, tạo điều kiện cho các sư đoàn bạn tiến công trên chính diện thị xã Lạng Sơn. Đến lúc ấy mọi người mới nhận thấy hết ý nghĩa và giá trị chiến dịch của vị trí bàn đạp mà trung đoàn 12 đang kiên cường giữ vững ở đường 1B-một đàu cầu xuất phát tiến công hết sức lợi hại.
Phân tích tình hình, Bộ tư lệnh quân đoàn chỉ rõ : địch tới thị xã Lạng Sơn đã phải qua những thước đất đẫm máu với hàng ngàn sĩ quan, binh lính chết và bị thương, hàng trăm xe pháo bị phá huỷ. Chúng đã tung vào hướng này 8 sư đoàn bộ binh nhưng vẫn phát triển rất chậm. Điều đó chứng tỏ chúng đông nhưng không mạnh. Trong trận tới, lực lượng ta còn sung sức. Các sư đoàn 327, 337, 338 hầu như còn nguyên vẹn. Sư đoàn 3 chiến đấu liên tục có tổn thất nhưng đã được củng cố và vẫn là 1 đơn vị mạnh, có kinh nghiệm. Pháo mặt đất đã được tăng cường các loại hoả khí hiện đại. Đây là lúc tốt nhất để ta mở trận phản kích lớn, diệt lớn quân địch, tiến tới quét sạch chúng khỏi biên giới nước ta.

Đêm hôm đó và ngày hôm sau, những cuộc chuyển quân khản trương, bí mật nhưng náo nức diễn ra quanh thị xã Lạng Sơn. Những đoàn quân, những đoàn xe hối hả đổ về phía bắc. Xe kéo pháo, tên lửa, xe tăng, xe chở đạn chạy không ngớt trên các trục đường 1A, 1B và các đường ngang mới mở để vào chiếm lĩnh trận địa. Trên đèo Sài Hồ, những dàn ăng ten rađa mới dựng quay hối hả. Quân đoàn 2 chủ lực của Bộ đã tập kết phía sau đội hình quân đoàn 14... Nhìn cảnh ấy, mọi người thầm nghĩ : 1 trận Chi Lăng mới lại sắp đổ ụp xuống đầu quân Trung Quốc xâm lược.

Giữa lúc quân và dân Lạng Sơn đang sôi sục chuẩn bị thì do thiệt hại nặng và trước nguy cơ bị tiêu diệt, trưa ngày 5-3, nghĩa là chưa đày 1 ngày vào thị xã Lạng Sơn, nhà cầm quyền Trung Quốc vội vã ra lệnh cho bọn xâm lược rút khỏi lãnh thổ nước ta.
Trận phản kích lớn của quân đoàn đã không xảy ra, nhưng mọi người đều thấy lòng mình phấn chấn tự hào bởi kẻ thù đã thừa nhận thất bại trên toàn tuyến biên giới, thất bại ngay trên địa đầu Tổ quốc nước ta. Điều cay đắng trong sự thất bại của chúng là đối phương chỉ mới sử dụng một phần nhỏ lực lượng chủ lực, lực lượng chủ yếu chiến thắng chúng là lực lượng địa phương và nhân dân các dân tộc.
Sau này, nhiều nàh bình luận phương Tây đã tính rằng, trong 2.000 năm với bao phen tràn sang đất Lạng Sơn, chưa bao giờ quân Trung Quốc xâm lược lại mất nhiều thời gian để đi một quãng đường ngắn như vậy. Ước tính mỗi ngày chúng chỉ đi được 0,8km. Và có lẽ đây cũng là lần mà bọn Trung Quốc tập trung quân đông nhất nhưng cũng là lần tiến quân ì ạch nhất để rồi phải ôm đầu rút chạy sớm nhất.
....

Tổng kết chiến đấu, sư đoàn 3 Sao Vàng, trong thế trận chung của toàn tuyến biên giới đã tiêu diệt hơn 11.000 tên địch, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn, diệt gọn 4 tiểu đoàn, 6 đại đội, bắn cháy và phá hủy 124 xe quân sự (có 82 xe tăng, xe bọc thép), gần 100 khảu pháo cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
...

17 ngày đêm đánh quân Trung Quốc xâm lược là 17 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn tiếp tục phát huy truyền thống "đối tượng kẻ thù nào cũng đánh thắng" và tỏ rõ quyết tâm đánh thắng trận đầu, trên tuyến đầu biên giới. Chưa có chiến dịch nào trong lịch sử đơn vị, sư đoàn phải đánh trả 1 lực lượng địch đông như thế (gấp 9 lần). Cũng chưa có chiến dịch nào khí phách anh hùng của 2 thế hệ chiến sĩ cũ và mới lại nảy sinh rạng rỡ đến thế. Chỉ qua 17 ngày đêm chiến đấu, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. 7 đơn vị, 6 cán bộ, chiến sĩ đã được Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều phần thưởng cao quý khác gồm hàng ngàn huân chương các loại, bằng khen, giấy khen đã được trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn. Riêng trung đoàn 12, đơn vị nổ súng đầu tiên và cũng là đơn vị dứt chiến sau cùng đã nêu 1 tấm gương sáng trên các điểm cao Pháo Đài, Thâm Mô, 339 và giữ vững trận địa phòng ngự của mình giữa 4 bề quân địch ở khu vực đường 1B xứng đáng là ngọn cờ đầu của sư đoàn trong cuộc chiến đấu mới.
...

Kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm, thâm độc vẫn đang ở trước mặt sư đoàn và quân dân cả nước ta, nhưng chiến công cũng đang chờ chúng ta ở phía trước.





Diễn biến chiến đấu của sư đoàn 3, 17/2/1979-5/3/1979.



PHÁO ĐÀI ĐỒNG ĐĂNG

Dương Mạnh Hải, ghi theo lời kể của đồng chí Nông Thanh Phi-ao và các chiến sĩ công an vũ trang đồn C5, Lạng Sơn.

Từ đầu năm 1979 tình hình biên giới mỗi ngày một căng thẳng. Bọn phản động Trung Quốc ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Những vụ gây rối khiêu khích, lấn chiếm đất đai... càng nhiều và càng trắng trợn. Các tổ trinh sát tiền tiêu của ta liên tiếp thông báo về những tin tức khẩn cấp. Mọi phương án tác chiến đã được chuẩn bị chu đáo và phổ biến xuống tận các chiến sĩ. Chúng tôi luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở địa bàn này, một trong số những căn cứ phòng thủ kiên cố và đầy tin cậy là pháo đài Đồng Đăng. Trong cuộc chiến tranh vừa qua tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giữa chúng tôi và bọn Trung Quốc xâm lược.

Pháo đài nằm phía tây nam thị trấn Đồng Đăng, cách Hữu Nghị Quan khoảng 2 cây số. Nó được xây dựng từ thời Pháp/ Pháo đài hình bầu dục, tường dày 2m, có 3 tầng, mỗi tầng lại được ngăn thành 4 ô vuông thông nhau bằng một cửa nhỏ, tầng nọ lên tầng kia có cầu thang xây nhiều bậc. Toàn bộ pháo đài đều đổ bằng bê tông cốt thép và đặt sâu trong lòng đất trên một ngọn đồi. từ xa nhìn tới chỉ thấy cây cỏ phủ kín, đến tận nơi mới phát hiện ra 2 đường hầm cũng đúc bằng bê tông cốt thép dẫn vào tầng thứ nhất và tầng thứ hai của pháo đài. Đây là vị trí phòng ngự rất quan trọng bởi nó án ngữ đầu mối giao thông cả đường bộ và đường sắt từ ta sang Trung Quốc. Chốt giữ pháo đài này có 2 đơn vị : 2 tiểu đội bộ đội thuộc F3 và phân đội 5 chúng tôi. Cố nhiên trong chiến đấu chúng tôi đều có phương án hợp đồng với nhau.

Đêm 16-2, đồn trưởng Hoàng Văn Ý, chính trị viên Phùng Đắc Sình và đồn phó Trần Hà Bắc dường như không ngủ. ba người phân công nhau bám sát các chốt tiền tiêu nắm tình hình địch. Sổ trực ban chiến đấu chi chít những dòng chữ viết vội. Phía bên kia biên giới xuất hiện nhiều dấu hiệu lạ : những đốm lửa, những tiếng động cơ máy nổ ầm ỳ di chuyển và trên không trung xuất hiện nhiều tần số sóng mới. Có thể địch đang điều thêm quân và bố trí lực lượng.

5 giờ 30 ngày 17-2-1979, pháo các cỡ của địch đặt từ đất Trung Quốc điên cuồng nã đạn sang pháo đài và nhiều nơi thuộc khu vực đồn chúng tôi phụ trách. Lập tức chúng tôi triển khai theo phương án chiến đấu. Trời sáng dần. Pháo chuyển làn. 7 giờ, bộ binh địch bắt đầu tấn công. Chúng có khoảng 1 sư đoàn, xe tăng dẫn đầu hùng hổ vượt qua mốc 16 tràn sang lãnh thổ nước ta. Bọn xâm lược chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất có 6 xe tăng thọc thật sâu tấn công chúng tôi từ bên trái và phía sau. Mũi thứ hai theo đường 1B tới gần ga Đồng Đăng thì vòng lên đánh vào bên phải. Đương đầu với đội quân lớn có xe tăng, pháo binh yểm hộ, chúng tôi chỉ có vẻn vẹn 100 tay súng. Cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ diễn ra rất ác liệt nhưng chúng tôi không hề nao núng. Ỷ thế quân đông, hoả lực nhiều, bọn Trung Quốc tràn lên. Tiếng kèn, tiếng còi, tiếng quát tháo, tiếng reo hò hoà trong muôn vàn tiếng nổ gầm rít của súng đạn. Địch tưởng có thể tiêu diệt ngay chúng tôi để chiếm pháo đài.

Hàng chục chiếc xe tăng điên cuồng lồng lộn quanh pháo đài, súng các cỡ trên xe bắn xối xả cùng với đạn cối, đạn pháo phía xa rót đến. cả khu vực ngập chìm trong khói lửa. Cánh bên trái do đồn phó Trần Hà Bắc chỉ huy. Anh dẫn đầu một mũi, lợi dụng hào sâu và địa hình mấp mô luồn rất nhanh về phía trước đón đầu 3 chiếc xe tăng đang tăng tốc độ lao đến. Chiếc thứ nhất phát hiện ra họ, tên giặc bật nắp xe nhô đầu lên cao xoay nòng khẩu thượng liên 12 ly 7 chúc xuống bắn xối xả tới. Đạn nối nhau cày đất mịt mù. Đồn phó Bắc vẫy tay ra hiệu cho Trường cùng mình theo một đoạn hào cắt chéo trận địa đánh chiếc xe thứ hai vừa tách khỏi đội hình chạy về cửa pháo đài. Từ trên cao chúng tôi tập trung hoả lực bắn xuống chi viện. Nấp sau một mô đá, anh Bắc dùng AK quét từng loạt kìm đầu bộ binh địch, tạo điều kiện cho Trường tiếp cận mục tiêu. Xách khẩu B40, như con sóc, Trường bò rất nhanh. Chiếc xe tăng không hề biết số phận nó đang bị đe doạ vẫn hùng hổ xông đến, khẩu pháo trên tháp quay rè rè lên hướng pháo đài nã đạn tới tấp. Chọn được địa hình thuận lợi, Trường kê nòng súng lên mô đá, bắn đón. Quả đạn đỏ lừ lao đi cắm phập vào xe tăng. Nó khựng lại, rùng mình, cố bò lết thêm một đoạn nwũa rồi bùng cháy. Từ trên nóc xe, 3 tên giặc lái chui ra, chúng chưa kịp nhảy xuống đất đã bị những luồng đạn AK thẳng căng của đồn phó Bắc quét tới diệt gọn. Chúng tôi phấn khởi quá reo hò ầm ĩ. Chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội, khói lửa tuôn cuồn cuộn, đạn trong xe nổ ầm ầm. Thấy đồng bọn bị diệt, những chiếc xe sau sợ hãi đứng tại chỗ, dùng tất cả các cỡ súng bắn như đổ đạn về mọi phía. Bọn bộ binh cũng hoang mang không kém. Chúng dồn ứ lại. Tiếng hò la, quát tháo, tiếng còi, tiếng kèn loạn xị. Đồn trưởng Ý đứng dậy dõng dạc ra lệnh :
- Cối và đại liên, bắn !
Khẩu đại liên trong tay tôi rung lên. Nhất vừa nâng đạn vừa sung sướng quát to :
- Bắn đi ! Bắn nữa đi ! Chúng nó chết nhiều quá các cậu ơi !
Những quả đạn cối rót rất chính xác vào giữa đội hình giặc. 6 chiếc xe tăng sợ hãi nghiến bừa lên xác lính chạy về phía bên phải. Không bỏ lỡ thời cơ, đồn phó Bắc dẫn đầu một mũi xung kích vừa dùng AK, thủ pháo tiêu diệt bộ binh mở đường, vừa chạy theo lối tắt đón đánh xe tăng. Địch trên xe đã phát hiện thấy anh. Chúng tập trung hoả lực bắn chặn đường. Tên chỉ huy tay vung vung khẩu súng ngắn miệng gào lên :
- Tả ! Tả !
Bọn lính lại thúc nhau tràn tới. Nhất đập mạnh tay vào vai tôi nói to :
- Bắn bỏ mẹ chúng nó đi, Phi-ao ơi !
Tôi rê nòng khẩu đại liên về hướng ấy cùng với khẩu trung liên của Kết quét đi từng mảng bộ binh địch. Lợi dụng thời cơ, Lê Minh Trường ôm khẩu B40 vào bụng lăn tròn mấy vòng tới tiếp cận mục tiêu. Bỗng Trường oằn mình lên quằn quại. Đồn phó Bắc quay lại nhào tới ôm Trường bò nhanh xuống một ngách hào. Lát sau dường như đã băng bó cho Trường xong, chúng tôi thấy anh vẫy tay ra hiệu cho các chiến sĩ bắn yểm hộ, rồi xách khẩu B40 lao vun vút dưới làn hoả lực dày đặc của địch chạy lên đánh chiếc xe tăng thứ ba. Tên xạ thủ đại liên vừa bật nắp xe nhô đầu định chúc nòng súng xuống bắn liền bị tiêu diệt ngay. Cự ly gần quá, chiếc xe tăng gầm lên, định chồm tới nghiền nát anh Bắc. bỗm "ầm", quả đạn của anh phóng đến, chiếc xe tăng bốc cháy. Tất cả bọn trong xe không còn sống đứa nào. Súng các cỡ của địch từ nhiều ngả tập trung bắn như trút đạn tới. Trên thành pháo đài nhìn xuống chúng tôi chỉ thấy mịt mù lửa khói... Kết chỉ xuống phía ấy nói trong hơi thở :
- Anh Bắc có lẽ bị...
Một cảm giác đau nhói xốc lên khiến tay tôi run run. Đúng rồi, 1 chiến sĩ đang cõng anh trên lưng chạy. ĐỊch hò nhau đuổi theo. Tôi xoay nòng khẩu đại liên nghiến răng xiết cò. 2 khẩu trung liên ở cánh phải cũng tập trung bắn yểm hộ. Kết nhào xuống cùng với 2 đồng chí khác đưa anh Bắc lên cửa pháo đài. Anh bị thương vào bụng và ngực. Vết thương khá nặng, máu ra nhiều, môi nhợt nhạt, da tái xám, tóc bết lại. Sau đợt phản kích quyết liệt bị đánh bật xuống, địch tập trung nhiều khẩu cối bắn lên. Mấy chúng tôi xúm lại chỗ anh Bắc. Anh mệt lắm, mắt lờ đờ nhìn từ người này qua người khác. Giọng thều thào đứt quãng, anh nói :
- Phải chiến đấu đến cùng. Các đồng chí... mỗi chúng ta phải là... là một pháo đài. Mình không sống được. Xin... chào....
Chúng tôi không khóc, mặc dù nước mắt cứ ứa ra, dàn dụa. Phân công 1 đồng chí cõng anh vào trong pháo đài còn chúng tôi vội vã trở về vị trí chiến đấu. Đúng lúc ấy địch lại tấn công. Sau những đợt pháo bắn cấp tập, bộ binh của chúng nấp sau xe tăng tràn lên.

Ở cánh phải, 3 chiếc xe tăng đã vào được cổng đồn. chúng chồm lên húc đổ hết nhà này qua nhà khác, sau đó quay nòng pháo bắn về chúng tôi. Chính trị viên Phùng Đắc Sình từ chỗ khẩu đội súng cối chạy đến ra lệnh cho tôi chuyển hoả lực sang chi viện cho cánh phải. Vừa chọn được vị trí đặt súng, bộ binh địch đã tràn tới. Chúng bắn lên như mưa. Hoả lực của ta, hoả lực của địch đan cài vào nhau nổ hỗn loạn không thể nào phân biệt nổi. Chúng tôi điếc đặc chỉ dùng tay ra hiệu hoặc quát vào tai nhau. Trên một mô đá cao có 2 thằng lính Trung Quốc đang cầm cờ phất chỉ hướng cho xe tăng bắn. Tôi lấy điểm xạ thật chính xác, xiết cò, cả 2 tên đều chết lộn nhào xuống, quằn quại một lát rồi nằm im. Phát hiện ra chỗ chúng tôi, địch tập trung bắn tới. Ở địa hình trống trải này bắn đại liên dễ lộ, sẽ làm mồi cho cối và pháo xe tăng. Tôi hạ khẩu đại liên xuống, nhào sang bên vớ khẩu trung liên của 1 đồng chí bộ đội thuộc F3 vừa bị thương, lắp cả băng đạn đầy và không cần ngắm cứ nhằm phía trước nơi bộ binh địch đang tràn lên mà bắn. 1 chiếc xe tăng bất ngờ từ phía trái hùng hổ lao tới. Nó mạo hiểm leo theo sườn dốc dùng đạn xuyên nã thẳng vào chiến hào. Tình thế hết sức nguy hiểm, nếu không tiêu diệt được nó ngay bộ binh địch sẽ lợi dụng thời cơ lên chiểm cửa pháo đài. Chính trị viên Sình mồ hôi nhễ nhại từ phía trái chạy sang, anh chưa kịp cử chiến sĩ nào xuống đánh, bỗng chúng tôi thấy một người đang cúi lom khom chạy về chiếc xe tăng. Lê Minh Trường ! Đúng rồi, Trường bị thương mà... Địch phát hiện thấy anh, chúng bắn xối xả đuổi theo. Trường ngã dúi ngã dụi, lại nhỏm lên chạy, tay xách một túi lựu đạn. Chúng tôi dồn hoả lực bắn kìm đầu bộ binh địch yểm hộ cho Trường. Cự ly giảm dần, hoả lực trên xe tăng không có tác dụng ở khoảng cách ấy, nó lồng lên lao thẳng đến trước mặt anh. Trường nhoài người sang bên, nép mình vào một mỏm đá nhô cao.




Chúng tôi vừa lo lắng, vừa hồi hộp theo dõi. Chiếc xe quay ngoắt lại chồm tới. Trường vung tay, tung một chùm lựu đạn vào giữa xích xe. "Ầm", một cột lửa bùng lên. Chiếc xe tăng quay vòng hai vòng rồi mất đà cứ thế lăn xuống vực nằm chết dí dưới suối. Chúng tôi không thấy Trường đứng dậy. 1 đồng chí trong tổ bất chấp những luòng đạn dày đặc của địch chạy lao xuống ôm lấy Trường chạy lên. Anh bị thêm 2 vết thương nữa. Không nói được câu nào, Trường chỉ ngước đôi mắt đen láy nhìn chúng tôi như muốn dặn dò điều gì mà không nói nên lời. Nhưng chúng tôi hiểu. Nhìn đôi mắt của anh, bằng hành động anh đã làm, chúng tôi hiểu lời trối trăn của anh cũng như lời dặn dò của đồn phó Trần Hà Bắc : phải chiến đấu đến cùng, mỗi chúng tôi phải là một pháo đài bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trường hy sinh, trong túi áo ngực còn một bức thư chưa gửi - thư viết cho Bích Đào, người yêu của anh đang học trường trung cấp thương nghiệp. Chúng tôi sẽ thay anh gửi bức thư ấy đến tận tay cô và sẽ viết một bức thư khác kể lại tỉ mỉ hành động dũng cảm và cái chết đẹp đẽ, anh hùng của Trường. Bích Đào ơi, chị hãy đặt niềm tự hào lên trên sự đau khổ. Chúng tôi nguyện sẽ noi gương Trường và quyết trả thù cho đồng chí ấy.
Chúng tôi cũng sẽ viết một bức thư dài gửi cho mẹ của Trường, một cô giáo đã đứng tuổi, hiền lành, rất giàu lòn thương con. Bố Trường là một cán bộ chỉ huy trong quân đội. Suốt những năm chống Mĩ, ông lăn lộn trong chiến trường miền Nam và đã hy sinh anh dũng. Trường tình nguyện nhập ngũ sau khi biết tin bố mất. Anh được chọn vào công an vũ trang. Sau 3 tháng huấn luyện, Trường xin lên nhận nhiệm vụ trên tuyến biên giới nóng bỏng này. Trong cuộc sống Trường là một người bạn tốt, một chiến sĩ mẫu mực và trong chiến đấu anh đã nêu cho chúng tôi một tấm gương cao đẹp về lòng dũng cảm. Chúng tôi vĩnh biệt Trường, tay cầm chắc súng trở về vị trí chiến đấu với lòng tự tin và ý chí quyết chiến được nâng cao gấp bội.

Sau nhiều đợt tấn công đều bị chúng tôi đánh bật, địch lui quân ra xa. và pháo cối từ các trận địa lại điên cuồng nã đạn xuống pháo đài. Tất cả ngập chìm trong khói lửa. Tai điễc đặc, chúng tôi chỉ còn cảm thấy đất rùng rùng liên tục dưới chân và hơi nóng phả vào mặt tức thở. Trời đã về chiều. Gió hơi se lạnh. Đôi khi lại lất phất mấy hạt mưa bụi. Trước mặt chúng tôi, xác giặc chết ngổn ngang và xa xa chỗ mấy chiếc xe tăng bị bắn cháy khói vẫn bốc lên cuồn cuộn. Núi đồi tím sẫm dần. Bóng đêm trùm xuống rất nhanh. Trận địa trở lại yên tĩnh hơn. Lợi dụng trời tối chúng tôi tiến hành chôn cất tử sĩ, băng bó cho thương binh. Sau một ngày chiến đấu liên tục, đói, mệt nhưng đồng chí nào cũng rất bình tĩnh, vững vàng, sẵn sàng đón đợi những trận chiến đấu khác. Một số quả đồi xung quanh đã bị địch chiếm, khắp nơi những đống lửa cháy bập bùng. thỉnh thoảng lại dội lên vài ba tràng súng bắn vu vơ. Tổ 3 người gồm tôi, Kết, Bái ngồi gác trước cửa pháo đài và sẵn sàng bắn yểm hộ cho các đồng chí khác bò xuống lật xác bọn địch chết dưới chân đồi lấy vũ khí. Khoảng nửa đêm, Bái khẽ cấu vào vai tôi ra hiệu. Tôi nhìn theo hướng tay Bái chỉ thấy nhấp nhô mấy bóng đen đang thận trọng bò vào. Địch ! Tôi bí mật phân công Bái và Kết rẽ ra hai bên, tôi ở giữa, tạo thành thế bao vây địch. Chúng vẫn không hay biết gì. Khi cự li chỉ còn độ 6m, tôi liên tiếp ném 2 quả lựu đạn, Kết quét 1 tràng AK và Bái ném 1 quả lựu đạn nữa. Toàn bộ bọn thám báo bị tiêu diệt.

Hôm sau, từ 5 giờ sáng địch đã tập trung pháo kích xuống trận địa. Và liền sau đó chúng tổ chức tấn công. Lần này chúng tăng cường thêm xe tăng và bộ binh quây kín quanh pháo đài. Chính trị viên Sình tới các tổ động viên tinh thần chiến sĩ. Chúng tôi hiểu trận đánh sắp diễn ra sẽ vô cùng ác liệt. Phía cổng đồn gần gốc cây gạo, 1 chiếc xe tăng đang bò lên. Trên nắp pháo có 1 tên to béo tay cầm cờ phất, miệng gào thét thúc lính tấn công. Từ phía trái, Hội vận động xuống. Anh đĩnh đạc bắn 1 loạt AK. Tên chỉ huy chết lộn cổ. Chiếc xe tăng vẫn hùng hổ chạy vòng tìm đường lên dốc. Bọn bộ binh hò hét theo sau. Xạ thủ B40 Đỗ Văn Dưỡng chạy như bay xuống đón đầu. Lợi dụng khe cạn, anh tìm được vị trí bắn thích hợp. Chiếc xe tăng vừa chồm tới chỉ cách Dưỡng không đầy chục mét, anh bóp cò. Quả đạn phóng thẳng vào bụng xe, một cụm lửa bùng lên và khói đen tuôn cuồn cuộn. Chiếc đi sau hốt hoảng quay đầu tháo chạy ngược trở lại liền bị tổ ĐKZ của các chiến sĩ bộ đội thuộc F3 bắn cháy. Mất chỗ dựa, lũ bộ binh chạy nháo nhào hỗn loạn. 2 khẩu cối 60 ly đặt trên nóc pháo đài rót xuống rất chính xác cùng các loại hoả lực bộ binh của chúng tôi từ chiến hào bắn đến. Địch chết như ngả rạ, chúng hò nhau tháo chạy. Theo kế hoạch đã hợp đồng, tổ của Hội phản kích quyết liệt hất địch tụt xuống khe suối cạn, nơi chiếc xe tăng địch bị Trường đánh đứt xích nằm đó. Chỗ ấy hai bên là dốc cao, vận động rất khó khăn. Hàng trăm lính địch chen chúc nhau dồn xuống tránh đạn liền bị tổ của Dưỡng dùng B40, lựu đạn phục sẵn đánh dập đầu, tiêu diệt một phần.

Cuộc tấn công quy mô ấy lại thất bại. Địch lui quân ra xa tầm hoả lực của ta. Sau hơn một ngày chiến đấu, chúng đoán biết được lực lượng và thế trận của ta. Lần này địch thay đổi chiến thuật. Chúng đánh chiếm các mỏm núi xung quanh rồi từ đó dùng cối, đại liên và các hoả lực tầm xa khác khống chế chúng tôi liên tục, để yểm hộ cho bộ binh tấn công. Đạn bắn xuống chiến hào như mưa. Quân ta bị thương và hy sinh mỗi lúc một tăng. Đạn dự trữ đã cạn, chúng tôi phải bắn rất tiết kiệm. Trong khi đó địch lại tổ chức tấn công. Một tên chỉ huy cưỡi trên lưng con ngựa màu xám, tay cầm súng ngắn, tay cầm kèn thúc lính.
- Bắn bỏ mẹ cái thằng đốn mạt kia đi ! Kết quát vào tai tôi.
Tôi điểm xạ 3 viên, thằng giặc gục xuống. Địch vẫn ào ạt xông lên. Chính trị viên Sình trực tiếp chỉ huy mũi bên trái nơi phải đương đầu với lực lượng lớn của địch. Tiếng nổ hỗn loạn. Khói lửa mù mịt. Khẩu trung liên của tôi nòng đỏ rực, đạn rơi gần, bắn không còn chính xác nữa. Tôi bỏ sang bên, vớ khẩu AK của đồng chí Nhất vừa hy sinh để lại, nghiến răng xiết cò. Tiếng nổ chồng lên nhau. Bọn giặc bị quét đi từng mảng.
Trời đã gần trưa. Hơi hoe nắng. Hai đồng chí anh nuôi Nghinh và Chính đem cơm ra tận chiến hào. Theo sau họ lại còn 1 co gái nào nữa ? À, chị Tâm. Tâm là vợ đồng chí Mai Kiên Chanh. Chị công tác ở toà án nhân dân huyện Hà Quảng (Lạng Sơn) lên thăm chống mấy hôm nay. Khi chiến sự xảy ra, chị tâm nặng nặc đòi được cấp vũ khí để tham gia chiến đấu và tỏ ra là một tay súng vững vàng, dũng cảm. Phải vất vả lắm các chiến sĩ nuôi quân mới nấu được cơm đem tới trận địa. Họ cho cơm nắm vào ba lô khoác đi phát cho từng người. Biết bao lần bị bắn xuýt chết, bao lần bị pháo vùi họ mới tới được đây. Người nào cũng mệt mỏi, quần áo lấm đày bụi đất. Chính ghếch nòng khẩu AK lên mép hào, hất hàm bảo tôi :
- Cậu tranh thủ nhét nhiên liệu vào dạ dày đi, tó cảnh giới cho. Ác liệt đấy, phải chén cho thật no mới đủ sức đánh lâu dài với chúng nó.
Tôi với lấy nắm cơm từ tay Chính đưa lên miệng nhai, một tay vẫn đặt vào cò súng và chăm chú nhìn địch. Đói mà ăn chẳng biết ngon, nhai cơm cứ như nhai trấu. Địch lại tràn lên. Tôi vừa nhai vừa bắn, nắm cơm hai ba lần phải cầm lên đặt xuống, bẹp dí, dính đầy bụi đất, nhai cứ lạo xà lạo xạo, cứ nuốt bừa.
Địch lên đông quá, hết lớp này đến lớp khác. Tôi nhét vội nắm cơm vào túi quần, nhưng túi quần đầy đạn, liền đặt xuống trước mặt, bắn. Các loại hoả lực của ta đánh trả rất quyết liệt. Địch chết nhiều nhưng vẫn liều lĩnh xông đến. Bốn bề xung quanh khói lửa mù mịt. Địch đã áp sát chiến hào. 1 tên nhảy vào, mũi súng của nó chỉ cách tôi không đầy 1m. Tôi vội gạt ra và bóp cò luôn. Súng nổ, nó chết liền. Giữa lúc ấy anh Mai Kiên Chanh chạy đến chi viện. Anh bảo tôi :
- Cứ bình tĩnh, bắn bỏ mẹ chúng nó đi !
Địch lại tràn vào. Chúng gào thét, kêu la ầm ĩ. Nòng khẩu AK của tôi nóng đỏ lên. Tôi quăng lựu đạn, ở cự li gần như vậy dùng lựu đạn thật nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Bỗng tôi thấy anh Chanh lảo đảo ôm lấy đầu, một dòng máu chảy loang nhanh xuống má.
- Phi-ao ơi mình bị thương rồi !
- Anh vào hầm đi để tôi trả thù cho !
Tôi quăng tiếp 1 quả lựu đạn nữa.
- Tớ chưa chết được đâu !
Nói rồi anh lại kẹp AK vào nách quét gần hết băng về phía địch. tôi kéo anh xuống. Vừa lúc ấy chị Tâm và 1 đồng chí cứu thương đến đưa anh vào pháo đài. 1 quả lựu đạn của địch quẳng tới xì xì ngay dưới chân, tôi vội cúi xuống nhặt ném trả. Bấy giờ ở cánh trái chỉ còn tôi, Bái, Kết và Phong. Chiến hào bị đạn xuyên từ xe tăng bắn phá, nhiều đoạn đất đá lấp đầy. Bộ binh địch xông lên ào ạt. Chúng tôi phải buộc túm 2, 3 quả lựu đạn lại với nhau ném cùng một lúc. Bỗng 1 quả pháo cỡ lớn nổ trúng đội hình, cả 3 đồng chí Phong, Bái, Kết đều bị thương. Tôi chưa kịp lên cứu thì 1 quả khác lại nổ cách chỗ đó không xa, đất đá tung lên lấp đi tất cả. Tôi bị sức ép, ngực tức, đầu choáng, ắmt hoa. Khói đạn vừa tan đã tháy 4, 5 tên Trung Quốc nhảy vào chiến hào chỉ cách tôi ba bốn mét. Không kịp ngắm, tôi kẹp súng vào nách xiết cò. Cả 5 tên chết gục tại chỗ.

Sau đó địch tổ chức 3 đợt tấn công nữa nhưng đều bị chúng tôi đánh bật xuống. Trời gần tối địch thổi còi thu quân lùi ra xa. Không gian trở lại yên tĩnh và bóng đêm nặng nề trùm xuống. Sau khi cùng các đồng chí cứu thương đưa Phong, Bái, Kết vào trong pháo đài, tôi trở lại chiến hào tìm nhặt những băng đạn, những khẩu súng vương vãi rồi đứng tựa lưng vào một tảng đá nhìn xuống chân đồi. Ở đấy lố nhố nhiều toán giặc Trung Quốc đang đốt lửa nấu ăn hoặc tranh nhau những của cải vừa cướp được. Đứng bên tôi là Chiến và Chít. Chiến là bí thư chi đoàn và mới được kết nạp vào Đảng ngay sau trận chiến đấu ác liệt chiều hôm qua. Anh vốn gầy, sau mấy ngày đánh nhau liên tục, Chiến càng hốc hác mệt mỏi nhưng đôi mắt vẫn sáng long lanh. Chiến lắp những viên đạn rời vào băng súng AK, ngước nhìn tôi im lặng rồi chăm chú nhìn xuống chân đồi nơi có rất nhiều đốm lửa lập loè. Tôi biết Chiến đang nghĩ tới những đồng chí đã anh dũng hy sinh, nghĩ tới những trận chiến đấu ác liệt sắp tới. Nhìn Chiến và Chít với vẻ đăm chiêu tư lự, lòng tôi bỗng cồn cào xúc động. Tự nhiên hình ảnh của đồn phó Trần hà Bắc, của Lê Minh Trường, của Nhất, Phong... hiện lên với gương mặt cương nghị, dũng cảm, và bên tai tôi lại văng vẳng những lời trối trăn dặn dò của họ : "Phải chiến đấu đến cùng. Mỗi chúng ta phải là một pháo đài để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc !".
Tôi nâng khẩu súng trên tay thầm hứa với các đồng chí đã khuất, chúng tôi nguyện chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, nguyện xứng đáng là những chiến sĩ biên phòng, những pháo đài vững chắc của Tổ quốc.


Những chiến sĩ tiền tiêu, NXB Thanh niên 1979.

 
 

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét