SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (4)
Tác giả: Philippe Papin và Laurent Passicousset
Người dịch: Hoàng Hà. Hiệu đính: Diệu Linh
CÔNG, TƯ: NHỮNG MÁNH KHÓE LỪA ĐẢO CŨ RÍCH
Sau cơn bão Ketsana, chúng tôi đi tàu hỏa đến Đà Nẵng, thành phố khôn ngoan không để lộ ngay hết nét duyên thầm của mình. Nếu đến bằng đường quốc lộ, dù điểm vào thành phố là ở đâu thì cũng thấy đầy rẫy các loại xe tải và xe chở công ten nơ. Ầm ĩ và bụi bặm. Đâu đâu cũng thấy vận chuyển hàng hóa. Thành phố sống theo nhịp của cảng. Thành Tourane ngày xưa, trở thành căn cứ quân sự Mỹ trong chiến tranh, một thời gian dài sống nhờ vào cảng biển. Mới năm 2010 đây thôi, nhờ một địa điểm đặc biệt nằm lọt trong một vịnh vòng cung ba phần tư khép kín, thành phố thu hút rất nhiều tàu du lịch hạng sang, bổ sung thêm cho lượng khách du lịch đông đảo vẫn đổ xô đến bảo tàng Chàm, thánh địa Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn và khu thương cảng cổ Hội An. Bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp, nơi trong chiến tranh lính thủy đánh bộ Mỹ vẫn về nghỉ phép, cũng không hề tỏ ra thờ ơ với khách vãng lai. Tiếc thay, chúng tôi đến Đà Nẵng đâu phải để du lịch, càng không phải để đi tắm biển.Thăng trầm một gia đình doanh nhân
Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông bà Luân-Ngọc, hầu chuyện họ có rất nhiều điều thú vị. Ông bà sống trong một căn nhà nhỏ nơi trung tâm thành phố, giống như ở Hà Nội hay Hải Phòng, những căn nhà như vậy được xây sau năm 1954 trong vườn của những tòa biệt thự mặt phố của thực dân ngày xưa. Cho nên cứ phải đi một vòng mới tìm lại được căn nhà lớn nay đã xuống cấp, nơi 23 người là con cháu của những người chủ xưa hiện nay đang sinh sống. Nhà chủ xưa không phải người Pháp. (Người ta thường hay quên rằng những người Việt giàu có cũng sở hữu các biệt thự kiểu thực dân như thế này). Với 3 tầng gác, ban công chấn song và mái bằng nơi quần áo phơi cạnh bàn thờ tổ tiên, căn nhà của ông bà Luân-Ngọc gần như không có gì đặc biệt, có chăng là ở chỗ ông bà không tận dụng khoảng không gian giữa phố và phòng khách để mở cửa hàng.
Họ có đủ tiền để không cần phải bán đồ ngũ kim, quần áo hay bàn ghế Trung Quốc, nhưng vẫn luôn mở rộng cửa suốt cả ngày, làm việc của mình mà không ngại thiên hạ dòm ngó. Để thế cho thoáng, cho đỡ buồn và cho giống ở quê. Vả lại, trong các khu chung cư hiện đại người ta vẫn sống như thế. Cửa vào các căn hộ được đánh dấu bởi đủ kiểu giày dép các loại nhưng hàng xóm vẫn có thể vào được.
Ngôi nhà của ông bà Luân-Ngọc đang lâm nguy. Từ vài năm nay, số lượng các dự án bất động sản tăng nhanh, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Nhà cao tầng thương mại mọc lên trong trung tâm thành phố, chung cư ở ngoại vi, biến Đà Nẵng thành một công trường khổng lồ không lúc nào ngơi nghỉ, mật độ nhà ở không tăng nhưng nhà cổ bị phá đi không thương tiếc. Tuy thế, ông bà bạn chúng tôi không tỏ ra lo lắng mấy.
Ông Luân nhận xét tuy khoảng hơn 20 dự án lớn đã triển khai, phần lớn các khu nhà vẫn còn nằm trong giai đoạn áp phích quảng cáo và những pa nô tuyên truyền về một khu đô thị mới sắp ra đời “giàu, đẹp, văn minh, hiện đại”. Từ thiết kế đến thực tế còn xa. Vả lại, phản đối để mà làm gì? Như ông Luân, con người của vận động và nghị lực phi thường, vẫn nói: “Hướng của lịch sử là như thế. Không thể cứ mãi là một cảng công nghiệp trong suốt hàng thế kỷ được!”.
Người thấp, đậm, khoảng ngoài 60, cực kỳ thân mật, ông Luân không chịu ngồi yên. Từ lúc chúng tôi tới đến giờ khoảng 10 phút, ông đã gọi đến 3 cuộc điện thoại, mời trà, tưới cây và đi 200 mét qua phòng khách, nhà bếp, ra phố, vào phòng ngủ. Năng lượng của người đàn ông này thật không tưởng. Vợ ông giữ kẽ bao nhiêu thì ông lại nói nhiều và hăng bấy nhiêu về tất cả những gì đang vận động và thay đổi. Không gì làm ông chán bằng sự lặp đi lặp lại, thói quen hay truyền thống. Đời sống nghề nghiệp của ông là minh chứng cho khả năng thích nghi vốn làm nên sức mạnh của nhiều người Việt Nam. Sự trải nghiệm của ông ở thời điểm bản lề giữa hai chế độ chính trị cho chúng tôi hiểu thêm về giới kinh doanh và về sự ảnh hưởng của những thói quen năm xưa đến cách làm ngày nay.
Ông Luân cưới vợ năm 1965, khi những người lính Mỹ đầu tiên tới Việt Nam. Lúc đó ông bà là chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên vận tải đường bộ. Họ có 3 xe tải, lấy được từ kho quân đội Pháp, và một nhà kho phía bắc thành phố, không xa ga xe lửa và cảng biển là mấy. Nhờ nguồn cầu lớn từ quân đội chính quyền miền Nam Việt Nam được Mỹ thành lập và tài trợ, doanh nghiệp của ông bà phát triển nhanh chóng. Tham dự tất cả các đợt đấu thầu, hết hợp đồng này đến đặt hàng khác, doanh nghiệp trở thành số một của thành phố, rồi của cả vùng, đến mức mở rộng ra cả Sài Gòn, vốn là đất riêng của giới mafia địa phương và Hoa kiều.
Khi đã có trong tay 4 chiếc xe tải cũ, năm 1967, ông Luân tậu thêm 8 tiếng Ford mới coóng vài năm liền sau này sẽ ngược xuôi trên khắp các tuyến đường phía Nam. Ông thú nhận thời đó ông bà giàu lên trông thấy. Vợ ông ngồi đó và không có vẻ gì là muốn cải chính lời chồng. Tiền vào như nước, tỷ lệ thuận với việc Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào chiến trường miền Nam, và với mức gia tăng nguy hiểm cho các chuyến xe. Chính trị không phải là vấn đề. Như tất cả mọi người, một mặt ông Luân trao phong bì cho các công chức miền Nam, mặt khác ông lại trả thuế cách mạng cho những người thân cộng sản (thậm chí có lần, năm 1972, ông còn vận chuyển nhiều thùng súng máy kalachnikov giấu dưới các bao xi măng).
Khi quân đội miền Bắc chiếm được Đà Nẵng tháng 3 năm 1975, mọi thứ đột nhiên sụp đổ hết. Vì có quan hệ với những người chiến thắng nên ông thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất là phải vào trại cải tạo. Nhưng những quan hệ ấy không đủ để giúp ông giữ việc kinh doanh: từ hôm trước đến hôm sau, doanh nghiệp của ông bị quốc hữu hóa, tài sản bị tịch biên. Ông bà Luân-Ngọc hoàn toàn trắng tay, sống khép mình lại và không dám thử hối lộ các cán bộ chính quyền mới nhằm giữ lại chút gì, có chăng chỉ là ngôi nhà ngày nay ông bà vẫn đang ở. 15 năm sau đó, ông bà sống cũng không cực khổ lắm, vì có mấy cây vàng như tất cả các gia đình Việt Nam thời đó vẫn dùng để bảo quản tài sản ngay trước thời điểm tháng 4/1975. Tuy sống không cực, nhưng ông bà phải rất dè chừng, không để ai thấy mình sống không khổ bằng họ: “Cái xa xỉ nhất lúc đó là ăn thịt gà nhờ người ta mua hộ, mà cắt gà phải cắt bằng kéo chứ nếu chặt bằng dao thì sợ hàng xóm nghe thấy mất, nhỡ họ lại đi tố cáo thì chết”. Đến đây thì chuyện chẳng có gì lạ, vì ai chẳng thế. Phần tiếp theo mới cho chúng ta thấy mọi chuyện ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa diễn ra như thế nào.
Đầu tiên là doanh nghiệp của ông bà Luân-Ngọc không biến mất. Nó chính thức được nhập vào sở Giao thông vận tải tỉnh, dưới cái tên bí hiểm “công ty 28”, đặt dưới sự quản lý của cán bộ ủy ban nhân dân thành phố, và họ nhanh chóng hiểu rằng cần phải làm gì để khai thác nó cho hiệu quả nhất. Mấy chiếc Ford được vội vã gắn thêm xi téc vào khung xe để chở xăng từ các kho miền Bắc đến các kho miền Nam. Việc chọn mặt hàng này là đúng sách vì xăng là mặt hàng duy nhất được mua bán tự do, chỉ đơn giản là vì miền Nam quá cần và việc trao đổi trái ngược hẳn với những gì diễn ra ở chợ đen khổng lồ và nhục nhã vẫn chuyển hàng hóa tiêu dùng từ phía Nam ra phía Bắc. Việc làm ăn này của doanh nghiệp vừa kín đáo, hợp pháp lại có lãi, đến nỗi cuối cùng các cán bộ thành phố coi đó là tài sản của mình. Họ lập ra sổ kế toán kép và chia lãi với nhau, sự vi phạm nhỏ này đối với chủ nghĩa xã hội không làm ai thấy phải lăn tăn gì, chẳng qua nó chỉ như một sự đền bù thích đáng cho những thiếu thốn họ đã phải trải qua suốt những năm chiến tranh. Đó chính là sự xuất hiện, ngay năm 1975, của một thực tế sau này sẽ còn kéo dài: tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước ngay trong lòng của nó.
Vài tháng sau, cán bộ đến nhà nhờ ông Luân giúp. Tổ chức các chuyến xe, quản lý các kho nhiên liệu, tìm lái xe giỏi và thợ máy đáng tin cậy: đâu phải tự nhiên mà làm được. Thế là ông lại đi làm. Thời gian đầu là làm tư vấn ở nhà, sau đó ông được mời đến giúp việc cho sở Giao thông, một vị trí thuận lợi để các sếp trên có thể nhờ đến những lời khuyên của ông. Ông không phải công chức, cũng chẳng phải đảng viên, nhưng đã tìm được chỗ đứng trong xã hội mới và nhờ thế mà có cách xóa đi quá khứ doanh nhân tư bản của mình. Về mặt chính thức thì lương ông chỉ ba cọc ba đồng, nhưng thực tế ông kiếm được nhờ việc thỉnh thoảng tham gia chở lậu xà bông, dầu gội đầu, quần áo, ti vi, máy điều hòa Mỹ giấu trong xi téc chở xăng. Ông cựu chủ doanh nghiệp sống lay lắt trong cái doanh nghiệp nửa nhà nước nửa mafia đang đi những bước chập chững đầu tiên này.
Thập kỷ đầu tiên sau mở cửa, từ 1986 đến 1995, ông bà Luân-Ngọc tận hưởng tối đa sự tiếp tay của các quan chức thành phố, trong đó một số đã trở thành bạn bè. Chính họ đứng ra bảo trợ cho ông vào đảng năm 1994, bất chấp những hoạt động ông đã làm trong chiến tranh và lý lịch có vấn đề của ông (cha ông làm cho bưu điện thời thực dân). Vậy là ông có thẻ đảng, thứ không phải là thực sự thiết yếu nhưng, như ông vẫn nói đùa là “cái mà không có nó thì”.
Về phần mình, bà Ngọc cũng tham gia cuộc chơi. Bà gia nhập hội phụ nữ và hoạt động “nhiệt tình như gái đôi mươi”, theo lời bà. Được bảo vệ trên phương diện chính trị, năm 1996, ông bà thành lập một doanh nghiệp vận tải mới và ngay lập tức liên doanh với “công ty 28” vì chẳng thể khác được, làm ăn với một doanh nghiệp về mặt chính thức vẫn là doanh nghiệp nhà nước thì dễ có lãi hơn nhiều. Phải ghi nhận điều này: doanh nghiệp năm 1996 khác hẳn với doanh nghiệp đã từng hoạt động trong chiến tranh. Không phải là quay lại với cách kinh doanh tự do kiểu cũ mà là một hình thức kinh tế mới, một cách kinh doanh chưa từng có và sự thực là đặc biệt hợp với bối cảnh bấy giờ. Nghe có vẻ trái khoáy. Vào thời điểm mà chủ nghĩa xã hội như vầng trăng đã cũ, các doanh nghiệp nhà nước sa thải hàng loạt, đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào và biên giới được mở ra, những người bạn của chúng tôi lại chọn cách núp bóng Nhà nước. Cách đấy hóa ra lại hay: doanh nghiệp của họ không ngừng ăn nên làm ra trong cả chục năm.
1975: Hà Nội gặp thị trường
Đến lúc này, câu chuyện của ông bà Luân-Ngọc đã rất bổ ích vì nó cho thấy cú sốc của sự thống nhất năm 1976, sau suốt 30 năm chiến tranh, thực tế đã phức tạp hơn vẻ ngoài của nó rất nhiều. Về mặt chính trị, chiến thắng áp đảo của chế độ Hà Nội và những người thân cộng sản đã trói buộc miền Nam, nơi dân chúng bị buộc phải lưu vong, giới tinh hoa địa phương bị đi cải tạo, cộng sản trở thành ông chủ và, trong khi bầu không khí nói chung chuyển sang màu đỏ Mạc-Tư-Khoa, kinh tế bị đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước từ nay sẽ lo tuốt mọi việc. Cái khó thấy hơn, ngoài những câu chuyện đời cá nhân, chính là sức mạnh của cú sốc ngược lại.
Ở Sài gòn, thành phố phản bội và đồi bại, mà người ta đã vẽ ra cho họ bức tranh khủng khiếp nhất có thể, các anh du kích và bộ đội gốc nông dân mở to đôi mắt ngây ngô trước những quầy đầy hàng họ chưa từng thấy bao giờ. Lang thang trong các chợ ngoài trời, họ phát hiện ra có những con rô bốt làm việc nhà, búp bê nhựa, mỳ ăn liền, máy sưởi, máy lạnh và ti vi màu. 20 năm sau khi chiếm được Hà Nội, ngày 10/10/1954, sự kiện đã làm cha anh của họ bối rối đến mức khi vào dinh thự thực dân phải lịch sự bỏ dép cao su ở ngoài mới dám bước lên thảm trải sàn, sự sửng sốt lần này quả là kinh khủng. Sài Gòn đầy những người khốn khổ, nghiện ngập, đĩ điếm, nhưng cũng có những thứ giúp sống tốt hơn và làm dịu đi nỗi đau của cuộc chiến tranh tàn bạo nhất. Đó không chỉ là một chiến lợi phẩm: miền Nam có tất cả, miền Bắc chẳng có gì, họ nghĩ rằng đó là vì miền Bắc đã làm sai. Ý tưởng về sự thay đổi bắt đầu. Nền kinh tế tự do của miền Nam, được minh họa bởi sự giàu có mà người Mỹ bỏ lại, gieo vào đầu người ta ý tưởng rằng có thể có một cách làm khác. Sự li dị với chủ nghĩa xã hội, hay nói đúng hơn là vụ xung đột gia đình đầu tiên diễn ra tại đây, ngay thời điểm chiến thắng vẻ vang.
Trong khi chờ đợi, luồng khí được tạo ra giữa sự trống rỗng của miền Bắc và sự thừa mứa của miền Nam đã làm đảo lộn mọi thông lệ. Giao thương được phép và buôn lậu dần xói mòn cấu trúc đẹp đẽ của chủ nghĩa xã hội. Dân thường nhảy bước ngắn, cán bộ nhảy bước dài, một hệ thống trao đổi khổng lồ chuyển ra Bắc nào thuốc, tủ lạnh, đài, máy lạnh và xe đạp, và chở vô Nam nào xăng, đồng và ni ken. Dễ hiểu tại sao ở Đà Nẵng, bản lề của đất nước, cán bộ thành phố không mất mấy thời gian chần chừ để lấy lại doanh nghiệp của ông bà Luân-Ngọc. Để có thể có một cái nhìn chính xác về Việt Nam ngày nay, cần phải hiểu rằng năm 1975 đã làm đảo lộn cả hệ thống, về ngắn hạn là tạo ra những thị trường song song, về dài hạn là làm lung lay lòng tin chắc chắn vào chủ nghĩa tập thể.
Thế mà, khác với vẻ bên ngoài, tác động của cú đánh kép này còn tăng lên trong những năm sau. Về mặt ý thức hệ, việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và bước vào vùng ảnh hưởng của Liên Xô cho phép Việt Nam thoát khỏi Mao và lâu lâu sau đó là Stalin. Về mặt thực tiễn, việc hội nhập kinh tế với các nước anh em được thể hiện qua sự mở cửa đón chào những kinh nghiệm khác (Hung-ga-ri hay Tiệp khắc), qua những trao đổi hàng hóa trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế Comecon, và một cách rất cụ thể là qua việc gửi hàng ngàn công nhân Việt Nam ra nước ngoài. Khi hết hợp đồng, những người này mang về nước những công ten nơ đầy bàn ghế tủ giường, linh kiện cơ khí, đồ gia dụng và dụng cụ bằng sắt tây, tất cả đều để bán lại, được hợp pháp hóa bởi một con dấu chả mấy khi vô tư. Tủ lạnh Saratov và xe máy Babetta, với một núi bàn là và thùng đá, bổ sung cho nguồn dự trữ Sài Gòn. Còn siêu hơn nữa: người ta đã tìm cách bán lại được sang các nước Đông Âu số son môi và đồng hồ mà người Mỹ đã bỏ lại. Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân về hưu trước làm cho mỏ than ven vịnh Hạ Long kể chúng tôi nghe anh đã bán được sang tận vùng Silesie của Ba Lan cả một va li đầy đồng hồ và nước hoa made in USA mà trước đó anh đã rắp tâm mua bằng được ở Hà Nội. Tiền lời anh chuyển ngay thành 25 chiếc quạt Liên xô (gọi là quạt tai voi) và 100 chậu sắt tây to đùng sau đó mang về Việt Nam nấu chảy ra để sản xuất những xô chậu bé hơn cho dễ bán…
Vào thời ấy, chợ đen, hay nói đúng hơn là chợ xám, trở thành chuẩn mực. Cán bộ công chức tất nhiên là những người hưởng đầu tiên nhưng do mối quan hệ gia đình dây mơ rễ má nên tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng, kể cả nông dân. Phần kiếm thêm nhờ chợ đen là nguồn thu nhập chủ yếu, hơi giống như có mảnh đất riêng ở quê, bởi vì không phải ai cũng may mắn như ông bà Luân-Ngọc có của để dành để mà làm cho nó sinh lời. Chính nhờ buôn lậu mà dân chúng sống sót qua được giai đoạn 1975-1990 mà lẽ ra trên nhiều phương diện đã có thể là một thảm họa (thảm họa thật sự năm 1988, với nạn đói chết người ở nhiều nơi). Chúng ta thử nghĩ xem vào thời gian đó, khi mà tư thương bị chính thức cấm đoán, các quầy hàng Nhà nước vẫn được lén lút đem cho tư nhân thuê, mà người đem cho thuê lại chính là người nhà các quan chức quản lý chúng.
Đó chính là trường hợp của đại siêu thị xã hội chủ nghĩa trên phố Tràng Tiền, Hà Nội, nơi có không khí đúng như kiểu Bắc Triều Tiên (đèn đóm tù mù, thiếu hàng thường xuyên, mậu dịch viên đanh đá) nhưng về mặt tài chính đã ít chính thống hơn. Thời nay vẫn còn sót lại đôi chút hơi hướng thời đó khi nhân viên bưu điện hay hỏa xa lúc thối lại tiền thừa cho khách cứ phải lục mãi trong ví mình.
Chính trị thì không đi nhanh đến thế. Dù chính quyền để yên cho làm – mà đôi khi cũng lồng lên tí chút – chính quyền không chịu công nhận thời thế nay đã khác. Về mặt chính thức, không gì được phép cả. Tại sao? Ngoài sức ỳ quan liêu, lý do chính là tình hình quan hệ quốc tế thời bấy giờ. Việc Khmer đỏ tay sai của Bắc Kinh xâm lược Cam pu chia (1978) rồi cuộc chiến với Trung Quốc sau đó (bắt đầu tháng 2-3/1979 và còn dây dưa mãi đến 1989) làm cho về mặt chính trị là không thể bắt chước cải cách kinh tế mà đích thân Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào chính thời điểm đó (đại hội XI Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 12/1978). Không lấy kẻ thù làm hình mẫu được. Hình mẫu Trung Quốc trước đây được ca ngợi hết lời nay không còn hợp thời nữa. Cho nên có thể nói căng thẳng với Trung Quốc làm chậm lại không phải bản thân sự thay đổi mà là việc hợp thức hóa sự thay đổi ấy. Việt Nam mở cửa, qua miền Nam và khối các nước Đông Âu, nhưng chiến lược của nước này trong phe xã hội chủ nghĩa là thân Xô ghét Trung đã không cho phép Việt Nam nói ra điều đó. Cải cách chỉ đến 10-15 năm sau đó, chính thức là năm 1986, trên thực tế là năm 1992. Sự chênh lệch này chính là nguyên nhân của tình hình 2010.
Trong suốt gần hai thập kỷ, tự do hóa được dung thứ nhưng không được công nhận, không có một khuôn khổ pháp luật và chính trị chung có thể cho phép nó vươn tới những cơ cấu hợp pháp của nền kinh tế, ví dụ như công nghiệp, ngân hàng, ngoại thương hay quản trị doanh nghiệp nhà nước, như ở Trung Quốc. Tác động kéo theo các lĩnh vực khác coi như bằng không. Buôn bán nhỏ giúp dân sống được qua ngày, nhưng không có tác dụng gì tích cực lên sự vận hành của các thể chế Nhà nước. Không nắm được tình hình đang thay đổi, các thể chế này vẫn tiếp tục vận hành theo lối cũ. Nếp hằn ấy sâu đến nỗi bây giờ vẫn còn. Ví dụ, mặc cho kinh tế biến chuyển nhanh chóng, khủng hoảng ngân hàng, đầu tư nước ngoài giảm sút và lạm phát tăng trở lại năm 2008, một vài bộ vẫn hoạt động theo kiểu kế hoạch hóa và thi đua xã hội chủ nghĩa, y như ngày xưa, dựng lên những bảng biểu thống kê để mà đưa ra những kết quả dự đoán phải đạt được, mà chẳng thèm đếm xỉa tới bối cảnh thực tế hay những kết quả thực tế đã đạt. Con số, kế hoạch, chỉ tiêu vẫn là những giá trị cơ bản. Từ đó đến phủ nhận thực tế không còn xa. Khi tháng 9/2008, Thủ tướng công bố lạm phát đã được kiềm chế ở mức 1,6%, như dự đoán, không một người Việt Nam nào không biết trên thực tế nó đã ở mức 25%, thậm chí 40% đối với lương thực thực phẩm.
Trong khi chờ đợi, giữa 1975 và 1992, vì không thể cải tổ thể chế, hoạt động tư nhân vẫn tiếp tục phát triển, nhưng không có sự thay đổi về bản chất cũng như về quy mô: bơi giữa dòng nước đục và kiếm chác trên chợ đen, như ngày xưa. Cái lẽ ra chỉ là tạm thời, là một đòn bẩy cho sự phát triển lại trở thành quy tắc. Vì thế nếu muốn tồn tại, chỉ còn cách là lại cậy nhờ đến quen thân. Làm sao khác được? Nếu không có gì được cho phép thì có nghĩa là làm gì cũng được. Ông bà Luân-Ngọc nói đã giàu lên được mà không thấy áy náy gì nhờ chi phong bì để kiếm hợp đồng, nhậu nhẹt với ủy ban nhân dân và trốn thuế. Từ việc kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp vận tải của ông bà, canh ty với quan chức địa phương, chuyển sang buôn đủ loại: vài năm sau khi chuyển hàng từ Sài Gòn ra Bắc, doanh nghiệp quay sang vận chuyển những thùng đồ mà hải quân Liên Xô đã “bỏ quên” tại các bến cảng Đà Nẵng và Cam Ranh (vải và gạo đổi lấy đồng hồ Boctok và vodka Smirnoff). Cũng giống như doanh nghiệp của ông bà, toàn bộ khối tư nhân chuyển sang lén lút, lách luật và hối lộ.
Khi cuối cùng đã đến thời điểm mở cửa chính thức, những thói quen xấu này đã trở nên vô cùng tệ hại. Các khái niệm như đối tác, hợp đồng, tôn trọng cam kết xa lạ đến nỗi việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài là vô cùng phức tạp. Nếu có thể lách là lách ngay. Nhân công không phải lúc nào cũng được khai đầy đủ; có hai sổ kế toán (một sổ thật và một sổ dởm); thuế hàng năm nộp trao tay và hóa đơn tiền điện có thể đàm phán. Trong giới làm ăn, theo như một vài tạp chí quốc tế đánh giá thì uy tín của Việt Nam ở vị trí thấp chưa từng có. Nhớ lại một số tạp chí Kinh tế viễn đông khi đánh giá môi trường kinh doanh đã xếp Việt Nam hạng bét châu Á trong hầu hết các lĩnh vực (số báo này có thể tìm thấy ở Việt Nam, nhưng bị kiểm duyệt dùng bút dạ đen gạch hết những chỗ nhạy cảm). Tóm lại, đến thời điểm thuận lợi, khối tư nhân vốn đã chìm đắm trong thói quen lén lút và phi pháp, trước đây là những cách làm duy nhất có thể làm được và có thể sinh lời, nay hoàn toàn không đủ tầm với thời cuộc. Không có doanh nghiệp địa phương nào có khả năng giúp doanh nghiệp nước ngoài triển khai các dự án kinh tế lớn. Chính quyền quá đỗi ngạc nhiên, họ vẫn tưởng mở cửa là để doanh nghiệp tư nhân phải bì bõm trong sự không chính thức và để tăng cường vai trò của Nhà nước và quan chức Nhà nước.
1986: muốn cứu chế độ, hãy cứu Nhà nước!
Việt Nam, đất nước vốn sống nhờ viện trợ Liên Xô, hoàn toàn bất ổn trước perestroika. Tự nhiên 1/5 thu nhập quốc gia bay mất tiêu, thị trường chắc chắn bên các nước anh em (70% giá trị xuất khẩu và 85% giá trị nhập khẩu), sự gia hạn nợ của những năm chiến tranh mà Liên Xô dành cho cũng mất luôn. Đất nước mất khả năng đảm bảo những chi trả hàng ngày, chưa nói đến những khoản chi bất thường do sự kiện 1979 gây ra (lưu 200 ngàn quân ở Cam pu chia, 400 ngàn quân ở biên giới Trung Hoa, Mỹ cấm vận, quốc tế ngừng viện trợ). Nhà nước cạn vốn, đành phải in thêm tiền và tiến hành một cuộc cải cách tiền tệ tai hại. Năm 1986, lạm phát đạt 480% (1000% năm 1988, năm có người chết đói), các sản phẩm cơ bản phải mua theo tem phiếu.
Chế độ đành phải mở cửa để tự cứu mình, chứ không phải vì đó là một sự lựa chọn có cân nhắc. Và họ làm điều này cẩn trọng, từ từ, với vô số biện pháp đề phòng, chỉ đơn giản là để tránh xảy ra trường hợp mọi việc diễn biến theo kiểu Nga. Do phá sản kinh tế mà ra, nhưng mở cửa vẫn được coi như một chiến lược chính trị. Lúc đầu là để thay thế tiền của Liên Xô bằng tiền của các doanh nghiệp nước ngoài, của Việt kiều và các nhà tài trợ quốc tế, sau đó là để tận dụng thời cơ mà nắm lấy khu vực kinh tế thực sự vốn lâu nay bị lấp trong sự lén lút khiến cho chính quyền không thể kiểm soát 15 năm nay. Cách tính này tốt, với điều kiện là nối thẳng nguồn vốn nước ngoài tới các cơ quan Nhà nước: mọi việc diễn ra đúng như thế, với trò cấp phép đầu tư và vai trò cực lớn của bộ Kế hoạch đầu tư lúc đó trở thành một dạng bộ tài chính đứng ra chia lộc. Hệ thống ấy vận hành suốt 20 năm. Đến năm 2010, tiền nước ngoài vẫn còn chiếm 1/3 tài sản quốc gia.
Sự chậm trễ này so với Trung Quốc cuối cùng cũng bắt Hà Nội phải trả giá đắt. Ở bên đó, ngay từ đầu những năm 1980, cải cách kinh tế đã buộc các doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm hơn, sử dụng hợp đồng lao động thay vì chế độ làm việc đến hết đời, và nhất là, tinh giảm biên chế triệt để. Do số lao động liên quan chiếm đến 20% tổng số lao động, chương trình cải cách đã vấp phải những sự kháng cự đông người, từ rất sớm, bạo lực và kéo dài. Sự phản đối của công nhân khối quốc doanh đã khơi mào cho sự kiện Thiên An Môn 1989, rồi đến các vụ đình công lớn ở tỉnh Tứ xuyên 8 năm sau. Vậy là Trung Quốc tinh giảm biên chế, nhưng vô cùng khó khăn.
Việt Nam cũng triển khai như thế, bằng cách xóa bỏ một nửa số doanh nghiệp nhà nước, nhưng sau Trung Quốc 10 năm, làm ngay một lúc nhưng dễ dàng hơn vì cả ngành công nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 5% số tài sản quốc gia và 2% số công nhân. Sự khác biệt trong cách tiến hành và nhịp độ tiến hành cải cách thay đổi tất cả. Ở Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp quốc doanh sa thải khó khăn và mất thời gian giải quyết xung đột và trì trệ, khối doanh nghiệp tư nhân đã kịp tận dụng thời cơ để lột xác: trở nên nhẹ nhõm hơn, trang bị tốt hơn, hiện đại hơn, hướng về xuất khẩu để đối phó với việc sản xuất thừa mứa, và thắng khu vực Nhà nước nay đã hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi. Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân không có may mắn đó (hay là các doanh nghiệp Nhà nước không bị cái hạn đó). Khối tư nhân đã không biết cách tận dụng thời cơ doanh nghiệp quốc doanh chậm tinh giảm bộ máy, và cũng không lao ngay vào cuộc cạnh tranh vì bản thân họ cũng chẳng có gì để bán.
Sự tự do hóa kinh tế, nói chữ là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì thế đã gây ra những hậu quả hoàn toàn trái ngược. Ở Trung Quốc, từ 1978 đến 2000, phần đóng góp của Nhà nước trong GDP đã giảm từ 1/3 xuống còn 1/10, buộc chính phủ, với sự hỗ trợ của phái “tân tả”, phải can thiệp để đưa con số này lên 20% (mục tiêu đã đạt được năm 2007). Giới lãnh đạo Việt Nam không gặp phải vấn đề này. Phần của Nhà nước đã tăng, từ 1/3 lên đến ½ GDP, rồi ổn định ở mức 40%, gấp đôi so với Trung Quốc. Đứng trên phương diện này, việc mở cửa đã thành công. Khối quốc doanh, đặt cược sự sống còn của mình, trong vòng 10 năm đã trở thành động lực của nền kinh tế và là nhân tố chủ đạo.
Bối cảnh này lý giải tại sao, cũng trong năm 1996, ông bà Luân-Ngọc thấy nên có quan hệ đối tác với một doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến ủy ban nhân dân thành phố. Họ làm như thế vì không thể phát triển mà không núp bóng Nhà nước và có sự trợ giúp của công chức Nhà nước. Bà Ngọc cho biết: “Trước khi mở cửa, ông Luân đã làm cho “công ty 28”, công ty trước năm 1975 còn thuộc về chúng tôi. Sau khi mở cửa thì có gì khác? Lúc đầu là không có gì, phải mất 10 năm chúng tôi mới lại lập thêm được một công ty mới. Sau đó kiếm tiền có khá hơn, nhưng điều kiện kinh doanh và khách hàng vẫn thế. Trừ một hợp đồng công ten nơ béo bở mà chúng tôi tự kiếm được với một công ty nước ngoài, thì vẫn là việc vận tải cho tỉnh và các thành phố lớn, thông qua các doanh nghiệp quốc doanh, tức là việc làm thuê cho Nhà nước, đi kèm với đó là móc nối, là hoa hồng. Nếu không có quan hệ với ủy ban nhân dân thì doanh nghiệp đã phải đóng cửa rồi. Mà quan hệ chính là cái “công ty 28” ấy. Chúng tôi làm hết, nhưng họ ký: thế là đáng một nửa số lãi của chúng tôi rồi.”
Công-Tư: tù mù
Hệ thống không thay đổi. Ở Việt Nam, sáng kiến cá nhân thì có nhưng muốn thành công thì phải vào trong khuôn khổ Nhà nước. Một nhúm các doanh nghiệp quốc doanh lớn, do nhóm đặc quyền đặc lợi trong đảng lãnh đạo, thực sự nắm độc quyền nhiều lĩnh vực kinh tế. Xây dựng và các công trình công cộng nằm trong tay khoảng 5-6 công ty, trong đó có 2 công ty bao trùm đấu thầu lần nào cũng thắng. Nói rằng chỉ có mỗi họ là đủ tầm và tiềm lực kinh tế để tiến hành dự án là đúng nhưng không đủ: họ lớn thế chính là bởi họ được đặc quyền đặc lợi. Nhà nước cấp lại cho họ, dưới dạng hợp đồng, một phần tiền mình nhận được qua viện trợ quốc tế hay vay lãi xuất thấp. Vòng tròn khép kín từ Nhà nước đến doanh nghiệp quốc doanh này làm họ mạnh lên ngay trước thời điểm tư nhân hóa hàng loạt. Trong khi chờ đợi, chẳng gặp nguy hiểm cũng như khó khăn gì, họ đóng góp 45% giá trị sản xuất công nghiệp (tư nhân: 32%), hơn 1/3 GDP, chiếm một nửa số đầu tư và tín dụng mà ¾ số tín dụng này nằm trong tay của 4 ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân không có cách nào lọt vào được vòng quay này. Hoặc chỉ có một số trước đây vốn là doanh nghiệp Nhà nước bị tư nhân hóa, nay nhờ các mối quan hệ cánh hẩu mà thỉnh thoảng được chia cho suất thầu phụ hay được hưởng tí nước từ vòi tín dụng chảy ra.
Trong cái vẫn gọi là khối doanh nghiệp tư nhân, cần phân biệt rõ 3 loại kinh doanh: doanh nghiệp gia đình giỏi lắm là kiếm được hợp đồng thầu phụ; các công ty, lớn hay nhỏ, phần nhiều trong đó trước là công ty Nhà nước được tư nhân hóa 80/100 và sống nhờ hợp đồng Nhà nước; và cuối cùng là khoảng 100 tập đoàn lớn của Nhà nước chiếm độc quyền trong các lĩnh vực sinh lợi và tiến hành chính sách đa dạng hóa đủ loại, tùy theo cơ hội.
Doanh nghiệp đã tư nhân hóa và các tập đoàn khổng lồ của Nhà nước có gắn kết với tầng lớp lãnh đạo, hay nói cho đúng hơn là với gia đình của lãnh đạo. Quỹ đầu tư VietCapital thuộc về Nguyễn Thanh Phương, ái nữ của Thủ tướng, có bằng master ở Đại học tổng hợp Genève, và lấy chồng là doanh nhân Mỹ gốc Việt. Anh trai Nguyễn Thanh Nghị là một doanh nhân lớn nắm phần lớn cổ phần trong công ty bất động sản cao cấp Bitexco. Trong lĩnh vực bất động sản còn có con gái một phó Thủ tướng và phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp trong đảng. Tập đoàn khổng lồ về viễn thông FPT được đặt dưới sự lãnh đạo của cựu con rể đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chiến thắng ở Điện Biên Phủ; và công ty Galaxy (điện ảnh, nhà hàng Tây phương, truyền thông) được điều hành bởi con gái một cựu bộ trưởng Ngoại giao. Cũng trong lĩnh vực này, có thể kể ra cả vị con rể ông Đỗ Mười (cựu Tổng bí thư), con trai ông Phan Văn Khải (cựu Thủ tướng) và tướng Nguyễn Chí Vịnh (con trai ông Nguyễn Chí Thanh, người đã tham gia thành lập quân đội nhân dân).
Ở cấp thấp hơn, người ta biết rằng các vụ trưởng thuộc bộ Xây dựng vị nào cũng có doanh nghiệp riêng đủ mạnh để có được các hợp đồng Nhà nước. Một số trong các doanh nghiệp này còn đóng trụ sở ngay tại bộ (có hơn 200 công ty xây dựng đặt dưới sự chủ quản của bộ này đã được chuyển thành công ty cổ phần, ai chả đoán được là có lợi cho ai). Ưu tiên, nhượng bộ, thậm chí là cả độc quyền là những yếu tố đảm bảo thành công cho những doanh nghiệp này. Nhưng đó chỉ là phần dễ thấy của một hệ thống được thu nhỏ, nhưng vẫn y nguyên, ở các tầng thấp hơn của chính quyền, cụ thể là ở các ủy ban nhân dân, tỉnh uỷ và thành uỷ. Ở đây chúng tôi ít thông tin hơn nhiều, vì vốn của các doanh nghiệp cổ phần hóa được chia cho các cổ đông mà chúng tôi không nắm được hết. Tuy nhiên, điều này minh họa cho một thực tế là giới tinh hoa chính trị theo kiểu xưa đang dần trở thành tinh hoa kinh tế xã hội của nước Việt Nam ngày mai. Trong khi chờ có bằng chứng, chúng ta vẫn có thể tiến hành điều tra hiện trường và lắng nghe những lời tâm sự.
Nhiều, thậm chí có thể nói là đa số các doanh nghiệp vừa và lớn của tư nhân đều do cán bộ, công chức đương quyền bí mật nắm giữ thông qua vợ, hoặc người thân của họ, điều này xảy ra ở khắp mọi cấp chính quyền. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng cần như vậy. Rất nhiều công ty chính thức thuộc về các cựu quan chức (Đảng và Nhà nước) hay cựu nhân viên doanh nghiệp Nhà nước: theo một điều tra của Malesky và Taussig (đăng năm 2008 trên Journal of Law, Economics and Organization), số này chiếm 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên phải thận trọng khi nói tới “khu vực tư nhân” ở Việt Nam.
Nói về “khu vực Nhà nước” cũng cần đề phòng y như vậy. Những doanh nghiệp chúng tôi vừa đề cập trên đây, thường là ăn nên làm ra và ít bị cạnh tranh, có cách ứng xử không khác gì doanh nghiệp tư nhân. Lương của lãnh đạo, cách làm việc, cách phân chia lợi nhuận không có gì giống với nhận định của chúng tôi về một doanh nghiệp Nhà nước cả. Các quan chức cao cấp thích lợi nhuận có thể làm ăn một cách thuận lợi nhất ngay trong lòng Nhà nước. Việc biến đổi các doanh nghiệp Nhà nước không phải là một điều xấu về mặt bản chất. Tuy thế điều đó không hẳn là điều kiện để có dịch vụ tốt hơn. Giống như trường hợp một ngân hàng Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh, về mặt lý thuyết thì phải dành cho việc cải tạo nhà ở cho vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trên thực tế thì không chăm lo gì việc này mà lại đi đầu tư chứng khoán, tín dụng và những thứ khác sinh lời nhanh hơn. Trong lĩnh vực bất động sản thì ta còn thấy rõ hơn: rất ít nỗ lực được bỏ ra cho những chỗ không mang lại lợi lộc gì, ví dụ như việc cấp nước, về mặt cơ cấu đương nhiên là lỗ bởi việc thu phí là do Nhà nước quyết định, hay việc xây vỉa hè.
Cho nên, hệ thống kinh tế hiện nay dựa trên một nghịch lý: khu vực tư nhân có dây dưa đến khu vực Nhà nước, trong khi khu vực Nhà nước lại hành xử như tư nhân. Tất cả những cái đó dẫn đến sự tù mù về tư cách. Đâu là tư? Đâu là công? Chia chác ở đâu? Như thế nào? Người ta cứ cố sức gắn cái mác pháp lý chung chung cho một thực tế vốn phức tạp hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do cách đánh giá của phương Tây, nhất là của các tổ chức lớn, khi so sánh các quốc gia với nhau, chỉ chăm chăm soi vào mỗi tư cách pháp lý và dựa theo cách phân loại thống kê mà họ tự hào coi là có giá trị phổ quát của họ. Một yếu tố khác là do chiến lược của chính quyền muốn giữ sự tù mù để không ai biết được bản chất hoạt động của nó là gì.
Ở trong nước, qua báo chí, ta thấy nước Việt Nam chính thống tự khen đã tăng cường được kinh tế Nhà nước, nền kinh tế thuộc về nhân dân, nghĩa là đất nước vẫn là nước xã hội chủ nghĩa và rằng nền kinh tế Nhà nước không ngừng gia tăng đóng góp vào kinh tế quốc dân, điều này đúng; nhưng khi nói chuyện với các tổ chức quốc tế vốn chỉ thích nghe những lập luận mang tính tự do kinh tế, chính quyền lại nhắc đi nhắc lại rằng số doanh nghiệp Nhà nước đã giảm đi và cùng lúc đó, số doanh nghiệp tư nhân tăng lên, điều này cũng không sai. Trong cả hai trường hợp, chính quyền chơi với các con số và tính đa nghĩa của khái niệm Nhà nước (ở Việt Nam cũng như ở nơi khác). Sự lẫn lộn này phục vụ những lợi ích rất cụ thể. Nếu những vụ kinh doanh nhỏ của tư nhân chỉ tồn tại được nhờ vào các cấu trúc của Nhà nước và các công chức, nếu những tập đoàn lớn của Nhà nước được bí mật tư nhân hóa làm lợi cho chính những người đó, thì người ta có thể thắc mắc cuối cùng ai là người được hưởng lợi nhất từ sự tăng trưởng 20 năm nay, và đang tiếp tục được hưởng lợi.
Một giai đoạn mới sắp được vượt qua: Công không chỉ đang hành xử như Tư, mà là sắp trở thành Tư. Thực vậy, phần lớn các thành phố và ủy ban nhân dân tỉnh đang là sân khấu của một trò ảo thuật siêu đẳng được diễn trong ba hồi. Đầu tiên, các lĩnh vực của doanh nghiệp công được nhóm lại, cho phép phân chia rõ ra một bên là những hoạt động không bao giờ sinh lời, một bên là những hoạt động có thể sinh lời. Tiếp theo, nhóm các doanh nghiệp có khả năng sinh lời được tách ra thành các doanh nghiệp độc lập, vẫn trực thuộc Nhà nước nhưng có nhiều quyền tự chủ hơn nhờ tư cách “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” (thành viên ấy chính là Nhà nước). Cuối cùng, nguồn vốn của các công ty trách nhiệm hữu hạn này được mở ra cho các đối tác bên ngoài dưới hình thức phân chia theo cổ phần. Tài sản công bị tư nhân hóa lúc nào không hay. Ai cũng có thể đoán được việc này có lợi nhất cho những tên bịp ở vị trí tốt để nắm giữ cổ phần. Tiến trình ấy đang diễn ra. Ở đâu cũng thế. Chỉ có nhịp độ là khác nhau giữa địa phương này với địa phương khác, vì nó phụ thuộc vào đặc điểm hệ thống chính trị địa phương (nội bộ lãnh đạo phải hiệp thương bàn bạc) và tình hình phát triển (tư nhân hóa chỉ có lợi khi có khách hàng tương lai có khả năng chi trả). Lối sống ăn mồi của doanh nghiệp công ở địa phương là bộ mặt hợp pháp và kín đáo của cả một sự vận động nhằm chiếm lấy tài sản công của tầng lớp cán bộ, công chức. Nó khó được nhận diện hơn là việc biển thủ công quỹ hay mua đất phi pháp, đuổi nông dân khỏi đất của họ hay chiếm nhà công vụ. Tuy nhiên, đó chính là dấu hiệu rõ nhất của hướng đi mà chính quyền, hay nói đúng hơn là người của chính quyền, lựa chọn: để cứu mình, hãy cùng tư nhân hóa Nhà nước…
Bản tiếng Việt © BS 2011
(Còn tiếp nhiều kỳ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét