Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

355. Trao đổi qua bài viết của Hoàng Lại Giang


Đôi lời:  Dưới đây là ý kiến của độc giả LBS đăng trong mục “Phản hồi”của bài "Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi" (xem cuối bài) của Nhà văn Hoàng Lại Giang. Nhận thấy nội dung có nhiều thông tin đáng suy ngẫm, nên BS xin đăng lại.

Trao đổi qua bài viết của Hoàng Lại Giang

Bài của bác Hoàng Lại Giang thể hiện tâm huyết rất đáng quý của một người trí thức cộng sản trước hiện tình đất nước. Đáng tiếc là những gì bác viết về Mác, Ăng-ghen và Lênin lại không hoàn toàn chính xác. Các vị này không «sáng suốt», không tự nhận thức được sự sai lầm của mình như bác tưởng. Xin trả lời vài câu hỏi mà bác đặt ra :
Vì sao ngày 17 tháng 11 năm 1852 Mác – Ăng-ghen giải tán “Đồng minh những người Cộng sản”?
Việc giải tán “Đồng minh những người Cộng sản” không có liên quan gì đến sự hình thành phong trào dân chủ – xã hội. Từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 11 năm 1852, vụ án xét xử 11 thành viên của tổ chức này diễn ra tại thành phố Cologne ở Đức (tên trong tiếng Đức của thành phố này là Köln). Trong vụ án này, Chính phủ Phổ đã kết tội 7 người, với mức án từ 3 đến 6 năm. Việc giải tán “Đồng minh những người Cộng sản” chỉ nhằm để tránh khó khăn cho phong trào cộng sản nói chung. Hơn 10 năm sau đó (1864), Mác thành lập Quốc tế I. Như vậy “giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức” không thể kết thúc từ năm 1852 như bác đặt vấn đề.
Và có phải chính Mác – Anghen đã thành lập Đảng dân chủ xã hội Đức – chính đảng xã hội chủ nghĩa vào tháng 8 năm 1869?
Đảng thành lập vào năm 1869 có tên là Đảng Công nhân Dân chủ – Xã hội (SDAP). Lãnh tụ của đảng này là August Bebel và Wilhelm Liebknecht, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx. Đảng này được hình thành từ một số tổ chức chính trị của giai cấp công nhân ở vùng Saxony và miền Nam nước Đức. Nhưng đảng này không phải là nguồn gốc duy nhất của Đảng dân chủ – xã hội Đức.
Nguồn gốc thứ hai của Đảng DCXH Đức là Tổng hội Công nhân Đức do Fernidand Lassalle (1825-1864) sáng lập vào năm 1863. Đó là tổ chức chính trị có quy mô lớn đầu tiên của giai cấp công nhân ở Đức. Tổ chức này chịu ảnh hưởng của Lassalle, mà Mác lại rất “kỵ” Lassalle , thường xuyên phê phán ông này.
Hai trường phái mác-xít và Lassalle cạnh tranh nhau mãi cho đến năm 1875, khi hai phái này hợp nhất với nhau thành một đảng có tên gọi là Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (SAP). Đến năm 1890, đảng này đổi tên thành Đảng Dân chủ – Xã hội Đức (SPD) và giữ tên đó đến tận ngày nay. Năm 1875, tức là thời điểm hợp nhất giữa hai phái mác-xít và Lassalle, được coi là thời điểm thành lập đảng.
Mác không hề ủng hộ Lassalle mà luôn luôn đả kích Lassalle, cho ông này là kẻ cơ hội, thỏa hiệp với giai cấp tư sản. Vì vậy ngay khi hai phái hợp nhất với nhau vào năm 1875, Mác đã viết bài phê phán Cương lĩnh của Đảng DCXH, về sau tác phẩm này được Ăng-ghen công bố dưới tên gọi là “Phê phán cương lĩnh Gotha”.
Từ chủ nghĩa xã hội bạo lực, Mác – Anghen chuyển qua chủ nghĩa xã hội dân chủ xuất phát từ nguyên nhân nào?
Sự hình thành trào lưu dân chủ – xã hội không phải là công lao của Mác. Nếu có thể nói đến chút ít “công lao” đối với trào lưu dân chủ – xã hội thì chỉ có thể nói đến Ăng-ghen, người vào lúc cuối đời đã ủng hộ việc Đảng DCXH Đức tận dụng con đường hợp pháp (phổ thông đầu phiếu) để mở rộng ảnh hưởng.
Như trên đã nói, Đảng dân chủ – xã hội Đức là kết quả của hai dòng tư tưởng: Mác và Lassalle. Sự trỗi dậy của phái Lassalle (chủ trương đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ của chế độ dân chủ tư sản) mới là nguồn gốc của chủ nghĩa dân chủ – xã hội. Người đánh giá lại vai trò của Lassalle và vạch ra con đường sửa chữa chủ nghĩa Mác là Eduard Bernstein (1850-1932), một học trò của Ăng-ghen. Tác phẩm nổi tiếng của Bernstein gây sóng gió trong phong trào mác-xít ở Đức có tên là “Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội và những nhiệm vụ của Đảng dân chủ – xã hội“ được xuất bản vào năm 1896, 3 năm sau khi Ăng-ghen qua đời.
Bác có thể tìm đọc bài viết “Dân chủ – xã hội là gì?” của tác giả Mai Thái Lĩnh để biết thêm chi tiết.
Vai trò của Lê-nin:
Chính Lê-nin là người đi đầu trong việc “chống xét lại” trong lòng phong trào mác-xít, dẫn đến sự thành lập Quốc tế III (tức Quốc tế cộng sản). Nếu không có Lê-nin, nhân loại sẽ không phải gánh chịu tai họa của chủ nghĩa cộng sản.
Lê-nin chẳng bao giờ thấy được sự sai lầm của mình như bác tưởng. Mục đích của NEP chỉ nhằm cứu kinh tế nước Nga – lúc bấy giờ đang cực kỳ be bét. Nhưng Lê-nin chỉ chủ trương tạm lùi một bước để khôi phục kinh tế, sau đó sẽ lại tiến hành công hữu hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Riêng về chính trị, ông ta chưa bao giờ từ bỏ chuyên chính vô sản. Chính Lê-nin là người đẻ ra quan niệm “dân chủ vô sản” mà thực chất là “chuyên chính vô sản” (tức là “độc tài vô sản”).
Đảng cộng sản Việt Nam muốn giải phóng dân tộc, giành độc lập mà lại chọn con đường của Lê-nin. Đó mới thật sự là “lỗi hệ thống” mà ngày nay dân tộc ta phải gánh chịu.
L.B.S.

Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi!

(Những người cộng sản Việt Nam nên đọc lại thật kỹ học thuyết Mac và Anghen)
Hoàng Lại Giang
    Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước …. Người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ.” Và trên tinh thần dân tộc ấy, năm 1945 ,sau khi giành lại chính quyền từ tay thực  dân Pháp, ông đã đặt tên nước là Việt Nam – Dân chủ – Cộng hòa và sau đó vào năm 1951 ông thuyết phục những người cộng sản đổi  tên Đảng là Lao Động. Tên nước và tên đảng cho đến giờ vẫn được nhân dân trân trọng và bảo vệ . Đấy chính là lòng dân. Thời nào cũng vậy, lòng dân là cái không mua được, dù bất cứ giá nào. Lịch sử đã chứng minh qua nghìn năm đô hộ giặc Tàu và trăm năm đô hộ giặc Tây. Lịch sử cũng đã chứng minh khi lòng dân không yên  thì mọi thứ bạo lực chỉ là hành động cứu cấp cho một thứ quyền lực phi nhân tính, vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lịch sử vẫn còn đó một Tần Thủy Hoàng, một Nê rô, nhà thơ bạo chúa, ở thời hiện đại là Hitle, là Stalin, là Mao trạch Đông  là Ponpot!

         Những người Macxit là những  người biết nắm qui luật, vận dụng qui luật, vận hành theo qui luật chứ không bao giờ bắt qui luật phải phục tùng ý chủ quan của con người. Và vì vậy, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu chắc chắn những người macxit chân chính   sẽ vận dụng qui luật để cắt nghĩa chứ không vì hụt hẫng khi  cái ý thức hệ  ban sơ, cái lý tưởng chất đầy tính ảo tưởng một thời ấu trĩ  không còn nữa   mà qui kết cho bất kỳ cá nhân nào là phản bội chủ nghĩa Mác – Lê. Một Khơrútxốp, một Goocbachốp … không thể làm được việc đó! Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội là do  những người cộng sản tuy có khát vọng thay đổi xã hội, nhưng  không chịu đọc Mác và Anghen, hoặc đọc lõm bõm, hiểu lõm bõm, hoặc chọn những điểm thích hợp từ những quan điểm cứng rắn của Stalin và Mao Trạch Đông, rồi dùng bạo lực buộc quy luật theo ý chủ quan để  tự nó đi ngược lại sự  tiến hóa của nhân loại, và coi đấy là kinh điển, là bất di bất dịch. Ngay cả Mác cũng chưa bao giờ khẳng định học thuyết của mình là hoàn toàn tương thích với mọi thời đại. Mác từng nói: “Chúng tôi không có ý định đoán định tương lai một cách giáo điều mà mong muốn dùng phương cách phê phán thế giới cũ, để tìm được thế giới mới. Việc kiến tạo và tuyên bố một lần và mãi mãi những giải đáp cho các vấn đề  của mai sau không phải là việc của chúng tôi”. Ngay  khi viết học thuyết về chủ nghĩa tư bản, qui luật giá trị thặng dư, qui luật phản ứng của giai cấp công nhân bị bóc lột…ở  đầu thế kỷ 19  Mác và cả Anghen đều cho công trình của mình chỉ như một thứ dự báo.  Nó chỉ phù hợp với thời điểm ấy, chứ không thể phù hợp với tất cả mọi thời điểm trước và sau nó.
          Nhưng rất tiếc, một số nhà lãnh đạo Cộng sản thuộc địa, như Việt Nam, lại coi học thuyết Mác là bất di bất dịch, là kinh điển … ở mọi thời đại! Chính căn bệnh giáo điều xơ cứng của không ít nhà lãnh đạo Việt Nam ở thời hiện đại ấy đã dẫn dân tộc và đất nước vào thế giới của chủ nghĩa xã hội bạo lực và giả tưởng …  Và vì vậy sự hụt hẫng khi chủ nghĩa xã hội Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là có thật.  Nhưng những người Cộng sản chân chính khi dũng cảm nhìn vào sự thật như đại hội VI Việt Nam năm 1986, thì chắc chắn tìm ra lối thoát cho dân tộc, còn nếu khăng khăng níu kéo cái chủ nghĩa đã sụp đổ, hy vọng vá víu lại …thì chắc chắn sẽ bị quy luật đào thải. Tôi nghĩ không ai đọc kỹ học thuyết Mác – Anghen bằng người Đức, bằng các triết gia Đức, trí thức Đức. Không ai đọc Lênin, hiểu mọi hành động của Lênin và Stalin bằng nhân dân Nga, trí thức Nga. Câu hỏi đặt ra là tại sao chủ nghĩa xã hội sụp đổ, nhân dân Nga, nhân dân các nước Đông Âu trong đó có nhân dân Đông Đức, không một hối tiếc, nếu không nói ngược lại là sự vui mừng như được làm người trở lại.
          Ai cũng biết, chính thể mới của các nước CNXH bị sụp đổ  không loại  đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, vậy mà bao nhiêu lần bầu cử, không đảng Cộng sản nào giành được đa số phiếu để trở lại nắm chính quyền. Tôi nghĩ những nhà lãnh đạo Việt Nam nên nghiêm túc suy nghĩ kỹ càng điều này, để có quyết sách đưa đất nước bước vào hội nhập với cái thế và lực của chính mình hơn là câu nệ và nô lệ về ý thức hệ. Nô lệ về ý thức hệ  mà đặt  ý thức  hệ trên quyền lợi dân tộc, thậm chí để mất cả đất và nước, biển và đảo, thì đấy là tội đồ, là bán nước! Vào thời ấy ( 1990), một số nhà lãnh đạo Việt Nam hoảng hốt lo sợ mất CNXH, đã quay ngoắt 180  độ với cuộc cách mạng đổi mới của chính mình hôm qua (1986), cúi đầu , tôn vinh kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc, đàn áp ngay cả với đồng chí mình còn trung thành với cuộc cách mạng đổi mới tư duy. Thậm chí có người còn bao che cho tội ác dã man của lãnh đạo Trung Quốc ngang  nhiên  «dạy cho Việt Nam một bài học «   trong cuộc chiến tranh biên giới  năm 1979, nói rằng : «Song  dù có bành trướng thế nào đi chăng nữa thì Trung Quốc vẫn  là nước XHCN » . Nhà lãnh đạo này rõ ràng đã  đặt quyền lợi dân tộc, lãnh thổ thiêng  liêng của dân tộc xuống dưới ý thức hệ, và  hậu quả là im lặng trước Hoàng Sa bị chúng đánh chiếm năm 1974 và năm  1988 chúng đánh chiếm  7 hòn  đảo ở Trường Sa. Và bây giờ  chúng ngang nghiên đưa tàu hải giám quấy phá ngay trên vùng biển thuộc quyền  chủ quyền  của ta, cắt cáp  của tàu thăm dò dầu khí của ta  từ tháng 5 năm 2011. Nhân dân bức xúc ,bày tỏ thái độ trước sự bành trướng của Trung quốc thì chính quyền  tìm mọi cách ngăn chặn , thậm chí dùng cả bạo lực đối với  người biểu tình. Bây giờ hãy còn quá sớm để  quy đấy là tội bán nước, nhưng chắc chắn lịch sử rồi sẽ phán xét công minh, rạch ròi …  Với người Việt Nam tội bán nước là tội không thể dung tha, bởi ở bên cạnh một đất nước to, gian manh và xảo quyệt  luôn mưu dồ bành trướng, thì cái sự chống đỡ để giữ cho được từng tấc đất phải tính bằng xương máu của hết thế hệ này qua thế hệ khác. Người yêu nước không bao giờ đặt  nhầm chỗ giữa ý thức hệ và độc lập toàn vẹn non sông !!! Ý thức hệ là tạm thời, là giai đoạn, còn chủ quyền toàn vẹn non sông là vĩnh cửu .
         Hôm qua anh giúp tôi  giải phóng dân tộc, anh là đồng chí chung chiến hào, nhân dân chúng tôi biết ơn anh, hôm nay anh cướp nước tôi, anh là kẻ thù của nhân dân tôi, chứ không thể là đồng chí được! Mọi sự cố tình nhầm lẫn đồng chí với kẻ thù là lừa bịp nhân dân, là mắc mưu kẻ thù của nhân dân! Lúc này không thể không xem xét lại ý niệm khái quát về ngữ nghĩa của hai từ đồng chí mà những người cộng sản đang  dùng. Kẻ mưu đồ cướp nước ta, không thể là bạn của ta, càng không thể là đồng chí của ta.
           Trở lại học thuyết Mac.Trước sau, loài người vẫn đánh giá cao học thuyết Mác, bởi tính kế thừa và phép biện chứng của nó. Nó chỉ cho nhân loại thấy con đường tất yếu mà bất kỳ chế độ nào cũng phải vượt qua. Càng về cuối đời Mác và Anghen đều điều chỉnh rất nhiều luận điểm trong học thuyết của mình cho phù hợp với qui luật, với xu thế tất yếu của lịch sử. Mặc dù vậy hai ông cũng chỉ dám mong mọi người coi công trình của hai ông như một đoán ước tương lai chứ đừng coi là một giá trị tuyệt đối. Sai lầm của nhiều người theo học thuyết Mác, trước hết là không đọc hết Mác trong từng giai đoạn của hai ông. Ngược lại, lại chọn Mác ở thời điểm hai ông ra Tuyên ngôn đảng Cộng sản, ra Tư bản luận (tập I ), … một học thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm cốt lõi, lấy bạo lực cách mạng đập tan xiềng xích bóc lột và thâu tóm quyền lợi về tay mình. Đến Lenin và đặc biệt là Stalin thì dùng chuyên chính vô sản để triệt tiêu những người khác chính kiến với mình, đưa công nông lên hàng lãnh đạo. Đấy là thời kỳ trí thức bị chà đạp, bị vô hiệu hóa, bị tiêu diệt nhiều nhất trong lịch sử nhân loại,  không khác bao nhiêu so với thời Tần Thủy Hoàng. Đấy cũng là thời kỳ chủ nghĩa cộng sản coi chủ nghĩa tư bản là kẻ thù không đội trời chung. Thế giới phân cực thành hai phe, phe này quyết diệt phe kia và phe kia buộc phải chống  lại, hình thành cuộc chiến tranh lạnh từ đây. Và từ đây, Việt Nam trở thành “tiền đồn” của phe xã hội chủ nghĩa. Từ đấy cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam nằm trong “ba dòng thác cách mạng”, nằm trong cái thế “đứng mũi chịu sào” của “tiền đồn” phe xã hội chủ nghĩa chống chủ nghĩa đế quốc, để cho Liên Xô và Trung quốc rảnh rang  …lo xây dựng đất nước mình, mà ta thì  phải mang ơn ,mang nợ họ.
          Hồi ấy, một  Bí thư TW Đảng diễn thuyết ở nhà hát lớn Hà Nội  về tiền đồn, về ba dòng thác cách mạng … tôi kiêu hãnh, tự hào … và “phổng mũi”. Nhưng năm tháng qua đi, nhìn lại dân mình, nước mình… sao thương quá! Bao xương máu đổ xuống! Bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Có không ít người hôm nay vẫn chưa tìm được xác chồng con. Cuộc chia ly trong hận thù vẫn chưa hàn gắn nổi. Cuộc chia ly này nối cuộc chia ly kia. Bao triệu người bỏ nước ra đi bằng mọi giá – kể cả giá sinh mạng. Câu hỏi đặt ra, chưa thấy câu trả lời thỏa đáng: Vì sao đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất, vậy mà dân vẫn đói, rách … và bỏ nước ra đi? Chỉ cần nhìn ra các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore…cũng thấy nhục, thấy đau quá rồi !
          Một nhà lãnh đạo trong “tứ trụ triều đình” ở thập kỷ 80-90  tâm sự với tôi rằng: Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về sự ra đi của bà con ở thời  hậu chiến này. Họ không thấy lối ra – đặc biệt là lối ra cho con cháu họ – chứ không phải họ không yêu nước.
        Đúng, đấy là thời kỳ đóng cửa cài then, thời kỳ hòa bình đen tối nhất trong lịch sử xây dựng. Con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Mác và ngay cả Lênin sau này đã bị lớp lãnh đạo theo Stalin và Mao bẻ cong bằng một thứ bạo lực mà đỉnh cao là Pônpốt, là Khơme Đỏ – một đồ đệ của chủ nghĩa Mao. Một thảm họa của loài người mà người hứng chịu là nhân dân Campuchia, nhân dân Việt Nam.
          Biến một ảo tưởng  «Thế giới đại đồng» thành hiện thực, những nhà lãnh đạo Cộng sản không dùng quyền lực mềm là sự thuyết phục, sự vận động mang tính đoàn kết truyền thống mà người ta dùng quyền lực cứng, đấy là “bạo lực cách mạng” của học thuyết Mác theo họ hiểu. Một thứ duy ý chí, bất chấp khoa học, qui luật, bất chấp truyền thống, đạo nghĩa.
    … Tự do tư tưởng là một điều bình thường ở các nước phương Tây thì ở Việt Nam cho đến hôm nay tự do tư tưởng là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, mặc dù chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ngay trên quê hương của Mác và Lênin  cùng một số nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, trừ một vài nước ở phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Cu Ba ở châu Mỹ.
          Khỏi nói Triều Tiên và Cu Ba vì ai cũng biết đấy là một loại xã hội đội lốt Mác – Lê, nhưng thực chất là xã hội phong kiến, cha truyền ngôi cho con, anh nhường ngôi cho em…Tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn vì không phải là công dân của Triều Tiên và Cuba.
          Còn Trung Quốc và Việt Nam. Về hình thức, đây là hai nước láng giềng có chung một thể chế chính trị là chủ nghĩa Mác – Lê – Mao. Nhưng tiềm ẩn bên trong mối quan hệ “16 chữ vàng” này là mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không thể hóa giải ngay được. Càng có độ lùi thời gian, người dân Việt Nam càng thấy rõ âm mưu thâm hiểm của dân tộc đại Hán.  Người dân bình thường cũng biết Trung Quốc đã  từ bỏ chủ nghĩa Mác, nhưng vẫn giương ngọn cờ CNXH để bịp dân họ và bịp một số  nhà lãnh đạo của Việt Nam hám quyền, hám chức, hám lợi.
        Đi ngược dòng thời gian, từ năm 1945, lợi dụng thế “kẹt” của Việt Nam trước họa xâm lăng trở lại của Tàu Tưởng và thực dân Pháp, dưới danh nghĩa đồng minh, những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Việt Nam hết lòng. Bởi vì, cùng với Bắc Triều Tiên ở Đông Bắc Á, Việt Nam là khu đệm của họ ở Đông Nam châu Á. Đây là thời kỳ, người Tàu nhận ra trước tiên “môi hở răng lạnh”. Nhưng đây cũng là thời kỳ họ lợi dụng lòng tin của ta nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Cùng với Stalin, Mao buộc chủ tịch Hồ Chí Minh phải làm cải cách ruộng đất theo  mô hình Hoa Nam. Chu Ân Lai buộc Phạm Văn Đồng phải ký hiệp định Giơnevơ theo dự kiến ban đầu của Chu – có thể được Mao phê chuẩn. Năm 1956 họ chính thức ép ta nhượng Đông Hoàng Sa cho họ. Năm 1957 họ thuyết phục ta xây dựng ga Đồng Đăng cách Ải Nam Quan  gần 500m. Lúc đầu họ nói hết đường ray. Sau họ nói để 500m từ ga Đồng Đăng đến Ải Nam Quan làm khu đệm, tập kết vũ khí từ Nga, Trung Quốc và các nước XHCN anh em để Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu giành độc lập hoàn toàn. Nhưng cũng chính họ, năm 1956 khuyên ta không nên đánh lớn, đánh qui mô ở miền Nam, không nên mở rộng chiến tranh …. Năm 1958, nhân sự kiện chiến hạm Mỹ xuất hiện ở eo biển Đài Loan, họ thương lượng với ta công nhận “… hải phận 12 hải lý” của họ. Trên tinh thần đồng chí, anh em, ta giúp họ giảm bớt áp lực từ phía Mỹ với một bức thư của Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai (Tổng lý) ký ngày 14 tháng 9 năm 1958. Đáng lẽ biết ơn ta thì hôm nay con cháu họ lại đem bức thư ấy ra làm cớ chiếm biển đảo của ta.
          Năm 1958, họ chiếm Tây Hoàng Sa của ta, bị quân đội Việt Nam cộng hòa đánh và bắt giữ tàu ở Đà Nẵng.
          Năm 1974, sau hiệp định Paris, Mỹ cam kết rút quân và không can thiệp vào Việt Nam, họ liền đánh chiếm Hoàng Sa của ta. Ta bại trận. Trên năm mươi chiến binh thuộc chính quyền Sài Gòn đã ngã xuống. Những người cách mạng im lặng! Đây là một thái độ phi văn hóa, phi truyền thống. Lịch sử không thể chấp nhận được! Những người Việt Nam đã ngã xuống vì tổ quốc Việt Nam, dù là người của bên nào cũng đáng được lịch sử vinh danh. Coi ý thức hệ cao hơn quyền lợi dân tộc  là một sai lầm nguy hiểm, nếu không nói là tội lỗi! (Điều này được lặp lại ở những năm 90 của thế kỷ 20, như trên tôi đã nói).
          Năm 1976 , họ xúi Khơme Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam của ta.
          Năm 1979, họ đánh biên giới phía Bắc nước ta. Đây là cuộc chiến phi nghĩa  đáng xấu hổ nhất thế kỷ 20 của họ, nhưng không hiểu sao báo chí ta lại ‘’định hướng‘’… im lặng …cho đến hôm nay?  Nhưng lịch sử thì không bao giờ ngừng trôi, nó sẽ chảy theo đúng dòng chảy của nó: Đó là Sự thật lịch sử.
          Năm 1988, họ đánh chiếm một số đảo Trường Sa của ta, sáu mươi bốn chiến sĩ của ta đã ngã xuống ở biển Đông.
          Lịch sử Việt – Trung ngoài sự giúp đỡ chí tình cho cuộc chiến giải phóng dân tộc của chúng ta do những nguyên nhân sâu xa từ quyền lợi dân tộc của họ như  tôi đã trình bày ở trên, còn có một sự thật lịch sử khác nữa vẫn còn lưu khá đậm trên giấy trắng mực đen và đặc biệt trong nhân dân Việt Nam – hết thế hệ này qua thế hệ khác: Đó là tư tưởng đại Hán có lịch sử từ nghìn năm qua, đừng ai vội nghĩ dễ xóa nhòa, hoặc dùng ý chí chủ quan bắt mỗi người  dân Việt Nam phải quên đi, để chỉ nghĩ tới “16 chữ vàng” hôm nay.
          Lịch sử quan hệ Việt – Trung cho chúng ta những bài học thật sâu sắc:

          - Không có sự giúp đỡ nào trong sáng, vô  tư cả!

          – Không thể có bốn phương vô sản đều là anh em!

          Bây giờ thì tôi thấy chính trị gia người Anh Lord Palmaroton là đúng, khi ông nói: “Chúng ta không có thù vĩnh viễn cũng như bạn muôn đời. Chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn và muôn đời mà thôi”.
          Tôi nghĩ cũng có không ít nhà lãnh đạo Việt Nam tâm huyết với vận mệnh đất nước, nhưng không có điều kiện đọc hết Mác – Anghen – Lênin.Vì vậy tốt nhất là mời những nhà trí thức thông hiểu nhiều ngoại ngữ đọc lại Mác – Lênin từ bản tiếng Đức và tiếng Nga. Mác là một nhà duy vật biện chứng. Chúng ta nên tìm hiểu cho kỹ bước đường phát triển tư tưởng của Mác từ khi Mác gia nhập Liên minh những người Cộng sản ở Bruxen – 1847 – viết “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” – 1848, cho đến khi qua đời năm 1883, nhà triết học này đã bao nhiêu lần phải đính chính mình, bao nhiêu lần phải điều chỉnh học thuyết của mình và bày tỏ những thái độ, những ứng xử khác nhau, thậm chí đối lập nhau … Từ chủ nghĩa xã hội bạo lực, Mác – Anghen chuyển qua chủ nghĩa xã hội dân chủ xuất phát từ nguyên nhân nào? Và bao giờ? Xã hội giữa hai thời kỳ ấy có những gì đặc biệt tác động đến tư tưởng hai ông? Vì sao ngày 17 tháng 11 năm 1852 Mác – Anghen giải tán “Đồng minh những người Cộng sản”, ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa dân chủ – ôn hòa – của Lassall – một học trò của mình. Phải tìm câu trả lời về chuyển biến lớn lao này của Mác – Anghen trên con đường chính trị của mình từ thực tiễn xã hội châu Âu. Có phải giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức kết thúc từ năm 1852 sau cái án của Koren – một người Cộng sản Đức? Từ năm 1852 đến năm Lassall giương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ – ôn hòa, năm 1862, là mười năm. Và có phải chính Mác – Anghen đã thành lập Đảng dân chủ xã hội Đức – chính Đảng xã hội chủ nghĩa vào tháng tám năm 1869? Đây có phải là giai đoạn thứ hai của phong trào công nhân Đức – Giai đoạn xã hội chủ nghĩa  dân chủ – ôn hòa?
          Tôi nghĩ quá trình chuyển biến tư tưởng Mác và Anghen đều có trong toàn tập của hai ông. Và Lênin cũng vậy. Ông là một nhà Macxít biện chứng. Từ thực tiễn ông uốn nắn ngay lý luận của mình. ông nói: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản” (Lênin toàn tập. NXB Tiến Bộ tập 45 trang 428). Cũng như chính sách kinh tế mới – NEP – có trong toàn tập Lênin. Nhưng không hiểu vì sao không ai dám nói. Ngay một nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng cũng phải chờ đến năm 2000 mới dám viết trên báo nhân dân. Vì sao? Một cách vận dụng Mác – Lênin như vậy đã nuôi dưỡng chủ nghĩa giáo điều cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam. Và hôm nay, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ mang tính toàn cầu, người Việt Nam vẫn phải giữ nguyên cái “Chủ nghĩa xã hội bạo lực” mà Mác và Anghen đã phủ định từ năm 1868.
          Đừng bao giờ nghĩ rằng nhân dân Việt Nam, trí thức Việt Nam im lặng trước một thể chế chính trị đã bị chính Mác và Anghen phủ định, bị cả nhân loại loại trừ sau bảy mươi năm thử nghiệm trên đất Nga, trên đất Đức và Đông Âu là đồng thuận với nhà nước. Tôi nghĩ đấy là một sự im lặng đáng sợ chứ không nên coi thường! Ai hiểu được nhân dân mình, người ấy chính là lãnh tụ của họ. Ai coi thường nhân dân, ai coi quyền lực là sức mạnh vô song, kẻ ấy sẽ không có gì ngoài những nguyền rủa của hôm nay và mai sau. Một Nero  bạo chúa, một Tần Thủy Hoàng, một Stalin, một Mao Trạch Đông, một Ponpot …vẫn còn đó bản chất tàn bạo của nó. Lịch sử là vậy, không quên công ơn và nhớ rất rõ tội ác.
         …Tổng thống Medvedev không thể im lặng được trước một số người còn sùng bái Stalin vì sự hiểu biết hạn hẹp do bưng bít thông tin, buộc lòng ông phải cho giải mã những điều được coi là tối mật của chủ nghĩa cộng sản. Ông nói: “Nếu hôm nay nhắm mắt trước tội ác này (Stalin ra lệnh giết hai mươi hai ngàn sĩ quan [binh sĩ  ?] Ba Lan năm 1940) thì trong tương lai những tội ác như vậy có thể lặp lại, muốn hay không, ở dạng này hay dạng khác, ở các nước khác nhau. Vì vậy mặc dù điều này diễn ra tuy gay gắt, những tội ác như vậy là không bao giờ hết thời hiệu. Những kẻ gây ra chúng sẽ phải chịu trách nhiệm bất kể đã mất cách đây bao nhiêu năm”.  
      Đúng, những kẽ gây ra tội ác với nhân dân  phải chiụ trách nhiệm bất kể đã mất cách đây bao nhiêu lâu !
     Đúng, người có văn hoá bao giờ cũng là người biết sợ sự thật lịch sử. Bởi đơn giản sự thật lịch sử hiện diện cùng thời gian hôm nay và cả mai sau: VINH QUANG và TỘI ÁC !
HLG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét