Làng quê Việt Nam hàn gắn vết thương do nạn buôn người
gây ra (*)
Julie Cohn16-08-2011
Hợp Tiến, Việt Nam – Những người khách hiếm hoi ghé chân đến thôn Hợp Tiến thường nhìn thấy hình ảnh đầu tiên của ngôi làng ngái ngủ này trong một làn sương mờ ảo, khi họ đi qua một khúc cua nằm rất cao trên những ngọn núi.
Cái họ không thấy được khi nhìn vào những vùng đất xinh đẹp còn hoang sơ của miền Bắc Việt Nam, là cảnh sống đày ải của nhiều phụ nữ ở khu vực này, và quyết tâm mạnh bạo của một phụ nữ, người đã bắt tay vào cuộc đấu tranh chống lại tình cảnh đó.
Hơn một thập kỷ trước, những kẻ buôn người bất ngờ chọn mảnh đất bị quên lãng, đầy núi đá vôi và thung lũng xanh tươi này làm địa bàn: Chúng bắt cóc phụ nữ, trẻ em, và bán họ qua biên giới sang Trung Quốc, cách nơi đây không đầy bốn dặm đường.
Con thú buôn người đầu tiên xuất hiện ở Hợp Tiến vào năm 2003. Làm ra vẻ rất tự nhiên, hắn nói hắn sẽ mua giày dép mới cho một số cô gái trẻ ở đây. Sau đó các cô đều biến mất. Chẳng bao lâu sau đến lượt những cô khác cũng biến mất; họ đều ở độ tuổi từ 16 tới 22, bị bán sang xứ người làm vợ, làm lao động cưỡng bức hoặc nô lệ tình dục.
Họ là nạn nhân của một vấn nạn đang lan rộng ở Việt Nam: nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em, kể cả trẻ nhỏ 5-6 tuổi – theo ông Matthew Friedman, giám đốc khu vực, Dự án liên cơ quan LHQ về chống buôn người.
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền, từ năm 2001 đến năm 2005, công an Trung Quốc cho biết họ đã cứu thoát hơn 1800 nạn nhân bị bán từ bên kia biên giới sang. Từ đó tới nay, đặc biệt trong ba năm qua, Việt Nam “đã mở một chiến dịch chống buôn người, chiến dịch có ý nghĩa to lớn và thành công” – ông Friedman nói. Nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, và buôn người vẫn là một vấn nạn.
Một việc không hề nhỏ, là nỗi tủi nhục gắn chặt vào mỗi nạn nhân một khi họ được giải thoát. Sau khi người làng thông báo về các vụ bắt cóc, chính quyền Việt Nam đã hợp tác với giới chức Trung Quốc để tìm kiếm các phụ nữ và rất đáng chú ý là đều đưa họ về nhà.
Nhưng niềm vui của người dân chuyển ngay sang lo sợ khi họ phát hiện ra rằng hai trong số các phụ nữ trẻ đã mang bầu. Thông tin lập tức lan truyền đi rất nhanh rằng có lẽ những cô gái khác cũng đã bị buộc phải làm nô lệ tình dục, và thậm chí cả những cô không có dấu hiệu gì của công việc này cũng bị vạ lây.
Sợ rằng một phụ nữ vấp váp có thể làm ô nhục cả gia đình, một số hộ dân đã nhanh chóng từ mặt cô con gái bị bắt cóc của mình. Nhiều cô tự đi dựng lều ở tạm, những căn lều màu xanh ẩn khuất trên sườn núi, cách rất xa ngôi làng.
Họ bị cách ly, không cái ăn, không tiền của, không hy vọng.
Khi ấy Vàng Thị Mai, một người phụ nữ thấp bé với đôi tay chai nát vì lao động nhiều, khuôn mặt tròn phúc hậu, đã đưa họ về, và đổi đời họ, giúp cả làng thịnh vượng.
Ngay cả đến bây giờ dân làng vẫn rất miễn cưỡng nếu phải nói về các vụ bắt cóc và phải làm theo đề nghị của bà Mai. Theo lời kể của bà, ít nhất bảy phụ nữ trẻ đã bị bắt, và sau khi trở về, họ bị xa lánh; bà đã mời họ tới nhà và cuối cùng đưa họ vào làm ở một hợp tác xã (HTX) dệt nhỏ do vợ chồng bà thành lập. Bà dạy họ xe gai làm tơ, quay tơ làm chỉ, đan chỉ thành sợi và nhuộm sợi làm quần áo và những đồ khác.
“Khi tôi bắt đầu làm việc cùng các nạn nhân, cả làng tẩy chay và phê phán tôi vì đã dây vào những phụ nữ đó” – bà Mai, 49 tuổi, kể lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn. “Họ nói những người phụ nữ ấy không trong sạch và tôi không nên kết bạn với đàn bà không trong trắng như thế. Tôi bảo họ rằng chuyện gì xảy ra không phải lỗi của các cô ấy, các cô chỉ là nạn nhân của những tội lỗi do kẻ khác gây nên”.
Bà Mai từng là y tá và làm chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Bà khuyên những cô gái trở về quê hương hãy quên đi sự khinh rẻ của dân làng: “Tôi bảo các cô ấy rằng khi họ có khả năng kiếm tiền, sống tự lập và chăm sóc người khác bằng đồng tiền mình kiếm được, thì cả làng sẽ phải thay đổi suy nghĩ”.
Quả vậy. Lần lượt những người phụ nữ khác trong làng bắt đầu để ý tới việc HTX làm ra lợi nhuận, và họ tỏ ra háo hức tham gia hơn. Giờ đây HTX có tới 110 phụ nữ khỏe mạnh, và làm việc ở đó có thể giúp tăng thu nhập của một hộ gia đình lên gấp bốn. Thậm chí một số người đàn ông còn bắt tay vào giúp đỡ họ trong các việc như mang vác nặng, và những việc phải dùng sức mạnh khác. Bà Mai cho biết, dần dần trong mấy năm qua, bà còn thuyết phục được cả những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tham gia HTX.
Một chuyến thăm HTX gần đây. Hai bà mẹ tán chuyện với nhau về tiếng lộc cộc đều đều của gỗ trong phân xưởng. Bên ngoài, trong làn sương mờ buổi sớm, một phụ nữ trẻ đang chậm rãi và kiên nhẫn thêu họa tiết vào một tấm sợi mới.
Bà Mai giải thích, khi nào một món đồ thủ công mỹ nghệ được bán đi, tiền thu được sẽ được phân chia đều cho các phụ nữ đã tham gia sản xuất. Với mỗi sản phẩm, bà giữ lại 3000 đồng, không đầy 15 xu Mỹ, làm “quỹ ngày mưa” cho các phụ nữ.
Hiện nay, HTX bán hàng hóa cho một số lượng du khách đến thăm ngày một tăng lên. Trong số khách hàng có cả Đại sứ quán Pháp, một công ty du lịch, một chủ kinh doanh khách sạn và một công ty xuất khẩu ở Hà Nội – đơn vị bán hàng tới vài nước trên thế giới.
Ngôi làng nằm trong xã Lũng Tâm bây giờ vẫn còn nghèo, nhưng đã kiếm được nhiều tiền hơn trước, và khá hơn nhiều nơi khác ở Hà Giang trên rất nhiều khía cạnh. Hà Giang là tỉnh miền núi phía cực bắc và là một trong những khu vực nghèo nhất Việt Nam. Hơn 90% dân số Hà Giang là người dân tộc thiểu số, phần lớn phải chật vật kiếm sống với thu nhập trung bình không đầy 250 USD một năm – bằng nghề trồng trọt trên những vách núi dốc ngược của dải Hoàng Liên và Can Ty (?).
HTX của bà Mai đã bảo tồn được truyền thống của cộng đồng Hmong thiểu số, trong khi đó vẫn cải thiện được nền kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cho phụ nữ. Một công ba việc, giúp bà có được sự hỗ trợ ổn định từ các nhân vật chính trị và tổ chức phi chính phủ. Bà Mai từng được Chủ tịch Trần Đức Lương đến thăm, bà còn bay sang Pháp để trình bày về hoạt động của mình tại một hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế. Tổ chức Batik International, nằm ở Paris, bắt đầu tham gia HTX vào năm 2007, sau đó tới lượt Oxfam và Caritas.
Stephanie Benamozig, giám đốc dự án của Batik, viết trong một email: “Thật bất ngờ khi bạn gặp bà ấy và hiểu được những gì bà đã làm. Tôi gần như cứ tưởng bà là một phụ nữ nghiêm nghị trong bộ đồ doanh nhân, nhưng bà dịu dàng, tươi cười, giống như một bà mẹ quê”.
Bà Mai được đi học tới năm 17 tuổi, do mong muốn cá nhân cộng với sự giúp đỡ của bố mẹ. Bà Là một trong số rất ít người trong làng có thể nói và đọc được tiếng Kinh bên cạnh thổ ngữ của dân tộc thiểu số của mình. Học cao như thế là rất hiếm so với cộng đồng người Hmong ở tỉnh: hơn 90% trong số họ mù chữ.
Con gái của bà bây giờ là giáo viên, và bà cũng khuyến khích phụ nữ tham gia HTX để cho con đi học. Nghèo đói, những tập tục phụ hệ nghiêm khắc và sự thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài đã khiến cho rất nhiều nạn nhân khác còn sống sót của bọn buôn người phải sinh sống ở một nơi rất ít sự lựa chọn.
Thành công của HTX phụ thuộc rất nhiều vào những kỹ năng phi thường của bà Mai, mà dường như khó có người thứ hai như vậy. “Bà Mai rất mạnh mẽ” – bà Benamozig nói. “Ở Lùng Tám, bà Mai làm đủ việc. Bà quán xuyến được tất cả mọi thứ. Không dễ có được một phẩm cách như thế”.
Nhiều phụ nữ từng được bà Mai cứu khi xưa, giờ đã có gia đình. “Họ vẫn còn may mắn tìm được người đàn ông hiểu rằng sự không trong trắng không phải lỗi của họ, và yêu họ chỉ vì chính con người họ mà thoi” – bà Mai nói. Thái độ của dân làng đã thay đổi dần dần.
“Vẫn còn một nhóm người già không hiểu và không ủng hộ tôi” – bà Mai nói. “Nhưng số còn lại – những người trẻ – đã có thể hiểu tại sao tôi làm những việc tôi làm, và ủng hộ tôi. Họ không còn xa lánh các phụ nữ nạn nhân nữa”.
(*) Nguyên văn là “stitch the wounds”, nghĩa là khâu miệng vết thương. Ở đây tác giả có ý chơi chữ vì các nhân vật trong bài cũng làm nghề khâu, may, dệt…
Người dịch: Đỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét