Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Thú đi 'săn' sách cũ tại Hà Nội - http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fjjj.athbv-ivrg.pbz/nofbyhgraz2/grzcyngrf/=3fn=3d133535&m=3d1&grzcyngr=3divrjznvaAIB.ugz

Thú đi 'săn' sách cũ tại Hà Nội
Bookmark and Share

Văn chương miền Nam hiếm thấy ở miền Bắc

Hà Văn Du/Người Việt (ký)

HÀ NỘI - Hầu hết các cửa hàng sách cũ của Hà Nội đều nhỏ. Ở Hà Nội ngày trước có nhà sách ở phố Bát Ðàn nổi tiếng. Sau này con cái nhà ấy lớn, không làm nghề ấy nữa. Hiệu sách ấy đủ loại truyện chưởng Kim Dung. Các loại sách của miền Nam in trước năm 1975 của dịch giả Hàn Giang Nhạn khổ to, văn phong trau chuốt, lời văn tả cảnh thì miễn chê. Ví dụ như cảnh tuyết giăng trên núi, mưa rơi trên Ðộng Ðình Hồ. Rồi cảnh đánh nhau cũng ghê nữa. Truyện chưởng sau này in hồi năm 87 hay 88 không có lời văn đẹp như vậy. Nhà đó có sách của bà Tùng Long viết về những chuyện tình lâm ly, lãng mạn hay chuyện ma như “Bóng Ma Nhà Mệ Hoát” hoặc loại chuyện về chàng điệp viên đẹp trai có cái tên Văn Bình, bí danh Z28 ly kỳ không khác 007 người Ăng Lê. Văn chương miền Nam tương đối hiếm ở miền Bắc. Những người có thú tìm tòi sách cũ hiếm thường xuyên đến đó.
Một cửa hàng sách cũ ở Sài Gòn. (Hình minh họa của SGGP)
Những người buôn sách cũ có tiếng, đều là những tay ham đọc, hiểu biết và thích sưu tầm. Dư Bà Triệu là một ví dụ. Trán cao, da trắng đạo mạo, mệnh danh là “máy chém.” Khách, muốn quyển gì, cứ việc hỏi hắn. Chỉ vài phút là hắn đưa ra, nhưng giá thì ôi thôi. Nghiến răng mà mua vậy. Có lần hỏi về Dương Thu Hương. Hắn đưa quyển “Thiên Ðường Mù.” Tôi giở vài trang thấy cái hình vẽ của mình lúc tuổi thơ. Ðành lòng mà mua với giá 50 nghìn. Trong khi ở nơi khác có 25 nghìn. Còn hiệu sách cũ ở thị trấn Ðông Anh có 5 nghìn mà thôi.
“Chuyện kể năm 2000” tôi mua được lúc đang làm nội thất cho cửa hàng điện lạnh trên đường Giải Phóng. Lúc đứng xem mấy người thợ thi công, tôi thấy bên cạnh có một hàng sách cũ. Lân la vào chọn xem, thấy quyển Hồi Ký của Ðào Xuân Quý giật bắn mình. Tìm bao lâu không thấy, tình cờ lại nằm mốc bụi ở đây. Tôi phải giấu tiếng reo mừng vờ lục lọi mấy quyển nữa. Chất đống lên cho cô bán hàng rất trẻ có đôi mắt đa tình tính tiền. Quyển Hồi Ký của Ðào Xuân Quý có 15 nghìn. Chuyện trò à ơi một lúc, hỏi:
Có “Chuyện Kể Năm 2000” không?
Cô nàng bảo:
“Bố em có.”
“Ðưa anh đến gặp bố em.”
“Không, anh gặp em là được rồi.”
“Thế gặp em thì bao nhiêu?”
“Bốn trăm là giá của bố em, anh trả cho em công bao nhiêu nữa?”
“Anh trả em 100.”
Nói rồi rút 100 ra đặt cọc. Mấy hôm sau em ấy gọi điện thoại lại. Tập 1 thì hơi cũ nhưng sách in nguyên bản cũng mừng. Về sau xuống nhà tác giả “Chuyện kể năm 2000” dưới Hải Phòng. Ðưa cho ông ấy xem, ông già hơn 70 tuổi ấy cầm sách của mình mà rớm nước mắt vì cảm động. Ông tâm sự: “Tôi không biết còn sống đến ngày nó (TKN2000) được tái bản không. Giờ muốn tìm vài bộ để tặng bạn bè mà không có.”
Cửa hàng sách cũ ở Hà Nội, gần ngã tư Kim Ðồng-Hai Bà Trưng. (Hình: ANTÐ)
Ông bà Ðiền ở Thụy Khê, cái hiệu sách cũ nhỏ chừng vài mét vuông. Khi hỏi thấy có bộ “Thời đại Hùng Vương” giá 160 nghìn. Tôi biết đây là nhà buôn sách cũ lâu năm. Ðúng là ông Ðiền bán sách cũ từ 1975. Cả hai ông bà đều ham đọc và rất biết nhiều chuyện. Họ có dáng dấp của những nhà giáo từ cách đi đứng đến ăn nói giao tiếp. Mua nhiều thành quen, mỗi lần mua là một lần tâm sự về sách và những liên quan. Lâu dần như là bạn tâm giao, giá cả tương đối rẻ so với nhiều nơi. Ông để cho tôi cuốn “Chiều Chiều” của Tô Hoài với giá tròn 100 nghìn sau một thời gian dài tôi tiêu mất vài triệu ở hàng ông. Lúc thưa khách ngồi uống nước ở quán vợ chồng ông, nghe ông bàn thao thao như nước chảy về các tác giả ngoại quốc không khác gì các nhà phê bình, đặc biệt là những thâm cung bí sử của các nhà văn hay các tác phẩm có số phận éo le ở Việt Nam, từ Trần Dần, Phùng Quán đến Tố Hữu, Chế Lan Viên...
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh mua ở ven đường Hoàng Quốc Việt. Hai vợ chồng khoảng 40 tuổi bày sách trên tấm ny lon trải vỉa hè. Vợ bán sách, còn anh chồng râu ria bờm xơm, mắt đảo như rang lạc đầy lòng trắng, dựng cái xe đạp bên cạnh hàng vợ bày cờ thế câu bọn sinh viên. Chị vợ mảnh mai, hiền dịu, xinh xắn. Nét đẹp nhẹ nhàng, quý phái, thanh lịch. Chị nói với khách nhỏ nhẹ, hay cười. Không như anh chồng khó tính, ngồi bên này bày cờ thế mà ngỏng sang bên kia phát giá, giọng rất khó chịu. Về sau anh ta mới nói: “Lúc ấy tôi nhìn cậu, không nghĩ cậu là người đọc sách.” Lần đầu mua sách, tôi mặc cả dữ lắm, cò kè cực nhiều làm anh ta bực: “Mua thì mua, không mua đừng hỏi nữa.” Chị vợ vẫn cười nhẹ. Tôi bỏ hàng sách không chọn gì, sang hàng anh ta rủ đánh cờ ăn tiền. Tôi thắng được 15 nghìn. Anh ta nhìn tôi có vẻ nể nang hơn, hỏi tôi học ở lò cờ nào ra. Tôi bảo chẳng học đâu, dân chơi nghiệp dư. Rồi tôi mua “Nỗi Buồn Chiến Tranh” 25 nghìn. Rẻ hơn giá ban đầu 25 nghìn. Anh ta tên là Phương, khi đã nhiều lần mua sách, chúng tôi đều bất ngờ về nhau.
Tôi không nghĩ anh ta và vợ lại là người đọc rộng, hiểu nhiều đến như vậy. Thời trẻ họ yêu nhau vì mê sách, giờ họ lang thang bán sách cũ như những người buôn đồng nát. Anh ta ăn mặc xoàng xĩnh, râu ria, tóc tai như gã bụi đời. Những tác phẩm kinh điển của thế giới anh đều thuộc lòng đến mức trích hẳn một đoạn ra để bình.
Ngạc nhiên hơn là chị vợ cũng đưa ra những nhận xét tinh tế cho các tác phẩm mà chúng tôi đang bàn. Chị đưa cho tôi tập “Bóng Nước Hồ Gươm,” ghi là của Hoàng Minh Giám, nhưng bảo đó là bút danh của Chu Thiên. Tôi về nhà xem kỹ, văn phong đúng của Chu Thiên thật, nhưng vẫn băn khoăn không biết chị nói chính xác không. Thực ra của Chu Thiên hay của ai cũng không thành vấn đề, mà tôi chỉ thấy lạ là sao chị ấy biết được như vậy.
Một người quen mang đến cho 2 cuốn hồi ký của Trotxky xuất bản tại Pháp. Ðọc xong thấy đúng là không biết tin ai. Ngày xưa bọn “Nga phệ” cứ chửi ông ý là phản bội, Trùm khủng bố Stalin còn cho người sang tận nước ngoài nơi ông tị nạn chính trị dùng búa đập vỡ sọ vì tội nói xấu Chủ Nghĩa Cộng Sản ở Nga. Ðọc hồi ký của ông thấy con người ông khác hẳn những gì “Nga Phệ” tuyên truyền.
Sách cũ có cái hấp dẫn trên hết cả vì có nhiều cuốn không tái bản. Hoặc có tái bản thì nội dung sơ lược, văn phong cũng khác, lỗi dịch chồng chất như hạt sạn bởi thời gian hối thúc do kinh tế thị trường.
Tuy bây giờ Internet có nhiều “file” có thể in ra giấy A4 đóng xén để đọc. Ðó là điều bất đắc dĩ. Làm sao có thú vui khi mình mất công tìm tòi, có được cuốn sách giấy ố vàng, có chữ ký của ai đó ở trên sách, rồi những dòng chú giải hay tâm trạng của người đọc trước. Cuốn sách như có hồn của thời gian, của lịch sử, của một nền văn hóa những người đi trước để lại. Ðọc rồi cho bạn bè mượn. Lúc trả sách, họ sẽ đãi mình chầu cà phê, họ nâng niu cuốn sách trên bàn tay đưa cho mình, có người bọc cẩn thận trong tờ giấy báo hay trong túi ny lon khi trả. Rồi nhâm nhi ly cà phê cùng bàn bạc, chia sẻ ý kiến về nội dung hay những gì liên quan đến cuốn sách, lật ra trang nọ chỉ đoạn văn hay câu nói nào đó bình luận như tri âm, tri kỷ, rồi khoe nhau tôi mới mua được cuốn này của ông nọ ở nơi kia.
Trong thời đại Internet và các chương trình tivi mọc nhiều như nấm, thú đọc sách ít nhiều cũng mai một, bởi đọc sách cần thời gian và không gian riêng biệt. Nhưng một khi đã thành một thú vui, thú sưu tầm, thành ham muốn thì khó mà bỏ được. Vả lại nghề chơi nào mà chẳng phải bỏ ra công sức, thời gian và tiền bạc. Âu cũng là một nghề chơi tao nhã, bặt thiệp của người ham đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét