Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Thổi hồn vào con số: 7.3 lần sex / tháng


In Email
Thứ tư, 20 Tháng 7 2011 07:59
http://new.dpi.vic.gov.au/__data/assets/image/0006/98475/KingGeorge-Fig7.gifLâu lâu có dịp thổi hồn vào con số. Đọc bài Phụ nữ Singapore muốn quan hệ tình dục 7,3 lần/tháng thấy cũng thú vị, nhưng … vô lí. Đây là một những căn bệnh của giới báo chí, không chỉ báo chí Việt Nam mà còn là báo chí quốc tế. Nhưng chính vì căn bệnh này, nên mới có dịp bàn luận đôi ba dòng để mua vui cũng được một vài trống canh.

Phụ nữ Singapore muốn quan hệ tình dục 7,3 lần/tháng. Đó là kết quả khảo sát của công ti dược Pfizer tại Singapore. Thật ra, phải nói đây là một cuộc thăm dò ý kiến (survey) chứ chưa hẳn là “khảo sát” đúng nghĩa. Nhưng tại sao Pfizer lại bỏ tiền và công sức làm cuộc thăm dò ý kiến này? Xin nhắc lại rằng Pfizer là một “đại gia” dược trên thế giới, và chính là nhà sản xuất thuốc nổi tiếng Viagra. Phải hiểu như thế để biết bối cảnh đằng sau câu chuyện. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là đánh giá thấp giá trị kết quả của cuộc thăm dò ý kiến do Pfizer thực hiện.

Bài báo trên bee.net không có nhiều thông tin. Nhưng trang web của công ti có nhắc đến khảo sát này, với vài chi tiết kĩ thuật trong cuộc survey. Họ thăm dò ý kiến của 3282 người (1658 nam và 1624 nữ) từ 10 quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Không có Việt Nam trong cuộc survey. Trong số đó họ chọn 301 người Singapore (150 nam và 151 nữ) tuổi từ 31 đến 74 để tìm hiểu. Những người được chọn (bằng email) điền vào một bộ câu hỏi trực tuyến. Kết quả có thể tóm lược như sau:
  • Nam tin rằng tần số lí tưởng về sex là 8.7 lần mỗi tháng. Nhưng trong thực tế, họ có sex 5.2 lần trong tháng qua.
  • Đối với nữ, họ cho rằng tần số lí tưởng là 7.3 lần mỗi tháng, và họ cho biết trong tháng qua họ có sex 5.5 lần.
Vấn đề đặt ra ở đây là những con số 8.7, 7.3, 5.5, hay 5.2 có ý nghĩa gì? Cố nhiên, chúng ta biết rằng đó là những con số trung bình. Nhưng trong thống kê có vài chỉ số trung bình như arithmetic mean (trung bình cộng), geometric mean (trung bình nhân), harmonic mean (trung bình hòa hợp), median (trung vị), v.v. Vậy trong những chỉ số trung bình vừa kể, con số nào hợp lí? Có thể đoán rằng phân bố số lần sex không tuân theo luật phân phối chuẩn, có thể lệch về xu hướng tần số thấp hơn là cao. Do đó, tình trung bình cộng là không thích hợp. Trong trường hợp đó, số trung vị là thích hợp nhất.
Để thấy sự vô lí của con số trung bình 7.3, chúng ta thử tưởng tượng có 10 đối tượng nữ trả lời tần số lí tưởng về sex như sau:
0, 2, 2, 3, 4, 6, 10, 11, 12, 10, 20
Với số liệu trên, chúng ta có mean = 7.3, nhưng median = 6. Ở đây, con số 7.3 không có ý nghĩa thực tế, bởi vì số lần phải là số nguyên, chứ không thể là số lẻ. Chúng ta nói 1 lần, 2 lần, v.v. chứ không ai nói 7.3 lần. Không ai có thể hiểu nổi 7.3 lần có nghĩa là gì. Tuy nhiên, con số trung vị = 6 thì chúng ta có thể hiểu được. Đó là con số trung tâm giữa, đúng với nghĩa ”trung bình”. Ngoài ra, trung vị trong trường hợp này là số nguyên, và phù hợp với thực tế.
Bài học đối với giới báo chí là khi đưa tin, không nên làm cho vấn đề thêm rắc rối. Nhớ một con số đã khó, nhớ số lẻ càng khó hơn. Nếu cần thiết thì cũng nên đơn giản hóa con số. Chẳng hạn như thay vì viết 7.3 lần / tháng, thì có thể làm chẵn 7 lần / tháng để người đọc dễ hiểu hơn. Viết hay nói 7.3 lần / tháng là một cách ngụy biện, bởi vì nó cho ấn tượng chính xác trong đo lường, trong khi trong thực tế, tần số là số nguyên chứ không phải là biến liên tục như thể hiện qua số lẻ hay thập phân.
Kết quả trên cũng thú vị, nhưng đặt ra vài câu hỏi về cách diễn giải. Nếu nhìn vào kết quả trên, chúng ta thấy nữ muốn sex ít hơn nam, nhưng họ có nhiều sex hơn nam (5.5 so với 5.2)! Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên, bởi vì nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng khi hỏi về sex, nam giới có xu hướng thổi phồng con số hơn nữ. Nhưng ở đây, kết quả cho thấy ngược lại!
Câu chuyện tần số sex không phải là chuyện đùa nhé. Đó là cả một đề tài nghiên cứu của giới tâm lí và tâm thần. Họ bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu và có hẳn một vài tập san. Chẳng hạn như bài này cho thấy vài kết quả thú vị và câu chuyện có phần phức tạp hơn. Tần số sex có phần suy giảm theo độ tuổi (và điều này chẳng ai ngạc nhiên). Tôi thử trích ra vài số liệu trong độ tuổi 44-72 để so sánh như sau:

Người Singapore
Người Mĩ
Tần số sex mỗi tháng


Nam
5.2
3.9
Nữ
5.5
2.7

Nhìn vào bảng này thì thấy hóa ra người Singapore có vẻ “active” hơn người Mĩ trong chuyện sex. Rất có thể do quần thể người Singapore trẻ hơn, nhưng trẻ hơn có 10 tuổi vẫn không giải thích một sự khác biệt lớn như thế.
Nhưng bài này không có ý so sánh tần số sex giữa người Singapore và Mĩ, mà chỉ muốn bàn về cách giới báo chí trình bày / báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ giới báo chí cần phải thổi hồn vào con số để người đọc dễ hiểu hơn. Ở đây, thổi hồn vào con số có nghĩa là (a) làm cho con số (hay kết quả khảo sát) dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn, và (b) cách trình bày số liệu trung thực và dễ hiểu hơn. Ở một mức độ cao hơn (không đòi hỏi từ giới báo chí) là cần phải đặt câu hỏi chung quanh kết luận của những người làm khoa học, và nhất là phân biệt xem đó là ý kiến cá nhân hay là kết luận dựa vào dữ liệu thực tế. Làm được như thế thì báo chí sẽ giúp rất nhiều người, kể cả người viết những dòng chữ này.
source: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1308-thoi-hon-vao-con-so-73-lan-sex-thang-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét