Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Quản lý biển đang bị cắt khúc

(VEF.VN) - Biển là đối tượng đòi hỏi việc chinh phục, quản lý, khai thác và phát triển phải có tầm cao hơn hẳn, một cấp độ văn hóa khác hẳn thái độ cục bộ, cách suy nghĩ ngắn hạn và nông cạn trước đây.
Việt Nam là đất nước có hơn 1 triệu km² vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, diện tích rộng gấp 3 lần đất liền (327.480 km²), với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ.
Tháng 2/2007, Hội nghị Trung ương 4 Khóa X thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020", bước đột phá về tư duy phát triển đất nước. Mục tiêu chung là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển.
Cụ thể, đến năm 2020, kinh tế biển phải đóng góp 53-55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Thế nhưng, 5 năm đã trôi qua mà việc triển khai thực hiện Chiến lược Biển vẫn chỉ nhúc nhích vài bước, với vài cuộc hội thảo lẻ tẻ, bàn những chuyện chung chung. Vì sao?
Có thể nêu ra nhiều lý do, nhưng một trong những nguyên nhân thực tế là cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thể chế Nhà nước thống nhất để quản lý biển. Có hơn chục bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan đến biển, nhưng trách nhiệm quản lý một đối tượng chiến lược chung là Biển lại bị cắt khúc và phân tán, nên rời rạc, thiếu sức mạnh.
Bộ phận mạnh nhất, có lực lượng đông đảo nhất, hiện diện thường xuyên liên tục nhất trên biển là ngành kinh tế thủy sản. Chỉ riêng ngành này mỗi năm sản xuất hơn 5 triệu tấn thủy sản, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, có hơn 4 triệu ngư dân chuyên nghiệp và hơn chục triệu lao động liên quan, có đội tàu thuyền hàng trăm nghìn chiếc hoạt động quanh năm trên biển.
Muốn thành cường quốc đại dương thì phải có công nghệ cao, hiện đại và tiến bước bằng sức mạnh của trí tuệ và tư duy toàn cầu.
Sau khi Bộ Thủy sản bị nhập vào Bộ NN&PTNT năm 2007, Tổng cục Thủy sản được tái lập, nằm trong một bộ đa ngành quản lý hàng chục lĩnh vực của hơn 7 bộ ngày xưa. Có thể nói, quản lý ngành kinh tế thủy sản đã có bước thụt lùi đáng kể từ khi đó. Đặc biệt, hệ thống quản lý Nhà nước ở cơ sở (đến cấp tỉnh) hầu như đã lùi về chất thậm chí đã tan rã hết.
Tình trạng tổ chức và năng lực các cơ quan quản lý những lĩnh vực chuyên ngành quan trọng khác về kinh tế biển cũng không hơn gì. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nằm ở Bộ Tài nguyên và Môi trường - cũng một bộ đa ngành quản lý 7 lĩnh vực. Cục Hàng hải nằm trong Bộ Giao thông Vận tải; Tổng cục Du lịch nằm ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,...
Thậm chí, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản kể cả dầu khí ở đáy biển không được là cấp Cục! Không một cơ quan nào đủ năng lực chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Nhân dân về sự nghiệp phát triển biển đảo đúng tầm yêu cầu nhiệm vụ mới.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Biển càng trở nên quan trọng và cấp thiết khi Biển Đông đang trở thành tâm điểm cạnh tranh địa chiến lược và "không gian sinh tồn" của nhiều quốc gia. Biển Đông đang sắp nổi sóng bởi thứ lòng tham bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, đặt dân tộc, đất nước Việt Nam vào tình thế phải có hành động kiên quyết, không thể né tránh. Tranh chấp Biển Đông lúc này là một áp lực để ta nhìn nhận Chiến lược Biển một cách nghiêm túc, có cơ sở thực tế và tầm nhìn toàn diện hơn.
Biển là đối tượng đòi hỏi việc chinh phục, quản lý, khai thác và phát triển phải có tầm cao hơn hẳn, một cấp độ văn hóa khác hẳn thái độ cục bộ, cách suy nghĩ ngắn hạn và nông cạn trước đây.
Muốn thành cường quốc đại dương thì phải có công nghệ cao, hiện đại và tiến bước bằng sức mạnh của trí tuệ và tư duy toàn cầu.  Đây là cuộc chơi của tương lai, phải được bắt đầu ngay.
Chúng ta đã xuất phát rất đủng đỉnh trong quá khứ, bây giờ cần đổi mới thật sự, căn bản, nghiêm túc trong công tác quản lý tổng hợp lĩnh vực kinh tế biển.
Mấy chục bộ, ngành tập trung chủ yếu quản lý một phần tư đất nước trên đất liền, sao  không có một cơ quan quản lý đủ mạnh dành cho ba phần tư Tổ quốc? Để thực hiện một Chiến lược Biển kỳ vĩ, quan trọng và lâu dài như thế, cần phải có một thiết chế ở tầm quốc gia đủ mạnh, nhất quán về chủ trương và kỷ cương trong hành động, để quản lý tổng hợp và thống nhất vùng biển và hải đảo, như Nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.
____________________
Tác giả là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Thuỷ sản Việt Nam (VASEP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét