Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Xã hội nào khắt khe, xã hội nào 'dễ dãi'?

Xã hội nào khắt khe, xã hội nào 'dễ dãi'?

30/05/2011 - 14:04 Anna Salleh    
Nguồn Study probes origins of 'tight' cultures
Một xã hội có một bề dày lịch sử đầy những cuộc đương đầu với chiến tranh hay thảm họa thiên nhiên dễ kiểm soát chặt chẽ hành vi của người dân hơn các xã hội khác, các nhà tâm lý học đa văn hóa cho biết.
[title]
Một xã hội quy định nghiêm ngặt về cách ăn mặc của người dân có nguồn gốc từ quá trình lịch sử và hình thành văn hóa, tập tục rất lâu đời. (Nguồn ảnh: airportrait/iStockphoto)
Giáo sư Yoshi Kashima từ Đại học Melbourne và đồng nghiệp mới công bố báo cáo nghiên cứu trên tạp chí ‘Science’ số ra ngày 27/5/2011. Theo ông, có một số quốc gia có thái độ khoan dung hơn đối với những hành vi lệch lạc chuẩn mực xã hội so với những nước khác.
Ông Kashima và đồng nghiệp nghiên cứu về nguyên nhân gây ra sự khác biệt này bởi họ cho rằng đây là những yếu tố tiềm ẩn gây ra xung đột giữa các nền văn hóa.
Theo một giả thuyết của nhà nhân chủng học Peltro vào thập kỷ 1960 của thế kỷ trước, các nền văn hóa kiểm soát chặt chẽ hành vi xã hội phát triển từ việc họ phải tiếp xúc với một số môi trường nhất định.
Những nghiên cứu ban đầu về các nền văn hóa truyền thống cho thấy các xã hội mà nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp có những chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt hơn nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các xã hội này cũng có những quy định nuôi dạy con cái nghiêm khắc hơn so với những cộng đồng sinh sống dựa vào nghề săn thú và đánh bắt cá.
Ông Kashima và nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu liệu việc đào sâu nghiên cứu lịch sử của các quốc gia hiện đại có thể lý giải được sự khác biệt văn hóa hay không, đặc biệt là tại sao một số nước lại kiểm soát hành vi con người nghiêm ngặt hơn các nước khác.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng một nền văn hóa phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai hay những mối đe dọa ở quy mô lớn hơn có thể đặt ra những luật lệ chặt chẽ hơn đối với hành vi con người.
“Các quốc gia phải đối mặt với những thách thức này có những chuẩn mực nghiêm ngặt và ít khoan dung với những hành vi sai trái bởi họ muốn tăng cường trật tự và sự phối hợp trong xã hội nhằm đối phó với các nguy cơ đe dọa đất nước”, các nhà nghiên cứu viết.
“Các nước không phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên hay do con người gây ra ít có nhu cầu đảm bảo trật tự và sự phối hợp trong xã hội hơn. Do vậy, có thể chuẩn mực xã hội ‘lỏng’ và rộng hơn”.

Đánh giá mức độ chặt chẽ của các nền văn hóa

Ông Kashima và nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ nghiêm ngặt trong chuẩn mực xã hội của các nước thông qua cuộc khảo sát 7.000 người từ 33 nước trên các châu lục, trừ Châu Phi.
“Mức độ nghiêm ngặt là các quy định chặt chẽ trong kiểm soát hành vi xã hội”, ông Kashima giải thích.
Các nhà khoa học khảo sát những người tham gia nghiên cứu về cảm nhận của họ đối với mức độ khoan dung của xã hội cũng như phạm vi cho phép liên quan đến những hành vi chưa phù hợp với các chuẩn mực xã hội.
Những người tham gia nghiên cứu cũng được yêu cầu đánh giá mức độ phù hợp của 180 hành vi, bao gồm ăn uống trong thang máy, chửi thề tại nơi làm việc, tán tỉnh trong đám tang, khóc trong phòng khám, hát trong khi dạo bộ trên hè phố, cười lớn trên xe buýt, hôn môi giữa một nhà hàng...
Từ kết quả khảo sát, các nhà nghiên cứu lập ra thang đánh giá mức độ nghiêm ngặt từ 1.6 (được coi là lỏng lẻo) như đối với Ukraine, tới 12.3 (được coi là cực kỳ nghiêm ngặt) như ở Pakistan.
Chuẩn mực xã hội của Úc được đánh giá là ít nghiêm ngặt với mức 4.4 trên thang đánh giá, thấp hơn so với Mỹ ở mức 5.1. Nước Anh có chỉ số 6.9, thấp hơn một chút so với Pháp.

Dữ liệu lịch sử

Ông Kashima và đồng nghiệp cũng tập hợp các nghiên cứu về số liệu thống kê lịch sử của mỗi nước. Trong một số trường hợp, nhóm nghiên cứu lấy dữ liệu từ năm 1500 sau Công Nguyên.
“Chúng tôi cố gắng tìm hiểu mối quan hệ giữa mức độ chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt với các thông tin thống kê”, ông Kashima cho biết.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những nước từng có mật độ dân số cao nhưng nguồn thực phẩm và nước sinh hoạt khan hiếm, nguy cơ đối phó với các thảm họa thiên nhiên hay chiến tranh và dịch bệnh cao, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn các nước khác.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các xã hội này có xu hướng phát triển quy định về tầng lớp quý tộc, truyền thông kém mở hơn, nhiều quy định luật pháp hơn, nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn (như án tử hình), ít tội phạm hơn, nhiều quyền tôn giáo nhưng ít quyền chính trị hơn.
Những giới hạn hành vi không chỉ thể hiện trong các mối quan hệ hàng ngày ở các nơi công cộng như trên xe buýt, tại ngân hàng, nhà hàng hay trong các buổi tiệc tùng mà còn thể hiện rất rõ trong đặc điểm tính cách của mỗi cá nhân.
Ví dụ, mỗi người trong các xã hội có quy định chặt chẽ cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn và có xu hướng kiểm soát nhưng ít khoan dung với người bên ngoài hơn.
Số liệu về độ chính xác của đồng hồ tại các thành phố lớn cho thấy người dân ở những xã hội này rất chú ý tới giờ giấc và coi trọng việc đúng giờ.

Sự cảm thông giữa các nền văn hóa

Các nhà nghiên cứu cảnh báo mọi người không nên đánh giá các hệ thống xã hội khác kém hiệu quả, thiếu công bằng hay phi đạo đức.
“Những người đánh giá thiếu cơ sở như vậy có thể không nhận ra rằng chuẩn mực xã hội chặt chẽ hay lỏng lẻo ít nhất có tác dụng trong bối cảnh môi trường và lịch sử của mỗi quốc gia”, các nhà nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả khảo sát giúp các quốc gia đưa ra quyết định nên duy trì hay thay đổi các quy định trong những mô hình xã hội có quy định chặt chẽ hoặc lỏng lẻo.
Trên phương diện cá nhân, ông Kashima cho rằng những phát hiện này giúp lý giải nguyên nhân tại sao con người từ những nền văn hóa khác nhau có hành vi và cách cư xử không giống nhau. Ông Kashima nhận định: “Nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ tại sao một số người thẳng thắn hơn. Đồng thời, chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân một câu chuyện đùa đơn giản trong nền văn hóa này lại khiến những người đến từ một nền văn hóa khác cảm thấy mếch lòng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét