Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Đọc hồi ký Trần Văn Giàu, suy nghĩ về ba ông họ Trần

Đọc hồi ký Trần Văn Giàu, suy nghĩ về ba ông họ Trần

“Câu chuyện mười năm đã kết thúc” khép lại hồi ký Trần Văn Giàu, bằng một cuộc gặp gỡ đầu năm 1988 với Lê Đức Thọ – bấy giờ là cố vấn Ban chấp hành TW ĐCS VN. Trần Văn Giàu: “từ 1954 đến 1976, anh Thọ chưa hề đến nhà riêng tôi, chưa hề gọi tôi lên văn phòng hay nhà riêng của anh. Còn tôi thì tôi quen cái tánh “mọi rợ” là chưa bao giờ tự mình đến thăm bất cứ ai có chức, có quyền lớn hơn tôi – trừ trường hợp duy nhất là cụ Tôn Đức Thắng mà tôi thỉnh thoảng lên thăm, trước hết là vì anh Hai Thắng cứ vài ba tháng thì xuống thăm hai vợ chồng tôi một lần”.
Song, chỉ với một cuộc gặp gỡ duy nhất sau hơn hai mươi năm ấy, sử dụng phương pháp không ai ngờ tới – dùng lối nói ở trong tù, xưng hô “tao, mày” với Lê Đức Thọ, Trần Văn Giàu đã buộc Lê Đức Thọ phải hứa ra nghị quyết minh oan cho mình.
Ta hãy đọc lại cuộc nói chuyện với Lê Đức Thọ, vì nó quá đặc sắc:
“Tao là Giàu, mày, ở khám 8, banh 1, là Khải, Phan Đình Khải; hôm nay chúng ta nói chuyện thân mật như cách đây mấy mươi năm, khi còn ở ngoài Côn Lôn…Chúng ta là những người quá 70 tuổi, xấp xỉ 80 rồi, sắp đi theo cụ Hồ rồi. Mấy mươi năm nay, tao chịu những cái hàm oan mà mày, Khải, mày biết hết, biết rõ trắng đen. Chúng ta đều muốn đi theo cụ Hồ một cách thanh thản. Vậy lần này, Thọ về Hà Nội hãy có quyết định rõ, bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về tất cả những điều người ta vu cáo cho Giàu, được không? Thọ hứa, hứa trước mặt chị Năm Bi, anh Tào Tỵ, chú Ba Tô Ký”.
Năm xưa, bản lĩnh, trí tuệ của ông đã thể hiện rất cao trong các cuộc tranh luận với Hoàng Quốc Việt, tuy nó dẫn ông tới hậu quả nhãn tiền. Nay, cuộc gặp với Lê Đức Thọ, chúng ta gặp lại bản lĩnh ấy, trí tuệ ấy – bản lĩnh, trí tuệ của con người làm nên lịch sử, nhân chứng lịch sử và là nhà sử học lớn.
Đến đây, tôi chợt suy nghĩ về ba ông họ “Trần”: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Trương Gia Triều) và Trần Văn Trà (Nguyễn Chấn). Sự nổi tiếng của ba ông họ “Trần” không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới VN. Người ta nhanh chóng nhận thấy, sau cuộc chiến mà họ hiến dâng gần trọn đời, hình như họ lặng lẽ rút lui về viết sách, viết báo, nghiên cứu lịch sử, tránh xa vòng danh lợi?
Đây là mấy câu thơ của Trần Văn Trà, từng là Tư lệnh B2:
Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang sơn
Trăng xưa, hạc cũ, dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng
Thanh thản, như Thánh Gióng về trời – tất nhiên, không phải về trời để mà “vui thú điền viên”. Tâm hồn của con người từng trải qua dâu bể vẫn minh triết, trí tuệ. Nguyên nhân nào khiến một vị tướng có tài, công lao là thế, bỗng dưng muốn “thiên mã thăng”?
Bất giác, tôi nhớ một đoạn trong hồi ký của Trần Văn Trà. Trong khi đang nói về cuộc họp Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, vấn đề thi hành Hiệp định Pari, ông bỗng xen vào một đoạn luận về đức và tài. Đức, “không có gì giống với kiểu người trước mặt tươi cười vồn vã, sau lưng tìm cách đâm nhau, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Tài, không phải biểu hiện ở lời nói ba hoa, phô trương, bề ngoài. Nói không đi đôi với làm thì nói không có giá trị gì, lý luận không chứng minh bằng thực tế thì chỉ là lý luận suông…Mình không gương mẫu nói không ai nghe, gia đình không hòa hợp gương mẫu thì nói gì xây dựng xã hội trật tự, công minh”. Trong thời điểm đó, ở VN ai cũng rõ, “gia đình không hòa hợp gương mẫu” là nhân vật nào! Cuốn sách nhanh chóng bị thu hồi – dĩ nhiên, cuốn sách không chỉ có thế.
Vẫn theo Trần Văn Trà, Bộ Tổng tham mưu chủ trương kế hoạch năm 1975 không đánh lớn, chỉ lo phá bình định ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Đông, chủ lực không đánh lớn. B2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long nhưng Bộ không đồng ý mà chỉ cho đánh nhỏ, giải quyết một số cứ điểm nhỏ trên đường 14. Năm 1975 đánh nhỏ là để tích lũy lực lượng chờ thời cơ cho năm 1976. Lê Duẩn nói trong buổi gặp Trần Văn Trà, có cả Phạm Hùng tham dự, “các anh tung chủ lực ra đánh ngay từ đầu mùa khô, đánh Đồng Xoài và tiếp theo một loạt các trận đánh lớn khác, như vậy là không phù hợp”. Song, nghe Trần Văn Trà và Phạm Hùng giải thích, Lê Duẩn đồng ý cho đánh Đồng Xoài. Sau khi ba chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài của VNCH thất thủ, ông Trà lại đề nghị cho giải phóng luôn tỉnh Phước Long theo như kế hoạch của B2. Ông Trà điện về Bộ tư lệnh B2 chỉ đạo trận đánh Phước Long, bức điện nhờ Bộ Tổng tham mưu chuyển. Trong khi ông đang nghiên cứu tình hình trên bản đồ thì Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng tham mưu trưởng đến. Lê Ngọc Hiền đưa ra bức điện, nói chưa cho điện đi, vì trong điện cho sử dụng xe tăng và pháo lớn, điều mà cấp trên đã dặn không được phép. Ông Trà bực mình mà rằng, là tư lệnh chiến trường, chẳng lẽ tôi không có quyền chỉ huy các lực lượng của tôi sao? Không lẽ điện của tôi lại bị kiểm duyệt và bắt buộc phải sửa đổi ngoài ý muốn của tôi? Yêu cầu đồng chí cho điện đi và đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điện của tôi bị chẫm trễ, lỡ thời cơ (Trần Văn Trà – Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng).
Trận Phước Long được đánh giá là “một đòn trinh sát chiến lược”, thử phản ứng của Hoa Kỳ và VNCH. Lịch sử VN trình bày kế hoạch giải phóng miền Nam được vạch ra và thực hiện một cách hoàn hảo, gần như mọi việc đã dự kiến trước hết cả! Song, qua hồi ký Trần Văn Trà, chúng ta thấy vấn đề không đơn giản như thế và nó phức tạp hơn rất nhiều!
Sau năm 1975, cùng sống tại Sài Gòn, ba ông họ “Trần” tiếp tục là những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, sử của Trần Văn Giàu đọc hết sức hấp dẫn, nguồn trí tuệ vô cùng lớn. Các tác phẩm Triết học và tư tưởng, Biện chứng pháp, Lịch sử cận đại VN, Chống xâm lăng…của Trần Văn Giàu có tính chất kinh điển. Người ta tự hỏi, nếu ông theo đuổi sự nghiệp chính trị, liệu có một nhà sử học tầm cỡ như thế không?
Còn Trần Bạch Đằng đã quá nổi tiếng trong tư cách một lão thành cách mạng, một nhà nghiên cứu uyên bác. Sức suy nghĩ, sức sáng tạo, sức viết của ông khó ai có thể sánh kịp. Có tới sáu thư ký mà không kịp ghi lại các ý tưởng của ông. Chỉ cần đi đi lại lại một lúc là ông đọc xong một bài báo cho thư ký ghi. Tết năm 1999, ông viết tới 25 bài báo – một kỷ lục. Ông là chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban giải thưởng Trần Văn Giàu.
Vậy nên, tôi khá ngạc nhiên nghe Xuân Thủy (từng là Trưởng đoàn đàm phán tại Pari của VNDCCH) nhận xét: “cái anh lúc thì Trần Bạch Ðằng, lúc thì Tư Ánh, lất khất như con lật đật, lúc nào cũng cao ngạo, tỏ ra thông minh xuất chúng, nhưng thực chất rổng tuếch” (Đỗ Trung Hiếu – Tiến trình thống nhất Phật giáo). Rõ ràng, chúng ta khó mà đồng tình với đánh giá đó của Xuân Thủy. Trần Bạch Ðằng từng là phó ban Dân vận Trung ương, phụ trách công tác tôn giáo vận. Vẫn theo Đỗ Trung Hiếu, ban Tôn giáo Mông Cổ “tỏ ra khâm phục tài năng ông Trần Bạch Ðằng”. Họ nghĩ ông Trần Bạch Ðằng là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tôn giáo Chính phủ!
Không có người nào trong ba ông họ “Trần” giữ chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Tại sao? “Xin đừng nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa. Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương”. Tôi lại càng nhớ các cuộc tranh luận của Trần Văn Giàu với Hoàng Quốc Việt – nhất là thời điểm quyết định số phận ông Giàu. Xét đến cùng, người trí thức chân chính không cần địa vị.
Đọc hồi ký Trần Văn Giàu, suy nghĩ về ba ông họ “Trần”, tôi xin kết thúc bằng mấy câu thơ của Việt Phương:
Một phần tư thế kỷ qua đi và có lẽ bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết
Ta đã thấy chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao…
Be the first to like this post.

40 phản hồi tới “Đọc hồi ký Trần Văn Giàu, suy nghĩ về ba ông họ Trần”

  1. nmkhanh nói:
    Những con người thủ đoạn thường chiến thắng. Và họ tham vọng trên sự kém cỏi của mình.
    Một dấu hỏi: khi có quyền lực trong tay thì trí tuệ có giảm đi chăng?
    • Lê Mai nói:
      Cũng như thế, thông thường, quân tử thua tiểu nhân. Đáng buồn là như vậy. Câu hỏi lớn là vì sao một người có bản lĩnh và trí tuệ như TVG mà im lặng suốt mấy chục năm?
      Khi có quyền lực trong tay trí tuệ có giảm, thủ đoạn tăng lên vậy.
  2. Dong nói:
    Cám ơn bác LM đã cho đọc.
  3. Thảo Dân Quê nói:
    - Làm Chính trị để giành giật lấy Quyền lực, mà Quyền lực có sức hút sự ham muốn con người đến cùng tận.
    - Đã làm Chính trị phải Tàn bạo (Phim khát vọng – Trung Quốc), phải thông minh và trái tim sắt, không có chỗ đứng cho Đạo đức.
    - Cám ơn bác LM cho biết một ví dụ rất đời thường.
  4. ha linh nói:
    A, chào mừng Bác Lê Mai trở lại!
  5. Nguyễn Trọng Thắng nói:
    Chào anh, rất cảm phục những bình luận của anh. Hy vọng thường xuyên được đọc những bài mới của anh.
  6. Lê Quang nói:
    Trong lịch sử VN ,và cả TQ ,khi các nhà sử học nguyên cứu về lịch sử các triều đại ,thì họ phát hiện ra những điều cực kỳ lý thú là :
    Tất cả những triều đại thành hình phần lớn đều do những nông dân thần thúy lãnh đạo.Ví dụ như Hán cao tổ chỉ là anh đình trưởng quèn ,mê gái và hay say rượu.Đinh tiên Hoàng thủa nhỏ chăn Trâu,Lý công Uẩn không cha mẹ ,tu nơi cửa Phật.Nhà Trần xuất xứ từ anh chàng đánh cá.Lê Lợi cũng chỉ ngang như anh xã trưởng bây giờ.Câu hỏi lớn là tại sao họ lại thành công?Và tại sao rất ít anh khoa bảng thành công?(Nhà Nguyễn là thí dụ ,nhưng họ cũng xuất xứ từ anh nông dân theo Lê lợi thủa ban đầu ở Thanh hóa)
    Phải chăng mấy anh nông dân lãnh đạo,họ có tiếng nói gần gụi với người dân chăng?Hay họ điếc không sợ súng?Còn giới trí thức như Tiêu Hà ,hay Nguyễn Trãi chỉ đứng được ở vai trò quân sư mà thôi ?Chắc chắn người tri thức có học ,là người biết nhường trên nhịn dưới ,không thích tranh giành, biết xấu hổ ,có khi lại còn nhu nhược nữa là khác.Chính điểm yếu này của họ, mà chưa bao giờ họ có thể đảm đương được vị trí của người đưa ra quyết định cuối cùng.Đó là ngày xưa chuyện trong lịch sử.Còn hôm nay dù muốn hay không thì ,cái bóng của lịch sử cũng bao trùm lên mọi vấn đề của hôm qua ,biết đâu cả hôm nay và sau này nữa?
    ha ha
    • Lê Mai nói:
      Phân tích rất chí lý và nói chung, lịch sử có vẻ diễn ra như vậy. Ngày xưa, có ai ngờ anh dệt chiếu Lưu Bị lại lên ngôi, mà mấy anh ba đời Tam công như Viên Thuật, Viên Thiệu có được như thế đâu? Xem thế thì đủ hiểu, sự nhận xét của bác là đúng.
      Tuy vậy, nhìn tổng quát thì ai là người làm nên lịch sử? Nông dân hay trí thức? Ai lưu danh với lịch sử? Nông dân hay trí thức?
      Có lẽ câu trả lời đã rõ, thưa bác.
  7. Tiensithat nói:
    Chúc mừng bác Lê Mai lại có bài, chắc bác lâu nay quá bận, cảm ơn Bác đã tái xuất.
    Nói thật với Bác là như thế này
    1. Bác Hồ của chúng ta cũng xuất phát từ gia đình Nho giáo, có học hành, có đức độ và đã trở thành vĩ nhân.
    2. Ngày xưa con người và xã hội nơi sinh ra, nuôi dưỡng con người có nhiều điều kiện để gieo và ươm trồng những mầm HIỀN TÀI cho đời còn ngày nay và ở những giai đoạn hiện thời thì nghe chừng khó khi mà nếu có những cái mầm đó thì nó sống trên mảnh đất ô nhiễm KT-CT-XH như chúng ta thì xác suất để nó thành mầm độc nhiều hơn rất nhiều.
    3. Nhà bác học Lê Quí Đôn thế kỷ 18 đã tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến nguy cơ mất nước như sau :
    (1) Trẻ không kính già;
    (2) Trò không trọng thầy;
    (3) Binh kiêu tướng thoái;
    (4) Tham nhũng tràn lan và
    (5) Sỹ phu ngoảnh mặt.
    Hu hu nếu qui chiếu với bây giờ thì quả thật mất nước rồi còn gì nữa bác, nhưng em thì thêm cái này nữa :
    (6) Xã hội việc mua thần bán thánh, tâm linh u mê, mụ mị, thói hư tật xấu, nghiện hút, đâm chém, … đã trở thành căn bệnh phổ biến như dịch.
    Bởi vì người ta gửi niềm tin vào thần thánh và chỉ để cầu mong sự cứu rỗi, may mắn, … từ thánh thần, vì AN SINH VÀ AN TOÀN XÃ HỘI không còn nữa.
    Thôi phân tích vậy cho vui vậy thôi mọi cái tư tưởng và văn hoá ta có định hướng hết rồi, cứ đi theo định hướng sẽ khiến nước ta tiếp tục tụt hậu so với người nhiều năm nữa.
    4. Nhà báo TRƯƠNG DUY NHẤT đã từng ví Giới trí thức Việt nam ngày nay chỉ một chữ HÈN, ôi chưa chữ nào nó bao trùm hết như vậy hay là (5) Sỹ phu ngoảnh mặt với vận nước, hu nếu vậy thì gay thật.
    5. Bác có nghe người ta nói Văn hoá dùi cui đang hiện hữu ở khắp nơi không, từ TW đến địa phưong, miền Núi đến đồng bằng, từ Nam ra Bắc, … chỗ nào cũng hiện diện của Dùi cui và văn hoá Dùi cui.

    Hu hu,….
  8. Lê Mai nói:
    Cảm ơn bác Tien sy that đã comment rất sinh động với những nhận định mà một số người đọc được chắc giật mình. Lưu ý bác không nên bi quan quá nhé. Chúng ta nên tin tưởng ở tương lai tươi sáng của đất nước!
    Nhân bác nói về LQĐ, tôi lại nhớ mấy câu “Tôn tộc đại quy, Tôn lộc đại nguy, Tôn tài đại thịnh, Tôn nịnh đại suy” – chắc ai cũng đã biết.
    Vấn đề văn hóa dùi cui, tôi cũng đã có biết, mới đây thôi. Sẽ không dừng lại đó đâu, thưa bác.
    • Tiensithat nói:
      Bác Le Mai ơi! Dân tộc nào mà Tôn những cái không đáng Tôn thì Dân tộc đó sẽ đi lùi Bác ạ.
      Thế mới biết “Tôn tài đại thịnh” vì HIỀN TÀI thời nào cũng vậy, nước nào cũng thế, Dân tộc nào cũng đúng, … là NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA, hu hu lấy mấy con, mấy thằng bất tài ấy mà mưu sự thì chỉ có vong quốc Bác nhỉ?
      Em dị ứng với cái DÒNG TRÍ TUỆ THẤP, HÈN, ĐỒNG BÓNG, DỊ HỢM VÀ THAM LAM VÔ ĐỘ ấy lắm Bác ạ, cái Dòng ấy đã, đang và sợ sẽ hiện hữu kéo lùi sự phát triển của Dân tộc này đó Bác.
      • Lê Mai nói:
        DÒNG TRÍ TUỆ THẤP, HÈN, ĐỒNG BÓNG, DỊ HỢM VÀ THAM LAM VÔ ĐỘ sẽ không địch nổi dòng trí tuệ thông minh, cao cả, dũng cảm, giản dị, liêm khiết. À, mà tôi nhớ ngày xưa ông Ngô ĐD hay dùng chữ “dị hợm” để chỉ một kẻ ông rất ghét. Sao thằng cha ấy “dị hợm” thế – ông nói.
  9. Hahien nói:
    Đọc bài này của anh Lê Mai, lại nhớ chuyện ông Nguyễn Đăng Mạnh kể trong hồi ký của mình đại ý khi ông Tố Hữu hỏi Cụ Hồ đế quốc và phong kiến bọn nào nguy hiểm, đáng sợ hơn, Cụ bảo bác chỉ sợ nhất là các chú (tôi không nhớ nguyên văn).
    Cám ơn anh Lê Mai về loạt bài viết đầy ắp các tư liệu lịch sử với sự phân tích rất điềm tĩnh vốn có mà thật sâu sắc.
    • Lê Mai nói:
      - Thưa Cụ, Tây đáng sợ hay Tàu đáng sợ?
      - Tây cũng không đáng sợ, Tàu cũng không đáng sợ, sợ nhất là các chú!
      Chỉ mấy nước cờ thiên tài của HCM, đã đẩy hai vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước; có một thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến thần thánh mà HCM biết không thể tránh khỏi. Đúng là chỉ còn “các chú” – khó quá!
      Cảm ơn thiện ý của anh về mấy entries của tôi.
  10. Trần phúc Thông nói:
    Xin ông Mai cho biết sự thoái tướng của tư lệnh và Phó tư lệnh quân giải phống Miền Nam Trần văn Trà và Nguyễn Thị Định sau ngày 30/4/1975.
    • Lê Mai nói:
      Bác biết rồi đó, bà Nguyễn Thị Định dù sao cũng là Phó Chủ tich nước (Hội đồng nhà nước) – mất khi còn biết bao nỗi niềm.
      Còn tướng Trần Văn Trà, chỉ lên đến Thượng tướng thôi, trong khi cấp dưới của ông – tướng Lê Đức Anh nhảy vọt từ Trung tướng lên Đại tướng rồi Chủ tịch nước (hơn cả VNG). Nếu bác suy nghĩ sâu thêm về cuốn Kết thúc chiến tranh ba mươi năm thì càng thú vị.
      • Trần phúc Thông nói:
        Tôi hiểu rồi, Cung như Lê khả Phiêu từ đại tá lên thượng tướng lên Tổng bí thư sau một cú lật…
      • Trần phúc Thông nói:
        Tôi định dừng cái comment nay ở đây nhưng không sao yên tâm được nên lại phải viết. Thưa ông, luc bé đọc những chuyện ngụ ngôn và xem tranh về lục xúc tranh công tôi cứ nghĩ là chuyện dã tưởng. Lơn lên học sử ký những chuyện tranh công trong lịch sử tôi mới dần dần hiểu đó là sự thật. Từ khi đi theo Đảng đươc bồi dương lý tưởng của Đang, tôi tin là trong đảng không có thế, nhưng qua thưc tế bình bầu thi đưa niềm tin này mất dần đên Điện Biên Phủ và Giải phông Sài gon là đỉnh cao của những vụ tranh công, nên niềm tin trong tôi cũng không còn nữa. Ở thời nào cũng có tranh công thôi, chuyện lục xúc tranh công là có thật.Phải không ông?
      • Lê Mai nói:
        Xã hội nào cũng có chuyện đó, thưa ông. Nhưng với lịch sử VN – không ít những chuyện làm chúng ta day dứt. Rốt cuộc, cái thiết chế vẫn là quan trọng nhất.
  11. Cù Trọng Xoay nói:
    Hay. Cam on Bac, chuc Bac khoe, song lau va co nhieu bai viet moi.
  12. nói:
    “Tôn tộc đại quy, Tôn lộc đại nguy, Tôn tài đại thịnh, Tôn nịnh đại suy” Câu này có phải của lqd đâu hả bác. Bác có thời gian comment thì bác cũng nên dành thời gian viết thêm nhiều bài thú vị nữa đi nhé. Chúc bác ngòi bút vững vàng.
    • Lê Mai nói:
      Câu đó dĩ nhiên không phải của LQĐ, chỉ là từ LQĐ bật ra câu đấy thôi. Nếu tôi không nhầm, câu đó của Nguyễn Khắc Niêm.
      Có thời gian, sẽ viết vài entries mới chứ. Cảm ơn bác Vũ.
  13. Bá Bi nói:
    Tôi nghĩ: dân trí nào thì lãnh đạo ấy thôi. CNXH có len được vào các nước có trình độ phát triển cao đâu. Thiếu lòng tự trọng, mưu mô, xảo trá của lớp người ít tri thức lại có quyền trong tay, điều ấy là phù hợp, là logic chứ. Rất buồn dân tộc chúng cứ quẩn quanh như vậy. Dân kém và (nhu) nữa, chọn lãnh đạo tồi. Lãnh đạo tồi – dân khổ , đất nước suy vi.
    • Lê Mai nói:
      “dân trí nào thì lãnh đạo ấy thôi” – một chân lý. Người ta thường nói dân trí VN chưa cao, chưa thể làm cái này, cái kia, chờ dân trí phát triển đã. Thử hỏi, thời nhà Trần, nhà Lý, nhà Lê ngày xưa dân trí cao hay thấp? Gần đây hơn, cuộc bầu cử bỏ phiếu tự do năm 46 nói lên điều gì?
      Đất nước cần anh hùng và hơn thế, cần một thiết chế hợp lý, phù hợp với sự tiến bộ cua nhân loại, phải không bác?
  14. Bá Bi nói:
    Đọc những bài của bác, tôi biết trong bác vẫn đang cháy lên những hy vọng của một sự tự thay đổi trong chính thể này, theo hướng để đất nước này ngày một tốt hơn. Nhưng có lẽ đã muộn mất rồi bác ạ. Nếu có sự tự điều chỉnh thì mục đích duy nhất cũng là đảm bảo củng cố lợi quyền của những kẻ cai trị thôi.
  15. thai a nói:
    Nguoi tri thuc chan chinh thoi nao cung vay vi ho khong lam ac de hai nguoi ,nen bao gio cung thua bon gian ac..Muon
    thang ke ac phai ac bac thay ! Neu khong vay sao Stalin thang noi HitLe !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét