Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

"Người Việt dùng thuốc Việt"

"Người Việt dùng thuốc Việt"

2011-04-18
Trong chủ trương chấn hưng ngành dược, bớt gánh nặng tài chánh cho những bệnh nhân có bệnh nan y, thu nhập thấp, chánh phủ Việt Nam đang cho phát động phong trào “Người Việt dùng thuốc Việt”.
Photononstop
Một tiệm thuốc tây ở SG chụp tháng 9/2010
Thông tin từ Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế thì hiện giờ một số loại thuốc sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng được hơn 50% nhu cầu sử dụng của thị trường, tuy nhiên hầu hết vẫn là thuốc trị những bệnh thông thường, mà nhà máy sản xuất dược phẩm hay viện bào chế nào cũng có như Paracetamol, Ampicilline hay Amoxicilline.

Khuyến khích dùng thuốc nội

Thực tế không hoàn toàn đúng như ghi nhận của Cục Quản lý Dược, Saigon Giải Phóng online cho biết, một số trình dược viên than phiền là khi họ mang sản phẩm y dược sản xuất nội địa đi chào hàng tại các nhà thuốc Tây, thì đến đâu các ông bà chủ cũng lắc đầu. Lập luận thông thường, quen tai là thuốc Việt không bằng thuốc ngoại nhập khẩu, khách hàng chưa dùng bao giờ nên rất khó tiêu thụ.
Còn đối với các bác sĩ thì cho rằng thuốc do Việt Nam sản xuất chưa biết có hiệu quả hay không, nên không thể kê toa cho bệnh nhân dùng, sợ hậu quả không hay dễ mang tai tiếng.
Phía các công ty dược liệu thì giải thích dù sản xuất ngay trong nước nhưng nếu sử nguyên liêu nhập từ Hoa Kỳ chất lượng cũng khác hẳn nguyên liệu mua của Trung Quốc hay Ấn Độ, chưa kể đến nhiều yếu tố khác, ảnh hưởng đến sự công hiệu của thuốc như quy trình bảo quản, kiểm tra chất lượng hay công nghệ bào chế của từng công ty hay viện bào chế Âu dược.
Trình bày suy nghĩ của mình về phong trào chủ trương “Người Việt dùng thuốc Việt” đang được chánh phủ khuyến khích, Dược sĩ Phạm Thanh Vân, Tổng thư ký Hội Dược học, thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Đó là chủ trương mà hầu như nước nào cũng muốn làm điều đó, vì những thuốc nước ngoài làm ra thì được bán với giá mà các quốc gia nghèo không sử dụng được. Những thuốc thông thường như Ampi, Paracetamol, trong nước sản xuất được mà người dân cứ thường dùng của nước ngoài, những thuốc đó làm ra trong nước, giá có thể rẻ hơn một phần mười của giá thuốc ngoại, nên quốc gia nào cũng đều phải khuyến khích vấn đề sử dụng thuốc trong nước, nhất là nước nghèo thì chủ trương này hoàn toàn đúng.”
Kế đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên phó Viện Trưởng Viện Y tế công cộng, thành phố Hồ Chí Minh cũng tán thành chủ trương khuyến khích “Người Việt dùng thuốc Việt”, ông giải thích:
“Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một chính sách, thời các cụ tiền bối thì người ta có câu, người Phương Nam dùng thuốc của Phương Nam, vùng đất mình cũng có cây dược liệu quý, phù hợp với thủy thổ, với người nước mình. Ngày nay ở Việt Nam công nghệ về dược cũng phát triển tương đối, thứ nhất là có những cái đuổi kịp được khu vực, bắt kịp được những quốc gia tiên tiến.
Điều đó là chủ trương của Bộ Y tế cũng như của ngành dược Việt Nam, vì trước sau gì chúng ta cũng phải sản xuất các loại thuốc Generic để giảm giá thành cho người dân, đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Dược sĩ Phạm Thanh Vân
Từng loại thuốc thích hợp có thể giúp trị bệnh hiểm nghèo, khó trị. Chủ trương đó có nhiều mục tiêu, thứ nhất là nghiên cứu về mặt sinh lý, giải phẫu, thổ địa cho phù hợp, thứ hai là tác dụng trị liệu cũng có chừng mực, thứ ba là kích thích cho sự phát triển ngành công nghiệp cho nên chính phủ chỉ có tính cách khuyến khích theo như  phương châm “Người Việt dùng hàng Việt.”
Qua công việc hàng ngày và kinh nghiệm chữa trị lâu năm, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai kể về sự lựa chọn sử dụng thuốc Tây hay thuốc Nam, hay nói cách khác thuốc nhập hay thuốc sản xuất trong nước:
“Thứ nhất là đối với các cụ già, lớn tuổi, có những bệnh diễn biến theo chu kỳ của tuổi tác thì người ta ưa chọn Nam dược, vì giúp ích cho người ta, thứ hai là giá thành cũng vừa với túi tiền. Còn đối với bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, người ta vẫn chọn Tây dược. Ngày nay, xu hướng sử dụng thuốc Nam,  Đông dược nhiều hơn, phổ biến hơn, trên thực tế có những trường hợp người ta thấy hiệu quả, chứng minh được, tự người ta tìm đến và yêu cầu được sử dụng.”  

Người dân vẫn thích thuốc nhập

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cũng nói là thời đại ngày nay việc sử dụng thuốc Nam không phức tạp, cầu kỳ như thuở trước nữa vì mọi sự chuẩn bị rất tiện lợi:
034_1626406-200.jpg
Cân thuốc tại một tiệm thuốc bắc ở SG tháng 9/2010. Photononstop
“Ở Việt Nam, thuốc Nam hay Đông dược cũng được áp dụng những tiến bộ khoa học vào, ngay xưa phải sắc ba bát nước, uống thuốc kỳ cạch, ngày nay có những cơ sở chế biến sẵn, khi cần dùng mua về là uống được ngay. Đấy là sự tiến bộ, áp dụng công nghệ, như đóng thành cao, thành liều, rất thuận tiện, không như ngày xưa cần đến bếp núc, nồi soong.”
Cơ quan quản lý dược phẩm cũng cho biết là hiện nay trên 80% số thuốc lưu hành tại Việt Nam là loại Generic tức là thuốc phiên bản, có nguồn gốc hóa học tương tự như các loại thuốc mang nhãn hiệu, nhưng đã hết thời hạn được bảo hộ độc quyền. Thị trường trong nước hiện đang tiêu thụ nhiều loại thuốc của Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Châu Âu, nhưng sự thật thì những loại thuốc Generic đó không hiệu quả hơn những loại thuốc cùng tác dụng, cùng công thức được sản xuất tại Việt Nam, được bán với giá thành khá rẻ so với thuốc nhập.
Dược sĩ Phạm Thanh Vân cho biết về đặc tính và sự công hiệu của việc dùng thuốc Generic:
“Điều đó là chủ trương của Bộ Y tế cũng như của ngành dược Việt Nam, vì trước sau gì chúng ta cũng phải sản xuất các loại thuốc Generic để giảm giá thành cho người dân, đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Hiện tại có nhiều công ty dược trong nước đang sản xuất những thuốc Generic để người dân được sử dụng thuốc rẻ hơn, chắc chắn khi người dân hiểu biết thì họ sẽ thấy điều đó là đúng.”  
Phần người tiêu thụ thuốc hay giới bệnh nhân thì quan điểm dùng thuốc nội chưa mấy hấp dẫn, chưa thật sự làm cho họ tin cậy, vì thế khuynh hướng thích mua thuốc ngoại, mới trị dứt bệnh vẫn là phương cách phổ biến nhất, nói về thuốc sản xuất trong nước, chị Hải Yến cho biết:
“khó tin tưởng vì có nhiều loại lắm, phần đông thường dùng thuốc ngoại vì chất lượng hơn thuốc Việt. Dùng thuốc ngoại đảm bảo hơn, thường là có qua quan thuế, kiểm tra hết, khó có thuốc giả. Nếu dùng thuốc Việt, họ chữa một thời gian không khỏi thì cũng phải dùng thuốc ngoại thôi.”
Dùng thuốc ngoại đảm bảo hơn, thường là có qua quan thuế, kiểm tra hết, khó có thuốc giả. Nếu dùng thuốc Việt chữa một thời gian không khỏi thì cũng phải dùng thuốc ngoại thôi.
Chị Hải Yến, người dân
Không riêng gì người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào sự công hiệu của thuốc Việt mà qua báo cáo từ cơ quan quản lý dược phẩm thì hiện vẫn còn nhiều bác sĩ, dược sĩ còn tin rằng thuốc ngoại dù giá đắt gấp bội, luôn tốt hơn thuốc nội.
Một số chuyên gia y dược trong nước nói rằng, muốn tăng niềm tin đối với các bác sĩ và bệnh nhân thì các công ty bào chế, sản xuất y dược nên tạo cơ hội để họ tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, công nghệ chế biến thuốc, hầu chứng  minh cho được là thuốc Việt cũng không thua kém gì thuốc ngoại.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét