Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Tại Việt Nam sẽ không có quyền im lặng?

Tại Việt Nam sẽ không có quyền im lặng?

dvdw-305.jpgQuyền con người

Quyền im lặng là một quyền căn bản của người dân, tuy nhiên lâu nay quyền này vẫn chưa được tôn trọng tại Việt Nam.

Vào ngày 23/09/2014, Thường Vụ Quốc Hội thảo luận sửa đổi luật Tổ chức tòa án nhân dân, luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên về “quyền im lặng” của bị can, bị cáo vẫn chưa được thống nhất.

Trong lúc người dân, và giới luật sư ngày càng tỏ ra quan tâm đến “quyền im lặng”, một quyền cơ bản mà trong hiến pháp Việt Nam có ghi, mong muốn quốc hội thông qua điều luật này, thì Ông đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương - ủy viên thường trực ủy ban Tư pháp - đã cho rằng “quyền im lặng không phải là quyền con người”; lời phát biểu được phát sóng trên VTV1 vào tối ngày 27/09/2014.

“Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội cho họ”. Và Ông Đương cũng quả quyết thêm rằng không thể có quyền im lặng trong luật pháp Việt Nam được.

Anh Bùi Công Thủ, một người dân đang sống tại Sài Gòn đã bị công an nhiều lần sách nhiễu và tạm giam, điều tra mà không được gặp luật sư, Anh bức xúc cho biết sau khi nghe Ông đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu trên VTV1:

“Tôi cảm thấy lời phát biểu của vị đại biểu này, nó như là ngớ ngẩn, nói như ông ta thì bản thân ông ta thật sư chưa chắc ý thức được quyền con người của bản thân mình như thế nào? Câu phát biểu của Ông ấy trơ trẽn và lố bịch nữa. Tôi không đồng ý câu nói phát biểu của ông Đại biểu. Còn một chuyện nữa là theo tôi nghĩ từ thời điểm năm 1975 đến bây giờ, Việt Nam đã là một đất nước toàn trị, một chế độ độc tài toàn trị, một thành trị độc tài.”

Ông Lưu Gia Lạc đang làm việc tại Bình Dương, cho rằng pháp luật tại Việt Nam không được tôn trọng, nên quyền công dân luôn bị chà đạp và quyền im lặng hầu như không có:

“Theo tôi nó chỉ khả thi vào những nơi nào mà pháp luật được tôn trọng, còn những nước độc tài thì pháp luật nằm trong tay những người nắm pháp luật, họ sẵn sàng vi phạm pháp luật. Họ cho mình cái quyền tự vi phạm pháp luật nhiều nhất, thành ra quyền ấy với người dân hầu như không có.”

Hiện tại, đa số luật sư đều đồng ý, lên tiếng sớm phải luật hóa quyền im lặng tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Trí đang họat động trong lĩnh vực dân sự - hình sự rất bức xúc khi cho chúng tôi biết về những viên chức điều tra phạm nhân:

“Trong giới luật sư chúng tôi cũng có những quan điểm đồng thuận với chuyện đó (quyền im lặng), bởi vì thứ nhất là quyền của nhân thân của bị can - bị cáo, thứ hai là tôn trọng luật sư. Có một số trường hợp, là tụi anh làm vô trong đó đó, gia đình bị can - bị cáo nhờ tụi anh, rồi sau đó không biết bằng cách nào gia đình bị can - bị cáo hết nhờ anh rồi nói không có nhờ. Không biết giữa công an và họ làm việc như thế nào? Làm việc với người bị tam giam - tạm giữ đó, người ta có nảy sinh những ý kiến gì đó khác hơn với gia đình người ta thuê. Rồi cuối cùng ra tòa, người ta nói đâu có nói vậy, đó có những chuyện khổ vậy đó. Mà đối với phóng viên nước ngoài anh thật ra cũng hạn chế nói, vì khổ lắm”

Nữ luật gia Nguyễn Thị Dơn đang làm việc tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho rằng quyền im lặng là một quyền bình thường của người công dân, của người bị can, bị cáo:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi có ý kiến là ủng hộ. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, và dựa trên các quy định của pháp luật, chứ nó không có gì nó là to tát cả.”
8yzyUDBx-400.jpg                                
Để bảo vệ người vô tội

Quyền im lặng được thực thi ở các nước phát triển như Châu Âu, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore… nhằm bảo vệ bị can không bị tra tấn, ép cung, tránh những oan sai, việc tìm ra tội của bị can là trách nhiệm của phía cảnh sát điều tra. Tuy nhiên với những quốc gia cộng sản như Việt Nam, quyền im lặng vẫn chưa được xem là một trong những quyền cơ bản của nhân quyền. Ông Lưu Gia Lạc đã chứng kiến và thấy nhiều người bị công an bắt, điều tra, nhưng không được gặp luật sư, và không biết phải kêu ai giúp đỡ trong xã hội Việt Nam, hầu hết đối với bị can đều sẽ vô vọng:

“Theo tôi được biết, thì có rất nhiều trường hợp bị bắt, gần như không có tác dụng gì, cho nên là quyền im lặng của người dân theo nhận định của pháp luật đấy, thì tôi thấy nó gần như không có, họ (chính quyền) tìm mọi cách để khai thác kiểu như là hỏi cung, có đợi luật sư đến thì… thậm chí người ta bắt, người nhà còn không biết, hoặc là người ta không thông báo cho thân nhân của người bị bắt biết, thì việc luật sư đến cũng gần như vô vọng.”

Ông Lưu Gia Lạc cho biết tiếp Ông và cùng một số người bạn ủng hộ nhiệt quyết quyền im lặng:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc người dân có quyền im lặng có sự cố dính dáng đến pháp luật. Với một số bạn bè cả tôi, tôi thấy hầu hết các Anh/Em đều biết việc này và đều ủng hộ, tôi tin là nhiều người dân biết, mà biết luôn cả quyền của mình theo đúng nhận định của pháp luật thì người ta cũng sẽ đồng ý.”

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Trí việc thông qua quyền im lặng của dân sự sẽ không thể đến sớm được vì sẽ thông qua nhiều bộ phận, và sẽ còn lâu:

“Bây giờ, thật ra thì cũng nên có, ở đây đang dự thảo quốc hội, đang xem xét ra sao đó, thì giờ vẫn còn đang lấy ý kiến nhiều nơi, lấy quan điểm của cơ quan điều tra, quan điểm của liên đoàn luật sư Việt Nam, rồi quan điểm của từng người luật sư, nó có nhiều thứ lắm, thật ra nó cũng còn dài…”

Anh Bùi Công Thủ lạc quan tin rằng một ngày nào đó sẽ có luật quyền im lặng để bảo vệ những người vô tội trước khi bị kết án:

“Tôi ủng hộ quyền im lặng này, tôi mong rằng tương lai thì dưới sự hỗ trợ và đấu tranh của các tổ chức xã hội dân sự thì quyền im lặng của một người dân, và như tôi sẽ được pháp luật tôn trọng và được bảo vệ.”

Gần đây rất nhiều vụ án oan bị báo chí phanh phui, qua đó cho thấy nạn bức cung, ép cung bằng những biện pháp tra tấn dã man buộc người bị bắt phải lên tiếng nhận bừa tội. Cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai đó để buộc tội.

Trước thực tế đáng ngại đó nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền im lặng được những người hiểu biết pháp luật lên tiếng yêu cầu phải được tôn trọng thực sự.
An Nhiên
(RFA)

'Đã đến lúc công bố mật ước Thành Đô?'

Hội nghị Thành Đô
Hội nghị Thành Đô được nhóm họp vào ngày 3-4/9/1990 tại Trung Quốc.
Việc công bố các văn bản như mật ước Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc gần một phần tư thế kỷ về trước là điều Việt Nam nên làm hiện nay, theo một sử gia về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, sự kiện cuộc gặp cấp cao đó đã diễn ra 'quá lâu' và nay giới nghiên cứu 'không còn quan tâm' nữa, theo một chuyên gia khác về lịch sử Đảng từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Song nếu cần tìm hiểu về hội nghị này, thì những ai quan tâm nên tiếp cận với Văn phòng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn theo chuyên gia này.
Trong khi đó, Hội nghị Thành đô là một sự kiện vẫn còn tác động tới đường lối và cán bộ của bộ máy lãnh đạo của Việt Nam ngày nay, điều được gọi là 'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch', theo một cựu lãnh đạo cấp Vụ ngành ngoại giao Việt Nam.
Trước hết, trao đổi với BBC hôm 17/10/2014, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về mức độ quan tâm của giới nghiên cứu tới cuộc gặp cấp cao từng xảy ra từ năm 1990 vốn đang được dư luận Việt Nam 'quan tâm' trở lại gần đây:
"Quan tâm là quan tâm từ cái thời ấy thôi, chứ bây giờ giới nghiên cứu cũng không quan tâm nhiều lắm, chủ yếu là bên chính trị thôi," Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.
'Hỏi Văn phòng TƯ Đảng'
Khi được hỏi Hội nghị được cho là có vai trò mở ra bình thường hóa quan hệ giữa Việt - Trung sau nhiều năm xung đột, chiến tranh căng thẳng, tại sao lại không được giới nghiên cứu quan tâm, giáo sư Phúc đáp:
"Bởi vì đấy là thuộc về lĩnh vực quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, còn chúng tôi về lịch sử không được am tường những vấn đề đó.
"Cứ liên lạc với chỗ Văn phòng Trung ương Đảng thì may ra người ta biết."
Hôm thứ Sáu, khi được hỏi về việc có nên giải mật để công bố hay bạch hóa trước công luận và tại Quốc hội các văn kiện liên quan 'mật nghị', hay 'mật ước Thành Đô 1990 hay không, kể cả các văn bản, văn kiện chỉ đạo đường lối, sách lược, chính sách liên quan 'chịu tác động' từ Hội nghị này, một sử gia khác về lịch sử Đảng nói:

Hội nghị Thành Đô
Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng dự Hội nghị Thành Đô.
"Tôi nghĩ rằng văn bản nào chăng nữa thì độ mật, độ bí mật gì đó, nếu có, thì nó chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định.
"Và nếu có những văn bản như thế, thì tôi nghĩ cũng nên hoàn toàn công khai. Hoàn toàn nên công khai, chứ không có gì phải giữ bí mật quá lâu," Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
"Nhưng chỉ có điều Việt Nam cầm văn bản đó, thì Việt Nam công khai đến đâu, đến cấp nào, đấy là một câu chuyện.
"Phía Trung Quốc thì nói thật là có những tài liệu đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ người ta cũng chẳng công khai. Phía Trung Quốc thì rõ ràng rất khó lấy được tài liệu chính thức từ phía họ.
"Còn phía Việt Nam, các tài liệu đã công khai rất nhiều, nhưng tôi nghĩ không phải là đã hết. Mà chắc chắn là vẫn còn những điều gì đó mà chưa công khai, thì văn bản đó tôi nghĩ, nếu có, thì nên công khai.
"Để cho nhân dân, để cho cán bộ, để cho tất cả mọi người có thể hiểu được thực sự, thực hư lúc bấy giờ, trong bối cảnh như vậy, với tư cách là những cá nhân, không phải với tư cách là một tập thể, đương nhiên những cá nhân có trọng trách và trách nhiệm, thì đã có những thỏa hiệp như thế nào với phía Trung Quốc về câu chuyện này. Đấy tôi nghĩ là điều nên làm."
'Thất thố ngoại giao?'
Tôi nghĩ rằng văn bản nào chăng nữa thì độ mật, độ bí mật gì đó, nếu có, thì nó chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định. Và nếu có những văn bản như thế, thì tôi nghĩ cũng nên hoàn toàn công khai. Hoàn toàn nên công khai, chứ không có gì phải giữ bí mật quá lâu
- PGS. TS. Vũ Quang Hiển, ĐHQG Hà Nội
Hôm 15/10/2014, một cựu cán bộ ngoại giao của Việt Nam, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với BBC một số nguyên tắc về ngoại giao và thể thức (protocol) ngoại giao có thể đã bị Trung Quốc vượt qua và đem lại lợi thế cho mình trong cuộc mật đàm.
Ông Dương Danh Dy nói: "Phê phán tại sao Hội nghị đó có những kết quả như thế này, như thế kia, nói thế thì nó đụng nhiều người."
"Tôi biết chuyện này khá rõ nhưng chưa tiện nói bây giờ, bởi vì Trung Quốc rõ ràng có ý định trong chuyện đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam vào bẫy, mắc bẫy của họ.
"Chẳng hạn như chuyện phía Trung Quốc họ bảo rằng để rất kính trọng ba đồng chí lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì họ để ba ông ở ba biệt thự khác nhau, thế thì những ông đã già bảy mươi, tám mưới như ông Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó thì làm sao mà hội ý được với nhau...?"
Cũng hôm thứ Tư, một cựu quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC:

Ông Nguyễn Cơ Thạch
Có ý kiến nói sự 'thôi chức vụ' của ông Nguyễn Cơ Thạch là điều kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.
"Một số cán bộ ngoại giao cấp cao có thể đã tiếp cận được văn bản và các tài liệu, nhưng việc được phép phổ biến, công bố tới đâu, có những nguyên tắc hạn chế."
Theo cựu nhân viên ngoại giao này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ các nội dung đàm phán, ký kết, kể cả những điều được cho là 'phụ lục' nhưng lại có vai trò như những nguyên tắc chỉ đạo cho bình thường hóa và cả 'hậu bình thường hóa' lẫn 'tái cấu trúc' quan hệ và chiến lược 'quan hệ, hợp tác' giữa hai nước dài hạn, điều mà Việt Nam lâu nay vẫn gọi là 'các thỏa thuận cấp cao' và 'sự kế tục'.
Trong đó cụ thể có các nguyên tắc 'chỉ đạo' đàm phán không chỉ liên quan tình hình chính trị và điều kiện tái lập quan hệ nhất thời mà còn các phương châm 'chỉ đạo chiến lược và lâu dài' về giải quyết tranh chấp, xung đột trong quá khứ và thực tế khi đó để lại và một số ràng buộc chính trị dưới danh nghĩa 'quan hệ về ý thức hệ' liên Đảng v.v...
'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch'

Hôm 17/10, một cựu lãnh đạo cấp Vụ phó ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng hậu quả của Hội nghị Thành Đô vẫn còn 'đang tác động' tới tâm lý của lãnh đạo, cán bộ và đường lối của Việt Nam hiện nay trong quan hệ liên quan Trung Quốc.

Theo ý kiến này, việc ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao, bị Trung Quốc 'gây áp lực' với Việt Nam và đặt điều kiện phải 'loại bỏ' để bình thường hóa quan hệ, đã gây ra một 'nỗi sợ' với giới chức không chỉ trong ngạch ngoại giao của Việt Nam, suốt từ đó đến nay, trong các quan hệ, công việc của nhà nước liên quan Trung Quốc.

"Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam," cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Vụ Phó Bộ Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng nói.
"Trong đó không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc."
Theo cựu quan chức ngoại giao nay đang tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ, việc này tạo thành một hội chứng đáng kể mà theo ông:
"Bất cứ nhân vật nào lên đều không dám đụng tới Trung Quốc và không dám nói nhiều, không dám đứng ra như dạng ông Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ra công khai chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (đặt dưới các điều kiện bất lợi cho Việt Nam) thì sẽ bị 'xử lý'.
"Nhiều nhân vật sau này, khi đụng chạm đến vấn đề Trung Quốc, khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như vấn đề biên giới, cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.
"Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước."
'Can thiệp nhân sự?'

Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân thăm VN
Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh đón ông Giang Trạch Dân.
Cũng hôm 17/10, khi được hỏi có thể có một khả năng tác động sâu và cao như vậy từ phía Trung Quốc vào nhân sự lãnh đạo của Việt Nam hay không, thông qua trường hợp được cho là đã xảy ra với cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, PGS Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận thêm:
"Cách gây sức ép của Trung Quốc trên tất cả các mặt, kể cả về mặt nhân sự nếu như Trung Quốc có thủ đoạn như vậy, tôi nghĩ là hoàn toàn có thể có.
"Nhưng vấn đề đặt ra là ví dụ nhân sự như ông Nguyễn Cơ Thạch mà Trung Quốc không thích bởi vì sao? Nguyễn Cơ Thạch có thể có quan niệm đối ngoại khác, nó rộng mở hơn, nó thoáng hơn, mà người Trung Quốc không muốn Việt Nam có một nhân vật như vậy ở trong giới lãnh đạo cao cấp.
"Có thể họ gây sức ép đòi hỏi không nên như vậy, không nên thế nọ, không nên thế kia, cái điều đó người Trung Quốc có thể làm lắm, tôi cũng tin là người Trung Quốc có thể làm các điều này.
Văn bản của Ban Tuyên giáo... thì nó có thật đấy. Họ đưa ra để giải thích vấn đề Thành Đô, nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích đấy ở chỗ không biết là có đến nơi, đến chốn không, và chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy ban nghiên cứu và bạch hóa vấn đề này - Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ phó Dân Vận TƯ Đảng
"Tức là về mặt nào đấy có thể nói là họ muốn can thiệp vào vấn đề nhân sự của riêng Việt Nam.
"Nhưng về phía Việt Nam, ai là người thay ông Nguyễn Cơ Thạch, và người đó có làm theo ý đồ của Trung Quốc hay không, đấy lại là một việc khác và người Trung Quốc không thể lãnh đạo, không thể chỉ đạo việc đó được," sử gia chuyên về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia nêu quan điểm.
Hôm 15/10, một quan chức Vụ phó, thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói đang có yêu cầu công khai ra Quốc hội Việt Nam về Hội nghị Thành Đô, ngay cả trước khi có một tài liệu được cho là của Ban tuyên huấn Trung ương của Đảng về Hội nghị được loan truyền trên mạng Internet.
"Văn bản của Ban Tuyên giáo... thì nó có thật đấy. Họ đưa ra để giải thích vấn đề Thành Đô.
"Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích đấy ở chỗ không biết là có đến nơi, đến chốn không, và chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy ban nghiên cứu và bạch hóa vấn đề này," ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC từ Hà Nội.
(BBC)

Bùi Tín - Người ‘đẹp’ nhất trong Đèn Cù

Đèn cù - Trần Đĩnh (Danlambao)
Đèn cù - Trần Đĩnh (Danlambao)
Cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh đang được phổ biến ngày càng rộng trong và ngoài nước.
Với tôi cuốn sách giúp nhớ lại biết bao cảnh cũ người xưa. Do hoàn cảnh lịch sử tôi đã có một số cuộc gặp Hồ Chí Minh, khá nhiều lần gặp làm việc với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch, Tố Hữu…, cũng rất nhiều lần làm việc với các tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Hữu An, Vũ Lăng…
Tôi cũng từng ở trong tòa soạn báo Nhân Dân 2 lần, lần đầu trong cả năm 1972, lần sau trong hơn 8 năm (tháng 2/1982 – 8/1990), cùng một cơ quan với nhà báo Trần Đĩnh, khi Trần Đĩnh đã bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng rồi đi lao động cải tạo ở nhà in báo Nhân Dân, hàng ngày khuân các cuốn giấy in từ ngoài đường lên tầng 3 nhà in và đúc lại các chữ chì cho máy in. Trong 8 năm sau, tôi tham gia đảng ủy Ban biên tập, dự họp các buổi giao ban hằng tuần, họp Biên ủy hàng tháng, hằng năm, bàn bạc đủ chuyện - xem xét khen thưởng, kỷ luật, đảng viên tiên tiến, lên cấp, lên lương, xét đi học nước ngoài, đi họp quốc tế, cấp nhà mới, tuyển phóng viên…Tôi thận trọng, ngồi nghe, suy ngẫm, vì vẫn còn xa lạ, nhưng vẫn hiểu ra sự thật.
Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết ra là chân thực, 2 tuyến nhân vật, một bên là bầy nịnh thần, bầy đàn «ngu trung» của chế độ độc đảng sùng bái Mao, sùng bái bạo lực, một bên là những người có tư duy độc lập, có tư duy đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng một kiểu chủ nghĩa xã hội có bộ mặt Người, chủ trương tranh đua hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau. Số này bị lên án, bị vu cáo tay sai đế quốc, sợ gian khổ, sợ hy sinh. Phần lớn bị khai trừ ra khỏi đảng, bị tù không có án, bị đưa đi cải tạo lao động, chăn dê, chăn bò, đi lao động ở nhà in, mỏ than, con cái bị phân biệt đối xử.
Có một vài người lúc đầu hăng hái theo Xét lại, chống sùng bái cá nhân, ca ngợi con đường đấu tranh không bạo động, cổ vũ biện pháp đấu tranh của Mahatma Gandhi, của Nelson Mandela, nhưng về sau chuyển hẳn sang thành đồ đệ trung thành của Mao-ít. Nổi bật nhất là 2 anh em nhà báo, anh ruột là Thép Mới nhà báo cột trụ của báo Sự Thật và báo Nhân Dân. Trong loạt bài “Thời thắng Mỹ”, Thép Mới từng ca ngợi hết mức ông Lê Duẩn, rằng “anh Ba đã sáng láng hơn cả bác Hồ, bản lĩnh hơn bác Hồ”. Ông em Hồng Hà còn hơn ông anh nữa, xoay lập trường 180 độ, được lọt vào mắt nâu của cả 2 ông họ Lê, còn kế thừa ông Hoàng Tùng làm tổng biên tập báo Nhân Dân, từ đó lên chức Trưởng Ban đối ngoại trung ương. Hồng Hà là nhân vật trung tâm cùng tướng Lê Đức Anh cán thu xếp cuộc gặp lịch sử ở Thành Đô tháng 9/1990, “đánh dấu thời kỳ Bắc thuộc mới cực kỳ nguy hiểm”, như ông Nguyễn Cơ Thạch cảnh báo ngay lúc ấy.
Khuôn mặt thứ 3 đáng nhớ là nhà báo Hữu Thọ, một nhân vật thâm hiểm của phái “Mao-nhều” (theo cách gọi của Trần Đĩnh) ở báo Nhân Dân. Trần Đĩnh đã nhiều lần dùng ngòi bút trào lộng khắc họa lại nhân cách đáng thương của ông này, một tay cơ hội lắm mẹo vặt, leo lên đến chức tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban tư tưởng và văn hóa - để dạy bảo đạo đức bác Hồ cho toàn đảng vào dịp “45 năm học Bác” tháng 9 /2014 mới đây, khi ông đã về hưu hơn 10 năm nay.
Bên cạnh vài ba nhân vật “Mao-nhều” khá lý thú có thể nhận rõ mặt trên đây có một nhân vật đứng giữa, không theo Mao mà cũng không chống Mao, nhưng nổi bật, được tác giả Trần Đĩnh nói đến rất nhiều trong Đèn Cù với lòng quý mến đặc biệt. Tôi muốn nói riêng về ông trong bài báo này.
Đó là ông Nguyễn Trung Thành (NTT), một thời là cánh tay phải của Lê Đức Thọ, nắm chức vụ then chốt về nhân sự - Vụ trưởng Vụ bảo vệ chính trị trong Ban Tổ chức trung ương do ông Thọ làm trưởng ban. Ông NTT là nhân vật nắm trọn hồ sơ của 36 người dính vào vụ án “Xét lại chống đảng” mà danh sách có khá đầy đủ trong Đèn Cù, cùng với tất cả các vụ án chính trị khác. Sau khi đã về hưu vào năm 1990, ông NTT đọc lại toàn bộ hồ sơ của các vụ án, xem kỹ các lời phản cung, kêu oan, đặc biệt là các lời trần tình của các ông Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Vũ Đình Huỳnh, Lê Liêm (khi 2 ông này còn sống), gặp và lắng nghe ông Lê Hồng Hà, từng là Chánh văn phòng bộ Công an, cũng bị bắt giam trong vụ án «Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài» .
Theo Trần Đĩnh thuật lại trong Đèn Cù, với lòng ngay thẳng NTT bắt đầu hoài nghi về kết luận vũ đoán của toàn vụ án, nhận ra bản thân đã mù quáng a dua theo định kiến của cấp trên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, gây nên quá nhiều bất công. Thức tỉnh, hối hận sâu sắc, năm 1993 ông thảo ra thư gửi cho Tổng bí thư Đỗ Mười và thường trực ban bí thư Phan Diễn, trình bày rành rọt những sai lầm của vụ án làm hàm oan 36 đảng viên cấp cao của đảng, những người không hề làm gián điệp cho nước ngoài, họ chỉ sử dụng quyền có ý kiến khác với lãnh đạo do có tư duy độc lập. Tất cả những lời kết tội đều mang tính chất định kiến, suy diễn, và khiên cưỡng. Nhưng Đảng vẫn một mực im lặng. Năm 1996, NTT lại đến gặp Tổng bí thư Đỗ Mười, trình bày rõ ý kiến về vụ án do ông thụ lý và nói rõ chính kiến của mình là minh oan, xóa án cho người ngay là việc đúng đắn, nên làm, sẽ được lòng đông đảo đảng viên và toàn dân. NTT đề nghị lập một tiểu ban thẩm tra để đi đến kết luận lại vụ án. Đỗ Mười trừng mắt, lắc đầu buông ra một câu: «về hưu rồi sắp đi chơi với giun rồi, sao còn viết kiến nghị gửi vung lên?».
Vẫn theo Trần Đĩnh, NTT biết là hỏng rồi, nhưng vẫn cưỡng lại. Ông nói với Đỗ Mười: “Anh đã 78 tuổi, hơn tôi 6 tuổi còn làm việc mà. Tôi thấy đồng chí mình bị oan, không thể bỏ mặc được”. Ngay sau đó NTT bị khai trừ, bị trả thù cay độc, bị đuổi ra khỏi đảng, tước mọi khen thưởng cũ, không còn lương, phụ cấp ngang cấp thứ trưởng, sống trong cô đơn đạm bạc đến tận nay. Không rõ nay NTT còn sống hay đã đi xa.
Điều quan trọng là NTT được Trần Đĩnh nói đến khá nhiều trong Đèn Cù. Thật rất hiếm trong đảng CS có một con người như vậy. Giữa một hồ đầy bùn vẫn giữ mình trong sạch. Con người có lương tri, không a dua theo quyền lực, danh vị, có lòng nhân ái sâu đậm, sống ngay thật, biết nhận ra sai lầm, hối hận và có ý chí sửa chữa sai lầm.
Tôi mong rằng với cuốn Đèn Cù, vụ án “Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài” sẽ không bị dìm chết trong quên lãng. Nó sẽ bật dậy sống lại trong dư luận xã hội, trong lương tâm của đông đảo đảng viên CS bình thường khi Đại hội XII đang đến gần. Không thể để chậm nữa. Cho dù phần lớn nạn nhân đã chết uất ức oan uổng. Chậm vẫn còn hơn không.
Mong rằng trong đảng CS sẽ vang lên nhiều tiếng nói yêu cầu đảng CS thực hiện mong muốn cao đẹp của NTT, xem xét lại vụ án «Xét lại chống đảng» đã tồn tại quá lâu. Tuy thật đáng buồn là có tin NTT đã không còn nữa, nhưng cũng may là một số nhân vật khác vẫn còn sống - còn Trần Đĩnh, còn nhân chứng Lê Hồng Hà, và theo tôi được biết, còn các ông Lê Trọng Nghĩa, Phan Thế Văn, Phùng Mỹ đang sống ở Hà Nội. Ở nước ngoài còn có các ông Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, sống ở Nga; còn nhà văn Vũ Thư Hiên sống ở Pháp…Và vẫn còn những người lãnh đạo chịu trách nhiệm kế tiếp về vụ án cực lớn ấy như: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng… Họ không thể phủi trách nhiệm. Chính họ đã mù quáng theo đường lối của Mao, dẫn dắt đất nước vào thảm họa huynh đệ tương tàn, cố tình chà đạp “quyền tự quyết thiêng liêng của nhân dân miền Nam VN” được ghi rõ trên 2 Hiệp định Genève và Paris, mà họ đã long trọng ký kết. Để dẫn đến đất nước lạc hậu, tan hoang, không pháp luật ngày nay.
Vợ con, gia đình, con cháu, chắt, bạn bè của 36 nạn nhân vụ án chắc chắn sẽ cảm thấy vui lòng, được an ủi, xoa dịu niềm đau đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, một khi vụ án được minh oan một cách công khai, theo «một nền pháp quyền nghiêm minh» mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi. Đây có thể là dịp tốt.
Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng


Trong vấn đề sinh lý con người khác con vật ở nhiều điểm. Có một điểm dễ nhận thấy là con vật động dục khi bản năng duy trì nòi giống thôi thúc. Còn các cuộc làm tình của con người phần nhiều không hẳn vì nhu cầu có con. Từ năm 1960 đến nay loài người đã đạt thật nhiều thành tựu. Nhưng theo tôi việc đưa viên thuốc tránh thai vào sử dụng phải được coi như là một trong những thành tựu vĩ đại nhất.

Viên thuốc nhỏ này mạnh hơn hẳn tất cả các phong trào đòi hỏi bình đẳng giới cộng lại. Nó giải phóng cả một nửa sức lao động của loài người, giúp con người chế ngự được nạn nhân mãn, phụ nữ có phương tiện hữu hiệu trong tay để kế hoạch hóa gia đình, làm cuộc sống của một phần lớn trẻ em trên toàn cầu được bay bổng hơn vì nguồn lực được tập trung vào việc chăm lo cho một số lượng con ít hơn... Có những vấn đề của xã hội loài  người hôm nay là hệ quả gián tiếp hay trực tiếp của viên thuốc này. Một ví dụ nhỏ là sau thế chiến II các chàng lính trẻ sau cơn cơn binh lửa đói khát tình yêu về quê hương đã làm bùng lên một đợt tăng dân số. Những người ra đời vào giai đoạn trước khi viên thuốc ấy ra đời (Mỹ là 78 triệu và Canada là 9.8 triệu được gọilà baby boomers) hiện là nhóm chóp bu nắm gọn các nguồn lực chính trị, kinh tế ở khắp các nước phát triển và đang thành “thượng đế” với sát nghĩa nhất có thể của toàn bộ các sản phẩm cao cấp toàn cầu.

Tuy nhiên bàn sâu về đề tài này không phải là điều tôi muốn lúc này và ở đây. Bài viết nhỏ này là nhữngsuy nghĩ về chuyện cần bào chế thuốc tránh thai khác: thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng.


 Người Việt một lần nữa nóng máu về chủ nghĩa bành trướng và cung cách cá lớn nuốt cá bé của Bắc triều. Việt Nam có phải là nơi đáng thươngnhất thiên hạ? Chuyện này sao lại để bị nghiêm trọng hóa đến vậy?  Do Thái đã nhỏ tý lại đang bồng bềnh trong vạc dầu sôi Ả Rập, tứ bề thọ địch, ngày đêm luôn trong cảnh bị chực ăn tươi nuốt sống.Ba Lan theo dòng lịch sử cũng thường bị xé xác vì thân phận liễu yếu đào tơ kẹp giữa đùi hai tay lớn thừa hung bạo và tham tàn là Nga và Đức. Việt Nam ta thường đau đầu chỉ có một phương mà thôi.

Đáng tàn đời khi ta luôn chui vào thế tự làm khó cho ta. Tự ta xếp ta vào thân phận trên đe dưới búa. Cần một lần nữa dứt khoát tỉnh táo cởi trói tư duy. Cả Do Thái cũng như Ba Lan đều thân Mỹ, đều gắn bó khăng khít với Mỹ. Ta thì sợ quá thân với Mỹ, sợ chơi quá kỹ với Mỹ sẽ làm phiền lòng Tàu. Mỹ tuy có hội chứng Việt Nam ám ảnh, nhưng Mỹ là một nước thực dụng, quyền lợi Mỹ trong hiện tại và tương lai đang bị Trung Quốc thách thức một cách sống còn.Người Mỹ không chỉ ngồi vu vơ suy tưởng chuyện quá khứ mà luôn căng mắt nhìn vào công việc trước mắt và chọn hành động theo tiêu chuẩn phải có của đòi hỏi thực tiễn. Chỉ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc có ba năm, chính Mỹ là nước từng giơ tay ra trước trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và hôm nay là nước chủ động nâng cấp quan hệ này lên những tầm cao mới.

Bạn thân nhất của Việt Nam hôm nay trong châu Á là Nhật Bản.Bạn có thể cùng dựa dẫm, tin cậy nhất của một Việt Nam hiện đại trong thế kỷXXI phải là Mỹ.

Quan hệ quốc tế căn cứ trên cái gì? Lợi ích hay lý tưởng?Cái nào quyết định?

Quan hệ các nước đặt trên cơ bản lợi ích là bền chặt và lâu dài nhất (Mỹ- Nhật, Mỹ- Hàn) và trên lý tưởng là lỏng lẻo nhất (chiến tranh Xô-Trung, Việt -Trung). Khi cả lợi ích và lý tưởng cùng tương đối hòa đồng là điều lý tưởng nhất, nhưng hiếm thấy khó tìm (Mỹ- Anh- Canada).

Việc kết bạn với tất cả các nước là đúng, nhưng cần sắp xếp thân sơ mạch lạc theo các thứ tự lợi ích của dân tộc, để cho sự việc theo đúng thang bậc đáng có của nó, cùng thể hiện rõ việc biết mình biết người và không bị cảm tính nhất thời hay đại ngôn lấn át. Nước nào có lợi ích khách quan chiến lược song hành với Việt Nam nhất phải là bạn tâm giao nhất. Không ai có thể mơ hồ vu vơ nữa,chủ nghĩa đại Hán không thể thuận chiều cùng một nước Việt Nam mạnh.

Có giai đoạn khi cần ngăn gót giầy quân đội Mỹ áp sát biêngiới Trung Hoa, tạo thế anh hai trong phe XHCN Trung Quốc ủng hộ Bắc Việt chiến đấu, nhưng khi Bắc Việt hơi mạnh lên là sự ủng hộ của Trung Quốc đã ngãng ra.

Khác hẳn với Trung Quốc, các nước Mỹ, Nhật, Nga, Ấn, Úc và nhiều nước khác hôm nay đều có lợi ích lớn khi thấy một Việt Nam không yếu.

Bài toán đối ngoại của Việt Nam hôm nay là làm sao đưa quan hệ Việt- Trung, Việt- Mỹ đi vào guồng lợi ích. Khi hòa hiếu với Việt Nam có lợi nhiều hơn khiêu khích và gây chiến thì họ sẽ cầu hòa, có như vậy mới ổn định,bài bản và đường dài. Bài toán ấy có thể giải cùng lúc, có thể giải từng phần tức giải theo thứ tự ưu tiên.

Giải quyết cùng lúc, cùng xấp xỉ ngang tầm ưu tiên như hiện nay là bất khả thi. Để làm vừa lòng cả Mỹ cả Trung lúc này thì nền ngoại giao Việt Nam luôn ở thế đu dây. Mà ở tư thế bấp bênh ấy thì rất khó ổn định trong đường dài. Xem lại lịch sử khi Bắc Việt đu giây giữa Liên Xô và Trung Quốc đủt hấy việc này không ngon ăn chút nào và trước sau gì thì cũng dẫn tới đổ vỡ và mâu thuẫn với ít nhất một bên, tệ là cả với hai bên.

Quyết sách với Việt Nam hôm nay là phải làm ngược lại những gì đang làm hiện nay, phải dứt khoát tiến thêm lên nhiều bước lớn hơn nữa trong quan hệ với Mỹ, thậm chí không sợ dù bị lùi đi một hoặc nhiều bước trong quan hệ với Trung Quốc. Khi Việt Nam đã mạnh lên thì tái cân bằng lại quan hệ với cảhai nước. Tất cả là nhằm cân bằng trên quyền lợi dân tộc.

Điều tệ hại gì sẽ có thể đến khi vuốt mặt Trung Quốc?

Sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi Trung Quốc có làm thế giới lâm vào một cuộc đại chiến mới? Điều này khó xẩy ra vì ôm một cuộc chiến tổng lựcvào người là tiêu ma luôn mộng làm cường quốc của Trung Hoa. Thế giới hôm naykhông còn cơ hội cho Trung Quốc tập trung được một quyền lực lớn bao trùm. Còn lâu lắm Trung Quốc mới so được về kích cỡ và tố chất với cường quốc số một đanghiện hữu.  Hơn nữa ba cường quốc khác là Nga, Ấn, Brazil lại cùng đang nổi. Thế giới sẽ là đa cực và quyền lợi đan xennhau dầy đặc.

Tuy vậy Việt Nam cần chuẩn bị và đồng thời tránh thành ngòi nổ cho một cuộc chiến cấp khu vực. Không thể dại thêm một thế kỷ nữa khi lại tự rước chiến tranh về cửa ngõ nhà mình. Từ 1945 đến 1990 khi thế giới có chiến tranh lạnh, thì ta lại là chiến tranh nóng. Đừng đẩy vấn đề đi theo hướng cựcđoan và chọn thân phận là con tốt thí. Việt Nam không thể và không nên làm côngc ụ của chính sách đế quốc thêm một lần nữa! Đau là khi ta đang là công cụ lại không nhận thức được thân phận công cụ. Cái bánh răng là một mắt xích trong cỗ máy,cái máy là công cụ của con người, con người này, hay đất nước này lại là công cụ của con người khác, đất nước khác... Về mặt kinh tế khi ta đang gia công hàng cho tư bản nước ngoài thì đương nhiên ta đang tự chọn cho mình thân phận làm công cụ sản xuất giá rẻ cho họ, về mặt chính trị vẫn còn nóng hổi bài học suốt cả nửa thế kỷ trước khi mỗi miền đất nước ra rả tự hào là “tiền đồn” hay “xung kích” cho phe nọ phái kia trên thế giới.

Trung quốc cũng phải gờm Việt Nam nhiều mặt. Là một nước nhập khẩu dầu, khát dầu để tồn tại và phát triển mà Việt Nam lại đang án ngữ con đường tiếp dầu của Trung Quốc. Việt Nam chặn đường thông ra biển của phần lớn mảng Tây Nam lục địa Trung Hoa. Nếu xung đột quân sự xảy ra thì đầu kéo của nền kinh tếTrung Quốc gồm toàn bộ các thành phố ven biển phía Đông Nam của Trung Quốc(Hong Kong, Macao, Quảng Đông...) đều trong tầm ngắm uy hiếp của Việt Nam.

Cha ông ta đã phải nhiều lần cho kẻ thù truyền kiếp dùng thuốc tránh thai. Con cháu hôm nay cũng phải tiếp bước con đường bào chế thực đơn ấy.

Thảm bại và xấu mặt nhất với Trung Quốc là cả thế giới sẽ sợ,khinh bỉ và tẩy chay khi tấm mặt nạ trỗi dậy hòa bình của họ tuột hẳn xuống đất.

Nhiều người nói rằng chơi với Trung Quốc thì mất nước. Điều này luôn đúng nếu Việt Nam là một nước yếu. Nhưng đã là hàng xóm của nhau thì không thể không chơi và chơi đẹp với Trung Quốc. Nhưng chỉ khi Việt Nam mạnh,chủ nghĩa đại Hán mới về chiều và quan hệ Việt- Trung mới thành một quan hệ nhiều phần tốt đẹp hơn u ám.

ĐCS Việt Nam chia sẻ nhiều giá trị chính trị, lịch sử và văn hóa với ĐCS Trung Quốc. Nhiều thập kỷ nay Trung Quốc lại tiếp tục dành được nhiều quyền lợi kinh tế từ Việt Nam. Vậy mà chủ quyền của Việt Nam luôn bị Trung Quốcchà đạp, dù Việt Nam luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả năm 1979 bị Trung Quốc tẩn tơi bời, Việt Nam cũng vẫn không công nhận hai nướcTrung Hoa. Việt Nam không cần một đối tác chiến lược với tâm địa như vậy. NếuViệt Nam là một nước bất ổn, biên giới Việt- Hoa loạn, vùng trời và vùng biển củaViệt Nam hải tặc và không tặc hoành hoành, hoặc Việt Nam quay lưng hoàn toàn  thì Trung Quốc cũng lãnh đủ.

Phải làm cho Trung Quốc từ bỏ dã tâm coi Việt Nam là phên dậu, coi biển Việt Nam là ao nhà thì trang sử mới của hai nước sẽ là hợp tác và tôn trọng.

Sự nghiêng hẳn về Mỹ của Việt Nam sẽ thành một thất bại ngoại giao chấn động Hoa lục, làm nền chính trị nước này thêm lúng túng, mâu thuẫn, bớt thói càn rỡ và nhiều khả năng là sẽ quay ra xoa vuốt và chèo kéo lại Việt Nam.

Về đối ngoại nếu cần phải thắt con gấu trúc Đại Hán vào hail ần túi. Nút thắt thứ nhất là Nga-Nhật-Việt Nam và Ấn Độ. Nút thắt thứ hai làTây Âu, Mỹ, Úc Châu.

Châu Âu, châu Mỹ đánh giá Á châu là “huyền bí”. Đây thực sựkhông phải câu chuyện về hạt Higgs, chủ đề tìm kiếm của nhân loại suốt 45 nămqua. Khi con người khát khao đi tìm lời giải cho những phần còn lại của những cấu tạo bởi năng lượng đen huyền bí bởi cái vật chất mà chúng ta nhìn thấy chỉ chiếmcó 4% vũ trụ. Thực ra về chính trị đây là một cách nói cho đẹp mà thôi. Họ thấy châu Á là nơi thiếu vắng sự trung thực và thẳng thắn, nơi nói một đằng làm một nẻo, lời nói luôn  không đi đôi với việc làm. Chính trị Á châu với những đại diện kiểu như Trung Quốc và Việt Nam hôm nay là nơi hạt ngay thẳng còn chưa có đất để đâm chồi nẩy lộc.

Làm sao giải được bả Tàu? Làm sao thoát Trung? Làm sao để một Trung Quốc hiếu chiến nếm thất bại và một Trung Hoa hòa hiếu ra đời. Ai sẽ dậy được Trung Hoa hôm nay bài học? Ai sẽ một lần nữa chỉ cho thế giới thấy rằng một Trung Hoa bá đạo là một Trung Hoa yếu? Việt Nam cần và có thể làm điều đó và làm được bằng cách khá nhẹ nhàng.

Sống cạnh một dân tộc nhiều tham vọng và thách thức nhưTrung Quốc quả là điều không mấy dễ thở. Nhưng trong họa có phúc. Có vậy chúng ta mới là một dân tộc cứng cáp. Sao ta luôn lấy người làm bài học cho mình mà không trở thành bài học sáng cho người. Năm 1978 Đặng phát động cải cách ởTrung Quốc, năm 1984 Liên Xô tiến hành  cải tổ thì mãi tới năm 1986 ta mới chịu chính thức đặt chân vào con đường đổi mới.Các nước lớn muốn thay đổi khó hơn nhiều so với các nước nhỏ. Sao ta không dẫn đầu phong trào thay đổi chính ta và thế giới ngay từ bây giờ. Khi Việt Nam giải quyết tốt, nhanh chóng vấn đề dân tộc, dân chủ thì chính Trung Quốc cũng nổ tung và rung chuyển. Ta có thế để chuyển hóa được êm đềm, không đổ vỡ, không có xáo trộn lớn vì ta nhỏ, dân tộc ta khá đồng nhất, các gốc xung đột của ta không nặng nề đến như của họ. Sự thay đổi nhanh chóng của ta sẽ làm họ lâm vào thế bị động. Không thể câu giờ mà bất động hay chậm chạp hơn được nữa.

Bài toán đoàn kết tăng nội lực cha ông ta đã có sẵn lời giải.Ở thế kỷ XIII chắc chả có mối thù nhà nào lớn hơn giữa cha Trần Hưng Đạo và cha Trần Quang Khải. Vậy mà hai ông còn tự tay tắm cho nhau, ngày đêm cùng lo toan việc nước.  Có vậy triều Trần mới là một  triều đại cường thịnh đã không cho phép kẻ xâm lược dù là mạnh nhất thời đó trú đóng lâu trên lãnh thổ mình.

Cùng với thay đổi hiến pháp, Việt Nam cần xây dựng cho mình một cơ chế uyển chuyển có khả năng tự sửa sai và tự điều chỉnh cho toàn xã hội.Xuất phát điểm của xã hội phải là các lợi ích cá nhân và điểm đến tỏa sáng cuối cùng của mỗi cá nhân là phúc lợi cho toàn xã hội. Phải có một lộ trình pháp chế xây dựng xã hội tổng hòa các lợi ích cá nhân dần hướng tới một xã hội hiền hòa và bền vững, đặt căn bản trên sự tin cậy và trách nhiệm. Là một nước mưu cầu phát triển, Việt Nam phải thực tâm coi trọng các giá trị thực tiễn thì mới mong đi khác đường Trung Quốc, bỏ lại đằng sau nước Tàu và nhanh chóng vượt nó.

Không thể khoác tiếp bộ đồng phục cùng màu sắc với nền chính trị Trung Hoa!

Bá vai Mỹ cùng đồng minh thì được lợi gì?

Những người khác cho rằng chơi với Mỹ mất đảng. Dĩ nhiên chẳng cứ ĐCS Trung quốc hay ĐCS Việt Nam, bất cứ đảng chính trị cầm quyền dù ở nước nào nghênh ngang đi trái chiều quyền lợi dân tộc và lệch hướng phát triển của thời đại không chóng thì chầy cũng gặp tai nạn và sụp đổ. ĐCS nếu kinh qua bất kỳ cuộc chơi nào mà ngày càng mang lại nhiều thứ mà bất kỳ người dân nào cũng nằml òng và mong đợi là: độc lập- tự do- hạnh phúc thì chẳng có cách gì mà bị tuột ra khỏi cuộc chơi.

Mỹ đóng quân cả ở Nam Hàn và Nhật cả hơn nửa thế kỷ nay nhưng không ai nói các chính phủ Nhật và Nam Hàn là bù nhìn của Mỹ. Bù nhìn không thể tiến bộ hơn cả Mỹ nhiều mặt.

Với Việt Nam, Mỹ có nỗi buồn thua trận, nhưng đó là hội chứng của quá khứ. Với Trung Quốc thì Mỹ đang bị thách thức vai trò lãnh đạo, các lợi ích chiến lược của Mỹ đều bị xâm hại. Nâng tầm cho Việt Nam cũng là lợi ích chiếnlược của Mỹ. Khi Trung Quốc cần các nhà độc tài thì họ nhắm mắt chuyện thể chế chính trị viện cớ không can thiệp chuyện nội bộ thực chất là giữ lợi thế thao túng. Khi chưa xác định được chỗ đặt chân thì cây bài dân chủ Mỹ phải được đập lên mặt bàn. Nước bài nào và chiêu thức nào cũng chỉ là câu chuyện quyền lợi quốcgia của họ mà thôi.

Người Việt phải tự mà lo giải lấy bài toán dân chủ nhằm nâng cao nội lực của chính mình. Ngay cả cha mẹ bây giờ còn khó cậy quyền ép đặt đâu con ngồi đấy. Sinh mệnh chính trị của mọi người Việt, của dải đất hình chữ S này phải do toàn dân Việt cùng lo lấy.

Để cho người dân mất phương hướng về chính sách đối ngoại quốc gia là một chủ trương thiếu sáng suốt. Bao nhiêu phản lực của tình yêu nước sẽ không những giáng vào quân thù mà còn đập cả vào chính quyền. Cùng biên giới biển với Trung Quốc có chính phủ nước nào hành động quá thận trọng đến dường như sợ hãi và thiển cận kiểu chính phủ Việt hôm nay? Phải tăng cường hiểu biết và quyền lợi xác đáng cho người dân, tức là phải cần dân chủ hóa. Dân có mạnh thì nước mới cường. Không trao trả độc lập cho Việt Nam một cách đàng hoàng, quân viễn chinh Pháp đã gánh thất bại nhục nhã trên chiến trường Đông Dương. Không trao trả dân chủ cho nhân dân, các chính thể độc tài đã phải ra đi trong máu lửa. Đừng để người dân phải tự thực thi quyền dân chủ khi đã bị ép đến đường cùng.

Khi Mỹ thông báo là chuyển trọng tâm vào châu Á Thái Bình Dương thì tức là Mỹ đã xếp sự thách thức về an ninh, quốc phòng và quân sự của Nga là sau Trung Quốc. An ninh là để bảo vệ cho quyền lợi kinh tế. Châu Á Thái Bình Dương sẽ mang lại nhiều quyền lợi kinh tế trong thế kỷ này hơn châu Âu cho Mỹ. Vì vậy Thái Bình Dương là nơi phải dành được sự quan tâm hơn Đại Tây Dương.

Cũng giống Việt Nam Nhật cũng khổ sở nhiều bề vì Trung Quốc.Để khỏi lạnh lưng và hở sườn, Nga cũng đang gồng mình giữ các vệ tinh Trung Á của mình không lạc vào cực hấp dẫn Trung Hoa. Nỗi lo của nước Nga trong mấy thập kỷt ới là Trung Quốc chứ không phải NATO. Khi Mỹ chuyển hướng sang châu Á Thái Bình Dương là về thực chất sắp xếp tổng lực canh chừng Trung Quốc chứ không phải canh Nga. Liên minh Nga- Trung hay Mỹ- Trung đã chỉ là liên minh tình thế và nhất thời. Các nước lớn, vì nhu cầu luôn muốn lớn hơn và nuốt nhau, phá nhau nên về đường dài không thể là đồng minh vĩnh cửu của nhau. Trong một thế giới đa cực các nước nhỏ lại có cửa chọn lựa cho mình đồng minh và nhiều khi thủ đắc những lợi ích chiến lược nhất định.

Nhìn đến Mỹ là nhìn về một phương án quản lý và phát triểnxã hội tiên tiến. Hướng tới Mỹ là hướng về nền khoa học và kỹ thuật hùng mạnh, về văn hóa, kể cả văn hóa chính trị có sức lan tỏa hơn nhiều lần Trung Quốc. Không ai muốn Việt Nam làm đầy tớ, Việt Nam phải biết chọn bạn có năng lực và đàng hoàng mà chơi!

Có thể nào không cần thay đổi gì?

Khi choáng ngợp trước sức mạnh, trước thiên nhiên, đi tìm câu trả lời dễ dãi nhất là qui mọi trách nhiệm cho số phận, cho tạo hóa. Vì vậy tín ngưỡng và tôn giáo ra đời. Khi nào con người còn thấy yếu, thấy bé nhỏ trước vũ trụ và kiếp người  thì tôn giáo luôn còn chỗ đứng như một quán tính tâm lý vàvăn hóa.Tuy nhiên để làm điểm xuất phát khởi đầu thì dù Chúa hay Phật cũng phải giữ thân cơ cực, phận nghèo khổ để tìm sự đồng cảm của quần chúng. Nền chính trịcủa một nước nhỏ có thể nào chấp nhận sự dễ dãi? Và ngay cả trong sự ủy thác dầul à dễ dãi ấy cũng phải có sự đồng thuận lớn lao của quảng đại.

Việt Nam không thể là một nước trung lập. Thậm chí cả ASEAN cũng không thể là một khối trung lập. Việt Nam cần làm cho cả Lào và Campuchia cùng hùng mạnh. Khi một nước kết đồng minh với nước khác là họ chia sẻ các giá trị chiến lược. Tuy vậy sức chịu đựng của mỗi con người hay dân tộc đều là có hạn.Làm đồng minh không có nghĩa là một bên thì tính ăn sẵn và được che dù, để bên còn lại luôn thiệt hại và đau đầu. Khi quá mệt mỏi với Nam Việt Nam thì Mỹ cũng phải giã từ đồng minh. Khi các công ty thua lỗ thì các cấp quản trị dù là cao cấp nhất cũng bị sa thải. Khi cần bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa thì tại hội nghị Thành Đô 1990 Việt Nam cũng đã xem nhẹ quyền lợi của chính phủ Campuchia non trẻ do mình mới giúp dựng nên.

Chơi với nước nào thì vấn đề cốt tử vẫn là Việt Nam phải đổi,phải khác so với hôm nay. Hỗ trợ quốc tế dù thật quan trọng nhưng không quyết định thành công lớn cho Việt Nam. Phải biến Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn là thua trong trường  kỳ và thắng trong thời điểm thành một nước Việt Nam mới thắng liên tục trong trường kỳ.

Hiện nay Việt Nam có dân số khoảng 91 triệu. Nga là 143 triệu,Nhật 123 triệu.Trong 30 năm nữa Việt Nam, Nga và Nhật có thể có một dân số tương đương nhau đều xấp xỉ 120 - 140 triệu. Làm sao để vai trò quốc tế và tiềm lực quốc nội của Việt Nam sẽ trở nên tương đương, có trọng lượng ngang bằng Nga và Nhật lúc đó. Đó là thuốc tránh thai hữu hiệu nhất cho chủ nghĩa bành trướng.Đó là sự kỳ diệu mang tên Việt Nam trong thế kỷ này.

Những nước như Anh Pháp Ý Đức... đã phải cùng ngồi với nhau trong liên minh NATO và  EU vì ở thân phận một mình họ đều có cảm giác bất an là nước nhỏ.

Trong ASEAN thì Việt Nam phải đặt quan hệ rường cột vớiIndonesia, hòn đá tảng của khối. Cần mạnh mẽ lên tiếng về cải tổ Liên Hiệp Quốc,nơi Hội đồng bảo an chỉ có một đại diện cho một châu Á đang lên là không thể tương xứng. Cương vị này cả Nhật và Ấn đều xứng đáng.

Khi nhiều tiếng nói đề nghị lập G2 ( Mỹ-Trung), Mỹ đã chủ động lôi kéo thêm đồng minh và không để câu chuyện quản trị thế giới cho Trung quốc có quá nhiều phần thao túng nên đã lập ra G20.

Tại sao chúng ta cả thế kỷ nay cứ phải ngó nghiêng đi đây đi đó để học cải cách? Cả thế kỷ trước là chuyện tìm đường cứu nước còn chơi với ai là chuyện của thế kỷ này! Bài toán dân tộc phải lùi bước trước bài toán dânchủ hay bài toán dân chủ phải giải trước? Hay giải cái này chính là một bước để giải cái kia? Tại sao chúng ta cứ phải luôn tự dối trá với chính mình? Nếu CNXH là một khao khát về công bằng và dồi dào phúc lợi xã hội thì nước chúng ta hiện là một đất nước hiếm hương vị CNXH nhất và không mấy người dân Việt nào ngửi thấy.Tôi có người bạn khi về Việt Nam gặp một bác đại tá quân đội vừa đi thăm con ởCanada về hỏi bác là bác thấy Canada dở nhất là cái gì, bác bảo cái thằngCanada đáng trách nhất là nó xây dựng xong CNXH từ lâu rồi mà nó cứ im ỉm chảc hịu nói gì cả.

Lãnh đạo giỏi là phải lọc ra được con đường quản lý hiệu quả,tạo nhiều sản phẩm phát triển tốt nhất trên bất kỳ cơ sở, điều kiện nào đang có. Phải công bằng rằng chính trường Việt Nam không chỉ toàn một gam màu tối mà cũng có cả những vùng sáng. Cùng một cơ cấu công chức mà Bộ Giáo dục và đào tạo nơi có lẽ có tập trung nhiều loại bằng cấp nhất nước mà chuyện giáo dục Việt Nam mãi không thấy ngóc đầu lên. Trong khi đó phải nói là Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm được ít nhiều việc đáng khích lệ trên trường giao tiếp quốc tế.

Cùng chịu sự quản lý của một Bộ Ngoại giao mà ở các nướccông nghiệp phát triển tôi chưa nghe thấy có điều gì thật cộm, trong khi đó các đại sứ quán Việt Nam ở Đông Âu, đặc biệt là Nga (nơi đại sứ có phẩm hàm cao hơnnhiều đại sứ Việt tại các nơi khác) thì toàn nghe chuyện bỉ ổi, ăn bẩn, làm thối của sứ quán hết năm này qua năm khác.

Vấn đề là đất  nào thì hoa trái ấy. Nơi nào sự trong lành là chủ đạo thì sự thối nát cũng khó chen chân được vào. Điểm mấu chốt nữa là nơi mỗi người dân có thực quyền thì sự tha hóa của quyền lực cũng khó có cơ hội nẩy nở. Làm sao đưa Việt Nam thành một mảnh đất như vậy?

Như văn hào vĩ đại Nga Leo Tolstoy đã nói đại ý cách cửa đang được mọi người cố sức đẩy ra nhưng thực ra cách mở lại là nhẹ nhàng kéo nó vào trong. Câu chuyện của Việt Nam hôm nay là thế.

Năm 1975 Andrei Sakharov được trao giải Nobel hòa bình, 15 năm sau Liên Bang Xô Viết độc tài sụp đổ. Năm 1991 Aung San Suu Kyi dược trao giải này và năm 2011 nước quân phiệt Miến Điện bước vào con đường dân chủ hóa.Năm 2010 Liu Xiaobo của Trung Quốc được trao giải và bài toán độc tài Trung Hoa sẽ được nhhân dân Trung Hoa giải sau ít năm nữa. Giải Nobel hòa bình nhiều khi đã như những phát pháo hiệu báo trước sự thay đổi phải đến và sẽ đến. Nếu cứ bám theo con đường Trung Quốc thì khi Trung Quốc đổ, chẳng lẽ Việt Nam lại một lần nữa làm thân phận con côi bơ vơ như hồi thập kỷ 90 đợt TBT Nguyễn Văn Linh và cốTT Phạm Văn Đồng sang Bắc chầu?

Nói một cách ôn hòa và chua xót nhất là như Tổng thống Tiệp“chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất để tới chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa tư bản là một sự phát triển khách quan và tất yếu của lực lượng sản xuất. Chủnghĩa xã hội là sự mầy mò, phỏng đoán của con người về một mô hình phát triển xã hội khi chưa có bà đỡ là lực lượng sản xuất tương thích ra đời. Về lý luận XHCNchưa thấy ai vượt tầm các nhà tư tưởng châu  Âu vậy mà họ phải từ bỏ cuộc chơi lâu rồi. Giờ ta lại kiên quyết vừa làm vừa đoán vừa dấn tới. Thực tế kết quả một lần nữa lại cũng như một sư tổ của chủ thuyết cộng sản đã cảnh báo: sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt chỉ có thể là đại phá hoại mà thôi.

Tội phản quốc cần được treo vào cho bất kỳ chính sách nào làm cho nước Việt Nam  yếu. Với một dân tộc nhỏ như Việt Nam, dẫu chỉ một kẻ muốn đổi sang họ “Tập” đã là quá nhiều!
 Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)
(Quê Choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét