Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Mốt hoành tráng và “đất nước của những cái lạ”

Mốt hoành tráng và “đất nước của những cái lạ”

Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn một mình một chợ, không bước kịp với văn minh nhân loại?
I-Tuần này, nợ xấu còn chưa qua, nợ công đã… sồng sộc đến!
Số liệu công bố mới nhất của Chính phủ cho thấy đến hết năm 2014, nợ công dự kiến lên đến 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP (Người lao động, ngày 14/10). Nợ công, là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ (từ TƯ đến địa phương) đi vay hỗ trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Để hiểu được tính chất quy mô nợ công, người ta thường đo khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Cũng tính đến 09 giờ ngày 14/10, đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist.com cho biết, nợ công của VN ở mức trên 84,607 tỷ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD/ người. Nợ công đến thời điểm này, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013, GDP bình quân đầu người của VN là 1.910 USD/ 
người.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
                           Ảnh minh họa: Khều
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước VN, nợ xấu (là các khoản tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, mà không thể thu hồi lại được, do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản) ở thời điểm tháng 09/2014 là 500.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013 (tính trên tổng dư nợ cho vay).
Như vậy cả nợ công và nợ xấu đều có chiều hướng tăng- làm thành một cặp đôi… hoàn hảo trên “vũ trường” kinh tế nước Việt.
Đáng chú ý nữa, mặc dù quy định của Quốc hội thì nợ công -64% - vẫn nằm ở ngưỡng an toàn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực chất nó đã ở mức cận kề rủi ro, rất đáng lo ngại. Vì bản chất của nợ công không chỉ nằm ở tỉ lệ % so với GDP, mà quan trọng là cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay để đầu tư công.
Cứ theo khái niệm bản chất này, thì từ năm 2012, VN đã bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ và mức đảo nợ này ngày càng… lớn. Năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang leo thang (Người Lao động, ngày 14/10)
Thực trạng kinh tế nước Việt với những món nợ công, nợ xấu khiến cho ai nhìn vào những con số “có hồn” biết nói, cũng….ngơ ngẩn sầu.
Chợt nhớ tới câu chuyện thời bao cấp. Có một người đàn bà rất nghèo, thường xuyên phải đi vay tiền nuôi đàn con thơ trứng gà trứng vịt. Mỗi lần đi vay, bà hay mặc chiếc áo cánh phin nõn, gấu áo, cổ áo đều bô đê- mốt áo của những người đàn bà thành phố có của ăn của để thời đó, tay bà đeo chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ, trông rất hào nhoáng. Chỉ để cho mọi người có lòng tin rằng bà có đủ khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, hiện tượng các địa phương sính mốt thời thượng- xây trụ sở to, hoành tráng bỗng nổi lên, khiến dư luận thêm một lần nổi sóng.
Người Việt mình vốn hay đua nhau theo phong trào. Nhưng cái tâm lý tiểu nông con gà tức nhau tiếng gáy thì muôn đời… truyền thống. Dư luận xã hội cách đây ít lâu xôn xao vụ việc nhà vệ sinh tiền tỷ, dát vàng, trong khi có không ít những bé thơ chân đất, bụng đói đi học. Xôn xao về cái tính "ăn tục" không từ một thứ gì. Nay lại xôn xao kính nể những trụ sở hành chính các tỉnh đua nhau thể hiện mình.


Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa
                            Ảnh minh họa: Vietq.vn
Nói cho công bằng, diện mạo một địa phương, đương nhiên phải thể hiện được cả cái uy, cái thế, và cả cái “nhân” với nhân gian. Nhưng điều đáng nói, kinh tế nước Việt đang ốm o, kinh tế địa phương nhiều tỉnh còn phải trông vào bầu sữa TƯ, mà thực chất cũng là tiền dân. Thì cái cách chọn thời điểm để thể hiện mình rất không cân xứng với tiềm lực kinh tế đã đành, mà còn đua nhau kiểu phi hoành tráng bất thành Ủy ban?
Thế nên, cả xã hội ngợp trước độ… chịu chơi của các tỉnh.
Đứng đầu tỉnh miền núi phía bắc, phải nói là Lai Châu. Một tỉnh miền núi cao, nghèo nhất nhì cả nước, thu nhập bình quân cũng… rứa. Vậy mà mới đây, Lai Châu hoàn thành Khu hành chính tập trung của tỉnh, với tổng diện tích sàn lên đến 42.000m2 , tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng. Và công trình này vừa được tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng VN năm 2010”.
Tỉnh bắc đã vậy, tỉnh nam cũng không kém cạnh. Đến thời điểm này, đứng đầu là trụ sở UBND tỉnh Bình Dương. Với tòa nhà hành chính cao 20 tầng, hai tòa tháp, trụ sở này ngốn 1400 tỷ đồng. Không chịu thua, tỉnh Đồng Nai đang dự kiến xây trung tâm hành chính của tỉnh, với diện tích sàn xây dựng 122000 m2, và số vốn đầu tư dự kiến hơn 2200 tỷ đồng.
Mặc dù mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng trụ sở làm việc và hội trường cấp ủy Hậu Giang tọa lạc trên 3,3 hecta, với tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng, cũng được thiết kế rất hiện đại.
Chịu chơi nhất các tỉnh miền trung phải là UBND t/p Đà Nẵng, với một khối kiến trúc tân kỳ có 34 tầng nổi, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Và mới đây nhất là tỉnh Hải Dương. Khu hành chính tỉnh này rộng khoảng 19,15 héc ta, với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng sẽ mọc lên nay mai, gây nên bao đàm tiếu.
Trong khi tài năng điều hành, hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế- xã hội- dân trí các địa phương đó có “sánh” ngang với những trụ sở hoành tráng, diễm lệ hay không lại là chuyện khác. Nếu biết rằng có những tỉnh đã và đang xây trụ sở hoành tráng, hàng năm vẫn “vác rá” xin hỗ trợ.
Cái cách đua nhau chơi sang trước con mắt người dân nghèo, theo các chuyên gia kinh tế, quản lý xã hội, có nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân dở nhất, đó là bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích này lại xuất phát từ những …tiêu chuẩn rất lạ của nước Việt- đó là cách tính GDP.
Nước Việt nên gọi là “đất nước của những cái lạ”. Cách tính nợ công đã chẳng giống đâu. Nay lại đến cách tính GDP.  Khiến cho người đứng đầu CP từng phải nhận xét: "Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai".
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới), và Ts Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế), với cách tính GDP hiện nay, xây dựng cơ bản có mối liên quan rất chặt chẽ đến việc quyết toán chi phí, làm tăng trưởng GDP. Mà được tiếng tăng trưởng, tỉnh nào chả thích?
Mặt khác, dự án càng lớn, khả năng “hoa hồng” nở trên các công trình xây dựng, trên sắt, thép, bê tông càng… bẫm. Tự lúc nào dân gian cũng nhìn thấu “tình yêu hoa hồng” này, nên có câu tổng kết đắng chát: Muốn có ăn thì phải đẻ ra các dự án. Thế nên, xây trụ sở hoành tráng là được anh được ả được cả đôi bên. Tội gì không xây, vừa có tiếng vừa có miếng. Dù cái tiếng ấy là … tai tiếng
Nếu GDP nước Việt biết nói, thì sẽ nói gì nhỉ? Hay sẽ nói một cách cay đắng- toàn là của ta phúc các người?
Nhưng cái phúc ấy rất khó bền. Bởi đôi chân kinh tế nhiều tỉnh đang phải  “đứng kiễng”. Một ví dụ sinh động hiển nhiên mới đây. Có trụ sở to nhưng chỉ số năng lưc cạnh tranh (PCI) một số tỉnh bỗng không chịu… cạnh tranh mạnh nữa. Năm 2013, Vũng Tàu bị tụt 18 hạng, đứng thứ 39/64 tỉnh, t/p cả nước. Còn tỉnh Bình Dương đang thứ hạng 19 (năm 2012) bỗng tụt xuống thứ 30.
Chả lẽ, các địa phương có trụ sở hoành tráng cũng nên chuẩn bị sắm cho mình… chiếc áo phin nõn, cổ áo bô đê cùng với chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ?
                                                  ****************
II- Cách đây hai năm, tháng 10/2012 trong đời sống sinh hoạt nước Việt dấy lên câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Với mục đích, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là chỉ số khách quan, khơi mào cho việc hình thành một lối ứng xử rất văn minh của các quan chức. Đó là văn hóa từ chức. Nay câu chuyện này lại trở lại khi có ý kiến đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào một bộ luật mới.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa

Thật ra, từ chức của các quan chức ở nhiều quốc gia là hành động rất bình thường, thậm chí như tất yếu. Hôm nay quan mai đã lại … dân rồi./ Anh vẫn hiểu làm quan là như thế (xin mượn ý thơ của Xuân Quỳnh). Mới có khái niệm văn hóa lãnh đạo và văn hóa từ chức- cũng là một cặp đôi “hoàn hảo” khác.
Cặp đôi này trở thành một trong những tiêu chí của một xã hội phát triển, con người đề cao văn hóa sống, văn hóa ứng xử với cộng đồng của giới quan chức. Nhìn ra thế giới, văn hóa ứng xử đó khiến cho nhân loại phải nể trọng, tôn trọng, vì tư cách người trong cuộc.
Thế giới vẫn còn nhớ câu chuyện ông Bộ trưởng Giao thông Ai Cập đã từ chức sau tai nạn thảm khốc giữa xe buýt và tàu hỏa (ngày 17/11/2012) khiến 51 em nhỏ nước này thiệt mạng. Rồi ông Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson từ chức ngày 21/6/2012 vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông.
Chỉ tiếc cái văn hóa ứng xử với cộng đồng kiểu đó, trong xã hội ta, còn quá hiếm và quý.
Có duy nhất hai vị quan chức VN từ chức, vì trọng danh dự, lại rơi vào trường hợp cả hai người này vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó là GS TSKH Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học- Bộ GD), và ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Cũng lại thêm một “cái lạ” nữa của nước Việt.
Trong khi đó, có những quan chức khác sai phạm vì kém cỏi năng lực, người dân khẩn thiết đề nghị từ chức, thì lại từ chối. Kiểu như sai vắc xin thì xử vắc xin. Khiến văc xin bỗng như văc… xỉn.
Vì sao ở nước Việt, dư luận xã hội cứ nói hoài về văn hóa từ chức, mà cái văn hóa này không chịu thành… văn hóa? Xét cho cùng, lỗi không chỉ thuộc về con người, mà còn thuộc về xã hội, với những quy chuẩn, đặc điểm tâm lý truyền thống, và những chính sách cụ thể.
Thứ nhất, xã hội ta từ xưa đến nay vẫn là xã hội hư học, trọng “hư danh”. Đến mức một miếnggiữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái danh ở đây chính là cái ghế quyền lực. Mặt khác, tâm lý dòng họ, cộng đồng làng quê vốn rất nặng nề khiến cho cái ghế càng trở nên được tôn vinh, được vẻ vang, bởi một người làm quan cả họ được nhờ.
Thứ hai, các chính sách của Nhà nước bao giờ cũng tính đúng, tính đủ về quyền lợi cho các chức danh quản lý. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn của cái ghế quyền lực. Vì thế con người ta bằng đủ mọi cách để leo lên chiếc ghế quyền lực, mấy ai thích làm … chuyên viên?
Thứ ba, trong bối cảnh chạy chức, chạy quyền là một căn bệnh trầm kha của nước Việt, thì đã có ghế, người chủ cái ghế phải làm sao “quay vòng lợi tức” cho nhanh.  Cái ghế bỗng trở thành một loại "túi Thạch Sanh".
Thứ tư, cái ghế quyền lực luôn gắn với lợi ích, bổng lộc. Đặc điểm này có thể phổ biến ở tất cả các quốc gia. Nhưng lợi ích, bổng lộc đó hoặc sẽ bị kiểm soát, giám sát, hoặc sẽ được… thả nổi tùy thuộc vào cơ chế quản lý, vào nền quản trị mỗi quốc gia minh bạch hay tù mù, văn minh hay tụt hậu. Cái ghế quyền lực, cũng tùy thuộc vào cơ chế, vào nền quản trị quốc gia đó, mà trở thành “ma lực” hoặc chỉ là một phương tiện để con người thực hiện bổn phận công dân do tài năng, năng lực của họ. Cái ghế đó, ở nơi này là phương tiện tỷ thí “chí làm trai”, ở nơi kia là mục đích kiếm lợi vĩnh viễn
Vì thế, hành vi tự giác từ chức, rời bỏ cái ghế quyền lực dễ dàng hay khó khăn, không chỉ tùy thuộc nhân cách, phẩm cách con người cụ thể. Mà còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh của cả một thiết chế văn minh, tiên tiến hay lạc hậu, khoa học hay phi khoa học, xác lập thành lối sống, thói quen tự giác hay không tự giác? Điều đó lý giải những hành vi từ chức ở mỗi quốc gia hoặc nhẹ như lông hồng, hoặc ngược lại, nặng như… đá đeo. Bởi nó cũng là sản phẩm của mỗi nền quản trị, mỗi thiết chế chính trị khác nhau.
Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa

Sự khác biệt về văn hóa từ chức không chỉ là sự khác biệt trách nhiệm cá nhân, mà còn là sản phẩm hành xử khác biệt của hai tầm tư duy, hai nền quản trị khác biệt, cho dù các quốc gia cùng chung sống dưới bầu trời thế kỷ 21. Chẳng thế, câu hỏi đặt ra cho người từ chức ở nước Việt thường là “khôn hay dại”? Mà ít ai đặt ra là liêm sỉ con người, có còn hay không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong trả lời báo Dân trí mới đây, ngày 14/10, cho thấy cái sự khó khăn của người chẳng may phải từ chức:
Cơ chế hiện nay đúng là khó vì khi đã là chính khách, công tác nhân sự rõ ràng phải qua một quy trình, việc “tiến” hay “thoái” đều khó mà tự lựa chọn. Vậy nên để thực hiện việc này phải đồng bộ, Đảng cần tạo ra một nhận thức chung và một cơ chế thuận lợi cho việc từ chức, chứ nếu quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật thì đầu tiên, người từ chức phải ra khỏi Đảng. Mà như thế thì dứt khoát người ta không ra.
Nợ công, mốt trụ sở hoành tráng, hay văn hóa từ chức có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau. Nhưng nền tảng của những vấn đề nóng hổi tính thời sự đó vẫn là câu hỏi nhức nhối: Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn “một mình một chợ”  không bước kịp với văn minh nhân loại?
Sự không bước kịp đồng nghĩa với tụt hậu, cho dù có chiếc… áo phin nõn, gấu bô đê và chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ!
  Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam)

Hồng Kông đồng ý đối thoại với sinh viên nhưng theo điều kiện của Bắc Kinh ?

media
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ phong tỏa một con đường tại khu Mongkok, Hồng Kông, ngày 17/10/2014.
Chiều hôm qua 16/10/2014, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đề nghị đối thoại với phong trào Chiếm đóng Trung Hoàn (Occupy Central) vào tuần tới. Tuy nhiên phe đối lập tỏ ý nghi ngờ « thiện chí » của Lương Chấn Anh.
Theo phân tích của Asia News, trong vòng hai tuần lễ, phong trào dân chủ chiếm đóng nhiều khu vực tại bán đảo Hồng Kông đòi hỏi bầu cử tự do năm 2017. Nguyện vọng này đã được Bắc Kinh chấp thuận và hứa hẹn vào năm 2004. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 vừa qua, Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc ra quyết định cho Hông Kông bầu lãnh đạo hành pháp năm 2017 theo lối trực tiếp, không qua trung gian đại cử tri, nhưng ứng cử viên phải được Bắc Kinh chấp nhận trước.
Phản ứng của phong trào dân chủ như đã thế hiện trong thời gian qua là bác bỏ hoàn toàn điều kiện của Trung Quốc. Cùng lúc phong trào đòi lãnh đạo Hồng Kông hiện nay là Lương Chấn Anh, nhân vật có tiếng tham ô và quá lệ thuộc vào Bắc Kinh, phải từ chức.
Lương Chấn Anh không bao giờ dám nói thẳng với chính quyền Trung Quốc một số sự thật dù trên danh nghĩa ông là lãnh đạo Hồng Kông.
Theo Asia News, cụ thể là trong năm qua hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ và 800 ngàn người tham gia trưng cầu dân ý bán chính thức đòi bầu cử ứng cử tự do. Những sự kiện này không bao giờ được Lương Chấn Anh nêu lên trong các cuộc gặp gỡ với Bắc Kinh.
Đề nghị đối thoại của lãnh đạo Hồng Kông không tạo được tin tưởng trong công luận. Sự kiện cảnh sát Hồng Kông lần đầu tiên đàn áp biểu tình một cách thô bạo đã làm dân chúng bất bình và thất vọng .
Một sinh viên trong tổ chức Occupy Central cho rằng nếu Lương Chấn Anh dựa theo « khung quyết định » của Quốc hội Trung Quốc để đàm phán thì chỉ là chuyện « vô ích ».
Tuy nhiên, Hồng Y Trần Nhật Quân, người luôn sát cánh với phong trào sinh viên học sinh, cho rằng sau khi thành công huy động dân chúng chiếm đóng thành phố, đã đến lúc phong trào chuyển sang phương thức đấu tranh khác.
Tú Anh
(RFI)

Hiệu Minh - Trung Hoa xây dựng CNXH ở…Hoa Kỳ

Người Hoa sở hữu nhà bên Mỹ. Ảnh: Internet
                                               Người Hoa sở hữu nhà bên Mỹ. Ảnh: Internet

Hồi tháng 5-2014, có bài báo viết trên Washington Post về người Trung Quốc mua bất động sản ở phương Tây. Năm 2014, có khoảng 100 triệu người Trung quốc đi du lịch khắp thế giới.
Thử tưởng tượng, trong một năm, cả nước Việt Nam, từ già tới trẻ sơ sinh, đi du lịch nước ngoài, thăm họ hàng, con cái. Kim tự tháp Ai cập, điện Buckingham, tháp Eiffel hay thủ đô Washington DC…lúc nào cũng nườm nượp người Trung Quốc hãnh tiến, tiền đầy trong túi, rút trong tài khoản ở nhà băng nước ngoài không hạn chế.
TPO đưa tin, theo số liệu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 2011, hơn 18.000 quan tham chạy trốn khỏi Trung Quốc, đem ra nước ngoài 800 tỷ nhân dân tệ (130 tỷ USD). Như vậy họ ăn cắp số tài sản gần bằng GDP nominal của VN năm 2013 (170 tỷ).
Người Trung Quốc đi du lịch vì dầu sao họ cũng là nền kinh thế thứ 2 trên thế giới. Từ 1000 năm trước công nguyên mãi tới đầu thế kỷ 20, Mỹ mới là nước soán ngôi của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Nhưng vị trí ấy đang chuyển sang Trung Quốc với 1,3 tỷ dân.
Tuy nhiên, người lục địa đi ra nước ngoài, do hệ thống chính trị độc đảng, không dân chủ, internet bị bóp nghẹt, tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm. Những người giầu có tìm cách cao chạy xa bay, mang theo tiền của ra nước ngoài, tiền sạch có, tiền bẩn cũng có.
Giầu có nên ai cũng gửi con đi những nơi có nền giáo dục tiên tiến nhất. Mỹ, Anh, Pháp, Úc là những điểm đến của thế hệ trẻ Trung Quốc. Mấy tuần trước, tại cửa World Bank, thấy một nhóm các bạn trẻ Trung Quốc đứng xem thích thú trụ sở tài chính lớn trên thế giới này, tôi chụp một pô, đưa lên facebook để chia sẻ rằng, thế hệ trẻ Trung Quốc đi thăm các danh lam thắng cảnh, những trung tâm kinh tế, tài chính lớn của thế giới, trong khi người mình chỉ lo vào shopping mall. Nhiều bạn đọc đồng tình nhưng nhiều bạn cũng phản ứng, tỏ vẻ coi thường người Trung Quốc.
Washington Post cho biết, mấy năm gần đây, 9.3 triệu  người Trung Quốc đã định cư ở nước ngoài, 64% còn lại là những người giầu có ở đại lục cũng tìm đường tương tự. Hoa Kỳ là nơi dễ đầu tư vào bất động sản nên họ tìm cách mua nhà cửa ngay cả những nơi sang trọng. Với số tiền lớn như thế, các nhà đầu tư dễ dàng tìm cách giúp xin visa vào Mỹ. Với nửa triệu đô la, nếu đầu tư vào kinh doanh, Hoa Kỳ sẽ cấp visa tạm 2 năm. Nếu kinh doanh thành công, việc có thẻ xanh chỉ còn là vấn đề thời gian. Người Trung Quốc kiểu gì cũng thành công.
Những nhà đầu tư bất động sản của Mỹ đã đánh hơi được mùi tiền, những quảng cáo in bằng tiếng Trung và có phiên bản tại Trung Quốc ( trang Zillow). Người Trung có thể tìm hiểu, mua nhà cho gần bà con tại nước Mỹ xa xôi. Người Trung có thể kích cầu bất động sản tại Mỹ, bài báo cho hay.
Năm 2013, người Trung Quốc bỏ 11 tỷ đô la để mua bất động sản tại Mỹ, chỉ đứng sau người Canada, hàng xóm lá phong rơi của nước này  Profile of International Home Buying Activity. Trong quí 1 năm 2014, hãng Reuters cho hay, người Trung Quốc đã vượt mặt người Nga trong mua bán nhà tại khu đắt đỏ Manhattan (New York). Khi trang web Zillow đi vào hoạt động, chắc chắn giao dịch nhà cửa sẽ tăng lên đột biến.
Trong vòng hơn một năm qua, họ mua nhà hàng triệu, căn hộ bé nhưng giá từ 1,5 triệu đến 3 triệu đô la, để cho con cái sang Mỹ học. Năm 2013, một phụ nữ Hong Kong trả trả $6.5 triệu đô la để mua một căn hộ hai phòng ở cao ốc One57 tại New York dành cho cô con gái mới hai tuổi để sau này cháu có thể học ở Columbia, Harvard. Một người khác mua bốn căn hộ mỗi căn giá $20 triệu cho người thân trong gia đình.
 
Có khoảng 2 triệu người Trung Quốc có tài sản trên 1,6 triệu đô la, không kể nhà cửa, bất động sản của họ sẽ là nguồn thu nhập lớn cho nước Mỹ, chưa kể hàng trăm ngàn người giàu có tại Hong Kong đang sẵn sàng chuyển nơi ở vì lo tương lai về đại lục.
 
Bạn trẻ TQ thăm World Bank. Ảnh: HM

                                                Bạn trẻ TQ thăm World Bank. Ảnh: HM
 
Hiện nay có gần nửa triệu sinh viên Trung Quốc du học, một nửa trong số đó đang tại Hoa Kỳ. Hầu hết sẽ xin ở lại sau khi tốt nghiệp. Việc người Trung mua đứt bán đoạn nhà cửa bên Mỹ đã gây choáng cho người bản xứ. Tỷ phú Li Ka Shing đã đầu tư vào những căn hộ hàng trăm ngàn đô la ở Canada và hiện đang rao bán cho người đại lục đang tìm đường sang Bắc Mỹ.
Ngay cả những nhà đầu tư đại lục cũng kiếm lời. Một công ty Greenland ở Thượng Hải đã chủ sở hữu một vùng rộng lớn trong nội thành Los Angeles (Mỹ) và Toronto (Canada) với số tiền đầu tư tới 400 triệu đô la. Họ còn dự định xây ở Sydney và hiện có kế hoạch đầu tư 3 tỷ đô la vào Úc. Một công ty khác là China Vanke cũng vừa công bố dự án 620 triệu đô la ở San Francisco.
Cho đến năm 2013, có gần 4 triệu (3,79) người Mỹ gốc Hoa, không kể đến người Đài Loan và từ các nơi khác trên thế giới đổ về, 30% trong số họ đến Mỹ sau năm 2000.
Câu chuyện chống tham nhũng đập ruồi đả hổ của Tập Cận Bình đã đánh động giới giầu có lo sợ, có người mong muốn di tản để có tương lai hơn, có người lo đến lượt mình như Bạc Lai Hy vì tay đã nhúng chàm.
Trong 9 năm (2002-2011), người Trung đã đã tuồn ra nước ngoài khoảng 1,08 ngàn tỷ đô la qua mua bán ngoại tệ bằng đồng ND tệ, trong khi người Nga tuồn 881 tỷ, Mexico có con số 462 tỷ USD. Chính phủ có lệnh cấm không mua bán ngoại tệ, mỗi năm chỉ được 50.000USD, nhưng giới giầu có tìm đủ cách để lọt lưới, thông qua việc mua hàng và chuyển khoản bất hợp pháp ở nước ngoài.
Nếu bạn thấy hàng xóm là một người vẻ mặt Á châu, lặng lẽ, không phô trương, rất có thể đó là một cáo già kiểu Bạc Lai Hy vừa thoát nạn. Tiền vay vốn nước ngoài, do người nghèo đóng thuế, họ tham ô và kiếm chác, lại mang đi nơi khác. Cuộc chống tham nhũng toàn cầu còn lâu mới có hồi kết.
Nhiều nhà lãnh đạo ở một chế độ độc tài, ngoài miệng nói vì dân vì nước, nhưng trong thực tế vơ vét đầy túi, chuồn đi nơi khác, thay vì cùng toàn dân xây dựng CNXH ở quê hương, họ mang của cải sang Hoa Kỳ để có một cuộc đời khác do nền dân chủ có từ mấy trăm năm mà họ từng lên án và nguyền rủa.
Hiệu Minh. 17-10-2014
(Blog Hiệu Minh)
            Tư liệu

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Tác động đối với Biển Đông

348203_US pivot strategy
 Giới thiệu

Hoa Kỳ hiện nay là cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, đồng thời cũng tự coi mình là một “cường quốc trực thuộc Thái Bình Dương”. Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Obama đã tái đẩy mạnh ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực thông qua chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” về phía châu Á – Thái Bình Dương. Vào năm 2012, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một bài phát biểu tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii đã khẳng định: “Tương lai của Mỹ gắn liền với châu Á – Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc vào Mỹ”.[1] Những công bố chính sách mới do chính quyền Tổng thống Obama khởi xướng có mục đích nhằm duy trì sự hiện diện chiến lược lâu dài của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt thông qua việc tập trung sức mạnh hải quân.

Kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã dồn sức vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, đến thời kỳ chính quyền Tổng thống Obama, trọng tâm ngoại giao và lực lượng quân sự lại được chuyển trở về châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2011, Obama đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không chỉ duy trì mà còn tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Bên cạnh việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ quân sự với Philippines, vào cuối năm 2011 Hoa Kỳ cũng công bố kế hoạch luân chuyển 2.500 lính thủy Mỹ ở Darwin, Australia, và triển khai bốn tàu tác chiến ven bờ ở Singapore. Vào tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã phát biểu Hoa Kỳ sẽ điều động 60% tổng lực hải quân của mình đến Thái Bình Dương trước năm 2020.

Quan điểm truyền thống về Biển Đông của Mỹ

Cần phải nhấn mạnh một điểm quan trọng rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ châu Á, cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế. Nhưng chính quyền của Obama dành sự quan tâm đặc biệt và mạnh mẽ hơn hẳn cho khu vực địa lý này, nhất là khi châu Á được mong đợi sẽ là khu vực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong vòng 20 năm tới, đồng thời cũng là nơi có khả năng chứa đựng các thách thức địa chính trị lớn nhất đối với vị thế vượt trội toàn cầu của siêu cường Mỹ. Trong một bài viết gây tiếng vang lớn trên tờ Foreign Policy, bà Hillary Clinton đã lý giải rằng một “bước chuyển chiến lược về khu vực này hoàn toàn phù hợp với nỗ lực chung trên toàn cầu của chúng ta nhằm đảm bảo và duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”.[2]

Vì lẽ này, quyết định xoay trục ngoại giao và quân sự về châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ được nhìn nhận, đặc biệt trong mắt Bắc Kinh, là một phản ứng của Mỹ trước những tham vọng khu vực đang ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định liệu Mỹ sẽ có đủ khả năng theo đuổi những tham vọng dài hạn của họ ở châu Á hay không, cũng như việc Washington và Bắc Kinh liệu có tin rằng hai bên sẽ thu được nhiều lợi ích khi hợp tác hơn là cạnh tranh hay không.

Bài biết này sẽ chú trọng đánh giá về mức độ (và cả phạm vi) ảnh hưởng của chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với các tranh chấp Biển Đông. Bản thân Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng nước này đã tuyên bố có lợi ích cốt lõi đối với tự do hàng hải trên Biển Đông và luôn nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp này dựa theo những nguyên tắc của luật quốc tế. [3]

Hoa Kỳ đến nay vẫn là cường quốc duy nhất đủ khả năng đối đấu với sức mạnh hải quân đang trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là khi nước này huy động Hạm đội 7.[4] Nhưng Washington từ trước đến nay luôn tỏ ra không sẵn lòng tham gia vào các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển nửa kín này.Tình trạng thiếu vắng một thế lực bên ngoài làm sức mạnh đối trọng trong các vùng biển tranh chấp như hiện nay không bắt nguồn từ bất cứ cuộc rút lui chiến lược nào ra khỏi khu vực của Mỹ. Thay vào đó, thực chất điều này xuất phát từ việc Hoa Kỳ không sẵn sàng can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Dù luôn theo sát những diễn biến xảy ra trên Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn kiên quyết giới hạn lợi ích của mình chỉ trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải và khả năng di chuyển mà không gặp trở ngại qua vùng biển này của Hạm đội 7. UNCLOS đảm bảo tự do hàng hải, quyền di chuyển qua lại không gây hại (innocent passage), và quyền lưu thông qua eo biển. Cũng cần phải lưu ý một điểm quan trọng là trong bối cảnh hiện nay của Biển Đông, quy tắc tự do hàng hải được nhắc đến ở đây chủ yếu gắn liền với các quyền tự do lưu thông trên biển và trên không dành cho các tàu và máy bay quân sự, do hiện lưu thông thương mại không gặp phải hạn chế đáng lo ngại nào trên những vùng biển tranh chấp.[5] Vì lợi ích kinh tế của bản thân, Trung Quốc hẳn sẽ không có ý định ngăn trở các tuyến đường biển của tàu bè (thương mại) qua Biển Đông.

Trong trường hợp xung đột nổ ra ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho Đài Loan hay Philippines đến mức độ nào vẫn còn là điều chưa thể nói trước. Một điểm đáng lưu tâm ở đây là giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có tồn tại một phần thỏa thuận tạm thời về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Cả hai bên đều nhận thức các quần đảo này đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc khi đặt trong bối cảnh cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á. Washington đã nhiều lần phát biểu rằng những phần lãnh thổ mà Philippines yêu sách ở Biển Đông không nằm trong Hiệp ước Quốc phòng Song phương ký ngày 30/8/1951 vốn đang liên kết Philippines với Mỹ.

Điển hình như vào ngày 08/02/1995, Philippines phát hiện người Trung Quốc đang xâm phạm đảo Vành Khăn thuộc vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, sự kiện đảo Vành Khăn lại không thổi bùng phản ứng ngoại giao mạnh mẽ nào từ Mỹ, ngoại trừ một bài phát biểu về tự do hàng hải. Joseph Nye, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh quốc tế thời điểm đó, đã tuyên bố vào ngày 16/6/1995 rằng Mỹ cam kết sẽ đảm bảo quyền lưu thông tự do của tàu thuyền trong trường hợp có xung đột nổ ra trên quần đảo Trường Sa gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Tương tự, Việt Nam đã không đạt được một thỏa thuận liên minh ngầm hay chính thức nào với Mỹ về Biển Đông, bất kể quan hệ song phương hai bên đã có những khởi sắc quan trọng từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 11/7/1995.

Bước chuyển trong những năm gần đây?
Trong những năm gần đây, lập trường của Mỹ về cơ bản vẫn không hề thay đổi. Washington vẫn từ chối nghiêng về phía bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền này và tiếp tục giới hạn lợi ích cốt lõi của mình vào tự do hàng hải trong những vùng biển tranh chấp. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại về sự phát triển của hạm đội Nam Hải (dù quá trình này diễn ra với tốc độ chậm), và vẫn chưa xác định được chắc chắn mức độ cam kết của Trung Quốc đối với nguyên tắc tự do hàng hải ở những vùng biển tranh chấp. Bên cạnh đó, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân dưới lòng đất gần Tam Á trên đảo Hải Nam. Căn cứ này sẽ giúp mở rộng mạnh mẽ sự hiện diện chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông bởi nó hỗ trợ cho các tàu ngầm của nước này tăng cường hoạt động trong những vùng biển tranh chấp.

Một diễn biến nghiêm trọng xảy ra năm 2009 đã làm sâu sắc mối quan ngại của người Mỹ về cách hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc. Tháng 3/2009, một số tàu hải quân và tàu tuần tra dân sự của Trung Quốc đã quấy rối tàu giám sát đại dương USNS Impeccable của Mỹ ở phía nam đảo Hải Nam. Vụ việc này đã gây quan ngại ở Washington và gần như tất cả các nước Đông Nam Á. Trong khi Bắc Kinh cáo buộc tàu Impeccable thực hiện nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và do đó cần phải có sự cho phép của Trung Quốc, phía Washington lại tranh cãi rằng những hoạt động của tàu thăm dò này hoàn toàn chính đáng thể theo nguyên tắc tự do hàng hải. Mỹ cùng các bên yêu sách ở Đông Nam Á đã nhìn nhận vụ tàu Impeccable là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt hơn trên Biển Đông.

Một vụ leo thang nguy hiểm khác xảy ra vào tháng 4/2012 khi các tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Điểm đặc biệt là ở chỗ, những sự kiện này rơi vào đúng thời điểm Philippines và Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự hàng năm trên đảo Palawan.[6] Sau khi giới chức hải quân Philippines phát hiện có một số tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi cạn đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, một tàu hải quân Philippines đã có mặt và cố gắng bắt giữ ngư dân Trung Quốc dựa theo cáo buộc xâm phạm và đánh bắt trái phép. Song hai tàu hải giám của Trung Quốc khi đó đã can thiệp và ngăn cản cuộc bắt giữ này.

Sự việc này đã thổi bùng một cuộc đối đầu gay go giữa tàu hải quân Philippines và các tàu hải giám Trung Quốc, và cuối cùng dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều tuần giữa Bắc Kinh và Manila.[7] Trong trường hợp nổ ra va chạm vũ trang giữa Hải quân Philippines và tàu Trung Quốc, Mỹ sẽ có nghĩa vụ phải tham vấn cho Manila với tư cách là một đồng minh hiệp ước và khả năng sẽ bị lôi vào tranh chấp này. Washington đã từng cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro kéo theo nếu một viễn cảnh như vậy thành hiện thực.

Chiến lược tái cân bằng và nền ngoại giao đa phương của Mỹ

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã khẳng định rằng Mỹ dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền này, nhưng sẽ phản đối mọi hành động đe dọa đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Một bài phát biểu khác của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 cũng đã nêu rõ Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải trên Biển Đông và điều này còn khiến Bắc Kinh tức giận nữa. Bắc Kinh đã nhìn nhận những lời bình luận của Ngoại trưởng Mỹ là một dạng can thiệp từ bên ngoài. Nói về phát biểu của mình tại cuộc họp ARF năm 2010, bà Clinton sau đó đã viết trong bài đăng trên Foreign Policy rằng “Hoa Kỳ đã giúp định hình một nỗ lực tầm khu vực trong việc bảo vệ quyền tiếp cận không hạn chế cũng như quyền lưu thông qua Biển Đông, đồng thời ủng hộ những luật lệ quốc tế cơ bản về xác định các tuyên bố lãnh hải trên các vùng biển thuộc Biển Đông.”[8]

Ngoài Mỹ còn có 11 nước tham dự ARF khác, trong đó có tất cả các nước yêu sách ở Đông Nam Á, cùng đề cập đến các tranh chấp này trong bài phát biểu của họ. Trung Quốc trước đó đã cố gắng giữ vấn đề Biển Đông nằm ngoài chương trình nghị sự của ARF cho đến năm 2010.[9] Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm đó và là chủ tọa của ARF, Việt Nam đã tìm cách quốc tế hóa việc thảo luận về Biển Đông vào năm 2010. Tuyên bố về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ đối với tự do đã được bà Clinton tái khẳng định tại cuộc họp ARF tổ chức ở Bali vào tháng 7/2011.

Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng nêu vấn đề Biển Đông ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Bali tháng 11/2011. Ông nhấn mạnh một lần nữa rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở đây nhưng lợi ích của nước này có bao hàm cả tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế trong khu vực không bị cản trở. Mười sáu trong số 18 lãnh đạo có mặt tại hội nghị này đề cập đến an ninh hàng hải trong các bài phát biểu của họ.[10] Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phản ứng lại bằng cách tái khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp Biển Đông.

Song, sau nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam và Indonesia, ba chủ tịch luân phiên hàng năm sau đó, gồm Campuchia, Brunei và Myanmar, đã được dự đoán sẽ tìm cách nhượng bộ với Bắc Kinh bằng cách hạn chế tối đa việc đưa Biển Đông lên bàn hội nghị quốc tế. Suy đoán này đã từng thành sự thực trong nhiệm kỳ chủ tịch của Campuchia năm 2012. Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 7/2012, các nước Đông Nam Á đã không thể ra một thông cáo chung do những bất đồng về vấn đề Biển Đông. Philippines nhất quyết yêu cầu phải có đoạn nhắc đến vụ đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh tại bãi cạn Scarborough xảy ra trước đó nhưng Campuchia, với vị thế Chủ tịch ASEAN và là đối tác kinh tế thân thiết của Bắc Kinh, đã bác bỏ ngay lập tức với lý do những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc là vấn đề song phương. Bà Hillary Clinton khi tham dự hội nghị ARF diễn ra sau đó cũng không xen vào vấn đề nội khối này của ASEAN. Các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã không thể tiến hành các vòng đàm phán COC tại Hội nghị ASEAN tháng 11/2012 do Bắc Kinh không ủng hộ hoạt động này.

Trên hết, vấn đề Biển Đông tiếp tục gây chia rẽ trong ASEAN. Điều này bắt nguồn từ tình trạng thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên về cách thức giải quyết đối với những tranh chấp chủ quyền, và rộng hơn là đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bất đồng của ASEAN được cho là đang gây xói mòn ảnh hưởng khu vực của chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Sự can dự của Mỹ vào đây cũng mất dần tác dụng chiến lược trong bối cảnh thiếu vắng sự đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á.

Phản ứng của khu vực đối với chiến lược tái cân bằng

Sự phân phối quyền lực ở Đông Nam Á vẫn đang ở trong trạng thái động và chưa cố định, góp phần khiến cho tình hình khu vực thêm bấp bênh và chứa đựng nhiều bất ổn tiềm ẩn. Giai đoạn kể từ năm 2010 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng các vụ va chạm về vấn đề Biển Đông, bao gồm hành động quấy nhiễu các tàu thăm dò, cắt cáp và liên tục bắt giữ ngư dân. Trước tình hình này, phía Philippines và Việt Nam đã tìm cách tăng cường lực lượng hải quân của mình cũng như các cấu trúc quân sự trên các bãi đá ngầm và đảo thuộc quyền sở hữu của mỗi nước. Điển hình như vào tháng 4/2009, Hà Nội tuyên bố hợp đồng mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Việt Nam đã nâng cấp các mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và hoan nghênh chiến lược tái cân bằng của nước này. Hai bên đã tiến hành các hoạt động hải quân chung và Hà Nội cũng đã mở cơ sở sửa chữa thương mại tại Vịnh Cam Ranh cho tất cả các lực lượng hải quân. Panetta đã có chuyến ghé thăm Vịnh Cam Ranh vào tháng 6/2012, trước đó lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã gửi các tàu thuộc Tư lệnh Hải vận Quân sự (Military Sealift Command) đến đây để tiến hành các sửa chửa nhỏ. Tương tự, Manila cũng công khai hỗ trợ chiến lược tái cân bằng của Mỹ thông qua củng cố thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ, tổ chức ngày càng nhiều các cuộc tập trận hải quân chung, và còn đề nghị Washington cho triển khai máy bay trinh thám trên Biển Đông.[11] Bên cạnh đó, Philippines còn đề xuất cho Mỹ quyền tiếp cận rộng hơn vào các căn cứ quân sự của nước này để đổi lấy tăng cường hỗ trợ quân sự.

Hà Nội và Manila cùng phản ứng tích cực với chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ xuất phát từ những lo ngại ngày càng lớn của họ trước cách hành xử tái quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, quan tâm chủ yếu của Mỹ là về bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải tại những vùng biển tranh chấp trong bối cảnh sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Điều này đã giúp Philippines và Việt Nam có thêm lợi thế đối trọng về ngoại giao trong các tranh chấp chủ quyền của bản thân mỗi nước với Trung Quốc, từ đó mạnh tay hơn trong cách hành xử của họ khi đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.[12] Tuy vậy, phía Philippines và Việt Nam vẫn còn e ngại liệu chiến lược của Mỹ có được kéo dài trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiến hành cắt giảm ngân sách. Hơn nữa, dù luôn hoan nghênh chiến lược tái cân bằng kể trên, hai quốc gia Đông Nam Á này vẫn không muốn bị đặt vào tình thế buộc phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Washington.

Vậy còn phản ứng của Bắc Kinh trước chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ? Những sáng kiến Mỹ khởi xướng gần đây nhìn chung khiến Bắc Kinh lo ngại. Cụ thể hơn, hiện trong giới lãnh đạo Trung Quốc tồn tại một niềm tin mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ đang đẩy mạnh can dự vào Biển Đông và như vậy đồng nghĩa là Washington đang can thiệp vào vấn đề mà nước này coi là song phương với bốn nước yêu sách ở Đông Nam Á. Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, “chắc chắn hai nước không thể tránh khỏi một cuộc cạnh tranh nhằm “thu phục lòng người” ở Đông Nam Á”.[13] Và trên phương diện tổng thể, cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đông Á đã gây ảnh hưởng đến các tranh chấp Biển Đông. Tình trạng đối đầu và cạnh tranh leo thang giữa các cường quốc lớn ở Biển Đông hẳn nhiên sẽ khiến việc dàn xếp xung đột ở những vùng biển tranh chấp thêm phần phức tạp.

Trong mắt Trung Quốc, chiến lược tái cân bằng của Mỹ nói chung và việc trọng tâm của chiến lược được đặt vào vấn đề Biển Đông nói riêng đều là một động thái nhằm kiềm chế quá trình trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc ở châu Á. Nhìn nhận từ quan điểm của nước này, Hoa Kỳ đang kìm hãm Trung Quốc thông qua việc tăng cường các mối liên minh song phương và triển khai thêm quân cùng phương tiện vào khu vực. Bắc Kinh cũng coi những hành động gần đây của Philippines tại các vùng biển tranh chấp – ví dụ như trên bãi cạn Scarborough – là do Washington giật dây. Đối với Trung Quốc, Mỹ đang dựng lên vấn đề tự do hàng hải nhằm hợp pháp hóa quá trình tăng cường hiện diện quân sự của mình trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhận ra rằng chiến lược tái cân bằng này chỉ triển khai lực lượng quân sự một cách giới hạn, và do vậy không ảnh hưởng quá lớn đến quá trình phân bổ quyền lực ở châu Á.

Ở cấp độ ngoại giao, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn thực hiện cách tiếp cận tránh đối đầu đối với vấn đề Biển Đông, từ đó tìm cách ngăn chặn khả năng các tranh chấp này bị quân sự hóa quá mức. Bắc Kinh và Washington coi giải quyết Biển Đông là một vấn đề đòi hỏi các biện pháp ngoại giao hơn là quân sự, và cho đến thời điểm hiện tại hai bên cùng tạm bằng lòng giao vai trò chủ trì quá trình giải quyết xung đột cho ASEAN.

Mặc dù vậy, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng về nơi thích hợp để đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận cũng như biện pháp thích đáng để giải quyết. Trong khi Mỹ muốn Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm ở ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) và EAS, và sau cùng phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, thì tất cả những biện pháp này lại đều rất khó chấp nhận đối với Trung Quốc.[14] Bắc Kinh vẫn lo sợ trước bất kỳ nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông nào, thay vào đó nghiêng về ủng hộ thảo luận song phương những vấn đề này với các nước yêu sách Đông Nam Á hơn. Theo hướng tính toán này, rõ ràng Trung Quốc coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã gây ra một tác động tiêu cực đến các tranh chấp Biển Đông.
Tác giả: Ralf Emmers
Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Bản gốc tiếng Anh: The South China Sea and Australia’s Regional Security Environment, National Security College Occasional Paper, No. 5, September 2013, pp. pp.34-39.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)

—————

Ghi chú

    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trung tâm Đông – Tây, Honolulu, Hawaii, 14/1/2010.
    Hillary Clinton, ‘America’s Pacifi c Century’, Foreign Policy, November 2011, 58.
    Clinton, ‘America’s Pacifi c Century’, 58.
    Lee Lai To (2003) ‘China, the USA and the South China Sea conflicts’, Security Dialogue, vol. 34, no. 1, 27.
    S. Bateman (16 August 2010) ‘The South China Sea: when the elephants dance’, RSIS Commentaries (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies).
    The Economist (28 April 2012) ‘Shoal mates: America’s navy riles China in its backyard’.
    Matikas Santos (11 April 2012) ‘Poaching triggers Scarborough stand-off’, Philippine Daily Inquirer, (available HTTP < http://globalnation.inquirer.net/32493/illegal-poaching-activities-ofchinese-vessels-cause-standoff >); M. Valencia (14 May 2012) ‘Current spat may be a sign of future tensions’, Straits Times.
    Clinton, ‘America’s Pacific Century’, 58.
    I. Storey (27 July 2010) ‘Power play in S. China Sea stirs up tension’, The Straits Times.
    C. A. Thayer (25 November 2011) ‘South China Sea two-Step’, The Wall Street Journal.
    M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, Global Asia, vol. 7, no. 3, 62.
    M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, 59–60.
    M. Valencia (24 July 2012) ‘Is ASEAN becoming a big-power battleground?’, The Straits Times.
    M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, 62.

- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/10/18/tai-can-bang-my-tac-dong-bien-dong/#more-4054

Phạm Thị Hoài - Ngày về

“Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thật khốn nạn. Sau hàng thế kỉ ngoại thuộc, sau ba chục năm trời nhiễu nhương, nay nước nhà được thanh bình, dân tộc bắt tay xây dựng đất nước, thì chúng ta lại bỏ xứ ra đi, chúng ta lại vắng mặt, lại đứng ngoài vòng.”
“Không về được, chúng ta tự thấy sống một đời vô duyên, lãng xẹt. Cần thì chưa chắc tổ quốc đã cần đến mình; chưa chắc mình sẽ có một đóng góp nào đáng kể. Những kẻ có ý thức cao nhất về mình cũng không bao giờ dám tự nhận mình là cả một cần thiết cho quốc gia. Tuy nhiên, nghĩ rằng ở cái xứ nghèo khó nhỏ bé của mình đồng bào đang rầm rập xây dựng mà mình không được dự phần vào, tự dưng có một cảm tưởng tưng hửng, dần dần ngấm thành một đau đớn.”
“Lòng chúng ta lúc nào cũng tha thiết với quê hương, nhưng quê hương lại không còn như xưa. Cho nên chúng ta lâm cảnh bẽ bàng.”
“Về ư? Dẫu có về được, ta đâu còn về để tiếp tục đời sống như trước, mà chỉ để tăng cường hàng ngũ nô lệ. Đành rằng sống chết không cần, nhưng đã sống ta lại cam chịu sống như vậy sao? Sống để răm rắp vâng lời, để suốt đời ca ngợi lãnh đạo sáng suốt, để đem thân trâu ngựa củng cố một chế độ độc tài, vun bồi quyền lợi của một tầng lớp thống trị?”
“Bị kẹt dưới chế độ độc tài là đáng thương; còn như quyết định tự nguyện nhảy vào cúi đầu phục vụ độc tài lại đáng nguyền rủa. Kẹt cứng! Đồng bào ta, có lớp bị kẹt lại trong nước, có lớp lại bị kẹt… ở ngoài nước!”
Những dòng trên đây là của một nhà văn miền Nam nổi tiếng, trong tùy bút “Ngày về” in năm 1987 tại California [1]. Hai mươi lăm năm sau những tâm sự khắc khoải này và ba mươi bảy năm sau khi rời quê hương, một phần nhỏ tác phẩm của ông đã trở về. Hai đầu sách, Quê hương tôiTạp văn được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. Chỉ có điều bút danh nổi tiếng của ông, Võ Phiến, được thay bằng Tràng Thiên, một bút danh ít người biết đến.
Tất nhiên điều đó không bình thường. Nó để lại một dư vị không dễ chịu. Dư vị của ngụy trang. Nhưng ngụy trang là hành vi gắn liền với toàn bộ sự tồn tại Việt Nam, với tất cả những mặt khuất và điểm sáng của nó. Ở đây tôi thiên vị các điểm sáng. Chúng ta thử nhìn câu chuyện Võ Phiến cải tên này qua một sự cố khác, sự cố Chuyện ở nông trại, tác phẩm lừng danh về những con lợn làm cách mạng để rồi thiết lập chính cái nguyên trạng mà chúng lật đổ, cũng do Nhã Nam xuất bản không lâu sau Lolita [2] và Võ Phiến.
*
Trong vụ tác phẩm chống toàn trị cộng sản kinh điển của George Orwell lọt lưới kiểm duyệt ở Việt Nam, công đầu chắc chắn thuộc về những người làm sách. Tuy không thể cho Chuyện ở nông trại một sự hiện diện rầm rộ trên truyền thông như với tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng của Nabokov [3], nhưng chỉ riêng việc nó được cấp phép xuất bản và bản dịch không bị cắt xén đã đủ ngoạn mục. Song trong trường hợp tác phẩm đặc biệt này, ngoài bản lĩnh và sự dấn thân khéo léo của những người làm sách, phải có những may mắn khác.
May mắn đáng kê ra đầu tiên là sự dốt nát của bộ máy kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam. Ai từng làm việc với nó đều vẫn phải sửng sốt dù đã được nhiều lần báo trước. Trình độ của đại đa số các cán bộ kiểm duyệt có một quyền quyết định nào đó thường thấp đến mức “hạn chế” còn là một mĩ từ quá rộng lượng để chỉ. Guồng máy công quyền ở mọi nơi đều là chốn nương thân lí tưởng cho sự tầm thường, nhưng ở đất nước này guồng máy ấy do một bàn tay vô hình ưa mỉa mai sắp đặt: hệt như ở các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn của người quản lí văn hóa dường như trước hết phải là không biết gì về văn hóa. Nghe họ mở miệng – đúng ra phải gọi là mở băng – bạn sẽ chỉ có một cảm giác duy nhất là tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi nghe họ giải thích, chẳng hạn vì sao Kafka là một “trường hợp có vấn đề”, và càng tuyệt vọng hơn khi một lúc nào đó, khoảng hai thập niên sau, trái đất vẫn quay dù chúng ta đứng im, lại nghe họ giải thích vì sao trường hợp ấy không có vấn đề nữa. Trước một thành trì u mê được dán kín tem quyền lực như vậy bạn không có cơ hội nào hết. Hoặc là bạn phát điên. Hoặc là bạn trở thành một nhà hiền triết. Ngoài hai khả năng khá gần nhau này, bạn còn có thể tê liệt như một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi từng liệt toàn thân khi lịch sự ngồi nghe một cán bộ tuyên huấn cỡ kha khá kể chuyện ông ấy đã liều bảo vệ một tác phẩm đang bị “đánh” của tôi như thế nào. Tư duy của ông ấy – nếu có thể gọi đó là tư duy – không hề bị xúc phạm trước một chân lý đại loại như: một nhà văn rửa tay trước khi viết là một nhà văn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ. Còn sự đổi mới tư duy táo bạo của ông ấy nằm ở nhận thức rằng tôi tuy không rửa tay nhưng vẫn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ, vì tay tôi có bẩn đâu mà phải rửa. Mạng lưới kiểm duyệt thỉnh thoảng thủng ra một hai lỗ, có khi cho cả một tác phẩm lớn chui vừa, từ sự dốt nát đó. Thuyết phục kẻ giáo điều thường vô ích. Nhưng một kẻ giáo điều mù tịt đôi khi lại bất ngờ có một quyết định sáng sủa, vì hắn thậm chí không đủ hiểu biết để ý thức về quyết định đó của mình.
Những phẩm chất trứ danh khác của bộ máy nói trên là quan liêu, lười nhác và tắc trách. Tôi đảm bảo rằng nếu thay tên George Orwell bằng Eric Athur Blair, tên thật của ông, hay H. Lewis Always, một bút danh khác của ông, và đổi 1984 thành Tấm lòng của người Anh Cả; hoặc nếu thay Arthur Koestler bằng Kösztler Artúr và lấy tên bản gốc tiếng Đức Sonnenfinsternis dịch thành Một vầng nhật thực thay vì dịch theo những nhan đề đã quá nổi tiếng của bản tiếng Anh Darkness at Noon hay bản tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini, thì cả hai tác phẩm thuộc hàng chống toàn trị và chống cộng đầu bảng này đều được duyệt êm ru tại Việt Nam và báo Nhân dân sẽ nhiệt tình quảng cáo. Trong trường hợp Animal Farm, rất có thể vụ vỡ đê kiểm duyệt xảy ra vì bản thảo được mang một cái tên đồng quê hiền lành, Chuyện ở nông trại.
*
Vì thế tôi mừng cho một phần Võ Phiến đã chui lọt một trong những cái lỗ tất yếu ngày càng to ra trong bức tường kiểm duyệt ngày càng kém chất lượng ở Việt Nam. Một ngày không xa, Đêm giã từ Hà Nội có thể được xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Đăng, một bút danh của Mai Thảo. Nếu phải đổi thành Hà Nội đêm tiễn biệt, Giọt nước mắt đêm chia tay Hà Thành, Thăng Long đêm biệt li… để Mai Thảo được trở về cố hương, tôi sẽ lựa chọn sự ngụy trang ấy. Bản thân tôi, không được thông báo trước, cũng có lần xuất hiện trên một tạp chí ít người đọc ở trong nước, với cái tên chỉ dùng trong gia đình và một nhóm nhỏ bạn bè.
Trong số những nhà văn miền Nam được mệnh danh là „những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa-tư tưởng“ thì Duyên Anh ngồi tù 5 năm rưỡi, mất tại Pháp; Hồ Hữu Tường ngồi tù 5 năm, ra tù thì qua đời tại Việt Nam; Nguyễn Mạnh Côn chết trong tù; Vũ Khắc Khoan di tản, mất tại Hoa Kỳ; Mai Thảo vượt biên, mất tại Hoa Kỳ; Doãn Quốc Sỹ ngồi tù 14 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Nhã Ca đi tù 2 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Võ Phiến di tản, hiện sống tại Hoa Kỳ; Nhất Hạnh đã ra nước ngoài từ 1967; Dương Nghiễm Mậu ngồi tù 2 năm, hiện sống tại Việt Nam… Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vừa được in lại ở trong nước thì biến mất, rất nhanh, sau khi những pháo đài à la Vũ Hạnh khạc đạn, loại đạn tồn kho quân khí tư tưởng từ vài chục năm trước, thô sơ cổ lỗ nhưng vẫn đủ sức sát thương. Nhưng từ khi Võ Phiến alias Tràng Thiên tái xuất, không thấy ông Vũ Hạnh, người đích thân phụ trách phần viết về Võ Phiến trong tác phẩm chống „biệt kích văn hóa“ khét tiếng nói trên, đem súng ra lau. Một dấu hiệu tích cực. Như thể dù phải len lén đi đêm, văn học miền Nam và văn học hải ngoại cuối cùng cũng gửi được một đại diện đáng kể của mình đến dự cuộc tọa đàm không chính thức và đã rất trễ giờ về hòa giải dân tộc.
*
Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bây giờ chúng ta được biết cái giá phải trả cho tấm vé ngày về của Võ Phiến. Hóa ra việc cải tên chỉ là một động tác rất phụ. Con trai ông, cũng một nhà văn, bút danh Thu Tứ, người đã „chọn lựa và biên tập“ hai tác phẩm Quê hương tôiTạp văn nói trên, tuyên bố rõ trong bài „Trường hợp Võ Phiến“: „Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước.“ Trong phần còn lại của bài viết khá dài này, ông Thu Tứ phê phán toàn bộ hành trình tư tưởng chống cộng của cha mình để đi đến kết luận về giá trị của Võ Phiến: „Văn nghiệp Võ Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị“ cũng như điều kiện để Võ Phiến có thể trở về: „Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị.“
Tuyên bố của ông Thu Tứ xuất hiện trên trang Góc nhìn vào tháng 8/2014, song đến khi được Tuần báo Văn nghệ TP HCM đăng lại cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014 nó mới thực sự được chú ý. Như có thể đoán trước, nó cũng vừa được báo Nhân dân và báo Tuyên giáo đăng lại. Còn thiếu báo Thanh tra, báo Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là thành trì tư tưởng chính thống điểm danh xong. Năm ngoái, cái liên minh già nua ấy đã khoe cơ bắp trước tác giả trẻ Nhã Thuyên. Tương lai thuộc về ai, điều ấy không cần bàn cãi. Nhã Thuyên có rất nhiều tài năng, rất nhiều lao động cả học thuật và nghệ thuật. Cái liên minh ấy có những chiếc răng kiểm duyệt cuối cùng. Ông Thu Tứ chỉ góp thêm một chiếc lá vàng vào mùa thu của các vị trưởng lão.
Tôi không coi việc làm của con trai nhà văn Võ Phiến là hành động „đấu tố cha“ hay „bất hiếu“, như phần lớn phía dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế? „Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.
Nếu ông Thu Tứ chỉ đoạn tuyệt với cha mình về quan điểm chính trị, tôi không chia sẻ, nhưng đó là quyền tự do của ông, như của bất kì ai, mà tôi thấy tranh luận là vô ích. Song điều khiến tôi sởn gai ốc là ông biến cái quyền tự do tư tưởng ấy của bản thân thành quyền tự do thanh trừng tư tưởng của người khác, và người đó là thân phụ ông, nhà văn Võ Phiến, với tất cả lòng tin cậy ruột thịt đã cấp cho ông tấm giấy ủy quyền. Giấy phép gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu Tứ. Không thể trớ trêu hơn. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là trận tuyến.

Quả thật có những nghệ sĩ lớn đã nhỏ hẳn đi khi làm chiến sĩ tư tưởng và ngược lại. Người ngưỡng mộ nhà thơ Pablo Neruda ước gì bài tụng ca Stalin của đồng chí đảng viên cộng sản Pablo Neruda chỉ là một cơn ác mộng lạc đường. Người yêu thơ Lê Đạt muốn tống khứ 626 dòng Trường ca Bác năm 1970, viết ngày giỗ đầu Hồ Chủ tịch (Mây trắng đền Hùng/Râu Bác ung dung. Suối Lê Nin/ Núi Mác… Ôi/ Đến cả hình hài/ Bác/ cũng chẳng mang đi… Bác để lại/ cho ta/bốn biển/ sâu xa/ tình đồng chí. Bác để lại/ cho ta/ tất cả/ Bác Hồ), sau tất cả những sỉ nhục dành cho Nhân văn-Giai phẩm. Biết đâu một ngày nào hậu duệ của Tố Hữu sẽ đòi đốt sạch di sản của cha, một nhà thơ không phải là không có năng khiếu, chỉ giữ lại bài thơ „Khi con tu hú“, với tên tác giả là Lê Tư Lành, để giữ gìn nghệ thuật chân chính. Như ông Thu Tứ tin rằng phải cắt phăng khối nọc độc, phần tác phẩm chứa tư tưởng chống chế độ cộng sản của Võ Phiến, thì mới bảo toàn được giá trị sự nghiệp văn học của cha mình.
Những quan niệm lang băm trung cổ như thế vẫn sống sót trong thời hiện đại, nơi văn chương đã lặng lẽ rút lui khỏi ý thức xã hội. Ngày về âm thầm của một tác giả lớn có dấy lên được một chút dư luận cũng chỉ vì tiếng động của dao kéo kiểm duyệt. Trong „trường hợp Võ Phiến”, kiểm duyệt tại gia đã đi trước kiểm duyệt quốc gia.
Phạm Thị Hoài

[1] Võ Phiến, Tùy bút, quyển 2, Văn Nghệ, California 1987, tr. 317-318, 323-324
[2] Bất chấp sự tranh cãi về dịch thuật, việc Lolita chính thức xuất hiện trong tiếng Việt là một bước tiến đáng ghi nhận của đời sống văn học tại Việt Nam.
[3] Cả Nhã Nam lẫn NXB Hội Nhà văn đều không đưa thông tin về cuốn sách lên mạng. Lời đồn cuốn sách đã bị thu hồi cũng không được phía nào xác nhận hay bác bỏ.
© 2014 pro&contra 

Từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Văn Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”


Sau loạt bài về tẩy não, một số độc giả nêu thắc mắc chế độ độc tài nào độc ác nhất trong lịch sử loài người, Đức Quốc Xã hay Cộng Sản. Câu trả lời tùy thuộc vào người được hỏi là ai. Với người Do Thái câu trả lời sẽ là Hitler, lý do chỉ vì họ không muốn nhân loại lãng quên Holocaust, nhưng với phần lớn nhân loại, nhất là sau khi khối Liên Xô sụp đổ và nhiều tài liệu được công khai hóa, sẽ trả lời là Cộng Sản. Trước khi bàn đến kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”, người viết sẽ so sánh giữa tuyên truyền Đức Quốc Xã và chính sách tẩy não của CS. 
Mặc dầu nhiều tài liệu chưa được bạch hóa hết vì vẫn còn năm quốc gia CS đang tồn tại, số lượng nạn nhân bị giết dưới các chế độ CS, 94 triệu theo ước lượng của Stéphane Courtois trong The Black Book of Communism hay 110 triệu theo kết toán của R.J. Rummel. Cả hai ước tính đều cao hơn The Holocaust nhiều lần. Cách giết người qua việc bỏ đói hàng triệu trẻ em tại Trung Cộng, Gulag tại Nga, bằng cuốc xẻng tại Campuchia, cải cách ruộng đất tại Việt Nam cũng tàn nhẫn và vô nhân không thua kém gì phương pháp lò thiêu sống của Hitler ở Auschwitz.
Lenin ít được đem ra so sánh với Hitler, Stalin hay Mao không phải y là người nhân đức nhưng chỉ vì chết sớm khi kế hoạch toàn trị Liên Xô chỉ mới bắt đầu. Nếu y sống lâu như Stalin rồi cũng không khác gì mà có thể còn độc ác hơn. Khi mới nắm quyền hành chính Lenin đã thiết lập ngay hai cơ quan phụ trách hai chức năng khủng bố và tẩy não.
Tên hung thần đầu tiên trong hệ thống khủng bố CS quốc tế là Felix Dzerzhinsky. Tên đồ tể khát máu này gốc Ba Lan nhưng là người thành lập cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp nhất tại Nga ngay sau khi cách mạng CS 1917. Sau khi một lãnh đạo tổ chức Cheka bị ám sát hụt tại St. Petersburg, Dzerzhinsky ra lịnh bắt 800 người và tất cả đều bị xử bắn không qua một phiên tòa nào. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị giết. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.  
Dzerzhinsky kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ cấp bộ trưởng ngoài việc điều hành ngành an ninh Sô Viết. Y có năng khiếu về ngoại ngữ mặc dù học hành bị dang dở vì tham gia hoạt động CS. Dzerzhinsky bị tù nhiều lần trong đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia. Sau khi vượt thoát khỏi Siberia, Dzerzhinsky hoạt động cho đảng CS Đức. Là nhân vật nổi tiếng trong phong trào CS Đông Âu, sau 1917, Felix Dzerzhinsky thay vì hồi cư về Ba Lan đã quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS thủ đô Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn trị của Soviet và là người đầu tiên nhận trọng trách thành lập cơ quan an ninh CS.
Thế nhưng, cánh tay khủng bố dù tàn bạo, sắc máu bao nhiêu cũng không thể giữ được chế độ tồn tại lâu dài. Tim óc của chế độ toàn trị chính là bộ phận tuyên truyền tẩy não. Tẩy não là một tiến trình xóa bỏ tận gốc rễ bằng nhiều cách các nhận thức cũ và trên đó xây dựng một hệ thống nhận thức mới. Cơ quan tuyên truyền Agitprop được Lenin thành lập và sau đó đổi tên thành Ban Tư Tưởng Trung Ương. Chỉ trong vòng hai năm, 1917 đến 1918, Agitprop đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền. Tại mọi cửa hàng, cửa sổ, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc. Nhiều đoàn xe lửa tuyên truyền chạy từ thành phố này sang thành phố khác phân phối truyền đơn, tổ chức những đêm văn nghệ tại những nơi xe lửa dừng.
Kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”
Trong xã hội CS, vô số “anh hùng” được dàn dựng, khác nhau về bố cục, tình tiết nhưng đều tuân theo một nguyên tắc: người thật chuyện giả. Một vài ví dụ điễn hình là Hướng Lôi Phong, Huang Jiguang, Wang Jinxi, Shi Chuanxiang của Trung Cộng, Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov của Liên Xô và vô số người thật chuyện giả ở Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi là một ví dụ quen thuộc của kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”.
Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi:
Anh thét to: "Ta có tội gì đây ?"
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: "Chính Mỹ kia là giặc!"
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!
….
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: "Việt Nam muôn năm!"
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!
Một người bị trói cả hai tay vào "cọc mấy vòng dây" mà còn tay nào để "giật phắt mảnh băng đen"?
Ngay cả khi bị “Mười viên đạn”  “gục xuống”  làm sao còn "đứng thẳng dậy" để hô?
Những câu chuyện hoang đường chỉ có trong đầu cuồng tín bịnh hoạn của Tố Hữu mà trong tuổi về già đã thú nhận với Trần  Đăng Khoa trong Chân Dung và đối thoại rằng chính y đã nhét vào mồm Nguyễn Văn Trỗi: “Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.
Bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi đầy nghịch lý, khinh thường hiểu biết của người đọc, phạm những lỗi lầm sơ đẳng, thế nhưng đã được đưa vào mọi sách giáo khoa. Những trò tuyên truyền bỉ ổi đó không phải chỉ trong thời chiến mà nửa thế kỷ sau khi nhân loại sống  trong thời đại toàn cầu hóa 2014 này vẫn còn có những văn nô, bồi bút đem ra ca ngợi. Mấy tuần qua, nhan nhãn trên các báo đảng, bài thơ buồn cười đó cũng được đem ra học tập giống như trong thập niên 1960 ở miền Bắc.
Một ví dụ khác về kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” là “anh hùng Nguyễn Văn Bé”. “Anh hùng” này đã làm cả hệ thống tuyên truyền của đảng hố to và có lẽ  “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” là trường hợp duy nhất sau 1975 đảng gián tiếp thừa nhận chỉ  là sản phẩm tuyên truyền.
Nguyễn Văn Bé là ai ?
Theo cả hai nguồn tài liệu, Việt Nam Cộng Hòa và CSVN, Nguyễn Văn Bé sinh năm 1946 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình nghèo. Y tham gia các hoạt động CS tại địa phương và chính thức trở thành đoàn viên Đòan Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng trực  thuộc đảng Nhân Dân Cách Mạng (tên gọi của đảng CS khi hoạt động tại miền Nam Việt Nam). Nguyễn Văn Bé gia nhập bộ đội CS ở tuổi 19 và được giao trách nhiệm tải súng đạn. Vào năm 1966, trận đụng độ giữa quân đội CS và quân Mỹ, Bé bị bắt cùng với số vũ khi mà y đang tải vào ngày 30 tháng 5, 1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, tỉnh Kiến Phong.
H1

Đến điểm này hai bên, VNCH và CSVN, đều tường thuật gần giống nhau. Theo bộ máy tuyên truyền CS phát ra từ Hà Nội, “anh hùng Nguyễn Văn Bé” dù bị tra tấn chẳng những không khai một lời mà còn phát biểu những câu nói bất hủ “Tất cả hành động của Mỹ rồi cũng chẳng khác gì bong bóng của xà phòng sẽ bị nước sông cuốn đi”. Cuối cùng, Nguyễn Văn Bé bị đưa đến một trung tâm gần xã Mỹ An. Tại đây, Nguyễn Văn Bé, sau khi nháy mắt ra dấu cho người thợ cày đứng gần để chạy ra xa, đã nâng 10 kí lô mìn Claymore khỏi đầu, miệng hô lớn “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm, đã đảo đế quốc Mỹ” trước khi đập mạnh khối mìn vào thành một chiếc tăng M118. Khối mìn nỗ lớn và cả kho đạn bị nỗ lây. Cũng theo bản tin của đài phát thanh  Hà Nội, “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” chết ngay tại chỗ, ngoài ra nhiều thương vong do đạn lạc gây ra sau đó. Tuy nhiên,  một anh hùng như thế mà chỉ giết được “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” thì quá ít nên trong những bản tin sau đó con số lính Mỹ chết được tăng lên 96.
Tức khắc khi câu chuyện được đăng trên báo Nhân Dân ở miền Bắc và các báo bí mật ở miền Nam, các cơ quan tuyên truyền bắt đầu chỉ thị học tập noi gương “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. “Sự hy sinh của anh không những được cả thế hệ thanh niên Việt Nam kính phục mà còn nhận được sự thán phục bởi tuổi trẻ toàn thế giới”.
Bàn tay Nguyễn Văn Bé dùng để đập khối bom được báo đảng gọi là “bàn tay thiên tài”. Nhiều vở kịch được dựng ngay để diễn lại “hành động anh hùng” của Nguyễn Văn Bé. Một bài báo đảng cho biết sức mạnh của bàn tay Nguyễn Văn Bé chắc chắn được thúc đẩy bởi một lực huyền bí vì “chẳng những giết ngay gần hàng trăm kẻ thù mà còn tạo nên một ảnh hưởng dây chuyền dẫn đến một phong trào làm theo anh hùng Nguyễn Văn Bé khắp cả nước”. Nói chung, hình ảnh Nguyễn Văn Bé như ngôi sao mầu nhiệm làm cả nước đều tin. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thôi thúc con người miền Bắc. Nhiều thanh niên đã gát hết chuyện học hành, gia đình để tình nguyện vào Nam chiến đấu theo gương “anh hùng Nguyễn Văn Bé”
Các cơ quan tuyên truyền địa phương tin chắc rằng Nguyễn Văn Bé đã chết.
Thật không may cho đảng, Nguyễn Văn Bé không chết. Anh đã đầu hàng, tình nguyện chiêu hồi và còn sống bình an.  Các hình ảnh anh chụp với gia đình được báo chí phổ biến rộng rãi. Trên đài phát thanh, đoạn băng  "Tôi là Nguyễn văn Bé, hãy còn sống đây..." được phát mỗi ngày khi bắt đầu chương trình. Nguyễn Văn Bé thật có đụng độ nhưng trận chiến chỉ kéo dài không đến 30 phút. Theo báo Time, anh ta chưa bao giờ bắn một viên đạn, thay vì trốn trong con kinh đào và bị nắm tóc kéo lên.
Để phản công trong trận chiến tuyên truyền, phía Việt-Mỹ đã in hơn 20 triệu truyền đơn, bảy triệu minh họa, 465 ngàn bích chương, 167 ngàn tấm hình Nguyễn Văn Bé, 10 ngàn bài hát và rất nhiều chương trình truyền thanh truyền hình nói về sự thật Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng, hồi chánh và hiện sống bình an. Các cơ quan tâm lý chiến Việt Mỹ còn phỏng vấn cha mẹ Nguyễn Văn Bé và giúp đưa gia đình họ đến khu vực an toàn. Các cơ quan tuyên truyền của đảng CS phản ứng bằng cách tổ chức rầm rộ ngày kỷ niệm một năm “anh hùng Nguyễn Văn Bé hy sinh”. Các đài phát thanh, báo chí và cả báo chí Liên Xô cũng đăng bài thương tiếc “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. Nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tin rằng anh đã thật sự hy sinh.
Sau 1975,  quả thật với một chiến công to lớn như vậy, Nguyễn Văn Bé không chỉ có tên đường mà phải một tên phố, một công viên mang tên anh. Nhưng không, bởi vì sự giả dối như thế quá trâng tráo và trắng trợn. Câu chuyện ngụy tao Lê Văn Tám còn có thể im lặng vì thời gian xa nhưng Nguyễn Văn Bé vẫn còn mang tính thời sự, nhiều người trong thời đó còn sống, nhiều tác giả nhạc, văn, thơ còn chưa hết sượng sùng.
Tội ác của bồi bút và văn nô
Hiện nay hầu hết các “anh hùng xã hội chủ nghĩa” ở 15 nước cựu Liên Xô và các nước Đông Âu, một số bị chôn vùi trong tro bụi thời gian, một số chỉ còn xuất hiện trong các truyện tranh vui giải trí (comic book), riêng tại Việt Nam, không chỉ các thế hệ măng non mà cả thanh niên, sinh viên còn phải học, phải tin vào những mẫu chuyện hoang đường một cách đáng thương và tội nghiệp. Dĩ nhiên không phải tại các em những nạn nhân bất hạnh đã sinh ra và lớn lên trong xã hội lọc lừa. Ngoài chính phạm là đảng CS, tội ác này còn có sự a tòng của đám văn nô, bồi bút, những kẻ chỉ vì chút bổng lộc đảng ban cho mà chịu cúi đầu làm tôi mọi, tiếp tay với đảng làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và tương lai dân tộc.
Người viết xin trích một số đoạn trong bài thơ Tản mạn về thơ và đồng nghiệp  của nhà thơ Thái Bá Tân để kết luận cho bài viết này:
Đất nước cần thần tượng?
Dạ, có ngay, có ngay.
Cần anh hùng? Rất dễ.
Anh hùng thì có đầy.
Thế là Lê Văn Tám,
Nguyễn Văn Bé trung kiên,
Rồi nhà tù Phú Lợi,
Rồi kéo pháo Điện Biên...
Rồi báo cáo, tổng kết,
Rồi thi đua, phê bình,
Cái việc ai cũng biết
Là lừa người, lừa mình.
Trần Trung Đạo
---------------------------
Tham khảo
-          Stéhane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek, Jean-Louis Margolin The Black Book of Communism, Crimes, Terror, Reppression, Harvard University Press, 1999
-          Mihai C. Bocarnea and Bramwell Osula: Edifying the New Man: Romanian Communist Leadership’s Mythopoeia. Regent University, International Journal of Leadership Studies. Vol. 3 Iss. 2, 2008, pp. 198-211
-          Margaret Peacock. Broadcasting Benevolence: Images of the Child in American, Soviet and NLF Propaganda in Vietnam, 1964–1973. Project MUSE, 2010
-          The Strange Case of the Vietnamese “Late Hero” Nguyen Van Be (http://www.psywarrior.com/BeNguyen.html)
-          South Viet Nam: The Hero (http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,836801,00.html)
-          SGM Herbert A. Friedman THE USE OF MUSIC IN PSYCHOLOGICAL OPERATIONS
-          Sự thật về Nguyễn Văn Bé (http://vietnamsaigon75.blogspot.com/2013/07/liet-si-nguyen-van-be-hy-sinh-nam-1966.html)
-          Pavlik Morozov
-          Christoph Giebel. Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory
-          Questioning of Lei Feng’s Frugality Leads to Detention, (http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2013/08/21/four-detained-for-questioning-lei-fengs-frugality/)
-          Thơ Thái Bá Tân Tản mạn về thơ và đồng nghiệp, Facebook
-          Trần Đăng Khoa Chân Dung và đối thoại, truyen.com
(FB. Trần Trung Đạo)

Tướng Vũ Ngọc Nhạ kể chuyện thu "hồn vía" anh em Ngô Đình Diệm

(ĐSPL) - Bằng tài trí và đức độ, nhân cách của mình, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã chiếm được cảm tình và sự tin yêu của cả gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm, được Diệm đặt tên riêng là Hoàng Long, xem như người nhà.

Từ vỏ bọc đó đã giúp Vũ Ngọc Nhạ lập được những chiến tích đáng nể trong vai trò của nhà tình báo chiến lược. Vũ Ngọc Nhạ từng bị Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu, em trai Ngô Đình Diệm) "để ý" và thử thách, nhưng ông đã khéo léo vượt qua.

Lấy tin tức tình báo từ quan chức cao cấp

Trả lời cho câu hỏi của tôi vì sao Vũ Ngọc Nhạ, một người ở miền Bắc, không hề có họ hàng thân thích, cũng chưa từng gặp gỡ, làm việc với anh em họ Ngô lại trở thành người nhà, là cố vấn thân cận của họ, ông Nhạ nói: "Chính bản thân tôi cũng không ngờ. Có điều, tôi đi tới được cái đích ấy là cả một chặng đường dài mưu tính mạo hiểm".

Tôi lại hỏi Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ: "Vượt mạo hiểm đã khó, chiếm được lòng kẻ đối địch với mình càng khó hơn, ông thu "hồn vía" anh em họ Ngô bằng cách nào?". Ông từ tốn trả lời: "Từ cái "vỏ bọc" mà tổ chức bọc cho tôi. Gia đình tôi đóng vai một gia đình giáo dân di cư vào Nam. Dựa vào ảnh hưởng của đức cha Lê (linh mục Lê Hữu Từ - PV), cha Hoàng (linh mục Hoàng Quỳnh - PV) ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà tôi có dịp quen biết nhiều người. Chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục này. Tôi đã thể hiện mình là cái cầu nối cho họ đến với nhau. Từ đó, dần dần tôi chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn - cố vấn miền Trung. Cẩn "bắc cầu" cho tôi sang cha Thục, ông Nhu và Ngô Đình Diệm".

Hồi tưởng một lát, ông Nhạ nói tiếp: "Là phụ tá của đức cha Lê, cố vấn cho gia đình Ngô Tổng thống, tôi có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong Chính phủ Ngụy quyền, với Toà thánh Va-ti-căng, Giáo chủ Pi-e XI, Khâm sứ Toà thánh Sài Gòn, Đức hồng y Xpen-man Mỹ. Qua đây tôi nắm được khá nhiều tin tức quan trọng của Mỹ và Ngụy để cung cấp về trung tâm của ta".
Tướng Vũ Ngọc Nhạ kể chuyện thu "hồn vía" anh em Ngô Đình Diệm - Ảnh 1

Tổng thống Mỹ Eisenhower tiếp đón Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng 5/1957 (Ảnh tư liệu).


"Là người Cộng sản nằm trong Phủ Tổng thống, có lúc nào ông bị nghi ngờ?". ông Nhạ nói: "Tôi thường xuyên bị bọn mật vụ theo dõi. Nhưng tôi luôn biến nghi ngờ thành đức tin để "bọc mình" và thoát hiểm". Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: "Anh em Ngô Tổng thống coi tôi như người ruột thịt. Một hôm họp gia đình có đủ Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn và tôi, Ngô Đình Diệm tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Diệm bảo: "Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì". Từ đó anh em Ngô Đình Diệm càng tin và quý tôi. Tuy nhiên, bọn CIA và mật vụ lại càng "để mắt" đến tôi".

Linh cảm trước cái chết của anh em họ Ngô

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ kể: "Trước một ngày xảy ra chuyện sát hại anh em họ Ngô, linh tính của tôi thật kỳ lạ. Có một điều gì rất mơ hồ mà tôi cảm nhận được qua giấc chiêm bao. Mơ hồ nhưng hệ trọng lắm, mách bảo tôi rằng: "Thầy Hai ơi, thầy nên biến khỏi cung phủ họ Ngô ngay, nếu thầy thấy mình cần sống, cần cho công việc về sau". Tôi đang phảng phất nỗi ám ảnh từ cái điều mơ hồ thì Ngô Đình Diệm cho người sang phòng tôi mời tôi sang phòng của ông ta. Tôi vội khoác chiếc áo dài, khép cửa phòng đi ra.

Vừa đặt chân vào phòng Tổng thống, tôi quan sát thấy sắc mặt Ngô Đình Diệm tối sạm. Hai hốc mắt ông ta như người mất ngủ lâu ngày thâm quầng. Vì mấy hôm trước Ngô Đình Nhu có nói với tôi về âm mưu của người Mỹ muốn "thay ngựa" giữa dòng. Tôi đoán hai anh em Diệm, Nhu đang vắt óc tìm kế đối phó nhưng chưa có cách chống đỡ. Linh tính như mách bảo tôi, sắp có điều gì rất quan trọng xảy ra trong phủ Tổng thống.

Tôi đứng nghiêm cúi chào Ngô Đình Diệm rồi lùi ra ngồi vào chiếc ghế gần đó vừa lúc Ngô Đình Nhu bước vào. Nhu cúi chào Tổng thống rồi đi tới chiếc ghế đối diện với tôi. Ngô Đình Diệm hỏi: "Chú Nhu và thầy Hai biết người Mỹ cùng các phe cánh đối lập đang làm gì không? Họ đang siết chặt cái mà họ ảo tưởng lật đổ thể chế Việt Nam Cộng hòa...".

Ngô Đình Diệm nói một hồi rất lâu về tình hình người Mỹ ép buộc Diệm những điều ông ta không thể nghe họ. Diệm nói về thời vận, thời cuộc rồi chỉ thị: "Chú Nhu phải đưa ngay mạng lưới mật vụ vào cuộc và huy động lực lượng quân đội sẵn sàng phòng thủ ứng phó". Tôi im lặng lắng nghe và gật đầu. Còn Ngô Đình Nhu, hình như ông ta đã thấu hiểu nỗi hoài nghi, có phần lo lắng của vị Tổng thống, người anh ruột của mình. ông Nhu phân tích tình hình và cố trấn an Tổng thống.

Tôi ngước nhìn Nhu, chợt nhận thấy thần thái trên khuôn mặt ông ta cũng rất u ám. Nhu vốn có nước da ngăm đen nhưng tươi tắn, lúc này bỗng tối ám, hai má xọm lại. Lúc ấy tôi không nghĩ khuôn mặt hai anh em Diệm, Nhu là điềm báo trước cho kết cục thảm hại.

Sau khi tiếp kiến Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, tôi quay về phòng làm việc, vừa lúc gặp Vũ Hữu Duật ở Tổng nha cảnh sát (người trong lưới A22 của ta) sang tìm tôi. Anh Duật với vẻ mặt thâm trầm thoáng lộ nét quan trọng, ghé sát tôi nói nhỏ về tình hình của anh em Diệm Nhu...".

Được đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân "để ý"

Trước câu hỏi: "Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu thỉnh thoảng cũng "quan tâm" đến ông phải không?". Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ nói: "Lệ Xuân là một người đàn bà có sắc, có tài, hiếu thắng và kiêu kỳ. Ngô Đình Nhu nhiều hơn Lệ Xuân hàng chục tuổi. ông ấy làm việc căng thẳng, luôn vắt óc đối phó tình hình, ít quan tâm đến tình cảm của Lệ Xuân. Có lần Lệ Xuân "đến gần" tôi. Tôi sang nói lại với Ngô Đình Nhu thì ông ta bảo: "Quyền của bà ấy tôi không can thiệp". Có người bảo tôi rằng, Trần Lệ Xuân thử tôi. Người thì nói, bà ấy thật đấy. Tuy nhiên chỉ có bà ấy mới biết chính xác thôi".
Tướng Vũ Ngọc Nhạ kể chuyện thu "hồn vía" anh em Ngô Đình Diệm - Ảnh 2

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ kể tiếp: "Một lần tôi cùng Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt. Lệ Xuân mời tôi sang phòng riêng làm việc. Tôi bước vào phòng, Ngô Đình Nhu đang ngủ say. Lệ Xuân rót nước mời tôi và ngồi nhìn tôi rất lạ. Lát sau Lệ Xuân hỏi: "Anh là Cộng sản à?". Tôi hỏi lại: "Sao bà nghĩ như vậy?". Lệ Xuân nói: "Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có Cộng sản mới thế". Tôi nói: "Tôi cũng từng là Cộng sản. Nhưng tôi đã "từ bỏ" Cộng sản lâu rồi".

Lệ Xuân lắc đầu: "Tôi thấy anh lạ thật, làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào Phủ Tổng Thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ". Tôi im lặng. Lệ Xuân tiếp: "Nếu anh bằng lòng, tôi chỉ cần nói một lời, cả nhà anh sẽ sung sướng". Tôi nói: "Cảm ơn bà, gia đình tôi sống như hiện nay là ổn lắm rồi".

Vũ Ngọc Nhạ kể tiếp: "Lệ Xuân thấy anh em Ngô Đình Diệm tin quý tôi nên bà ta cũng mến, nhưng vẫn để mắt theo dõi tôi. Tôi nhận ra và ý thức được điều đó nên những thử thách của bà ta đều vô hiệu. Hơn nữa, thấy tôi tỏ ra hết lòng vì anh em Diệm Nhu nên dần dần Lệ Xuân cũng tin và yêu quý tôi. Đó là cơ hội tốt để tôi tạo thêm vỏ bọc và hoạt động trong lòng địch".

Làm tình báo phải tuyệt đối trung thành với anh em

Ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: "Điểm mấu chốt của người tình báo là phải "tuyệt đối trung thành với anh em" và phải bọc mình cho kín. Chúng tôi rất căng thẳng, căng thẳng 24/24h mỗi ngày và cứ thế, suốt tháng, suốt năm, năm này qua năm khác. Chỉ một tích tắc sơ hở là có thể đổ bể, mình chết đã đành, còn chết lây anh em khác, hỏng cả công việc chung, chết cả vợ con mình nữa".
Nhờ cái "vỏ bọc" tạo niềm tin mà mọi công việc, chủ trương, to nhỏ của chính quyền họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đều nắm được. ông đã chắt lọc và bằng đường dây mật, những tin tức quan trọng đã được đưa về ta.
GHI CHÉP CHỦA NHÀ VĂN MINH CHUYÊN

Giải “Nobel” Kinh tế 2014: Làm sao kìm cương Google?

Với những ai chủ trương nhà nước phải đóng vai trò lớn hơn, điều tiết mạnh hơn để các tập đoàn kinh tế lớn không mặc sức tung hoành trên thị trường, ắt họ sẽ hoan nghênh Jean Tirole, người vừa được trao giải “Nobel” Kinh tế năm nay.

GS. Jean Tirole
Năm nay 61 tuổi, vị giáo sư người Pháp của trường Đại học Toulouse này lấy bằng tiến sĩ kinh tế từ trường MIT danh tiếng của Mỹ. Các nghiên cứu của ông từ thập niên 1980 đến nay đã giúp chính phủ nhiều nước, nhất là ở châu Âu và Mỹ kiểm soát các ngành trong đó chỉ có một số “ông lớn” hoạt động như điện lực, viễn thông, truyền hình cáp, thẻ tín dụng, ngân hàng, đường sắt...

Tuy nhiên, phải nói cho rõ không phải Tirole chủ trương kiểm soát các tập đoàn kinh tế lớn - ông chỉ đề ra những mô hình, dựa vào lý thuyết trò chơi, để các doanh nghiệp lớn phải tự điều tiết sao cho có lợi nhất cho xã hội - tức cân bằng giữa kiểm soát quá chặt, triệt tiêu động lực phát triển và kiểm soát quá lỏng, có hại cho người tiêu dùng. (Có thể đọc thêm “Nobel Kinh tế 2014: “thuần hóa” các tập đoàn mạnh” trên TBKTSG Online). Điều thú vị là cả hai năm gần đây nhất, giải Nobel Kinh tế được trao cho những công trình xem kinh tế thị trường là không hoàn hảo, có lẽ là do dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Ở đây chúng ta hãy nhìn sâu vào một công trình gần đây hơn của Jean Tirole (“Cạnh tranh trong thị trường lưỡng diện” - 2002) hiện đang ảnh hưởng lên các chính sách kiểm soát các loại hình doanh nghiệp đặc biệt, nhất là trên Internet.

Khi nói đến kinh doanh, chúng ta thường nghĩ đến quan hệ “đơn diện” - tức nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nhưng thực tế loại hình doanh nghiệp “lưỡng diện” hay thị trường “lưỡng diện” xuất hiện ngày càng nhiều. Bài viết của Jean Tirole đưa ra ví dụ các doanh nghiệp như Sony vừa sản xuất máy chơi game để bán nhưng đồng thời còn thu tiền bản quyền từ phía các nhà lập trình viết game. Với suy nghĩ bình thường, có lẽ ai cũng nghĩ Sony sẽ nâng giá cả hai đầu để “tối đa hóa lợi nhuận”. Nhưng thực tế không phải vậy. Số lượng người chơi Play Station là một trong những yếu tố để nhà lập trình quyết định có bỏ công sức ra viết game hay làm việc khác. Đồng thời, số lượng game cho Play Station cũng góp phần tác động lên quyết định của người tiêu dùng mua máy chơi game này hay mua máy của Nintendo.

Tirole đưa ra nhiều loại hình “lưỡng diện” như thế: Nhà phát hành thẻ tín dụng và bên chấp nhận thẻ, báo chí với độc giả và nhà quảng cáo, thậm chí các quán bar còn để các cô chân dài vào cửa miễn phí để thu hút thêm các ông... nói chung là tình trạng “con gà-quả trứng”, xây cái nào trước, chìu cái nào trước cho có lợi nhất!

Như vậy, nếu từ bỏ doanh thu của một bên mà tối đa hóa doanh thu của bên kia thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thực hiện ngay. Công trình của Tirole (cùng viết với Jean-Charles Rochet) đưa ra lý giải về mô hình “lưỡng diện” này để giải thích vì sao những doanh nghiệp lớn như Google hay Facebook luôn duy trì dịch vụ miễn phí cho người tiêu dùng hay vì sao Sony và Microsoft bán máy chơi game dưới giá thành.

Trong mô hình của Google hay Facebook, chi phí ban đầu để vận hành Facebook hay để tạo chỉ mục cho mọi thông tin trên Internet là rất lớn nhưng phục vụ thêm một người dùng Facebook hay cung cấp thêm dịch vụ tìm thông tin cho người dùng Google thì chi phí hầu như bằng không. Vậy là Google hay Facebook miễn phí góc bên này rồi tính phí quảng cáo ở góc bên kia - hay nói cách khác Google và Facebook đang biến người dùng thành sản phẩm của họ để bán cho bên thứ ba.

Vấn đề đặt ra là làm sao điều tiết loại thị trường “lưỡng diện” này, một vấn đề châu Âu hiện đang rất quan tâm vì áp dụng các quy luật về giá, độc quyền giá trong trường hợp này là không ổn. Trong quá khứ Microsoft bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện ra tòa cũng bởi cách tặng không của Microsoft bắt người dùng Windows phải dùng kèm trình duyệt của họ đã bóp chết Netscape và triệt tiêu sáng tạo. Hiện nay Amazon đang bị cáo buộc là lợi dụng vị thế của mình để ép các nhà xuất bản, chẳng hạn. Những lập luận chung quanh các vụ này đều sử dụng nghiên cứu của Tirole và nhiều người khác trong lãnh vực điều tiết độc quyền nhóm.

Trong buổi họp báo sau khi được thông báo về giải Nobel, khi được hỏi có thể dùng công trình nghiên cứu của ông như thế nào để kìm cương những doanh nghiệp Internet khổng lồ như Google, Jean Tirole cho rằng các nhà làm chính sách cần chú ý đến việc doanh nghiệp như Google hay Facebook - có xu hướng trở thành doanh nghiệp độc quyền tự nhiên trong lãnh vực của họ - không dựng lên các rào cản để ngăn ngừa đối thủ mới gia nhập thị trường, thay thế họ bằng các sản phẩm năng động hơn.

Thông thường khó thấy mối liên quan giữa các công trình kinh tế được trao giải Nobel với cuộc sống thực nhưng năm nay các công trình của Jean Tirole có tính ứng dụng rất cao. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, Christian Noyer, cho biết các công trình của Tirole là một công cụ hữu ích trong suốt thời gian chống chọi với khủng hoảng tài chính, giúp tìm ra giải pháp điều tiết các tập đoàn tài chính.

Từ công trình về mô hình thị trường “lưỡng diện” nói trên Tirole đề ra một phép thử để xem phí mà các công ty phát hành thẻ tín dụng tính trên người dùng là có lợi cho họ hay mang tính lạm dụng vị thế độc quyền. Ủy ban châu Âu vừa mới sử dụng phương pháp đó trong các vụ chống độc quyền đối với MasterCard và Visa Europe.
 Nguyễn Vạn Phú
Nobel Kinh tế ắt cũng đành chịu thua
Câu hỏi nhiều người đặt ra khi nghe tường thuật nội dung các công trình nghiên cứu của GS. Jean Tirole vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay là liệu có thể áp dụng chúng để chế ngự các “ông lớn” bất kham của Việt Nam như các ngành điện lực, xăng dầu...
Dù gì đi nữa, phần giới thiệu của Viện Hàm lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã chẩn đoán đúng y một phần căn bệnh của các ông lớn này: mỗi ngành chỉ có vài ba doanh nghiệp nên ảnh hưởng lớn lên giá cả, khối lượng và chất lượng sản phẩm; nhà nước muốn quản cũng đành bó tay vì thiếu thông tin về giá thành sản phẩm cũng như các chi phí nội bộ khác.
Trước khi có những nghiên cứu của Tirole, các nhà làm chính sách chỉ có thể điều tiết các dạng độc quyền tự nhiên này bằng cách ấn định giá bán, cấm hợp tác cùng ngành để bắt tay làm giá. Ở Việt Nam dường như chỉ mới dừng ở mức này như ấn định giá điện, giá xăng dầu; trong ngành viễn thông thì cấm bắt tay nhau cùng khuyến mãi...
Nghiên cứu của Tirole cho thấy các chính sách điều tiết theo kiểu cũ có lúc tốt, có khi lại xấu. Ví dụ, ấn định giá bán thì buộc các doanh nghiệp này phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí (khổ nỗi điều tốt này thì các doanh nghiệp độc quyền ở Việt Nam chưa thấy áp dụng mà chỉ than lỗ để đòi tăng giá) và dẫn tới hệ lụy doanh nghiệp lãi quá mức, có hại cho xã hội.
Mô hình Jean Tirole đưa ra để điều tiết doanh nghiệp độc quyền nhóm dựa vào lý thuyết trò chơi và lý thuyết hợp đồng, đại khái đưa ra nhiều kịch bản, nhiều cách dẫn dụ sao cho nhà làm chính sách khắc phục được tình trạng bất đối xứng thông tin so với doanh nghiệp bằng cách để doanh nghiệp tự chọn cách hành xử sao cho có lợi cho bản thân doanh nghiệp nhất nhưng mọi sự chọn lựa đi kèm chuyện phải trả giá bằng sản phẩm tốt hơn, giá hợp lý hơn.
Tất cả những kịch bản khác nhau này áp dụng cho các ngành khác nhau được Tirole và đồng nghiệp là Jean-Jacques Laffont (đã mất) tập hợp thành sách, xuất bản năm 1993, được cho là có ảnh hưởng rất lớn lên chính sách điều tiết của nhiều nước. Nếu trông đợi đọc qua công trình của Tirole để tìm lời khuyên của ông là nên làm gì để tránh tình trạng lạm dụng thị trường thì sẽ thất vọng vì ông từng nhấn mạnh không hề có một giải pháp dùng chung cho mọi ngành mà mỗi ngành, mỗi lãnh vực phải được điều tiết theo cấu trúc đặc trưng của chính nó.
Chính nhà kinh tế học nổi tiếng Tyler Cowen viết trên blog của ông ngay sau khi có tin Tirole đoạt giải: “Nhiều công trình của ông cho thấy “vấn đề là phức tạp lắm” chứ không phải có thể trình bày thành những giải pháp dễ tóm tắt để đăng blog cho hấp dẫn. Đó là lý do tại sao ý tưởng của ông ít khi lên báo đại chúng nhưng chúng lại rất có ảnh hưởng trong giới kinh tế học”.
Ngay tại buổi họp báo qua điện thoại sau khi công bố giải, Jean Tirole cho biết điều tiết là chuyện khó bởi quy định phải nhẹ để tránh không đẩy doanh nghiệp vào chỗ bị đè bẹp trong khi đồng thời phải có một nhà nước mạnh để thực thi các quy định đó nữa.
Đến đây có lẽ chúng ta có thể kết luận nếu mời Jean Tirole vào để “lập quy” cho EVN, vị giáo sư này có lẽ cũng đành bó tay khi biết tập đoàn này từng được Thanh tra Nhà nước kết luận lỗ là do đầu tư ngoài ngành quá lớn (đến 121.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 77.000 tỉ đồng) lại tính luôn chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis vào giá bán điện... “Lập quy” nếu có là để tránh các tập đoàn độc quyền lãi quá nhiều, gây thiệt hại cho xã hội, còn đằng này tự mình quản lý yếu kém, bỏ chuyện chính nhảy vào chuyện phụ thì Nobel Kinh tế cũng đành bó tay.(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét