Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

13 tướng Việt Nam thăm Trung Quốc - Bạo loạn ở tây nam Trung Quốc

-Đức im ắng về chuyến thăm của ông Dũng?

BBC Ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức
Ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức theo lời mời của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.
Truyền thông Đức khá im lặng về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sang thăm nước này, mặc dù có một bức thư kiến nghị của một nhóm nhân sỹ trí thức của Đức đề nghị Thủ tướng nước chủ nhà lưu ý Việt Nam về một số vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.
Trong chuyến thăm châu Âu của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức cộng hòa liên bang Đức theo lời mời của người đồng nhiệm Đức, bà Angela Merkel, trong các ngày từ 13 – 15/10/2014.

Tuy nhiên, theo một nhà báo người Việt Nam từ Berlin, truyền thông Đức khá im lặng về chuyến thăm này.
Trao đổi với BBC hôm 16/10, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói:
“Đúng là một điều không thực may mắn lắm cho đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam, đứng đầu là ông (Nguyễn Tấn) Dũng, qua châu Âu lần này, đặc biệt là qua Đức.
“Nó nằm vào đúng thời kỳ mà có quá nhiều tin nóng bỏng mà dân chúng đang quan tâm như nào là cuộc chiến chống IS (quân Nhà nước Hồi giáo), nào là dịch Ebola…”
Hôm thứ Năm, cũng từ Berlin, một nhà quan sát nói với BBC:
“Các báo lớn của Đức, các trang mạng chủ chốt của Đức hầu như không có tin tức gì, hay tin chính nào về chuyến thăm này. Tất nhiên là cách đưa tin tức của truyền thông Đức và truyền thông ở Việt Nam khác nhau,” nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính này nói.
“Tôi cũng có đọc qua bức thư của nhóm các nhân sỹ, trí thức, chính trị gia… gửi bà Merkel (Thủ tướng Đức) nhân chuyến thăm của Thủ tướng của Việt Nam.
“Nhưng cách đưa tin ở Đức khác với Việt Nam, ngay những bức thư như vậy cũng có nhiều và người ta thường đợi khi có tác động, phản hồi từ bên nhận, mà đây là chính phủ Đức, thì khi đó có thể người ta mới đưa tin, chứ không như bên Việt Nam.”

‘Còn phải chờ thời gian’

Hôm 07/10, ngay trước thềm chuyến thăm Đức của ông Nguyễn Tấn Dũng, một Giáo sư từ thành phố Neustadt thuộc phía Tây nước Đức cùng một nhóm 158 dân biểu liên bang, tiểu bang, dân cử, các học giả, trí thức, nhân sỹ, linh mục, nghệ sỹ, nhà báo v.v… ký tên, đã gửi thư cho bà Angela Merkel đề nghị nữ Thủ tướng Đức ‘cứng rắn và mạnh mẽ’ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ‘tức khắc và vô điều kiện’ cho Luật sư Lê Quốc Quân.
Bức thư do Giáo sư Johannes Kals ‘thay mặt các giáo sư và trí thức’ tại châu Âu cũng đề cập việc Việt Nam ‘đe dọa sẽ san bằng Chù Liên Trì tại Thủ Thiêm’ cũng như có ‘chính sách xóa sạch mọi cơ sở tôn giáo tại Thủ Thiêm” và nhắc nhở chính quyền Việt Nam rằng quốc gia này đã ký tên vào các Công ước Quốc tế về tôn trọng nhân quyền và tự do tôn chính trị, cùng nhiều công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc.
“Tôi cũng tình cờ đọc được bức thư này qua một số trang mạng cũng khá không phổ biến của cộng đồng người Việt ở Đức, tôi nghĩ là nhóm nhân sỹ trí thức tập hợp được khá nhiều nhân vật cũng quan trọng ở cả các đảng cánh tả, cánh hữu, hay đảng của chính bà Merkel,
“Tuy nhiên tác động của bức thư này ra sao thì còn phải chờ thời gian trả lời,” nhà báo Lê Mạnh Hùng nói thêm với BBC.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Berlin sau cuộc gặp với người tương nhiệm Việt Nam, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, cho biết các nhà lãnh đạo EU và Châu Á sẽ thảo luận tranh chấp tại Biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh ASEM tới diễn ra tại Milan.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại quan điểm của Việt Nam rằng vấn đề lãnh thổ và tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.
Ông nhấn mạnh việc không dùng tới vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực tại vùng.
Theo truyền thông Việt Nam, sau chuyến thăm Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu lần thứ mười (ASEM 10) tại Milan, Ý từ ngày 16 – 17 tháng này và sau đó, ông sẽ thăm Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis vào ngày 18/10.

-13 tướng Việt Nam thăm Trung Quốc

BBC


Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu có 12 tướng lĩnh khác
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, dẫn đầu là Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thăm Trung Quốc từ 16/10-18/10.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin chuyến thăm này “nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân và Quân đội hai nước”.

Theo kế hoạch, khi ở Bắc Kinh đoàn của ông Phùng Quang Thanh và phía Trung Quốc sẽ ký tắt bản Ghi nhớ kỹ thuật về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng.
Chuyến thăm được nói sẽ “khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước”.
Hai bên mong muốn “tạo nhận thức chung” về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực và mỗi nước.
Nhận xét về chuyến đi, chuyên gia Việt Nam – Giáo sư Carl Thayer từ Canberra, Úc châu, nói: “Tôi cho rằng hai bên nay đang tập trung vào các chuyện quan trọng cụ thể nhằm giải đáp cho quan ngại an ninh của mỗi nước”.
“Hai bên cùng sẽ tìm cách trấn an nhau về việc làm sao để quân đội đứng bên ngoài tranh chấp biển đảo.”
Ông cũng cho rằng trước kỳ họp thượng đỉnh Apec sắp tới tại Bắc Kinh, Trung Quốc có thể muốn tỏ ra hòa hoãn hơn.

Giảm căng thẳng

Thành phần đoàn của ông Phùng Quang Thanh bao gồm nhiều tướng lĩnh hàng đầu Việt Nam, như Phó Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Bế Xuân Trường; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Lương Cường; tư lệnh các quân chủng Phòng không-Không quân, hải quân, Quân khu 2, Quân khu 3…
Không thấy sự có mặt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người được cho là đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng.
Chuyến đi của Đại tướng Phùng Quang Thanh và đoàn quân sự cấp cao tiếp sau chuyến thăm Bắc Kinh của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.
Theo GS Carl Thayer, quân đội hai nước có thể đang tập trung bàn những dàn xếp cụ thể để giảm thiểu căng thẳng giữa hai bên, nhất là tại Biển Đông.
Tướng Thanh, trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Shangri-La hồi cuối tháng Năm nói quân đội Việt Nam và Trung Quốc cần “kiềm chế”, “tăng cường hợp tác” và “kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động” để tránh có “hành động ngoài tầm kiểm soát”.
Tuy nhiên, ông cho rằng quan hệ Việt-Trung vẫn “phát triển tốt đẹp” và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với ‘mâu thuẫn gia đình’.
Ông nói: “Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.”
“Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.

-Bạo loạn ở tây nam Trung Quốc

BBC


Bạo loạn ở Vân Nam bắt đầu là một cuộc biểu tình
Tám người được cho là đã thiệt mạng trong một vụ xung đột giữa các công nhân xây dựng và người dân ở tỉnh Vân Nam thuộc Tây Nam Trung Quốc, chính quyền và truyền thông nước này thông báo hôm thứ Tư ngày 15/10.
Chính quyền huyện Tấn Ninh nằm cách Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam không xa, thông báo trên tài khoản mạng xã hội chính thức của họ rằng đã xảy ra đánh nhau giữa các công nhân đang xây dựng một trung tâm thương mại và hậu cần và người dân địa phương.

‘Chính quyền cướp đất’


Hình ảnh trên mạng xã hội Weibo cho thấy các thi thể nằm trên đường và các công nhân xây dựng bị trói cùng với đông đảo cảnh sát chống bạo động. Tuy nhiên, những hình ảnh này không thể được kiểm chứng độc lập.
Chính quyền nói rằng cảnh sát sẽ tiến hành điều tra một cách ‘đúng luật, khách quan và công bằng’ và sẽ trừng phạt những kẻ phạm pháp.
Tờ tạp chí Tài Tân cho biết hồi tháng Sáu cũng xảy ra va chạm. Khi đó người dân đã tố cáo chính quyền ‘cướp đất của họ’ để làm dự án.
Tạp chí này cho biết một số dân làng đã nói với họ rằng có những người ‘mặc đồng phục đen’, một số người đeo tấm chắn có huy hiệu công an đã ‘tấn công’ họ và họ đã đánh trả.
Tranh chấp đất đai là một trong những nguyên nhân chính của hàng chục ngàn cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc mỗi năm. Đa số đều không được truyền thông Trung Quốc đưa tin mặc dù trong một số trường hợp như cuộc nổi dậy của nông dân ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, hồi năm 2011 đã thu hút sự chú ý của quốc tế và khiến chính quyền Bắc Kinh hứa hẹn hành động.


Trong những năm qua Trung Quốc đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của nông dân
Cuộc bạo loạn ở Vân Nam diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp hội nghị trung ương 4 với các chủ đề chính như nền pháp trị để chống lại tình trạng bất ổn mà Đảng đang rất sợ.
Tại tỉnh Quý Châu sát với Vân Nam hôm 13/10 cũng xảy ra các vụ đụng độ của hàng nghìn dân với lực lượng công an tại huyện Tam Tuệ, làm hai người chết, theo tờ Minh Báo ở Hong Kong.
Lý do cuộc biểu tình được cho là do một quyết định của tỉnh ngưng không nâng cấp thị trấn Tam Tuệ lên thành thành phố.
Hàng nghìn người đã tụ tập ngoài trường tiểu học địa phương ủng hộ học sinh bãi khóa sau khi ban giám hiệu cấm học sinh nghỉ học.
Sau hai ngày diễn biến vụ việc trở nên nghiêm trọng khiến 1.000 cảnh sát cơ động Trung Quốc có hỗ trợ của trực thăng vào cuộc.
Nguồn tin từ Hong Kong cũng nói có sau vụ ẩu đả làm nhiều người bị thương và hai bên công an và người biểu tình đã đánh nhau giành xác hai học sinh bị chết.

-Nợ công VN sắp ‘vượt ngưỡng an toàn’

BBC


Các doanh nghiệp nhà nước trong ngành giao thông vận tải và xây dựng có tỷ lệ nợ xấu cao
Quốc hội Việt Nam vừa thông báo nợ công sắp vượt trần, trong lúc giới chuyên gia cảnh báo mối nguy tiềm ẩn từ khối doanh nghiệp nhà nước.
Báo điện tử VnExpress hôm 14/10 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Hà Nội cho biết nợ công có khả năng “đạt suýt soát 64% GDP” vào cuối năm 2015.
“Chúng tôi quy định nợ công không vượt quá 65% GDP”, bà nói thêm.

Trước đó, báo cáo được chính phủ Việt Nam đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 9/10 cho biết nợ công có thể sẽ đạt tương đương 60,3% GDP vào cuối năm 2014.
Tính đến ngày 14/10, nợ công của Việt Nam, theo Đồng hồ nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, là 84,6 tỷ đôla.
Trả lời BBC hôm 14/10, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng tình trạng nợ công gia tăng sẽ làm giảm uy tín của chính phủ trong vấn đề cải cách nền kinh tế.
Ông Thế Anh cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn do việc thống kê nợ công hiện nay không bao gồm nợ từ doanh nghiệp nhà nước.

‘Đi ngược lời hứa cải cách’

BBC: Thưa tiến sỹ, ông có thể cho biết những rủi ro nền kinh tế sẽ phải đối mặt nếu nợ công chạm ngưỡng an toàn?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Như Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, trong vòng 1-2 năm tới, nợ công của Việt Nam có thể tăng sát trần, đạt tới 64% GDP.
Ở đây là họ đã tính tới một số các dự án mà chính phủ đang xin phép quốc hội phê duyệt để thực hiện ví dụ như dự án sân bay Long Thành và một số dự án lớn khác.
Các dự án này chủ yếu đều dùng vốn đi vay nên nếu được cho phép thực hiện sẽ đẩy mức nợ công của Việt Nam lên sát ngưỡng an toàn.
Việc này có thể tác động đến các nhà đầu tư tài chính, gây tâm lý lo ngại và có thể làm ảnh hưởng đến đánh giá về độ an toàn của nợ công Việt Nam.
Bên cạnh đó, mức vay nợ của Việt Nam hiện nay tương đối là cao. Trong khi đó, chính phủ vẫn tiếp tục tham gia cam kết thực hiện các dự án kinh tế quá lớn, nằm ngoài khả năng cân đối thu chi.
Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tư nhân, cụ thể là khiến vốn mà lẽ ra khu vực tư nhân có thể tiếp cận bị giảm đi rất nhiều.
Điều này cũng làm giảm giá trị lời cam kết của chính phủ trong việc thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp khu vực đầu tư công trong nền kinh tế, bởi vì chỉ số nợ công đang phản ánh điều ngược lại.

Hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã chậm lại trong thời gian gần đây

Chưa tính doanh nghiệp nhà nước

BBC: Thưa ông, tại Việt Nam, nợ của các doanh nghiệp nhà nước lại không được tính vào nợ công. Điều này dẫn tới những rủi ro nào?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Nợ công được công bố chính thức của Việt Nam hiện nay là nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Theo tôi thì nợ của doanh nghiệp nhà nước mới là nguy cơ tiềm ẩn và là rủi ro lớn nhất với an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay.
Nếu chúng ta nhìn vào thực tiễn thì có thể thấy có một số khoản nợ không được chính phủ bảo lãnh, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì chính phủ vẫn phải đứng ra cam kết trả nợ thay.
Trên thực tế, nợ của doanh nghiệp nhà nước hiện nay mà không được chính phủ bảo lãnh cũng gần tương đương với nợ công chính thức được công bố.
Trong số các doanh nghiệp nhà nước có nợ lớn thì có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, không trả được nợ.
Nhiều doanh nghiệp có tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 30 lần. Có thể điểm tên một số doanh nghiệp nhà nước đó như Công ty Hàng hải của Vinashin chuyển sang Vinalines, nợ có thể lên tới 70.000 – 80.000 tỷ.
Các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải và xây dựng cũng có hệ số nợ rất lớn, có thể lên đến hơn 10 lần.
Đây là những mầm mống, nguy cơ đe dọa đến vấn đề an toàn nợ công của Việt Nam.

‘Ngân sách không trả được nợ xấu’

BBC: Vừa rồi Bộ Kế hoạch Đầu tư có đề xuất là sử dụng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Ông nghĩ gì về điều này?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: Điều đó theo tôi là không khả thi vì ngân sách hiện nay không đủ để trang trải chi tiêu của chính phủ, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Hàng năm, thâm hụt ngân sách lên đến 6 – 7%.
Như vậy nếu nói lấy nguồn thu từ ngân sách nhà nước để trả nợ xấu thì không khả thi vì nếu có lấy thì cũng không đáng kể so với quy mô nợ xấu hiện nay.
BBC: Ông đánh giá thế nào về mức độ hiệu quả của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay?
Tiến sỹ Phạm Thế Anh: VAMC về bản chất không phải là công ty xử lý nợ xấu. Đây chỉ là một công cụ để kéo dài thời gian xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại hiện nay khi vướn vào nợ xấu thì nguồn vốn của họ bị tắc nghẽn ở khoản nợ xấu đó.
Ngân hàng Nhà nước dùng VAMC để tái cấp vốn cho các ngân hàng đó bằng cách ghi trái phiếu cho các ngân hàng có nợ xấu.
Các ngân hàng này có thể dem trái phiếu thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền dùng vào hoạt động kinh doanh.
Về bản chất, VAMC không phải là công cụ xử lý nợ xấu mà chỉ kéo dài thời gian giúp các ngân hàng thương mại tự giải quyết nợ xấu thông qua tái cấp vốn.
Tôi không nghĩ rằng nó có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu hiện nay của Việt Nam

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN


TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét