Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Đừng để cái ác lan rộng như mốt thời thượng

Đừng để cái ác lan rộng như mốt thời thượng

Khi mọi người xôn xao về những cái xấu xí của người Việt ở nước ngoài như không chịu xếp hàng, xả rác bừa bãi, ăn cắp vặt... thì hôm nay khi đọc bản tin Bị đâm chết khi phát cơm từ thiện, hẳn ai cũng rùng mình.
 
Chị Tâm, vợ của anh Trần Minh Phước, khóc ngất. Anh Phước bị đâm chết khi đang phát cơm từ thiện - Ảnh: Đình Tuyên
Tôi đã rùng mình khi nhìn người phụ nữ gầy gò ấy ôm con khóc với cái xác của người chồng. Họ đang làm những công việc ở tầng thu nhập thấp nhất của xã hội: ăn xin và nhặt ve chai. Cái việc phát cơm từ thiện của anh vừa làm việc đẹp, đơn giản, vừa giúp anh chị có thêm được hai phần cơm miễn phí sau khi làm việc. Chẳng hiểu vì đâu, một công việc thuần túy từ thiện, người phát cơm thuần túy nhọc nhằn và “món lợi” to nhất cũng chỉ là hai hộp cơm, lại có thể bị kéo vào một tội ác kinh khủng như vậy: bị giết vì người đợi phát cơm thấy đông quá, mãi không tới lượt nên tức giận.

Bản tin giết người ấy găm vào tâm trí của những người bình thường như một mũi kim. Ông chồng chết vì một hộp cơm. Có một đứa bé hai tuổi mất cha cũng chỉ vì một hộp cơm. Các lý do giết người, vung dao, vung kiếm ngày càng dễ dàng hơn, đơn giản hơn và dễ thực hiện đến bất ngờ. Có những lý do khi nghe thấy, người ta tự hỏi sao một chuyện thường thường như vậy lại có thể hóa thành một tội ác, cùng lắm thì thành vài câu chửi nhau, cãi lộn là hết mức. Thế mà nó hóa thành một vụ giết người.

Hãy đọc những vụ giết người: một cậu trai bị đánh đến chết vì lỡ... đi cua gái trong một làng khác, hai người thách đấu qua Facebook xong dùng kiếm đâm chết nhau, thách thức nhau trong một cuộc nhậu rồi hậm hực đánh chết bạn nhậu, thấy cậu trai lạ “nhìn đểu” đánh chết cho chừa. Cái chết đến dễ quá, nó bắt đầu chỉ bằng những đôi co, lời qua tiếng lại, mà sau khi nhìn lại, người ta giật mình tự hỏi, sao mâu thuẫn gì nhỏ nhặt và tầm phào như vậy?

Ngày càng xuất hiện những người thấy việc cầm hung khí lên để “giải quyết vấn đề” là một chuyện có lý. Nhiều người đơn giản là không hề suy xét khi vung dao lên, không nghĩ đủ xa đến mức mình có thể vướng vô chuyện gì, người đối diện có thể gặp phải bi kịch gì hay ai có thể đau khổ từ việc ác mình gây ra. Kẻ muốn dùng sức mạnh áp chế và tấn công người khác thấy khả năng của mình đầy rẫy, trong khi người yếu hơn không biết bấu víu vô cái gì cho một sự bảo vệ rõ nét, có sức mạnh.

Có một ông già từng nói với tôi: “Lũ trẻ bây giờ không sợ cái chết nữa. Có lẽ chúng chưa hiểu ý nghĩa của sự sống”.

Đã một thời gian quá dài vượt qua những nhọc nhằn, khốn khổ, đủ để người ta lớn lên và sống như cây cỏ bản năng không chút cắt tỉa, uốn nắn hay được quy hoạch trong những hành vi phù hợp. Người ta thấy cơn giận có thể có nhiều hơn một giá trị, nơi nó có thể áp chế kẻ khác, tấn công, xâm hại mạng sống của kẻ làm mình không hài lòng, để trở thành người mạnh - người chiến thắng.

Tâm tính của cái ác thật dễ dàng lan ra, được truyền tai nhau, rỉ rả trong những cuộc chơi và trò buôn chuyện ngoài xóm, đầu làng. Trong những cuộc bàn tán, thảo luận trên internet, có những nhóm đem hình ảnh kẻ giết người ra, tán dương như một thần tượng bất chấp tất cả để khẳng định mình, thể hiện điều mình muốn nói, tỏ ra mạnh mẽ và không sợ gì hết! Có thời Lê Văn Luyện trở thành "thần tượng" hấp dẫn và thời thượng của nhiều người trẻ trung và lạ lùng.

Nhiều kẻ trong số ấy tin rằng cầm kiếm ra sân bóng rồi đâm chết thằng bạn là nó sẽ sợ mình, hoặc không đưa cơm cho mình thì đáng bị đâm chết.

Cái chết dễ dàng quá. Nó biến cuộc sống thành tạm bợ, còn cái ác lại lan truyền cao và hấp dẫn.

Nó có phải là sự “xấu xí” không? Hay cái ác đã quá hấp dẫn?

Chỉ là hôm qua, một đứa trẻ con tự dưng khóc mãi không thôi, vì cha đã nằm im lạnh ngắt sau một buổi phát cơm từ thiện...
Duy Minh *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người sống và làm việc tại TP.HCM
(Thanh niên)

Viện Lowy: Các nước cần liên minh ứng phó với TQ

Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chụp ảnh lưu niệm tại Myanmar, ngày 8/8/2014.


 Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chụp ảnh lưu niệm tại Myanmar, ngày 8/8/2014.
Sự hung hãn của Trung Quốc và cảm giác chưa an tâm về cách ứng phó của Mỹ khiến các cường quốc hạng trung ở khu vực Ấn Độ-Châu Á Thái Bình Dương hướng tới các phương thức vượt ra ngoài những biện pháp truyền thống để đảm bảo an ninh.

Đó là kết luận trong bài phân tích của Viện Lowy, tổ chức nghiên cứu và cố vấn chiến lược tại Australia, vừa công bố hôm nay.

Các tác giả nhận xét sự trỗi dậy của Trung Quốc có phần chắc sẽ không ôn hòa và rằng cam kết của Mỹ với khu vực chưa mấy đáng trông cậy vì dù có chính sách xoay trục về Châu Á, nhưng Mỹ vẫn bị chi phối bởi tình hình bất ổn ở Trung Đông và các thách thức mới từ Nga.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu nói thay vì chờ xem mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu, các nước trong khu vực nên áp dụng chính sách gọi là ‘liên minh các cường quốc hạng trung.’

Bài phân tích của Viện Lowy nhận định sự hợp tác giữa liên minh các cường quốc hạng trung sẽ giúp gầy dựng một sức bật trong khu vực trước những thay đổi bất thường trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Tác giả nói Ấn Độ, Nhật, Nam Triều Tiên, Australia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, và các nước khác nên chủ động và tự hoạch ra tương lai an ninh của mình bằng cách siết chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược với nhau để đối phó với một Trung Quốc ‘giương oai diễu võ’, góp phần bảo vệ an ninh khu vực.

Các nghiên cứu gia ở Viện Lowy chỉ ra rằng Ấn Độ và Australia có thể là những thành tố cốt lõi trong việc xây dựng liên minh các cường quốc hạng trung này.
Nguồn: Lowyinstitute.org, WSJ
(VOA)

Không đứa trẻ nào có sẵn 'Số phận Bồ Đề'

Hầu như cả nước đang bàng hoàng với thông tin mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị đem bán. Tuy nhiên vụ việc vẫn đang diễn tiến và nền tư pháp nhân văn không cho phép kết tội bất cứ ai cho đến khi họ đã được tòa án xét xử.
Và, vụ việc gây phẫn nộ nhưng xin hãy nhìn vào thực tế.
Rất nhiều bà mẹ cảm thấy kiệt sức khi nuôi con, mặc dù tài chính ổn định và gia đình phụ chăm sóc. Vậy thì trước khi lớn tiếng thương xót các cháu chịu cảnh nheo nhóc và lên án người nuôi dưỡng, xin hãy đặt mình vào vị trí họ - tôi muốn nói không chỉ riêng tại chùa Bồ Đề.
Nuôi dưỡng hàng chục đứa trẻ, cùng lúc có nhiều đứa sơ sinh, không ít đứa bệnh tật mãn tính, trong tình trạng luôn bấp bênh về tài chính... không hề giống với việc ôm hôn vài cháu mặt mũi xinh xắn, hát múa vài bài, chụp hình up Facebook rồi về với cảm giác đã hoàn thành chỉ tiêu từ thiện.

Khi vụ Bồ Đề bị phát hiện, ai cũng hừng hực căm hờn, nhưng xin hãy thành thật: có mấy ai trong chúng ta dám đón chỉ một cháu bé ấy về nuôi dưỡng? Vậy thì xin hãy gói gọn sự việc ở đúng mức độ vi phạm của nó, chớ vội vơ đũa cả nắm kẻo chúng ta lại mang nghiệp nói dối và vô ơn.
Sâu xa hơn, cần xem lại vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến tháng 2-2014, cả nước có trên 40.000 trẻ mồ côi được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 176.000 trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22.000 trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung.
Mỗi năm, có từ 5.000-6.000 trẻ em được nhận nuôi (cả trong nước và quốc tế). Trong đó, chỉ có khoảng 20% trẻ em lang thang cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại các trung tâm do Nhà nước quản lý. Số còn lại tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng tư nhân, các cơ sở tự phát, cơ sở thiện nguyện như nhà chùa, nhà thờ… Tức cứ mỗi năm, dù đau xót phẫn nộ nhưng xã hội vẫn đều đều thêm khoảng hơn 4.000 trẻ vào chùa, nhà thờ và các mái ấm tư nhân.
Rõ ràng phải thừa nhận nếu không có các cơ sở nuôi trẻ ngoài nhà nước thì xin nhấn mạnh, mỗi năm hơn 4.000 trẻ nói trên sống hay chết, đi đâu, về đâu- không ai biết. Và dù thiếu thốn hơn so với những trẻ được nuôi dưỡng tốt trong gia đình, nhưng chính những mái ấm này đã cho chúng cơ hội sống sót, có chỗ ở và miếng ăn để không phải lang thang ngoài đường phố.
Đây là thực tế hiển nhiên tồn tại hàng chục năm qua, nói hình tượng thì ít nhất từ thời Thị Kính đến giờ. Hệ thống cơ quan chức năng và quản lý nhà nước dày đặc có biết không? Ai nói không thì tôi đề nghị cấp trên cho nghỉ việc người ấy vì tắc trách.
Hơn nữa, theo pháp luật, Uỷ ban Nhân dân (UBND) cấp phường là nơi chịu trách nhiệm liên hệ đưa trẻ bị bỏ rơi đến các trung tâm bảo trợ của nhà nước.
Nhưng vẫn theo thống kê trên, Bộ Lao động-thương binh và xã hội thừa nhận cho đến nay cũng không nắm được chính xác có bao nhiêu cơ sở tôn giáo và tư nhân chưa được cấp phép nhưng vẫn tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên cả nước. Bộ này cũng không kiểm soát được tình hình nuôi dưỡng trẻ tại các tổ chức ngoài nhà nước.
Cụ thể ở vụ Bồ Đề, thông tin cho hay đã có mười mấy trẻ sau khi đem cho các gia đình thì không còn liên lạc được. Có trẻ được thông báo đã chết nhưng cũng không thấy mộ.
Sau khi báo chí làm rầm rộ lại có thêm rất nhiều người tự xưng mình là nhân chứng. Như vậy cái mầm không minh bạch nhen nhóm không phải mới đây, cũng không hề quá tinh vi che giấu mà UBND phường sở tại sao cũng chẳng hay biết gì. Khó hiểu quá!
"Khó hiểu" hơn nữa là trên bình diện cả nước, thực trạng đáng lo ngại như thế đã kéo rất dài, mà phản ứng của không ít cơ quan chức năng, xem ra cứ hết sức hồn nhiên như thể mới tinh vậy!
Rồi những cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em khắp các cấp, họ ở đâu? Không đứa trẻ nào có sẵn "số phận Bồ Đề" cả. Chúng phải được mẹ chúng mang trong bụng trước đó ít nhất 9 tháng.
Bao nhiêu chính sách và ngân sách để giáo dục, tuyên truyền, giúp đỡ, ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn, hàng hàng lớp lớp tổ chức có nhiệm vụ này, họ ở đâu khi người mẹ đang cần giúp đỡ?
Tôi nghĩ, nếu muốn "làm sạch cửa thiền" thì trước hết các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực này hãy thực sự làm tròn nhiệm vụ của mình đi đã.
Hoàng Xuân  Nhà báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Hoàng Xuân, một nhà báo tự do, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn. 
(BBC)

Ðảng viên CS Nguyễn Ðăng Trừng bị khai trừ, một bài học cho những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời

Ngày 30-7, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM – đã công bố Quyết định số 3030 – QĐNS/TU về việc thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư Đảng đoàn, luật sư Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.

Sau khi đọc bản tin trên mạng internet, chúng tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc là ông Nguyễn Đăng Trừng đã không hành động như người bạn đồng môn chí thân Lê Hiếu Đằng, cũng là đồng chí hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những thủ lãnh hàng đầu của cái gọi là “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy”(Sau đây xin gọi tắt “Phong trào”).

Ảnh minh họa
Lê Hiếu Đằng đã “phản tỉnh” trước khi qua đời một thời gian ngắn, tuy muộn màng, nhưng dứt khoát bằng hành động tự thú sai lầm và công khai tuyên bố quyết định ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), cùng một số hành động sau đó. Trong khi Nguyễn Đăng Trừng, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng đã “phản tỉnh” từ lâu như Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên được kết nạp qua “Phong trào”, nhưng vẫn giấu mặt, để giờ đây bị khai trừ khỏi đảng. Đã thế, điều gây thắc mắc cho mọi người quan tâm, là không biết luật sư Nguyễn Đăng Trừng nghĩ sao, có toan tính gì mà lại gửi văn thư số 135D/ĐLS ngày 1-8-2014 “Về việc yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật”?

I/- ĐÔI NÉT VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, học luật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn cùng với người em trai là Nguyễn Đăng Liêm, cả hai đều được Việt cộng móc nối tham gia “Phong trào” và được bí mật kết nạp vào đảng CSVN. Nguyễn ĐăngTrừng, từng là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên đoàn Luật khoa và Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Đăng Trừng cùng Lê Hiếu Đằng tham gia “Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” của Luật sư Trịnh Đình Thảo như một lực lượng chính trị quần chúng hổ trợ cho cái gọi là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” trên khắp các thành thị Miền Nam để cướp chính quyền. Vì tham gia Liên minh này, Nguyễn Đăng Trừng và một số cựu sinh viên luật nằm vùng khác cũng như nhiều sinh viên nằm vùng ở các phân khoa khác đã lộ mặt nên phải trốn vào bưng, sau khi làm cuộc “Tổng tiến công” mà không thấy nhân dân nổi dậy (mà chỉ thấy nhân dân bỏ chạy khi VC đến) nên đã bị thảm bại.

Sau 30-4-1975 cả hai anh em Trừng và Liêm đều trở thành sĩ quan công an tại Thành phố HCM. Theo một công an là cấp dưới của Nguyễn Đăng Trừng phạm tội tham ô bị nhốt chung phòng với người viết ở Sở Công an Thành phố khoảng năm 1979-1980, thì lúc đó Trừng mang cấp bậc Đại úy công an Đội trưởng KT.2 (Phòng bảo vệ kinh tế). Người công an này cho biết ông Trừng rất thanh liêm, điển hình là tem phiếu cấp mua xăng dùng không hết thì trả lại, không đem bán lại kiếm thêm tiền “cải thiện” (đời sống vốn khó khăn lúc bấy giờ) như phần đông cán bộ công nhân viên khác. Ông Trừng chỉ có tật hay nổi nóng với cấp dưới….

Sau này chúng tôi được biết thêm, Nguyễn Đăng Trừng cùng em trai là Trung úy Công an Nguyễn Đăng Liêm (từng giữ chức Trưởng Công an Cảng Sài Gòn) đều bị thuyên chuyển ra khỏi ngành công an. Nguyễn Đăng Trừng thì thuyên chuyển qua giữ chức Phó Đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố HCM (lúc đó chưa có quy chế luật sư đoàn) mà Trưởng đoàn là Triệu Quốc Mạnh, một Thẩm phán công tố Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một đồng môn luật khoa hoạt động nằm vùng cho Việt cộng. Năm 1989 Đoàn Luật sư Thành phố HCM được thành lập, một thời gian sau, Triệu Quốc Mạnh được cử làm Khoa Trưởng trường luật đầu tiên tại Sài Gòn để đáp ứng với chính sách “Mở cửa”, Nguyễn Đăng Trừng lên thay làm Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố HCM cho đến ngày bị khai trừ khỏi đảng, trước khi tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018).

Lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng CSVN theo Quyết định khai trừ ngày 30-7-2014 là vì “Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM – trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán…”

Như vậy là quá rõ, tóm gọn lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ là vì đã thực hiện nhiệm vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành Phố HCM một cách tùy tiện theo sáng kiến cá nhân, ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.

II/- MỘT BÀI HỌC CHO CÁC ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH NỬA VỜI

Ls Nguyễn Đăng Trừng là một đồng môn Luật khoa Sài Gòn, không xa lạ với người viết, song không phải là bạn, càng không phải là “đồng chí” về mặt lý tưởng, vì ngay từ thời tuổi trẻ đến nay người viết vẫn đứng trên lập trường Quốc gia Dân Tộc, kiên trì đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đồng môn Nguyễn Đăng Trừng cho đến lúc này bề ngoài vẫn tỏ ra trung thành với lý tưởng cộng sản, thể hiện qua thực tế vẫn đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN, dù bị khai trừ vẫn gửi thư yêu cầu lãnh đạo đảng bộ Thành phố HCM rút lại quyết định khai trừ.

Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, Ls Nguyễn Đăng Trừng cũng như cố Luật gia Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên đảng CSVN nói chung, các đảng viên được kết nạp vào đảng qua “Phong trào” trước năm 1975 nói riêng, nhờ thực tế đều đã lần hồi “phản tỉnh” từ lâu. Nhưng tất cả chỉ là sự “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt” vì không dám công khai nói lên sự phản tỉnh của mình và không dám có những hành động cụ thể, tích cực tiếp theo để cải sửa những sai lầm của đảng CSVN, để chứng tỏ một sự phản tỉnh hoàn toàn.Vì vậy, về mặt khách quan, người ta cho rằng họ là những kẻ vì sợ bị bộ máy chuyên chính trấn áp, sợ tù tội, sợ mất đặc quyền, đặc lợi vốn dành cho giai cấp cán bộ đảng viên, nên đã chọn thái độ “mũ ni che tai” hay “ngậm miệng ăn tiền”. Nhưng về mặt chủ quan, để biện minh cho thái độ này thì cho đây là sự chọn lựa khôn ngoan, phù hợp với thực tế khi mà tương quan lực lượng vẫn chưa cân sức giữa đảng và chế độ độc tài toàn trị CS tại Việt Nam với các lực lượng chống đảng và chế độ. Nghĩa là “tình thế cách mạng chưa chín muồi” nên các đảng viên dù phản tỉnh vẫn giấu mặt chờ thời, để có “vỏ bọc đảng viên” thực hiện “đấu tranh nội bộ” chống lại những sai trái của Đảng, dù không đạt hiệu quả cao, nhưng an toàn và ít nhiều góp phần thúc đẩy Đảng lùi dần về phía dân chủ, tạo ra “tình thế cách mạng chín muồi”. Đây là cách biện minh của những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời. Phải chăng Nguyễn Đăng Trừng cũng đã và đang thực hiện theo cách biện minh này?

Cách biện minh trên có phải chỉ là ngụy biện để che đậy thực chất hèn nhát của các đảng viên CS dù phản tỉnh vẫn không giám công khai nói lên và chứng tỏ sự phản tỉnh của mình bằng hành động? Để có câu trả lời chính xác, đề nghị các đảng viên CS sản phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt hãy đọc lại lời của cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng sau khi phản tỉnh đã Viết trong những ngày nằm bịnh như lời trăn trối với các đồng chí cùng cảnh ngộ trước khi nhắm mắt, rằng “… Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày.... Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.” Nguồn Bô Xít VN

Vậy thì, từ sự kiện đảng viên CS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng, những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt cần rút ra bài học kinh nghiệm gì?

Theo thiển ý, để tránh tình trạng bị “bắn sẻ” như đảng viên Nguyễn Đăng Trừng (khai trừ từng đảng viên phản tỉnh, phản đảng) hay “phản tỉnh lẻ tẻ” chẳng có hiệu quả gì, cần thiết phải có sự liên kết “phản tỉnh tập thể” cùng lúc của tất cả các đảng viên đã và đang “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt”. Vì chỉ có như thế mới tạo được sức mạnh và sức nặng tổng hợp đủ vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ nền chuyên chính vô sản (bảo vệ Đảng), tạo ra được “Tình thế cách mạng chín muồi”, buộc được “bộ não xơ cứng của đảng” phải chuyển đổi theo ý nguyện của nhân nhân và chiều hướng có lợi cho dân cho nước.
Thiên Ý 
  (VOA)

Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên có bị đánh tráo?

d3b13_phoi_canh_11-305.jpg
Phối cảnh ga metro Suối Tiên và depot thuộc tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.
Courtesy TBKTSG
Người dân ở phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM vừa làm đơn gửi đến các cơ quan đại diện của chính phủ Nhật Bản tố cáo có sự đánh tráo và tham nhũng trong dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được tài trợ bởi nguồn vốn ODA.
Không công khai minh bạch

Hôm 27/7/14, hàng trăm hộ dân ở khu phố 1, khu phố 5 và khu phố 6 thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM làm đơn tố cáo tập thể gửi đến Thủ tướng và Quốc hội Nhật Bản thông qua các cơ quan đại diện chính phủ Nhật gồm Đại sứ quán Nhật Bản và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại VN cùng với cơ quan truyền thông báo chí-tờ The Yomiuri Shimbun cũng như cơ quan Japan International Cooperation Agency Nhật Bản (JICA), là cơ quan chịu trách nhiệm dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.

Trong đơn tố cáo tập thể này, người dân tố cáo tham nhũng-tiêu cực của Ban bồi thường Quận Thủ Đức không áp dụng chính sách dự án xây dựng tuyến Metro số 1, Bến Thành-Suối Tiên, có nguồn vốn ODA. Tất cả hộ dân ở khu phố 1, 5 và 6 nằm trong danh sách đền bù giải tỏa thu hồi đất đai-nhà cửa bị đánh tráo sang dự án khác với phương án khác, trái với quy định pháp luật mà VN và Nhật Bản đã ký kết.

Người dân tố cáo Ban bồi thường Quận Thủ Đức không công khai minh bạch dự án có nguồn vốn ODA mà lại che giấu, ban hành phương án và đơn giá đền bù cho các quyết định thu hồi nhà đất chồng chéo vào dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội. Một số đông trường hợp hộ dân trong dự án bị đánh tráo này được báo giới ở VN phản ảnh Ban bồi thường Quận Thủ Đức đền bù nhà đất với giá rẻ mạt, không thể tái thiết cuộc sống mà chỉ dẫn đến đói nghèo cơ cực.

Đài RFA liên lạc với một trong những nạn nhân nói trên là bà Nguyễn Thị Vỵ, bà cho biết:

“Đất ở từ xưa tới giờ mà Nhà nước cứ nói là lấn chiếm. Đi khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền thì nói là không lấn chiếm nữa, nói là xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố gọi là đưa vào ‘đất xen cài khu dân cư’ mà chỉ nói bằng miệng thôi chứ văn bản thì không có. Hiện giờ 1.060,9 m2 đất của mình mà chỉ cho có 3 triệu 55 ngàn thôi. Uất ức quá! Nhiều người dân ở đây bức xúc chứ không phải 1 mình tôi. Cả tuyến đường xa lộ Hà Nội này gồm khu phố 1, khu phố 5, khu phố 6 ai cũng vướng vô cảnh 2 dự án chồng vô 1 dự án thôi”.

ef2d8_cac_tuyen_metro-250.jpg
Sơ đồ quy hoạch các tuyến metro tại TPHCM. Courtesy TBKTSG.
Bà Nguyễn Thị Vỵ bị cưỡng chế thu hồi toàn bộ đất đai nhà cửa vào ngày 30/9/11 trong hoàn cảnh bệnh tật, chồng chết, con trai đi bộ đội. Bà Vỵ buộc phải ký vào giấy không nhận số tiền bồi thường 3 triệu 55 ngàn đồng để đi khiếu nại vì tính theo đơn giá đúng quy định thì số tiền bồi thường bà nhận được khoảng gần 5 tỉ đồng trong dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, chưa tính đến dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên bị đánh tráo.

Không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Vỵ mà rất nhiều hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tố cáo khắp nơi nhưng không được giải quyết. Ông Phạm Văn Minh cho đài ACTD biết có đến 5 hộ trong gia đình ông bị cưỡng chế thu hồi nhà đất mà không được bồi thường giải tỏa theo dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên. Ông Minh kể lại:

“Chúng tôi cũng bị đánh tráo dự án. Chúng tôi cũng kiện ra tới tòa án 2 lần. Lần sơ thẩm thì bác đơn của chúng tôi và lần và lần thứ 2 cũng như vậy. Hiện giờ chúng tôi đang đi ở trọ. Nhà cửa, đất đai đã bị chính quyền địa phương quận Thủ Đức ban hành lệnh cưỡng chế”.
Vốn dự án này, thực hiện dự án khác?

Ông Minh phân trần phía tòa án nói quyết định thu hồi đất là đúng, chính sách ban hành giá đền bù của quận cũng là đúng nên phù hợp với chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên người dân kiện dự án bị đánh tráo, từ dự án có vốn ODA Nhật Bản mà bị đánh tráo qua dự án khác của TP.HCM mở rộng xa lộ Hà Nội. Họp báo thì nói dự án do Nhật đầu tư bằng nguồn vốn ODA, tới khi thực hiện thì lại là 1 dự án tên khác hoàn toàn xa lạ. Điều nghịch lý là người dân yêu cầu có quyết định đưa ra thì cơ quan chức năng quận Thủ Đức chỉ nói bằng miệng; người dân yêu cầu giải quyết đơn khiếu nại trước rồi mới cưỡng chế giải tỏa sau theo đúng trình tự pháp luật quy định nhưng chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế trước rồi nói giải quyết khiếu nại sau. Ông Minh nói thêm:

“Tôi làm tổ phó ở đó, đi thu tiền của các hộ dân để làm ‘quyền sử dụng đất’ nhưng chính quyền họ không cấp. Khi có dự án thì ra lệnh cưỡng chế thu hồi đất. Còn trước đó thì dân chúng ở bình thường mà không cấp giấy quyền sử dụng cho dân. Điều này gây ngạc nhiên cho người dân: ở thì ở bình thường mà khi có dự án thực hiện thì thu hồi đất của dân. Ngay cả chúng tôi trưng những giấy tờ chúng tôi đã làm như đóng tiền, yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho dân, rồi cơ quan tới vẽ, đo đạc đều do cán bộ địa phương hướng dẫn hết nhưng họ không cấp và nói ngược lại là dân không có giấy tờ. Chúng tôi rất là thiệt thòi trong vấn đề này”.

Một số hộ dân trong danh sách hàng trăm hộ đồng ký tên trong đơn tố cáo tập thể mà đài RFA tiếp xúc đều chia sẻ đời sống của họ hiện tại rất khó khăn. Có hộ cầm tiền rồi thì toàn đi ở thuê, ở trọ, không có công ăn việc làm ổn định vì chỗ cũ của họ bị mất nên thu nhập bấp bênh. Còn những hộ không nhận tiền đền bù rẻ mạt thì thê thảm hơn. Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vỵ, nhờ một doanh nghiệp thương tình hoàn cảnh khốn khó cho che tạm mấy tấm tôn cũ bên hông vách tường của công ty làm nơi trú ẩn mưa nắng qua ngày hay trường hợp của gia đình ông Phạm Văn Minh không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bị mất. Trước đây thu nhập khoảng 20 triệu/tháng nhờ vào kinh doanh bằng mặt bằng. Bây giờ thu nhập chỉ khoảng 3,4 triệu mà thôi.

Các hộ dân ở 3 khu phố thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức than phiền hết cấp này đến cấp khác ở VN bác đơn khiếu kiện của họ. Giờ đây, họ chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng ở chính phủ Nhật Bản có thể giúp họ vì họ tin vào lời phát biểu của trưởng đại diện JICA rằng “đồng vốn ODA của Nhật Bản dành cho VN là do nhân dân Nhật đóng thuế mà có nên rất quý báu. Do đó, hy vọng chính phủ VN sẽ sử dụng một cách hiệu quả những những đồng vốn này”.
Hòa Ái, phóng viên RFA 
2014-08-13 

Bộ Ngoại giao Mỹ: “Sẽ theo dõi sát sao vụ án Bùi Thị Minh Hằng”

bo_trung_gap_state_dep.jpg

Nối tiếp cuộc gặp với Freedom House, chiều 13/8 (giờ địa phương), Trần Bùi Trung – tức Bo Trung, con trai nhà hoạt động nhân quyền Bùi Thị Minh Hằng – đã gặp gỡ hai quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington DC.

Hai quan chức đề nghị ẩn danh để thuận tiện cho công việc của họ với các blogger và giới hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Hai vị cho biết, Chính phủ Mỹ đã đưa vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm ra Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt hồi tháng 5 vừa qua, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, và Bùi Thị Minh Hằng. Và không chỉ trong Đối thoại Nhân quyền, mà Mỹ cũng nêu tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tại tất cả các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa giới chức hai nước.

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Hoa Kỳ coi cải thiện nhân quyền như là điều kiện mấu chốt để Việt Nam có thể đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mua vũ khí sát thương từ Mỹ.

Hai quan chức cho biết họ đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao vụ án Bùi Thị Minh Hằng.

Về phần mình, Bo Trung và luật sư Vi K. Trần (thành viên phong trào Con Đường Việt Nam) đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ có tiếng nói yêu cầu chính quyền Việt Nam phải tôn trọng luật pháp của chính Việt Nam, thực thi nhà nước pháp quyền, bảo đảm tư pháp độc lập thì mới có thể cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước. Bo Trung bày tỏ ý muốn Bộ Ngoại giao Mỹ tìm biện pháp đối thoại với chính quyền Việt Nam để chấm dứt trấn áp không chỉ riêng trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng mà tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam nói chung.

Một vị quan chức của Bộ Ngoại giao hỏi Bo Trung có e ngại gì khi trở về nước sau chuyến đi vận động cho mẹ hay không. Bo Trung đáp: “Căn cứ vào những lần chính quyền câu lưu các blogger tại sân bay để “làm việc”, tức là để thẩm vấn, về việc đi vận động và tham gia hội thảo quốc tế, thì có thể thấy việc tôi bị công an gây khó dễ lần này là không thể tránh khỏi. Nhưng tôi đã xác định và chuẩn bị tinh thần từ trước khi rời Việt Nam rồi, nên cũng không e ngại gì”.
(Con Đường Việt Nam)

Liên Sơn - Trao đổi với tác giả Nguyễn An Dân

(VNTB) Tôi đọc rất kỹ, đọc lại hai – ba lần để đảm bảo nắm chắc được ý mà tác giả Nguyễn An Dân đã gửi gắm đến. Để từ đó, có những phản hồi mang tính xác đáng nhất.
Quan điểm của tôi về lá thư góp ý là sự trân trọng, sau đó tôi xin ngỏ vài lời với tác giả cũng như bản thân Hội. Và mong nếu có thể, sẽ nhận được sự phản hồi.

Tôi ủng hộ quan điểm
Một là, sự mất kết nối giữa trang Web (http://www.ijavn.org/) và Fanpage của Hội (https://www.facebook.com/vietnamtimes01) về mặt nội dung đăng tải. Đáng ra, hai cái này nên có sự đồng nhất, việc chọn lọc bài viết này được lên Fanpage là quyền của Ban điều hành/ Ban quản trị, nhưng buộc bài đó phải là từ trang Web của Hội. Tất nhiên, chúng ta vẫn để ngỏ 10%-20% bài viết từ các nguồn khác, nhưng có giá trị báo chí cao.
Hai là, việc xác định rõ vai trò của trang báo là “môi trường gắn kết, sinh hoạt của các nhà báo theo tiêu chuẩn nghề nghiệp do Hội đề ra”. Chỉ có như vậy, thì Hội mới có thể đảm bảo được mục tiêu của mình. Trong đó có việc “Duy trì và phát triển tinh thần phản biện của giới nhà báo và trí thức đối với các vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của xã hội và quốc gia.”
Ba là, đặt ra những mục tiêu có giá trị nâng cao uy tín Hội, trong đó có chọn lọc bài viết, chọn lọc Hội viên, đảm bảo tính kế thừa trong việc điều hành Hội giữa lớp trước với lớp sau… Ví dụ: cần tìm kiếm một lớp người điều hành thay thế/ dự phòng trong trường hợp nhóm điều hành đầu bị “tai biến”; phân một nhóm chịu trách nhiệm biên tập/đăng tin bài cộng tác lên website/ mạng xã hội (facebook; google+; tw); một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm quản lý youtube và các vấn đề liên quan đến truyền thông media; một nhóm có trách nhiệm bảo mật. Kể cả việc điều hướng Hội viên tập trung viết mảng về chủ đề nào cho phù hợp với sở trường để vừa tạo tính cân bằng trong chủ đề bài viết; vừa tạo được chiều sâu của bài viết gửi đến Hội.
Ngoài ra, “mô hình tổ chức” cũng cần được đặt ra, phân ban thế nào – nhiệm vụ ra sao, nhằm đảm bảo tính chuyên môn cao, thể hiện sự chuyên nghiệp và thống suốt trong dây chuyền phát triển của Hội. Đó là bước đi lâu- dài mà Hội cần phải tính toán đến.
Tôi nghĩ rằng
Hội ra đời chưa được bao lâu, gặp nhiều khó khăn nhất định, từ vấn đề kinh phí, hội viên cho đến việc chống đỡ trước các cuộc tấn công mạng… Và Hội cần chạy đua để giải quyết nhanh các vấn đề trước mắt, vạch ra các kế hoạch lâu dài, tạo sự đủ chín để Hội lên tầm chuyên nghiệp.
Trước mắt, tôi nghĩ rằng, Hội vẫn trong giai đoạn gây dựng niềm tin – độ tin cậy về một mục tiêu như Hội đề ra. Vấn đề này nảy sinh trong một không gian xã hội với đầy những cạm bẫy – bức bối – dối trá, thế nên việc Hội ra đời với mục tiêu như đã đề ra thì không phải ai cũng tin cả, không thiếu sự nghi ngờ - phán xét từ lề trái lẫn lề phải.
Tin cậy – niềm tin không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó đến từ chính sự góp ý của độc giả, hội viên, chính từ tầm nhìn hoạch định con đường đi của Hội – sự thay đổi từ những cái nhỏ nhất (như banner) cho đến những cái lớn hơn (như nhân sự, mục tiêu) nhằm đảm bảo cho sự phát triển đúng theo mục tiêu đã lựa chọn, tạo ra những cây bút xuất sắc, lựa chọn những bài viết hay – góc cạnh, phản ánh đúng cái thực trạng của xã hội Việt Nam, bảo vệ tối đa quyền lợi cho Hội viên tham gia… Tạo cho người đọc tìm thấy được đây là một Hội đang có sự tin cậy về mặt tin tức, có sự phản biện đúng mực (không sa lầy cực đoan); có đường hướng rõ ràng, có những cây bút hay – nhận định vấn đề sắc sảo, và hội viên cảm thấy đây là nơi trợ lực cho mình về vấn đề tương tác xã hội. Thời gian để thực hiện điều này không phải là ngày một ngày hai... Cũng như để làm được những điều nói trên (từ nhỏ nhất đến lớn nhất), thì sự ủng hộ và tin cậy của độc giả là hết sức quan trọng.
Một người tin vào Hội thì Hội sẽ bước được một bước. Và như thế, bước đi – sự phát triển của Hội không những dựa vào nội lực của Ban điều hành/ Hội viên mà còn là sự tin cậy ban đầu, trên mỗi bước đi của độc giả đối với Hội. Tin cậy và chờ sự lớn lên từng ngày của Hội, đó là điều mà tôi nghĩ bản thân Hội, Hội viên đang mong muốn. Là động lực để họ vượt qua những khó khăn trước mắt và trong thời gian sắp tới đây.
Thứ hai, vấn đề số lượng bài viết về ông Nghị có sự chênh lệch, tôi cho đây cũng là một việc bình thường. Vấn đề không phải là khen nhiều hay chê nhiều. Mà vấn đề nằm ở bài vở có chất lượng hay không? Để đảm bảo cho người đọc nắm được một lượng thông tin mang tính đa chiều, nóng hổi, đúng sự thật hay không? Hội có xu hướng phản biện, chứ không có xu hướng tập hợp những cây bút pháo kích thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam, bất luận nó hay dở như thế nào. Nếu diễn biến như thế, Hội sẽ nhanh chóng trở nên cực-đoan và từ đó mất cả tính độc-lập lẫn phản-biện. Và vì thế, Hội sẽ không thể nghiêng và không nghiêng về bất kỳ phe phái nào ở Việt Nam. Nếu chỉ thông qua số lượng bài viết mà cho rằng ủng hộ ông Nghị/ nhóm ông Nghị thì e rằng đó là sự quy chụp thái quá.
Cũng xin nói thêm, việc duy trì tính độc lập không phải là chống lại mọi thứ từ nền chính trị - xã hội hiện tại. Nếu cái nào tốt chúng ta ghi nhận, nếu cái nào xấu chúng ta phản ánh. Như vậy, quan điểm độc lập chính là quan điểm của sự phản biện – chúng nhận mọi tiếng nói khác biệt và chỉ như thế, thì Hội nói chung và trang báo nói riêng mới phục vụ lợi ích cao nhất là ĐỘC GIẢ, và giá trị cao nhất đem lại là SỰ THẬT.
Thế nên, Hội không chọn lựa ủng hộ “phe bảo thủ đảng quyền” hay bất kỳ “đảng phái” trong hiện tại và tương lai cả. Và nếu tác giả chú ý, thì sẽ thấy dưới mỗi bài viết, đều có dòng chữ: “Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Việt Nam Thời Báo.”
Về tính “cân đối bài viết”, tôi nghĩ rằng, nên mở rộng ra, đó là tính cân đối về chủ đề bài viết, không quá tựu trung một chủ đề. Qua đó, chọn lựa các bài, đảm bảo tần-suất xuất-hiện của nó có một giới-hạn nhất định (ví dụ không quá 10-20-30%). Lý do, một chủ đề mà xuất hiện nhiều bài trong một thời gian ngắn là không nên, dễ gây nhàm chán độc giả đối với một chủ đề (khi mà tính mới của nó không còn, chỉ là sự lặp đi lặp lại những quan điểm cũ) cũng như tạo tính phong phú bài viết trên website của Hội. Tôi nghĩ tính cân đối chủ đề bài viết cần thiết, quan trọng rất nhiều. Điều này, Hội cũng nên cần chú ý trong cách thức chọn-đăng.
Thứ ba, anh có đề cập đến việc: “Có anh em trong Hội nói với tôi rằng đó là chiến thuật chiến lược gì đó mà tôi không hiểu thấu, nhưng tôi nghĩ chắc không hẳn như thế.”
Khi anh xác định Hội là một Hội nghề nghiệp thì anh cũng hiểu Hội là một tổ chức nhất định rồi. Và một tổ chức phải xác định rõ đường đi nước bước của mình như thế nào nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nó, đảm bảo cho mục tiêu của Hội được thực hiện được, đảm bảo cả cho sự an toàn của Hội viên trong từng giai đoạn cụ thể. Hội cũng không ngoài con đường đó, đặc biệt khi mà Hội ra đời trong hoàn cảnh bị chèn ép như hiện nay.
Các khái niệm như chiến-thuật, chiến-lược, sách-lược… cũng chỉ là một khái niệm, và người ta chỉ cần hiểu nội dung nó mang lại, để đảm bảo lợi ích lớn nhất của chính tổ chức đó. Các khái niệm này không phải chỉ dùng trong quân sự, mà dùng chung cho các tổ chức từ công ty cho đến các hội nghề nghiệp và bản thân của mỗi người nữa. Đọc thì thấy nó không quen tai, thuận miệng, nhưng nói một cách dân dã thì cũng chỉ là “kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn trong sự tồn tại, phát triển của một chủ thể bất kỳ” mà thôi. Nói ngắn gọn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là ý vậy.
Các ý kiến của anh về mô hình, mục tiêu… cũng chỉ là cách nói khác về khái niệm trên mà thôi. Do đó, Hội không những cần đến nó, mà phải đảm bảo luôn luôn cần đến nó.
Thông cáo số 4, cũng là một thông cáo được rút ra từ những khái niệm nêu trên. Trong đó, đảm bảo tính minh bạch (về số hội viên gia nhập, rút ra); tính cần thiết để đảm bảo chất lượng Hội viên và sự chặt chẽ trong kết nạp Hội (quy trình công nhận Hội viên); kế hoạch trước mắt (hội thảo) và lâu dài (hỗ trợ tài chính).
Một số góp ý nhỏ
Đối với những vấn đề mang tính cấp thiết, có thể thực hiện được ngay trước mắt như: thay đổi banner, giao diện, logo… Hội nên có một cuộc thi về thiết kế banner (bao gồm cả font chữ), logo Hội với các tiêu chí mà Ban điều hành đề ra, đảm bảo tính chất biểu tượng sát với mục tiêu tồn tại và phát triển của Hội. Xác lập lại sự đồng nhất về nội dung giữa fanpage và website của Hội, tránh tình trạng “thiếu kết nối” như tác giả Nguyễn An Dân đã nêu. Nữa là, sửa lại việc vô hiệu lực đối với các tab-menu, cụ thể là khi bấm vào Thời Sự, Dân Chủ, Đối Diện… thì không hiển thị bài liên quan mà chỉ chạy lại về trang chủ, gây bối rối, khó chịu cho người dùng trong việc đọc bài liên quan. Điều này hoàn toàn không khó nên Ban điều hành, Ban quản trị website nên tiến hành làm ngay.
Ngoài ra, cần Ban điều hành nên ngay lập tức thiết lập các đường dẫn youtube, google+, twitter, và tính năng theo dõi qua Rss… Đồng thời, qua đó, lập một nhóm từ 1-2 người để quản trị nội dung, đảm bảo tính đồng nhất, linh hoạt, kịp thời về thông tin trên các công cụ truyền thông này. Đáp ứng được nhu cầu mở rộng tính truyền thông của trang báo, nhu cầu đọc – nghe – xem của độc giả, tính tương tác về mặt xã hội, tạo độ phổ rộng về mặt thông tin trên trang Việt Nam Thời Báo trên internet.
Cuối cùng là, việc lựa chọn bài và đăng. Tôi nghĩ Hội nên nhanh chóng hơn trong việc đưa tin bài, nhất là đối với các tin tức nóng, bài phản biện. Đặc biệt là đối với bài phản biện, giá trị của nó tỉ lệ thuận với thời gian được đưa lên. Thời gian đăng một bài phản biện càng gần sát với tin cần-phản-biện thì giá trị phản-biện càng cao. Tạo nên tính kịp thời và mới mẻ, đáp ứng nhanh nhu cầu tìm đọc của độc giả. Thể hiện tính nhanh nhạy (hot-news) trong nắm bắt tin tức của Hội trong các vấn đề mang tính chính trị - xã hội – văn hóa…
Liên Sơn
(Việt Nam Thời Báo) 

Nhà nước nên có chủ trương cho ngư dân thuê tàu đánh cá

Hiện nay, nhà nước đang khuyến khích cho ngư dân vay tiền để mua sắm tàu sắt để đánh bắt hải sản và bám biển bảo vệ chủ quyền quốc gia. Mức cho vay của nhà nước rất cao, thậm chí cho vay đến 90 -95%, thời gian ân hạn và lãi suất lại rất ưu đãi.

Việc thực hiện theo nguyên tắc bộ ba: ngư dân, ngân hàng, doanh nghiệp đóng tàu. Người hưởng lợi có xác định được ngay là ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu, còn lợi ích của ngư dân thì phải sau khi thanh toán hết tiền gốc và lãi vay mới xác định được. Cơ chế tổ chức thực hiện chủ trương hỗ trợ cho ngư dân như vậy chứa đựng nhiều nguy cơ bất lợi cho ngư dân và chương trình hỗ trợ sẽ không nhận được sự đồng tình của ngư dân bởi các lý do sau:

1- Ngân hàng khi cho ngư dân vay được nhà nước bảo lãnh vốn vay hoặc được cấp vốn để cho vay; lãi suất được nhà nước hỗ trợ nên ngân hàng sẽ không bắt buộc phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tàu cá đầu tư cho ngư dân. Ngân hàng sẽ dễ dãi trong việc thẩm định phương án vay để mục đích giải ngân số tiền càng lớn thì ngân hàng càng có lợi.

2- Doanh nghiệp thiết kế, đóng tàu sẽ theo cơ chế chỉ định thầu nên thiết kế công năng con tàu sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân không đặt ra yêu cầu khắt khe. Hơn nữa, chất lượng và giá thành không chịu sự tác động của cơ chế thị trường, yếu tố cạnh tranh là hạn chế tất yếu dẫn đến chất lượng tàu cá không cao và chi phí không phải là thấp nhất.

3- Không loại trừ khả năng tiêu cực do ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu bắt tay với nhau đẩy giá thành tàu cá lên cao để bòn rút tiền của nhà nước. Sau khi bàn giao con tàu thì doanh nghiệp đóng tàu hầu như hết trách nhiệm và ngân hàng thì đã có pháp luật bảo trợ, trách nhiệm thanh toán nợ lúc này đổ lên đầu ngư dân.

4- Ngư dân là người có vốn đối ứng với tỷ lệ thấp nên lên tiếng nói về việc: yêu cầu về thiết kế, lựa chọn doanh nghiệp đóng tàu và yêu cầu về giá cả con tàu là rất yếu ớt. Hay nói cách khác, con tàu mà họ được hỗ trợ vốn vay sẽ có giá cả cao không tương xứng về công năng và chất lượng kém. Do tỷ lệ vốn đối ứng thấp nên điều dễ hiểu là ngư dân sẽ bị ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu áp đặt. Phần thua thiệt sẽ thuộc về nhà nước và ngư dân; hoặc trong quá trình khai thác sử dụng ngư dân mới nhận ra việc đầu tư con tàu là không có hiệu quả thì lúc đó không biết bán hay trả lại cho ai.

Nếu như vậy thì chương trình hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng tàu sắt về bản chất cũng giống như chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã thất bại từ các năm trước đây, nếu có khác là mức ưu đãi cao hơn mà thôi.

Để hỗ trợ ngư dân một cách hiệu quả, theo tôi nhà nước nên sử dụng nguồn lực đó bằng cách áp dụng thêm cơ chế cho ngư dân thuê tàu sắt để đánh bắt. Một doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đứng ra ký hợp đồng cho ngư dân thuê tàu theo thời hạn và các điều kiện thuê do hai bên thỏa thuận. Phương thức này tạo cho ngư dân có nhiều chủ động và nhà nước phải có trách nhiệm với hiệu quả làm ăn của ngư dân:

1- Thuê tàu với thời hạn một vài năm, tiền thuê thanh toán từng đợt. Ngư dân sẽ không phải bỏ ra vốn đối ứng lớn như vay tiền nhà nước để đóng tàu.

2- Ngư dân có thể tính toán được hiệu quả việc thuê tàu sau các chuyến đi biển. Nếu không hiệu quả, ngư dân có thể sớm rút khỏi cuộc chơi mà không có ràng buộc gì.

3- Để cho thuê được tàu, nhà nước phải đóng tàu có thiết kế đáp ứng được yêu cầu sử dụng của ngư dân, phải giám sát giá thành đóng tàu, phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng con tàu. Nếu tàu bị đâm va hay bị Trung Quốc thu giữ thì nhà nước phải chịu trách nhiệm vì đó là tài sản của nhà nước.

4- Để cho thuê được tàu nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn ngư trường đánh bắt cho ngư dân cả về sinh mạng và tài sản.
Hà Nội, ngày 13/08/2014
Hà Huy Sơn
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét