Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Mạng xã hội toàn cầu và sức mạnh liên kết to lớn

Nguyễn Trọng Vĩnh - Ý kiến đề xuất đối với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII

Nguyễn Trọng Vĩnh
Rất mong có dân chủ thực sự đối với văn kiện cũng như vấn đề nhân sự.

Trong kiểm điểm tình hình, rất mong Đảng thể hiện tinh thần thực sự cầu thị dám nhìn thẳng vào yếu kém và sai lầm.

I. Đề nghị tập trung kiểm điểm sâu 2 lĩnh vực: Kinh tế xã hội và Quốc phòng là 2 lĩnh vực có nhiều vấn đề.

1. Về kinh tế xã hội: Bên cạnh một số mặt làm được, yếu kém và thiệt hại rất nhiều, hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, hàng mấy vạn công nhân viên mất việc, ngân sách giảm nguồn thu, người cày không có quyền sở hữu ruộng đất, nông dân bị cưỡng chế thu hồi đất tùy ý, bán chác làm giàu cho các nhà đầu tư, nhà cao tầng quá nhiều, thừa ế, các tập đoàn kinh tế nhà nước và ngân hàng thất thoát rất lớn, khoáng sản mất nhiều mà thu về cho ngân sách không mấy, hàng nông sản chủ yếu là xuất thô, hàng công nhiệp xuất khẩu phần lớn là gia công, nhập siêu hàng năm trên dưới 20 tỷ đô la, nợ nần chồng chất, v.v. khiến tài chính kiệt quệ, kinh tế sa sút nghiêm trọng, tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Kết quả là đất nước có tài nguyên phong phú mà dân nghèo nước yếu, lệ thuộc.

2.Về xã hội: chưa bao giờ trộm cướp nhiều như bây giờ, “xã hội đen” hoành hành công khai, lực lượng công an cũng chưa bao giờ đông như hiện nay mà không chặn đứng hành động đập phá của những phần tử quá khích ở Bình Dương ngay từ đầu để những việc đốt phá tha hồ lan rộng làm hại nhà nước và đất nước. Những sự việc vợ giết chồng, chồng giết vợ, con đánh mẹ, cháu giết bà vì không xin được tiền, anh em đâm chém nhau vì tranh giành tài sản, con cướp nhà đuổi bố mẹ ra đường... hầu như trên mặt báo ngày nào cũng đọc thấy.

3.Về quốc phòng: Thời bình mà phong tướng nhiều hơn thời chiến, quan tâm phong tướng hơn giáo dục lòng yêu nước, ý thức cảnh giác thường trực cho bộ đội. Xác định không đúng đối thủ. Đầu tư không thích đáng cho lực lượng vũ trang để tăng phương tiện, trang thiết bị, vũ khí, khí tài hiện đại nhằm ứng phó với tình hình xấu nhất. Nhiều điểm xung yếu về quốc phòng đã bị bán, cho thuê dài hạn hoặc cho Trung Quốc thầu: Tây Nguyên, cảng Vũng Áng, cảng Cửa Việt, từ Cửa Việt đến chân núi đất hẹp nhất dễ bị cắt ngang khi có chiến tranh, một đoạn bãi biển Đà Nẵng, khoảng gần 20 km phía Đông đường Quốc lộ từ Kỳ Anh đến chân đèo Ngang, họ xây tường cao, không biết làm gì trong đó, 3.000 hecta rừng biên giới... Những nơi họ mua, thuê, người Việt Nam không được vào xem xét, họ xây dựng công trình quân sự bí mật cũng chẳng ai hay. Trong nội địa nước ta, hàng vạn người Trung Quốc nhập cảnh không phép thành “đội quân thứ 5” và thiếu gì gián điệp, ở cấp cao của ta cũng có người của họ.

Nham hiểm hơn nữa Trung Quốc đổ tiền đổ của vào Campuchia và Lào, 2 nước đã thấm đậm máu của bộ đội Việt Nam, hòng nắm 2 nước nhằm bao vây, cô lập ta. Họ diệt những cán bộ cao cấp của 2 nước bạn có quan hệ thân thiện với nước ta.

Nguy cơ nước ta trở thành thuộc địa kiểu mới hoặc một chư hầu của bành trướng Đại Hán, mất độc lập đương trở thành hiện thực.

Biết bao chiến sĩ cách mạng đã bị tra tấn tù đày, không ít người đã bỏ mình trong các lao tù của thực dân Pháp, không ít vị lãnh đạo ưu tú đã hy sinh trên máy chém và họng súng của kẻ thù mới có “Cách mạng tháng Tám”. Biết bao máu xương của hàng triệu đồng bào, bộ đội đã đổ ra trong 2 cuộc kháng chiến mới có độc lập, thống nhất mà nay sẽ lại rơi vào cảnh Bắc thuộc một lần nữa thì đau xót biết chừng nào! Uất hận biết chừng nào!!

II. Vấn đề nhân sự Đại hội càng phải thật dân chủ.

Trong bầu cử đại biểu cũng như bầu cử Ban chấp hành các cấp nên có số dư ít nhất 25% để người bỏ phiếu có điều kiện lựa chọn. Không nên nêu vấn đề “sợ phân tán phiếu” mà vấn đề là “quyền dân chủ” trong bầu cử mới quan trọng. Đảng viên chính thức không phạm pháp, không bị xử lý kỷ luật Đảng đều được ứng cử, đề cử, không bị gạt vì bất cứ lý do nào. Số Ban chấp hành cũ dự kiến cùng với số ứng cử, đề cử lập thành một danh sách chung xếp theo thứ tự A. B. C không phân biệt.

Để bầu Ban Thường vụ các cấp cũng như bầu Bộ Chính trị cũng cần có số dư: ví dụ để bầu Ban Thường vụ 7 người cần giới thiệu 9 hoặc 10 người; Nếu bầu Bộ Chính trị 15 người, cần giới thiệu ra 20 người. Bầu các vị trí chủ chốt: Bí thư cấp ủy các cấp và Tổng bí thư cũng nên có số dư, tối thiểu là 2 người (không cho rút), nếu độc diễn như từ trước đến nay thì B.C.H mất quyền lựa chọn và người duy nhất được giới thiệu bất kể như thế nào cũng trúng.

Ban chấp hành Trung ương là rất quan trọng, phải gồm những đảng viên có đức, tài thực sự, có lòng vì nước vì dân. Không để cho tình hình “mua quan bán chức” ngoài xã hội len vào trong Đảng. Nếu có những đảng viên nào chạy chọt để mong có một chân trong B.C.H.T.Ư hoặc một chức gì thì đó là những đảng viên thoái hóa biến chất, cá nhân vụ lợi, nếu vì nhận tiền mà cơ cấu những đảng viên thoái hóa biến chất đó vào B.C.H.T.Ư là “tạp hóa” Đảng, là phá nước, phá Đảng, làm giảm chất lượng và uy tín của Đảng. Nhân dân càng mất lòng tin vào Đảng. Bộ Chính trị, bộ phận thường trực của B.C.H.T.Ư chỉ đạo công việc thường xuyên, rất quan trọng phải gồm những đảng viên có phẩm chất tài năng xuất sắc hơn cả trong Đảng, có tinh thần dân tộc độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, có tư duy dân chủ, thật sự lấy dân làm gốc, mới có hy vọng đưa đất nước ra khỏi tình hình khủng khoảng hiện nay và nguy cơ mất nước.

Đề nghị Đại hội đồng thời với việc bầu B.C.H.T.Ư bầu cả Ban Kiểm tra (hoặc Ban Giám sát) để theo dõi việc thực hiện nghị quyết của Đại hội, chỉ đạo công tác kiểm tra và đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật ủy viên Trung ương nếu có sai phạm.

III. Đến bây giờ, người có suy nghĩ đều cho rằng CNCS mà Max Enghel đề ra là ảo tưởng, không bao giờ thực hiện được “Thế giới đại đồng, làm ăn chung, sung sướng như nhau”. Ngay đến CNXH cũng vậy. Từ khi mô hình XHCN Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, chưa ai nêu ra được mô hình nào khác, tiêu chí ra sao, nguyên tắc nội dung thế nào. Vậy thì nói xây dựng CNXH là nói suông, không trên cơ sở nào.

Ở nước ta cũng nói “xây dựng CNXH, định hướng XHCN” nhưng nó như thế nào, cái gì là CNXH trong nhà nước ta, không ai chỉ ra được. Mang danh là “nước XHCN” mà người dân không được hưởng cái gì là “phúc lợi”, ngược lại, bao nhiêu thứ tăng: tăng giá xăng dầu, giá điện, nước, tăng học phí, viện phí... đều đổ lên đầu người dân hứng chịu.

Ở Trung Quốc cũng vậy thôi. Tuy họ vẫn nói là “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc” nhưng từ khi Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì họ đã rẽ sang đường khác rồi. Hơn nữa gần đây, Tập Cận Bình nêu khẩu hiệu “giấc mộng Trung Hoa” thế là Đảng CS Trung Quốc đương xây dựng một thứ “Đế chế Đại Hán tộc” bá chủ thiên hạ, đâu phải là CNXH!

Ở nước ta, nên thôi nói “lấy CN Mác – Lênin” mà chỉ nên nói: “ lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” là đầy đủ, vì lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn lọc tiếp thu những gì là văn minh, tiến bộ, khoa học của thế giới, kể cả những gì là hay, là tốt của các tôn giáo, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn kết hợp với truyền thống dân tộc. Cũng nên thôi nói xây dựng CNXH mà chỉ nên nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đã từng nêu là đúng.

Đã không có CS chủ nghĩa, XHCN thì tên Đảng nên trở về là “Đảng Lao động Việt Nam”, sau này sửa Hiến pháp, lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa” để dễ hòa đồng với các nước trên thế giới.

Lãnh đạo với cai trị khác nhau. Từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay, Đảng cai trị, độc đoán chứ không phải lãnh đạo. Có những chủ trương, chính sách không sát, không đúng, ai có ý kiến khác thì cho là suy thoái, ai dám nói thẳng, dám chỉ trích chế độ, đấu tranh đòi dân chủ, dân quyền thì đàn áp bỏ tù. Yêu cầu hiện nay là Đảng đổi mới tư duy, tự cải biến, từ bỏ cai trị, thực hiện đúng ý nghĩa lãnh đạo, thâm nhập nắm được nguyện vọng của dân, đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân, hợp yêu cầu phát triển đất nước, tự khắc dân theo, Đảng không mất vị trí lãnh đạo. Đảng cần có tư duy dân chủ,tác phong thực tế. Bộ phận lãnh đạo không chỉ đi ôtô xuống nghe cấp ủy báo cáo, phát biểu ý kiến chỉ đạo rồi về, mà cần có các cách vi hành để nắm được thực chất tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, thấy rõ tình hình thực tế, trên cơ sở đó mới đề ra được những chủ trương sát, đúng. Đảng lãnh đạo chứ không làm thay chức trách, nhiệm vụ của Chính quyền, không đại diện cho Chính quyền.

Đảng đề ra đường lối, chủ trương và mục tiêu chung cho từng thời kỳ và yêu cầu đối với các mặt hoạt động, các phương châm, nguyên tắc cần quán triệt, Chính phủ và các ngành làm kế hoạch thực hiện, Đảng không bao biện làm thay. Đảng theo dõi quá trình thực hiện. Nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo là chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho trong sạch, giáo dục đảng viên lòng yêu nước và tinh thần tiên phong gương mẫu.

Trong hơn 90 triệu dân, Đảng chỉ là bộ phận nhỏ và cũng nằm trong lòng Tổ quốc. Tuy có vị trí lãnh đạo, nhưng Đảng không được đứng trên Nước, Đảng cũng phải tôn trọng các quyết định của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân (sắp tới Quốc hội mới phải thực sự là Quốc hội của dân. Không phải như Quốc hội hiện nay chỉ có 15% là người ngoài Đảng).

Trên đây là những lời nói thẳng với tinh thần xây dựng của một đảng viên 99 tuổi, gần đất xa trời, đã theo Đảng gần 80 năm.

Nguyễn Trọng Vĩnh
Sầm Sơn, 2-8-2014
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn)

Ba điều kiện để xã hội dân sự phát triển

Xã hội dân sự hình thành và phát triển từ thế kỷ 18-19 song hành cùng sự phát triển của thương mại và nhà nước hiện đại. Ban đầu, nó như không gian hình thành bởi các quan hệ kinh tế và dần dần mở rộng qua các quan hệ dân sự khác như nghệ thuật, khoa học, và nhân đạo. Như vậy, xã hội dân sự là một sản phẩm tất yếu của sự phát triển xã hội, là nơi người với người hợp tác, giao lưu và hành động vì một mục đích chung. Trong bất cứ xã hội hiện đại nào, bất kể thể chế chính trị là dân chủ đa nguyên hay độc tài toàn trị, xã hội dân sự vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự lớn mạnh và hữu ích của nó phụ thuộc nhiều vào ba yếu tố, mà có lẽ cũng là ba nhóm giải pháp cần thực thi ở mỗi quốc gia.
Ảnh: Nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đỉnh Tuyển cho rằng xã hội dân sự là sản phẩm của phát triển dân chủ và cần được thừa nhận (Nguồn: vneconomy.vn)
Ảnh: Nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đỉnh Tuyển cho rằng xã hội dân sự là sản phẩm của phát triển dân chủ và cần được thừa nhận (Nguồn: vneconomy.vn)
Thứ nhất là một khung pháp lý cởi mở, mang tính khuyến khích hoạt động dân sự tự do của người dân. Quyền lập hội, tự do tụ họp phải được bảo vệ để các nhóm xã hội khác nhau có thể hợp tác với nhau mà không bị ngăn cản. Quyền tiếp cận thông tin, chia sẻ thông tin và tự do thể hiện quan điểm qua các hình thức báo chí, nghệ thuật, văn học cần được bảo vệ để các ý tưởng mới, kiến thức mới, sáng tác mới được bàn luận, thách thức và lan tỏa trong xã hội. Đây chính là nền tảng pháp lý để khuyến khích các cá nhân tìm tòi cái mới, cái hay, cái đẹp làm giàu cho xã hội mà không sợ hãi.

Thứ hai là một cơ sở xã hội làm nền tảng cho các hoạt động dân sự phát triển, cụ thể là văn hóa dân chủ trong thảo luận, độc lập trong suy nghĩ và nhân văn trong hành xử. Một xã hội dân sự phát triển chỉ khi các giá trị mới, thậm chí mâu thuẫn với những giá trị phổ quát hiện tại được tranh luận thấu đáo. Trong quá trình này cái hiện tại, cái chính thống được làm mới, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Đây chính là một vai trò quan trọng của xã hội dân sự, vì dù nhiều nhóm đóng vai trò bên lề, ngoại vi nhưng giúp cho cái trung tâm, cái chính thống không trở thành độc đoán, áp đặt dẫn đến lạc hậu và mục ruỗng.

Bên cạnh đó, ngoài văn hóa tự nguyện của các nhóm thanh niên bảo vệ môi trường, giúp đỡ người già, hay trẻ em đường phố, xã hội dân sự cần văn hóa đóng góp của những người trí thức lớn và những doanh nhân thành đạt. Trí thức là người “bơm” các tư tưởng thời đại để làm mạnh cho xã hội dân sự, doanh nhân là người cung cấp nguồn lực để xã hội dân sự hoạt động vì lợi ích công. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của hai nhóm đối tượng này, xã hội dân sự khó trở thành không gian tiên phong cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba là việc bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực quyền con người và xã hội dân sự. Để bảo vệ công lý, hướng tới lợi ích công hoạt động của họ có thể động chạm đến lợi ích của các nhóm quyền lực. Khi đó, họ cần được bảo vệ bởi các công ước quốc tế cũng như Hiến pháp. Điều này đòi hỏi sự độc lập, công minh của các cơ quan tư pháp cũng như một thái độ đúng đắn của công chúng với những người “thổi còi”. Có như vậy, xã hội dân sự mới có những người đi tiên phong, không bị chùn chân bởi cường quyền.

Trong thời đại hiện nay khi nhà nước không thể chăm lo cho toàn bộ dân chúng vì nguồn lực có hạn cũng như nhu cầu đa dạng của các tầng lớp xã hội, thì sự phát triển của xã hội dân sự càng tất yếu và cần thiết. Càng để cho xã hội dân sự phát triển tự nhiên thì nó càng có khả năng tự điều chỉnh để phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, đặc biệt các nhóm yếu thế. Ngược lại, càng cố gắng bóp nghẹt nó thì xã hội càng tích tụ sự bất mãn và nhiễm độc vì không có cơ chế thanh lọc, thải trừ bất công. Đây chính là lý do cần có khung pháp lý mở, văn hóa dân chủ và cơ chế bảo vệ những người tiên phong để xã hội dân sự phát triển và có ích.
Trung Hậu
(Diễn Ngôn)

Tại sao Đảng viên không tin Trung Quốc?

000_Del6225316.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013 

Mối quan hệ VN và TQ thường được lãnh đạo cả hai phía ví như môi với răng.

Trong giai đoạn 1949-1975, TQ đã giúp VN rất nhiều về nhân lực và của cải; đặc biệt là về mặt trang bị quân sự trong các cuộc chiến tranh ở VN trong giai đoạn 1955-1975 với mục đích nhằm bành trướng ý thức hệ CS xuống phía nam.

Tuy nhiên mối quan hệ đó đã trải qua nhiều thăng trầm, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, và năm 1980 Hiến pháp VN đã ghi rõ và khẳng định TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm.

Gần đây, trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của 61 đảng viên kỳ cựu có đoạn viết rằng: "Lãnh đạo đảng và nhà nước cần thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc  lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc".

Đánh giá về mối quan hệ Việt – Trung, Đại tá Phạm Xuân Phương nguyên sĩ quan cao cấp thuộc Tổng cục Chính trị, người đã ký tên trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN thấy rằng: quan hệ VN-TQ hết sức phức tạp, cho dù TQ đã giúp VN rất nhiều, song sự giúp đỡ của họ đều nằm trong sự tính toán trong mưu đồ hòng thôn tính để thống trị VN. Theo ông, hiện nay mối quan hệ này đang xấu đi, khi TQ đang tiến hành chính sách gặm nhấm dần dần, để thực hiện một cuộc chiến tranh không tuyên bố đối với VN dưới nhiều hình thức.
    Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày  - Đại tá Phạm Xuân Phương
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương nói với chúng tôi:

“Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày. Cho nên là chúng tôi cũng đã nhận thức một cách tỉnh táo, minh bạch rõ ràng rằng tình hình quan hệ giữa VN và TQ đang xấu đi một cách nghiêm trọng và nguy hiểm.”

Đại tá Nguyễn Đăng Quang, một sĩ quan công an đã nghỉ hưu và là người vừa ký trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN cho rằng: trên thực tế mối quan hệ VN-TQ đã có nhiều biểu hiện phức tạp và không tin tưởng lẫn nhau. Trước 1975 vũ khí khí tài từ Đông Âu chuyển sang VN khi đi qua TQ đã bị phía TQ tịch thu một số thiết bị quan trọng, hay việc VN yêu cầu TQ rút binh lính và thiết bị quân sự ra khỏi Bắc VN, từ Lạng sơn đến Bắc giang là những ví dụ. Sau năm 1975 thì quan hệ đó đã trở nên vô cùng xấu, vì TQ không hài lòng với việc VN thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979. Từ năm 1990 khi hệ thống XHCN tan rã ở Đông Âu, buộc VN một lần nữa phải quay trở lại làm bạn với TQ.  Song theo ông đó là mối quan hệ bất bình đẳng và TQ đã không ngừng có các hành động gây hấn vi phạm chủ quyền của VN.

Từ Hà nội, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói:

“Người VN luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác với TQ, vì TQ không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm chiếm VN. Hiện nay quan hệ giữa Trung quốc và Việt nam là rất xấu và điều này khó mà có thể giữ ổn định được trong quan hệ giữa hai nước”

Khi được hỏi lý do gì và nguyên nhân vì sao các đảng viên CS Việt nam đã không tin tưởng người đồng chí TQ, vốn là người đồng chí có cùng ý thức hệ CS?

Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng thực tiễn lịch sử đã cho thấy những người cộng sản Trung quốc đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Trong Đại cách mạng Văn hóa đã cho thấy tình đồng chí trong trong đảng CSTQ đã không còn, khi họ thẳng tay tiêu diệt lẫn nhau. Không những thế các hành động trên thực tế của chính quyền TQ đối với các quốc gia cùng ý thức hệ CS cũng không được họ tôn trọng và họ sẵn sàng gây chiến để thỏa mãn tham vọng bành trướng. Do đó theo ông không thể nói là TQ có cùng ý thức hệ cộng sản được.

Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương cho biết:

“Khi họ công khai điều quân đánh Liên xô, thành trì của cách mạng thế giới, công khai điều quân đánh Việt nam và họ công khai ủng hộ bọn Polpot - kẻ thù diệt chủng của nhân loại tiến bộ, thì làm gì họ còn ý thức hệ với chúng tôi nữa?”
Thế giới đã thay đổi
Đại tá Nguyễn Đăng Quang thấy rằng trên thực tế đã không ít người đã có nhận thức sai lệch, cho rằng lý do VN và TQ cùng chung ý thức hệ Cộng sản thì sẽ không có thể có việc TQ có các ý đồ xấu và âm mưu thôn tính VN. Theo ông, nên hiểu Trung Quốc luôn là đối tượng nguy hiểm, do vậy suy nghĩ nêu trên là sai lầm, song đáng tiếc nó là điều phổ biến thường thấy, đặc biệt là ở các lãnh đạo Đảng CSVN.Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho chúng tôi biết:

“Dù chính quyền TQ đó là phong kiến, tư sản hay cộng sản thì họ cũng không từ bỏ và thay đổi ý đồ thôn tính VN là không thay đổi. Thực tế lịch sử đã chứng minh các nước CS đánh nhau nhiều chứ, ý thức hệ đâu có thể ngăn chặn được chiến tranh giữa hai quốc gia đâu? Tôi cho đó là cái ảo tưởng, cái không tưởng và là cái viển vông”.
    Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu  - Đại tá Phạm Xuân Phương
Nói về lý do vì sao đa số các Đảng viên Đảng CSVN đã không tin tưởng và yêu cầu Đảng CSVN từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng để thoát khỏi Trung Quốc. Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng: cần phải hiểu thế giới đã thay đổi, mọi lý luận và các quan điểm cũ của Đảng đã trở nên lạc hậu và giáo điều. Thực tiễn đã chứng minh các sai lầm của các quan điểm vốn được coi là nguyên tắc bất di bất dịch của Chủ nghĩa Cộng sản.

Đại tá Phạm Xuân Phương cho chúng tôi biết:

“Chúng tôi không tin tưởng vì thực tế đã diễn ra không như họ dạy chúng tôi, họ dạy chúng tôi nhiều lắm chứ. Họ dạy chúng tôi về tinh thần quốc tế vô sản, về Chủ nghĩa Marx-Lenin, họ dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Nhưng thực tế diễn biến theo sự cảm nhận của chúng tôi không phải là như vậy. Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu.”

Người ta nói "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn", đó là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam sửa đổi các sai lầm từ trong quá khứ.
Anh Vũ, thông tín viên RFA
(RFA)

Nguyễn Hưng Quốc - Đồng minh với Mỹ

Quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ.
Quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ.
Các sự kiện dồn dập xảy ra giữa Việt Nam với Mỹ thời gian vừa qua, từ chuyến thăm Mỹ của Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ chính trị đến chuyến thăm Việt Nam của hai thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain và Sheldon Whitehouse, cho thấy triển vọng nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ hợp tác toàn diện đến đối tác chiến lược có vẻ như gần kề. Ba sự kiện chính có thể sẽ xảy ra như là hệ quả của việc nâng cấp này là: Một, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ được ký kết sớm; hai, Việt Nam có thể sẽ được phép mua các loại vũ khí sát thương của Mỹ; và ba, quan trọng nhất, Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ Việt Nam đối phó với những hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nếu tất cả các điều trên được diễn ra một cách suôn sẻ thì quả là một việc đáng mừng cho Việt Nam. Lý do đơn giản là Việt Nam không thể chống cự lại Trung Quốc một cách có hiệu quả nếu không có, một, vũ khí tối tân, và hai, sự giúp đỡ từ Mỹ.
Về vũ khí, lâu nay Việt Nam chủ yếu mua từ Nga, nhưng ở đây lại có vấn đề: Nga không phải chỉ bán vũ khí cho Việt Nam mà còn bán cho cả Trung Quốc nữa. Hậu quả là những gì Việt Nam có, Trung Quốc cũng đều có. Hơn nữa, nhờ giàu hơn, Trung Quốc có thể mua vũ khí từ Nga với số lượng lớn hơn hẳn Việt Nam. Đó là chưa kể, sau mấy chục năm tập trung vào việc phát triển kỹ thuật quân sự, vũ khí do Trung Quốc tự chế tạo cũng có trình độ kỹ thuật rất cao. Đứng về khía cạnh vũ khí, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua từ Mỹ. Tuy nhiên, việc mua ấy sẽ không thể thành hiện thực được nếu chính phủ Mỹ vẫn bị ràng buộc bởi lệnh hạn chế bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam vốn kéo dài từ mấy chục năm nay.
Về đồng minh, lâu nay có vẻ như Việt Nam cố gắng ve vãn nhiều quốc gia nhưng thành thực mà nói, một, không có nước nào sẵn sàng đứng bên cạnh Việt Nam và chia lửa với Việt Nam trong trận đối đầu với Trung Quốc; và, hai, nếu muốn, họ cũng không đủ sức. Ngay trong khối ASEAN, những nước có thể đứng về phía Việt Nam cũng rất ít ỏi. Việt Nam chỉ có thể đi với những quốc gia có quyền lợi xung đột với Trung Quốc như Philippines, Malaysia và Brunei. Nhưng cả bốn nước hợp lại vẫn không phải là đối thủ với Trung Quốc. Đó là chưa kể giữa bốn nước này, mâu thuẫn về chủ quyền trên biển và đảo vẫn khá gay gắt. Ở châu Á, chỉ có hai quốc gia thực sự mạnh về cả kinh tế lẫn quân sự là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng do những ràng buộc về pháp lý, Nhật Bản không thể đưa quân sang giúp Việt Nam trong trường hợp có chiến tranh. Trong khi đó, Hàn Quốc ở cái thế cũng rất bấp bênh: Trung Quốc có thể sử dụng Bắc Hàn để ngăn chận mọi nỗ lực quân sự của Hàn Quốc trong việc chống cự lại Trung Quốc.
Bởi vậy, dù thích hay không thích, Việt Nam cũng nên thừa nhận một điều: quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ. Quan hệ đồng minh với Mỹ là con đường duy nhất để tự vệ của Việt Nam.
Lấn cấn duy nhất của mối quan hệ ấy là quá khứ chiến tranh giữa hai nước. Đối với chính phủ Mỹ, thật ra, đó không phải là vấn đề. Tất cả các chính khách Mỹ đều theo chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) và thực tế (realism). Câu châm ngôn cửa miệng của họ là: không có bạn vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn; chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn. Do đó, chính phủ Mỹ sẵn sàng bắt tay với Việt Nam, kẻ thù cũ của họ, để bảo vệ Biển Đông. Họ không bảo vệ Việt Nam. Họ chỉ bảo vệ Biển Đông. Và vì Biển Đông, họ sẵn sàng xem Việt Nam là một đồng minh chiến  lược.
Nhưng trên thế giới, quan hệ đồng minh nào cũng dựa trên hai hoặc một trong hai nền tảng: quyền lợi và sự tin cậy.
Giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay có rất nhiều điểm chung về quyền lợi: Cả hai đều cần Biển Đông. Với Việt Nam, đó là vùng biển của Việt Nam, là một trong những nguồn lợi tức lớn của Việt Nam về phương diện kinh tế đồng thời cũng là danh dự và lòng tự hào dân tộc của Việt Nam về phương diện tinh thần. Với Mỹ, đó là con đường hàng hải quan trọng vừa có ý nghĩa về kinh tế vừa có ý nghĩa về quân sự. Mỹ cần bảo vệ Biển Đông, nhưng việc bảo vệ đó trở thành khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả nếu Việt Nam chấp nhận nhượng bộ hoặc đầu hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, một thứ quan hệ dựa trên quyền lợi không thể kéo dài và cũng không đủ mạnh để lôi kéo Mỹ. Nền tảng thứ hai của quan hệ đồng minh bao giờ cũng là sự tin cậy. Sự tin cậy trong chính trị khác với sự tin cậy giữa hai cá nhân vốn chỉ dựa vào tính cách. Trong chính trị, sự tin cậy chỉ được xây dựng trên nền tảng của những bảng giá trị chung cả hai quốc gia đều chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên mà các quan hệ đồng minh sâu sắc và bền vững chỉ có thể tìm thấy giữa các quốc gia gần gũi với nhau về văn hóa, như giữa Mỹ và Anh, Úc, Tân Tây Lan, hoặc nhạt hơn một chút, giữa Mỹ và các quốc gia khác ở Âu châu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lâu nay, Mỹ luôn luôn đưa vấn đề nhân quyền ra như một điều kiện. Không phải Mỹ muốn cứu một số cá nhân đang bị giam giữ trong nhà tù. Với chính phủ Mỹ, những cá nhân ấy hoàn toàn vô nghĩa. Điều quan trọng nhất là Mỹ muốn thấy ở Việt Nam những sự chia sẻ chung về các bảng giá trị văn hóa: tôn trọng quyền con người. Hơn nữa, chính phủ Mỹ cũng muốn dân chúng Mỹ nhận thấy điều đó.
Có thể nói trở ngại chính trong việc nâng cấp quan hệ đồng minh giữa Việt Nam và Mỹ không phải ở Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác mà chính là dân chúng Mỹ. Không nên quên vết thương của nhiều người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với 58.000 người chết vẫn chưa lành hẳn. Cái gọi là hội chứng Việt Nam trong một số thành phần dân chúng Mỹ vẫn còn sâu đậm. Những người ấy không dễ dàng để mặc cho chính phủ Mỹ muốn làm gì thì làm. Họ có những yêu sách của họ. Một trong những yêu sách ấy là: Việt Nam xứng đáng để làm bạn và để được bảo vệ. Việc tôn trọng nhân quyền là một thước đo chính. Không có một chính trị gia nào ở Mỹ dám bất chấp yêu sách chính đáng ấy của dân chúng Mỹ.
Chắc chắn Việt Nam sẽ đáp ứng một số yêu sách về nhân quyền của chính phủ và dân chúng Mỹ bằng cách thả một số tù nhân chính trị hiện đang bị họ giam giữ. Tuy nhiên, vấn đề là họ có thực tâm hay không. Cho đến nay, về vấn đề này, Việt Nam vẫn chơi một trò rất lưu manh: Trước sức ép của Mỹ, họ thả một số người nhưng lại bắt một số người khác. Đó là điều họ từng làm. Tôi chỉ hy vọng, hiện nay, trước những thử thách sinh tử của đất nước, họ sẽ không chơi cái trò lưu manh vặt ấy nữa. Nếu không, cơ hội để cứu Việt Nam ra khỏi ách Bắc thuộc rất dễ biến thành mây khói.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Cao Huy Huân - Mạng xã hội toàn cầu và sức mạnh liên kết to lớn


Facebook – Thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội
Câu chuyện bắt đầu khi tôi cảm thấy hứng thú hơn với việc sử dụng Facebook. Thật ra tôi cũng tập tành đăng ký sử dụng Facebook từ những năm 2009, khi đó tôi còn là một sinh viên. Thời đó nếu các bạn trẻ thế hệ 8X còn nhớ, mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ là Yahoo!360. Và phong trào sử dụng mạng xã hội chỉ ngưng ở việc viết entries, treo status và tùy biến chỉnh sửa giao diện trang mạng cá nhân. Trước khi Facebook xuất hiện, ở Mỹ, người ta sử dụng MySpace, ở Pháp là Copains d’Avant, ở Đức là StudiVZ, ở Hàn Quốc là Cyworld, ở Nhật Bản là Mixi. Rõ ràng, mỗi nước sử dụng một mạng xã hội khác nhau, tính liên kết toàn cầu gần như là không có.
Khi Facebook bắt đầu phổ biến ở Mỹ và một số nước khác, Yahoo! lại chuẩn bị khai tử mạng xã hội kém phổ biến là Yahoo!360 (thực tế nó chỉ phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia khác). Cư dân mạng ở Việt Nam lại hoang mang kéo nhau đi tìm ngôi nhà chung mới cho chính mình, và một trong số đó là Facebook. Với giao diện đơn giản và kém thân thiện, tất nhiên Facebook gây bỡ ngỡ cho người dùng Việt Nam, trong đó có tôi. Trong khi các mạng xã hội khác đều có những ưu điểm về giao diện tùy biến và tính năng cập nhật blog entries dễ dàng như Yahoo!360 cho phép người dùng tùy biến chỉnh sửa trang cá nhân của mình với background lung linh, lại có chức năng viết blog entries được ưu tiên phát triển, hay thậm chí Cyworld của Hàn Quốc còn giúp người dùng xây dựng cả một thành phố ảo đẹp mắt trên trang chủ thì Facebook lại đơn giản, nhàm chán với hai màu xanh dương và trắng, và không có phép người dùng tùy chỉnh giao diện theo ý muốn.
Vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Facebook chiếm lĩnh toàn cầu với hàng triệu người dùng khắp năm châu. Sự thành công của họ lại xuất phát từ hai yếu tố đơn giản, tiện lợi và khả năng kết nối bạn bè cao. Ở một thế giới và con người ngày càng bận rộn, chẳng ai còn dành thời gian chăm chút cho giao diện của trang cá nhân nữa, điều họ muốn là chia sẻ thông tin và cập nhật hình ảnh. Khái niệm mạng xã hội bắt đầu phổ biến (phổ biến chứ không phải ra đời) là vào thập niên đầu của thế kỷ 21. Đó là thời kỳ thế hệ 8X đang bùng nổ, họ trẻ, họ thích tìm hiểu những công nghệ mới. Do đó, vào thời điểm ấy, người dùng mạng xã hội chủ yếu là thế hệ 8X. Ở độ tuổi họ lúc bấy giờ, bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để tỉ mỉ chỉnh sửa cho trang cá nhân thêm lung linh là điều hết sức bình thường. Ngoài ra họ cũng chẳng nề hà dành thời gian viết đầy một bài blog để kể hết tâm tư tình cảm của mình vào trang cá nhân. Vì vậy, những trang mạng như MySpace, Cyworld,… được chọn lựa sử dụng là điều dễ hiểu. Khi Facebook bắt đầu phổ biến, thế hệ 8X, thế hệ tiên phong sử dụng mạng xã hội, đã lớn hơn chút nữa, họ bắt đầu không có thời gian để chăm chút cho trang cá nhân của mình, và cũng không thường xuyên dành thời gian chia sẻ một bài blog dài cả ngàn chữ. Điều họ cần là một trang xã hội đơn giản nhưng khả năng chia sẻ nhanh hơn, tiện hơn và chức năng tìm kiếm bạn bè dễ dàng hơn. Facebook đáp ứng được cả hai yếu tố đó. Chắc hẳn nhiều người biết, Facebook ra đời ban đầu với mục đích liên kết những cựu sinh viên của một vài trường đại học ở Mỹ. Do đó, tính năng của Facebook chủ yếu là liên kết và tìm kiếm bạn bè. Sau này, với giao diện được chỉnh sửa thân thiện hơn và thuận tiện hóa một số tính năng, Facebook đã thu hút thêm một lượng lớn người dùng ở nhiều lứa tuổi khác nhau, điều này đã là thành công lớn khi những trang mạng xã hội khác trước đây có người dùng chủ yếu là giới trẻ.
Tính năng liên kết thông minh đã giúp Facebook phát triển không ngừng về lượng người dùng. Những câu chuyện về tìm kiếm người thân bị mất liên lạc thông qua Facebook đã dần xuất hiện nhiều hơn. Chẳng ai còn mất tiền cho báo đài để đăng tìm kiếm người thân, mọi thứ dễ dàng, tiện lợi, phổ biến và hoàn toàn miễn phí. Và thế là Facebook thành công và lại thu hút ngày càng đông đảo cư dân mạng. Câu chuyện về Facebook không chỉ gói gọn ở mức độ làm thay đổi cuộc sống của người dùng, giúp họ dễ dàng cập nhật thông tin của người thân, bạn bè, giúp họ tìm thấy người quen lâu ngày mất liên lạc mà còn giúp thay đổi cục diện chính trị của một vài quốc gia.
Facebook – Sức mạnh của liên kết
Internet nói chung và Facebook nói riêng đã đóng vai trò to lớn trong công cuộc đấu tranh giành dân chủ tự do cho người dân Ai Cập. Facebook đã trở thành phương tiện thông tin nhanh nhạy, phổ biến và tiện lợi. Nếu như các phương tiện truyền thông lâu đời khác như truyền hình, phát thanh hay báo viết đã nghiễm nhiên bị chi phối và kiểm soát gắt gao bởi các thế lực đang chiếm thế chủ động, thì trái lại, internet vẫn chưa thể bị tác động nhiều từ một chính quyền nào. Hơn nữa, internet không là phương tiện truyền thông có thể bị cục bộ hóa mà luôn mang tính toàn cầu đại chúng. Do đó, các thông tin trên internet là những thông tin không thể kiểm soát được bởi bất kì ai.
Trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ của người dân Ai Cập chống lại chính quyền độc tài của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giới quan sát thế giới đã chú ý đến sự đóng góp của Google Chat và Facebook, hai tiện ích internet mang tính kết nối và chia sẻ rất phổ biến hiện nay. Chàng trai Wael Ghonim bước chân ra khỏi đất nước Ai Cập và làm việc cho một hãng cung cấp các tiện ích trên mạng internet ở Mỹ. Chính từ nước Mỹ, anh đã nhìn thấy được những sai trái của chính quyền Mubarak đối với dân tộc mình. Có thể nói, truyền thông minh bạch và tự do của nước Mỹ đã mang lại những góc nhìn thấu đáo về các cuộc nổi dậy ở Tunisia và tình hình dân chủ ở Ai Cập cho người thanh niên trẻ. Ngày 1/5/2011, Ghonim bắt đầu liên lạc với những nhà hoạt động vì dân chủ ở Ai Cập thông qua một phương cách mà anh cho là an toàn nhất, Google Chat. Khi đó, internet nói chung hay cụ thể là tiện ích Google Chat đã đóng vai trò là một sợi dây liên kết các nhóm hoạt động lại với nhau, đồng thời truyền đạt thông tin và kêu gọi sự tham gia của nhiều người dân khác. Một cuộc biểu tình đồng loạt được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 20/5/2011, tức là chỉ 20 ngày sau khi Ghonim bắt đầu tiến hành kế hoạch biểu tình. Mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ như kế hoạch, và đúng vào ngày 20/5, những làn sóng biểu tình đã diễn ra bất ngờ và ngoài sự kiểm soát của chính quyền Mubarak. Những người biểu tình còn sử dụng Twitter, Facebook, Youtube và các trang mạng xã hội khác làm phương tiện liên lạc, truyền thông tin cho nhau . Các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp, đồng loạt và dữ dội. Mãi đến vài ngày sau, chính quyền Mubarak mới phát hiện ra vai trò của internet đối với các cuộc biểu tình. Một lệnh ban bố chỉ thị cho cả 4 nhà cung cấp mạng internet ở Ai Cập phải ngừng hoạt động. Kể cả dịch vụ cung cấp di động Vodafone cũng bị ra lệnh ngưng cung cấp dich vụ vào ngày 28/1. Tuy nhiên động thái đó của chính quyền Mubarak là vô ích bởi vì hoạt động biểu tình của người dân Ai Cập lúc bấy giờ đã không còn lệ thuộc vào internet nữa. Sức mạnh đoàn kết của người dân đã vượt mặt sức mạnh quân sự của chính quyền Mubarak cho nên họ không còn cần lệ thuộc vào internet để kêu gọi và thúc đẩy lẫn nhau. Trước sức ép của dư luận và cộng đồng quốc tế, các dịch vụ internet và di động ở Ai Cập đã phải được mở lại một ngày sau khi bị gián đoạn bởi chính quyền Mubarak. Làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao và quyết liệt, mọi động thái nhằm hòa hoãn và cứu nguy cho chính quyền  Mubarak đều không có tác dụng. Đến ngày 11/2/2011, Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức. Facebook đã trở thành mạng xã hội toàn cầu có số thành viên đông đảo nhất hiện nay. Là một mạng xã hội không thu phí nên tính lan tỏa của Facebook đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Ai Cập. Chính quyền Mubarak đã không ngờ rằng mọi việc vẫn có thể được sắp đặt thông qua trang xã hội toàn cầu lành mạnh kia. Họ cứ ngỡ rằng họ có thể kiểm soát mọi thứ, và Facebook đã biến cái không tưởng thành có thể. Thử tưởng tượng rằng Facebook không tồn tại và internet cũng chưa có mặt, đất nước Ai Cập vẫn sẽ nằm trong sự kìm kẹp của chế độ Mubarak.
Ở Việt Nam, dù không thừa nhận, nhưng chính phủ đã có những động thái kiểm soát gắt gao các phương tiện truyền thông trực tuyến. Và dường như nhìn thấy được sự lớn mạnh của các trang mạng xã hội quốc tế, chính quyền đã ban bố một chỉ thị bất thành văn, buộc các nhà cung cấp internet ở Việt Nam phải chặn truy cập vào Facebook. Người dùng internet ở Việt Nam thường phàn nàn rằng họ không thể truy cập vào Facebook theo cách thông thường, tuy nhiên thông qua việc sử dụng các thủ thuật internet, họ vẫn có thể truy cập vào Facebook. Điều đó càng khẳng định, internet không thể bị ngăn chặn một cách tuyệt đối. Chính phủ cũng đã tạo nên các trang mạng xã hội trong nước để kêu gọi sự tham gia của người dân. Họ muốn kiểm soát hoạt động của người sử dụng internet thông qua các trang mạng xã hội đó. Tuy nhiên, người dùng Việt Nam vẫn chọn lựa Facebook và các trang xã hội quốc tế khác vì tính tiện dụng và không bị ràng buộc, kiểm soát.
Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đã thành công trên đất Ai Cập nhờ vào sức mạnh liên kết người dân của Google Chat và Facebook. Có thể nói với một thế giới ngày càng phẳng, ngày càng toàn cầu hóa, internet và các trang mạng xã hội với lượng người dùng lớn như Facebook đã trở thành một môi trường dân chủ nhất và bình đẳng nhất đối với những công dân thế giới. Facebook, Twitter, LinkedIn hay Youtube, những trang mạng có số lượng người sử dụng lớn và thường xuyên, có sức mạnh liên kết vĩ đại. Lẽ dĩ nhiên, mọi thứ đều tồn tại hai mặt tốt và xấu, quan trọng là người sử dụng với mục đích và động cơ gì.
Cao Huy Huân
* Blog của Tiến sĩ Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét