Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bài học cho những ai còn mơ hồ về “16 chữ vàng”, về “4 tốt" - Khoan Dung, Gốc Rễ Của Dân Chủ

Kiện Trung Quốc: Yếu tố quyết định thành bại là nhân chứng

(TBKTSG Online) Nhân chứng chính là nhân tố làm nên sự khác biệt chung cuộc trong vụ kiện tại cơ quan tài phán quốc tế.
Trong thông điệp tại “Diễn đàn An ninh Châu Á” vào thứ sáu tuần rồi tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế (The rule of laws), trong bối cảnh Trung Quốc đang “leo thang” các hành vi gây hấn tại khu vực Biển Đông.
Ba nguyên tắc mà Thủ tướng Abe khuyến cáo các quốc gia nên tuân thủ: (1) các quốc gia giải quyết vụ việc trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, (2) không quốc gia nào được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, (3) các quốc gia phải nỗ lực giải quyết các xung đột trong hòa bình.
Chuẩn bị nhân chứng sẽ là cả một quá trình Việt Nam cần thực hiện cho một vụ kiện trong khuôn khổ công pháp quốc tế về luật biển. Ảnh TL
Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản đang cố gắng chủ động trong việc duy trì sự hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dựa trên nền tảng tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Thông điệp này có lẽ là bài học “vỡ lòng” nhằm gửi đến một nước lớn nhưng hành xử “nhược tiểu” như Trung Quốc, khi chính phủ nước này vẫn đơn phương phong tỏa Biển Đông và lạm dụng “tay chân” để áp đặt giải quyết tranh chấp với các quốc gia ven biển liên quan.
Nhật Bản, Philippines cũng như Việt Nam và một số nước ASEAN đang phải đối đầu với Trung Quốc trong những tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh hải. Trong bối cảnh đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế như hiện nay, việc Việt Nam khởi động một vụ kiện trong khuôn khổ thuộc thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế về luật biển xem ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh phương diện ngoại giao, kinh tế - chính trị, rất nhiều yếu tố thuộc kỹ thuật mà Việt Nam cần phải cân nhắc khi chọn lựa thời điểm đệ trình và thúc đẩy vụ kiện.
Trong một phiên tòa trọng tài quốc tế giải quyết các xung đột về thương mại nói chung, tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia nói riêng, khâu chuẩn bị lực lượng nhân chứng (gồm nhân chứng sự kiện – witnesses of facts và nhân chứng chuyên gia - expert witnesses) là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại chung cuộc của vụ việc.
Nhân chứng và cơ chế thẩm vấn chéo (cross-examination)
Không tương đồng với “tập quán tố tụng” của Việt Nam, nơi vai trò nhân chứng (người làm chứng) trong vụ tranh chấp dân sự, thương mại ít được khai thác, đôi khi chỉ giữ vai trò tố tụng hình thức thứ yếu, ngược lại trong một phiên tài phán của tòa án, trọng tài quốc tế, nhân chứng lại đóng vai trò trọng yếu. Những người này được mệnh danh là “tai nghe và mắt thấy của công lý”.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều kiện chính để một chủ thể có thể trở thành người làm chứng là từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự. Người làm chứng ở đây là người phải biết rõ về sự kiện mà mình được yêu cầu làm chứng và chịu trách nhiệm về tính xác thực lời chứng của bản thân. Điều này đồng nghĩa nếu làm chứng gian dối, sai sự thật có thể bị áp dụng chế tài và bị buộc bồi thường nếu gây thiệt hại. Nhân chứng chuyên gia là người phải đạt yêu cầu về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực cần giám định khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu ý kiến chuyên môn. Những nhân chứng này có quyền tiếp cận thông tin, chứng cứ tài liệu thuộc vụ việc, và phát hành kết luận, báo cáo độc lập về vấn đề mình được yêu cầu giám định.
Chế định xác lập chứng cứ, nhân chứng trong tài phán thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu dựa trên Quy tắc về Chứng cứ của Trọng tài Quốc tế do Liên đoàn Luật sư Quốc tế (IBA) ban hành năm 1999 (“IBA Rules”) sửa đổi tháng 5-2010. IBA Rules đã đưa ra cơ chế tổng thể về thu thập, đệ trình, đánh giá chứng cứ cũng như cơ chế hoạt động của nhân chứng.
Chuyên biệt hơn, quy tắc Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) sẽ áp dụng cho tranh chấp trọng tài giữa hai quốc gia như vụ kiện của Philippines và Trung Quốc, trên cơ sở áp dụng luật nội dung quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (“UNCLOS”).
Điểm chung ở đây, các nhân chứng sự kiện được yêu cầu chứng thực phải tuyên thệ chỉ được phép nói toàn bộ sự thật. Nhân chứng sẽ được thẩm vấn chéo (cross - examination) bởi luật sư từ hai phía cũng như tòa án hoặc hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài UNCLOS bao gồm các chuyên gia về luật biển, tố tụng công pháp quốc tế hàng đầu, do vậy chỉ cần một sự chểnh mảng, nhân chứng có thể bị dẫn dắt, bác bỏ bởi nhân chứng đối lập hoặc bởi luật sư đối phương hoặc HĐTT. Thực tế, trong tranh tụng đôi khi một nhân chứng chuyên gia rất am tường nội dung tranh chấp cũng có thể bị biến thành người “ngây ngô” ít đáng tin cậy sau khi đối mặt hàng loạt kỹ thuật thẩm vấn chéo được áp dụng.
Phẩm chất của nhân chứng
Trong vụ kiện thương mại khác của tổ chức Tòa án Trọng tài Quốc tế - Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), một nhân chứng sự kiện quan trọng của đương đơn Việt Nam đã bị hội đồng trọng tài ICC (“HĐTT”) bãi bỏ tư cách ngay khi không “vượt qua” được hai câu hỏi chào đầu. Bản khai của nhân chứng này được đệ trình bằng tiếng Anh, theo đó nhân chứng đã nộp một bản khai tiếng Anh hoàn hảo. HĐTT chấp nhận cho nhân chứng được trình bày bằng tiếng Việt thông qua phiên dịch trực tiếp.
Trong phiên thẩm vấn chéo, luật sư đối phương mở đầu bằng câu hỏi đơn giản: “Sir, can you speak English?” (Ông nói được tiếng Anh không?). Nhanh nhẹn, nhân chứng này đáp “Sorry, I can’t speak English” (Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Anh) thay vì phải chừng mực đợi phiên dịch đúng quy trình và có câu trả lời bằng tiếng Việt như là “Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Anh” hoặc “Tôi nói được tiếng Anh nhưng rất hạn chế”. Luật sư đối phương tiếp “tiếng Anh ở bản khai này viết rất tốt, ông tự làm hay nhờ ai làm?” Đáp trả bởi nhân chứng: “tôi nhờ luật sư bên tôi làm giúp” (chỉ vào luật sư) thay vì câu trả lời thích hợp và đúng sự thật là “tôi tự làm bằng tiếng Việt và luật sư tôi giúp dịch ra tiếng Anh”. Kết quả là nguyên đơn thành công khi đề nghị HĐTT bác bỏ tư cách của nhân chứng quan trọng này vì có biểu hiện “thiếu trung thực” và “không độc lập”.
Trong vụ kiện khác cũng tại ICC, một bên đương đơn thành công khi chứng minh cho HĐTT là nhân chứng sự kiện của đối phương không đáng tin cậy cho rằng các nhân chứng này không được “cách ly” một cách thích hợp khi nhân chứng đã được thẩm vấn có biểu hiện “thông cung” với nhân chứng chưa được thẩm vấn chéo. Các nhân chứng quan trọng do sự đề cử của một bên luôn là trọng tâm cho đối phương tìm cách loại bỏ dưới sự dẫn dắt của luật sư có kinh nghiệm, hơn là các đương đơn kỳ vọng giành lợi thế xuất phát từ các luận cứ chuẩn bị sẵn. Thực tế, sẽ không có cuộc đối đầu trực tiếp thực sự quan trọng giữa luật sư hai bên trong phiên tranh tụng quốc tế ngoại trừ phiên thẩm vấn chéo các nhân chứng do luật sư đảm trách.
Nguồn nhân chứng của Việt Nam
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần tập hợp và phát triển nhân chứng sự kiện và chuyên gia từ nguồn nào. Do đặc thù một quốc gia có đường bờ biển dài, Việt Nam có khá nhiều chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền Biển Đảo. So với các quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam thuận lợi hơn cho việc chuẩn bị các bằng chứng lịch sử và pháp lý xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17. Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tuyên bố rõ trước quốc dân đồng bào rằng từ năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, nước này dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo này lúc đó còn trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn lúc đó và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam cũng ra tuyên bố phản đối, lên án hành vi chiếm đóng này, và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Các chuyên gia ngoại giao, chính trị, các nhà nghiên cứu, sử học trong nước và quốc tế hiện là nguồn nhân chứng góp phần cho công cuộc pháp lý hóa tuyên bố trên thành một đúc kết sự thật lịch sử, trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, tận dụng được những chuyên gia này để đảm trách được vai trò làm nhân chứng sự kiện hoặc chuyên gia trong khuôn khổ vụ kiện quốc tế đều cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đôi khi đệ trình một bằng chứng chưa đủ độ tin cậy, một phát biểu hoặc hành vi thiếu cẩn trọng trong quá khứ, một thông tin không đồng nhất của nhân chứng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mức độ “xác tín” (credibility) của nhân chứng này, và vì vậy ảnh hưởng đến vị thế pháp lý của đương đơn. Luật sư quốc tế hoặc HĐTT thuộc các chế định tòa án, trọng tài quốc tế lớn như PCA, ICC, ICJ, ITLOS... sẽ không bỏ qua cơ hội phản bác những nhân chứng như vậy. Hậu quả có thể biến một chuyên gia hàng đầu về lịch sử, địa lý, một nhân chứng là cựu chiến binh”sống” từ các trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 thành “nhân chứng ít tin cậy” như chưa bao giờ được nhìn thấy thực địa lãnh thổ.
Chẳng hạn đối với chứng cứ lịch sử về việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa như viện dẫn trên, Trung Quốc dường như phạm một điều cơ bản mà cơ quan tài phán có thể xem xét là việc chiếm hữu có hợp pháp hay bất hợp pháp (Effective Occupation). Điều này được hiểu: một là quốc gia ven biển phải thể hiện ý chí chiếm hữu, hai là thực hiện chiếm hữu trên thực tế (thời gian chiếm hữu, thực hiện quyền lực nhà nước, xây dựng công trình…) và quan trọng là việc chiếm hữu đó không bị phản đối bởi các quốc gia khác (acquiescence by silence).
Do vậy, Trung Quốc không dễ đơn phương tuyên bố xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và dưới sự phản đối quyết liệt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Có nhiều chuyên gia Việt Nam và Quốc tế đủ để bác bỏ luận điểm này.
Tuy nhiên liên quan đến sự kiện thực tế, chẳng hạn, ai là bên chiếm hữu thực thể quần đảo Hoàng Sa trước và từ 1956 đến 1974, quân đội hoặc người dân nào chiếm các bãi đá trong đó có Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, công hàm lên án và phản đối lên Liên Hiệp Quốc của chính quyền Sài Gòn thực tế thực hiện như thế nào sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, một cách lý giải nhất quán về xuất xứ, ý chí Công thư 1958 v.v.. thì có lẽ không có nhân chứng sống nào tốt hơn là các nhà sử học, chính trị ngoại giao, các chuyên gia công pháp của thời kỳ này.
Đặc biệt là các cựu chiến binh hiện hữu, những người chứng kiến toàn bộ diễn biến tình tiết lịch sử xung quanh cuộc xung đột này. Tuy vậy, nếu lướt qua các diễn đàn tranh luận rộng rãi thì ngay cả đối với một câu hỏi trên thì các nhân chứng sự kiện và các chuyên gia cũng có nhiều cách diễn đạt, lý giải khác biệt nhau. Đây có thể là rủi ro pháp lý vì trong một phiên tài phán quốc tế một sự kiện bị diễn dịch không nhất quán, chủ quan trong bản chứng của nhân chứng có thể gây bất lợi cho chung cuộc. Về mặt kỹ thuật, các bên đương đơn sẽ “đấu trí” để khai thác hoặc bác bỏ sự kiện từ nhân chứng sống này theo hướng có lợi cho mình.
Do vậy, tận dụng được các nhân chứng chuyên gia trong nước và quốc tế có nhiều nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ là điều quý giá đối với Việt Nam lúc này, đặc biệt những chuyên gia là cuốn “từ điển sống” về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, những cựu chiến binh đã tham chiến để bảo vệ tổ quốc. Điều cần bổ sung cho lực lượng nhân chứng là một hệ thống kỹ năng cách tập hợp và trình bày xác thực chuỗi sự kiện lịch sử một cách có hệ thống khoa học cho một chủ đích pháp lý rõ ràng. Cho dù đôi khi sự chuẩn bị kỳ công của đội ngũ nhân chứng chỉ để hiện diện trước HĐTT quốc tế trong phiên thẩm vấn phúc trình cho những câu hỏi hàm tưởng là giản đơn nhưng hàm chứa nhiều rủi ro pháp lý “đúng hay sai” hoặc “có hay không” và nếu dài hơn là “tại sao”. Đôi khi chỉ vậy nhưng cũng có thể thay đổi cục diện của vụ kiện ở quy mô quốc tế.
Quy trình tố tụng nào cho nhân chứng theo UNCLOS
Trong Quy trình Tố tụng (Rules of Procedure) cho vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc, tại Điều 23 và 24, vào ngày 27-8-2013 HĐTT cho phép các bên tiến hành thẩm vấn (examination) và thẩm vấn chéo (cross - examination) bất cứ nhân chứng hoặc chuyên gia nào đã có bản khai chứng thực bằng văn bản (written testimony). Nhân chứng này có thể do một bên yêu cầu nhân chứng, chuyên gia của mình cho phiên thẩm vấn. Thủ tục mời nhân chứng cần xác lập chậm nhất 30 ngày trước phiên xử. Các nhân chứng chuyên gia chỉ được tham gia thẩm vấn, đối chất sau khi có đệ trình bản chứng bằng văn bản. Các bản khai đệ trình của nhân chứng trở thành bằng chứng chính yếu của vụ kiện. Các câu hỏi thử thách trực tiếp do hai bên hoặc HĐTT thực hiện. HĐTT có thể tự chỉ định thêm nhân chứng độc lập.
Nhân chứng sự kiện hoặc chuyên gia giàu chuyên môn, nhiều thông tin nhưng ít kinh nghiệm tố tụng là cơ hội tốt cho đối phương khai thác. Các phẩm chất của nhân chứng dễ bị thử thách trong phiên tranh tụng là ngoài khả năng, kiến thức, chuyên môn nhận thức đối với vấn đề mình chứng thực. Ngoài ra thành tố quan trọng của nhân chứng là năng lực, sự khách quan và độc lập của nhân chứng (qualification, impartiality and independence). Hạn chế một trong các yếu tố này, nhân chứng có thể bị HĐTT bãi bỏ tư cách, và bản chứng có thể bất lợi cho chính bên đề cử. Quyền và nghĩa vụ của nhân chứng cũng được quy định tại Điều 6, Phụ lục VII của Công ước 1982.
Theo đó, quốc gia tranh chấp phải cung cấp đủ thông tin liên quan tài liệu thích hợp khi nhân chứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ của họ. Trong giới hạn quyền và nghĩa vụ của mình, các bên phải thực hiện được quy định tại điều khoản tham chiếu (TOR), các bên phải tạo điều kiện tối đa cho nhân chứng có thể quan sát thực địa tranh chấp thực tế có liên quan vụ kiện.
Nhân chứng: Nói thật, nói đúng chưa phải là đủ
Các báo cáo kỹ thuật (technical reports) hoặc các bản chứng sự kiện (Statements of facts), các lời chứng trực diện (Testimony) đều bị “soi” kỹ cả về hình thức lẫn nội dung. Do vậy, các nhân chứng ít kỹ năng hoặc không được chuẩn bị tối thiểu về kỹ năng cơ bản tố tụng quốc tế cho một giải quyết tranh chấp về lãnh thổ nhiều khi lợi bất cập hại. Nguy hại hơn, nhân thân, quan điểm thể hiện qua các phát biểu của nhân chứng trong quá khứ ở diễn đàn này hay diễn đàn khác về cùng một vấn đề mà nếu có bất nhất, bất lợi thì cũng có thể là điểm yếu để đối phương khai thác, tận diệt.
Do đặc thù về vai trò, tính chất nghề nghiệp, luật sư có thể có nhiều cách diễn đạt, lý giải khác nhau cho một sự kiện lịch sử, pháp lý trong khuôn khổ luật pháp, tố tụng cho phép, trong khi nhân chứng thì chỉ được phép nói sự thật và toàn bộ sự thật. Tuy vậy, trong một phiên tài phán quốc tế như vụ kiện tranh chấp lãnh hải chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, các nhân chứng, chuyên gia chỉ nói sự thật hay nói đúng đôi khi chưa đủ, mà cần một phương pháp diễn đạt sự thật, có bản lĩnh và kỹ năng chứng minh sự thật, có chuẩn mực và uy lực đủ mạnh để lời chứng của mình được xác tín thì mới có thể kì vọng đồng nhất chân lý với công lý khi đối đấu với Trung Quốc một nước lớn ưa chuộng bá quyền và nhiều bao biện.
Một nhân chứng thành công là nhân chứng tự bảo vệ được mức độ xác tín của chính mình xuyên suốt phiên tài phán. Ngược lại khi uy tín của nhân chứng bị thử thách thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế pháp lý của đương đơn. Chuẩn bị nhân chứng sẽ là cả một quá trình Việt Nam cần thực hiện cho một vụ kiện trong khuôn khổ công pháp quốc tế về luật biển.
LS. Châu Huy Quang
(*) Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers

Bài học cho những ai còn mơ hồ về “16 chữ vàng”, về “4 tốt"

 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu ý kiến.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhắc lại rằng: Kinh tế cần xem xét trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, thương mại đầu tư và tín dụng, và “thương mại với các nước phải cân bằng và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhắc lại con số nhập siêu từ Trung Quốc năm 2013 lên đến hơn 23 tỷ USD, trong khi về đầu tư, chúng ta còn nhiều hạn chế cả về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường và cạnh tranh. “Tôi không hiểu sao 90% dự án nguồn điện, 80% dự án giao thông, các nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói - Trúng thầu, sau đó để xảy ra tình trạng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, làm tăng giá thành, và đặc biệt là không sử dụng nhân công Việt Nam”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: “Đây là vấn đề trong điều hành kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu để giảm nhập siêu”.
Nhìn nhận việc dự báo nắm tình hình, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cũng cho là “chưa tốt, nếu như không nói là yếu kém”. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nêu ví dụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa là “hoàn toàn bất ngờ, không có trong dự báo, trong khi phản ứng, đối phó của chúng ta là không linh hoạt và chậm”; hay như sự kiện ngày 12.5, khi công nhân phản đối các hành động của Trung Quốc rất đáng hoan nghênh, nhưng “có những thế lực âm mưu, tổ chức kích động, lôi kéo, lợi dụng lòng yêu nước xúi giục đập phá nhà máy”. Những phản ứng của cơ quan chức năng sau đó, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng, là chưa kịp thời, gây hậu quả rất lớn về kinh tế, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như dư luận thế giới. “Đây là bài học lớn” - Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nói.
Đối với việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, nhưng nhất định không chấp nhận một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó, như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt”- ông Tùng nói.
Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với chính sách của Chính phủ đối với ngư dân, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho rằng với quyết sách này, ngư dân sẽ có điều kiện bám biển: “Ngư dân đang cần tàu lớn, tàu sắt, tàu hậu cần nghề cá để mua sản phẩm cho ngư dân ngay trên biển, để họ không những bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà còn hướng ra đại dương rộng lớn”.
(Lao động)

Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ nào?

Bản điều trần của tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Việt Nam

Tại Tiểu Ban Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Thường Trực về Đối Ngoại và Phát triển Quốc Tế của Quốc hội Canada, thông qua Liên Hội Người Việt Canada, vào ngày 29.5.2014

(bài đăng báo có điều chỉnh và bổ sung so với bản điều trần)

Chưa bao giờ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam - Bắc vào năm 1975, những người lãnh đạo ở Việt Nam lại phải đối mặt với 5 nguy cơ quá lớn như hiện nay:

1. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế:

Đây là nguy cơ lớn nhất và giải thích vì sao giới lãnh đạo Hà Nội lại quá cần đến Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cuộc suy thoái kinh tế ở Việt Nam kéo dài từ năm 2008 đến nay đã làm kiệt quệ gần như toàn bộ nền kinh tế. GDP giảm đến 50%, tương ứng với các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch đều suy giảm trầm trọng. Khoảng 50% số doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, hoặc tạm ngưng hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên đến khoảng 20%. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên đến ít nhất 500.000 tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD), khoảng 75% nợ xấu tập trung vào thị trường bất động sản. Còn nợ công quốc gia lên đến ít nhất 95% GDP.

Tuy nhiên, đáng chú ý là gần như toàn bộ hậu quả cho đến nay vẫn chưa hề được giải quyết. Nhiều chuyên gia phản biện cho rằng đáy kinh tế vẫn chưa lộ ra, và nền kinh tế vẫn còn tiếp tục lao dốc trong những năm tới. Trong những năm sắp tới, Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như Argentine vào năm 2001.

2014 có thể là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016-2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị. Đây là diễn biến quan yếu nhất.

2. Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng:

Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng đã gia tăng đột ngột từ năm 2011 cho tới nay. Trong những năm tới, phản kháng xã hội sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, đình công, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng…

Quy luật khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng xã hội đang ứng nghiệm ở Việt Nam. Nếu hệ thống ngân hàng bị vỡ một phần, tình trạng đó sẽ lập tức ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của số doanh nghiệp còn lại và đẩy cao tình trạng thất nghiệp. Lạm phát cũng được thổi bùng và làm cho đồng tiền mất giá, có thể tái hiện một phần tình trạng lạm phát đến 600% những năm 1985-1986. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt đến 30-40% và đẩy phần lớn người lao động ra đường. Tình cảnh đó rất có thể làm cho niềm tin chính thể của người dân hoàn toàn tan vỡ và tạo nên làn sóng phản kháng rộng khắp, đặc biệt là trong nông dân và công nhân.

Khả năng cạn kiệt ngân sách và kinh phí an sinh xã hội cũng khiến cho nguy cơ vỡ quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm xã hội trở nên rất hiện hữu. Nếu khả năng này xảy ra, phần lớn cán bộ đảng viên về hưu, vốn đã tích tụ bất mãn và bức xúc đối với đảng và chính quyền, sẽ có thể trả thẻ đảng, tạo nên một phong trào thoái đảng trên diện rộng và gia nhập vào làn sóng biểu tình của người dân.

3. Phong trào dân chủ - nhân quyền và sức ép quốc tế:

Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ đảng cầm quyền phải đối đầu với một là sóng phản kháng của giới bất đồng chính kiến và dân chủ - nhân quyền trong nước như hiện nay. Từ đầu năm 2013, xã hội dân sự đã chính thức hình thành ở Việt Nam, cho dù không được chính quyền thừa nhận. Vào tháng 4/2014, lần đầu tiên từ năm 1975, Nhà nước Việt Nam phải thỏa hiệp với Hoa Kỳ để thả đến 5 tù nhân chính trị.

Cũng chưa bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam lại ở thế yếu ớt như hiện thời trong mối tương quan với Hoa Kỳ và phương Tây. Cuộc đi dây của Việt Nam giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ được xem là rất phiêu lưu và không mang lại hiệu quả.

4. Hiểm họa Trung Quốc:

Việt Nam càng bị phụ thuộc và Trung Quốc và càng bị Trung Quốc lấn ép ở Biển Đông và trong vấn đề nhập khẩu. Trong tương lai gần, nguy cơ từ Trung Quốc là rất tiềm tàng và có thể xảy ra những đột biến, không chỉ ở Biển Đông mà có thể là những can thiệp vào nội trị ngay tại Hà Nội và cả quân sự ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Không loại trừ vào giai đoạn 2016-2017, khi Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và nội bộ phân hóa sâu sắc, Trung Quốc có thể tung ra một chiến dịch tấn công quân sự tổng lực vào Việt Nam.

Trước sức ép và hiểm họa liên tục từ Trung Quốc, gần đây đã có vài dấu hiệu cho thấy ngay cả phe bảo thủ nhất trong đảng cũng đang có xu hướng dần chuyển sang quan hệ thỏa hiệp hơn với các đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ và phương Tây, nhằm đổi lại quan hệ TPP, đầu tư, thương mại đa phương và hợp tác quân sự Biển Đông.

5. Cuộc tranh đoạt không khoan nhượng giữa các nhóm lợi ích:

Khác với sự thống nhất tạm thời trong quá khứ, hiện thời và tương lai gần của đảng cầm quyền không cho thấy những dấu hiệu khả quan về tính đồng thuận. Ngược lại, mối mâu thuẫn và xung khắc nội bộ ngày càng lớn, chủ yếu xuất phát từ quyền lợi của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị. Đây là cuộc tranh đoạt ở giai đoạn cuối cùng, không khoan nhượng và cũng là một mối nguy rất lớn mà có thể làm tan vỡ đảng cầm quyền ở Việt Nam, ngay cả trong điều kiện nền kinh tế chưa thật sự rơi vào khủng hoảng.

* Kết luận:

Một cách đương nhiên, việc xem xét và lượng giá 5 nguy cơ nêu trên có thể bổ túc cho giới chính khách và các nhà đầu tư Canada một cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình thực tại và tương lai trung hạn ở Việt Nam, từ đó đưa ra những chính sách đối xử Canada - Việt Nam không nhất thiết phải quá mềm dẻo về thương mại song phương, đầu tư và viện trợ nhân đạo.

Tôi cho rằng chính sách và áp lực về thực thi dân chủ, nhân quyền của phương Tây, chính sách xoay trục về châu Á- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị và sẽ phát huy tác dụng lớn trong những năm tới, đặc biệt vào giai đoạn 2016-2017 là thời gian mà nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đạt đỉnh khủng hoảng kinh tế, dẫn đến những biến loạn xã hội khôn lường và có thể tiếp biến một cuộc khủng hoảng chính trị ghê gớm.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.

Bản tiếng Anh

Dear Mr. Chair, ladies and gentlemen,

Since the end of the Vietnam war in 1975, never have the leaders in Vietnam faced 5 greater risks than present:

1. Risk of economic crisis:

This is the biggest risk and explains why Hanoi leaders desperately need the Trans-Pacific Partnership Agreement (TPP).

The economic downturn in Vietnam since 2008 has drained nearly the entire economy. The GDP fell 50%. Approximately 50% of businesses fell into bankruptcy, dissolution, or inactivity. The actual unemployment rate is about 20%. Bad debts in the banking system are at over $25 billion. The national debt is at least 95% of the GDP.

2014 may be the first year in a banking crisis cycle, starting from the collapse of several mid-sized banks, and can lead to a chain of collapses of at least 50% of the existing banks.

However, many experts note that these problems are not yet resolved and argue that the economic bottom has not even been identified. Vietnam is facing the risk of insolvency as Argentina did in 2001.

2. Social instability and people’s resistance:

Social instability and people’s resistance have increased dramatically since 2011. Protests will increase in quantity and size, and create great pressure on the regime, which is in the early stages of a social crisis. This trend will quickly spread into many locales, pertaining to land expropriation, strikes, police brutality, corruption, et cetera.

The theory of economic crisis leading to social crisis is proven. A broken banking system would immediately and adversely affect the operation of the remaining businesses. A skyrocketing unemployement rate of 30-40% would shatter the people’s faith in the regime and create a wave of protests, especially among farmers and workers.

Also, the risk of depleting the pension and social insurance funds is very much a reality. At that time, most retired party members who had accumulated discontent with the communist party will renounce their membership, creating a wide movement to quit the party and join the people’s protests.

3. Democracy movement - human rights and international pressure:

Since 1975, the ruling party has never faced a wave of protests from dissidents, human rights and democracy activists within the country as it is today. Also, Communist leaders have never been in a weaker position than now in relations with the United States and the West. Vietnam’s foreign policy tightrope between China and the United States only makes Vietnam more dependent on China and leads to it being bullied by China in the East Sea (also known as South China Sea).

4. Danger from China:

In the near future, there is high potential for sudden turmoils not only in the East Sea but also at the northern border of Vietnam, and interferences in domestic politics in Hanoi by China.

5. The unyielding dispute between interest groups within the Communist Party:

In contrast to their past unity, the present and near future of the Communist Party does not show signs of consensus between their own leaders. In fact, internal conflicts are growing, mainly derived from varying interests of interest groups. This uncompromising battle in its final stage can break up the ruling party, even if the economic crisis does not peak.

Conclusion:

Canadian politicians and investors can review and evaluate the 5 above risks in order to have a more complete view of the present and near future of Vietnam to appropriately reconsider their foreign policy and investments.

I think the Western policy of using economic pressure to advocate for democracy and human rights remains valueable and will have greater effect in the coming years for a free and democratic Vietnam.

Thank you for listening.
Tác giả gửi BVN.

HD 981 có thể khiến GDP VN giảm hơn 1%

000_Hkg8718978-600.jpg
Lưu thông trên đường phố Hà Nội hôm 21/6/2013, bên cạnh dự án xe lửa đang bị hoãn, được tài trợ bởi Trung Quốc.
AFP photo
Cơ hội vàng cho VN?

Trong báo cáo thường niên 2014 mang tên “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng trong năm nay với mức độ tăng trưởng dự báo giảm từ 1,65% đến 0,92% so với mục tiêu tăng trưởng ban đầu 5,8% mà Quốc hội thông qua cho năm 2014. Theo T.S Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR thì “dự báo là mất hơn 1% tăng trưởng quý giá của chúng ta, tới đây, chúng ta phải chịu đựng khó khăn gian khổ để ứng phó với người láng giềng ứng xử xấu như vậy.” Được biết, bản báo cáo trên sử dụng các mô hình và đo ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ Trung Quốc hay từ các doanh nghiệp FDI khác.

Trên thực tế, trong thời gian qua, liên tục báo chí trong nước lẫn nước ngoài đều có những bài phân tích với sự lo lắng của giới đầu tư nước ngoài sẽ rút ra khỏi Việt Nam vì những bất ổn chính trị, khiến kinh tế Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại lớn từ góc độ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, tình hình bất ổn cũng xảy đến sau những vụ bạo động diễn ra ở các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có vốn FDI tại Vũng Áng, Hà Tĩnh hay tại Bình Dương.

Tuy nhiên, mới đây, khi nhận xét về những tác động tiêu cực mà Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt khi xung đột với Trung Quốc xảy ra, T.S Lê Đăng Doanh đã ví von “trong họa có phúc, trong nguy có cơ” bởi theo ông, đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam sẽ có một vị thế cân bằng hơn đối với Trung Quốc:

Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại rất là bất bình đẳng với Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu năm 2013 sang Trung Quốc là 13 tỷ 360 triệu đô la, chủ yếu là các sản phẩm nông sản và sản phẩm thô. Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 36 tỷ 960 triệu đô la và chủ yếu là các nguyên vật liệu cho may mặc, da giày, và các trang thiết bị cho các nhà máy điện cũng như là các nhà máy khác.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam thì chỉ bằng 1% xuất khẩu của Trung Quốc thôi, còn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy cho nên chắc chắn nếu như mà Trung Quốc có những biện pháp cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại tương đối nặng nề trong thời gian nhất định.

Tuy vậy, trong họa cũng có phúc, trong nguy cũng có cơ. Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế trên thế giới và nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu các linh kiện đó cho Việt Nam thì Việt Nam cũng có thể tìm kiếm linh kiên thay thế ở các thị trường khác, và sau đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục; kinh tế Việt Nam sẽ có một vị thế cân bằng hơn đối với Trung Quốc.

Theo giới học giả, hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên đây sẽ là thời điểm để Việt Nam “giảm phụ thuộc”. Nếu nhìn vào cán cân thương mại, giá trị nhập khẩu từ Việt Nam thường gấp đến 2-3 lần giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và không có dấu hiệu thu hẹp. Hơn thế nữa, mới đây Chính phủ 2 nước dự kiến sẽ tăng kim ngạch hai chiều lên 60 tỷ đô la vào năm 2015 vì thế cán cân thương mại Việt Nam càng bị thâm hụt hơn là điều khó tránh khỏi, do đó, trong “họa có phúc” là xung đột trên biển Đông sẽ là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi nhập siêu từ Hoa Lục và có thêm nhiều bạn hàng khác.

Quan hệ bất bình đẳng với TQ

072_K76605-250.jpg
Một người dân buôn bán đồ gốm sứ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai hôm 10/5/2014. AFP photo
Trên góc độ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, có thể thấy, FDI của nước này vào Việt Nam không nhiều so với các nước trong khu vực, Trung Quốc vẫn đứng sau Nhật, Singapore, Hàn Quốc. Đồng thời, khi đầu tư vào Việt Nam, FDI của họ không mang lại nhiều ngoại tệ cho Việt Nam như các đối tác khác, mà họ lại hưởng lợi cao hơn rất nhiều so với những nhà đầu tư nước ngoài: từ chuyện công nhân Trung Quốc tràn ngập các khu làng Việt Nam hay họ đưa sang Việt Nam các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, điều này được thấy rõ nhất qua các dự án đấu thầu trọn gói EPC mà nhiều học giả Việt Nam cảnh báo:

Hầu hết các dự án Việt Nam đưa ra đấu thầu thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong các công trình lớn thì phải đến 90% là rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, gây ra rất nhiều hệ lụy, trước hết, nó tước đoạt đi những cơ hội của các công ty Việt Nam, tranh việc làm của các công ty Việt Nam.

Thường họ bỏ thầu với giá thấp để thắng thầu, nhưng khi họ thắng thầu rồi họ tìm cách trì hoãn và đội giá lên, nhiều công trình khi chào ban đầu thì thấp hơn nhưng trên thực tế khi thực hiện thì cao vọt hơn hẳn, cao hơn cả những nhà thầu của các nước phương Tây có công nghệ, thiết bị hiện đại hơn.

Hơn nữa, họ thường làm kéo dài tiến độ, càng kéo dài, càng gây tổn thất cho Việt Nam về nhiều mặt, làm cho Việt Nam mất đơn mất kép. Sau khi công trình đã hoàn thành rồi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào họ như bảo dưỡng, vật liệu thay thế.

Vừa rồi là lời phân tích của nhà kinh tế độc lập Phạm Chi Lan trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi về những thiệt thòi mà Việt Nam thường đối mặt khi làm ăn với Trung Quốc. Cũng theo bà Phạm Chi Lan khi trả lời phỏng vấn truyền thông những ngày gần đây thì xung đột từ vụ giàn khoan HD981 sẽ là động lực và ý chí để Việt Nam giải quyết các vấn đề vốn tồn tại dai dẳng nhiều năm qua như: việc người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, loại bỏ các nhà thầu Trung Quốc với những dự án FDI hạ giá bất kể chất lượng và không tôn trọng các chỉ tiêu nội địa hóa của Việt Nam.

Nếu xâu chuỗi vấn đề kinh tế với chuyện xâm chiếm lãnh hải, đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam từ mấy năm qua không có gì khởi sắc, có thể thấy dự tính GDP Việt Nam sẽ giảm 1% trong năm nay không phải là không có cơ sở, nhưng “tái ông mất ngựa” trong rủi có may, người ta cho rằng đây sẽ là lúc Việt Nam xem xét lại mình trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực, mở rộng giao thương.

Hầu hết các học giả và giới phân tích kinh tế cho rằng Trung Quốc đúng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng họ không phải là đối tác duy nhất và bền vững nhất. Việt Nam của gần 30 năm sau thời mở cửa đã có đến 240 bạn hàng quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam tham gia nhiều tổ chức thương mại quốc tế: WTO và trong tương lai là TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì lẽ đó, mọi người đều cho rằng dù trở ngại kinh tế trước mắt là không thể tránh khỏi, nhưng về lâu về dài, đây lại là liều thuốc để Việt Nam dành lại thế cân bằng thương mại và khẳng định chủ quyền quốc gia, toàn vẹn dân tộc là điều quan trọng hơn bất kể thứ gì.
 
Vũ Hoàng, phóng viên RFA 
2014-06-02
 

Trần Kiên - Khoan Dung, Gốc Rễ Của Dân Chủ

Tác giả: Bài này được Người Đô Thị đăng lại với tiêu đề ngắn gọn "Khoan Dung", tuy chỉ có hai chữ mà vẫn được "ưu ái" để ý, cũng là một trải nghiệm đáng nhớ và cần nhớ.
Biểu tình chống giàn khoan Trung Quốc

Dường như bên cạnh một khuôn khổ chính trị, dân chủ cũng cần một nền tảng nhân văn để có thể dung hoà những sự khác biệt trong một xã hội đa dạng. Khoan dung có lẽ là câu trả lời ít người trông đợi nhất, nhưng lại là câu trả lời cốt yếu.

Dân chủ hoá không chỉ liên quan đến cải cách tổ chức chính quyền để quyền lực nhà nước thật sự thuộc về nhân dân mà quan trọng hơn, dân chủ chỉ có thể bền vững nếu các cá nhân, nhóm trong xã hội hiểu và có cơ hội thực hành sự đối thoại trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, hướng đến thoả hiệp vì lợi ích chung trên nền tảng bất bạo động. Nói cách khác, khoan dung là cốt lõi của nền dân chủ.
Từ chuyện xung đột xã hội

Nếu giờ có hỏi dân chủ là gì, chắc không ít người sẽ dễ dàng trả lời dân chủ là dân làm chủ. Sâu xa hơn, có nghĩa là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhưng dường như định nghĩa hàn lâm đó lại không lý giải được tại sao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước chuyển đổi từ chế độ chuyên chính, toàn trị như Ai Cập hay Myanmar, ngay khi quyền lực nhà nước được trả về cho nhân dân thì cũng là lúc xung đột xã hội xuất hiện, bạo lực kéo dài có khi dẫn đến đảo chính, quân đội trở lại nắm quyền như ở Ai Cập, hoặc có khả năng đe doạ tiến trình dân chủ hoá như đang diễn ra ở Myanmar.

Dường như bên cạnh một khuôn khổ chính trị, dân chủ cũng cần một nền tảng nhân văn để có thể dung hoà những sự khác biệt trong một xã hội đa dạng. Khoan dung có lẽ là câu trả lời ít người trông đợi nhất, nhưng lại là câu trả lời cốt yếu. Đó là các giá trị tôn trọng sự khác biệt, hợp tác và thỏa hiệp giữa những giá trị và ý kiến khác nhau. Theo Mahatma Gandhi: “Bản thân sự không khoan dung cũng là một hình thức của bạo lực và là cản trở đối với sự phát triển tinh thần dân chủ thật sự”. Ở mức cao nhất là câu tuyên ngôn của Voltaire: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của bạn. Nhưng tôi sẽ chiến đấu tới chết để bảo vệ quyền của bạn được nói lên quan điểm đó”.

Lịch sử cho thấy công cuộc chuyển đổi dân chủ từ các chế độ độc tài thường gặp nhiều trắc trở và mong manh. Một phần do sự phản kháng của các chính thể này đối với tiến trình dân chủ, mặt khác cũng do những cá nhân trong đó chưa học và biết cách lắng nghe, cách khoan dung với nhau, bắt tay nhau vì mục tiêu chung. Lâu dài, nó sẽ tạo ra một văn hoá loại trừ có tính chất khủng bố giữa các cá nhân và các nhóm trong xã hội.
Đến cách thức hoá giải

Vậy làm sao để xây dựng được văn hoá khoan dung trong xã hội để vận hành một nền dân chủ bền vững? Giáo dục là câu trả lời quan trọng nhất. Nhưng có lẽ không phải là một nền giáo dục đồng nhất nặng về đọc chép hiện nay dựa trên phương pháp học thuộc, diễn giải, sử dụng bài mẫu vốn là môi trường màu mỡ cho sự nảy nở của văn hoá độc quyền chân lý, loại trừ. Thay vào đó, cần có một nền giáo dục hướng đến việc xây dựng những con người tự do, dựa trên nền tảng tôn trọng cá nhân với tư duy phê phán. Nói cách khác, đó nên là một nền giáo dục khai minh hướng đến việc phát huy bản tính tự chủ của cá nhân.

Thừa nhận và tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển cũng là một giải pháp quan trọng. Kinh nghiệm của Việt Nam thời gian qua cho thấy xã hội dân sự không chỉ là một khu vực nằm ngoài và đối lập với nhà nước. Trong không ít trường hợp, xã hội dân sự đã giúp điều hoà và giải toả các xung đột lợi ích trong lòng xã hội trong tinh thần bất bạo động, thúc đẩy và cổ vũ các giá trị nhân văn như quyền con người, bảo vệ môi trường. Kiến tạo một không gian rộng mở cho xã hội dân sự hoạt động cũng đồng nghĩa với việc kiến tạo cơ hội để thực hành sự đối thoại, tôn trọng, thỏa hiệp với nhau - các giá trị căn bản tạo nên văn hoá khoan dung.
Và những chuyển động của Việt Nam

Giáo sư Johnathan London trong một bài viết ngắn trên blog riêng của ông đã miêu tả cảm giác về một cái gì đó đang xảy ra ở Việt Nam. Thời gian vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến những sự thay đổi lặng lẽ nhưng mạnh mẽ trong lòng xã hội Việt Nam; theo đó, chúng ta đang học cách tôn trọng và chấp nhận những ý kiến khác biệt nhau, thoả hiệp với nhau để theo đuổi mục tiêu chung, cương quyết từ chối cách giải quyết bạo lực.

Các nhóm xã hội đã biết tập hợp nhau lại để vận động thay đổi quan điểm về một điều cấm kỵ nào đó, đơn cử như vận động chấp nhận những người đồng tính, chuyển giới hay song giới. Là đối thoại dựa trên sự khác biệt ví như những tranh luận, đóng góp của các nhân sỹ trí thức về vấn đề Hiến pháp hay cải cách kinh tế, giáo dục. Là dũng cảm đối đầu thuyết phục người khác từ bỏ hành vi bạo lực, giúp đỡ công nhân Trung Quốc bị tấn công của những công nhân và người dân ôn hoà tại Bình Dương và Hà Tĩnh. Rõ ràng, xã hội chúng ta đã bắt đầu tự kiến tạo và biết nắm bắt cơ hội để học cách khoan dung với nhau ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.

Vẫn còn đó những cái nhìn, cách nghĩ và ứng xử tiêu cực, định kiến khi có những ý kiến khác biệt được nêu lên, nhưng những ai quan tâm đều có thể nhận ra, đúng là đang có một cái gì đó đang xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam. Cái gì đó chính là việc người Việt đang học cách khoan dung với nhau, tôn trọng lẫn nhau và thoả hiệp với nhau vì mục tiêu chung lớn lao của đất nước. Chính điều đó là cơ sở cho niềm tin rằng khi đất nước chúng ta hoàn tất tiến trình dân chủ hoá, quyền lực thuộc về nhân dân thì chúng ta cũng sẽ có hy vọng tránh được các xung đột, mâu thuẫn như đã xảy ra ở nơi này, nơi khác trên thế giới.

Trần Kiên 
Nghiên cứu sinh, tiến sĩ ngành Luật, Anh
Nguồn: http://nguoidothi.vn/khoan-dung.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét