Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Ai tiết lộ bí mật điều tra cho Nguyễn Như Phong?

Ai tiết lộ bí mật điều tra cho Nguyễn Như Phong?


Nhà báo Nguyễn Như Phong

Trong bài viết: "Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ" của nhà báo, Tổng biên tập PetroTimes Nguyễn Như Phong, đăng trên Petrotimes (PTO) sáng nay (ngày 9/1/2014) (tại đây) Ông Nguyễn Như Phong đã viết thế này:

"Trước phiên tòa khoảng 7 ngày, người viết bài này đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ"."

Chi tiết lời khai hành vi hối lộ 500.000USD ấy cho đến bây giờ, khi phiên tòa xét xử vụ tổ chức người trốn đi nước ngoài của Dương Tự Trọng mới được hé lộ. Mà hé lộ tin động trời này là do Dương Chí Dũng khai trước tòa chứ cáo trạng đưa ra trước tòa cũng không có. Vậy tại sao ông Nguyễn Như Phong có được thông tin này để ông khoe rằng "Trước phiên tòa khoảng 7 ngày, người viết bài này đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa"?

Còn nhớ, trong cáo trạng xét xử vụ Dương Chí Dũng và đồng bọn trong vụ án Vinalines cũng như lời khai của Dũng trước tòa không hề có chi tiết hối lộ này.

Liên quan đến thông tin hối lộ 500.000USD cho ông Ngọ, mãi đến hôm trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Kông Tư, quyền tổng cục trưởng Tổng cục an ninh II, thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra mới cho biết: "Về thông tin này, trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ Công an."

"Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận."

Vậy, câu hỏi đặt ra là:

- Ai đã cung cấp thông tin Dương Chí Dũng có khai báo (từ ngày mới bị bắt) hối lộ 500.000 USD cho ông Phạm Quý Ngọ để nhà báo Nguyễn Như Phong biết được?

- Thời gian tiết lộ từ khi nào, vì ít nhất là trước khi phiên tòa xử Dương Chí Dũng 7 ngày, nhà báo Nguyễn Như Phong "đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai."

Liệu có phải khởi tố sự việc này không?

* * *
Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ

(PetroTimes) - Bất luận thế nào thì đây cũng là chuyện rất không hay, đối với Thượng tướng Phạm Quý Ngọ nói riêng, và đối với lực lượng Công an nói chung.

Việc tại trước Tòa, Dương Chí Dũng khai ra đã hai lần mang tiền biếu Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an (khi đó ông Ngọ mới là Trung tướng) tổng cộng số tiền là 510.000 đô la.

Số tiền đó được chia làm hai lần. Lần thứ nhất là 10.000 đô la, nhận tại Tuần Châu. Lần thứ hai là 500.000 đô la, nhận tại nhà riêng. Đổi lại là ông Ngọ thông báo "những tin tối mật" về vụ án cho Dương Chí Dũng.

Đã có những tờ báo giật tít với giọng điệu hả hê, khoái chí khi thấy có một lãnh đạo cao cấp của lực lượng công an "dính chàm". Người ta đang chờ đợi Tòa sẽ xử lý ra sao trước những thông tin này.

Liệu có phải khởi tố điều tra vụ tiết lộ bí mật công tác hay không?

Liệu có phải khởi tố vụ án đưa hối lộ hay không?...

Bất luận thế nào thì đây cũng là chuyện rất không hay, đối với Thượng tướng Phạm Quý Ngọ nói riêng, và đối với lực lượng Công an nói chung.

Và buổi chiều ngày 8, tòa tuyên án Dương Tự Trọng 18 năm tù, đồng thời quyết định Khởi tố điều tra vụ làm lộ lọt bí mật công tác – hay nói một cách nôm na là “mật báo cho Dương Chí Dũng trốn”.


Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, bước tiếp theo là Tòa sẽ chuyển hết hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát. Cơ quan này sẽ nghiên cứu hồ sơ, củng cố chứng cứ và sẽ có quyết định: Hoặc là kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa, hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra… Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”.

Nhưng nếu tỉnh táo một chút thì sẽ lại thấy còn có những vấn đề sau, ấy là:

Ngay khi bị bắt ở Campuchia, Dương Chí Dũng đã khai ra việc biếu ông Ngọ 500.000 đô la. Khi đưa Dương Chí Dũng về tới TP Hồ Chí Minh, Dũng vẫn khai như vậy.

Nhưng rồi ít ngày sau, Dương Chí Dũng đã viết bản khai lại và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông. Nguyên nhân tại sao lại vu oan cho ông Ngọ thì được Dương Chí Dũng nói trong bản khai ấy rằng do hoảng loạn tâm thần và căm tức ông Ngọ về việc chỉ huy quân lùng bắt Dương Chí Dũng ở khắp nơi. (Chẳng hiểu vì sao trước Tòa, khi Dương Chí Dũng khai ra việc này mà Tòa lại không đưa lời khai và lời xin lỗi của Dũng trước đó ra?)

Việc Dương Chí Dũng khai ông Ngọ nhận 500.000 đô la ngay tại thời điểm đó đã được báo cáo lên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Đảng, Bộ Công an… cũng đã vào cuộc, xem xét hết sức cẩn trọng.

Và việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng.

Thực ra, với những tình tiết Dũng khai trước Tòa, người ngoài nghe thì sẽ thấy đơn giản và việc mang tiền đi biếu xén, việc gọi điện thoại thông báo cho nhau "nhẹ như không".

Nhưng họ không hiểu rằng, ông Phạm Quý Ngọ khi ấy là Trưởng ban Chuyên án Vinalines, là người đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí Dũng, đảm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết. Không đời nào ông lại dại dột dùng điện thoại của mình hoặc mượn điện thoại ai đó gọi cho Dương Chí Dũng. Và chính ông là người ký lệnh bắt Dương Chí Dũng, rồi cũng chính ông chỉ huy việc lùng bắt.

Việc Dương Chí Dũng mang 500.000 đô la đến nhà ông Ngọ mà lại qua mắt được lực lượng theo dõi thì quả thật là rất lạ. Vì nếu số tiền đó chỉ toàn tiền 100 đô la thì phải có 50 cọc, mỗi cọc 10.000 đô la. Số tiền này nặng chí ít là 5kg (1,6 triệu đô nặng 15kg theo cách đóng gói của Ngân hàng Mỹ). Xách một túi tiền nặng 5kg không phải là chuyện đùa. Hơn thế nữa lại ngang nhiên mang đến nhà riêng Thứ trưởng Bộ Công an, thì xem ra tình huống này có vẻ trinh thám lắm!

Việc bây giờ đã thế này, rõ ràng là cần phải làm cho ra ngô ra khoai. Nếu đúng là ông Phạm Quý Ngọ đã có hành vi như Dương Chí Dũng khai thì cần phải xử lý nghiêm. Còn nếu không, cũng phải công bố cho bàn dân thiên hạ biết để đảm bảo danh dự cho ông.

Trước phiên tòa khoảng 7 ngày, người viết bài này đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa. Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ".

Ông chỉ nói như vậy, rồi chuyển sang chuyện ông đang bị bệnh tật hành hạ.

Từ xưa đến nay, chuyện bị cáo ra Tòa khai vấy theo kiểu "trâu lấm vẩy bùn" cho người khác là không hiếm. Còn trong nghề công an, chuyện trinh sát bị đối tượng cho “leo cây”, cũng là chuyện chẳng hiếm. Chỉ có điều rằng nếu chỉ căn cứ theo những lời khai ấy mà suy diễn, rồi đặt ra những dấu hỏi rằng thế này, rằng thế khác thì xem ra chưa phải là công tâm!

Rất mong các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc, điều tra cho ra sự thực.

Nguyễn Như Phong
Theo Petrotimes
(Dân luận)

Tòa đang có nhật ký của Dương Chí Dũng đã đủ cơ sở

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, ngoài lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và nhân chứng Dương Chí Dũng, nhật ký của Dương Chí Dũng cũng ghi lại nhiều điều...

Sau 2 ngày xét xử, chiều 8/1, trong phần tuyên án, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” nêu rõ: Căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, nhân chứng Dương Chí Dũng và các tài liệu khác có trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Căn cứ vào đề nghị của đại diện VKS, HĐXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo quy định tại điều 263 Bộ luật Hình sự.
Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, bỏ trốn, nhật ký, làm lộ bí mật nhà nước
Ảnh: XĐ
Thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa ra Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Quyết định này được Thẩm phán Trương Việt Toàn ký và được gửi đến VKSND Thành phố Hà Nội.
Trao đổi với VietNamNet sau phiên xét xử, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Với lời trình bày của Dương Chí Dũng cũng như lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX ra Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” là có căn cứ.
Theo ông Toàn, đã có lời khai của hai người về cùng một việc, cùng những tài liệu có trong hồ sơ khác, rồi nhật ký của Dương Chí Dũng... đã đủ cơ sở kết luận có dấu hiệu phạm tội “Làm lộ bí mật Nhà nước”.
Quyết định cần thiết
Trao đổi với VietNamNet xung quanh việc này, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM nhận xét: "Đó là một quyết định cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật".

Bởi lẽ, căn cứ theo điều 100 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Việc xác định các dấu hiệu phạm tội dựa trên những cơ sở như: tố giác của công dân, tin báo của cơ quan tổ chức, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội tự thú hoặc cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án...được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, có thể thấy rằng lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa là tình tiết mới phát sinh. Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét, đánh giá các lời khai ấy có phải là dấu hiệu tội phạm để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không.

Qua quá trình xét xử và diễn biến phiên tòa, nếu đã có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng Hình sự Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.
  (VNN) 
 

Hàng trăm người Hà Nam đi bộ lên Hà Nội phản đối cưỡng chế đất

(TNO) Sáng nay 9.1, hàng trăm người, chủ yếu ở thôn Hưng Đạo, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã đi bộ lên Hà Nội, phản đối việc chính quyền phường Châu Sơn và thành phố Phủ Lý cưỡng chế, thu hồi đất tại đây.

8 giờ sáng, khoảng trên 200 người đã tập trung thành đoàn dài, đi bộ theo quốc lộ 1A để lên Hà Nội.

Trong đoàn, thành phần chủ yếu là người già, phụ nữ, có cả người tàn tật được gia đình đẩy xe lăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài hàng trăm người đi bộ còn có hàng chục xe máy tháp tùng. Khi có người mỏi mệt thì xe máy chở. Các thành viên của đoàn đều mang theo túi đựng quần áo, đồ ăn.

Bà Lê thị Thu cho biết, đoàn sẽ lên tới Hà Nội trong ngày 9.1, đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nộp đơn, kiến nghị về việc thu hồi đất tại địa phương để giao cho các nhà đầu tư lập nhà máy sản xuất.

Cũng theo bà Thu, người dân phường Châu Sơn không đồng tình với phương án đền bù của chính quyền nên đã tập trung kiến nghị từ 3 ngày trước tại xã Châu Sơn. Do chính quyền không thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của người dân nên mọi người quyết định sẽ đi bộ lên Hà Nội để kiến nghị với các cơ quan trung ương.

Đến khoảng đầu giờ chiều nay, đoàn người đã đến huyện Phú Xuyên, Hà Nội và tiếp tục đi dọc theo quốc lộ 1A.
 đi bộ phản đối cưỡng chế đất

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140108/cuong-che-vu-lan-chiem-rach-lam-bai-dau-xe-o-to.aspx
Người dân đi bộ dọc quốc lộ

đi bộ phản đối cưỡng chế đất
Đưa con đi xe lăn lên Hà Nội
Tin, ảnh: Hoàng Long
(Thanh niên)

1 nhận xét:

  1. «Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ» (Nguyễn Như Phong)

    - Xin lỗi. Ông Tổng biên tập họ Nguyễn này là đàn ông mà lý luận Như đàn bà bị Phong long!

    Trả lờiXóa