Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Đã có đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam?

Trước khi Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ra đời năm 1946, có gần 30 tổ chức có mục đích chính trị, hoạt động công khai hay bí mật tùy theo đường lối, lập trường của tổ chức đó. Những tổ chức có mục đích chính trị này (không phải là tổ chức có mục đích kinh tế, xã hội…) thường đặt tên cho mình là hội, đảng, mặt trận, liên đoàn, liên minh, liên hiệp … Xin liệt kê tên các liên minh và đảng phái chính trị Việt Nam vào thời kỳ trước khi có Hiến pháp 1946 như sau: – Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội – Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội – Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội – Việt Nam Quang phục Hội – Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – Hội Phục Việt – Đảng Lập hiến Đông Dương – Tân Việt Cách mạng Đảng – Đảng Việt Nam Độc lập – Việt Nam Quốc dân Đảng – Đông Dương Cộng sản Đảng – An Nam Cộng sản Đảng – Đảng Cộng sản Việt Nam – Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng – Đại Việt Dân chính Đảng – Đại Việt Quốc dân Đảng – Đảng Dân chủ Đông Dương – Việt Nam Cách mệnh Đảng – Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng – Đảng Xã hội Việt Nam – Đại Việt Duy tân Cách mệnh Đảng – Đảng Dân chủ Việt Nam – Đông Dương Cộng sản Liên đoàn – Việt Nam Dân chúng Liên đoàn – Mặt trận Quốc gia Thống nhất – Mặt trận Quốc gia Liên hiệp – Đại Việt Quốc gia Liên minh …(*)

Như vậy, một “tổ chức chính trị” – tức là tổ chức có mục đích chính trị, trước năm 1946 có thể mang những tên khác nhau như: Đảng, Hội, Mặt trận, Liên đoàn, Liên minh, Liện hiệp … và để xác định xem hiện nay đã có đủ căn cứ pháp lý hay chưa cho việc thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta cần phải xem xét một cách đầy đủ các văn bản pháp luật đã được ban hành từ trước đến nay và còn hiệu lực về vấn đề này như sau:

1/ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 9/11/1946:

Hiến pháp 1946 quy định tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: -Tự do ngôn luận – Tự do xuất bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng – Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”

Vì lúc bấy giờ chưa có Luật để giải thích “quyền tự do tổ chức” trong Hiến pháp 1946 là như thế nào nhưng có thể hiểu là: quyền tự do thành lập và tham gia những tổ chức hoạt động có mục đích chính trị, xã hội, kinh tế, nghề nghiệp … Hiến pháp 1946 không có một dòng chữ nào đề cập đến vai trò của bất cứ tổ chức chính trị nào đang hoạt động kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam.

2/ Hiệp định Genève 1954 phân chia nước Việt Nam thành 2 quốc gia với 2 chính thể khác nhau:

- Ở miền Nam: Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (1954 – 1975) tiếp tục áp dụng chế độ đa đảng trong 21 năm. Có tổng cộng 8 tổ chức chính trị, hợp pháp lẫn không hợp pháp là: – Đảng Dân chủ Nam Việt Nam – Đảng Cần lao Nhân vị – Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – Đại Việt Quốc dân Đảng – Đại Việt Cách mạng Đảng – Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam – Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (*).

- Ở miền Bắc: Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục duy trì chế độ đa đảng cho đến khi ban hành Luật quy định quyền lập hội năm 1957, trong đó có quy định về việc “phải xin phép lại” đã làm giảm rất nhiều các tổ chức chính trị thành lập trước ngày ban hành luật này.

3/ Sắc lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 Quy định quyền lập hội:

“Quyền lập hội” là thuật ngữ được Luật ngày 20/5/1957 này sử dụng chính thức thay cho “Quyền tổ chức” trong Hiến pháp 1946 với những điều quy định quan trọng như sau:

- Điều 1: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”.

Quy định tại Điều 1 này không giới hạn lĩnh vực hoạt động của hội: chính trị, xã hội, nghề nghiệp …, miễn là “mục đích” phải “chính đáng, phù hợp với lọi ích nhân dân …”. Tuy nhiên, “quyền tự do tổ chức” tại Điều 10 Hiến pháp 1946 đã bị thu hẹp rất nhiều bởi các quy định tại Điều 3 và 4 về việc “lập hội phải xin phép” đối với hội mới và “phải xin phép lại” đối với hội cũ.

- Điều 3: “Để bảo đảm việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin phép. Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định.”
Với quy định của Điều 3 này, những ai muốn lập hội mới đã phải chờ đến 46 năm thì Chính phủ mới ban hành thể lệ lập hội (30/7/2003).

- Điều 4: “Những hội đã thành lập trước ngày ban hành luật này và đã hoạt động trong vùng tạm chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nay muốn tiếp tục hoạt động, đều phải xin phép lại.”

Với quy định tại Điều 4 này, hầu hết những tổ chức chính trị cũ đều không vượt qua được cửa quyền “cấp phép lại” này của Chính phủ.

- Điều 9: “Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này.”

Với quy định của Điều 9 này là nhằm dành quyền “không phải xin phép lại” cho những tổ chức chính trị đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất.

Mặt trận dân tộc thống nhất (1930 – 1945) do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ xướng hình thành và là thành viên tích cực với vai trò lãnh đạo.

- Điều 10: “Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của luật này.”

Với quy định của Điều 10 này có thể tạm định nghĩa hội theo Luật năm 1957 là những tổ chức hoạt động có các mục đích chính trị, xã hội, nghề nghiệp…nhưng không có mục đích kinh tế (vì lợi nhuận) và phải được Chính phủ cấp phép hoạt động.

Trên thực tế, từ ngày Luật quy định quyền lập hội được ban hành năm 1957 đến ngày Việt Nam thống nhất năm 1975, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn duy trì chế độ đa đảng nhưng chỉ còn lại 3 tổ chức chính trị. Đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam.

Có thể nhận thấy Luật quy định quyền lập hội năm 1957 này đã quy định rất thoáng về điều kiện thành lập hội: Chỉ cần “có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Nhưng cũng với quy định về việc “phải xin phép lại” đối với hội đã thành lập và “lập hội phải xin phép” đối với hội mới – mà Chính phủ lại không ban hành “thể lệ lập hội” mới, nên đến năm 1975 chỉ còn lại có 3 đảng hoạt động hợp pháp nói trên.

4/ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31/12/1959:

Hiến pháp 1959 có nói đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 ở phần Lời nói đầu.

Quyền lập hội được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”

Như vậy là cả Hiến pháp 1959 và Luật quy định quyền lập hội 1957 đều thừa nhận chế độ đa đảng.

5/ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/12/1980:

Điều 4 Hiến pháp 1980 quy định rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Các tồ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Điều 67: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập lhội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân…”

Chính 2 từ “duy nhất” trong Điều 4 này đã tạo nên chế độ “độc đảng”. Đảng Xã hội và đảng Dân chủ phải “tự giải thể” vào năm 1988. Còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam.

6/ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/4/1992:

Điều 2: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”

Nhà nước pháp quyền với định nghĩa căn bản nhất là không có ai ở trên luật hay mọi người phải tuân theo pháp luật.

Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng (bỏ 2 từ duy nhất) lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Trong Điều 4 này đã bỏ đi 2 từ duy nhất. Điều này có nghĩa là Hiến pháp 1992 đã hủy bỏ chế độ độc đảng mà Hiến pháp 1980 đã quy định dành cho Đảng Công sản Việt Nam và khiến cho 2 đảng Xã hội và đảng Dân chủ phải tự giải thể năm 1988.

Điều 4 này cũng bổ sung thêm 2 từ “pháp luật” trong cụm từ “khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” nhằm tăng cường giám sát hoạt động của Đảng CSVN bằng pháp luật cho phù hợp với Điều 2 và làm giảm quyền hành quá lớn của Đảng CSVN theo Hiến pháp 1980.

7/ Tại sao Hiến pháp 1992 đã hủy bỏ chế độ độc đảng ?

Theo tôi, về mặt pháp lý, Hiến pháp 1992 phải sửa đổi, bỏ đi 2 từ “duy nhất” trong Điều 4 của Hiến pháp 1980, mặc nhiên hủy bỏ chế độ độc đảng dành cho Đảng CSVN là vì 2 lý do sau:

- Đã có mâu thuẫn pháp lý ngay trong 2 điều của bản Hiến pháp năm 1980, đó là Điều 4 và Điều 67. Một khi Hiến pháp đã quy định là “Công dân có quyền tự do lập hội” – trong hội có bao gồm cả đảng, thì làm sao có thể chỉ có một đảng “duy nhất” được. Sự sai lầm của HIến pháp 1980 đã được Hiến pháp 1992 sửa sai.

- Ngày 24/9/1982 Việt Nam đã gia nhập “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị -1966″ nên phải thực hiện cam kết của mình bằng cách hủy bỏ 2 từ “duy nhất” trong Điều 4 Hiến pháp 1980 nhằm thực hiện các quyền và tự do của con người theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có quyền tự do lập hội. Xin trích Điều 2 khoản 2 của Công ước quốc tế này như sau: “Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiên bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này” .

8/ Bộ luật dân sự đầu tiên năm 1995:

Bộ luật dân sự năm 1995 là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về pháp nhân. Bên cạnh các quy định về điều kiện để được công nhận là pháp nhân (Điều 94) và pháp nhân được thành lập theo sáng kiến cá nhân, tổ chức hay theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 95) thì quy định của BLDS về các loại pháp nhân tại Điều 110 là rất đáng chú ý:

“Điều 110. Các loại pháp nhân:

1. Pháp nhân bao gồm các loại sau đây:
a/ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang;
b/ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
c/ Tổ chức kinh tế;
d/ Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
đ/ Quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
e/ Các tổ chức khác có đủ điều kiện quy định tại Điều 94 của Bộ luật này.
2. Quy chế tổ chức và hoạt động của các loại pháp nhân do pháp luật quy định tùy thuộc vào mục đích hoạt động của mỗi loại pháp nhân.” Căn cứ vào Điều 110 này của BLDS năm 1995 và căn cứ vào Điều 1 và Điều 10 của Luật quy định quyền lập hội năm 1957 thì có 6 loại pháp nhân sau đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quy định quyền lập hội năm 1957. Đó là: 1. Tổ chức chính trị, 2.Tổ chức chính tri – xã hội, 3.Tổ chức xã hội, 4.Tổ chức xã hội-nghề nghiệp, 5.Quỹ xã hội, 6.Quỹ từ thiện.

Như vậy, một pháp nhân được xác định là tổ chức chính trị khi có mục đích hoạt động chính trị. Đảng là một tổ chức chính trị có tư cách pháp nhân theo quy định của BLDS. Đảng là 1 trong 6 loại pháp nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quy định quyền lập hội năm 1957.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.”

“Mục đích hoạt động” chính là nội dung cơ bản để phân biệt các loại pháp nhân được Luật quy định quyền lập hội năm 1957 điều chỉnh.

9/ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội:

Nghị định này căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội.

Nghị định này chính là “thể lệ lập hội” mà Luật quy định quyền lập hội năm 1957 có quy định tại Điều 3 là “sẽ do Chính phủ quy định”. Một từ “sẽ” trong Luật quy định quyền lập hội 1957 lại bị Chính phủ kéo dài đến 46 năm (!).

Nghị định này của Chính phủ đã đưa ra một định nghĩa “khó hiểu” về hội tại Điều 2. Thậm chí, có thể nói là Nghị định đã bóp méo, đã làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa so với định nghĩa rất thoáng tại Điều 1 của Luật quy định quyền lập hội 1957. Xin trích dẫn Điều 2 của Nghị định:
“Điều 2. Hội 1.

Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hổ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Hội có các tên gọi khác nhau: liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội)” .

Sự “khó hiểu” trong Nghị định chính là : – Điều 1 Luật quy định quyền lập hội 1957: “Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta” .

“Mục đích” trong Điều 1 Luật quy định quyền lập hội năm 1957 đã bị diễn giải hoàn toàn khác hẳn trong Điều 2 Nghị định Chính phủ năm 2003.

- Điều 110 Bộ luật dân sự 1995 khi phân loại các pháp nhân cũng quy định tại khoản 2 rằng: “Quy chế tổ chức và hoạt động của các loại pháp nhân do pháp luật quy định và tùy thuộc vào mục đích hoạt động của mỗi loại pháp nhân”.

“Mục đích hoạt động” bao gồm: chính trị, xã hội, kinh tế, nghề nghiệp. Đó là tiêu chuẩn để phân loại tổ chức là pháp nhân theo BLDS.

Còn khoản 2 của Điều 2 Nghị định này lại cố ý chỉ định một số tên gọi như là hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ nhằm loại khỏi Nghị định tên gọi đảng là tổ chức chính trị thường được sử dụng mà chính Luật quy định quyền lập hội 1957 đã bao gồm trong đó. Điều quy định này của Nghị định là “khó hiểu” và trái với nội dung thể hiện trong Luật quy định quyền lập hội 1957.

Tuy nhiên, Nghị định này lại công nhận các “tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp” cũng là hội, tại khoản 2 Điều 4.

Trong hệ cấp các văn bản pháp luật thì Luật cao hơn Nghị định. Vì vậy, những điểm nào trong Nghị định không rõ ràng hoặc trái với Luật thì sẽ áp dụng quy định trong Luật.

Như vậy, Nghị định Chính phủ số 88/2003NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đã ban hành “thể lệ lập hội” căn cứ vào Luật quy định quyền lập hội năm 1957. Mà Luật quy định quyền lập hội năm 1957 lại tôn trọng và bảo đảm quyền lập hội của nhân dân. Người dân có quyền tự do lập hội, miễn là lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta như đã quy định tại Điều 1 của Luật này. Vì vậy, Điều 1 của Luật quy định quyền lập hội 1957 được áp dụng thay vì áp dụng Điều 2 Nghị định Chính phủ 2003.

10/ Các căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam:

Như trình bày nêu trên, đã có đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Các căn cứ đó là:

- Các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) đều quy định quyền tự do lập hội của công dân.

- Sắc lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 quy định quyền lập hội trong đó có tổ chức đảng. Luật này quy định rõ rằng: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Mọi quy định trong văn bản dưới luật của Chính phủ khi ban hành “thể lệ lập hội” trái với Luật này đều bị coi là vi phạm Luật và bị hủy bỏ.

- Bộ luật dân sự năm 1995 đã phân ra 9 loại pháp nhân, trong đó có 6 loại pháp nhân được điều chỉnh bởi Luật quy định quyền lập hội là: – Tổ chức chính tri, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện. Bộ luật dân sự năm 2005 có bổ sung thêm một loại pháp nhân nằm trong hội nữa là: Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.

- Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định này căn cứ vào Luật quy định quyền lập hội 1957 để ban hành “thể lệ lập hội”. Nghị định này được thay thế bởi Nghị định Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 với chút ít điều chỉnh, bổ sung.

- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 mà nước Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982, cam kết thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này. Khoản 1 Điều 22 Công ước này quy định: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đòan để bảo vệ lợi ích của mình”.

- Đặc biệt là quy định tại Điều 4 Hiến pháp 1980 rằng “Đảng CSVN … là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội…” đã bị Hiến pháp năm 1992 hủy bỏ 2 từ “duy nhất” tại Điều 4. Tức là Hiến pháp 1992 đã không thừa nhận chế độ “độc đảng” của Đảng Cộng sản VN trong Hiến pháp 1980.

Với những những điều trình bày trên cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà VN tham gia đã có đủ căn cứ pháp lý để công dân Việt nam thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là ý kiến cá nhân. Tôi mong có một hội thảo chính thức về vấn đề pháp lý này để mọi công dân Việt Nam được hiểu rõ hơn về một quyền chính trị rất quan trọng của mình.

LS Nguyễn Lệnh 
29-08-2013
———
(*) Theo Wikipedia tiếng Việt

Nguyễn Quang Duy - Về xu hướng Dân chủ Xã hội cho VN


Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa đảng

Lời kêu gọi thành lập một đảng mới của đảng viên Lê Hiếu Đằng đang dấy lên những tranh luận về độc đảng và đa đảng, về phương cách và khuynh hướng đấu tranh chính trị, về hiện tình và tương lai Việt Nam.

Bài viết này mong làm rõ hơn con đường xã hội dân chủ để xem con đường này có thích hợp với Việt Nam hay không?

Khuynh hướng Dân Chủ Xã Hội

Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng con đường xã hội dân chủ như đường lối của Đệ Nhị Quốc tế và dựa trên chủ nghĩa Marx, đó là điều thiếu chính xác.

Các đảng theo khuynh hướng dân chủ xã hội Âu Châu về tư tưởng và phương cách họat động chịu nhiều ảnh hưởng của Ferdinand Lassalle (1825–1864). Ông là người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức năm 1863 và là chủ tịch đầu tiên của tổ chức này.

Theo ông nhà nước là tổ chức của mọi thành viên trong xã hội. Để xây dựng xã hội mới thay vì đấu tranh cách mạng lật đổ chế độ cũ, giai cấp công nhân phải tích cực cải cách xã hội cũ qua đấu tranh nghị trường, đấu tranh giành quyền bằng phương thức bầu cử tự do.

Ngay sau đó năm 1869, Đảng Dân chủ Xã hội Đức tham gia cuộc tranh cử tự do, với chủ trương không phân biệt nguồn gốc của cử tri, cấm trẻ em lao động và cổ vũ sự độc lập của tòa án.

Mãi trên 30 năm sau, đến năm 1889 Engels và một số người khác mới đứng ra thành lập Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội còn gọi là "Đệ Nhị Quốc tế". Liên minh này thu hút được một số đảng xã hội, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Nhưng vì không thống nhất về tư tưởng chiến lược và chia rẽ về phương cách đấu tranh Liên minh này phải giải tán năm 1914.

Chủ nghĩa Marx

Theo Karl Marx lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp và nhà nước là công cụ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Từ đó Marx chủ trương giai cấp công nhân phải đòan kết lại và phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bộ máy nhà nước cũ, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản.


Tư tưởng Karl Marx vẫn làm trí thức người Việt tranh luận

Tư tưởng Marx kết hợp với phương cách tổ chức Đảng Bolshevik của Vladimir Lenin đã dẫn đến cuộc vũ trang cướp chính quyền tại Nga vào tháng 10 năm 1917. Khi đó nhiều người tin rằng “cách mạng vô sản” sẽ nhanh chóng lan sang nước Đức và các quốc gia Âu châu, nhưng sự việc đã không bao giờ xẩy tới.
Năm 1919, Lenin phải cho thành lập Đệ Tam Quốc Tế nhằm “xuất cảng cách mạng vô sản”. Nhưng cũng không như Karl Marx tiên đóan, giai cấp công nhân chưa bao giờ đứng lên giành chính quyền. Một số quốc gia đã trở thành các quốc gia cộng sản lại do thế chiến thứ hai hay do các cuộc nội chiến xẩy ra.

Để xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Marx, một nhà nước chuyên chính và tòan trị đã xây dựng tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản: nhà tù, đàn áp, khủng bố, đói kém và chiến tranh. Cũng chỉ vì sai lầm đấu tranh giai cấp kiểu Marx Phong trào Cộng sản đã khiến hằng trăm triệu người thiệt mạng và hằng tỷ người bị ảnh hưởng thể xác hay tinh thần.

Mặt khác chủ nghĩa Marx là tước bỏ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là quyền tư hữu, nên hầu các nước theo cộng sản dân chúng đều sống trong nghèo đói, bất bình đẳng, bình quyền. Năm 1989 người dân các nước Liên Xô và Đông Âu đã phải đứng lên để giành lại chính quyền. Hiện chỉ còn vài quốc gia theo cộng sản và tất cả đều đang trong tình trạng khủng hỏang tòan diện.

Trong bài diễn văn kỷ niệm 150 năm thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, ngày 23-5-2013 vừa qua, Tổng Thống Đức Joachim Gauck đã nêu rõ sự khác biệt giữa khuynh hướng dân chủ xã hội và Phong Trào Quốc Tế Cộng sản. Ông Gauck nhận xét “Những đảng viên Dân chủ Xã hội đã giữ vững lý tưởng tự do, công bằng, đoàn kết và quyết tâm chống lại những ai đi ngược với tự do và cổ võ chiến tranh.”

Rồi ông so sánh: “Phong trào Cộng sản Thế giới đã quyết định khác và tất yếu đã dẫn tới những hậu quả khốc hại. Nó tạo ra một giai cấp mới của những người cai trị để thay thế giai cấp cũ nay không còn quyền lực. Ở đó những người lao động uổng công chờ đợi tự do, công bằng xã hội và hạnh phúc!”.

Khởi đầu bằng tự do

Tự do và bình đẳng là hai mục tiêu mà nhân lọai luôn muốn đạt đến. Nhưng tự do đến một mức độ lại tiêu diệt bình đẳng của các cá nhân các nhóm khác trong xã hội.

Ngược lại mọi thành viên xã hội nếu ai cũng như ai, sẽ mất đi động năng khích lệ phát triển xã hội, thăng tiến xã hội sẽ bị chậm lại thậm chí bị kéo lùi.

Dân chủ vừa là mục tiêu, lại vừa là phương tiện để cân bằng giữa tự do và bình đẳng.

Từ đó các xã hội dân chủ phát sinh hai khuynh hướng chính trị: tự do và xã hội. Những người theo khuynh hướng xã hội cổ vũ và đấu tranh cho sự bình đẳng: bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền lợi chính trị, kinh tế, giáo dục và xã hội, bình đẳng về nhân phẩm và giới tính.

Các đảng dân chủ xã hội sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị để tranh luận và tìm sự ủng hộ cho chiến lược và chính sách từng thời điểm.

Họ đấu tranh không theo chủ thuyết, không dựa vào ý thức hệ, mà hướng đến phục vụ con người, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, sự tái phân phối lợi ích quốc gia tạo công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.

Các đảng thắng cử sẽ có cơ hội để thực hiện các chính sách thính hợp với hòan cảnh đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ đó xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.

Trong khi ấy chủ nghĩa Marx chỉ là những lý thuyết không tưởng, không thể làm căn bản để đề ra các chiến lược, các chính sách có thể thuyết phục được cử tri nên trên thực tế không một đảng chính trị nào sử dụng nó trong cuộc đấu tranh nghị trường.

Từ ý thức nói bên trên ông Đằng nhận định rằng theo con đường xã hội dân chủ là chỗ dựa vững chắc ở bạn bè quốc tế. Thực ra các quan hệ quốc tế không đơn giản như thế.

Rõ nhất là Tổ Chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International) gồm 143 các đảng chính trị theo khuynh hướng xã hội thuộc 140 quốc gia trên thế giới, không có sự hiện diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tại Âu châu, các chính phủ Âu Châu hầu hết do các đảng xã hội trực tiếp cầm quyền, nhưng đa số lại không ngừng lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thụy Điển còn công khai ý định đóng cửa Tòa Đại Sứ tại Hà Nội.

Tháng 7 vừa qua Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr, thuộc đảng Lao Động công khai yêu cầu giới chức cộng sản phải trả tự do cho ba người hoạt động công đoàn, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương.

Ông Bob Carr cho biết: “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng cho việc bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn”.

Quá khứ và hiện tại

Như đã trình bày bên trên những người đấu tranh cho tự do chính trị và bình đẳng xã hội đều có thể xem như những người theo khuynh hướng xã hội. Lịch sử phát triển chính trị tại Việt Nam đang được viết lại.

Gần đây ông Hà Sĩ Phu và một số người khác cho rằng Cụ Phan Chu Trinh là người đầu tiên mang khuynh hướng dân chủ xã hội vào Việt Nam. Nhưng theo tôi khuynh hướng này có thể trước đó đã được những người Âu Châu trực tiếp giới thiệu vào tầng lớp trí thức tại Việt Nam.

Chúng ta biết đến tên Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội nhưng các tài liệu về 2 đảng này quả thật hiếm hoi. Theo Bản “Báo cáo về công tác mặt trận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (25 – 30-1-1953)” thì hai đảng do Đảng Cộng sản “xây dựng”.

Trước năm 1952, riêng tại Liên khu 5 Đảng Xã hội đã có hơn 3.000 đảng viên và đa số là những người trí thức. Đảng Dân chủ có cơ sở khắp nơi, số lượng đảng viên lúc cao nhất là gần 3 vạn, đa số là nông dân hay tiểu thương.

Nhưng vì thiếu kiểm soát nên Đảng Cộng sản không thực hiện ý định đã đề ra. Để sửa soạn tiến hành Cải cách Ruộng đất và để có thể trấn an các tầng lớp trí thức, nông dân và tiểu thương, bản Báo Cáo cho biết hai đảng cần được tổ chức lại.

Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đảng viên của hai đảng nói trên chịu chung một số phận với đồng bào miền Bắc nên gần như tan rã, và đã thực sự bị Đảng Cộng sản giải tán năm 1986.
"Sẽ không ai chấp nhận ý kiến của ông Đằng thành lập một đảng chỉ với mục tiêu góp ý cho đảng cầm quyền được hoàn thiện hơn."
Trong đấu tranh giành độc lập, chỉ từ 1939 đến 1945, Phật Giáo Hòa Hảo một tôn giáo lấy dân tộc làm nền tảng đã thu hút được hằng triệu tín đồ. Trong khi đó Đảng Cộng Sản với chủ nghĩa quốc tế ngọai lai chỉ có được chưa đến 5.000 đảng viên.

Do hoàn cảnh đất nước, may ra chúng ta chỉ biết đến Giáo Chủ Hùynh Phú Sổ đã sáng Phật Giáo Hòa Hảo, ít người biết Đức Thầy còn sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội vào ngày 21/9/1946.

Dân Xã Đảng hiện vẫn công khai họat động tại hải ngoại và trong nước Đảng vẫn âm thầm sinh họat với cụ Lê Quang Liêm là người được lãnh đạo.

Trong khi ấy Luật sư Lê Hiếu Đằng cho biết ý định muốn nhập chung tên của hai Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội thành tên của đảng mới nên suy nghĩ của ông khó có thể thuyết phục được những người muốn thực sự dân chủ hóa nền chính trị tại Việt Nam.

Có chăng chỉ là khuynh hướng của những người đang muốn từ bỏ tư tưởng cộng sản để từ bỏ Đảng Cộng sản.

Ông viết lời kêu gọi trên giường bệnh, có thể ngầm ám chỉ cơn bệnh của Đảng Cộng Sản, của chế độ cộng sản hay của cả dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, khuynh hướng của ông Lê Hiếu Đằng chưa phải là khuynh hướng của người dân chủ xã hội.

Điều mà các đảng xã hội và chính phủ các quốc gia dân chủ cũng mong muốn là Việt Nam có tự do, có dân chủ, có đa đảng chính trị thực sự.

Sẽ không ai chấp nhận ý kiến của ông Đằng thành lập một đảng chỉ với mục tiêu góp ý cho đảng cầm quyền được hoàn thiện hơn.

Ôn lại lịch sử để rút ra bài học: một đảng chính trị mới muốn vững chắc cần có tư tưởng chỉ đạo, có mục tiêu và mục đích rõ ràng, và phải độc lập với Đảng Cộng sản.

Bài viết của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.
(BBC)

Hoàng Xuân Phú - Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp

cũng chỉ là con dânmà xưng là thiên tử

Có lẽ không điều khoản nào của Hiến pháp 1992Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lại được bàn cãi nhiều bằng Điều 4. Một bên thì cương quyết bảo lưu, bên kia lại muốn loại bỏ nó ra khỏi Hiến pháp. Nội dung mà hai bên thường đề cập là duy trì hay không việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để tìm hiểu thêm phần tiềm ẩn, ta hãy đọc lại Điều 4 Hiến pháp 1992 và cùng nhau suy ngẫm:
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
"Đội tiên phong" là gì vậy? Nghe mãi đâm quen, thấy oai oai, nhưng thực ra nó là cái gì? Trong ngôn ngữ thông dụng, cái từ này thường chỉ "đạo quân ở vị trí đi đầu để ra mặt trận". Thời xa xưa, khi còn đánh nhau bằng cơ bắp và vũ khí thô sơ, cả đạo quân ngàn vạn người cũng chỉ trông cậy vào võ nghệ của mấy vị tướng đầu quân, thì cả tướng lẫn quân của "đội tiên phong" cũng chỉ là thuộc hạ để nhà vua sai bảo. Ngày nay, lãnh đạo cao nhất lại càng cố thủ ở hậu phương, chứ không "tiên phong" ra mặt trận. Nếu vậy thì oai cái nỗi gì, mà lại gán cho đảng cái cương vị hạng hai, hạng ba, mà đôi lúc còn bị dùng để "thí tốt"?
Nếu cố gán cho từ "đội tiên phong" nội dung "thành phần ưu tú, đóng vai trò đầu đàn, đưa đường chỉ lối", thì lại nảy sinh câu hỏi: Một đảng mà đa số đảng viên và hầu hết lãnh đạo cấp cao đều không phải là công nhân, thì có thể coi là "đội tiên phong của giai cấp công nhân" hay không? Người của giai cấp công nhân – vốn được lý luận chính thống của ĐCSVN ngợi ca là ưu tú và cách mạng nhất – đi đâu cả, mà lại để cho cái hội thuộc giai cấp hay tầng lớp kém tiến bộ hơn xông vào choán hết "đội tiên phong" của mình?
Không chỉ được mệnh danh là "đội tiên phong", ĐCSVN còn được coi là "đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". Tại sao lại ghi những thứ đó vào Hiến pháp? Hiến pháp là văn bản pháp lý gốc của cả Nước, của toàn bộ Nhân dân, để hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, chứ đâu phải là cuốn sử ca của riêng ĐCSVN để ghi vào đó những lời tự phụ?
Vấn đề đáng bàn hơn là: Liệu những khẳng định kiểu đó có đúng hay không? Dù hào phóng giả định rằng hiện tại chúng đang đúng, thì lấy gì để đảm bảo rằng trong tương lai chúng vẫn còn đúng? Đã là Hiến pháp thì phải có hiệu lực lâu dài. Cho dù không tin vào sức sống của sản phẩm do mình tạo ra, thì chắc hẳn các tác giả Hiến pháp cũng hy vọng rằng nó sẽ tồn tại được vài chục năm. Vậy thì tại sao lại tùy tiện khẳng định hay liều lĩnh bảo lãnh phẩm giá của cả đội ngũ cầm quyền mấy mươi năm sau, những người mà các tác giả Hiến pháp không thể đoán trước sẽ là ai, sẽ cầm quyền thế nào và trong hoàn cảnh ra sao?
GS. Hoàng Xuân Phú
Cho đến nay, biết bao sự kiện bí ẩn và hành xử khó hiểu đã và đang xảy ra, đặc biệt là trong quan hệ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với tệ nạn tham nhũng và cướp đất tràn lan, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: ĐCSVN (nói chính xác hơn là lãnh đạo của ĐCSVN) có còn trung thành với quyền lợi của Nhân dân và Dân tộc nữa hay không? Đối với không ít người thì câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Nếu muốn, giới cầm quyền có thể thông qua hành động thực tế để xóa bỏ nghi ngờ và chứng minh điều ngược lại. Thế nhưng, tại sao lại lạm dụng Hiến pháp để "công chứng" cho cái phẩm hạnh đang bị nghi vấn, và bắt Nhân dân phải mặc nhiên thừa nhận lòng trung thành của giới cầm quyền hôm nay và cả mai sau?
Giả sử ĐCSVN luôn thực sự là "đội tiên phong…""đại biểu trung thành…", thì điều đó đã đủ để Nhân dân trao quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" hay chưa? Vẫn còn có nhiều "đại biểu trung thành" khác, thì tại sao lại chỉ trao quyền lãnh đạo cho một đại biểu duy nhất? Hơn nữa, giữa quyền lãnh đạotính tiên phong cộng với lòng trung thành là một khoảng cách xa vời, hai cái đó không nhất thiết là hệ quả của nhau. Chẳng hạn như Cún con, khi ra đường thì hay lon ton lên trước (nghĩa là rất "tiên phong"), và ít ai trung thành với chủ hơn Cún, nhưng chẳng vì thế mà Cún lại được chủ trao cho quyền lãnh đạo… gia đình. Rõ ràng, hai mệnh đề nhầm chỗ đó không đủ để biện minh cho quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN. Ngược lại, cái "hư hư thực thực", "hư" đến mức bất chấp cả "thực", đã làm suy giảm tính nghiêm túc và tính hợp lý của Hiến pháp. Vậy thì cưỡng nạp những mệnh đề vu vơ ấy vào Hiến pháp để làm gì?
*
Nếu quan niệm rằng hai đặc tính "đội tiên phong…""đại biểu trung thành…"đòi hỏi, là điều kiện cần cho quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội", thì Điều 4 cần được hiệu chỉnh cho chuẩn xác về mặt lô-gíc, chẳng hạn như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … thì mới là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."
Hoặc hoán vị đoạn cuối lên đầu và dùng chữ "để" thay cho hai chữ "thì mới":
"Để là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…"
Đó là hai phương án hiệu chỉnh lô-gíc kinh tế nhất, chỉ thêm ba hoặc bốn chữ và giữ nguyên các thành phần khác. Kể cả trong trường hợp thừa nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN như một thứ đương nhiên, bất chấp hiện trạng của đảng, thì cũng nên viết lại như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc."
Dù chọn phương án nào thì cũng cần thêm chữ "phải", để nhấn mạnh rằng: Đó là đòi hỏi mang tính pháp lý mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Liệu giới cầm quyền có muốn viết như vậy hay không? Chắc là không! Vậy thì nội dung về "đội tiên phong…""đại biểu trung thành…" trong Điều 4 không phải là đòi hỏi, mà mang ý nghĩa "thừa nhận một thực trạng đã, đang và sẽ mãi tồn tại", tức là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản".
Vấn đề tương tự được đặt ra với khoản tiếp theo của Điều 4, viết rằng:
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Đây có phải là một yêu cầu, một đòi hỏi hay không? Nếu là đòi hỏi thì cần bổ sung một chữ "phải" như sau:
"Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao lại thiếu chữ "phải" tại vị trí quan trọng như vậy? Có phải do vô tình hay không?
Muốn hiểu được ý tứ của các tác giả, hãy điểm mặt 39 chữ "phải" trong Hiến pháp 1992 để nhận ra rằng: Từ "phải" là một trong những thuật ngữ đặc trưng trong Hiến pháp, thường được dùng để chỉ những điều bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ:
"Điều 51 … Công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội…"
"Điều 76 Công dân phải trung thành với Tổ quốc…"
"Điều 77 … Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân."
"Điều 100 Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
"Điều 122  Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn... Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định…"
Tại sao không viết tương tự, mà lại tránh dùng chữ "phải" trong Điều 4? Nếu quan niệm rằng chỉ cần viết
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
đã hàm chứa chữ "phải", do đó có thể lược bỏ nó, thì sao không bỏ nốt chữ "phải" trong những trường hợp cũng "đã hàm chứa" tương tự? Chẳng hạn, sao không bỏ chữ "phải" trong hai điều khoản sau đây:
"Điều 115  … Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số."
"Điều 124  … Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số…"
Để hiểu hết thâm ý chứa trong Điều 4, nên so sánh nó với điều khoản sau:
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
Vâng, không chỉ "các… tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân", mà cả "các cơ quan Nhà nước" đều "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật". Nhưng ĐCSVN và các tổ chức của đảng thì không bị liệt kê trong Điều 12, tức là chúng không nằm trong diện "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật".
Điều 4 chỉ viết là: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Khi đã ngăn chặn việc ban hành luật về các đảng chính trị hay luật dành riêng cho ĐCSVN, thì chẳng hề tồn tại "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" nào có thể khống chế và ràng buộc đảng. Vậy là ĐCSVN được mặc sức tung hoành. Hơn nữa, giả sử có ràng buộc pháp luật nào đó liên quan, thì ĐCSVN cũng không nhất thiết phải tuân theo, bởi vì câu hiến định "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" không nhất thiết là một đòi hỏi, mà ngược lại, rất có thế là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", cũng tương tự như việc "công chứng" cho đặc tính "đội tiên phong…""đại biểu trung thành…" mà thôi.
Hẳn là đạo diễn của Hiến pháp 1992 đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, và cố tình không cho "diễn viên" tên "phải" lạc vào "màn kịch" Điều 4, để tạo ra một "hoạt cảnh thực thực hư hư", "nói dzậy mà không phải dzậy". Cái tinh vi ấy được kế thừa trọn vẹn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 (được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 17/05/2013). Chưa thỏa mãn với đặc quyền vô biên đã có, người ta đã sửa câu
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
trong Hiến pháp 1992 thành
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Hạ cấp từ chữ "Mọi" xuống chữ "Các", phải chăng là cố chừa ra thế lực bất khả xâm phạm? Tuy trong phương án sửa đổi có bổ sung thêm đối tượng "đảng viên", nhưng đó là "đảng viên thường". Còn các vị lãnh đạo đảng"siêu đảng viên", và cá nhân họ cũng không phải là "tổ chức", vì vậy có thể hoàn toàn tự do "ngoài vòng Hiến pháp và pháp luật".
Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích và kiến nghị như sau:
"Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là 'Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật'."
Đề nghị của Luật sư Trương Trọng Nghĩa là rất hợp lý, để loại trừ khả năng biện hộ rằng: "Đảng không phải là một tổ chức của Đảng, nên Đảng không phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nếu thực tâm muốn tôn trọng "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", thì chẳng tiếc gì mà không thêm chữ "Đảng" vào đầu câu như ông Nghĩa đề xuất. Thế nhưng, đề nghị ấy đã không được chấp nhận. Phải chăng việc khước từ đó càng thể hiện rõ hơn động cơ của đạo diễn và bản chất của Điều 4?
Một nét mới của Điều 4 trong phiên bản 2phiên bản 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khoản sau đây được chèn thêm vào giữa:
"Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Câu này đã khiến một số người hâm mộ đảng hân hoan ca ngợi. Nhưng thực ra có gì là mới ở đây hay không? Thế nào là "gắn bó mật thiết"? "Gắn bó" như hiện nay đã đủ hay đã quá "mật thiết" hay chưa? "Phục vụ nhân dân" thế nào thì bấy lâu đã rõ, xin kiếu, xin kiếu! "Chịu sự giám sát" hay "đành chịu sự giám sát"? Nhân dân "giám sát" thế nào, khi mọi chuyện tày đình đều diễn ra ở những nơi kín cổng cao tường, được súng ống bảo vệ nghiêm ngặt? Giả sử bằng cách nào đó mà biết được chút chuyện "thâm cung", thì đành ngậm miệng, hay nông nổi phát ngôn, để rồi có thể bị khép vào "tội cố ý" hay "tội vô tình làm lộ bí mật nhà nước" (Điều 263Điều 264 Bộ luật hình sự)? Và "giám sát" để làm gì? Nếu được phép "giám sát", nhưng khi phát hiện ra điều sai trái thì cũng chỉ có thể bó tay bất lực và thêm ấm ức, thì "quyền giám sát đảng" có hơn gì so với "quyền được tò mò, nhòm ngó chuyện riêng của nhà hàng xóm"? Thế nào là "chịu trách nhiệm trước nhân dân"? Ăn chán, phá chán cũng chỉ cần buông một câu "xin chịu trách nhiệm" là xong, vậy thì tội gì mà không ăn, không phá? Toàn là mỹ từ chung chung, vô định, phù hợp với mục đích tuyên huấn, nhằm mê hoặc và ru ngủ người đọc, chứ không thể dùng để diễn đạt các ràng buộc pháp lý.
Những băn khoăn vừa kể chỉ có ý nghĩa khi khoản mới bổ sung vào Điều 4 là đòi hỏi mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng đó thực sự là đòi hỏi, chứ không phải là tái diễn hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản"? Nếu quả là đòi hỏi, thì cần thêm bốn chữ "phải" như sau:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Hoặc ít nhất cũng bổ sung một chữ "phải" để áp chung cho cả bốn nghĩa vụ:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Như vậy không phải là quá máy móc, mà cũng chỉ hiến định giống như hai điều khoản sau đây của Hiến pháp 1992, cũng về quan hệ với Nhân dân:
"Điều 8 Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"
"Điều 97 … Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…"
Quan sát kỹ sẽ nhận ra sự khác nhau "tinh tế" giữa yêu cầu đối với Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và yêu cầu đối với ĐCSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Các cơ quan Nhà nước "phải tôn trọng nhân dân" và "lắng nghe ý kiến… của nhân dân", còn đảng thì không "phải tôn trọng nhân dân" và cũng không phải "lắng nghe…nhân dân"; các cơ quan Nhà nước phải "tận tụy phục vụ nhân dân", còn đảng thì cũng "phục vụ nhân dân" nhưng không cần phải "tận tụy". Thế cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi, bởi Hiến pháp 1992 còn không hề nhắc đến quan hệ của đảng đối với Nhân dân.
Có lẽ để "cởi trói" cho Nhà nước, nên "Các cơ quan Nhà nước" được giải phóng khỏi Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2:
"Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…"
Sau đó, không hiểu do sức ép nào mà người ta lại đành chịu để cho "Các cơ quan Nhà nước" tái hiện trong Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3:
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"
*
*      *
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2phiên bản 3, số lần xuất hiện của chữ "phải" ít hơn so với trong Hiến pháp 1992. Vì sao như vậy? Một số chữ "phải" biến tướng thành thuật ngữ khác, như "có trách nhiệm", "có nghĩa vụ"… Chẳng hạn, đoạn
"công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 51 Hiến pháp 1992 biến thành đoạn
"Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 20 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Một số chữ "phải" thì biến mất hẳn, vì một số điều khoản được bãi bỏ. Ví dụ, quy định
" Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
tại Điều 100 Hiến pháp 1992 biến khỏi cả hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. (Chả trách mà một số đại biểu Quốc hội say sưa ca ngợi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.)
Có một ưu ái đặc biệt mà "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" dành cho Dân trong Hiến pháp 1992, đó là "vinh danh" Dân hai lần trong mối quan hệ với pháp luật:
"Điều 12  … mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
"Điều 79  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật…"
Các tác giả Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 đã kết hợp nhuần nhuyễn tính kế thừa với tính sáng tạo, và thu được kết quả tương ứng như sau:
"Điều 8  … cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
Trong Điều 8, từ "cá nhân" được dùng để thay thế cho từ "mọi công dân"Điều 12 Hiến pháp 1992. Nghĩa là Dân vẫn được "vinh danh" hai lần: Một lần dưới danh nghĩa "công dân" và một lần dưới danh nghĩa "cá nhân". "Chu đáo" với Dân đến thế là cùng.
Trong khi đó, họ lại "sơ suất" đánh mất hai chữ "Nhà nước" trong đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật". Quy định
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
trong Hiến pháp 1992 được sửa thành
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật…
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Khoản 1 Điều 8 học theo phong cách của Điều 4 Hiến pháp 1992, không hề sử dụng từ "phải" hay thuật ngữ tương đương, nên cũng không rõ đó là đòi hỏi hay ghi nhận (tức là "công chứng"). Nếu đó là đòi hỏi thì Nhà nước cũng chỉ cần "hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật". "Theo" được bao nhiêu thì "theo", chứ không bắt buộc "phải nghiêm chỉnh chấp hành…". Nghĩa vụ "phải nghiêm chỉnh chấp hành…" trong Khoản 3 Điều 8 chỉ áp vào "Cơ quan, tổ chức" chung chung, mà thường chỉ được hiểu là "cấp dưới". Rồi đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, Điều 8 chỉ giữ lại cái Khoản 1 mập mờ, còn Khoản 3 thì hoàn toàn biến mất, do đó cả "Cơ quan, tổ chức" chung chung cũng không còn bị đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật" nữa.
Chưa hết, cái quy định
"Ủy ban nhân dân … chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân"
tại Điều 123 Hiến pháp 1992 cũng bị xóa khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Có lẽ họ đã kịp nhận ra như vậy cũng không ổn lắm: Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì không thành vấn đề, nhưng nếu bỏ cả quy định "chấp hành … các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên", ngộ nhỡ địa phương không chịu nghe theo trung ương nữa thì sao? Cho nên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, họ đã đưa ra hai phương án: Với phương án 1 thì Ủy ban nhân dân vẫn không bị nhắc nhở là phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật…"; phương án 2 khôi phục nguyên văn quy định của Điều 123 Hiến pháp 1992. Nếu phương án 1 được thông qua, thì không chỉ các cơ quan của đảng, mà cả các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều được "giải phóng" khỏi "trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật". Còn nếu phương án 2 được thông qua thì chỉ Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật" mà thôi. Dù bất cứ phương án nào của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 được chọn, thì công dân cũng vẫn được "chăm sóc chu đáo", không bị bỏ sót, bởi:
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật…"
Hóa ra, nghĩa vụ Nhà nước chỉ nhất thời, nghĩa vụ Dân mới vạn đại.
*
Để hiểu rõ hơn Điều 4 Hiến pháp 1992 và các phiên bản biến dạng của nó, ta đã lan man sang một số điều khoản khác của Hiến pháp. Đấy không phải là lạc đề, mà để có được tầm quan sát bao quát hơn, nhằm thấu hiểu hơn bản chất và ý nghĩa của Điều 4. Phải so sánh với cách cư xử mà họ dành cho Dân, thì mới nhận ra mức độ ưu ái mà thế lực cầm quyền dành riêng cho mình. Thế mới biết, trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại trên đất Việt, thì nguyên lý "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp 1992) cần được hiểu như thế nào. Vâng, "mọi công dân đều bình đẳng…", nhưng giới cầm quyền còn "bình đẳng hơn", và lãnh đạo cấp cao nhất thì tất nhiên phải được "bình đẳng nhất". Có lẽ vì cái không gian dân chủ xã hội chủ nghĩa quá chật hẹp, nên giới cầm quyền phải đứng ngoài khuôn khổ pháp luật, phải đứng trên hiến pháp, để… "nhường chỗ cho Dân".
Các điều khoản đã trích dẫn ở trên cho thấy: Chỗ nào thấy cần thì các tác giả Hiến pháp đều nhớ dùng từ "phải" hoặc những từ đồng nghĩa để nhấn mạnh sự "đòi hỏi". Họ chỉ cố tình "quên" dùng từ "phải" ở Điều 4 mà thôi. Nhờ thế, Hiến pháp trao cho ĐCSVN quyền lực lãnh đạo tối cao vô biên, nhưng lại không đòi hỏi ĐCSVN phải thực hiện bất cứ điều gì, kể cả việc "nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật", như quy định ở Điều 12 đối với các thành phần còn lại của xã hội. Hơn nữa, bất luận thực tế tốt xấu ra sao, thì ĐCSVN cũng được "công chứng" trong Hiến pháp là đã "tiên phong…", đã "trung thành…", đã "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", và đã "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".
Lối viết lấp lửng tạo cho người đọc ảo tưởng rằng lãnh đạo đảng đã tự giác đặt mình vào khuôn phép, nhưng vẫn đảm bảo cho "đấng tối cao" chẳng phải chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào cả, và bất kể thế nào thì cũng vẫn được vinh danh.
Liệu đó có phải là thâm ý của những người đã ấn định nội dung Điều 4 trong Hiến pháp 1992 và hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay không?
Điều 4 như vậy có hợp lý không?
Viết ra và tung hô một điều như vậy có phải là tử tế không?
Chúng ta có thể nhắm mắt mà chấp nhận một điều hiến định như thế hay không?
29/08/2013 – Mừng Cháu tròn một tuổi
Hoàng Xuân Phú 
Giáo sư, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Nghiên cứu viên 1984, Phó giáo sư 1992, Giáo sư 1996)

Viện sĩ thông tấn (Corresponding Member, Korrespondierendes Mitglied) của Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg (Heidelberg Academy of Sciences and Humanities, Heidelberger Akademie der Wissenschaften) (từ 8.2004)

Viện sĩ thông tấn (Corresponding Member, Korrespondierendes Mitglied) của Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria (Bavarian Academy of Sciences and Humanities, Bayerische Akademie der Wissenschaften) (từ 2.2010)

Đại sứ khoa học (Ambassador Scientist, Vertrauenswissenschaftler) của Quỹ Alexander von Humboldt (Alexander von Humboldt Foundation, Alexander von Humboldt-Stiftung) (3.2010 - 2.2016)

Ủy viên Hội đồng Các nước đang phát triển (Commission for Developing Countries) của Liên đoàn Toán học Thế giới (International Mathematical Union) (2011 - 2014)

Tổng biên tập của Vietnam Journal of Mathematics (từ 8.2011)
(Blog Hoàng Xuân Phú)

Trường Sa: Đài Bắc đầu tư 112 triệu đô la xây dựng

REUTERS /Stringer
REUTERS /Stringer

Hãng tin AFP dẫn lời một dân biểu Đài Loan cho biết, nước này đang có kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu đô la xây dựng một cầu cảng lớn đủ khả năng tiếp nhận tầu chiến trên một đảo đang có tranh chấp với Việt Nam, trực thuộc quần đảo Trường Sa.

Đó là kế hoạch do lực lượng tuần duyên Đài Loan trình lên Quốc hội với tổng kinh phí dự trù là 112,4 triệu đô la Mỹ. Theo đó, Đài Bắc sẽ xây dựng một cầu cảng hiện đại tại đảo mà Đài Loan gọi là Thái Bình còn Việt Nam gọi là Ba Bình.

Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa đang do Đài Loan chiếm giữ và Việt Nam vẫn đòi chủ quyền. Dự kiến cầu cảng này sẽ được khánh thành vào năm 2016. Theo nhiều nguồn tin, kế hoạch này chắc chắn sẽ được Quốc hội Đài Loan thông qua.

Trong một thông cáo ra hôm nay, dân biểu Lin Yu-fang cho biết, cơ quan an ninh quốc gia đã quyết định thúc đẩy nhanh dự án vì nhiều nước trong vùng vài năm gần đây đã gia tăng sức mạnh hải và không, khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp.

Dân biểu Lin, thuộc Quốc Dân Đảng, thành viên của ủy ban Quốc phòng nghị viện Đài Loan, giải thích thêm là cầu cảng trên được hoàn thành các loại tàu vận tải hoặc tàu chiến lớn có thể cập đảo. Hiện tại, cầu cảng nhỏ bé nên đảo chỉ có thể tiếp nhận được các loại tàu tuần duyên cỡ nhỏ.

Từ năm 2006, chính quyền Đài Loan cũng đã cho nâng cấp, kéo dài đường băng trên hoàn đảo bất chấp sự phản đối của Việt Nam và một số nước khác có tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Anh Vũ (RFI)
 

Alan Phan - Khoảng cách trí tuệ

Khi bàn về sự ổn định cần thiết cho xã hội Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro nguy hiểm nhất đến từ khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng sâu rộng. Một ước đoán là khoảng 2-3% dân số đang nắm ít nhất là 24% tài sản tư nhân. Thu nhập của 2 triệu người này trung bình khoảng 6,300 USD một năm một người; trong khi tổng số dân còn lại chỉ có thu nhập khoảng 1,010 USD. (Tất cả các con số này là một ước lượng năm 2011 từ luận án của một nghiên cứu sinh DBA nhờ tôi bảo trợ. Theo tôi, cách định lượng dựa trên vài số liệu thống kê không đạt chuẩn; nhưng tôi nêu lên đây để chúng ta có một khái niệm).

Khoảng cách giàu nghèo này có thể tạo những bất ổn xã hội đáng kể qua nạn cướp giật, lừa đảo, tranh chấp lao động…nhưng cá nhân tôi cho rằng bàn tay sắt của hệ thống an ninh khá hữu hiệu trong việc đối phó.




Vấn đề không ai nói đến
Trong khi đó,  tôi suy nghĩ nhiều hơn đến khoảng cách về trí tuệ của 2 thành phần dân số. Tôi không thể minh định là bao nhiêu phần trăm dân số đạt chuẩn quốc tế cao nhất về giáo dục và văn hoá; và bao nhiêu phần trăm thực sự là “ngu hơn lợn”. Nhưng tôi chắc chắn là mọi người có thể nhận rõ sự khác biệt này khi tiếp cận với bạn bè gia đình, cũng như tại những hội họp của đám đông hay qua những cách thức xử sự tại nhiều hoàn cảnh, công và tư. Sự cách biệt này có thể tạo những hệ quả sau:
-    Dựa vào kiến thức thượng đẳng của mình, thành phần ưu tú sẽ lợi dụng sự ngu dốt của đám đông mà áp đặt những thủ thuật lừa dối hòng đem lại cho phe nhóm mình những quyền lực và lợi ích “gần như phi pháp”.
-    Sự tụt hậu của dân trí trên bình diện rộng sẽ là rào cản lớn nhất cho mọi phát triển văn minh của xã hội trên tiến trình cạnh tranh với toàn cầu.
-   Dân sẽ không thể giàu; nên nước không thể mạnh. Sự lệ thuộc kinh tế vào công nghiệp gia công, vào nông nghiệp lỗi thời và vào dịch vụ “bạc cắc” là một tương lai đáng buồn trong vài thập niên tới cho đám con Rồng cháu Tiên.
Vài góc nhìn khi tìm hiểu
Gần đây, tôi có hai trải nghiệm vô cùng khác biệt về chủ đề trên.
Tôi được phân công phỏng vấn khoảng 100 sinh viên cho học bổng MBA của đại học Bristol trong 3 tháng qua. Dù đây là phân khúc sinh viên ở cấp cao của nền giáo dục, tôi vẫn ngạc nhiên và thú vị với kỹ năng và kiến thức của các thí sinh. Ngoài việc nói và viết thông thạo tiếng Anh, đại đa số sinh viên đều có sự đam mê trong công việc và sự học; cũng như ý chí để trực diện các thử thách trong mục tiêu của sự nghiệp.
Dù có hay không có học bổng của Bristol, tôi tin là 95% sẽ thành công trong lựa chọn nghề nghiệp và sẽ thăng hoa toàn diện trong 10 hay 20 năm tới. Đây là niềm tự hào chính đáng của đất nước này.
Trong một thái cực khác, nỗi thất vọng của tôi cũng sâu sắc với một trải nghiệm đáng xấu hổ.
Tôi có một người cháu, cũng là BCA, đang dậy môn luật kinh tế cho một lớp học năm thứ ba tại một trường đại học công lập. Tôi nhờ cô đem vào lớp một khảo sát nhỏ gồm 10 câu hỏi đơn giản để đánh giá kiến thức ngoài sách vở của các em sinh viên.
Các em có 20 phút để trả lời bài khảo sát sau đây:
Em có nói và viết tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào lưu loát không?
Tại sao Việt  Nam muốn trở thành một thành viên của TPP?
Ông Kim Jong Un là ai?
Đường lưỡi bò Trung Quốc là gì?
Liên Âu đang gặp khủng hoảng gì?
Phương Uyên là ai?
GDP của Việt Nam năm 2012 đạt bao nhiêu tỷ?
Thu nhập mỗi đầu người của Singapore là bao nhiêu?
Cơ chế phân bổ tam quyền và đa đảng đa nguyên là gì?
Ông Nguyễn Văn Bình là ai?
Trong tổng số 32 sinh viên của lớp: 1 trả lời trúng 2 câu, 3 trả lời trúng 1 câu và 28 bạn trả lời không đúng câu nào.
Bạn duy nhất trả lời đúng 2 câu là câu 1: biết nói và viết tiếng Anh lưu loát và câu 6: GDP Viêt Nam khoảng 100 tỷ USD.
Những câu trả lời “vui” nhất là:
-          Đường lưỡi bò TQ là món lưỡi bò ngâm đường khoái khẩu người TQ thích;
-          GDP Việt Nam đạt 1 ngàn tỷ đồng;
-          Kim Jong Un là người mẫu nổi tiếng của Hàn Quốc vừa tự tử;
-          Là thành viên của TPP, Việt Nam được phép dự giải bóng đá của Anh;
-          Liên Âu là quốc gia bên Phi đang gặp nạn đói.
-          3 câu trả lời khác nhau về ông Nguyễn Văn Bình: (1) Chủ Tịch Nước (2) Đại gia ngân hàng vừa bị bắt và (3) linh mục xứ đạo Hải Phòng.
Tôi hơi bị sốc vì đây không phải là kiến thức của những công nhân dệt may tại các ổ chuột khu công nghiệp hay nông dân vùng sâu vùng xa; mà là những thành phần được coi như là tương lai của trí thức Việt Nam.
Dĩ nhiên tôi không cần phải bàn ra tán vào.  Nhưng chúng ta bây giờ có thể hiểu tại sao từ vi DCS VN vẫn rất tốt.
Alan Phan
P.S. Tôi đã nói nhiều lần trong các buổi diễn thuyết “nghèo không phải là một cái tội; nghèo là một hoàn cảnh có thể thay đổi”. Tuy nhiên, tội lớn nhất của một con người là ngu dốt. Một người không bao giờ đọc là một người mù chữ dưới bất cứ lăng kính nào.

Ông Bá Thanh đã nghe được 6 vụ liên quan tham nhũng

Khẳng định đã nghe được 6 vụ liên quan tham nhũng, có vụ thất thoát vài nghìn tỷ, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Ban Nội chính các tỉnh thành phải hành động ngay.
  Trao đổi tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng chống, tham nhũng khu vực phía Nam do Ban Nội chính TƯ tổ chức ngày 29/8 ở TP.HCM, Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh cho hay, nhiệm vụ của Ban Nội chính các tỉnh, thành hết sức nặng nề, nhiều chông gai và đầy thử thách.

Nhảy vào làm ngay

Theo ông Bá Thanh, việc cần làm trước mắt là kiện toàn bộ máy, cán bộ, cơ sở, phương tiện… trong đó, khâu cán bộ có tính chất quyết định. “Nay người này gửi đứa cháu, mai gửi con vào cho đủ nhân sự thì tới lúc làm không đạt yêu cầu, ảnh hưởng công việc chung. Do đó, cần chú ý đến chất lượng cán bộ”, ông Thanh nói.

Nguyễn Bá Thanh, tham nhũng, ban nội chính
Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh: Chống tham nhũng khó nhất là đụng chạm đến người thân, bạn bè, đồng chí... Ảnh: Tá Lâm

Trưởng Ban Nội chính TƯ nhấn mạnh, sau khi ổn định, không cần đợi đủ nhân sự mà phải bắt tay vào làm ngay. “Tôi đã nghe được 6 vụ, có vụ lên đến vài nghìn tỷ thất thoát và đằng sau vụ việc thất thoát ấy là có chuyện tham nhũng. Cho nên, yêu cầu không cầu toàn mà phải nhảy vào làm ngay. Phải hành động quyết liệt và có hiệu quả”.
Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn nhận, trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng, chúng ta nói quá nhiều nhưng hành động chưa nhiều, khiến cho người dân hết sức bức xúc. Cho nên, bây giờ phải nói ít làm nhiều, có những việc cứ làm mà không cần phải nói rộn ràng.
“Đã nói là phải làm, đừng để dân mất niềm tin. Nói tham nhũng vặt ngày càng phổ biến, tham nhũng lớn ngày càng tăng lên, đó là dấu hiệu đáng buồn, người dân bức xúc hơn”, ông Thanh khẳng định.
Ông Thanh cho rằng, muốn tạo được niềm tin của người dân thì phải bằng kết quả cụ thể. “Như ở Vĩnh Phúc, trụ sở hoành tráng, phòng làm việc ngon lành, Bí thư tỉnh ủy giao Ban Nội chính giải quyết một vụ việc, Trưởng Ban xuất thân từ kiểm sát nên làm ngon lành các vụ việc. Từ đó Ban Thường vụ tỉnh rất nể mặt và tạo dựng được uy tín”, ông Thanh lấy ví dụ.
Ông Thanh nói, trong chống tham nhũng, cái khó nhất chính là đụng chạm trực tiếp đến người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và không loại trừ cả cấp trên. “Cái này mới vô cùng khó. Chẳng hạn ở Bình Phước, đụng đến cấp trên thì khó khăn. Nếu gặp chuyện như thế thì các đồng chí có động lòng không, có buông tha không vì đụng đến đủ thứ phức tạp và nhiều sự chi phối?”, ông Thanh hỏi đại biểu.
‘Tôi sẽ sát cánh’
Trưởng Ban Nội chính TƯ cho hay, muốn làm tốt công tác chống tham nhũng thì người làm nội chính phải giữ gìn, nhắc nhở cả vợ con phải giữ gìn. “Chứ để người thân cứ ‘để đó chị lo’ thì chết. Chuyện này không phải là không có, tấn công trực tiếp các đồng chí không được thì đi đường vòng qua người thân. Không chỉ là cái phong bì vài triệu mà cả va li”, ông Thanh nói.
Nhiều vụ việc thấy đối tượng quá liều mạng nhưng tìm hiểu sâu mới biết dường như có “ô dù”. Nhiều người vì tâm lý “hi sinh đời bố củng cố đời con” nên chẳng còn sợ gì nữa.
Theo ông Bá Thanh, ngoài việc giữ gìn, cán bộ Ban Nội chính cũng cần có năng lực, có bản lĩnh, phải dám đương đầu với những thế lực bao che cho tham nhũng, những nhóm lợi ích, dựng chuyện, vu khống, gài bẫy, hãm hại, trả thù…
“Mặt trận này dù không có tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy. Ở một số địa phương, các DN quan hệ đan xen với lãnh đạo nên đụng vô rất mệt, nên các đồng chí phải thật bình tĩnh chiến đấu, phải đoàn kết lại. Tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí. Nếu ai cảm thấy oải thì cứ chuyển ngành”, ông Thanh chia sẻ.
Chia sẻ những tâm tình như thế, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ban Nội chính các tỉnh, thành phát động từ nay đến cuối năm phát hiện ít nhất một vụ việc tham nhũng để xử lý.
“Đừng để những vụ việc nhỏ đem làm báo cáo thành tích. Hành quân và phát động thi đua, tìm kiếm các vụ việc mới, còn vụ cũ phải đôn đốc đưa ra xét xử là chuyện đương nhiên. Phải cùng công an và các ngành theo dõi sát tìm kiếm các vụ việc mới để chấn chỉnh sớm”, ông Thanh đề nghị.
“Nếu nơi nào báo cáo không có chi hết nhưng tôi đưa quân về kiểm tra mà có việc thì bản thân những người trong Ban Nội chính ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm, phải kiểm điểm. Các đồng chí có dám làm mạnh như ở Bình Phước hay không?”, ông Thanh nói tiếp.
Do công việc chống tham nhũng hết sức nặng nề nên ông đề nghị những ai đang là Trưởng Ban Nội chính mà kiêm nhiệm phó bí thư “thì về báo cáo xin từ chức đi bởi cơ chế của Ban Bí thư, Bộ Chính trị quy định là không kiêm nhiệm”.
Cuối cùng, ông Bá Thanh cho rằng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, tinh thần là làm được gì thì làm, không nhiều thì ít nhưng không thể không làm. “Khó nhưng vẫn có lời giải. Kiên nhẫn mà tìm cho ra lời giải, đừng để mất tinh thần sớm, giỏi mà không biết đường thì cũng chết, thật thà cũng dễ chết. Trong cái khó cố gắng tìm tòi nghiên cứu, tìm cách để làm chứ cứ ngồi than vãn thì không bao giờ đạt được kết quả”, ông Thanh nói.
Tá Lâm
(VNN)

Vô hiệu hóa lá bài phủ quyết của Nga-Trung

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nỗ lực thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được các nước Tây phương - REUTERS
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nỗ lực thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được các nước Tây phương - REUTERS

Nga tìm cách ngăn chận một chiến dịch quân sự trừng phạt Syria,đồng minh cuối cùng của mình tại Trung Cận Đông. Sau ba lần bác bỏ các dự thảo nghị quyết lên án chính quyền Damas thảm sát thường dân mà con số tử vong đã lên hơn 110 ngàn, phủ quyết của Nga và Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An bị vô hiệu hóa trước quyết tâm chính trị của Tây phương.

Tất cả những gì mà Nga có thể phản ứng là … ngồi chờ. Trên đây là nhận định của Kommersant nhật báo được xem là có uy tín nhất tại Nga về khả năng của chính quyền Putin gây sức ép với Mỹ Anh Pháp trong những ngày qua.

Sau hơn hai năm cùng với Trung Quốc làm mưa làm gió tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngăn cản ba nghị quyết lên án chính quyền Syria và đặt cộng đồng quốc tế đứng đầu là Hoa Kỳ vào tình trạng tê liệt, có lẽ đã đến lúc Nga và Trung Quốc gặp cảnh kẻ cắp gặp bà già, vỏ quýt dày móng tay nhọn.

Vào lúc người dân Syria nạn nhân của chế độ Damas gần như tuyệt vọng, mất hết tin tưởng vào các nước phương Tây thì bất ngờ vào ngày 25/08/2013 các hãng thông tấn quốc tế loan báo Hoa Kỳ tăng cường hạm đội khu trục trang bị tên lửa hành trình trong vùng biển Địa Trung hải. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước khi lên máy bay sang Đông Nam Á tuyên bố quân đội Mỹ đã sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh của Tổng thống.

Mặc cho Matxcơva liên tục phản đối, cảnh báo, Washington, Paris, Luân Đôn, Ankara rồi Liên đoàn Ả Rập ở Trung Đông và Canberra ở tận châu Đại dương đòi phải có một giải pháp quân sự để trừng phạt chế độ ở thế kỷ 21 này còn sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân của mình

Tây phương với sự đồng thuận của các quốc gia Ả Rập trong khu vực Trung Đông khẳng định chính phủ Syria là thủ phạm bắn tên lửa có đầu đạn hơi ngạt sát hại 1300 thường dân ở ngoại ô Damas. Một cuộc điện đàm giữa một viên chức Bộ Quốc phòng Syria, với giọng nói hốt hoảng với tư lệnh lực lượng vũ khí hóa học đã bị CIA Mỹ bắt được cho thấy một phần sự thật.

Để trừng phạt, Hoa Kỳ, Anh, Pháp có vũ khí là Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO mà không cần qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc như đã có tiền lệ ở Kosovo (Nam Tư cũ) vào năm 1992.

Matxcơva vội vã lên án sáng kiến của Tây phương là vi phạm công pháp quốc tế và sẽ tạo ra hệ quả tàn khốc cho toàn khu vực. Tuy nhiên, theo nhà báo Nga Nina Achmatova thì dù đích thân tổng thống Putin gọi điện thoại cho thủ tướng Anh và Ngoại trưởng Lavrov điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ cũng không lay chuyển được các thủ đô Tây phương. Ngày 26/08 vừa qua, Ngoại trưởng Nga đành phải thú nhận : « Tây phương đã quyết định ».

Tuy nhiên, tối hôm qua 28/08/2013, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông « chưa quyết định ». Tất cả các lực lượng tham chiến gồm không quân, hải quân, phi đạn đã được bố trí nhưng có lẽ phải chờ đến tuần sau vì nhiệm vụ của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc chưa xong, chính phủ Anh còn chờ biểu quyết của Quốc hội, còn Pháp tuyên bố « không dấn thân một mình ».

Chế độ cha truyền con nối ở Syria đã khai thác mâu thuẫn của Tây phương như thế nào ? Thế cờ dằn co này phải chăng còn kéo dài vì e ngại một ván mới đầy bất trắc hay Tây phương có những toan tính khác, những quyền lợi khác ? RFI đặt câu hỏi với giáo sư chính trị học Đại học Mỹ tại Paris, Ziad Majed và nhà báo Nguyễn Văn Huy, báo mạng Thông Luận.

RFI : Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp tuần trước tại New York đòi làm sáng tỏ vụ sử dụng hơi ngạt sát hại thường dân tại ngoại ô Damas nhưng bản tuyên bố chung bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Vì sao Mỹ, Anh, Pháp bất lực trước thái độ của hai đồng minh của Syria trong Hội Đồng Bảo An ?

Ziad Majed : Trong thực tế , đây là vấn nạn từ khi xảy ra cuộc cách mạng Syria cách nay hơn hai năm rưỡi. Nga luôn luôn giữ lập trường không khoan nhượng hoặc không thỏa hiệp vì những lý do khác nhau. Maxcơva muốn được trở lại vai vế quan trọng trên sân khấu chính trị quốc tế. Trước đó, có bài học nhượng bộ tại Libya. Bên cạnh đó là Tây phương thiếu cứng rắn trong lập trường đối với Syria, nhờ vậy mà Nga có thể linh động hành xử theo ý muốn của mình.

Vì thế, quan hệ quốc tế rất phức tạp trong vấn đề Syria. Nhưng giờ đây, chúng ta đứng trước một tình trạng ý nghĩa đạo lý và chính trị được đặt trong quan điểm thuần bang giao quốc tế. Tại Syria, đã xảy ra một cuộc thảm sát thường dân nghiêm trọng nhất kể từ vụ Saddam Hussein oanh tạc người Kurdistang tại Irak vào năm 1988. Người ta nói đến 1300 nạn nhân tử vong.


Chế độ Damas đã vượt qua « làn ranh đỏ » mà tổng thống Mỹ Obama đã nói đến cách nay vài tháng. Và nhất là, vụ thảm sát lại xảy ra ngay cửa ngõ thủ đô Damas ngay vào lúc có một phái bộ Liên Hiệp Quốc có mặt tại chỗ mà không có quyền đến tận nơi quan sát và không được chỉ thị của Liên Hiệp Quốc để thương lượng với chính quyền Syria để đi đến tận nơi.

RFI : Lẽ nào Damas lại dám sử dụng vũ khí hóa học ngay vào lúc phái bộ Liên Hiệp Quốc đã tới Syria ? Phải chăng đây là một thái độ thách thức hay chính quyền Damas nghĩ rằng họ muốn làm gì thì làm ?

Ziad Majed : Đúng như thế. Một mặt chế độ tin rằng họ có thể toàn quyền hành động vì quốc tế do dự và vì họ có hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc. Mặt khác, đây không phải là chiến thuật mới. Chế độ Syria, từ thời cha của Bachir al Assad (Hafez al Assad) luôn luôn biện minh các hành động của họ và luôn luôn thách thức nghị lực chính trị của cộng đồng quốc tế dù ở cấp vùng và quốc tế trong thời điểm có vẻ quái lạ.

Chúng ta còn nhớ những vụ khủng bố ám sát cách nay vài năm tại Liban (nạn nhân là những người chống lại ảnh hưởng của Syria trong đó có thủ tướng Hariri). Có những vụ ám sát xảy ra đúng vào ngày Hội Đồng Bảo An họp bàn về tiến trình điều tra lúc đó đang diễn ra tại Liban để truy tìm thủ phạm. Chế độ Damas luôn chứng tỏ với quốc tế là không bao giờ lùi bước và có thừa khả năng tiếp tục thực hiện những kế hoạch của họ.

Đa số người lãnh đạo tại Damas tin rằng Hoa Kỳ không đủ nghiêm túc để tiến tới và viện lẽ có sự chống đối của Nga để không hành động. Trong khi đó thì Paris và Luân Đôn, tuy dứt khoát hơn Washington để chấm dứt tình trạng thảm sát ở Syria nhưng lại không đủ phương tiện để hành động nếu không có Mỹ yểm trợ hỏa lực.

Tóm lại, cho đến hôm nay, chế độ Damas khai thác các mâu thuẫn trong nội bộ Tây phương. Nhờ những mâu thuẫn này họ không bị trừng phạt và đã gây ra cái chết cho hơn 100.000 nạn nhân, có thể nhiều hơn vì có ít nhất 200.000 người mất tích hoặc bị giam cầm.

RFI : Do lý do gì mà suốt một năm qua Washington chần chờ không can thiệp ? Cách nay một năm, tổng thống Obama cảnh báo là có một “đường ranh đỏ” mà Syria vượt qua là sẽ bị trừng phạt. Mỹ ngại phe nổi dậy tại Syria, một khi chiếm được chính quyền, không ủng hộ quyền lợi của Mỹ?

Ziad Majed : Tôi không tin như vậy. Lập luận biện minh của Hoa Kỳ biến đổi theo thời gian. Lúc đầu, người ta lý giải rằng Barack Obama chán ngán hồ sơ Trung Đông. Sau cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, lãnh đạo Mỹ không muốn can thiệp quân sự. Ông có can thiệp vào Libya nhưng không lãnh đạo liên minh quốc tế.


Giờ đây, Mỹ có nhiều quan tâm chiến lược trong vùng. Một mặt là đàm phán giữa Israel và Palestine được mở lại. Bên cạnh đó là tình hình Ai Cập, đồng minh chính của Washington trong khu vực. Rồi an ninh của Israel mà Hoa Kỳ không muốn bị đe dọa.

Hoa Kỳ không muốn xảy ra tình trạng bất ổn định nhất là Iran có thể khai thác và lôi kéo một số thành viên Al Qaida hoặc những nhóm đang bị Hoa Kỳ truy diệt lao vào vòng chiến. Dĩ nhiên , nếu các nhóm này tự sát hại lẫn nhau thì cũng tốt thôi.


Thật ra thì ở Washington, phe “chính trị thực dụng” không nhìn hồ sơ Syria ở khía cạnh đạo đức. Thêm vào đó, trong số các lập luận ban đầu, họ nói là không biết rõ thay thế chính quyền Damas hiện nay bằng những nhân vật như thế nào. Tiếp theo đó thì có những toán “thánh chiến hồi giáo” xâm nhập. Bây giờ thì người ta nói là không biết đường lối chính trị của một chính quyền mới (trong trường hợp lật đổ chế độ al Assad).

Tất cả những lý do này làm cho toàn khu vực này xa rời Hoa Kỳ. Trong khi đó, Mỹ có những ưu tiên của họ và cho đến bây giờ không quan tâm đến con số 110.000 người đã chết tại Syria.

Nga và Trung Quốc không cản trở được Tây phương nhưng liệu Tây phương có hỗ trợ được gì cụ thể cho người dân Syria đang tuyệt vọng? Cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ đã biến thành nội chiến khốc liệt giữa hai hệ phái đạo Hồi, một bên là chính quyền Syria thuộc hệ phái Chi-it với Iran đứng sau lưng và bên kia là phe đối lập Suni với Ả Rập Xê Út yểm trợ để ngăn chặn ảnh hưởng của chính quyền hồi giáo Teheran.

Bản thân ba cường quốc Mỹ, Anh và Pháp cũng có những quyền lợi khác nhau trong khu vực. Nhà báo Nguyễn Văn Huy, báo mạng Thông Luận tại Paris phân tích :

“ Hoa Kỳ chần chờ vì có lợi hơn ….. do thời cơ chưa chín muồi. Trừng phạt Syria dùng vũ khí hóa học sát hại dân lành … là đúng. Làm cho uy quyền tổng thống Bachar al Assad suy yếu là đúng, nhưng theo quan điểm của Mỹ, chế độ Bachar al Assad sụp đổ là điều nguy hiểm. Phe Al Qaida tức al Nostra tham chiến đánh al Assad sẽ mạnh trong khi đó Mỹ chưa đào tạo xong lực lượng quân sự thân Hoa Kỳ….”
Tú Anh (RFI)

Thời điểm và chiến thuật tấn công Syria

Mùi thuốc súng như đang phảng phất ở Địa Trung Hải, quanh 5 chiến hạm của Hoa Kỳ và Anh quốc có mặt sẵn sàng ở nơi đó từ nhiều ngày nay. Cuộc tấn công Syria chỉ còn là vấn đề thời gian và phương thức, tin từ Washington đồng loạt cho biết như vậy.
Vậy câu hỏi không còn là có hay không, mà là bao giờ và bằng cách nào. Tuy nhiên ngày thứ năm có những diễn tiến dồn dập, khiến hành động quân sự được hoãn lại.
Hôm thứ tư Anh quốc đã nạp dự thảo nghị quyết về Syria lên Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nội dung lên án Syria sử dụng vũ khí hoá học và đòi Liên Hiệp Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ thường dân.  Nga lập tức phủ quyết hành động quân sự trừng phạt chế độ Bassar al-Assad, một phản ứng được biết trước.
5 nước hội viên thường trực của Hội đồng Bảo An họp lại về vấn đề Syria vào lúc 2:30 chiều thứ năm, giờ New York.
Thủ tướng Anh Cameron triệu tập quốc hội để xin ý kiến về việc hỗ trợ Hoa Kỳ trong hành động quân sự đối với Syria. Ngày thứ năm ông tuyên bố ngụ ý đang chờ kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc từ Syria.
Tại Hoa Kỳ một số nghị sĩ và dân biểu thúc giục Tổng thống Obama liên lạc với quốc hội về vấn đề hành động quân sự đối với Syria. Toà Bạch ốc trả lời vẫn thường xuyên liên lạc với giới lãnh đạo quốc hội để thông báo mọi diễn tiến hành động của hành pháp và tham khảo ý kiến quốc hội về vấn đề Syria.
Tin tức từ Ngũ Giác đài từ thứ ba đều nói quân Mỹ sẽ tấn công trong một hai ngày tới, nhưng Tổng thống Obama vẫn chưa tuyên bố điều gì chính thức, mặc dù Tổng trưởng quốc phòng Chuck Hagel xác định quân lực đã sẵn sàng hành động lập tức ngay khi có lệnh của Tổng thống. Washington dường như còn chờ một tín hiệu nào đó từ Liên Hiệp Quốc hay từ trong nội địa Syria.
Cuộc tấn công nếu diễn ra chắc chắn sẽ phát xuất từ bốn khu trục hạm lớp Arleigh-Burke là USS Mahan, Gravely, Barry và Ramage thuộc Hạm đội 6 của Hoa Kỳ, (chiếc khu trục hạm hạng Arleigh-Burke thứ sáu là USS Tout đang trên đường tới tăng cường) và một tàu ngầm nguyên tử của Anh, có thể còn có cả hai tàu ngầm nguyên tử Florida và Ohio của Mỹ đang có mặt tại Địa Trung hải.  Các chuyên gia quân sự dự kiến hải quân đệ lục hạm đội và hải quân Hoàng Gia Anh sẽ sử dụng hoả tiễn Tomahawk là vũ khí chính yếu để oanh kích các mục tiêu chiến lược trên khắp Syria, sau đó không quân có thể được sử dụng để oanh tạc tiếp vào các mục tiêu xa bờ Địa Trung Hải hơn. Tuy nhiên tối thứ tư, nguồn tin từ Ngũ giác Đài cho hay việc sử dụng không lực có thể được loại  khỏi kế  hoạch hành quân. Tin này không kiểm chứng được.
uss-mahan
Khu trục hạm USS-Mahan
Photo Wkipedia Commons
Trong khi đó tin tình báo của Israel cho hay không quân Mỹ đã hoàn tất cuộc tập trung các phi cơ oanh tạc tàng hình B-1B và chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptors tại căn cứ chính ở Qatar trong 24 giờ qua. Tất cả là ba phi đoàn không được lệnh tham chiến,  nhưng trực chiến tại đó. Không quân Hoàng Gia Anh cũng đưa phi cơ vận tải C-130 và các phi đội oanh tạc chiến đấu Typhoon tử châu Âu bay sang tập trung tại căn cứ Akrotiri của Anh ở cực nam Cyprus, cách Damascus gần 350 km. Qua thứ năm bộ quốc phòng Anh tuyên bố lực lượng không quân này đến để "bảo vệ quyền lợi của Anh trong khu vực."
Tin tình báo Israel cũng cho biết Syria từ hôm thứ ba đã phân tán mỏng các lực lượng lục quân, không quân rải rác khắp trong nước. Phi cơ chiến đấu, trực thăng chiến đấu, xe tăng được phân tán và kéo vào các hầm trú ẩn kiên cố. Các kho vũ khí hoá học thì vốn đã được cất kỹ dưới những tầng hầm kiên cố ở nhiều nơi. Các bộ chỉ huy quân sự ở Homs, Hama, Latakia và Aleppo cũng được tách nhỏ ra và  phân tán, sau khi tình báo Nga cho Syria biết đó là những mục tiêu tấn công.
Như vậy cuộc oanh kích bằng hoả tiễn Tomahawk mà không có cuộc oanh tạc của không quân tiếp sau, sẽ không gây được thiệt hại đáng kể về vũ khí và quân dụng cũng như nhân lực cho quân đội Syria. Đánh phá hạ tầng cơ sở không hoàn thành được mục đích của một hành động quân sự, trong khi Ngũ Giác Đài cũng loại trừ kế hoạch oanh tạc các kho vũ khí hoá học của Syria, vì hành động như vậy sẽ gây tổn thất nhân mạng khủng khiếp cho người dân Syria khi các loại hơi độc phát tán lập tức vào không khí sau khi trúng bom.
Sang ngày thứ năm có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công được hoãn lại, với những diễn tiến xảy ra dồn dập quanh chuyện tấn công quân sự vào Syria.
Thủ tướng Anh tuyên bố với quốc hội ông tin rằng chế độ Damascus ra lệnh tấn công bằng vũ khí hoá học, nhưng lại nói không chắc chắn 100%.  Thủ tướng David Cameron đang đối diện cuộc tranh đấu gay cấn để quốc hội chuẩn thuận biên pháp quân sự cho Syria, trong khi đảng đối lập chính nói họ sẽ bỏ phiếu chống.
Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, đô đốc James Winfield Jr. sắp điều trần về vấn đề Syria với giới lãnh đạo quốc hội bằng hình thức hội thoại vô tuyến,  với những lượng định tình báo liên quan. Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper cũng tham dự cuộc điều trần qua vô tuyến, vì nhiều vị dân cử còn đang nghỉ hè.
Nga loan báo sẽ điều động một tàu chống tàu ngầm và một tuần dương hạm có trang bị hoả tiễn đến Địa Trung Hải trong khi phương Tây đang chuẩn bị tấn công Syria.  Hải quân Hoa Kỳ đưa thêm khu trục hạm thứ năm USS Stout đến hải phận phía Đông của Địa Trung Hải. Các chiến hạm Anh Mỹ có thể bất cứ lúc nào tiến vào hải phận  Israel, Li-Băng, hai nước giáp ranh Syria ở phía đông, bờ biển Li-Băng cách Damascus chưa tới 100 km.
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon cho biết toán chuyên viên điều tra của Liên Hiệp Quốc sẽ đệ nạp báo cáo trong tuần này.
Điện Kremlin loan tin Tổng thốn
uss-cape-st-george
Tàu USS Cape St. Geroge phóng hoả tiễn hành trình Tomahawk - Photo Wikipedia Commons
g Nga và Thủ tướng Đức đồng ý là phúc trình của toán điều tra của Liên Hiệp Quốc từ Syria về cần được chuyên viên của Liên Hiệp Quốc giám định. Kremlin cũng cho hay Tổng thống Putin và Tổng thống Iran Hassan Rowhani điện đàm với nhau, đồng ý rằng không một ai được phép sử dụng vũ khí hoá học, nhưng cùng phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào xứ đồng minh Syria của họ.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ và đồng minh đang hành xử cùng lúc như quan toà, phụ thẩm và người thi hành pháp luật. Tổng thống Pháp Francois Hollande, sau phiên họp với tổ chức kháng chiến chính yếu của Syria Ahmad al-Jarba, tuyên bố thế giới phải hành động để chặn đứng bạo lực tại Syria. Trong khi đó phát ngôn viên chính phủ Pháp tuyên bố kế hoạch của phương Tây để trả đũa Syria không dễ thực hiện.
Tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Hassan Firouzabaldi tuyên bố mọi hành động quân sự chống Syria sẽ đưa Israel vào lò lửa.  Tổng thống Israel Shimon Peres tuyên bố Israel không liên can đến cuộc xung đột ở xứ láng giềng Syria, những sẽ phản ứng bằng tất cả sức mạnh nếu Israel bị tấn công.
Việt-Long
2013-08-29

New York Times lại bị tin tặc tấn công

Trụ sở báo New York Times
Trang mạng NYTimes.com bị tấn công hai lần trong một tháng

Báo New York Times phiên bản điện tử lại bị tin tặc tấn công lần thứ hai trong tháng.

Trên trang Facebook của mình, ban quản trị tờ báo nói đang nỗ lực khôi phục lại trang điện tử, bị tin tặc đánh sập từ 15:00 thứ Ba giờ địa phương (02:00 sáng 28/8 giờ Hà Nội).

Trước đó, tờ báo cũng bị tấn công làm tê liệt hôm 14/8.

Giới chuyên gia nói một nhóm tin tặc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tổ chức vụ tấn công hiện tại.

Website NYTimes.com được nói đã hoạt động trở lại một phần sau ba tiếng đồng hồ, nhưng cho tới 9:00 sáng thứ Tư 28/8 giờ Hà Nội, truy cập vẫn hết sức khó khăn.

Để khắc phục, ban biên tập đã đăng bài trên trang Facebook và một website phụ.

Mark Frons, người phụ trách thông tin của tờ báo, nói với các nhân viên New York Times rằng vụ tấn công là do nhóm Quân đội Điện tử Syria, vốn ủng hộ ông Assad, hoặc "ai đó đang rất cố gắng để cho giống họ", thực hiện.

Ông cảnh báo các nhân viên "thận trọng khi gửi email cho tới khi tình hình được giải quyết".

Các chuyên gia an ninh nói có đủ bằng chứng rằng nhóm tin tặc nói trên đã gây ra sự cố này.

Ken Westin, chuyên gia an ninh mạng thuộc Tripwire, nói với BBC: "Trang miền NYTimes.com chỉ về trang SyrianElectronicArmy.com nối với một địa chỉ IP ở Nga, do vậy đây rõ ràng là tấn công tin tặc".

Tấn công liên tiếp

Nhóm Quân đội Điện tử Syria cũng nói đã tấn công vào trang thông tin liên lạc của ban quản trị mạng xã hội Twitter.

Gần đây, các trang mạng của Washington Post, CNN và Time đều bị tấn công trong các vụ được cho là do người của nhóm tin tặc nói trên thực hiện.

Ông Westin nhận xét: "Các cuộc tấn công vào các trang tin dường như đang gia tăng và chuyển dịch từ hình thức tấn công từ chối dịch vụ (DD0S) đơn giản sang hình thức chiếm lĩnh cả trang, và nếu tin tặc thành công thì hàng triệu người sử dụng các website như NYT sẽ bị ảnh hưởng".

Giống như lần đầu tiên New York Times bị tấn công, lần này Wall Street Journal - đối thủ của NYT, cũng bỏ chặn dịch vụ và cho phép độc giả được vào đọc tin miễn phí.

Hồi tháng 1/2013, New York Times cho hay tin tặc đã đột nhập và ăn cắp password của 53 nhân viên sau khi báo này đăng bài về tài sản của gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Michael Fey, giám đốc công nghệ của hãng an ninh mạng McAfee, cho rằng chừng nào báo chí còn đăng tải tin tức và ảnh hưởng dư luận thì vẫn còn là mục tiêu của tin tặc.
(BBC)
 

Song Chi - Chỉ khen, không được chê

Nhảy nhổm lên khi bị chê 
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong tập tản văn “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông” với bút danh Thảo Hảo, có viết một bài “Ai cho mầy chê con tao xấu?” rất thú vị. Hình như nếu tôi nhớ không lầm, bài tản văn đó ra đời nhân dịp một bộ phim bị báo chí chê và nhà đạo diễn của bộ phim đó nhảy nhổm lên thì phải.

Ấy vậy mà nhiều năm sau, cái tính nhảy nhổm lên khi bị chê ấy, vẫn cứ diễn ra, mới đây nhất là trường hợp một ca sĩ tự xưng là Mít-tơ gì đó, và nghe đâu còn được phong (chả biết ai phong) là “ông hoàng nhạc Việt”, khi bị một nhạc sĩ lớn tuổi nhận xét thẳng thừng về giọng ca của mình.

Tôi không muốn bàn nhiều về câu chuyện đang làm nóng một số trang báo và trên mạng về văn hóa ứng xử của một thiểu số trong giới nghệ sĩ, showbiz Việt này, cũng không muốn lạm bàn về ca khúc, giọng hát, phong cách hát của ngày xưa trước 1975 (chủ yếu nói đến ca khúc, nhạc sĩ, ca sĩ ở miền Nam) và bây giờ.

6832271116_305.jpg
Trang bìa tập tản văn “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông” của Nhà văn Phan Thị Vàng Anh với bút danh Thảo Hảo.
Điều tôi muốn nói đến ở đây là cái tính không thích nghe chê ấy hình như không chỉ ở một vài cá nhân, cho dù không phải ai khi bị chê cũng phản ứng theo kiểu như ca sĩ Mít-tơ gì đó. Mà cái tính không thích nghe chê bai ấy dường như có ở rất nhiều người Việt mình.

Còn nhớ câu chuyện về một blogger Mỹ có tên Matt Kepnes đi du lịch sang VN, sau đó viết bài chê “Why I’ll never return to Vietnam?” đăng trên tờ Huffingtonpost vào ngày 30 tháng Một, 2012. Sau khi một số tờ báo VN đăng tải lại bài viết này, với cái tựa tiếng Việt là “Cho tiền cũng không quay lại VN” thì bên dưới bài báo lẫn trên các trang mạng xuất hiện làn sóng phản pháo.

Đa số là người VN, cảm thấy tự ái đùng đùng vì những lời chê bai, liền không tiếc lời phản bác, thậm chí "mắng mỏ" anh chàng Matt Kepnes, mà không chịu suy ngẫm xem những điều người ta nhận xét về ngành du lịch, về con người VN có đúng không.

Một ví dụ khác, ông Joel Brinkley, Giáo sư chuyên ngành báo chí tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết một bài bình luận đăng trên tờ Chicago Tribune ngày 29 tháng Một, 2013, trong đó ông phê phán thói quen ẩm thực (ăn thịt chó, thịt thú rừng…) cùng tính cách của người VN. Giáo sư này cho rằng thói quen ăn thịt nhiều khiến người Việt trở nên hung hăng (aggressive) và trong quá khứ VN luôn luôn là một quốc gia hung hăng so với các nước láng giềng.

Bài bình luận đã nhận được phản ứng rất mạnh từ người Việt trong và ngoài nước, đến nỗi vào đầu tháng Hai, 2013, ban biên tập của Chicago Tribune đã phải đăng đính chính, xin lỗi vì đã đăng bài của ông Brinkey. Người Việt còn gửi thỉnh nguyện thư với hàng ngàn chữ ký yêu cầu trường Stanford đuổi việc Giáo sư Brinkey.

Tất nhiên, bài bình luận của ông Brinkey đáng để người VN giận dữ vì mang tính kỳ thị và được viết một cách hoàn toàn cảm tính, không có cơ sở khoa học, lại không chính xác về lịch sử. Nhưng trong vô số ý kiến phản hồi gửi vào trang mạng của tờ Chicago Tribune hay trên những trang báo, mạng trong nước, nếu chúng ta không kềm chế và có những lời nóng giận, mạt sát ông Giáo sư kia thì chẳng phải chúng ta đang vô tình chứng minh nhận xét “người VN hung hăng” của ông ta là đúng hay sao.
“Ở đâu mà chả vậy” 
Nếu bạn là người VN, bạn nói đến những cái xấu, tệ hại của xã hội, của chế độ cũng vậy, sẽ có những người nhảy vào với những luận điệu quen thuộc như: Tham nhũng à, ở đâu mà chả có tham nhũng, tình trạng tội phạm ngày càng tăng ư, nói cho mà nghe nhé, VN mình còn ổn định hơn khối nước, không có khủng bố, không có chiến tranh, không có nã súng giết người hàng loạt, cứ thử nhìn sang Mỹ xem... Hoặc, bạn là ai, có phải là người VN không, sao lại dám mở mồm chê bai, xúc phạm đến đất nước, dân tộc VN? Thật khó mà tranh luận với những luận điểm đánh đồng “ở đâu mà chả vậy”, hoặc đánh đồng giữa đảng, nhà nước với dân tộc, tổ quốc!

Tuy nhiên, nếu nói đến những cái xấu của chế độ hay xã hội, dù sao bây giờ cũng ngày càng có nhiều người đồng tình với bạn. Nhưng nếu cứ thử viết bài mà nói đến những thói hư tật xấu, nhược điểm của đồng bào là dễ bị mọi người ném đá lắm.

Còn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng phiền hơn. Từ văn học, thơ ca, âm nhạc cho đến hội họa, phim ảnh…ở VN bây giờ dường như đều thiếu vắng những cây bút phê bình có uy tín, có trình độ chuyên môn, sắc sảo, thẳng thắn chỉ ra những cái dở, cái tệ của tác phẩm, của người sáng tác, người biểu diễn.

Trên mặt báo, những nhà báo đi viết về những lĩnh vực này không phải ai cũng có hiểu biết vể chuyên môn, ví dụ như nhà báo đi viết về điện ảnh không phải ai cũng học/làm về điện ảnh nên khi viết về một bộ phim chẳng hạn, hầu hết chỉ là giới thiệu nội dung, khen một tí, chê nhẹ nhẹ một tí, thế là xong. Chê mạnh, thể nào cái đám làm phim cũng sừng sộ lên bảo sao không giỏi làm phim đi, hoặc anh/chị không hiểu gì về phim của tôi, rồi nhà sản xuất, đạo diễn cạch mặt không chơi, không mời đi xem phim mới nữa, lấy gì mà viết?

Âm nhạc cũng thế. Nhà báo nếu không phải là nhạc sĩ, không học chuyên môn về âm nhạc, dù có thể có tai nghe, thẩm thấu tốt về âm nhạc, nhưng đố dám bảo đụng vào những ổ kiến lửa tự xưng là “ông hoàng, bà chúa" nhạc Việt với lại di-va di-viếc kia, cùng hàng lũ fan hùng hậu của họ. Nên cứ viết những gỉ vui vui hiếu hỉ, khen nhau cho nó lành. Thế là người ta càng quen được nghe khen, càng tưởng mình tài năng lớn, cộng với bao nhiêu sự hâm mộ của quần chúng…đến khi một ai đó chê thẳng một cái là có chuyện.

Nhìn rộng ra, cái nước mình bây giờ trong mọi lĩnh vực đều cần có những “nhà phê bình” có uy tín, có trình độ, dũng cảm, từ văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục, kinh tế và cả cái chính phủ này. Chính vì không có ai giám sát, phản biện, chất vấn, chê bai nên mọi thứ mới thành ra hỗn loạn đến vậy.

Và cũng chẳng khác gì cái anh ca sĩ kia, nhà nước VN khi bị nghe những lời phản biện thẳng thừng là "chạm nọc" ngay, khi có ai đó lên tiếng đề nghị thành lập đảng phái, tổ chức chính trị đối lập để giám sát những chính sách, việc làm sai lầm của nhà cầm quyền, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc…là lập tức cho truyền thông báo đảng xúm vào đánh hội đồng, tiếp theo là còng số 8, là nhà tù, là bịt miệng…ngay.

Một con người dù có một ít tài năng đi nữa mà chỉ thích nghe khen, không thích bị chê thì rất khó tránh sai lầm, khó tiến xa. Một nhà nước, một dân tộc cũng vậy thôi.
Song Chi
2013-08-29
(RFA)

Người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ

Bùi Viện (1839 – 1878)

Theo Nguyễn Q. Thắng, trong “ Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam” NXB Khoa học Xã hội, năm 1992 cho rằng Bùi Viện là nhân vật xuất ngoại Đầu tiên vận động bang giao với nước Mỹ. Ông hiệu Mạnh Dực, là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ 19, làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Quê làng Trình Phổ, tổng An Hồi, Trực Định, thuộc Kiến Xương, Nam Định

Đường khoa cử và xuất chính làm quan

BuiVien_Grant

Bùi Viện  năm 1856 đỗ Cử nhân. năm 1871 ông nhận nhiệm sở giúp Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế. Bùi Viện được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển.
Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất ( 15 tháng 3 năm 1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhỡn tiền, triều đình đã chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng của thực dân Pháp. Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với Vua Tự Đức. Bùi Viện lúc đó đang được xem như là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển.
Sang Mỹ  tìm đồng minh giao hiếu
Từ cửa biển  Thuận An ở kinh đô Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (tháng 8 năm 1873) và 2 tháng sau thì đến Hong Kong lúc đó đã là nhượng địa của nước Anh và là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Tàu nên 2 bên giao thiệp được. Được biết ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một nguời ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này.
Bùi Viện sau đó đã đi qua Yokohama, Nhật Bản để đáp tàu sang Mỹ, rồi lưu lại ở đó mất một năm vận động mới gặp được Tổng thống Abraham Lincoln (nhiệm kỳ 1861- 1865). Lúc này Pháp và Mỹ đang kình nhau trong chiến tranh ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp.
Texas nổi dậy chống Mexico và sau đó đã được sáp nhập vào Hoa Kỳ. Những tranh chấp về đất đai, lãnh thổ với nước Mỹ đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh Mỹ-México (1846-1848) với thất bại nặng nề thuộc về México. Năm 1848, Hiệp ước Guadalupe-Hidalgo được ký kết, theo đó México mất tới 1/3 diện tích lãnh thổ cho Hoa Kỳ. Những năm 1860, México phải đối mặt với sự xâm lăng của nước Pháp. Công tước Ferdinand Maximilian của Áo (thuộc dòng họ Habsburg) được chọn để trở thành vua của Đế chế México Thứ hai. Tuy nhiên chính thể phong kiến này cũng chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn ngủi.
Chính vì  Mỹ và Pháp mâu thuẫn, nên trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), Pháp dự tính công nhận Confederacy (phe miền Nam ly khai) chống lại Tổng thống Lincoln lãnh đạo Liên bang U.S.A. (miền Bắc) về vấn đề “kỳ thị người Da đen”, nhưng ngay trong nước Pháp, Laboulaye, giáo sư đại học Paris và  các người cấp tiến khác đã viết các sách nhỏ phản đối, nên Pháp do dự và sau đó bỏ hẳn ý nghĩ công nhận miền Nam. Đồng thời Laboulaye vận động thiết kế Tượng Nữ thần Tự do trao tặng nước Mỹ.
Thật là đáng tiếc, Bùi Viện không mang theo quốc thư nên Tổng thống Lincoln không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam.
Sau đó, có được quốc thư của vua Tự Đức, Bùi Viện lại xuất dương một lần nữa. Năm 1875 ông lại có mặt tại Hoa Kỳ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Nội chiến kết thúc, Tổng thống Lincoln bị ám sát, nước Mỹ đang bị xáo trộn nên Tổng thống Ulysses Grant khước từ sự cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp.
Bùi Viện lại trở  về nước, vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin mẹ từ trần nên về quê cư tang. Ba tháng sau Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức Chánh quản đốc nha Tuần hải . Chẳng bao lâu Bùi Viện mất đột ngột ở tuổi chưa đầy 40.
Đánh giá
Hành trạng cũng như  tư tưởng của Bùi Viện thường được ví và xếp chung vào lớp sĩ phu có tư tưởng canh tân như Phạm Phú Thứ , Nguyễn Lộ Trạch , Nguyễn Trường Tộ .
Vua Tự Đức đã có  lời phê: “ Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỉ thần ắt cũng chứng cho”
Lịch sử  đã coi ông là người Việt Nam đầu tiên  đặt chân lên đất nước Mỹ.
Lê Kim (1821–1866)
Nhưng trong cuốn sách “Con đường Thiên lý” (NXB Văn hóa – Thông tin), nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục, chứng minh rằng trước Bùi Viện 20 năm, có  một người Việt đã thực hiện một chuyến phiêu lưu ở miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ như một cao bồi thực thụ.
 Từ một người đi tìm vàng ở California, Lê Kim đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ, sinh năm Tân Tỵ (1821), tức năm Minh Mạng thứ 2, là con của một gia đình thế gia vọng tộc nhưng trong người lúc nào cũng sẵn máu phiêu lưu. Năm ông 21 tuổi, vợ ông bị một viên chánh tổng âm mưu làm nhục rồi giết hại. Sau khi giết tên chánh tổng báo thù cho vợ, ông xuống Phố Hiến (Hưng Yên), xin làm việc trong một tàu buôn ngoại quốc và bắt đầu bôn ba khắp năm châu bốn bể.  
Suốt từ năm 1842 đến 1854, Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất, từ Hương Cảng đến Anh, Hà Lan, Pháp. Do trí tuệ sắc sảo, đến đâu ông cũng học được ngoại ngữ của các nước đó.
Năm 1849, ông đặt chân đến thành phố  New Orleans, Louisiana (Hoa Kỳ), bắt đầu chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm  đường về cố hương.
Du thuyền tới California vào lúc bắt đầu Cơn sốt vàng
Cơn sốt vàng California (California Gold Rush 1848 – 1855 ) bắt đầu tháng 1 năm 1848, khi James W. Marshall phát hiện vàng ở Sutter’s Mill , Coloma, California. Thông tin về việc tìm vàng đầu tiên từ những người ở Oregon , Sandwich Islands ( underline”>Hawaii), và Mỹ La tinh, họ là những người đầu tiên đổ xô đến bang California vào cuối năm 1848. Khi tin này lan ra, khoảng 300.000 người đã đến California từ khắp nơi trên nước Mỹ và từ nước ngoài. Trong số đó, khoảng phân nửa là đến bằng đường biển và nửa đến từ miền đông bằng California Trail và tuyến sông Gila.
Những người tìm vàng đầu tiên được gọi là ”forty-niners”, đến California bằng thuyền buồm và bằng covered wagons xuyên qua lục địa, thường phải chịu nhiều gian khổ trong chuyến đi. Trong khi phần lớn những người mới đến là người Mỹ, cơn sốt vàng cũng thu hút hàng ngàn người từ Mỹ Latin, châu Âu, châu Úc và châu Á. Ban đầu, những người tìm kiếm đã đãi vàng từ các con suối và lòng sông với các kỹ thuật đơn giản, như đãi, và sau đó phát triển các phương pháp chiết vàng tinh vi hơn và sau này được cả thế giới áp dụng. Vàng có giá trị hàng tỷ dollar Mỹ theo thời giá hiện nay đã được khai thác được, dẫn đến sự giàu có cho một số người, nhiều người trở về quê với vẻn vẹn một chút vàng có giá trị chỉ cao hơn lúc họ mơi bắt đầu.
Hiệu ứng của cơn sốt vàng California khá quan trọng. San Francisco phát triển từ một ngôi làng lều trại thành một boomtown, và đường sá, nhà thờ, trường học và các thị trấn khác đã được xây dựng. Một hệ thống luật lệ và chính quyền đã được tạo ra, dẫn đến sự gia nhập của California là tiểu bang thứi 31 của Hoa kỳ vào năm 1850 với thủ phủ là Sacramento và từ đó California có nickname là “Tiểu bang Vàng” (Golden State). Các phương thức vận tải đã phát triển khi tàu hơi nước đã được đưa vào hoạt động thường xuyên và đường sắt đã được xây dựng. Công việc kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực tăng trưởng chính của California đã được bắt đầu trên một quy mô rộng khắp bang.
Sau khi đến Mỹ, Trần Trọng Khiêm cải trang thành một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Tây Hoa Kỳ. Sau đó ông trở về thành phố San Francisco, California và làm ký giả cho tờ Daily News 2 năm. Cuộc phiêu lưu của Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) trên đất Mỹ đã được nhiều tài liệu ghi lại.  
Trong cuốn sách La Rueé Vers L’or của tác giả Rene Lefebre (NXB Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Mexico… Họ gặp nhau ở thành phố New Orleans,A tiểu bang Louisiana vào giữa thế kỷ 19 rồi cùng hợp thành một đoàn đi sang miền Viễn Tây tìm vàng.  
Thời đó, “Wild West” (miền Tây hoang dã) là cụm từ người Mỹ dùng để chỉ bang California, nơi mà cuộc sống luôn bị rình rập bởi thú dữ, núi lửa và động đất. Trong gần 2 năm, Lê Kim đã sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Ông đã tham gia đoàn đào vàng do một người ưa mạo hiểm người Canada tên là Mark lập nên.  
Để tham gia đoàn người này, tất cả các thành viên phải góp công của và tiền bạc. Lê Kim đã góp 200 Mỹ kim vào năm 1849 để mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Đoàn có 60 người, nhưng Lê Kim đặc biệt được thủ lĩnh Mark yêu quý và tin tưởng. Do biết rất nhiều ngoại ngữ, ông được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lĩnh Mark và thông ngôn các thứ tiếng trong đoàn, gồm tiếng Hà Lan, tiếng Trung, tiếng Pháp. Ông cũng thường xuyên nói với mọi người rằng ông biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt Nam, nhưng không cần dùng đến. Lê Kim nói ông không phải người Hoa, nhưng đất nước nằm ngay cạnh nước Tàu. 
Ông và những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài ca rất nổi tiếng thời đó là “Oh! Suzannah”:
  -  “Oh! My Suzannah! Đừng khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng nhau cất ngôi nhà hạnh phúc”.

Họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ để đến California tìm vàng. Sốt rét và  rắn độc đã cướp đi mất quá nửa số thành viên trong đoàn.   Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng. Nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm, khiến già nửa thành viên trong đoàn chết vì vất vả, đói khát và nguy hiểm dọc đường đi. 
Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người học rộng, hiểu nhiều, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ, Lê Kim nhanh chóng xin được công việc chạy tin tự do cho nhiều tờ báo như tờ Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening.  
Đề tài mà Lê Kim thường viết là về cuộc sống đầy hiểm họa và cay đắng của những người khai hoang ở bắc California và quanh khu vực San Francisco, trong đó ông hướng sự thương cảm sâu sắc đến những người da vàng mà thời đó vẫn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Lê Kim cho rằng, các mỏ vàng đã khiến cuộc sống ở đây trở nên méo mó và sa đọa không gì cứu vãn được. 
Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8/11/1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Mỹ John A. Sutter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, ông đã được tướng Sutter giúp đỡ rất nhiều. Sau khi bị lật đổ, Sutter đã bị tâm thần và sống lang thang ở khắp các bến tàu để xin ăn, bạn bè thân thiết đều không đoái hoài đến.  
Khi tình cờ gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 Mỹ kim. Ông đã chê trách thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của người dân San Francisco và nước Mỹ với tướng Sutter, điều mà theo ông là đi ngược với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ông. 
Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn và nhiễu nhương ở Mỹ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương ngày đêm thúc giục, Lê Kim đã tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng ông cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ. 
Người Minh Hương cầm quân chống Pháp 
Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt Nam vẫn dưới cái tên Lê Kim. Để tránh bị truy nã, ông không dám trở về quê nhà mà phải lấy thân phận là người Minh Hương đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Trong di chúc để lại, ông dặn tất cả con cháu đời sau đều phải lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ ở làng Xuân Lũng. 
Trong bức thư bằng chữ nôm gửi về cho người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Hoa Kỳ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường. Khi người anh nhắn lại: “gia đình bình yên và lúc này người đi xa đừng vội trở về”, Lê Kim đã phải tiếp tục chôn giấu gốc gác của mình ở miền Tây Nam Bộ. 
Nhưng chưa đầy 10 năm sau, khi làng xóm bắt đầu trù phú thì thực dân Pháp xâm lược nước ta. Lê Kim đã từ bỏ nhà cửa, ruộng đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười. Tài bắn súng học được trong những năm tháng ở miền Tây Hoa Kỳ cùng với kinh nghiệm xây thành đắp lũy đã khiến ông trở thành một vị tướng giỏi. Năng khiếu ngoại ngữ cũng giúp Lê Kim cảm hóa được một nhóm lính Pháp và dùng chính nhóm lính này tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới, khiến cho quân giặc điêu đứng.  
Năm 1866, trong một đợt truy quét của Pháp do tướng De Lagrandìere chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim đã tuẫn tiết chứ nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Gia phả nhà họ Lê do hậu duệ của Lê Kim gìn giữ có ghi lại lời trăn trối của ông: “Trước khi chết, cụ dặn cụ bà lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi con, dặn chúng tôi giữ đạo trung hiếu, đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ ngãi. Nghĩa quân chôn cụ ngay dưới chân Giồng Tháp. Năm đó cụ chưa tròn ngũ tuần”. Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối: “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”. 
Như vậy, không chỉ là người đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, Lê Kim còn là một trong những nhà yêu nước can đảm đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Dù cuộc khởi nghĩa của ông cùng chung số phận với nhiều cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị thực dân Pháp và triều đình Nguyễn đánh tan, nhưng Lê Kim vẫn được công nhận là một trong những danh nhân lớn ở Đồng Tháp thế kỷ 19.
Tóm tắt
Trần Trọng Khiêm (Lê Kim) trở thành người Việt đầu tiên làm Cao bồi (cowboy) đầu tiên trong phong trào đi tìm vàng tại Mỹ, cũng cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ. Không chỉ là người đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, Lê Kim còn là một trong những nhà yêu nước can đảm đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Và Lê Kim vẫn được công nhận là một trong những danh nhân lớn ở Đồng Tháp thế kỷ 19.
Bùi Viện sang Mỹ, yết kiến Tổng thống Lincoln. Lúc này Pháp và Mỹ đang kình nhau trong chiến tranh ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng vì Bùi Viện không mang theo quốc thư nên Hai bên không thể có một cam kết chính thức.Phải chi, nếu lần đầu tiên yết kiến Tổng thống Mỹ mà Bùi Viện có Quốc thư thì biết đâu lịch sử quan hệ Việt – Mỹ lật sang một trang mới.
Chính Tổng thống Lincoln, khi kết thúc Nội chiến, đã đọc diễn văn nổi tiếng Gettysburg với câu : “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” – mà trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 2-9-1945 cũng ghi lại câu này và còn chép lại câu đầu của bản Tuyên ngôn Độc lâp năm 1776 của Hoa Kỳ.

Phạm Vũ

Trích từ Việt Văn Mới
(Tham khảo: Tài liệu về Lê Kim & Bùi Viện trên Sách báo , Internet)
(TC Phía Trước)
 

Nhức mắt trước tấm pano ghi sai tên nước Việt Nam

Một tấm pano cỡ lớn ghi sai tên nước với nội dụng "Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam" được dựng lên tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) nhiều ngày qua đã khiến nhiều người dân bức xúc.
Điều đáng nói, ngay sau khi tấm pano ghi sai tên nước được dựng lên, người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại để sửa đổi, song đến nay tấm biển vẫn đứng "hiên ngang" giữa ngã tư phố.
Trước sự việc này, nhiều người dân bức xúc cho rằng, việc dựng một tấm pano ghi sai tên nước là hành động thể hiện sự cẩu thả không thể chấp nhận.
"Rõ ràng tấm pano cỡ lớn ghi sai tên nước lại đứng hiên ngang giữa phố không chỉ hai con mắt nhìn thấy, mà sẽ đập vào hàng nghìn đôi mắt. Nếu cứ để dòng chữ như thế này, chúng tôi cũng không biết nước Việt Nam được đổi tên từ bao giờ?," chị NTN, một người dân nói.  
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ tối 29/8, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận: “Sai sót như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với một tấm pano biểu ngữ chào mừng ngày Quốc khánh.”



Dòng chữ "Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam"

Ông Nguyễn Khắc Lợi cho hay, tấm pano đặt ở vị trí ngã tư Nguyễn Lương Bằng-Xã Đàn đó thuộc sự quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp của Phòng Văn hóa quận Đống Đa. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Văn hóa quận Đống Đa cử người đến tận nơi, trực tiếp kiểm tra và sửa lại chữ viết trên tấm pano ngay trong buổi tối hôm nay, 29/8,” Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định.
Theo ông Lợi, để dẫn đến sự sai sót này là do sự thiếu thận trọng của những người trực tiếp làm tấm pano và sự lơ là của cán bộ của Phòng Văn hóa quận Đống Đa trong việc giám sát, kiểm tra việc triển khai hệ thống pano, biểu ngữ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Từ sự việc nêu trên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ tiến hành kiểm điểm đối với những người trực tiếp liên quan và rút kinh nghiệm đối với toàn bộ các đơn vị có liên đới tới việc dựng các loại pano, biểu ngữ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội để tránh những trường hợp tương tự.
Trước thông tin về việc viết sai tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên tấm pano chào mừng ngày Quốc khánh, tiến sỹ Nguyễn Thế Hưng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng đây là một sai sót lớn, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa.
“Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung đối với du khách quốc tế. Liệu họ sẽ nghĩ gì khi tới thăm một đất nước mà đến ngay tên nước cũng bị viết sai ngay trên chính địa bàn Thủ đô của đất nước đó?” tiến sỹ Nguyễn Thế Hưng bày tỏ quan điểm của mình./.

(TTXVN) 

Thù lao sếp ngân hàng nào cao nhất Việt Nam?

Tính bình quân trong năm 2012, lãnh đạo Eximbank hưởng mức thù lao hàng tháng cao nhất với 243 triệu đồng, các sếp ACB là 190 triệu đồng, Sacombank là 149 triệu đồng. Đây mới chỉ là số liệu nổi ở những ngân hàng công khai quỹ thù lao dành cho Ban lãnh đạo.
Báo cáo khảo sát được hãng kiểm toán KPMG công bố gần đây khiến không ít người sẽ bất ngờ khi quỹ lương chiếm hơn một nửa tổng chi phí hoạt động các ngân hàng Việt Nam năm 2012 trong lúc phản ánh của các nhân viên trong ngành cho biết, thu nhập đã giảm đáng kể so với thời hoàng kim những năm trước 2009.
Theo đó, mặc dù bình quân thu nhập nhân viên ngân hàng căn cứ theo quỹ lương chi trả trong 6 tháng đâu năm 2013 ở mức rất cao, song những số liệu này được cho là đã “cào bằng” và không phản ánh đúng thực tế.
Nếu như số liệu bình quân sổ sách, thu nhập ở ngành này lên tới con số từ gần 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng thì phản hồi của những người trong cuộc lại cho biết, đây là con số bình quân mà nhân viên phải “cõng” cho các sếp.
Thậm chí, có những ngân hàng, lương nhân viên chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập một nhân viên bình thường ở Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, con số gây “sốc” so với tính toán phải trên 20 triệu đồng!

Chi phí nhân viên chiếm quá nửa chi phí hoạt động ngân hàng năm 2012 (Nguồn: KPMG).
Chi phí nhân viên chiếm quá nửa chi phí hoạt động ngân hàng năm 2012 (Nguồn: KPMG).

Mối quan tâm được nhiều người đặt ra: Nếu trên thực tế nhân viên đang phải “chịu oan” vì “cõng” thu nhập bình quân cho sếp thì mỗi tháng, sếp ngân hàng hưởng lương bao nhiêu?
Thông thường tại các ngân hàng, kế hoạch chi thù lao cho các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành thường phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tại mỗi phiên triệu tập họp thường niên.
Đại hội cổ đông của ngân hàng sẽ biểu quyết thông qua phương án thù lao cho lãnh đạo căn cứ theo kết quả lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm, chi trả sau khi có kết quả lợi nhuận sau thuế được kiểm toán.
Đến nay, mặc dù các ngân hàng cổ phần đều đã công bố nghị quyết ĐHCĐ tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng công khai kế hoạch chi thù lao cho lãnh đạo. Dưới đây, Dân trí điểm qua về mức lương của các lãnh đạo ngân hàng trong năm 2012 dựa theo số liệu thu thập được từ tài liệu và Nghị quyết ĐHCĐ thường niên và dự kiến mức thù lao cho năm 2013.
Theo thống kê, NHTMCP Á Châu (ACB) có quỹ thù lao lãnh đạo cao nhất trong năm 2012 với gần 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số lượng 19 người trong danh sách (bao gồm cả 3 ban) nên bình quân thu nhập trong năm 2012 của lãnh đạo ngân hàng này là 2,3 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 192,6 triệu đồng/người/tháng.
Mức thù lao trên 190 triệu đồng/người/tháng là mức bình quân chung cho 19 người, do đó, Chủ tịch HĐQT dĩ nhiên sẽ nhận được mức thù lao cao hơn 190 triệu đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT ACB chưa hẳn là người nhận được mức thù lao cao nhất trong ngành ngân hàng. Vị trí này nhiều khả năng thuộc về ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Đơn vị: Triệu đồng/người/tháng.
Đơn vị: Triệu đồng/người/tháng.

Quỹ thù lao lãnh đạo trong HĐQT và Ban Kiểm soát của Eximbank trong năm 2012 lên tới gần 32,1 tỷ đồng (tương ứng với 1,5% lợi nhuận sau thuế) và như vậy, năm vừa rồi, bình quân mỗi thành viên trong ban lãnh đạo Eximbank “đút túi” 2,9 tỷ đồng. Tính ra mỗi tháng, thu nhập lãnh đạo Eximbank đạt 243 triệu đồng – mức cao nhất theo trong danh sách dựa theo số liệu thu thấp được.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chịu chi không kém cho những người “đứng mũi chịu sào”. Thu nhập tính theo tháng của lãnh đạo Sacombank đạt 149,2 triệu đồng, cả năm 2012 đạt gần 1,8 tỷ đồng.
Năm vừa rồi, Sacombank dành cho riêng HĐQT và Ban Kiểm soát quỹ thù lao tương ứng 2,5% lợi nhuận sau thuế 2012 và năm nay, tỷ lệ này đã được giảm xuống còn 2% lợi nhuận sau thuế 2013. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các kênh đầu tư đều khó khăn thì với lợi thế là một ngân hàng bán lẻ, các lãnh đạo Sacombank nhiều khả năng để nâng thu nhập bản thân.
Ngân hàng Quân đội (MB) thời gian vừa qua “gây bão” với mức lương “khủng” của nhân viên và lương bình quân lãnh đạo MB hẳn cũng khiến nhiều người mơ ước.
Trong năm 2012, lãi sau thuế của MB tăng gần 8,7% và ngân hàng đã dành 0,5% chi cho thù lao Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát. Bình quân năm, lãnh đạo MB nhận hơn 1 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng thu về 87,3 triệu đồng. Trong năm nay, MB dự kiến giữ nguyên tỷ lệ chi trả cho lãnh đạo là 0,5% lợi nhuận sau thuế 2013.
Các ông lớn như Vietcombank, Vietinbank, và SHB sau sáp nhập có mức chi trả bình quân cho lãnh đạo với mức gần tương đương và không mấy nổi bật so với những đơn vị cùng ngành.
Lương lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát ở Vietcombank hàng tháng là 68,5 triệu đồng, tại SHB là 74,7 triệu đồng và tại Vietinbank, mức lương cho lãnh đạo HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành bình quân là 73,2 triệu đồng.
Trong năm nay, Vietcombank dự kiến nâng tỷ lệ chi trả cho ban lãnh đạo từ 0,28% lợi nhuận sau thuế trong năm 2012 lên 0,35%. Còn Vietinbank tỷ lệ giảm nhẹ từ 0,3% xuống 0,29%.
Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) – một trong những ngân hàng niêm yết đầu tiên báo lỗ 6 tháng đầu năm 2013 và là ngân hàng thuộc diện yếu kém, phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trong năm vừa rồi chi trả 2 tỷ đồng cho 7 thành viên trong HĐQT. Bình quân mỗi người trong năm nhận 285,7 triệu đồng ứng với mức thu nhập hàng tháng 23,8 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó “ông lớn” BIDV vừa cổ phần hóa từ 1/5 năm ngoái mới chỉ công bố lợi nhuận sau thuế 2,919,3 tỷ đồng giai đoạn 1/5-31/12/2012, cả năm lợi nhuận trước thuế 4.246 tỷ đồng. Ngân hàng chi 0,45% lợi nhuận sau thuế cả năm cho Ban lãnh đạo bao gồm các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Sang năm nay, BIDV dự kiến chi 0,44% lợi nhuận sau thuế 2013 cho quỹ thù lao này.
Ngoài ra, còn hàng chục ngân hàng khác nằm ngoài danh sách mà người viết chưa thể thống kê hết do không đủ dữ liệu. Tuy nhiên, qua đó, độc giả cũng phần nào hình dung được bức tranh về lương lãnh đạo ngành ngân hàng ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Bích Diệp
(Dân trí)
 

Tiểu thuyết viết về 'Tư Bản Đỏ' bị cấm phát hành

Quyển tiểu thuyết “Đại gia” tuy là sáng tác hư cấu nhưng lại miêu tả mối quan hệ làm ăn kiểu xã hội đen giữa quan chức và các tập đoàn kinh tế, bị buộc “đình chỉ phát hành”.

Bìa tập 1 tiểu thuyết "Đại gia" và nhà văn Thiên Sơn. Bộ tiểu thuyết 2 quyển này đang bị "đình chỉ phát hành". (Hình: VNExpress)

Chuyện này lình xình từ cuối Tháng Bảy vừa qua nhưng mới đây công ty sách Alpha liên kết với nhà xuất bản Lao Động đứng ra phát hành quyển tiểu thuyết nói trên đã phải gửi văn thư “đề nghị các đối tác thu hồi toàn bộ số ấn bản hiện tồn và gửi về kho của mình.”

Cho tới nay, dường như sách chưa được phát hành rộng rãi dù đã in xong trong tháng 7.

Đại gia là bộ tiểu thuyết 2 tập của tác giả Thiên Sơn, được giám đốc NXB Lao Động Lê Huy Hòa ký giấy phép xuất bản ngày 28-5-2013. Tập một có tiểu tựa “Tam giác ngầm” và tập hai có tiểu tựa “Quyền lực đen”.

Ngày 31/7/2013, ông Chu Văn Hòa, cục trưởng Cục Xuất bản của Bộ Thông tin – Truyền thông CSVN, gửi văn thư đến NXB Lao Động và Alpha Books đòi hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, và “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên”. Đồng thời còn yêu cầu “có văn bản gửi về Cục Xuất bản trước ngày 25-8-2013”.

Cái văn thư của ông Chu Văn Hòa cáo buộc rằng “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương”.
“Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội”.
“Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.
Trên báo mạng VNExpress, tác giả Thiên Sơn cho rằng tác phẩn của ông chỉ là sản phẩm của hư cấu “về mối quan hệ giữa người đẹp - đại gia, giới quan chức, về những quan hệ làm ăn có những thế lực ngầm chống đỡ phía sau.”
Theo ông, coi tiểu thuyết của ông "cường điệu quá mức" là phi lý vì “nghệ thuật phải hướng đến cái độc đáo, phi thường và không thể đồng nhất với sự cường điệu”.
Ông được thuật lời là "Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái".

Chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội xưa nay vốn rất nhạy cảm với bất cứ gì bị nghi ngờ là chống đối hay chửi đảng và nhà nước. Báo chí tại Việt Nam đã nhiều lần đưa ra những lời cảnh cáo của một số người về những  “sân sau”, “lợi ích nhóm” của đám quan chức có thế lực. Tiểu thuyết giả tưởng nhưng lại có vẻ “hiện thực” nên bị coi là vạch lưng chế độ ra để thiên hạ chửi.
Theo VNExpress, “Nhà văn mong những người thẩm định tác phẩm hãy đọc một cách sáng tạo, đừng soi mói, đối chiếu văn chương với hiện thực để quy kết.”

Tác giả Thiên Sơn cho rằng nếu Cục Xuất Bản muốn “thẩm định lại” thì “buổi thẩm định nên được công khai và để cho những người có trình độ văn chương ở các cơ quan văn học lớn như Hội Nhà văn, Viện Văn học đánh giá. Tác giả cũng đề xuất mở một cuộc điều tra độc giả, nếu cần thiết, để biết nhận định của họ, liệu có "ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội" như ý kiến của Cục hay không.”

VNExpress nói theo Thiên Sơn, “con số những bạn đọc ủng hộ tác phẩm trên mạng xã hội khá đông, khiến anh cảm thấy vui hơn là buồn”.
Hơn hai tháng trước, hàng trăm tờ báo và cả truyền thanh truyền hình “lề phải” mở chiến dịch “ném đá tập thể” một luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên, giúp cô trở nên nổi tiếng khắp nơi. Thật ra, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của cô Nhã Thuyên đã trình tại đại học sư phạm Hà Nội và được chấm điểm tối đa 10/10 hồi năm 2010 (khi đó mới 24 tuổi).
Luận văn có tựa đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”.
Hai năm sau, mới thấy ông giáo sư Phong Lê và nhà phê bình Chu Giang phát pháo chiến dịch ném đá tại “ Hội nghị lý luận phê bình lần thứ 3 của Hội nhà văn VN” ngày 05/6/2013. Rồi đến ngày 13/6/2013 thấy báo “Văn nghệ TP HCM” đăng tải bài viết của ông Chu Giang dập thậm tệ luận văn và tác giả Nhã Thuyên.
Tác giả Nhã Thuyên bị vu cho những tội tày trời đối với chế độ như “âm mưu lật đổ đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “ kích động nhân dân chống chế độ”, “phỉ báng, bôi nhọ chủ tịch Hồ Chí Minh”, “một luận văn vô văn hóa, bẩn thỉu, đê tiện, chống lại chế độ, chống lại dân tộc, chống lại đất nước và chống lại cả loài người”…
Bị vu cho tội “chống lại cả loài người” nhưng nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn thuộc “Nhóm Mở Miệng” tại Việt Nam, ngày 25/4/2011 đã được Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản 2011. Giải này được trao tại Buenos Aires, trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37.

(Người Việt) 

Nghị định 72: Vẫn được sẻ chia thông tin trên mạng

Một vấn đề khiến dư luận băn khoăn hiện nay là trong quá trình sử dụng thông tin trên mạng, người dân chỉ được phép chia sẻ thông tin ở mức độ nào để không bị vi phạm luật. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.



´Thưa ông, theo Điều 20 của Nghị định 72, trang thông tin điện tử (TTĐT) cá nhân do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Như vậy, các cá nhân trên mạng xã hội sẽ không được trích dẫn, sẻ chia thông tin từ các trang TTĐT, các tờ báo mạng?

Tôi khẳng định là không có việc cấm các cá nhân chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên cũng phải lưu ý thêm là khi cá nhân muốn chia sẻ một thông tin nào đó được tổng hợp từ các nguồn trên Internet, các báo hay bất cứ tài liệu nào cần phải gắn kèm đường link hoặc ghi rõ nguồn trích dẫn thông tin để người khác muốn tham khảo thông tin đầy đủ có thể truy cập vào đường link đó. Các cá nhân vẫn có quyền đánh giá, bình luận về vấn đề mà mình chia sẻ nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phát ngôn của mình, đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật.

Quy định này không nhằm hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân mà nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền về thông tin cho các cơ quan báo chí. Thời gian qua, tồn tại tình trạng có những cá nhân lấy lại tin, bài trên các báo, đăng trên mạng xã hội mà không xin phép, có lúc còn tự sửa đổi nội dung, đặt tít giật gân để thu hút người đọc. Điều này đã khiến nhiều cơ quan báo chí hết sức bức xúc.

Điều 20 của Nghị định 72 nhằm mục đích phân loại các trang TTĐT gồm 5 loại: Báo điện tử dưới hình thức trang TTĐT; trang TTĐT tổng hợp; trang TTĐT nội bộ; trang TTĐT cá nhân và trang TTĐT ứng dụng chuyên ngành. Việc phân loại như vậy để loại hình nào sẽ phải có chế tài quản lý phù hợp với loại hình đó.
´Với các cá nhân chia sẻ thông tin mà không trích dẫn nguồn tin hay các tổ chức, cá nhân vi phạm những nội dung kể trên sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Bộ TT-TT đang xây dựng Nghị định về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin và lĩnh vực báo chí - xuất bản và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sớm xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 72. Những văn bản này khi được ban hành sẽ quy định những chế tài xử phạt cụ thể đối với từng hành vi. Tùy vào mức độ, tính chất vi phạm sẽ xem xét hành vi đó bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
´Thưa ông, với những dịch vụ thông tin công cộng xuyên biên giới, Việt Nam sẽ có hình thức quản lý cũng như chế tài ra sao, nhất là những mạng xã hội không có trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam?
Tôi khẳng định là không có việc cấm các cá nhân chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên cũng phải lưu ý thêm là khi cá nhân muốn chia sẻ một thông tin nào đó được tổng hợp từ các nguồn trên Internet, các báo hay bất cứ tài liệu nào thì đều cần phải gắn kèm đường link hoặc ghi rõ nguồn trích dẫn thông tin để người khác muốn tham khảo thông tin đầy đủ có thể truy cập vào đường link đó.
Nghị định 72 mới chỉ đưa ra quy định chung nhất về dịch vụ thông tin xuyên biên giới. Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tiếp tục xây dựng và ban hành thông tư với những điều khoản cụ thể hơn về nội dung này. Về nguyên tắc, thông tư sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Viễn thông, Nghị định 72 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong quá trình xây dựng Nghị định 72 và sắp tới là thông tư quy định về quản lý dịch vụ xuyên biên giới, Bộ TT-TT tham khảo kỹ các hiệp định song phương, đa phương, thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán nhằm đưa ra những chế tài phù hợp, đúng đắn nhất.
´Những hành vi như thế nào được coi là bị cấm khi cung cấp thông tin trên mạng, thưa ông?

Tại Điều 5 của Nghị định 72 có quy định: Đó là những hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống phá Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Xin cảm ơn ông!
(Báo Tin tức)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét