Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý

Vụ Đoàn Văn Vươn - Thông cáo báo chí (số 1)


                                                Thông cáo báo chí (số 1)

       (Về hai vụ án liên quan đến vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012 tại Tiên Lãng, Hải Phòng
                                                được xét xử phúc thẩm)

                                                                                  Hải Phòng, ngày 28/07/2013
Thay mặt các bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn), bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý), tôi – Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ông bà này trong hai vụ án trên, xin thông tin như sau đến các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội trước ngày xét xử phúc thẩm vụ án mà các ông bà này là những bị cáo đã kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Hải Phòng:
1. Vụ án xét xử phúc thẩm Đoàn Văn Vươn và một số thân nhân khác (“Vụ án Đoàn Văn Vươn 1”) được Tòa phúc thẩm khu vực 1 Tòa án nhân dân tối cao bắt đầu tiến hành vào 7h30 sáng ngày 29/07/2013 tại trụ sở Tòa án nhân dân Hải Phòng. Các luật sư Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Vũ Văn Lợi, Nguyễn Việt Hùng, Trần Vũ Hải đã nhận bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm này.
2. Các luật sư đã gửi yêu cầu Tòa phúc thẩm triệu tập đầy đủ những người được coi là người bị hại, người làm chứng, và nhiều người, cơ quan liên quan đến Vụ án Đoàn Văn Vươn 1, trong đó có các ông Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Nguyễn Văn Khanh – nguyên phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa – nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Tiên Lãng, Lê Văn Liêm – nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, đại diện các cơ quan: UBND huyện Tiên Lãng, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng,Công an huyện Tiên Lãng, Giám định viên súng đạn Lê Viết Cần. Chúng tôi được biết Giám định viên súng đạn Lê Viết Cần đã được Tòa phúc thẩm triệu tập để tham gia phiên tòa phúc thẩm này.
3. Do Tòa cấp sơ thẩm đã không tạo điều kiện (thực tế đã cản trở) cho nhiều người muốn tham dự phiên tòa sơ thẩm Vụ án Đoàn Văn Vươn 1, nên 17 người thân và 13 đồng nghiệp của các bị cáo và một số người khác đã có đơn yêu cầu Tòa phúc thẩm tạo điều kiện để họ tham dự phiên tòa phúc thẩm này. Đến nay, thư ký của Tòa phúc thẩm cho biết, việc tạo điều kiện này thuộc trách nhiệm của Công an Hải Phòng. Luật sư Trần Vũ Hải đã có đơn đề ngày 25/07/2013 gửi Giám đốc Công an Hải Phòng và Tòa phúc thẩm yêu cầu các cơ quan này tạo điều kiện cho những người trên tham dự phiên tòa. Chúng tôi hy vọng, sáng ngày 29/07/2013, hai cơ quan này sẽ thực hiện theo đúng quy định của Điều 18 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự…”.
Trân trọng
Thay mặt các bà Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu (tức Hiền)
Luật sư Trần Vũ Hải
(Blog Tễu)

Phạm Đình Trọng - Bóng đen phía sau bản án Điếu Cày

Với tang chứng rất mơ hồ từ những bài báo của CLBNBTD (Câu lạc bộ Nhà Báo tự do) mà Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là nhân vật chủ chốt, tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam buộc Điếu Cày tội tuyên truyền chống Nhà nước và giáng cho anh 12 năm tù giam, 5 năm quản chế sau tù. Mức án nặng đến man rợ! Vì mức án man rợ không bình thường đó người ta phải truy tìm đến bản chất thật của vụ án Điếu Cày là gì.

Tháng chín năm 2007 Điếu Cày mới lập ra CLBNBTD thì tháng tư năm 2008 anh đã bị bắt vì tội trốn thuế. Bảy tháng hoạt động với ba người đều không có nghề báo. Một người làm khinh doanh. Hai người làm nghề luật. CLBNBTD chưa làm được gì đáng kể, chẳng có bài báo nào để lại được dấu ấn cho CLBNBTD, không gây được chú ý cho người đọc. Vì thế, cố gán cho ba thành viên CLBNBTD tội tuyên truyền chống Nhà nước nhưng cáo trạng cũng không thể nêu được ra bài nào chống Nhà nước và chống Nhà nước như thế nào? Đành phải thống kê ra những con số vô hồn, câm lặng, không nói được điều gì: Số bài viết đăng trên trang mạng CLBNBTD 421 bài, trong đó ba thành viên viết 94 bài, còn 327 bài tải từ các trang mạng khác về. Rồi lại phải nhờ đến cơ quan không có nghiệp vụ pháp lí, không có chức năng, không đủ tư cách và không đủ sức giám định văn bản chính trị là sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sài Gòn giám định những bài viết của CLBNBTD. Thực chất việc giám định chỉ là thủ tục và người giám định chỉ viết theo ý cường quyền. Dù vậy cũng chỉ có được bản nhận định rất chung chung, gượng ép về nội dung chống Nhà nước của CLBNBTD.

Tội tuyên truyền chống Nhà nước ở những bài viết của CLBNBTD vu vơ, nhạt nhòa đến mức ngay hệ thống tư pháp Nhà nước rất muốn trị tội Điếu Cày, lúc đầu cũng không thể gán tội cho những bài viết đó vì thế họ phải dựng lên tội trốn thuế.
Tranh David Malan
Khi tội trốn thuế được định tên, dù không chấp nhận, gia đình Điếu Cày vẫn xin truy nộp để khắc phục nhưng không được cơ quan tư pháp cho khắc phục mà quyết đưa Điếu Cày ra tòa. Đó cũng là điều vô cùng bất thường. Trốn thuế chỉ là tội kinh tế, không gây nguy hiểm cho xã hội, số tiền lại quá nhỏ, chỉ vài trăm triệu đồng. Quan hệ giữa người dân đóng thuế và Nhà nước thu thuế là quan hệ dân sự, hành chính. Quan hệ giữ người dân có công đóng thuế nuôi Nhà nước và Nhà nước chịu ơn người dân đóng thuế nuôi mình. Người đóng thuế chưa nộp thuế đầy đủ, Nhà nước phải tạo điều kiện và hướng dẫn cho người dân khắc phục số tiền thuế còn thiếu. Không cho người dân được truy nộp thuế, quyết đẩy người dân thành tội phạm, Nhà nước đã hình sự hóa một quan hệ dân sự. Đó là việc cố tạo dựng tội cho người dân lương thiện, cố biến người đang kinh doanh đóng thuế nuôi Nhà nước thành người ngồi không ăn cơm tù để Nhà nước phải nuôi!
Tư tưởng chính thống của Nhà nước Việt Nam hiện tại là kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin. Viết bài không tán thành nền tảng tư tưởng Mác Lê nin và những chủ trương, chính sách, việc làm theo tư tưởng Lê nin nít thì những bài viết của Điếu Cày và CLBNBTD không thể so được với những bài viết thẳng thắn của nhiều người đã viết từ hơn chục năm trước.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu với những tác phẩm dày dặn đã thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, bác bỏ tư tưởng chính thống của đảng Cộng sản và Nhà nước đương quyền: “Thực chất chủ nghĩa Mác Lê nin chỉ là một khát vọng đẹp đẽ nhưng ảo tưởng, phi khoa học, chống lại qui luật tự nhiên”. Những tác phẩm của tiến sĩ Hà Sĩ Phu như Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ, Chia Tay Ý Thức Hệ như tiếng sét, như tia chớp làm nhiều người Việt Nam bừng tỉnh thoát khỏi cơn mê sảng lầm lạc trong mớ lí thuyết huyễn hoặc của chủ nghĩa Mác Lê nin. Tầng lớp trí thức tiếp nhận những bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu như tiếp nhận một chân lí hiển nhiên, một sự thật bình dị mà lâu nay họ không nhận ra.
Bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, tiến sĩ Hà Sĩ Phu cũng bác bỏ nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng sản gây thiệt hại cho nước, gây tai họa cho dân. Những bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã giải thiêng chủ nghĩa Mác Lê nin, giải độc cho xã hội Việt Nam, thức tỉnh nhiều người dân Việt Nam, tạo nên một đội ngũ, một lực lượng xã hội đông đảo, mạnh mẽ đòi tự do dân chủ, đòi quyền con người, quyền công dân, đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ sự độc quyền quyền lực của đảng Cộng sản. Những bài viết mang tư tưởng không đồng thuận với đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của tiến sĩ Hà Sĩ Phu có tác động xã hội sâu rộng và mạnh mẽ như vậy thực sự rất bất lợi cho Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Một Nhà nước quyền uy, say bạo lực, cai trị dân bằng bạo lực chuyên chính vô sản thì không thể tha thứ cho những bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu phản bác lại Đảng và Nhà nước Cộng sản vậy mà Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng không thể buộc tiến sĩ Hà Sĩ Phu tội tuyên truyền chống Nhà nước!
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu công bố tác phẩm Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ năm 1988, đến cuối năm 1995 bộ máy công cụ bạo lực mới tìm được cơ hội đưa tiến sĩ vào tù bằng một tội từ trên trời rơi xuống. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đang thong dong đạp xe trên đường phố Hà Nội thì có người đi xe máy cố ý quyệt vào xe ông làm cho ông ngã. Công an giăng sẵn trên đường liền xô lại. Kẻ gây tai nạn thì được tự do. Người bị nạn thì bị bắt giữ đưa về đồn công an. Bản sao bức thư ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam mà công an khám thấy trong túi xách tiến sĩ Hà Sĩ Phu liền được công an sử dụng làm tang chứng cho tội “Có hành vi tiết lộ bí mật Nhà nước” để tiến sĩ Hà Sĩ Phu phải nhận bản án một năm tù giam!
Nhắc lai chuyện tiến sĩ Hà Sĩ Phu để càng thấy rằng Điếu Cày không có tội. Buộc cho Điếu Cày tội tuyên truyền chống Nhà nước là hoàn toàn áp đặt, ngang trái, vi Hiến và phiên tòa tuyên Điếu Cày 12 năm tù 5 năm quản chế là phiên tòa không có công lí. Phiên tòa bộc lộ rất rõ mưu đồ độc ác hãm hại một khí phách Việt Nam, một tâm hồn Việt Nam nồng nàn yêu nước.
Hoạt động xã hội nổi bật nhất của Điếu Cày không phải là những bài viết trên trang mạng CLBNBTD mà là ở những hoạt động phản đối Tàu Cộng xâm chiếm đất đai, biển đảo Việt Nam.
Với chiếc máy ảnh trước ngực, Điếu Cày lặn lội lên mảnh đất đầu cùng của Tổ quốc Việt Nam ở Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng chụp ảnh thác Bản Giốc, ghi vào hình ảnh một mảnh đất Việt Nam yêu thương đã bị giặc Tàu chiếm đoạt. Thời thực dân Pháp chiếm nước ta, Pháp đô hộ dân ta, Pháp làm chủ nước ta, toàn bộ thác Bản Giốc còn là của Việt Nam, đường biên giới còn cách xa thác về phía Bắc tới 12 cây số. Thời đảng Cộng sản Việt Nam làm chủ đất nước Việt Nam, thác Bản Giốc chỉ còn phần nửa dưới thấp, phần thác cao hùng vĩ đã thuộc Tàu Cộng rồi! Điếu Cày chụp ảnh thác Bản Giốc, chụp ảnh vết thương nhức nhối trên cơ thể Tổ quốc Việt Nam đưa lên trang mạng.
Điếu Cày cầm bảng chữ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đi đầu trong những cuộc biểu tình liên tiếp, sôi sục đầu năm 2008 phản đối Tàu Cộng đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành chính Tam Sa của Tàu Cộng.
Đúng ngày Tàu Cộng đánh cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 năm trước, ngày 19. 1. 2008, đúng khi Tàu Cộng đang tưng bừng rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đi khắp thế giới và ngọn đuốc đó sắp qua Sài Gòn thì Điếu Cày cùng những người bạn mặc đồ đen để tang Hoàng Sa, trên ngực áo có biểu tượng năm vòng tròn Olympic Bắc Kinh là năm chiếc còng số 8 cạnh hàng chữ Pekin 2008. Nhìn Điếu Cày đứng cao trên thềm Nhà Hát Lớn Sài Gòn ngực áo mang biểu tượng Olympic Bắc Kinh chỉ là những chiếc còng số 8, tay giương cao bảng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Của Việt Nam” bằng chữ Việt, chữ Anh, chữ Tàu, những kẻ cướp Hoàng Sa của Việt Nam đang có mặt lúc nhúc đầy Sài Gòn hẳn phải bầm gan tím ruột. Vì sự bầm gan tím ruột đó và cũng vì ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh khi đến Sài Gòn phải được chào đón tưng bừng, 9 ngày trước khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đến Sài Gòn, Điếu Cày bị bắt.
Với những tình tiết trên đủ để nhận ra quyền lực đòi hỏi phải bắt Điếu Cày không phải là quyền lực Nhà nước Việt Nam. Điếu Cày chỉ bị ba mươi tháng tù về tội trốn thuế cũng chưa làm cho quyền lực đó hả dạ. Vì thế, sau khi mãn hạn tù trốn thuế, 10.2010, Điếu Cày lại bị đưa đi biệt tăm để chờ sự trừng phạt đủ sức hủy hoại Điếu Cày!
Trong thời gian Điếu Cày bị giam trong bóng tối vô định, có một sự kiện xảy ra cách xa Điếu Cày hàng vạn dặm mà dường như có liên hệ đến số phận Điếu Cày. Đó là sự kiện Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi thăm Tàu Cộng đã cùng Tổng bí thư đảng Cộng sản Tàu Cộng Hồ Cẩm Đào kí bản Tuyên bố chung tám điểm ngày 15. 10. 2011.
Điểm thứ tư của Tuyên bố chung có sáu việc thì việc thứ năm là: “Đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh; ...Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; ...tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình.” Thực tế trong quan hệ giữa Tàu Cộng với Việt Nam, giữa nước lớn quen thói trịch thượng, lấn lướt, áp đặt cho nước nhỏ thì “đi sâu hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” chỉ để cho cơ quan công an, tòa án Tàu Cộng nhảy vào các vụ việc, can thiệp, áp đặt buộc công an, tòa án Việt Nam phải thực hiện mà thôi.
Ngày 15. 10. 2011 Tuyên bố chung Việt – Tàu “đi sâu hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” được kí kết ở Bắc Kinh. Ngày 24. 9. 2012, người đàn ông sáu mươi tuổi Điếu Cày bị kêu mức án man rợ 12 năm tù, 5 năm quản chế bởi một tội danh áp đặt, gượng ép: Tuyên truyền chống Nhà nước, trong phiên tòa bịt bùng công an, mật vụ ở Sài Gòn.
Điều bất thường nữa là, tòa án định tội và bị cáo nhận tội là việc ở tòa án. Nhà tù chỉ quản lí việc thi hành án của người tù. Nhưng nhà tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An đã làm công việc của tòa án, ép người tù Điếu Cày kí vào bản nhận tội. Điếu Cày quyết liệt không kí liền bị quản giáo tống vào biệt giam. Bị biệt giam vô lí và bị đối xử tàn ác, phi pháp, Điếu Cày gửi đơn tố cáo lên viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An. Chờ đợi không thấy Viện Kiểm sát trả lời, Điếu Cày phải tuyệt thực đòi công lí.
Lần theo sự việc để xác định thời điểm Điếu Cày bị ép kí bản nhận tội: Bị ép nhận tội. Bị biệt giam và ngược đãi. Gửi đơn tố cáo lên viện Kiểm sát. Chờ không thấy viện Kiểm sát trả lời đơn. Tuyệt thực. Tuyệt thực là hành động sau cùng trong chuỗi sự việc trên. Điếu Cày bắt đầu tuyệt thực từ 22. 6. 2013 thì nhà tù ép Điếu Cày kí vào bản nhận tội vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 15 tháng sáu, tạm xác định mốc thời gian cụ thể là ngày 12. 6. 2013
Lại phải nhắc đến một sự kiện diễn ra cách xa Điếu Cày vạn dặm mà dường như có liên hệ đến việc nhà tù số 6 phải đường đột làm cái việc không thuộc chức năng của nhà tù là ép người tù Điếu Cày kí bản nhận tội: Sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Tàu Cộng.
12. 6. 2013, Điếu Cày bị ép phải kí vào bản nhận tội.
19. 6. 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Tàu
Chữ kí nhận tội của Điếu Cày cần cho Nhà nước Cộng sản Việt Nam trong đối ngoại, để Nhà nước Cộng sản Việt Nam chứng minh với thế giới rằng Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có tù hình sự vi phạm pháp luật. Chữ kí nhận tội của kẻ vi phạm pháp luật đây. Chữ kí nhận tội của Điếu Cày càng cần cho những kẻ muốn khuất phục ý chí độc lập tự chủ của những người Việt Nam yêu nước thương nòi.
Trước chuyến đi Tàu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhà tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An lồng lộn ép Điếu Cày phải kí bản nhận tội càng thấy rõ bản án độc ác, man rợ dành cho Điếu Cày đến từ đâu. Vì cái văn bản thỏa thuận của ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kí với Tổng bí thư đảng Cộng sản Tàu “Đi sâu hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” mà công an, tòa án Việt Nam đang nhẫn tâm, lạnh lùng đầy đọa đến chết một khí phách Việt Nam, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải!

Phạm Đình Trọng
(Dân Luận)

Chủ nghĩa Apartheid ở đô thị Việt Nam

TP HỒ CHÍ MINH – Năm ngoái, khi tôi từ Mỹ quay trở lại thành phố này, tôi phải trả 25USD mỗi tháng để được sống tại một căn phòng đơn trong một dãy phòng nằm dọc theo một con ngõ hôi hám và thường ngập lụt. Dãy phòng cho thuê thấp lè tè với bệ xí bệt và những bức tường bong tróc nằm trong một khu công nghiệp ở ngoại vi thành phố. Nhưng tôi chịu đựng điều ấy để được sống gần một người bà con từ miền Trung vào trước đó. Tôi nhập vào hội bạn bè của anh ta trong ngõ, phần lớn họ gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ cảnh ngộ là người nơi khác đến đây tìm việc.
Điều mà tôi đã không nhận ra lúc đó là một số trong đám kia lại đến thành phố một cách bất hợp pháp, vi phạm một chính sách còn sót lại từ thời kỳ trước khi Việt Nam tự do hoá nền kinh tế trong thập niên 1980.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới mà ở đó người dân phải sống tại những nơi mà họ đã đăng ký hay phải xin phép chính quyền để được cư trú.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới mà ở đó người dân phải sống tại những nơi mà họ đã đăng ký hay xin phép chính quyền để được cư trú. Hệ thống hộ khẩu này chủ yếu vay mượn từ khái niệm hukow của Trung Quốc, vốn ra đời trong những năm sau khi cộng sản lên nắm quyền năm 1949. Tương tự, bắt đầu từ thập niên 1950, giới cai trị cộng sản tại Việt Nam cũng đòi hỏi người dân phải kê khai danh sách thành viên gia đình trong sổ hộ khẩu của mình, bao gồm cả tuổi, nghề nghiệp và dân tộc, nhằm theo dõi sự di chuyển của người dân.

Ban đầu, mục đích của chính sách này là nhằm kiểm soát “những tên phản cách mạng và tội phạm”, Andrew Hardy viết như vậy trên tờ chuyên san học thuật Sojourn. Việc hạn chế di chuyển đặc biệt quan trọng đối với nhà cầm quyền Việt Nam sau khi chiến thắng của cộng sản trước người Pháp ở miền Bắc đã châm ngòi cho một cuộc di cư vào Nam của những thành phần chống cộng sản.
Chiến tranh kết thúc, ngay sau khi Việt Nam tái thống nhất năm 1975, những luật lệ về hộ khẩu được mở rộng ra toàn quốc. Nhiều người dân vẫn ở nguyên một chỗ trong suốt giai đoạn hậu chiến 1975-1986. Lúc bấy giờ, Việt Nam là một nền kinh tế kế hoạch hoá; nhà nước phân phối lương thực và bố trí việc làm trên cơ sở hộ khẩu.
Mặc dù Việt Nam không còn phân phối lương thực nữa song nó vẫn duy trì chính sách hộ khẩu, với hy vọng đẩy lùi hiện tượng bùng nổ dân số ở các đô thị. Chính sách này không chỉ thất bại với mục đích đó, mà còn tạo ra – ngay trong một đất nước tự tuyên bố là phi giai cấp – một nhóm công dân hạng hai.
Trong hệ thống thị trường tự do có kiểm soát mà nay đã thay thế phần lớn hệ thống trợ cấp trước kia, người Việt Nam dựa dẫm vào nhà nước ít hơn để có các dịch vụ và hàng hoá cơ bản và do vậy họ có thêm rất nhiều động lực để đi đến những nơi có việc làm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không yêu cầu hộ khẩu khi tuyển dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Xoan (Trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Tp HCM) thì không có số liệu thống kê nào về số lượng người nhập cư không có giấy tờ. Nhưng bà Hồng Xoan, người từng viết luận án tiến sỹ về đề tài hộ khẩu, lại cho tôi hay rằng phần lớn mọi người không thay đổi giấy tờ khi họ di chuyển. Và theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì số lượng người nhập cư ròng từ nông thôn vào thành thị là 1,4 triệu trong giai đoạn 2004-2008. Con số này 770.000 người trong giai đoạn 5 năm cho đến trước thời điểm diễn ra cuộc tổng điều tra 2009.
Sự chuyển dịch dân số học này đang ảnh hưởng đặc biệt đến Hà Nội. Khoảng 6,5 triệu người sinh sống ở thủ đô năm 2009, so với mức chỉ khoảng 2,7 triệu một thập kỷ trước đó – tăng 240%. Trong cùng khoảng thời gian đó, dân số Việt Nam chỉ tăng 12%.
Tuy nhiên, nhiều người nhập cư lại gặp phải nhiều thách thức ở các thành phố hơn những gì mà họ chờ đợi. Trong khi những cư dân được thừa nhận chính thức ở các thành phố có quyền sở hữu tài sản và được tiếp cận với trường học và dịch vụ y tế công thì những người mới đến lại không được. Những người từ nơi khác đến phải trả gấp đôi chi phí điện nước vì họ không được hưởng một số ít chính sách trợ cấp còn sót lại, vốn đòi hỏi hộ khẩu. Họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, và các quan chức địa phương thường đổ lỗi cho họ về tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng và vệ sinh môi trường ngày càng xấu đi.
Để góp phần thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng này, một báo cáo của LHQ năm 2010 đã khuyến nghị là cần “bãi bỏ yêu cầu về hộ khẩu khi người dân tiếp cận các dịch vụ”. Song các nhà hoạch định chính sách lại diễn giải dòng người đổ về thành phố theo cách để hàm ý rằng họ phải mạnh tay hơn nữa với người nhập cư và tái củng cố chính sách hộ khẩuKể từ tháng này trở đi, những người sống ở Hà Nội sẽ được cấp hộ khẩu thường trú chỉ khi họ đã sống ở đây được 3 năm, có công việc trong bộ máy nhà nước, có nhà riêng hay chuyển tới sống chung với gia đình người thân có hộ khẩu thường trú.
Hiện nay, ở phần còn lại của đất nước, người nhập cư cần chứng minh là họ đã sống ở đâu đó chỉ một năm để xin cấp hộ khẩu thường trú ở đó. Song một số người lại lo ngại rằng chính sách ngặt nghèo ở Hà Nội có thể thôi thúc Tp HCM và các thành phố khác noi theo.
Những người chỉ trích nói rằng hệ thống đăng ký hộ khẩu sẽ không ngăn chặn được sự dịch chuyển chỗ ở nhiều hơn chút nào so với quá khứ. Trong khi đó, hệ thống này lại ngăn cách người sở tại với người từ địa phương khác đến và tạo ra một hình thức của chủ nghĩa apartheid ở đô thị.
Lien Hoang
Bản dịch của Lê Thiên Hà
* Lien Hoang là cây bút chuyên viết về khu vực Đông Nam Á.
(Defend the Defenders)

Món quà mật mã

Sáng ngày 25 tháng 07, 2013, sau cuộc thảo luận riêng với Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, Tổng Thống Obama đã mở cửa Phòng Bầu Dục cho báo chí chứng kiến lời phát biểu của hai ông, tổng cộng kéo dài 18 phút 32 giây. Vào cuối lời phát biểu kéo dài gần 9 phút, kể cả thời gian chuyển sang Việt ngữ, ông Obama cho biết, trước khi kết thức cuộc thảo luận riêng, ông Trương Tấn Sang đã tặng ông một món quà, là bản sao lá thư Ông Hồ Chí Minh gửi cho cố Tổng Thống Truman vào năm 1946, yêu cầu Mỹ giúp đỡ. Báo chí không được coi món quà đó như thế nào. Cũng như không được biết ông Obama tặng ông Sang cái gì.
Giới thông thạo cho biết, theo truyền thống gần như cố định của các nhà lãnh đạo Việt Nam XHCN, quà tặng trong các dịp chính thức xuất ngoại, thường là ba món sơn mài: Hình ông Hồ, Chùa một cột, hay Tháp rùa. Và thường công bố hình chụp màn tặng quà để bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng.
Vụ ông Sang tặng quà ông Obama có vẻ ngoại lệ, bất thường tới mức khó hiểu. Vậy, phải tìm tòi cho ra lẽ. Từ vài chi tiết được ông Obama tiết lộ, có thể lần ra manh mối phần còn lại.
Trước hết, những chi tiết được biết: Món quà là cái gì? – Bản sao một bức thư. Ai là người gửi? – Hồ Chí Minh. Ai là người nhận? – Truman. Thời gian? – năm 1946.
Những bí ẩn còn lại: Thư viết ngày nào? Nói gì? Giá trị và ý nghĩa?
Người viết có trong tay cuốn “LETTERS TO THE OVAL OFFICE From the files of the NATIONAL ARCHIVES: Dear Mr. President”, do Dwight Young soạn, National Geographic Society xuất bản năm 2005. Theo tài liệu này, trong đời mình, ông Hồ có hai lần cầu cứu tổng thống Mỹ giúp đỡ: Lần thứ nhất, tại Versailles năm 1919, ông Hồ đã thất bại trong việc trình bầy kế hoạch mưu tìm độc lập cho Việt Nam trước Tổng Thống Woodrow Wilson. Lần thứ nhì, năm 1946, ông Hồ cầu cứu sự giúp đỡ của Tổng Thống Harry Truman, nhưng không được đáp ứng. Nơi trang 116 tài liệu này, có hình chụp văn kiện ông Hồ gửi Tổng Thống Truman.
Thật ra, đây không phải là “bức thư”, mà chỉ là một bức điện tín (telegram), phương tiện thông tin nhanh hàng đầu cách đây nửa thế kỷ và nay đã bị đào thải.
Dưới đây là hình chụp bức điện tín:

bucdientin

Và nguyên văn được chép lại cho rõ:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
—-
CHÍNH PHỦ LÂM THỜI HANOI FEBRUARY 28 1946
——-
BỘ NGOẠI GIAO
* TELEGRAM
PRESIDENT HOCHIMINH VIETNAM DEMOCRATIC REPUBLIC HANOI
TO THE PRESIDENT OF THE UNITED STATES OF AMERICA WASHINGTON D.C.
ON BEHALF OF VIETNAM GOVERNMENT AND PEOPLE I BEG TO
INFORM YOU THAT IN COURSE OF CONVERSATIONS BETWEEN VIETNAM
GOVERNMENT AND FRENCH REPRESANTATIVES THE LATTER REQUIRE
THE SECESSION OF COCHINCHINA AND THE RETURN OF FRENCH
TROOPS IN HANOI STOP MEANWHILE FRENCH POPULATION AND TROOPS
ARE MAKING ACTIVE PREPARATIONS FOR A COUP DE MAIN IN HANOI
AND FOR MILITARY AGGRESSION STOP I THEREFORE MOST EARNESTLY
APPEAL TO YOU PERSONALLY AND TO THE AMERICAN PEOPLE TO
INTERFERE URGENTLY IN SUPPORT OF OUR INDEPENDENCE AND HELP
MAKING THE NEGOTIATIONS MORE IN KEEPING WITH THE PRINCIPLES OF
THE ATLANTIC AND SAN FRANCISCO CHARTERS
RESPECTFULLY
HOCHIMINH
Điện tín đề ngày 28 tháng 02, 1946 mà mãi đến ngày 11 tháng 03, Bạch Ốc mới nhận được và cho vào hồ sơ, không có phúc đáp cho ông Hồ. Xin được dịch sang Việt ngữ nội dung điện tín:
ĐIỆN TÍN
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA HÀ NỘI
GỬI TỔNG THỐNG HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ WASHINGTON D.C.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM TÔI XIN BÁO NGÀI RẰNG TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VÀ CÁC ĐẠI DIỆN PHÁP PHÍA PHÁP ĐÃ ĐÒI TÁCH RỜI NAM VIỆT VÀ QUÂN PHÁP TRỞ LẠI HÀ NỘI STOP TRONG KHI ẤY DÂN VÀ QUÂN PHÁP ĐANG TÍCH CỰC SỬA SOẠN CHO MỘT CUỘC TẤN CÔNG BẤT NGỜ TẠI HÀ NỘI VÀ ĐỂ QUÂN LÍNH XÂM LẤN STOP VÌ THẾ TÔI KHẨN THIẾT ĐÍCH THÂN KÊU GỌI NGÀI VÀ NHÂN DÂN HOA KỲ CẤP BÁCH CAN THIỆP ỦNG HỘ NỀN ĐỘC LẬP CỦA CHÚNG TÔI VÀ GIÚP LÀM CHO VIỆC THƯƠNG THẢO PHÙ HỢP HƠN VỚI NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA CÁC HIẾN CHƯƠNG ĐẠI TÂY DƯƠNG VÀ SAN FRANCISCO.
TRÂN TRỌNG
HỒCHÍMINH
Đến đây, coi như đã biết rõ món quà ông Sang tặng Obama. Bây giờ, đến việc xét giá trị và ý nghĩa của nó.
Về thực chất, món quà hầu như vô giá trị. Nó không có giá trị nghệ thuật, cũng không có giá trị như một tài liệu lịch sử. Giả tỉ, đây là món quà ông Obama tặng ông Sang, ít ra còn có chút ý nghĩa, vì Mỹ có bản chính bức điện tín, là tài liệu tàng trữ trong văn khố quốc gia, không thể đem làm quà tặng, ông Obama có thể cho chụp một bản sao, đem tặng ông Sang mang về làm kỷ niệm. Đàng này, Mỹ đã có bản chính, tại sao ông Sang còn tặng bản sao? Nhất là bản sao đó đã được in trong sách phát hành rộng rãi, ai cũng có thể dễ dàng có được. Có ai khùng đến nỗi, đem bản sao một họa phẩm tặng người đang làm chủ bản chính? Không ai còn lạ gì về trình độ thông minh của các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản VN, nhưng chẳng lẽ họ tối dạ đến mức đó?
Vậy, chỉ còn cách tìm ra ý nghĩa của món quà. Người viết nghĩ rằng sau khi giải mã, món quà bản sao “Điện tín” có thể đọc như sau:
EMAIL
CHỦTỊCH TRƯƠNG TẤN SANG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HÀ NỘI
GỬI TỔNG THỐNG HOA KỲ BARACK OBAMA WASHINGTON D.C.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM TÔI XIN BÁO NGÀI RẰNG TRONG CHUYẾN ĐI BẮC KINH VỪA RỒI PHÍA TRUNG QUỐC ĐÃ ĐÒI TÁCH RỜI CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA CHÚNG TÔI ĐỂ SÁT NHẬP VÀO LÃNH THỔ CỦA HỌ STOP TRONG KHI ẤY TRUYỀN THÔNG VÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC VẬN ĐỘNG DƯ LUẬN ĐỂ ĐẨY MẠNH CHIẾN DỊCH XÂM CHIẾM VIỆT NAM BẰNG KINH TẾ VÀ KỂ CẢ BẰNG QUÂN SỰ NẾU CẦN STOP VÌ THẾ TÔI KHẨN THIẾT ĐÍCH THÂN CẦU CỨU NGÀI VÀ NHÂN DÂN HOA KỲ CẤP BÁCH CAN THIỆP ĐỀ HỖ TRỢ NỀN ĐỘC LẬP CỦA CHÚNG TÔI VÀ GIÚP CHO VIỆC THƯƠNG THẢO PHÙ HỢP HƠN VỚI CÁC HIẾN CHƯƠNG CỦA LIÊNHIỆPQUỐC VÀ ASEAN.
TRÂN TRỌNG
TRƯƠNG TẤN SANG
Ngoài nội dung đã giải mã trên đây, món quà còn tiềm ẩn một tái bút, tuy không được viết bằng mật mã, nhưng ông Obama có thể hiểu ngầm: “Năm 1946, Truman đã bỏ lỡ cơ hội giúp Việt Nam, nên phải mất 67 năm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đô la, cùng với mạng sống của trên 58 ngàn quân nhân và vẫn còn hàng ngàn người mất tích, Mỹ mới sắp mang được McDonald tới Việt Nam. Bây giờ, nếu bỏ lỡ cơ hội lần nữa, thiệt hại sẽ khôn lường. Dear Bros Obama, đừng để tái diễn bài học xương máu cũ”.
Đinh Từ Thức
(Da màu)

Nguyễn Ngọc Tư - Miền tây không có gì lạ

Rượu đến độ hăng, cuộc nhậu cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo hoài chán thấy mồ. Những người chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng sáng hôm sau hai bà vợ tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu giường mới mẻ. Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu. Người kể chuyện nhẩm đếm bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp đám giỗ má chồng mình.

Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng kiểu vậy vẫn thường lửng lơ trên những chuyến xe bus ngược xuôi liên huyện. Chỉ mấy bà già là còn kêu quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo.
Nỗi mệt đường dài bay biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi những gì xảy ra dưới gầm trời này ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào. Hồi đầu tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn thổi chơi thôi, chắc gì thiệt. Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó. Miền Tây chẳng gì là không thể. Người ta vẫn kể chuyện năm ông nhậu xỉn kích nhau bơi qua sông, hai trong số ấy mãi mãi không lên bờ nữa. Chuyện thằng nhỏ đi ở đợ, bị chủ hành hạ bằng những nhục hình thời trung cổ. Chuyện hồn cô Ba xác chú Chín chữa ung thư bằng vuốt ve.
Chuyện cả một ấp xóm mấy chục nóc gia nhưng người học cao nhất chỉ đến nửa chừng lớp Bốn. Chuyện lúa rớt giá cả vùng rủ nhau trồng mía, mùa sau mía chẳng ai mua họ chất thành đống đốt cho khói lên trời. Chuyện những cô gái lấy chồng ngay sau cuộc gặp chú rễ một ngày, gọi tên nhau còn trật lất. Có sao đâu, dân miền tây chịu chơi mà. Ai quan tâm lằn ranh của chịu chơi và liều mạng.
Bạn có lần dỗ dành, nói viễn tây nước Mỹ, miền tây nước Pháp cũng là xứ chịu chơi đó chớ, “Mà dân miền tây cá gô gột gẹt của em có máu lưu xứ giang hồ trong người, sẵn sàng bỏ xứ sở đất đai, đền đài để ra đi tìm đất mới, may mà biển kìm chân chứ không thì chẳng biết họ dừng lại ở đâu”. Ờ, chắc nhờ chịu chơi nên mới có miền đồng bằng trù phú bây giờ, cú đốt tiền nịnh gái của công tử Bạc Liêu mới đi vào kinh điển, dân sông nước mới từ bỏ cái Koler tịch tang cải tiến máy xe chạy võ lãi xé gió lở bờ. Cái hiếu khách, phóng khoáng cũng từ chịu chơi. Ghé một nhà bất kỳ, cuộc nhậu lập tức bày ra, sau ba ly rượu xình xang ta sẽ biết có bao nhiêu lúa trong bồ, thêm ba ly nữa biết có bao nhiêu vàng dưới đáy tủ. Phơ bày, dù mới gặp lần đầu. Và vì chịu chơi nên đi đâu tôi cũng nghe giọng con gái xứ mình. Cả cái day dứt của tôi hồi mười năm trước khi nghe tiếng tiếp viên trong quán tối, giờ cũng phai màu. Có gì lạ đâu, nổi trôi bất tận.
Dường như không gì khiến người xứ này day dứt lâu. Mấy cô dâu Việt bỏ mạng bởi bạo hành ở xứ người chẳng ngăn nổi tụi con gái ùn ùn xếp hàng chờ đàn ông ngoại quốc săm soi coi mắt. Những cái chết chẳng gây xáo động là bao, ngoài cái tặc lưỡi ơ hờ, “chậc, sống chết có số hết, đâu phải cô dâu nào cũng giống cô dâu nào. Có sao đâu”. Viết báo cứ phân vân không biết gọi sao cho chính xác, vô cảm hay bất chấp, hết mình hay sống không có gì để mất. Nói là “bán mua” cứ sợ quá lời, khi người con gái mà ta mỉa mai là món hàng lại háo hức, rạng rỡ như thể đã lấy đúng người mình yêu.
Mỗi lần nhìn những con người lem luốc, quê mùa lơ ngơ trên bến xe miền Tây, rõ ràng là chỗ ấy đất bằng gió bụi nhưng như nhìn thấy họ đi cầu khỉ. Chênh vênh chới với trên thân cây nhỏ giữa dòng. Tâm thế qua cầu khỉ là cứ đi đã, đến bờ bên kia được hay không, có rơi xuống sông không, tính sau. Như những đứa nhỏ phải bỏ học vì không có tiền đi đò, chẳng ai nghĩ đó là một cú đóng sập cửa của mặt trời chi cho ghê gớm. Không học nữa thì đi mót lúa, cắm câu. Có sao đâu. Xứ này ưa nói “mút mùa lệ thủy”, “quăng nguyên con”, “chơi tới sáng” nên cũng có những cụm từ tự an ủi lúc thương đau : “có sao đâu”, “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”.
Dân gian miền Tây ít hoặc không xài “thảng thốt”. Kể cả một bữa ta nghe tin thằng bạn dưới quê đang nằm viện ở Sài Gòn, vì biến chứng sau vụ tự bơm silicon vào cúc cu cho hoành tráng. Mắc cười, nhưng không kinh ngạc. Ta nhớ thằng đó hồi nhỏ cũng hụt chết một lần vì nuốt trộng con cóc sống, chỉ để chứng tỏ anh hùng. Nhưng đêm nằm ngẫm nghĩ, cái dửng dưng kiểu này, là bởi ta vô cảm hay do miền tây vốn chẳng có chuyện lạ nào.
Nguyễn Ngọc Tư
(Blog saurieng)

Hoa Kỳ đón Chủ tịch Tập Cập Bình (Xi Jinping) ra sao ?

Chủ tịch nhà nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ đã gặt hái thành công ngoài sự mong muốn cuả cả 2 nước. Nhưng một thiểu số nhỏ người Việt trong cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn không phục thiện và viện dẫn một vài lý do không đứng vững cho lời nguỵ biện. Một trong những lý do họ đưa ra là sự kiện Chủ Tịch Trương Tấn Sang không được tiếp đón bằng 21 phát đại bác. KBCHN kính mời độc giả xem đoạn video cuả hãng thông tấn lớn cuả Hoa Kỳ FOX News hình ảnh đón Chủ Tịch Tập Cận Bình có gì khác?
Nước Mỹ không có truyền thống 21 phát đạn bác đón nguyên thủ quốc gia. Thông lệ này thường chỉ có tại các quốc gia có truyền thông hoàng gia hoặc một số nước Á châu. 
Các bạn nào nói rằng Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang không được đón tiếp như vị nguyên thủ quốc gia như:
- Không có 21 đại bác,
- Không có hàng quân danh dự
- TT Barack Obama không ra đón
Vui lòng xem video dưới đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) đến Mỹ rồu hãy noí. Nhà báo Nguyễn Phương Hùng đã nói: "Từ khi xa rời nhóm người chống Cộng, tôi cảm thấy ghê tởm về những vu cáo, biạ đặt và xuyên tạc cuả họ. Nhất là những hành động có nói không không nói có hoặc bôi nhọ những người họ cho là kẻ thù một cách không đứng đắn. Tôi khinh họ vì thiếu đứng đắn vbà đạo đức truyền thông."
Thương hại thay "thua thì thua" tại sao cứ phải viện lý lẽ này nọ để biện minh rằng chuyến đi cuả ông Trương Tấn Sang đã bị thất bại? 21 phát đại bác, hàng quân danh dự hay Tổng Thống Obama phải ra tận phi trường tiếp (theo sự ngồi bàn phím (keyboard) suy diễn nếu có cũng chỉ là hình thức ngoại giao. Cái nội dung buổi họp và thông cáo chung mới là những văn kiện nói lên sự kiện gặp gở song phương mà cả hai bên đã dùng: "đối tác toàn diện"
Sự thật vẫn là sự thật. Sự thật đó được minh định bằng 9 điểm cuả thông cáo chung giữa 2 nguyên thủ:

1. Hợp tác chính trị và ngoại giao
2. Quan hệ kinh tế và thương mại
3. Hợp tác khoa học và công nghệ
4. Hợp tác giáo dục
5. Môi trường và Y tế
6. Các vấn đề hậu quả chiến tranh
7. Quốc phòng và An ninh
8. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
9. Văn hóa, du lịch và thể thao


Thống đốc California Jerry Brown ra đón tại phi trường

Xem video ở đây (bấm
(KBCHN)

Đọc nhanh hai Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/07/2013.

Sự khác biệt rõ nhất trong hai bản Tuyên bố chung sau hai chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là với Trung Quốc, chú ý đến Đảng, với Hoa Kỳ, chú ý đến nhân quyền.
 
Trong vòng một tháng, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có hai chuyến thăm đến hai cường quốc lớn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Sang đã thăm Trung Quốc từ ngày 19-21/6/2013 và thăm Hoa Kỳ từ ngày 23-26/7/2013. Cuộc viếng thăm Hòa Kỳ và Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang diễn ra như thế nào và đạt được kết quả gì đã được các phương tiện truyền thông “lề phải” cũng như “lề trái” đăng tải qua nhiều bản tin, bài phân tích, đánh giá của những nhà chuyên môn. Tuy nhiên, một trong những văn bản quan trong nhất được đưa ra sau mỗi chuyến viếng thăm của ông Sang là bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc và Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ. Đọc hai bản Tuyên bố chung này, người đọc có thể nhận thấy những điểm khác biệt giữa hai cuộc viếng thăm ông Trương Tấn Sang đã thực hiện tại Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hình thức, câu chữ 
 
Người đọc có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau về hình thức, câu chữ giữa hai bản Tuyên bố chung.
Nếu so bản văn tiếng Việt, thì độ dài Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ ngắn hơn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc khoảng 500 từ. Tuy nhiên trong cách viết và việc dùng từ giữa hai bản Tuyên bố chung có sự khác nhau rõ rệt:
Cách viết bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc lòng vòng, các mỹ từ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bản văn sử dụng nhiều cụm từ như: “hai bên đánh giá tích cực”, “hai bên hài lòng”, và dùng không dưới 20 lần cụm từ “hai bên nhất trí”. 
Cách viết bản Tuyên bố Việt Nam – Hoa Kỳ đi vào nội dung cách cụ thể hơn và tần số mỹ từ cũng ít xuất hiện, ví dụ: cụm từ “hai bên nhất trí” xuất hiện khoảng 7 lần. Thay vì dùng các cụm từ “đánh giá tích cực, hài lòng” như bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, thì trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ dùng một số cụm từ “hoan nghênh, ghi nhận”.
Quá khứ và tương lai 
Nếu phần đầu bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhắc nhiều tới những “gia sản” đã có trong mối quan hệ giữa hai nước, thì bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ chỉ nhắc tới việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước,”
“tiếp tục kiên trì phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’”
Trong khi đó, bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nói như sau:
“hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung.
“mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước”
Vấn đề Biển Đông 
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc cho thấy, ông Sang không hề nhắc tới những hành động vi phạm của Trung Quốc trong vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như những vi phạm của quân đội Trung Quốc trong việc rượt đuổi, cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam ngay chính trong khu vực lãnh hải Việt Nam. Thay cho những lời thẳng thắn đáng lẽ phải có là thái độ nhường nhịn, cam chịu.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“Hai bên tiếp tục thực hiện tốt ‘Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”,
“nghiên cứu phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ”, “đánh giá cao thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển”, “trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển”, “duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển, thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển”
“nghiêm túc thực hiện ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”,
“gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”,”khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”,
“hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển”
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ cho thấy, ông Sang dường như đã chấp nhận vai trò can thiệp của Mỹ.
Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ viết:
“hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.”
“nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả”
Khác nhau giữa hai tuyến bố chung: Hợp tác giữa hai đảng và nhân quyền 
Một trong những chủ đề thảo luận của ông Sang trong chuyến viếng thăm Trung Quốc là việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản. Đã có nhiều lời lẽ “tốt đẹp” dành cho mối quan hệ giữa hai đảng và đưa ra những hoạt động cụ thể.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng,”
“nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước”
“phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9,”
“tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.”
“Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị”
Nếu như bản Tuyên bố chung Việt – Trung nói đến việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản thì bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nói đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ viết:
“ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người.”
“nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”
“Chủ tịch Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thống Obama những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo.”
“Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014.”
“Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.”
Vài so sánh rút ra sau khi đọc hai bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc cho thấy có những khác biệt giữa hai bản Tuyên bố chung sau hai cuộc viếng thăm của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Tuyên bố là một chuyện, thực hiện tuyên bố đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, khi nhìn vào những vấn đề hai bản Tuyên bố chung đưa ra, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể có những kỳ vọng hay thất vọng qua hai cuộc viếng thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang.

Nguyễn Mới
(VRNs)

Sao Hồng - Nhớ Nhất

Quán cà-phê sáng cuối tuần. Lướt qua các tiêu đề của tờ Tuổi Trẻ, thứ Sáu, 26/7 (số 199/2013), mình dừng lại bài “Nổi đau người lính biển”. Giật nhẹ mình vì tiếng thoại bàn bên:

-      A-lô, Nhất hả? Đang ở đâu? Ra cà-phê đi !

Mình buông tờ báo và bần thần một chút. Thế là tròn hai tháng Blogger Trương Duy Nhất “nhập kho” vì… điều 258, ngày 26/5/2013.

Mấy hôm nay truyền thông các lề sôi sục các sự kiện tai biến tử vong do vắc-xin; thực phẩm ăn liền truyền thống nhiễm độc chất;  chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch nước,… Giá mà còn có Nhất nhỉ? Thế nào cộng đồng mạng sẽ được đọc những bài viết ngắn gọn trực diện về những nhân vật và sự kiện nóng hổi tuần qua.

***

Mình chưa gặp Nhất ngoài đời. Cũng chỉ mới bắt đầu đọc Nhất từ 2008, khi Nhất còn chơi bên Vnweblogs. Đọc là chính, hiếm khi bình luận. Nhưng mình nhớ có một lần, đọc được bài về đề tài mình đang quan tâm. Có viết vài dòng khá bức xúc. Nhất trả lời, “bạn bức xúc với vấn đề này nhỉ? Xin lỗi tôi phải xóa vì quá “nhạy cảm” !

Từ đó, mình biết Nhất là một cây viết có trách nhiệm, có ý thức.

Những bài viết của Nhất là những đề tài nóng hổi mà xã hội đang quan tâm. Những nhân vật trong bài viết của Nhất không từ một ai và rất trực diện. Từ chủ tịch nước, tổng bí thư đến thủ tướng. Những thông tin mà Nhất đưa ra cũng làm bạn đọc giật mình vì tính nóng hổi thời sự, tính nhạy cảm “cung đình”. Chính vì điều đó, nó thu hút người đọc rất cao.

Thực ra, những thông tin mà Nhất đề cập, nhiều nhà báo lề phải cũng có, nhưng họ chỉ có một “góc nhìn” chủ đạo đã được “định hướng” từ bên trên. Báo của họ còn phải chờ bật đèn xanh mới lên khuôn và cho ra báo. Cách viết bài theo “góc nhìn của Nhất” nó chỉ khác với truyền thông lề phải. Chứ so với xã hội và tự do báo chí ở phương Tây thì cũng chẳng có gì xa lạ

Hội nghị Trung ương lần 7 đã xong; kỳ họp Quốc Hội khóa 13 dầu năm đang diễn ra. Chỉ còn mấy ngày là lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc Hội bầu, thì Nhất bị bắt.

Trước đó, khi những “nghị quyết gia” ưu tú của Quốc Hội đang vắt óc lựa chọn thuật ngữ “xăng pha nhớt”, lơ lửng lập lờ (hai tính từ kẹp một danh từ) là “cao – tín – thấp”, để đặt tên cho lá phiếu (chẳng giống ai), thì Nhất tổ chức bỏ phiếu cho một số vị trí chủ chốt.

Phiếu của Nhất rành rẽ rõ ràng như quốc hội các nước vẫn thường làm: “tín nhiệm” & “không tín nhiệm”. Chỉ trong một ngày, số người tham gia đông gấp rưỡi số đại biểu Quốc Hội đang họp. Và dĩ nhiên, kết quả sự tín nhiệm của các vị đạt được thấp tệ.

Được nick “Mèo Tôm” (Tom Cat) cảnh báo trước 6 tháng. Cư dân mạng cũng đồn đoán và lo cho Nhất. Nhưng sự kiện Nhất bị bắt cũng gây bất ngờ và xôn xao giới truyền thông.

Nhiều blogger viết bài phân tích lý do và thế lực nào bắt Nhất. Người thì nghiêng về sự đấu đá nội bộ chính trường. Có người nghĩ Nhất bị bắt để người ta tìm nguồn tin. Lại có người “chê” Nhất không khéo. Viết như “quan võ” mà thiếu cái khôn khéo trong ngôn từ của giới trí thức (?),…
Như thế thì còn gì là Nhất với “góc nhìn khác”; với bản tính và dòng máu người Quảng đang chảy trong Nhất!

Cũng như Nhà văn Phạm Viết Đào, sự thu hút độc giả và tầm ảnh hưởng của blog “Góc Nhìn Khác”, gây bất lợi cho hệ thống truyền thông có định hướng. Nhưng xem ra, xử Nhất theo điều 258 cũng đâu có dễ. Lý do bắt Nhất cũng không phải là “trốn thuế” hay vì… “hai bao cao su” để mà quy chụp theo điều 88 (!?). Hi hi..

Dù sao, sau khi Nhất và bác Đào “nhập kho”, các blogger nổi tiếng trong nước cũng chùn hẳn. Cách viết bài về đề tài nóng bỏng và nhạy cảm cũng bóng bẩy và ẩn dụ hơn. Có vẽ như lối xử thế thâm nho của kẻ sỹ bắt đầu… lên ngôi ?

Bổng dzưng mình lại nhớ Nhất. Giờ này Nhất đang làm gì nhỉ? Đang nằm xem anh Tư cụng ly với Kerry hay đang ngồi cà-phê đàm đạo bóng đá với anh Bá??

Nhất ơi, Mi đang ở lộ mô rứa ?

26/7/2013

Sao Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét