Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý

Lê Diễn Đức - Chuyến công du của Trương Tấn Sang: Vẫn thế thôi!

Chuyến công du của chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua Hoa kỳ như tôi đã dự đoán, chẳng có gì đột phá, nếu không nói là một sự thất bại về ngoại giao.
Diễn biến của chuyến đi cho thấy, dù chính thức Tổng thống Barack Obama mời qua, nhưng việc qua Mỹ xem ra do phía Việt Nam chủ động, muốn qua gấp để chuyển một số thông điệp cần thiết sau chuyến triều kiến tại Bắc Kinh.
Khi chiếc chuyên cơ từ Việt Nam tới sân bay quân sự Adrew tại Washington DC vào ngày 23/7, ra đón tay tại sân bay chỉ có đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Sheare. Không thấy một thủ tục lễ nghi nào dành cho nguyên thủ quốc gia, không một ai thuộc hàng tầm cỡ từ phía Hoa Kỳ, chỉ có đại diện Vụ Lễ Tân , Bộ Ngoại giao, tôi cứ nghĩ thông thường ở nước Mỹ có lẽ sẽ thực hiện nghi thức đó tại Nhà Trắng.
Thế nhưng vào sáng ngày 25/7, lễ nghi đón nguyên thủ quốc gia tại Nhà Trắng cũng không xảy ra. Tổng thống Barack Obama tiếp vội vã trong khoảng 30 phút, không dùng bữa cơm trưa làm việc, cũng không có đại yến mời nguyên thủ quốc gia, mặc dù buổi chiều tối Tổng Thống Barack Obama đã từ Florida trở về.
Như vậy, có thể nói rằng, ông Trương Tấn Sang đã không được đón tiếp theo nghi lễ cấp nhà nước, thậm chí người đón ông vào Nhà Trắng để giới thiệu với Tổng thống Obama là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Đại sứ Marshall người của Lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Buổi tiệc duy nhất mà chính phủ Hoa Kỳ chiêu đãi chủ tịch Trương Tấn Sang là buổi ăn trưa làm việc với Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 24/7.
Những lời phát biểu qua lại của ông Trương Tấn Sang và John Kerry trong bữa ăn trưa chẳng có gì mới mẻ. Về phía ông Kerry chẳng qua là nhắc lại những gì mà người tiền nhiệm Hillary Clinton đã từng nói vào những dịp khác, từ việc tìm kiếm người Mỹ mất tích đến thay đổi của Việt Nam sau hiệp định thương mại Việt Mỹ, hay đàm phán tham gia Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hy vọng kết thúc vào cuối năm nay.
Obama
Barack Obama tiếp Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng – Ảnh: BBC
Mặc dù Liên minh các tổ chức bảo vệ lao động ở Hoa Kỳ cũng kêu gọi Mỹ ngưng lại vòng đàm phán TPP với Việt Nam cho đến khi nào Việt Nam chứng tỏ sự tuân thủ những chuẩn mực lao động cần  có, đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman nói Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và đáp ứng  được mọi tiêu chuẩn của TPP.
Tất cả đều là ngôn ngữ ngoại giao, vẫn còn bỏ ngỏ đấy những… hy vọng. Lời nói đẹp không bị đóng thuế và vô hại. Bởi vì vẫn phụ thuộc vào quốc hội Mỹ, nơi có nhiều dân biểu chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi gắn liền nó kết sự chuẩn thuận. Vấn đề bán vũ khi sát thương cho Việt Nam lại càng khó khăn hơn. Có nghĩa rắng, mục tiêu trọng tâm của chuyến đi chẳng có gì tiến triển.
Ông Trương Tấn Sang nói trong chính sách đối ngoại xem Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu có vẻ không thành thật. Những phê phán, chỉ trích, những ồn ào trong các ngày lễ “chiến thắng đế quốc Mỹ”, báo chí truyền thông chính thống vẫn nhắm tới Mỹ như là “thế lực thù địch”. Được quan tâm hàng đầu chắc lẽ là như vậy.
Tóm lại, chuyến công du của TrươngTấn Sang cuối cùng chỉ là sự thăm viếng xã giao miễn cưỡng, ngắn ngủi và nhạt nhẽo, không hề đạt được điều gì cụ thể.
Rõ ràng, vẫn tồn tại sự khác biệt lớn và độ tin cậy còn mong manh giữa hai nhà nước, hai hệ thống chính trị, một bên là dân chủ, tự do, một bên là độc tài toàn trị. Bất kỳ hợp tác nào trong bối cảnh này cũng chỉ dừng lại ở mức độ hai bên cùng có lợi, khó có thể đạt tới mức đồng minh thân thiện.
Tập đoàn lãnh đạo Việt Nam đang ở trong thế kẹt. Muốn hay không, chơi với Trung Cộng trong chính sách phò Tàu giữ đảng, Việt Nam đã có quá nhiều bài học cay đắng trong lịch sử về sự tráo trở, lật lọng. Giữ đảng trong thế chư hầu, nhưng có thể sẽ đến lúc đảng cũng chẳng giữ nổi cái thế chư hầu nữa mà thực sự là sẽ lệ thuộc tới mức nô lệ. Cuộc xâm lược mềm, khuynh loát kinh tế trên lãnh thổ đã nằm trong âm mưu thâm hiểm như vậy. Còn Hoàng Sa đương nhiên đã bị xâm chiếm từ năm 1974 và được Hán hoá 100%. Một phần Trường Sa bị xâm lược từ năm 1988 và những đảo còn lại cũng nằm trong lộ trình thôn tính, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Toàn bộ lãnh hải bao bọc khu vực Hoàng – Trường Sa đều bị Tàu không chế, ngang ngược bắt giữ, đánh phá ngư dân Việt Nam.
Giữ đảng để bảo tồn chế độ sẽ có nguy cơ đẩy đất nước vào tình trạng bị Hán hoá, còn ôm chân Tàu sẽ đẩy tập đoàn Hà Nội tới sự bị chi phối toàn diện bởi Trung Cộng.
Hoa Kỳ cần Việt Nam trong mục tiêu chuyển hướng chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương và kìm chân Trung Cộng, nhưng Việt Nam không phải là tất cả để có thể đổi chác. Không có Việt nam, tại vùng biển Bắc Á và biển Đông, Hoa Kỳ đang có những đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, xa hơn là Australia, New Zealand, Indonesia và trong vùng tranh chấp có Philippines, Singapore…
Để thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, Việt Nam không thể là một nhà nước độc tài. Nếu có sự mong muốn ấy từ phía Việt Nam, chỉ có thể là sự giả dối, láu cá. Không thể trở thành bè bạn hay đồng minh được khi có quá nhiều “khác biệt” về các giá trị dân chủ và nhân quyền. Mà thực ra sự “khác biệt” sống sượng, khiên cưỡng ấy là do quan điểm của chủ nghĩa độc tài, phi dân chủ mà ra.
Giá trị của nhân quyền ở mọi nơi, với mọi chủng tộc, màu da là như nhau. Giá trị của nó là phổ quát, không thể có nhân quyền kiểu Mỹ, kiểu Thụy Điển hay kiểu Việt Nam.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc“. Đó là mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và đã được Hồ Chí Minh đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ngày 2/9/1945. Người Việt hay người Mỹ đều có những quyền ngang nhau.
© 2013 Lê Diễn Đức – RFA Blog

Hà Nội và Nhà Trắng

Vấn đề nhân quyền cần có trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Sang.
Chủ tịch nước Việt Nam hiện đang có chuyến thăm lịch sử đến Nhà Trắng ngày thứ Năm tuần này, và Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama sẽ có nhiều điều để nói. Nhưng ngoài việc hợp tác chiến lược ở Biển Đông, quan hệ kinh tế song phương và sự tham gia của cả hai nước trong các cuộc đàm phán thỏa thuận Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, ông Obama có một cơ hội quan trọng hơn để đề cập đến thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ của Hà Nội. Chỉ riêng chủ đề này cũng đã có quá nhiều điều để hai nhà lãnh đạo thảo luận.
Hà Nội đã đẩy mạnh chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến ​​tại Việt Nam trong vài năm qua. Chỉ trong nửa năm 2013, số nhà hoạt động, bloggers và các nhân vật tôn giáo bị kết án tại nước này đã vượt quá tổng số trong năm ngoái. Một số hành động gần đây của Hà Nội đã đặc biệt làm mất thể diện đối với nước Mỹ.
Chế độ Cộng sản Việt Nam tiếp tục giam giữ luật sư Lê Quốc Quân mà không thông qua xét xử, sau khi phiên tòa dự kiến ​​diễn ra ngày 9 tháng Bảy vừa qua đã bị hoãn lại vô thời hạn ở phút cuối cùng. Luật sư Lê Quốc Quân đã được Quỹ Quốc gia vì Dân chủ tài trợ một khóa học bổng ở Hoa Kỳ trong năm 2006-07, nghiên cứu về xã hội dân sự trong các nền dân chủ mới. Ông đã viết blog liên quan đến các quyền của người dân cho đến khi bị bắt hồi tháng Mười Hai về tội danh trốn thuế. Trước đó ông đã bị bắt gần như ngay lập tức sau khi trở về nước từ Washington trong năm 2007 và chỉ được trả tự do sau khi Hoa Kỳ gây áp lực.
Chủ tịcn nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư, ngày 24 tháng Bảy, 2013. Ảnh: AFP/Mandel Ngan
Chủ tịcn nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư, ngày 24 tháng Bảy, 2013. Ảnh: AFP/Mandel Ngan
Tự do tôn giáo cũng cần được đề cao trong chương trình nghị sự của ông Obama. Năm 2006, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất đàm phán để được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loại bỏ ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt đối với các hành vi vi phạm tự do tôn giáo, bằng cách làm cho những sinh hoạt này được hoạt động dễ dàng hơn cũng như tạo điều kiện để các nhóm tôn giáo đăng ký cùng một số những biện pháp khác. Nhưng kể từ đó, Hà Nội đã bỏ qua những cam kết đó đối với Washington.
Một bản báo cáo hồi tháng Tư vừa qua của Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) Hoa Kỳ, dưới sự điều khiển của cả hai đảng, xác định rằng Việt Nam có nhiều hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo. Hàng trăm người Thượng Tin Lành vẫn còn đang bị giam giữ sau khi họ bị bắt hồi năm 2001 và 2004 torng các cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo. Linh mục Nguyễn Văn Lý, người đã từng gửi các văn bản cho một buổi điều trần của USCIRF trong năm 2001, đã bị cầm tù kể từ năm 2008 vì các hoạt động của ông.
Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục chống đỡ với các cơ quan nhà nước trong việc đòi lại các tài sản bị tịch thu khi Đảng Cộng sản Việt Nam lên nắm chính trên toàn quốc hồi năm 1975. Lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức tôn giáo lớn nhất tại nước này, vẫn bị quản chế dưới nhiều hình thức khác nhau hoặc bị bắt giữ liên quan đến các hoạt động tự do tôn giáo và phản đối không tham gia Giáo hội Phật giáo do nhà nước phê chuẩn.
Những trường hợp này cần được ông Obama quan tâm nhiều hơn, nhưng tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng có tầm quan trọng đối với Washington. Nhiều người trong số các blogger và những người biểu tình ở Hà Nội đã bị bắt trong những năm gần đây vì đã phản đối cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với lãnh thổ hàng hải mà cả hai nước đều lên tiếng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như các phản ứng yếu kém của Hà Nội.
Sự tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã thúc đẩy Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn về an ninh trong khu vực này. Có nhiều lý do để tin rằng công chúng Việt Nam sẽ chào đón người bạn Hoa Kỳ dễ dàng hơn so với chính phủ Việt Nam. Ngược lại, chính phủ thì lại có mối quan hệ quá phức tạp với Bắc Kinh, điều mà nhiều người Việt Nam vẫn còn nhiều nghi ngại.
Hoa Kỳ có lợi ích danh tiếng trong trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân và Hà Nội cần đảm bảo những lời hứa trước đó của họ về tự do tôn giáo sẽ được thực hiện. Họ cũng có sự quan tâm lớn hơn trong mối quan hệ nồng ấm với công chúng Việt Nam, trong đó người dân đã không đưực chính phủ đối xử và phục vụ đúng tiêu chuẩn. Những đều này sẽ rất cần thiết để ông Sang lắng một cách rõ ràng vào thứ Năm tuần này khi gặp ông Obama.
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Ông Sang đến Washington [kết]

Một sự kết hợp tế nhị
Chính quyền Obama đã tăng sức ép về những cách hành xử nhân quyền của Việt Nam. Cái giá Việt Nam phải trả để gia nhập TPP, và để xây dựng mối quan hệ chiến lược thực thụ với Washington, sẽ được ràng buộc rõ ràng với tiến bộ “có thể chứng minh được” về nhân quyền, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nói hôm 1/6 với Việt kiều Mỹ ở Orange County, California. Phát biểu của ngài đại sứ có bối cảnh không thể nhầm vào đâu được: “Kể từ khi đến nhậm chức ở Việt Nam vào tháng 8/2011, tôi vẫn nói với các quan chức cao cấp của Việt Nam rằng nếu người Việt muốn tham gia TPP, nếu họ muốn hợp tác mạnh hơn về ngoại giao trong khu vực dẫn đến một mối quan hệ đối tác chiến lược, thì chúng tôi cần thấy Việt Nam có tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền”.
Xưa nay chủ trương chính thức của Mỹ thường không đưa ra một ràng buộc rõ rệt như vậy về nhân quyền trong bất cứ cuộc đàm phán thương mại nào. Phát biểu của đại sứ Shear – mà ông từ chối không bình luận thêm – ban đầu bị cho là không nghiêm túc theo nhận định của một số nhà quan sát thương mại dày dạn kinh nghiệm; họ khuyến cáo không nên hiểu lời phát biểu đó sát theo nghĩa đen. Theo cách lý giải này, đại sứ Shear lúc đó chỉ nói với thính giả California những điều họ muốn nghe. Việt kiều Mỹ và các hạ nghị sĩ đại diện cho họ ở Hạ viện Mỹ lâu nay đã chỉ trích đại sứ Shear, với lý do là ông chưa làm đủ để cải thiện những cách hành xử nhân quyền của Việt Nam.
Song, đại sứ Shear là một nhà ngoại giao Mỹ được đánh giá cao với nhiều kinh nghiệm ở Châu Á – ông từng làm việc ở Nhật, Trung Quốc, và Malaysia, nói được tiếng Nhật và Quan thoại. Đại sứ Shear cũng không mang tiếng là nói càn. Trong lần xuất hiện ở Orange County hôm 1/6, ngài đại sứ nói chậm rãi và thận trọng, tạo ấn tượng là ông đang nhắc lại những ý kiến có ủy quyền chính thức. Ngoài ra, việc đại sứ Shear nhắc đến tình trạng thiếu tiến bộ về nhân quyền là rào cản lớn nhất đối với các quan hệ chiến lược Mỹ-Việt mật thiết là hoàn toàn nhất quán với chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ như các quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ thường bày tỏ. Quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ là các quan hệ chiến lược Mỹ-Việt sẽ không cải thiện chừng nào chưa có “cải thiện có thể chứng minh được và lâu dài về tình hình nhân quyền”.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã từ chối đưa ra bất cứ lời đính chính ngoại giao nào để tách biệt chính sách thương mại của Mỹ với phát biểu của đại sứ Shear ở Orange County. Như vậy, có vẻ như Nhà Trắng an tâm với quan điểm cho rằng Đại sứ Shear nói sao thì Việt Nam nên hiểu đúng như vậy.
Ông Sang được đón ở sân bay bởi Đại sứ VN tại Hoa Kỳ

Xuất hiện cảnh sát thương mại Mỹ
Theo cách nhìn của Việt Nam, những đòi hỏi của Obama về nhân quyền trong các cuộc đàm phán TPP có vẻ như đầy xúc phạm.
Những nhà đàm phán thương mại của Obama lâu nay vẫn nhất quyết đòi hỏi trong TPP Việt Nam phải chấp nhận các yêu sách của giới vận động hành lang của các nghiệp đoàn Mỹ về việc Việt Nam cho phép tổ chức công đoàn độc lập – các quan chức Mỹ nhất quyết đòi hỏi điều này phải có khả năng thực thi. Dưới mắt người Mỹ, kết quả như vậy có thể được xem là tiến bộ về “nhân quyền”.
Trước khi chấp nhận ý tưởng này, Bộ Chính Trị có thể cân nhắc xem những dàn xếp tương tự đã có tác dụng ra sao cho những nước khác gần đây đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Trong hiệp định thương mại song phương Mỹ-Colombia, quốc gia Mỹ Latinh đó đã buộc phải lập “kế hoạch hành động” về vấn đề lao động bao gồm các “cột mốc” có thể đánh giá được và một “hệ thống thực thi thiết thực”, với các quan chức Mỹ đóng vai trò người thực thi. Theo thực tế ở Washington, giới quan chức Mỹ rất chú ý đến giới hoạt động nghiệp đoàn AFL-CIO; giới này không bao giờ có vẻ hài lòng là người nước ngoài có đủ nỗ lực để đáp ứng các chuẩn mực của Mỹ.
Ngày 11/4/2013, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Lao động khoe họ đã thúc ép được Guatemala đệ trình “một kế hoạch thực thi thiết thực để giải quyết những quan ngại” đã được Mỹ nêu ra trong một khiếu nại về lao động trong hiệp định thương mại ưu đãi có sự tham gia của Mỹ và quốc gia Mỹ Latinh này. Giới chức Mỹ tự chúc mừng mình vì đã buộc Guatemala đưa ra một kế hoạch 18 điểm để thỏa mãn các yêu sách của Washington. Kế hoạch này “bao gồm những hành động cụ thể với các khung thời gian cụ thể mà Guatemala sẽ thực hiện trong vòng sáu tháng để cải thiện việc thực thi luật lao động”.
Đây là trường hợp đầu tiên về vấn đề lao động mà Mỹ đưa vào trong một hiệp định thương mại ưu đãi của mình – nhưng người Việt có đủ lý do để nghi ngờ rằng cảnh sát lao động Mỹ có nhiều ý đồ dành cho họ.
Tiêu chuẩn kép của Mỹ
Giờ đến phần hết sức bẽ bàng cho Obama trong câu chuyện này. Lý do khiến Việt Nam thấy các cuộc đàm phán TPP có sức hấp dẫn là khả năng mở rộng thêm cánh cửa vào các thị thường quần áo và giày dép được bảo hộ của Mỹ – được bảo hộ bằng các mức thuế nhập khẩu cao ở mức 16-18%, nhưng với một số ngành hàng, gấp đôi mức đó. Những nhà đàm phán thương mại của chính quyền Obama lâu nay về cơ bản vẫn đòi hỏi rằng cái giá để cắt giảm bất cứ loại thuế nhập khẩu nào đối với giày dép hay quần áo là Việt Nam đồng ý mua vải từ các nhà cung cấp Mỹ.
Ý tưởng này chẳng có gì hấp dẫn với Hà Nội.
Thứ nhất, như tôi đã viết trong bài Những ưu đãi dành cho các thuộc địa trong một đế chế trên trang này vào ngày 11/9/2012, một trong những nguyên nhân khiến Napoleon đệ tam phái hải quân Pháp chiếm cảng Sài Gòn năm 1859 là để bắt buộc người Việt mở cửa thị trường cho hàng dệt may xuất khẩu của Pháp. Giới kinh tế học ngày nay hẳn sẽ đồng ý rằng áp lực hiện nay của Mỹ trong TPP chỉ là một phiên bản hiện đại chủ nghĩa thực dân Pháp.
Thứ hai, cái gọi là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (“yarn forward”) không có tác dụng. Trong số các mặt hàng quần áo Mỹ nhập khẩu từ Mexico và các nước Mỹ Latinh khác đã bị các nhà đàm phán thương mại Mỹ bắt buộc chấp nhận các quy tắc rườm rà này, chỉ khoảng 17% thực sự được miễn thuế nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu thích đóng thuế nhập khẩu, hơn là phải vượt qua nhiều chướng ngại vật hành chính, chịu gánh nặng thủ tục giấy tờ tốn kém, và trăm thứ khác.
Và cuối cùng, thử nghĩ đến cách Chủ tịch Trương Tấn Sang – bị Washington công kích vì chính phủ Việt Nam can thiệp nhiều vào nền kinh tế – có thể xoay chuyển tình thế với Obama. Ông Sang có thể hỏi: Có hợp lý hay không nếu chính phủ Mỹ gây áp lực buộcnhững tập đoàn lớn của Mỹ như các công ty tên tuổi Levi, Strauss & Co. và Gap, chấp nhận mua nguyên liệu vải denim (nặng) từ các nhà cung cấp Mỹ rồi vận chuyển xuyên qua Thái Bình Dương đến Việt Nam? Có hợp lý hay không nếu Nhà Trắng gây áp lực buộc Hanesbrands tuy có các nhà máy sản xuất đồ lót và chuỗi cung ứng ở các nước Châu Á lân cận như Thái Lan và Trung Quốc nhưng phải mua vải bông từ phần lục địa của Mỹ rồi vận chuyển số hàng đó xuyên đại dương? Còn Patagonia, công ty sản xuất áo khoác bằng lông ở Việt Nam từ nguyên liệu kỹ thuật cao của Nhật, thì sao? Tại sao chính phủ Mỹ lại muốn làm đảo lộn các cơ sở hoạt động toàn cầu của những tập đoàn tư nhân được tôn trọng khác: Nike, Adidas, Macy’s, Nordstrom, và rất nhiều công ty khác nữa?
Dĩ nhiên Obama sẽ phải vất vả nghĩ ra những câu trả lời đáng tin về mặt kinh tế cho những câu hỏi như vậy. Nhưng Nhà Trắng đã nhiều lần nhất quyết là Việt Nam phải ngậm bồ hòn chấp nhận các quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may, và cả các mức thuế nhập khẩu cao đối với giày dép.
Từ góc nhìn của Việt Nam, chiến lược đàm phán TPP gợi nhớ đến cách Tổng thống Lyndon Johnson và Tổng thống Richard Nixon từng đặt các chính sách của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam trên tiền đề là nếu siêu cường quốc giàu có này gây đủ áp lực, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này rốt cuộc sẽ chiều theo ý muốn của Mỹ. Nhưng trừ phi Việt Nam có được thêm cơ hội có ý nghĩa để tiếp cận thị trường Mỹ mà họ đang theo đuổi trong TPP, khó mà nghĩ ra được lý do nào hợp lý khiến họ phải chịu quy phục.
Triển vọng cho các mối quan hệ Mỹ-Việt mật thiết hơn?
Những điều bất định cuối cùng chính là Việt Nam thực sự muốn gì từ các mối quan hệ với Mỹ.
Học giả Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc lý giải “có một cuộc cờ tế nhị hiện đang diễn ra” trong Bộ Chính Trị. Đây chẳng phải là lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của mình mà Việt Nam đang cố gắng cân đối các mối quan hệ luôn luôn sóng gió của mình với Trung Quốc, nước láng giềng Đông Nam Á gần nhất, và đồng thời với Mỹ. Carlyle Thayer nhận định: “Một số người ở Hà Nội muốn quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, trong khi một nhóm khác muốn phá hoại các quan hệ đó”.
Theo Thayer và những nhà quan sát nhiều kinh nghiệm về Việt Nam được phỏng vấn cho bài viết này, chính nhóm thứ hai [muốn phá hoại quan hệ với Mỹ] dường như đang có ưu thế. Điều đó có thể giúp giải thích tại sao Việt Nam đã bắt giữ hơn 40 blogger hòa nhã trong năm nay, nhiều tù chính trị hơn cả năm 2012 – có lẽ là một tín hiệu thù địch có chủ đích dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng.
Đương nhiên, với bất cứ vấn đề nào liên quan đến Việt Nam, có quá nhiều hàm ý tinh tế đến nỗi chẳng bao giờ có điều gì đúng hệt như thoạt tưởng. Chuyến đi thăm Trung Quốc ba ngày của Trương Tấn Sang bắt đầu vào ngày 19/6 có thể được lý giải là một dấu hiệu cho thấy các quan hệ Việt-Trung mật thiết hơn đã được cân nhắc. Ngay cả khi đúng là thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc đã làm hỏng các cuộc gặp gỡ đó, Bắc Kinh có thể hồi phục (ví dụ bằng cách bớt hung hăng hơn trong việc tuyên bố chủ quyền các vùng trong Biển Đông mà rõ ràng thuộc Việt Nam).
Nhưng nên lý giải ra sao chuyến đi thăm Lầu Năm Góc của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hôm 20/6, trong khi Trương Tấn Sang đang ở Trung Quốc? Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã hội đàm với Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Theo nhận xét của một phát ngôn viên của tướng Dempsey, chuyến đi của tướng Tỵ là cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam đến Mỹ. Phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đáng chú ý còn có Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Hẳn là có chuyện gì đây.
Kết luận tương đối rõ ràng duy nhất tại thời điểm này là Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cân đối chính sách đối ngoại. Và do các vấn đề và những bất đồng chia rẽ Việt Nam, Trung Quốc, và Mỹ quá khó nên không thể giải quyết thật ổn thỏa, tình hình sẽ tiếp tục rối rắm hơn mong đợi.

Nguồn: Greg Rushford, Mr. Sang Comes to Washington, Rushford Report, 23/7/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Biển Đông trong chuyến đi của ông Sang

Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời câu hỏi tại CSIS ngày 25/7/2013
Ông Sang nói Trung Quốc không có nền tảng pháp lý nào cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương Tấn Sang tái khẳng định lập trường phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua đường chín đoạn.
Đường yêu sách chủ quyền chín đoạn, còn gọi là đường 'lưỡi bò' mà Trung Quốc dựng lên, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS) chiều thứ Năm 25/7, ông Sang nói: "Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố [chủ quyền của Trung Quốc] và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường chín đoạn của Trung Quốc".
Đây là một trong những lần ít ỏi mà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam trực tiếp phát biểu một cách thẳng thắn trước cử tọa quốc tế về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Sang không trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có tham gia vụ kiện Trung Quốc của Philippines tại Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc hay không.
Ông chỉ nói một cách ngắn gọn: "Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines có quyền thực hiện các việc tố tụng của mình".
Trước khi trả lời câu hỏi của cử tọa, ông Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu chừng nửa tiếng đồng hồ, trong đó ông nói về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như tóm lược chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông nói rằng châu Á là "trung tâm của cơ hội và sự phát triển”, nhưng để tận dụng cơ hội và phát triển tiềm năng thì “cần có một môi trường hòa bình, ổn định và giảm thiểu mọi xung đột”.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải, và nói rằng Trung Quốc và các nước Asean đã thống nhất hợp tác để đưa ra một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông nhằm giải quyết tranh chấp biển.
Lập trường của Mỹ
Trước đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc.
Tuyên bố chung mà hai bên đưa ra sau cuộc gặp có đoạn: "Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ".
"Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả."
Đặc biệt, Chính phủ Mỹ tỏ ra thẳng thắn và rõ ràng trong việc ủng hộ hợp tác kinh doanh-khai thác giữa các công ty Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.
ExxonMobil bắt đầu đào thăm dò ở ngoài khơi Đà Nẵng từ 2011
Tuyên bố chung viết: "Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy..."
Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong lô 118, ngoài khơi Đà Nẵng, và là nơi tập đoàn ExxonMobil thông báo đã khoan thấy khí đốt hồi năm ngoái.
ExxonMobil đã mua lại phần hùn tại các lô 117,118 và 119 trong bể Phú Khánh từ tập đoàn dầu khí Anh BP hồi năm 2009. Từ tháng 5/2011, ExxonMobil đã khoan nột số giếng tại lô 118 và tìm thấy khí.
Khu vực này nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông và do vậy bị Trung Quốc liệt vào vùng tranh chấp cho dù Việt Nam và ExxonMobil cho rằng đây hoàn toàn là khu vực chủ quyền của Việt Nam và có thể khai thác hợp pháp.
Khai thác Biển Đông
Trong khi đó tập đoàn Murphy Oil đang tham gia dự án với đối tác Việt Nam PVEP ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, các lô 144 và 145 cũng trong bề Phú Khánh.
Với tuyên bố chung Việt-Mỹ 25/7, có thể thấy quan điểm rõ ràng của Washington trong việc làm ăn với Việt Nam ở Biển Đông.
Ngoài các lô nói ở trên, ExxonMobil còn tham gia dự án thăm dò với Việt Nam ở một số địa điểm khác, trong đó có ở khu vực Vũng Mây-Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía Nam.
Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.
Ngày 23/6/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế tại chín lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, khiến Hà Nội lên tiếng cực lực phản đối.
Chín lô dầu khí nói trên nằm trong một khu vực rộng trên 160.000 cây số vuông, ở độ sâu từ 300-4.000 mét. Trong đó bảy lô nằm trong bể trầm tích mà Trung Quốc gọi là Trung Kiến Nam (Phú Khánh) ngoài khơi miền Trung Việt Nam và hai nằm trong các bể Vạn An và Nam Vi Tây (Tư Chính-Vũng Mây).
(BBC)

Tuyên Bố Chung Của Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang

(đọc tuyên bố chung này cấm có thấy từ Biển Đông nào???)

Tổng thống Barack Obama chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của nước CHXHCN Việt Nam tại Nhà Trắng vào ngày 25 tháng bảy năm 2013. Trong cuộc gặp gỡ, hai vị lãnh đạo khẳng định cam kết để mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Chuyến thăm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến vào một thời điểm quan trọng đối với cả hai quốc gia, phản ánh một mong muốn chung để xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước.

Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã quyết định thiết lập Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện Mỹ-Việt Nam để tạo ra một khuôn khổ toàn diên cho việc thúc đẩy các mối quan hệ. Hai người nhấn mạnh các nguyên tắc của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, bao gồm việc tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, và các hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên. Hai người tuyên bố rằng Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện được nhắm vào việc đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ Đối tác Toàn Diện sẽ tạo ra cơ chế hợp tác trong khu vực bao gồm cả quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng, an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, và văn hóa, thể thao và du lịch.


Hợp tác chính trị và ngoại giao

Là một phần của Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi ở cấp cao cũng như liên lạc ở tất cả các cấp, và tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác. Tổng thống Obama khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho sự độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập của Vietnam vào cộng đồng quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sự tăng cường hợp tác của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Hai vị Tổng Thống và Chủ Tịch hoan nghênh việc thành lập các cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai bộ trưởng ngoại giao, và khuyến khích đối thoại và trao đổi giữa các đơn vị lien quan đến các đảng phái chính trị ở cả hai nước.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế trong đó có hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS ), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+) để hỗ trợ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai nước khẳng định sự ủng hộ đối với việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm nhưng điều được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hai vị lãnh đạo cũng khẳng định sự ủng hộ đối với nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Hai vị lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc chấp hành đầy đủ Tuyên Bố Về Cách Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông (DOC) và tầm quan trọng của việc phát động các cuộc đàm phán để có được một Luật Về Cách Ứng Xử (COC) có hiệu lực thi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao Sáng kiến Hạ Lưu Mekong (LMI). Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng hai bên sẽ làm việc cùng với các nước thành viên khác và những người bạn của Hạ Lưu Sông Mekong để tăng cường hơn nữa hợp tác trong khu vực để thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, và đáp ứng với những thách thức xuyên quốc gia trong khu vực .

Hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan để kết thúc càng sớm càng tốt một thỏa thuận song phương về việc xây dựng các đại sứ quán và nhiệm vụ mới. Các nhà lãnh đạo khẳng định rằng sự hiện diện ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ ở thủ đô của hai nước phải phản ánh sự phát triển của quan hệ song phương của họ.

Quan hệ thương mại và kinh tế

Nhắc lại các cuộc thảo luận tại Campuchia trong tháng 11 năm 2012, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định cam kết của họ để kết thúc một thỏa thuận toàn diện và có tiêu chuẩn cao về Quan Hệ Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng sớm càng tốt trong năm nay. Một hiệp định TPP của thế kỷ 21 sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, gia tăng phát triển các mục tiêu, và đưa đến việc tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ, Việt Nam, và tất cả các nước TPP, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng về mức phát triển trong trong bối cảnh của một chương trình toàn diện và cân bằng.

Hai vị lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực liên tục thúc đấy hơn nửa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, và Tổng thống Obama ghi nhận những nỗ lực cải cách của Việt Nam vốn có nền kinh tế đang phát triển. Họ nhấn mạnh giá trị quan trọng của những nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương, và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế như là nền tảng và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-mới. Hai vị chủ tịch nhất trí tăng cường hợp tác dưói tổ chức Cơ cấu Thoả thuận về Thương Mại và Đầu tư (U.S.-Vietnam Trade and Investment Framework Agreement - TIFA) Council cũng như theo sáng kiến Cam kết Tăng cường Kinh tế (Enhanced Economic Engagement) của ASEAN và APEC để nâng cao sự tham gia kinh tế và thương mại phù hợp với Hiệp ước Đối tác Toàn diện, và mục tiêu chung trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, and ASEAN. Tổng thống Obama hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế. Tổng thống Obama ghi nhận mối quan tâm của Việt Nam trong việc theo đuổi danh hiệu của một quốc gia có nền kinh tế thị trưnờg, và cam kết làm tăng cường sự tham gia một cách xây dựng của Hoa Kỳ vào cải cách kinh tế ở VN. Hai vị chủ tịch thừa nhận ý định của Việt Nam tham gia Hội nghị về các Lợi ích về Thiết bị Di động Capte Tơn (Cape Town Convention on International Interests in Mobile Equipment - CTC).

Cả hai vị lãnh đạo lưu ý tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế, và đã đặc biệt đề cập đến: Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa PetroVietnam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ để hỗ trợ thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng tại Việt Nam; Hiệp định Khung về Cá Voi Xanh (Framework Heads Agreement on the Cá Voi Xanh) ngoài khơi Việt Nam giữa Tổng công ty Exxon Mobil và Dầu khí Việt Nam; Hiệp định hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Murphy và Dầu khí Việt Nam Tổng công ty Thăm dò Khai thác (PVEP); biên bản ghi nhớ giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ (MetLife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc cho thành lập một công ty quản lý quỹ của Bảo hiểm ACE Việt Nam. Hai vị chủ tịch hoan nghênh Bộ Nông nghiệp hỗ trợ cho việc xây dựng và đào tạo các chương trình công suất thiết kế để giúp Việt Nam thông qua và áp dụng khoa học và công nghệ vì lợi ích của nông dân Việt Nam, các công ty nông nghiệp, và người tiêu dùng Mỹ. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ các nhóm dân dễ bị hiểm nguy nhất [thiệt thòi nhất] trong việc theo đuổi phát triển kinh tế, bao gồm cả làm việc cùng làm việc để chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.

Khoa học và Hợp tác Công nghệ

Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác khoa học và công nghệ. Họ hoan nghênh kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp Tác Khoa Học và Công Nghệ sẽ được tổ chức vào mùa thu này, và nhấn mạnh nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa các cộng đồng khoa học ở Hoa Kỳ và Việt Nam để tăng cường quan hệ song phương, đáp ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác, và gia tăng phát triển kinh tế dựa vào đổi mới. Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định ý định tiếp tục hợp tác khoa học, bao gồm cả trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, công nghệ không gian, và nghiên cứu hàng hải. Hai chủ tịch nhấn mạnh sự kết thúc thành công một nỗ lực chung để loại bỏ tất cả uranium có nồng độ cao khỏi Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác để hỗ trợ những khát vọng của Việt Nam cho chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình với các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, bảo vệ, và bảo mật.

Hợp tác giáo dục

Hi vị chủ tịch nhất trí là cần tăng cường quan hệ giáo dục, văn hóa, và người với người giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai bên nhận ra sự gia tăng nhanh chóng số sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ, và bày tỏ hy vọng rằng nhiều sinh viên Hoa Kỳ sẽ theo đuổi các cơ hội học tập tại Việt Nam. Hai bên đồng ý rằng hợp tác chặt chẽ về giáo dục và đào tạo là yếu tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ. Họ cũng lưu ý rằng một chương trình tiếng Anh tốt sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận sự thành công của giáo dục song phương và các sáng kiến trao đổi, đặc biệt là chương trình học bổng Fulbright và Chương trình Liên minh giáo dục ngành Kỹ thuật (HEEAP). Hai nhà lãnh đạo ghi nhận sự thành công của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Chủ tịch Trương Tấn Sang hoan nghênh sáng kiến thành lập một trường đại học Fulbright tại Việt Nam.

Môi trường và sức khỏe

Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang hoan nghênh hợp tác song phương ngày càng tăng để làm giảm hiệu ứng khí thải nhà kính tại Việt Nam thông qua việc quảng bá năng lượng sạch, năng lượng có hiệu quả, và lâm nghiệp bền vững, và tăng cường khả năng phục hồi của Việt Nam với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các thảm họa tự nhiên, bao gồm cả thông qua Chương trình Năng lượng Sạch (Clean Energy Program) và Chương trình Rừng và Châu thổ (Forests and Deltas Program) của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (United States Agency for International Development’s - USAID). Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với việc cung cấp thêm y tế và các chăm sóc và hỗ trợ cho người khuyết tật, bất kể là do nguyên nhân gì.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cùng nhau, cùng với các đối tác thông tin thị trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực, và đối thoại để đảm bảo sức khỏe lâu dài và bền vững của đồng bằng sông Cửu Long và hạ lưu sông Cửu Long. Tổng thống Obama đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam vơi tư cách đồng chủ tịch của Tổ chức Môi trường và Nguồn nước Khu vực Hạ Lưu Sông Mê Kông (LMI Environment and Water Pillar), vốn bao gồm hai dự án nghiên cứu chung từ Việt Nam về quản lý tài nguyên nước trong lưu vực. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng với kết luận gần đây của Hiệp định về chăm sóc sức khỏe và hợp tác Khoa học y tế và mong muốn thúc đẩy tăng cường hợp tác y tế công cộng để quảng bá an ninh y tế toàn cầu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự hỗ trợ tiếp tục của chính phủ Mỹ thông qua Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống về AIDS (PEPFAR) cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các hệ thống bền vững cho công tác phòng chống, điều trị và chăm sóc HIV / AIDS.

Các vấn đề hệ quả chiến tranh

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng hợp tác sâu rộng trong việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau đã cho phép cả hai nước phát triển một mối quan hệ nhìn tới tương lai. Tổng thống Obama đánh giá cao sự tiếp tục hợp tác của Việt Nam trong việc cung cấp những kiểm kê đầy đủ nhất mà họ có thể về người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm người mất tích của VN. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp của Chính phủ Mỹ cho những nỗ lực của Việt Nam làm sạch vật liệu chưa nổ (UXO), hỗ trợ những người bị thương do bom mìn, và ngăn chặn thương vong trong tương lai. Chủ tịch bày tỏ hài lòng với sự tiến bộ của dự án của USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam để làm sạch ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ Mỹ để tiến hành đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin ở căn cứ không quân Biên Hòa.

Quốc phòng, an ninh


Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác về quốc phòng và an ninh. Họ bày tỏ sự hài lòng với các Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ bản ghi nhớ. Hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục các chương trình Đối thoại Quốc Phòng Mỹ-Việt (U.S.-Vietnam Defense Policy Dialogue) và Đối thoại về Chính trị, An ninh và Chính sách Quốc phòng như cơ hội để xem xét các mối quan hệ quốc phòng, an ninh và thảo luận về hợp tác trong tương lai. Hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác cùng có lợi để tăng cường khả năng như tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai. Hai lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để chống khủng bố, tăng cường hợp tác thực thi pháp luật hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia bao gồm cả cươp biển, ma tuý, buôn người và động vật hoang dã và giải quyết cao tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Tổng thống Obama hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và nhấn mạnh mong muốn của Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo và những hỗ trợ khác cho nỗ lực này thông qua các hoạt động hòa bình Sáng kiến toàn cầu (GPOI).

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền

Hai vị lãnh đaọ ghi nhận những lợi ích của một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp các khác biệt về nhân quyền. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo với Tổng thống Obama nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy nhân quyền và thương tôn luật pháp, và bảo vệ quyền của tín đồ tôn giáo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam đã được chuẩn bị để ký Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn vào cuối năm nay và tuyên bố rằng Việt Nam sẽ mời các Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong năm 2014. Hai bên tái khẳng định cam kết của họ để tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Văn hóa, Du lịch và Thể thao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác về văn hóa, thể thao và du lịch để tăng cường trao đổi giữa con người với con người và hiểu biết lẫn nhau. Họ ghi nhận sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và những đóng góp quan trọng của họ cho sự phát triển của quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo khuyến khích giao lưu giữa con người thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, triển lãm và các sự kiện văn hóa và thể thao khác giữa hai nước.
Tran Thi Ngự chuyển ngữ 

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang bác bỏ yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc tại Biển Đông

Theo AFP, hôm qua 25/07/2013, trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS), có trụ sở tại Washington, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố bác bỏ đòi hỏi chủ quyền với yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc trên Biển Đông, còn gọi là « đường lưỡi bò ». Về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Việt Nam từ chối đưa ra bình luận.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã có tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò, bao gồm gần như toàn bộ vùng Biển Đông và nhiều đảo gần bờ biển các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines… Chủ tịch Việt Nam giải thích : « Chúng tôi không tìm thấy bất cứ cơ sở pháp lý hay khoa học nào đối với một đòi hỏi như thế và như vậy chủ trương của Việt Nam bác bỏ đòi hỏi chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là hợp lý ».
Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang từ chối đưa ra bình luận về khả năng Việt Nam sẽ liên kết với Philippines trong việc đưa các tranh chấp với Trung Quốc ra trọng tài quốc tế để xét xử dựa trên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, như Manila đã khởi sự từ tháng 1/2013. Chủ tịch Việt Nam khẳng định : « Là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines có toàn quyền theo đuổi vụ kiện như họ muốn ».
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/07/2013.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/07/2013.
Trên thực tế, Việt Nam và Philippines đều thường xuyên chỉ trích các yêu sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Dù sao, quan hệ giữa từng nước với Trung Quốc có phần khác nhau. Quan hệ Philippines - Trung Quốc đặc biệt căng thẳng trong thời gian gần đây, với việc Trung Quốc duy trì sự kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough (bãi cạn này được Philippines đặt tên là Panatag, trong khi phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), mà Philippines vẫn khẳng định chủ quyền, sau hai tháng tranh chấp giữa hai bên hồi hè năm ngoái. Ngày 22/01/2013, Manila tuyên bố buộc phải đưa vụ việc này ra trước tòa án quốc tế, vì « đã sử dụng gần như toàn bộ các biện pháp ngoại giao và chính trị để có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình với Trung Quốc ».
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có phần dịu lại với chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam hồi cuối tháng 6/2013, hai bên đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng để phòng ngừa các biến cố bất ngờ gây xung đột. Tuy nhiên, ngay sau chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam, đầu tháng 7/2013, lại diễn ra các vụ tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá các tầu cá Việt Nam đang khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa.
Trước cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Chủ tịch Việt Nam đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Hoa Kỳ ra tuyên bố chung kêu gọi « giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình » và tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, gọi tắt là COC, nhằm hóa giải các tranh chấp. Chủ tịch nước Việt Nam nói :
« Vấn đề Biển Đông cũng đã được bàn bạc tới một cách thấu đáo. Chúng tôi hết sức hoan nghênh chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN là giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, DOC tiến đến COC và cam kết bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Tôi cũng bày tỏ sự hoan nghênh Hoa Kỳ cũng như các nước khác hết sức quan tâm, chăm sóc sự nghiệp hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở Biển Đông nói riêng cũng như trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương ».
Về phần mình, Tổng thống Obama cho biết : « Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực nhằm giải quyết một cách hòa bình những vấn đề hàng hải đang nổi lên tại Biển Đông và những nơi khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của Việt Nam làm việc với ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử cho phép giải quyest các vấn đề này một cách hòa bình và công bằng ».
Trong Hội nghị các Ngoại trưởng của khối ASEAN tại Brunei hồi đầu tháng 7/2013, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố chấp nhận đàm phán với các nước ASEAN về bộ quy tắc COC kể từ tháng 9/2013. Tuy vậy, một số nhà quan sát cảnh báo thái độ của Trung Quốc không thành thực, mà chỉ là một thủ pháp nhằm hóa giải chiến lược xoay trục của Mỹ, đang ngày càng giành được sự ủng hộ của nhiều nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép.
Trọng Thành
(RFI)

Nhân sĩ trí thức đòi chính quyền giải quyết vụ tuyệt thực của blogger Điếu Cày

Trong một kiến nghị gởi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được công bố hôm nay, 26/07/2013, gần 60 nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đã yêu cầu hai lãnh đạo cao cấp của chính phủ Hà Nội « khẩn cấp » giải quyết vụ tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải, blogger Điếu Cày, « một công dân yêu nước ».
Trong bức thư, các nhân sĩ trí thức kêu gọi người Việt Nam trong và ngoài nước từ đây đến cuối ngày Chủ nhật 28/07 ký tên vào bản yêu cầu này để cứu blogger Điếu Cày, mà tính mạng đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp sau 34 ngày tuyệt thực, tính đến hôm nay.
Bức thư của các nhân sĩ trí thức kêu gọi các nhà ngoại giao, các sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam đòi chính quyền Việt Nam cung cấp những thông tin xác thực về Điếu Cày, tạo điều kiện cho họ đến thăm Điếu Cày tại nơi giam giữ để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của ông.

Gia đình blogger Điếu Cày cùng bạn bè căng biểu ngữ trước cổng Tổng cục 8 đòi trả tự do cho ông sáng ngày 26/07/2013.
Gia đình blogger Điếu Cày cùng bạn bè căng biểu ngữ trước cổng Tổng cục 8 đòi trả tự do cho ông sáng ngày 26/07/2013.
Cuối bức thư, các nhân sĩ trí thức yêu cầu chính quyền trả tự do vô điều kiện cho công dân Nguyễn Văn Hải và các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.
Trong một bức thư đề ngày 25/07/2013, nhờ gia đình blogger Điếu Cày chuyển cho ông, một nhóm nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn gồm các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Tống Văn Công, Kha Lương Ngãi, Hạ Đình Nguyên và Tô Lê Sơn, đã bày tỏ mối quan ngại về tình trạng sức khoẻ của blogger, cũng như khâm phục ý chí kiên cường của ông. Nhóm nhân sĩ trí thức cũng góp một số tiền để hỗ trợ cho gia đình blogger Điếu Cày trong việc đi lại, thăm nuôi.
Hôm nay, bà Dương Thị Tân, vợ blogger Điếu Cày cùng con trai đã đến trụ sở Tổng cục 8 Bộ Công an ở Hà Nội để gởi đơn yêu cầu can thiệp khẩn cấp cho chồng. Cho tới hôm nay, gia đình blogger Điếu Cày vẫn hoàn toàn không được biết tình trạng sức khoẻ, sống chết của ông ra sao. Nhưng khi tiếp bà Dương Thị Tân hôm nay, một cán bộ của Tổng cục 8 cho biết họ sẽ « giải quyết theo trình tự » và sẽ trả lời vào ngày thứ Hai tuần tới.
Hôm qua, cán bộ Viện Kiểm sát Nghệ An đã tuyên bố bằng miệng là sẽ giải quyết đơn của Điếu Cày trong vòng 15 đến 30 ngày. Quá phẫn nộ, uất ức bà Dương Thị Tân đã đòi tự thiêu để cứu chồng, nhưng đã từ bỏ ý định này sau khi gia đình và bạn bè khuyên can.
Thanh Phương
(RFI)

Công an hứa giải quyết vụ Điếu Cày

Vợ cũ của blogger Điếu Cày, bà Dương Thi Tân, nói đại diện phía công an đã hứa sẽ có văn bản giải quyết đơn xin can thiệp của gia đình bà trước việc blogger này tuyệt thực để phản đối bị biệt giam vào tuần sau.
Trong buổi phỏng vấn với BBC qua điện thoại ngày 26/7, bà Tân cho biết bà cùng với con trai và một số người khác đã tới Tổng cục 8 thuộc Bộ Công an sáng 26/7, theo như kế hoạch đã được đặt ra trước đó.
Tổng Cục 8 là đơn vị thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Bộ Công an.
Tại đây, một thượng tá tên Bùi Thanh Tiến cho bà Tân biết là chỉ có thể trình đơn của bà lên cấp trên, và giải quyết là việc của cấp trên nữa, sau đó yêu cầu mẹ con bà ra về.
"Sau đó mọi người sang Bộ Công an. Có rất nhiều người từ bên Tổng cục 8 đi theo, từ dân phòng cho đến công an, cảnh sát giao thông và 'quần chúng tự phát'," bà Tân nói.
"Sau đó bên Bộ Công an nói không được đứng ở đây, đơn từ phải đem sang thanh tra Bộ Công an."
Bà Tân cho biết đại diện phía Thanh tra Công an đã hứa sẽ có văn bản giải quyết cho đơn yêu cầu can thiệp của gia đình bà vào tuần sau
Tại trụ sở của Thanh tra Bộ Công an, thượng tá Vũ Thanh Dư đã nhận đơn của bà Tân và cho biết "một tuần nữa chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản," bà nói.
Sau khi bà Tân nói "không thể đợi được một tuần, sinh mạng chúng tôi chỉ tính bằng giờ, bằng phút" thì ông Dư đáp lại là "tuần sau chị qua đây, nếu mọi người không trả lời cho chị thì chị gọi cho tôi, tôi sẽ giải quyết."
Khi được hỏi gia đình có nhận thêm thông tin nào từ Điếu Cày hay chưa, bà Tân cho biết "không nhận được bất kỳ thông tin nào từ trại giam cũng như Viện Kiểm sát"
"Họ né tránh không trả lời mẹ con tôi."
Bà cũng nói đã đưa đơn yêu cầu can thiệp lên tổng cộng bốn cơ quan nhà nước.
"Một là trại giam, hai là Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, ba là Tổng cục 8 Bộ Công an, bốn là Thanh tra Công an."
"Và có lẽ là phải tiếp tục đưa nữa cho đến cấp cao nhất của chính phủ," bà nói.
Không nhận được đơn
Nhiều người đã yêu cầu trả tự do cho blogger Điếu Cày phía bên ngoài Nhà Trắng, nơi diễn ra cuộc gặp mặt của Chủ tịch Trương Tấn Sang với Tổng thống Obama ngày 25/7
Trước đó, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, một nhà hoạt động dân chủ trong nước, cho BBC biết Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An xác nhận họ không hề nhận được bất cứ đơn khiếu nại nào của Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải.
Ông Sơn kể lại với BBC rằng các cán bộ ở Viện kiểm sát Nghệ An ‘đã tỏ ra ngạc nhiên’ khi được gia đình hỏi về đơn khiếu nại của ông Hải hôm thứ Hai ngày 22/7.
“Chúng tôi kiến nghị phải khẩn cấp can thiệp cho trường hợp Nguyễn Văn Hải,” ông kể, “Chúng tôi đã trình bày đây là trường hợp khẩn cấp vì anh Hải đang rất suy kiệt về sức khỏe sau khi đã tuyệt thực khoảng 30 ngày.”
Sau khi tra cứu thì các cán bộ ở Viện kiểm sát Nghệ An xác nhận là ‘chưa nhận được văn bản nào’ từ Trại giam số 6, ông Sơn nói.
Tuy nhiên theo nguồn tin từ gia đình ông Hải thì họ đã được các quan chức nhà tù nơi giam giữ ông Hải khẳng định rằng họ đã chuyển ‘tất cả đơn từ của ông Hải’ cho Viện kiểm sát.
Ông Hải thụ án 12 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ tại trại giam số 6, nằm cách thủ phủ Vinh của tỉnh Nghệ An khoảng 70km về phía Tây.
Hiện ông đang tuyệt thực để phản đối việc nhà tù biệt giam ông vì ‘ông đã không chịu ký vào đơn nhận tội’, con trai ông Hải Nguyễn Trí Dũng thuật lại với BBC sau khi anh vào thăm cha hôm 20/7.
Theo lời anh Dũng thì đến ngày 20/7 ông Hải đã ‘tuyệt thực được 27 ngày’ và ông chỉ dừng tuyệt thực khi nào lá đơn khiếu nại về việc biệt giam ông gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An được giải quyết.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét