Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý: về chuyến thăm USA của chủ tịch nước

Chủ tịch Việt Nam lên đường thăm Mỹ

Chủ tịch Việt Nam TrươngTấn Sang
Ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ lần đầu tiên với tư cách chủ tịch nước
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cùng phái đoàn rời Hà Nội để thăm Hoa Kỳ hôm 23/7.
Trong một cử chỉ đặc biệt, chủ tịch Việt Nam mời cả một số chức sắc tôn giáo đi cùng.
Sức ép tôn giáo
Cộng đồng người Việt ở Mỹ đang vận động đòi Tổng thống Obama đề cập cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo khi gặp ông Sang.
Việt Nam nói tại Mỹ, các vị chức sắc tôn giáo Việt Nam sẽ trao đổi “rất thẳng thắn và cởi mở” với nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm đến dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo.
Họ sẽ gặp cả “những tổ chức xưa nay vẫn có cái nhìn thiên lệch về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam,” theo truyền thông nhà nước.
Hôm 22/7, một số đại diện tôn giáo người Việt ở Mỹ đã gặp Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động, Tiến sĩ Daniel Baer.
Một tổ chức khác, Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF), cũng kêu gọi Tổng thống Barack Obama “nêu quan ngại về vi phạm tự do tôn giáo” khi gặp Chủ tịch Sang.
'Quan hệ mới'
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Việt Nam dự định sẽ kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Được hãng tin Mỹ AP hỏi qua email về lệnh cấm, ông Trương Tấn Sang nói “nay là lúc để bình thường hóa đầy đủ quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực”.
Chủ tịch Việt Nam nói thêm với AP rằng có khác biệt giữa Washington và Hà Nội về nhân quyền, nhưng điều này “hoàn toàn bình thường”.
Ông Sang nói ở Việt Nam "các quyền căn bản và tự do của nhân dân được tôn trọng", theo tin của AP.
Đây mới là lần thứ hai một chủ tịch nước Việt Nam thăm Hoa Kỳ từ sau 1975, với cuộc hội kiến lần đầu ở Nhà Trắng giữa Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng thống George W. Bush năm 2007.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường, nói với báo trong nước “đã đến lúc hai nước cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ”.
Ông Cường cho rằng những khác biệt về chính trị “không lớn so với lợi ích và xu thế chung trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hợp tác vì ổn định, hòa bình và phát triển”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, David Shear, cũng vừa có bài viết trên báo Tuổi Trẻ ở TP. HCM, gọi cuộc gặp giữa ông Sang và Obama là "cuộc gặp lịch sử".
"Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền," đại sứ Mỹ nói.
Gọi quan hệ kinh tế là câu chuyện "thành công", ông David Shear nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đại sứ Mỹ hứa hẹn: "Nếu Việt Nam phê chuẩn hiệp định gồm 12 thành viên này, Việt Nam sẽ được tiếp cận gần như là tự do vào các thị trường TPP mà kết hợp lại chiếm tới 40% GDP toàn cầu và khoảng 1/3 thương mại của toàn thế giới."
Việt Nam cho biết đi cùng ông Trương Tấn Sang có các bộ trưởng ngoại giao, công thương, giáo dục, nông nghiệp.
Trong đoàn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Các bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, Hải Dương, Trưởng ban tôn giáo chính phủ cùng một số quan chức khác cũng đi theo đoàn.
Cuộc hội kiến giữa Tổng thống chủ nhà Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ diễn ra trong ngày 25/7.
(BBC)

Mỹ công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á

Ba hôm trước cuộc gặp thượng đỉnh Barack Obama – Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng, ngày 22/07/2013, ngành ngoại giao Mỹ khẳng định trở lại trọng tâm mà Washington đặt vào châu Á, thể hiện qua chính sách tái cân bằng lực lượng, còn gọi là xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương đã được Tổng thống Obama loan báo.

Trong một cuộc họp báo, bên cạnh việc xác nhận lại các ưu tiên của Mỹ trong vùng, ông Danny Russel, người vừa chính thức nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương, còn nói rõ thêm về vị trí của Việt Nam và Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.

Về vùng Đông Nam Á, ông Russel đã công nhận rằng đây là khu vực được Mỹ cho là năng động nhất trong toàn châu Á -Thái Bình Dương, và là nơi mà Hoa Kỳ đang và sẽ tiếp tục đầu tư một cách đáng kể vào việc vun bồi quan hệ với các nước từ lớn đến nhỏ, từ Indonesia nước lớn nhất, cho đến Singapore hay Brunei, hai quốc gia nhỏ nhất.

Riêng về Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác định rằng quan hệ đối tác song phương đang vươn lên, với một “dấu mốc khá lịch sử” là chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Theo ông Russel, ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày Thứ Năm (25/07/2013), trước đó Chủ tịch nước Việt Nam sẽ được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đón tiếp. Lãnh đạo Việt Nam được cho là sẽ đến Mỹ ngay vào chiều nay 23/07/2013.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo người Việt, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang có cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt nhờ vào mối quan hệ cá nhân của đương kim Ngoại trưởng John Kerry với Việt Nam, không chỉ từ lúc ông còn trong quân ngũ, mà còn từ các giai đoạn sau đó..

Ông Russel nhắc lại rằng thời còn làm Thượng nghị sĩ, kể cả lúc làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry đã đi thăm Việt Nam 17 lần. Cùng các đồng nghiệp tại Thượng viện, ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho việc tiến tới một kiểu quan hệ chiến lược và toàn diện, một quan hệ đối tác mà Mỹ và Việt Nam có thể xây dựng – và đang xây dựng.

Một cách cụ thể hơn, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Việt Nam có một vị trí “gần sát trung tâm của chiến lược tái cân bằng” qua châu Á. Ông Russel giải thích : “Việt Nam là một quốc gia đang vươn lên… Việt Nam là một tác nhân chủ chốt trong ASEAN vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ vào trong các tổ chức (khu vực)… đang tăng tốc. Việt Nam cũng là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP".

Tuy nhiên ông Russel cũng nêu lên hai quan điểm thận trọng đối với Việt Nam. Trước hết, trong số 12 quốc gia tham gia vào các cuộc đàm phán TPP, Việt Nam là nước nằm ở cuối bậc thang phát triển. Chính vì vậy mà theo ông Russel, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới cho là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi là ​​thành viên một khối mậu dịch có tiêu chuẩn và chất lượng cao như TPP.

Vấn đề thứ hai, theo ông Russel, là Hoa Kỳ luôn có những mối quan tâm đáng kể và đã hết sức chú ý đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Washington nhận thức rõ những tiến bộ trong lãnh vực này ở Việt Nam, nhưng vẫn rất quan tâm đến các lãnh vực chưa có tiến bộ.

Về Biển Đông, người phụ trách châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại khen ngợi lập trường của Việt Nam. Ông Russel giải thích : “Theo Ngoại trưởng Kerry, người sẽ ăn trưa với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày Thứ Tư (24/07/2013), chuyến thăm này là cơ hội để tăng cường sự phối hợp giữa hai nước về các vấn đề chiến lược trong khu vực, bao gồm cả vấn đề quan trọng là Biển Đông, nơi mà Việt Nam, dù là một bên tranh chấp, nhưng cũng là một tiếng nói rất có trách nhiệm, ủng hộ một cách tiếp cận ngoại giao dựa trên luật pháp".
Trọng Nghĩa (RFI)

HRW : Nhân quyền phải ở hàng đầu trong thượng đỉnh Mỹ-Việt

Human Rights Watch (HRW)
Human Rights Watch (HRW) (© Reuters)

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ngày 23/07/2013 ra thông cáo nhấn mạnh, việc Việt Nam gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 24 đến 26/07/2013.

Human Rights Watch nhắc lại, trước đây nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng đến thăm Washington vào tháng 6/2007 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008. Tuy nhiên số người bất đồng chính kiến, blogger và lãnh đạo tôn giáo bị 0bỏ tù đã gia tăng liên tiếp từ sau những chuyến thăm đó. Số người bị truy tố trong sáu tháng đầu năm 2013 đã vượt quá tổng số của cả năm 2012, vốn đã cao hơn hai năm trước đó.

Theo Human Rights Watch, « Chính quyền Việt Nam thường xuyên áp dụng bộ luật hình sự hà khắc để bắt giữ những người bất đồng chính kiến theo các tội danh như “tuyên truyền,” “lật đổ chính quyền nhân dân,” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Họ thường bị giam giữ không cho liên hệ với bên ngoài trong một thời gian dài, bị kết các mức án tù ngày càng nặng nề hơn ».

Ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói : “Nếu phê phán chính quyền Việt Nam là một tội, thì Tổng thống Obama nên thể hiện tình đoàn kết với những người bất đồng chính kiến bằng cách tự mình phạm cái tội ấy,” “Chủ tịch Sang không thể biện minh cho chính sách đàn áp của chính phủ Việt Nam trước dư luận toàn thế giới và nên nhân cơ hội này chấm dứt việc đó.”

Human Rights Watch đề nghị chính quyền Obama phát biểu công khai về các trường hợp bất đồng chính kiến đặc biệt, như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), luật sư Lê Quốc Quân.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cũng nhắc lại các trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy… Human Rights Watch cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên hoãn các cuộc thương lượng về quốc phòng và thương mại với Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt đàn áp bất đồng chính kiến.

Riêng trường hợp blogger Điếu Cày, từng được Tổng thống Obama nêu ra nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới tháng 5/2012, Human Rights Watch ghi nhận, ông Nguyễn Văn Hải đã bị liên tục chuyển đi 9 trại giam khác nhau. Mới đây ông đã tuyệt thực phản đối việc bị biệt giam. Tổ chức này nhắc lại, theo hệ thống hình sự Việt Nam, thường các tù nhân chính trị chỉ được xếp vào một trong hai loại “cải tạo tốt” hay “cải tạo khá” nếu họ nhận tội.

Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, ít nhất cũng cân nhắc việc phóng thích các tù nhân cao tuổi hoặc bệnh tật - trong đó có Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải. Cuối cùng, do Việt Nam đang tìm kiếm một chiếc ghế tại Hội đồng Nhân quyền, tổ chức này đòi hỏi Hoa Kỳ và các quốc gia khác gây sức ép với Hà Nội trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay.
Thụy My (RFI)

'Chưa đủ ủng hộ để bán vũ khí cho VN'


Mỹ - Việt giao lưu quân sự nhiều nhưng chưa là đồng minh

Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Catharin Dalpino nói Mỹ vẫn sẽ chưa đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang vì không đủ ủng hộ trong chính giới Mỹ.

Bà nói thêm Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là hai vấn đề quan trọng trong quan hệ.

Giáo sư Dalpino, hiện là Giám đốc chương trình Chất độc Da cam ở Việt Nam của Viện Aspen, cũng từng là chuyên gia nghiên cứu của Viện Brookings và chuyên về an ninh Đông Nam Á.

Bà cũng là tác giả của ba cuốn sách về chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á cũng như có bài đóng góp cho nhiều sách, báo khác nhau.

Trong chuyến thăm tới Nhà Trắng lần này, Chủ tịch Việt Nam dự định sẽ kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Được hãng tin Mỹ AP hỏi qua email về lệnh cấm, ông Trương Tấn Sang nói “nay là lúc để bình thường hóa đầy đủ quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực”.

Chủ tịch Việt Nam nói thêm với AP rằng có khác biệt giữa Washington và Hà Nội về nhân quyền, nhưng điều này “hoàn toàn bình thường”.

Trước chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam sang Hoa Kỳ, bà Dalpino trả lời ba câu hỏi của BBC qua điện thư.

BBC: Bà có ngạc nhiên trước thời điểm ông Sang thăm Mỹ không khi mà chuyến đi có vẻ diễn ra gấp gáp?

Catharin Dalpino: Tôi không coi khoảng cách ngắn giữa lúc tuyên bố được đưa ra và thời điểm chuyến thăm diễn ra là quan trọng, cho dù khoảng cách hơi ngắn hơn bình thường chút ít.
"Sau chuyến thăm của ông Sang, câu hỏi được đưa ra sẽ là: khi nào Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam."
Thông thường các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia được thảo luận trong vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi diễn ra nhưng thời điểm chính xác sẽ không được quyết định cho tới trước khi đi một hay hai tuần.

Phối hợp lịch của hai nguyên thủ không phải là điều dễ dàng. Trong trường hợp này, lên lịch cho chuyến thăm của ông Sang vào tháng Bảy là tốt nhất. Tháng Tám là tháng nghỉ hè ở Washington.

Trong tháng Chín, các nhà lãnh đạo thế giới bay tới New York dự phiên họp Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cũng có một vài chuyến thăm chính thức nhưng mọi thứ luôn vội vã vì số lượng quá nhiều.

Tới tháng Mười Tổng thống Obama sẽ đi Bali dự hội nghị APEC và Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei.

Như vậy cơ hội tiếp theo để tiếp Chủ tịch Sang sẽ là tháng 11.

Sau chuyến thăm của ông Sang, câu hỏi được đưa ra sẽ là: khi nào Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam.

Từ khi trở thành tổng thống ông vẫn chưa sang Việt Nam và sẽ chịu chút sức ép phải làm như vậy trong nhiệm kỳ thứ hai.

BBC: Vấn đề nhân quyền quan trọng tới mức nào trong cuộc gặp ở Nhà Trắng? Hay là cuộc gặp sẽ tập trung vào Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông?

Catharin Dalpino: Chính quyền Obama chắc chắn sẽ giữ vấn đề nhân quyền trong nghị trình cuộc gặp giữa Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama.

Nhưng Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là hai vấn đề quan trọng trong quan hệ. Tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng.
"...Tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng."
Chính quyền Obama đang chịu sức ép phải kết thúc TPP (mặc dù vẫn có những phức tạp từ phía Hoa Kỳ chẳng hạn Tổng thống vẫn chưa có Thẩm quyền Thúc đẩy Thương mại), nhưng thời hạn Hoa Kỳ tự đặt ra vào tháng Mười là khá tham vọng.

Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ là hai nước trong nhóm lớn hơn các nước đang đàm phán TPP nên cuộc gặp sẽ không giải quyết được hết mọi vấn đề nhưng sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận các vấn đề song phương trong khuôn khổ TPP.

Về vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng đây sẽ là đề tài được hai bên thảo luận. Nhưng ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp không chính thức vào tháng Tám và cuộc gặp này sẽ bị ảnh hưởng nếu tuyên bố chính thức từ cuộc gặp giữa ông Sang và ông Obama quá rõ ràng.

Bởi vậy tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng.

BBC: Liệu hai bên có đạt được đột phá nào về quốc phòng trong tương lai gần không? Chẳng hạn như một thỏa thuận cụ thể về Cam Ranh hay bán vũ khí cho Việt Nam?

Súng máy M60 dùng trong tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Philippines
Việt Nam coi việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí mà Washington đang áp dụng với Hà Nội là một phần của bình thường hóa quan hệ

Catharin Dalpino: Dĩ nhiên quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lớn hơn Vịnh Cam Ranh hay là bán vũ khí và bao gồm cả những lĩnh vực như đào tạo cho lực lượng gìn giữ hòa bình.

Mặc dù vậy, tôi không tin rằng Hoa Kỳ dự kiến đạt thỏa thuận cụ thể về Vịnh Cam Ranh tương tự như các hiệp định gần đây với Australia (để Thủy quân lục chiến có thể luân phiên tới Darwin) hay với Singapore (để tàu chiến có thể luân phiên tới).

Việt Nam hiện vẫn mở Vịnh Cam Ranh cho hải quân nước ngoài nói chung và sẽ cho phép sử dụng cảng để sửa chữa và tôi nghi ngờ chuyện Lầu Năm Góc muốn nhiều hơn thế trong tương lai gần.

Vấn đề bán vũ khí sẽ liên quan tới cả Quốc hội và chính quyền và Quốc hội thường hay gắn bán vũ khí với nhân quyền.

Nhìn từ phía Hoa Kỳ, không có vẻ là đã có đủ ủng hộ cho việc bán vũ khí.
BBC

CPJ: Nghị định 72 là 'mối nguy mới'


Nghị định 72 không chỉ áp dụng với các công ty trong nước mà còn với các công ty nước ngoài có dịch vụ tại Việt Nam

Một tổ chức bảo vệ nhà báo lên tiếng chỉ trích Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng.

Committee to Protect Journalists (CPJ), đặt ở New York, cho rằng nghị định này "nhằm vào tự do trên mạng" tại Việt Nam và là "mối đe dọa khổng lồ mới đối với các nhà báo trên mạng cũng như các blogger".

"Những hạn chế quy định trong nghị định mới này nhằm mục đích bắt các công ty Internet trên toàn cầu như Google, Facebook và một số khác phải đồng lõa với việc tăng cường đàn áp tự do Internet," thông cáo dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á.

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức dẹp bỏ điều luật phi lý này và ngưng chiến dịch đàn áp các nhà báo mạng và blogger."

Được ký vào ngày 15/7 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9, Nghị định 72 sẽ được áp dụng đối với "tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin".

CPJ cho rằng Nghị định 72 yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ mạng tiết lộ danh tính của những người vi phạm "những khoản cấm kỵ về ngôn luận được pháp luật Việt Nam quy định rất mập mờ".

Cũng theo CPJ, nghị định này cũng giới hạn đáng kể những nội dung mà các công ty nước ngoài được phép đăng tải trên trang web cũng như mạng xã hội có liên quan đến Việt Nam của họ.

Các hành vi bị cấm bao gồm "Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo" cũng như "đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".

Tuyên bố chung

Trong một diễn biến riêng lẻ, ngày 22/7, hãng thông tấn AP cho biết blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, đã tuyệt thực đến ngày thứ 30 để phản đối bị biệt giam trái quy định.

Theo AP, việc blogger này tuyệt thực càng thu hút dư luận về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trước chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ngày 25/7.


Việc blogger Điếu Cày tuyệt thực hướng dư luận vào hồ sơ nhân quyền của Việt Nam

Hồi tháng 9/2012, ông Nguyễn Văn Hải bị xử 12 năm tù giam vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Trường hợp của ông Hải từng được Tổng thống Obama nhắc tới trong diễn văn ngày Quốc tế Tự do Báo chí năm ngoái.

Trước đó, ngày 18/7, một nhóm tự gọi tên là Mạng lưới blogger Việt Nam đã ra tuyên bố chung trong đó yêu cầu Chính phủ Hà Nội phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết về nhân quyền.

Qua tuyên bố chung, nhóm này cho rằng, với tư cách ứng cử viên, "Việt Nam phải chứng minh các cam kết của mình nhằm hợp tác với Hội đồng Nhân quyền và duy trì những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền”.

Họ nói rằng các nghĩa vụ về nhân quyền của Việt Nam phải được thực hiện ngay trong nội bộ đất nước và "nhân dân Việt Nam phải có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt".
(BBC)

Chương trình nghị sự cho cuộc họp Obama-Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội trước thềm cuộc hội kiến với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Hãng tin AP hôm nay trích lời ông Trương Tấn Sang nói rằng “đã đến lúc phải bình thường hóa toàn diện các quan hệ song phương trong tất cả mọi lĩnh vực”. 
Hãng tin AP tường thuật rằng lời bình luận của Chủ tịch nước Việt Nam đã được gửi cho hãng tin này qua email, để trả lời một câu hỏi về lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam của Mỹ.
Hoa Kỳ đang tìm cách thắt chặt các quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam, tuy nhiên cùng lúc, muốn thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho các nhân vật bất đồng và cho phép người dân được quyền tự do chính trị, và tự do tôn giáo.
Hãng tin AP tường thuật rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang còn nói thêm rằng hãy còn một số khác biệt quan điểm giữa Washington và Hà nội về vấn đề nhân quyền nhưng điều đó là chuyện “bình thường.”
Trong khi đó, chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ đã khiến thế giới tập trung vào thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Hãng tin Reuters hôm qua dẫn lời ông John Sifton, giám đốc phân bộ Á Châu của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng nếu chỉ trích chính quyền Việt Nam bị coi là một tội có thể bị xử phạt, thì cá nhân Tổng Thống Obama phải tỏ thái độ đoàn kết với các nhân vật bất đồng bằng cách “phạm tội lỗi ấy.”
Human Rights Watch nói chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận được tăng cường tại Việt Nam trong thời gian qua, phải là một đề tài được đặt cao trong nghị trình cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam (trái) và phu nhân tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii, ngày 12 Tháng 11 năm 2011.

Chủ tịch nước Việt Nam tiền nhiệm, ông Nguyễn Minh Triết đã đi thăm Washington vào tháng 6 năm 2007, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Washington vào tháng 6 năm 2008. Từ các chuyến đi thăm đó tới nay, ngày càng có nhiều nhân vật bất đồng, blogger và lãnh đạo tôn giáo bị tống giam ở Việt Nam.
Bản tin của Reuters viết rằng theo Bộ Luật Hình sự khắc nghiệt của Việt Nam, nhà chức trách thường xuyên bắt bớ các nhân vật bất đồng về những cáo trạng như  “tuyên truyền ” và “âm mưu lật đổ nhà nước nhân dân”, “phá hoại tình đoàn kết của nhà nước” và “lạm dụng các quyền tự do dân chủ để phương hại tới lợi ích của nhà nước và nhân dân.”
Bản tin nói rằng các nhân vật bất đồng thường xuyên bị giam cầm và không được tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian dài, nhiều người không được phép gặp luật sư, hoặc cấm người nhà đến thăm, họ thường bị tra tấn hoặc chịu những hình thức ngược đãi khác, bị truy tố tại những tòa án do nhà nước kiểm soát, và ngày càng chịu những bản án khắc nghiệt kéo dài nhiều năm.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi chính phủ của Tổng Thống Obama hãy công khai nêu lên các trường hợp cá biệt, như trường hợp Luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày, tức nhà báo tự do Nguyễn văn Hải, và trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân, đang chờ bị truy tố về những cáo buộc về tội trốn thuế, mà Human Rights Watch cho là có tính cách ngụy tạo.
Giới phân tích nói giữa lúc Việt Nam đang lưỡng lự giữa một bên là Trung Quốc, siêu cường đang nổi lên, và một đàng là Hoa Kỳ, siêu cường đang nắm vị thế số 1 hiện nay, liệu chiến dịch đòi chính phủ Mỹ tăng sức ép đối với Hà Nội có nguy cơ đẩy Việt Nam vào vòng tay Trung Quốc? Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành BPSOS nói:
“Lập luận đó không đứng vững đâu. Lý do thứ nhất là cuộc vận động cho nhân quyền ở hải ngoại không có ý là không muốn Việt Nam tham gia vào thương ước Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP), không muốn cho Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, mà chỉ muốn đặt điều kiện về vấn đề nhân quyền. Lý do thứ hai, nếu Việt Nam gia nhập luôn phía của Trung Quốc để trở thành một quốc gia lệ thuộc, thì cái đó là một hành động tự sát, bởi vì cái chính danh của chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam chỉ còn có một cái thôi, đó là họ luôn luôn giương cao ngọn cờ nói rằng chúng tôi là người giành được độc lập cho Việt Nam, mà bây giờ bán cái độc lập ấy đi để duy trì Đảng Cộng Sản thì cái chính danh từ trước tới giờ không còn gì nữa hết. Cuộc vận động của chúng tôi là muốn làm sao để họ dân chủ hóa, chọn một thái độ rõ ràng. Nếu như Việt Nam vẫn độc tài theo chế độ cộng sản thì không bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Chỉ có thể thoát khỏi được và thực sự đứng chung hàng ngũ của Hoa Kỳ nếu như họ tôn trọng nhân quyền và từng bước một dân chủ hóa mà thôi.”
Phát động chiến dịch đòi nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sửa đổi luật pháp, hủy bỏ điều 79 và điều 88 của Bộ Luật Hình sự, đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền, có phải là một hành động can thiệp vào nội tình Việt Nam?
Cô Trang Huỳnh, đại diện Đảng Việt Tân ở Washington:
“Việt Nam đã ký vào nhiều hiệp ước quốc tế và là thành viên của Liên Hiệp Quốc, và đây là một cái quyền của công dân Việt Nam theo tinh thần các điều khoản của Liên Hiệp Quốc. Đây là quyền của bất cứ một người dân nào trên thế giới đều có thể hưởng. Thành ra đối với tôi đây không phải là vấn đề nội bộ của Việt Nam không mà thôi, chưa nói đến việc người Việt khắp nơi, chính người dân trong nước cũng bày tỏ bất bình với hai điều luật này và họ đã vận động dân biểu Ed Royce lên tiếng về hai điều luật này.”
Hôm thứ Sáu, Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ, nói chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang là một cơ hội có một không hai để Tổng Thống Obama lên tiếng hậu thuẫn nguyện vọng của nhân dân Việt Nam mong muốn được hưởng các quyền tự do, và ông kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ tận dụng cơ hội này để bênh vực nhân quyền.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng ngoài ra, Tổng Thống Obama cũng nên nêu lên trường hợp của Linh mục Nguyễn văn Lý, và một loạt các blogger và đấu tranh trẻ tuổi kể cả Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Hoàng Vi và Nguyễn Ngọc như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, là thành phần bị nhà cầm quyền Việt Nam nhắm tới vì đã phân phát tờ rơi chỉ trích chính phủ, hay tổ chức các buổi dã ngoại nhân quyền và phân phát các tài liệu liên quan tới bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Hoa Kỳ hãy hoãn lại các cuộc thương thuyết về quốc phòng và thương mại với Việt Nam, cho tới khi nào Hà nội chấm dứt chiến dịch đàn áp, và cam kết rút lại các điều khoản pháp lý, đặt ra ngoài vòng pháp luật các hoạt động của giới bất đồng.
Giám đốc Á Châu của Human Rights Watch, ông John  Sifton, nói rằng Chủ tịch nước Việt Nam không thể biện minh một cách công khai chiến dịch đàn áp của Hà nội, ông Sang nên sử dụng cơ hội gặp nhà lãnh đạo Mỹ để bác bỏ chính sách đàn áp đó.

Hoài Hương
23.07.2013
(VOA)

Lơi ích TPP: Dệt may VN không có “cửa”

Một khi trở thành hiện thực, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành phần trong số 12 nước tham gia đàm phán, sẽ mở ra một thị trường rộng lớn với 40% GDP toàn cầu (tổng sản phẩm nội địa).  Tuy vậy sản phẩm dệt may Việt Nam hầu như không thể hội đủ điều kiện để hưởng lãi suất ưu đãi của khu vực mậu dịch tự do này.
Hưởng thuế 0% của TPP không dễ
TPP ở vòng đàm phán thứ 18 diễn ra trong cánh cửa khép kín ở Malaysia từ 15-25/7/2013 với 11 quốc gia đối tác  bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam. Riêng Nhật Bản đối tác thứ 12 chính thức tham gia đàm phán từ ngày 23/7. Khu mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương khi có hiệu lực sẽ cắt giảm hầu hết thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên. Tuy vậy TPP dự kiến những điều kiện khắt khe về môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động, xuất xứ hàng hóa và nhiều thứ ràng buộc khác để một loại hàng hóa được miễn thuế hoặc chịu thuế suất thấp.
Công nhân một xưởng may ở TP. HCM
Công nhân một xưởng may ở TP. HCM
Hàng may mặc sản xuất xuất khẩu từ Việt Nam gọi chung là Dệt may có tổng kim ngạch hơn 17 tỷ USD năm 2012, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ đến 50%, phần còn lại là các nước EU (26%), Nhật Bản (12%) Hàn Quốc (6%). Tuy nhiên Dệt may Việt Nam đa phần là gia công cho nước ngoài và phụ thuộc một tỷ lệ rất lớn vật tư nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May thêu Đan TP.HCM nhận định:
“ Theo tinh thần của Hiệp định này thì sẽ có 90% dòng thuế sẽ trở thành 0%,  tuy nhiên để hưởng được điều này thì là một vấn đề rất lớn. Cụ thể đối với ngành dệt may phía Hoa Kỳ đưa một yêu cầu phải thực hiện chính sách họ gọi là tính từ sợi “yarn forward rule of origin ”. Theo chính sách này để hưởng được cái gọi là xuất xứ nội vùng, tức là bao gồm những vật liệu mua trong nước, những vật liệu mua trong vùng. Xuất xứ nội vùng này đối với ngành dệt may là phải có sợi ở trong nội vùng.
Hay nói cách khác chúng ta phải mua sợi của các nước thành viên TPP mà cụ thể tức là mua sợi của Mỹ, vì trong các nước TPP khác thì không thấy có trồng bông hay làm sợi. Đây là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam khó mà đạt được khi TPP có hiệu lực, cả hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ chưa thống nhất được với nhau tuy nhiên cũng có tin là Hoa Kỳ có nhượng bộ đôi chút, họ có thể cho chúng ta một thời gian để thực hiện chính sách Yarn forward còn thời gian bao lâu và những loại vật liệu nào được loại trừ thì vẫn đang trong đàm phán và chưa có kết thúc cụ thể. ”
Theo sự giải thích của ông Diệp Thành Kiệt, sợi của Mỹ có giá bán cao sẽ khiến sản phẩm dệt may Việt Nam mất tính cạnh tranh. Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà máy sợi và sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng 1% nhu cầu toàn ngành. Thông thường doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một số lượng bông vừa đủ để các nhà máy kéo sợi. Đối với phần lớn nhu cầu, Việt Nam phụ thuộc việc nhập sợi từ các nước như Trung Quốc, Pakistan, Uzebekistan, những nơi có giá thành thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Dệt may Việt Nam không hội đủ điều kiện
Theo lời ông Diệp Thành Kiệt, nếu Việt Nam tham gia TPP mà riêng ngành dệt may không được hưởng lãi suất ưu đãi cho hàng xuất vào Hoa Kỳ thì thật đáng tiếc và đối với dệt may thì sẽ không có gì khác trước. Nhận định về sự kiện các nước đều phải có sự nhân nhượng lẫn nhau để TPP hiện thực, ông Diệp Thành Kiệt phát biểu:
“ Mục đích của TPP là gì, là phát triển thương mại nội vùng. Do đó các nước sẽ phải ràng buộc làm sao để cho các thành viên khác mua những sản phẩm của mình. Nếu mà đứng một cách khách quan, Hoa Kỳ là nước sản xuất ra nhiều bông sợi, mà giá thành bông sợi của họ tương đối không rẻ lắm so với các nước, vì giá nhân công họ cao các chi phí khác của họ cao.
Chính vì vậy họ phải đưa ra các chính sách làm sao để sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm bông sợi của họ được tiêu thụ. Các bên cũng phải có sự nhượng bộ thì mới xích lại gần nhau được. Hoa Kỳ đã có nhân nhượng một chút và Việt Nam thì có các giải pháp tích cực, thí dụ hiện đang điều tra xem nhưng vật tư nào không thể mua được trong nội vùng, thì đề nghị cam kết trong bao lâu sẽ tự túc được, hoặc nếu không tự túc được thì phải mua trong nội vùng, nếu không sẽ không được hưởng lãi suất bằng 0%.”
Do nguyên tắc đàm phán của TPP là không công bố kết quả nên khó biết được các bên sẽ nhân nhượng thế nào, cho đến khi mọi việc trở nên chính thức. Ông Diệp Thành Kiệt cũng nói tới một khả năng khác mang tính nhân nhượng, theo sự hiểu biết của ông:
“Các nhà đàm phán thì cũng đang cân nhắc, nếu mà Hoa Kỳ chỉ đặt vấn đề là “yarn forward” tính từ sợi mà chấp thuận bông được nhập từ nước ngoài vào kéo sợi ở trong nước, thì tôi nghĩ bài toán sẽ có thể giải quyết trong vòng từ ba đến năm năm. Còn nếu phải giải quyết kể cả bông thì tôi cho là  khó khả thi vì trồng bông thì không phải chỉ vấn đề vốn liếng, thiết bị mà còn về giống thổ nhưỡng mà trồng bông thì trước đây Việt Nam đã tổ chức trồng bông nhiều lần rồi nhưng mà thực sự không có vùng nào trồng bông thành công hết.”
Theo các chuyên gia rất nhiều khi các thỏa thuận kinh tế lại dựa trên những trao đổi chính trị, từ nhân quyền cho tới một sự mở rộng ảnh hưởng nhất định nào đó. Nếu như dệt may Việt Nam không hội đủ điều kiện để hưởng lợi từ hiệp định TPP mai hậu, thì ngành công nghiệp thu hút 1,5 triệu công nhân này phải tự bằng lòng với việc đứng vũng và có tăng trưởng trong những năm kinh tế suy giảm vừa qua. Dù trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may hơn 17 tỷ USD, phần giá trị thật mà các doanh nghiệp đem về có thể chỉ được vài tỷ USD.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-07-23

Ba Đầm xòe - “Đảng ta” hay “đảng tà”: Hãy mở miệng ra đi chứ!

“Đảng ta” khoái lắm khi được chính hắn gọi tên đảng của hắn là “đảng ta”, rồi tư đó những kẻ có chữ mang tâm thế của kẻ nô lệ truyền kiếp chuyên nghề bợ đít ông chủ gọi theo là “đảng ta” làm cho hắn tự hào không biết để đâu cho hết. Hắn vênh cái mặt lên nói: Trên thế giới chưa có một đảng nào được nhân dân gọi là “đảng ta”, trừ đảng của ta.
Tôi, một công dân Việt Nam sống và làm việc trọn đời trong cái môi trường “đảng ta” ấy, xin cúi đầu thắp hương trên tất cả các ngã ba, ngã bảy, các chung cư cao tầng, những nơi có ngàn ngạt người vẫn quen mồm gọi “đảng ta”, cầu xin “đảng ta” hay mở mồm ra nói một điều gì về Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đi chứ, vì Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực đến ngày thứ 30 trong trại giam số 6 của Bộ an ninh “đảng ta” đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An, và anh ta đang cận kề bên cái chết.
Nguyễn Văn Hải thực chất là một con người. Anh ta chưa có một hành động xấu xa nào về con người. Anh ta cũng không gây gối làm mất trật tự xã hội. Anh ta chỉ có một tấm lòng yêu nước nồng nàn chống Tầu Cộng. Sao “đảng ta” lại tống giam, lại thay mặt Tàu Cộng nhốt anh ta và hành hạ anh ta, dồn ép anh ta đến cận kề cõi chết như vậy?
“Đảng ta” ơi! Hãy nhớ “đảng ta” không phải là một thây ma chính trí. “Đảng ta” không phải là khúc gỗ, vô hồn. Đảng càng không phải như đám quỷ dạ xoa chuyên ăn tim gan thối của con người. Đảng là tập hợp những con người Việt Nam và cùng với Điếu Cày chui ra từ một cái bọc.
3

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Đảng ta” cũng không phải là một lũ Tào A man đem “cành đậu nấu hạt đậu” một cách khoái trá.
Ấy mà sao “đảng ta” lại im lặng kéo dài ghê rợn như vậy, cố tình phớt lờ một mạng sống đang cận kề cái chết như vậy?
Vậy, “đảng ta” có còn là “đảng ta” nữa không? “Đảng ta” có còn là đảng của dân, do dân, vì dân nữa không?
Dân mình theo đạo Phật, ai mà không biết câu răn dạy của Phật:
Cứu một người thì phúc đẵng hà xa, còn hơn xây cả một tòa tháp lớn, cơ mà.
Sao “đảng ta” im như bồ thóc mãi vậy. Đảng sợ gì? Sợ Tàu à? Đảng mưu tính chiến lược, chiến thuật gì trên một thân xác người tù tuyệt thực đã 30 ngày, sắp chết, như vậy?
Nếu không phải như vậy thì “đảng ta” hay mở miệng ra đi, kịp thời ngăn chặn những đồng chí của “đảng ta” đang lạnh lùng, đang rắp tâm dồn người tù yêu nước Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đến cập kề cái chết như vậy?
Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải mà chết ở trong tù, tôi e cái từ “đảng ta”đầy tự hào của các đồng chí phải muối mặt mà nhận về cái từ “đảng tà”, chứ nào có chỗ để chứa cái từ “đảng ta” nữa.

Ba Đầm xòe
(Blog Ba Đầm xòe)

Trần Tiến Dũng - Khi xôi Việt Nam đón bánh McDonald's

Sài Gòn, đô thị lớn nhất Việt Nam có hàng ngàn điểm bán các món ăn điểm tâm truyền thống, những món xôi, bánh mì, bánh giò.. là thức ăn nhanh đúng nghĩa.
Có thể cho rằng tiệm nhỏ, xe, gánh bán hàng vỉa hè của người Việt sống ở các đô thị đã tạo nên sắc thái văn hoá ăn nhanh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người có điều kiện đi, về để tìm những cảm nhận ở sự khác biệt đời Mỹ-Việt Nam, nói rằng "Thật ra mua gói xôi, ổ bánh mì ở Sài Gòn nhanh hơn chờ mua một món ăn nhanh McDonald's. Đó là chưa kể những thăm hỏi nhanh về thời tiết, thế sự, chuyện phố, chuyện nhà, mang tính văn hoá đặc thù giữa người bán và khách mua."
Không gian đô thị này ngày một rộng hơn, nhưng mỗi người có thể kết nối thân tình bằng cách dừng lại mua nhanh và chuyện trò nhanh với chủ một hàng xôi, bánh nào đó. Mỗi món ăn nhanh ở Sài Gòn thanh đạm có gốc từ văn minh nông nghiệp là sự nối kết nhanh nhưng bền lâu các mối quan hệ thị dân.
Trải suốt rộng dài thời gian không gian đô thị, xe đẩy bán xôi , bánh mì nóng giòn vào mỗi sáng, chiếc xe đạp bán bánh giò bánh gai cất tiếng rao theo lộ trình thân quen vào ban đêm đã tạo dựng nên không gian văn hoá điểm tâm-trải lòng của người Sài Gòn.

Gánh hàng có thể sang cho người mới hoặc truyền con cháu nhưng hương vị, phong cách bán và nhất là tiếng rao vẫn luôn tiếp nối nuôi dưỡng bản sắc của thể chất và tâm hồn Sài Gòn.
Một cựu quân nhân VNCH nói: "Vào thời tôi, lính Mỹ và đồng minh đầy phố nhưng ăn uống kiểu Mỹ thua xa bây giờ. Mấy đứa cháu bé tí tuổi đầu cứ luôn mồm đòi gà rán, hamburger."
Thị phần
Các thương hiệu thức ăn nhanh đang tranh nhau thị phần Sài Gòn và Việt Nam, nhưng có lẽ giá trị tiết kiệm thời gian phục vụ nhịp sống công nghiệp của các thương hiệu thức ăn nhanh mới du nhập không thuyết phục lắm; chẳng phải là đường phố, tiệm ăn, quán cà phê... trong giờ làm việc vẫn cứ đông nghẹt người đó sao!
Vậy thì gà rán, pizza, hamburger...đem lại gì? Làm phong phú thêm thực đơn và quyền chọn món ăn, nhưng chính xác hơn là thoả mãn tâm lý của giới trưởng giả, dân thu nhập cao. Với người trẻ xuất thân từ gia đình mới phất, họ thích ngồi trong hiệu cà phê Starbucks hoặc tới đây rủ nhau vào "thế giới" McDonald's; họ thường không mua thức ăn nhanh vì gấp việc mà ăn nhanh, để ngồi lại dài dài bấm Iphone, mở Ipad, khoe sự chọn lựa hội nhập tiêu chuẩn tiêu dùng thời Mỹ toàn cầu hoá.
Chuyện cà phê Starbucks ở Việt Nam phát tờ rơi hạn định thời gian sử dụng wifi phải chăng cố ý đưa ra "thông điệp" về trào lưu sống tốc độ, không chấp nhận sống chậm ngồi lì.
Một nhà báo cho rằng từ thế hệ 9x, người trẻ sẽ hội nhập sâu hơn vào văn hoá thức ăn nhanh. Anh nói: "Mỗi khi có dịp tụ tập, những đứa cháu nội địa, du học về hoặc sinh ở nước ngoài đều đồng ý không tranh cãi khi chọn đến với thương hiệu thuộc hệ thống cà phê hoặc thức ăn nhanh nổi tiếng."
Một hiện tượng mới ở Sài gòn là những người trẻ đua nhau mở những tiệm, những điểm bán thức uống và thức ăn nhanh. Từ cà phê to-go cho đến bánh mì 60 giây...
Liên hệ hiện tượng này với chuỗi các cửa hàng Kentucky, Lotteria...cùng sự kiện đình đám Starbucks, McDonald's, có vẻ tới đây Sài Gòn sẽ khởi đầu cuộc cách mạng ăn nhanh uống lẹ.
Có gì đó thật tréo ngoe khi xã hội đầy vấn nạn, kinh tế suy thoái, khoảng cách đạt đến nhịp sống công nghiệp tốc độ nhanh ngày càng mù mờ thì lại rộn chuyện ăn nhanh, uống lẹ, đường phố khoe màu mè các thương hiệu thức ăn đồ uống danh tiếng của những quốc gia phát triển.
Trong số những người tấp vào một xe ba bánh bán xôi, có ông lên tiếng lo cho số phận gói xôi sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt. Một ông khác vô tư nói: "Dân nghèo "đạo" xôi, mì gói như tui với ông ở đất Sài Gòn này đông như kiến cỏ, học đòi ăn nhanh uống lẹ mà tốn tiền trăm thì có mà đập mặt xuống ống cống."
Sẽ không có cuộc cạnh tranh nào giữa thức ăn nhanh Việt là gói xôi vỉa hè và ổ bánh mì kẹp thịt toàn cầu McDonald's, bởi lẽ đơn giản: ăn nhanh với người lao động xứ ta kiếm trung bình 10 đô la một ngày làm sao đua kịp dân lao động xứ người thu nhập trung bình 20 đô la một giờ.
Có nhận xét trớ trêu là: Như xứ Cộng sản Trung Quốc, cộng sản Việt Nam cũng tạo điều kiện cho dân có tiền hưởng thụ hầu hết hàng hiệu của chủ nghĩa tư bản, duy "món" giá trị nhất là dân chủ, dân quyền thì dân nghèo và cả dân giàu đều có thể mơ, nhưng cấm xài.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng

Gửi cho BBC từ Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm tiêng của tác giả, một nhà thơ từ Việt Nam.
(BBC)

Viện Kiểm Sát Nghệ An xác nhận blogger Điếu Cày tuyệt thực

Lúc 10:30 sáng hôm nay, 23/7/2013, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải cho VRNs biết: “Ông Nguyễn Quốc Ấn, phó phòng 4, VKS Nghệ An nói đang chờ hồ sơ báo cáo về việc ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực”. Đây là xác nhận chính thức của nhà cầm quyền về trường hợp blogger Điếu Cày tuyệt thực, khác hẳn với sự nói dối của công an Trại giám số 6, hôm 20.07 với anh Dũng rằng “không có chuyện tuyệt thực”. Thông tin này được ông Ấn nói ra lúc khoảng 9:15, sáng 23.07.2013.
Hôm qua, ông Nga (không đeo bảng tên khi tiếp dân) được giới thiệu là Trưởng phòng 4, VKS Nghệ An cho anh Dũng và bà Dương Thị Tân biết cách đây 20 ngày, tôi đã đến Trại giam số 6, thấy mọi chuyện vẫn bình thường.
Anh Dũng hỏi: “Ông đến là vì ông Nguyễn Văn Hải tuyệt thực?” Ông Nga cho biết đến để kiểm tra định kỳ mà thôi. Như vậy cho thấy sự kiểm tra của VKS NGhệ An với Trại giam số 6 rất hình thức và vô trách nhiệm, vì cách nay 20 ngày, blogger Điếu cày – Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực được 10 ngày rồi.

Anh Dũng và bà Tân nộp đơn lên VKS Nghệ An, ngày 22.07.2013 – Ảnh Facebook

Anh Dũng nói tiếp: “Hôm qua, sau khi làm việc với VKS Nghệ An xong, gia đình tôi trở lại Trại giam số 6 để hỏi về lý do tại sao không chuyển đơn của ông Hải đến VKS. Đến nơi, những người tiếp chúng tôi đã biết rõ trước những gì chúng tôi vừa trao đổi với VKS. Điều này cho thấy Trại giam số 6 và VKS phối hợp nhau rất chặt về trường hợp ông Hải, nhưng họ cứ giả như không biết. Đây là một âm mưu”.
Anh Dũng cho biết thêm: “Sáng nay, ống Ấn trả lời miệng rằng ở Trại giam số 6 không có gì sai phạm về việc giam giữ ông Nguyễn Văn Hải”.
Bà Tân nói với VRNs: “Chúng tôi hỏi ông Ấn, sáng nay, ông đã đến trại giam số 6 chưa?” Ông Ấn trả lời, chúng tôi nhận báo cáo qua điện thoại. Bà Tân nói: “Như vậy là quan liêu là giết người! Tính mạng con người mà ông lại chỉ nhận thông tin qua loa qua điện thoại vậy sao? Sao ông ngu thế? Sao lại kém đạo đức vậy? Kém hiểu biết về pháp luật mà làm VKS à?”

Các blogger Hà Nội cùng thân nhân Điếu Cày chụp hình trước VKS Nghệ An – Ảnh Facebook
Các blogger Hà Nội cùng với bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng đứng trước Trại giam số 6 cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải
Trong số 9 blogger cùng đi với hai mẹ con bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng, để giúp tinh thần, và cùng đòi công lý cho người tù lương tâm đã tuyệt thực đến ngày thứ 31, có bác sĩ Phạm Hồng Sơn, các bloggers Nguyễn Tường Thụy, JB. Nguyễn Hữu Vinh, Phương Bích,…
Bà Tân cho biết: “Tình trạng ông Hải nguy cấp, nhưng họ rất vô lương tâm, nên có thể họ để ông Hải ngã gục rồi mới cho đưa đi cấp cứu. Chúng tôi sẽ ra Hà Nội, đến gặp tướng Cao Ngọc Oánh ở Tổng cục VIII nay mai”.
PV. VRNs

Nhan nhản 'phố Tàu': Đại biểu quốc hội nói gì?

Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nói gì về các phố Tàu 'mọc' ở khắp nơi?
Trong vài năm trở lại đây, ở nhiều nơi, do người dân thường xuyên giao thương với người Trung Quốc nên ngày càng xuất hiện nhiều phố trưng toàn biển tiếng Trung hay còn được gọi là “phố Tàu”.
Không chỉ ở Bắc Ninh, phố Tàu còn “mọc” ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Dương… Người dân thường lý giải rằng trưng như vậy để thu hút khách du lịch thuận tiện việc buôn bán, do yếu tố lịch sử, hay do sự thiếu hiểu biết của một số hộ dân…
Tuy nhiên, không chỉ các biển hiệu quảng cáo, thực đơn ở các phố này cũng dày đặc tiếng Trung... Thậm chí, các giao dịch nơi đây còn sử dụng tiếng Trung nhiều hơn tiếng Việt.
Đáng nói, tình trạng này đã tồn tại khá lâu như thách thức sự “bất lực” của chính quyền địa phương.
"Phố Tàu" ở Từ Sơn, Bắc Ninh (Ảnh: Internet)
"Phố Tàu" ở Từ Sơn, Bắc Ninh (Ảnh: Internet)
“Phố Tàu” mọc ở khắp nơi
Ở Bắc Ninh, đi dọc con đường làng vào thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng loạt tấm biển hiệu tràn ngập tiếng Trung xen giữa tiếng Việt ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ...
Theo một số người dân ở đây, nhiều người Trung Quốc thuê lại nhà nghỉ, cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho người Trung Quốc.
Tương tự, tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy - TP. Hạ Long cũng đầy rẫy biển hiệu in chữ Trung Quốc. Ngay biển hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng "chú thích" dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh lý giải nguyên nhân là do tại những địa điểm này, khách du lịch đến từ Trung Quốc và Đài Loan rất nhiều nên người kinh doanh thường in biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để thu hút lượng khách này. Cùng với tâm lý ganh đua, thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà bên cạnh cũng làm, người sau cố làm to hơn người trước...
Trong khi đó, ông Đào Xuân Đan - Chủ tịch UBND TP Hạ Long thừa nhận, thành phố chưa có cách giải quyết dứt điểm.
Vị lãnh đạo này thậm chí còn ví việc trưng biển sai luật giống như tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, các nhà chức trách vừa rời khỏi, dân lại thản nhiên treo lên như thách thức, coi thường luật pháp.
Xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng là nơi mọc lên hàng trăm quán bán bia, quán tạp hóa, quán nhậu, quán karaoke, mát-xa, cà phê, nhà trọ... với các bảng hiệu đều viết bằng chữ Tàu.
Trải dài 30 km dọc quốc lộ 1A qua các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) ở Hà Tĩnh cũng xuất hiện hàng trăm quán cắt tóc, cơm, nhà hàng, khách sạn biển hiệu Trung Quốc, Đài Loan.
Một người dân Kỳ Liên, cho biết: "Lao động Trung Quốc thường gợi ý nên lắp biển hiệu chữ họ và từ chối vào quán không có tiếng Trung. Vì vậy một số cửa hàng đặt biển hiệu toàn chữ Trung không có một chữ tiếng Việt, thậm chí không tiếp người Việt".
Ở Bình Dương, tại những nhà hàng, quán ăn do người Hoa mở, nhân viên, chủ quán đều dùng tiếng Hoa để giao tiếp. Bảng giá đồ ăn, thức uống được niêm yết bằng hai đơn vị là Nhân dân tệ và Việt Nam đồng. Rất nhiều trung tâm dạy tiếng Hoa do người Trung Quốc mở nhằm dạy người Việt Nam.
"Thả rông" như thế thì không được!
Trước thực trạng này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội và ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam.
    
Ông Phạm Quốc Anh khẳng định: “Đó là việc không hay. Theo luật, việc quảng cáo ở Việt Nam phải có tiếng Việt, sau đó mới được thêm chữ nước ngoài với kích cỡ nhỏ hơn. Thông thường họ hay sử dụng thêm tiếng Anh, nhưng tuyệt đối không được chỉ sử dụng duy nhất một thứ tiếng nước ngoài.
Làm như thế là không hay, không thích hợp. Cần gì cả khu phố ngập tràn tiếng Trung như thế? Làm thế sẽ gây ấn tượng không tốt cho những người Việt khác. Phải chấn chỉnh lại ngay!”.
Trước những lý giải của người dân, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam thẳng thắn nói: “Ở Việt Nam, muốn quảng cáo phải theo luật chứ không phải tùy tiện muốn đăng, viết thế nào cũng được.
Cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải xem xét xem trường hợp nào mới được quảng cáo, chứ “thả rông” như thế thì không được.
Đối với các trường hợp cụ thể trên, phải xử lý hành chính theo luật. Không thể quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc tràn lan một dãy phố như thế được. Chính quyền cấp xã, phường phải quản lý chặt việc đó”.
Đồng quan điểm với ông Quốc Anh, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, lý do người dân đưa ra không thể thuyết phục vì có nhiều cách quảng cáo, chứ không phải cứ treo biển lên rồi lý giải do có nhiều khách hàng là người Trung Quốc mà được.
“Nếu là người Trung Quốc sinh sống ở đó treo biển hiệu, họ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Theo tôi, đó là hiện tượng mà các cơ quan chức năng ở địa phương phải quan tâm, kiểm tra và căn cứ theo quy định của pháp luật để có biện pháp xử lý.
Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Họ phải kiểm tra, xác minh, làm rõ, căn cứ vào quy định của pháp luật để chấn chỉnh, có thể vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa việc giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra ở các khu vực này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Minh Quân
(VTC News)

Phát hiện hậu duệ Hai Bà Trưng ở Indonesia?

Chúng ta không thể biết được, bởi vì giặc giã đã huỷ diệt tất cả. May thay, có một sắc dân tại Indonesia chính là hậu duệ của các nghĩa quân Hai Bà Trưng.
Theo các nhà sử học, mùa Xuân năm 43, một số tướng lĩnh của Hai Bà Trưng cùng những người không chịu khuất phục giặc phương Bắc, đã chạy về phương Nam và cuối năm đó họ tiếp tục lên thuyền ra biển.

Những đợt gió mùa Đông Bắc đã đẩy thuyền của họ dạt vào Eo biển Malacca. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra (Indonesia) và trở thành dân tộc Minangkabau ngày nay.

Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Indonesia cho rằng người Minangkabau có nguồn gốc từ người Việt và hiện chiếm tới 80% trong tổng số 4,5 triệu dân của tỉnh Tây Sumatra.
Phát hiện hậu duệ Hai Bà Trưng ở Indonesia?
Theo các nhà khoa học, hậu duệ của Hai Bà Trưng hiện nay là tộc người Minangkabau, đang sống ở Tây đảo Sumatra. Những ngôi nhà có mái cong vút hình chim Lạc và họ của họ là Turun Nyi, hơi giống hai tên Trưng Trắc, Trưng Nhị. 
Dân tộc này hiện còn duy trì chế độ mẫu hệ, trong gia đình, phụ nữ nắm quyền kinh tế. Trong mỗi dòng họ của người Minangkabau, người phụ nữ giữ quyền thừa kế được gọi là Turun Cicik, những người em gái trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi. Những âm này, sau giai đoạn dài của lịch sử, đọc lên vẫn thấy hơi giống âm gợi hai tên Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Phát hiện hậu duệ Hai Bà Trưng ở Indonesia?
Người Việt cổ chuyên nghề đi thuyền và chài lưới. 
Người Minangkabau có tục lệ mời khách ăn trầu và những ngôi nhà truyền thống của họ đều có mái cong như hình chiếc sừng trâu, gợi hình ảnh những mái đình, chùa ở Việt Nam: Hai đầu mái nhà cong và cao vút lên, y hệt hoạ tiết trên trống đồng Đông Sơn (có vẽ 1 căn nhà, bên trong có 2 người, dưới sàn có 1 con , nóc nhà có 2 con chim, hai bên mái cũng vút cong lên).

TS. Nguyễn Văn Vịnh 

(Đất Việt)

'Đất nước nghèo vì đàn ông Việt ham nhậu'

Các bạn cứ nhìn sang nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ thấy. Diện tích, dân số họ nhỏ hơn ta, nhưng GDP gấp 10 lần nước ta. Tất cả là từ trí tuệ, sức lao động, cần kiệm của con người mà ra.

Tôi nghĩ chính những người chi tiêu hoang phí, đặc biệt dùng tiền vào ăn nhậu là những người đáng trách nhất. Nếu ra một chiến dịch khảo sát về khoản chi cho ăn nhậu của người Việt Nam chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi rùng mình trước khoản tiền quá lớn đó.

Mặt khác, quỹ thời gian mà họ bỏ ra để lê la trong quán nhậu là quá khủng khiếp. Cũng từ đó không biết bao nhiêu người vợ phải chịu cảnh đòn roi, ngược đãi của những ông chồng vũ phu, bạo lực khiến gia đình ly tán. Đó là còn chưa kể là lại tốn phí cho việc chăm nuôi những con bệnh gút, gan, tim... Vô hình trung những con người rượu bia đã tạo ra một thứ văn hóa “xôi thịt, ăn nhậu xô bồ”.

Thiết nghĩ, nếu thời gian ăn nhậu dành cho nghiên cứu, học tập thì Việt Nam ta sẽ có thêm hàng loạt sáng chế có ích cho loài người. Giá như số tiền ăn nhậu đó được dùng cho các quỹ từ thiện thì giảm biết bao nhiêu cảnh cơ cực trong xã hội. Giá chúng ta ai cũng biết tiết kiệm, làm giàu thì đất nước chúng ta đã không nghèo.
http://hk.m.f32.img.vnecdn.net/2013/07/12/monnhaudongian-1373618218.jpg

Các bạn cứ nhìn sang nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ thấy. Họ là một đất nước có diện tích nhỏ chưa bằng 1/3 nước ta, đất nước họ ít tài nguyên, dân số chỉ bằng một nửa nhưng GDP gấp 10 lần nước ta, tại sao vậy? Tất cả là từ trí tuệ, sức lao động, cần kiệm của con người mà ra.
Tôi nghĩ việc tiết kiệm trong ăn nhậu là hoàn toàn làm được. Thay vì các bạn uống 5-10 chai bia thì các bạn hãy giảm xuống uống 1-2 chai. Để dành tiền đó mà mua sữa, bánh kẹo cho con cái. Như vậy, con cái bạn vừa vui khi có một người cha tốt, bạn vừa sức khỏe và gia đình lại hạnh phúc. Mặt khác giảm được các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông…
Tôi thấy có những người nhậu nuốt cả mật cá, trăn rồi lăn ra chết, ăn đủ thứ lẩu có hóa chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc hay uống cao trăn tưởng khỏe như trăn mà không biết sẽ bị liệt dương vĩnh viễn... Khi uống bia, rượu hãy nhìn xuống cái bụng của mình xem có đẹp, có tốt không? Hay là toàn bệnh tật ở trong đó? Chúng ta cần học tập tính thiết thực và tiết kiệm của các nước tư bản.
Hiện nay, tỷ lệ giữa nhà hàng, quán nhậu so với các cơ sở sản xuất đang là con số quá lớn và thật đáng lo ngại. Chúng ta hãy biết chi tiêu hợp lý chứ đừng vãi tiền vô bổ, hãy tiết kiệm chứ đừng keo kiệt. Đó là lời tôi muốn chia sẻ đến mọi người.
(VnExpress)

Vụ Đinh Đức Lập: Ngang nhiên thách thức pháp luật, tiếp tục sa thải người tố cáo

Ngày 1/7/2013, trên FB của mình, luật sư Trần Đình Triển có bài “Vì sao báo chí vẫn chưa vào cuộc bảo vệ đồng đội”, sau đó được Teu đăng lại. Nội dung bài viết nêu rõ các dấu hiệu sai phạm của ông Đinh Đức lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết theo nội dung đơn tố cáo của bà Đặng Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết.
Thể theo đơn đề nghị bảo vệ, Văn phòng luật sư Vì Dân đã làm các thủ tục các thủ tục cần thiết để luật sư Trần Đình Triển có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Khoa giáo báo Đại Đoàn Kết đang bị Ban biên tập báo Đại Đoàn kết tìm mọi cách để trả thù, kỷ luật.
Thế nhưng, ngày 8/7/2013 và ngày 11/7/2013, luật sư Trần Đình Triển đến trụ sở báo Đại Đoàn Kết để làm việc cùng Hội đồng kỷ luật báo Đại Đoàn Kết thì đều bị bảo vệ ngăn lại. Họ nói: Lãnh đạo không cho luật sư Trần Đình Triển vào, vì đây là chuyện nội bộ cơ quan. Nếu muốn gặp, luật sư phải đợi đến cuối giờ, sau khi Hội đồng làm việc xong thì sẽ tiếp.
Chiều 11/7/2013, trong phòng họp cơ quan, Phó Trưởng Ban Khoa giáo Đặng Thị Kim Ngân đã tuyên bố trước toàn thể Hội đồng kỷ luật: “Tôi là người đã tố cáo ông Đinh Đức Lập từ tháng 5/2012 nhưng cho đến nay chưa được giải quyết tố cáo theo quy định. Vì kiến thức pháp luật còn hạn chế nên tôi đã phải nhờ đến Văn phòng luật sư Vì dân, luật sư Trần Đình Triển để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Luật sư Triển đã có công văn đề nghị Ban biên tập, Hội đồng kỷ luật cung cấp bằng chứng liên quan về các sai phạm của tôi nhưng không được đáp ứng. Ngày 8/7/2013 và ngày hôm nay 11/7/2013, dù không có giấy mời, nhưng qua tôi thông báo, luật sư Triển đã tới để tham dự cuộc họp nhưng Ban biên tập và Hội đồng kỷ luật vẫn không cho vào. Vì vậy, tôi xin để lại Đơn Khiếu nại này và không tham dự cuộc họp nữa, vì nó vi phạm pháp luật…”.
Bí thư chi bộ, Phó Tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch Hội đồng kỷ luật nói: “Chị Ngân đã đến dự họp thì nên tham dự. Tôi nghĩ đây là một cuộc sinh hoạt chính trị rất ý nghĩa”.
Bà Ngân khước từ và ra khỏi phòng.
Ngay hôm sau, 12/7/2013,  ông Lập đã ký Quyết định kỷ luật Phó trưởng Ban Khoa giáo Đặng Thị Kim Ngân với hình thức; Buộc thôi việc.

Bà Ngân vừa nhận được Quyết định này và gửi cho chúng tôi.
Như vậy, cả ba nhà báo, ba lãnh đạo Ban của báo Đại Đoàn Kết chỉ vì tố cáo tiêu cực của ông Lập nên đã bị ông Lập trả thù, ra Quyết định: Buộc thôi việc.
Trong khi ông Lập và Hội đồng kỷ luật chưa kịp thở phào thì nhận luôn được Thông báo số 41/TB-MTTW-ĐĐ đề ngày 8/7/2013 của Đảng Đoàn Mặt trận tổ quốc Việt Nam (Thông báo do bà Bùi Thị Thanh ký). Nội dung ghi rõ: Đảng Đoàn giao cho hai Ủy viên Đảng đoàn (là hai Phó Chủ tịch) là: Ông Lê Bá Trình – Phụ trách khối báo và tạp chí MTTQ và bà Bùi Thị Thanh – Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy – Phụ trách tổ chức MTTQ làm việc với Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết về hành vi tự ý kỷ luật một số lãnh đạo Ban của báo mà không báo cáo Đảng Đoàn và Ban Thường trực MTTQ.
P. V
(Blog Tễu)

Bản lĩnh chính trị và đặc trưng truyền thống của Bộ đội Biên phòng

(hic, thời đại này rồi mà vẫn mấy cái bài cũ rích, nhai mãi....)

Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi nhất, cơ bản nhất của con người. xây dựng bản lĩnh chính trị là xây dựng cái gốc trên cơ sở đó, mỗi người có thể phát huy mọi năng lực vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, bản lĩnh chính trị không phải là một phẩm chất đạo đức riêng lẻ mà là tổng hợp biện chứng của nhiều mối quan hệ, nhiều thuộc tính của con người từ phẩm chất, năng lực chính trị, tinh thần, tâm lí, đạo đức, tư cách quân nhân… tạo thành một trạng thái tinh thần chính trị bền vững, ổn định, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ làm chủ bản thân trong mọi tình huống phức tạp của đời sống chính trị, xã hội, trong đấu tranh cách mạng và đấu tranh chống các thế lực thù địch.
Bản lĩnh đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát, hình thành một chân lí phổ biến với toàn thể dân tộc: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”(1). Bản lĩnh đó cũng đã được Người căn dặn các chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp: “Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”(2); thành lẽ sống đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân: "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(3). Những lời căn dặn trên của Hồ Chủ tịch cũng là lẽ sống của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng (BĐBP) bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên khắp giải biên cương của Tổ quốc. Đó cũng là yêu cầu rèn luyện bản lĩnh chính trị của những người cầm súng.
Đối với BĐBP, những người trực tiếp và thường xuyên đối mặt với các thế lực thù địch, Hồ Chủ tịch yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải có một bản lĩnh chính trị thật vững vàng và kiên định. Bản lĩnh đó đòi hỏi phải có một lòng trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng mà hạt nhân cơ bản là “Vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.” Như vậy, theo Hồ Chủ tịch, bản lĩnh đó trước hết phải được biểu hiện… "Trung thành với Đảng, tận tụy với dân, dũng cảm trước địch, vì nước quên thân”(4). Đó cũng là biểu hiện tập trung của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của BĐBP trong nửa thế kỉ qua mà nổi bật là mấy đặc trưng truyền thống sau đây:
Một là, tận trung với Đảng, kiên quyết sống chết bảo vệ Đảng, còn Đảng thì còn mình. (thua cmnr, tưởng chỉ có bên CA hô khẩu hiệu này, h thì cả BĐBP cũng ...)
Nhận thức bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ lãnh tụ là một nhiệm vụ hết sức trọng yếu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng nói chung, của Trung đoàn 600, 180 nói riêng… đã luôn nêu cao lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng xả thân để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Trong bất cứ điều kiện nào, khi ở thành phố, lúc ở căn cứ hoặc nơi sơ tán, khi bảo vệ đột xuất, bảo vệ đường dài, trong chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc hoặc trong vùng căn cứ miền Nam mới giải phóng, các đơn vị đều dũng cảm, mưu trí, hết mực trung thành, cùng các lực lượng bảo vệ khác thực hiện mọi phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn. Các đơn vị còn trực tiếp tham gia bảo vệ an toàn các đại hội Đảng, các ngày lễ lớn, các hội nghị quan trọng, các đoàn khách nước ngoài…
Nói một cách khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi hòa bình cũng như lúc có chiến tranh, dù có gặp khó khăn, gian khổ, ác liệt đến đâu, dù có phải hi sinh đến tính mạng mình, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bảo vệ cũng kiên quyết vượt qua, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu cho tinh thần đó là tập thể Trung đoàn 600 anh hùng, Tiểu đoàn 1 anh hùng (thuộc Trung đoàn 180); là các đơn vị an ninh vũ trang anh hùng khu Tây Nam Bộ, khu Trung Trung Bộ, khu Sài Gòn- Gia Định, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Đà, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ; là các đồng chí Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang, Trần Thị Tính, các Anh hùng Phạm Văn Vàng, Trần Văn Nhỏ…
Những hình ảnh: Anh hùng Trần Văn Nhỏ suốt hàng chục năm liền làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác kiên trì, bền bỉ khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; Thượng sĩ Phan Văn Trọng (Bình Trị Thiên), trong thời kì chống chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ đã lấy thân mình che cho các đồng chí lãnh đạo ở địa phương khi bom địch rơi bên cạnh. Nữ đồng chí Nguyễn Thị Lài (an ninh vũ trang thành phố Huế), năm lần bị địch bắt, qua 16 phòng tra tấn cực hình, nhiều lần chết đi, sống lại, vẫn lòng son, dạ sắt, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, giữ vững cơ sở, đánh không khai, giết không sợ và khi địch buộc phải thả ra thì lại tiếp tục hoạt động; liệt sĩ Nguyễn Thị Lý (trinh sát vũ trang Quảng Trị) bị địch bao vây bốn bề, bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu, một lòng trung thành với lí tưởng của Đảng, kiên quyết bảo vệ Đảng đến cùng, khi địch gọi hàng, đồng chí đã vừa bắn, vừa thét to vào mặt kẻ thù: “Người Cộng sản không bao giờ biết khuất phục bỏ súng, chỉ biết chiến đấu đến cùng để bảo vệ cách mạng”.
http://danangtheatre.com/upload/Image/DB8.jpg

Hai là, tinh thần bám dân, bám đất, bám địch cùng với quân dân địa phương giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong BĐBP còn biểu hiện ở chỗ luôn gắn bó với đồng bào các dân tộc, bám dân, bám đất, bám địch, đoàn kết với các lực lượng giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm quần chúng của Đảng, nhận rõ trách nhiệm của mình, trong gần 50 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã kiên trì bám đất, bám dân, “một tấc không đi, một li không rời”, gắn bó với đồng bào các dân tộc. Các đơn vị luôn luôn coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng cho nhân dân, vận động quần chúng đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Có thể khẳng định rằng: trên các vùng biên giới của Tổ quốc, ở đâu có cuộc sống của dân là ở đó có mặt cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Trong 10 năm đầu triển khai nhiệm vụ, nhiều bản làng hẻo lánh, nhiều vùng dân tộc ít người còn sống trong tình trạng thiếu thốn về nhiều mặt. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng, với tinh thần hết lòng vì dân đã kiên trì, nhẫn nại tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, thuyết phục bằng những hành động gắn bó mật thiết với nhân dân. Vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã được nhân dân các dân tộc tin yêu, đùm bọc. Từ đó, tạo nên tình cảm quân dân một lòng xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng lũy thép biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.
Tinh thần đó được biểu hiện rõ nhất khi lực lượng vừa mới thành lập, chưa kịp xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng, các đơn vị đã phải lao ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt với các loại phản cách mạng để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới.
Bám sát dân, dựa vào nhân dân, với tinh thần quân với dân là một ý chí, các đơn vị biên phòng Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai… đã phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng biên giới kịp thời trấn áp các hoạt động phá hoại, gây bạo loạn, xưng vua, đón vua của bọn phản cách mạng, quét, xóa các lực lượng và tổ chức phỉ tập trung đóng ở vùng Kỳ Sơn (Nghệ Tĩnh), Đồng Văn (Hà Tuyên) Mường Khương (Hoàng Liên Sơn)… tiêu diệt bắt sống, gọi trở về gia đình trên 1.700 tên. Các đơn vị biên phòng Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Phòng đã tổ chức truy nhanh, bắt gọn 55 toán gián điệp, biệt kích, hơn 300 tên do đế quốc Mĩ và tay sai ở miền Nam tung ra phá hoại miền Bắc, góp phần đập tan âm mưu “Xây dựng căn cứ trong lòng cộng sản” của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai, để giữ trật tự an ninh miền Bắc.
Với khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, lực lượng đã cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ xuống 432 xã biên giới, giới tuyến, bờ biển, hải đảo để tham gia xây dựng cơ sở chính trị, vận động quần chúng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới. Các đơn vị đã trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng, đề nghị đảng bộ địa phương, kết nạp được 1.427 đảng viên và 6.085 đoàn viên, thanh niên trong các dân tộc ít người; giúp cấp ủy địa phương xây dựng và củng cố 1.438 chi bộ đảng, 1.455 chi đoàn thanh niên, bồi dưỡng bổ sung 2.452 người vào công an, dân quân ở xã; tham gia xây dựng củng cố 1.300 hợp tác xã nông nghiệp; kiên trì vận động định canh, định cư, đưa dân xuống khai hoang, làm ruộng nước, thực hiện kĩ thuật canh tác mới để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, vận động cải tạo phong tục tập quán cũ, xây dựng cuộc sống văn hóa mới(1). Nhờ vậy, chỉ 5 năm sau (1964) toàn tuyến biên phòng (miền Bắc) đã có trên 50% số xã có phong trào bảo vệ trị an khá, trong đó có nhiều xã là lá cờ đầu về phong trào bảo vệ trị an.
Tiêu biểu cho truyền thống đó là các đơn vị biên phòng Lai Châu, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Quảng Ninh đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Đồn Cù Bai (Vĩnh Linh), trong chống Mĩ cứu nước, đã kiên cường bám trụ ở một địa bàn địch đánh phá rất ác liệt (trên một chiều dài 30 cây số, địch đánh phá 3.139 lần, có 1.600 lần B.52, 16 lần rải chất độc hóa học, bình quân mỗi người chịu 250 quả bom). Đồn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, góp phần bảo vệ tốt các lực lượng vũ trang, bảo vệ cán bộ, bảo vệ giao thông vận chuyển, phục vụ tiền tuyến lớn. Cán bộ, chiến sĩ của đồn đã dũng cảm mưu trí nắm địch, đánh địch tốt, cùng các lực lượng diệt và bắt sống nhiều toán gián điệp biệt kích, phá gỡ nhiều bãi bom, mìn của địch, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mĩ. Có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức, hướng dẫn đồng bào các dân tộc bám chắc địa phương sản xuất và chiến đấu xây dựng bản, làng. Trạm Cửa Hội (Nghệ An) trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ trước đây có nhiều sáng kiến cải tiến công tác, vừa bảo đảm kiểm soát được chặt chẽ, vừa bảo vệ được an toàn; dũng cảm cứu hơn 40 đồng bào và hàng trăm tấn hàng đưa đến nơi an toàn; phối hợp bắn rơi 2 máy bay Mĩ; tích cực góp phần xây dựng 3 xã có phong trào bảo vệ  trị an vững mạnh.
Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, hơn 10 năm ở vùng rẻo cao, đã nêu cao tinh thần kiên trì bám sát dân, bám sát địa bàn, cùng địa phương xây dựng cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, giúp đỡ đồng bào các dân tộc xây dựng hợp tác xã, phát triển sản xuất, cải tạo các tệ nạn xã hội cũ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hi sinh cả đời mình cho sự nghiệp bảo vệ biên giới. Liệt sĩ Trần Văn Thọ đã để lại trong đồng bào ở đây những tình cảm lưu luyến, thương tiếc và từ xúc cảm của lòng mình, đồng bào đã dựng bia tưởng niệm người anh hùng đã khuất. Anh hùng Trương Chí Cương đã nêu cao tinh thần không sợ hi sinh gian khổ, vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện gay go quyết liệt nhất, len lỏi vào tận hang ổ của địch để bắt địch, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Anh hùng Phạm Bá Hạt đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong chiến đấu, chỉ huy tiểu đội bắn rơi 3 máy bay Mĩ cả ban ngày lẫn ban đêm. Đồng chí đã cùng đồng đội tập trung bắn vào máy bay địch để thu hút hỏa lực của chúng về phía mình, tạo điều kiện cho nhân dân đang cày cấy ngoài đồng kịp thời ẩn nấp, bảo vệ được tính mạng của nhân dân.
Đó là gương chiến đấu quên mình vì nhân dân của Trung sĩ Nguyễn Quốc Cơ, giữa lúc máy bay địch oanh tạc dữ dội, đã dũng cảm lượm từng quả bom bi sắp nổ rơi xuống hầm ném đi nơi khác để bảo vệ tính mạng cho nhân dân; Thượng sĩ Trần Văn Thạo (Vĩnh Linh) dũng cảm xông vào nhà đang cháy, bom địch đang nổ, cứu được 20 người, trong đó có 5 em nhỏ; Trung sĩ Khoàng Chống Xá (dân tộc Hà Nhì- Lai Châu) không quản nguy hiểm, lao mình xuống suối lũ, cứu được 5 phụ nữ và 1 em nhỏ đang bị nước cuốn trôi; Trung sĩ Trần Minh Dệt, Thượng sĩ Phan Đình Hồng (Nghệ An) ngày đêm liên tục phá bom nổ chậm, bom từ trường để giải phóng cửa sông, cửa lạch cho thuyền bè và nhân dân qua lại an toàn; Hạ sĩ Trần Văn Tẹ (Thanh Hóa) tình nguyện bơi ra tàu vận tải của ta bị máy bay địch bắn cháy đế cứu vũ khí và sau đó cùng đồng đội dập tắt lửa cứu được hơn 60 tấn hàng của Nhà nước; Binh nhất Nguyễn Văn Khanh (Trạm Cửa Ông- Quảng Ninh) đã anh dũng đứng trên đầu cảng bắn máy bay Mĩ, nhường hầm cho công nhân và thủy thủ nước ngoài, đã làm cho họ cảm phục và kính trọng. Những hành động đó đã hun đúc thêm tình yêu thương gắn bó giữa nhân dân và BĐBP, nhất là trong thời kì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ đối với miền Bắc nước ta.
Hiện nay, để củng cố “thế trận lòng dân vững chắc”, các đồn biên phòng đã cử 438 sĩ quan tăng cường cho hơn 400 xã biên giới đặc biệt khó khăn, làm tham mưu cho địa phương kiện toàn hàng nghìn tổ chức cơ sở đảng, ủy ban nhân dân, tổ chức mặt trận, công an, dân quân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và hội cựu chiến binh… Triển khai thực hiện 124 dự án kinh tế- xã hội với gần 800 tỉ đồng; tổ chức định canh định cư bền vững cho hàng ngàn hộ dân làm ruộng nước, đổi mới cây trồng, chăn nuôi tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở vùng biên giới. Thực hiện chương trình đưa văn hóa lên vùng cao biên giới, hải đảo, các đồn biên phòng đã cử hơn 2.000 chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Riêng từ năm 1989 đến nay, xóa hơn 200 thôn bản trắng về giáo dục, thực hiện hàng ngàn ngày công xây dựng trường lớp, hàng tỉ đồng mua tặng bàn ghế, đồ dùng học tập cho các nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn(1).
Những việc làm cụ thể đó đã thực sực chiếm được tình cảm, sự tin yêu và quí mến của các dân tộc, như Bác Hồ đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu ta”(1)
Ba là, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường trong chống Mĩ, cứu nước, truy quét quân địch khi miền Nam vừa giải phóng, đánh bại 2 cuộc chiến tranh xâm lược từ phía Tây Nam và phía Bắc.
Trên tư thế của người chiến thắng, với tinh thần cách mạng tiến công “tìm địch mà đánh, gặp địch là diệt”, nhiều đơn vị, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nêu những gương dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, linh hoạt trong chiến đấu và bền bỉ, tận tụy trong công tác.
Trong những năm đầu triển khai lực lượng, tiểu đội Mại Xuân Hùng đã anh dũng chiến đấu liên tục 12 ngày đêm liền với bọn phỉ đông hơn gấp 20 lần, kiên quyết chặn địch để bảo vệ chính quyền và tài sản của nhân dân, chờ đơn vị bạn tới phối hợp tiêu diệt chúng.
Trong quá trình công tác và chiến đấu, nhất là trong thời kì chống Mĩ cứu nước, nhiều đơn vị, cán bộ và chiến sĩ đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Phân đội 319 (Vĩnh Linh) trong nhiều trận ác liệt, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt địch đến cùng, mặc dù có lúc chúng đông gấp 10 lần. Đồn Hiền Lương(Vĩnh Linh) với quyết tâm “còn một chiến sĩ thì cờ Tổ quốc vẫn tung bay”, mặc dầu địch dùng máy bay, tàu chiến bắn phá ác liệt thường xuyên vào khu vực này, cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn kiên định, giữ vững vị trí chiến đấu, bảo vệ lá cờ Tổ quốc tung bay trên giới tuyến quân sự tạm thời. Đồn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) hàng ngày, hàng giờ đấu tranh trực diện với kẻ thù. Tuy đây là nơi cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt nhất nhưng đồn vẫn vững vàng bám đất, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở quần chúng, tiến hành tốt công tác bảo vệ an ninh ở khu vực phụ trách, kiên cường đánh trả địch những đòn đích đáng hạ 5 máy bay Mĩ và góp phần đánh chìm 3 tàu biệt kích Mĩ- ngụy. Nhiều đồng chí đã vượt qua bom đạn, cứu tính mệnh, tài sản cho nhân dân, hết lòng hết sức giúp đỡ đồng bào miền  Nam sang lánh nạn, được nhân dân hai bên giới tuyến yêu thương quí mến.
Các đơn vị trên đã nêu cao tinh thần chiến đấu ngoan cường, tinh thần dũng cảm thầm lặng của người chiến sĩ biên phòng, như đồng chí Tố Hữu đã khẳng định: “Giữa cái dũng cảm phải đứng đó hằng mấy năm trời để chứng kiến cái đau khổ của gia đình, quê hương mình với cái dũng cảm xông lên đánh vào đầu quân địch thì có lẽ cái dũng cảm thầm lặng kia còn khó khăn hơn nhiều”.
Đồn Ròn (Quảng Bình) là ngọn cờ đầu của phong trào dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mĩ trên đất Quảng Bình cả ban ngày lẫn ban đêm, kết hợp chặt chẽ công tác đánh địch ở mặt đất và đánh địch trên không, tiêu diệt gọn các toán gián điệp, biệt kích, xây dựng phòng tuyến nhân dân vững chắc, giữ vững được trật tự an ninh ở khu vực phụ trách.
Đáng chú ý nhất khi đế quốc Mĩ leo thang mở chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, các đơn vị biên phòng đã dũng cảm, mưu trí chủ động dùng súng bộ binh bắn rơi 195 máy bay phản lực hiện đại của đế quốc Mĩ và phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bắn cháy hàng trăm chiếc khác. 5 đơn vị biên phòng Quảng Bình, Vĩnh Linh, Đại đội I (Quảng Bình), Đại đội I, Đồn 93 (Hà Tĩnh) lập nhiều chiến công xuất sắc, được Hồ Chủ tịch tặng cờ “Quyết tâm đánh giặc Mĩ xâm lược”
Khi đế quốc Mĩ thực hiện âm mưu phong tỏa miền Bắc, nhiều đơn vị đã dũng cảm đi đầu trong khâu tháo gỡ bom mìn, thủy lôi, mở đường, mở luồng, thông lạch, nhanh chóng đưa hàng chục vạn tấn hàng ra tiền tuyến. Nhiều đơn vị còn xông vào lửa đạn, vào các căn hầm bị sập cứu sống 1.800 người dân, và nhiều tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Ở miền Nam trong thời kì chống Mĩ cứu nước, nhiều đơn vị đã nêu gương kiên trì bám dân, diệt ác phá kìm, kiên cường đấu tranh chống bình định của địch, bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo, bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ nhân dân vùng giải phóng, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, tham gia các cuộc tiến công nổi dậy, cùng quân và dân cả nước đánh thắng đế quốc Mĩ xâm lược. Tiêu biểu cho tinh thần đó là anh hùng Kiều Văn Niết, trong đánh Mĩ đã tự mình chặt đứt cánh tay bị thương, xông lên tiêu diệt địch. Nữ đồng chí Nguyễn Trường Chi, trinh sát vũ trang Bến Tre, đã gài mìn để đánh địch, bảo vệ dân. Mìn nổ, đồng chí đã hi sinh nhưng bảo vệ được nhân dân an toàn, gây một sự xúc động mạnh mẽ trong nhân dân
Từ sau đại thắng mùa xuân 1975, nhiều đơn vị đã nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm kiên cường truy quét bọn tàn quân ngụy, bọn Fulro và các bọn phản động khác, cùng với quân và dân địa phương giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội ở vùng biên giới mới giải phóng. Cùng với các lực lượng khác, các đơn vị biên phòng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã liên tục chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Có những đồn như Đồn Xa Mát anh hùng, suốt thời gian 400 ngày đêm chiến đấu liên tục với lực lượng địch đông gấp bội. Hàng năm trời liên tục đơn vị phải sống dưới hầm hào, nắng nóng, mưa ướt, muỗi đốt… nhưng đơn vị vẫn kiên cường bám trụ, đầy khí phách anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng, cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang. Các đồn biên phòngPhước Tân (Tây Ninh), Bu Prăng (Đắc Lắc), Phú Mỹ (Kiên Giang), Cầu Ván (Đồng Tháp), 649 (Gia Lai- Công Tum), là những tập thể anh hùng tiêu biểu cho truyền thống chiến đấu rất kiên cường dũng cảm của BĐBP ở biên giới phía Tây Nam.
Đặc biệt, trên tuyến biên giới phía Bắc, các đồn biên phòng đã cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới (2/1979), chặn đánh quyết liệt nhiều sư đoàn, quân đoàn của đối phương, tạo được thời cơ cho các lực lượng ở phía sau triển khai chiến đấu. Đồn Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn)- đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ hai, đã dũng cảm chặn bước tiến của một sư đoàn địch có pháo binh và xe tăng yểm trợ, tiêu diệt 400 tên, bắn cháy xe tăng địch, bảo vệ cho hơn 200 đồng bào khỏi sa vào tay giặc; Đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) đã kiên cường chiến đấu đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của hơn 2.000 quân địch có pháo yểm trợ. Tại đây, địch cậy thế đông gấp bội, kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng, anh em ta quát ngay “Người Việt Nam không biết khuất phục, chúng mày sẽ chết”; tiếp đó 20 cán bộ, chiến sĩ còn lại xông lên dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà giành giật với địch từng đoạn chiến hào.
Đại đội II, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16 ngay từ sáng 17/2/1979 đã chặn đánh quyết liệt đoàn xe tăng của địch hùng hổ chạy trên đường số 4, diệt 8 chiếc xe, bắn bị thương 4 chiếc, buộc số xe tăng còn lại phải tháo chạy về bên kia biên giới. Nổi bật nhất là Đoàn Thanh Xuyên anh hùng, suốt một tháng trời chiến đấu liên tục đã nêu cao khí phách anh hùng, đánh 23 trận, diệt 2.255 tên, bắn cháy 6 xe tăng, thu nhiều vũ khí đạn dược, cứu được hàng trăm dân bị địch bao vây trong hang đá, đánh đuổi địch, bảo vệ được một kho 150 tấn lương thực, cấp cứu và nuôi dưỡng thương binh của các đơn vị bạn.
Vừa chiến đấu góp phần chặn bước tiến của quân thù ở tuyến đầu, các đơn vị BĐBP vừa tổ chức lực lượng về phía sau nắm tình hình bọn phản động, diệt và bắt hàng trăm tên địch tiếp tay cho kẻ thù gây tội ác, định nhen nhóm tổ chức gây bạo loạn, góp phần phá tan âm mưu nham hiểm của kẻ thù. Noi gương “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng” của Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc vừa qua, trong các đơn vị biên phòng đã xuất hiện nhiều tấm gương chói lọi mà tiêu biểu là các tập thể anh hùng như Đồn Pò Mã (Lạng Sơn), Đồn Tà Lùng, Sóc Giang (Cao Bằng), Đồn Pha Long (Hoàng Liên Sơn), Đồn Si Lờ Lầu, Ma Lù Thàng (Lai Châu)… các Anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa, Lộc Viễn Tài, Đỗ Chu Bỉ, Nông Văn Giáp… các đồng chí anh hùng Nguyễn Công Thuận, Hoàng Văn Khoáy, Lê Khắc Xuân, Lừu A Phừ, Tao Văn Tem, Tống Văn Kim, Nông Văn Phiao… đã nêu những tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kì đổi mới.
Những hình ảnh Đồn phó Đỗ Sĩ Họa, Đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) bị thương 2 lần vẫn đi sát từng tổ chỉ huy và chiến đấu đánh giáp lá cà tiêu diệt địch; Thượng sĩ Hoàng Tiến Cờ (Đồn Pò Hèn) đã dùng vũ thuật vật lộn với địch ngay tại chiến hào và lấy súng diệt địch; Binh nhì Bùi Mạnh Hùng, Đồn Lũng Làn (Hà Tuyên) chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hết đạn dùng lưỡi lê đâm chết một tên khác, ôm đồng đội bị thương lăn xuống dốc để thoát khỏi tay giặc, khi bị thương tự rạch đùi lấy đạn ra để dễ dàng đi lại tiếp tục chiến đấu; liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Đoàn Thanh Xuyên), Võ Đại Huệ, Đại đội trưởng Đại đội II, Tiểu đoàn 3 (e.16) bị thương nhiều lần vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, là những hình ảnh đẹp nhất trong muôn vàn hình ảnh chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ biên phòng trong việc đánh trả bọn xâm lược, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
altTừ sau khi giải phóng miền Nam 1975 thống nhất đất nước, BĐBP đã triển khai đồn, trạm ở các tỉnh biên giới phía Nam (143 đồn, 23 trạm biên phòng); đã kịp thời phát hiện 1.400 vụ xâm nhập biên giới, bắt giữ 500 vụ (trong đó có 9 toán gián điệp biệt kích do CIA tổ chức xâm nhập qua biên giới phía Nam, gần 300 tên phản động lưu vong xâm nhập biên giới phía Bắc…), phát hiện gần 2.000 đối tượng cài cắm, móc nối xây dựng cơ sở ngầm, triệt phá 70 vụ nhen nhóm tổ chức phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo hoạt động chống phá cách mạng, trên 21.000 cuộc truy quét Fulro, diệt gần 500 tên, bắt 2.575 vụ trốn ra nước ngoài, cùng quân, dân địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia(1).
Bốn là, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong nhiệm vụ giúp bạn.
Các đơn vị được cử sang giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia đã luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, kiên trì bám đất, bám dân, giúp bạn xây dựng lực lượng nghiệp vụ, diệt phỉ, biệt kích, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng.Các đơn vị giúp cách mạng Lào đã trực tiếp chiến đấu và truy quét hàng trăm trận, gọi về với nhân dân 315 tên, thu 734 súng các loại và nhiều tài kiệu quan trọng. Giúp bạn phát hiện 107 trường hợp kẻ địch chui vào nội bộ, lập 651 hồ sơ đối tượng cải tạo, xác minh nhanh và làm rõ 1.435 vụ hoạt động chính trị, các đơn vị cũng đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng phong trào bảo vệ an ninh ở 54 xã biên phòng, trong đó có 27 xã có phong trào khá. Phát hiện giới thiệu 2.949 người tốt để cấp ủy, chính quyền bạn đưa vào làm cán bộ công an và cán bộ các ngành; huấn luyện nghiệp vụ cho 733 cán bộ xã, bản và 7.526 dân quân; phát hiện bồi dưỡng để bạn kết nạp vào Đảng 612 đảng viên(2).
Với tư tưởng “Giúp bạn là tự giúp mình”, chỉ riêng trong những năm 1965- 1975, công an vũ trang đã tổ chức nhiều đơn vị với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ sát cánh với các đơn vị vũ trang cách mạng Lào bảo vệ an toàn vùng giải phóng. Đã tổ chức 96 tổ trinh sát gồm 215 trinh sát viên, 130 đội công tác cơ sở với 830 lượt cán bộ, chiến sĩ thường xuyên hoạt động trên đất bạn. Bằng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với bạn, phát hiện hàng chục tổ chức nhen nhóm phản động, hàng chục đường dây gián điệp, biệt kích xâm nhập qua biên giới, tiến hành 1.614 cuộc lùng sục truy quét, đánh 92 trận, tiêu diệt và bắt 407 tên, gọi hàng 530 tên, thu nhiều vũ khí. Nhiều tập thể và cá nhân được bạn đánh giá cao như Phân đội 56-Nghệ An đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các anh hùng Võ Hồng Tuyên, Trần Văn Trí, Nguyễn Đình Thử(1).
Các đơn vị giúp bạn Campuchia đã nhanh chóng cùng bạn nắm tình hình, tìm bắt liên lạc và thống nhất với các lực lượng cách mạng nổi dậy, tổ chức vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, phối hợp và góp phần với các lực lượng vũ trang nhân dân tiến công tiêu diệt quân Pônpốt- Iêngxari, giải phóng đất nước Campuchia. Qua gần một năm giúp bạn (tính đến cuối tháng giêng năm 1980), các đơn vị đã đánh 513 trận, diệt 1.203 tên, bắt 2.713 tên, bắn bị thương 403 tên, giúp bạn bắt 2.565 đối tượng các loại, thu 688 súng và nhiều quân cụ, phương tiện khác. Các đơn vị đã phát huy truyền thống và bản chất Bộ đội Cụ Hồ, hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng nhân dân, tuyên truyền giáo dục trực tiếp cho 50.662 lượt người về đường lối, chính sách (theo tài liệu của bạn), tham gia giúp đỡ bạn tổ chức chấn chỉnh nhiều tổ chức cơ sở ở xã, tham gia, huấn luyện và xây dựng 869 dân quân du kích, giúp đỡ nhân dân sản xuất; bớt ăn giúp đỡ 88 tấn gạo cho 57.739 người dân nước bạn(2).
Nhìn chung lại, từ ngày đầu thành lập lực lượng cho đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong quan hệ biên giới, các đồn biên phòng luôn giữ đúng nguyên tắc kiên quyết đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, vi phạm qui chế biên giới với phương thức mềm dẻo, khôn khéo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng và bạn bè quốc tế. Trong quan hệ tiếp xúc đối ngoại, luôn thể hiện thái độ, tác phong làm việc lịch sự, văn minh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế.
Các đặc trưng trên là một thể thống nhất, có tác động lẫn nhau, là điều kiện và tiền đề của nhau, gắn chặt với việc rèn luyện bản lĩnh chính trị mà cốt lõi là lòng “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân” theo yêu cầu tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với thành tích và chiến công trên, BĐBP đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng huân chương Sao vàng, 2 huân chương Hồ Chí Minh…; 135 đơn vị, 62 cá nhân được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, (trong đó có 5 tập thể được tuyên dương lần thứ 2; 32 tập thể và 10 cá nhân được tuyên dương trong thời kì đổi mới).
Tại lễ kỉ niệm 20 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, thay mặt Đảng và Nhà nước đã khẳng định trong lời tuyên dương: Công an nhân dân vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ chiến đấu, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, đã nêu cao tinh thần “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”; sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc; kiên cường vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, chiến đấu dũng cảm mưu trí, đấu tranh bền bỉ sắc bén, công tác tận tụy sáng tạo, nội bộ đoàn kết nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ với các ngành và các lực lượng vũ trang nhân dân khác, gắn bó với đồng bào các dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, quyết đánh thắng mọi kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ… Tập trung nhất là gần đây, Bộ Chính trị, trong Nghị quyết về “xây dựng BĐBP trong tình hình mới” (Nghị quyết số 11/NQ-TW 08/8/1995) đã đánh giá: “Từ ngày thành lập đến nay, BĐBP đã trải qua một quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn, chịu đựng nhiều hi sinh, gian khổ, chấp hành tốt nhiệm vụ quản lí, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, làm nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở các vùng biên giới trên đất liền và biển đảo, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội, góp phần đoàn kết các đồng bào dân tộc, củng cố vùng biên giới của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.”
Bản lĩnh chính trị và truyền thống anh hùng của BĐBP không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là một quá trình giáo dục rèn luyện công phu của Đảng và Bác Hồ; là một quá trình đùm bọc, chăm sóc của đồng bào các dân tộc trong cả nước. Đó là một sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản kết hợp với những truyền thống lâu đời của dân tộc, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt  Nam anh hùng.
Đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng kết hợp chặt chẽ giữa con người với Tổ quốc, giữa cá nhân và tập thể, giữa cá nhân với quần chúng là một, tạo nên những hành động anh hùng tập thể, những tập thể kiên cường bám trụ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ, những con người chỉ biết chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc.
Trong thời kì toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, yêu cầu xây dựng bản lĩnh chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. “Lòng trung thành với Đảng, tận tụy với dân, dũng cảm trước địch, vì nước quên thân” phải được biểu hiện cụ thể đối với mọi người trong mọi nơi.
Theo Hồ Chí Minh, để giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng phát huy truyền  thống BĐBP với những đặc trưng cơ bản của nó, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải vững vàng kiên định trước mọi thử thách:
“Giàu sang không thể quyến rũ
 Nghèo khó không thể chuyển lay
 Uy lực không thể khuất phục”(1)
Đáng chú ý nhất là trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kì Việt Nam đã gia nhập WTO, làm bạn với tất cả các nước, kinh tế hàng hóa phát triển đa dạng với tính muôn màu, muôn vẻ. Bên cạnh mặt tích cực là tiếp cận được với khoa học và kĩ thuật tiên tiến, giao lưu, tạo được vốn và kĩ thuật cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cũng có nguy cơ các thế lực phản động trong và ngoài nước đang tìm mọi cách xâm nhập, móc nối chống phá cách mạng Việt Nam.
Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới của Tổ quốc, nhất là ở các đồn trạm, cửa khẩu biên giới, tiếp cận thường xuyên với nhiều loại người (nhất là thương gia và con buôn) với nhiều mặt hàng hóa, đừng để đồng tiền mua chuộc, làm những điều phi pháp, trái nguyên tắc, trái pháp luật, làm mất bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà Đảng tin cậy giao cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, người lính tiền tuyến gác cửa của Tổ quốc trong thời kì toàn cầu hóa kinh tế.
Tóm lại, rèn luyện bản lĩnh chính trị theo yêu cầu tư tưởng Hồ Chí Minh và phát huy đặc trưng truyền thống BĐBP trong thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và Việt Nam gia nhập WTO là vấn đề cốt lõi và bức xúc, có tác dụng quyết định đối với việc nâng cao sức chiến đấu của BĐBP trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình để xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lí, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cao Thượng Lương
(Biên phòng VN) 

TQ lập lực lượng tuần duyên hùng hậu, nguy cơ va chạm gia tăng

Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012.
Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012. (REUTERS/China Daily)

Báo chí Trung Quốc ngày 23/07/2013 tiết lộ, một lực lượng tuần duyên mới gồm 11 đội tàu và trên 16.000 quân được trang bị rất hùng hậu vừa được đưa vào hoạt động. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh thường xuyên gây áp lực để yêu sách chủ quyền với các nước láng giềng.

Lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc tập hợp lực lượng hải giám – đơn vị tuần duyên hiện nay trực thuộc Bộ Công an, cùng với ngư chính và hải tuần chuyên chống buôn lậu trên biển. Tờ Global Times trích lời Yang Mian, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường đại học Truyền thông Trung Quốc nói rằng « các đơn vị không được phép trang bị vũ khí thì nay đã có quyền. Lực lượng mới cũng sẽ giúp Trung Quốc áp dụng luật pháp một cách mạnh mẽ hơn ».

Zhang Junshe, một chuyên gia quân sự trên PLA Daily cho biết, lực lượng tuần duyên mới sẽ « nhận dạng và đáp trả nhanh chóng, nhân danh luật pháp, đối với các hành động gây tổn hại cho các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc ».

Căng thẳng đang dâng cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và các nước láng giềng về chủ quyền trên biển.

Tokyo lên án Bắc Kinh ngày càng gởi nhiều tàu hải giám đến quấy nhiễu xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, quần đảo đang do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Bắc Kinh vô cùng tức tối sau khi Tokyo mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo này từ một chủ tư nhân người Nhật vào tháng 9/2012, liên tục cho các tàu xâm nhập vùng này và cho phi cơ bay ngang không phận.

Philippines và Việt Nam cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng vũ lực để âm mưu thôn tính Biển Đông. Philippines đã đưa việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough ra Tòa án quốc tế về Luật Biển. Ngư dân Việt Nam thì liên tục bị xua đuổi, đánh đập và mới đây tàu cá Việt Nam còn bị tàu Trung Quốc cướp phá và hành hung.

Trước tình hình đó, Hoa Kỳ với chiến lược xoay trục sang châu Á, đã siết chặt quan hệ hợp tác quân sự với các nước láng giềng châu Á của Bắc Kinh. Không chỉ với Nhật Bản và Philippines, là những nước có hiệp ước hỗ tương với Washington, Hoa Kỳ còn chìa bàn tay thân thiện ra với cựu thù ở Đông Nam Á là Việt Nam.

Lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, nhưng các nước láng giềng châu Á cũng không muốn đối đầu với Bắc Kinh, lo ngại rằng chính sách mới của Washington chỉ nhằm kìm bớt sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Để khẳng định chủ quyền trên những vùng biển được cho là thuộc lãnh hải Trung Quốc, Bắc Kinh thường xuyên gửi đến những vùng biển này các tàu tuần tra trực thuộc nhiều bộ khác nhau, như lực lượng hải giám thuộc Bộ Công an, hay các tàu ngư chính do Bộ Nông nghiệp quản lý. Thực chất các tàu này đều là lực lượng vũ trang trá hình.

Theo nhà nghiên cứu Arthur Ding ở Đài Loan, thì việc tuần tra trên biển của Trung Quốc sắp tới sẽ « thường xuyên hơn và dữ dội hơn ». Ông nhận định : « Được đặt tên là tuần duyên, các tàu của lực lượng này dường như được cho phép trang bị vũ khí hạng nhẹ. Những va chạm với các nước láng giềng sẽ tăng cao ».

Nhà nghiên cứu trên ghi nhận, năng lực trên biển của Bắc Kinh đã tăng nhanh trong những năm gần đây, với những chiến hạm lớn và có tầm bắn ngày càng xa hơn, có thể trụ lại hay tuần tiễu trên các vùng biển tranh chấp trong thời gian dài hơn.

Với lực lượng tuần duyên mới hùng hậu hơn, hỏa lực mạnh hơn để tăng cường trấn áp trên biển, phải chăng là chó sói nay đã không còn cần phải đội lốt cừu trên Biển Đông và biển Hoa Đông ?
Thụy My (RFI)

Thanh Tú - Một cái nhìn khác về Hun Sen

Huỳnh Ngọc Chênh: Sau khi blog nầy đăng lại bài "Tôi rất phục Hun Sen" từ blog Trần Kỳ Trung, thì nhận được bài viết dưới đây của tác giả Thanh Tú với lời nhắn: Hun Sen không có gì đáng khen hết, trước sau y vẫn là một gã độc tài. Xin đăng lại bài viết để rộng đường dư luận.


Tiễn hổ cửa trước, dẫn báo về cửa sau
Pol Pot và các đồng chí của ông để đạt được mục đích tiến đến xã hội Cộng Sản đã không ngần ngại giết chết 1/4 dân số Cambodge chỉ trong hơn 3 năm cai trị. Họ dùng mục đích để biện minh cho phương tiện và buộc người dân trong nước phải đi theo. Họ biến cả đất nước thành những Công-nông trường, mọi người tất thảy phải lao động tay chân, lao động giải phóng con người. Tất thảy trí thức, sư sải nếu không bị giết chết thì cũng bị hành hạ nơi những công-nông trường đó. Không chỉ riêng gì những người Cộng Sản Khmer mà tất thảy những chế độ Cộng Sản khác đều như vậy. Nhưng cho đến thời điểm này, tất thảy chúng ta đều đã nhận ra rằng, chẳng thể nào đưa ra một viễn cảnh tốt đẹp rồi quyết tâm thực hiện bằng một phương tiện độc ác. Đơn giản hơn, chẳng thể coi việc cướp của, giết người giàu rồi mang cho người nghèo là một việc nên làm và ngụy biện cho rằng để tạo ra một xã hội công bằng được.
Cách đây vài tháng trên blog của nhà văn Ngô Minh có cho đăng bài viết “Hun Sen - người Cộng Sản không sợ đa đảng” để khen tụng Hun Sen. Bài viết đó được Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập dẫn lại. Và hôm nay, thật kỳ lạ là việc khen tụng Hun Sen lại ồ ạt xuất hiện trên các trang mạng, dẫn lại trên facebook với bài viết “Tôi rất phục Hun Sen” của nhà văn Trần Kỳ Trung.
Vì yếu tố nghề nghiệp, các nhà văn của chúng ta thường sử dụng cảm tính nhiều hơn là lý tính. Ở đây, họ đem việc ông Hun Sen là người Cộng Sản nhưng đã dám chấp nhận đa đảng và cho tổ chức một cuộc bầu cử có sự tham gia của nhiều đảng phái rồi từ đó thốt lên “tôi rất phục ông Hun Sen”. Nhưng các ông ấy không biết rằng, Hun Sen là một nhà độc tài, cho dù chấp nhận đa đảng nhưng với quyền lực của một nền độc tài toàn trị mà ông đã thiết lập sau hàng nhiều thế kỷ cai trị, Hun Sen đã biến Cambodge thành một quốc gia dân chủ trá hình.
Các nhà văn trên đang đứng ở Việt Nam và đem Việt Nam độc đảng để so sánh với Cambodge đa đảng. Đem cái chán chường của chế độ độc tài toàn trị để tung hô một nhân vật độc tài khác, rồi từ đó thốt lên “Với tôi, một công dân Việt Nam, tôi rất phục ông Hun Sen và ao ước nước tôi có một lãnh tụ như ông.” Thì chẳng khác nào vừa muốn đuổi Mao Trạch Đông đi lại muốn rước Staline về.
Người ta chẳng thể nào nhớ hết bao nhiêu chính trị gia đối lập đã chết trong khoảng thời gian Hun Sen lãnh đạo Cambodge. Bên cạnh đó, họ cũng không tài nào nhớ hết những nhà báo, lãnh đạo tổ chức bảo vệ người lao động đã bị ám sát trong nhà hay trên đường phố ở quốc gia Chùa Tháp này. Cơn ác mộng cho nhân dân Khmer dường như chưa chấm dứt sau nạn diệt chủng được thực hiện bởi những người Cộng Sản Khmer.
Sau cuộc đảo chính đẫm máu vào năm 1997, Hun Sen cùng đảng CPP của ông từng bước lên nắm trọn quyền lực trên đất nước Cambodge. Người ta tính rằng, có khoảng hơn 100 đối thủ chính trị đã bỏ mạng trong cuộc đảo chính của Hun Sen để hất cẳng Thủ tướng thứ nhất Ranaridh. Rất nhiều người trong đó số phận của họ phải nằm lại trong nhà tù, vĩnh viễn không được thấy mặt trời. Số khác bị kiểm soát bởi cảnh sát hoặc quân đội hoặc trốn khỏi Cambodge trước khi tay chân của Hun Sen tìm thấy. Cuộc đảo chính này đã làm cho ông tổn thất khoảng 76 triệu dollar. Nhưng đó không phải là điều quan trọng, vì mục tiêu của Hun Sen đã hoàn thành. Số tiền mà ông lấy lại trong khoảng thời gian cai trị 28 năm còn nhiều hơn rất nhiều khoản mà ông đã bỏ ra.
Rất nhiều nhà báo cất tiếng nói đối lập, chống lại sự cai trị độc tài của Hun Sen liền sau đó bị những tay chân của ông ra tay sát hại. Không những vậy, những lãnh đạo công đoàn, những người đứng về phía nhân dân bị chính quyền Hun Sen cướp đất cũng bị tay chân của ông thủ tiêu hoặc bị nhốt tù vì bi vu cáo cho những tội trạng mà họ không hề làm.
Ông là người tham quyền cố vị, là một trong những người cai trị đất nước thuộc hàng lâu nhất trên thế giới. Quyền lực của ông được củng cố qua những phiên bầu cử gian lận. Và, sau mỗi cuộc bầu cử, các tổ chức Quốc tế đều lên án sự gian lận này. Song, họ vẫn chẳng thể nào thay đổi được cục diện chính trị tại Cambodge. Chúng ta tất thảy chưa bao giờ nghe Hun Sen nói rằng ông là người Cộng Sản, nhưng ông thiết lập một bộ máy độc tài toàn trị theo mô hình Cộng Sản. Việc kiểm soát bộ máy quân đội, Công an đã tạo cho Hun Sen một quyền lực vô biên. Đến ngay cả Đức vua Sihamoni cũng chỉ là bù nhìn, con rối trong mắt ông mà thôi. Không những thế, Hun Sen kiểm soát hầu như tất thảy các cơ quan truyền thông trong nước, song song với đó là những chiến dịch tuyên truyền mị dân mà ông được học từ thời Cộng Sản đã làm cho những người nông dân ít học mụ mị tin rằng ông là một con người vĩ đại. Kẻ đã cứu nhân dân Cambodge thoát ra khỏi nạn diệt chủng.
Ông là kẻ phản trắc, quyền lực của ông có ngày hôm nay dựa trên xương máu của những người lính tình nguyện Việt Nam. Và, trong lần khi Cambodge là chủ nhà của Hội nghị ASEAN, ông đã công khai ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Không những thế, Penn Sovan, người từng là thủ trưỏng của ông trước đây đã bị ông đẩy vào thế đối lập sau khi đã tước hết mọi quyền lực
Trong giai đoạn cai trị của mình, ông đã thao túng cho chính quyền của mình để nó trở thành chính phủ tham nhũng bậc nhất trên thế giới. Đứng trên cả Việt Nam. Người ta thống kê rằng, Cambodge có khoảng hơn 38 ngàn km đường bộ, thế nhưng trong thời gian cai trị của mình, số con đường được tráng nhựa chỉ vỏn vẹn 2977km mà thôi. Điều đáng nực cười hơn nữa là con đường từ Siem Reap đến Poi Pet chỉ dài có 142km nhưng để hoàn thành nó phải mất cả 8 năm.
Thay vì dùng tài nguyên, khoáng sản để tái tạo Cambodge, giúp xóa đói giảm nghèo. Hun Sen đã cho phép các công ty nước ngoài vào khai thác để nhận lại từ các công ty này những phần lại quả rất lớn. Rất nhiều cánh rừng già với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị phá bỏ, thay vào đó là cây cao su hoặc café.
Người ta không thể nào thống kê nổi có bao nhiêu cuộc biểu tình của người dân Khmer để lên án việc chính quyền đồng lõa cho các công ty nước ngoài cướp đất của dân. Người dân Khmer cho dù chiến tranh đã trải qua hơn 30 năm nhưng vẫn là Quốc gia nghèo đói phải nhận viện trợ từ nước ngoài. Và đau đớn thay, số tiền viện trợ ấy thường ít được đến tay người dân hoặc đầu tư vào các công trình để giúp an sinh xã hội, mà nó được dùng để Hun Sen mua chuộc các tướng lãnh, nội các để họ trở thành những tay chân đắc lực, những kẻ nịnh bợ ông.
1/3 dân Khmer sống với khoản thu nhập 65 cents một ngày, trong khi một vị quan chức thân cận với Hun Sen sở hữu chiếc xe lên đến 500 ngàn dollar. Và mỗi tháng đi hưởng thụ ở những khu resort đắt tiền ít nhất là một lần. Bất kỳ du khách nào khi đi đến Cambodge, cái ập vào mắt của họ là cảnh nghèo khổ của những người dân Khmer. Họ sinh tồn trong những căn nhà ọp ẹp hoặc sống trong những căn lều tạm bợ ở thủ đô Phnom Penh. Đời sống của người dân Cambodge dưới mức trung bình. Và điều đó vẫn không được thay đổi trong thời gian trị vì gần 30 năm của Hun Sen, cho đến hiện nay nó được báo động hơn bao giờ hết khi liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình lớn của người dân bị cướp đất ở khắp nơi. Điều này dường như không khó hiểu một khi tài nguyên hay khoáng sản khai thác một hồi sẽ cạn kiệt. Lúc đó chính quyền lại quay sang đất đai bằng cách cưỡng chế người dân, dùng đất đó bán cho các công ty nước ngoài rồi chia chác một khoản lợi nhuận với các công ty này.
Hun Sen muốn đế chế của mình còn trải dài thêm nhiều năm nữa và nó được truyền từ đời này sang đời khác. Giống như thời phong kiến cha truyền, con nối vậy. Hoặc theo chế độ gia đình trị. Điều này dễ được nhìn thấy trong việc các con của ông từ từ nắm dần những chức vụ trọng yếu trong bộ máy chính quyền từ Bộ Quốc Phòng, cơ quan tình báo, cơ quan cải cách ruộng đất và nhà ở. Không những vậy những người phụ nữ trong gia đình ông cũng chiếm những vị trí tối cao trong các đài truyền hình ăn khách nhất xứ Chùa Tháp.
Cũng nên nhắc thêm về “chiến công” của Hun Sen, đó là vào năm 1987, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã liệt chính phủ của Hun Sen vào loại tàn bạo nhất trên thế giới với những cáo buộc như tra tấn tàn ác các tù nhân chính trị.
Người ta sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao một lãnh đạo kém như Hun Sen lại có thể tiếp tục là thủ tướng ở Cambodge? Đơn giản bởi vì ông ta là một nhà độc tài cũng như bao tên độc tài khác, Gaddafi, Hosni Mubarak, Saddan Hussein…
Và, cực kỳ đáng buồn cho Việt Nam là rất nhiều người lại đem lòng khâm phục Hun Sen và muốn ông trở thành thủ tướng của Việt Nam. Hoặc có nhiều người nhầm tưởng Hun Sen là người Cộng sản nhưng không sợ đa đảng. Hun Sen nào có sợ đa đảng, vì đảng CPP của ông đã kiểm soát toàn bộ quyền lực, cũng như đa đảng ở Trung Quốc chỉ là hình thức, và Cộng Sản Trung Quốc vẫn cai trị quốc gia bằng sự độc tài. Muôn Hun Sen trở thành thủ tướng của Việt Nam nó chẳng khác nào “tiễn hổ cửa trước, dẫn báo về cửa sau” vậy.
Thanh Tú
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)

Lãnh đạo Hà Tĩnh bị tố ăn chặn tiền viện trợ

Tỉnh Hà Tĩnh đang bùng lên dư luận phẫn nộ vì tin cán bộ lãnh đạo một số xã ăn chặn, “đút túi” tiền viện trợ của quốc tế bằng nhiều thủ đoạn trắng trợn.

Báo Dân Trí cho biết, năm 2009, ba xã nghèo của tỉnh Hà Tĩnh là Gia Phố, thuộc huyện Hương Khê, và Cẩm Minh, Cẩm Quang thuộc huyện Cẩm Xuyên được chính phủ Nhật Bản thuận cấp viện trợ không hoàn lại để xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng.

Ngôi trường tiểu học chỉ còn một tầng với 3 phòng vì chính quyền xã ăn chặn một nửa khoản tiền viện trợ. (Hình: báo Dân Trí)
Sau khi nhận được tiền viện trợ từ Ðại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam, các cán bộ lãnh đạo ba xã nói trên bắt tay vào việc xây trường học, sửa chữa đường sá... Hầu hết các công trình này đều đã được tiến hành trong hai năm 2009-2010.
Tuy nhiên, cho đến mới đây, dư luận bật ngửa khi khám phá ra rằng các ngân khoản viện trợ của chính phủ Nhật Bản đã bị ăn chặn đến một nửa. Một trong những công trình gian dối được coi là “điển hình” là trường tiểu học Ðông Hải, được xây dựng tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê. Theo thiết kế ban đầu đã thông báo với Ðại Sứ Quán Nhật Bản, ngôi trường này cao hai tầng, gồm 6 phòng học. Cho đến nay, người ta mới vỡ lẽ ra, trường tiểu học Ðông Hải được xây dựng xong là một tòa nhà một tầng, với vỏn vẹn ba lớp học.
Trước đó, để “báo cáo thành tích” với Ðại Sứ Quán Nhật, chính quyền xã Gia Phố cho gắn bảng có ghi hàng chữ “Công trình do Ðại Sứ Quán Nhật Bản tài trợ” trước một ngôi trường đã được xây trước đó cao hai tầng và cũng có 6 phòng học. Ngôi trường giả mạo với tấm bảng được chụp ảnh gửi cho chính phủ Nhật Bản để làm bằng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Công ty Sơn Hải, nhân chứng “sống” của vụ ăn chặn nói trên cho biết, chính công ty ông đã xây dựng hai ngôi trường nói trên. Riêng ngôi trường tiểu học “thật” một tầng, 3 phòng đã được xây với giá 720 triệu đồng, tương đương 36,000 đôla. Ông Sơn xác nhận rằng, chính quyền xã Gia Phố đã mượn hồ sơ của trường học hai tầng, 6 phòng nằm cạnh để làm thủ tục thanh toán với Ðại Sứ Quán Nhật Bản.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Huyên, hiệu trưởng trường tiểu học Ðông Hải, chính quyền xã chưa chịu bàn giao cho bà ngôi trường tiểu học “bị ăn chặn một nửa” sau hai năm khánh thành.
Nguồn tin của báo Dân Trí còn nói rằng, hai ông chủ tịch xã tên Nguyễn Văn Cầm và ông địa chính tên Nguyễn Văn Trọng, cùng với ông cán bộ tư pháp Nguyễn Ðức Thắng đã chia 40% tiền viện trợ, tức khoảng 640 triệu đồng, tương đương 32,000 đôla cho một bà môi giới ở Nghệ An. Sau đó, ba ông này còn giữ lại 300 triệu đồng, tương đương 15,000 đôla để chia nhau.
Một công trình xây đường ở xã Cẩm Quan và Cẩm Minh cũng đã bị chính quyền địa phương ăn chặn. Tiết lộ của báo Dân Trí nói rằng, chính quyền xã cũng đã chia 40% khoản tiền viện trợ cho người môi giới trước khi trích lại một khoản bỏ túi riêng. Vì vậy, con đường dài 1.3 cây số chỉ mới được xây dựng một nửa thì bỏ dở vì hết tiền.
Cũng theo báo Dân Trí, công an Hà Tĩnh cho hay sẽ mở cuộc điều tra về vụ ăn chặn tiền viện trợ trắng trợn kể trên. 
(Người Việt)

Trần Đăng Khoa: Một công trình khoa học có nhầm lẫn tệ hại

Một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả...
Đó là bộ Từ điển Type Truyện dân gian Việt Nam do Nhà xuất bản Lao động ấn hành cuối năm 2012. Đây là một công trình khoa học của Viện Văn học, được Chính phủ tài trợ, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, cùng các cộng sự là nhóm tác giả: Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị An, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hà, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt và Tiến sĩ Bùi Thị Thiên Thai.
Cứ như “Lời giới thiệu” rất trang trọng và hoành tráng do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế tự viết, thay mặt cho nhóm Biên soạn, thì “Công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam được thực hiện dưới sự chủ trì của PGS. TS Nguyễn Thị Huế và các cán bộ nghiên cứu Phòng Văn học dân gian – Viện Văn học, một cuốn sách dạng từ điển chuyên ngành, giới thiệu toàn cảnh và diện mạo kho tàng truyện dân gian Việt Nam, với một khối lượng các type truyện thuộc các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện trạng, truyện cười, giai thoại…
Trong tương quan so sánh với văn học viết Việt Nam, đã có nhiều bộ từ điển tác giả và tác phẩm của phần văn học viết, do vậy, công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam là bộ Từ điển truyện kể dân gian Việt Nam đầu tiên, công việc này nhằm hưởng ứng cách làm của các nhà folklore Châu Âu và các nhà folklore Châu Mỹ, và đã được tiếp nối bởi nhiều công trình đã được công bố gần đây của các nhà folklore Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Yêu cầu mà công trình đặt ra là nhằm giúp các nhà nghiên cứu tra cứu các kiểu (type) truyện một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và khoa học…
Công trình vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính thực hành, ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của ngành folklore Việt Nam hiện nay. Phạm vi, giới hạn nghiên cứu của công trình là truyện kể dân gian thuộc toàn bộ thể loại tự sự trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc Việt Nam…”.
Một ý tưởng đúng đắn và thật đáng trân trọng. Nhưng vấn đề là ở chỗ: “nói thì vậy còn làm có như vậy không”, để bạn đọc tin được lời tự quảng bá “hoành tráng” như trên là có cơ sở?

"Đi đánh Thần Hạn"- Họa sĩ Trương Qua vẽ năm 1970
Một công trình khoa học, một bộ Từ điển, loại sách công cụ nhằm để tra cứu, đòi hỏi phải có tính khoa học, tính chính xác rất cao, như chính các nhà khoa học đã nói thế khi làm tập sách này. Đây cũng là công trình được Chính phủ tài trợ sáng tạo năm 2012, bằng tiền đóng thuế của dân. Nhưng rồi liệu công trình khoa học tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của dân ấy có khoa học không? Có chính xác như tác giả PGS. TS Nguyễn Thị Huế tự khen mình không?
Mới “tra” vài chục trang đầu trong cuốn sách dày hơn ngàn trang, tôi đã tá hỏa vì không hiểu sao một tác phẩm của mình, là văn học viết, văn học hiện đại, một sáng tạo hoàn toàn cá nhân, trường ca Đi đánh Thần Hạn lại bị PGS. TS Nguyễn Thị Huế và cộng sự vơ quàng vơ xiên, rồi nhét bừa vào cái bị có cái tên rất khoa học là sáng tác tập thể của dân gian, đã từ lâu lưu truyền ở tỉnh Bạc Liêu, nằm trong kho tàng dân gian riêng của tỉnh Bạc Liêu vô cùng xa xôi mà lúc sáng tác truyện này, năm tôi mới 11 tuổi, tôi chưa từng được nghe, rồi úm ba la thế nào, nó lại được “phổ biến rất nhiều ở các tỉnh phía Nam”, trong khi trường ca này của tôi vừa mới viết xong, còn chưa ráo mực đã được in trọn vẹn trong hai trang trên tuần báo Văn nghệ tháng 9/1970. Sau đó tỉnh Hải dương đã in riêng trường ca này khi tôi còn học lớp 5 và sau này Hà Nội tái bản khoảng hơn 30 lần mà vẫn không được biết tới, nói gì đến “phổ biến rộng rãi”. Thật hài hước!
Xin lỗi các nhà khoa học, tôi phải dùng 3 chữ, “thật hài hước”, bởi không thể thay nó bằng bất cứ chữ nào khác được. Một tác phẩm tôi sáng tác hoàn toàn cách đây 43 năm, bằng sự tưởng tượng của một cậu bé học sinh lớp 5. Tôi chưa từng nghe ai kể, kể cả bà mẹ có rất nhiều chuyện dân gian của tôi, tôi cũng chưa từng thấy có, dù là “Type” ở bất cứ tryện cổ dân gian nào, trong nước hay ngoài nước.
Tôi viết trường ca này, cũng vì lúc ấy, quê tôi đang phải đối mặt với hạn và lụt vô cùng gian nan. Tôi định viết hai phần, lấy tên là Trường ca GIÔNG BÃO, phần đầu là Đánh Thần Hạn, phần sau là Đánh Thần Lụt, và Thần Lụt mới quan trọng, vì quê tôi như hòn đảo, xung quanh là các sông lớn, mùa mưa nước chảy rất dữ, có năm đứng trên đê có thể khỏa chân xuống dòng chảy được. Làng tôi lúc nào cũng âm âm tiếng trống từ trên đê vọng về và cứ đến mùa lũ là mất ăn mất ngủ, bởi nếu vỡ đê là chết hàng vài vạn người, nếu không có biện pháp gì đó rất có hiệu quả, ứng cứu. Những năm trước đó, tôi còn nghe có vụ lụt, chính Bác Hồ đã đi trên máy bay trực thăng xem đê Nam Sách có vững không? Ấy là chưa kể, nếu có bom Mỹ hủy diệt?
Chính vì lẽ đó mà tôi viết. Cuối phần I, tôi đã để cho Thần Lụt lấp ló xuất hiện. Là một chi tiết gài, một cánh cửa, mở ra câu chuyện khác ở phần sau. Thần Hạn và Thần Lụt gặp nhau trong bữa tiệc Nhà Trời. Hai Thần với tính cách khác nhau, nên rất ghét nhau. Vậy mà rồi có lúc, chúng lại cấu kết với nhau, chống phá con người. Sức mạnh của con người là nhờ Đất, mà ở đây tôi chọn biểu tượng là phù sa. Tôi đã sử dụng chi tiết này ở phần I, khi đoàn người cúi xuống gan bàn chân : "Lấy đất phù sa. Đỏ quánh. Xoa lên da. Da lạnh. Xoa lên áo quần. Áo quần lành ngay. Hồng tươi trong sắc lửa" ở phần II, khi đánh nhau với Thần Lụt, phù sa cũng che chở họ, bồi đắp thêm sức mạnh cho họ.
Thần Lụt biết được đặc điểm ấy, nên lão thường xối nước vào gan bàn chân cậu bé, khi mất phù sa, cậu bé ngã lộn từ lưng trời xuống, làm đổ nhào mấy dãy núi. Nhưng khi chạm vào đất, bàn chân dính phù sa, cậu lại bay lên với một sức mạnh phi thường. Cuộc chiến đấu rất cam go và quyết liệt để giành lấy chiến thắng. Tôi cũng đã viết phác xong phần II, chưa kịp chữa. Thế rồi, một vị khách qua nhà, mẹ tôi cho mượn đọc, rồi thất lạc và mất hẳn bản thảo, nên chỉ còn phần I là Trường ca Đi đánh Thần Hạn. Khi viết trường ca này, tôi có nghĩ đến sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bởi thế, khi kết thúc phần I của Trường ca, tôi đề ngày hoàn thành 19/8. Đó chính là ngày tôi viết xong phần I, cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thắng lợi.
Chữ Đi đánh Thần Hạn đăng trên báo Văn Nghệ là do nhà thơ Phạm Hổ đổi lên cho tôi. Sau này, tôi vẫn giữ cái tên ấy như một kỷ niệm đẹp với nhà thơ Phạm Hổ và báo Văn nghệ. Thoạt đầu, tôi lấy tên: Trường ca Giông bão, Phần một Đánh Thần Hạn. Bây giờ tôi xin nói về cái Trường ca đã bị các nhà “khoa học” hóa phép thành truyện dân gian Bạc Liêu kia.
Câu chuyện bắt đầu từ “Tết mồng Năm, tháng Năm - Ngọc Hoàng có giỗ - Thần Hạn sang – Ăn cỗ - Thần bay trên trăm ngọn đồi – Trên ngàn cánh rừng – Con suối – Trời cao lung linh gió thổi - Thần uống hết rượu hũ bảy hũ ba – Chị Gió khiêng vò – Cô Mây đỡ hũ – Ăn tiệc suốt chín tháng mười ngày – Thần say – Khép vòi vào cánh - Ngủ ba năm - Tỉnh dậy - Cổ bỏng như ngọn lửa nào thiêu cháy - Ngực cồn cào - Cái bụng khát, dài như con sào - Tóc loăn xoăn đỏ - Chân tóc cháy thành tia lửa - Các cô Mây - Chị Gió - Cổ đeo gùi nước về trời - Bụng Thần hoá chiếc thùng không đáy - Thần vơ từng gùi - Sục vòi - Hút chưa hết một hơi - Cạn nước - Cơn khát vẫn chưa đi - Thần bay ngang bay dọc - Cát mù - Bão thốc.” Và thế là cả một vùng tươi xanh trù phú hóa miền đất chết.
Và Thần Hạn càng điên khùng khi nhìn thấy đoàn người “Đi cạnh dòng khô, sông kiệt - Lửa sém thịt da - Nhưng đoàn người không chết”. Trong đoàn người ấy, có một cụ già và một bạn nhỏ. Sông kêu cứu: “Tôi sắp chết rồi - Con quỷ già hung ác - Nó hút hết máu tôi!”.  Núi đồi quằn quại: “Đuổi con quỷ dữ đi - Ơi các cô, các bác - Đầu tôi nóng lắm rồi - Lưng tôi đang thành cát... Họ đi - Suốt nơi này, nơi khác - Dòng sông - Đồi núi - Xóm làng - Không còn giọt nước - Làm thế nào bây giờ? - Cụ già quay lại hỏi - Chòm râu bạc phơ - Tóc trắng trên vầng trán hói - Da hồng phù sa - Mắt sáng hơn sao trên dải Ngân Hà - Đoàn người trầm ngâm, suy nghĩ - Lửa vẫn rát trên đầu - Thần Hạn cắm vòi - Xoáy đau lòng đất - Xoáy buốt thịt xương - Những người đã khuất - Nhưng lạ lùng - Tiếng ai to hơn giông bão - Mạnh hơn thác đổ giữa rừng -  Phải bẻ gẫy vòi Thần Hạn - Phải chặt đứt cánh nó đi! - Mọi người nhìn nhau bàng hoàng - Không biết ai vừa nói đấy - Hoá ra bạn Nhỏ chăn trâu - Tuổi chừng lên bảy - Đói mẹ, khát cha - Khi chưa biết chạy diều - Chưa biết thả con thuyền giấy - Da bạn sạm đen- Bốn mùa nắng cháy- Áo quần rách bươm - Chiếc liềm trễ bên sườn - Cụ già cười sang sảng - Giọng vang hơn tiếng cồng - Bay qua trăm ngọn núi - Bay qua nghìn con sông: - Đúng rồi, đúng rồi - Ta phải đánh - Góp bàn tay - Sẽ thành sức mạnh”.
Và rồi dưới “ngọn cờ” của cụ già, một lực lượng đông đảo đã được tập hợp: Mía, Dừa, Thông, Viên Sỏi đường làng, Cua… cùng trẻ già, trai gái. Tất cả lên lưng Cua, bay lên trời, chiến đấu với Thần Hạn. Cô Mây lắc đầu: “Nó có cái vòi ác lắm – Không đánh được đâu”. Chị Gió cũng ngần ngại: “Nó vẫy vùng đôi cánh – Không đánh được đâu”. Lúc ấy, tôi nhớ  cũng có người nói “Máy bay Mỹ vẫy vùng đôi cánh, Việt Nam không đánh được đâu”. Một cuộc chiến không cân sức. Rất cam go. Nhiều tình tiết bất ngờ, không thể lường trước. Nhưng rồi đã chiến thắng.
Thực tình khi viết tác phẩm này, hồi bấy giờ, tôi rất thích tuyển tập Trường ca Tây Nguyên. Thích cả những câu so sánh, đại loại "Ngôi nhà dài như một tiếng chiêng". Trong “Đi đánh Thần Hạn”, tôi ảnh hưởng không ít lối ví von, so sánh như thế. Cả cái cách gọi: "Ơi dân làng. Dân làng đi đâu đó?" cũng là cách gọi, cách nói của đồng bào Tây Nguyên.
Tôi xin lỗi bạn đọc vì câu chuyện dây cà dây muống, lại trích dẫn lằng nhằng quá dài. Cũng bởi một tác phẩm được viết hoàn toàn bằng sự tưởng tượng của cậu bé học sinh lớp 5, bỗng chốc lại thành truyện sáng tác của dân gian, mà cụ thể hơn là truyện dân gian của tỉnh Bạc Liêu, lại còn “lưu truyền ở các tỉnh phía Nam”. Nếu các nhà khoa học viết rằng, truyện này do tôi bịa ra, viết theo Type dân gian rồi được truyền tụng thành chuyện dân gian, như thơ Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải (nếu đúng được như thế) thì tôi xin ghi nhận rất biết ơn sự ưu ái của nhân dân. Nhưng đây lại không phải như vậy.
Tôi viết Trường ca này vào cuối năm 1969, đầu năm 1970, khi đó nước nhà chưa thống nhất, Bạc Liêu là vùng đất xa xôi cách trở ngàn trùng. Tuy thế, những giá trị tinh thần của nhân dân không xa. Nhiều truyện cổ tích Nam Bộ, Truyện cổ Cà Tu, Trường Ca Tây Nguyên, Truyện cổ Khơ me Nam Bộ đều được sưu tầm phổ biến trong các công trình đồ sộ của Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan… Trong các công trình ấy, không có “Đi đánh Thần Hạn”.
Bây giờ lục trong Google, cũng chỉ có duy nhất “Đi đánh Thần Hạn” là tác phẩm của tôi viết. Tác phẩm này đã tái bản rất nhiều lần. Nhà xuất bản Kim Đồng còn tách ra in riêng với số lượng lớn dành cho các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Nhạc sĩ Nguyễn Thành (tác giả Qua miền Tây Bắc) cũng đã phổ thành kịch hát. Họa sĩ Huy Chương cũng đã vẽ thành truyện tranh. Năm 1970, họa sĩ Trương Qua cũng muốn dựng phim hoạt họa và ông cũng đã vẽ tặng tôi một bức tranh minh họa rất đẹp.
Vậy bằng cớ đâu mà PGS - TS Nguyễn Thị Huế và các nhà khoa học đồng tác giả lại khẳng định trong một công trình khoa học rằng “Đi đánh Thần Hạn” là truyện dân gian Bạc Liêu? Xin bà và các cộng sự hãy đưa ra văn bản mà các vị lấy làm tư liệu nghiên cứu, là văn bản “Đi đánh Thần Hạn” đã được in ở Bạc Liêu trước năm 1970, là năm tôi công bố tác phẩm này?
Trong bếp núc sáng tạo, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thường chỉ ở một vài chi tiết, chứ không thể toàn vẹn nội dung cùng tất cả mọi tình tiết: “Sỏi làm đạn. Cây thông làm mũi tên. Cây dừa làm kiếm. Cây mía làm dao, mác. Cua xin làm ngựa. Đạn sỏi bắn mù mắt thần hạn hán, nước mắt thần chảy thành cơn mưa, máu thần thành bảy sắc cầu vồng”, rồi trùng lặp chính xác đến cả từng con chữ “Mũi khạc thành sấm”.
Nguyên bản của tôi: “Mũi khẹc thành sấm – Chuyển động trời ngoài trời trong”. Mũi “khẹc” chứ sao lại “khạc” được. Chỉ có miệng mới khạc. Thơ Tú Xương: “Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào”. Lá thông làm mũi tên. Lá dừa làm kiếm. Lá mía làm dao, mác. Chất liệu trong tác phẩm của tôi là thế. Chứ “cây” dừa, “cây” mía, “cây” thông làm sao thành kiếm thành tên được. Xem ra câu chữ của các nhà khoa học cũng lởm khởm lắm mà lại chẳng khoa học tí nào.
Thực ra, những chuyện cẩu thả như thế này trong các công trình được gọi là khoa học, cứ dựng lên để vét tiền dân vẫn diễn ra như cơm bữa, chán đến mức chẳng còn muốn nói nữa. Nhưng ở đây nó lại liên quan đến một tác phẩm của tôi, một tác phẩm đã in đi in lại nhiều lần và nhiều người cũng đã biết nên tôi buộc lòng phải lên tiếng, kẻo rồi có bạn đọc lại hiểu lầm, lại tưởng là lão Khoa đã đạo văn, mà đạo văn từ khi mới nứt mắt.
Một công trình khoa học, một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả đến như thế thì liệu công trình ấy có tin cậy được không?/.
Trần Đăng Khoa
(VOV)

Phạm Đình Trọng - Vì chủ nghĩa xã hội


Hội Nhà Văn Việt Nam có tờ tuần báo Văn Nghệ. Hội làm báo, Hội lại xin tiền từ ngân sách Nhà nước mua báo gửi cho hội viên. Vì thế từ nhiều năm nay, hằng tuần tôi đều đặn nhận được một tờ báo Văn Nghệ, hằng tháng tôi đều nhận được các ấn phẩn khác của hội Nhà Văn Việt Nam như tạp chí Thơ, tạp chí Nhà Văn… gửi từ Hà Nội vào Sài Gòn theo đường bưu điện. Đúng là chỉ có Chủ nghĩa Xã hội mới có sự “ưu việt” đó. Vì Chủ nghĩa Xã hội “ưu việt” như vậy nên báo Văn Nghệ từ mấy chục năm nay đã đưa lên trên cùng manchette của báo hàng chữ đậm: Vì Tổ quốc. Vì Chủ Nghĩa Xã hội!
Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ ở ngay chính quê hương người khai sinh ra lí thuyết Chủ nghĩa Xã hội, nước Cộng hòa Dân chủ Đức.
Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ ở ngay chính quê hương của cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, sụp đổ ở ngay trung tâm, ở ngay thành trì bền vững nhất của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa thế giới, thành trì Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết.
Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ dây chuyền cả một chuỗi các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, sụp đổ ở những nước Xã hội Chủ nghĩa giầu có nhất, khá giả nhất.
Chủ nghĩa Xã hội sụp đổ trên phạm vi thế giới vì Chủ nghĩa Xã hội là nỗi thống khổ của người dân ở những nơi nó thống trị. Chủ nghĩa Xã hội thực sự là thảm họa của loài người trong suốt thế kỉ hai mươi cách mạng và chiến tranh, thanh trừng và đấu tố, máu và nước mắt.
Ở Việt Nam, Chủ nghĩa Xã hội là cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, cuộc nội chiến Nam – Bắc nồi da xáo thịt giết hại nhiều triệu người Việt Nam, chia trận tuyến ý thức hệ trong từng gia đình, gây li tán sâu sắc cả dân tộc Việt Nam.
Chủ nghĩa Xã hội là những thảm họa kinh hoàng, khủng khiếp: Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, Nhân văn Giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, bắn giết, tù đày không thời hạn, không xét xử, không bản án hàng triệu người Việt Nam lương thiện.
Chủ nghĩa Xã hội là cuộc chạy trốn bi thảm tìm cái sống trong cái chết của người dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỉ qua. Hơn triệu người dân miền Bắc cuống cuồng rời bỏ quê hương tháo chạy vào miền Nam năm 1954. Hơn ba triệu người cả miền Nam miền Bắc ồ ạt rời bỏ đất nước tháo chạy ra biển sau năm 1975. Hơn nửa triệu người bỏ xác dưới đáy biển. Gần ba triệu người thành dân tị nạn trôi dạt khắp thế giới. Cuộc trốn chạy Chủ nghĩa Xã hội của người dân Việt Nam còn đang âm thầm diễn ra đến nay vẫn chưa kết thúc. Tòa án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa xử tù những người làm việc trên con tàu đánh cá đã tổ chức đưa nhiều người trốn sang nước Úc. Đấy chỉ là chuyến đi bất hạnh không thoát rất ít ỏi trong số nhiều chuyến tàu đưa người chạy trốn trot lọt.
Chủ nghĩa Xã hội là quyền lực Nhà nước mặc sức tham nhũng và ức hiếp dân. Chủ nghĩa Xã hội là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa không cần tồn tại bằng lá phiếu của người dân mà tồn tại bằng bạo lực chuyên chính vô sản và công an, công cụ bạo lực của Nhà nước, công thần bảo đảm sự tồn tại của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa trở thành hung thần với người dân, công an đánh chết dân thường xuyên diễn ra trên khắp đất nước.
Chủ nghĩa Xã hội là những điều luật hình sự 79, 88, 258 vi Hiến, mơ hồ, mở rộng giới hạn phạm tội đến vô cùng tạo cớ cho Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa được quyền bắt bất cứ người dân nào Nhà nước muốn bắt. Hàng loạt công dân ngoại hạng là những công dân có tiếng tăm mà tên tuổi đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. . . chỉ vì bộc lộ chính kiến khác biệt với chính thống mà phải nhận những bản án tù nặng nề, không còn được coi là con người trong những nhà tù Cộng sản khắc nghiệt. Vì những điều luật mơ hồ, vi Hiến đó mà gần 90 triệu người dân Việt Nam đều là những người tù dự bị và cuộc sống của người dân không được pháp luật bảo vệ trở nên bất an, ngột ngạt.
Mọi người dân Việt Nam đều biết Chủ nghĩa Xã hội ghệ sợ, khủng khiếp như thế nào. Nhà văn thực sự phải là người biết đau nỗi đau của dân, có trách nhiệm với thăng trầm vận nước càng phải biết rõ Chủ nghĩa Xã hội là như thế nào. Vậy mà tờ báo của hội Nhà Văn Việt Nam lại nêu lí tưởng thẩm mĩ để hướng tới: Vì Chủ nghĩa Xã hội!
Tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội! Hội Nhà Văn Vì Chủ nghĩa Xã hội!
Báo chí của Nhà nước Cộng sản Việt Nam rậm rịt như cánh rừng nhiệt đới. Trong cánh rừng đó chỉ có báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam là trương cái slogan Vì Chủ nghĩa Xã hội. Hơn 700 tờ báo còn lại tuy không có slogan Vì Chủ nghĩa Xã hội nhưng đều là những tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội của những tổ chức Vì Chủ nghĩa Xã hội trong Nhà nước Vì Chủ nghĩa Xã hội.
Những tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội. Những tổ chức Vì Chủ nghĩa Xã hội. Nhà nước Vì Chủ nghĩa Xã hội. Và người dân Việt Nam nạn nhân của Chủ nghĩa Xã hội vẫn phải âm thầm lặng lẽ rời bỏ đất nước ra đi thành dân tị nạn trôi dạt khắp chân trời góc biển!
Phạm Đình Trọng
23-07-2013
 

"Dị nhân tóc rồng" chữa bệnh vô sinh... qua đêm

(đúng là thời mạt, yêu ma quỷ quái xuất hiện khắp nơi, mọi chỗ, từ cao xuống thấp, từ đáy đến đỉnh, thua...)

"Có nữ bệnh nhân từng chữa bệnh qua đêm ở nhà ông này, sáng chạy ra khóc thút thít rồi đi về trong những giọt nước mắt", bà Nguyễn Thị H, người dân thôn Duệ Đông thật thà cho biết.
Muốn chữa khỏi bệnh thì phải xem bói

Do có tính lập dị khác người nên dù có đến năm bà vợ, cuối đời “dị nhân tóc rồng” vẫn sống cô độc trong căn nhà “chị Dậu” thuộc thôn Duệ Đông (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh). 
 
Để có tiền trang trải cho những sinh hoạt thường nhật, “dị nhân” quay đủ nghề để kiếm sống. Từ việc cho người khác chụp ảnh cùng mái tóc rồng siêu dị của mình, “dị nhân” còn "phát lộ" nhiều nghề khác như xem bói, đặc biệt là “dị nhân” còn tự phong mình là “thần y” có khả năng chữa bách bệnh, kể cả đó là bệnh ung thư. Theo “dị nhân tóc rồng”, những khả năng trên chỉ Phật mới có thể làm được, và lão là “Phật sống” đương nhiên có thể làm nhiều việc mà người phàm trần không thể làm được.
 
Trong vai cặp vợ chồng hiếm muộn cần chữa bệnh vô sinh để có đứa con cầu tự, tôi và người đồng nghiệp nữ đã tìm đến nhà “dị nhân tóc rồng”. Trong căn nhà cũ kỹ, xác xơ như căn nhà bỏ hoang, lão “dị nhân” lập một chiếc điện nhỏ, dán vải đỏ, dưới đó là chiếc sập cũ nát, nơi lão hàng ngày giở sách "kinh Phật" để xem bói toán cho khách. Ở chính diện ngôi nhà, lão trưng bày rất nhiều bức ảnh của chính lão mà lão vẫn tự hào khoe rằng: “Bức ảnh này phải làm rất kỳ công, mình là Phật sống giáng trần, phải có những tấm hình để đời sau ghi nhớ, truyền tụng”.

Lão "dị nhân tóc rồng" xem bói từ những cuốn "kinh Phật".
 
Khi biết có khách tìm đến để chữa vô sinh, lão “dị nhân tóc rồng” rất hồ hởi: “Tìm đến tôi là tìm đến đúng địa chỉ, chết đuối vớ được cọc. Bởi trên đời chỉ có tôi mới tu thành chính quả, mới là Phật. “Phật mà chữa thì cứ yên tâm”. Nói rồi, lão mời "vợ chồng" PV ngồi xuống chiếc giường dưới tấm vải màu đỏ, bên cạnh cái bàn nhỏ mà lão thắp bóng điện mờ mờ. Sau khi khách tọa lạc, lão lôi đủ các loại sách chất lên mặt bàn nào là đông y kim cổ, sách thiên văn địa lý, một số quyển kinh Phật.

Lão vừa lật giở từng cuốn sách vừa nói với khách: “Muốn chữa được bệnh thì phải xem mình có duyên không đã. Muốn vậy phải để tôi xem bói toán để thấy kiếp trước có gây nên nghiệp chướng gì không?". Sau khi hỏi han ngày tháng năm sinh (ngày tháng năm sinh PV khai với lão là đúng với bản gốc giấy khai sinh) “dị nhân tóc rồng” nhìn mặt "cặp vợ chồng hiếm muốn" một lượt rồi cho biết: “Kiếp trước gây nên nhiều nghiệp chướng, khó có duyên với Phật, nên con đường con cái là rất khó. Nếu không đến với tôi, thì chắc chắn anh sẽ vô sinh cả đời, già chết trong cô đơn, không nơi dựa dẫm”.

Phán xong lão quay lại nhìn chúng tôi: “Tôi nói thế là đúng trăm phần trăm, vì tôi nói là “Phật nói”, mà “Phật nói thì cấm có sai”. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm trước khi lão “dị nhân” xem bói, PV đã có con tròn 3 tháng tuổi.

Trong thời gian chúng tôi có mặt tại nhà “dị nhân tóc rồng”, không ít người ở các địa phương khác đến xem bói, và ai lão dị nhân cũng giở từng trang sách trong cuốn "kinh Phật" rồi phán đủ các kiểu. Mỗi khi phán xong, lão đều thêm câu giống nhau “Tôi là Phật mà Phật nói thì cấm có sai”. Tuy nhiên, trong số đó không ít người thắc mắc bởi những thông tin lão "dị nhân nói đều sai sự thật". Có người vì bực tức chuyện lão ba hoa đã thẳng thừng phản bác rồi tức tốc ra về, không thèm quay đầu lại.

Mỗi lúc có người như thế, lão “dị nhân tóc rồng” đều lắc đầu “cãi lại Phật kiểu gì cũng gặp họa cho mà xem” để trấn an, hoặc cảnh cáo những người còn ở lại.

Bóc mẽ chiêu trò chữa bách bệnh của “dị nhân tóc rồng”

Sau khi xem quẻ bói cho chúng tôi, lão “dị nhân tóc rồng” phán: “Hai đứa nghiệp chướng rất nặng, đúng ra là không có con. Tuy nhiên, tôi đã hóa giải hết mọi nghiệp chướng rồi. Bây giờ muốn có con thì phải làm theo điều tôi nói: “Muốn chữa bệnh thì phải thành Phật, phải tu luyện, và hiến mình cho Phật”. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, lão “dị nhân” giải thích: “Hai vợ chồng không có con, nghiệp chướng lớn nhất là ở người vợ. Nghiệp chướng nặng dẫn đến đau lưng, kinh nguyệt không đều, vô sinh là đúng. Muốn chữa được bệnh thì phải tháo bỏ nghiệp chướng, có nghĩa là phải trở thành đệ tử của người nhà Phật như tôi”.

Giảng giải "kinh Phật" một thôi một hồi, lão dị nhân nhìn thẳng và nói: "Muốn chữa khỏi bệnh vô sinh nhanh nhất, đơn giản nhất, ngoài việc uống thuốc do tôi cấp, phải hiến thân cho Phật, hiến thân cho Phật nghĩa là phải hiến mình cho tôi, vì tôi là Phật”.

Để thuyết phục chúng tôi, lão “dị nhân tóc rồng” khoe thành tích: “Tôi đã chữa trị cho một số phụ nữ vô sinh cũng bằng phương pháp ấy và có hiệu quả rất tốt. Nói rồi, lão “dị nhân” quay lại cô đồng nghiệp (trong vai người vợ) nói: “Nếu muốn nhanh có con thì về đây mấy hôm, hiến mình cho Phật thì sẽ thành công”.

Nhận thấy phương pháp chữa bệnh có phần kỳ quái của lão “dị nhân tóc rồng”, chúng tôi mượn lý do về suy nghĩ lại rồi sẽ đến nhờ cậy “Phật giúp”, lão “dị nhân” gật đầu đồng ý và không quên giới thiệu một vài bài thuốc chữa vô sinh mà lão coi đó là bí quyết chỉ riêng lão mới có được: “Lấy gừng đập dập, rồi pha vào rượu trắng, cùng lá thuốc mà tôi cung cấp, cứ uống trước đi, khi nào muốn có hiệu quả nhanh thì tìm đến tôi”. Lão còn không quên quảng cáo biệt tài chữa bách bệnh của mình: “Tôi không chỉ chữa vô sinh, mà chữa bách bệnh, trong đó có cả các loại bệnh ung thư”.
 
"Dị nhân" Nguyễn Văn Long cho biết: "Muốn chữa bệnh vô sinh , phụ nữ phải hiến mình cho Phật". 
Nói về việc lão “dị nhân tóc rồng” Nguyễn Văn Long có biệt tài chữa bách bệnh, người dân địa phương đều cười ồ lên. Họ cho biết, chỉ có người địa phương khác mới tìm đến lão để chữa bệnh. Chứ “lão dị nhân tóc rồng” tâm lý bất thường, có vấn đề về đầu óc, làm gì có khả năng chữa bách bệnh.

“Thời gian gần đây rất nhiều người bệnh tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Long để nhờ ông này chữa bệnh. Khi họ hỏi người dân chúng tôi, chúng tôi cũng đều nói sự thật. Có người tin chúng tôi nên bỏ về, nhưng cũng có nhiều người không tin nên vẫn tìm đến. Thực chất chiêu trò chữa bệnh của lão Long chủ yếu là để dụ dỗ bệnh nhân nữ qua đêm với ông ấy để thỏa mãn thú tính, chứ ông này làm gì có tài năng gì mà chữa bệnh. Chả thế mà có nữ bệnh nhân từng chữa bệnh qua đêm ở nhà ông này, sáng chạy ra khóc thút thít rồi đi về trong những giọt nước mắt. Có trời mà biết nếu bệnh nhân nữ đồng ý ở lại, ông ấy sẽ làm những trò gì”, bà Nguyễn Thị H, người dân thôn Duệ Đông thật thà cho biết.

Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Trương Phương Lan, Phó trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, ông Nguyễn Văn Long không có kiến thức về y học, mắc bệnh hoang tưởng về khả năng của bản thân, nên đi đâu ông cũng rêu rao là mình chữa bách bệnh. Nhưng không hiểu sao, người ở các địa phương khác tìm đến ngày càng đông do họ bị mắc lừa bởi những lời nói từ ông lão có mái tóc kỳ lạ này.
 
Năm 2012, một bệnh nhân ở Thị trấn Lim bị ung thư gan, đi tận Trung Quốc chữa không khỏi. Về nhà, gia đình đưa bệnh nhân đến nhà ông Nguyễn Văn Long. Ông Long chữa bệnh bằng phương pháp rất phản y học như bắt cóc, mổ ra rồi để lên người bệnh nhân. Nào ngờ chỗ ông Long để con cóc vài hôm sau nhiễm trùng, lở loét, người nhà lại mang bệnh nhân lên Trạm y tế thị trấn Lim để sơ cứu chỗ nhiễm trùng trên. 
 
"Vì thế các bệnh nhân khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám chữa, đừng đến những người mắc bệnh hoang tưởng như ông Long để chữa trị, kẻo rồi rước họa vào thân", bà Trương Phương Lan cảnh báo.
 
Hải Ninh
  (Kiến thức)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét